Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         Tác giả  ]


 
Một người có số phận khá kỳ lạ :

Tả Quân Lê Văn Duyệt
___________

Bùi Thụy Đào Nguyên

Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông... (Crawfurd)
 
I. Thân thế & sự nghiệp

Lê Văn Duyệt (LVD) sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh vàm Trà Lọt, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Ngãi đi vào Nam sinh sống. Sau khi ông Hiếu qua đời , cha LVD là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào... rời Trà Lọt đến ở tại vùng Rạch Gầm, thuộc làng Long Hưng tỉnh Tiền Giang ngày nay.

Ông sinh ra đã mang tật kín bẩm sinh (ái nam ái nữ). Thuở nhỏ ít chịu học hành mà chỉ thích bắt chim, đánh cá, nhất là việc nuôi gà, đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. (Sau này, ông còn là người rất mê xem đấu hổ, đấu voi. Ngoài ra ông cũng là người sành thưởng thức hát bội và thường tự tay cầm chầu)

Tương truyền ông khỏe mạnh, thông minh, giỏi võ thuật, tuy không học nhiều, nhưng biết nhiều tuồng tích Tàu . Vì thế, ông luôn ước ao trở thành hào kiệt như trong truyện xưa miêu tả; mới 15 tuổi, LVD đã nói "sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu. "

Năm LVD lên 17 tuổi, một cơ may đến với ông là, đêm hôm đó chúa Nguyễn Phúc Ánh (NPA)  bị quân nhà Tây Sơn đuổi gấp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của đối phương không đuổi kịp.

Tưởng vậy đã yên, nào ngờ khi vừa đến vàm Trà Lọt thì thuyền chở chúa  bị sóng lớn làm cho suýt chìm. LVD xuất hiện đúng lúc, cứu NPA thoát nạn. Biết là gặp dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, cho tất cả tạm trú ở đây, nhân đó ông được NPA tuyển dụng làm thái giám .

Ít lâu sau, LVD được phong làm cai cơ trông coi nội binh. Từ năm 1789 ông bắt đầu đứng vào hàng tướng lãnh của chúa Nguyễn. Năm 1793, LVD  cùng với  NPA đi đánh Qui Nhơn, lấy được phủ Diên Khánh và phủ Bình Khương.

Tháng 1 năm 1801 ông cùng chúa và các tướng lãnh khác như Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại (trận Thị Nại), khiến quân Tây Sơn thua to.

Tháng 4 NPA đem thủy quân ra Đà Nẵng. Đến tháng 5 vào cửa Tư Dung, Lê Văn Duyệt phá được quân Tây Sơn, bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách rồi vào cửa Eo. Vua Cảnh Thịnh  mang quân ra giữ cửa Eo nhưng thua phải chạy ra Bắc.

Ngày 3 tháng 5, NPA đem binh vào thành Phú Xuân.  Tháng 5 năm 1802  chúa Nguyễn lên ngôi, chọn đế hiệu: Gia Long. Vua phong ông là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân, lệnh cùng với Lê Chất mang quân  thâu phục Bắc Hà. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn thì xong việc.

Nhiều công lao lớn nên LVD được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu) nơi biên thùy, nên sau này ông không chịu lạy vua Minh Mạng (MM) và đã giết Huỳnh Công Lý, cha một quí phi của ông vua này, vì tội tham nhũng.

Và, ông còn là người được vua Gia Long triệu vào cung hỏi ý kiến về việc chọn ngôi Thái tử. ). Tuy vua không nghe lời ông chọn con của Đông Cung Cảnh nối ngôi, thay vì hoàng tử Đảm (là vua Minh Mạng sau này), nhưng ông vẫn phò tá cho đến hết đời, mặc dù lòng không kính phục ông vua trẻ. Ngược lại, MM cũng không ưa gì ông nhưng vẫn phải dùng đến.

Năm 1823 ông được MM ân thưởng ngọc đái với lời dụ: "Từ xưa hoàng tử, chư công chưa ai được ân tứ ngọc đái này , nay khanh đã nhiều công lao nên đặc biệt ân tứ vậy. "

Tả Quân LVD làm Tổng Trấn thành Gia Định hai thời kỳ:

Từ 1813 đến 1816 :Ông lãnh chức tổng trấn thành Gia Định, kiêm trông coi luôn cả Bình Thuận và Hà Tiên. Đến năm 1816 ông được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái Tử.

Lần thứ nhì từ năm 1820 cho đến khi mất(1832)

Tả quân lúc bấy giờ rất uy quyền, lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Thượng Công. Đương thời, các nước lân cận đều sợ oai phong của ông nên ông còn có biệt danh khác là Cọp Gấm Đồng Nai, một trong ngũ hổ tướng (bốn người còn lại là Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn,  Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu).

LVD đã thành lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung và "Giáo dưỡng" để cho những trẻ khác và quả phụ học văn chương, nghề nghiệp.

Thành Phiên An (tức thành Gia Định) do ông cho xây đắp thêm, đến năm 1830 thì xong. Thành được xây bằng đá ong, thành cao, rộng nên khi Lê Văn Khôi, con nuôi của ông, khởi loạn chiếm thành, quân triều đình vây đánh 3 năm mới hạ được.

Tả quân  lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi.

Miếu mộ của ông được xây cất tại Bình Hòa Xã (Gia Định), nơi người dân Đồng Nai kính cẩn gọi là "Lăng Ông" hay đền thờ Đức Thượng Công, còn các tộc người Hoa tôn xưng đền là "Phò Mã Da Da Miếu. "
 

II. Tài trị an & cầm binh của Tả Quân

Ông là người có khả năng về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao; là một vị quan cai trị nghiêm khắc, thanh liêm. Dù quyền hành lớn, ông không hề hiếp đáp kẻ dưới, hoặc tìm mọi cách để tư túi riêng. Nhiều lúc LVD còn bỏ tiền của mình để làm việc hữu ích chung. Quân lính của ông rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc ...

Một khi được triều đình cử đi dẹp loạn ở nơi nào, LVD  cho điều tra kỹ để biết rõ nguyên nhân tại sao dân nỗi loạn. Nếu biết chắc do đám quan lại sở tại tham nhũng, bức hiếp làm cho dân chúng quá khổ sở, thì ngài thẳng tay trừng trị bọn tham quan trước, rồi mới kêu gọi những kẻ làm loạn trở về đầu thú. Nhờ chính sách sáng suốt, khoan dung đó nên LVD  đã vỗ yên ở nhiều nơi nhanh chóng, mà không tốn kém nhiều tiền bạc và nhân mạng.

Dẫn chứng như  việc chiêu dụ Mọi Vách Đá vào những năm 1807 và 1808. Trong chiến dịch này ông đã cho xử trảm chưởng cơ Lê Quốc Huy, một tên đại tham nhũng. Năm 1819 Ngài được cử đi kinh lược hai trấn Thanh, Nghệ. Ở đây LVD cũng thẳng tay trừng trị nhiều quan lại tham ô. Đặc biệt, ông cho lập ra ba đội lính "Hồi Lương" (An Thuận, Thanh Thuận, và Bắc Thuận) gồm những thành phần nổi loạn chịu qui phục ...

Và ta cũng không thể nào quên một việc làm nổi tiếng nhất của ông. Đó chính là việc xử tử Huỳnh Công Lý (HCL), phó tổng trấn Gia Định, người thuộc cấp và cùng nhiệm sở với mình.

Nên biết HCL là cha của một bà thứ phi rất được vua Minh Mạng sủng ái. Ỷ thế cha vợ vua, viên quan lớn này vơ vét tài sản của dân nghèo, hà hiếp kẻ yếu, hối lộ thật trắng trợn... . Tiếng kêu ca thấu đến tai LVD, ông liền ngầm sai người điều tra tận gốc. Và sau khi thu thập đủ bằng chứng; một mặt, ông dâng sớ lên triều đình hài rõ tội trạng, mặt khác, LVD dùng quyền "tiền trảm hậu tấu" được Gia Long ban cho từ trước để  ra lệnh chém đầu ngay, vì ông biết rõ nếu chấp hành lệnh giải tội phạm về kinh thì sớm muộn gì nhà vua cũng chỉ "giơ cao đánh khẽ" hoặc chỉ "xử lý nội bộ"!

Ngoài đức tính thanh liêm ra, ông còn có cái dũng của bậc trượng phu.

Nghĩa là ông không hề e ngại hay né tránh bất kỳ vụ việc gì, miễn là nó làm lợi cho dân cho nước. Trường hợp vừa kể trên là một thí dụ.

Và đã hai lần nhà vua cử người vào Nam giữ chức vụ quan trọng, đều bị ông từ chối tiếp nhận. Vì LVD biết những người này chỉ là những kẻ tham lam, chẳng thi thố được gì ngoài cái tài bòn rút. Một trong những người đó là Bạch Xuân Nguyên, mà sau này sẽ là đầu mối cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, con nuôi ông.

Riêng chánh sách "cấm đạo" của nhà Nguyễn, Tả quân làm cho lấy có. Bởi ông sớm nhận thức rằng việc cấm đạo, bắt bớ giết chốc các nhà truyền giáo, các giáo dân, bế môn tỏa cảng không cho người Tây phương vào mua bán, là một chính sách hết sức sai lầm.

Vậy cho nên, Minh Mạng không thể nào ưa Tả quân cho được. Nhưng vì uy thế, vì quyền hạn cùng binh mã của ông còn lớn quá, nhiều quá nên nhà vua chưa thể ra tay.

Mãi đến khi ông mất, Minh Mạng mới lệnh cho triều thần tra xét lại những chuyện làm cũ của ông, hài ra 7 tội đáng trảm, 2 tội đáng giảo ... để rồi vua cho tịch thu tài sản, ruộng đất, bắt giam tất cả người nhà của ông.

Đâu hết, kể từ đó mộ Tả quân bị nhà vua lệnh cho người xiềng xích và còn dựng lên trên một tấm bia ghi : "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ (đây là nơi tên yêm hoạn LVD chịu phép nước ). Mấy chục năm sau, dưới đời Tự Đức, mới xóa tội, phục hồi lại danh dự cho ông.
 

III. Trích vài nhận xét để ghi nhận công lao to lớn của Tả Quân

Chỉ nói riêng ở vùng đất phía Nam thôi, công lao của LVD thật vô cùng to tát.

Đó là công khai hoang, lập ấp; làm cho một vùng rừng rậm, đầm lầy ... trở nên trù phú với một nền an ninh vững chắc, bởi chiến lược bảo vệ và phòng thủ phía Nam và phía Tây rất hữu hiệu của ông.

Việc đáng kể nữa mà người hôm nay ít ai nhắc tới: Tả quân cũng là người có công lớn trong việc đào kinh Vĩnh Tế tại Châu Đốc, An Giang. Bởi nếu không có ông giỏi huy động một lúc 55000 ngàn dân phu Việt lẫn Khơ-me đến trợ giúp Thoại Ngọc Hầu từ năm 1822-1824, thì dù Minh Mạng có nóng ruột đến đâu đi nữa bởi công việc bị trì trệ, thì kênh cũng không sao hoàn thành sớm như bụng vua ước mong.

Quả thật vậy, dưới thời ông làm Tổng trấn, đất miền Nam thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, kinh tế phát đạt. Đặc biệt ông có cách ứng xử khéo léo, khá rộng rãi đối với người phương Tây đến mua bán; ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho dân Hoa kiều nhập cư vào đất Gia Định để họ phát triển việc thương mại...

Phan Thanh Giản, cũng là một vị quan chính trực, thanh liêm thời bấy giờ, đã phải thốt lên lời khen ngợi :

"Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt... .

Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui, trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố.

Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách. "

Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến ngài tổng trấn. Trong dịp này Crawfurd thú nhận:

 "Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng."

 Sau đó ông còn ghi lại trong quyển nhật ký của ông về những sinh hoạt của thành phố Sài Gòn lúc đó và tiếng tăm của ngài tổng trấn như sau:

"Thành phố Saigun không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun độ 3 dặm. Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm.

Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm.

Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ Tổng Trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.

Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng Trấn của họ.

Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông. " ...

Trích "Nhật Ký Hành Trình" của John White ,London 1824, tr. 236 , nói về lần hội kiến với LVD như sau :Tổng đốc Sài gòn nghe lời người ta nói là một hoạn quan. Trông hình dáng của ông đã chứng minh khá rõ  tiếng đồn này. Ông ấy khoảng 50 tuổi , có cái nhìn thông minh. Ông có vẻ hoạt động mạnh về thể chất & tinh thần. Gương mặt tròn , nhẳn , không râu. Riêng giọng nói rất chát tai , giống tiếng đàn bà. Còn y phục của ông ta giản dị giống như y phục của người nghèo ...
 

IV. Tả quân với 2 trọng án thời nhà nguyễn

Soạn phần này, tôi không nhằm mà cũng không thể bôi xấu, bôi lem một nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao và đã được nhân dân hết sức tôn kính, yêu mến

Chẳng qua, từ những vụ việc sẽ kể sau, tôi muốn soi rọi, biết đâu sẽ hiểuthêm phần nào góc cạnh của một con người; đồng thời qua nó, chúng ta hình dung được phần nào sức mạnh của Quyền lực, của Vàng son... để rồi sẽ thận trọng hơn trên mỗi bước đi của mình...

Trong dân gian râm ran truyền miệng rằng vào những ngày cuối đời, lúc thần hồn đã dần mê muội, miệng LVD thường nhắc đến tên 2 người: Nguyễn Văn Thành & Tống thị, chừng như trong ông vẫn còn day dứt về cái chết của 2 người này.

Dựa theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, xin lần lượt kể sơ qua cả 2 vụ việc:

4. 1 Với vụ án Nguyễn Văn thành

Vào năm 1799, Nguyễn Văn Thành được làm Tiết chế, chỉ huy trận đánh vào thành Quy Nhơn do quân Tây Sơn đang nắm giữ.

Sách trên ghi: " Thành cùng Duyệt, cắm cờ trên bành voi để chỉ huy các tướng Tính Thành thích uống rượu. Lúc sắp vào trận, Thành lấy be rót uống, nhân thể rót mời Duyệt. Duyệt không uống, Thành nói: "Hôm nay trời rét, uống rượu cho thêm khí lực. Duyệt cười mà nói rằng: " Người nào nhút nhát mới phải mượn rượu để tăng khí lực. Trước mắt ta, nào có ai đáng mặt giỏi trận mạc để cùng đối địch, vậy cần gì phải dùng đến rượu?"

Thành nghe vậy thì thẹn và cũng kể từ đó, bắt đầu để bụng nuôi giận đối với Duyệt... "

Theo sách Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe,nguyên Đổng lývăn phòng của vua Bảo Đại, do có điều kiện tiếp xúc với nhiều sử liệu trong cung, nên ông đã kể lại chuyện như sau:

"Thành cậy mình nhiều tuổi, văn võ song toàn nên thường tỏ ra xem thường Duyệt, vì Duyệt vốn là một hoạn hoan, lại thiếu học. Còn Duyệt thì cho rằng Thành, nơi chiến trường kém dũng mãnh mà hay lên mặt đàn anh, nên trong thâm tâm rất ghét Thành... "

Ông Phạm Khắc Hòe còn kể thêm, tuy họ ghét nhau nhưng vì Gia Long khéo dàn xếp nên hai "mãnh hổ" tạm sống chung rừng.

Mãi đến cuối năm 1815, Nguyễn Văn Tuyên, con Thành có làm bài thơ gửi cho bạn với lời lẽ hơi ngông cuồng, ý nghĩa khá mù mờ, trích 2 câu cuối:

"Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay đỗi hội cơ này"

Không ngờ có người đầy tớ tên Hiệu lấy đưa cho Nguyễn Hữu Nghi xem, Hữu Nghi vốn có thù oán với Thành bèn xui tên Hiệu đi tố cáo với Duyệt.

Nhân cơ hội để ra đòn hiểm, Duyệt liền đem dâng lên vua với lời cáo buộc thơ có ý "mưu phản" để bắt giam Tuyên, rồi ngầm ra lệnh tra tấn phạm nhân rất dữ, nên con Thành đành nhận mình có ý đồ mưu phản... .

Thế là những phe cánh của Duyệt hùa nhau tố cáo loạn xị, khiến Thành phải chạy theo níu áo Gia Long kêu khóc: " Thần theo Bệ hạ từ nhỏ đến nay không có tôi gì, lẽ nào Bệ hạ ngồi yên để cho họ bày chuyện hại thần".

Nhà vua rứt áo bỏ đi, ra lệnh cấm không cho Thành vào chầu nữa...

Rồi Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử và các con ông này tuy được Gia Long tha cho, nhưng đến khi Minh Mạng lên ngôi thì đều bị ghép vào án chết !...

4. 2 Với vụ án Tống thị Quyên

Năm Minh Mạng thứ năm (1824),có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị, vợ Thái tử Cảnh.

Lê văn Duyệt đem vụ việc này tâu lên rồi cũng chính ông được lệnh bắt Tống thị dìm nước cho chết , còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín & dây thao , đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân , con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất ...

Đây thực sự là một bi kịch không nhỏ ở chốn cung đình nhà Nguyễn.

Tuy không có bằng chứng nhưng qua cách hành xử của vua Minh Mạng (con dòng thứ) đối với dòng chánh, đáng lẽ ra họ phải được nối ngôi, thì mới thấy nhà vua đã tìm mọi cách để triệt hạ, trù dập con cháu Hoàng tử Cảnh như thế nào.

Xin trích theo sử nhà Nguyễn:

Năm Minh Mạng thứ bảy (1826) , Mỹ Thùy lại bị quân lính ở đạo Dực Chẩn kiện , sắp bị đưa cho đình thần nghị tội thì Mỹ Thùy bị bệnh mà mất , lúc ấy chưa có con cái gì. Vua cho lấy con trưởng của Mỹ Đường là Lệ Chung , tập phong làm Ứng Hòa Hầu để lo việc phụng thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử (tức Hoàng tử Cảnh ) ...

Tưởng bi kịch đến đó là hết, nào dè đến năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vì sợ con cái của Lệ Chung nhờ cha mà hưởng phúc ấm , nên triều thần lại tiếp tục nghị tội , buộc con trai con gái của Lệ Chung là Lệ Ngân , Thị Văn, Thị Dao đều phải giáng làm thứ nhân .

Mãi đến năm Tự Đức thứ hai (1848), khi Mỹ Đường bị bệnh mất, dòng dõi của Hoàng tử Cảnh mới tạm yên ở phận dân thường

Người soạn lạm bàn

Qua nội dung hai vụ án trên, tôi thật sự băn khoăn vì sao một con người chánh trực, hết lòng ủng hộ dòng chánh; thế mà một hôm nghe ai đó tố cáo, rồi vội vàng tâu vua, người mà trong thâm tâm ông không hề ưa.

Để rồi chẳng có một cuộc điều tra hoặc một phiên xét xử nào, ông dễ dàng nhận lệnh, vội vàng "dìm" chết đi một con người; phải chăng cũng tức là ông đoạn tuyệt hẳn một chánh kiến, một phe phái mà ông đã từng tán đồng và ủng hộ?...

Bởi gian kế khiến ông lầm, hay chính vì miếng đỉnh chung mà ông chấp nhận thỏa hiệp?...

Còn với vụ án Nguyễn Văn Thành, nguyên là tổng Trấn Bắc Thành, chẳng qua nhân chuyện hai "mãnh hổ " không thể chung rừng, vua nhà Nguyễn ngầm ra tay "Điểu tận cung tàng"(chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ), vì lo sợ công thần nắm giữ binh quyền quá lớn, dễ gây họa cho con cháu của nhà vua.

Nhân đây, ta cũng nên biết Nguyễn Văn Thành có thể ỷ mình là công thần nên đã có lời nói, làm đôi ba chuyện đối với nhà vua hơi quá mức; nên sau này Gia Long có đưa ra những lỗi này, để đình thần ghép thêm tội cho bề tôi thân thiết xưa.

Nhưng sâu xa hơn cả, chính là vì ông Thành làm như không biết ý vua đã quyết truyền ngôi cho Hoàng tử Đởm, tức vua Minh Mạng sau này; nên hễ mở miệng ra là cổ xúy cho dòng chính, rồi còn dám rủ rê các quan tụ tập ở nhà riêng, bàn chuyện xin vua lập Hoàng tôn Đán, tức con Thái tử Cảnh, lên ngối ngôi; thì bảo sao ông không bị dổn ép vào sát chân tường cho được.

Sử nhà Nguyễn ghi chỉ vì mấy câu "mời rượu" giữa 2 ông khiến nảy sinh hiềm khích nên mới có vụ án này; đấy là sử quan muốn che giấu thâm ý của nhà vua.

Tuy vậy, từ mấy câu "mời rượu" ta thấy gì? (Duyệt cười mà nói rằng: " Người nào nhút nhát mới phải mượn rượu để tăng khí lực. Trước mắt ta, nào có ai đáng mặt giỏi trận mạc để cùng đối địch, vậy cần gì phải dùng đến rượu). Rõ ràng Duyệt rất uất ức vì không được nhận lãnh cờ "tiết chế" "(quyền chỉ huy cao nhất), nên mới có mấy câu xấc xược, tỏ ý xem thường vị chỉ huy của mình.

Thâm sâu hơn, nó còn cho ta thấy trước sự cám dỗ quyền lực, ngay cả con người có nhiều đức tính tốt như Duyệt... cũng dễ dàng bị nó quyến dụ để rồi tình đồng chí, đồng đội, đồng cam khổ ngày nào phải nhanh chóng nhợt nhạt, úa phai...
 

IV. Tạm kết bài

Bản thân vốn là một cậu bé ít học, ham chơi; nhờ cơ may, nhờ thời thế  mà thi thố bản lĩnh.

Là một người bị hoạn bẩm sinh, nhưng không vì thế mà mặc cảm, ông chỉ biết cống hiến hết tài năng, hết sức mình nên nhanh chóng trở thành đại tướng, mang ấn công hầu, làm "vương" một cõi, vua quan trong ngoài và cả lân bang đều phải nể trọng ...

Cả khi ông mất rồi, mộ bị san phẳng, bị xiềng xích ... Ấy vậy mà, người ta vẫn lén lút thờ cúng & hình ảnh ông luôn là vị thần hoàng hiển linh trong lòng dân tộc Việt lẫn Hoa .

Chắc có nhiều lý do, nhưng theo tôi, ai biết quên túi riêng để lo cho chuyện chung, nhất là làm sao cho dân hưởng được cuộc sống yên ổn, có được cơ hội để làm ra manh áo, chén cơm... thì sẽ được tôn Thần !

Và biết đâu, nếu như triều đình Nhà Nguyễn có cái nhìn cởi mở, chính sách cai trị khôn khéo trong ngoài... như ông;  thì rất có thể Việt Nam đã sớm trở thành một nước tiến bộ, giàu mạnh ngay từ buổi ấy.

Ngẫm lại, LVD thật vô cùng xứng đáng làm tấm gương để mọi người soi rọi rồi biết nói ít, làm nhiều; không vì lợi ích riêng mà quên dân, quên nước ...

Bùi Thụy Đào Nguyên , biên soạn
Tư liệu kèm theo bài :

1. Gia Định:

Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định, thời kỳ 1790-1802 còn là kinh Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi thành trấn Gia Định; đến năm Mậu Thìn (1808) đổi  ra thành Gia Định gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.

Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt từ trần, chế độ Tổng Trấn Gia Định mới bị bãi bỏ. vua Minh Mạng đổi tên là thành Phiên An, năm trấn chia thành sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm 1835, tỉnh Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định (tên gọi Nam kỳ lục tỉnh có từ lúc đó)

2. Khu Đền thờ&Lăng mộ Tả quân:

Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Văn bia do Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ 1894. Nội dung bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.

Phần mộ gồm hai ngôi mộ: Tả quân và vợ ông, bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ hình chữ nhật. Trước mộ có một sân nhỏ để làm lễ. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.

Cách khu lăng mộ một khoảng sân rộng đến khu vực Thượng công linhmiếu, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt...

3. Những chuyện li kì trước khi Lê Văn Duyệt qua đời :

3. 1Bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập) đã dành hẳn cả hai quyển 22 và 23 để chép chuyện Lê Văn Duyệt. Thật đặc biệt là đoạn cuối của quyển 23 đã chép một số chuyện li kì xãy ra trước lúc Lê Văn Duyệt qua đời :

"Trước khi Tả quân bị bệnh, thành gia định không hề có gió lớn vậy mà cán cờ trong thành bỗng nhưng bị gãy . Hơn một tháng sau (lê văn ) Duyệt đi tuần ỏ biên cảnh, vừa ra ngoài thành thì con voi ông đang cởi tự nhiên phục xuống đất rồi rống rầm lên, đánh mấy nó không chịu đứng dậy, ông bèn phải dùng ngựa mà đi . (Lê văn)Duyệt lấy làm lạ...

Một hôm (Lê văn)Duyệt chuẩn bị cấp thưởng cho tướng sĩ, ông sai người nhà đem tiền để sẵn ra đây, chẵng dè vừa chợp mắt được một lúc thì tiền đã không cánh mà bay . Ông ngờ là có kẻ trộm nên ra lệnh tìm bắt rất gấp, bỗng ông thấy trên nóc nhà mình có người đang ngồi giữ đống tiền , thoạt trong giống như mô đất , bèn sai người bắt thang trèo lên bắt, nhưng lên đến nơi thì người giữ tiền đã biến mất mà đống tiền thì vẫn còn y nguyên .

Hôm khác ,có ông già vai đeo bầu ăn mặc ra vẻ dân quê, đến nói với người canh cửa :

-Hãy vào báo với lê tướng quân ,rằng có ta là cố nhân đến .

Người canh cửa lấy làm lạ,chạy vào báo với (Lê văn)Duyệt. Ông liền cho người ra . Đến bờ sông Bến Nghé thấy ông già ấy đang rửa bầu và nói rằng :

-Ta muốn đón tướng quân của mày đi tu tiên, nhưng mà tướng quân của mày không thể đi tu tiên được ...

Nói rồi thì phất phớ bay đi không biết về đâu, người canh cửa về báo lại . (Lê văn )Duyệt nói:

-Tiên thật à hay là ma muốn nhát ta đấy. Vài ngày sau Duyệt bị bệnh nhẹ rồi mất...

3. 2 Trích trong Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển :

Về ngày quy thần của Lê Tả quân, ít người biết rành. Quyển Điều cổ hạkim thi tập của Nguyễn Liên Phong, soạn năm 1915, trang 27, ghi rằng:

"Ngài (Lê Văn Duyệt), tuy đau sơ sịa, song biết mình đại mạng dĩ định, bèn trối với Đỗ phu nhơn, nhưng cùng các tướng sĩ bộ hạ thì trối sơ vài lời vậy thôi.

Bước qua ngày ba mươi, tháng Bảy năm Nhâm Thìn (1832) ước chừng hai giờ khuya (giờ Sửu); ngài tắt hơi, thọ bảy mươi, hiện nay ngày Mồng một tháng Tám là ngày kỵ.

Lúc tắt hơi, thì bốn phía Xóm Chợ Đũi và nội làng Xuân Hòa, các quân lính đều ngó thấy sáng rực một đường dài lớn như cây lụa điều từ trong dinh bay xẹt ra, bay chậm chậm rồi phăng phăng bay lên hoài, trực chỉ mặt trời lặn hồi lâu biến mất. "

Người soạn bài này cũng rất lấy làm lạ là, đối với người Việt gốc Hoa, trong tâm linh, họ xem ông là một vị "phò mã", người theo đạo Cao Đài xem ông là một "tiên ông", còn người Việt xem ông là một vị Thần hoàng.

Càng lạ hơn nữa là sử sách chính thống của triều Nguyễn đã dành trọn 2 tập để nói về ông, rồi còn ghi luôn những câu chuyện nhuốm màu thần bí như vừa ghi trên.

Suy ngẫm, nếu không có những công trạng ấy, nhân cách ấy thì không thể nào được vậy...

4. Khi bài đã soạn xong, tôi mới được đọc quyển Lê Văn Duyệt của Hoàng Lại Giang, Nxb VHTT năm 1999; trong đó có nhiều trang viết về vụ án Tống Thị Quyên.

Có đoạn cho biết lúc Minh Mạng còn là một vị hoàng tử, ông ta đã sàm sỡ với người chị dâu xinh đẹp, đức hạnh vừa kể trên nên bị một cái tát tai. Vì vậy "bây giờ ta là Hoàng đế, ta sẽ trị nó theo cách ta muốn. Cho vào cũi và đìm xuống nước".

Ở trang 273, tác giả cũng cho biết ông Duyệt có dâng sớ xin vua Minh Mạng tha chết cho Tống Thị Quyên, vì đấy chỉ là tin đồn thôi. Thế nhưng:

"... nhà vua nổi giận, cho hủy sớ tâu và quyết theo ý mình.

Lê Văn Duyệt cho rằng không vì cái hận tát tai kia thì may ra Minh Mạng còn nghe mình. Sau đó, mỗi lần ra kinh thành, bao giờ Lê Văn Duyệt cũng ghé qua phía tây nam kinh thành, trên ngọn dồi Không tên, tìm tới một nấm đất thấp mọc đầy một thứ hoa màu tím thanh khiết. Dân trong vùng gọi đó là hoa chung thủy. Lặng kẽ, Duyệt nhổ từng cây cỏ dại và đốt cho người đàn bà oan khuất này nén hương.

Mỗi lần đi như vậy trở về, lão Cơ Điều (người nô bộc thân tín) lại thấy Lê Văn Duyệt hai má đầm đìa nước mắt!... ".

Tôi không biết ông Giang dựa vào sử liệu nào để ghi như trên và cũng không thấy ông nhắc việc chính ông Duyệt là người tâu vua chuyện loạn luân và cũng là người thi hành lệnh dìm chết người vương phi góa bụa này.

Cũng như sự việc rạn nứt giữa ông Duyệt và Thành, theo tôi tác giả đã cố ý che bớt trách nhiệm của Tả quân trong cái chết của ông Thành rất nhiều.

Tác giả viết như thế này: Vụ án Tuyên, con trai Nguyễn Văn Thành, lại do Lê Văn Duyệt phụ trách. Bị đòn tra tấn nặng, Thuyên đã nhận liều là có ý mưu phản. Nghe Thuyên nhận tội, Duyệt trầm ngâm, ông không vui, cũng không buồn. Dường như có điều gì gờn gợn...

Thế rồi : "... Sau cái chết bằng thuốc độc của Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt thấy như mình có tội. Nỗi ân hận giày vò ông... . Thuyên có thể dại dột, xốc nổi; còn Thành, một đại thần tự thưở hàn vi của Thế tổ như thế làm sao có thể phản nghịch được mà Thế tổ nỡ lòng... Lê Văn Duyệt tự vấn mình giữa ngọn đèn khuya. "(tr. 84-85)

Có thể vì tác giả quá yêu mến, kính trọng nhân vật lịch sử họ Lê, nên cố gắng làm cho tấm gương thêm "tròn trịa" chăng?



Trở Về  ]