Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang Chủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
QUYỂN 26
THÀNH LẬP LIÊN BANG ĐÔNG DƯƠNG
 
Pháp muốn chia Đông Dương từng mảnh
Việc đầu tiên là đến Trung Hoa
Thiên Tân ký kết nghị hòa(1884)
Bắt tay Trung Quốc, buộc ta hết đường
 
Rồi quay sang Cao Miên dụ dỗ
Bảo nước này nên phải nghe theo
Đông Dương liên kết lợi nhiều
Pháp quốc bảo trợ nên vào liên bang
 
Norodom nghe Tây bày chước
Ký vào tờ hiệp ước Kim Biên (1884)
Từ đây đất nước Cao Miên
Do tay người Pháp nắm quyền quốc gia
 
Qua Ai Lao đặt tòa lãnh sự
Cử Pavie đại sứ lên đường (1887)
Oumkham Vạn Tượng quốc vương
Nghe lời đại sứ đất nhường cho Tây
 
Kể từ đây, Đông Dương thuộc Pháp
Chúng đem quân trấn áp khắp vùng
Đầm lầy, sơn cốc lục sùng
Ra tay vơ vét vô cùng dã man
 
Cái "Liên Bang Đông Dương"thuộc Pháp
Là ý đồ đã được thực dân
Âm mưu thôn tính lần lần
Cướp quyền, giành đất, tranh phần giử dân
 
Không che mắt được dân trong nước
Là những người hiểu được nỗi đau
Chung tiền, góp sức cùng nhau
Khắp nơi hưởng ứng phong trào Văn Thân
 
Giết giáo dân truy tầm tà đạo
Bởi vì người có đạo tay sai
Nên dân hận bọn theo Tây
Cam lòng cho lũ cướp này chỉ huy
 
Ở Nam, Ngãi cũng như Bình Định
Đội nghĩa binh chận đánh giáo dân
Giết ngay linh mục Dupont
Porier, chung với Guégran tử hình
 
Nhiều tín đồ tìm đường tẩu thoát
Bị giết chừng hai vạn giáo dân
Bên Lương, bên Giáo tranh phân
"Nồi da xáo thịt" vì ai đoạn trường ?
 
Người thủ lợi là phường xâm lược
Đào hố sâu ngăn bước hai bên
Nhân dân nào sống được yên
Âm mưu nham hiểm, ngày thêm rõ ràng
 
HÀM NGHI HOÀNG ĐẾ ( 1884-1888)
 
Vua Kiến Phúc , năm Thân tạ thế(1884)
Đưa Ưng Lịch vào thế ngôi vua
Hàm Nghi niên hiệu bây giờ
Tân quân quá trẻ , mới vừa mười ba
 
Giặc bung ra ngoại ô Hà Nội
Chuẩn bị cho quân đội viễn chinh
Harmand rời khỏi hành dinh
Cử viên trung tá chiếm thành Hải Dương (8/1883)
 
Nhận được tin Thuận An thất thủ (8/1883)
Quân Nam triều bối rối nhiều hơn
Bichot nhân thể đánh luôn
Ninh Bình thất thủ bỏ đồn trống trơn (1883)
 
Thành Sơn Tây chiến trường đẫm máu (12/1883)
Pháp ra quân trên sáu pháo thuyền
Trong thành Tán Lý Kế Viêm
Cũng Lưu Vĩnh Phúc giữ quyền điều binh
 
Hơn ba ngày giao tranh ác liệt
Trong nội thành cạn hết quân lương
Hơn nghìn quân sĩ tử thương
Kế Viêm hạ lệnh mở đường rút lui
 
Quân Mãn Thanh theo lời cầu viện 
Đã vượt biên tiến đến Bắc Ninh
Cùng ta chuẩn bị chiến tranh
Đào hào , đắp lũy xây thành cao thêm 
 
Ở dưới quyền Millot thống lĩnh
Đem lữ đoàn thiện chiến đưa sang
Trong tay hỏa lực dữ dằn
Trong vòng nửa tháng đánh tràn Thái Nguyên (1884)
 
Chiếm Bắc Ninh rồi liên tiếp tới
Hưng Hóa xong ,tiếp nối Tuyên Quang
Giặc đang hưng phấn nghênh ngang
Quân ta thế yếu vội vàng rút lui
 
Hoàng Kế Viêm biết thời cơ hết
Theo lệnh vua về Huế trần tình 
Để vua hiểu rõ tình hình
Nhiều người thất thế ẩn danh vào rừng
 
Dù hòa ước Thiên Tân được ký
Quân Mãn Thanh há lẽ chùn chân
Giúp ta vẫn cứ đưa quân
Phục binh Bắc Lệ giết hơn chục người
 
Chính phủ Pháp cử ngay sứ giả
Phản kháng Tàu vì đã nuốt lời
Đem quân đi đến các nơi
Ở vùng biên giới Lào Kay, Cao Bằng
 
Dùng hải quân biểu dương lực lượng
Cho hành quân về hướng Đài Loan
Báo cho Trung Quốc đầu hàng
Nếu không chúng sẽ đánh tràn Kê Lung
 
Mấy sư đoàn được dùng ứng chiến
Đưa chiến thuyền từ vịnh Hạ Long
Dàn ngang một dãy thần công
Bắn tan dàn pháo Kê Lung trên bờ(8/1884)
 
Ở Phuớc Châu bấy giờ hỗn loạn
Quân nhà Thanh dàn trận chiến thuyền
Bị ngay chiến hạm tuần duyên
Hải quân của Pháp bắn chìm hết trơn
 
Vùng Lạng Sơn giặc dồn ào ạt (8/1884)
Đổ quân vào đánh bạt Nam Quan
Cháy nhà bên phía Đồng Đăng
Kỳ Lừa phố chợ tan hoang bấy giờ
 
Vùng biên giới mịt mờ lửa đạn
Phùng tử Tài phá tán Lạng Sơn (1885)
Cờ đen vây ở Tuyên Quang (11/1884)
Giặc Tây đem lính Lê dương tiểu trừ
 
Việc Hàm Nghi lên ngôi Hoàng Đế (2/8/1884)
Lễ, không trình khâm sứ của Tây
Millot thống tướng liền sai
Gởi Tham mưu trưởng đến ngay Nam Triều
 
Buộc triều đình tuân theo cổ lệ 
Tổ chức ngay một lễ đăng quang
Sứ thần bên Pháp cử sang
Dành quyền tuyên bố phong vương cho người
 
De Courcy đi ngay đến Huế
Y muốn vào ở cửa Ngọ Môn
Quan ta nhất định không nhường
Vì nhục quốc thể tổn thương triều đình
 
De Courcy tức mình ra lệnh
Buộc triều thần phải đến vấn an
Cho mời tất cả các quan
Sang tòa Khâm sứ để bàn việc dân (1885)
 
Các đình thần vô vàn phẫn nộ
Trước ý đồ của lũ giặc Tây
Dụ Tôn Thất Thuyết qua đây
Nhân cơ hội đó bắt ngay ông này
 
Tôn Thất Thuyết là tay dũng lược
Vị đại thần tính trước nguy cơ
Nên ông hạ lệnh bấy giờ
Phải cho chuẩn bị dự trù động quân
KINH ĐÔ THẤT THỦ
 
Ngày hai ba tháng Năm Ất Dậu (5/7/1885)
Lúc canh tư hỏa pháo dậy trời
Ấy giờ phát lệnh khắp nơi
Tấn công nhất loạt đánh loài ngoại xâm
 
Thuyết chia quân ra làm hai mặt
Vượt sông Hương vây chặt Tòa Khâm
Đây là đầu nảo Pháp quân
Giao Tôn Thất Lễ diệt tan tức thì (1885)
 
Mặt thứ nhì do Trần Xuân Soạn
Đồn Mang Cá thanh toán thật nhanh
Giặc Tây bị đánh thình lình
Xuống hầm trú ẩn qua đêm kinh hoàng
 
Lính Lê dương từ đồn Mang Cá
Chia ra làm hai ngã tiến binh
Mặt sau đánh cửa Hòa Bình
Bên hông công hãm cửa thành Đông Ba
 
Chiếm thượng thành tiến qua Lục Bộ
Từ Thượng Tứ đánh tới Ngọ Môn
Dân binh hỗn loạn kinh hồn
Giặc Tây đốt phá chẳng còn lại chi
 
Từ Tịnh Tâm ngó về Thượng Tứ
Cờ tam tài phất gió tung bay
Tin đưa thất thủ kỳ đài
Vào lúc đúng ngọ trưa ngày hai ba
 
Giặc phá nhà cướp đi của cải
Đốt Chợ Mới rồi trại Tuyển Phong
Đốt khu Long Võ Bộ Công
Vào ngay chính điện tấn công Kiền Thành
 
Phía hữu ngạn Nam binh rút chạy
Vượt qua sông bám lấy Kim Long
Giặc đang ở thế thượng phong
Đem thêm hỏa pháo phản công Nam Triều
 
Át tiếng kêu lương dân vô tội
Súng của Tây vang dội đì đùng
Kinh đô lửa cháy hãi hùng
Dòng người tháo chạy đạp chồng lên nhau
 
Người có tiền cũng như kẻ khổ
Chạy rần rần tìm chỗ chui ra
Người thì theo cửa Đông Ba
Người tuôn xuống ngã An Hòa thoát thân
 
Cửa Thượng Tứ địch quân chiếm mất
Dân lại ùa ra đất Chánh Tây
Leo thành bằng mấy thang giây
Sẩy tay rớt xuống nhiều người chết oan
 
Nỗi kinh hoàng biết đâu mà kể
Chung quanh mình toàn thấy xác ma
Bên đường kẻ khóc người la
Người thì mất mẹ, người cha chết rồi
 
Người với người tranh nhau tháo chạy
Hai bên đường nhà cháy ra tro
Qua khúc Gia Hội vạn đò
Dưới sông xác nổi lập lờ thảm thương
 
Đò đưa qua bên làng Tiên Nộn
Dân chạy ùa đến huyện Phú Vang
An Truyền dân đã đầy tràn
Phú Lương, Mỹ Chánh tìm đàng lánh thân
 
VUA HÀM NGHI 
LINH HỒN KHÁNG CHIẾN
 
Trong khi đó quan quân hộ giá
Vua Hàm Nghi và cả Tam cung
Cẩm Y loan giá theo cùng
Hai bên thị vệ nóng lòng phò vua
 
Qua cửa Hữu, qua vùng Kẻ Vạn
Đoạn tùy tùng vừa đến Kim Long
Ông Tường được gọi vào trong
Lệnh bà Từ Dũ sai ông việc này
 
"Vào nhà Chung, gặp ngay Giám Mục
Nói với thầy hãy giúp cho ta
Rằng riêng ta muốn nghị hòa
Với quan Thống Tướng xem ra nên làm"
 
Ở giữa đàng gặp nhằm sóng gió
Đành hướng về Thiên Mụ dừng chân
Kinh đô mấy dặm xa dần
Tường cùng mấy kẻ lùi dần phía sau
 
Trước nỗi đau nhà tan cửa nát
Giặc hung tàn xã tắc lâm nguy
Bọn Tây chiếm hãm thành trì
Băng miền tếch dặm ra đi Sơn Phòng
 
Khi Tam Cung đến thôn Văn Xá
Thuyết theo đoàn ngự giá cùng đi
Gặp nhau trước ở Tràng Thi
Vội vàng tôi chúa kể chi nhọc nhằn
 
Bước gian nan xuôi đàng Quảng Trị
Ngày Hai bốn (24) tạm nghỉ nơi đây
Đức Vua chiếu chỉ viết ngay
Thưa cùng Thái hậu nên quay trở về
 
Kẻo đường đi mịt mờ khe núi
Chốn rừng xanh lắm nỗi truân chiên
Chim kêu, vượn hú sóng duềnh
Hổ lang đón nẻo kề bên vệ đường
 
Nẻo Sơn Phòng mây vương trước mặt
Hận quân thù cửa nát nhà tan
Rừng già, gió chướng, sơn lam
Đia dầu Mai Lĩnh, Mán Mường quy theo
 
Ngọn Ấu Sơn cheo leo vực thẳm
Đêm càng khuya càng đẫm hơi sương
Bút ngà thảo dụ Cần Vương
Ra lời hiệu triệu chỉ đường dân hay
 
Dụ Sát Tả Bình Tây gởi đến
Cứ như lời theo lệnh Cần Vương
Sĩ phu khắp nước lên đường
Tới miền Hà Tĩnh phò Vương diệt thù
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học