[ trở về ]         [ trang chủ ]      [ tác giả ]


 
TIẾP THU SỰ GÓP Ý CỦA ÔNG VƯƠNG ĐÌNH CHỮ 
VỀ CÁC ÔNG
NGUYỄN HỮU CƯ (THƠ), NGUYỄN HOẰNG (HOÀNG), 
NGUYỄN HỮU BÀI, THIERRY D'ARGENLIEU
Trần Xuân An

A.

Tôi cảm thấy thật phân vân trước khi gõ phím viết bài tiếp thụ phê bình này. Thú thật, không vui vẻ gì nếu bị sa lầy vào lịch sử Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, một lĩnh vực nhiều người đã tránh né hoặc bất đắc dĩ phải đề cập đến để sự thật lịch sử không bị phiến diện. Vả lại, như ông Vương Đình Chữ đã viết (1), trọng tâm của bài "Về cái được gọi là 'Chiếu Cần vương'..." của tôi (2) không phải là vấn đề ấy. Đã không là vấn đề trọng tâm, nếu bàn sâu thêm, chắc chắn sẽ chệch hướng diễn đàn do Tạp chí Xưa & Nay (2) mở ra. Có điều, ông Vương Đình Chữ vẫn muốn góp ý về những chi tiết phụ -- tuy là phụ nhưng trực tiếp nêu ra tên tuổi của những nhân vật Thiên Chúa giáo. Hơn thế nữa, ông còn dẫn dắt ý tưởng đến chỗ khái quát to lớn hơn: hoà giải và đoàn kết dân tộc hiện nay. Nỗi phân vân, băn khoăn của tôi chính là do những lẽ đó.

Cũng vì vậy, tôi chỉ viết một cách ngắn gọn, theo trình tự thời gian lịch sử, mặc dù tôi hiểu điều quan tâm nhất của ông Vương Đình Chữ chính là Thierry D'Argenlieu (1889-1964): Khi đảm nhiệm những chức vụ quân sự và chính trị viễn chinh của thực dân Pháp, đặc biệt là vai trò chủ chốt trong Cao uỷ Đông Dương thời điểm Pháp bắt đầu tái xâm lược (1946) nước ta, D'Argenlieu vẫn là linh mục hay đã là cựu linh mục? Ông Vương Đình Chữ còn khẳng định Vatican không hề liên quan gì đến sự kiện, nhân vật ấy; y hoàn toàn không do Vatican đề cử như tôi viết.

B.

B1.

Trước hết, xin nhận thức lại 3 nhân vật lịch sử Việt Nam vốn là linh mục, giáo dân: Nguyễn Hoằng (1831-1909) (3), Nguyễn Hữu Cư (Nguyễn Hữu Thơ, 1835-1892) (4), Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) (3) (5). Trong 3 nhân vật Thiên Chúa giáo này, Nguyễn Hữu Bài vốn được nhiều sách sử sau này ghi rõ tiểu sử nhất, kế đến là Nguyễn Hữu Cư, còn Nguyễn Hoằng mặc dù cũng được nhiều lần nhắc đến trong "Đại Nam thực lục", kỉ IV (triều Tự Đức, 1847-1883) như Nguyễn Hữu Cư, nhưng khó tìm ra một bản tiểu sử của ông, nếu không kể đến nguồn tư liệu của giáo phận Vinh về sau.

Nếu Nguyễn Hoằng, Nguyễn Hữu Cư là linh mục đảm nhiệm công việc thông ngôn, dịch thuật tại Ty Hành nhân của Nha Thương bạc thuộc triều đình Huế, và nhận chức quan khá lớn do triều đình Huế phong thăng, thì Nguyễn Hữu Bài chỉ là một giáo dân, xuất thân từ một gia tộc nhiều đời theo Thiên Chúa giáo, tuy cũng khởi đầu bằng công việc thông ngôn, nhưng tại Sứ quán (Toà Khâm sứ) Pháp, rồi lại làm quan theo ngạch triều đình Huế đến chức chính khanh: thượng thư, đại thần Viện Cơ mật.

Nếu nói như thế thì quả là giản lược đến mức không phân biệt địch - ta, chính triều - nguỵ triều. Không, tôi không giản lược như thế. Tôi chỉ có thể cho phép mình giản lược sau khi đã nghiên cứu thấu đáo hay ít ra cũng tìm đọc hết những nguồn tư liệu có thể tìm được hiện nay.

Thật vậy, sau khi tìm đọc, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, đã viết nhiều trang có đề cập đến họ, ở bài viết này, tôi chỉ lấy mốc lịch sử 5-7-1885 (23-5 Ất dậu) - 6-9-1885 (27-7 Ất dậu) để làm điểm phân định.

Thông thường và giản đơn, nhưng có thể nói là rất chính xác và công bằng, khi nhận thấy những gì xảy ra trong hành trạng nhân vật trước và sau một thời điểm lịch sử như thế, để rồi chúng ta đánh giá về nhân vật ấy. Cụ thể hơn, trước khi Pháp hoàn toàn chiếm lĩnh kinh đô Huế [5-7-1885 (23-5 Ất dậu) - 6-9-1885 (27-7 Ất dậu)], đặt ách thống trị lên cổ vua quan nhà Nguyễn và cả dân tộc ta, những nhân vật kể trên đã làm gì, như thế nào và sau đó họ làm gì, như thế nào? Chỉ cần giản lược như thế thôi, chúng ta biết họ là ai. Và xin nhớ rằng, sau thời điểm ấy, nếu có người dựa vào hoàng tộc bù nhìn để làm quan bù nhìn (ngạch quan Đại Nam) thì cũng có người dựa vào thế lực thực dân và các thừa sai (cố đạo Pháp) để thăng quan tiến chức (có thể cả ngạch quan Đại Nam lẫn ngạch quan thuộc địa Pháp). Cụ thể hơn nữa, Nguyễn Hoằng, thời làm hành nhân, đã bị vua Tự Đức cho đóng gông, giải từ Huế về nguyên quán Hà Tĩnh vào năm 1882, nhưng sau thời điểm kinh đô Huế thất thủ, Nguyễn Hoằng lại thăng quan tiến chức đến "Lễ Bộ thị lang kiêm việc Cơ mật cùng Quản Hành nhân ti, được vua đặt làm Phụ tế đại thần với gươm vàng và áo Ngự tiền Phụ tế" (3) dưới nguỵ triều Đồng Khánh (1886) và "được truy tặng hàm Thượng thư, tước Hoàng Tế nam" (3) dưới ngụy triều Khải Định (1909). Nguyễn Hữu Cư cũng được trọng dụng sau ngày Kinh đô thất thủ nhưng hình như bản án thời phế truất Dục Đức vẫn còn hiệu lực đối với triều đình Huế về mặt pháp lí, nên ông cũng chỉ được phong thăng ở mức vừa phải, rồi về hưu, mở trường dạy tiếng Pháp, tiếp tục vai trò linh mục cho đến khi chết (1892) tại Đà Nẵng. Riêng Nguyễn Hữu Bài, ngay từ đầu, ông ta đã là thông ngôn cho thực dân Pháp (không phải thông ngôn cho triều đình Huế như 2 người kia), nhờ được giám mục Caspar nâng đỡ. Từ một viên chức quèn của Pháp như vậy, sau Kinh đô thất thủ (5-7-1885), đến 1923, ông ta được thăng đến cung hàm Thái phó, viện hàm Vũ Hiển điện đại học sĩ, đứng đầu Cơ mật viện đại thần (5), quyền thế giữa đám quan lại nguỵ triều rất lớn, nhất là trong khoảng thời gian khá nhiều năm Bảo Đại còn được huấn luyện và bị kìm giữ tại Pháp.

Thật giản lược biết bao, khi chỉ viết một cách ngắn gọn như thế. Nhưng như thế vẫn là xác thực nhất.

Chúng ta thử liên hệ ngược: Sau ngày 30-4-1975, chế độ Sài Gòn sụp đổ, ai là nguỵ quân, nguỵ quyền "chính hiệu" và ai là cách mạng "nằm vùng", chúng ta đều nhận ra ngay. Chính cách liên hệ ngược có tính giản đơn này, cho chúng ta những nhận thức có thể nói không ngoa là chính xác đến mức không còn nghi ngờ gì nữa về 3 nhân vật Thiên Chúa giáo nói trên: "các đệ tử của thực dân". Và tất nhiên, như tôi đã thưa trước, tôi chỉ có thể cho phép mình giản lược như thế sau khi đã nghiên cứu thấu đáo hay ít ra cũng tìm đọc hết những nguồn tư liệu có thể tìm được hiện nay. Tôi nghĩ, nói lên sự thật đó, không nguy hại gì đến khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay, vì tôi không hề "vơ đũa cả nắm". Tôi vừa nghĩ vừa ước ao rằng, trong giáo dân và hàng giáo phẩm Việt Nam, từ 1858 đến 1975, vẫn có những người yêu nước, nhưng hẳn họ đều thuộc "đại đa số thầm lặng", không chút tơ hào nào đến quyền lợi thế gian.

B2.

Còn về nhân vật Thierry D'Argenlieu (1889-1964)?

Đây mới chính là nhân vật có liên quan nhất đến bản "Chiếu Cần vương" giả mạo, tôi tạm gọi là "Chiếu Cần vương - D'Argenlieu - 1889". Ngoài tiểu sử do ông Vương Đình Chữ cung cấp ở bài góp ý, có thể tìm thấy ở cuốn sách "Tại sao, Việt Nam?" của Archimedes L.A. Patti (6). Ai cũng biết, từ 1920, D'Argenlieu bắt đầu vào dòng tu Carmelite Thiên Chúa giáo sau khi đã xuất ngũ khỏi lực lượng viễn chinh tại Maroc... 1932, y thụ phong linh mục. 1939, linh mục này lại một lần nữa nhập ngũ, và chỉ thật sự trở về đời sống linh mục thuần tuý ở những năm cuối đời. Như vậy, xin cảm ơn ông Vương Đình Chữ đã chỉ ra, tôi đã viết thừa một chữ "cựu" trước từ "linh mục", vì D'Argenlieu chưa bao giờ rời bỏ vai trò tu sĩ (cũng như Nguyễn Hoằng, Nguyễn Hữu Cư). Còn việc Vatican có đề cử ông ta vào chức vụ Cao uỷ Đông Dương, theo chân quân Đồng minh Anh - Ấn đến nước ta, giải giới Nhật, để tái xâm lược Việt Nam vào năm 1946? Nhà nghiên cứu sử học Chính Đạo, trong bài trả lời sự chất vấn của ông Tô Hoài Dương về vấn đề tương tự (!), đã viết, trong cuốn hồi kí của D'Argenlieu (7), chính D'Argenlieu đã "giải thích lý do tại sao d'Argenlieu phải xin phép Vatican trước khi đi nhận chức Cao ủy (TXA. nhấn mạnh): Dù là một đề đốc chính quy từ năm 1944, ông ta vẫn là một linh mục. Bởi vậy, d'Argenlieu phải nhờ ngoại trưởng Georges Bidault giới thiệu cho gặp hồng y Roncalli ngày 20/8/1945. Trang 414-415 sđd. trích đăng một thư Bộ Ngoại giao Pháp gửi Vatican, đề ngày 24/8/1945, chính thức xin cho linh mục d'Argenlieu làm Cao ủy (TXA. nhấn mạnh). Tài liệu này có thể tìm thấy trong hồ sơ kho Indochine Nouveaux Fonds [INF], carton 131, dossier 1173". Và một đoạn khác, Chính Đạo viết rõ hơn: "Vì d'Argenlieu là một linh mục, dù đang giữ chức đề đốc, Bộ Ngoại giao Pháp và cá nhân d'Argenlieu phải xin phép Giáo hội Vatican cho tạm thời rời chức linh mục (TXA. nhấn mạnh) qua Đông Dương làm Cao ủy. Hồng y Roncalli, lúc đó đang là khâm mạng Vatican ở Paris và sau này trở thành giáo hoàng Jean XIII (1958-1963), tiếp d'Argenlieu ngày 20/8/1945, chấp thuận yêu cầu của chính phủ Pháp cũng như d'Argenlieu (TXA. nhấn mạnh)" (8). Như vậy, rõ ràng là Vatican có liên quan đến việc D'Argenlieu đi nhận chức chủ chốt của Cao uỷ Đông Dương, chứ không phải chẳng liên quan gì như ông Vương Đình Chữ đã góp ý. Bởi lẽ, Vatican chấp thuận cho D'Agenlieu như thế tức là Vatican đã liên quan đến việc Pháp và Thiên Chúa giáo lại tiếp tục liên minh xâm lược Việt Nam. Đối chiếu với "Thập giá và lưỡi gươm" (9) của linh mục viện sĩ Trần Tam Tỉnh, cũng sẽ thấy: "Đơ Gôn (De Gaulle - TXA. chua thêm) gặp đô đốc Thiery Đắc-giăng-liơ (Thierry D'Argenlieu - nguyên bản - TXA.), một tu sĩ dòng Camelô, làm Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, nghĩa là làm toàn quyền. Có lẽ ông hi vọng vị linh mục này sẽ thành công trong việc quy tụ dân công giáo lại đi theo ủng hộ mình, như hồi chinh phục lần đầu, cách đó một thế kỉ" (9). Lúc này, chủ nghĩa thực dân Pháp lại mang màu sắc chống cộng, đúng như ý đồ của Vatican. Lm. Trần Tam Tỉnh viết tiếp: "Ở một số địa bàn công giáo tiêm nhiễm nội dung chống cộng của thông điệp Divini Redemtotis của (giáo hoàng - TXA. chua thêm) Pi-ô XI, nên người ta phải sống trong một thứ hoang mang, thời gian để lại những hậu quả nghiêm trọng" (10). Trước đó, lm. Trần Tam Tỉnh trích dẫn một lá thư của 4 vị giám mục Việt Nam: "Chính sách của đô đốc đã làm cho người ta tin theo luận điệu cho rằng linh mục và thừa sai công giáo là những tay chân công cụ của chủ nghĩa đế quốc Phương Tây"(11). Lm. Trần Tam Tỉnh viết ngay dưới những dòng trích dẫn: "Chẳng phải người ta có luận điệu, mà đây là sự thật. Hơn nữa, mặc dầu 4 giám mục người Việt Nam đã lặp lại lời kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc họ, 14 giám mục thừa sai (Pháp, có thể cả Tây Ban Nha - TXA. chua thêm) đều giữ im lặng. Phải chăng họ đồng tình với cuộc chiến tái xâm lược của Pháp? Phải chăng họ không chấp nhận cho người dân Việt công giáo được tỏ tình yêu nước của mình?" (12). Rõ ràng hơn, ý đồ của Vatican lúc bấy giờ và trong những năm sau: "Một tài liệu sắp được đưa ra lúc đó, gây tác động, dầu muốn dầu không, cũng có lợi cho quân Pháp. Ngày 1 tháng 7 năm 1949, trả lời những thắc mắc liên quan đến chính trị thuần nội bộ của riêng nước YÙ, Thánh bộ Đức tin tuyên bố rằng: "Những người Cộng sản đương nhiên bị vạ tuyệt thông tức khắc, rằng tất cả những ai hợp tác với Đảng Cộng sản, hoặc bỏ phiếu cho Cộng sản, hoặc đọc, xuất bản, phân phối báo chí Cộng sản, hoặc giúp đỡ bất kì cách nào cho Đảng Cộng sản, đều bị khai trừ khỏi các bí tích". Lập tức, quân Pháp đã làm những trận mưa truyền đơn mang nội dung đó của Thánh bộ, rải hàng triệu [tờ] xuống các làng công giáo" (13). Mặc dù D'Argenlieu đã rời khỏi Đông Dương từ 1947, nhưng ý đồ của Vatican vẫn tiếp tục như thế đó.

Không nghi ngờ gì nữa, giữa sắc chỉ "Romanus Pontifex" ("Giáo hoàng Rô-ma"), 8-01-1454, sắc chỉ "Inter cactera" ("Giữa những điều khác"), 4-05-1493 (14), và thông điệp "Divini Redemtotis" của giáo hoàng Pi-ô XI bấy giờ, có một sự nhất quán: xâm lược, tiêu diệt ngoại đạo để truyền đạo và truyền đạo để xâm lược, tiêu diệt ngoại đạo.

Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là nguyên nhân bao trùm, chủ yếu, chứ chưa phải là chứng cứ để xác quyết rằng Vatican đề cử D'Argenlieu. Theo những tư liệu đã được biết đến, rõ ràng chính phủ Pháp và D'Argenlieu xin phép Vatican qua khâm mạng Vatican tại Paris. Nói cách chính xác hơn, tuy có liên quan trong việc chấp thuận, nhưng Vatican không trực tiếp đề cử D'Argenlieu sang Đông Dương làm Cao uỷ, xúc tiến, củng cố liên minh Pháp - Thiên Chúa giáo, tiến hành chiến tranh tái xâm lược Việt, Miên, Lào.

Tuy rằng sử học không cho phép chúng ta suy diễn và buộc chúng ta phải trưng dẫn bằng cứ có giá trị xác tín, đã được giám định, trước mỗi mô tả, nhận định, nhưng có thể hiểu rằng, thời trung cổ khác với thế kỉ XX, Vatican năm 1454 và 1493 (thế kỉ XV) khác với Vatican 1945-1947, cho dù nhất quán mục đích xâm lược, tiêu diệt ngoại đạo để truyền đạo và truyền đạo để xâm lược, tiêu diệt ngoại đạo, nhưng trải qua 5 thế kỉ, tất nhiên phải tinh vi hơn. Ở thế kỉ XX, thủ pháp lãnh đạo của Vatican hẳn là vẫn đề cử nhưng chỉ đề cử ngầm, rồi ngay sau đó khiến người được đề cử phải làm đơn xin phép, trong đó thể hiện ý thức tự nguyện lãnh nhận nhiệm vụ. Phải chăng trường hợp D'Argenlieu là như thế?

C.

Dẫu sao, tôi cũng cảm ơn và chân thành tiếp thu sự góp ý, phê bình của ông Vương Đình Chữ về bài viết của tôi trên tạp chí Xưa & Nay, số 312, tháng 7-2008. Tuy nhiên, xin một lần nữa khẳng định, khi viết một bài nghiên cứu, tôi cũng như những người cầm bút khác, đều huy động ít ra là hai loại kiến thức, kiến thức phục vụ cho vấn đề trọng tâm và kiến thức phụ thuộc, thứ yếu. Dĩ nhiên, kiến thức trọng tâm cần những dẫn chứng và ghi rõ xuất xứ, còn những kiến thức phụ thuộc, thứ yếu, nhất là các kiến thức thuộc loại hiển nhiên hay gần như hiển nhiên, ai cũng biết, thì không cần đến những chú thích. Trường hợp về các ông Nguyễn Hoằng, Nguyễn Hữu Cư, Nguyễn Hữu Bài và Thierry D'Argenlieu là thuộc loại kiến thức thứ hai. Nhưng dẫu sao, một khi đã được góp ý, phê bình, tôi cũng có bổn phận phải trả lời, trưng dẫn chứng cứ, tư liệu.

Mong rằng bài viết này không làm tổn thương các linh mục, giáo dân, những người luôn xưng tội với tất cả lòng trung thực, ý thức ăn năn, đền tội, và cũng không vì nó, khối đại đoàn kết dân tộc bị đụng chạm. Vả lại, chúng ta chỉ có thể xây dựng khối đại đoàn kết ấy trên nền tảng sự thật lịch sử đúng nghĩa để quan hệ đoàn kết được vĩnh viễn vững bền.

Hi vọng vấn đề trọng tâm của bài "Về cái được gọi là 'Chiếu Cần vương'..." sẽ được xoáy sâu, không chệch hướng, khiến chúng ta bị sa lầy vào lịch sử Thiên Chúa giáo tại Việt Nam. Xin trân trọng và cảm ơn trước.

Trần Xuân An

11 giờ 26', ngày 03-9 HB8 (phần A & B/B1)

16 giờ 53', cùng ngày (phần B2 & C)

________________________

(1) Vương Đình Chữ, "Góp ý nhỏ trong bài "Về cái được gọi là 'Chiếu Cần vương'", Tạp chí Xưa & Nay, số 314, tháng 8-2008, tr. 41.

(2) Trần Xuân An, "Về cái được gọi là 'Chiếu Cần vương'", Tạp chí Xưa & Nay, số 312, tháng 7-2008, tr. 6-7, xem tiếp tr. 32-34.

(3) Nguyễn Đức Cung, "Nguyễn Hoằng (1831-1909), tinh thần dấn thân của một sĩ phu trước thời cuộc" (17-8-2006), Tìm kiếm của Google.

(4) H. Peyssonnaux, Bùi Văn Cung, "Hoà ước 1874, nhật kí của thư kí sứ bộ An Nam", chú thích của L. Cardière (tiểu sử của Antoine Marie François-Xavier Nguyễn Hữu Thơ (hoặc Cư)), Tạp chí "Những người bạn cố đô Huế" (Bulletin des amis du vieux Hué), tập VII (1920), bản dịch của Bửu YÙ, Phan Xưng, Nxb. Thuận Hoá, tr. 464.

(5) Lê Ngọc Bích, "Nguyễn Hữu Bài - tác giả và tác phẩm", điểm mạng liên thông Dung Lạc, Tìm kiếm của Google. Theo Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam", Nxb. VH-TT., 1999, tr. 546-547: "Sau hoà ước Quý mùi 1883, ông làm việc tại Toà Khâm sứ Huế", chứ không phải tại Nha Thương bạc như Lê Ngọc Bích ghi.

(6) Archimedes L.A. Patti, "Tại sao, Việt Nam?", bản dịch của Lê Trọng Nghĩa, Nxb. Đà Nẵng, tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 914-915.

(7) Theo Chính Đạo, "Phúc đáp ông Tô Hoài Dương" (Houston, 9/8/2006), Tìm kiếm của Google: Amiral Thierry d'Argenlieu, "Chronique d'Indochine, 1945-1947", Nxb. Albin Michel, Paris, 1985.

(8) Chính Đạo, bđd., Tìm kiếm của Google.

(9) Trần Tam Tỉnh, "Thập giá và lưỡi gươm", nguyên tác tiếng Pháp, bản dịch của lm. Vương Đình Bích, Nxb. Trẻ, 1978, tr. 61.

(10) Trần Tam Tỉnh, sđd., tr. 69.

(11) Trần Tam Tỉnh, sđd., tr. 64.

(12) Trần Tam Tỉnh, sđd., tr. 64.

(13) Trần Tam Tỉnh, sđd., tr. 85.

(14) Trần Tam Tỉnh, sđd., tr. 14-15.

TXA. chú thích xong lúc 18 giờ 05'
 
 
 
 
 

______________________________
 
 

Đưa lên điểm mạng toàn cầu lần 1: Phần A & phần B/B1, trưa 03-9 HB8 (11:30)

Đưa lên điểm mạng toàn cầu lần 2: Phần B/B2 & phần C, chiều 03-9 HB8 (18: 07)

Đưa lên điểm mạng toàn cầu lần 3: trọn bài, đã chữa vài chữ, sáng 04-9 HB8 (8:05)

TXA. có chữa lại một vài chữ thuộc lỗi gõ phím, lúc 7 : 30, ngày 04-9 HB8