Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]           [ Tác giả ]

AI LÀ TÁC GIẢ "VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ"?
(BỔ SUNG TƯ LIỆU VÀ LÍ GIẢI VỀ MỘT VẤN NẠN)

Trần Xuân An

Để xóa bỏ một định kiến sai lầm về sử học đã in sâu trong đầu óc của một ít người thuộc vài thế hệ, không phải là chuyện dễ dàng và một sớm một chiều, nhất là trong thời đoạn có nhiều người vẫn cố tình xuyên tạc lịch sử...

Xin nói rõ: Đó là định kiến sai lầm về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), xuất phát từ tác phẩm "Việt Nam vong quốc sử", được kí tên tác giả là Phan Bội Châu (1867-1940). Và từ xưa đến nay, chỉ mỗi một tác giả của tác phẩm này viết về Nguyễn Văn Tường như vậy. Hiện nay vẫn còn có kẻ lợi dụng sai lầm của danh nhân Phan Bội Châu để củng cố định kiến sai lầm, xuyên tạc ấy.

Phan Bội Châu có phải là tác giả đích thực của "Việt Nam vong quốc sử" hay không? Để trả lời câu hỏi đó, tôi dã dẫn ra nhiều tư liệu trong một số bài viết đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành sử học, cũng đã xuất bản thành sách và đưa lên mạng vi tính toàn cầu (internet) (1).

Bổ sung vào số tư liệu đã sử dụng nói trên, gần đây tôi đã tìm thấy một chi tiết trong "Đại Nam thực lục chính biên, đệ lục kỉ phụ biên" của Quốc sử quán triều Nguyễn, do Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ xuất bản, quý 4, 2011. Đây là phần sử chưa được khắc in dưới triều Nguyễn; lần đầu tiên được dịch và công bố, cách đây một năm.

"Mùa hạ, tháng 4. Bề tôi Phủ Phụ chính tâu nói trong những sách tân thư có những quyển do người Trung Quốc biên soạn như "Việt Nam vong quốc sử"... [...] ..., lầm lấy lời suông bàn bậy thời chính..." (sđd., tr. 547 [tiểu mục 1731]) (2).

Chi tiết ấy hoàn toàn khớp với lời ghi đầu sách "Việt Nam vong quốc sử" do chính Lương Khải Siêu (1873-1929) viết và cả cuốn cũng do Lương Khải Siêu đăng trên báo của ông ta rồi xuất bản thành sách in, chủ yếu phát hành ở Trung Hoa thời bấy giờ. Các sử liệu khác của Trung Hoa, như "Trung - Pháp - Việt chiến tranh tư liệu (lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Đài Loan; bản dịch của Lê Thước, Chu Thiên Hoàng Minh Giám...), cũng xác nhận "Việt Nam vong quốc sử" là tác phẩm của Lương Khải Siêu. Như vậy, hẳn do chính Lương Khải Siêu viết theo lời kể (bản bút đàm, bản thảo) của Phan Bội Châu (thuở Phan Bội Châu mới xuất dương, chưa rành về Hán ngữ thuộc loại kim văn trên báo chí đương thời). Mặt khác, chắc hẳn cũng chính Lương Khải Siêu đã viết để tiện thêm thắt vào nhiều trang đoạn theo tư tưởng bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa của chính Lương Khải Siêu, nhằm mục đích trước hết là phục vụ cho cách mạng tại Trung Hoa, theo phương châm bá đạo "vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn" (cốt đạt cho được mục đích, bất chấp thủ đoạn thế nào)!

Thiết tưởng cũng cần phân tích ngay vào văn bản tác phẩm: Lương Khải Siêu chấp bút (ghi chép, chỉnh lí, bổ sung) - một cách biên soạn đến mức gần như ông ta là tác giả tự viết lại bản thảo của Phan Bội Châu. Cuốn sách "Việt Nam vong quốc sử", lần xuất bản đầu tiên (1905), được mô tả về cấu trúc như sau:

I. Phần đầu sách:

1.- Lời người biên tập của Thư cục Quảng Trí (tại Thượng Hải, Trung Hoa)

2.- Lời tựa của Ẩm Băng chủ nhân (tức Lương Khải Siêu)

3.- Phàm lệ của xã viên Tân Dân xã (cũng là Lương Khải Siêu)

4.- Bài "Chép lời người Việt Nam mất nước" của Lương Khải Siêu

II. Phần chính của sách: Toàn văn tác phẩm của Phan Bội Châu:

5.- Lời nói đầu (lời phát đoan)

6.- Bốn chương nội dung chính (đánh số 1, 2, 3, 4)

III. Phần phụ lục cuối sách:

7.- Việt Nam tiểu chí do Tân Dân tùng báo biên soạn (cũng là Lương Khải Siêu).

Riêng trong bản "Phàm lệ" (gồm ba điều), Lương Khải Siêu xác định "Việt Nam vong quốc sử" là do Phan Bội Châu "tự thuật", nhưng có sự biên tập của Lương Khải Siêu: "Một là: Sách này do một người Việt Nam - ông Sào Nam - tự thuật. Trong sách, lời văn có chỗ không được nhã tuần, nhưng tôi vẫn để y nguyên, với dụng ý là "tồn kỳ chân"". Có khá nhiều chỗ "không được nhã tuần" như vậy.

Hơn nữa, thêm một điều cần lưu ý là, trong bốn chương nội dung chính, có một chương thứ tư (dịch giả Nguyễn Quang Tô đặt tiêu đề là "Nhìn về tương lai Việt Nam", Nxb. Tao Đàn, 1969; hai dịch giả Chu Thiên - Chương Thâu: "Tương lai của Việt Nam", Nxb. KHXH., 1982) có mấy dòng mở đầu: "Nghe tới đây, cổ họng ta như tắc nghẽn, nói chẳng nên lời; mặt ta nóng ran, lông mày dựng đứng; ta ngước mắt nhìn người kể chuyện, nói:..." (bản dịch Nguyễn Quang Tô, 1969); "Tôi nghe đến đoạn nói này mà ngột ngạt, nghẹn nói không thành tiếng, nhưng rồi nóng mặt cau mày quay lại hỏi vị nam tử kia rằng:..." (bản dịch Chu Thiên - Chương Thâu, 1982). Cả hai bản dịch đều có những dòng ấy, cho người đọc thấy rõ ngay cả chương thứ tư thuộc phần nội dung chính của "Việt Nam vong quốc sử" là do Lương Khải Siêu viết, tự xưng là "ta" hay "tôi", còn "người kể chuyện" hay "vị nam tử" là Phan Bội Châu. Cụ thể hơn, chính mấy dòng ấy khiến người đọc hiểu là chương thứ tư đó cũng do Lương Khải Siêu viết lại theo lời tự thuật bằng miệng của Phan Bội Châu (có phiên dịch bằng miệng do người khác thực hiện). Thậm chí, cả ba chương đầu bản thảo cũng được đọc và phiên dịch bằng miệng như thế.

Ngay trong bài "Chép lời người Việt Nam mất nước" của Lương Khải Siêu, đặt ở phần đầu sách (bản chữ Hán), ông ta viết rõ là chính ông ta - Lương Khải Siêu -, tức "Ẩm Băng chủ nhân nói: 'Tôi với khách nói chuyện suốt ngàykhông ngừng bút, nay xin tóm lược một phần hiện trạng Việt Nam, và chép lại sau đây; với ý nghĩ rằng ngòi bút của tôi chưa diễn tả được một phần mười nỗi ai oán của dân tộc Việt Nam" (bản dịch Nguyễn Quang Tô, sđd., tr. 89; cũng tương tự ở bản dịch Chu Thiên - Chương Thâu, sđd., tr. 138). Theo đó, nếu dè dặt cũng phải cho rằng Lương Khải Siêu đã soạn lại, viết lại cả bốn chương (chấp bút trên cơ sở bản bút đàm giữa hai người, bản thảo của Phan Bội Châu), và chí ít, tối thiểu chương thứ tư cũng chính do Lương Khải Siêu viết theo cách ông ta trình bày ở dòng vừa trích dẫn ấy.

Nếu như vậy, Phan Bội Châu thực sự chỉ viết thành bản thảo chỉ gồm có ba chương nội dung chính là 1, 2 và 3 mà thôi. Và ngay cả ba chương này, Lương Khải Siêu cũng đã chỉnh lí, sửa chữa, thêm bớt... theo ý đồ chính trị của chính Lương Khải Siêu!

Xin cung cấp thêm thông tin - tư liệu với một ít dẫn chứng trích từ văn bản "Việt Nam vong quốc sử" như trên, đồng thời tôi muốn khẳng định rằng, từ trước 1975 cho đến nay, hầu như mọi người có quan tâm đến sử học đều xem hơn một trang rưỡi viết về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong "Việt Nam vong quốc sử", chỉ thuộc loại "tham khảo thêm" cho biết "thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc nhân vật lịch sử" (3), hoặc, xin lỗi, nói theo từ tin học, chỉ là những dòng "rác" (spam) mà thôi. Không nên bận tâm quá đáng. Cái đáng bận tâm là "Việt Nam sử lược" (1921) của Trần Trọng Kim và sách giáo khoa (từ thời Pháp thuộc...)!

Tuy vậy, vì Phan Bội Châu là nhà yêu nước, là danh nhân, nên sự lợi dụng tên tuổi Phan Bội Châu cũng có nhiều nguy hại, và tác hại từ "Việt Nam vong quốc sử" là dai dẳng (4).

Xin bình tâm nhận thức rằng, sự gây nhiễu như trường hợp"Việt Nam vong quốc sử" gắn liền với tên tuổi Phan Bội Châu (mặc dù sự gắn liền đó không đúng hoàn toàn) là không thể không làm sáng tỏ được. Thậm chí, cũng cần bình tâm khi hiểu rằng không có danh nhân nào không có khuyết điểm, sai lầm (nữa là Phan Bội Châu!); tuyệt đối không nên ảo tưởng mà toàn bích hóa danh nhân. Và sự đánh giá của hậu thế, trong đó có chúng ta, sẽ công bằng: Ít nhiều Phan Bội Châu cũng liên đới chịu trách nhiệm về cuốn "Việt Nam vong quốc sử" do Lương Khải Siêu chấp bút; do đó, Phan Bội Châu vẫn là danh nhân, nhưng ít nhiều cũng "mất điểm", so với các danh nhân khác.

Bài viết này lẽ ra chỉ khép lại ở đây, để tránh sự lặp lại những giø tôi đã viết về Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu và "Việt Nam vong quốc sử", nhưng sẽ có nguy cơ bị rơi vào trường hợp vô tình tô đậm hơn một trang viết về Nguyễn Văn Tường trong đó. Thật ra, hơn một trang ấy chỉ là một chi tiết trong cả cuốn sách hơn bảy mươi trang, cỡ sách thông thường (hai bản dịch Nguyễn Quang Tô và Chu Thiên - Chương Thâu dĩ nhiên đều có số trang tương tự). Và sở dĩ giặc Pháp cùng ngụy triều (năm 1911) cấm lưu hành cuốn sách đó là vì khoảng sáu mươi chín trang kia, chứ không hẳn là bởi hơn một trang rưỡi nói trên mà bài này bàn đến. Thậm chí, đối với thực dân Pháp và ngụy triều, càng bôi nhọ Nguyễn Văn Tường càng có lợi cho chúng, nhất là bôi nhọ theo quan điểm trung chính "ghét người phản trắc", với lập trường bảo hoàng, ra sức biện minh cho bất kì vua nào và cả hoàng phái (5)!

Trần Xuân An
TP.HCM.,
08 - 09:20, 19-6 HB12 (2012)
_____________________

(1) Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa", Nxb. Thanh Niên, 2006; xem các bài "Về một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử vì mục đích tuyên truyền trong 'Việt Nam vong quốc sử" và bài "Cách viết sử theo tiêu chí ngược ở 'Đại Nam thực lục chính biên kỉ đệ lục và cách viết sử xuyên tạc bằng sự đảo ngược sự thật lịch sử ở một vài trang trong 'Việt Nam vong quốc sử". Xem thêm: Trần Xuân An (bút danh Phan Huyên Đình), bài "PHAN BỘI CHÂU TRONG QUAN HỆ VỚI THIÊN CHÚA GIÁO":

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-1/bai13

(2) Dịch giả Cao Tự Thanh có cước chú, đại để xác định "Việt Nam vong quốc sử" là tác phẩm của Phan Bội Châu. Theo tôi (TXA.), chúng ta cần lưu ý đến từ "biên soạn", vốn có lắm nghĩa, diễn tả nhiều cách thức "làm sách", trong đó có cách như Lương Khải Siêu (người Trung Hoa) "làm" cuốn "Việt Nam vong quốc sử" với đề từ minh bạch "kí Việt Nam vong nhân chi ngôn" (ghi chép lại lời người Việt Nam mất nước)!

(3) Chính dịch giả Nguyễn Quang Tô cũng đã viết ở phần "Lời người dịch" đầu sách (Nxb. Tao Đàn, Sài Gòn, 1969, tr. XII): "... Cũng do đó mà tài liệu nên được chiêm ngưỡng dưới khía cạnh đấu tranh chính trị trực diện với địch, nhiều hơn là khía cạnh lịch sử. Và một vài sai thù về niên đại, hay về sự kiện xảy ra, tưởng không quá quan trọng" (!?!).

(4) Nhân đây, cũng cần nói thêm:Không những tác giả "Việt Nam vong quốc sử" không biết Phạm Thận Duật, do bị bệnh, chết trên tàu thủy, mới bị Pháp "ném thây xuống biển" (thủy táng), mà cũng không biết là cùng bị lưu đày với Nguyễn Văn Tường, ngoài Phạm Thận Duật, còn có Tôn Thất Đính. Chính Tôn Thất Đính (cha của Tôn Thất Thuyết) là người đã sống gần kề với Nguyễn Văn Tường, chứng kiến cái chết của ông tại Tahiti và đã đưa thi hài ông về mai táng tại quê nhà Quảng Trị. Như vậy, càng chứng tỏ giặc Pháp không cần giấu giếm hay mờ ám gì, như sự xuyên tạc trong "Việt Nam vong quốc sử", về việc thi hành án đối với vị đại thần yêu nước, chủ chiến Nguyễn Văn Tường.

(5) Tác giả "Việt Nam vong quốc sử" cũng phê phán cả Tôn Thất Thuyết (chỉ dám gọi là Nguyễn Phúc Thuyết) trong việc phế lập. Xem: Bản dịch Nguyễn Quang Tô, sđd., tr. 42; bản dịch Chu Thiên - Chương Thâu, sđd., tr. 89.

TXA.
19-6 - 22-6 HB12 (2012)
& 24 -- 26-6 HB12
(Bài đã đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 407, tháng 7-2012, tr. 34-35).