Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]           [ Tác giả ]

HOÀNG HỮU XỨNG (1831-1905),
HÀNH TRẠNG BIÊN NIÊN

Trần Xuân An

 
Thao tác lược khảo hành trạng của nhân vật lịch sử Hoảng Hữu Xứng, căn cứ chủ yếu vào "Đại Nam thực lục" (gọi tắt là Thực lục), rất dễ trùng lặp với người đã thực hiện trước, như nhà nghiên cứu Phan Thuận An với một bài lược khảo nhằm hình thành tiểu sử Hoàng Hữu Xứng, đã đăng ở Tạp chí Cửa Việt vào năm 1992 (số 17, tháng 10). Tuy vậy, tôi cố gắng bám sát tư liệu "Đại Nam thực lục" hơn, lại xen vào vài dòng bình luận để làm rõ, và khi cần thiết, tôi đã trích dẫn nguyên văn từ Thực lục. Từ quá trình thực hiện thao tác lược khảo ấy, cuối cùng tôi mạnh dạn đưa ra nhận định khái quát về Hoàng Hữu Xứng, không chỉ với góc độ ông là một nhân vật lịch sử mà còn chú trọng đến công việc biên soạn sử kí của ông - Hoàng Hữu Xứng với tư cách là phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn (từ 1887 đến 1900).

------ TXA. ------

Sách sử về các nhà khoa bảng triều Nguyễn đã ghi lại:

"Hoàng Hữu Xứng

(cha con, anh em cùng thi đậu)

Người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị; cha hoàng giáp Hoàng Hữu Bính (*); anh Hoàng Hữu Bỉnh" (1).

Đó là một trong 22 sĩ tử đỗ cử nhân khoa thi hương năm Nhâm tí 1852.

Đồng thời, sách ấy còn cho hậu thế biết, lúc cuốn sách đang được tu chỉnh, bổ sung, Hoàng Hữu Xứng "hiện làm tham tri, gia hàm thượng thư sung toản tu Sử quán, giảng quan toà Kinh diên" (1).

Về hành trạng Hoàng Hữu Xứng, sách Thực lục(2) còn ghi được những nét chính. Từ những nét chính này, có thể thấy được trọn vẹn cuộc đời ông.

Vào tháng 10 nguyệt lịch năm Tân Dậu (1861), mặc dù mới được bổ nhiệm chỉ bốn tháng, thụ huấn đạo quyền tri huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng cùng với đồng sự và các quan tỉnh Bình Định được triều đình khen thưởng bằng ngân tiền "Triệu dân", do công lao bắt được viên đạo trưởng người Tây dương, xâm nhập trái phép, tên là Y-ty-Anh, cùng bốn đạo trưởng người nước ta và số người theo một loại tôn giáo mà triều đình đang cấm vì an ninh của đất nước cũng như của vương triều (3). Sau đó, ông còn tỏ ra có tài điều tra hình sự, được các quan tỉnh và Bộ Hình đánh giá là xuất sắc, tâu xin thăng chức vượt cấp cho ông. Tháng 3 nguyệt lịch năm Nhâm tuất (1862), Hoàng Hữu Xứng được bổ làm tri huyện Hà Đông (nay là Tam Kỳ), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Đến tháng 5 nguyệt lịch năm Kỉ tị (1869), biện lí Hoàng Hữu Xứng là một trong số ít quan chức Bộ Binh được nhận xét là đảm đương khối lượng công việc nhiều, nhưng vẫn rất nhanh chóng, tinh tường. Ông được vua Tự Đức khen ngợi, ban cho một đồng kim tiền "Viết huệ" và bảo thêm rằng, khi việc được yên, sẽ thăng thưởng rất hậu (4).

Nhưng đến tháng 2 nguyệt lịch năm Quý dậu (1873), khi Hoàng Hữu Xứng đang giữ chức bố chánh tỉnh Thanh Hoá, thì bọn phỉ Tàu (vốn ở Trung Hoa tràn sang, tranh chiếm đất đai nước ta để xưng hùng xưng bá) lại từ tỉnh Hưng Hoá kéo vào huyện Trình Cố, các xứ Quan Hoá, Cẩm Thuỷ thuộc tỉnh do ông quản lí. Lần này, ông cùng đồng sự bị giáng 2 cấp, cho lưu lại làm việc. Trong khi đó, Tôn Thất Tĩnh bị giáng 3 cấp, Nguyễn Giản bị giáng đến 4 cấp. Thậm chí các quan thuộc tỉnh Thanh Hoá, kể cả các quan dự bàn (tham mưu), còn bị vua Tự Đức khiển trách theo ngôn ngữ của bậc hoàng đế bấy giờ: "Trước phái đi đánh dẹp, chưa thấy có tình trạng gì khó, bèn thác là lương hết, quân tan, đều đem quân rút về quân thứ, thực là hèn nhát quá lắm" (5).

Tháng 6 nguyệt lịch năm Giáp tuất (1874), Hoàng Hữu Xứng vẫn đang còn làm bố chính ở Thanh Hoá. Nhà thơ tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến bấy giờ cũng là án sát và Tôn Thất Tĩnh là hộ đốc. Đó là thời điểm cuộc tương tàn lương - giáo diễn ra ở các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Các quan tỉnh Thanh Hoá "cho là bọn giặc từ địa giới Nghệ An lan tràn đến gần, hạt ấy là quê hương nhà vua, nên phải phòng bị nghiêm ngặt, tư báo quân thứ Bắc Kỳ cho vũ sinh tỉnh ấy về (nguyên trước trích phái đi theo làm việc bắt giặc ở quân thứ Thái Nguyên) và bàn uỷ biền binh tiếp viện đánh dẹp" (6). Tôn Thất Thuyết nhận được tờ tư của các quan tỉnh Thanh Hoá, bèn bàn với Hoàng Tá Viêm, và kéo quân vào, đánh dẹp theo sách lược tạm thời "ngọc đá đều cháy"(7). Việc đánh dẹp không những lực lượng "dữu dân" của các cố đạo Pháp mà còn cả lực lượng "sát tả" do Trần Tấn, Đặng Như Mai lãnh đạo là cả một bi kịch lịch sử của triều Nguyễn và dân tộc ta!

Trong thời gian Hoàng Hữu Xứng làm quan ở Thanh Hoá, ông được tiếng là người thanh liêm. Chính Phạm Phú Thứ, vào tháng 4 nguyệt lịch năm Bính tí (1876), khi đi ngang qua Thanh Hoá cũng nghe tiếng tốt ấy. Ông "nghe người nói Đức Trạch ở chức mới một năm mà túi làm quan hơn số thu vào của bố chánh Hoàng Hữu Xứng mười năm"(8).

Sau một thời gian nhậm chức tả thị lang Bộ Lại, vào tháng 5 nguyệt lịch năm Đinh sửu (1877), Hoàng Hữu Xứng được vua Tự Đức chuẩn y cho ông kiêm coi Viện Đô sát tại Huế (9). Việc ông được kiêm nhiệm quản lí Viện Đô sát là do ông đặc biệt có tài điều tra các vụ án. Tài năng ấy đã thể hiện ngay ở bước đầu làm quan (1862). Vào thời đoạn này, vụ án Nguyễn Chính Tâm ở Bình Thuận cùng với quan khoa đạo lại hút thuốc phiện và ăn của đút là Tạ Ngọc Đường lại được Hoàng Hữu Xứng làm rõ, và án đã được định. Tháng 10 nguyệt lịch năm Kỉ mão (1879), "Hữu Xứng vì tra ra sự thực án ấy, và các án xét đều thấy đúng hẹn, được thưởng gia một cấp, kỉ lục sáu thứ"(10).

Tháng giêng nguyệt lịch năm Canh thìn (1880), Hoàng Hữu Xứng được thăng tuần phủ Hà Nội. Cùng một dịp với ông, Hoàng Diệu được thăng tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Thực lục cũng ghi chép: Khi hai vị quan mới này nhậm chức, tổng đốc cũ là Trần Đình Túc vẫn còn ở lại nhiệm sở để cố vấn trong một thời gian (11), vì đó vốn là vùng đất "nhạy cảm".

Tháng hai nguyệt lịch năm Nhâm ngọ (1882) là thời điểm thực dân Pháp lại một lần nữa gây hấn tại Bắc Kỳ. Trước tình hình đó, tổng đốc Hoàng Diệu, tuần phủ Hoàng Hữu Xứng cùng quan tỉnh Sơn Tây là Nguyễn Đình Nhuận cùng nhau họp bàn, viết bản tấu kính gửi vào triều đình tại Huế. Ý chính của bản tấu là dự phòng để đánh trả giặc Pháp, cụ thể là phải tăng cường quân binh, đồn luỹ, súng đạn ở các tỉnh thượng du để giữ trung châu Bắc Kỳ. Bởi lẽ, Pháp mạnh về đường sông, đường biển nhờ tàu thuỷ, còn tác chiến ở vùng núi non hiểm trở, chúng lại yếu kém, nên một khi chúng thấy ta tăng cường ở thượng du, giữ trung châu như thế, chúng sẽ không dám động đến ta. Bản tấu còn xin cho Hoàng Tá Viêm đóng ở hạt Sơn Tây, để cùng các quan tỉnh, quan đạo, quan sơn phòng trấn giữ, chiến đấu. Bản tấu này được vua Tự Đức chuẩn y sau khi đình nghị(12).

Tháng 3 nguyệt lịch năm Nhâm ngọ (1882), cùng với tuần vũ Hoàng Hữu Xứng, án sát Tôn Thất Bá và tổng đốc Hà - Ninh Hoàng Diệu, Hà Nội trở thành điểm nóng của cả nước. Đó là những nhân vật chính của sự kiện thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai. Sự thật đó đã được ghi chép lại trong Thực lục. Về Hoàng Hữu Xứng, ông "bị phái viên nước Pháp bắt giữ (Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ Xứng. Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn, cũng không bị giết. Rồi sai đem Xứng về dinh tuần phủ cũ giam lại). [...] (Lúc ấy, Xứng đã nhịn ăn thành ốm. Bá mời vào, Hữu Xứng lại [từ] chối ngay. Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ thêm khó, nhân cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [lại] bàn [chỉ] do Bá nhận một mình, mà [cũng] cùng kí tên [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại" (13).

Sau đó khoảng 3 tháng, hậu quả của sự kiện thất thủ thành Hà Nội cũng được Thực lục chép rõ, với bản dụ của vua Tự Đức. Chiếu theo quân luật bấy giờ, Tự Đức trách phạt các quan tuỳ theo mức độ ứng phó của từng người trong sự kiện, chỉ khen ngợi Hoàng Diệu đã tử tiết (14).

Nhưng kết luận cuối cùng về sự kiện ấy đã được triều nghị. Thực lục thuộc kỉ Kiến Phúc, ở mục tháng 11 nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), đã ghi: "vì cớ lần ấy đường lối chiến hay hoà chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất". Theo đó, Hoàng Hữu Xứng cùng với những viên quan đồng sự đều chỉ bị "phái đi hiệu lực", tức là chịu sai đi làm việc chuộc tội. Triều nghị cũng tôn vinh Hoàng Diệu (15).

Tháng 9 nguyệt lịch năm Ất dậu (1885), sau khi Đồng Khánh (nguỵ vương đầu tiên của triều Nguyễn) đã lên ngôi, Hoàng Hữu Xứng cùng với năm người khác phải sung làm nhật giảng quan ở nhà kinh diên (giảng dạy, tư vấn cho vua hằng ngày về kinh sách). Lê Trinh, một quan viên cùng quê Triệu Phong, cũng cùng ông làm việc này, nhưng với chức vụ triển thư (16).

Đến tháng 6 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng, vốn đã được khai phục hàm quang lộc tự khanh lãnh chức vụ thị lang Bộ Lại, phải kiêm quản thêm Viện Đô sát (17). Đây là một công việc mà ông tỏ ra rất có năng lực, như quá trình hoạn lộ đã được ghi nhận.

Tháng 8 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng gặp tang, xin phép nghỉ hai tháng để lo liệu, tại ngụ sở (kinh đô Huế) (18).

Tháng 9 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng được đề cử làm đổng lí việc biên soạn sách về cương giới nước ta, vì ông là "người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng". "tháng sau, vua chuẩn cho viên ấy đến Sở Tu thư ở Quốc sử quán"(19).

Tháng 11 nguyệt lịch cũng năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng viết xong bản phàm lệ, đề xuất tên sách là "Đại Nam cương giới vựng biên", liền đệ tâu lên vua. Trong bản phàm lệ khá dài và khá chi tiết này, ông đã trình bày chủ đích, đối tượng khảo sát và phương pháp làm sách. Đặc biệt về đối tượng khảo sát, tức là xác định lãnh thổ, biên giới nước ta, ông không quên ghi chép rõ những vùng đất nước ta dưới triều nhà Hồ, nhà Mạc đã bị mất vào tay các triều đại Trung Hoa; và xứ Nam kỳ thuộc Pháp, ông cũng đề xuất cần phải ghi rõ nhưng kín kẽ: "sáu tỉnh Nam Kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu"(20). Bản phàm lệ cho thấy, Hoàng Hữu Xứng muốn lưu lại chứng cứ về lãnh thổ Đại Nam nhất thống cho hậu thế, chứ không chịu mất hẳn vào tay Trung Hoa và Pháp.

Đến tháng 4 nguyệt lịch năm Đinh hợi (1887), pho sách "Đại Nam cương giới vựng biên" đã được đổng lí Hoàng Hữu Xứng cùng đồng sự làm xong, gồm 7 quyển và một bức địa đồ. Ông được thăng thực thụ hàm thị lang Bộ Lại, thự tả tham tri (nguyên lãnh quang lộc tự khanh); các tuỳ phái cũng được gia thưởng. Sau đó, Hoàng Hữu Xứng sung chức toản tu ở Quốc sử quán(21).

Thực lục còn ghi lại rõ ở các phần đầu sách của kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc, Hoàng Hữu Xứng là phó tổng tài khi Quốc sử quán làm hai kỉ này(22).

Trên đây là những gì đã được ghi nhận trong "Quốc triều hương khoa lục" và các kỉ "Đại Nam thực lục chính biên" về nhân vật lịch sử và nhà chép sử Hoàng Hữu Xứng. Qua đó, hậu thế cũng đã có thể thấy rõ cuộc đời, hành trạng của ông, đặc biệt là cách biên soạn sử kí theo phương thức tập thể với cách thuật sự, giọng văn khách quan đến lạnh lùng của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Dẫu vậy, hậu thế vẫn có thể đi đến những nhận định xác đáng: Khi đảm trách các chức vụ cai quản các địa phương từ cấp huyện đến cấp tỉnh hay các sự vụ ở triều đình, Hoàng Hữu Xứng là một vị quan nhiều năng lực, đặc biệt là tài Bao Công (23) điều tra hình án, thanh liêm, yêu nước, chống Pháp. Sau thời điểm nước ta hoàn toàn bị thực dân thống trị (05-7-1885, nhất là sau khi Đồng Khánh lên ngôi), khoảng chừng hơn một năm, ông là nhà biên soạn sách về lãnh thổ, cương giới đất nước. Ở chức trách này, mặc dù dưới nguỵ triều Đồng Khánh, ông vẫn kín đáo mà mạnh mẽ thể hiện lòng yêu quý, ý thức giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc ta, kể cả những vùng đất đã bị Trung Hoa và Pháp chiếm lấy. Khi là nhà chép sử, mặc dù dưới bóng tối thực dân Pháp, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần chống Pháp, chống Trung Hoa (nhà Thanh) và đặc biệt là tôn trọng sự thật lịch sử. Đến nay, hậu thế có thể đọc thấy cái tâm ấy bên trong, đằng sau những dòng chữ của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Hoàng Hữu Xứng, mặc dù đó là công trình của nhiều tập thể sử quan trải qua nhiều thời kì, với phương thức làm việc nghiêm ngặt, cân nhắc từng câu chữ (đến mức không những thực dân Pháp, mà ngay cả hoàng thân, hoàng đế cũng bị phê phán nếu có hành vi sai trái). Nói cho cùng, Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quán ít nhất là đã có công lao to lớn trong việc ghi chép lại các bản dụ, cáo, bản án, tấu, sớ vốn có giá trị xác tín rất cao, cao nhất, trong công việc khảo chứng tư liệu lịch sử, mà không bộ sử nào có thể so sánh được. Đối với hậu thế chúng ta, dĩ nhiên, cũng cần có các thao tác xới lật cần thiết với quan điểm khoa học, dân tộc nhất khi sử dụng bộ sử kí ấy, đặc biệt là các kỉ ấy (24).

Trần Xuân An
Khởi viết: 21:45, 16-02 HB11 (2011); viết xong: 16:22, 17-02 HB11
Chỉnh sửa: 20:30, 17-02 HB11
Chỉnh sửa lần cuối, sau khi đã viết bài thứ hai về đề tài này: 17:43, 23-02 HB11 (**)
(*) Hoàng Hữu Bính tức Hoàng Bính hay Hoàng Hữu Tiếp - người dịch chú thích. Xem chú thích (1).

(1) Cao Xuân Dục, "Quốc triều hương khoa lục", Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 312.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục, chính biên" (ĐNTL.CB.), kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc và kỉ Đồng Khánh, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1973-1976, 1976, 1977-1978.

(3) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 29, sđd., 1974, tr. 245 & 293. Vấn đề "cấm đạo", trước cưỡng ước Nhâm tuất 1862 (thật ra là mãi đến tháng 9-1885...), cần được khảo sát với quan điểm lịch sử - cụ thể. Thuở bấy giờ, ngoài ý thức bảo vệ an ninh đất nước trước sự xâm nhập trái phép, đó là ý chí bảo vệ văn hóa dân tộc Việt Nam, là sự khẳng định nền độc lập của Tổ quốc và của vương triều Nguyễn. Sự bảo vệ và khẳng định ấy là biểu hiện của tinh thần yêu nước trước hiểm họa ngoại xâm từ Phương Tây. Đó cũng là chủ trương không những của các nước Hồi giáo, mà còn của các nước Thần giáo, tam giáo (Nho - Lão - Phật) như Nhật Bản, Trung Quốc... Ngày nay, có thể có quan điểm này nọ khác xưa, nhưng thuở bấy giờ là như vậy. Hậu thế chúng ta, với tinh thần khoa học, không thể tránh né, cắt xén lịch sử, mà cần phải am hiểu đầy đủ tình hình bấy giờ, về một số giai đoạn Thiên Chúa giáo đã trở thành công cụ tâm linh - chính trị, tạo nội phản tại bản xứ do các nước thực dân như Pháp, Tây Ban Nha lợi dụng, và về tư tưởng, cách thức đối phó của tiền nhân thuở đó để cảm thông - niềm cảm thông trên nền tảng sự thật lịch sử.

(4) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 31, sđd., 1974, tr. 333.

(5) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 32, sđd., 1975, tr. 276.

(6) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 33, sđd., 1975, tr. 68-70.

(7) Xem: Trần Xuân An, ""Ngọc đá đều cháy", chủ trương tạm thời trong vụ trấn áp cuộc nội chiến lương - giáo ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vào năm 1874", Tạp chí Xưa & Nay trích đăng, số 284, tháng 5-2007, tr.42

(8) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 33, sđd., 1975, tr. 284.

(9) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 48.

(10) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 275-276.

(11) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 298.

(12) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 100-101.

(13) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 108-109.

(14) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 128.

(15) ĐNTL.CB., kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., 1976, tr. 33.

(16) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 46.

(17) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 176.

(18) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 193.

(19) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 209.

(20) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 217-220.

(21) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 281.

(22) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 27, sđd., 1973, đặc biệt ở tr. 29; kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., 1976, tr. 15-16. Có hai điểm cần lưu ý: 1) Bản phàm lệ kỉ Kiến Phúc, với sự phân định danh nghĩa "dấy quân cần vương", "khởi binh" hay "nghịch" (chép là nghĩa binh hay giặc, tuy cũng chỉ là người đó, việc đó), theo mốc thời gian là ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất dậu (1885), đã định đoạt cả việc chép sử ở kỉ Đồng Khánh. Ngay ở kỉ Đồng Khánh (sđd., tr. 15-16), cũng đã chép lại đoạn phàm lệ ấy nguyên ở kỉ Kiến Phúc (đệ ngũ kỉ). 2) Mặc dù ở phần "Vâng sắc khai chép những tên và chức tước" của Quốc sử quán khi làm kỉ Kiến Phúc (tr. 16-17), chúng ta thấy Hoàng Hữu Xứng làm phó tổng tài thứ hai (dưới Nguyễn Thuật và trên Cao Xuân Dục), nhưng ở tập tâu về việc khắc xong bản gỗ (có nghĩa là đã in xong bản rập hay đã in xong thành sách lưu hành nội bộ), thì chỉ Cao Xuân Dục (vẫn tự xưng là phó tổng tài [thứ ba]), Ngô Huệ Liên và Trần Sĩ Trác (vẫn hai toản tu cao nhất) đứng tên ở tập tâu, mà không có tên Trương Quang Đản (tổng tài), Nguyễn Thuật và Hoàng Hữu Xứng (hai phó tổng tài thứ nhất, thứ hai). Như vậy, phải chăng về việc khắc in, Cao Xuân Dục là người chịu trách nhiệm chính?

(23) Giữa tài điều tra hình án (tài Bao Công), đức tính thanh liêm, năng lực học vấn, vai trò chứng nhân lịch sử với công việc ghi chép sử kí, hẳn có một mối quan hệ rất hữu cơ.

(24) Xem thêm: Trần Xuân An, "Thơ sử và những bài thơ khác", tập thơ, trong đó có bài "Hoàng Hữu Xứng (1831-1905)", Nxb. Thanh Niên, tháng 01-2011, tr. 51 & 79. Ngoài ra, trước đó, TXA. đã có nhiều trang, đoạn viết về nhân vật lịch sử này, qua các đầu sách về lịch sử đã xuất bản.

(**) Tác giả (TXA.) đã viết thêm bài khảo luận "Hoàng Hữu Xứng (1831-1905) và Thực lục", 22-02-2011.