Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]          [ Tác giả ]

 
. Phanxipăng 
Kỳ thú
Giằng Xay
Giằng Xay là địa danh liên quan nhiều tỉnh thành: 
Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, 
Khánh Hoà và TP.HCM.
Lần nọ, về thăm cố đô Huế, tôi đưa một số bạn bè (cư trú từ nhiều địa phương) viếng đàn Nam Giao, thăm chùa Ba Đồn, dạo trước núi Bân và núi Ngự Bình, rồi xuôi ra ngã ba đường Hùng Vương - An Dương Vương - Ngự Bình. Khi biết giao lộ ấy mang tên ngoẹo Giằng Xay, có cô Bắc Kỳ nho nhỏ (thơ Nguyễn Tất Nhiên) duyên dáng hỏi:

- Giằng Xay nghĩa là gì ạ?

Để trả lời thắc mắc kia, trước tiên nên tra từ điển. Các từ điển cắt nghĩa giằng xay thế nào? Có 2 cách. Tự điển Việt Nam do Ban Tu thư Khai Trí biên soạn (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971) định nghĩa: "Tay quay ở máy xay lúa". Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992) ghi: "Bộ phận của cối xay thóc thủ công, gồm một cán tra vào tay cối, dùng để làm quay thớt trên". Đó là cách thứ nhất. Cách thứ nhì xuất hiện trong Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (NXB Tâm An, California, 2001 - NXB Văn Học, Hà Nội, 2004 và 2009): "Cối xay có gậy dài tra vào tay cối, cầm mà đẩy tới kéo lui". Cách thứ nhất chuẩn xác hơn. Tóm gọn thì giàn xay là cả cái cối xay, còn giằng xay là tay quay - một bộ phận của giàn xay. Lưu ý rằng nhiều thứ uốn khúc vẫn được cổ nhân liên tưởng vòng quay tròn của cối xay, nên cũng gọi giằng xay / Giằng Xay. Ví dụ: đàn giằng xay, đu giằng xay.

Một tố nữ chất vấn bằng giọng Nam Bộ nghe ngọt lịm:

- Gọi ngoẹo Dần Xây cũng được, anh Phanxipăng héng?

Nghe vậy, mọi người liên tưởng cầu Dần Xây thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM. Với nguồn vốn 32 tỉ đồng, cầu Dần Xây được thiết kế và thi công theo kết cấu bê tông dự ứng lực, rộng 12m, dài 381m, tải trọng 30 tấn. Khởi công ngày 2-9-1998, hẹn hoàn thành sau 1 năm, nhưng trải qua 7 lần gia hạn, cầu Dần Xây mới chính thức thông tuyến ngày 30-4-2001. Do đó, dư luận xã hội rên rỉ bằng giọng chịu chơi... chữ: "Cầu Dần Xây bị xây dần dần!".

Cầu, sông, rạch

Cầu mang tên Dần Xây bởi bắc qua sông Dần Xây. Gọi đúng gốc gác, phải là Giằng Xay. Từ điển địa danh TP. Sài Gòn - HCM do Lê Trung Hoa biên soạn (NXB Trẻ, 2003) ghi nhận: "Giằng Xay: sông làm ranh giới 2 xã An Thới Đông và Long Hoà, từ sông Ngã Bảy đến sông Mũi Nai, dài độ 3.800m. Giằng Xay đã bị nói và viết chệch thành Dần Xây. Giằng xay vốn là tên cây gỗ tạp, dùng làm vị thuốc dân tộc". Nguyên văn đoạn đó cũng được in trong Từ điển Sài Gòn - TP.HCM (NXB Trẻ, 2001, tái bản 2008).

Kỳ thực, giằng xay chẳng phải cây gỗ tạp, mà là cây nhỏ mọc thành bụi. Mỗi cá thể cao cỡ 1,5m, toàn thân và hầu hết các bộ phận của cây đều tua tủa lông măng, lá hình tim, hoa vàng 5 cánh mọc đơn độc nơi kẽ lá, quả có nhiều manh nang xếp quanh trục nom hao hao bánh xe hoặc cối xay. Cây này còn mang tên cây cối xay, tiếng Hán là kim hoa thảo / nhĩ hương thảo / ma bàn thảo / ma mãnh thảo, được định danh khoa học là Abutilon indicum L. thuộc họ Malvaceae. Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, Hà Nội, 1981) cung cấp thông tin: Đông y cho rằng cây giằng xay vị ngọt, tính bình, có tác dụng tán phong và thanh huyết nhiệt, có thể thăng thanh, giáng trọc, khai khiếu, hoạt huyết, chữa tai điếc. Theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền, cây giằng xay được dùng làm thuốc nhuận trường, lợi tiểu, kiện vị, trị mụn nhọt.

Du lịch đặc khu rừng Sác, thong thả lướt sóng bằng ghe thuyền dọc luồng Dần Xây / Giằng Xay mà quan sát đôi bờ (chứ xé gió bằng ca nô thì khó dòm liếc kỹ), rồi rảo bước vài đoạn ven sông ấy, chẳng thấy cây giằng xay. Các tài liệu thực vật học cho biết cây giằng xay mọc hoang nơi khu vực đất khô, chứ đôi bờ sông này luôn ướt đẫm phù sa kia mà. Ngồi phi cơ phóng qua huyện Cần Giờ, hoặc đơn giản hơn thì trải bản đồ để quan sát, dễ thấy sông Dần Xây / Giằng Xay uốn éo quanh co từ sông Ngã Bảy tới sông Mũi Nai. Sông mang tên Giằng Xay chính vì dòng chảy quanh co uốn éo, chứ chẳng phải do cây giằng xay.

Từ điển địa danh TP. Sài Gòn - HCM của Lê Trung Hoa (sđd) cho hay Giằng Xay còn là: "Rạch ở vùng Thủ Đức. Bản đồ năm 1885 đã có tên rạch này".

Thác, dốc, bến, cầu

Tỉnh Khánh Hoà có sông Cái / Cù / Nha Trang, mà Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép là sông Phú Lộc. Dòng sông dài 60km, thượng lưu nhiều thác, nguy hiểm nhất đối với thuyền bè di chuyển là 3 thác nêu trong câu hò:

Ngựa Lồng, Trâu Đụng, Giằng Xay:
Qua ba thác ấy, khoanh tay mà cười.

Là sản phẩm văn nghệ dân gian truyền khẩu, câu hò nọ có các dị bản chỉ khác nhau từ cuối cùng, thay cườibằng ngồihoặc nằm. Trong sách Xứ trầm hương của Quách Tấn (NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1969 - Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hoà tái bản, 2002) và Non nước Khánh Hoà của Nguyễn Đình Tư (NXB Sông Lam, Sài Gòn, 1972 - NXB Thanh Niên tái bản, Hà Nội, 2003), địa danh Giằng Xay đều in thành Dằng Xay. Quách Tấn viết về thác này: "Mệnh danh như thế là vì thác chảy theo hình cánh chỏ, trông giống dằng xay xay lúa. Nước chảy rất mạnh. Nơi nghẹo cánh chỏ có một cồn cát. Nước chảy xuống dội mạnh vào nghẹo cánh chỏ bị dội trở lại, một phần theo dòng sông chảy xuôi, một phần chạy vòng quanh cồn cát như kiều xay lúa. Đó là một điểm nữa làm cho thác lấy tên là Dằng Xay chớ không lấy tên Cánh Chỏ hay Chữ Chi. Bè ghe khi xuống gần đến khúc nghẹo dằng xay, thì các tay sào phải sẵn sàng giơ ra theo chiều hướng thuận tiện để chống vào vách đá cho ghe bè theo đúng đường trôi xuôi. Nếu lỡ tay thì thế nào cũng bị va vào vách đá. Mà một khi bị va thì không vỡ cũng chìm, hoặc bị đẩy lọt vào phần nước bị dội và bị nước cuốn chạy vòng quanh cồn cát, phải tốn nhiều công sức mới ra khỏi vòng xà quây".

Tỉnh Quảng Nam có dốc Giằng Xay là một mốc ranh giới tự nhiên giữa huyện Phú Ninh (huyện thành lập năm 2005 do tách 10 xã khỏi thị xã Tam Kỳ) và huyện Tiên Phước. Tỉnh này còn thêm bến Giằng Xay nơi huyện Nam Giang, rút gọn thành bến Giằng. Đó chính là điểm xuất phát tên độc âm của huyện Giằng. Ngày 16-8-1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định lấy lại tên cũ cho huyện Giằng là huyện Nam Giang. Thế nhưng, cùng với bến Giằng (ở thôn Ca Roong, xã Ca Dy) bên bờ sông Bung được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 15-12-2009, huyện Nam Giang vẫn có công trình bê tông cốt thép với tải trọng 18 tấn được thi công năm 2008 nhằm phục vụ giao thông vận tải lưu địa danh xưa: cầu Giằng.

Nên ghi chú rằng ở thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, có cầu sắt dài 37m vừa dành cho đường sắt, vừa dành cho đường bộ, bắc qua sông Cẩm Giàng; cầu này thường được gọi cầu Giằng / Rằng vì nằm gần chợ cùng tên, chứ không xuất phát từ Giằng Xay.

Ngoẹo

Trở lại TP. Huế với giao lộ Hùng Vương - An Dương Vương - Ngự Bình. Ai ngược Bắc, xuôi Nam, ngang Tây, dọc Đông, nếu chưa quen thì đến đây gặp ngay cú uốn gấp khá bất ngờ. Địa thế đặc biệt ấy xuất hiện tại địa phận ấp Nhất Tây, làng An Cựu, khi route Coloniale ?1 tức tuyến đường Thuộc địa số 1 - sau trở thành quốc lộ 1 - được xây dựng. Điều đó khiến ông cha ta nghĩ tới vòng quay của chiếc cối xay. Từ ấy, tên ngoẹo Giằng Xay ra đời và phổ dụng. "Những người thích đùa" (nhan đề truyện ngắn của Aziz Nesin) thì cố ý "pha chế" ngoẹo Giằng Xay nên vẹo giò ngay hoặc trẹo hàm xai - kiểu nhắc nhở mang tính châm biếm nhằm giúp mọi người dễ nhớ chỗ năng xảy tai nạn giao thông cốt cẩn thận đề phòng.

Ngoẹo là khúc quẹo, cua ngoặc, rẽ vòng cung, uốn cong. Ngoẹo Cây Khế, ngoẹo Đồng Tiến, ngoẹo Hang Dơi trên đèo An Khê nối tỉnh Bình Định với tỉnh Gia Lai là những ví dụ.

Ngoẹo lắm khi bị nói và viết lệch thành nghẹo. Giằng thì có trường hợp ghi Dằng và Giàng. Thực tế, phụ âm đầu gi và d hiện đã đồng nhất trong loạt trường hợp, chẳng hạn giòng sông / dòng sông, giạm hỏi / dạm hỏi, giẫm đạp / dẫm đạp, hát giặm / hát dặm, trôi giạt / trôi dạt, gièm pha / dèm pha, giỏng ngược / dỏng ngược, trau giồi / trau dồi, gọt giũa / gọt dũa, Vỹ Giạ / Vỹ Dạ. Về sự chuyển hoá ă ra a, cụ thể ằng --> ang, là biến âm âm vị học, cũng đã xuất hiện một ít trường hợp "a ngắn hệt a dài" như hằng ngày --> hàng ngày, đằng trước --> đàng trước. Thế nhưng, đây chẳng phải quy luật phổ quát, một vài trường hợp bị phản ứng rằng dùng từ bị biến âm là thiếu trong sáng, chưa chuẩn mực. Cũng lưu ý: người miền Trung và miền Nam phát âm phân biệt phụ âm đầu x với s, nên không ghi nhầm Xay thành Say.

Vậy những văn bản lỡ viết tên cái ngoẹo này là "Dàng Xay" hoặc "Giàng Xay" thì cần chỉnh sửa.

Thời gian qua, nhiều tài liệu bằng các chất liệu khác nhau đều ghi đúng là "ngoẹo Giằng Xay". Chẳng hạn tham luận Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung Trung Bộ của Hoàng Tất Thắng (giảng viên Ngôn ngữ học tại Đại học Khoa học Huế) in trong kỷ yếu hội thảo khoa học Miền Trung - những vấn đề văn học và ngôn ngữ học do Đại học Khoa học Huế phối kết Đại học Sư phạm Huế tổ chức vào tháng 10-1998, rồi đăng tạp chí Sông Hương 1-1999; sách Huế - tên đường phố xưa và nay của Dương Phước Thu (NXB Thuận Hoá, Huế, 2004); bản đồ số GISHue-Tour Map 2008 do Công ty Đo đạc ảnh địa hình APT, Công ty Tin học eK và Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên - Huế / Huesoft cùng thực hiện. Dư địa chí Thừa Thiên - Huế http://www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Default.aspx?sel=4 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện hành cũng nhiều lần ghi rõ "ngoẹo Giằng Xay".

Phanxipăng

Đã đăng Kiến Thức Ngày Nay 710 (1-5-2010)



 
 


Giằng xay là tay quay thớt trên của giàn xay / cối xay.
Ảnh: Phanxipăng

Hoa và quả giằng xay

Sông và cầu Dần Xây - tên gốc là Giằng Xay - ở huyện Cần Giờ, Sài Gòn.
Ảnh: Phanxipăng

Ngoẹo Giằng Xay ở phường An Cựu, Huế.
Ảnh: Trương Văn Lộc