Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

 
HIA BẢY DẶM

Thu Tứ

Một chục, hai chục, ba trăm!
Điều phải nói ngay
Văn "Phù Đổng", thơ lột xác
Nhạc, họa cũng vùng lên
Nội lực, ngoại công
Chỉ mình mình biết...
Họ chế, mình xài, sướng!
Nghĩ mà buồn
 

Một chục, hai chục, ba trăm!

Ai cũng biết văn học tiền chiến có vai trò đặc biệt trong văn học sử Việt Nam. Trong vô số phát biểu ngắn dài về vai trò ấy, có lời này: "Và chúng ta đã vùng lên đuổi theo trong vòng ba mươi năm tất cả chặng đường dài mà Tây phương đã đi trong ba thế kỷ."(1)

Ngẫm nghĩ, thấy lời trên không chỉ tóm tắt ý nghĩa chính của một thời kỳ văn học, mà còn ngẫu nhiên nói lên điều hết sức căn bản về trình độ tiến hóa của dân tộc.
 

Điều phải nói ngay

Người đi đã ba trăm năm, ta mới bắt đầu đi. Vậy về văn học, ta phát triển chậm hơn người ba trăm năm sao?

Không phải thế.

Văn học ta và văn học Tây đã phát triển mạnh theo hai hướng khác nhau. Không thể so sánh chung chung được, mà phải so sánh theo hướng cụ thể.

So cụ thể thì:

Trước thời Pháp thuộc văn học ta đã phát triển hết sức mạnh mẽ theo hướng thơ. Thơ ta đạt những đỉnh cao mà thơ Tây phương đã không bao giờ lên tới gần được (chuyện không thể chứng minh và dĩ nhiên Tây không công nhận, nhưng sự thực vẫn là sự thực).

Sau khi trở nên Pháp thuộc, văn học ta chẳng bao lâu bắt đầu phát triển mạnh theo cả hướng văn xuôi, là hướng mà ta đã rất lơ là.(2)

Ta vùng lên đuổi theo người là trong cái hướng văn xuôi ấy thôi. Chứ trong cái hướng thơ thì ta không đuổi theo bất cứ ai; ta chỉ đổi từ một một mô hình thẩm mỹ đã lên tới đỉnh qua một mô hình thẩm mỹ khác.

Cả đuổi lẫn đổi, ta đều làm nhanh kỳ lạ. Đó thiết tưởng là chuyện hết sức đáng tìm hiểu.
 

Văn "Phù Đổng", thơ lột xác

Nói "trong vòng ba mươi năm" là ý nói từ năm nào đến năm nào?

Nếu xem Đôi bạn (1938) của Nhất Linh, Vang bóng một thời (1940) của Nguyễn Tuân, Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu và Lửa thiêng (1940) của Huy Cận là "đích", thì cuộc chạy đã bắt đầu về cuối thập kỷ 1900.

Xem lại lịch sử báo chí chữ quốc ngữ ở miền Bắc, thấy ấn phẩm định kỳ quan trọng đầu tiên là tờ Đại Việt Tân Báo do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, tồn tại từ 1905 đến 1909.(3)

Vậy là phù hợp. Ba mươi năm, đại khái là từ cuối thập kỷ 1900 đến cuối thập kỷ 1930.

Bắt đầu nền văn học chữ quốc ngữ, văn xuôi Việt chỉ mới oe oe, trong khi thơ Việt đã lụ khụ. Bé ta sốt ruột, cố lớn cho mau; cụ ta thì quả quyết hóa thân để chở cho được hiệu quả những tâm tình mới...

Trong khoảng thời gian thật ngắn ngủi, văn xuôi Việt đã hoàn chỉnh mô hình thẩm mỹ đầu tiên của nó, đã đi đến giai đoạn cổ điển của mô hình ấy. Văn xuôi ta xuất phát từ văn xuôi Tây và văn biền ngẫu Tàu, nhưng nó rồi mang những đặc tính riêng không thể nhầm lẫn với văn Tây văn Tàu.

Cùng lúc, thơ Việt cũng hoàn thành tốt đẹp một cuộc cách mạng, trở nên ổn định trong cái mới do chính mình sáng tạo (chủ yếu trên nền tảng thi ca truyền thống, với một đôi đặc điểm tiếp thu chọn lọc từ thơ Pháp).(4)

Trẻ sơ sinh vùn vụt trở nên cứng cáp; bô lão lọm khọm phút chốc hóa thanh niên!

Về tình hình phát triển của văn xuôi ta, Nhất Linh có lần nhận định: "nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác".(5) Giảng về tiểu thuyết, ông dẫn nhiều đại danh quốc tế, nhưng rút cục không chịu nhường ông tây bà đầm nào cả. Ông liệt kê ba yêu cầu tối thượng về văn tiểu thuyết, rồi kết luận: "Tôi chưa thấy nhà văn nào gồm được cả mấy điều đó."(6) Ông chê Tolstoi chưa biết... cười. Những cái mỉm cười mà có người đã bắt gặp rất nhiều lần trong văn Nhất Linh phải chăng chính nhằm "gồm" cho đủ?

Đầu thế kỷ 20, văn xuôi Việt Nam còn thuộc về những cái cần xây dựng. Chỉ trong vài chục năm, nhà văn ta đã cảm thấy tự tin đến nỗi Nhất Linh lăm le muốn "vượt" Tolstoi! Còn điều này nữa: khi văn xuôi Việt Nam vượt khoảng cách "thật là thăm thẳm", đi từ những "lời lẽ vụng về" trong tờ báo đầu tiên tới những "câu văn cao kỳ tinh diệu của Nguyễn Tuân"(7), nó đã vượt cả văn Tây ở ít nhất một phương diện. Nếu xét riêng về lời, e rằng văn Tây không được "cao kỳ tinh diệu" như văn ta đâu. Mà cái hay trội về lời của văn xuôi ta, thiết nghĩ nó chính có gốc ở cái thiên bẩm về thơ của dân tộc đấy.

Tới đầu thế kỷ 20 thì thơ truyền thống bế tắc, không còn diễn được trọn vẹn tâm tình dân tộc, không phản ánh được đầy đủ xã hội đổi thay. Nhưng cũng chỉ trong vài chục năm, nó đã hoàn tất công cuộc lột xác, đã thể hiện tới tột đỉnh một quan niệm thẩm mỹ mới, lưu lại được cho hậu thế những thi phẩm mới thật sự xuất sắc.

Năm 1960, nhân dịp tái bản bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, nhà xuất bản có lời nhận định: "nền văn học của nửa đầu thế kỷ 20 (...) quan trọng vì vừa bột khởi, nó đã vững chắc và đồ sộ".(8)

Vừa đi đã đến, chẳng "hia bảy dặm" mà thế được sao?
 

Nhạc, họa cũng vùng lên

Văn học, dĩ nhiên, chỉ là một phương diện của văn hóa. Trên những phương diện khác, trong cùng khung thời gian vừa nói, dân tộc Việt Nam cũng tiến nhanh kỳ dị.

Vẫn lời Võ Phiến: "Mà không riêng gì trong phạm vi văn chương học thuật, ở các ngành nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc cũng thế."(9)

Cũng vẫn hiện tượng từ "số không" tiến lên cổ điển trong vài chục năm!

Về âm nhạc, người Việt có truyền thống lâu dài, phong phú. Nhưng dùng ký âm pháp Tây phương, dùng nhạc cụ Tây phương để sáng tác nhạc thì ta chỉ mới bắt đầu hồi đầu thế kỷ 20. Nền "tân nhạc", y hệt nền "tân văn", đã hết sức nhanh chóng sản xuất ra những tài năng già dặn như Văn Cao, Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước v.v. Bùi Ngọc Tấn kể Nguyên Hồng có lần nghe Thiên Thai đã "khóc nức": "Su-be, Mô-da cũng chỉ đến thế này!"(10)

Về hội họa, người Việt Nam không có truyền thống nổi bật. Vậy mà ngay trong thế hệ họa sĩ đầu tiên được đào tạo theo phương pháp Tây phương, đã thấy xuất hiện những tài năng sáng chói như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí v.v.

Dĩ nhiên, chuyện ta đi "hia bảy dặm" chỉ mình ta biết. Người Tây phương không đánh giá tình hình phát triển trong các ngành nghệ thuật ở Việt Nam như trên đâu. Họ không chấp nhận những Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Phạm Duy, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí là ngang hàng với những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật Tây phương đâu. Do thành công vật chất to lớn suốt mấy trăm năm qua, người Âu mang đầy tự tôn mặc cảm, luôn luôn nhìn thế giới qua lăng kính "Dĩ Âu vi trung". Họ nhầm tưởng đã khai hóa dân tộc Việt Nam. Kỳ thực họ chỉ có vai trò mang đến cho ta phương tiện mới.

Chân lý bất khả thuyết, ngoại trừ bằng "cách Lâm Ngữ Đường":

Khoảng bảy mươi năm trước, khi Trung Quốc còn đang thất thế nhục nhã, họ Lâm đã từng đề xuất cách duy nhất để thuyết phục người Âu rằng họ nấu nướng kém người Tàu là cho pháo hạm Trung Quốc đi ngược dòng sông Thames mà nã đạn xối xả vào thành phố Luân-đôn. Điều rắc rối là lúc Lâm Ngữ Đường viết sách, Trung Quốc chưa có pháo hạm!(11) Nói chi đến hoàn cảnh nước Việt Nam vào cuối thời tiền chiến.
 

Nội lực, ngoại công

Hia bảy dặm, chân người nào xỏ cũng vừa chăng?

Tân văn, tân nhạc, tân họa lớn "nhanh như thổi" là chuyện bình thường, đâu đâu cũng thấy chăng?

Chân xỏ có vừa, đâu đâu có thấy, chắc chắn chỉ qui về một nguyên lý này, mà Trần Văn Khê từng nhấn mạnh: "... cả ngàn năm mới tạo được một nền văn hóa"(12)

Làm gì có chuyện xây dựng một nền văn, nền nhạc, nền họa trong ba mươi năm!

Khi bại trận, mất quyền cai trị đất nước vào tay người Pháp, dân tộc Việt Nam đã sẵn có một nền văn hóa cao. Cái văn mới, cái nhạc mới, cái vẽ mới chẳng qua là những biểu hiện nghệ thuật mới của nền văn hóa kỳ cựu ấy thôi. Giống như chuyện một tay đầu bếp xuất sắc học nấu món mới, dùng chảo, xoong, nồi, lò mới. Vì đã thạo việc bếp núc từ lâu lắm, vì đã nấu được biết bao món ngon cũ rồi, nên nay y rất dễ dàng nấu được món ngon mới.

Nếu đem so sánh "văn ôn" với "võ luyện", thì bề cao văn hóa của một dân tộc có lẽ tương tự nội lực của người học võ, mà các ngành nghệ thuật đại khái như các loại quyền, cước, ngoại công. Luyện để có được nội lực thâm hậu mới là chuyện khó khăn, lâu dài, còn học quơ chân múa tay tuy cũng cần năng khiếu nhưng vẫn tương đối dễ. Người nội lực sung mãn chỉ vung tay một cái cũng thừa dũng mãnh, trong khi kẻ chưa đủ công phu hàm dưỡng thì mong gì phát huy được đúng mức bất cứ môn ngoại công tinh diệu nào.

Thử tưởng tượng xưa kia nhà nước bảo hộ nảy sáng kiến mở trường Mỹ thuật Đông Dương ở Tây Nguyên, tuyển toàn các mầm non Ba Na, Cờ Ho, Ra Đê v.v. Rừng núi Trường Sơn qua họa pháp cổ điển châu Âu do chính những đứa con của núi rừng "thủ họa"! Những bức tranh tổng hợp kỹ thuật cao của phương Tây duy lý với cái nhìn "nguyên thủy" của đồng bào Thượng, a, hẳn... độc đáo vô cùng!

Lại thử hình dung giáo sĩ Đắc Lộ sáng chế ra thứ chữ riêng cho dân Mạ vốn sinh sống ở bình nguyên đông Nam phần. Liệu một nền văn học Mạ dựa trên thứ chữ dùng mẫu tự La-tinh rất tiện lợi ấy rồi có phát triển rực rỡ như văn học chữ quốc ngữ của người Kinh chăng? Liệu tâm tình của người dân Mạ, cảnh thái sinh hoạt ở Biên Hòa xưa v.v... rồi sẽ được phản ánh đầy nghệ thuật trong văn chương của những văn hào Mạ chăng?

Dạy vẽ ở Tây Nguyên, dạy viết ở miền đông Nam bộ, tại sao lơ là với thượng du Bắc phần? Các ông tây có thể chở dương cầm, vĩ cầm, Tây-ban cầm lên đỉnh núi mà mở nhạc viện dạy nhạc cho người Mán. Chao ôi, tha hồ cho tiếng hổ gầm, tiếng thác đổ, tiếng chim kêu vượn hú thi nhau đi vào âm nhạc. Ở đâu chẳng có nhân tài. Những "Phạm Duy", "Văn Cao" trên ấy, họ sẽ xây dựng nên một nền tân nhạc Mán như thế nào nhỉ?
 

Chỉ mình mình biết...

E có người bắt bẻ: Ai bảo nội lực ta thâm hậu, văn hóa ta cao trước khi Tây qua?

Khối "ông" bảo đấy.

Phạm Quỳnh nói đi nói lại: "... thi ca An Nam đã đến mức tuyệt diệu".(13) (Trên thế giới có lẽ không có được bao nhiêu nền thi ca đã lên đến mức ấy đâu!)

Phạm Duy luôn tỏ ra trân trọng "gia tài nghệ thuật" và viết hẳn một quyển sách để góp sức phát huy "tầm quan trọng và sự phong phú của nghệ thuật ca diễn dân tộc".(14)

Trần Văn Khê đi thuyết minh về cổ nhạc Việt Nam khắp thế giới hàng trăm lần, lần nào cũng hết sức tự tin "vì mình biết tự hào với cái vốn âm nhạc nghệ thuật mà cha ông lưu truyền lại".(15)

Trong ngành nghệ thuật tạo hình nói chung, dân tộc Việt Nam cũng có truyền thống lâu dài và rực rỡ. Xưa ta ít vẽ nhưng hay chạm hay tạc. Căn cứ vào các tượng Phật đời Lý, cách đây ngót nghìn năm, Thái Bá Vân nhận định: "Đến mỹ thuật Lý thì thẩm mỹ Việt Nam đã ở cái đỉnh mẫu mực của mọi vòng sáng tạo."(16) YÙ ông là mỹ thuật Lý đã đạt mức cổ điển, đã đi đến cái chỗ hoàn chỉnh, ổn định, trong trình tự tiến hóa của một mô hình thẩm mỹ. Theo Thái Bá Vân, trước khi gặp nghệ thuật tạo hình Tây phương, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai mô hình thẩm mỹ, bắt đầu là mỹ thuật Đông Sơn.(17)

Với truyền thống mạnh mẽ như thế, có lạ gì đâu khi ta thấy mau chóng xuất hiện những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái? Nói như tác giả Tiếp xúc với nghệ thuật: "cái linh ứng nghệ thuật tài hoa của thế hệ trẻ chính cũng là từ truyền thống sâu xa và ẩn kín của nghệ thuật dân tộc".(18)

Nghe bấy nhiêu phát biểu mà vẫn không tin, chỉ còn cách... bắc thang lên hỏi ông trời!
 

Họ chế, mình xài, sướng!

Văn hóa Việt Nam đã cao khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, nên chúng ta đi được hia bảy dặm mà siêu nén trình tự tiến hóa của các mô hình thẩm mỹ mới.

Hẳn có băn khoăn: Ta dùng chữ viết do Tây phát minh, dùng nhạc cụ Tây, ký âm pháp Tây, họa pháp Tây v.v., liệu rồi có... sao không? có hóa thành Tây không?

Chữ viết với đàn này đàn nọ, cách kia cách nọ, bất quá như đồ dùng trong nhà bếp. Người Việt vào bếp Tây đâu có hóa ra Tây, mà chỉ hóa thịt cá thành món Việt thơm phức!

Tây công phu phát minh ra "đồ" cho ta tiện dùng biểu hiện văn hóa tinh thần của ta, thế chẳng sướng sao?
 

Nghĩ mà buồn

Nói xong chuyện Hia Bảy Dặm, không dằn được, nói thêm một chút về chuyện sau Hia Bảy Dặm.

Người Tây phương dĩ nhiên không phải chỉ phát minh ra phương tiện cho người Việt Nam mượn dùng để biểu hiện văn hóa tinh thần Việt.

Họ đã làm xảy ra cả một cuộc cách mạng văn hóa vật chất hết sức lớn lao, mà kết quả lâu dài là thay đổi hẳn môi trường sống của toàn thể nhân loại.

Môi trường ảnh hưởng đến văn hóa tinh thần.

Nhờ sống trong môi trường riêng ổn định hàng mấy nghìn năm, người Việt mới luyện được nội lực văn hóa đến mức thượng thừa, văn hóa tinh thần Việt mới có được bản sắc độc đáo.

Từ khi tiếp xúc với người Tây phương, môi trường sống của ta ngày càng trở nên giống môi trường sống của họ. Diễn biến Tây hóa môi trường lúc đầu chậm, càng về sau càng nhanh, bây giờ nhanh chóng mặt! Môi trường cũ mất đến đâu, nội lực văn hóa cũ tiêu tan đến đó, bản sắc văn hóa cũ nhợt nhạt đến đó. Trong khi văn hóa Việt mới chỉ là một bản sao còn khá thô vụng của văn hóa Tây!

Đầu thế kỷ 20, người Việt dùng bếp Tây nấu nên món Việt thật ngon.

Đầu thế kỷ 22, có lẽ người Việt dùng bếp Tây nấu nên thứ món Tây ăn tàm tạm được. Dù mai kia cháu chắt có nấu món Tây ngon được bằng Tây nấu, dưới suối vàng nếu ông bà biết trên mảnh đất hình chữ S khoai tây với bít-tết đã diệt gọn cơm với cá, thì cũng chẳng vui đâu!

1 - 2003

(Thu Tứ, Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

_______________________

(1) Võ Phiến, Văn học Miền Nam - Tổng quan, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1986, tr. 144.

(2) Phạm Quỳnh, Nam Phong, số 171, 4-1932, tr. 41-44 (dẫn theo Phạm Thị Ngoạn, Tìm hiểu tạp chí Nam Phong, nxb. YÙ Việt, Pháp, 1993, tr. 120): "công cuộc canh tân tiếng An Nam (...) chú trọng nhất đến tản văn". Tản Đà, An Nam tạp chí, số 15-12-1932 (theo PTN, sđd., tr. 117): "Có thể nói rằng trước khi có chữ quốc ngữ, Việt văn không có văn xuôi."

(3) Phạm Thị Ngoạn, sđd., tr. 21-22.

(4) Xem phát biểu của Huy Cận trong phụ trang Thơ của báo Văn Nghệ, VN, số 3, quý 3 năm 2003. Và xem Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ. Bất cứ ai cũng có thể có điều gì đó đáng học hỏi. Không phải cứ ta có học của người, là người hơn hay bằng được ta nói chung!

(5) Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay, SG, 1961, tr. 105.

(6) NL, sđd., tr. 87.

(7) VP, sđd., tr. 181.

(8) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Đại Nam, Mỹ, q. 1, tr. 16.

(9) VP, sđd, tr. 181.

(10) Bùi Ngọc Tấn, Viết về bè bạn, nxb. Hải Phòng, 2003, tr. 454.

(11) Lâm Ngữ Đường, My country and my people, nxb. John Day, Mỹ, 1935, tr. 341.

(12) Trần Văn Khê, Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1997, tr. 46.

(13) PQ, sđd., tr. 120.

(14) Phạm Duy, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, lời nói đầu.

(15) TVK, sđd., tr. 45.

(16) Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Hà Nội, 1997, tr. 292.

(17) TBV, sđd., tr. 21.

(18) TBV, sđd., tr. 79.