Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG VII
THIÊN NHIÊN THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC
Địa bàn phân bố của các trống đồng Đông Sơn cùng tất cả các tài liệu khác: tài liệu khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học và truyền thuyết dân gian... đều hoàn toàn nhất trí cho chúùng ta biết: nơi sinh tụ chủ yếu của tổ tiên ta thời đại dựng nước, quê hương buổi đầu của dân tộc ta là miền đất bao gồm đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên ngày nay.

Cương vực nước ta thời Hùng Vương, trong giai đoạn cực thịnh, về phía bắc vươn lên đến những miền giáp ranh với các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc); về phía nam, tới đèo Hải Vân; về phía tây bao gồm cả vùng Tây Bắc hiện nay dọc xuống miền tây đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; về phía đông giáp biển Đông bao gồm những hải đảo.

THIÊN NHIÊN NƯỚC TA Ở BUỔI ĐẦU CỦA DÂN TỘC
Tổ tiên ta đã khéo chọn cho mình một miền đất độc đáo ở vào vị trí tiếp xúc của nhiều hệ thống địa lý:nước Văn Lang nằm trong vòng đai nhiệt đới mà lại không đơn thuần là một nước nhiệt đới. Từ ngàn xưa, gió mùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến thiên nhiên nước ta, một thiên nhiên muôn màu muôn vẻ với nhiều rừng rậm núi cao, sông dài biển rộng, với vùng cao, vùng trung du và miền đồng bằng. Ngày nay rừng rậm đã lùi dần lên vùng cao về phía tây, sau một quá trình đấu tranh dài hàng nghìn năm giữa con người với thiên nhiên, nhưng ở thời đại dựng nước, rừng còn lan khắp vùng trung du và cả một phần lớn đồng bằng. Nhiều vùng gò đồi trọc hiện nay xưa kia đã phủ rừng dày đặc. Ngay tại đồng bằng còn giữ được nhiều di tích của rừng: mỏ than bùn thấy ở nhiều nơi như Thạch Thất (Hà Tây), Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội); rừng gỗ tứ thiết ở Sặt (Tráng Liệt, Bắc Giang), rừng Báng (Đình Bảng, Bắc Ninh), đồi Lim, làng Lim, phà Rừng... Trong các di tích khảo cổ ở đồng bằng, đã tìm thấy xương cốt nhiều loại thú rừng.

Cư dân nước Văn Lang sống tập trung trên những đồng bằng ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ; quá trình kiến tạo đồng bằng chưa hoàn thành thì bàn tay con người đã sớm dựng lên những công trình thủy lợi để khai thác trồng trọt trong những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp với nghề trồng lúa nước. Chiến thắng của Sơn Tinh chính là chiến thắng lũ lụt của những người Việt cổ trị thủy tài giỏi, đã gây dựng nên những cánh đồng màu mỡ ven những dòng sông lớn.

Nhìn chung, mọi người đều nhất trí là tổ tiên ta đã dựng nước trong một khung cảnh thiên nhiên thích hợp, thuận lợi, trên một dải đất nhiều núi rừng, nhiều sông ngòi, hồ ao, đường giao thông thuận tiện, giàu khoáng sản, lâm sản, hải sản, trên những đồng bằng màu mỡ thích hợp với nghề nông. Những yếu tố thiên nhiên tích cực này đã góp phần đẩy mạnh quá trình tiến bộ kinh tế và văn hoá, đưa đến việc dựng nước Văn Lang, một nước có đủ sức chống ngoại xâm, có nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á cổ đại.

THẾ GIỚI THỰC VẬT THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC
Nghề trồng trọt đã giữ một địa vị quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân Việt cổ từ buổi đầu dựng nước. Di tích thực vật thu thập được từ các địa điểm khảo cổ tuy chưa được nhiều lắm như cũng đủ cho thấy sự phát triển của nghề trồng trọt.

Con người thời đó đã quen với những loại cây dương xỉ, tùngbách...Trên nương rẫy, vườn ruộng của họ đã có mặt những loại cây thiết thân với các cư dân nông nghiệp cổ đại. Đó là những cây na, cây trám, cây đậu, cây dâu tằm, cây bầu, cây bí, cây cải cúc, cây tre, và nhất là cây lúa.

Ở di chỉ Đồng ĐẬu, đã tìm thấy những hạt thóc đã cháy thành than cách đây trên dưới 3300 năm. Ở di chỉ Gò Mun đã phát hiện được cả một hầm chứa ngũ cốc. Ở di chỉ Gò Chiền, dấu vết của những vỏ trấu, than trấu còn thấy khá rõ. Đặc biệt ở di chỉ Hoàng Ngô còn tìm thấy một hạt đậu nguyên vẹn. Người Việt cổ còn biết trồng khoai, trồng bông, trồng dưa, trồng trầu và cau. Các sách cổ của Trung Quốcnhư Nam Phương thảo mộc trạng, Giao châu ký, Tam đô phủ, Thuỷ kinh chú, Tề dân yếu thuật, Ngô lục địa lý chí...đều có ghi chép về việc người Lạc Việt biết trồng khoai, đậu, dưa, bông, trồng dâu nuôi tằm, mặc dù sách ghi chép những sự việc trong thời Bắc thuộc nhưng chắc chắn những loại cây trồng này đã có từ trước.

Truyền thuyết của nhân dân ta về thời đại Hùng Vương có nói đến một vài loại cây trồng như cây lúa trong truyện Bánh chưng bánh giầy, cây cau trong truyện Trầu cau, cây dưa dấu trong truyện An Tiêm. Hình ảnh sống động của cây lúa còn thấy ở nhiều truyền thuyết, cổ tích của các dân tộc anh em như truyện Nàng tiên trứng của đồng bào Tày, truyện Khả Sắc Sia của đồng bào Thái, truyện Nam A-lách của đồng bào Gia-rai, truyện Đum Đú với nàng tiên của đồng bào Ê-đê, truyện Cô gái thứ mười của đồng bào Hơ-rê, truyện Phu-man của đồng bào Ba-na...

Nông nghiệp thời đại Hùng Vương là nông nghiệp trồng lúa trong đó việc trồng lúa nước chiếm vị trí chủ đạo. Nghề trồng lúa xuất hiện ở nước ta khá sớm và có thể coi đó là một truyền thống cuả dân tộc ta. Cho đến nay nguồn gốc cây lúa còn là một vấn đề đang được tranh luận sôi nổi trên thế giới. Ý kiến của các nhà nghiên cứu rất khác nhau, trong đó có một số người cho cây lúa có nguồn gốc từ Việt Nam, ví dụ như Cô-xven (Liên Xô) trong tác phẩm Sơ yếu lịch sử văn hoá nguyên thuỷ hay như Tùng Vinh Hiếu Linh (Trung Quốc) trong công trình Nghiên cứu tổng hợp về cây lúa.

Các sách cổ của Trung Quốc và của ta đã nói đến nhiều giống lúa có ở Việt Nam. Đặc biệt là nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18, trong bộ bách khoa toàn thư Vân đài loại ngữ đã kê ra hơn 100 giống lúa tẻ và lúa nếp, đồng thời ông đã mô tả một cách tương đối chi tiết đặc tính của các giống lúa, những kinh nghiệm gieo trồng và năng suất. Không phải ngẫu nhiên mà có thể kể ra một số lượng phong phú các giống lúa và đặc tính của giống lúa như thế. Bởi vậy, rất có khả năng là từ thời Hùng Vương đã có một số giống lúa khác nhau. Điều này đã được phản ánh trong phong tục tập quán cổ ở vùng đất Tổ: Tại Đền Hùng, hàng năm vào ngày hội đều có giữ tục cúng các vua Hùng bằng xôi nhiều mầu: xôi trắng, xôi nhuộm đỏ, xôi nhuộm tím có ý nghĩa tượng trưng cho nhiều giống lúa khác nhau đã trồâng được ở thời đấy, đánh dấu những tiến bộ vượt bực của nền nông nghiệp Việt cổ.

Sách cổ của ta đều thống nhất ghi lại sự kiện trồng lúa hai vụ từ xưa ở nước ta: "Lúa ở Giao Chỉ chín hai mùa". Dựa vào địa bàn phân bố của những nơi cư trú thời Hùng Vương, có thể nói cư dân thời này trồng lúa chủ yếu trên 3 loại ruộng: ruộng phù sa ven sông, ruộng trũng quanh các đầm hồ, ruộng rộc trên các gò đồi miền trung du. Kinh tế nông nghiệp đã trở thành một truyền thống của dân tộc ta. Chính truyền thống ấy đã ảnh hưởng và chi phối mọi hình thái ý thức, và ngay cả tâm tư tình cảm của dân tộc ta và đã là cơ sở cho sự phát triển của nông nghiệp sau này. Để trở thành những người nông dân trồng lúa giỏi, tổ tiên ta đã phải khai sơn phá thạch, đấu tranh gian khổ với cái thiên nhiên vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt đã được hình tượng hoá trong câu chuyện Sơn Tinh-Thuỷ Tinh. Trong cuộc đấu tranh đó, phần thắng đã về phía tổ tiên ta.

THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC
Trong các di chỉ khảo cổ thuộc thời đại dựng nước, chúng ta đã tìm thấy di tích của vài loại động vật không xương sống như cua đồng, ốc vặn, và của hàng chục loài động vật có xương sống từ những con cá chép, cá quả, rùa vàng, ba ba, những con gia súc bạn thân của người như gà, lợn, chó, trâu, bò, đến những thú rừng như: hươu, hươu sao, nai, hoẵng, khỉ, tê giác, voi, hổ, lợn rừng, nhím, cầy hương, rái cá... và nhiều loại chim (1)

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn chúng ta còn thấy hình ảnh của cóc, ếch, nhái, thằn lằn, cá sấu, cá nhám, cáo, sóc, hươu, bò u, voi, chó săn...

Trong giới động vật phong phú của thời đại dựng nước nổi bật lên các loài chim mà hình ảnh đã trở nên rất phổ biến trên các trống đồng, thạp đồng, những văn vật tiêu biểu cho văn minh thời đại. Ví dụ như:

Trên mặt và thân trống Ngọc Lũ có đến 50 hình chim.

"Trống Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Tây) 34"
"Trống Sông Đà (Khai Hóa, Hòa Bình) 24"
"Trống Miếu Môn (Mĩ Đức, Hà Tây) 32"
"Trống Vũ Bị (Bình Lục, Hà Nam) 22"
"Trống Pha Long (Mười Khương, Lào Cai) 19"
"Trống Duy Tiên (Hà Nam) 18" v.v...

Những con số trên đây nói lên sự quen thuộc của các loài chim đối với thế giới quan của người Việt cổ. Hình ảnh của chim trong thiên nhiên đã được nhào nặn qua tư duy mỹ thuật và trí tưởng tượng của ngưởi xưa và được thể hiện với những nét cách điệu cao. Từ những hình nét cách điệu đó chúng ta vẫn có thể tìm lại được bóng dáng hiện thực của các loài chim.

Dạng phổ biến nhất là những con chim bay có mỏ dài, nhọn, chân dài, cổ thanh và nhỏ, đầu có mào, lông xuôi về phía sau. Đây là những con chim thuộc loài cò, vạc, diệc...

Trên trống đồng, chúng ta còn gặp một dạng chim giống như loài cò thìa, đang đứng tư lự, chân cao, đôi cánh khép lại, chiếc mỏ dài mềm mại hơi cong xuống phía dưới và bè ra ở phần cuối mỏ thành một hình thoi. Loài cò thìa này ngày nay vẫn thấy ở một số vùng đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta.

Một dạng chim khác cũng thường được trang trí trên trống đồng là loài bồ nông mỏ rất to, chân ngắn, đang trong tư thế bắt một con cá từ dưới nước lên. Những con chim bơi theo thuyền trên thạp Đào Thịnh là loài xít, mỏ tù, thân tròn, trên thân có điểm các chấm nhỏ, khi bơi chỉ thấy phần đầu và thân nổi lên mặt nước, loài này hiện nay vẫn thường sống ở những vùng đồng lầy và cửa sông.

Trên mái nhà sàn ở trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ thấy khắc những con gà lôi mỏ ngắn, mào nhỏ, chân ngắn, trên thân có những vạch nhỏ, ngắn; những con gà lôi lớn thì có bộ lông đuôi to và dài, đó là những con trống, còn con nhỏ trong mỗi đôi là con mái. Riêng trên mái nhà kho (nhà cầu mùa) ở trống Hoàng Hạ lại có một đôi gà: một trống một mái đang quay đầu vào nhau.

Trên trống Ngọc Lũ có một dạng chim khá đặc biệt đó là loài công, mỏ tù, dạng mỏ của loài ăn hạt, trên đầu có hai mào, lông khá lớn dựng đứng, đuôi dài, chân cao. Công là một loài chim quý có khắp nơi ở nước ta trước đây. Đền vua Thục An Dương Vương ở Diễn Châu (Nghệ An) được xây dựng cạnh một khu rừng có nhiều công gọi là rừng Cuông (tiếng địa phương đọc trại công thành cuông) và đền vua Thục quen được gọi là đền Cuông. Trên trống Ngọc Lũ còn có hình đôi chim công lớn nhỏ đang cõng nhau.

Trên một cán dao găm đồng tìm thấy ở di chỉ Đông Sơn có hình một con chim gõ kiến có mỏ to, chân đang bám chắc vào thân cây ở tư thế đặc biệt của những loài chim thuộc họ gõ kiến.

Trong những hình thú vật thể hiện trên trống đồng và đồ đồng, phổ biến hơn cả là hình hươu. Những đặc điểm của loài hươu được thể hiện khá đầy đủ ở những con đi đầu đàn trên mặt trống đồng với cặp sừng mỗi bên 4 nhánh và những đốm nhỏ rải rác trên thân. Đó là những con hươu sao đực. Trong đàn hươu đang thong thả nhịp bước, người nghệ sĩ Việt cổ đã cố ý sắp thanh từng cặp: một đực một cái, và hươu cái cũng có cặp sừng như hươu đực. Như chúng ta đã biết, trong họ hươu chỉ có những con đực mới có sừng, những con cái không có, phải chăng nghệ sĩ xưa đã cho mỗi con hươu cái thêm một cặp sừng để làm tăng thêm vẻ đẹp trang trí của tác phẩm?

Thêm các trống đồng Đồi Ro, Làng Vạc có hình những con bò nhà thuộc loại bò u (hay bò Ấn Độ) với thân hình cân đối, cặp sừng cong vút khỏe, cổ có yếm mỏng, trên lưng có một bướu nhô lên ở phần vai khá rõ. Loài bò u này có mặt ở Việt Nam từ 2000 đến 3000 năm trước đây.

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn có khắc nhiều dạng chó ở những tư thế và trạng thái khác nhau: đó là loài chó nhà, con thì đang đuổi theo con mồi (chó săn hươu, nai...), con thì đang cùng người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (như trên trống Ngọc Lũ). Trên nắp thạp Vạn Thắng (Chí Linh, Hải Dương), trên lưỡi đồng Sơn Tây, ta thấy hình hổ và báo trong tư thế đang vồ mồi. Ở một lưỡi qua đồng khác, dễ dàng nhận ra hình dáng một con voi với thân hình to khỏe, đặc biệt là chiếc vòi dài thả xuống phía dưới, đầu vòi cuộn tròn lại. Ở một lưỡi giáo đồng Đông Sơn có khắc hình hai con cáo đối xứng nhau, mõm dài, tai to, đuôi dài và cuộn tròn lại, toàn thân và 4 chân đều có vẻ hình rất linh hoạt. Trên thạp đồng Đào Thịnh có hai con cá sấu đang giao nhau.

NHỮNG KIẾN THỨC ĐẦU TIÊN VỀ THẾ GIỚI TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ
Nhìn ngắm những hình thú, hình chim khác nhau khắc trên đồ đồng Đông Sơn, chúng ta hẳn phải ngạc nhiên trước tài mô tả hiện thực của người xưa. Ví dụ, chim luôn luôn được thể hiện với nhiều hình dạng và tư thế khác nhau. Những con chim đang nối nhau lượn vòng trên mặt trống, trên thân thạp gợi cho ta cảm giác về đàn cò trắng đang thẳng cánh bay về những phương trời xa thẳm. Trên hình thuyền trang trí ở thạp Đào Thịnh có cả một bầy chim đang bay lượn: con đang lao vút từ mặt nước lên, con đang vùn vụt bay về phía trước, con đang đập cánh chơi vơi trên không, con đang từ từ đỗ nhẹ nhàng xuống khoang thuyền... chỉ trong một khoảng không gian nhỏ bé giới hạn trong một khoang thuyền mà chúng ta đã chứng kiến một cách đầy đủ những dáng bay cơ bản của loài chim. Những dạng chim đậu cũng được thể hiện công phu: con đang co ro chăm chú rình mồi dưới nước, con đậu trên nóc nhà, có chỗ thành từng đôi chụm đầu vào nhau như đôi bạn tri kỷ, con đậu trước mũi thuyền đang bập bềnh trên sóng nước. Chim còn được thể hiện linh hoạt trong lúc đang bắt mồi hay đang ghép đôi (2).

Chim được thể hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ trên bầu trời, trên mặt nước, chim sà vào đậu trên nóc nhà, đậu xuống khoang thuyền hay bay lượn bên người đang giã gạo, đánh chiêng... Chim và người, người và chim, cùng với nhiều sinh vật quen thuộc khác: chó, hươu, bò, voi, cóc, ếch nhái... nói lên cuộc sống gần gũi, hài hoà, gắn bó với thiên nhiên của tổ tiên ta. Hiểu biết được tự nhiên chính là nguồn sức mạnh to lớn khiến con người có thể chinh phục và tiến tới làm chủ tự nhiên. Người Việt cổ đã ghi lại sự hiểu biết về tự nhiên của mình một cách cụ thể sinh động và sự khái quát hoá nhận thức của mình bằng những hình tượng nghệ thuật tài tình. Tác phẩm nghệ thuật của người xưa giúp chúng ta sống lại với thiên nhiên từ buổi đầu dựng nước, một thiên nhiên giàu có và tươi đẹp trong đó thiên nhiên với con người, con người với thiên nhiên chan hoà làm một. Những kiến thức phong phú của tổ tiên ta về thiên nhiên, về giới thực vật và động vật là một phần trong toàn bộ kho tàng nhận thức về tự nhiên mà tổ tiên đã có được và đã tạo nên sức mạnh vĩ đại khiến người xưa viết nên những trang sử văn minh rực rỡ đầu tiên mà ngày nay chúng ta còn thắm thiết tự hào.

(1) Vũ Thế Long và Trịnh Cao Tưởng, Tìm hiểu những di tích động vật và thực vật thuộc thời kỳ Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước tập IV. tr. 169-71.

(2) Vũ Thế Long , Hình và tượng động vật trên trống và các đồ đồng Đông Sơn, tạp chí Khảo cổ học, số 14 (1974) tr. 9-17.

. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

          *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***