Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG IX
CUỘC SỐNG ĐẦM ẤM CỦA GIA ĐÌNH VIỆT CỔ
Từ làng chạ Việt cổ là đơn vị xã hội, chúng ta chuyển sang tìm hiểu gia đình nhỏ Việt cổ là tế bào của xã hội thời Hùng Vương.

Mỗi gia đình nhỏ có cuộc sống đầm ấm của mình trong một ngôi nhà sàn, giữa sự săn sóc giúp đỡ của cộng đồng làng chạ.

Căn cứ vào những hình chạm khắc trang trí trên trống đồng thì nhà sàn của nhân dân Việt cổ là kiểu nhà sàn chưa có vách, sàn thấp, mái cong hình thuyền đuôi mái gối sát nhà sàn, thang lên nhà đặt ở mặt trước.

Cạnh nhà ở có cả nhà kho cũng xây theo kiểu nhà sàn thấp, tròn, mái hình mui thuyền, nhỏ hơn nhà ở. Dấu vết của những ngôi nhà sàn lớn có cột gỗ to, dài đến 4 hay 5 mét với những lỗ mộng đục tinh tế, cùng với những gióng tre, những mảnh phên đan đã đào tìm được ở lớp đất dưới cùng di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa).

Gia đình nhỏ thời Hùng Vương là tế bào của xã hội. Gia đình nhỏ bao gồm vợ chồng và những đứa con, đứa cháu lúc này đã xuất hiện và phát triển bên cạnh những gia đình lớn đang trên quá trình suy tàn và sau khi những công xã thị tộc dòng mẹ bắt đầu tan rã, nhường chỗ cho chế độ quyền cha và gia đình dòng cha. Trước kia nông nghiệp dùng cuốc đá thô sơ làm cho người đàn bà thời nguyên thủy giữ vai trò trọng yếu trong sản xuất. Trồng trọt đã có nhưng chưa bảo đảm, chỉ có hái lượm mới cung cấp tương đối đầy đủ nhu cầu thực phẩm cho con người. Đến thời Hùng Vương, công cụ sản xuất, nhất là nông cụ bằng đồng, ngày càng sắc bén tiện lợi, làm cho nghề trồng trọt được đẩy mạnh. Lúa khoai sản xuất được bảo đảm phần lớn thức ăn của con người.

Lưỡi rìu, lưỡi cuốc, lưỡi cày, lưỡi hái bằng đồng đã đưa người đàn ông từ săn bắn về với nông nghiệp. Việc trao đổi thịnh hành, thúc đẩy sự phát triển các ngành sản xuất khác, chiến tranh tự vệ và bành trướng lãnh thổ làm cho người đàn ông giành lấy địa vị quan trong trong sản xuất, trong xã hội cũng như trong gia đình. Có một sự thay đổi ngôi từ chế độ quyền mẹ và dòng mẹ sang chế độ quyền cha, dòng cha, nhưng không đi đến cực đoan và nhanh chóng như ở xã hội và gia đình người Hán cùng thời.

Một tinh thần bình đẳng ngự trị trong quan hệ cũng như trong vị trí xã hội của người đàn ông và người đàn bà, người đàn ông tuy đã vươn lên nhưng chưa giành cho mình được ưu thế tuyệt đối; chế độ quyền mẹ, gia đình giòng mẹ còn để lại nhiều tàn dư sinh hoạt, trong phong tục và trong văn hoá tinh thần con người thời Hùng Vương cũng như thời phong kiến sau này.

Với những công cụ sản xuất sắc bén tiện lợi, mỗi gia đình nhỏ đã có khả năng sản xuất tự cấp tự túc và tất nhiên còn phải nhờ vả vào tập thể về nhiều mặt. Lãnh đạo gia đình là người chồng, đồng thời ý kiến của người vợ cũng có tác dụng quyết định. Cả hai vợ chồng cùng lao động nông nghiệp và trong những lúc rảnh rỗi, vợ có thể đi hái lượm, chồng săn bắn và đánh cá để cải thiện sinh hoạt như cách nói ngày nay. Với dải đất phì nhiêu nhiều rừng rú, sông ngòi đầm hồ và bờ biển thì sản phẩm thiên nhiên vẫn là nguồn bổ sung thức ăn phong phú và quý báu cho người dân Việt cổ, chủ nhân của những thửa ruộng nước ("ruộng Lạc") đầu tiên.

Ruộng đất hồi ấy chưa phải là của riêng. Chưa có tình hình:

Trống làng ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng
như ở thời phong kiến sau này. Quan niệm để của cho con chỉ nhằm vào con trâu, cái cày, lưỡi rìu, thúng thóc mà chưa nhằm vào ruộng đất. Giữa con gái con trai, việc kế thừa trong gia đình mang tính chất bình đẳng (1).
 CỞI TRẦN, ĐÓNG KHỐ, MẶC VÁY YẾM

Sống trong làng chạ, trong các gia đình nhỏ ấy, nam giới thường là đóng khố, cởi trần. Có kiểu khố dây, đuôi thả vừa chấm mông. Có kiểu khố quấn hai vòng quanh bụng thả múi phía trước và cả phía sau. Có kiểu khố chỉ thả đuôi dài ở phía sau (2).

Nữ giới thì mặc váy, cởi trần như các dân tộc ở Tây Nguyên, Ba-Li (Inđônêxia) và nhiều vùng rừng núi Đông Nam Á ngày nay. Có kiểu váy kín (váy chui), lại có kiểu váy mở (váy quấn), cả hai kiểu đều mặc ngắn đến đầu gối. Nhiều phụ nữ mặc thêm chiếc đệm váy có trang trí thả ở trước bụng và sau mông (3).

Nguyên liệu để làm khố, váy là vải dệt, có nhiều mẫu vải dệt tương đối mịn, đẹp, trên vải có trang trí bằng thêu, vẽ.

Ngày hội, ngày lễ, dân Việt cổ mặc những chiếc váy xòa làm bằng lông chim hay bằng lá cây kết lại, đội những chiếc mũ cũng làm bằng lông chim cắm cao trên đầu phía trước cài thêm những bông lau (4)

Truyền thống dùng lông chim và bông lau làm trang phục ngày hội còn được bảo lưu lâu dài về sau ở nhiều làng người Việt, người Mường, người Tây Nguyên.

Phụ nữ thuộc cấp bậc trên mặc đủ bộ xống áo trông rất sang trọng: ngoài chiếc khăn trùm vắt thành chóp nhọn trên đầu còn mặc yếm kín ngực ở trong, áo cánh xẻ ngực ở ngoài, thắt lưng có trang trí quấn ngang bụng, liền đó chiếc váy kín cũng có trang trí, buông chùng đến gót chân, chiếc đệm váy hình chữ nhật thả ở trước bụng và sau mông (5). Ðây là tiền thân kiểu áo yếm váy quen thuộc của người phụ nữ Việt cổ truyền, và gần như là kiểu mẫu của y phục phụ nữ Mường cận hiện đại.

Thủ lĩnh quân sự thời Hùng Vương có tấm đồng che ngực hình chữ nhật hay hình vuông có trang trí, có đai lưng với khóa đồng to bản có trang trí và đính thêm những chiếc nhạc đồng nhỏ.

Người thời Hùng Vương ưa dùng đồ trang sức. Nam cũng như nữ đều đeo vòng tai (6), đeo nhẫn, hạt chuỗi và phổ biến nhất là vòng tay.

Kiểu trang sức thật là nhiều mầu vẻ: vòng tai hình tròn, hình vành khăn; hạt chuỗi hình tròn, hình trụ, hình trái soan; nhẫn có tiết diện hình tròn, hình thừng bện; vòng tay có tiết diện hình tròn, hình bán nguyệt, hình chữ nhật, hình vuông, hình thang...

Hầu hết đồ trang sức làm bằng đá hiếm (màu vàng, màu xanh, nhiều màu), bằng đồng thau. Thỉnh thoảng có cả ngọc. Nhờ sự chăm chú gia công và khiếu thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật chế tác tinh xảo, người thợ khéo đã tạo ra những vật làm đẹp cho con người có giá trị lớn trong lịch sử nghệ thuật trang sức.

Người thời Hùng Vương có nhiều kiểu đầu tóc khác nhau. Phổ biến là lối cắt tóc ngắn và búi tóc. Sách Lĩnh Nam chích quái chép : (Dân Việt cổ) cắt tóc ngắn đề đi rừng cho tiện. Nam giới lẫn nữ giới cắt tóc ngang vai rồi để xõa, không tết buộc gì. Lõi búi tóc phổ biến cũng chung cho nam lẫn nữ là búi tròn sau gáy, thỉnh thoảng có người búi cao trên đỉnh đầu (7). Phụ nữ quý tộc - các mị nương (mệ nàng) - trùm khăn vắt thành chóp nhọn, ở ngoài búi tóc. Cũng có khi cả nam lẫn nữ kèm với búi tóc còn chít một dải khăn nhỏ ở giữa trán và chân tóc, thả đuôi khăn ra phía sau, hay không có đuôi khăn(8)

Phụ nữ thỉnh thoảng kết tóc thành một đuôi sam thả dài sau lưng, chít thêm một vành khăn nhỏ không thả múi (9)

Ðầu tóc, xống áo, đồ trang sức: đó là bộ trang phục của người thời Hùng Vương, qua đó thể hiện sự phát triển kinh tế, sự tiến bộ và phân hóa xã hội, trình độ tiến triển của tư duy và khiếu năng thẩm mỹ. Qua đó cũng thấy rõ một số đặc trưng về tộc hệ khác nhau mà về sau những tộc người khác nhau vẫn còn bảo lưu bên cạnh người Việt: người Thái, người Mường, người Mèo, người Dao ... trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

NGUỒN THỨC ĂN PHONG PHÚ THỜI HÙNG VƯƠNG

Nguồn thức ăn chủ yếu của nhân dân Việt cổ là thóc gạo. Lĩnh Nam chích quái chép : (Ruộng Lạc) sản xuất được nhiều gạo nếp. Gạo nếp nay vẫn đang còn là nguồn thức ăn quan trọng của dân tộc Mường, Tày, Thái,  Lào ...

Ở người Việt, trong cúng giỗ hội hè - với thực chất và ý nghĩa là gợi lại và bảo lưu truyền thống sinh hoạt cổ xưa - nhất thiết phải dùng gạo nếp (xôi, oản), điều này cho thấy thoạt đầu, thuở xưa, nếp là thức ăn quan trọng. Truyền thuyết dân gian nói nhiều về việc ăn và chế biến nếp ở thời Hùng Vương. Khảo cổ học cũng đã phát hiện được những chiếc chõ đồ xôi thời Hùng Vương.

Cùng ăn với thóc gạo còn có một số quả, hạt, rau, củ khác như bầu, bí, đậu, trám, na, cà, cau, củ kiệu, dưa hấu, bột báng, rau muống ... Quả bầu là mô-típ của những thần thoại vào loại cổ nhất của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Ðông Nam Á. Truyền thuyết dân gian về vua Hùng, về ông Dóng đã nhắc đến củ kiệu, quả cà. Bà mẹ và dân chạ đã dọn cho Dóng những bữa cơm cà đồ sộ; trước khi lên đường ra trận, Dóng ăn liền một lúc hết :

Bảy nong cơm, ba nong cà.
Lĩnh Nam chích quái chép truyện hai anh em Tân và Lang, truyện Mai An Tiêm đã nói đến trầu cau, dưa hấu và bột báng. Dân gian xưa đã có câu nói quen thuộc: "Giã ơn ông Búng bà Bang, dân chúng đói khát thiếu ăn, mong được gánh nặng đem về".

Thức ăn có cá, gà, vịt, chim, chó, lợn rừng, lợn nhà, trâu rừng, trâu nhà, hươu nai, cầy cáo, nhím, rùa, ba ba, hổ, voi, rái cá, tê giác mà răng và xương vụn đã tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ, hay hình ảnh thấy trên các trống đồng, tượng đồng, tượng đất đào được trong các di chỉ. Sách sử cổ cũng nhắc đến dê, rắn. Ngoài ra cua, ốc là một nguồn thức ăn đáng kể. Người xưa đã từng nặn tượng ốc (10)  bên cạnh tượng gà, tượng chim, tượng bò, tượng chó, tượng cóc, tượng rùa. Xác cua đồng đã tìm thấy ở một vài di chỉ.

Người thời Hùng Vương đã biết dùng nhiều loại hương liệu, gia vị và thức uống đặc biệt. Ðó là rượu, gừng, muối, trầu cau, đất hun ...

Lĩnh Nam chích quái chép : (Người Việt cổ) lấy cốt gạo làm rượu. Sử sách và truyền thuyết nói Hùng Vương say rượu để mất nước; vào thế kỷ 2 trước Công nguyên bọn vua quan nhà Triệu ở nước Nam Việt đã dâng nộp hàng ngàn vò rượu cho nhà Hán. Truyền thuyết về trầu cau gắn liền với sự tích thời Hùng Vương. Ăn trầu cau là tục lệ cổ truyền ở Việt Nam; và "miếng trầu là đầu câu chuyện". Còn đất hun, dân gian gọi là "bánh ngói", món đất sét tinh được nung đốt bằng những cây cỏ khói thơm là một "món ăn" kỳ lạ nhưng được sản xuất và tiêu thụ ở nhiều vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ cho đến trước ngày cách mạng tháng Tám. Ở người Xá Tây Bắc, ở người Tây Nguyên và ở một số nơi ở Ðông Nam Á cũng có tục ăn đất hun . Lĩnh Nam chích quái chép : Việc hôn nhân giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu. Có thể thứ "bánh ngói" này đã là một món quà cưới quan trọng thời Hùng Vương. Nhà dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết đã chứng minh tục ăn đất và tục chế biến đất là một tục rất cổ của người Việt mà ý nghĩa thực chất của nó là thưởng thức hương liệu. "Bánh ngói" là một hòn đất chứa đựng chất khói thơm: ăn đất hun cũng tương tự như hút thuốc.

Các nguồn thức ăn được chế biến theo nhiều cách. Cách ăn tươi, ăn sống và thui nướng trên lửa, trên than đã có từ thời Nguyên Thủy, bây giờ vẫn tồn tại. Nhưng chắc chắn phần lớn thức ăn đã được chế biến với trình độ khá cao: nấu, luộc, hấp. Cũng theo ghi chép của Lĩnh Nam chích quái, người thời Hùng Vương thường ăn canh cá.

Khảo cổ học đã phát hiện nhiều nồi gốm các kiểu và cỡ khác nhau, còn nguyên lớp nhọ nồi cùng với những hố bếp. Ngày hai bữa, người xưa đã từng thổi chín cơm gạo bằng cách nấu trong nồi, đồ trong chõ hay lam trong ống tre. Lĩnh Nam chích quái chép: Họ lấy ống tre mà thổi cơm. Ở Vĩnh Phú đã tìm được chõ gốm. Cũng sách vừa dẫn cho biết họ lấy cầm thú, ba ba, cá làm mắm. Như vậy người xưa đã biết chế biến mắm, một hình thức chế biến cổ truyền và phổ cập ở khắp Việt Nam và Ðông Nam Á. Sử liệu Trung Quốc cho biết : Người Nam làm dưa muối, lấy gạo nếp giã thành bột hòa với nước vừng và muối rồi nén cho chín. Dưa đã ngon lại dẻo, nước lại chua, dễ ăn (11) .  Truyền thuyết và phong tục còn cho thấy người thời Hùng Vương đã biết chế biến một số bánh trái và lương khô như bánh chưng, bánh giầy, bánh ót, bánh ít, bánh uôi, bánh dằng, bánh lẳng, bánh tây, bánh mật, bánh bỏng, chè lam ... Truyền thuyết và phong tục về bánh chưng, bánh giầy phổ biến cả ở người Việt lẫn người Mường từ thời gian rất xa xưa.

Thời Hùng Vương, việc dùng bát, đĩa, lon, chậu, mâm bồng đựng thức ăn, dùng gáo, bình, ống đựng nước, rượu, dùng lá để gói hay để lót cơm, bột, bánh ... đã phổ biến. Thức ăn, đồ uống, cách chế biến và cách dựng cất, dọn bày như vậy là đã ổn định thành phong cách ăn uống của một cư dân nông nghiệp nhiệt đới. hành phần chính của bữa cơm là gạo, một khối lượng thức ăn phong phú, một số cách chế biến phát triển, bên cạnh một số cách chế biến còn thô sơ, cho thấy đời sống con người thời Hùng Vương đã chuyển sang giai đoạn đầu của xã hội văn minh nhưng vẫn còn mang ít nhiều dánh dấp của đời sống cổ sơ.

Ðặc biệt một số phong tục về ăn uống đã hình thành và ổn định vào thời ấy (bánh chưng, bánh giầy, cơm lam, mắm, trầu cau ... ) vẫn còn được giữ gìn vững bền về sau này như những yếu tố đặc trưng của một phong cách dân tộc về mặt sinh hoạt.

BỘ ÐỒ DÙNG HỮU ÍCH VÀ THẨM MỸ

Ðồ dùng trong đời sống hàng ngày phần lớn là đồ đựng. Có loại đồ đựng làm bằng đất nung: nồi, chõ, vò, bình, lon, chậu, bát, đĩa, mâm các cỡ nhỏ lớn. Nhiều đồ đựng làm bằng đồng thau: lọ, bình, âu, ấm thố, thạp được chế tạo công phu, nhiều chiếc có quy mô lớn như thạp Ðào Thịnh.

Ngoài những đồ đựng bằng đất nung và đồng thau còn có những đồ đựng đan bằng tre nứa, cói, mây: gùi, sọt, bao, bồ, rổ, rá còn để lại tàn tích trong các di chỉ khảo cổ. Một số đồ đựng khác ít phổ biến hơn làm bằng gỗ, bằng da : tráp, rương, hòm, ngoài ra cũng đã tìm thấy vết tích của phên, liếp, chiếu, dây buộc (12) .

Gỗ là nguyên liệu quan trọng để chế tạo những đồ dùng lớn : cối giã chày tay hình trụ tròn, hình lòng máng mà hình ảnh đã được khắc họa rõ ràng trên những chiếc trống đồng cổ; quan tài hình thuyền có nắp, có chiếc rộng gần 1 m, dài tới hơn 4 m (13) ; và đặc biệt là những chiếc thuyền.

Người thời Hùng Vương biết chế tạo nhiều kiểu thuyền khác nhau: thuyền độc mộc mũi cong, đuôi én bơi bằng    giầm (14) , thuyền đi sông, đi biển cỡ lớn có lầu, sạp, bánh lái ở mũi và ở đuôi, chạy bằng bơi chèo và buồm(15) . Thuyền chắc chắn là phương thiện đi lại, chuyên chở chính của người thời Hùng Vương, con người của những làng chạ sống gần sông nước.

Trong những dịp hội, lễ , tang ma, xuất hiện những chiếc trống đồng, hiện vật tiêu biểu cho nền nghệ thuật và nền văn hóa của cả một thời đại. Hàng trăm trống đồng đã tìm thấy trong lòng đất từ Yên Bái, Phú Thọ đến Bình-Trị-Thiên chưa kể hàng ngàn trống khác bị tên tướng Mã Viện tịch thu để đúc ngựa dâng cho vua Hán, cho thấy trống đồng đã giữ vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội và tinh thần của nhân dân Việt cổ.
 

Ðồ dùng của người thời Hùng Vương phong phú và đa dạng nhiều thứ được chế tạo với một kỹ thuật tinh xảo, nghệ thuật tinh vi như trống đồng, chứng tỏ trình độ sinh hoạt và nhu cầu của xã hội đã phát triển đến một mức độ cao.

Bộ đồ dùng gồm có nhiều đồ đựng, đồ gốm, đồ đồng lớn phản ánh rất rõ lối sống nông nghiệp định cư định canh. Không có nhiều đồ dùng chông chênh mà chỉ thấy những thứ có thể đặt đứng chắc chắn, điều đó phản ánh lối sống ở trên nhà sàn.

Ở bộ đồ dùng thời hùng vương, thấy rõ thị hiếu, sở thích của người xưa là ưa kết hợp thực dụng và thẩm mỹ : đồ gốm, đồ đồng đều luôn luôn được chú ý gia công và trang trí. Ở đó cũng thấy rõ sự phân hóa các thân phận xã hội: phân hóa giữa chủ nhân những đồ quý (trống, thạp) với chủ nhân những đồ dùng bình thường. Cùng với phong cách chung trong ăn ở, ăn uống, ăn mặc, phong cách chung của các đồ dùng thể hiện ở nguyên liệu, loại hình, kiểu dáng, công dụng và cách trang trí, tìm thấy ở khắp nơi từ các cương vực Bắc, Nam, Ðông, Tây của nước Văn Lang cho chúng ta thấy một sự thống nhất khá chặt chẽ về nhiều mặt của cộng đồng cư dân sống đầm ấm trong các làng chạ Việt cổ.

_______________________
(1) - Theo sự nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, quyền trưởng nam chỉ mới bắt đầu thấy xuất hiện ở đời Lý.
(2) - Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Yên Bái, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(3) - Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa, Yên Bái.
(4) - Theo hình ảnh khắc họa trên nhiều trống, rìu, thạp đồng.
(5) - Theo hình ảnh pho tượng người tìm thấy ở.
(6) - Giống như tục căng tai bằng vòng ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.
(7) - Như ở phụ nữ Thái đã có chồng.
(8) - Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(9) - Tượng người tìm thấy ở Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(10) - Tìm thấy ở Thanh Hóa.
(11) - Theo sách Kinh sử tuế thời ký.
(12) - Trong một số di chỉ ở Hải Phòng, Thanh Hóa ...
(13) - Các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều chiếc quan tài còn nguyên vẹn ở Hải Phòng, Hải Hưng.
(14) - Giống như những con thuyền đuôi én của dân tộc Thái ngày nay trên sông Ðà.
(15) - Theo hình ảnh được khắc trên các trống đồng cổ.
. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

          *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***