Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Người Việt Nam ở nước ngoài đầu thế kỷ XXI
số liệu và bình luận
___________

Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn

Cho đến đầu thế kỷ XXI Việt Nam là nước có kiều dân thuộc loại nhiều và có thể nói là thuộc loại rất nhiều nếu tính tỷ lệ kiều dân Việt Nam so với tổng số dân trong nước.  Vào cuối thế kỷ trước khi dân nước Trung Quốc có khoảng 1,3 tỷ thì Hoa kiều có khoảng 55 triệu, chiếm tỷ lệ 4,23%; Anh có khoảng 60 triệu dân thì kiều dân Anh có khoảng 2 triệu, chiếm 3,33%; Ấn Độ có khoảng 900 triệu dân thì kiều dân Ấn Độ có khoảng 20 triệu, chiếm tỷ lệ 2,22%; Nhật Bản có khoảng 120 triệu dân thì kiều dân Nhật có khoảng 2 triệu, chiếm 1,66%... Cùng thời gian đó Việt Nam có khoảng 68 triệu dân thì người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 2,6 triệu, chiếm 3,82%. Như vậy là, về mặt tỷ lệ, so sánh với 4 nước thuộc loại có kiều dân nhiều vào hạng nhất thế giới đó, Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Bước qua đầu thế kỷ XXI, số kiều dân Việt Nam vẫn có chiều hướng tăng, tuy không có sự gia tăng đột biến như thời kỳ những năm sau của thập kỷ 70 thuộc thế kỷ XX.  Do vậy, nghiên cứu về người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay cần đặc biệt lưu ý tới sự diễn biến của sự gia tăng đó.

Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan mà việc thu thập tài liệu, số liệu về kiều dân Việt Nam suốt nhiều năm qua vẫn chưa có được một con số thật sự chính xác. Nhiều lúc các nguồn thông tin về số lượng kiều dân Việt Nam khác nhau rất xa. Khoảng cách các con số có lúc xa nhau tới cỡ xê dịch từ 2 triệu đến 4 triệu; đặc biệt, có lúc, có tài liệu thông báo rằng người Việt Nam ở nước ngoài đã lên tới 6 triệu (!).

Kiều dân của bất cứ nước nào cũng có sự biến đổi số lượng theo thời gian. Nhưng với Việt Nam thì sự biến đổi số lượng kiều dân trong ba mươi năm qua mang nhiều yếu tố đặc biệt; gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của thế giới. Sự kiện Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng tháng 4 năm 1975 và những vụ việc phát sinh tiếp theo do sự kiện đó như sự xuất ngoại theo diện con lai Mỹ (Asian - American Children - AC); theo chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure programme - ODP) của Cao Ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (United Nations High Commissoner for Refugees - UNHCR) hoặc theo chương trình dành cho sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ đi cải tạo về (Humanitarian Organization - HO)... cùng với việc xuất ngoại do sự kiện chiến tranh biên giới và vấn đề "nạn kiều"; xuất ngoại và xáo trộn di dân do sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, v.v... Mặt khác,  hiện tượng gia tăng số lượng kiều dân Việt Nam còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến chuyển xã hội như vấn đề gia tăng xuất khẩu lao động, vấn đề kết hôn với người nước ngoài... Sự thay đổi tổng số lượng kiều dân Việt Nam đã phức tạp, nhưng sự thay đổi số lượng kiều dân Việt Nam trên từng nước sở tại còn phức tạp hơn nhiều. Tổng hợp nhiều nguồn số liệu thu thập được trong những năm 1994 - 1995 về kiều dân Việt Nam trên 79 nước và vùng lãnh thổ, chúng tôi đã có một con số là 2.643.200 người. Những số liệu này đã được công bố trên các báo chí và đã in trong cuốn sách "Người Việt Nam ở nước ngoài" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tại Hà Nội năm 1997. Đó là bảng ghi số lượng kiều dân Việt Nam ở nước ngoài giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Sau 10 năm, đương nhiên những con số trong bảng ghi đó đã thay đổi. Bảng ghi dưới đây là kết quả tổng hợp các nguồn số liệu mà chúng tôi nhận được từ đầu năm 2004 đến đầu năm 2005.  Các số liệu này được lập sóng đôi với các số liệu của bảng ghi 1994 - 1995 để phục vụ cho việc tham khảo, so sánh.

SỐ LƯỢNG VÀ SỰ PHÂN BỐ KIỀU DÂN VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI TẠI THỜI ĐIỂM 2004 - 2005

TT Tên nước hoặc vùng lãnh thổ  Châu lục Số kiều dân Việt Nam (1994-1995)  Chiều hướng tăng, giảm Số kiều dân Việt Nam (2004-2005)
1. Hoa kỳ 
(United States)
Mỹ 950.000 + 1.300.000
2. Pháp (France) Âu 400.000 - 300.000
3. Ôxtrâylia (Australia) Đại dương 160.000 + 250.000
4. Canađa (Canada)  Mỹ 150.000 + 200.000
5. Trung Quốc (China) Á 300.000 - 180.000
6. Campuchia (Cambodia)  Á  100.000 + 130.000
7. Đài Loan (Taiwan) Á  15.000   120.000
8. Thái Lan (Thailand) Á  120.000 - 110.000
9. Đức (Germany)  Âu 100.000  = 100.000 
10. Nga (Russian) Âu + Á  100.000  = 100.000
11. Anh (United Kingdom)  Âu 25.000 + 40.000
12. Séc (Czech) Âu 18.000 + 35.000
13. Lào (Laos) Á  10.000 + 35.000
14. Ba Lan (Poland) Âu 30.000 - 25.000
15. Na Uy (Norway) Âu 2.000 + 17.000
16. Hà Lan (Netherlands) Âu 10.000 + 15.000
17. Bỉ (Belgium) Âu 7.000  + 12.000
18.  Đan Mạch (Denmark) Âu 5.000 + 11.500
19. Thụy Điển (Sweden) Âu 2.000 + 10.000
20. Nhật Bản (Japan) Á  6.000 + 10.000
21. Hàn Quốc (Korea, Republic of) Á 5.000 + 9.500
22. Ucraina (Ukraine) Âu 10.000 - 8.000
23. Guyana (Guyana) Mỹ   + 8.000
24. Thụy Sĩ (Switzerland) Âu 5.000 + 6.500
25. Phần Lan (Finland) Âu 1.000 + 6.000
26. Philippin (Philippines) Á 5.000 = 5.000
27. Tân Calêđônia
(New Caledonia)
Đại dương     5.000
28. Macao (Macao) Á 4.500 + 4.579
29. Italia (Italy) Âu 2.000 + 3.000
30. Hunggari (Hungary) Âu 5.000 - 3.000
31. Áo (Austria) Âu 3.000 = 3.000
32. Niu Zilân
(New Zealand)
Đại dương  300 + 2.412
33. Hồng Công (HongKong SAR)  Á 50.000  - 2.000
34. Xlôvakia (Slovakia) Âu     2.000
35. Bungari (Bungari)  Âu 2.500 - 1.000
36. Aixơlen (Iceland) Âu     1.000
37. Tây Ban Nha (Spain) Âu 2.000 - 1.000
38. Ăngôla (Angola)  Phi      800
39. Vanuatu
(Vanuatu) 
Đại dương     400
40. Ailen (Ireland)  Âu  500 - 350
41. Rumani (Romania)  Âu  1.000 - 300
42. Malaixia (Malaysia) Á 1.200 - 300
43. Ấn Độ (India) Á 2.000 - 260
44. Cốt đivoa
(Vot d'lvoire) 
Phi     253
45. Bêlarút (Belarus)  Âu     250
46. Lítva (Lithuania) Âu 400 - 250
47. Anbani (Albania) Âu 2.000 - 200
48. Gaiane thuộc Pháp (French Guiana)  Mỹ     200
49. Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) Á 2.000 - 200
50. Mêhicô (Mexico)  Mỹ 2.000 - 200
51. Triều Tiên
(Korea, PDR)
Á 2.000 - 200
52. Xingapo 
(Singapore)
Á 2.000  - 160
53. Inđônêxia (Indonesia) Á 5.000 - 160
54. Angiêri (Algeria)  Phi 1.000 - 110
55. Lucxămbua (Luxembourg) Âu 500 - 100
56. Mônđôva (Moldova) Âu     100
57. Udơbêkixtan (Uzbekistan) Á     100
58. Braxin (Brazil)  Mỹ 1.000 - 100
59. Bồ Đào Nha (Portugal)  Âu 1.000 - 100
60. Marốc (Morocco)  Phi 500 - 100
61. Irắc (Iraq)  Á 1.000 - 100
62. Mađagaxca (Madagascar) Phi     100
63. Nam Tư (Yugoslavia) Âu 1.000 - 100
64. Mianma (Myanmar) Á 500   80
65. Áchentina (Argentina) Mỹ 500   80
66. Ảrập Xếut (Saudi Arabia) Á 1.000 - 57
67. Iran (Iran)  Á 1.000 - 53
68. Kênia (Kenya) Phi 200 - 51
69. Chilê (Chile)  Mỹ 500 - 50
70. Cadắcxtan (Kazakhstan) Á     50
71. Banglađét (Bangladesk)  Á 500 - 50
72. Pêru (Peru)  Mỹ 500 - 50
73. Libăng (Lebanon)  Á     40
74. Ixraren (Israel)  Á 200 - 40
75. Tuốcmênixtan (Turkmenistan)  Á     39
76. Mông Cổ (Mongolia)  Á 500 - 35
77. Vaticăng (Vaticano)  Âu 50 - 30
78. Etxtônia (Estonia)  Âu 300 - 30
79.

 

Pocpua Niu Ghinê
(Papua New Guinea)
Đại dương

 

300

 

- 30

 

80. Cuba (Cuba)  Mỹ 2.000 - 25
81. Nam Phi
(South Frica)
Phi     23
82. Hy Lạp (Greece)  Âu 700 - 20
83. Giócđani (Jordan)  Á 200 - 20
84. Cưrơgưxtan (Kyrgyzstan) Á     20
85. Látvia (Latvia)  Âu 100 - 20
86. Lixtenstâyin (Liechtenstein)  Âu 100 - 20
87. Pakixtan (Pakistan)  Á 1.000 - 20
88. Xan Mario (San Mario)  Âu 100 - 20
89. Xênêgan (Senegal) Phi     20
90. Paragoay (Paraguay) Mỹ     16
91. Haiti (Haiti) Mỹ     15
92. Guam (Guam) Đại dương     15
93. Brunây (Brunei) Á     12
94. Mônaco (Monaco)  Âu 100 - 10
95. Libi (Libya)  Phi 100 - 10
96. Côlômbia (Colombia)  Mỹ 500 - 10
97. Anđôra (Andorra)  Âu 100 - 10
98. Yêmen (Yemen) Á     10
99. Ai Cập (Egypt)  Phi 1.000 - 10
100. Nêpan (Nepal) Á 100 - 10
101. Công Gô (Congo)  Phi     10
102. Cộng Hòa Trung Phi (Central African Republic) Phi     10
103. Tandania Phi     10
104. Êcuađo (Ecuador)  Mỹ     8
105. Côoét (Kuwait)  Á 100 - 7
106. Xyri (Syria) Á     5
107. Manta (Malta)  Âu     5
108. Panama  (Panama)  Mỹ     3
           
  Tổng cộng    2.643.650   3.078.143

Khi hình thành được con số hơn 2,6 triệu người Việt Nam đang kiều cư trong gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hồi 1994-1995, chúng tôi đã đưa ra thông tin dự báo rằng “con số đó đang nhích lên khá nhanh từ 2,6 triệu đến 3 triệu” trong những năm từ 1996 đến đầu thế kỷ mới. Con số tổng hợp được về tổng số lượng kiều dân Việt Nam hiện nay (2004-2005) là 3.078.143 trên lãnh thổ của 108 nước và vùng lãnh thổ đã chứng tỏ rằng dự báo đó là khá chính xác - khá chính xác cả về mặt xu hướng gia tăng, cả về số lượng gia tăng.

Để hình dung rõ hơn ý nghĩa của con số 3.078.143 này, xin được lưu ý rằng ở thời điểm giữa năm 2004 các nước và vùng lãnh thổ sau đây trên thế giới có dân số ít hơn con số đó: Tây Sahara – 300 ngàn; Cômôrốt – 700 ngàn; Gibuti – 700 ngàn; Môrixơ – 1,2 triệu; Mayhôtê – 200 ngàn; Rêuniông – 800 ngàn; Xâysen – 100 ngàn; Bốtxoan – 1,7 triệu; Lêxôthô – 1,8 triệu; Namibia – 1,9 triệu; Xoadilen – 1,2 triệu; Cápve – 500 ngàn; Gambia – 1,5 triệu; Ginê Bitxao – 1,5 triệu; Môritani – 3 triệu; Ghênê Xích đạo – 500 ngàn; Gabông – 1,4 triệu; Xaotômê và Prinxipê – 200 ngàn người... Đó là các nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Phi.

Tại Châu Mỹ, các nước và vùng lãnh thổ sau đây có dân số dưới 3.078.143 người: Antigoa và Babuđa – 100 ngàn; Bahamát – 300 ngàn; Bácbađốt – 300 ngàn; Đôminica – 100 ngàn; Grênađa – 100 ngàn; Goađêlôp – 400 ngàn; Jamaica – 2,6 triệu; Matinic – 400 ngàn; Quần đảo Ăngtin thuộc Hà Lan – 200 ngàn; Xan Kit Nêvi – 50 ngàn; Xan Luxia – 200 ngàn; Xan Vincent và Crênađin – 100 ngàn; Triniđát và Tôbacô – 1,3 triệu; Gaiana thuộc Pháp – 200 ngàn; Guyana – 800 ngàn; Xurinam – 400 ngàn; Bêlixê – 300 ngàn người.

Tại Châu Á, các nước và vùng lãnh thổ có dân số dưới 3.078.143 người là: Đặc khu hành chính Ma Cao – 400 ngàn; Mông Cổ – 2,5 triệu; Brunây – 400 ngàn; Đông Timo – 800 ngàn; Baren – 700 ngàn; Síp – 900 ngàn; Côoét – 2,5 triệu; Ôman – 2,7 triệu; Cata – 700 ngàn; Butan – 1 triệu; Manđivơ – 300 ngàn người.

Trên đất Châu Âu các nước và vùng lãnh thổ sau đây có dân số dưới 3.078.143: Quần đảo Chanen – 200 ngàn; Extônia – 1,3 triệu; Aixơlen – 300 ngàn; Latvia – 2,3 triệu; Anđôra – 100 ngàn; Maxêđônia – 2 triệu; Manta – 400 ngàn; Xan Mariô – 30 ngàn; Xlôvennia – 2 triệu; Lichtenxten – 30 ngàn; Lúcxămbua – 500 ngàn; Mônacô – 30 ngàn người.

Tại Châu Đại Dương, các nước và vùng lãnh thổ sau đây có dân số dưới 3.078.143 người: Liên bang Micơrônexia – 100 ngàn; Phigi – 800 ngàn; Polinexia thuộc Pháp – 300 ngàn; Guam – 200 ngàn; Kiribati – 100 ngàn; Quần đảo Mácsan – 100 ngàn; Naura – 10 ngàn; Tân Balêđônia – 200 ngàn; Palan – 20 ngàn; Quần đảo Xalômôn – 500 ngàn; Tônga – 100 ngàn; Tuvalu – 10 ngàn; Vanuatu – 200 ngàn; Tây Xamoa – 200 ngàn người.

Như vậy là trên cả 5 Châu lục, vào giữa năm 2004, đang có 72 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít thua tổng số người Việt Nam ở nước ngoài; có 58 nước và vùng lãnh thổ có số dân bằng hoặc ít thua tổng số người Việt Nam tại Hoa Kỳ (1.300.000); có 34 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít thua tổng số người Việt Nam tại Pháp (300.000); có 27 nước và vùng lãnh thổ có số dân bằng hoặc ít thua số người Việt Nam tại Oxtrâylia (250.000) và Canada (200.000); có 16 nước và vùng lãnh thổ có số dân ít thua số người Việt Nam tại Trung Quốc (180.000), tại Campuchia (130.000), tại Đài Loan (120.000), tại Thái Lan (110.000), tại Đức (100.000) hoặc tại Nga (100.000).

Sự gia tăng số lượng người Việt Nam ở nước ngoài trong lịch sử, đặc biệt là những đợt gia tăng lớn, thường gắn với những sự kiện không vui của đất nước, của dân tộc: Hậu quả của chiến tranh, của nghèo đói, của những bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội... ở trong nước. Nhưng, trong hơn một thế kỷ nay dường như người Việt Nam ở nước ngoài đã dần dần chuyển cái thực tế không vui đó thành hiện thực đáng mừng: Ổn định việc kiều cư hữu hảo và thích nghi nhanh chóng với đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... của nhân dân các nước sở tại; nuôi dưỡng và phát triển trong cộng đồng kiều dân Việt Nam ý thức luôn hướng về đất mẹ, hướng về dân tộc. Đó là một trong nhữnh thành tựu lớn nhất, căn bản nhất của kiều bào – một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam mà nay đã lên tới hơn 3 triệu người, đông hơn tổng dân số của mỗi một trong 72 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới; đang có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ngày nay mà số kiều dân Việt Nam trong mỗi nước đó là nhiều hơn tổng số dân của mỗi một trong số 27 nước hoặc vùng lãnh thổ của thế giới hiện đại. Càng đông người Việt Nam kiều cư ở nước ngoài, càng phải tăng cường hơn nữa sức mạnh hướng về Tổ quốc Việt Nam; càng nhiều nước có người Việt Nam kiều cư, càng phải tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đó là lẽ sống, là cơ sở để tồn tại, để phát triển của tất cả bà con kiều bào – những người luôn ý thức rằng mình là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”.

Xem xét cụ thể hơn các số lượng kiều dân Việt Nam của từng nước và vùng lãnh thổ sở tại; so sánh các số lượng đó giữa hai thời điểm 1994 - 1995 và 2004-2005 chúng ta có thể có được nhiều kết quả bổ ích. Chẳng hạn, về xu hướng nhập cư có sự giảm bớt ở 54 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 43 nước và vùng lãnh thổ giảm mạnh. So với 10 năm trước số người Việt Nam ở 43 nước này chỉ còn lại từ 30% trở xuống. Đặc biệt có 30 nước và vùng lãnh thổ mà so với 10 năm trước, số người Việt Nam ở đây còn lại chỉ từ 10% trở xuống. Đáng chú ý hơn, có 7 nước và vùng lãnh thổ trong 10 năm qua số kiều dân Việt Nam giảm rất mạnh chỉ còn từ 5% trở xuống.

Về số lượng kiều dân Việt Nam tăng đáng kể trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong 10 năm qua được diễn biến theo thứ tự như sau:

1) Ở Mỹ tăng: 350.000 người; 2) Đài Loan: 105.000; 3) Ôxtrâylia: 90.000; 4) Canađa: 50.000; 5) Campuchia: 30.000; 6) Lào: 25.000; 7) Séc: 17.000; 8) Anh: 15.000; 9) Na Uy: 15.000; 10) Thụy Điển: 8.000; 11) Đan Mạch: 6.500; 12) Hà Lan: 5.000; 13) Bỉ: 5.000; 14) Phần Lan: 5.000; 15) Hàn Quốc: 4.500; 16) Nhật Bản: 4.000; 17) Niu Zilân: 2.112; 18) Thụy Sỹ: 1.500; 19) Italia: 1.000; 20) Macao: 79 người.
 

Từ thực tế về sự tăng , giảm số kiều dân Việt Nam trên các nước và vùng lãnh thổ được ghi nhận trên đây có thể có những nhận xét như sau:

1- Sự tăng, giảm số lượng kiều dân còn mang tính truyền thống: Đó là sự gia tăng số lượng kiều bào Việt Nam tại các nước láng giềng gần gũi nhất. Sau thời gian chiến tranh và sau nhiều ảnh hưởng của các sự cố đột biến khác từ hậu quả của các cuộc xung đột vùng, mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia đã trở lại ổn định - nhờ đó việc di cư, định cư trở lại bình thường là điều rất đáng mừng. Nhìn rộng thêm ra 7 nước Đông Nam Á khác ta thấy: Ngoài số người Việt Nam ở Philippin không giảm cũng không tăng và ở Brunây mới biết được thông tin là có 12 người Việt Nam cư ngụ, còn ở 5 nước khác thì 10 năm qua số kiều dân Việt Nam đều giảm bớt, cụ thể như sau: Ở Inđônêxia giảm 96,80%; ở Singapo giảm 92,00%; ở Mianma giảm 84,00%; ở Malaixia giảm 75,00% và ở Thái Lan giảm 8,33%. Phải chăng thực tế này cho chúng ta một thông báo rằng: Mặc dầu 10 năm qua quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các nước Đông Nam Á được củng cố và mở rộng rất nhiều, nhưng song song với điều đó lại đã có không ít những hiện tượng, những sự kiện khác ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển việc kiều cư của người Việt Nam. Chẳng hạn như các chính sách chặt chẽ của một số nước trong việc tiếp nhận người nhập khẩu lao động; đó chẳng hạn như là những biến động về xung đột tôn giáo, về nạn khủng bố, về họa thiên tai ? !

2- Sự giảm (-) đồng loạt của số lượng kiều dân Việt Nam ở các nước trước đây thuộc khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô - Đông Âu như: Nga (=) , Ba Lan (-), Ucraina (-), Hungari (-), Bungari (-), Rumani (-), Etxtôni(-), Lítva (-), Anbani (-), Nam Tư (-), Latvia (-) là dễ hiểu. Hầu hết ở các nước nhỏ thuộc khu vực này số lượng kiều dân Việt Nam đều giảm. Riêng ở Nga thì vẫn giữ nguyên số lượng cũ. Ở Séc và Xlôvakia (Tiệp Khắc trước đây) có tăng; ở Đức, bao gồm Tây và Đông Đức trước đây, vẫn giữ số lượng kiều dân Việt Nam như 10 năm về trước. Tất cả những thực tế tăng, giảm đó một phần chứng tỏ rằng sự xáo trộn việc kiều cư của người Việt Nam ở khu vực này do sự biến "sụp đổ" đã dần dần qua đi. Mục đích kiều cư thay đổi từ kiều cư chủ yếu là để học tập, lao động xuất khẩu... đến kiều cư tự do để làm ăn, sinh sống cá thể là chính, đã được chấp nhận và dần dần có xu thế ổn định mang tính bền vững. Một số lớn kiều bào ở đây có nhu cầu chuyển sang làm ăn, sinh sống ở phương Tây mà trước hết là tạm cư qua Tiệp rồi qua Đức, một thời đã gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục xác nhận quốc tịch, xác nhận phép cư trú, phép sản xuất, buôn bán, làm ăn... cho đến nay cũng dần dần được giải quyết theo hướng ổn thỏa. Điều đó chứng tỏ một phần hiệu quả của công tác tổ chức, vận động kiều bào tại đây; chứng tỏ các đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trên lĩnh vực này đã đem lại kết quả khả quan.

3- Nhân vừa nhắc đến các nước Bắc Âu vốn trước đây là các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, thấy cần nhìn lại sự thay đổi số lượng kiều dân Việt Nam tại cả vùng Bắc Âu này. Trong vùng này ngoài quần đảo quốc nhỏ bé Chanen (Chanel Islands) với diện tích chỉ 200 cây số vuông, còn lại 10 nước. Tại 10 nước này, trong 10 năm qua số kiều dân Việt Nam giảm, ngoài Ailen (Ireland) giảm từ 500 xuống còn 350 kiều dân Việt Nam, còn lại 3 nước bị giảm khác lại chính là 3 nước trước đây thuộc Liên Xô: Ở Lítva giảm từ 400 xuống còn 250 người Việt Nam; ở Etxtônia giảm từ 300 xuống chỉ còn có 30 người Việt Nam; ở Látvia giảm từ 100 xuống chỉ còn lại 20 người Việt Nam (!). Trong khi đó chính tại cái miền giá lạnh khủng khiếp đối với người dân từ vùng nhiệt đới Việt Nam này, mười năm qua lại đã tăng vọt số kiều dân Việt Nam lên: Ở Anh tăng thêm 15.000 người Việt Nam; ở Na Uy tăng thêm 5.000 người; ở Đan Mạch tăng thêm 6.500; ở Thụy Điển tăng thêm 8.000; ở Phần Lan tăng thêm 5.000; ở Aixơlen mới biết thêm là có 1.000 người Việt Nam cư ngụ... Cần có một sự nghiên cứu kỹ càng, đầy đủ hơn về sự tăng, giảm số người Việt Nam kiều cư tại Bắc Âu, nhưng trước mắt hãy xem sự tăng vọt số kiều dân Việt Nam tại đây như là một sự kiện đáng mừng; như là một thành công của bà con kiều bào trong việc phát hiện ra một vùng đất tuy khắc nghiệt về khí hậu, nhưng ở đó có những dân tộc thích hợp để cùng người Việt Nam làm ăn, sinh sống... mà nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ trước kiều dân Việt Nam chưa biết đến.

4- Đáng chú ý nhất đồng thời cũng cần đặc biệt quan tâm để tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn là những số liệu tăng, giảm kiều dân Việt Nam trong 10 năm qua tại 8 nước và vùng lãnh thổ thuộc miền Đông Á. Số lượng tăng, giảm đó diễn biến cụ thể như sau: Ở Trung Quốc giảm 120.000 kiều dân Việt Nam; Ở Hồng Công giảm 48.000; Ở Triều Tiên giảm 1.800; Ở Mông Cổ giảm 465 kiều dân Việt Nam. Trong khi đó ở Đài Loan tăng 105.000 kiều dân Việt Nam; Ở Hàn Quốc tăng 4.500; Ở Nhật Bản tăng 4.000; Ở Ma Cao tăng 79 kiều dân Việt Nam.

Ai và như thế nào thì mới có thể gọi là "người Việt Nam ở Trung Quốc" vẫn chưa có những tiêu chí thật rõ ràng để xác định. Cho nên, các số liệu về người Việt Nam kiều cư tại Trung Quốc hiện nay có thể cách biệt nhau rất xa. Sự gia tăng đột biến số lượng kiều dân Việt Nam tại Đài Loan và Hàn Quốc thì có thể được giải thích là trong 10 năm qua hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc và đặc biệt là người Đài Loan quá nhiều. Có nguồn tin cho biết: Trong 10 năm qua có tới hơn 4.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và có hơn 80.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan; còn người Việt Nam xuất khẩu lao động sang Đài Loan thì có gần 30.000. Trước một sự thực đang diễn ra mang tính đột biến như thế rất cần được xem xét kỹ từ nhiều khía cạnh về mặt tâm lý, về mặt xã hội cũng như về chủ trương, chính sách... để có được những định hướng thật hợp lý về các vấn đề đó trong tương lai. Sự giảm sút từ 50.000 xuống chỉ còn 2.000 kiều dân Việt Nam tại Hồng Công trong 10 năm qua thì có thể giải thích được. Đó là do sự giải tỏa cả một loạt "trại tỵ nạn" là hậu quả của chiến tranh, của sự xung đột quân sự trong quá khứ. Ngày nay Hồng Công đã trở về lại với Trung Quốc, thiết tưởng lập lại việc kiều cư bình thường mang tính truyền thống của người Việt Nam tại vùng lãnh thổ này phải là ý nguyện và thiện chí từ tất cả các phía hữu quan. Riêng sự gia tăng người Việt Nam kiều cư tại Nhật Bản từ 6.000 lên 10.000 thì cần xem đó như là một tín hiệu tốt. Cư ngụ, làm ăn, sinh sống hòa hợp được với hơn 127 triệu dân Nhật Bản đầy sáng tạo và tân tiến, hy vọng kiều bào ta ở đây sẽ thu được cho mình những kết quả khả quan về nhiều mặt, đóng góp đáng kể hơn cho đất nước quê hương cũng như cho nước sở tại.

5- Tại 18 nước Tây Á và 14 nước Trung Nam Á trong 10 năm qua đã xảy ra nhiều sự bất ổn: Xung đột quân sự, nạn khủng bố, thiên tai... Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc làm ăn, sinh sống của kiều bào ta. Cho đến nay mà vẫn còn một số lượng bà con kiều bào với chiều hướng tăng, giảm so với 10 năm trước như ở bảng ghi dưới đây kể cũng đã có thể xem như là một thành quả rất đáng ghi nhận về khả năng của kiều bào trong nỗ lực thích nghi với vô vàn khó khăn, gian khổ ở hoàn cảnh của các nước sở tại.

Tây Á chỉ ở 9 nước sau đây có kiều dân Việt Nam cư ngụ:
 

TT Tên nước hoặc vùng lãnh thổ Số kiều dân Việt Nam (1994-1995) Chiều hướng tăng, giảm Số kiều dân Việt Nam (2004-2005) 
Irắc 1.000 - 100
Libăng - + 40
Ả rập Xêút 1.000  - 57
Xiri - + 5
Thổ Nhĩ Kỳ 2.000 - 200
Yêmen - + 10

Trung Nam Á cũng chỉ ở 8 nước sau đây có kiều dân Việt Nam cư ngụ:
 

TT Tên nước hoặc vùng lãnh thổ Số kiều dân Việt Nam (1994-1995) Chiều hướng tăng, giảm  Số kiều dân Việt Nam (2004-2005) 
Bănglađét 500 - 50
Nêpan 100 - 10
Pakixtan 1.000 - 20
Tuốcmênixtan - + 39
Udơbêkixtan - + 100

6- Bắc Mỹ có hai nước là Canađa và Hoa Kỳ. Tại hai nước này trước đây vốn đã có nhiều người Việt Nam kiều ngụ, trong 10 năm qua ở đây lại là nơi kiều dân Việt Nam gia tăng thuộc loại nhiều nhất: Ở Canađa tăng từ 150.000 lên 200.000; Ở Hoa Kỳ tăng từ 950.000 lên 1.300.000 kiều dân Việt Nam. Như vậy là tổng số kiều dân Việt Nam tại hai nước Bắc Mỹ đã chiếm ngót 1/2 tổng số kiều dân Việt Nam trên toàn thế giới. Nhìn từ nhiều phía, số kiều dân Việt Nam tăng lên ở đây mà rõ nhất là số 350.000 người tăng lên tại Hoa Kỳ trong 10 năm qua có những nét giống, nhưng cũng có rất nhiều nét khác so với số người Việt Nam đã định cư ở đây trước năm 1945, trước năm 1954, trước năm 1975 và khác ngay cả với số người Việt Nam định cư tại Mỹ trước năm 1995. Con số 350.000 kiều dân Việt Nam mới tăng thêm tại Hoa Kỳ trong 10 năm qua phần lớn là nhập cư không phải vì những lý do liên quan đến hậu quả của cuộc chiến tranh Mỹ - Việt thời 1954 - 1975 mà là sự nhập cư chủ yếu vì những lý do tìm vùng đất thích hợp để làm ăn, sinh sống, học tập, công tác...; nhập cư vào Hoa Kỳ, và cả vào Canađa nữa, trong thời gian 10 năm vừa qua là sự nhập cư tự nguyện; nhập cư với nhu cầu của bản thân và theo những cơ sở pháp lý càng ngày càng minh bạch hơn của chính quyền từ cả hai phía. Điều này nói lên một phần rất lớn kết quả những thiện chí của Nhà nước Việt Nam và của các chính quyền Hoa Kỳ thời hậu chiến Việt Nam trong việc hàn gắn những rạn nứt của quá khứ, hướng về tương lai sáng và đẹp vốn tiềm ẩn trong ý nguyện của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân Mỹ, nhân dân Canađa. Hoa Kỳ là nơi mà kiều dân Việt Nam được sống tập trung với nhau thành những quần cư đông đúc. Điều đó tạo cho kiều bào rất nhiều thuận lợi trong sinh sống, làm ăn. Hàng rào ngôn ngữ không là trở ngại quá to lớn đối với những lớp kiều dân Việt Nam chưa có hoặc không có điều kiện để hiểu biết thông thạo ngôn ngữ nước sở tại trong giao tiếp để làm ăn, sinh sống ở đây. Sống trong những quần cư đông đúc toàn người Việt Nam là rất thuận lợi để cho các thế hệ nối tiếp, kể cả các thế hệ con lai giữ được ngôn ngữ gốc của Việt Nam. Bản sắc dân tộc, phong tục, tập quán... Việt Nam, cũng nhờ sống thành các quần cư đông đúc toàn người Việt Nam với nhau như vậy mà có nhiều cơ may được bảo tồn, phát triển. Với những suy nghĩ đó, chúng ta mừng cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ trong 10 năm vừa qua đã có thêm 350.000 đồng bào cùng kiều ngụ.

7- Vùng Caribê thuộc Châu Mỹ có 17 nước và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ có 2 nước được biết chắc là có kiều dân Việt Nam cư ngụ. Từ trước năm 1994 mới chỉ biết là có 2.000 người Việt Nam kiều cư tại Cuba, đến nay tại Cuba chỉ còn lại 25 người Việt Nam, đồng thời mới biết thêm là có 15 người Việt Nam nữa ở Haiti. Như vậy, hơi đáng tiếc là nay chỉ có vỏn vẹn 40 người Việt Nam kiều cư trên cả một vùng đất rộng hơn 235 ngàn cây số vuông, tuy xa Việt Nam nhưng là vùng đất hứa hẹn về những mối liên kết nhiều mặt quan trọng thuộc mọi lĩnh vực trong tinh thần hữu nghị đặc biệt, như là hữu nghị Cuba - Việt Nam đã, đang và chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.

Ở vùng Trung Mỹ, hồi trước 1994 có hơn 2.000 người Việt Nam kiều cư tại Mêhicô. Nay con số này bị giảm xuống mạnh chỉ còn lại độ 1/10; mới được biết thêm là có 3 người Việt Nam cư ngụ tại Panama nữa, thế là trên 8 nước vùng Trung Mỹ với ngót 2.500 ngàn cây số vuông chỉ có vài trăm kiều dân Việt Nam cư ngụ. Đây cũng là điều không được bình thường, rất đáng quan tâm đối với tất cả những ai, tất cả những tổ chức, cơ quan hữu quan từ nhiều phía thuộc phạm vi quốc gia cũng như quốc tế.

Số lượng kiều dân Việt Nam ở vùng Nam Mỹ trong 10 năm qua cũng đồng loạt giảm sút mạnh: 5 nước và vùng lãnh thổ mà từ 1994 đã biết là có kiều dân Việt Nam thì tính đến năm 2005 diễn biến về số lượng như sau: Braxin từ 1.000 giảm còn 100 người; Áchentina từ 500 giảm còn 80 người; Chilê và Pêru mỗi nước đều từ 500 giảm còn 50 người. Côlômbia từ 500 giảm còn 10 người. Mới được biết thêm ở Guyana có 8.000 người Việt Nam kiều cư; ở Gaine thuộc Pháp có 200 người, ở Paragoay có 16 người và ở Êcuađo có 8 người là kiều dân Việt Nam nữa. Như vậy tức là tổng số kiều dân Việt Nam tại 9 trong số 13 nước và vùng lãnh thổ Nam Mỹ hiện nay là: 8.514 người mà chủ yếu là tại Guyana (8.000). Sự giảm số lượng kiều dân Việt Nam tại một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribê đồng thời tăng mạnh ở hai nước Bắc Mỹ trong 10 năm qua là những hiện tượng mang tính bất thường. Điều này rất cần nghiên cứu từ nhiều góc độ, thuộc nhiều phía hữu quan để vãn hồi sự kiều cư bình thường cho kiều dân Việt Nam ở đây.

8- Chỉ trong một diện tích 1.107 ngàn cây số vuông mà có tới hơn 185 triệu dân cư trú. Đó là khu vực 9 nước Tây Âu. Tại đây có nước mật độ dân cư cao tới 341 người trên 1 cây số vuông (Bỉ); 399 người trên 1 cây số vuông (Hà Lan), cá biệt ở Mônacô mật độ dân cư cao tới 10.000 người trên 1 cây số vuông. Trong cái vùng đất hẹp, người đông ấy, ngày nay vẫn có mặt kiều dân Việt Nam trên cả 9 nước. Một bảng ghi các con số dưới đây thiết tưởng có thể giúp ích ít nhiều cho những ai quan tâm đến vấn đề kiều dân Việt Nam ở vùng này.
 

TT Tên nước Dân số nước sở tại Số kiều dân Việt Nam Tỷ lệ kiều dân Việt Nam so với dân nước sở tại (phần ngàn) 
Đức 82.600.000 100.000  1,21 
Áo 8.100.000 3.000 0,37
Thụy Sĩ  7.300.000 6.500 0,89 
Lúcxămbua 500.000 100 0,20 
Lichtenxtâyin 30.000 20 0,66 
Mônacô 30.000 10 0,33

Cái tỷ lệ cứ trong 1.000 dân Pháp hiện nay thì có 5 người là kiều dân Việt Nam là một tỷ lệ rất cao. Nhìn vào quá khứ lịch sử về mối quan hệ lâu đời giữa Pháp và Việt Nam ta thấy điều đó dễ hiểu. Từ một phía khác chúng ta còn thấy so với 10 năm trước, số kiều dân Việt Nam tại Pháp bị giảm mạnh. Từ 400.000 giảm xuống chỉ có 300.000 người. Sự sút giảm đó phải chăng một phần có thể giải thích được nếu dựa trên cơ sở của sự sút giảm trong quan hệ kinh tế, quan hệ khoa học, công nghệ; quan hệ giáo dục - đào tạo... Pháp - Việt so với Mỹ - Việt?; hoặc dựa trên cơ sở của sự sút giảm vai trò Pháp ngữ so với Anh ngữ đối với người Việt Nam trong thời gian 10 năm vừa qua?, v.v... Trong cả 9 nước của toàn vùng Tây Âu 10 năm qua số kiều dân Việt Nam giảm bớt gần 90 ngàn mà ngoài những nguyên nhân nói trên có thể vì nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng, sự giảm bớt cả 100 ngàn kiều dân Việt Nam tại Pháp đã chi phối mạnh tới tất cả sự tăng, giảm của các nước khác ở đây. Giảm bớt kiều dân Việt Nam tại vùng đất văn hóa, văn minh cao này đương nhiên là đáng tiếc. Tuy vậy, số kiều dân Việt Nam còn lại hiện nay hơn 436 ngàn người trên toàn vùng Tây Âu này kể ra cũng là điều cần xem như là thành quả rất đáng ghi nhận về sự phấn đấu của nhiều thế hệ kiều bào tại đây để thích nghi, hòa hợp với nhân dân các nước sở tại - nhân dân của các nước mà chỉ số phát triển con người rất cao. Cụ thể, năm 2002 Đức được xếp hạng 19; Pháp hạng 16; Lúcxămbua hạng 5 của 175 nước và vùng lãnh thổ có đưa vào xếp hạng trên toàn thế giới. Dù có tăng, giảm tới thế nào đi chăng nữa, số kiều bào còn lại ở Tây Âu vẫn là biểu trưng đẹp về những thành tựu đóng góp của kiều bào cho Tổ quốc, cho quê hương gần suốt một thế kỷ qua mà nổi bật nhất là đóng góp cho sự thành công của Hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954 và Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

9- Ở Nam Âu kiều dân Việt Nam cư trú và sự tăng, giảm số lượng diễn ra trong 10 năm qua như sau: Trong 13 nước của vùng này có 8 nước được biết là từ trước 1994 đã có kiều dân Việt Nam ở. Mười năm qua chỉ có ở Italia là số kiều dân Việt Nam tăng từ 2.000 đến 3.000 người. Còn lại 7 nước kia đồng loạt giảm mạnh: Ở Anbani giảm từ 2.000 xuống chỉ còn 200 người; ở Anđôra từ 100 giảm còn 10 người; ở Hy Lạp từ 700 giảm còn lại chỉ 20 người; ở Bồ Đào Nha từ 1.000 giảm xuống còn 100; ở Xan Mario từ 100 giảm xuống còn 20; ở Tây Ban Nha từ 2.000 giảm xuống còn 1.000; ở Nam Tư từ 1.000 giảm xuống chỉ còn lại 100 kiều dân Việt Nam cư ngụ. Mới biết thêm là ở Manta có 5 kiều dân Việt Nam. Như vậy, hiện nay trên toàn bộ vùng đất Nam Âu có 4.455 kiều dân Việt Nam cư ngụ thay vì cách đây 10 năm có tới 8.900 người. Sự giảm bớt, thậm chí giảm bớt rất nhiều số kiều dân Việt Nam tại một số nước ở đây phải chăng là do hậu quả của sự sụp đổ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa?; phải chăng do ảnh hưởng của những cuộc xung đột quân sự?; phải chăng do sức hút về hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục, đào tạo, hoạt động xuất khẩu lao động... của một số nước Tây Âu, Bắc Mỹ?;... Ngoài ra cũng cần tìm thêm những lý do khác từ mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước sở tại của vùng này; từ diễn biến tổng hợp của tình hình quốc tế liên quan đến việc cư trú, làm ăn của kiều dân Việt Nam tại vùng đất này. Tìm ra cho thật nhiều và thật chính xác các lý do làm giảm bớt số lượng kiều bào ta ở đây để tạo thêm thật nhiều điều kiện thuận lợi nhằm gia tăng số lượng hiện có là rất cần. Bởi vì, bên cạnh việc kiều cư để làm ăn, sinh sống về kinh tế, xã hội thì việc kiều cư để hòa hợp, giao tiếp với gần 150 triệu dân sở tại có truyền thống văn minh, văn hóa lâu đời, có chỉ số phát triển con người khá cao như ở vùng Nam Âu này thiết tưởng cũng thuộc về nhu cầu và mục đích lâu dài và chân chính trong sự nghiệp kiều cư của người Việt Nam ta.

10- Châu Đại Dương có 17 nước và vùng lãnh thổ. Hồi 1994 - 1995 mới chỉ biết 3 nước có người Việt Nam kiều ngụ: Ôxtrâylia có 160.000 người; ở Niu Zilân có 300 người và ở Pocpua Niu Ghinê có 300 người. Đến 2004-2005 này được biết ở Ôxtrâylia số kiều dân Việt Nam đã tăng lên tới 250.000; ở Niu Zilân đã có tới 2.412 người Việt Nam kiều ngụ, ở Pocpua Niu Ghinê giảm xuống chỉ còn lại 30 người, trong lúc đó được biết thêm là đến 2004-2005 tại Tân Calêđônia có 5.000 kiều dân Việt Nam; tại Vanuata có 400 người và tại Guam có 15 kiều dân Việt Nam cư ngụ. Như vậy, hiện nay tổng số kiều dân Việt Nam tại Châu Đại Dương có 257.857 người. Đây là vùng đất rộng (8.537.000 cây số vuông), người ít (33 triệu), mật độ dân cư chỉ 4 người trên 1 cây số vuông và dân tập trung tới 72% tại các thành thị. Xét riêng về mặt này thôi thì đây là vùng đất lý tưởng cho người muốn di cư đến. Xét về mặt lịch sử hiện đại, Việt Nam đã có những sự kiện lớn tạo ra một loạt làn sóng di cư và địa bàn Châu Đại Dương là nơi mà di dân Việt Nam đã luôn hướng tới, trải qua 20 năm sau sự kiện 1975, với nhiều mắc mớ lịch sử phải dày công tháo gỡ tại đây và phải nói là đã tháo gỡ tốt. 10 năm gần đây có thể xem là thời kỳ mà việc nhập cư, định cư của người Việt Nam tại Châu Đại Dương đã thật sự ở vào thế ổn định theo chiều hướng khả quan. Kết quả này là điển hình rõ nét nhất cho một nhận định mà chúng tôi đã nêu ra hồi giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước rằng: Mức độ thành, bại xét trên tổng thể của kiều bào tại mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ chủ yếu phụ thuộc vào ba yếu tố:
1/ Chiều hướng phát triển của các mối quan hệ trên trường quốc tế;
2/ Chiều hướng phát triển của các mối quan hệ giữa nước hoặc vùng lãnh thổ sở tại với Việt Nam;
3/ Chiều hướng phát triển tổng thể của tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... tại bản thân quê hương Việt Nam.

11- Trong số 56 nước Châu Phi ngày nay chỉ tại 13 nước là có kiều dân Việt Nam cư ngụ: Tại Trung Phi: Ở Anggôla có 800 kiều dân Việt Nam; Ở Cônggô có 10 người và ở Cộng Hòa Trung Phi có 10 người kiều dân Việt Nam. Tại Tây Phi:  Ở Cốtdivoa có 253 và ở Xênêgan có 20 người là kiều dân Việt Nam. Tại Bắc Phi: Ở Angiêri có 110 người; Ở Marốc có 100 người; Ở Libi có 10 người và ở Ai Cập có 10 người là kiều dân Việt Nam. Tại Đông Phi: Ở Madagátxca có 100 người; Ở Kênia có 51 người và ở Tandania có 10 người Việt Nam kiều ngụ. Tại Nam Phi: Ở nước Nam Phi có 23 người Việt Nam cư ngụ. Trong 13 nước này thì chỉ có 6 nước là có cơ quan đại diện Việt Nam cấp Đại sứ quán, còn 7 nước khác là Cốtđivoa, Marốc, Mađagátxca, Kênia, Xênêgan, Cônggô và Cộng hòa Trung Phi chưa có Đại sứ quán và cũng chưa có lãnh sự quán hoặc Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự ở nước ngoài của Việt Nam. Đó kể cũng là một điều mà các cơ quan hữu quan cần đặc biệt lưu ý.

Người Việt Nam có mặt ở Châu Phi đã khá lâu. Hồi những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX được biết trong các nước sau đây có người Việt Nam ở: Angiêri có 1.000 người Việt Nam (nay chỉ còn lại 100 người); Marốc có 500 người Việt Nam (nay chỉ còn lại 100 người); Kênia có 200 người Việt Nam (nay chỉ còn lại 51 người); Libi có 100 người Việt Nam (nay chỉ còn lại 10 người); Ai Cập có 1.000 người Việt Nam (nay chỉ còn lại 10 người). Sự giảm sút mạnh số lượng người Việt Nam ở tất cả các nước đó là liên quan đến hàng loạt sự kiện chính trị, quân sự, kinh tế... đã diễn ra hết sức dữ dội và khốc liệt tại Châu Phi 10 năm qua. Những bà con kiều bào còn tiếp tục làm ăn sinh sống ở vùng này chắc hẳn cần rất nhiều sự hỗ trợ về nhiều mặt của cả hai phía: Phía các nước sở tại và phía đất nước quê hương.

Châu Phi là lục địa mà chỉ số phát triển con người rất thấp. Theo số liệu thống kê xếp hạng năm 2003 cho 177 nước trên thế giới, thì Châu Phi chỉ có 4 nước được xếp hạng dưới thứ 100. Đó là Xâysen - thứ 35, Libi - thứ 58; Morixơ - thứ 64 và Tuynidi - thứ 92. Còn lại 52 nước khác đều bị xếp hạng bằng 3 chữ số, tức là từ hạng thứ 100 trở lên. Đặc biệt có 27 nước Châu Phi được xếp hạng từ thứ 150 đến 176; tức là trong 27 nước có chỉ số phát triển con người vào hàng thấp nhất thế giới thì Châu Phi đã có tới 25 nước (còn 2 nước nữa là Haiti thuộc vùng Caribê của Châu Mỹ được xếp hạng 153 và Đông Timo thuộc Đông Nam Á được xếp hạng 158). Xin được lưu ý thêm rằng: Tại Châu Phi, trong những nước có bà con kiều bào ở, đều hầu như là những nước mà chỉ số phát triển con người thuộc hạng thấp nhất: Mađagascar - hạng 150/177; Gibiti - hạng 154/177; Eritơrêa - hạng 156/177; Xênêgan - hạng 157/177; Ruanđa - hạng 159/177; Tandania - hạng 162/177, Côtđivoa - hạng 163/177; Dămbia - hạng 164/177; Malauy - hạng 165/177; Ănggôla - hạng 166/177; Cộng hòa Trung Phi - hạng 169/177; Êtiôpia - hạng 170/177; Môdămbich - hạng 171/177; Burunđi - hạng 173/177.

Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện thu nhập (thể hiện qua tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người), tri thức (thể hiện qua chỉ số học vấn) và sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh). Thiết tưởng chỉ xem xét qua ba phương diện đó cũng đã thấy sức phấn đấu để làm ăn, sinh sống của kiều bào ta trong môi trường xã hội Châu Phi là lớn lao biết chừng nào! Sự quan tâm, hỗ trợ để cho bà con kiều bào ở đây tồn tại và phát triển chắc còn phải được tăng cường gấp bội ở thời gian tới trong suy nghĩ và hành động của những người, những cơ quan hữu trách, và cả trong suy nghĩ và hành động của toàn thể đồng bào trong và ngoài nước.

Năm 1995, trong tổng kết công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mang mã số KX04-10 "Luận cứ khoa học cho việc đổi mới chính sách xã hội đối với người Việt Nam ở nước ngoài " tôi có nêu 5 quan điểm cơ bản cần được quán triệt mà quan điểm thứ nhất thiết tưởng cần nhắc lại ở đây nhân bàn về kiều bào đầu thế kỷ mới và đặc biệt là nhân bàn tới bà con kiều bào đang sống tại Châu Phi như vừa nói: "Cần khẳng định dứt khoát rằng: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ quyền lợi chính đáng của kiều bào trên cơ sở luật pháp Việt Nam, luật pháp các nước sở tại và luật pháp quốc tế ". (1)

Những số liệu thông tin về người Việt Nam ở nước ngoài mới nhận được trong những năm đầu của thế kỷ mới càng củng cố thêm sự đúng đắn của lời khẳng định trên, càng tạo thêm nhiều cơ sở pháp lý để việc bảo hộ quyền lợi chính đáng của kiều bào được thực hiện với tính hiệu quả ngày một cao.

Tháng 02 năm 2006
Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn
(Nhà nghiên cứu Khoa học xã hội)
Source : http://www.quehuong.org.vn
--------------------------------------------------------------------------------

(1) Xem: Đổi mới chính sách xã hội, luận cứ và giải pháp. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1997


 [  Trở Về  ]