Chim Việt Cành Nam            [ Trở Về  ]           [Trang chủ ]                              [  Về Phần I  ]

Buôn bán trong không gian Xi-be (2)

Hà dương Tuấn

Trong số trước người viết bài này đã giới thiệu những kỹ thuật và thủ tục gửi nhận thông tin đang được phổ biến mạnh để sử dụng trong việc giao dịch thương mại qua lưới nhện toàn cầu. Những kỹ thuật này, như : mật mã hoá bằng chìa khoá bất đối xứng, xác minh, thị thực, thẻ điện tử (smart cart, carte à puce) v.v. nhằm bảo đảm sự bí mật và an toàn trong buôn bán điện tử, và người ta có thể thấy rằng buôn bán (và cả những giao dịch khác không có tính thương mại) trên không gian xibe là sòng phẳng không kém gì các phương thức cũ, có khi còn khó lừa đảo hơn. Nhưng thực tế ra sao còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố phi kỹ thuật như tâm lý người tiêu thụ, luật pháp v.v. Trong số này xin tiếp tục xem xét những yếu tố ấy.

4. Vài khía cạnh kinh tế xã hội

Thật vậy, qua những trình bày (hy vọng rằng không quá phức tạp ! ) trong kỳ trước, có thể nghĩ rằng người không chuyên môn khó thực sự biết tại sao và làm thế nào mua bán qua lưới nhện lại là bảo đảm, không nói gì tới những cơ chế luật pháp còn hoàn toàn trống vắng. Như vậy lẽ thường là người ta nghi ngại. Thế mà trong năm 1996 doanh số của TMĐT (Thương Mại điện Tử) trên thế giới, có lẽ chủ yếu tại Hoa Kỳ, đã lên tới 15 tỷ quan pháp (FF). Phần Pháp lúc ấy mới chỉ là 200 triệu FF, tuy nhiên đó là những giao dịch qua Internet, TMĐT ở Pháp từ lâu chủ yếu là qua Minitel. Năm 1998, theo nhật báo Le Monde ngày 03/03/99 thì doanh số TMĐT trên thế giới là 65 tỷ FF (gần 11 tỷ đôla), ở Mỹ doanh số đó đã tăng 230 % so với năm 97, còn Pháp thì mới nhỉnh lên tới 300 triệu FF, trong khi doanh số của giao dịch qua Minitel là 15 tỷ FF.

Trong một hội nghị về TMĐT đầu năm nay, người trách nhiệm về vấn đề này của hãng France Telecom đã dự phóng các con số tương ứng cho năm 2001 là 1300 tỷ FF trên thế giới và 60 tỷ FF tại Pháp ; và dự phóng xa cho 2010 là 10 % của toàn bộ doanh số thương mại trên thế giới sẽ được thực hiện qua Internet. Con số tại Pháp như trên không đáng ngạc nhiên nếu người ta biết rằng giao dịch qua Minitel hiện nay đang chuyển mạnh qua Internet, và như thế tức là doanh số TMĐT sẽ nhân bốn lần sau 3 năm, không phải không có cơ sở so với sự tăng trưởng đã qua tại Hoa Kỳ, và nếu tính đến việc Internet bùng nổ tại Pháp sau Hoa Kỳ vài năm. Theo bộ trưởng tài chính Pháp thì đầu tháng 3.99 có 3,5 triệu người dùng Internet tại Pháp (tin Le Monde 04/03/99), và tin mới nhất theo hãng tiếp thị Médiamétrie là đã có 4,7 triệu người vào tháng 7 năm nay. Như thế, tháng tám vừa qua, thủ tướng Pháp có cơ sở để tuyên bố là trong 6 tháng trước số người sử dụng Internet tại Pháp đã tăng 47 % (Le Monde, 28/08/99).

Nhiều ký giả cho rằng TMĐT là động cơ chính của việc phát triển Internet, có phải vậy không ? Thực ra thì điều đã xẩy ra là ngược lại, cho đến nay Internet phát triển vì những lý do khác, và TMĐT đã nương theo đó mà bung ra, vì thống kê năm 1997 cho biết chỉ có 3 % đến 4 % thông tin xuyên qua Internet là giao dịch TMĐT. Vì thế, tuy những con số có vẻ khả quan, người ta vẫn cho rằng sự chưa tin cậy của người dùng là một trở ngại, cộng với sự bất tiện của Internet hiện nay vì còn quá chậm. Đáng lẽ TMĐT có thể phát triển nhanh hơn.

Vì thế có thể nói trong tương lai không xa lắm TMĐT sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành của mạng Internet kiểu mới nhanh hơn lúc nhanh nhất hiện nay (vào ban đêm) khoảng 50 lần. Các hãng viễn thông lớn trên thế giới và các nước kỹ nghệ tiên tiến đều đang khẩn trương xúc tiến việc này, dựa trên một kỹ thuật gọi là ADSL (Asymetric Digital Subscriber Line ) sử dụng đường dây điện thoại sẵn có để cho phép bạn vừa giữ máy điện thoại hiện nay, vừa lướt sóng trên không gian xibe với vận tốc cao. Điểm đặc biệt là không đối xứng : nếu vận tốc đường vào mạng cao hơn 10 lần hiện nay thì đường từ mạng về nhà cao hơn 50 lần, đủ để xem quảng cáo với những hình ảnh động như trên Tivi. Nhưng dù có khẩn trương thì việc phát triển một mạng viễn thông cũng cần năm, mười năm để giá sử dụng trở thành hấp dẫn với số đông.

Khó mà cho rằng khi người ta phát triển mạng Internet mới với kỹ thuật ADSL này lại không nghĩ đến TMĐT, vì nó quá thích hợp ! Khi người mua điền vào thư đặt hàng để gửi đến trạm phục vụ thì chẳng cần gì truyền tin nhanh hơn hiện nay. Chính là khi cần xem các mặt hàng với những hình ảnh và phim ảnh đủ màu thì mới cần truyền tin về nhà với vận tốc cao. Buôn bán qua Xibe hiện nay cần rất nhiều kiên nhẫn nếu trạm phục vụ của người bán gửi đi nhiều hình ảnh. Đó là hạn chế lớn, tuy những dịch vụ hiện nay đã rất là muôn vẻ : quảng cáo du lịch, thuê khách sạn hay nhà nghỉ hè, mua những sản phẩm đặc biệt trực tiếp từ người sản xuất (sách, rượu và... viagra bán rất chạy), mua vé hát, vé xe... Nhưng nếu trong tương lai ta có thể ngồi nhà xem mọi loại cửa hàng ảo bất cứ lúc nào và tức khắc, thì những dịch vụ thương mại trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Không kể những dịch vụ mới có thể mở ra, không tưởng tượng hết nổi, chẳng hạn như bạn có thể mua bán qua cửa hàng "ảo" như ta đi vào siêu thị, lật trang rất nhanh xem ảnh các kiểu áo như xem trên giấy, thích kiểu nào thì bấm nút một cái, tức thì có người mẫu siêu minh tinh Claudia Shiffer hay Naomi mặc áo đó đi qua đi lại trên màn ảnh...

Việc trả tiền là chuyện tương đối dễ. Tuy nhiên cũng cần thay đổi, vì không thể theo như Internet hiện nay, mà sẽ cần một cơ chế thanh toán mới nào đó giữa người sử dụng, người bán hàng và người bán dịch vụ viễn thông. Khối lượng thông tin quảng cáo truyền trên mạng mỗi lần sẽ rất lớn, khó có thể bắt hoặc người mua, hoặc người bán gánh chịu trực tiếp toàn bộ chi phí viễn thông đó, cho dù cuối cùng vẫn là người mua phải trả một cách vô hình, như đối với quảng cáo hiện nay.

5. Các hình thức TMĐT chủ yếu

Xin trở về hiện tại và tương lai rất gần, với những vấn đề có thể giải quyết sớm hơn, có nghĩa là cần tăng độ tin cậy và sự tiện dụng cho người dùng. Hai yếu tố này có liên quan, vì trước một giao dịch đắt tiền thì cần độ tin cậy cao và người mua sẵn sàng chịu mất thời giờ và một chút phiền hà ; ngược lại nếu chỉ trả ít tiền như mua bánh kẹo, thuốc lá, thì việc đó phải rất đơn giản. Thêm nữa cần phân biệt hàng hoá vật chất cần đi mua, hoặc cần giao hàng, và hàng hoá không vật chất có thể gửi thẳng qua không gian Xibe. Vì thế có vài hình thức thực hiện khác nhau.

5.1. Túi tiền điện tử

Nếu dùng thẻ tín dụng cho trên dưới một chục quan thì không kinh tế, cho nên cần gộp những chi phí nhỏ lại để cả người mua (cho nhiều lần mua ở những chỗ khác nhau) và người bán (cho nhiều lần bán, với những khách hàng khác nhau) đều chỉ cần chuyển giao với nhà băng những món tiền lớn hơn. Giải pháp phổ biến hơn cả được gọi là túi tiền điện tử (TTĐT). Đó là một thẻ điện tử bạn có thể chuyển vào mỗi lần một số tiền vài trăm quan, rồi trừ đi dần mỗi lần mua, qua máy đọc của người bán hàng, máy đọc này tích tụ số tiền thu được, tới một lúc nào đó thì chuyển vào trương mục của người bán hàng. Thẻ điện tử này là vô danh (cũng như tiền), có thể khác với thẻ tín dụng, hay có thể dùng cùng một thẻ cho cả hai công việc như tại các nước áo và Đức. Tình hình phát triển của TTĐT tại vài nước trên thế giới như sau (Le Monde, 07/07/99) :

Tại Mỹ, một vài thử nghiệm cho tới nay là thất bại, có lẽ vì người Mỹ quen trả tiền mặt hơn nhiều nơi khác.
Đan Mạch (5,2 triệu dân) là nước đi tiên phong, dùng TTĐT trong cả nước từ 1993, hiện nay cứ 10 người thì có một người có TTĐT, tổng cộng mỗi năm 7 triệu lần dùng.
Tại Đức TTĐT bắt đầu từ cuối 1996, tới năm ngoái đã có 4,5 triệu thẻ được phát hành, nhưng lại chỉ mới có 65 ngàn người bán hàng có máy đọc và 22 ngàn máy viết (máy chuyển tiền công cộng), tình hình sử dụng không có chiều hướng tăng. Tương đối thất bại.
Tại Bỉ (10 triệu dân) TTĐT đã được tung ra từ tháng 5.1996, và tới cuối năm ngoái thì đã có 5,6 triệu thẻ, hơn 54,5 ngàn máy đọc, và hơn 18 ngàn máy viết. Hơn một triệu người Bỉ sử dụng nó ít ra là một lần trong tháng, so với số dân thì như thế là tương đối thành công.
Tại Pháp TTĐT chưa được tung ra, và ngay từ bây giờ bắt đầu 3 thử nghiệm đại trà do ba tổ hợp gồm các nhà băng và các hãng lớn khác nhau chủ trì, thử nghiệm nào thành công nhất sẽ được giữ lại làm hình thức chính thức. Pháp rút kinh nghiệm của các nước đi trước nên đã chuẩn bị kỹ hơn, đặc biệt về phía các người bán hàng.Tuy nhiên trong toàn thể Liên hiệp châu Âu một cơ hội nữa cho TTĐT sẽ đến vào năm 2002, khi Euro hoàn toàn trở thành đơn vị tiền tệ chung, khi ấy một hình thức TTĐT thống nhất và hoàn hảo hơn cần thiết được ban hành.
5.2. Trả tiền nhỏ qua không gian Xibe

TTĐT thích hợp cho việc đi tới các quầy bán hàng để mua những sản phẩm vật chất nhỏ và không đắt tiền, không bõ công giao hàng. Nhưng ngày nay thời đại thông tin, rất nhiều sản phẩm "không vật chất" có thể chuyển thẳng từ máy tính của trạm dịch vụ tới máy tính của khách hàng, như những bản nhạc, những bài báo cũ, các tài liệu chuyên môn nào đó. Các món này có thể không tốn tiền, nhưng hợp lý hơn cả là người muốn có nên trả một khoản tiền nhỏ cho trạm dịch vụ và cho tác giả các sản phẩm không vật chất đó. Vậy làm thế nào ? Hiện nay hình thức thanh toán là phải qua trung gian của các công ty dịch vụ Internet (ISP). Nếu bạn đã đăng ký trả tiền hàng tháng cho một công ty ISP thì có thể mua thông tin qua một trạm dịch vụ thông tin cũng gắn với ISP đó. ISP sẽ tính vào hoá đơn hàng tháng của bạn tất cả những lần mua khác nhau trong tháng, và trả lại các trạm dịch vụ mỗi trạm tất cả các lần bán trong tháng, sau khi đã khấu trừ vài phần trăm hoa hồng. Chẳng hạn hiện nay bạn có thể mua theo cách ấy những tài liệu trong kho tài liệu điện tử của nhật báo "Le Monde" qua ISP Wanadoo của France Telecom. Hình thức này cũng tương tự như hình thức Minitel đã quen thuộc ở Pháp. Phức tạp hơn một chút là khi người mua và người bán không cùng một ISP, điều này hiện nay theo người viết bài biết thì hình như chưa làm được, vì cần hai ISP thương lượng với nhau, và cần một thủ tục trao đổi mới giữa hai ISP cho mỗi giao dịch.Thuận tiện hơn cả là mỗi máy PC có bộ phận đọc thẻ để đọc TTĐT, như vậy người mua và người bán có thể giao thiệp thẳng từ bất cứ đâu, bỏ qua trung gian của các ISP. Các bộ phận này đã bắt đầu xuất hiện và đang được thử nghiệm. Người ta có thể nghĩ rằng đã thế thì sao không cài đặt trong PC một loại TTĐT ảo, hoàn toàn bằng phần mềm để bỏ qua luôn cái thẻ điện tử ? Điểm khác biệt là trong thẻ điện tử có máy vi tính, bằng những phương pháp mật mã hoá như đã trình bày kỳ trước, có thể bảo vệ chặt chẽ thông tin về số tiền nằm trong đó mà người dùng không giả mạo được. Ở Mỹ vài năm trước đây có sự dị ứng với thẻ này, vì nó được phát minh tại Pháp (do đó muốn sản xuất phải trả hoa lợi, royalties) ; nên đã có những đề án nghiên cứu về "TTĐT" ảo như trên, nhưng bây giờ không nghe nói tới nữa. Tất nhiên không thể loại trừ là sẽ có những băng đảng làm giả mạo các thẻ điện tử với phương tiện tối tân, nhưng làm món này khó hơn làm bạc giả, và luật pháp cũng như công an, quan thuế vẫn còn đó.

5.3. Giao dịch lớn hơn qua không gian Xibe

Với những giao dịch cần trả những món tiền trên vài trăm FF thì không thể vô danh như TTĐT được, cần có kiểm tra và hoá đơn, v.v. ở đây phải dùng đến những thủ tục phức tạp đã hoặc sẽ được cài đặt trong máy tính của người mua cũng như người bán. Như đã trình bày trong kỳ trước, những thủ tục này rất bảo đảm, chủ yếu vừa bảo vệ không cho ai đọc thư đặt mua hàng, vừa minh chứng và thị thực một cách chắc chắn tên tuổi người mua hàng bằng chữ ký điện tử gắn liền với thư ấy, mà ở trong đã có ghi số thẻ tín dụng của người mua. Ngoài những thủ tục mua bán dĩ nhiên còn việc giao hàng. Hàng hoá vô hình như các hệ mềm (software) lớn, phim ảnh v.v. có thể được chuyển thẳng qua mạng lưới điện tử, tuy rằng với mạng thông tin hiện nay, việc này còn rất chậm và là một cản trở lớn. Với những hàng hoá vật chất thì việc tổ chức giao hàng cũng chẳng khác gì mua bán bằng thư từ hiện nay. Nhưng trong khi chờ đợi các chuẩn mực và luật pháp về thương mại điện tử (TMĐT) được hoàn chỉnh, tuỳ nơi mà tâm lý người tiêu thụ có thể còn nghi ngại và do đó cản trở sự phát triển TMĐT. Vì thế hiện nay đang thình hành một hình thức tạm thời trong đó các công ty lớn như ngân hàng hay các hãng viễn thông nhận đứng ra làm trung gian, do đó làm khách hàng tin cậy hơn. Chẳng hạn tại Pháp từ tháng 9 này hãng France Telecom (FT) đã thành lập dịch vụ Telecommerce (mua bán từ xa) ; theo đó thì FT ký kết những hiệp đồng với một loạt các nhà băng, một hãng vận tải chuyên việc giao hàng để thực hiện dịch vụ ấy như sau :

Người bán hàng muốn được bán qua FT phải ký kết với họ và trả hoa hồng ( từ 1% đến 3% tuỳ giao kèo ).
Người mua hàng, qua ISP Wanadoo của FT sẽ vào đọc các trang chủ (Home Page) của người bán hàng, và lựa chọn tuỳ ý. Nhưng khi đặt mua hàng thì số thẻ tín dụng của người mua được giữ lại tại trạm dịch vụ của FT (nói là để bảo đảm không bị loan truyền) FT sẽ liên lạc với người bán, người giao hàng và cả nhà băng của người mua để bảo đảm trương mục còn đủ tiền, v.v.
Sau khi chấp nhận thư mua hàng thì FT gửi tới công ty vận tải lệnh giao hàng, và khi người giao hàng đưa biên nhận đã giao hàng về thì FT sẽ yêu cầu nhà băng chuyển tài khoản.
Các trao đổi thông tin đều xuyên qua cửa ngõ của FT và được mật mã hoá.Người ta có thể thấy vai trò trung tâm có hơi  "đế quốc " này chỉ dựa trên cái tên của mình để trấn an khách hàng, và lấy tiền hoa hồng của những người bán hàng. Tương lai sẽ trả lời vai trò này có được họ chấp nhận hay không. Vì bên cạnh đó các ISP khác đang chuẩn bị cạnh tranh bằng những dịch vụ tương tự, nhưng không đòi hỏi nhiều như vậy. Chẳng hạn các ISP xuất phát từ Hoa Kỳ chỉ thị thực chữ ký điện tử, rồi để cho các quan hệ tay đôi trong tam giác người mua, người bán và nhà băng hoàn toàn độc lập với mình.
Thực ra tâm lý con người có phần không thuần lý, vì người ta sẵn sàng đưa thẻ tín dụng của mình cho bất cứ hàng tạp hoá hay tiệm ăn nào. Thế thì tại sao lo ngại số thẻ của mình bị đọc qua mạng lưới điện tử ? Nguồn gốc thực sự của lừa đảo, tuy không dễ, là hiện nay chỉ cần gửi số thẻ tín dụng qua Internet để mua hàng. Vì vậy nếu chấm dứt được tập quán đó, nghĩa là mỗi lần dùng thẻ đều phải có chữ ký, điện tử hay không, thì dù có ai đó biết số thẻ của người khác cũng không làm được gì. Nhưng như thế phải có luật, đó là điều đang hình thành.

6. Khía cạnh pháp luật

Theo truyền thống "luật bất thành văn" của Anh Mỹ thì cứ do kiện cáo và toà xử thành tiền lệ, mà sinh ra luật, vì vậy người ta không chờ đợi có luật mới nảy sinh những sinh hoạt mới. Người viết không sống tại Mỹ nên không biết đã có những vụ kiện nào do TMĐT gây ra chưa, nhưng nếu có chắc cũng nhỏ thôi, vì không thấy phản ánh qua các báo chuyên môn. Điều này, nếu đúng, chứng tỏ các thủ tục của TMĐT do tư nhân bảo đảm là tốt, và giúp cho việc phát triển nhanh hiện nay. Nhưng tại châu Âu nói chung người ta thích làm luật, và chờ đợi sự bảo vệ của luật pháp nhiều hơn là của luật sư. Các chính phủ hiện nay đều thấy cấp bách phải có những đạo luật về TMĐT. Nhưng tình hình đến đâu, và cần làm những gì ?Một vài biến chuyển gần đây tại Pháp : theo nghị định vẫn hiện hành thì bất cứ ai muốn dùng mật mã phải đưa chìa khoá của mình, đối xứng hay không, cho một pháp nhân gọi la ø "người thứ ba tin cậy được" (tiers de confiance) do chính phủ công nhận. Điểm độc đáo rất  "Pháp" này hoàn toàn không tưởng, vì làm sao kiểm tra mật mã nào đã  "trình tòa" hay không, trong hàng tỷ thông điệp xuyên qua mạng mỗi giờ ? Kết quả là nghị định này đã chìm xuồng trên thực tế, và những tuyên bố trong hai năm vừa qua của chính phủ Jospin cho thấy sự đồng thuận rất lớn trên cả thế giới trên khái niệm xác minh và thị thực bằng mật mã không đối xứng, trong đó chìa khoá kín là sở hữu tuyệt đối của công dân. Tháng 8 vừa qua thủ tướng Jospin vừa đề nghị khẩn trương thành lập những đạo luật TMĐT, trong một năm phải trình quốc hội, trong đó quan trọng nhất là đạo luật công nhận chữ ký điện tử. Một điểm quan trọng nữa trong việc bán hàng từ xa là : không dễ bảo vệ người tiêu dùng bằng một đạo luật chặt chẽ chống những cạm bẫy quảng cáo, và nhất là chống bọn lừa đảo trong kinh doanh, mở ra một địa điểm WEB để thu tiền rồi sau đó biến mất ! Cuối cùng, cần xác định một vài chi tiết như giới hạn số tiền tiêu tối đa bằng TTĐT (vài trăm FF ?) và bằng chữ ký điện tử (vài chục ngàn FF ?). Cũng có thể để cho những công ty thị thực chữ ký điện tử tự do xác định giới hạn đó.Hội đồng châu Âu (Commission européenne), trong báo cáo đề ngày 03 tháng 5 năm 98, đã kiến nghị với Liên hiệp châu Âu những vấn đề cần giải quyết cho TMĐT, và có thể tin rằng Liên hiệp châu Âu sẽ đi tới những giải pháp thống nhất dựa trên báo cáo này. Như thế các chuyên gia về luật cho rằng sớm lắm cũng phải đợi hai năm nữa mới có những căn bản về luật TMĐT cho Liên hiệp châu âu. Chỉ là căn bản thôi, còn nhiều khía cạnh như quan thuế cho những sản phẩm không vật chất, mới chỉ đặt ra vấn đề. Làm sao chặn được các "món hàng" ấy để đánh thuế, mà vẫn tôn trọng đời tư của công dân ?

7. Kết luận

Có thể nói, trừ Hoa Kỳ, TMĐT trên thế giới hiện nay mới ở giai đoạn trước triển khai, với những hình thái chưa hoàn toàn ổn định, nhưng đã tương đối rõ nét. Nhiều yếu tố đang hội tụ để đưa nó lên bệ phóng trong vòng vài năm sắp tới, và như nhiều hiện tượng kinh tế xã hội, người ta cần một thời gian để làm quen, nhưng khi đã phát triển thì có thể bùng nổ.

Người tiêu thụ đang tập sự TMĐT và, với thời gian, nếu không có sự cố lớn xẩy ra thì nghi ngại của họ sẽ tiêu tan.
Mạng lưới truyền tin sẽ hoàn hảo và nhanh hơn khiến cho dịch vụ TMĐT trở nên hấp dẫn.
Cơ sở luật pháp sẽ có. Các tổ chức kinh tế chính trị chủ yếu, dù muốn hay không, đang chuẩn bị tích cực cho TMĐT.
Nhưng chắc TMĐT, tự nó, không phải là một cuộc cách mạng sẽ làm đảo lộn xã hội. Thật ra, với các hàng hoá vật chất, TMĐT chỉ khác mua bán từ xa bằng thư từ ở chỗ gửi thư qua Internet mà thôi. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, nó là một bước phát triển mới của cuộc cách mạng thông tin đã triển khai từ nhiều thập kỷ nay, và việc có thể mua bán thông tin qua không gian Xibe sẽ thay đổi rất nhiều các ngành xuất bản và ấn hành báo chí, sách vở, âm nhạc, phim ảnh. Người lưu ý về môi trường bớt được một mối lo, vì bớt giấy tức là bảo vệ rừng. Người lo về giáo dục cũng lạc quan (phần nào, vì còn nhiều mặt trái) khi việc truyền bá kiến thức trở nên rẻ hơn.Một điểm tích cực nữa là TMĐT cho phép chống lại khuynh hướng "múa gậy vườn hoang" của các tập đoàn phân phối lớn, gây áp lực trên sản xuất để bán hàng loạt những sản phẩm tồi tệ. Vì TMĐT bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ tốt hơn, do đó bảo vệ chất lượng đời sống. Họ có thể bán hàng trực tiếp qua không gian Xibe, làm một  "catalogue" điện tử hiện nay rất rẻ so với làm bằng giấy, và ai cũng có thể đọc được không cần tốn tiền gửi bưu điện. Cũng qua việc này, ngành vận tải hàng hoá tới người tiêu thụ sẽ phát triển mạnh.Có một dịch vụ cần thiết và rất thích thú là tin học hoá các nhà sản xuất nhỏ trong thời đại Xibe này, kết hợp cả tin học (quản lý "sau cửa hàng"- back office - việc mua buôn và bán lẻ, lấy dữ kiện trực tiếp từ mạng nhện), viễn thông, và nghệ thuật "multimedia", gồm cả chữ viết, hình ảnh, phim để làm được những địa điểm (site) hấp dẫn trong mạng nhện.


Hà dương Tuấn
[ Trở Về ]