Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Hồi ký về ngày 30-04
Thử nhìn lại một vài hình ảnh và sự kiện đáng ghi nhớ khi Hoa-Kỳ quyết định rút quân ra khỏi Việt-Nam 
***

An-Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)

LTG - Thấm thoát đã gần bốn thập niên qua cũng đúng vào thời điểm của ngày nầy tháng ấy, thì tại Việt-Nam đã có xảy ra một biến cố lịch sử vô cùng trọng đại. Đó là ngày mà đất nước đã thực sự hoàn toàn ngưng tiếng súng sau bao năm chiến tranh tàn phá khốc liệt, và cũng chính thức được thống nhất, tái lập hòa bình. Tuy nhiên, hình ảnh tang thương của sau bất cứ mọi cuộc chiến trận tàn nào, thì cũng đều còn để lại một hậu quả và được coi như là những chứng tích trong quân sử. Trường hợp ngày Hoa-Kỳ rút quân ra khỏi Việt-Nam kéo theo cuộc di tản vĩ đại, là một trường hợp điển hình. Và cho dù ngày nay cánh cửa quá khứ đã lần khép lại để hướng tới tương lai, nhưng ký ức của con người làm sao có thể quên được những vết thương lòng của những ai đã từng là nạn nhân phải chịu cảnh xa lìa, mất mát người thân và hoàn cảnh hạnh phúc, danh vọng, tiền tài, sự nghiệp v.v. Do vậy, nhìn lại vài sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ đã xảy ra ở vào thời điểm trước và sau ngày 30-04-1975 nếu được coi như là một tài liệu sống thực, thì sẽ không thể không có thêm nhiều hơn những yếu tố của nhân chứng.
Và bây giờ, thì hôm nay chúng ta thử nên trở lại với hình ảnh của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài di tản chiến tranh đợt đầu tiên, theo như kế hoạch điều nghiên của quân đội Hoa-kỳ thực hiện sau khi họ đã rút quân ra khỏi tại miền Nam Việt-Nam. Đây là những hình ảnh thời cuộc sống động, một sự kiện lịch sử trung thực sau những ngày hậu chiến, là nguyên nhân đưa đến hậu quả của những đợt thuyền nhân trong những ngày kế tiếp ở tại biển Đông. Và vô tình đã tạo nên được một hoàn cảnh thuận tiện lớn lao phi thường chưa từng có, cho sự thành hình về bản sắc của tập thể cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài. Đây là một hồ sơ đặc biệt nhạy cảm, có tính cách thời sự ảnh hưởng liên quan trực tiếp đến tình hình chính trị giữa cuộc chiến tranh Mỹ-Việt sau hồi kết thúc mà người ta không thể nào không thể nhắc tới, để truy lùng những loại chứng từ hình ảnh lịch sử nghiêm túc có nhiều giá trị thực tế. Và cũng để nhắc nhở lại cho kiều bào di tản còn có dịp nhớ lại rằng, khi họ rời đất nước miền Nam Việt-Nam vừa mới đặt chân lên thềm các hải đảo Hoa-kỳ, thì đã vấp phải ngay là có sự kỳ thị của số đông người Mỹ từ trong lục địa.

Tại Hoa-kỳ, vào khoảng tháng 5 năm 1975. Khi mà đoàn người Việt-Nam di tản bắt đầu đặt chân lên đến hải đảo Guam, thì trong lúc đó tại lục địa Hoa-Kỳ đã có những cuộc mết tinh, biểu tình tuần hành xảy ra trên các thành phố lớn trong một số tiểu bang. Họ phản đối chính quyền của Tổng-Thống Ford*, và trương ra nhiều biểu ngữ tỏ ý bất thân thiện với người Việt-Nam di tản. Và đồng thời, họ cũng chống đối luôn việc đưa dân di tản Đông-Dương vào sâu trong lục địa Hoa-kỳ. Nguyên nhân cũng chỉ vì chiến cuộc tại Việt-Nam vừa mới ngưng mùi tiếng súng, để lại cho xã hội Hoa-Kỳ những vấn nạn về kinh tế, lao động, thất nghiệp mà phải cần có những yếu tố thời gian dài để khắc phục, giải quyết về sau.

Tại Quốc-Hội, mặc dù soạn thảo dự luật chuẩn chi đợt đầu dành 405 triệu Mỹ-kim cho công cuộc tái định cư dân tị nạn Đông-Dương sắp sửa được thông qua, nhưng Hành-Pháp vẫn hãy còn gặp rất nhiều trở ngại chống đối. Do vậy, ngày 7-5-1975, Tổng-Thống Ford đã phải đích thân lên trước diễn đàn Quốc-Hội để điều trần và bày biểu sự phẫn nộ của ông đối lại với lập trường của những người Mỹ chủ trương chống lại chính sách tái định cư dân tị nạn chiến tranh Đông-Dương. Và có những lời mà ông ta đã phải thốt lên như "...IT makes me damned mad...these great humanitarians...now... they just turn their backs..." ("...Việc làm đó khiến cho tôi bực mình hết sức...hoặc...những người rất mực từ tâm...tới nay...họ vừa quay lưng lại...").

Vào thời kỳ đó, ở tại Hoa-kỳ đã có những nguồn dư luận của các chính khách đối lập cho rằng, để cho tình hình trong nước lắng dịu về vụ thất thủ ở Đông-Nam-Á kéo theo làn sóng người tị nạn mà họ cho đó là một gánh nợ lớn, để cho chánh phủ phải cưu mang. Vì thế cho nên, Lầu Năm Góc lập tức tung ra một ngón đòn chiến thuật ngoạn mục bằng cách để cho một chiếc tàu của CIA (Center Intelligent Agency) mang tên là "Mayaguez" tìm cách xâm nhập dễ dàng vào hải phận Cam-Bốt và để cho bị bắt giữ. Rồi tiếp theo sau, đó là những biến cố giả tạo hỏa mù được thổi phồng lên về huyền thoại sứ mạng của con tàu nầy, để nhằm mục đích đánh lạc sang mục tiêu bị đả kích về chính trị. Và cũng để nhằm chủ đích mong làm cho dư luận quần chúng lãng quên phong trào chống đối khối dân di tản Đông-Dương đang được di chuyển đi sâu vào trong lục địa Hoa-kỳ. Đồng thời, còn có dụng ý mưu đồ khác là ngõ hầu vớt vát lại uy tín của Tòa Nhà Trắng cũng như nhằm cứu vãn cho danh dự của nước Mỹ đở mất mặt sau sự sụp đổ tan nát về chánh trị và quân sự ở tại Việt-Nam, Cam-Bốt và Lào. Do vậy, khi màn kịch của chiếc tàu "Mayaguez" đã được kết thúc, thì quốc hội Hoa-Kỳ lập tức ra tuyên cáo, quyết nghị đồng thanh ủng hộ Hành-Pháp trong chánh sách chủ trương nhân đạo để tiếp nhận những người tị nạn chính trị, và cũng không ngoài mục đích đầu tư nhân lực lao động quốc gia qua cuộc di tản đã tiến hành tốt đẹp.

Tại Tây-Âu, nhất là ở tại Pháp cũng vào thời điểm không gian lúc bấy giờ. Làn sóng người tị nạn chính trị mang qụốc tịch Pháp hồi hương về nước ngày càng đông đảo. Chánh phủ Pháp một mặt lo tổ chức để tiếp đón Pháp-kiều hồi hương từ Đông-Dương, một mặt phải lo giải quyết cấp bách tìm cách mở ra những trại tị nạn tạm thời, để làm nơi cư ngụ cho con số người kỷ lục là mỗi ngày trên một ngàn người trong giai đoạn đầu. Tưởng cần nói rõ thêm về trường hợp của những thành phần Pháp-kiều hồi hương nầy gồm có đủ thành phần sắc dân trộn pha hai dòng máu từ lâu giữ quốc tịch Pháp, các ngoại kiều thường trú tại Miền Nam Việt-Nam lấy quốc tịch Pháp cùng với những người Pháp rặc. Còn lại, đa số của họ là những phó sản của đoàn quân viễn chinh của quân đội Pháp-Mỹ, là những đứa con rơi lai giống có mặt trên đất nước Việt-Nam từ gần một thế kỷ qua. Và với chánh sách ban hành của Chính-Phủ Cách-Mạng Lâm-Thời tại miền Nam Việt-Nam lúc bấy giờ, thì mọi bóng dáng tàn dư của Thực-dân, Đế-quốc phải được biến mất trên toàn lãnh thổ nước nhà, để nhường chỗ lại cho một quốc gia vừa mới thu hồi độc lập, tự do có chủ quyền, có được một hình ảnh tương lai sáng sủa trong tinh thần không gian khởi sắc mới. Chính vì vậy, một kế hoạch xuất cảnh con lai đã được thỏa thuận, diễn ra giữa chính quyền Việt-Nam và các nước Pháp, Hoa-kỳ để trao trả lại những đứa con lai giống, mồ côi cha do chiến cuộc tại Việt-Nam từ mấy chục năm qua.

Vốn là một thuộc địa cũ của Pháp, người tị nạn Đông-Dương trước đó đã phải chịu khá nhiều vào ảnh hưởng sâu xa của nền văn hóa xứ nầy. Cho nên, khi họ vừa được đặt chân lên đất Pháp lần đầu tiên, thì tuy có bị bỡ ngỡ trăm điều song vẫn không có một cái hố ngăn cách nhiều như trường hợp ở tại Mỹ. Điều kiện ưu thế nầy khiến cho họ có phần nào lẹ làng hội nhập vào xã hội địa phương, và bắt tay gầy dựng tương lai bằng cách sớm tìm được việc làm dưới sự giúp đỡ của các cơ quan từ thiện xã hội, tôn giáo. Tuy nhiên, cũng vẫn còn lại số đông kiều bào bị trở ngại về ngôn ngữ cho nên chưa có thời gian để khắc phục sự trộn pha vào khung cảnh sống mới. Và vì con số tỉ lệ dân da vàng nhập cư đồng loạt vào xứ Pháp khá cao nếu đem so với các xứ khác ở Âu-Châu. Và cũng vì kể từ khi có sự hiện diện ồ ạt của lớp người di dân da vàng vào Tây-Âu, thì ưu thế lao động mà trước nay gần như là dành một đặc ân riêng cho khối người Á-Rập và da đen, các nước nghèo ở Đông-Âu như Thổ-Nhĩ-Kỳ, Nam-Tư cùng một số dân các nước láng diềng đã thực sự không còn nữa. Các xưởng kỹ nghệ, tiệm buôn v.v của người bản địa đã bắt đầu thâu nhận đơn xin việc làm của người tị nạn Việt-Nam với thái độ ân cần, sốt sắng và sự kiện nầy vô tình đã làm phiền lòng khối di dân lao động Á-Rập và da đen không phải ít.

Thực vậy, từ một thế kỷ qua vì hoàn cảnh địa lý, lịch sử đặc biệt, khối người di dân Á-Rập và da đen đã được hội tụ về Tây-Âu. Và các thành phố như Paris, Londres, Bonn được coi như là thành trì có sức mua lao động rẻ tiền để cho các công ty, xí nghiệp tư bản thuê mướn họ làm việc trong các loại việc làm, mà đa số người dân da trắng không bao giờ có ý nghĩ muốn làm, chẳng hạn như quét đường hốt rác ở các nơi công cộng v.v. Theo thứ tự của thời gian, với ý thức tinh thần lao động trưởng thành, khối di dân nầy cũng đã bắt đầu biết có những quyền lợi nghiệp đoàn, cũng có những nhu cầu đặc biệt nhân sinh để nếu cần đòi yêu sách. Thêm vào đó, nếu phải đem so sánh khả năng lao động, đức tánh cần cù, dẻo dai của khối người di dân lao động Việt-Nam nói riêng, và khối người di dân lao động Phi-Châu, thì giá trị ưu tiên sẽ khiến cho các nghiệp chủ tuyển chọn các bàn tay nhanh nhẹn của người da vàng. Và kinh nghiệm cũng như bằng chứng thực tế đã cho phép người ta nhận thấy ra được rõ ràng như vậy. Ngay cả đối với cộng đồng di dân lao động da trắng như Thổ-Nhĩ-Kỳ và Nam-Tư đã từng có mặt ở đây từ trước, thì bản năng bé nhỏ của người lao động Việt-Nam vẫn đủ sức tranh giành việc làm và phỗng tay trên chén cơm chim của họ nhất là trong lãnh vực nghề nghiệp thuê thùa, may vá. Tuy nhiên, dẫu sao thì người công nhân lao động Việt-Nam cũng vẫn hãy còn thua xa công nhân lao động của người Hoa một bực về mọi sự chịu đựng cực khổ, gian trá, mánh mung trong hầu hết tất cả điều kiện dịch vụ của việc làm. Thí dụ như ở khu chợ Tàu tại Paris trong những năm về trước, cũng như dài dài cảnh sát ở địa phương đã từng phát hiện ra được nhiều mạng lưới kinh tế hoạt động ngoài vòng pháp luật với cơ cấu được tổ chức theo luật giang hồ, núp sau lưng những môn bài chính thức, có đóng thuế hợp pháp thường niên cho sở thuế vụ đàng hoàng.

Đặc biệt hi hữu trong lịch sử của hàng ngũ di dân trên thế giới, đó là đường dây buôn lậu giấy tờ căn cước của những người Hoa đã mệnh một. Theo đó, nhà chức trách địa phương thường khám phá ra là những người di dân tị nạn kinh tế Việt-Nam gốc Hoa, thì luôn luôn lúc nào cũng có con số tử vong rất thấp so với các sắc dân khác ở trong vùng. Có nghĩa là, họ không khai tử thân nhân khi mệnh một. Sau đó, người chết được đem chôn lậu và căn cước của họ được cất giữ lại cẩn thận để bán lậu cho những tổ chức đưa người nhập cư lậu, để rồi vào làm việc lậu trên nước Pháp. Trước khi mạng lưới đó bị phá vỡ, thì nhiều quán cơm lậu, tiệm bán kim hoàn lậu, nhà chứa gái mãi dâm lậu, hút á phiện v.v cũng đều được các báo chí địa phương nói đến rất nhiều. Dĩ nhiên, trong cộng đồng nào cũng có những tổ chức bất lương, làm điều phi pháp nhưng về phuơng diện lậu nầy, thì thực thể của cộng đồng người Hoa đã hoàn toàn qua mặt bất cứ sắc tộc di dân nào trên thế giới. Do đó, người ta có thể nghĩ ra ngay rằng cho dù là ở tại Hoa-kỳ, Pháp, Canada, Úc-Đại-Lợi hay ở Anh, Đức v.v mà hễ có sinh hoạt nào trong cộng đồng di dân Đông-Nam-Á mang sắc thái động đậy nhiều về lãnh vực văn hóa xã hội, chính trị thì đó là do các hội đoàn của người Việt-Nam đứng ra tổ chức. Ngược lại, những tổ chức nào có vẻ kín đáo, khả nghi, hoặc công khai có tính cách hùn hạp làm ăn mua bán lớn, thì đó thường là của những người lao động di dân kinh tế của người Đông-Dương, nguyên gốc là người Hoa.

Tuy nhiên, nếu nói thì như vậy. Nhưng theo những cuộc điều tra của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) thì cộng đồng di dân Đông-Nam-Á và nói riêng là Việt-Nam, thì tính chất năng nổ trong đầu óc của người Việt vượt trội hơn cả người Lào và Cam-Bốt, mà nếu có yếu tố thời gian thì sẽ không kém bản sắc của người Hoa về phương diện kinh doanh.

Với tinh thần Lạc-Việt bao dung, cầu hòa, khai phóng là một đặc điểm tối ưu để cho tiền nhân của chúng ta đã tránh khỏi được nạn đồng hóa, diệt vong, khác với trường hợp của các lân bang ở gần vùng Hán tộc. Người Việt đi đến đâu cũng vẫn không bao giờ quên được quá trình tiến bước của dấu chân mình, và những điều hồi ức ghi lại sau đây, chính là một mẫu chuyện thực tế có giá trị chứng nhân. Chứ không phải hoang đường, hư cấu, khi mà hiện nay theo với thời gian, thì tâm hồn của không ít người di tản đã khá phai mờ. Vì họ không thể còn có đủ trí nhớ cặn kẽ về đợt di tản đầu tiên do Hoa-kỳ thực hiện, để họ còn có dịp hồi tưởng lại thêm nhiều cảnh tượng trong thời gian trước, mà chính họ đã từng là những nạn nhân phải rời bỏ quê hương.

Trừ những thuyền nhân vượt biên gian khổ sau nầy, còn trước đó, thì là đã có những người di tản chiến tranh may mắn được các cơ quan quân sự Hoa-Kỳ đưa tánh mạng của họ an toàn ra khỏi miền Nam Việt-Nam trước ngày 30-4-1975 lịch sử. Tuy nhiên, trường hợp của họ là phải vội vả ra đi trong một hoàn cảnh cực kỳ khẩn trương, cấp tốc vội vã như con chim tuy có được tự do đập cánh nhưng lại bị hốt hoảng khi lao mình vào trong đêm tăm tối, để đi tìm mảnh đất lành chim đậu, một cuộc mạo hiểm phiêu lưu mà không suy đoán được trước ở tương lai. Họ chỉ còn nhớ mang máng cái hình ảnh ngồi trên chiếc phi cơ chật ních người, khi cất cánh, khi hạ cánh đưa họ vào tận những vùng đất đai có núi non xa lạ với những địa danh mà họ chưa bao giờ nghe biết quen tai. Thiếu thốn về tiện nghi, thông tin liên lạc cùng lúc với đầu óc quay cuồng trong cơn gió lốc. Rồi đùng một cái, họ được người bảo trợ lãnh ra từ trại tị nạn đem về nhà tập cho làm quen với cuộc sống văn minh địa phương trong môi trường văn hóa mới. Trong trường hợp hội nhập đổi thay cuộc sống quá lẹ làng như vậy, thì cho dù là những thành phần trí thức đi nữa, thì chắc họ cũng không thể nào có đủ thì giờ chuẩn bị để hấp thụ và hội nhập vào một tập quán xa lạ trong nhất thời được. Chính vì vậy, mà họ có biết đâu rằng bản thân của họ vừa đã vượt đại dương qua mấy dặm nghìn trùng xa lìa quê cha đất tổ.

Đây là một kế hoạch di tản chiến tranh vĩ đại, mà chính phủ Hoa-kỳ đã tiên liệu thực hiện thành công tốt đẹp đúng theo như mục tiêu đã định. Để đạt được mục tiêu đó, kế hoạch di tản nầy đã được chính phủ Hoa-kỳ điều nghiên lợi hại, chu đáo xong rồi mới bắt đầu áp dụng thi hành. Khởi đầu là cuộc di tản tập thể của các gia đình quân, công, cán, chính thuộc lớp người có cơ may có mặt ở tại phi trường Tân-Sơn-Nhất vào lúc đó, và bằng phương tiện chuyên chở của những chiếc phản lực cơ khổng lồ của không lực Hoa-Kỳ lẫn của các công ty thương mại. Các chuyến bay di chuyển tấp nập, đúng vào thời gian mà đội quân Nam tiến của miền Bắc khởi sự đe dọa thành phố Sài-Gòn. Khi hai tỉnh Long-Khánh và Biên-Hòa sắp sửa bị thất thủ, thì đó cũng là lúc mà đạo quân Nam tiến sẽ có thêm nhiều lợi thế quân sự dùng làm bàn đạp để tấn chiếm thủ đô miền Nam trong tư thế thuận tiện, và thực tế là việc đó xảy ra chẳng bao lâu.

Trở lại công việc của các chiếc phi cơ làm nhiệm vụ con thoi bay đi từ Sài-Gòn tới Manille, rồi quay lại Sài-Gòn bốc thêm người di tản. Hầu hết những loại phi cơ mà Hoa-Kỳ có sẵn đều được tận dụng theo đường lối đó trong nhiều ngày, cho mãi tới khi đội quân Nam tiến của miền Bắc chuyển đại quân cấp sư đoàn với những giàn pháo binh có tầm tác xạ hữu hiệu đến gần Sài-Gòn. Và có sự nguy hại tới độ mà những phản lực cơ cỡ lớn có thể dễ bị lâm nguy trong khi hạ cánh, hay khi cất cánh. Vì vậy, những vận tải cơ thuộc loại C130 lúc đó cũng cấp tốc được tung ra sử dụng, để tiếp tục tăng cường cầu không vận, trong khi những phản lực cơ khổng lồ bắt đầu bốc những dân di tản từ Phi-Luật-Tân đi tới hải đảo Guam, đảo Wake, đảo Hawạ và đến sâu vào trong lục địa Hoa-Kỳ.


Cảnh đông đảo dân chúng di tản
chen nhau lên máy bay trực thăng tại Sài-Gòn

Rồi mấy ngày sau, sau khi quân đội Cộng-Sản miền Bắc đánh chiếm được một phần của phi trường Tân-Sơn-Nhất, thì đường lối còn lại duy nhất để có thể đưa dân di tản ra khỏi thành phố Sài-Gòn là bốc họ bằng trực thăng. Các phi cơ trực thăng nầy do các phi công của thủy quân lục chiến Hoa-Kỳ thuộc căn cứ tại Hạ-Uy-Di lái. Những chiếc trực thăng nầy đậu trên chiếc hàng không mẫu hạm "Midway" của quân đội Hoa-Kỳ chờ neo sẵn ở ngoài khơi hải phận quốc tế gần Vũng-Tàu. Trong kế hoạch cầu không vận khẩn trương nầy, một số phi hành đoàn đã phải làm việc vất vả tới mười tám giờ mỗi ngày, và cuối cùng, đã chở được hơn khoảng sáu ngàn người rời khỏi Sài-Gòn đi đến các tàu chiến. Tại đó, đã có tất cả bốn mươi chiến hạm đậu trải ra dài tới gần một trăm dặm Anh chờ neo sẵn để đón dân di tản. Rồi đến khi mà đạo quân miền Bắc thực sự đã bắt đầu chuẩn bị tiến vào địa phận Sài-Gòn và các trực thăng phải chấm dứt công việc di tản, thì các chiến hải vận hạm nầy vẫn còn neo lại thêm nhiều thời giờ nữa, để đón vớt những người di tản đi ra bằng những chiếc thuyền máy cá nhân. Hoặc bằng tàu đánh cá, và bằng xà lan do quân đội Mỹ kéo đến từ thương cảng Khánh-Hội Sài-Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vớt người di tản ở biển Đông, thì các hạm đội nầy đưa tất cả đoàn người về đến tại vịnh Subic. Ngoài ra, còn có gần ba trăm phi cơ đủ loại cũng đã tới phi trường Utapao ở Thái-Lan do các phi công của không lực miền Nam lái sang, cũng đã có chở theo rất nhiều thân nhân di tản. Sau đó, tất cả đều được đổi qua phi cơ vận tải cỡ lớn của Hoa-Kỳ để được bốc đi đến căn cứ không quân Clark ở Phi-Luật-Tân hoặc thẳng tới hải đảo Guam. Và trong thời gian khẩn cấp đó, thì hầu hết các tàu chiến của quân đội miền Nam khi đó cũng đã được lệnh trực chỉ chạy sang vịnh Subic ở Phi-Luật-Tân. Rồi tại đây, hầu hết tất cả những dân di tản đều được tập trung chuyển sang các chiến hạm của hải quân Hoa-Kỳ hoặc bằng các phản lực cơ Boeing 747để đi thẳng tới hải đảo Guam. Ngoài ra, còn có một số máy bay lên thẳng của không lực miền Nam cũng từ ở Sài-Gòn bay thẳng ra mẫu hạm "Midway" bỏ neo ở ngoài hải phận quốc tế. Có khoảng gần bảy mươi lăm ngàn đầu người di tản đến hải đảo Guam hoặc các đảo khác gần đó, thì cũng đều xuyên qua ngả nầy.

Trên đường đi đến hải đảo Guam, tất cả dân di tản đều được xịt nước tắm rửa tập thể để làm dịu dưới cơn nóng cháy da người. Cổ tay của họ thì được đeo số thứ tự nhằm kiểm kê đầu người. Và cũng giống như việc bảo đảm an ninh cho những chuyến bay hàng không khác, các hành lý trước khi lên phi cơ cũng đều được kiểm soát để đề phòng nạn không tặc có thể xảy ra. Có người đáp xuống tới đảo Guam vào lúc ban đêm, có kẻ đặt chân lên đảo Guam vào giữa lúc ban ngày và họ có dịp nhìn qua cửa sổ để ngắm nhìn cảnh vật trên hòn đảo đẹp, nhất là khi máy bay nghiêng mình hạ cánh. Và dù đến lúc nào đi nữa, thì cuộc không trình cũng phải mất nhiều thì giờ bay mệt lử từ căn cứ không quân Clark đến đảo Guam. Ngoài ra, cũng còn có một số dân di tản khác thì tiếp tục đi bằng tàu thủy từ trên các chiến hạm ở tại Subic chạy tới đảo Guam nữa.

Ngày xưa, do định mệnh của lịch sử chiến tranh, mà đảo Guam đã chính thức trở thành một tuyến đầu của đất nước Hoa-Kỳ. Và cũng do nhân duyên của lịch sử chiến tranh, mà ngày hôm nay đảo Guam đã được gắn liền với hình ảnh của cuộc di dân ào ạt, vĩ đại lần thứ nhì sau thời kỳ phong trào đi về vùng tân thế giới Mỹ-Châu của người da trắng.

Là lãnh địa cực Tây của nước Mỹ có vị trí ở giữa biển Thái-Bình, Guam là một hòn đảo núi nhô lên cách đường xích đạo tám trăm dặm về phí Bắc, cách Phi-Luật-Tân một ngàn năm trăm dặm về hướng Đông, và cách Nhật-Bản một ngàn bốn trăm dặm cũng về hướng Đông-Nam. Đảo nầy dài khoảng ba mươi hai dặm và rộng từ bốn tới tám dặm. Phần giữa ở hải đảo là nơi đẹp nhất với những vùng đất đỏ như ở cao nguyên miền Trung Việt-Nam, trộn pha với những đám rừng xanh um và nước biếc. Người Tây-Ban-Nha đã nhập đảo nầy vào đế quốc của họ vào thập niên 1700, và duy trì quyền kiểm soát cho mãi tới khi bị Hoa-Kỳ đánh bại trong trận chiến 1898. Tuy nhiên, ảnh hưởng của người Tây-Ban-Nha rất là sâu đậm đối với đời sống của dân bản xứ và vẫn còn rất rõ ràng vào thời kỳ đệ nhị thế chiến. Sau đó, người Nhật xua quân chiếm đóng quân sự đảo nầy vào tháng chạp năm 1941 và chiếm giữ mãi cho tới khi bị hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima ngày 6-8-1945, và Nagasaki ngày 9-8-1945 thì mới chịu trao trả lại vĩnh viễn hòn đảo nầy cho Hoa-Kỳ.

Ngày nay, chính hòn đảo quê hương chiến lược của căn cứ pháo đài bay B52 nầy đã được chọn, để làm đầu cầu tiếp nhận dân di tản chiến tranh Đông-Dương của chính phủ Ford. Tại đây, quân đội Hoa-Kỳ dựng lên một số trại toàn bằng lều vải mà danh từ báo chí dạo ấy gọi là "Tent city" ("đô thị Lều") nằm ở phía Nam hòn đảo. Đó là một khu rừng đất đỏ được ủi san bằng, để làm chỗ ở tập trung khối người di tản chiến tranh vừa đồng loạt mới tới. Trại lớn nhất mang tên là Oroite-Point, còn lại chín trại nhỏ khác nằm ở rải rác xung quanh hòn đảo. Hầu hết dân di tản đến đảo Guam dù được phân phối ra ở địa điểm nào, thì trước hết cũng bắt buộc phải đi ngang qua trạm thủ tục hành chánh nơi trại tập trung Oroite-Point trước đã. Chín trại khác có tên là: Andersen Air Force Base, Naval Air Station, NCS Barrigada, Asan, BCQ, Hawạan Dregging Co, JEG Construction Co, Black Construction Co, và Sierra Pier. Ngoài ra, hai đảo Wake và Hawạ ở cách xa hơn cũng là hai địa điểm phụ được gởi dân di tản đến.

Cảm tưởng đầu tiên của cộng đồng người Việt-Nam di tản khi mới vừa đặt chân lên tuyến đầu của đất Mỹ, là nhìn thấy được cảnh tượng của một đô thị "Lều" bày ra trước mắt. Trên cả trăm dãy lều được trải ra nằm san sát bên nhau giống như hình ảnh sống tập thể của một thao trường quân đội hay như của một trại canh nông che phủ hoa màu khổng lồ nằm dài tiếp nối bên nhau dưới cơn nắng nóng cháy da người. Những ụ đất, gốc cây vừa mới được khai quang nằm trơ bật rễ cùng với lớp bụi nhơ nhớp màu hồng đất đỏ. Mỗi lều trung bình xếp được trên hai mươi cái ghế bố, tức nhiên có thể chứa được trên hai mươi đầu người. Cả hải đảo Guam mà chỉ có khoảng chừng ấy cái trại, để tiếp đón dồn dập dân di tản lên đến con số trên sáu mươi ngàn người lần lượt kéo tới trong một thời gian kỷ lục thì thật là hỗn tạp, bát nháo vô cùng. Vì thực ra, tình trạng khẩn trương dồn dập đó đã vượt qua khỏi ngoài tầm khả năng tổ chức của ban trách nhiệm điều hành.

Trên đây là những sự kiện thực tế, nóng bỏng có nhiều chi tiết thời sự chiến tranh vụt đi qua rất nhanh trong tâm hồn của những kiều bào di tản trong đợt mùa Xuân 1975. Và vì đầu óc luôn luôn lúc nào cũng bị ám ảnh sự kinh hoàng, cùng mọi sự ngỡ ngàng trên ngưỡng cửa bị đi vào hội chứng tị nạn. Cho nên, nhiều người khó mà còn có đầy đủ yếu tố chứng nhân trong một thời gian quay như cơn gió lốc, để tỉ mỉ lưu vào trong ký ức một đoạn phim trường bi thảm của đời người. Tuy nhiên, câu chuyện mang hình ảnh khá rõ ràng khó quên được trên bước đường lưu vong là kỷ niệm của những ngày dừng chân trên hải đảo. Họ có dịp phải sống trong đô thị "Lều" quanh co theo đồi dốc, mà cảm tưỏng chung của hầu hết dân di tản lúc bấy giờ là hoàn toàn bất mãn trước hình ảnh thực tế của một Oroite-Point thiếu tiện nghi và khổ cực. Cực đến nỗi các vòi nước tắm công cộng cũng được dựng lên vội vã ở bên lề đường và che đậy sơ sài, kể cả các địa điểm phóng uế cũng vậy. Đúng ra, thì cũng tại đa số ý nghĩ của người dân di tản đã in sâu vào trong tâm trí là một nước Mỹ văn minh hiện đại có nhà cao chọc trời, xe cộ dập dìu, đường phố thênh thang, cho nên họ quên rằng nơi đây chỉ là một vùng hẻo lánh mà họ chỉ tạm dừng chân trú ngụ trong một thời gian ngắn...Nhưng điều chính yếu hơn, là tâm trạng heo hắt ở trong lòng của họ với sự buồn bã nhớ tiếc quê nhà, đã là nguyên nhân làm cho họ lần không còn cần muốn biết thêm gì hơn nữa! Tuy nhiên, không bao giờ họ có thể quên được cái cảnh xếp hàng nối đuôi đi ăn cơm trưa xong, thì lại sửa soạn xếp hàng nối đuôi đi ăn cơm chiều, và như thế thì mới kịp bữa, vì thiên hạ đông như kiến. Sự kiện nầy đã làm cho bao người bệnh hoạn, sức yếu không thể nào chầu chực nổi, cho nên phải nhịn cả bữa ăn là thường.

Đêm về thì trên quảng trường hành chánh của Oroite-Point lại càng nhộn nhịp không kém, vì lý do ban ngày dưới cơn nắng nóng như thiêu đốt đã làm cho mọi hoạt động bị đình trệ rất nhiều. Hơn thế nữa, Sở Di-Trú Chiếu-Khán Nhập-Cảnh của Mỹ ở đây làm việc liên tục tới mười sáu trên hai mươi bốn giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu muốn được đặt chân vào đến tận văn phòng của Sở Di-Trú thì phải xếp hàng nối đuôi chờ đến quá nửa ngày, từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối là thường. Lúc đầu, nhân viên của Sở Di-Trú có dành ưu tiên làm thủ tục nhập cư cho các phụ nữ có chồng Mỹ, các yếu nhân chế độ cũ của miền Nam Việt-Nam được đi vào lục địa nhanh hơn. Nhưng sau vài ngày, vì số người di tản đến cùng một lúc quá đông cho nên họ không còn dành thứ tự ưu tiên "VIP" (Very Important Person) gì ráo. Hễ ai chịu khó lăn mình đến trước là làm thủ tục nhập cư trước. Ai không chịu nổi cái cảnh gian nan khổ cực, thì đành phải ở lại chờ đến phiên sau và nói chung thì mỗi người đều ngao ngán vô cùng.

Dẫu sao, khi bóng tối đêm về thì khí hậu nơi đây cũng tương đối mát mẻ, dễ chịu và người ta đi qua đi lại dập dìu như hội chợ. Họ đi tìm thân nhân, đi lục soạn tin tức, kết tình bè bạn v.v. Địa điểm được thiên hạ chiếu cố đến nhiều nhất là phòng thông tin. Thôi thì thiếu chi tin nhắn trên máy phóng thanh, thiếu chi những lá thư tay dán ở lộ thiên với mục đích lưu lại dấu vết địa chỉ cho thân nhân, bè bạn đến sau mà tìm. Ngoài địa điểm thông tin, còn có một số lều khác quy tụ khá đông kiều bào di tản như lều của hội Chữ Thập Đỏ nhận gởi thư, đánh điện tín miễn phí đi khắp nơi trên toàn thế giới. Khu Bệnh-Viện thì đầy ấp những bệnh nhân khi mới đến vì thủy thổ bất hạp. Lều Xã-Hội cấp phát nhu cầu nhật dụng như kem đánh răng, xà phòng. Một vài chiếc "trailer" bán tạp hóa, bia, nước ngọt. Bãi đất trống chiếu những phim cao bồi, quảng cáo danh lam thắng cảnh Hoa-Kỳ. Bến xe buýt đưa rước đồng bào di tản cũng rất là ồn ào, còn hơn là cả khu hành chánh thiếu tiếng nổ của các động cơ.

Đó là tất cả bộ mặt chính của Oroite-Point khi đã lên đèn. Kể ra thì không khí sinh hoạt về đêm của Oroite-Point cũng có một hình ảnh vui vui, tạm coi như là giống một khung cảnh bên ngoài của một rạp hát cải lương tỉnh lẻ ở quê nhà dưới ánh đèn không đủ sáng, mà lúc càng về khuya thì khán giả lần mỏi mệt đi về nhà ngủ. Nhưng trong lúc nầy thì ở tại đây, có một số dân di tản đã phải ôm theo cả gối chăn để ngủ ngay trên lớp bụi đỏ trước trụ sở làm việc hành chánh, để chờ đến sáng sớm hôm sau tranh nhau thứ tự ưu tiên vào trình diện để làm thủ tục nhập cảnh. Có những người yếu đuối hoặc thiếu kiên nhẫn, thì sáng nào cũng lo vụ ẩm thực trước đã và mổi khi điểm tâm xong là đồng hồ chỉ khoảng mười giờ sáng. Họ vội đi ngay về văn phòng hành chánh, nhưng khi đến nơi thì thấy người ta sắp hàng như con rắn ngoằn ngoèo làm nản chí, chồn chân, thì họ vội lại quay về để nghỉ ngơi sửa soạn xếp hàng đi lãnh phần ăn cơm trưa. Aên cơm trưa xong thì kim đồng hồ chỉ khoảng ba giờ chiều. Trở lại xếp hàng lãnh ăn cơm chiều xong thì khoảng bảy giờ tối, và cứ thế là hết một ngày. Thời gian vô tình cứ như vậy mà trôi, khiến cho ai nấy đâm lì hẳn ra và lần lần ngao ngán bỏ cả bữa ăn trưa để đi trốn nắng trong rừng cây mát mẻ.

Tệ trạng của Oroite-Point còn được tăng thêm bằng những vụ trộm cắp, hiếp dâm, đâm chém lẫn nhau gây bát nháo trên đường chạy loạn. Tất cả đều là những dấu tích đau buồn để lại của kiều bào di tản khi phải ghé ngang qua những ngày ở tại vùng hải đảo. Nếp sinh hoạt hỗn mang bề ngoài (ban ngày) cũng như khung cảnh lộn xộn bên trong (ban đêm) của Oroite-Point đúng ra quả là phức tạp, mà bất cứ người nào đã từng là những chứng nhân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng đều nhận rõ ra và ai nấy đều mang chung tâm trạng sợ hải. Họ sợ hải đến độ mà giới hữu trách Hoa-Kỳ đã phải ra thông cáo biểu lộ cho kiều bào di tản hiểu rằng, trại Oroite-Point không tiêu biểu chính thức cho thực tế của xã hội Mỹ. Giới hữu trách còn thanh minh, giải thích cho rằng trại Oroite-Point chỉ là những cơ sở tạm thời được dùng để thu nhận một số đông đảo người cư ngụ trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, những cơ sở nầy được thiết lập một cách vội vàng với công việc làm cực nhọc của những binh sĩ Hoa-Kỳ, và chỉ nhằm mục đích cung cấp thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, giúp đỡ làm thủ tục giấy tờ hành chánh cho người di tản mà thôi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, thì trại Oroite-Point cũng được coi như là một chặng đường dừng chân đầy nước mắt của hầu hết khối người di tản tị nạn chiến tranh Đông-Dương với biết bao nhiêu thảm cảnh đau lòng khi cha mất con, vợ lạc chồng, chim chóc xa đàn, gãy cánh. Bao nhiêu tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố của con người thế tục đều được tìm thấy ở trong hoàn cảnh nơi đây, để rồi tất cả đã bị cuốn theo thời gian và lắng sâu vào tiềm thức. Phụ đề thêm cho bầu không khí hoạt náo ở đảo Guam, lại còn có những hình ảnh của những nhà mạnh thường quân kiểu "Mỹ" mỗi ngày thường đến trước cửa trại sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn dân di tản nào muốn bán vàng lá để lấy dollar xài. Họ mua ngay với giá 150 USD một lượng thay vì ngoài thị trường, lúc bấy giờ, xấp xỉ là gần tới 200 USD một lượng. Còn bên cạnh đó, thì cũng có hàng ngũ của chị em ta đã nhanh bước theo chân của đoàn quân viễn chinh, để xông pha ra làm việc ở tận nơi miền xa lạ vào những khi bóng tối đem về hay vào những buổi trưa hè oi bức. Dưới trời nước bao la hoặc trong rừng cây xanh mát mẻ, sự thương lượng về giá cả chỉ tùy theo khả năng của khách qua đường mà kỳ kèo thêm bớt. Còn đặc biệt với chú Sam, thì được tính theo bằng tiêu chuẩn của trị giá gia tăng.

Ngoài ra, đặc biệt còn có một sự cố hết sức là quan trọng đã được dấy lên ở tại hải đảo tiếp thu người số người di tản nầy, đó chính là bầu không khí bạo động xảy ra ở trên hải đảo Guam. Đây là một đề tài thời sự được báo chí Hoa-Kỳ dạo ấy chú tâm theo dõi và hâm nóng tin tức trong nhiều ngày, sau cuộc mưu toan nổi lửa đốt cháy trại tị nạn bất thành, để công khai phản đối việc quân đội Hoa-Kỳ đã cưỡng bách các chiến binh miền Nam để đưa họ sang trại tị nạn ở hải đảo Guam. Nội vụ bắt đầu từ ở Thái-Lan, khi có mười ba quân nhân không lực miền Nam lái phi cơ từ phi cảng Tân-Sơn-Nhất đến Utapao (căn cứ không quân chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tại Đông-Dương) trong chiến dịch di tản toàn bộ không lực của miền Nam Việt-Nam. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, mười ba người nầy cùng với một số quân nhân Việt-Nam Cộng-Hòa khác tỏ lòng muốn được trở về nước, thì lập tức bị cấp chỉ huy quân sự Mỹ lúc bấy giờ từ chối, viện lẽ không còn phương tiện để thỏa mãn yêu cầu. Và rồi trước sự chống đối khá cứng rắn của các quân nầy, khiến cho cấp chỉ huy quân sự Mỹ tại Utapao phải áp dụng hình thức quân kỷ. Lập tức, mười ba quân nhân chủ trương bày tỏ nguyện vọng hồi hương đó đã bị trói lại, và bị tiêm thuốc tê trên hai cánh tay cùng hai bắp đùi rồi được khiêng lên máy bay chở thẳng tới hải đảo Guam.

Sau khi đến nơi hồi tỉnh lại, thì những quân nhân nầy hết sức lấy làm bất mãn và phẫn nộ. Họ quyết liệt tranh đấu, một mực đòi hỏi từ chối quyền tị nạn chính trị, và yêu cầu tức khắc phải được hồi hương. Thế rồi, do có một cuộc vận động nhân đạo của hội Chữ Thập Đỏ (Hồng ThậpTự) dàn xếp xảy ra giữa Hoa-Kỳ và một đàng bên là các quân nhân mưu toan bạo loạn nầy. Với kết quả cuối cùng, là vấn đề đã được phái đoàn của Cao-Ủy Tị-Nạn Liên-Hiệp-Quốc (Le Haut Commissariat aux Réfugiés) đứng ra nhận làm trung gian hòa giải.

Phong trào tranh đấu hồi hương cũng bắt đầu từ đó và lan rộng dần sang từ các trại Asan, Đảo Wake và ngay cả chính trong các trại tị nạn chính trị nằm sâu ở trong lục địa Hoa-kỳ như: Pendleton (California), Eglin Air Force Base (Florida), Fort Chaffee (Arkansas), Fort Indiantown Gap (Pennsylvania). Và sau cùng, đưa đến kết quả là sự kiện nhạy cảm của chiếc tàu "Việt-Nam Thương-Tín" nhổ neo về nước.

Những người di tản đến nước Mỹ rồi lại bỏ nước Mỹ để trở về Việt-Nam, trước hết, phải nói rằng phần đông đó là những người chưa xuất trại, có nghĩa là họ còn ở lì bên trong trại tị nạn sống nhiều ngày với những tiện nghi sơ sài, tạm bợ nên đâm ra chán nản. Một số khác đã có dịp xuất trại về ở chung với người bảo trợ (sponsor) trong điều kiện không có sự thông cảm về ngôn ngữ, cũng như không thích hợp về phong tục, tập quán, khí hậu đất đai cho nên cũng sanh lòng buồn bã nhớ tiếc quê nhà nên dứt khoát có quyết định hồi hương. Phải nói thêm cho rõ, là hầu hết đại đa số kiều bào di tản nộp đơn xin được hồi hương lúc bấy giờ đều là những kẻ độc thân. Họ ra đi chỉ có một mình bỏ lại vợ dại con thơ, cha mẹ già không người phụng dưỡng mà họ không được gặp mặt trước phút chia ly hốt hoảng của một cuộc chạy loạn. Sự thật thì họ chưa có đầy đủ yếu tố thời gian, để tìm hiểu và hội nhập vào bên trong của xã hội địa phương.

Có ai ngờ rằng đã có những người chỉ biết xứ Hoa-Kỳ qua những hình ảnh hoang dã của các trại tị nạn được dựng lên vội vã ở ven rừng. Và họ chưa từng có dịp xuất trại để được mục kích đâu là quang cảnh mỹ miều, lộng lẫy của những tòa nhà chọc trời, xa lộ thênh thang, xe cộ tràn ngập dưới ánh đèn màu điện tử của một quốc gia tân tiến, văn minh giàu có và nhiều thế lực nhất trên quả địa cầu. (Và đây, cũng là trường hợp thương tâm của các con em kiều bào vượt biên trái phép, đã được ra đời trong bức tường bao bọc kẻm gai xung quanh trong những trại tị nạn ở Đông-Nam-Á. Sau đó, chúng lớn lên thì cùng với cha mẹ bị luật pháp địa phương trao trả về lại Việt-Nam). Do vậy, chúng không hề biết được mặt mũi các phố phường của quốc gia đã sinh ra mình). Đầu óc của họ chỉ lẩn quẩn tối ngày với cái hình ảnh sinh hoạt nhàm chán ở trong trại, cái hình ảnh của những ngày gian khổ vượt đại dương trên những chiếc tàu đầy ấp người xếp dưới hai tầng hầm tàu, và ngay cả ở trên boong tàu nữa.

Thật là đứng chẳng yên, nằm chẳng được vì những tiếng khóc la của trẻ con cùng với sự hôi hám, phóng uế của nhiều bệnh nhân say sóng quá vô tình trong vấn đề vệ sinh công cộng. Tình trạng chôm chĩa, cầm nhầm có đồng bọn hơn lúc nào hết đã được triển khai tới mức đến nỗi đồ đạc của bất cứ một ai hễ hở ra thì mất, rồi thì còn có cảnh giành giật nhau chỉ vì mấy miếng bánh, hộp kẹo, lon bia. Trong khoảng bốn mươi tám giờ đồng hồ đầu tiên kể từ khi đặt gót chân lên tàu, thì ai nấy đều nhịn đói teo ruột. Và đến nỗi mỗi khi được các đầu bếp của hải quân Mỹ sửa soạn bắt đầu cấp phát thực phẩm, thì tư cách chúng tôi muốn sống của hầu hết đều được bộc lộ ra trước ống kính thu hình bằng những cánh tay hăng hái đưa lên ngoắt "O.K". Một thùng cháo to lớn chờ sắp sửa được chia đều, thì đã bị ngã lăn vì sự chen lấn quá đông, bát nháo. Ngoài ra, cũng có những đồng bào di tản vì quá kiệt sức chịu không nổi nên đâm liều lén vào nhà bếp dưới hầm tàu tìm thức ăn bị nhận diện v.v. Dẫu sao, thì giai đoạn gian khổ nầy cũng đã làm thiệt mạng một số nạn nhân, và tất cả những kẻ xấu số đều được mai táng trong lòng biển cả. Theo phúc trình của Ban Xã- Hội của các trại tị nạn sau nầy, thì đã có khoảng hơn năm em bé ra đời trên các chiến hạm của Hoa-Kỳ và đã được các hạm trưởng chấp nhận đỡ đầu.

Trở lại đoạn hải trình từ ở biển Đông đến Phi-Luật-Tân, hay từ vịnh Subic đến đảo Guam mà trong hồi ức của nhiều nhân chứng hiện nay đều cho là những chuyến du hành thật là lý tưởng cho hầu hết mọi người...nếu trong trường hợp họ không phải là những kẻ di tản vì chiến tranh. Thực vậy, giữa cảnh mênh mông, bao la trời nước in bóng lẫn nhau, khách nhàn du sẽ cảm thấy mình như có dịp trút sạch được hết tất cả lớp cát bụi hồng trần mà không một mảy may nào còn vướng bận. Có những buổi bình minh vừa ló dạng tràn ngập ánh nắng vào cả con tàu, dưới cơn gió nóng thổi nhẹ nhàng, dễ chịu, khách nhàn du sẽ phải thấy lòng mình cảm khái biết bao khi được dịp mục kích hình ảnh của những loài cá muôn màu kéo nhau nhảy tung tăn, trồi lên mặt bể tạo thành một hoạt cảnh vô cùng ngoạn mục. Lại còn tìm thấy những cảnh hoàng hôn nắng nhạt, có từng đàn hải âu xõa cánh chim chiều cất tiếng hót vang gọi nhau bay theo làn sóng nước con tàu, rồi rẻ hướng lao nhanh về phía ốc đảo chơ vơ của quần đảo Trường-Sa ẩn hiện dưới đám mây hồng xa tít. Và còn nữa, thường sau những cơn mưa tầm tã, giữa không gian nước trời giáp mặt có xuất hiện ra những chiếc cầu vồng chiếu sáng bảy màu bắc thang lên tận trời cao, như báo hiệu điềm lành may mắn tốt đẹp cho một cuộc hành trình đầy tương lai, hứa hẹn.

Nhưng nếu sống trong ảo ảnh cuộc đời người ta làm gì có được ước mơ vĩnh cữu, thì đây cũng hẳn là huyễn mộng của thời khắc tiêu dao! Những kiều bào của chúng ta di tản sang đến đất nước của Hoa-Kỳ nhớ lại kiếp phù sinh, giàu nghèo, suy thịnh như giọt sương tan, cho nên có kẻ đã lấy làm hối hận về sự có mặt của mình ngay trên xứ Mỹ. Và vì nặng mang cái hình ảnh tang tóc của một cuộc chạy loạn, giữa lúc đạo quân Nam tiến nã trọng pháo vào phía Bắc của thủ đô Sài-Gòn. Cảnh tượng hỗn loạn từ các con đường đưa dẫn tới những chiếc xà lan neo ở kho 5 Khánh-Hội, nỗi nhớ nhung tột cùng với bao người thân thương còn kẹt ở lại quê nhà. Rồi tiếp theo nào là bệnh hoạn, mệt mỏi trong cuộc hải trình thiên lý. Hóa cho nên, khiến nhiều người dù chưa được đặt chân lên đến thềm lục địa Hoa-Kỳ, thì lại đã có một thái độ quyết định suy nghĩ về tương lai của vận mệnh nước nhà sau ngày 30 tháng 4 lịch sử.

Đợt di tản đầu tiên trên đây lấy cái mốc thời gian trước ngày 30-4-1975 do phương tiện của chính phủ và quân đội Hoa-Kỳ giúp đỡ kể như đã được hoàn thành tốt đẹp với khoảng 35.000 ngàn gia đình, gồm ước độ 130.000 đầu người. Tiếp theo sự hình thành lớn mạnh của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài, đó là từng làn sóng thuyền nhân kế tục và đạt đến cao điểm vào cuối năm 1979 có tới 200.000 người vượt biên. Rồi trong thập niên sau, lại kéo thêm phong trào xuất cảnh lao động sang các nước Cộng-Sản ở Đông-Âu, vùng băng giá Tây-Bá-Lợi-Á. Đặc biệt là các nỗ lực hợp tác song phương giữa Vịệt-Nam và các quốc gia cho phép di dân đoàn tụ gia đình, nhất là Hoa-Kỳ. Sự kiện nầy, đã làm tăng thêm rất nhiều số lượng kiều bào di dân Việt-Nam ở tại nước ngoài.

Về chương trình ra đi chánh thức thường được gọi là Chương-Trình Ra Đi Trật-Tự ODP (Orderly Departure Program) gồm có ba diện: diện con lai, diện đoàn tụ gia đình và diện cựu tù nhân cải tạo. Diện cựu tù nhân cải tạo còn được gọi là diện H.O (Humanitarian Operation), là có con số đông nhất. Nhất là, sau khi một kế hoạch hành động toàn diện do quốc tế thiết lập vào năm 1989 để nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề tị nạn chính trị Đông-Dương, cũng như sau thỏa ước được ký kết giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ vào tháng bảy cùng năm đó. Nói riêng về việc thông qua mọi trở ngại cho cuộc định cư của diện H.O, thì đã có thêm hơn 80.000 người gồm các cựu tù nhân cải tạo và gia đình họ được đi đến lập nghiệp tại đất nước Hoa-Kỳ. Và cũng nói riêng về sự kiện nầy, thì cũng chính là nhờ do kết quả đạt được trong những vòng đàm phán gay go giữa hai chính phủ Mỹ-Việt đã cùng nhau thỏa thuận giải quyết sau cùng, để cho các cựu chiến binh tù nhân cải tạo miền Nam ra đi mang theo thông điệp hòa bình.

Tóm lại, trên đây chỉ là một vài hình ảnh ấn tượng và những sự kiện đáng ghi nhớ, mà cũng có thể được coi như là một đoạn hồi ký về hậu quả của cuộc chiến ở bán đảo Đông-Dương lúc đã tàn. Dẫu sao, thì cái thắt nút cuối cùng cũng vẫn được mở ra mà người ta đã nhìn thấy, là chính phủ Hoa-Kỳ đã hết sức khôn ngoan để kết thúc được trang sử nạn nhân chiến cuộc ở tại Việt-Nam sau ngày 30-4-1975 ở chỗ tấm lòng nhân đạo đó!

Tuy nhiên, đó có phải chăng cũng là điều mà họ ước muốn hầu để làm vơi đi được phần nào về niềm hối hận của lương tâm trong hội chứng của lịch sử chiến tranh tại Việt-Nam?

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Năm vị Tổng-Thống Mỹ trong nhiệm kỳ đã có liên quan đến lịch sử chiến tranh tại Vìệt-Nam là: Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard M. Nixon, Gerald R. Fơrd.

***************