Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Chuyện!

Trân Hải Âu

1. Chữ và Nghĩa.

Khách bước vào khu nhập cảnh ở phi cảng Tân Sơn Nhất thấy có hai bảng treo cao trên các luồng: 'Người Việt Nam' và 'Người Nước Ngoài'.

Mọi người da vàng tóc đen dù mang hộ chiếu nước ngoài ngập ngừng một hồi rồi đồng kéo vào các luồng 'Người Việt Nam'.

Khi về lại Hoa Kỳ thì cũng thấy có hai bảng treo: 'Công Dân Mỹ' và 'Các Nước Khác'. Khách da vàng tóc đen cầm hộ chiếu Hoa Kỳ đi ngay vào luồng 'Công Dân Mỹ'.

2. Lại chuyện cửa khẩu.

Khách khắp nơi dồn thành mấy hàng dài với mọi lứa tuổi mệt nhọc chờ đợi các thủ thục nhập cảnh. Câu chuyện nghe thấy được ở một quầy. Quan chức mặt lạnh lùng nhận cuốn hộ chiếu và tờ giấy khai hải quan từ người phụ nữ lớn tuổi xem xét khá lâu, rồi hất hàm hỏi:

"Bà tên là XYZ?"
"Vâng." Người đàn bà đáp.
"Bà về Việt Nam có việc gì?" Viên chức hỏi.
"Thăm thân nhân và ăn Tết." Bà ta trả lời.
"Hình như bà về Việt nam nhiều lần rồi, và gần đây bà mới về lần nữa?" Viên công an hỏi thêm.
"Nhân ngày giỗ mẹ tôi." Bà trả lời.
"Mẹ đã mất, tại sao còn về nhiều lần thế?"
"Vậy là ông cấm không cho tôi về Việt Nam hay sao?"

Câu chuyện nhập nhằng kéo dài hơn mười phút, mới được cho qua.

3. Đâu là nhà?.

Sau chuyến "về quê ăn tết", người phụ nữ trở lại "nhà" ở Hoa Kỳ. Khi qua luồng nhập cảnh, viên chức Mỹ da trắng cười tươi và hỏi như người bạn cũ:

"Chào mừng bà trở về nhà. Thế nào chuyến đi Việt nam có vui không?"
"Sao ông biết là tôi đi Việt Nam?" Người phụ nữ ngạc nhiên.
"Vì họ Nguyễn của bà trên hộ chiếu, nên tôi đoán. Tôi đã từng làm việc ở đấy mấy năm." Viên chức tủm tỉm cười thú vị.
"Ông giỏi thật và nhận xét nhanh nhẹn. Tôi thực sự cảm thấy vui khi trở về lại nhà!" Người phụ nữ đáp.

Ông ta hỏi thêm vài câu thông thường theo thủ tục, rồi đóng dấu vào tờ khai. Câu chuyện kéo dài không đầy ba phút.

4.  Của Rác Và Người.

Ở các thành phố lớn của Việt Nam, bên dưới các toà nhà chọc trời 'hoành tráng' và những căn hộ cao tầng hào nhoáng mới mọc là những đống rác 'to đùng', 'vô tư ' bên cạnh lòng đường làm các miệng cống bị tắc nghẽn. Nước thải đủ loại từ các hàng quán bên đường, căn hộ tha hồ tung ra đường phố cũng 'vô tư '. Lối đi bộ trên vỉa hè không thông với đủ loại đồ đạc lỉnh kỉnh bày bán chóang hết chỗ. Mọi người đua nhau khạc nhổ đờm giãi trên vĩa hè rất 'hồ hởi'. Thỉnh thoảng có mấy người phu quét đường dọn dẹp với những chiếc xe ba gác đầy rác và ruồi nhặng; họ đưa chổi dài quét gom rác nên tung bụi bẩn vào không gian.

Khách tìm mãi chẳng thấy thùng rác có nắp đậy.

5. Và Tiếng Động.

Việt Nam còn rất nổi tiếng với tệ nạn giao thông vô trật tự, vô luật lệ và đầy tiếng máy nổ và tiếng còi xe rất ồn ào. Đường phố lại thường bị tắt nghẽn giao thông ở những giờ cao điểm nên không khí trở nên khó thở vì mùi xăng dầu, mắt rát vì những hạt bụi li ti. Mọi người đếu mang 'khẩu trang' và 'kiếng râm' khi ra đường.

Khách bộ hành khi băng qua đường là 'tự đùa giỡn với tử thần'. Tin tức trước đây cho biết có 2 giáo sư đại học, một Mỹ cứu được, một Việt qua đời chỉ vì băng qua đường và bị xe hai bánh có động cơ tông ở ngay thủ đô Hà Nội.

Mùa Tết Đinh Hợi vừa qua, thống kê toàn quốc cho thấy đã có khoảng gần 300 người chết vì tai nạn giao thông. Mọi người mải say sưa ca tụng "Việt Nam đang bay lên hay vươn ra biển lớn trong thời đại hội nhập." Có lẽ vì bay lên quá cao hay đua nhau ra đại dương nên quên mất chuyện đất liền chăng?

6.  Du lịch và Nhậu

Việt Nam có lẽ là thiên đường của dân du lịch và dân nhậu. Lại nữa ở đất nước có an ninh cao trong vùng và cảnh sắc thiên nhiên diễm tú; khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ đủ lọai, đủ cỡ, đủ hạng đua nhau mọc lên như nấm và xem ra vẫn còn thăng tiến, đã thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi ngày một nhiều. Kỹ nghệ du lịch là một nguồn kinh tài lớn, cộng với tiền đầu tư của ngọai quốc đã tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận dân chúng. Dĩ nhiên đi kèm là vô số dịch vụ 'muốn gì có nấy' cho du khách tha hồ chọn lựa cũng gây ra lắm tệ nạn xã hội. Đó là cái giá phải trả thôi!

 Quán ăn, nhà hàng cũng thế! đủ lọai, đủ cỡ, đủ hạng, thượng vàng hạ cám từ sang trọng đến xe đẩy bên đường từ bắc chí nam, mọi người đều nhậu, sáng say chiều xĩn. Quan nhậu theo kiểu của quan, ngay trong giờ hành chánh, mặt đỏ mới oai; ai cũng mang điện thọai di động nên tiếng reo liên hồi; dân nhậu theo kiểu của dân, đồ nhấm ê hề, bia rượu đua nhau chảy như suối; mọi người vui vẻ quên đời. Ấy vậy mà thỉnh thỏang vẫn nghe kêu gọi … cứu đói?

7. Sách báo

Vào hiệu sách lớn nào, khách ham đọc sách rất hài lòng vì số lượng sách báo được in ấn phát hành khá dồi dào với đủ lọai đề mục, ngay cả những sách vốn bị cấm xưa kia nay cũng thấy bày bán 'vô tư '; giá cả lại rẻ. Đặc biệt là sách về bói tóan, xem chỉ tay, nhân diện, tử vi, phong thủy vv.. thì tràn ngập kệ, chỉ sợ không có đủ thì giờ để đọc mà thôi.
 

8.  Chuyện lớn

Buổi sáng, khách đến viếng một vị sư đang trụ trì một ngôi chùa. Ngài nổi danh với học thức uyên thâm, từng đi thuyết pháp khắp nơi trong và ngoài nước. Ngài thao thao nói về những đề xuất lớn của GHPGVN trong năm đến.

Buổi chiều khách ngồi chung vui với một số quan chức nhà nước trẻ quanh bàn tiệc đón Xuân.
 "Các bạn có biết đến những trang điện tử Phật giáo trong và ngòai nước hiện nay không?" Khách hỏi.
 "Không. Vả lại nào ai có thì giờ đâu mà đọc. Nhậu còn không kịp nữa là!" Một quan chức trả lời.
Nghe xong khách chợt ngộ.

9.   Chuyện vừa

Hôm sau, khách ghé vào một hiệu sách lớn trên đường Lê Lợi, TP HCM hỏi người tiếp viên trung niên:
"Ở đây có cuốn Vô Môn Quan không?"
"Cuốn gì? Ồ, Võ Môn Quân ấy ư? Không!" Người tiếp viến trả lời.
Khách tiếp tục tự tìm và cuối cùng kiếm được cuốn sách và lặng lẽ mang ra quầy tính tiền.

10. Và chuyện nhỏ

Một buổi sáng, khách xuống phòng Internet của Khách sạn để cập nhật tin tức thì chợt thấy bên cạnh máy, ai đó đã bí ẩn đặt một cuốn sách nhỏ in theo kiểu photocopy có tựa đề "Lời Chúa" phát hành mỗi tháng, với những đoạn được chọn trích từ Thánh Kinh cùng lời giảng.

Đọc qua vài trang, khách thầm phục người thực hiện.
 

Trần Hải Âu
Mùa Xuân, 2007


 [  Trở Về  ]