Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Nghiện game có phải là 
một căn bệnh đáng lo ngại hay không?
Trịnh Thanh Thủy
Trong một bài trước "Căn bệnh thời đại "Nghiện video games & game-online" và những cái chết liên hệ.", tôi đã nhắc tới một phần những tác hại xấu của căn bệnh nghiện game trên khắp thế giới. Tuy nhiên những tác hại chính ảnh hưởng lâu dài tới bản thân các game thủ mới là mối ưu tư cần lo lắng nhất. Những điều hại chúng ta có thể thấy rõ là người nghiện game bỏ học hay chểnh mảng với việc học, xa lánh gia đình, xa lánh những mối quan hệ ngoài đời, chỉ tha thiết với những quan hệ trong thế giới ảo. Ngoài ra các nghiên cứu khác còn cho biết là người nghiện game có khả năng gia tăng những triệu chứng của bệnh rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi, trầm cảm, thiếu ngủ, giảm trí nhớ của hiệu năng nói, nhãn lực thay đổi, dễ bị kích thích, xúc động và có khả năng gia tăng hành động hung hăng hay bạo hành.

Nơi tôi ở là tiểu bang Cali nước Mỹ, ngày 10 tháng 10 năm 2005, Thống đốc bang California, Arnold Schwarzenegger đã ký một nghị định cấm bán cho trẻ vị thành niên các video game có các hành động bạo lực quá mức hoặc có các cảnh tượng tình dục lộ liễu. Tháng10, năm 2010, toà án thượng thẩm Hoa Kỳ mới đang duyệt và xét xử các cuộc tranh luận chung quanh dự luật chưa thành văn này. Hy vọng dự luật này thành văn và ảnh hưởng tốt của nó lan rộng từ cấp tiểu bang sang liên bang giúp cho các bậc cha mẹ kiểm soát và gạn lọc được phần nào sự độc hại của game xấu đối với trẻ con.

Riêng ở Việt Nam, giới hữu trách và các cơ quan giáo dục đã được cảnh báo về tình trạng nghiện game lan tràn. Các bậc phụ huynh đã bày tỏ, chia sẻ nỗi ưu tư trên báo Tuổi Trẻ, các trang mạng và rung lên hồi chuông cảnh báo. Họ la lớn "gấp lắm, gấp lắm rồi". Tuy nhiên nhà nước vẫn xem vấn đề này chưa phải nghiêm trọng.

Trước ngày 21 tháng 10 năm 2010, Viện xã hội học, thuộc Viện Khoa học xã hội VN đã tổ chức nghiên cứu khảo sát. Khi kết quả cuộc khảo sát được công bố, chỉ có 5,2% người được hỏi có biểu hiện nghiện game online. Báo Tuổi Trẻ và nhiều người cảm thấy có bất ổn trong việc khảo sát. Hàng trăm email của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc về câu chuyện trò chơi trực tuyến và tác động của loại hình dịch vụ này ảnh hưởng đến thanh thiếu niên (một số khách hàng dịch vụ này còn ở cả tuổi nhi đồng). Không chỉ ý kiến chuyên gia mà ngay cả những người kinh doanh, quản lý tiệm Internet cũng nhận thấy kết quả khảo sát về trò chơi trực tuyến vừa công bố không khách quan, không có cơ sở. Sự chỉ trích cho thấy những chi tiết về mẫu nghiên cứu, cách thiết kế câu hỏi và cách đo lường, cũng như con số công bố là những khảo sát lấy lệ, sơ sài, thiếu nhất quán, thiếu cơ sở, thiếu rõ ràng, mù mờ và thiên vị. Một thương gia từng kinh doanh dịch vụ Internet tiết lộ cho biết số người nghiện không chỉ là 5.2 % mà nhiều hơn, con số cao hơn thế nhiều. Ông khẳng định độ tuổi người vào tiệm của ông 90% dưới 16 tuổi, phần còn lại, 10% là những người vào tìm tài liệu và công nhân vào chát chít. Có những người chơi dưới 10 tuổi, họ là khách hàng nhưng ông thấy áy náy hết sức.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Vina (VNG) ngưng cung cấp tất cả trò chơi trực tuyến do VNG phát hành tại Việt Nam từ 22g đêm đến 8g sáng bắt đầu từ ngày 1-11-2010. Việc yêu cầu đến việc thực hành không biết còn bao xa?

Có những ý kiến trái ngược nhau gây nên nhiều tranh luận trên báo Tuổi Trẻ về vấn đề mê game có hại hay không. Người bênh phần lớn là người từng chơi game, kẻ chống phần lớn là các bậc cha mẹ có con rơi vào vòng nghiện ngập.

Có ngườigọi đó là hội chứng "nhà quê ra tỉnh". Hội chứng này ít nhất đúng với 80% dân nghiện game online ở tuổi niên thiếu. Chúng cảm thấy ở đó là cái gì đó vô cùng "hiện đại", là nơi thể hiện bản lãnh "anh hùng" hay "tri thức cao" và dễ khuất lấp những mặt yếu khác như sự rèn luyện thực tế cuộc sống, sự hưởng thụ những niềm vui lành mạnh hơn, "đời" hơn.

Các phụ huynh thì tỏ ra khổ tâm vô cùng. Họ có con nghiện game online mà không biết cách nào ngăn chặn, không biết hành xử như thế nào. Cấm đoán thì sợ chúng gây ra cảnh bạo lực. Rầy la, khuyên răn, nhắc nhở, thì chúng không nghe. Họ trông chờ vào sự can thiệp của nhà nước mong có các biện pháp cứng rắn với các nhà kinh doanh về lãnh vực này để con em họ không lâm vào cảnh thương tâm. Họ đòi cấm hẳn game online, giống như bên Trung Quốc đã cấm. Họ nghĩ, một khi nhà nước đã cấm thì các server còn gì nữa mà chơi.

Người bênh cho rằng nếu không có các trò chơi trực tuyến, hay cấm đoán thì phải có các sân chơi khác hấp dẫn hơn nếu không hàng triệu người sẽ chuyển qua các môn chơi khác chắc gì là lành mạnh mà có nhiều cơ hội xấu hơn như ma túy, cờ bạc, rượu chè, đua xe, vũ trường, đĩ điếm chẳng hạn.

Kẻ nhìn sự việc rộng hơn bảo việc xoá bỏ game-oline là xoá bỏ internet ra khỏi xã hội VN là điều không thể. Trong nước không có game online thì người dùng Internet sẽ tìm ở nước ngoài. Chỉ cần lên mạng là chơi được tất cả game online hay bất cứ trò chơi nào.

Những game thủ thì gắng bảo vệ thú đam mê của mình bằng cách chứng minh chơi game đem lại nhiều ích lợi tích cực như: gia tăng sự nhận thức bằng mắt, gia tăng khả năng tập trung, học tập được tinh thần đồng đội, gia tăng kỹ năng xoay sở, kỹ năng quản lý đồng đội, giảm phản ứng chậm và gia tăng độ nhạy lẹ của phản ứng, gia tăng khả năng giải quyết vấn đề.

Người chống bảo "game" là một thứ ma túy màu hồng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, thể xác mà nó còn hủy cả tương lai người chơi. Nguy hại nhất chính là màu hồng của nó vì ai cũng nghĩ "game" là một thứ giải trí. Nhưng chính người tham gia(nạn nhân) và người đứng ngoài quan sát(cha mẹ,xã hội,cơ quan quản lý) đều không nhận ra "màu hồng" này.Cái lợi của nó mang lại không bao nhiêu so với cái hại mà nó gây ra cho nạn nhân và xã hội.

Khi chúng ta dùng tới chữ "nghiện" có nghĩa là sự đam mê chơi game đã đi tới mức quá độ, ra ngoài sự kiểm soát của chính bản thân người chơi. Số giờ chơi game gia tăng ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Giống như ma lực, người chơi game tự ép mình, tự thôi thúc mình ngồi trước computer mà không dứt ra được. Các bác sĩ nhi đồng của Mỹ cho rằng trẻ em chơi quá hai tiếng đồng hồ một ngày được xem là vượt quá giới hạn.

Khi ảnh hưởng của game ngày càng sâu rộng, trẻ em trở nên càng lúc càng vướng mắc. Số giờ các em chơi game mỗi lúc một tăng chứ không giảm. Càng ngày, các nhà sản xuất càng tung ra nhiều game mới với những hình ảnh, kỹ thuật cao hấp dẫn, kích thích sự đua đòi, ham muốn của các em. Kết quả là các bài vở của trường học bị bỏ bê, thi cử chểnh mảng, trong khi đó thì các em ngày càng trở nên hung hăng thích bạo lực.

Sau đây là con số thống kê của the Pew Internet & American Life Project thực hiện giữa ngày 1 tháng 11 năm 2007 và 2 tháng 2 năm 2008 qua điện thoại với 1,102 thiếu niên tuổi từ 12 tới 17.

Ở Mỹ, tỷ số người chơi game từ 12 tới 17 tuổi là 97 %. Có 99% là con trai tuổi teen và 94 % con gái tuổi teen. 86% game thủ chơi bằng hộp game(console). 73% chơi online(Trong số game online thì 58% là phái nam, 42% là phái nữ). 60% dùng game cầm tay và 48% dùng cell phone hay organizer cầm tay.

Theo một bản báo cáo của ESA(Entertainment Software Association) năm 2009 thì trong dân số toàn nước Mỹ có tới 67% người Mỹ chơi video game và game online. Tuổi trung bình là 34 tuổi; 25% dưới 18; 49% từ 18 tới 49 tuổi và năm 2010 có tới 26% game thủ từ 50 trở lên. Nghĩa là trò chơi trực tuyến bây giờ không chỉ là trò chơi của các thiếu niên nữa. Phái nữ bây giờ cũng chơi game không kém gì nam giới, 60% là nam và 40% là nữ.

Trong năm 2009 những game online bán chạy nhất là đều là những game dành cho các teen: The sims 1,2,3, World of Warcraft, Call of Duty. v..v..

Theo một báo cáo nghiên cứu của Online Gaming 2010, số giờ chơi game của các game thủ gia tăng 10% so với năm 2009. Số game thủ bước vào online ngày càng nhiều tăng 20% từ năm 2009 và 19% từ 2008.

Máy điện toán vẫn là dụng cụ chính cho các game thủ chơi online và 85% game thủ tiết lộ đã dùng máy điện toán để chơi game online.

Năm 2007, Hiệp hội các bác sĩ tâm thầm Hoa Kỳ đã nghiên cứu và xem xét để liệt kê bệnh nghiện game vào một loại bệnh tâm thần mới nhưng vì bệnh này còn mới, chưa có đủ kết quả nghiên cứu và chứng minh nên hiện nay bệnh nghiện game chỉ được xem như bệnh nghiện cờ bạc mà thôi.

Người Mỹ nghiện cờ bạc có tỷ lệ thấp nhưng với số người chơi game quá nửa tổng số theo ESA báo cáo thì số người nghiện phải là mối lo đáng ngại cho các thế hệ tương lai. Đối với những con bệnh nghiện cờ bạc chỉ khi không còn đồng bạc nào người đó mới ngừng chơi. Còn con bệnh nghiện game thì sao? Có phải chỉ khi nào họ kiệt sức, trái tim không còn đập nữa mới là lúc họ buông máy tính không? Có phương pháp hữu hiệu nào giúp họ cai nghiện không? Các bậc cha mẹ phải làm sao để phát hiện ra con mình nghiện game? Người phối ngẫu phải làm sao khi thấy phân nửa kia của mình chìm đắm trong thế giới ảo mà quên phắt sự hiện diện của mình và con cái mình? Thấy căn bệnh, định bệnh thì dễ mà chữa bệnh mới khó. Xin hẹn độc giả các lần tới cho những giải pháp khác nhau trong việc giải quyết những câu hỏi nan giải này.

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

Pediatrics 2008 Nov;122(5):e1067-72
European Psychiatry 2008 Apr;23(3):212-8
Journal of Psychiatry Research 2008 Mar;42(4):253-8
Pediatrics 2007 Nov;120(5):978-85
Cyberpsychology & Behavior 2007 Aug;10(4):552-9
Psychological Science 2007 Jan;18(1):88-94
Pediatrics 2006 Oct;118(4):e1061-70

Communication Monographs June 2005; 72(2): 217-233.
Percept Mot Skills August 2004;99(1):51-62.
Psychological Science February 2007; 18(1): 88-94.
JEP:HPP 2006; 32(6): 1465-1478.

ESA_Essential_Facts 2010 about the computer and video game Industry