Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Nghiện video games và game-online 
dưới góc nhìn y khoa
Trịnh Thanh Thủy
Chúng ta có thể gọi thế hệ ngày nay là thế hệ của những người dán mắt vào màn hình hay thế hệ của các screenagers bị dính chặt vào thế giới ảo. Điều ngạc nhiên hơn cả là thế giới ấy sản sinh những con bệnh có những cung cách sống khác biệt, tách khỏi xã hội bình thường, lui vào một góc tối, vui vẻ, hạnh phúc ngồi bên máy điện toán, hết ngày này qua ngày khác và có thể như thế suốt một đời. Đó là những bệnh nhân nghiện Video games và game online.

Có một câu hỏi mà nhiều nhà giáo dục, giới y khoa và các bậc phụ huynh đã và đang đặt ra là: "Căn bệnh nghiện game đang hoành hành con em chúng ta như thế nào?". Chúng ta hãy quan sát những game thủ đã lún sâu vào cơn mê ra sao và thử nhìn lại con em chúng ta có giống vậy không?

Thoạt tiên bạn thử nhìn vào phòng cậu Andrew ở London, 18 tuổi, chúng ta sẽ thấy nó bừa bộn như bất cứ những đứa trẻ khác. Nghĩa là quần áo vất bừa bãi, giường chiếu không xếp ngay ngắn, rác rưởi không dọn. Nhưng nhìn gần hơn, chúng ta thấy những lon Red Bull chất đống trên nóc tủ lạnh, đĩa giấy dơ vất đầy sàn nhà. Trời chưa sáng mà tấm màn đen đã kéo xuống che ánh sáng. Hai màn hình của máy điện toán đang chạy, một máy computer trên bàn và một cái laptop trên giường. Andrew ít khi nào ra khỏi nhà. Số cân của cậu ta tăng vọt lên 25lbs và mẹ cậu thường mang thức ăn bỏ trên khay cho cậu mang vào phòng. Cậu sẽ chơi trên mạng 48 tiếng đồng hồ liền nếu cậu cảm thấy thích. Từ nhỏ cậu rất là đứa bé vui vẻ, bặt thiệp, rất thông minh với chỉ số IQ 137. Ở trường cậu học giỏi và chơi thể thao cũng giỏi. Từ khi nhà cậu nối mạng và cậu bắt đầu chơi game, cậu chơi hằng nhiều giờ không chán, mẹ cậu phải bắt cậu đi ngủ, khi mẹ ngủ say, cậu lại vào net trở lại, chơi tiếp. Cậu bắt đầu bỏ lớp, bị đuổi ra khỏi nhóm chơi thể thao vì quá mập, không còn đủ tiêu chuẩn. Cuối cùng cậu bỏ đại học. Mẹ cậu cho biết càng bị thế giới bên ngoài loại trừ, cậu càng tìm về thế giới ảo và thân thiết với nó. Nơi ấy là thiên đường, nó cho cậu hạnh phúc, an toàn và bạn bè, không ai quở trách hay rầy la. Mẹ cậu từng bắt cậu ăn cơm chung với gia đình, cậu từ chối, chửi lại mẹ. Bà cắt mạng, cậu giận dữ, ném tất cả đồ đạc trong nhà cho vỡ toang và suýt nữa trúng những đứa bé. Người mẹ thấy cậu quá hung dữ, sợ cậu bạo hành đành phải chịu thua.

Bạn hãy quan sát con em, người thân mà bạn quan tâm hay dính chặt vào video game hay game online một cách chăm chú say mê. Bạn hãy xem họ có ăn uống bình thường không, có tắm rửa thường xuyên không, có lười vào phòng vệ sinh không, họ có trả lời bạn khi bạn hỏi không. Nếu câu trả lời là không thì họ có thể đã nghiện rồi đấy. Giáo sư Mark Griffiths của Nottingham Trent University, chuyên nghiên cứu về bệnh nghiện game đã viết trên tờ CyberPsychology and Behavior, đó là những dấu hiệu của kẻ nghiện game. Với trẻ em, chúng chểnh mảng việc học, bị điểm thấp, không làm bài tập hoặc nộp trễ, bị thường xuyên chóng mặt và ngủ gục trong lớp. Với người lớn, họ xa lánh bạn bè hay người thân và dành thời giờ cho việc chơi game, tránh làm các nhiệm vụ trong gia đình và hay gọi vào sở cáo bệnh để ở nhà chơi game và hay thiếu ngủ.

Bác sĩ tâm thần Michael Brody cho biết "Người nghiện luôn luôn đòi hỏi hơn và nhiều hơn hoặc ít nhất là duy trì hành động được chơi. Nếu người nghiện không được chơi nhiều hơn, sẽ cảm thấy khó chịu và khổ sở. Sự thôi thúc được chơi game là căn nguyên chính trong bệnh này. Nếu bị cấm, những đứa trẻ bị cấm trở nên giận dữ, bạo hành hay trầm cảm, có đứa chỉ ngồi một chỗ rồi khóc, không ăn, uống, ngủ và không thiết làm gì nữa".

Các bạn chơi game có thể thử trắc nghiệm chính mình có nghiện game không bằng cách xem thử: mình có muốn tăng giờ chơi lên không, nghĩ về chơi game khi đang làm việc khác, nói dối với bạn bè và người thân để che đậy hành động chơi game, cảm thấy khó chịu khi cố gắng giảm giờ chơi.

Theo một nghiên cứu của một tổ chức đặc nhiệm nghiên cứu Byron năm 2008 báo cáo, rất nhiều em đã có thói quen chơi game quá độ. Robbie Cooper một nhiếp ảnh gia theo đuổi một dự án liên hệ tới game, ông thăm viếng Đại Hàn và Trung Quốc, nơi có nhiều người trẻ ngồi hàng giờ trước máy tính chơi game. Ông nói " Có một sự quyến rũ thân thiết sâu xa giữa con người và kỹ thuật khi tôi nhìn họ chơi, đôi khi tôi cố gắng lay gọi, tỏ ý muốn nói chuyện với họ, nhưng họ không buồn trả lời cũng không ngoái cổ lại và tỏ ý không muốn bị làm phiền. Ông Robbie không biết họ có nghiện không nhưng tất cả đều cho thấy họ đã hoà lẫn, tan vào thế giới ảo.

Ai cũng lấy làm ngạc nhiên những trò chơi ảo đó có gì mà làm con người mê lắm vậy? Bác sĩ tâm thần Richard Graham ở Anh Quốc, chuyên điều trị cho những thanh thiếu niên nghiện game phát biểu: "Cái quyến rũ nằm trong sự thử thách và những phần thưởng. Có những game cám dỗ các game thủ bằng sự phức tạp và khơi dậy sự sáng tạo. Trò chơi ảo cung ứng sự kích thích nhãn quan khiến người ta muốn trở lại. Thế giới đời thường không có những cấu trúc và màu sắc giống như trong game, đặc biệt là của các trẻ nhỏ. Thế giới thiếu niên là một thế giới có những áp lực dữ dội, và trò chơi ảo cung ứng cho các bạn trẻ một nơi ẩn trú. Những trò chơi online như World of Warcraft mang đến cho tuổi teen một cơ hội có được thành công và uy tín một cách nhanh chóng. Chốn ấy các em được những người khác cảm phục, biết ơn những giá trị và nỗ lực của họ. Kinh nghiệm trải được trong đó thật thú vị, nếu đem so sánh, đời sống thường hằng nó buồn chán biết bao".

Một quản lý tiệm Internet bên Việt Nam chứng minh được điều này khi bày tỏ ý kiến cùng báo Tuổi Trẻ "Khi đã vào chơi game thì đẳng cấp nhân vật quyết định "uy tín" của người chơi trong game, game thủ "cấp dưới" phải kính trọng cấp trên, mặc dù người "cấp dưới" có đáng tuổi ông, tuổi cha nhưng vẫn bị những chú nhóc đẳng cấp cao mạt sát một cách thậm tệ, nhất là trong những cuộc chiến hoặc những cuộc tranh giành báu vật trong game."

Một game thủ là học sinh cấp II tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, VN cho biết mỗi ngày H. sử dụng Internet lên đến năm tiếng, từ chơi game online đến tham gia các phòng tán gẫu, xem các trang mạng khiêu dâm mà cha mẹ hoàn toàn không biết. Lúc đầu chỉ theo nhóm bạn chơi trò chơi trực tuyến. Game online ngày càng cuốn hút H. với các hình ảnh gợi dục. Khi chơi game online, H. còn được thỏa mãn mong muốn tán gẫu với bạn bè. Em thường xuyên thủ dâm hằng ngày, điều này làm mệt mỏi và căng thẳng.

Đời sống hạnh phúc hay thói quen và cung cách sống của một gia đình cũng dự phần vào đời sống tâm linh của những thiếu niên. Sự bất hoà trong gia đình, cảnh cãi nhau, chén đĩa bay của các bậc phụ huynh sẽ góp phần vào việc nghiện ngập của các em. Cảm giác cô đơn, lo lắng, bị bỏ rơi, thiếu định hướng, không ai dẫn dắt, thiếu hụt kỹ năng xã hội dễ đưa các em tới cảm xúc trầm cảm và từ trầm cảm các em bước vào con đường nghiện game không xa. Sự kiểm soát được bản thân, có ý chí kiên cường là hai điều quan trọng trong việc gìn giữ không nghiện ngập. Một khi các em bị lạc hướng, không ai ngó ngàng tới, muốn ngồi trước màn hình bao lâu thì ngồi, rất dễ sa đà vào sự mê đắm.

Chúng ta hãy đi sâu vào triệu chứng của bệnh nghiện game khi những nhà khảo cứu về game tại đại học The Charite University Medicin Berlin ở Đức báo cáo rằng: những người nghiện game có chung một triệu chứng với người nghiện ma túy. Một trong những triệu chứng đó là "nhớ thuốc". Một kẻ nghiện thường bị lôi cuốn vào việc dùng quá liều khi họ tiếp xúc với những môi trường có động cơ thúc đẩy việc hút sách. Giả dụ như họ vào một nơi chốn quen thuộc mà họ hay hút ở đó. Người nghiện game khi nhìn thấy trên màn hình những hình ảnh của trò chơi họ ưa thích, họ phản ứng như người nghiện ma túy là "nhớ thuốc" từ những động cơ lôi kéo của game. Họ cảm thấy ước vọng chơi game cào cấu và muốn ngồi xuống chơi ngay lập tức. Họ còn muốn chơi, chơi nữa bất cứ khi nào có thể chơi. Giống như người nghiện ma túy rất khó bỏ, có người bỏ một thời gian xong chơi trở lại.

Đây là bản tóm tắt của một nghiên cứu những hoạt động của não với sự thôi thúc của sự nghiện game. Bản nghiên cứu này được thực hiện bởi các bác sĩ tâm thần Chih-Hung Ko, Gin-Chung Liu, Sigmund Hsiao, Ju-Yu Yen, Ming-Jen Yang, Wei-Chen Lin, Cheng-Fang Yen, Cheng-Sheng Chen tại các đại học Đài Loan, Kaohsiung Medical University, Department of Psychiatry, Graduate Institute of Medicine, College of Medicine, Taiwan. Mục đích của cuộc nghiên cứu này nhắm vào việc xác định những thần kinh hệ của người nghiện game khi bị game thôi thúc. Những khu vực của não sẽ bị ảnh hưởng liên kết với những tín hiệu xui khiến sẽ được trắc nghiệm. Mười người nghiện game và 10 người không nghiện được thử nghiệm. Tất cả được cho xem 10 hình ảnh trong game và những cặp hình khảm mosaic. Sự giám định hoạt động của óc qua sự tương phản của những dấu hiệu mực độ oxy trong máu khi họ xem hình ảnh game và hình ảnh mosaic đều được đếm với phần mềm SPM2. Những thần kinh bên óc phải và phía trước của người nghiện hoạt động khác với người không nghiện. Khu vực óc những người nghiện ma túy và nghiện game có cùng một cơ cấu sinh học thần kinh. Kết quả cho thấy thần kinh hệ của những người nghiện game tương tự như thần kinh hệ của những người nghiện rượu hay ma túy. Do đó người ta có thể so sánh những con bệnh nghiện trò chơi ảo giống như những con bệnh nghiện ma túy.

Một trắc nghiệm của Lingford-Hughes&Nutt cho biết các hoá chất vận chuyển thần kinh như dopamine và glutamate giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển chứng nghiện. Và hầu hết các chất ma túy đều làm tăng chất dopamine trong óc khiến người dùng cảm thấy thoải mái và vui sướng như được tưởng thưởng. Khi chơi game cũng vậy, lượng dopamine trong óc cũng gia tăng. Dường như lượng dopamine được sản xuất có điều kiện, nên có sự thúc đẩy gia tăng lượng dopamine tạo thành cơn nghiện. Cuộc nghiên cứu của bác sĩ Han năm 2009 tìm ra được những người có ít lượng dopamine trong óc có rủi ro mắc nghiện cao hơn. Họ dễ bị nghiện rượu, cờ bạc, ma tuý hay các loại game. Vì họ thiếu chất ấy nên tự trong óc có một sự thúc đẩy họ đi tìm cách để lấp đầy sự an vui thoải mái. Kết quả là đi tới nghiện nghập.

Cũng trong một nghiên cứu về não của những người chơi game, những nhà nghiên cứu y khoa của viện đại học Stanford University School ở Mỹ khám phá lý do tại sao game có nhiều hấp lực đối với phái nam hơn phái nữ và nhiều phái nam nghiện hơn phái nữ. Trong cuộc nghiên cứu giữa 22 người, 11 nam và 11 nữ, kết quả cho thấy những vùng óc thích được tưởng thưởng của người nam bị kích động mạnh và người nữ thì ngược lại. Nghĩa là nam giới bị thúc đẩy phải thắng cuộc trong game, phải đi đến thành công hơn là nữ giới. Điều này cũng không lạ vì đó là sự khác biệt trong bản chất giữa nam và nữ.

Nói tóm lại, theo các khảo cứu, nghiện các trò chơi ảo được kết luận như nghiện rượu, thuốc lá, cờ bạc và ma túy.

Bây giờ bạn đã biết được những độc hại của trò chơi ảo rất quyến rũ dưới sự nghiên cứu của y khoa ra sao rồi. Bạn là cha mẹ, là người thân của các game thủ, bạn hãy là người theo dõi, hạn chế hay giúp đỡ họ giảm giờ chơi hay cai nghiện đi. Đã đến lúc bạn phải hành động nếu bạn có người nghiện trong nhà.

Mỗi năm những nhà thương mại làm game đã đếm từng con số người nghiện game để tiếp tục sản xuất. Bao nhiêu là tiền chui vào túi họ và bạn đã mất biết bao là tiền cho game?

Nếu các bạn là người đang trên đà mê game hay đã nghiện game, bạn nghĩ sao về thời gian bạn dành cho game thay vì cho bạn bè, con cái và người phối ngẫu của mình? Các bạn có gia đình, có thấy hôn nhân của bạn đang trên đường đổ vỡ nếu bạn còn tiếp tục nghiện game? Bạn hãy hành động đi nếu bạn còn ý chí và chế ngự được chính mình. Kỳ tới tôi sẽ bàn thêm về những phương thức ngăn ngừa và những lời khuyên trị liệu của các tâm lý gia cũng như bác sĩ tâm thần.
 

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

-Game Addiction Similar to Drug Addiction
http://www.olganon.org/?q=node/14291
http://www.twincities.com/ci_10481493
-Video Game Research done at Iowa State University
http://www.drdouglas.org/drdpdfs/Gentile_Pathological_VG...
Stanford study: Video games activate male brain reward regions
http://www.eurekalert.org/pub_releases/2008-02/sumc-vga020408.php