Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Ăn Tết

Nguyễn Quốc Bảo

Quân tử mưu đạo bất mưu thực.

Người quân tử mưu đạo không mưu ăn,

Đó là sách Luận ngữ chép chuyện Vệ Linh Công, thế nhưng người xứ ta nôm na lại nói ngược Có thực mới vực được đạo ! Thật là đạo thánh hiền sao bì được với lý lẽ dân gian, chúng tớ Ăn sáng, Ăn trưa, Ăn tối, mà cũng Ăn...Tết luôn.

Chuyện chi rồi cũng phải Ăn. Tên mắc chứng Hoàng Lão Tà mở miệng nói Ăn, mà cũng viết một tạp văn đáo để Ăn sáng ở nước Sài Gồng, làm tôi cũng xuất một loạn văn Ăn trưarồi lại viết cẩu văn Ăn thịt chó. Cho nên miếng Ăn như tôi đã dẫn, các cụ nói là miếng tồi tàn, nhưng dân mình không ăn, quê mùa nói là đánh chén, thì có chuyển khỉ gì để mà nói với nhau. Tây thì Mừng Tết, célébrer le Nouvel An, Tàu nói Mừng Xuân Tiết chūn jié, mặc kệ Tây Tàu, dân mình thì phải nói Ăn Tết. Tết mà không Ăn không uống thì đâu phải Tết!

Vậy thì Tết là cái giống gì mà mà con Rồng cháu Tiên phải rù rì, hân hoan, náo nhiệt Ăn...? Chữ Tết do hán tự Tiết, phồn thể viết  giản thể viết  , bộ trúc , tiếng quan thoại đọc là jié tiết. Tiết nghĩa chính là đốt, như đốt tre đốt xương. Tiết cũng như thời tiết, mỗi năm chia 24 tiết, như xuân phân, lập phân (*); tiết cũng là ngày thọ của Vua. Tết Tàu kêu Xuân Tiết. Tiếng Việt ta kêu Tết! Mà Tết, tháng giêng là tháng Ăn Chơi, thì phải Ăn...và Chơi chứ!

Xứ mình 4000 năm Văn hiến, Tết ta cũng 4000 năm lịch sử. Muôn sự đều khởi nguyền từ văn minh nông nghiệp, mà khởi đầu cho nông lịch niên là ngày Tết, truyền thống trong dân gian ăn mừng, tượng trưng cho hưng vượng, đoàn kết gia đình xã hội, hy vọng tràn trề cho năm mới. Người ta ăn Tết từ thời Ngu Thuấn Yu Shun, 2000 năm trước Công nguyên, một ngày trời đẹp vua Thuấn, tức Thiên tử vị, cùng bộ hạ lập đàn tế bái Thiên Địa. Sau đó dân gian coi ngày đầu năm là ngày 1 tháng Giêng, nguyên thủy của tân nguyên nông lịch, đời sau gọi là Xuân Tiết tức Tết Xuân. Trong quá khứ, tết còn gọi là Nguyên Đán , tháng giêng ta gọi là nguyên nguyệt  !

Thế nhưng bên Tàu, trải qua nhiều thời đại, phương cách định ngày tết cũng lộn xộn, không nhất trí. Hạ triều dùng tháng đầu Mùa xuân nguyên nguyệt (tháng giêng) là chính nguyệt, trong khi  Thương triều lại dùng tháng mười hai, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc dùng tháng mười, thời Sơ Hán tiếp tục dùng Tần lịch (Tết tháng 10) cho đến đời Hán Võ Đế Lưu Triệt, vua thấy cách dùng lịch kỷ quá loạn, bèn ra lệnh đại thần Công Tôn khanh và Tư Mã Thiên tạo ra Thái Dương Lịch, quy định nông lịch (tức âm lịch) chính nguyệt là tháng giêng, ngày đầu tháng giêng là ngày đầu năm, tức ngày tết (nguyên đán). Từ đó về sau cho tới Thanh triều, nước Tàu xài hạ lịchhay âm lịch   (xưa gọi nông lịch ), đươc hết thảy 2080 năm cho tới khi Sun Yat-Sen khởi xướng dùng âm lịch đồng thời với dương lịch, nước Tàu bắt đầu ăn 2 Tết!

Ngày tết mồng một tháng giêng âm lịch, tục xưng quá niên, niên đây là một động vật tưởng tượng đem tới những xui xẻo trong năm! Niên lại thì cây cối điêu tàn rã rượi, bách thảo bất sinh; niên đi (quá niên), vạn vật sinh trường, hoa tươi nở  đầy đồng! Phải dùng pháo nổ đùng đùng mới có tài năng để đưa niên đi, do đó ta có tập tục đôt pháo đầu năm!

Ngày tết Nông lịch nhiều tên cổ xưng là nguyên nhật (ngày mồng một, nguyên nguyệt là tháng giêng), nguyên thìn (thần, thìn   chi thứ năm trong 12 chi, ngày giờ đều gọi là thần, thìn; giờ thìn 7:00-9:00AM), nguyên chính, nguyên sóc (sóc  là mới, ngày mồng một), nguyên đán (sáng sớm gọi là đán )

Nguyên do thay đổi ngày tháng tết là bởi vua chúa dựa trên ngày giờ tạo thiên lập địa mà suy định nguyên nguyệt. Đọc trên Net Bách khoa Toàn thư: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người. Cho nên Hạ triều chuộng màu đen và chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Thương Triều thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Đời nhà Chu, ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng nguyên đán. Tần lịch dùng tháng mười tức tháng Hợi. Hán Võ đế và Hạ triều đều dùng tháng Dần tức tháng giêng!

Cũng theo Net Bách Khoa Toàn Thư: Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng (8 ngày). Sách Genèse trong Cựu kinh ước Ky Tô Giáo lại kể Thượng Đế đã dựng vũ trụ và vạn hữu chúng sanh trong 7 ngày!

Xuân đến, thảo mộc thiên hình vạn tượng đều đổi mới, canh tân, là dịp để ăn mừng đủ mọi chuyện. Dân Việt mình hảo Ăn lắm. Dịp nào cũng tốt để ăn cả. Tháng 12 Dương lịch, cũng theo lịch duyệt Tây phương Ăn Rê Vây Ông (réveillon) No En Kít Mớt, tiếp đó là Ăn Tết Tây, Rê vây ông Sanh Xin Vớt (Saint Sylvestre). Nguời Tây nói Nô En là ăn trong gia đình, còn Tết Tây là Ăn ngoài phố. Mười hai giờ đêm, lúc giao thừa, xe cộ có quyền bấm kèn tùm lum nghe chói tai, ra phố gặp mấy cô tóc vàng mắt xanh mũi lõ, có quyền ôm hôn chùn chụt, miệng nói Bon Nan Nê (Bonne Année).

Ở quê nhà, dân ta sau một năm làm việc quần quật vất vả, phải nghỉ ngơi xả hơi. Chiều ba mươi Tết, lo bỏ bánh chưng bánh tét vào nồi, canh đúng bánh chín mười hai giờ đêm để Ăn giao thừa. Rồi thì cúng Ông Bà tổ Tiên và Ăn tết ! Đầu năm ăn uống linh đình rồi, trong năm lại thiếu chi dịp, Ăn cỗ, Ăn giỗ, Ăn tiệc Ăn tùng... Nào là Ăn đám hỏi đám cưới, Ăn tân gia, Ăn thượng thọ, Ăn sinh nhật..., có trẻ sơ sinh thì Ăn thôi nôi, Ăn đầy tháng, Ăn đầy năm, cứ có dịp là phải Ăn...Mấy cô hơ hớ xuân tình đi Ăn liên hoan về là có mang bầu tâm sự. Dân quê ham Ăn thì Ăn buổi giỗ, lỗ buổi cày, Một ngày ăn giỗ, ba ngày hút nước.

Việt Kiều ở Pháp thì Ăn Cắt tóc đuôi dê (14 Juillet), lại cũng có dịp ra đường để ôm hôn mấy nàng tóc vàng mắt xanh, ở Mỹ lễ Tạ Ơn thì Ăn gà Tây. Kỳ rồi đến thăm ông anh được đọc 4 câu thơ Tây Kê Thi ông tức cảnh sinh tình sáng tác: Thân cư "Tây Kê" xứ, Khẩu thực " Tây Kê " nhục, Ngôn dụng "Tây Kê" ngữ, Bất vi "Tây Kê" nhân...(**)

Chuyện Ăn quan trọng lắm, cha mẹ dạy con Ăn nói lễ phép, Ăn uống chừng mực, Ăn trông nồi ngồi trông bếp, Ăn lấy hương lấy hoa, Ăn khoan ăn thai vừa nhai vừa nghĩ, đường Ăn lẽ ở,. Dân ba xí ba tú thì lại Ăn nói hồ đồ, Ăn ốc nói mò, Ăn bất thùng chi thình, Ăn đổ ăn vãi, Ăn bốc ăn bải, Ăn la ăn lết, Ăn trộm ăn cướp, Ăn cắp ăn mày,  Ăn ngấu ăn nghiến, Ăn như hộ pháp ăn nẻ, Ăn như tằm ăn dâu;  có khi bịp bợm Ăn già Ăn non, Ăn lường ăn quịt, ba sợi dzô thì Ăn nói huyên thuyên hay Ăn nói tầm bị tầm bạ, Ăn tham thì Ăn tái ăn tam, Ăn tay ăn túi; lũ chúng tôi bạn cũ gặp nhau là cơ hội để Ăn tục nói phét rồi hẹn nhau Đặng hôm ni Ăn hôm nớ! Các cô các bà thì Ăn kiêng ăn khem, thất nghiệp đi Ăn mày Ăn xin.

Do đó Ăn tết cũng chỉ là một dịp, trong muôn một, để dân ta Ăn. Ăn là một hình thức xã hội hóa các biến cố, sự việc sự kiên trong đời sống thường ngày. Vì Ăn quá xá quà xa, nên cổ nhân mới dạy Miếng Ăn là miếng tồi tàn. Nhưng với dân ta, chuyện Ăn là bất khả xâm phạm, thôi thì vứt quách sách luận ngữ đi, đạo quân tử hay không thì cũng phải Ăn cái đã!

Dịp vui Ăn đã đành, nhưng buồn nhất là phải đi Ăn đám ma...

Gavilan Springs
ngày canh Ngọ tháng Giêng năm Bính tuất
(02/10/2006)

 

(*) 24 Tiết trong năm:
lập xuân, vũ thuỷ, kinh chập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ
lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử
lập thu, xứ thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng
lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn

(**) Bốn câu này tôi có diễn ra Hán Nôm cho dzui:

Ông anh tôi nghịch ngợm gọi Gà Tây là Tây Kê, chứ chữ hán gọi Gà Tây là Hỏa Kê 



Trở Về   ]