Chim Việt Cành Nam           Trở Về   ]            [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

Lại Ăn Tục Nói Phét :

Đũa Và Nguyên Lí Nhị Nguyên

Nguyễn Quốc Bảo

(Lịch sử Đũa: Xin xem Bài Hậu Ăn Tục Nói Phét.)
Vợ chồng như đũa có đôi...

Ca dao Việt nam ghê gớm thật, chỉ có một câu mà thâu gọn tất cả tinh hoa Cổ học, tư tưởng Triết học của mấy ngàn năm văn hiến Á đông! ... Đũa có đôi, đích thị là nói đến nguyên lí nhị nguyên rồi còn gì nữa! Tức là thuyết Âm Dương Tứ Tượng Ngũ hành, Vô cực Thái cực, Đạo giáo Đạo gia, tuti quanti...

Trong tạp luận về Đũa trong Hậu Ăn tục nói phét trước đây, khi viết đến nguyên lí nhị nguyên (Dualité) để nói nhà ở Mỹ cái chi cũng có cặp: 2 tủ lạnh, 2 máy rửa chén, 2 mai kờ rô wây (microwave), 2 máy giặt, 2 máy sấy, cho đến máy tính điện tử cũng chíp lưỡng lõi dual-core chips, rồi thì lũ mắc dịch chúng tôi lại mơ chuyện các cụ ngày xưa, ôi sung sướng, với nhị đại và tiểu lão bà, và nhất là khi nêu lên đặc tính Tĩnh và Động của đôi Đũa, tôi đã muốn ba hoa chích chòe Ăn tục nói phét dài dài thêm, nhưng sợ viết bài dài khô khan làm nản người đọc. Bữa nay lại nổi cơn thèm nói phét, bởi vì nói phét, nói dóc, nói khoác là vô tội vạ, đâu có ai bắt bẻ được là nói đúng hay sai, mà cũng bởi vì trước đó em đã trịnh trong thưa cùng làng là em lòng dòng nói phét mà!..Thôi thì xin làng cho phép lại múa bút quèn tiếp tục ATNP thêm một keo nữa về đôi đũa. (a)

***

Văn hóa Đũa khởi từ Tân thạch khí thì đại, đến đời Thương Trụ đã thấy có đũa ngà. Tư tưởng của Đạo giáo 道 教 hay Đạo gia 道 家bắt đầu phổ biến thời Chu Triều (1076-771 trước Công nguyên). Kinh Dịch 易 經 có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hi (伏 羲 Fú Xī ), có lẽ từ 2852-2738 TCN. Theo lịch trình đó, xin thiển nghĩ là phát minh đũa chắc đã dựa trên một trong những suy luận và mở mang tư tưởng của thuyết Âm Dương 陰 陽 Ngũ Hành 五 行 song song với chân lí Kinh Dịch và Đạo giáo! Đũa, khác phuộc xét đơn thương độc mã, đôi đũa gồm 2 phần, một cây tĩnh Âm và một cây động Dương; đũa là máy (điều khiển) đầu tiên mà nhân loại đã phát minh để nhận thức lý luận nhị nguyên và vượt đến nguyên lí vĩnh cửu Âm Dương.

Cổ nhân phát minh ra đũa không phải chỉ để đưa đồng loại từ cấp ăn tục lên cấp ăn thanh, nhưng phát minh ra đũa đồng thời các cụ đi sâu vào một nhận thức lớn lao: Vũ trụ quan. Vũ trụ luôn luôn với hai thể, ánh sáng đối tối tăm, động đối tĩnh, tiếng ồn đối yên lặng... Thế nhưng như văn chương dân gia đã dẫn, không thực làm sao mà vực được đạo ? Vậy thì những khi khơi lửa, gạt tàn, gom tro, rồi thì cắt, xé, phân, cặp, kẹp, gắp, lùa, và các thực vật,...và sau khi ăn no ngủ kỹ, cổ nhân dần dà suy ngẫm đến tính của hai cây đủa Tĩnh và Động để đi đến một nhận thức về hai lực đối ngẫu 对 偶 , nhị nguyên 二 元 di vật (Dualité). Vậy có thể nói Đũa (đôi) hiện thực hóa cái khái niệm mầu nhiệm luận lí Nhị Nguyên Sơ khai (la Dualité Première) và Đũa từ khái nghiệm này đã đưa nhân loại tới khái niệm trừu tượng (abstraction) tối quan trọng: Nguyên lí Âm Dương. Đũa tượng trưng mật thiết cho ba nguyên lí căn bản trong Kinh Dịch: primo thực thể giản dị (hai cây tre, trúc), secundo mềm dẻo trong cử động tức biến dịch (đũa trong bàn tay năm ngón), tertio từ thượng cổ tới nay vẫn không thay đổi tức bất dịch (qua cả mấy ngàn năm cũng chỉ là hai cây). Biến dịch nghĩa sự sống, bất dịch nghĩa luật tạo hóa của sự sống, giản dị đưa biến dịch thành bất dịch: Thiên hạ chi động, trinh phù nhất (Dịch Hệ từ hạ truyện). Đũa tượng trưng căn bản cho tuần hoàn trong vũ trụ, đũa động tức Cương là dương, đũa tĩnh tức Nhu là âm, âm dương thúc đẩy nhau mà sinh ra biến hoá (theo Dịch Hệ Từ Thượng Truyện).

Vì tính chất đối xứng, thiển nghĩ trong bát quái, đũa biểu tượng cho quẻ Ly (I:I) bản chất hỏa và quẻ Khảm (:I:) bản chất nước . Ly thì sáng, Khảm thì đầy; Ly lửa, Khảm nước, hai yếu tố ba dzích trong nghệ thuật nấu nướng của hoàn vũ! Đạo Cao Đài đặc biệt đưa 2 quẻ này vào Trung Thiên Bát Quái (xem chú thích d): Trung Thiên nói về ngũ hành và âm dương là hai yếu tố quan trọng trong sinh hóa muôn loài, tức là trung nữ (Ly) và trung nam (Khảm) làm chủ trong thời Tam Kỳ Phổ Độ nhằm lấy sức sống trẻ đang lên của Ly Khảm mà tạo thời cải thế!

Đũa từ nguyên thủy, đã là nền tảng cho các hệ thống tư duy(b) của loài người, trên khắp địa cầu. Nguyên lí Âm Dương, từ thời đũa, đã trở thành Chân lí toàn năng (la Vérité Universelle). Sau đây là những chi tiết mục ATNP.

Hà đồ (c) của Âm Dương Ngũ Hành có ký hiệu 10 số, đếm bằng các chấm đen trắng xếp thành 2 vòng trong ngoài, ở giữa số 5 và 10 (5 chấm trắng - số 5, 5 chấm xếp thành hình chữ thập, tức số 10), số 10, 1-0 ghi ý (signe idéographique) nguyên lí Âm Dương. Thuở xưa thuyết PiTaGo nói số 10 là số hoàn toàn (nombrre parfait) của bộ tứ Tétractys, trong khi người La Mã viết chữ thập thành X, nửa X là V tức số 5. Dân Ả rập, cũng như Ai cập và Ấn-Arian (Indo-Aryens), số 10 viết 1 và 0; nửa số 0 cộng số 1 tách 2, biến thành số 5. Đây là sự trùng hợp Đông Tây đầu tiên phát khởi từ nguyên lí nhị nguyên.

Hình trên: Hà đồ đời Thương, số Dương (trắng) nghĩa số Cơ (Trời): 1-3-5-7-9, số Âm (đen) tức số Ngẫu (Đất) 2-4-6-8-10. Ở giữa, số 5 và chữ Thập, tức số 10, là bản chất của Âm dương. Hà đồ này cũng là ý niệm của Ngũ hành, tỷ như Hành thủy (1-6) ở Bắc, Hành Hỏa (2-7) ở Nam, Hành Mộc (3-8) ở Đông, Hành Kim (4-9) ở Tây và Hành Thổ (5-10) ở Tâm (trung). Ngũ Hành tương tác lẫn nhau theo Nhị Nguyên đối xứng Âm Dương, tức cơ chế Tương Sinh (hành gần nhau) và Tương Khắc (hành cách nhau). Ngòai Hà đồ, còn có Lạc thư (Xem chú thích e)

Các cụ Pi Ta Go ký hiệu và gói ghém vũ trụ vào bộ tứ Tétractys, đó là một tam giác hoàn toàn mà mỗi cạnh giá trị 4, và tổng cộng là 10. Họ đi từ số 1 là điểm (monade), đến số 2 là đường (dyade) giữa 2 điểm, số 3 tam giác gồm 3 đường 3 điềm (mặt phẳng, le plan), đến số 4 hình tháp pyramide 6 đường 4 điểm (tổng cộng là 10, số hoàn toàn). Tetractys gồm số 1, điểm (monade), nghĩa thiện (âm); số 2 đường (dyade) nghĩa ác (dương), là tượng trưng cho vũ trụ gồm 10 tinh cầu. Thuyết PiTaGo không có nhận thức rõ rệt về Âm Dương, nhưng nội dung các luận đề phản ảnh hoàn toàn chân lí nhị nguyên là cơ cấu của vũ trụ, chẳng hạn khi chia chẵn lẻ cho các số, khởi sự từ 1 và 2, Một và Hai không thể được xếp hạng chẵn hoặc lẻ, vì 1 là nguyên lí sinh (principle engendrrant), 2 là số 1 "bù" để nối dài, vì 2 chỉ có được khi có 1 cộng 1. Do đó phải suy nhị nguyên 1, 2 là căn bản cơ cấu vũ trụ của PiTaGo, nhưng ngược đời, vì thuyết Nhị nguyên ta nói số 1 là Dương (thiện) và 0 là Âm (ác). Chuyện ngược đời này tương tự với ý niệm Nhị nguyên thời cổ Ai cập.

Trong chuyện thần thoại cổ Ai cập, số 1 biểu tượng nữ thần Isis và số 0 chỉ Orisis. Sau khi Orisis bị Seth giết chết cắt ra từng mảnh, Isis ráp lại thân thể Orisis nhưng thiếu dương vật, nên nữ thần thay thế bằng dương vật đất sét và thổi vào đó một nguồn sinh khí. Nữ thần đồng trinh Isis giao cấu với thần linh (esprit) Orisis, sinh hạ Horus. Do đó trong truyền thống Ai cập, số 1 là Dương với dáng nữ thần Isis (Nữ, mái, cái) và số 0 là Âm với dáng Ông Thiện (Être Bon) Orisis (Nam, đực, trống). Kết hợp giữa Isis với Orisis sinh Anhk, dấu hiệu tuợng hình (Signe Hiéroglyphique)  biểu hiệu sự Sinh sống vĩnh cữu. Xin lưu ý: Số 1 ý là Dương với nữ thần Isis và số 0 ý Âm biểu hiệu cho nam thần Orisis, cho ta thấy quan niệm Âm Dương rõ rệt, nhưng ngược đời!

Bộ Tứ Tétractys
Isis-Orisis-Horus
Theo Văn hóa tín ngưỡng thờ Dương Vật (le Culte du Phallus) Ấn-Arian (Indo-Aryens) cũng có thuyết nhị nguyên: Số 1 tượng trưng "linga" hay dương vật, số 0 tượng trưng "yOni" hay âm vật. Thần Shiva (Śiva) là một trong ba ngôi trimūrti, Shiva, Brahma và Vishnou. Dương vật Phallus tức "lingam" tượng trưng nhân tính của Shiva (vợ là Pârvatî), Shiva là Thượng đế của tín ngưỡng thờ Dương vật.
 
Shiva và Pârvatî
Linga Dương Vật và Yoni Âm vật
Trong Kinh Dịch, Âm Dương là hai trạng thái Tĩnh (thụ) và Động (hoạt) của Vũ trụ. Theo thuật ngữ, Âm phải viết trước Dương. Âm là Vũ trụ chưa hiện hình (Univers Non-manifesté) Bản thể chưa hiện sinh hay Phản thể (Non-Être), trong khi Dương là trạng thái hoạt động của Vũ trụ và Bản thể (Univers Manifesté et Être), nên Âm có trước Dương. Nhưng Âm không toàn Âm và trong Dương có Âm, và ngược lại. Vũ trụ có cặp Âm Đực và Cái, cũng như có cặp Dương Đực và Cái. Theo nghĩa này, có thể cắt nghĩa Isis là một liền bà Dương (Cái) hoạt động và Orisis là một liền ông Âm (Đực) thụ động. Để có Âm Dương hòa hơp cân bằng, phải có liền bà hoạt động giao cấu với liền ông thụ động hoặc ngược lại. Nhờ có quan niệm này, mà dân cổ Ai cập luyện thuyết Âm Dương ngược đời không bị tầu hỏa nhập ma! Tính đổi lẫn (interchangeabilité) Âm Dương thể hiện thường ngày với sự xử dụng đôi đũa, tùy theo vị trí của cây đũa trong tay, mà nó có bản thể Âm hay Dương.

Trong Thánh Kinh, Thượng Đế hiện dưới dạng Nam Nữ kép đôi (accouplés) IEVE. IEVE do 2 chữ Eâbrơ IOD (Thuần Nam) và EVE (Thuần Nữ). EVE còn đọc là Évohé. IEVE sau trở thành IAHVÉ, JAHVÉ hay Jéhovah, tức Đức Chúa Cha. Từ ý niệm này mà nẩy nở quan niệm thần học Tam Vị Nhất Thể (Xem dưới đây)

Người Ấn-Arian tượng trưng lý Nhị Nguyên bằng vòng kiềng con Rắn Cobra (Thần Nữ Bouto) Đầu nuốt Đuôi (Pasha de Śiva), khoảng thế kỷ 15 TCN; ở dạng bình thường có đầu đuôi duỗi thẳng, nó là Linga tức số 1 Dương Vật, khi cuộn vòng kiềng đầu nuốt đuôi, đó là Yoni tức số 0 Âm Vật. Qua thời đại Phật giáo Pasha de Śiva được thay thế bằng Đại pháp ấn 大 法 印 của Đức Phật (Geste iconographique de raisonnement, vyakhyana mudra), ngón cái và ngón trỏ liền thành hình tròn ( số 0) có nghĩa Âm, trong khi ba ngón khác đứng thẳng (số 1) có nghĩa Dương !
 
 

Pasha de Śiva 
(Ouroboros ουροβοροs) 

Những thí dụ lượm nhặt rải rác, trình bày trên đây, chứng tỏ một tương đồng giữa nguyên lí Luỡng Nghi (Nhị Nguyên Sơ Khai) và các nền tảng Văn minh Tôn giáo trên toàn cõi thế giới từ đông sang tây.

Hệ Từ Thượng Truyện viết nguồn gốc của Vũ Trụ: Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Luỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng Ngũ Hành, Ngũ Hành sinh Bát Quái, Bát Quái là gốc của 64 quẻ Kinh dịch. Như nói trên đây, từ phát minh Đũa, nhân loại nói chung, qua quá trình tiến hóa, đã đi đến một chân lí toàn năng mà nền móng là lí luận nhị nguyên như đã thấy. Nhưng chỉ có dân tộc Á đông, vì đã phát minh và xử dụng đũa, nên mới có khả năng tổng quát và trừu trượng hóa lí luận này để hoàn toàn nhận thức được vũ trụ qua lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành (Thái Cực Đồ) và Kinh Dịch. Trong khi đó phái PiTaGo muốn hình dung vũ trụ bằng những con số cứng ngắc (rigides), rồi sau đó Triết học phương Tây tiến triển trong ý thức hệ với phát sinh văn minh cơ khí, đã đi theo lô gíc Đề Cạc cũng cứng ngắc, không đủ ý niệm để phương thức Biến dịch trong Bất dịch và Âm trong Dương, vice versa... Cũng chỉ vì đôi đũa khác phuộc xét! (d)

Nguyên lí Âm Dương biểu tượng rõ rệt trong Thái Cực đồ 太 極 圖 (Tàijítu). Chu Dịch (e) viết Âm Dương là nguồn gốc vạn vật, nên có thể nói rằng nguồn gốc của Vũ trụ là Nhị nguyên chất chứa trong Thái Cực (Thái Cực sinh lưỡng nghi...). Thái Cực, nôm na gọi Đỉnh Tối Cao (Faîte Suprême), chính là hiện thể của Vô Cực lúc Phản (Vô) Thể  Non-Être  khu biệt (différenciation) thành Bản Thể  Être.

Vật lý hiện đại cho nguồn Vũ Trụ khởi từ Big Bang, ý niệm này tương đồng với phát sinh của Thái Cực, khi Vô Cực sinh Thái Cực, những cá thể nhị nguyên, hạt và phản hạt, sóng và phản sóng, vật chất và phản vật chất, lực hút và lực đẩy,... được giải phóng (passage du Non-Être à l'Être), tương xứng với Lưỡng Nghi, sinh Âm Dương trong Thái Cực. Nhưng Mẹ đẻ của Tất cả là Đạo, tức Vô Cực (Absolu). Lão Tử dạy: Đạo (Vô Cực) sinh Một (Thái Cực), Một sinh Hai (Lưỡng Nghi), Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật...Chu Đôn Di đời Tống đã hiếu Đạo là Nguồn mang tính Tĩnh, chứa đựng những gì chưa phát lộ, khởi thủy tiềm phục. Nhưng Đạo tức Vô Cực (Absolu), nghĩa không có tận cùng, không giới hạn, không thể định nghĩa được, không chỉ định được (Inconcevable, Inommable), chỉ có thể hiểu Đạo hằng có, vô thuỷ vô chung, trống rỗng, tịch lặng, không hình không tướng, một khối mờ mịt, hỗn độn, đặc biệt là nó đơn giản vô cùng, vượt ra ngoài cả suy nghĩ của lý trí (Intelligence humaine). A. Tanon Viết: L'Absolu était tel que nous ne pouvons ni concevoir en son essence, ni nommer d'un nom quelconque qui lui confère une propriété, encore moins une substance! Cụ Lão nói thật rõ ràng: Đạo trống không, nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Đạo sâu thẳm, dường như là tổ tông của vạn vật ( 道沖,而用之或不盈 。淵兮,似萬物之宗 Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề, tự vạn vật chi tông). Rồi còn lại kỹ lưỡng dặn dò: Đạo mà ta có thể nói đến được, không phải là Đạo thường nghĩ. Danh mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thật sự. Vô danh là gốc của thiên địa, hữu danh là mẹ của vạn vật ( 道可道,非常道 。名可名,非常名 。 無名天地之始,有名萬物之母 。Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh.Vô danh thiên địa chi thuỷ, hữu danh vạn vật chi mẫu).

Khi Thái Cực sinh Âm Dương, không phải sinh 2 yếu tố riêng biệt. Toàn Âm toàn Dương không thể tồn tại, vì không thể là một tổng thể tức Thái Cực. Tỷ như Dương là Nam, Âm là Nữ, thế như trong thể xác Nam có xương (Dương) và kinh mạch (Âm), lục phủ là Dương mà ngũ tạng lại là Âm. Âm Dương là giao hòa tương tác, không bao giờ không tồn tại, tuy đối lập nhưng không triệt tiêu nhau, khi yếu tố này mạnh thì yếu tố kia yếu, nhưng không bao giờ suy đến cạn kiệt. Người Ấn-Arian có Prakriti, tức Thể chất (Matière) cùng ý niệm với Âm, và Perusha, tức Thần linh (Esprit) cùng ý niệm với Dương.

Hai thể trong một của Âm hay Dương (formes doubles de la dualité), sinh Tứ tượng. Bốn thể Thái Dương 太 陽 (Yang Majeur - Mâle), Thiếu Dương 少 陽  (Yang Mineur - Femelle), Thiếu Âm 少 陰 (Yin Mineur - Mâle) và Thái Âm 太 陰 (Yin Majeur - Femelle) có thể có một tương đồng với Triết học phương Tây, khi nhận xét :

陽 男dương nam tức Thái Dương , Positif Mâle ou Mâle actif
陰 男âm nam tức Thiếu Dương , Négatif Mâle ou Mâle passif
陽 女dương nữ tức Thiếu Âm , Négatif Femelle ou Femme Passive
陰 女âm nữ tức Thái Âm , Positif Femelle ou Femme Active

Và chuyện Cổ tích ai cập có thể viết Isis là Thái Âm và Orisis là Thiếu Dương. Nhưng triết lý Ai cập lại không có biến hóa Tứ tượng và văn hóa lại không có đũa. Thái dương là hai đũa ở thế động, tỉ dụ như đũa bếp đũa cả. Thiếu dương Thiếu âm là đũa 1 động một tĩnh hoặc một tĩnh một động như khi dùng để gắp, xé, phân thực vật như đã nói ở trên. Thái Âm, hai đũa đều tĩnh, dùng như thìa muỗng để hay lùa thực vật vào miệng.

Mô hình Thái cực là một vòng tròn, gồm hai nửa, Âm đen Dương trắng. Thuở Vô Cực, tuy không chính xác (vì như đã nói, vô cực không thể hiểu đặng), nhưng ráng tạm hiểu, hai phần Âm Dương chia hai, bằng 1đường kính của vòng tròn, để đồng hóa với hình ảnh Anhk Ai cập. Khi Vô cực biến thể thành Thái cực, đường kính biến thành đường chữ S chia Âm Dương ; chữ S này có chiều dài bằng nửa chu vi của vòng tròn Thái cực trong khi chiều dài đường viền (contour) của Âm (con cá đen) hay Dương (con cá trắng) thì lại bằng chu vi của vòng tròn. Hai cá Âm Dương quện vào nhau là dấu Cancer 69, tổng cộng 6 và 9 là 15, tức 1,0 và 5, mà cũng là số 15 trong ma phương(f). Như vậy có thể nhận định ở đây cá đen Âm là Isis, cá trắng Dương là Orisis và đường chữ S (số 5) là Horus, con của Isis và Orisis. Và như vậy bản thể của Thái cực không phải là Hai (nhị nguyên) mà là Ba, đúng như lời Lão Tử dạy: Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật! (Xem phần trên). Quan niệm Vũ Trụ này tương đồng với ý niệm Thiên Chúa 3 ngôi trong KiTô giáo, Tam vị nhất thể : Đức Chúa Cha, Đức chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
 

Thái Cực
24 Tiết trong năm 
(Đọc bài Ăn Tết)

Mỗi cá trong mô hình Thái cực có 1 mắt, mắt Dương cho cá Âm và mắt Âm cho cá Dương ; lý luận nhị nguyên Âm Dương biến thành lí luận Tứ Tượng để có cân bằng, và theo sơ đồ này, đường phân chia S có vị trí số 5 sau Tứ tượng. Isis mang số 1, Orisis số 0, nên Horus con của 2 vị thần này là nửa số 1 và số 0, tức số 5! Mà số 5 là Ngũ hành. Kết luận: Thái cực sinh từ Vô cực là cấu trúc của Vũ trụ, có thể diễn đạt được bằng Nhị Nguyên Tam Bôi (Une Dualité à trois Facteurs) hay Tam Tài Ngũ Hành (Une Trinité Quintuple). Thành thử Âm Dương đi 2 lối khác nhau, Tam Tài Ngũ Hành (Dương, với Số lẻ) và Tứ Tượng Bát Quái (Âm, với Số chẵn).

Gần đây các ông các bà tai to mặt lớn Ta và Tàu kết luận là Khái niệm Âm Dương lấy nguồn gốc ở phương Nam, nghĩa là từ Dương Tử giang trở xuống, ngược với thuyết huyền thoại Phục Hy. Lý do là Triết lý Âm Dương rất gần với văn hóa nông nghiệp bởi hai yếu tố cặp (nhị nguyên - dualité) : cặp " cha-mẹ / vợ chồng " (Xin đọc lại câu ca dao Vợ chồng như đũa có đôi...) và cặp " đất-trời ". Cặp 1 là vấn đề sinh sản sống còn, cặp 2 trực tiếp liên hệ với miếng ăn nghĩa là sinh hoạt nông nghiệp. Như vậy, có lẽ dân Bách Việt (g) là dân tộc đầu tiên áp dụng nguyên lí nhị nguyên sơ khai vào văn hóa nhân loại, nhận thức này sau đó được " nhập cảng " vào văn hóa Hán với phần lớn dân tộc là du mục sống ở phía bắc sông Dương Tử. Người Bách Việt nặng đầu óc tổng luận, phát triển lý luận cấu trúc Vũ trụ từ số Dương 1 tức Tam Tài Ngũ Hành. Người Hán thiên về phân tích, dùng số Âm 0 để hình dung Vũ trụ theo Tứ Tượng Bát Quái.

Mấy chuyên kể trên ni chắc đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì. Lúc bé ở Thanh tôi hay nghe nói "Cụ Bà bữa ni đi cưới Vợ Lẽ cho Cụ Ông". Vợ Lẽ (vợ hai, nàng hầu, tiểu thiếp, Tiểu Lão Bà, vv...). Đây là chắc là Vợ Lẻ (h), người Thanh đọc vợ lẻ thành vợ lẽ, vì ở xứ Thanh dấu hỏi đọc thành ngã và ngã thành hỏi. Tỷ như họ nói: Lấy Đủa mời Vợ Lẽ ăn cơm! Lẻ đây, trong từ ngữ Việt là chẵn lẻ, lẻ loi, trong khi Lẽ là lý lẽ. Vì thế Cụ bà chịu đi cưới nàng hầu là một chuyện lẻ đôi, hoặc vì theo thuyết Âm dương Vợ hầu được gọi là Vợ Lẻ (Lẽ) thuộc Thái Âm, một Âm Thịnh Positif Femelle ou Femme Active (như Nữ thần Isis) và vợ lẽ sẽ cai quản hết mọi chuyện trong gia cang ! Thanh Hóa là xứ giống như tôm cá ở sông hai nước (Nam Bắc Việt và Bắc trung Việt), nên chính tả ngôn ngử lộn xộn với hai dấu hỏi ngã, bởi vì từ Nghệ An trở vô, dọng Trung ít khi phân biệt hỏi ngã rõ rệt! Cách đây ít lâu, đài BBC Việt ngữ có phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Hữu Loan, ông là người Thanh chính cống, nên các câu trả lời mang một hài âm (consonance) rất đặc biệt và thú vị, giống như khi qua Tây, nghe ông Tây bà Đầm nói tiếng Tây dọng Provencal (accent Marseillais)! Không phải thấy sang bắt quàng làm họ, nhà chúng tôi cũng có một mối giao tình với nhà Thơ tác giả bài Màu Tím Hoa Sim. Số là Người Vợ Mới Cưới trong bài thơ Màu tím hoa sim, chị Lê Đỗ Ninh, là bà chị họ con dì con già với tôi, nên thuở thơ ấu, lúc chạy Tản cư, tôi đã lớn lên với những ấn tượng của thảm kịch đầy nước mắt này, và gần đây tôi trở lại Thị Long đi tìm lại những kỷ niệm "Qua những đồi sim / những đồi sim dài trong chiều không hết / Màu tím hoa sim / tím chiều hoang biền biệt..."

Phong tục dân gian nước ta quý trọng các số lẻ hơn số chẵn, đặc biệt là số chín, chín nút, số Hên! Trong Hà đồ các số lẻ 1-3-5-7-9 là số Dương (trắng) nghĩa là số Cơ (Trời). Trong thành ngữ ca dao, cặp bài trùng Ba-Bảy Năm-Bảy rất được thông dụng, và ý nghĩa nhiều khi cũng mơ hồ. Những cặp (xin tránh xài chữ cụm, tôi nghe vẫn chưa quen tai!) những từ ngữ này không có một phân tích định lượng nào rõ rệt, chỉ biết đó là số nhiều, ai hiểu sao cũng được. Còn chuyện tại sao dùng cặp số lẻ (3-5-7 chứ không 4-6-8 như Ba Tàu) mà không dùng số chẵn, thì xin chịu thua, tôi chưa tìm được giải thích thỏa đáng; ngoại trừ luận đề nói rằng Việt nhân ta ưu đãi số lẻ vì đi theo đường lối suy luận Dương của Tam tài Ngũ Hành! Ngoài những thành ngữ thông dụng Ba mặt một lời, Tam sao thất bản, Ba vợ bảy nàng hầu...và nhất là phe ta lúc mô cũng nghĩ tới chuyện Đêm bảy ngày ba, vào ra chưa kể ; dân gian còn truyền tụng những câu ca dao rất thấm thiết, tỷ như:
 

Cành tre ba bảy cành tre,
Phải duyên thì lấy chớ nghe họ hàng.

Một liều ba bảy cũng liều
Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây.

Anh tiếc cho em cái phận má đào
Tham đồng bạc trắng để gán vào cho chú tây đen
Cái sợi tơ hồng ai khéo xe duyên
Bức tranh tố nữ đứng bên ông tượng đồng
Chị em ơi, ba bảy đường chồng...

Trên trời ba bảy ông sao
Ông bổng tít lói ông cao tít mù.

Biết nhau ba bảy năm tròn
Như sông một dải ai còn dám hay.

Đàn bà năm bảy đàn bà
Chồng dặn mua gà, đi mua quốc con
Đàn ông năm bảy đàn ông
Vợ dặn mua hồng đi rước cây non.

Đàn ông năm bảy đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Đàn bà năm bảy đàn bà
Đem bỏ ra chợ kiến tha lại về.

Bắt ông tơ đánh sơ vài chục,
Bắt bà nguyệt nếm mấy mươi hèo,
Người ta năm bảy vợ theo
Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi!

Dầu chàng năm bảy mặt con
Thiếp đôi ba đứa vẫn còn nhớ nhau
Hai tay cầm đôi ống tơ
Dù năm bảy mối cũng chờ mối nhau

Gavilan Springs ngày Bính Thân tháng Hai năm Bính Tuất (03/08/06)
Chú thích:

(a) Bài Nói Phét muốn dựng đứng những chuyên Tào Lao (Tây nói histoires à dormir debout...), liên hệ đôi đũa với những tư tưởng Triết học Đông Tây. Những người Tây học có dịp đọc những tác phẩm của Marcel Granet (1884-1940), giáo sư École des Hautes Études và École des Langues Orientales, nhất là tác phẩm đồ sộ gần 500 trang, La pensée Chinoise (1934). Sách của một trong những nhà Đông Phương học trứ danh của Pháp, viết trước đây gần ¾ thế kỷ vẫn không phai lạt với thời gian, tuy nhiên tìm hiểu đối với tôi, cần nhiều thì giờ vì từ ngữ Hán chỉ có diễn âm Wade-Gilles, không có Pinyin như hiện tại (và không có chua Hán tự).

(b) Chữ tư duy thấy lạ hoắc, nhưng xuất hiện hầu như cơm bữa, trên báo chí, media VN và trong nhiều sáng tác gần đây của bà con cô bác, bởi vì à la mốt. Có người không hiểu ở mô mà ra? Từ ngữ mới này do mấy ông Chệt vĩ đại phát minh, Hán tự viết 思 維  , diễn Nôm tư duy, pinyin (phổ thông) Si wéi. Các từ điển mới viết: tư duy, ý nghĩ - Từ triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật - Tư duy bao giờ cũng là sự giải quyết vấn đề thông qua những tri thức đã nắm được từ trước. Anh: thought, thinking, Pháp: pensée, tư duy trừu tượng pensée abstraite, Đức: dachte, gedacht, Gedanke. Tự điển Thiều Chửu viết: Tư py: si, bộ tâm, nghĩa, 1 : Nghĩ ngợi, phàm các sự tác dụng thuộc về tâm như tưởng tượng suy xét ghi nhớ đều gọi là tư. 2 : Nghĩ đến. 3 : Mến nhớ như tương tư 相 思 cùng nhớ nhau. Duy giản thể py:wéi cũng viết 惟 唯, bộ mịch, nghĩa: Buộc. Như duy hệ 維 縶, duy trì 維 持 ràng buộc giữ gìn cho khỏi đổ hỏng.

(c) Tương truyền Vua Phục Hi 伏羲 Fú Xī(Vua Thái Tổ thần thoại Tàu 2000 TCN) đi tuần thú phương Nam qua sông Hoàng hà, gặp Long mã, trên lưng có những chấm đen trắng, rồi thấy rùa thần hiện ở sông Lạc, trên lưng cũng có trang chữ. Phục Hi dựa vào đó vẽ lại thành Hà đồ và Lạc thư, rồi ngửa đầu xem tượng trời, cúi xuống xem thế đất, mà vẽ nên Bát quái.

(d) Nguời Tây Phương bị ràng buộc bởi lô gíc Đề cạc không hiểu những thực thể bề ngoài tuy mâu thuẫn hay phản biện (contradiction), nhưng lại là chân lí. Xếp Ba Chệt Đăng Tiểu Bình cắt nghĩa sự chung sống của Xã hội Cộng sản chủ nghĩa và thuyết Kinh tế Thị trường: Mèo đen mèo trắng cũng là mèo, miễn là mèo bắt được chuột! Ông xếp Mao xếnh xáng lại nói: Xã hội chủ nghĩa có nhiều biện chứng thuận và chống, tán thành và phản đối, nhưng trong thuận có chống và trong tán thành có phản đối, và vice vesa...Do đó khi biện chứng có chống đối thì ta lại sửa sai dài dài...hoặc ta đổi mới...Hai xếp lĩnh đạo đã áp dụng triệt để nguyên lí nhị nguyên Âm Dương!

(e) Âm Dương trong Kinh Dịch phát triển thời gian Vua Vũ nhà Hạ với Tiên Thiên Bát Quái. Qua nhà Thương, rồi đến Văn Vương nhà Chu, Kinh Dịch có nhiều khám phá, nên có Hậu Thiên Bát Quái. Triết học Kinh Dịch ảnh hưởng mãnh liệt đời nhà Chu (1122-256 TCN), thời Xuân Thu chiến quốc Khổng Tử viết Thập Dực mà Hán Vũ Đế (Tây Hán) gọi là Dịch truyện (cắt nghĩa kinh Dịch), cùng với Kinh Dịch được gọi là Chu Dịch 周 易 zhōu yì. Thế nhưng Cocorico (Gáy kiểu Coq Gaulois), nhiều nhà nghiên cữu Kinh Dịch Việt Nam hiện nay, chủ thuyết Kinh Dịch thiếu Trung Thiên Bát Quái đồ, vì Kinh Dịch là do Con Rồng Cháu Tiên thời Lạc Long Quân Âu Cơ phát minh, Người Tàu không lấy được vì Tổ Tiên VN giấu kín!

(f) Ngoài Hà đồ với Long mã trên sông Hà, còn có Lạc thư trang chữ trên mu Rùa thần có cách bố trí các số khác với Hà đồ. Lạc thư có số 15 là số thần (nombre magique) ! Tống số hàng trên : 4+9+2=15, tống số hàng giữa 3+5+7=15 và tổng số hàng dưới 8+1+6=15 ! Cộng theo hàng dọc, trái 4+3+8=15, giữa 9+5+1=15, phải 2+7+6=15 ! Cộng theo hàng chéo (diagonale) 4+5+6=15 ; 2+5+8=15 ! Số 15 (1,0,5) tương đồng với chuyện cổ Ai cập Isis-Orisis-Horrus. Hình vuông Lạc Thư, người phương Tây cũng tìm ra thời cổ, gọi là ma phương (carré magique).

(g) Xin nhắc sơ lại nguồn gốc dân Bách Việt. Hình dáng loài người trên thế giới có 4 đại chủng, Âu (Causacoid) Phi (Negroid) Á (Mongoloid) và Úc (Australoid). Khoảng giữa thời kỳ đồ đá, chủng Á và chủng Úc hợp, sinh chủng Cổ Mã Lai (Indonésien) sống rải rác từ bán đảo Đông dương đến sông Dương tử, từ Ấn độ qua các đảo Indonésie và quần đảo Philippines. Qua Tân thạch khí kỳ đại, thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng (3000 TCN), Cổ Mã Lai thường xuyên tiếp xúc với chủng Á từ phương bắc tràn xuống, sinh thành chủng Nam Á (Austro-Asiatique). Chủng này chia ra nhiều dân tộc gọi Bách Việt: Điền Việt (cư trú tại Vân Nam, Trung Quốc), Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt (cư trú tại Quảng Đông, Trung Quốc), Lạc Việt (cư trú tại Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc bộ, Việt Nam),... sinh sống từ vùng nam sông Dương Tử (Trung Quốc) cho đến Bắc bộ (Việt Nam). Chủng mới Nam Á, lũ Việt nhân và hậu duệ, sinh sống bằng Nông nghiệp, đã khởi sự từ thời đồ đá này phát minh và mở mang văn hóa Thịt Cầy và văn hóa Đũa. Trong khi, các dân tộc sống ở Ấn độ, Indonésie, Philippines, Mã Lai, Căm bốt, Thái (đen), etc...phát sinh từ tổ tiên chủng Cổ Mã Lai, vẫn tiếp tục ăn bốc cho tới thời kỳ gần đây mới bắt đầu dùng muỗng, đôi khi phuộc xét, theo văn hóa phương Tây. Người Ấn độ, phần lớn vẫn còn ăn bốc. Văn hóa Nhị nguyên Âm Dương, Kinh Dịch, có lẽ cũng bắt nguồn với lũ Việt nhân này !

(h) Chữ Lẻ, hán tự viết Ki bộ điền 畸 , như Ki nhân  畸  người ẩn dật (lẻ loi). Số chẵn viết Song bộ chuy

(i) Ở trên, kể quá nhiều ca dao sợ phiền nhiễu người đọc, xin chép lại đây vài câu khác để ghi cái duyên với Ba Năm Bảy:
 

Lá rách lá lành đùm bọc lấy nhau
Một cành tươi năm bảy cành sầu
Chim kia còn biết nhớ nhau nữa người...

Mẹ chồng là mẹ chồng tôi
Năm bảy cái quạ nó lôi mẹ chồng.

Một cành dâu năm bảy cành dâu
Bên tài bên sắc lấy nhau cũng vừa

Một cành tre năm bảy cành tre
Phải duyên thời lấy chớ nghe họ hàng

Một ngày cũng đạo cang thường
Huống chi năm bảy tháng trường tơ duyên

Gió thổi một ngày năm bảy trận giông
Anh đi nằm bãi sao không thấy về

Người ta năm bảy chị em
Tôi đây như thể chiếc nem lột trần

Ngày năm bảy thiếp
Đêm trọn kiếp nằm không

Nhắn năm bảy tin cũng chẳng thấu tình
Mần thơ cánh nhạn, tạc chữ quỳnh thăm em

Một ngày năm bảy bận sang
Thiếp những trông chàng, chàng những trông ai?

Một lòng sầu, năm bảy lòng sầu
Đấy vui có biết đây sầu cùng chăng ?

Quay tơ phải giữ mối tơ
Dù năm bảy mối cũng chờ mối anh

Quý chi một nải chuối xanh
Năm bảy người dành cho mủ dính tay

Em đây năm bảy người giành
Như cá ở chợ, dạ ai đành nấy mua

Tiếc công lao anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trường họ lạ đến câu

Làm nên năm bảy lạng vàng
Chẳng bằng một lúc ra đàng gặp nhau

Vì tình anh phải đi đêm
Vấp năm bảy cái đất êm hơn giường

Xa xôi năm bảy ngày đường,
Duyên ưa, phận đẹp thì nường cũng theo

(j) Có một ông bạn thân ở Pháp đọc bài này, viết Imeo hỏi Anhk có phải là Horus không ? Và Trung Thiên đồ như thế nào, nên tôi có viết vài hàng trả lời, xin đăng lại dưới đây.
 
TRẢ LỜI H. HẢO HỚN
H. Đại Ca Nhã Giám,

H. ĐC đã bỏ thì giờ quý báu đọc bài tạp luận viết huyên thuyên về Đôi Đũa, làm tui khoái chí hỉnh mũi, trong lòng cực kỳ phan phái có bạn tri kỷ, cũng nặng tình với đôi đũa!

Như đã rào trước đón sau, trình làng là xin nói phét vô tội vạ, bạ đâu nói đấy, xin đừng bắt bẻ em thái quá tội nghiệp! Nhưng có bạn đồng tình, đọc bài viết tới 2 lần rồi, thì kể cũng như là bạn vàng Oh Ami d'Or dễ chi mà gặp đặng; bạn vàng đã hỏi câu chi biết được thì trả lời, không biết thì xin câm miệng hến!

Cặp Isis Thái Âm và Orisis Thiếu Dương, theo Cổ Ai cập, là cha mẹ đẻ của Nhân Loại. Horus con Isis và Orisis, là Ánh sáng của Nhân Loại, là Thượng Đế giáng sinh (le Dieu fait homme). Horus thường được tượng trưng bằng khóa Ank, chìa khóa của Sự Sống, không có Ank, loài người chỉ là tượng đất sét (l'humain n'est qu'une sculpture d'argile). Glossaires Théosophiques viết : Ankh, Anhk, Ank, Âme, Vie, Sang, Thập tự, Ank tiếng Êbrơ nghĩa Vie, sự sống. Trong sử Ai cập Đệ Ngũ triều Đại Eléphantine, Horus le Jeune là con ngoại tình của Isis và Hoàng đế Rê, nối ngôi Luhabim 2113 TCN, lên làm Vua lấy tên là Siophès-Sisirès. Sisirès mất năm 2106 TCN, bị con Luhabim thần Cá Sấu (dieu-crocodile) giết. Thoại sử về sau viết Horus bị Cá Sấu ngốn chết.

Chuyện ATNP viết Horus là nguyên tố 5 trong cặp 1,0 và 5. Khi Vũ trụ chưa hiện hình (Univers Non-manifesté) Bản thể chưa hiện sinh hay Phản thể (Non-Être), thì Anhk là biểu hiệu cho Vô Cực, tức Đạo. Khi Vô Cực sinh Thái Cực, Ank biểu hiệu cho Thái Cực lưỡng nghi Âm Dương. Trong đồ hình Thái Cực, cá đen là Isis, cá trắng là Orisis, đường chữ S phân chia Âm Dương, tức số 5 là Horus mà cũng là Ank. Âm Dương sinh ra chữ S, nên có thể nói Isis và Orisis kết hợp sinh số 5, tức Horus hay Ank! Xin xem hình dưới đây.

Hình 1: Orisis với dấu hiệu Anhk,

Hình 2: Horus cầm gậy Anhk Sinh Sống Vĩnh Cữu, Ankh: Symbol of eternal life. The gods are often seen holding an ankh to someone's lips this is considered to be an offering of "The Breath of Life". The breath you will need in the afterlife

Hình 3: Orisis và Isis, di tích ở Lăng mộ Bannentiu và Djed-Amun-Iuf-Ank
 

Hình 1
Hình 2
Hình 3

Kinh Dịch là một Đại dương, sức hiểu biết của tôi chỉ là giọt nước! Sơ lược, Kinh Dịch dựa trên Bát Quái, Bát Quái phát xuất từ Tứ Tượng. Tứ tượng có 4 quẻ : Thái Dương 太 陽, Thiếu Dương 少 陽, Thiếu Âm 少 陰 và Thái Âm 太 陰 gồm 2 vạch (Âm hoặc Dương) chồng lên nhau

Chồng thêm một quẻ Âm hay Dương, ta có 8 quẻ đơn Bát Quái, mỗi quẻ có 3 vạch ngang: Càn (Trời ), Đoài (Đầm, hồ ), Li 離 (Hỏa) , Chấn( Sấm ), Tốn ( Gió ) , Khảm ( Nước ), Cấn (Núi ), Khôn ( Đất ). Chồng thêm 1 vạch, sẽ có 64 quẻ kép.

Theo truyền thuyết, khi mới đặt thành Bát quái, Phục Hi vẽ các quẻ theo một vòng tròn khép kín, tính các vạch từ trong ra. Bốn hướng Đông Tây Nam Bắc ứng với bốn mùa (các hướng nhìn lên trời nên ngược với trên mặt đất, vòng quay của các mùa nguợc với chiều kim đồng hồ, là hướng quay của Vũ trụ). Các quẻ đối xứng về mặt hình học và ý nghĩa qua tâm vòng, nếu quẻ bên này vị trí này là dương thì bên kia phải là âm. Ba vạch liền đối với 3 vạch đứt, 2 đứt 1 liền đối với 2 liền 1 đứt. Như vậy các cặp đối nhau là: Càn - Khôn (Trời - Đất), Tốn - Chấn (Gió - Sấm), Khảm - Ly (Nước - Lửa), Cấn - Đoài (Núi - Đầm). Đây là Tiên Thiên Bát Quái. Đến đời Chu (TK 12 TCN) thì Chu Văn vương vẽ theo một trật tự khác, trong đó quẻ Càn bắt đầu từ hướng Tây Bắc, và theo vòng ngược chiều kim đồng hồ lần lượt là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, đồ hình được gọi Hậu Thiên Bát Quái.

Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, đạo Cao Đài có Kinh Dịch lấy thuyết Tam Tài Thiên-Địa-Nhân để lập nên Đệ Tam Trung Thiên Bát Quái, gồm: Phần bên trái thuộc Dương gồm các quẻ : Càn, Khảm, Cấn, Chấn. Phần bên phải thuộc Âm gồm các quẻ : Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Đây có lẽ chỉ là Hậu thiên đồ quay 90 độ theo chiều kim đồng hồ !

Các tác giả đi tìm Kinh Dịch do con Rồng cháu Tiên phát minh ra, nói người Hán chỉ ăn cắp được Thiên đồ, Địa đồ và thiếu Trung Thiên Đồ tức Nhân đồ mà Tổ tiên Việt Nam đã giấu kỹ. Các ông nội ni nói với Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng đối nhau qua tâm, biểu hiện trạng thái phân ly, và trên Trung Thiên Đồ các quẻ Càn Khôn Ly Khảm đứng gần nhau từng đôi một biểu hiện trạng thái giao hội. Rồi thiết lập Trung Thiên đồ sau đây: quẻ Càn ở phương Nam, quẻ Đoài ở phương Đông Nam, quẻ Tốn ở phương Đông, quẻ Khảm ở phương Đông Bắc, quẻ Ly ở phương Bắc, quẻ Cấn ở Tây Bắc, quẻ Chấn ở Tây và quẻ Khôn ở phương Tây Nam.

So sánh với Tiên Thiên Đồ (hình màu), các quẻ Trung Thiên Đồ sẽ có những vị trí dưới đây:

Nam: Càn (III)

Đông Nâm: Đoài (II:) Tây Nam: Khôn (:::)

Đông: Tốn (:II) Tây: Chấn (I::)

Đông Bắc: Khảm (:I:)Tây Bắc: Cấn (::I)

Bắc: Ly (I:I)

Các hướng nhìn lên trời, nên ngược với trên mặt đất, do đó Nam ở trên mà Bắc ở dưới. Đồ hình trên do mấy Ông Cocorico vẽ ra và cắt nghĩa là có thể giải nghĩa nhiều điểm mà Kinh dịch Hán không có trả lời suốt trong hai ngàn năm qua. Đồ hình lấy ở đâu ra thì không thấy nói, chỉ thấy nó khác với Trung Thiên Đồ của Đạo Cao Đài.

Phái Cocorico nói dựa trên các di chỉ đồ đồng đồ gốm làm chứng cớ, lại nói một ít tên quẻ không phải gốc chữ Hán mà là chữ Việt, và nói phát hiện ra Trung Thiên Đồ là nhờ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dzụ này là một đề mục ATNP rất hào hứng.

Tôi tính nết hư hỏng ham ăn tục nói phét đến nỗi Bà xã rủa Ngủ nằm mơ cũng nói phét! Tối hôm qua lại nằm mơ mà Nói phét! Thiệt dzậy, suy nghĩ về Nhân đồ tức Trung Thiên đồ của mấy cha nội Cocorico nhà ta, tui thấy hơi kỳ, mọi quẻ không còn đối hay tương xứng như Tiên hay Hậu thiên. Tuy không biết chi về Kinh dịch nhưng cũng thấy tâm mạch phế tạng chạy loạn xà ngầu, vì vũ trụ không còn chân lý Âm Dương nữa. Sợ bị tầu hỏa nhập ma, tỉnh dậy toát mồ hôi!

Xin H. Đại Ca tùy tiện muốn chuyển bài ATNP cho ai đọc làm tiêu khiển cũng được, chỉ sợ thiên hạ cười, nhưng đã viết chuyện Nói Phét, thì cũng như mang mặt mo! Mong H. Đại Ca thỏa mãn với mấy bổ túc trên.

Nay thơ, NQ Bảo