Chim Việt Cành Nam            Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Ăn Tục Nói Phét :

Từ Đôi Đũa đến Bánh Mì Ba ghét

Nguyễn Quốc Bảo

There are no facts, only interpretations.
(Nietzsche's Nachlaß)
Không có sự thật mà chỉ có trình giải (1), vừa trình bày vừa giải thích tức là Ăn Tục Nói Phét chứ còn gì nữa! Thật là cám ơn Cụ Triết nhân này quá xá. Nhờ cụ mà kẻ hậu sinh có kế sinh nhai. Cụ thương còn nói thêm: Tin tưởng là kẻ thù lợi hại của sự thật, nguy hiểm hơn là Nói Phét! (Convictions are more dangerous enemies of truth than lies. Nietzsche's Menschliches, Allzumenschliches) và dặn dò kỹ lưỡng: Sự thật, đơn thuần chỉ là những lỗi lầm không biện bác được! (What are man's truths ultimately? Merely his irrefutable errors!).

Thánh nhân ôi, sao mà thánh nhân đi guốc lộp bộp trong tâm can con dzậy? Lẽ sống đời con lúc ni, tuy xế chiều mà trời vẫn còn sáng (2), chỉ còn có một thỏa thích là ATNP đó thôi! Mà thánh nhân lại dạy con ATNP tức là nói thật, thế thì quý hóa lắm lắm...Tôi kể lể đến Cụ Nietzsche, không phải là không có lý do, bởi Cụ phát ngôn nhiều câu chí lý làm tôi sướng ran cả người, mà hơn nữa cụ lại là đồng hương với bà vợ của ông em họ con dì con già với tôi, tên Eva-Maria, cùng công dân nước lúc xưa có tên là Đức Quốc Xã. Cũng vì bà này nên lại có thêm chuyện vớ vẩn dính dáng đến Đôi Đũa.

Dân Ba chệt có cách gọi anh em bà con rất thuần túy, ngắn ngủi và đầy tôn ti trật tự. Anh em họ thì biểu ca 表 哥, biểu đệ 表 弟, bà xã mấy ông ni thì gọi là biểu tẩu 表 嫂 . Chị em họ gọi biểu thư 表 姐 , biểu muội 表 妹 , chồng mấy bà ni kêu là biểu thư phu 表 姐 夫 , biểu muội phu 表 妹 夫 . Khỏi phải dài dòng văn tự: Eva-Maria là bà vợ của ông em họ con dì con già với tôi.

Thuở nay, ông chồng bả, tức em họ tôi, có đọc hai bài lảm nhảm tôi viết về đôi đũa, mới kể vợ nghe: Anh Bê nói phét về ba ghét (baguettes); khổ quá, biểu tẩu tui lại hiểu là bánh mì Tây ba ghét (baguette)! (3). Tôi chưng hửng, bởi bà chất vấn, và nói nếu phiếm luận về bánh mì ba ghét, thì cho bả tham dự. Thế là từ đôi đũa mà cà nhông phải nhảy qua chuyện bánh mì ba ghét là thế.

***

Lúc xưa ở ngoài Bắc hay xứ Thanh, tôi chỉ nghe nói bánh Tây, tức là bánh mì bây giờ. Lúc mà nước ta bị Tây đô hộ cho đến cả văn hóa, thì cái chi đẹp đẽ và quý báu cũng là Tây cả, nào khoai tây, hành tây, cần tây, dâu tây, bánh tây...giường lò xo Hồng kông cũng thành giường tây. Thế nhưng dân ta đôi khi lại kỳ thị chủng tôc, nhiều chuyện hắc búa lại để dành cho Lào, tỷ như gió lào (gió nóng thổi từ Lào qua!), hắc lào (ghẻ lào), thuốc lào,...Ca dao lại còn độc địa châm biếm, Đi xứ Lào ăn mắm ngóe hay Việc Ngô Ngô biết việc Lào Lào hay. Hoặc:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Khó khăn ở quán ở lều
Bà con ông cậu chẳng điều hỏi sao
Giàu sang ở bên nước Lào
Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho mau

Trong khi ở tỉnh, người thành thị kính nể ông Tây, dân quê ta chả thèm để ý đến khía cạnh tích cực của nền đô hộ Pháp (4) mà gần đây xứ Pha lăng sa xôn xao bàn cãi, mà cứ thích gọi Tây là thằng Tây:

Bao giờ nước ngọt đường cay
Gánh vừa lon gạo thì thằng Tây ở tù

Con cò mà đậu cành tre
Thằng Tây bắn súng cò què một chân
Hôm sau ra chợ Đồng Xuân
Chú khách mới hỏi: sao chân cò què?
Cò rằng: cò đứng bụi tre
Thằng Tây bắn súng, cò què một chân!

Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời
Thằng Tây nó giăng dây thép giữa trời làm chi?

Rồi thì theo văn hóa ăn nhậu Tây, và ông Tây tới rồi ông Tây lại đi,

Cút xê đồng mông xe pơ tí,
mảnh tờ nằng phí nỉ pa pa, (5)

nhưng bánh mì vẫn tồn tại, dân ta trở nên nghiện nặng ăn bánh Tây, bánh mì, nhất là bánh mì ba ghét. Bánh mì ba ghét cũng là mới đây, trước đó ở Việt Nam, chỉ thấy bánh mì hình tròn và dài, dáng dấp bầu dục giống tựa tái banh của Football Mỹ mà bên Anh bên Tây giải vô địch Tournoi des cinq nations kêu là Ruby. Bánh này có lẽ nhập vào nước Sài gòn trước, và bánh Tây Ba ghét Bắc kỳ tự nhiên trở nên Bánh mì Ba gớt trong Nam. Chẳng dzậy, mà cô nữ sinh khả ái của Hòn ngọc Viễn đông đã trả lời khi bị phỏng vấn: Em học trừng Yển yzăng Phê, sáng làm táng, chìu làm lận, túi eng bánh mì ba gớt! (6)

Bánh mì ba gớt biểu hiệu và tượng trưng vẻ vang cho văn minh và văn hóa xứ Tây, năm châu bốn bể đều biết tên, và ba gớt là dạng thông dụng nhất, thèm thuồng nhất của bánh mì. Giá ổ ba gớt bây giờ làm tiêu chuẩn cho bản vị đo lường kinh tế của nước Pháp, ta có thể xác định được đời sống Pháp cao thấp, giá cả leo thang hay không, là tùy theo giá ổ bánh mì này! Ba gớt sinh nở và trưởng thành nơi đô thị, dân không cần đi xa, có thể đi mua bánh mì một ngày hai lần ở tiệm đầu đường. Ba gớt dáng nhỏ nhắn, vỏ dòn và ít ruột thường để ăn trong ngày nên giữ không lâu, trong khi bánh mì đông quê (pain de campagne), ổ bự nhiều ruột có thể để lâu hơn.

Hình thể ba gớt, dài khoảng 60-70cm, đường kính khoảng 6cm, cân nặng 250-300g; mỗi 100g chứa 225-270 Kcal, thành phần nước 29%, sơ (fibres) 3.5%. Ba gớt ngon thì hình dáng phải đều đặn nẩy nở mà lại xếch xi, vỏ vàng rộm và dòn, thường thường có 4-5 khía (grignes) trên vỏ. Như muốn tỏ ra mình là dân thổ công, đi mua bánh mì ở Ba lê phải nói rõ ý, muốn mua bánh thật chín (bien cuit) hay đừng chín quá (pas trop cuit), vì mỗi người mỗi gu mà tiệm sành điệu thì lúc nào cũng có nhiều bánh cỡ chín nhiều chín ít. Ngoài ba gớt xịt tăng đa, còn có ba gớt cổ truyền, bột mầm (au levain), Vi ê noa, bánh có bỏ thêm ngũ cốc (céréales), tóp mỡ (lardons) hoặc quả ô liu, v v...

Nghệ thuật làm ba gớt bột mầm cũng có căn bản đơn giản. Sửa soạn bột mầm (levain), chỉ cần giữ cục bột nhào hôm trước, hôm sau cục bột biến thành bột mầm "xếp". Lấy cục bột xếp, nhồi với các bột khác cho kỹ lưỡng để kéo dài các phân tử glui ten với nhau thành cục bột nhồi (pâton), rồi để nghỉ xả hơi; nhất là khi dùng men (levure) cao độ, khi nhồi, bột có nhiều bộng hơi khí cạc bô ních nên sẽ làm ruột có nhiều lỗ hổng. Ba gớt nướng trong lò khoảng 320 độ C, rồi để nguội từ từ xuống 180 độ, trong lò phải có chén nước để làm hơi (buées) thì bánh mì mới vàng rộm (dân chuyên nghề gọi là phản ứng Maillard). Tất nhiên các nguyên liệu làm bánh mì không được đông lạnh, lúc kéo bột phải khéo tay để ba gớt có hình dáng thô sơ (rustique), vỏ không khác nhiều mầu khi bỏ lò, và nhất không được có vị chua (acidité). Ba gớt phải thơm và nhiều gu, gần đây vài bác học nhậu nhẹt Pháp rảnh rang ngồi đếm ra 150 vị khác nhau trong ba gớt, khởi sự từ vị chay cháy (brulé) cho đến mùi thoang thoảng của hoa hồng!

Sản xuất ba gớt ở Pháp chất phẩm cũng lộn xộn lắm, nên gần đây ông thủ tướng phản thầy gạt bạn Ba la đuya (7) gốc người Thổ nhĩ kỳ, ký sắc lệnh số 93-1074 năm 1993, để phân loại rõ ràng bánh mì làm tại gia (pain maison) hay bánh mì phương pháp cổ truyền Tây (pain traditionel de France) với các bánh mì hổ lốn bán ở các siêu thị. Sắc lệnh định nghĩa là các loại bánh mì này không được có một xử lí (traitement) đông lạnh (surgélation) nào, chỉ được dùng bột làm bánh mì (farines panifiables de blé), men đặc biệt cho bột mì phải là Saccharomyces cerevisiae, không được chứa nhiều bôt đậu (Fèves) phải dưới 2%, bột sôi-ya phải dưới 0.5%, bột mạch nha (malt) phải dưới 0.3%.; trong khi ở VN dân ta trộn bột gạo với bột mì à gô gô...

Dân ăn kiêng thì phải nhớ số lượng Kcal trong ba gớt, người bệnh tiểu đường loại 2 hay bệnh tim mạch (cardiovasculaire) thì phải để ý đến độ glucoza-huyết (IG, Index glycémique) trong bánh mì, độ này nhiều quá cơ thể sinh nhiều đường triglycérides, protéine C-réactive và giảm cô lét tê rôn tốt (HDL)!

Bánh ba gớt được làm bằng 3 cách khác nhau: dùng men (sur levure), dùng bột mầm (sur levain) và sur poolish! Dùng men là trộn thẳng men với bột mì theo tỷ lệ trọng lượng 1/50, có thể dùng men tươi hay men khô (déshydraté). Trộn bột, men, nước và muối, nhào rồi để bột dậy (lever), men nhiều thì bột dậy mau, mà bánh lại hơi chua. Dùng bột mầm thì khó hơn, bột mầm làm từ 3 nguyên liệu: bột nước và đường, trộn lẫn rồi đợi phồng và nở ra rồi lên men, rồi phải nuôi bột mầm như nuôi dấm nuôi mẻ, nghĩa là phải cho ăn nước và bột, chăm nuôi mỗi ngày như một sinh vật (vivant). Có thể dùng bột mầm này thay thế men làm ba gớt, bột mầm nếu nuôi kỹ có thể giữ lâu dài. Phương thức thứ ba sur poolish là cách làm bánh mì lấy nguồn gốc từ Ba Lan nhập vào Pháp từ thời nữ hoàng Marie-Antoinette. Trong khoảng thời gian 1840-1920, cả nước Pháp hầu như chỉ dùng có phương pháp này. Poolish là một vật liệu làm bằng cách trộn bột và nước 2 phần ngang nhau cộng với 1 số lượng rất ít men theo tỷ lệ trọng lượng khoảng 1/250. Sau đó, để poolish nghỉ xả hơi chừng 10-15 giờ làm tăng thể tích và xủi bọt, đến thời điểm tối ưu thì dùng polish trộn và nhồi thêm với bột khác và nước mà làm bánh mì. Dùng polish tiết kiệm men, bánh mì lại xốp dẻo. Duy một chữ Việt xốp mà có thể hình dung được cả một câu dài lòng thòng Pháp ngữ: bánh mì mềm dẻo có cấu trúc thông và thoáng như tổ ong (pain moelleux, avec structure avéolée et aérée). Thế mới biết tiếng Việt ta thật là tài tình, bánh mì ba gớt ngon hay dở cũng chỉ vì hai chữ, ngoài dòn trong xốp!

Ngoài Ba gớt rất trứ danh, ở Pháp còn có: Bánh mì đồng quê (le Campagne), ổ lớn dáng hơi thô kệch, nhiều ruột, có thể để lâu 4-5 ngày, nhiều khoáng chất (phosphore, magnésium, fer, zinc, cuivre et manganèse) và vi ta min (A, B và E). Bánh mì Còm lê (le Complet), dùng bột có trấu (le son) và nhiều hạt (amande farineuse), bánh này trét bơ rồi ăn với cá cua sò ốc là số dách ! Bánh mì dùng bột mầm (le Levain), vị hơi chua (acide) dùng ăn với đồ nguội heo (charcuterie), phó mách (fromage), thịt. Chữ Levain từ tự La tinh levare, có nghĩa dựng lên, tiếng Việt cũng nói bột dựng khi trộn bột với men (hoặc bột mầm) và nước. Bánh mì Vi ê noa (le Viennois), nguồn gốc Áo, vị hơi ngọt, do một sinh viên phổ biến tại Pháp khoảng năm 1840, bánh này ruột (mie) dẻo giống như bánh mì ruột (pain de mie). Ông sinh viên dùng bột bánh mì Hung gia Lợi và thợ làm bánh gốc Áo, nguyên nước áo rất nổi tiếng với bánh ngọt (patisserie).
 

Bánh mì Campagne
Bánh mì Complet
Bánh mì Levain
Bánh mì Viennois
Người Tây ăn bánh mì như người mình ăn cơm, ăn mà không có chút bánh mì thì cả đêm xót dạ. Trong các làng, thuở xưa, nơm bờ won là ông Cha Le curé, nơm bờ tu là ông Bánh mì Le boulanger, thứ ba mới tới bà Thầy giáo L'institutrice! Nhiều khi Mơ xì ờ Le curé bỏ Chúa bỏ nhà thờ ôm bà L'institutrice về nhà kết thành đôi vợ chồng rồi xin dân làng bỏ phiếu trở thành xã trưởng, Mơ xì ờ Le maire, trong làng hết Curé, cũng chẳng có chi đáng lo! Nhưng nếu Mơ xì ờ Le boulanger đến lúc phải tính chuyện hậu vận mà không có thừa tự, thì thật là cả đại vấn đề!

Lịch trình bánh mì xứ Pháp kể trên đây, qua tới Việt nam rồi cũng lộn tùng phèo. Lúc xưa thời đô hộ, chắc còn dùng bột bánh mì nhập cảng từ Pháp, thế nhưng khi trở thành bánh Tây, thì vừa khác bột lạ nước vừa không cùng phong thổ. Thế nhưng người mình ưa chuộng bánh Tây, vì hợp gu và ăn bánh Tây dưới nhiều dạng mà Cụ Tổ Lord Sandwich, người phát minh ra bánh mì cặp Sandwich (vì ham đánh bài không có thì giờ ăn cơm dọn trên bàn), nếu biết cũng phải giật mình. Nào bánh mì sandwich thịt nguội, ba tê, cá mòi, giò chả,...bà Cụ Ngoại tôi từ thuở nhỏ đã cho tôi huởng Bánh Tây cặp thịt lợn sữa quay, ngon đáo để, mỡ lợn sữa và chất béo thấm vào ruột bánh Tây, cắn vào ngập răng, ngoài dòn trong xốp, ruột mì ngấm mỡ béo ngậy, nuốt vào thực quản ôi ngon ơi là ngon! Kỷ niệm đậm đà sau này trở nên càng thấm thiết khi trưởng thành vào Nam, phỉ chí khám phá ra một đồng tình đồng điệu, tức đứa con tinh thần của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa
Tay cầm chai rượu miệng nhai bánh mì
Nguyệt Nga mới hỏi ăn gì
Vân Tiên mới nói bánh mì thịt quay!

Văn hóa Sandwich ở Tây cũng cực thịnh, thế nhưng người Tây hay kiêng gọi và không dùng những chữ nói cái gì tốt đẹp phát sinh ra từ bên bờ bên kia Biển Manche. Ở các đô thị lớn như Ba lê, những quán Cà phê nhan nhản, gọi là bistrot, sáng trưa chiều đều bán nhiều thứ sandwich ba gớt, mà chỉ có tên tắt : Un jambon, un paté, une rillette, un campagne (paté de campagne), un saussisson sec, v v...Dân nghiện, lúc đẹp trời dzô bistrot kêu Un saucisson sec, một ly đờ mi (la de), hay trúng mùa thì một ly Beaujolais nouveau mát lạnh...Rồi ca bài La vi e Bênh (8)...

Năm 1932 ông Pierre Poilâne mở một tiệm bánh mì, số 8, đường du Cherche Midi trong khu Saint Germain des Prés. Ông chỉ dùng bột mì xay bằng cối đá (meule de pierre), làm bánh bằng bột mầm, nướng bánh bằng lò than củi. Lúa mì làm bột không dùng hóa học trừ sâu bọ hay ni tờ rát, ít phân a dốt. Xay bột bằng cối đá để giữ lại ít nhất 15% trấu (le son, vỏ lúa), dùng khoảng 30% lúa mì nâu (épeautre) rất giàu khoáng chất, vi ta min và chất sợi (fibres). Lúc dậy bột không dùng men, chỉ dùng bột mầm tự nhiên, thành bánh để lâu được. Bánh không có vị chua (acide) của bột dùng men, mà lại đầy đủ hương vị đồng quê vì bột mầm sinh vi khuẩn lên men sữa tự nhiên (bactéries lactiques), giữ được nguyên chất sự phong phú dồi dào và màu mỡ của thực phẩm bột mì!

Cụ François Rabelais cũng sành dzụ Tam vị nhất thể của thuyết Nhị nguyên Tam bôi trong triết lý Âm Dương Đôi Đũa. Cụ nói " Tam Thánh" (La Sainte Trinité) của bàn ăn là Bánh mì, Rượu và Phó mách, nhưng bánh mì là Đức Chúa Cha, gia dĩ bánh mì không ngon, thì Tam vị ni cũng sụp bệ luôn! Mà Đức Chúa Cha không thể là ổ bánh mì ba gớt tầm thường buồn tẻ, ổ bánh Poilâne mới thật là đúng điệu. Ổ bánh mì ni hình tròn, vỏ dày và vàng, ruột mì hơi đặc và xám nâu (bise), có cấu tạo 66% bột bánh mì Poilâne, 32.5% nước và 1.5% muối biển, trọng lượng khoảng 1.9Kg. Ngoài ra Poilâne cũng có làm bánh mì quả hồ đào (noix) và bánh mì với bột lúa mạch đen (seigle). Lúc tôi còn sinh sống tại Ba Lê, gần nhà có tiệm Poilâne (chỉ có 2 tiệm cho cả thành phố), buổi sáng, trời hơi đổ lạnh, thảnh thơi đi bộ ra tiệm ni mua bánh mì, rồi trên đường về, nhồm nhoàm thưởng thức bánh nóng hổi, đầy hương vị.

Văn hóa và kỹ nghệ bánh mì và ba gớt ở xứ quận Cam bên Cali cũng thịnh hành lắm. Tôi không tường tận lịch sử mở mang của món hảo nhậu này với nhiều thế hệ Việt Kiều ở thành phố Little Saigon, chỉ biết đã lâu rồi có Bánh mì Bà Lẹ, mua hai biếu một, ăn tạm cho đỡ ghiền. Mấy năm sau ni, có Ông Lee Sandwich, mở nhiều tiệm lắm, thiên hạ đến ăn đông, các tiệm mở cửa 24/24. Tôi thử một lần không hạp khẩu vị nên tránh luôn. Phải chi ổng lấy tên John hay James Sandwich chi đó, có lẽ thiên hạ tưởng lầm ổng là cháu chít cụ Tiên tổ Lord Sandwich !

Chuyện bánh mì ba gớt bên Tân thế giới không hoàn toàn có hương vị ba gớt bên Tây cũng được đem ra đấu hót trong cái bang Aên Tục Nói Phét (ATNP) của tụi tui. Ôi thôi, rồi thì khẩu quyền cứ văng ra lung tung, kẻ nói xuôi người nói ngược, thiệt là vui nhộn. Tui chỉ mới đề xướng là bột bánh mì và nước phông tên ở đây khác xa với Pha lăng xa, nên bánh mì không ngon bằng, thế là một đệ tử sáu túi (9), gâu gâu gán tui là đệ tử ruột của Vũ Bằng : "Bánh mì baguette ở Mỹ ăn không giống bánh mì baguette ở các làng quê của Pháp, hay là khác bột, hay là lạ nước". Rồi cổ (nữ đệ tử Cái bang) còn thuyết: bên New-Orleans, lúc trời còn nóng hơn "nắng Sàigòn anh đi" của Nguyên-Sa, mà cứ hai giờ trưa cổ tản-bộ ra đường St. Charles đến tiệm La Madeleine để mua "une baguette" nóng giòn, ngon đến nỗi vừa đi vừa xực-phàn ở ngay trên đường St. Charles sang-trọng của New Orleans. Cổ cho biết tiệm La Madeleine thật ra phát xuất từ vùng Dallas-Fort Worth, " nôi " quê hương của Văn hóa Cao bồi. Lúc tui tỏ ý hoài nghi chất phẩm của ba gớt Cao bồi, làm sao mà so sánh được với xứ ngàn năm văn vật, thì chu cha cổ cong cớn, nổi cơn tam bành, nói tui có óc Nam Bắc phân tranh (séparatiste) rồi kể lể mấy chuyện phải gió của Ông Vũ Bằng :

Cứ ngồi trong Nam mà chê ỏng chê eo: " mưa Bắc nó khác mưa Nam bà ạ; con cá trong Nam to mà không ngọt bà nhỉ; thịt heo trong Nam sao không được chắc phải không ông ". Ối giời ơi nghe mà phát bực! Mà đã hết đâu, còn chuyện ni nữa :

Cho tới một ngày kia ... đang ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở trên sông Tân Thuận, trận mưa đầu mùa trút nước xuống phố phường. Những người Bắc Việt ngồi ở những bàn ăn gần đó nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm một câu gì để nói.

Một người bảo:
"Ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu hè đấy nhỉ."
Một người khác:
"Thế nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia, bà ạ"
Một người khác nữa:
"Cái gì cũng khác hết. Thôi đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây."

Tôi cũng nhận lỗi, thú thật với Nữ đệ tử sáu túi là cổ như ma xó chuyện chi cổ mò cũng ra, tui xin thưa là tôi phục cái trự Vũ Bằng ni lắm; khi y kiếm ra nhiều đề mục để nói chuyện hươu chuyện vượn, thì phải phục y chứ! Mình cũng là một nòi lòng hươu dạ cá mà lị! Rồi nghe Vũ Bằng con cà con kê chuyện mưa ngoài Bắc, tôi liên tưởng đến mưa dầm mưa dề ngoài Huế ta, có khi cả tháng không dứt, thúi cả đất, nhưng những tháng mưa ni, ít đi chợ được, ở nhà rán, chiên hay nướng mấy con cá khô, kiểu cá trích, cá cơm, ăn cơm nóng vừa chín tới, thì mới biết chỉ mưa dầm ở Huế mới cho miếng ăn ngon đậm đà như ri! Rồi tui nghĩ cô đệ tử, e cũng là cô chín cô hai chi đó ở Phú Bài :

Ở Phú Bài có cô Chín cô Hai
Ở An Cựu có bà Tú bà Cai bà Nghè
Trong Thành Nội có mấy o bán chè
Ngoài Thành Nội có mấy bà bán hột vịt lộn rao rè cả đêm

Thôi thì để kể chuyện trứng dzịt lộn cho cổ nghe. Tui mới nói : O ơi, túi khuya, kêu được bà bán hột dzịt lộn dzô, bả mang áo tơi " đọt " chứ chưa có áo ni lông trắng, rồi ngồi nghe mưa xối xả ngoài hiên nhà, ăn hột dzịt với muối tiêu, có vài cọng rau răm, không tươi mà cũng chả héo. O nghĩ coi, không có mưa Huế, thì mần răng mới thấy cọng rau răm có mùi dzị đặc biệt như dzậy? Mấy tháng mưa mà kiếm ra rau răm đâu phải dễ, mùi rau nồng nồng mùi đất, mà hơi ôi ôi mùi ẩm thấp nước mưa, tui cam đoan Bắc kỳ hổng có mùi vị lá rau răm này! Rồi tui còn kể: Chớ mấy bữa ni, túi trời mưa hơi trổ lạnh, tui nấu súp pô ta kem cải hoa lơ Brocoli, ăn với bánh mì tỏi rau mùi tây (persil), ăn dzô cũng ra riết lắm, để ghi kỷ niệm mưa Cali!

Tôi cứ dại dột tưởng cô ni chắc cũng nhớ Phú Bài, An Cựu hay Thành Nội, e cổ nghe trời mưa dầm ăn dzịt lộn, cổ cũng nhớ quê buồn nước, khuây khoả chuyện tha hương; ai dè cổ còn nổi hung, nhắn cho tui một bài tựa Vũ Bằng như ri, e ông ni mà đọc được chắc cũng thót dạ, run rẩy như khỉ phát phong, xổm tọa mà la trời:

Cho tới một ngày kia ... đang ngồi trong một căn nhà ấm cúng gần bờ biển Đại tây dương, trận mưa cuối đông trút nước xuống phố phường. Những người Paris viễn xứ ngồi ở bàn ăn nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm một câu gì để nói.
Một người bảo:
"Ở Paris, có lẽ bây giờ cũng mưa cuối đông đấy nhỉ."
Một người khác nhìn vào các khúc bánh mì, buồn bã:
"Thế nhưng mưa ở Paris, nó khác kia, bà ạ.  Nói xin bà lượng thứ, bánh mì baguette ở Mỹ này ăn không giống bánh mì baguette ở các làng quê của Pháp, hay là khác bột, hay là lạ nước."
Một người khác nữa:
"Cái gì cũng khác hết.  Mời bà dùng tạm chút potage aux brocolis.  Kem tôi dùng pha với soupe sao là lạ.  Tôi đoán ra rồi: những con vaches nuôi vùng Texas ăn toàn xương rồng sa mạc nên sữa thiếu vị."
Người thứ nhất thẩn-thờ:
"Làm sao mà bằng bò nuôi vùng núi Pyrénées với những đồng cỏ xanh mượt mà được, ông nhỉ.  Cứ nhìn vào những lá persil này cũng buồn héo ruột. Tôi đã chọn mua loại Italian parsley mà vẫn không thơm."
Người thứ hai đẫm lệ:
"Ông ơi, các lá persil này chả có một con sâu nào hết.  Vậy mà họ lại quảng cáo là organic.  Chả bù với những légumes mua ở các marchés de Paris, ngâm hai ngày mới sạch bùn..."

Đó chư vị hảo hán nghĩ coi, vậy mà cũng còn ráng nhắn thêm " thôi đừng nói nữa "; thôi thật, câm miệng chịu thua vậy,

Khốn than khốn thở, lỡ hội phân trần
Tóc không xe mà tóc rối, ruột không dần mà ruột đau!

Đó là tôi chưa dám kể kỷ niệm chuyện mưa rào ngoài Thanh, lúc chạy tản cư, tui với ông anh cũng mang áo tơi đọt, đi kiếm mấy con cá rô tức nước nhảy lên bờ nằm dãy đành đạch. Nhưng cá rô nhiều xương gai, còn sống đâu dám bắt, đem theo con dao dài lưỡi, khẻ dzô cái đầu cho nó nằm yên rồi mới bắt bỏ rọ. Về nhà bà chị phần thì rán cá rô ăn nước mắm tỏi, phần thì nấu canh cải có gừng ăn với cà tộ muối trường. Bởi tui cũng thương cũng xót mấy cơn mưa ni lắm, nhưng nói ra, thì nữ đệ tử sáu túi la làng liền :

Bắc kỳ ăn cá rô cây
Aên nhầm lựu đạn chết ngay Bắc kỳ

Mà còn thương còn quý cái con cá rô nhiều hơn nữa, để nói thêm dăm ba câu, đệ tử sáu túi có mỉa mai thì cũng ráng chịu:

Cá rô canh cải nấu gừng
Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai.

Cá rô Bầu Nón kho với nước tương Nam Đàn
Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no

Công anh làm rể đã lâu
Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô

Dưa La cà Láng nem Báng tương Bần
Nước mắm Vạn Vân Cá rô Đầm Sét

Vải Quang húng Láng ngổ Đầm
Cá rô Ðầm Sét sâm cầm Hồ Tây

Muốn ăn cơm trắng cá rô
Thì lên làng Quỷnh quấy bồ cho anh.

Nhất trong là nước giếng Hồi
Nhất béo, nhất bùi là cá rô câu.

Rô ranh róc rách đường cày
Ai ghẹo gì mày hỡi cá rô ranh

Cá rô ăn móng trong bùn
Biết đâu nhân hậu chỉ dùm cho em

Thơm gì mày hỡi hoa thiên lý
Quý gì mày hỡi cá rô sông.
Tuồng gì cua ốc ngoài đồng
Đẹp gì người ấy mà lòng say mê.

Mấy câu ca dao chót ni, đọc mà chảy nước mắt! ATNP cho sướng miệng, mà rồi thiên hạ cho hoa thiên lý nhà mình cũng không thơm, cá rô cũng chẳng quý, mà văn chương thì cứ như cua ốc ngoài đồng...Thế nhưng lũ cái bang tụi tui, nhiệt huyết, tình đoàn kết và bầu tâm sự cũng mãnh liệt lắm. Cho nên có một trưởng lão, thuở nay hay xưng là hảo hớn (10), không biết nghe nói tới mưa, chắc lại nghĩ tới kỷ niệm lúc còn bé, có trận mưa rào thì ra sân mà tắm cho thỏa thích, xá chi lúc hạn hán, giọt nước còn quý hơn vàng, nên cũng nhào dzô cuộc diễn võ dương oai này. Truởng lão kể chuyện bên Tây rồi qua tới bên ni xứ Mỹ, chuyện kể vừa hớ hênh vừa hài hước, nhưng cũng nói ra một cách thảm thiết cái khác biệt giữa xứ này xứ nọ mà Vũ Bằng thì cứ ôm lấy để có cớ mà la lối um xùm. Truyện rằng:

Một anh Việt-Kiều-Pháp trí thức đờ gốt (de gauche, thiên tả), thường nghĩ tới bao nhiêu xứ sở thế giới thứ 3, 5, 7 chi chi đó cùng cực nghèo nàn dân chúng già trẻ lớn bé không có nước xài. Mỗi tháng anh ta tắm 2 lần, mỗi lần 15 phút anh ta thấy đã sạch quá rồi. Có khi tự thấy còn sạch, khỏi tắm luôn. Anh ta qua Mỹ chơi, đi phố Bolsa cách đây cũng đã 17, 18 năm, khi phố Bolsa đã mở mang nhưng chưa sầm uất như bây giờ. Thấy dân Việt Kiều Mỹ phải ăn bánh mì Mỹ nhạt phèo mềm lỏng bỏng như nước vo gạo mà tội nghiệp thương nhớ mười mươi lối xưa xe ngưạ hồn thu thảo, bánh mì nóng dòn tan thơm phức sáng tinh sương đến khuya, hè phố Saigon đông hay vắng người lúc nào cũng có, mà nay phải ăn uống theo kiểu dân Mỹ không có răng.Thịt bò thì phải nuôi với học môn cho thớ thịt ứ nước mềm nhủn ra mà vẫn phải bằm nuốt trọng khỏi nhai. Đã nói là không có răng mà lị. Hình như bò Texas cao chất lượng hơn, không nuôi bằng học môn nên Pháp mới cho nhập cảng,  động vật nuôi học môn, từ xưa tới nay, Pháp cấm tiêu thụ. Anh VK-Pháp đã có dịp rất khoái trá ngốn ngấu Texas T-Bone steak trong vài  nhà hàng ăn Pháp bị Mỹ đô hộ mang tên hiệu là Steak House. Chữ Texas anh VK-Pháp nhớ mài mại, e nhà hàng thêm vào để câu khách, chứ xịt tếch bên Tây chả có dính líu gì với xứ cao bồi Texas. Người Việt ta xa quê hương, nhập gia tùy tục, qua Mỹ  phải theo nếp sống Mỹ,  xài hoang phí nguyên liệu cứ tưởng như trên trái đất chỉ có một mình xứ Mỹ.  Anh VK-Pháp trong khi dạo phố, nhanh mắt thấy một cô VN đang rửa sà lách ngay lề đường Bolsa, trước cửa hiệu bán đồ trang trí nhà cửa có nhiều hàng VN. Rửa sà lách thì có chi mà xem! Cô ta dùng cái vòi rồng như bên Tây ở nhà quê rửa xe hơi, nước xả ra từ vòi e cũng đã hai ngày, gần ngập đường, như lụt ở xứ Huế.  Nước tuôn xối xả, bắn vào người cô như tắm. Ngực cô ta no tròn thấp thoáng dưới làn áo mỏng mùa hè Cali. Người cô ta thon dài tràn nhựa sống, nét mặt trẻ tươi như hoa xuyên tuyết chớm nụ từ tiết lập đông đến cuối đông ngày xuân lấp lé. Cô ta nhìn anh VK-Pháp tủm tỉm. Anh VK-Pháp khoái trá gợi chuyện, quên mất sứ mệnh đờ gốt của mình đi cảnh giác dân Mỹ không được hoang phí, nên nghĩ tới hàng tỉ người trên thế giới không có nước xài. Chắc cổ đang dùng mỹ nhân kế lừa địch. VK-Pháp ta không hiểu sao gặp được cô VN-Bolsa xinh đẹp, mà lại hồn nhiên trả lời hết câu nầy qua câu nọ. Hồn vía lên mây la cà chuyện vản. Cô gái Việt-Bolsa  nhạy bén như dân bản xứ VN  với VK khắp 5 châu 4 biển tụ về. Cô thấy anh VK-Pháp dáng điệu không Cali chút nào, bèn hỏi quê quán xứ sở. Anh VK-Pháp thừa thắng xông lên, thẳng thắn khai mình đóng đô hàng chục năm nay rồi ở Thành phố Ánh Sáng của thiên hạ. Hăng máu dzịt, anh VK-Pháp mời cô VK-Cali qua Paris du lịch.

- Ui, qua bển hổng có phòng tắm !

- Hả ?

- Người ta nói bên Tây nhà ở hổng có phòng tắm.

- Tưởng gì, cô cứ qua, tôi tắm cho cô...

Hảo hớn trưởng lão kể tiếp: Chuyện ni thiệt 101%, anh VK-Pháp ta là một thằng tây đui du lịch Cali một lần không có Bà Chủ hộ tống! Một trưởng lão khác (11) nghe chuyện, phái quá, hồi tưởng lúc xưa, thuở học trò, mường tượng thấy cảnh rửa sa lách trên phố Bolsa giống y chang như ở xóm Cầu Đất hay xóm Hàng Me ngoài xứ Thần kinh, mấy cô xuân tình phơi phới, ngồi dặt áo quần bên lề đường, áo vải phin trắng, nõn nà thấm nước, rành rành sẵn đúc một toà thiên nhiên, mà trưởng lão đã bao lần ngẩn ngơ chiêm ngưỡng, chân bước đi mặt còn ngoãnh lại. Thế nhưng trưởng lão cũng thua chàng VK-Pháp nhà ta, không dám thỏ thẻ " Em về mí anh rồi anh tắm cho... ". Té ra trưởng lão ni không phải là con thằn lằn, gặp giai nhân mà thành tài tử, qua lề đường, gặp mỹ nữ mà không biết mắt đưa lời gởi. Tiếc lắm thay!

Cụ Nietzsche ơi, con cứ tưởng cụ chỉ đường cho con để con cà con kê với mấy dzụ ba gớt, hóa ra ma đưa lối quỷ đưa đường, con đi mua thêm chuyện hoang đường, chuyện mộng chuyện mị bên nước Thiên trúc, thôi thì xin cụ thứ lỗi cho. Lũ con, trưởng lão, đệ tử đực rựa cái bang ATNP ni, đứa mô trong lòng cũng ôm một hình ảnh cô em xứ Huế, hiền thật hiền mà xinh thì thật xinh, nhưng đứa mô cũng biết đó chỉ là ảo ảnh...

Gió thổi pho pho, đưa đò lên Huế,
Trăng non đoài vội xế về Vinh
Em đây vốn thiệt của mình...

Gavilan Springs ngày Xuân Phân Tháng 2 năm Bính Tuất, 22/03/2006

Nguyễn Quốc Bảo

Chú thích

(1) Nietzsche's Nachlaß bản dịch của A. Danto và Menschliches, Allzumenschliches bản dịch của R.J Hollingdale.

(2) Bạn thân nối khố mà cũng là niên trưởng ở Thiên Hựu ngoài Huế, trưởng lão ni, trước khi dzô nhà thương giải phẫu ung thư ruột kết, viết thư ngỏ cho Cái bang, nói "Giờ đây tuy đã xế chiều, mà trời còn sáng!". Mới đây, được tin Trưởng lão đã từ từ bình phục.

(3) Chuyện ngộ nhận, vì đôi đũa là Les baguettes (chopstick) mà bánh mì ba gớt là La baguette !

(4) Xin đọc tạp luận " Ăn sáng ăn trưa ". Tại Pháp mấy bữa rày (tháng 12 dương lịch 2005), xôn xao chuyện nghị viện bỏ phiếu biểu quyết dự luật " khía cạnh thiết thực (tích cực) của nền thuộc địa - le rôle positif de la colonisation ". Dự luật này sẽ cho phép trong sách giáo khoa phô trương khía cạnh tốt đẹp của chính sách thuộc địa, như ở Nhật, trẻ con học xứ mặt Trời vác lính đi đánh nhau để khai hóa Á châu.

(5) Tiếng Tây bồi: Coucher donc mon cher petit, maintenamt fini papa.

(6) Em học trường Nguyễn Văn Khuê, sáng làm toán, chiều làm luận, tối ăn bánh mì ba ghét!

(7) Xừ Ba la đuya ni bạn thân của xừ Xi rắc trên 20 năm, nhưng rồi năm 1995 cũng phản Xi rắc để ra ứng cử Tổng thống, nhưng bị thua.

(8) La Vie est Belle. Một trưởng lão của cái bang ATNP cũng có tên hiệu La Vi Bênh.

(9) Nữ Đệ tử Cái bang ATNP sáu túi, tiến sĩ Toán học Vi Tính, nay cư ngụ tại Texas.

(10) Truởng lão cái bang ATNP, một hảo hớn có hạng trên giang hồ, cư ngụ tại Ba Lê.

(11) Trưởng lão ni, phong cho mình là Lão Tà, văn hay võ giỏi, cư ngụ ở Westminster, CA.