Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]             [ PDF ]
 
 TRIỆU CƠ
趙 姬
Người đàn bà loạn dâm trong cung Tần

 Phạm Xuân Hy

Lã Bất Vi ( ?-235 trước CN), là người Bộc Dương nước Vệ thời Chiến Quốc, nguyên là một thương gia, tại kinh đô Hàm Đan của nhà Triệu, Lã Bất Vi gặp Tần Công Tử là Dị Nhân, lúc đó bị nước Tần phái sang làm nhân chất ở nước Triệu.
Lã Bất Vi cho rằng Dị Nhân có thể là " kỳ hóa khả cư ", nên Lã Bất Vi vào nước Tần du thuyết Hoa Dương Phu Nhân, ái thiếp của An Quốc Quân, lập Dị Nhân làm Thái Tử.

Đến khi Tần Trang Tương Vương, tức Dị Nhân, lên nối ngôi cha, bổ nhiệm Lã làm Tướng Quốc, phong làm Văn Tín Hầu.
Khi Tần Trang Tương Vương qua đời, Tần Vương Chinh mới có 13 tuổi lên Kế Vị, Lã Bất Vi kế tục giữ chức Tướng Quốc, hiệu là Trọng Phụ, thực ấp hai huyện ở Lam Điền, và 20 hộ ở Lạc Dương Hà Nam. Lã Bất Vi còn lợi dụng sự mâu thuẫn của hai nước Yên và Triệu, được Triệu, được Yên hiến cho mười thành trì ở Hà Giang để làm phong ấp ( vùng đông nam huyện Hiến tỉnh Hà Bắc. )

Trong thời kỳ chấp chính, Lã Bất Vi tấn công các nước Chu, Triệu, Ngụy và chiếm đất của những nước này để thành lập các quận Tam Xuyên, Thái Nguyên, Đông Quận. Trong nhà Lã Bất Vi, môn khách có đến ba ngàn người, gia đồng có cả vạn đứa.

Cuối thời kỳ Chiến Quốc, nhằm mục đích chấn hưng đất nước, Tần Hiếu Công dùng Thương Ửơng để biến pháp, cùng với lục quốc ở trung nguyên, đánh thành cướp đất, dân dần trở nên một nước hùng mạnh đứng đầu lục quốc, khiến cho vua nhà Chu là Chu Nõan Vương phải đem cửu đỉnh, báu vật tượng trưng cho chính quyền của nước mình dâng cho Tần.
Trong lục quốc lúc bấy giờ, thực lực giữa hai nước Tần và Triệu tương đối là ngang ngửa với nhau. Liêm Pha, danh tướng của nước Triệu từng cầm quân đanh bại hai lần tấn công của nước Tần, nên Tần buộc phải đem người con nhỏ là Dị Nhân, con của một nàng phi tử với Thái Tử, sang làm con tin, bên nước Triệu.

Khỏang năm 265 t CN đến 259 t CN, Lã Bất Vi thường đến buôn bán ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, gặp được Dị Nhân, bấy giờ đang bị là nhân chất sống ở Triệu. Lã Bất Vi gặp Dị Nhân, trông lòng cho rằng Dị Nhân có thể " kỳ hóa khả cư ", có nghĩa là một lọai hàng hóa hiếm quý, tích trữ giữ lại để bán giá cao về sau này, máu con buôn là vậy, nên Lã Bất Vi dùng hết tâm chí để kết giao với Dị Nhân, dần dần trở thành tri giao.

Dị Nhân sống nơi đất lạ quê người, nhìn xa nhìn gần, quanh mình không có một người thân, nay lại có người tự nguyện đến nghe mình than thở kể lể tâm tình, lại còn lo tương lai tiền đồ chính trị cho mình, khiến Lã Bất Vi cảm kích đến rơi lệ, bèn đem hết nỗi sót sa, khổ muộn, buồn chán nơi dị hương đất khách, nhất nhất giãi bầy cho Lã Bất Vi nghe.

Lã Bất Vi nghe xong, bèn đến nước Tần, thay Dị Nhân, bỏ tiền bạc hối lộ mua chuộc Hoa Dương Phu Nhân, sủng phi của An Quốc Quân, Thái Tử nước Tần, nhờ Hoa Dương Phu Nhân khuyên Thái Tử lập Dị Nhân làm Trừ Nhị. Lã Bất Vi lại bỏ ra một ngàn tiền vàng để tặng Dị Nhân, để cho Dị Nhân có tiền kết giao với các tân khách. Dị Nhân vạn phần cảm kích, nhân thế cùng Lã Bất Vi kín đáo ký kết mật ước, như nếu tương lai sau này, Dị Nhân được làm Tần Vương, tất sẽ cùng Lã Bất Vi chia sẻ vinh hoa phú quý. Do đó, Lã Vất Vi sang nước Tần để họat động cho Dị Nhân. Dọc đường, Lã Bất Vi mua vô số trân châu bảo vật.

Đến khi vào đến đất Tần, việc làm đầu tiên của Lã Bất Vi là liên lạc với người chị của Hoa Dương Phu Nhân. Nguyên vì Hoa Dương Phu Nhân là sủng phi của An Quốc Quân, nhưng lại không có con nối dõi. Vì vậy, người chị của Hoa Dương Phu Nhân mới khuyên Hoa Dương Phu Nhân nên nhận Dị Nhân làm nghĩa tử.

Nàng bảo với Hoa Dương Phu Nhân rằng :

-Phu Nhân không có con, nên sớm tính chuyện chọn người nối dõi đi, bằng không, đợi đến lúc sắc đẹp phai tàn, không còn được sủng ái nữa, thì biết dựa vào ai. Nay Dị Nhân bị đưa sang làm nhân chất bên nước Trịêu, nên ngày đêm thường thương nhớ Thái Tử với Phu Nhân mà khóc, sao Phu Nhân không thừa cơ hội này mà lập Dị Nhân làm đích tự. Như thế, Dị Nhân sẽ cảm kích ân huệ của Phu Nhân mà không quên. Còn Phu Nhân cũng sẽ có nơi nương dụa cho đến hết đời.

Nghe người chị nói như vậy, Hoa Dương Phu Nhân, như người trong mộng vừa tỉnh dậy. Ngay đêm hôm ấy, Hoa Dương Phu Nhân đem việc nói với An Quốc Quân, quyết định lập Dị Nhân làm đích tử.

Lã Bất Vi trở về nước Triệu, từ đó giao tình với Dị Nhân mỗi ngày càng thêm thân thiết đậm đà hơn. Lã Bất Vi còn suy nghĩ tính tóan một điều khác nữa. Tuy là một thương gia phi thường thành công giầu có, nhưng thâm cảm thấy rằng địa vị của người thương nhân trong xã hội quá thấp kém, và trong thời buổi lọan ly, các nước tranh nhau làm bá chủ. Mà nước Triệu và nước Tần lại sát ở gần nhau. Nước Triệu vừa nhỏ lại vừa yếu, thì tốt hơn cả là vào nước Tần tham chính.

Lã Bất Vi suy di tính lại, ý muốn lợi dụng người nứơc Tần là Dị Nhân để sắp xếp kế họach nhập Tần.

Trong khi đó, tại kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, có một nàng ca kỹ tên là Triệu Cơ. Môi đỏ như hoa anh đào. Hai hàng răng trắng như bạch ngọc. Dáng người lả lướt như chim yến ;Trông kiều diễm rung động lòng người. Lã Bất Vi bỏ rất nhiều tiền không hề ngần gại, mua Triệu Cơ về làm thiếp. Ba tháng sau thì Triệu Cơ mang thai.

Bấy giờ, Lã Bất Vi mới đem sự thật nói cho Triệu Cơ rằng :

-Ý ta tính muốn chiếm lấy thiên hạ nhà Tần, vì thế nên cưới khanh về, chờ khanh có thai sẽ hiến khanh cho Dị Nhân. Lúc này Dị Nhân làm con tin ở nước Triệu, chưa vợ con gì cả. Như quả, khanh sinh con trai, Dị Nhân tất sẽ lập làm con nối dõi. Đến khi Dị Nhân qua đời, thì đứa bé sẽ lên kế ngôi. Vợ chồng chúng mình do đó mà làm chủ thiên hạ nhà Tần.

Triệu Cơ, nghe Lã Bất Vi nói vậy thì đồng ý ngay.

Ngày hôm sau, Lã Bất Vi mở yến tiệc để mời Dị Nhân. Trong tiệc bầy hàng trăm thứ của ngon vật lạ. Đàn hát, vũ nữ đứng thành hành ở hai bên. Chờ cho Dị Nhân uống đến lúc túy lúy càn khôn, bấy giờ Lã Bất Vi mới cho gọi Triệu Cơ đi ra. Dị Nhân thấy Triệu Cơ ăn mặc rực rỡ, mày ngài mắt phượng, mái tóc như mây, gót sen lả lướt, lại thêm mùi thơm từ tay áo bay ra phảng phất, khiến cho Dị Nhân đôi mắt như mờ hẳn đi, thần trí hỏang hốt mê như mộng, nhưng chỉ dám đưa mắt nhìn trộm. Còn Triệu Cơ cũng đong đưa khóe mắt, uyển chuyển tống tình, thẹn thò nhìn Dị Nhân nhưng không nói lời nào, rồi tiến đến rót rượu mời Dị Nhân.

Dị Nhân tiếp lấy chén rượu, nhưng hai mắt vẫn không rời Triệu Cơ. Chính khi đó thì Lã Bất Vi cũng đã rượu say ngủ gục trên bàn tiệc. Dị Nhân bèn nhân cơ hội nắm lấy tay áo của Triệu Cơ kéo nàng vào sát người mình. Triệu Cơ tỏ vẻ vừa giận vừa vui, nửa như muốn đẩy Di Nhân ra, nửa như muốn ngả vào lòng Dị Nhân.

Giữa lúc đó, bỗng có tiếng đập bàn thật lớn, rồi nghe tiếng Lã Bất Vi hét to, mắng :

-Ngươi cả gan dám chòng ghẹo ái thê của ta sao ?

Dị Nhân hỏang hốt quay đầu lại nhìn, thấy Lã Bất Vi đùng đùng nổi giận, đứng sừng sừng ngay bên cạnh bàn, thì sợ hãi, ba hồn bẩy vía bay lên mây hết, vội vàng quỳ xuống đất xin Lã Bất Vi tha mạng.

Nhưng Lã Bất Vi chỉ cười nhạt, nói :

-Chúng mình giao hảo với nhau đã mấy năm nay, điện hạ đáng lẽ chẳng nên làm như thế. Gỉa như có yêu vợ tôi, thì cũng nên bảo nhau một tiếng, lẽ nào lại lén lút như bị ma ám vậy ?

Dị Nhân nghe Lã Bất Vi nói thế, nhất thời liền chuyển sợ thành vui, hướng về phía Lã Bất Vi khấu đầu cầu khẩn, thưa :
-Đệ bị làm con tin nơi đất lạ xứ người, khách lữ cô đôn, xin huynh cho Triệu Cơ làm vợ đệ, nếu được như vậy, thì sau này phú quý, đệ thề sẽ báo đáp !

 Lã Bất Vi còn đang trầm ngâm suy nghĩ, thì Dị Nhân lại tiêp :

-Đệ xin thề " sống thì kết thảo, chết thì ngậm vành ", không dám quên ơn nghĩa của huynh đâu.

Lã Bất Vị giả vờ giận dỗi, nói :

-Nếu như điện hạ đã thích, thì tôi cũng xin tặng cho điện hạ thôi. Nói chi chuyện báo đáp làm gì !

Rồi nâng Dị Nhân đứng dậy, dắt Triệu Cơ đến ngồi bên cạnh Dị Nhân, và cả ba cùng nhau tiếp tục yến ẩm cho đến mãi thật khuya. Sau đó, Lã Bất Vi tiễn Triệu Cơ lên xe bầu bạn với Dị Nhân, cùng trở về khách quán.

Từ sau ngày được Triệu Cơ, Dị Nhân đêm ngày cùng Triệu Cơ xóăn súyt. Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc tám tháng bay vèo. Triệu Cơ sinh được một người con trai. Mũi to. Mắt xếch. Trán vuông. Đẻ ra đã có răng. Nhân sinh vào ngày nguyên đán chính nguyệt nên đặt tên là Chính, và lấy họ mẹ gọi là Triệu Chính.

Ba năm sau, hai nước Tần, Triệu bất hòa. Tần đem quân vây kinh đô Hàm Đan của Triệu.

Nước Triệu tính đem Dị Nhân ra giết. Lã Bất Vi phải đem tiền của hối lộ viên quan coi giữ Dị Nhân, để thả Dị Nhân trở về Tần.

Dị Nhân về đến Tần, vào gặp Hoa Dương Phu Nhân, khóc lóc kể lể nỗi xa cách nhó thương, và nhận Hoa Dương Phu Nhân là người nước Sở, Dị Nhân thay đổi trang phục, ăn mặc theo lối người Sở, làm cho Hoa Dương Phu Nhân thêm niềm cảm động, thương sót, lau nước mắt mà bảo với Dị Nhân rằng :

-Ta là người nước Sở, thấy khanh hạ mình chiều theo ý ta, ta nguyện ý nhận khanh làm dưỡng tử, khanh hãy cải danh là Tử Sở.

 Dị Nhân bèn nhận Hoa Dương Phu Nhân, người đàn bà chỉ hơn mình có ba tuổi làm mẹ. Cũng từ đấy, Dị Nhân sớm chiều ra vào ân cần thăm hỏi Hoa Dương Phu Nhân.

Khi Tần Chiêu Tương Vương qua đời, An Quốc Quân tức vị, tức Tần Hiếu Văn Vương, lập Tử Sở làm Thái Tử. Nhưng sau đó ba ngày, Tần Hiếu Văn Vương lại qua đời. Tử Sở lên kế vị tức Tần Vương, tôn Hoa Dương Phu Nhân làm Hoa Dương Thái Hậu, và mẹ đẻ là Hạ Cơ làm Hạ Thái Hậu, lập Triệu Cơ làm Vương Hậu, con là Doanh Chính ( nhân vì trở về nước Tần, Triệu Chính lấy lại họ Doanh của mình nên gọi là Doanh Chính ) làm con nối nghiệp, và bổ nhiệm Lã Bất Vi làm Tướng Quốc, tước Văn Tín Hầu, thực ấp Thập Vạn Hộ ở Lạc Dương Hà Nam.

Thấm thóat bốn năm trôi qua, Tử Sở đắm say mê lọan trong chốn phòng the cung cấm. Tinh huyết cạn khô. Nguyên khí hao tổn. Lại thêm Triệu Cơ đêm đêm tận lực dâng hiến, đem hết kỹ năng nghề tình ra phụng sự. Tử Sở tham hoan thành tật, được ít lâu trở nên suy nhược, hết kham nổi.

Rồi một đêm, trong lúc trên giường say sưa ngọan lạc, Tử Sở bị trúng gió, ô hô táng mệnh.

Tuổi mới vừa ba mươi sáu.

Bấy giờ Doanh Chính mới có mười ba tuổi, lên kế vị Tần Vương. Vì Doanh Chính còn niên ấu, nên Thái Hậu Triệu Cơ buông rèm thính chính. Tòan bộ quốc sự ủy nhiệm vào tay Lã Bất Vi, và được tôn là Trọng Phụ. Còn Triệu Cơ tuy là Thái Hậu, lúc đó tuổi cũng chưa đến ba chục, không chịu đựng nổi cảnh chăn đơn gối lẻ, tịch mịch cô đơn trong cung cấm, nên lại cùng Lã Bất Vi nối lại cựu tình, bí mật lai vãng. Bọn cung nga, thái nữ, đều là người tâm phúc của Triệu Cơ, tự nhiên là phải kín miệng như bưng. Còn Doanh Chính thì ít tuổi, không hiểu rõ điều bí ần giữa hai người. Vì thế, Triệu Cơ và Lã Bất Vi kín đáo tư thông với nhau như đôi vợ chồng.

Dần dần Doanh Chính lớn lên, còn Lã Bất Vi cũng già đi, sức bất tòng tâm. Trong khi đó, lòng ham muốn nhục dục của Triệu Cơ không ngừng. Thường thường luôn luôn tuyên triệu Lã Bất Vi vào trong cung để hành lạc.

Nhưng Lã Bất Vi sợ việc bị bại lộ, bèn cho tìm một người có " vật riêng " kích thước to lớn tên là Lao Ái, bổ nhiệm làm xá nhân. Qủa thật vật ấy tráng kiện và vĩ đại. Lao Ái từng đùa nghịch dùng nó xuyên nhập vào lỗ bánh xe, để cho bánh xe quay.

Lã Bất Vi hết lời tán dương tuyệt kỹ của Lao Ái với Triệu Cơ, khiến Triệu Cơ hâm mộ, muốn đích thân thử một lần cho biết.

Nhân thế, Lã Bất Vi cạo gọt hết râu ria của Lao Ái để giả trang làm thái giám, đem vào trong cung phục thị hầu hạ Triệu Cơ. Lao Ái đúng thuộc lọai " cửu chiến bất bì ", khiến cho Triệu Cơ tri chì không nổi, mừng rỡ như bắt được vàng. Từ đấy, Triệu Cơ cùng Lao Ái ở trong hậu cung đêm ngày tham hoan hưởng lạc. Được ít lâu thì Triệu Cơ có thai. Lao Ái và Triệu Cơ kín đáo bàn bạc với nhau, mua chuộc bọn bộc nhân đầy tớ, nói trá là trong cung bất lợi cho Thái Hậu, nên dời cư đến nơi khác để tránh tai họa. Doanh Chính không biết đó là điều nói dối, bèn đưa mẫu hậu đến cư trú ở Ung Cung. Từ đấy, hai mẹ con mỗi người một ngả, chẳng còn gì trở ngại tỵ hiềm nữa.

Triệu Cơ trước sau sinh được hai người con trai, nhưng Doanh Chính đều không hay biết. Trái lại, do mẫu thân yêu cầu, Doanh Chính phong cho Lao Ái làm Trường Tín Hầu, ban cho mấy ngàn nô tỳ, thực ấp ở Sơn Dương.

Oai quyền của Lao Ái mỗi ngày một lớn, mật mưu riêng với Triệu Cơ, mưu tính đưa con tư sinh của hai người lập làm tự vương. Nhưng Lao Ái vốn xuất thân chỉ là dân đầu đường xó chợ, tiểu nhân đắc chí, tránh không khỏi nói năng không có suy nghĩ. Một hôm, Lao Ái, yến ẩm cùng với một viên đại thần, lúc quá chén, rựơu vào lời ra, xẩy ra cãi cọ.

Lao Ái mới tức giận, lớn tiếng chửi :

-Ta là giả phụ của Tần Vương, ngươi cả gan cùng ta đấu khẩu à ? Chắc ngươi có mắt không tròng, không còn biết trên, dưới là gì nữa !

Viên đại thần cũng không chịu nhục, bèn đem những lời nói của Lao Ái tâu lại với Tần Vương Chính.

Doanh Chính vốn người có tướng mũi ong, mắt xếch, bản tính hà khắc, khinh bạc, qủa ân, nghe thấy những lời Lao Ái nói như thế, không dằn nổi cơn tức giận, lập tức hạ lệinh điều tra hư thực. Sau lại được báo cáo là Lao Ái chỉ là người thường, không phải là người bị họan, thực sự có thông gian với Thái Hậu và sinh đợc hai con.

Lao Ái cũng được biết tin đó, lẽ nào khoanh tay chờ chết. Bền ngụy tạo chiếu thư, điều động vệ binh và huyện tốt để đối phó với Tần Vương Chính. Hai bên cùng nhau giao chiến, nhưng Lao Ái binh bại bỏ chạy tứ tán. Doanh Chính bắt được Lao Ái đem ra xử tội " Ngũ Mã Phân Thi ", và " Chu Di Tam Tộc " của Lao Ái. Sau đó cho tướng đến lục sóat Ung Cung, bắt giết hai đứa con tư sinh của Lao Áí và Triệu Thái Hậu, và đem Triệu Thái Hậu về u cấm tử Hàm Dương Cung.

Riêng Lã Bất Vi vì đưa Lao Ái giả làm thái giám vào cung thông gian với Thái Hậu, phạm tội khi quân, lẽ ra phải chịu chung tội với Lao Ái, nhưng nghĩ đến công Lã Bất Vi phụng thị giúp đỡ tiên vương, tức Tử Sở, nên cho lấy công chuộc tội, nhưng bị bãi chức Tướng Quốc, đuổi về sống ở phong địa ở Hà Nam.

Lã Bất Vi sông ở Hà Nam được hơn một năm, các chư hầu quốc ở vùng Sơn Đông đều cho sứ giả liên tiếp đến thăm hỏi, vấn an. Việc này đến tai Tần Vương Doanh Chính. Để phong ngừa sự nổi dậy phản lọan của Lã Bất Vi, Doanh Chính bèn viết một chiếu thư, biếm Lã Bất Vi đến đất Thục bắt buộc phải dời khỏi Hà Nam ngay:

" Ngươi có công trạng gì với nước Tần mà được phong quốc ở Hà Nam, thực ấp cả thập vạn hộ ? Ngươi có thân thuộc bà con gì với nước Tần mà xưng là Trọng Phụ ?. Nay ngươi phải cấp tốc đem gia đình dời cư gấp đến đất Thục, không được chần chừ gì nữa "

Lã Bất Vi đọc xong chiếu thư, buông mấy tiếng thở dài, đôi mắt rưng rưng như muốn rơi lệ. Bụng bảo dạ, nếu đem nói hết thực tình, một người tính tình kiêu ngạo và hà khắc như Tần Thủy Hòang, việc lộ ra ngòai, chỉ là rước họa vào thân thôi. Lã Bất Ví suy đi tính lại, thấy tương lai chắc chẳng có gì là tốt, chi bằng nhân bây giờ kết liễu đời mình cho khỏi khổ về sau. Bèn lấy rượu độc ra, cố dốc vào miệng, một lát sau thì thuốc ngấm, hồn du địa phủ.

Suốt cuộc đời của Lã Bất Vi khổ tâm tính tóan kinh doanh. Lúc đầu thì bằng những chén rượu ngọt, cuối cùng lại phải kết liễu đời mình bằng một chén rượu độc.

Còn Triệu Cơ, sống thêm được vài năm nữa, rồi cũng qua đời trong uất hận đau buồn.

Câu truyện trên đây đã được Tư Mã Thiên tường thuận theo lối truyền kỳ cố sự trong " Sử Ký-Lã Bất Vi Liệt Truyện ". Theo Tư Mã Thiên, mẹ của Doanh Chính là nàng kỹ nữ Triệu Cơ, vợ của lái buôn Lã Bất Vi, nhưng Dị Nhân vì say đắm sắc đẹp của Triệu Cơ nên muốn lấy nàng.

Lã Bất Vi miễn cưỡng phải đem vợ gả cho Dị Nhân

Tư Mã Thiên còn ghi rõ là, khi Triệu Cơ về nhà Dị Nhân thì đã có thai, nhưng Dị Nhân không biết, đến khi mãn nguyệt thì sinh ra Chính.

Điều mâu thuẫn ở đây là Dị Nhân, cũng như người đời lúc bấy giờ, đều cho Chính là con của Dị Nhân Nên sau đó, khi Dị Nhân lên nối ngôi vị Tần Vương, tức Tần Trang Tương Vương, thì Triệu Cơ được phong làm Vương Hậu, Lã Bất Vi làm Tướng Quốc, Doanh Chính làm Thái Tử.

Việc Tư Mã Thiên coi Chính là con của Lã Bất Vi, hơn một trăm năm sau, cũng được sử gia Ban Cố đồng tình chấp nhận, nên trong " Hán Thư ", Ban Cố đã gọi Doanh Chính là Lã Chính.

Tác giả Bốc Đức trong bài " Trung Quốc Đích Đệ Nhất Cá Thống Trị Gỉa " lập luận cho rằng việc Tư Mã Thiên đem việc một người đàn bà vô danh có thai vào " sử ký " là một việc " phi bình thường ", chỉ là nhằm mục đích phỉ báng Tần Thủy Hòang, để chứng minh chính trị và thân thế nguồn gốc của vị bạo quân này không thuộc chính thống, tuy vậy, lập luận này cũng khó mà dẫn chứng được. Cũng như bảo Tần Thủy Hoàng là " con lái buôn - thương nhân chi tử 商人之子 ", hay " Con rơi, con riêng - Tư sinh tử 私 生 子 " thì cũng thế thôi, vì theo truyền thống của Trung Quốc " lái buôn " bị nho sinh các đời sau liệt vào hạng thấp hèn nhất trong xã hội.

Nhưng rõ ràng thuyết coi Tần Thủy Hòang là " con vợ lẽ " thì cho đến bây giờ vẫn được công nhận. Nhưng liệu " Sử Ký " của Tư Mã Thiên có bị sửa đổi, hay sóan cải không ? Lịch sử của Trung Quốc chứng minh rằng có nhiều lúc sử đã đựơc viết theo lệnh và ý riêng của vua chúa cầm quyền đương thời. Và ngay cả thời hiện đại của chúng ta, chúng ta liệu có thể nào tin được rằng các các sự kiện lịch sử được viết một cách công bằng, mà không có lập trường chính trị phe phái không ?

Còn Vương Thế Trinh, sử học gia nổi tiếng đời Minh, trong " Độc Thư Hậu Ký ", đã tỏ ra hòai nghi về tính chất chân thực giai thọai bên trong " Lã Bất Vi Liệt truyện " của Tư Mã Thiên. Ông đưa ra hai lập luận :

1-Chính Lã Bất Vi muốn bảo vệ sự phú quý của mình đã cố tạo ra câu chuyện là mình là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng.

2-Những môn khách của Lã Bất Vi, chửi Tần Thủy Hoàng là con rơi, con riêng, để trút bớt nỗi căm phẫn, nên đã viết ra thuyết này.

Qúach Mạt Nhược bài " Thập Phê Phán Thư " cũng tỏ ra nghi ngờ chuyện Lã Bất Vi là cha đẻ của Tần Thủy Hòang, với ba nghi vấn :

1-Sự tích Lã Bất Vi là cha đẻ của Tần Thủy Hòang chỉ thấy " Sử Ký " của Tư Mã Thiên, nhưng trong " Chiến Quốc Sách ", là một cuốn sách ghi chép các lời nói, việc làm, sự tích của các mưu thần, sách sĩ thời Chiến Quốc, do Lưu Hướng ngươi thời Tây Hán biên hiệu và chỉnh lý.

2-Cố Sự về Lã Bất Vi và nàng Triệu Cơ giống như chuyện Xuân Thân Quân với nàng Nữ Hòan, tình tiết mang tính tiểu thuyết.

3- Chính trong " Lã Bất Vi Liệt Truyện " lại có câu : " 子 楚 夫 人 趙 豪 家 女-Tử Sở phu nhân Triệu hào gia nữ- Vợ Tử Sở là con nhà giầu có tai mắt ở nước Triệu ", như thế há chẳng phải là Tư Mã Thiên tự mâu thuẫn sao ?
Dã hai ngàn năm trôi qua, sự tranh luận liên quan đến thân thế của Tần Thủy Hòang đến nay vẫn chưa tìm được một cái nhìn nhất chí.

Tuy nhiên, bất luận dù Triệu Cơ mang thai rồi mới lấy chồng, và Doanh Chính có thật là huyết mạch của Tử Sở hay không, thì cũng không thể nào che đậy được địa vị trọng yếu của Tần Thủy Hoàng trong lịch sử Trung Quốc.
Hoặc thôi, chẳng bàn đến nữa

(Phạm Xuân Hy-Paris ngày 4-8-2009 - 22h09).
_____________________

Chú thích riêng của Phạm Xuân Hy

Công Tử
公子

1-Cổ xưa, ngoài người con đích của chư hầu vương, thì những người con khác được gọi là công tử, chẳng hạn như trong sach "Sử Ký-Ngụy Công Tử Liệt Truyện" thì Ngụy Công Tử Vô Kỵ là con út của vua Ngụy Chiêu Vương, và là em của vua Ngụy An Hy Vương, người anh cùng cha khác mẹ với Ngụy Công Tử Vô Kỵ.
Tề Hoàn Công khi chưa lên ngôi được gọi là Công Tử Tiểu Bạch.
Tấn Văn Công khi chưa tức vị cũng gọi là Công Tử Trung Nhĩ.

2-Về sau, người ta thường gọi con các quan lại là công tử, rồi dần dần tôn xưng con người khác cũng gọi là công tử.

3-Trong cách xưng hô, gọi người đối thoại với mình là công tử là để tỏ ý kính trọng người đó.

4-Con gái thì gọi là “nữ công tử”

Nhân Chất
人 質

Chất , có nghĩa là dệ áp, tức cầm cố, thay thế. Nhân Chất 人質 là người được đem ra để thế' làm con tin.
Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, sự liên lạc giữa các nước chư hầu, vì để tỏ lòng tín nhiệm của nhau, thường phái những nhân vật trọng yếu của nước mình sang cư trú tại nước đối phương để làm đệ áp, để thế. Người bị phái đi như vậy gọi là Nhân chất, thông thường là do con của quốc vương đảm nhậm, còn gọi là "Chất Tử", hay "Giao Chất".
Nếu như trong hai nước, một nước mạnh, một nước yếu, thì chỉ có nước yếu gửi Nhân Chất đến nước mạnh mà thôi, còn nước mạnh không phải gửi người sang. Đó là trường hợp Tử Sở, cha của Tần Thủy Hoàng, sang làm con tin nước Triệu.
Trong cuộc bang giao giữa nhà Hán và vua Nam Việt, nước Nam Việt bị yếu thế, phải phái thái tử Anh Tề, con của Triệu Văn Vương, sang Hán làm nhân chất.

Phu Nhân
夫 人

1-Đời nhà Chu gọi vợ của các chư hầu là Phu Nhân. Đến đời nhà Hán, vợ của các Liệt Hầu cùng gọi là Phu Nhân.

2-Đời cổ vợ bé của các đến vương gọi Phu Nhân. Đời nhà Hán vợ bé của các Hòang Đế cũng gọi là Phu Nhân, như gọi người sủng thiếp của Hán Võ Đế họ Lý là Lý Phu Nhân.

3-Phu Nhân còn là phong hiệu của phụ nữ, bắt đầu có từ thời Vương Mãng. Vương Mãng phong cho vợ của Thôi Triện họ Sư là Nghĩa la Phu Nhân. Đến đời Đường, mẹ hoặc vợ của các quan văn võ nhất phẩm gọi là Quốc Phu Nhân, tam phẩm trở lên gọi là Quận Phu Nhân.

4-Phu Nhân còn dùng để gọi một cách kính trọng người đàn bà đã lấy chồng

Kỳ Hóa Khả Cư
奇貨可居

Tức hàng hóa trân quý được thương nhân tích trữ giữ lại để chờ cao giá mới bán kiếm lời nhiều. Cũng còn được dùng để tỷ dụng người nào dựa vào tài năng kỹ thuật độc đáo của mình để có được địa vị, hoặc danh lợi lớn.

Nguyên câu này được trích từ sách " Sử Ký -Lã Bất Vi Liệt Truyện " cua Tư Mã Thiên, như sau :

" 子 楚 , 秦 諸 庶 孽 孫,質 於 諸 侯,車 乘 進 用 不 饒,居 處 困,不 得 意。 呂 不 韋 賈 邯鄲 ,見 而 憐 之,曰'此 奇 貨 可 居 ' - Tử Sở, Tần chư thứ nghiệt tôn, chất ư chư hầu, xa thừa tiến dụng bất nhiêu, cư xử khốn, bất đắc ý. Lã Bất Vi cổ Hàm Đan, kiến nhi lân chi, viết : ' thử kỳ hóa khả cư ' - Tử Sở là cháu vua Tần, con vợ lẽ Thái Tử, bị làm con tin ở chư hầu, xe cộ tiền bạc không đủ, ăn ở tiêu dùng khốn khó, lòng bất như ý. Lã Bất Vi đi lại buôn bán ở Hàm Đan, thấy vậy, tỏ ý thương hại, mới nói : ' Đây là hóa phẩm hiếm quý, có thể tích trữ bán làm giầu được ' "

Câu thành ngữ " Kỳ Hóa Khả Cư " này cho thấy rằng người Trung Hoa đã có truyền thống buôn bán tich trữ từ rất lâu đời, mà người Việt không có, nên thường bị thất bại về phương diện thương mại.

Trọng Phụ
仲 父

1--Thời cổ gọi người em lớn của cha mình là Trọng Phụ, theo sách " Dịch danh giải thích ; " 父 之弟 曰 仲 父……仲 父 之 弟 曰 叔 父。 Phụ chi đệ viết Trọng Phụ, Trọng Phụ chi đệ viết Thúc Phụ-Người em của cha gọi là Trọng Phụ…Người em của Trọng Phụ thì gọi là Thúc Phụ. "

" Sử Ký-Lã Bất Vi Liệt Truyện " của Tư Mã Thiên chép : "莊 襄 王 即 位 三 年,薨,太 子 政 立 為王,尊 呂 不 韋 為 相 國,號 稱 ' 仲 父- Trang Tương Vương tức vị tam niên, hoăng, Thái Tử Chính lập vi vương, tôn Lã Bất Vi vi Tướng Quốc, hiệu xưng Trọng Phụ - Trang Tương Vương tức vị năm thứ ba thì qua đời, Thái Tử là Chính được lập làm Tần Vương, tôn Lã Bất Vi làm Tướng Quốc, gọi là Trọng Phụ. "

-Thời Xuân Thu, Tề Hòan Công cũng từng tôn Qủan Di Ngô là Trọng Phụ để giao việc nước. " Trọng " là tên tự của Qủan Di Ngô. " Phụ " có nghĩa là thờ kính như cha. Về sau nhân thê gọi Qủan Di Ngô là Qủan Trong.

-Trọng Phụ cũng còn chỉ Khổng Tử. Khổng Tử tên tự là Trọng Ni, nên cũng gọi là Trọng Phụ.

2-Từ ngữ "Á Phụ " cũng được dùng để tôn xưng người được coi như người thứ hai' sau cha mình ; ' Á ' có nghĩa là thứ hai. Thí dụ như Á Hậu " người hoa hậu đứng thứ hai. Mưu sĩ Phạm Tăng từng được Hạng Vũ kính trọng và tôn xưng là " Á Phụ "

Cửu Đỉnh
九 鼎

Bảo vật truyền quốc cổ đại, dùng làm tượng trưng cho chính quyền một nước

Theo sách " Tả Truyện 左 傳 " thì vua nhà Hạ ra lệnh cho châu mục của " Cửu Châu 九 州 " đem cống hiến đồng để đúc cửu đỉnh, sau khi làm xong, thi ghi lên thân đỉnh hình vẽ sông núi, sơn xuyên, và những vật lạ kỳ của khắp mọi nơi, sau đó đem cửu đỉnh bầy ở ngoài cửa cung, để tiện cho người ta biết được nơi nào, chỗ nào là chỗ thần linh hay ma quỷ, để mà tránh điều hung, lựa điều cát.

Tương truyền rằng việc làm của vua nhà Hạ được " thiên đế 天 帝 " tán đông và phù hộ. Cửu đỉnh ra đời đã mang sẵn ngay một sắc thái thần bí. Nhà Hạ dùng đồng của cửu châu để đúc cửu đỉnh, chẳng những nhằm tượng trưng cho cửu châu, đồng thời biểu thị là nhà Hạ là chủ nhân của cửu châu, thực hiện được sự thống nhất thiên hạ.

Sau đó, cửu đỉnh được coi là tượng trưng của quyền lực, và trở thành vật " truyền quốc chi bảo 傳 國 之 寶 " của nước Tầu.

Khi nhà Hạ bị tiêu diệt, cửu đỉnh truyền vào tay nhà Thương. Nhà Thương mất, cửu đỉnh sang tay nhà Chu. Chu Thành Vương đem cửu đỉnh bầy ở ấp Gíap Nhục (nay thuộc Lạc Dương tỉnh Hà Nam), để cho người ta biết rằng " mệnh trời " qui về nhà Chu. Cho nên trong ngôn ngữ, người Tầu có từ ngữ " vấn đỉnh 問 鼎 ", để chỉ sự tranh đoạt quyền lực, và từ "định đỉnh 定 鼎 " chỉ sự thiết lập chính quyền. Còn thời tam quốc thì gọi là " tam phân đỉnh túc 三 分 鼎 足 ".

Còn vấn đề hịên nay cửu đỉnh đó nay ở đâu' thì do lịch sử ghi không thống nhất, có thuyết cho rằng Tần Chiêu Vương đem cửu đỉnh về nước Tần, nên khi nước Tần bị diệt vong, thi cửu đỉnh thất tung. Còn có thuyết cho rằng khi Tần Chiêu Vương đem cửu đỉnh về nước Tần, thì một chiếc bị rơi xuống sông Tứ Thuỷ, còn lại tám chiếc mới mang vào Tần. Một thuyết khác nữa cho là dưới thời vua Chu Hiển Vương, cửu đỉnh bị chìm ở sông Tứ Thuỷ ở Bành Thành, nên khi Tần Thuỷ Hoàng năm 219 t CN' trên đường qua Bành Thành, cho hơn một ngàn người xuống mò tìm ở sông Tứ Thuỷ nhưng không thấy.

Ngũ Mã Phân Thi
五 馬 分 屍

Là tên gọi của một hình phạt tàn khốc thời cổ tại Trung Quốc. Người ta dùng năm con ngựa hay năm con trâu  xé rời tứ chi và đầu của tội nhân. Cũng còn gọi là Xa Liệt 车裂 .

Thương Ưởng khi làm tướng quốc nước Tần, hình pháp nghiêm ngặt, nên gây nhiều óan hận với quý tộc nước Tần. Sau khi Tần Hiếu Công mất, con là Thái Tử Huệ Vương lên ngôi, Công Tử Kiền muốn báo thù cũ, mới vu cho Thương Ưởng làm phản. Thương Ưởng bỏ trốn sang nước Ngụy, nhưng bị từ chối. Bất đắc dĩ, Thương Ưởng phải trở về Tần rồi cùng với thuộc hạ khởi binh đánh Trịnh, nhưng binh bại bị bắt và bị Tần Hiếu Công xử Xa Liệt.

Tuy thế, có thuyết cho rằng Ngũ Mã Phân Thi chỉ là truyền thuyết dân gian, và chỉ xuất hiện sớm nhất trong tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc.

Sách Sử Ký của tư Mã Thiên thuật lại rằng Thương Ưởng bại trận bị giết ở Thằng Trì ở đất Trịnh, nghĩa là bị chết rồi' sau đó mới bị vua Tần Huệ Vương xử Xa Liệt, cho xe xé xác.
_______________________________________
Sách tham khảo :
 Trung Quốc Đế Vương Hậu Cung Tư Sinh Họat Chi Mê Tòan Kỷ Lục 中 国 帝 王 后 宫 私 生 活 之 谜 全 纪 录 của Hoa Trọc Long )