Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

LỤC TRÙ

陆 厨

Nguyên tác :  Huỳnh Song Dị Thảo
Tác giả :  Trường Bạch Hạo Ca Tử
Bản dịch của  :  Phạm Xuân Hy

Một ngọn đèn xanh lửa đóm, hắt hiu tranh sáng với loài ma, 
Bao phen dặm cát bụi hồng, tất cả khêu cười cho lũ quỷ
Liễu Tuyền Cư  Sĩ  BỒ TÙNG LINH
Nhà quan Tướng Quốc ở Đồng Thành có nuôi một gã đầu bếp họ Lục, không rõ tên, nên thường chỉ gọi là Lục mà thôi. Lục có kỹ thuật nấu ăn rất là tài giỏi. Bất luận sào, sáo, nướng, rang, món nào Lục cũng tinh thông cả, nên rất được Tướng Quốc hoan hỉ. 

Nhà Lục ở ngoài thành, mỗi năm lại xin nghỉ về nhà một lần. Người vợ còn trẻ, một mình ở nhà, chịu cảnh tịch mịch, nhưng Lục tính ham rượu, mỗi lần trở về đều say mèm, rồi nằm quay ra ngủ, nhân thế vợ chồng bất hòa. Lục bèn đuổi vợ về nhà cha mẹ, nhưng dấu không nói cho ai biết, để còn có cớ xin được nghỉ về nhà, nên trong phủ Tướng Quốc chẳng ai hay biết về chuyện Lục ở giá, sống một thân đơn độc. 

Một hôm gặp tiết Trung Thu, trong phủ yến tiệc thưa thớt, Lục lại xin phép nghỉ để về nhà. Đi đến giữa đường, Lục gặp một gã bộc dịch làm trong phủ. Hai người vốn vẫn thường có mối giao hảo tốt với nhau, nhân thế gã bộc dịch mới bông lơn bảo :

-Lục đại ca, hôm nay mới về gặp tẩu tẩu, e rằng bị tẩu tẩu giận dỗi đấy !

Lúc đó Lục đã chuếnh choáng hơi men, bèn nói :

-Trước đây thì có thể như lời huynh nói đấy. Nay thì không còn vậy nữa. 

Gã bộc dịch nghe nói thế, lấy làm ngạc nhiên, vội hỏi lý do. Lục chót lỡ lời, không thể dấu được nữa, bèn thổ lộ hết lý do việc bỏ vợ cho gã nghe.

Gã không tin. Lại cố cật hỏi. Lục mới nghiêm sắc mặt kể lại rành rọt, từng chi tiết để cho gã hiểu. 

Gã nghe xong mới cười, nói :

-Huynh thật là người quá vô tình. Sao lại vì mê rượu đến bỏ cả vợ như thế !

Nói xong, kéo Lục vào trong chợ, cùng nhau đối ẩm. . 

Nguyên lai, gã bộc dịch làm trong phủ Tướng Quốc mấy năm, dành dụm được món tiền nho nhỏ, bụng muốn kiếm một cô vợ, khốn nỗi chưa tìm được cô nào vừa ý. Trước đó, gã từng gặp vợ Lục, cảm thấy là đẹp, nay nghe Lục nói là đã ly dị, nẩy ý muốn nhờ Lục tác thành, bèn mượn chén rượu để bàn với Lục. 

Rượu được vài tuần, gã bộc dịch ngỏ lời dò dẫm :

 -Đã hẳn là tẩu tẩu bị huynh đuổi về, nhưng cứ như sắc đẹp của tẩu tẩu, thì đáng lẽ phải tái giá sớm rồi. Cũng tại do huynh xử sự hồ đồ. Nay bát nước đã đổ xuống rồi, khó mà hốt lại được như cũ. 

Lục nghe gã nói thế, nghiêng đầu, tỏ vẻ bất cần, nói :

-Đệ cóc cần! Song kỳ về nhà lần trước, nghe nói vì cái gương đã lấy đệ, nên bây giờ phải kén cá chọn canh, vì thế mà chưa tái giá đấy !

Gã bộc dịch mừng như mở cờ trong bụng :

-Nếu như thế, đệ có việc nhờ huynh giúp cho, xin đừng từ chối nhá !

Lục đưa chén rượu lên uống một hơi cạn. Hỏi việc gì. 

Đáp :

-Trần Bình đời Hán, tư thông với chị dâu. Việc đó, đệ không dám làm, nhưng người mà huynh vứt bỏ đi rồi, thì ai cũng có thể lấy về được. Huynh biết từ lâu nay, đệ vẫn độc thân, nếu huynh có lòng thương đệ, sao không tác thành cho ?

Lục nghe gã nói thế, mặt lộ vẻ đắn đo suy nghĩ, một hồi lâu, mới nói :

-Đệ đã đuổi đi rồi, thì ai lấy cũng được, huynh có muốn lấy về, cũng chẳng hại gì đến tình bạn của chúng mình. Chỉ vì đệ với nàng dù sao cũng là chỗ vợ chồng, không giống người ngoài, nên đứng ra làm mai cho huynh thì khó nói quá. 
Gã cố năn nỉ nài ép, lại còn đe dọa :

-Đệ sống ở thành thị, không có ai là người quen biết ở nhà quê cả. Việc mối lái, phi huynh không ai giúp được. Nếu không, đệ sẽ đem việc huynh đã bỏ vợ cho người ta biết, thì từ đây Tướng Quốc sẽ không cho huynh về nhà nữa. 

Lục chỉ cười, chứ không chịu nhận lời. 

Gã bộc dịch bỗng nẩy kế gian, nói dử mồi :

-Huynh với tẩu tẩu ly dị đựơc mấy tháng rồi, liệu huynh có muốn kiếm người nào khác chăng ?

Đáp :

-Đương nhiên! Đệ đang còn trai tráng, ai có thể chịu ở giá mãi được. Chỉ vì bận rộn trong phủ Tứơng Quốc, mấy tháng mới về một lần, để vợ ở nhà, đâu có yên lòng. Nay muốn tục huyền, nhất định phải kiếm gái ở thành thị, nhưnh lại sợ người ta không ưa mình, biết làm thế nào ?

Gã bộc dịch nghe nói thế, như mở cờ trong bụng, bèn nói :

-Huynh như đã có ý như thế, thì chẳng cần tìm ai khác, lấy lại người cũ là yên lòng nhất !

Lục không hiểu ý gã muốn nói gì, cố cật hỏi lý do. Gã bộc dịch lầm bầm trong miệng hồi lâu, mới đáp :

-Nhà đệ ở gần phủ Tướng Quốc, đệ lấy nàng đương nhiên nàng sẽ ở nhà đệ. Đối với đệ tuy là vợ mới cưới, nhưng với huynh thì là chỗ tình cũ. Đàn bà dễ tán, nói gì chẳng nghe. Huynh lúc nào cao hứng tình động, có thể đêm đến, đệ nhường nàng cho. Hai trống một mái, tốt đẹp mãi mãi. Việc thành hay không, là do huynh tác hợp. 

Gã vừa nói xong, Lục cười lớn, bảo :

-Huynh đừng có đánh lừa đệ đấy chứ. Ở đời có lý nào lại như thế. Hơn nữa, huynh đâu phải người như thế. 

Gã bộ dịch lại nói :

-Nàng là đàn bà tái giá, đâu còn là con gái trinh, đệ nhất định không bủn xỉn, thì đánh lừa huynh làm gì ?

Lục thấy gã không có ý bông lơn bỡn cợt, bụng bèn bảo dạ :
-Ta bây giờ, lương lậu chỉ đủ uống rượu. Có tìm được người đàn bà nào khác, chẳng có mười lạng không xong, mà chắc gì đã đẹp bằng vợ cũ. Nay được như thế, thì không có vợ cũng như có vợ. Vả, hắn tự nguyện chịu cắm sừng, thì còn lo chi nữa. 
Bụng tuy nghĩ như thế, nhưng ngoài mặt, Lục vẫn không chịu, đợi cho đến khi gã bộc dịch phát thề, Lục mới biểu thị đồng ý. 
Hai người đính ước xong thì chia tay. 

Về nhà, lập tức Lục đến yết kiến ngừơi cha vợ, khéo léo nói :

-Con bất tài, thân phải cáng đáng việc tầm thường, không thể về nhà luôn được, đến nỗi làm lỡ tuổi xuân của nhà con, mà thành ra đổ vỡ, nhưng tình nghĩa vợ chồng con quên không đành. Thiết nghĩ, nhà con vẫn chưa lấy ai, con thường rất áy náy. Trong thành, có một nhà cự phú, giầu có vạn kim, nhà con có thể gửi thân nơi ấy, nếu thầy đồng ý, con có thể làm mai mối được. 

Nói xong, chắp tay vái lậy cha vợ mấy vái. 

Người cha nghe Lục nói ngon ngọt như thế, bụng lấy làm vui, cũng hơi xiêu lòng, không cự tuyệt gì cả. 

Lục ra về, nhờ người trong nhà thúc đẩy thêm cho sớm nên sự. 

Ngày hôm sau, gã bộc dịch ăn mặc quần áo mới tinh, cưỡi con tuấn mã, trông rất là phong lưu, bảnh bao, đến gặp Lục. Lục giữ ở lại uống rượu. Người mẹ vợ của Lục lén đến xem mặt, trong lòng rất mừng, lấy làm ưng thuận, bèn nhận lời gả con gái. 

Gã bộc dịch chọn ngày lành tháng tốt, đem sính lễ đến, vài ngày sau thì đón dâu về nhà. So tuổi tác, gã kém Lục khá nhiều. Vả, trong phủ Tướng Quốc, gã cũng chỉ làm những việc lặt vặt, sáng chiều thường có thời giờ về vui với vợ, nên dần dần người vợ cũng an lòng. 

Riêng Lục do ước cũ, mấy lần bảo gã bộc dịch cho gặp nàng một lần. Nhưng từ sau ngày lấy được vợ rồi, gã quý nàng như hạt ngọc trên tay, lẽ nào lại chịu đem ra dùng để bắn chim sẻ nữa. Nhưng mở miệng khó nói. Mới đầu, gã còn tìm cớ trì hoãn. Vài lần sau, Lục không nhẫn nhịn được nữa, đem chuyện nói với các bạn làm chung trong phủ, và trách gã bộc dịch phụ nghĩa, khiến ai nghe cũng không nhịn được cười. Còn gã bộch dịch thấy thế vừa giận vừa ức, trách Lục vu cáo miệt thị mình, càng khiến Lục tức giận thêm. 

Mấy tháng sau, gã bộc dịch phải theo quan Tướng Quốc đi xa, tối không về nhà được. Một đêm, người vợ ngủ ở nhà một mình, bị một kẻ leo tường, vào giết ở trong phòng. Mặt bị băm nát hàng chục nhát, cơ hồ không nhận ra được. 
Khi gã bộc dịch trở về nhà, lập tức báo quan để khám nghiệm, thấy thân thể lõa lồ, rõ ra là bị hãm hiếp trước khi bị giết. Gã cho là giữa gã và Lục sẵn có mối cựu thù, việc ắt là do Lục gây ra, bèn bẩm với quan Tướng Quốc. Những người trước đó biết chuyện, cũng làm chứng như thế. Lục bị bắt giải quan, chịu khốc hình khảo đả, lại cũng có hiềm khích trước, không thể biện giải được, cuối cùng phải nhận tội. 

Mà thực ra, là mắc oan. 

Nguyên do, từ ngày vợ bị chết, gã bộc dịch không dám ngủ ở nhà nữa. Một hôm, có người khách từ Sơn Đông tới, nhân việc đình trệ, phải nấn ná ở lại, mà tiền thuê lữ quán lớn không nổi, vốn cùng gã bộc dịch là chỗ quen biết trước, nên mướn nhà để ở. Đương nhiên, mới đầu khách không hề biết gì về những hiện tượng quái dị xẩy ra. Chừng đến đêm, lên giường nằm, bỗng nghe có tiếng đàn bà khóc lóc thở than : " Diện mạo ta dù đã bị hủy, không nhận ra được, nhưng cũng phải kiểm nghiệm lại thân thể ta cho kỹ lưỡng, cớ sao lại lại để cho tên dâm tà ấy, đắc chí cao chạy xa bay!  "

Lời nói, cứ thế, nhắc đi nhắc lại ba bốn lần, mà chẳng thấy hình tích gì. Khách mới ngờ là Lục bị oan. 

Sáng hôm sau, gặp gã bộc dịch, bèn đem những lời nghe được thuật lại. Nhưng gã không tin. Có người bạn cùng làm trong phủ, đứng gần đấy, nghe thấy thế lấy làm kỳ quái, sợ hãi, mới thưa lại với quan Tướng Quốc. 

Quan Tướng Quốc nói :

-Có lẽ là bị oan, phải cho phúc nghiệm lại. 

Rồi viết thư cho tri huyện. 

Tri huyện cũng nghi là Lục không phải hung thủ, bèn cùng mưu với nha lại, thả Lục ra khỏi nhà giam, đem cả gã bộc dịch, cùng cha mẹ vợ ra mộ người đàn bà bị giết, khai quật lên, kiểm nghiệm lại thi thể một lần nữa. Té ra, xác chưa bị hủ nát, mà vẫn còn tươi như nguời sống. 

Tri huyện trong bụng lấy làm quái dị. Trước hết, ra lệnh cho gã bộc dịch xem kỹ lại có phải vợ mình chăng. Gã xác nhận rằng đúng. Lại hỏi đến Lục và cha mẹ người đàn bà bị giết, đều thưa rằng không phải. 

Tri huyện tra vấn lý do, thì Lục đáp :

-Bẩm quan lớn, người đàn bà này, sau này mới lấy gã bộc dịch, nhưng trước kia từng là vợ con, mấy năm ăn nằm với nhau, nên con biết rất rõ những bí ẩn trên thân thể của nàng. Ở vú bên trái, có một cái sẹo to bằng bàn tay. Ở chỗ riêng có hột nốt ruồi bằng đầu ngón tay, nay không thấy, nước da lại quá trắng, như vậy thì ngừời này không phải. 

Sau đó hỏi đến người mẹ vợ, cũng lại khai như vậy. 

Tri huyện giật mình kinh hãi, sai tạm đóng áo quan lại, rồi bắt tất cả đem về huyện. Đến huyện, trước hết dùng hình cụ tra hỏi người cha của nạn nhân, xem ai là người thường lai vãng đến nhà. Lão vốn là một người nhà quê chất phác, sợ quá khai thật ngay. 

Lão có một người bà con xa, họ Hình, ở môt huyện bên cạnh, thường thường hay đến cư ngụ tại nhà lão. Lúc con gái lão chưa lấy gã bộc dịch thì đã trở về nhà rồi, sau đó không còn lai vãng nữa. 

Tri huyện đồ chừng, Hình mỗ hẳn có liên quan đến vụ án mạng, nên cho giam tất cả vào ngục thất, rồi gửi công văn đến huyện nơi Hình cư ngụ. Không đầy mười ngày, gã họ Hình cùng người vợ bị giải đến. Những người liên quan đến vụ án, đều được thả ra để nhận diện. Có người khi thấy mặt vợ Hình thì ôm mặt khóc. Có người thì nổi giận. Lại có người thì mặt mày tái xanh sợ hãi. 

Té ra, vợ của gã họ Hình lại chính là vợ của gã bộc dịch. 

Tri huyện dùng nghiêm hình thẩm vấn gã họ Hình mới tìm ra âm mưu của gã. 

Mới đầu, khi bị Lục ly dị đuổi về, người vợ không chịu nổi cảnh quạnh quẽ cô đơn, bèn tư thông với Hình, hẹn hò đính ước hôn nhân, mà Hình vốn là vai chú bà con của nàng, vai vế chênh lệch, nên đã hỏi mấy lần, cha mẹ nàng đều không bằng lòng. 

Về sau, cha mẹ nàng miễn cưỡng đồng ý, nhưng đòi sính lễ nặng, Hình nhân thế phải vội vã trở về nhà lo liệu. Thì gặp đúng lúc Trù đến làm mai. Cha mẹ nàng nhận lời, mà bội ước cũ. Khi Hình trở lại, mới hay nàng đã sang sông, lòng tức giận, không đến nữa, bụng nghĩ cách trả thù. 

Gã vốn là một kẻ vô lại, sẵn quen với một đứa đào tường khoét vách, ăn trộm vặt, bèn cho nó tiền, bắt cóc nàng đào tẩu, nhưng vẫn lo sợ bị lộ. 

Nội thành có người đàn bà trước làm nghề con hát, từng đi lại hoan lạc với Hình. Đêm đó, Hình đến ngủ trước ở nhà người con hát ấy, thì thằng trộm vặt đem được vợ gã bộc dịch đến. Đứa con hát bị cho uống rượu say mèm, rồi bỏ vào bao, đem trở lại nhà gã bộc dịch, thay phiên nhau cộng đồng hãm hiếp. Cho mãi đến khi trời lờ lờ sáng, hai đứa vô lại mới dùng dao cắt cổ người con hát, lại rạch nhiều vết dao trên mặt, nên không ai nhận ra được. 

Hình nhân trời chưa sáng, đem vợ gã bộc dịch trốn đi xa. Trước khi đi, để lại hai chục lạng bạc trên bàn nhà người con hát, có ý hối lộ người chồng của nàng. Qủa nhiên, khi người này trở về, cho là vợ mình bỏ đi theo trai, lại được tiền, nên cũng im lặng bỏ trốn đi. 

Gỉa như, hồn ma không linh thiêng tự bạch, chắc vụ án không được rửa oan. 

Mấy hôm sau, đứa trộm vặt và Hình cùng bị bắt đền tội, người vợ gã bộc dịch thì bị phạt trượng, đuổi ra khỏi xứ. Còn Lục và gã bộc dịch, kẻ tham tiền, kẻ vu cáo đều bị đánh đòn, khiến cho cả huyện đàm tiếu. 

Câu chuyện trên đây, xẩy ra khi quan Tướng Quốc chưa nhập nội các, còn đang ở tại gia hương thủ hiếu mẹ. Sau quan Tướng Quốc nhập các làm tể tướng, Lục cũng được theo ông tiến kinh, chân đi khập khễnh, ấy là do bị phạt trượng vậy. 

Vài hàng chú thích
Tướng Quốc
柤 國
Là chức quan do Tề Cảnh Công, đời Xuân Thu đặt ra. Vể sau, các nước chư hầu cũng thiết lập theo. Đến thời Chiến Quốc, các chư hầu quốc cũng đặt ra chức Tướng, đứng đầu bách quan, gọi là Tướng Quốc, hay Tướng Bang, hay Thừa Tướng. Chỉ duy có nước Sở không đặt chức Tướng Quốc, mà đặt chức Lệnh Doãn là vị quan cao nhất. 
Từ nhà Tần trở về sau Tướng Quốc (Thừa Tướng) trở thành chức quan cao cấp nhất, phụ tá hoàng đế, (như Thừa Tướng Lý Tư. )
Nhà Đường tôn xưng Tể Tướng thì gọi là Tướng Quốc. 
Tháng một năm Hồng Võ thập tam niên, Minh Thái Tổ (năm 1380) lấy tội danh  " Đồ mưu bất quỹ  " giết Tả Thừa Tướng Hồ Duy Dong, rồi phế bỏ chức Thừa Tướng và Trung Thư Tỉnh, quy định từ đó trở về sau, triều đình không được tái lập chức Thừa Tướng nữa. Quyền hạn của Thừa Tướng được chia cho Lục Bộ do chinh Hoàng Đế thống lãnh.
Nhà Thanh, Tướng Quốc chuyên dùng để chỉ chức Đại Học Sĩ.

Tuần

Một tuần là mười ngày, còn bẩy ngày thì gọi là nhất chu  ( 一 周 )
Một tháng có ba tuần. Từ mồng một đến mồng mười là Thượng tuần. Từ mười một đến hai mươi là Trung tuần. Và từ hai mươi mốt đến ba mươi là Hạ tuần. 

Trung Thu
中 秋 
Ngày 15 tháng 8 âm lịch gọi là ngày Trung Thu. Vì ngày xưa cổ nhân lấy ba tháng bẩy, tám, chín, gọi là mùa thu, ngày 15 tháng tám là ngày ở giữa của mùa thu nên gọi ngày này là ngày Trung Thu. 
Phong kiến đế vương ngày xưa có tục tế mặt trời vào mùa xuân, và tế mặt trăng vào mùa thu. Vào ngày này, người dân cũng thường bầy biện hương án, các thứ bánh trái hoa quả để tế mặt trăng ở ngoài sân, và tụ họp nhau lại để ngắm trăng, uống rượu. Cuộc vui kéo dài đến nửa đem mới chấm dứt. 

Trần Bình
陳 平
Trần Bình người Dương Võ (nay thuộc Nguyên Dương tỉnh Hà Nam) thời Hán Sơ. Lúc còn bé, nhà nghèo, tính ham thích thuật Hoàng Lão. Khi Trần Thắng nổi dậy, Bình đi theo Ngụy Vương Cữu làm Thái Bộc, sau theo Hạng Võ vào Quan Trung, làm Đô Uý. Sau lại theo Lưu Bang làm Hộ Quân Trung Uý, dâng kế phản gián khiến cho Hạng Vũ xa lìa không tin dùng Phạm Tăng nữa. Bình lại sui Lưu Bang lấy tước ban cho Hàn Tín, để sử dụng Tín, đều được Lưu Bang nghe theo. 
Sau khi nhà Hán kiến lập, Bình được phong là Khúc Nghịch Hầu. 
Đến thời Lã Hậu, Bình giữ chức Thừa Tướng. Lã Hậu chuyên quyền, Bình không lo việc nước. Sau khi Lã Hậu chết, Bình âm mưu lập kế với Chu Bột giết phe đảng họ Lã và đón lập Văn Đế. 
Bình mất năm 178 trước CN. 

Tri Huyện
知 縣
Tên chức quan .
-Nhà Đường gọi viên phụ tá thay thế Huyện Lệnh là  " tri huyện sự- người biết những làm việc ở trong huyện  ".
-Đến đời nhà Tống, phái quan trong triều , chủ trì việc của huyện, trông coi việc hành chánh của một huyện, nếu như có việc đóng quân đồn binh mã ở trong huyện, thì kiêm nhiệm luôn việc binh sự, nhân vì đó không phải việc của huyện, nên viên quan lên thế này được gọi là  " tri mỗ huyện sự  " , gọi tắt là  " Tri Huyện  ".
-Sau này bãi bỏ chức Huyện lệnh, chuyên thiết lập Tri Huyện.
-Sang đến các triều Minh, Thanh, Tri Huyện là viên quan đứng đầu về hành chánh của một huyện, trật chính thất phẩm.
Dưới Tri Huyện có các quan phụ ta như Huyện Thừa, Vhủ Bạ, Tuần Kiểm.
Đến thời kỳ Cách Mạng Tân Hợi, chức Tri Huyện bị bãi bỏ .

Dịch xong ngày 18-7-2003 lúc 21 :01  -  Phạm xuan Hy