Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

MẪN DỰ 
閔  預

Tác giả : Hòa Bang Ngạch
Bản dịch  : Phạm xuân Hy 

Đêm vắng canh khuya, đèn tàn vạc bấc
Buồng văn giá lọt, án lạnh ngờ băng.

Liễu Tuyền Cư  Sĩ  BỒ TÙNG LINH

Mẫn Sinh tên là Dự, con một gia đình thế gia đại tộc ở miền tây Chiết Giang, diện mạo tuấn tú, phong độ tốt tươi, lại giỏi phấn son trang điểm, tuổi vừa hai mốt, đi theo người chú tên là Thanh lên kinh dự thí. Sau khi người chú vào trường thi, còn lại mình, Sinh không chịu nổi cảnh tịch mịch nơi quán lữ. Trước đó, chàng từng nghe tiếng đồn về cái ao Kim Ngư Trì ở ngoài cửa Sùng Văn Môn, bụng cho là một nơi thắng cảnh u nhã, bèn nẩy ý tìm đến đó du ngoạn.

Khi chàng đến nơi, chỉ thấy nước trong hồ đục ngầu, cá vàng trốn sâu dưới đáy. Trên bờ, chỗ bãi đất hoang, cỏ thu khô héo, nửa vàng nửa xanh. Tuy nhiên, chỗ này chỗ kia, lác đác dăm căn gác cỏ, có rèm xanh che cửa. Bên trong người tới kẻ lui, khá là nhộn nhịp. Nhưng đa số là bọn tửu đồ đến mua rượu trắng, bè nhè phiền nhiễu, không đáng lưu luyến. Chàng bỗng nhiên cụt hứng, bồi hồi muốn quay về.

Thình lình, có người đi tới. Mặt mũi tuy khó coi, không đẹp, nhưng quần áo, mũ mãng bảnh bao tề chỉnh. Người ấy trịnh trọng chắp tay vái chào Sinh, nói :

-Hôm nay ông anh dạo chơi có vui không ?

Lúc Sinh còn ở nhà, một bước cũng không ra khỏi thư phòng, bây giờ đất khách xa lạ, nên thấy ai cũng e thẹn, thêm không giỏi ăn nói, hễ gặp người lạ không quen, thì càng lắp bắp lúng búng, khiêm tốn ngại ngần.

Người ấy lại hỏi :

-Nghe khẩu âm của huynh, hình như người Chiết Giang phải không ?

Sinh gật đầu đáp :

-Vâng, đúng thế !

Người ấy lập tức nói bằng giọng Chiết Giang :

-Như vậy, thân hay không thân, thì cũng là chỗ đồng hương cả. Giải cấu tương phùng nơi đây, có thể đàm đạo tình quê một chút. Kiếm quán nào ngồi nhá.

Nói xong, cứ khoác vai Sinh kéo đi, chàng không sao từ chối được, đành đi theo người ấy vào một quán rượu chỗ thị tứ náo nhiệt, trông rất là tinh nhã sạch sẽ.

Người ấy gọi rượu, hết lòng rót mời Sinh. Chàng vốn tửu lượng thấp, bất đắc dĩ phải cạn liền mấy chén thì hai mắt đã hoa lên, lờ mờ không thấy rõ.

Người ấy chọc ghẹo, nói :

-Huynh thật không phải dân nhậu rồi ! Đệ có thuốc giải rượu đây. Uống vào, lát sau có thể uống tiếp nữa.

Rồi cho tay lần vào trong đẫy, lấy ra một viên thuốc mầu đỏ, tẩm vào rượu, đưa cho Sinh uống. Sinh uống xong thì hôn mê bất tỉnh, không biết sự gì nữa.

Chừng đến khi tỉnh lại, thấy đèn đuốc sáng trưng, dọi vào bốn vách nhà, trông như phấn trắng. Riêng chàng nằm trong màn the, tô hô trên giường, không một tấc vải che thân, mà nệm hồng, gối phượng, mềm mại như mỡ, ấm áp hương thơm, giống như trong khuê phòng của một quý gia đại tộc.

Sinh kinh hãi, ngồi dậy, lần tìm giầy dớ quần áo khắp nơi, nhưng chẳng thấy đâu cả. Chàng bàng hoàng, lên giường ngồi đực người ra như thằng ngốc. Rồi trầm tư suy nghĩ những việc xẩy ra trong ngày. Hầu như quên mất quá nửa. Chỉ nhớ rằng, đã vào trong quán ngồi uống rượu với một người, không biết vì sao lại ở nơi đây. Đây là đâu. Tại sao lại ở truồng nằm trên giường. Y phục, hài vớ của chàng không thấy đâu cả. Càng nghĩ càng nghi ngờ. Nỗi sợ hãi càng ghê gớm. Chàng nghiêng tai lắng nghe tứ phía. Không một tiếng gà gáy. Không một tiếng chó sủa. Một lúc thật lâu, mới nghe có tiếng cười khúc khích loáng thoáng từ từ đến gần. Lúc gần đến cửa sổ, chàng cảm thấy như là tiếng đàn bà con gái.Càng tăng thêm sợ hãi. Một lát sau, có tiếng kéo then mở cửa. Sinh thấy hai người nữ đạo sĩ vén màn đi vào. Một cô khoảng hai mươi. Một cô khoảng mười tám mười chín. Trọc đầu mặt trắng. Thái độ cử chỉ, cả hai trông đều phong nhã tuyệt trần. Một cô cười tủm tỉm, rón rén đến tắt ngọn đuốc. Cô kia cầm đèn đặt trên ghế. Hình như đã biết trước có Sinh nằm trên giường, nên sợ làm chàng giật mình tỉnh dậy, chỉ hạ thấp giọng bảo nhau :

-Giờ này chẳng biết đã tỉnh chưa ?

Sau đó lại nói :

-Cứ đến coi xem !

Rồi cả hai tiến đến trước giường Sinh nằm. Chàng vừa xấu hổ, vừa sợ hãi, luống cuống không biết phải làm gì, đành kéo chăn lên phủ kín đầu. Nín thở. Không dám cử động. Hai nàng nữ đạo sĩ mở chăn ra, cùng âu yếm ve vuốt sờ lần trên người chàng. Sinh biết không thể thoát khỏi, bèn quỳ bên gối, rập đầu van lạy xin tha mạng. Khiến hai nàng cùng nhìn nhau mà cười, nói :

-Cái anh chàng mọt sách này, mật nhỏ như hạt đậu, làm gì mà co rúm lại như thế. Chị em thiếp đâu phải loại ma hút máu người. Đừng sợ chi cả.

Sinh thấy hai nàng nói năng ôn tồn, không có ý gì là ác, bụng cũng hơi yên, mới dần dần tỉnh ra, biết là mình bị người dụ dỗ, mắc bẫy, đem đến nơi đây để hành lạc, thế tất khó mà thoát ra khỏi. Thôi thì, cứ yên lặng chờ động tĩnh.

Hai nàng nữ đạo sĩ thấy Sinh nghi ngại, ngơ ngác, bèn tự cởi giây lưng, rồi thay phiên nhau cùng chàng vấn vít hoan lạc. Sinh lần đầu tiên mới được nếm cái thú gió mưa chăn gối, lòng cũng lấy làm ưa thích. Từ đấy, đêm bất kể ngày. Còn hai nàng nữ đạo sĩ cũng đắm đuối mê mẩn. Lại dẫn thêm hai người bạn nữ đạo sĩ khác. Một người khoảng tứ tuần. Một ngừơi khoảng hơn ba mươi. Họ được Sinh như cá gặp nước, tận tình truy hoan, có phần hứng thú cuồng đãng hơn.

Gặp lúc ở không, Sinh mới hỏi riêng hai nàng nữ đạo sĩ trẻ :

-Nơi đây là đâu ? Các khanh là người thế nào mà cả gan dám đem dấu người ở trong nhà, sao không sợ tiếng đời dị nghị à ?

Hai nàng nữ đạo sĩ trẻ đáp :

-Chàng là người thật thà chất phác, nói cho biết cũng chẳng ngại gì. Nơi đây là am tu của nữ đạo sĩ. U tịch kín đáo, không có đâu đẹp bằng. Thiếp kêu là Cảnh Sơ. Còn đây là sư muội của thiếp tên là Cảnh Mặc. Nữ đạo sĩ lớn tuổi là sư phụ của thiếp, hiệu là Minh Tâm. Và nữ đạo sĩ trung niên là sư thúc của thiếp, hiệu là Minh Ngộ. Người mà chàng cùng ngồi uống rượu ở tửu điếm ngoài chợ là thầy lang họ Úc, cư ngụ ở phía sau am này. Ông ấy đựơc bọn thiếp cho tiền bạc, đi tìm những chàng trai đẹp trong kinh thành mang về. May mà gặp được người tuấn tú như chàng. Thôi thì, cũng do duyên trời xe lại, chàng yên lòng sống ở nơi đây. Đây chính là gia hương khoái lạc của chàng, đừng bỏ trốn đi nhá.

Bấy giờ Sinh mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.

Ít lâu sau, Sinh muốn về nhà để đi tìm người chú. Nhưng các nàng nữ đạo sĩ chỉ cười, không đáp. Lại ngâm câu thơ của Ngư Huyền Cơ cho Sinh nghe, chọc ghẹo chàng :

Dịch cầu vô giá bảo .

Nan đắc hữu tình lang

易 求 無 價 寶
難 得 有 情 郎

(Châu báu còn dễ tìm hơn là kiếm được tình lang)

Sinh chẳng biết làm sao hơn.

Các nàng nữ đạo sĩ sau mỗi lần tan giấc Vu Sơn xong thì đi ra, đều khóa trái cửa lại. Ngày ngày hai bữa ăn, đều do người nữ đạo sĩ trẻ đích thân mang đến cho chàng. Có đủ cả cá thịt. Mùi vị tinh khiết thơm ngon. Không phải ăn đồ chay như người xuất gia. Đêm đêm Sinh lại cùng bốn nàng quây quần uống rượu . Cho đến lúc thật túy lúy, mới lên giừơng nằm chung, cùng nhau vui vầy hoan lạc cho đến sáng.

Bốn nàng còn có thể luân phiên nghỉ ngơi, riêng Sinh lao động liền liền, ứng thù không nghỉ. Vì thế, chẳng bao lâu quá mệt mỏi, vật riêng không dùng được nữa, thân thể gầy còm, chỉ còn da bọc xương, lại thêm ho hắng triền miên không dứt. Cái vẻ tuấn tú đẹp trai của chàng ngày trước không còn nữa. Hôm nào được nằm trên giường nghỉ ngơi một khắc thì mừng như đến được lạc thổ.

Một hôm, Sinh vừa lên giường nằm, thì nữ đạo sĩ Minh Tâm đến. Thấy chàng da bủng mặt vàng, lấy tay lần xuống vế của chàng, mà vật riêng vẫn không cử động, lòng nẩy sinh chán ghét, bèn ra về âm thầm bàn với ba nàng rằng :

-Mẫn Sinh bệnh hoạn ốm yếu, chi bằng giết quách đi cho mất tông tích !

Cảnh Sơ nghe nói thế sợ hãi, vội vã ngăn lại, nói :

-Xin sư phụ nhẫn nại một chút, để em chữa chạy, ít lâu sau có thể dùng lại được, không nên giết đi !

Rồi chạy ngay đến phòng của Sinh, hết lời vỗ về an ủi chàng, lại còn dạy cho chàng cái thuật  "đề nhiếp dương tinh " để giữ gìn sức khỏe cho khỏi mệt.

Từ đấy các sư nữ không đến nữa.

Những nhu cầu hàng ngày, đều do Cảnh Sơ ân cần mang đến. Sinh cũng có lòng cảm động, biết ơn. Nhưng nỗi nhớ nhà thường thúc bách từng giây.

Trong phòng của Sinh, có cái khám thờ đức Quan Âm ngày trước bỏ lại, Sinh sáng chiều cầu khẩn van xin, mong cho được thóat ra khỏi cái hầm " ăn thịt người " này. Rồi tìm được trên kệ sách có cuốn Quan Âm chú, chàng cầm lên một lòng thành khẩn tụng niệm, mỗi ngày vài ngàn lần. Về sau, nằm ngủ mà đọc cũng không lầm lẫn.

Một đêm, Sinh đang tụng niệm thì có người gọi tên chàng. Sinh sợ hãi nhìn. Té ra là một bà lão đang đứng ngoài màn, vẫy tay, bảo :

-Mau mau ra khỏi giường, ta sẽ đưa ngươi về nhà, chậm trễ tất hỏng việc.

Sinh vừa mừng vừa sợ. Không kịp hỏi han cho rõ, cứ khoác áo vào người, bước thấp bước cao mà chạy. Bà lão đi trước, dùng tay phảy một cái. Cửa bèn mở. Sinh chạy theo sau, thấy toàn thân bà lão bạch quang sáng như trăng rằm. Bà lão đi đến đâu, sáng đến đó.

Hai người chạy một mạch, không ngừng nghỉ. Hai bên vách tường cao như vách thành. Trải qua mấy lần cửa, đều bị bà lão triệt khai, không khó khăn trở ngại gì. Đột nhiên đến một cửa, bà lão dừng lại, bảo Sinh :

-Hãy ra lối cửa này lập tức, chớ có quay đầu lại nữa nhá !

Sinh định nói lời cảm tạ, thì bà lão đã biến đâu mất.

Lúc đó chàng mới tỉnh ngộ, bà lão là đại sĩ hóa thân, cứu người gặp nạn. Bèn âm thầm khấn khứa, cứ ba vái một tụng, thất tha thất thểu mà đi, được chừng vài dặm, xa khỏi am đạo sĩ. Sinh ngẩng đầu nhìn trời, thấy trăng tà sao đổi, cầm chừng vào khoảng quá canh tư, bèn ngồi xuống một gò đất nghỉ ngơi.

Lát sau, trời sáng bạch. Sinh nhìn bốn chung quanh, té ra chỗ chàng ngồi là mé tường phía bắc của Thiên Đàn. Đếm đốt ngón tay, chàng đã bị giam trong am đạo sĩ hơn một tháng. Bây giờ trời đã tàn thu, người chàng đã bệnh, áo lại đơn y, hơi thu lạnh lẽo, làm chàng co rúm lại như con dím.

Còn người chú của Sinh, chẳng biết trú ngụ nơi nào.

Liền tìm đến hội quán hỏi thăm thì mọi người nói rằng người chú vì bị lạc mất cháu, lại không thi đỗ, mấy phen đi tìm cái chết, may nhờ có người hương thân khuyên giải, nay đang ngồi dạy trẻ tại tư gia một viên quan người Mãn ở trong thành.

Sinh mượn hương thân quần áo, hài vớ, rồi theo sự chỉ của người ấy đi tìm người chú. Cuối cùng thì chú cháu gặp lại nhau.

Người chú vừa ngạc nhiên, vừa mừng, vừa đau xót, sau nổi giận đùng đùng, tra hỏi Sinh đã đi đâu. Sinh phủ phục xuống đất bi ai khóc lóc, cặn kẽ thuật lại một tháng trời bị các nữ đạo sĩ dâm loàn, hãm hại khổ sở.

Người chú nghe xong hồi lâu gạt lệ, bảo :

-Kinh thành đất đai rộng rãi như biển, những tay lão luyện từng trải, đa số còn bị bịp, huống hồ non choẹt như cháu, cả gan cùng người lạ giao hoan, để rơi vào lưới của họ. Nếu chẳng phải Đại Sĩ linh ứng, thì liệu cái thân của cháu có được toàn vẹn nữa không ? Hãy bảo trọng sức khỏe, đừng để cha mẹ cháu trách chú đưa cháu đi xa không trông nom cháu đấy nhá.

Sinh giỏi hội họa. Người chú bảo chàng vẽ hình Đại Sĩ, cúng dưỡng tại thư trai. Viên quan chủ nhà, biết tin người chú đã tìm lại được Sinh, bèn đặt tiệc chúc mừng. Đến khi nghe thuật chuyện các nàng nữ đạo sĩ, ông thường thở dài luôn.

Vài hàng chú thích
Sùng Văn Môn
崇 文 門
Sùng Văn Môn là một cửa thành của Bắc Kinh, thời Minh gọi là Cáp Đức Môn, cửa thông đạo để vận chuyển rượu vào trong cung. Cho nên tác giả mới thuật là nơi đây chỉ thấy toàn là bọn tửu đồ đến mua rượu. .
Bắc Kinh có nhiều cửa và mỗi cửa đều có tên gọi khác nhau, cùng sự xử dụng khác nhau, chia ra bên trong có 9 cửa, bên ngoài có 7 cửa, thành môn có 4 cửa.
A-Chín cửa ở trong chỉ chín toà thành môn là Đông Trực Môn, Tây Trực Môn, Triều Dương Môn, Âp Thành Môn, Sùng Văn Môn, Tuyên Võ Môn, Tiền Môn, Đức Thắng Môn, An Định Môn.
-Tây Trực Môn thời Minh gọi là Hoà Nghĩa Môn, là cửa mở để vận chuyển nước, mỗi buổi sáng sớm nước được vận chuyển từ Ngọc Tuyền Sơn đến Bắc Kinh rồi đưa vào Hoàng Thành.
-Đông Trực Môn thời Minh gọi là Sùng Nhân Môn, là cửa vận chuyển những củi than, còn gọi là Sài Đạo
-Triều Dương Môn thời Minh gọi là Trai Hoá Môn, cửa này dùng để chuyên trở lương thực.
-Sùng Văn Môn, thời Minh gọi là Cáp Đức Môn, là cửa dùng để vận chuyển rượu vào vào trong cung.
-Tiền Môn, thời Minh gọi là Chính Dương Môn, là cửa dành riêng cho vua ra vào, dân chúng không được quyền vãng lai, chỉ được đi lại lối cửa nguyệt môn ở hai bên
-Tuyên Võ Môn, thời Minh gọi là Thuận Trị Môn, cửa này dành riêng để áp giải những tử tội đem ra Thái Mễ Khẩu để chém đầu
-Ấp Thành Môn thời Minh gọi là Bình Trắc Môn dùng để vận chuyển than đá vào trong Bắc Kinh.
-Đức Thắng Môn là cửa dành cho quân đội mỗi khi thắng trận trở về để vào Bắc Kinh.
-An Định Môn là cửa dành cho quân đội mỗi khi xuất chinh.
B-Bẩy cửa ở bên ngoài, bao quát gồm có Quảng Cừ Môn, Quảng An Môn, Tả An Môn, Hữu An Môn, Đông Tiện Môn, Tây Tiện Môn, Vĩnh Định Môn. Những cửa này dành cho dân chúng ra vào thành buôn bán lẻ, và làm việc ngắn thời gian, họac thăm thân thích.
C-Bốn cửa Hoàng Thành gồm có Đại Minh Môn, Địa An Môn, Tây An Môn, bốn cửa hoàng thành này dành riêng cho các quan văn võ ra vào cung đình.

Đề nhiếp dương tinh pháp
提 攝 陽 精 法
Danh từ Đạo Giáo. Chưa biết là thuật gì.
Nhưng các nhà Phòng Trung Gia cổ xưa của Trung Hoa có đề cập đến những phương pháp, làm cho tinh dịch không tiết ra ngoài mà đi ngược trở lên trên để bổ óc gọi là Hoàn Tinh Bổ Não  ( 还 精 補 腦),vì họ cho rằng tinh dịch là tối tinhquý đối với con người.

Giải cấu tương phùng
邂 遘 相 逢
Vô tình mà gặp nhau thì gọi là giải cấu " 邂 遘  ". Trong Kinh Thi :
Giải cấu tương ngộ
Thích ngã nguyện hề
邂 遘 相 遇
適 我 愿  兮
( Vô tình gặp nhau, thật đúng hợp với ý nguyện của ta )
 

Quan Âm
觀 音
Quan Âm là một vị Bồ Tát trong Phật Giáo Đại Thừa, Người Trung Hoa vốn dịch là Quan Thế Âm, nhưng vì tị huý tên của Đường Thái Tông là Lý Thế Dân nên chỉ đọc là Quan Âm. Lúc Phật Giáo mới truyền nhập vào Trung Quốc, hình và tượng của Quan Âm thường là hình, tượng người nam, nên có tên gọi là " Thiên Nam Tướng 天 男 相 ", nhưng nhà Phật dậy là Quan Âm quảng hoá chúng sinh, có thể hiện thành dưới mọi hình tượng, do đó tượng Quan Âm có thể khắc, hay hoạ thành người nữ. Hơn nữa, Phật Giáo ít nữ thần, nên người Trung Hoa nữ hoá Quan Âm thành người đàn bà mỹ lệ, đại từ đại bi. Tại đời Đường, tượng nữ Quan Âm dần dần phổ biến rất nhiều.
Ngoài ra, khi chùa Thiên Phúc Tự 千 福 寺 ở Trường An xây xong, Tần Quốc Phu Nhân, ngừơchị thứ ba của Dương Quý Phi, nhờ hoạ sĩ tài danh là Ngô Đạo Tử vẽ cho một bức tranh để dâng vào chùa Thiên Phúc Tự thờ làm Bồ Tát. Ngô Đạo Tử thấy trong Hoa Nghiêm Kinh có câu " Dũng Mãnh Trượng Phu Quan Tự Tại 勇 猛 丈 夫 觀 自 在 ", vì thế, ung dung vẽ một bức hình Bồ Tát đàn ông, lại thêm có bộ râu ở miệng nữa.
Đường Huyền Tông xem xong thì lập tức nổi giận, muốn hạ chỉ bắt tội Ngô Đạo Tử. May lúc đó có Hoà Thượng Đạo Tuyên đến. Hoà Thượng Đạo Tuyên vội vã tiến đến giảng giải :
-Thật ra, Bồ Tát không thể nói là nam hay là nữ, trong kinh Phật giảng rằng Bồ Tát có ba mươi ba thân, khi phổ độ chúng sinh, thì tuỳ cơ biến hoá, như thế là thần, là tiên.
Đạo Tuyên Hoà thượng là một danh tăng đời Đường, tư cách thật lớn, nên khi ông nói như thế thì Đường Huyền Tông không thể phản đối được, nhưng nói :
-Từ nay về sau, khi vẽ hình Bồ Tát, nên theo tục nhà Đường, vẽ thành tượng hình người nữ.
Vì thế, những tượng, hình Quan Âm mà người ta thấy ngày nay là tượng hình người nữ.
(Theo Trung Hoa Văn Hoá Bảo Khố)
 

Lạc thổ
樂 土
Chỗ yên vui an lạc. Nhà Phật gọi lạc thổ là cõi Tịnh Độ Cực Lạc.
 

Đại Sĩ
大  士
Danh từ Phật giáo. Dịch âm của chữ " Ma ha tát ", có nghĩa là " người vĩ đại ", người đại lực, đại từ, cứu nạn, cúu khổ chúng sinh, thường dùng thay cho chữ Bồ Tát. Do đó, Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát cũng được gọi bằng danh xưng Đại Sĩ.
 

Hương thân
鄉 绅
Người đã làm quan về sống hưu trí ở nhà quê, thôn dã, thì gọi là hương thân.

Nguồn gốc bức trang : lấy tren site chinaer
Phạm xuân Hy - Một đêm lạnh cuối năm