Trở về
thấy mình. . . như sương
 
Ôn Lại Kỷ Niệm
Quách Giao
Buổi sáng chúng tôi thường bắt ghế ra ngồi dưới bóng cây Sa la nói chuyện . Trong câu chuyện chúng tôi thường nhắc đến các kỷ niệm cùng nhau đi chơi xa. Tâm muốn nghe lại câu chuyện 5 chúng tôi cùng đi Hà Nội. Tôi đem tập nhật ký ghi lại khoảng thời gian này đọc cho Tâm nghe.

Điện thoại reo. Tiếng Hồng Châu như gần gũi: Tâm đã về Việt Nam. Châu báo tin để chuẩn bị cho một cuộc lên đường.

Ngày hôm sau lại nhận được thư của Tâm kèm theo với tấm thiệp mời hai vợ chồng mình đi du lịch Hà Nội. Giòng chữ của Tâm như một lời thúc dục lên đường. lại tiếp đến điện thoại reo vang và giọng của Tâm từ Hà Nội gọi về thân thương và tình cảm. Hai vợ chồng Tâm và Gái đợi chờ tại Hà Nội để cùng đi thăm các thắng cảnh ngoài Bắc...

Trước đó vẫn còn lưỡng lự. Cuối cùng cả hai mới quyết định đóng cửa hàng, gọi con gái về trông nhà và hai vợ chồng già đi hưởng "tuần trăng mật già".

Tin vào Phan Rang cho Hồng Châu hay quyết định cuối cùng. Bên đầu giây ở Phan Rang vang lên tiếng Hồng Châu cười thanh thoát.

Sáng 15/10/98 Châu đáp xe hỏa đến Nha Trang để cùng tôi đi chợ sắm sửa "phụ tùng" để chiều mai lên đường. Chiều 16 Hồng Châu cùng hai vợ chồng tôi lên ga đi tàu thống nhất. .

Như thuở còn là sinh viên, cả ba người lên đường vui vẻ. Chợt nhớ đến hai năm trước cũng vào giờ này chúng tôi ba người Triều Phương, Hồng Châu và tôi cùng nhau đi tham quan Huế.. Những kỷ niệm tuyệt vời của chuyến tham quan độ nào thấp thoáng hiện về ngoài cửa sổ chuyến tàu.. Một ánh đèn hiu hắt, khi ẩn khi hiện chập chờn trong bóng cây, những ánh đèn câu nhấp nhô trên sóng nước nơi Vũng Rô, bãi biển Đại Lãnh đìu hiu trong gió đêm đã nhắc lại trong lòng, đêm hôm đi xa thuở ấy.

Trưa hôm sau tàu vượt qua hầm đèo Hải Vân. Sóng biển muôn trùng, núi cao vòi vọi, khi ẩn khi hiện gợi nhớ đến người xa bạn cũ.

Lăng Cô đây rồi, một vùng làng bao viền bởi bãi cát trắng như đang nằm chờ đợi người tình. Những con thuyền bồng bềnh trên sóng nước làm xao lòng người lữ khách đang vọng trông.. Những ngày còn là học sinh trung học hễ mỗi lần đi xe hỏa qua Lăng Cô, lòng tôi vẫn nuôi giữ một ước mơ có dịp nào đến Lăng Cô trong một đêm vắng để nằm nghe sóng nước rì rào , để được thấm vào trong hồn nỗi cô đơn ấm áp của một thôn ven biển đầy sóng nước tràn trề ân ái của thiên nhiên. Tuổi thơ nay đã trôi qua, ước mong dần dần chìm vào dĩ vãng. Hôm nay ước vọng xưa lại trở về trước mắt. Tôi chợt thoáng ý thơ:

Lăng Cô ơi, em là thơ là mộng
Anh cầu mong ghé lại sống một đêm
Nằm nghe sóng trôi vào hồn trẻ dại
Của thời gian tuổi trẻ mộng êm đềm
Một đêm đẹp mộng trăng sao còn mãi
Và bên em lòng sóng vỗ bờ êm
Lăng Cô ơi em là hoa là trái
Của con tàu trĩu nặng vạn con tim
Lăng Cô ơi một ngày nào trở lại
Nằm bên em nghe thầm thỉ nổi niềm
Lăng Cô ơi lòng ta yêu em mãi.
Bãi biển Lăng Cô
Tàu vào đến đất Thừa Thiên. Ngoài khung cửa tàu chợt hiện ra những khuôn viên nhỏ nhắn có hàng rào dâm bụt. có khóm tre vàng đơn lẻ. Một khung cảnh mà chỉ riêng Huế mới có mà thôi. Mà chỉ cần một trái tim yêu Huế mới nhận ra và cảm động ngay từ đầu. Một nét Huế trong màu xanh của lá, của cây của làng xóm nối liền hay cách khoảng nhau. Hương của Huế chỉ có lòng thương Huế mới cảm nhận được mà thôi.

Tôi đã có hai năm học ở Huế, hai năm sống trong lòng Huế, hai năm cảm nhận mình đã thuộc Huế tự khi nào rồi.. Tự nhiên lòng tôi bỗng như gặp lại cố nhân.. Tự nhiên lòng bỗng nghẹn ngào như thuở ngày nào chỉ xa cách Huế có ba tháng Hè rồi gặp lại Huế với tuổi trẻ đắm say. Tàu vào đến sân ga Huế. Tôi biết rõ là tôi không thể diễn tả rõ là hình bóng Huế hiện ra ở những nét đặc trưng nào nhưng tôi nhận thức được đây là ga Huế, ga của những niềm vui thuở còn là học sinh Tú tài còn là tuổi ủ mộng trong dáng chiều trên dòng sông Hương, trong tà áo dài bay trên cầu Trường Tiền khi đến giờ bãi học của trường Đồng Khánh.

Lòng chỉ đủ bâng khuâng khi tàu chạy chậm vào ga. Tôi nhô đầu ra nhìn hình bòng ga Huế như thuở nào, những người con gái Huế dịu dàng đi lại trên sân ga và những cụ bà bán đồ ăn vật dụng.. Lòng bồi hồi như thấy lại hình bóng người yêu cũ mà người yêu tuy đã đi lấy chồng. Huế ơi, Huế vẫn là người tình cũ Huế vẫn đầy nghĩa ân tình trong tim ta mặc dù hôm nay những hình bóng ấy đã xa mờ.. Trên sân ga , không còn những gì là hình ảnh cũ song hương thương nhớ vẫn xao xuyến trong tim ta.. Ngẫn ngơ nhìn Huế đã đổi thay song lòng vẫn hồi hộp như chờ mong một hình bóng.

Quỳnh Dung,
Tiếng khẽ gọi của trái tim thuở trước
Bóng Hương giang chiều tím dáng người xưa
Lòng tôi yêu mà chưa lời hẹn ước
Thoảng hương nồng trong gió nhẹ chiều mưa.

Kỷ niệm cũ đã trôi xa
Câu ca nghìn dặm vẫn còn dấu vết tương tư
Cái mất đi vẫn chứa chan hạnh phúc
Cái đẹp nhất của tấm lòng là sự nhớ mong.

Tàu rời ga hồi nào mà tôi không biết. Khi tàu đi qua cầu Bạch Hổ thì như có tiếng sóng ở trong lòng. Tiếng vọng của cầu sắt hay là tiếng vọng của tình xưa nghĩa cũ đây.

Từ đây tôi nhìn về cầu Trường Tiền thấp thoáng trong sương mờ . Cầu Trường Tiền nhìn xa mới thật quyến rũ: sóng nước dịu dàng, ngưòi xe qua lại trong im lặng và bầu trời cuồn cuộn mây bay.

Những năm trước tôi và các bạn ngồi trên bờ sông Hương nơi bờ Thương Bạc, trên bồn cỏ Vân Lâu nhìn những chiếc đò trôi trên dòng sông Hương lãng đãng sương chiều. Một ý thơ bỗng nhiên vụt đến:

Huế ơi anh trở lại
Trời mây bỗng mông lung
Lòng quằn hoa và trái
Hương kỷ niệm nở bùng
Vết hằn sâu mãi mãi
Dào dạt tình mênh mông
Huế ơi tình trở lại
Thắm thiết mãi tấm lòng
Nhịp cầu hong tà áo
Nắng Vĩ Dạ tươi hồng
Ngọn sóng nương nhẹ mái
Dòng Hương vẫn xanh dòng
Em ơi anh trở lại
Dù em nhớ hay không?
Nhịp cầu đơn chiếc bóng
Dòng sông vàng nhớ mong.
Con tàu đã đi xa, ngoái nhìn lại Huế mà chỉ còn thấy xóm làng cùng đồi núi. Núi đồi tròn trĩnh, hùng vĩ nhưng dịu dàng. Ôi ngày xưa chúa Nguyễn, người anh hùng đi lập nghiệp ở phương Nam đã chọn nơi đây làm thủ đô cho các triều đại sau cảnh trí vừa hùng vĩ vừa mộng mơ.
Tàu lại qua sông Bến Hải, kể từ thuở còn đi học đến khi tóc đã pha sương tôi vẫn chưa bao giờ trông thấy sông Bến Hải mặc dù được đọc, được nhắc đến không biết bao nhiêu lần. Bây giờ đây mắt nhìn tận mắt tuy trông giòng sông không có gì đặc biệt lắm song vì nó mang nhiều tính chất lịch sử nên lòng vẫn thấy nao nao. Cho nên dù con sông không to lớn song đầy tính sử thi thì lòng người dân không bao giờ quên lãng. Du khách đi trên tàu nếu không ai nhắc đến thì sẽ dửng dưng khi nhìn thấy con sông này cũng như bao nhiêu con sông khác trên khắp đất nước Việt Nam.

Sự vô tình này sẽ được thời gian xóa mờ để đến nỗi ta quên đi một dòng sông đã từng ghi lại dấu vết lịch sử, như xưa kia có sông Linh Giang còn gọi là sông Gianh đã phân chia ranh giới giữa hai nhà Trịnh, Nguyễn. Tôi có ý mong muốn rằng Tổng cục Du lịch nên chú ý đến tính cánh quảng bá các di tích lịch sử bằng cách cho phát hình nhiều lần trên truyền hình các phong cảnh này để đến khi du khách chợt đi qua nơi này đều có thể nhận biết được dù không một hướng dẫn viên nào nhắc đến.

Đến ga Đồng Hới thì đoàn tàu đợi tránh tàu. Tôi cùng Hồng Châu xuống tàu dạo chơi nơi sân ga. Mấy cây phượng vĩ mọc rải rác quanh sân ga vẫn còn đỏ rực màu hoa. Từng cánh hoa hồng nhỏ xuống mặt sân những giọt hoa hồng thơ mộng

Đây là quê hương của Mỹ Lệ, người em gái thân thương của chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhìn hàng cây phượng vĩ rụng hoa cuối mùa chúng tôi thấy nao nao trong lòng. Quảng Bình nắng và gió song chúng tôi vẫn thấy đậm đà vì nơi đây là quê hương của một người em gái đã can đảm đấu tranh để tiến lên trên con đường học vấn.

Tàu lại lên đường.

Qua khỏi Quảng Bình, một niềm vui và một không gian rộng lớn mở rộng đón chúng tôi: Đó là sông Nhật Lệ và ngọn núi Đâu Mâu.

Trong tập "Nhà Tây Sơn" ba tôi (Quách Tấn) và tôi có chú ý đặc biệt đến trận đánh cuối cùng của nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn Gia Miêu. Đó là khi vua Quang Toản bị thất thủ kinh đô Huế phải kéo quân ra mặt Bắc. Từ Bắc, Quang Toản cùng Bùi Thị Xuân lại kéo quân vào Nam và đánh nhau cùng quân Gia Long tại Đâu Mâu bên bờ sông Nhật Lệ. Cuộc công đồn có Bùi Thị Xuân kéo quân theo đốc chiến. Chiến trận sắp thắng thì Quang Toản được tin thủy quân của mình bị đánh tan ở cửa sông Nhật Lệ nên phải rút quân và bỏ chạy. Trong đoạn này chúng tôi chỉ chú trọng đến thế hiểm trở của núi Đâu Mâu chớ không chú ý đến hình thế sông Nhật Lệ.

Khi tàu đến đầu sông Nhật Lệ thì nhờ có người kiểm soát vé trên xe nhắc nhở nên chúng tôi ngồi nhìn phong cảnh:

Sông có màu xanh thẫm, dòng chảy quanh co. Hai bên bờ phần nhiều là rừng núi hoang dã ít có đồng bằng,, cây rừng khi hiện khi khuất, khi dàn trải trên một vùng rộng lớn, khi bao quanh một dãy gò cao. Ven sông thường có bờ dâng cao đến trên 10 thước. Do đó địa thế thật hùng hiểm. Người trên bờ có thể bình tĩnh chống trả lại với các chiến thuyền dưới nước.. Bờ dốc cao mà dòng nước lại chảy xiết cuồn cuộn sôi réo giữa dòng. Không những vào mùa mưa nước lớn mà khi mùa nước nhỏ dòng sông cũng khó mà lội qua được.

Sông chảy theo dọc đường sắt, khi ẩn khi hiện, khi như nép sát vào chân tàu khi vụt cách xa để như lao vào khe núi.

Núi hai bên dòng sông phần nhiều là núi có sắc màu đen. Cây trên núi tuy thấp song rất rậm rạp. Núi tuy đứng cách nhau song vẫn giữ được thế liên hoàn và cùng chạy song song theo dọc sông Nhật Lệ. Núi cũng giống như sông, chạy dọc theo thân tàu , khi thì trông rõ như mọc bên cạnh tàu, khi thì như hãi sợ chạy tránh rất xa và cũng như dòng sông bất chợt mất đi hẳn.. Đôi lúc khuất dáng dòng sông thì các ngọn núi lại uy nghi dựa sát chân núi vào mạn tàu rôi để cho dòng sông vụt trở thành dải lụa uốn éo chạy dài theo đoàn tàu. Đôi lúc tàu chạy qua cầu bắt trên những con sông nhánh của dòng Nhật Lệ phát ra những tiếng ầm ầm như tiếng réo của dòng sông

Núi, sông như chạy đua cùng đoàn tàu. Sông băng mình chạy dài rồi mất hút giữa cỏ cây để cho núi tiếp sức chạy đua cùng đoàn tàu tăng tốc.

Sông Nhật Lệ cùng dãy núi Đâu Mâu gợi dậy trong tôi những trang sử hào hùng của cuối đời Tây Sơn. Đồng thời nó cũng gây cho tôi những ấn tượng và cảm giác khó quên về con sông Nhật Lệ Và ngọn Núi Đâu Mâu hùng vĩ này.

Tôi lại có ý so sánh sông Nhật Lệ với dòng Hương Giang như một nữ anh hùng với một mỹ nhân.

Nữ anh hùnh Nhật Lệ mang cái đẹp của một cô gái dậy thì rất xinh xắn mà lại rất mạnh mẽ, hùng dũng. Người con gái Nhật Lệ dầm mình trong nắng mưa, tần tảo trong thiên nhiên. Mỹ nữ Hương Giang như một tôn nữ phất phơ tà áo lụa đi trong trời sương bảng lảng.

Tôi rất mong ước có được một ngày nào đó được ngồi trên một con thuyền đi dọc theo sông Nhật Lệ để được từ trên dòng sông này từ xa ngắm nhìn ngọn núi Đâu Mâu. Nhìn tổng thể, tôi tin rằng phải là một quần thể núi Đâu Mâu để xứng danh cùng dĩa Nhật Lệ oai hùng.

Tình thơ không thể nào dửng dưng với dòng Nhật Lệ nên có thơ rằng:

Ta ngắm nhìn Nhật Lệ
Mà nao nức trong lòng
Nước sông xanh sắc núi
Dòng uốn khúc như rồng.

Hai bên núi dựng đứng
Từng hòn một kiêu hùng
Đá đen màu cổ kính.
Chạy dọc ven theo sông.

Sông đoanh lộn, trải dài
Bờ cao khí thế hiểm
Sông núi vai kề vai
Khi vờn khi ẩn hiện

Quảng Bình ơi xứ Quảng
Nhật Lệ với Đâu Mâu
Anh linh trời đất Quảng
Sông núi liền một màu.

Qua khỏi đất Quảng Bình thì tàu đi vào hoàng hôn. Hai bên hông tàu trời buông màu đen xuống rất chóng

Sáng sớm hôm sau tàu đến ga Hàng Cỏ. Đã nhiều lần trông thấy trên ti vi nên tôi không bỡ ngỡ vì ga không có gì đồ sộ nên không ghi được cái ngở ngàng của một người tỉnh lẻ được về thủ đô Hà Nội. Chúng tôi gặp hai vợ chồng Tâm tại nhà một người bạn cùng dạy với Tâm tại trường Đại học Hà Nội.

19/10/1998
Quách Giao
Tâm chăm chú nghe tôi đọc một cách thích thú, như sống lại những ngày vui, hưởng những cảnh đẹp mà Tâm chưa được tham dự. Chúng tôi hứa với nhau là khi nào Tâm lành bệnh thì chúng tôi lại cùng nhau đi du lịch và ngắm lại những cảnh đã đi qua và có lẽ không khi nào có trở lại. Để cảm ơn tôi đã đọc lại những bút ký ghi lại chuyến đi Hà Nội, Tâm vào trong nhà lấy đem ra một tập photocopie có tựa đề Bỏ Đi Cũng Uổng. Trang đầu tiên Tâm viết:

"Bỏ đi cũng uổng"
đó cũng là tựa của tập biên khảo về những giai thoại văn chương của các nhà thơ Viêt Nam nôỉ tiếng. Người viết là Quách Giao, con của thi sĩ Quách Tấn.

Quách Giao, theo thiển ý, là một nhà thơ có tầm vóc lớn; đến nay 1991, vẫn không ngừng sáng tác. Vì ít đưa sáng tác đăng tải nên rất ít người biết đến Quách Giao.

Tập "Bỏ đi cũng uổng" này là vài kỷ niệm nhỏ của những năm 1956- 1957 có liên hệ đến Quách Giao. Nếu tập này có lưu lạc đến tay vị nào lạ, xin vui lòng gởi lại Quách Giao hoặc con của Quách Giao ( Q. Thanh Huân, Q. Tường Huân, Q. Nam Huân) số 12 đường Bến Chợ, Nha Trang, Việt Nam hoặc đến con của Phan Hồng Châu, tên Phan Linh Tuệ hiện ở tại Aut ralia Địa chỉ: 27 Bennett Ave Carramar 12163 NSU Autralia.

Trân trọng cảm tạ
Lê Văn Tâm


Trong tập gồm có 14 bức thư của Phan Hồng Châu từ Phan Thiết gởi cho Tâm và Giao và 36 bức thư của tôi gởi cho Tâm và Châu từ Qui Nhơn, Huế.

Tâm không đọc thư của tôi mà lại ngâm bài thơ tôi viết:

Yên Thắm

Đèo heo hút gió chiều sương bạc
Đất đỏ non trùng xanh quạnh hiu
Anh nằm gối đá nghìn thu ngủ
Đời trắng phù vân mộng ráng chiều.

Ngàn xưa đã đón anh về lại
Gạn bụi trần gian đắp nấm mồ
Hắt hiu rừng vắng mà yên thắm
Mắt khép sầu đau lệ mới khô.

Không tiếc thương gì mây dưới ấy
Lang thang ngày hẹp trắng màu tang
Trăng mùa chỉ nở lòng hoa dại
Sông lắng niềm đau tiễn xác vàng.

Ngậm đắng mà đi tìm tuổi xanh
Tháng năm gầy võ, mộng chưa thành
Đèo son trở lạnh vàng thân bướm
Chợp mắt nghìn thu về đón anh

Thân tằm lỡ lứa chưa tròn kén
Đành nghẹn tơ lòng trong quạnh hiu
Nằm nương sương rụng bờ Ngân Hán
Nghe gió rừng phong lá rụng nhiều.

Thắm yên riêng một trời thanh vắng
Duyên nối rừng xanh hoa nở hương
Bướm chim thơ dại mà âu yếm
Hồn rộng tao phùng gió bốn phương.

Thanh Minh 1957


Ngâm xong bài thơ Tâm đọc tiếp một lá thư của tôi:

Huế ngày 24 tháng 11 năm 1956

Tâm, Châu thân mến.
Gởi tất cả niềm thương về hai bạn trong đêm khuya gió lạnh và mưa nhiều.
Huế đang lên cơn ly biệt mà lòng mình lại vui vẻ vô cùng.
Nhớ về Nha Trang ngập tràn ánh sáng và nếu có mưa thì không tê tái như ở ngoài này.
Bài thơ họa của Tâm hay lắm. Mình khoái nhất câu: "Se sắt niềm thu lời sóng vổ"
Câu này nó gợi cho mình nhớ lại duyên văn thơ của chúng mình bắt đầu bằng bài "Mưa Thu" của mình khi mình đọc cho nhau nghe trong một buổi trăng khuya nằm dài trên bãi bể Nha Trang:

Tôi yêu mưa mùa thu
Dịu dàng buông mái tóc
Yêu khi mùa tang tóc
Dâng lệ đắng lên môi
Yêu không nói lên lời
Nhưng là thương là nhớ
Mưa thu còn bỡ ngỡ
Đẹp nhè nhẹ tình ai
Yêu từ thuở ban mai
Một mùa thu nguyên phối
Mai sau dù bấc thổi
Thu bạt hướng chim trời
Nằng dù ráo lệ đời
Trong lòng mưa thu mãi.
Có lẽ mình đã nói nguyên nhân mình sáng tác bài này rồi. Thật là "se sắt niềm thu"

Ý của câu thơ trên của Tâm rất nhiều và rất rộng. Duy nhất chỉ có Tâm và mình là riêng cảm sâu đậm và chí tình. Chúng mình cảm thông văn thơ trong một không gian và thời tĩnh lặng gợi tình. Có lẻ đời đời chúng ta vĩnh viễn giữ trong lòng cảnh biển rộng mênh mông và màu xanh xao động dịu dàng theo nhịp sóng.

Trong một bài thơ mà cảm được một câu là đủ rồi phải không hai bạn.

Câu đầu mình đề nghị Tâm không nên dùng hai từ "nửa mảnh" vì chính hai từ "trăng vơi" đã gây trong lòng người đọc một rung cảm sâu xa, một ấn tượng chưa tròn của một mùa xa cách. Thế thì thêm "nửa mảnh" thì hơi dư ý. Vả lại chính từ "vơi" đã gây một ấn tượng cho lòng ta một cảm xúc không đo đếm được. của một không gian hiu quạnh và một thời gian cô đơn. Tình chúng ta không nên đo lường chính xác như thế được.v.v..

* *

(<- trang trước)  /  (-> trang sau)