Trở về
thấy mình. . . như sương
 
Chùa Thiên Tứ và chùa Thiên Lộc,
Núi Đất (Địa Sơn), Ninh Hòa
Quách Giao


(Link: http://quangduc.com/vietnam/chuaviet/khanhhoa/chuathienlocsactu.html


Trước khi lâm bệnh nặng, Lê Triều Phương còn có duyên với chùa Thiên Tứ nơi Hòn Đất thuộc làng văn hóa Mỹ Trạch, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Chùa tọa lạc dưới chân hòn Núi Đất, nơi Lão Tổ Thiền Sư pháp danh Thiệt Thể, pháp hiệu Triêm Ân thuở còn trẻ tu tại Gò Chùa , về già lên ẩn tu tại thạch động Núi Đất Cụm Nhỏ và sau khi viên tịch, nhục thân của Lão Tổ được trà tỳ. Đệ tử của ngài là Tổ Pháp Thân- Đạo Minh tiếp tục việc hoằng đạo của thầy và sau này cũng lên dầu ngọn Núi Đất viên tịch trong tư thế kiết già, Nhục thân xá lợi của Ngài vẫn nguyên vẹn cho đến khi dân làng dùng đá che chắn chung quanh và cất thành bảo tháp hiện nay vẫn còn dấu tích. Đến thăm nơi đây Lê Triều Phương có một tâm nguyện là nếu trời cho sống thêm được ít lâu thì Lê Triều Phương sẽ thực hiện qui hoạch khu Hòn Đất.

Những tháng cuối cùng, biết chắc chắn là mình không có thể về thăm lại được chùa Thiên Tứ và Hòn Đất, Lê Triều Phương và phu nhân có gởi cho chùa một số tiền là 1.000 euro (khoảng trên 20 triệu) để thầy Thích Như Hoằng xây cất một tịnh thất tham thiền và lưu trữ kinh sách và di vật kỷ niệm của chùa. Đồng thời trong khi bệnh thuyên giảm, cơn đau vừa bớt thì Lê Triều Phương lại chú tâm vào việc nằm đọc và sửa bản thảo cuốn "Tam Tổ Núi Đất, Xứ Trầm Hương" của thầy Thích Như Hoằng. Sửa chửa xong bản thảo, Lê Triều Phương còn viết một bài tựa cho cuốn sách này. Ngoài ra cũng còn có hai tập bản thảo nữa (Cổ Sự Sắc Tứ Thiên Tứ. Đất Phật Ninh Hòa; Bồ Tát Thích Quảng Đức Một Nhân Cách Siêu Phàm) cũng được sửa lỗi chính tả và viết lời giới thiệu.

Trước khi từ trần, Phương dặn vợ là bác sĩ Đoàn Thị Gái dùng tất cả số tiền phúng điếu ngày ra đi của Phương bỏ vào một thùng riêng để phụ dùng trong việc qui hoạch Hòn Đất tại Ninh Hòa. Công tác này hiện đang xúc tiến việc trùng tu ngôi tháp cổ của Thiền sư Đạo Minh trên ngọn Núi Đất và kế hoạch trồng rừng trên ngọn núi trọc này. Phương còn để lại một bài viết về tâm nguyện này:

HÒN ĐẤT (ĐỊA SƠN), NƠI ẨN TU CỦA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

Cái tên Thích Như Hoằng và Hòn Đất thường lởn vởn trong tâm trí tôi.

Sau giờ giải lao buổi trưa tại Hội Thảo "Đạo Phật trước thách thức của thời đại mới", tôi ngồi vào một ghế trống bên cạnh thầy Thích Như Hoằng gần cửa ra vào của hội trường. Tôi không nhận ra Thầy, song Thầy nhận biết tôi ngay bởi vì lúc còn là tăng sinh của Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thầy đã biết tôi vào dịp tôi lên lớp tại Học Viện. Đây là lần đầu tiên, tôi có duyên làm quen với thầy Thích Như Hoằng. Thời gian trôi qua.

Nhân dịp anh chị Tùng Phong tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Quách Tấn tại thư viện tỉnh Khánh Hòa tôi lại gặp thầy và khi đi thăm chùa Từ Tôn trên Hòn Đỏ , tôi lại gặp Thầy tại đó. Nét mặt "phong sương", nụ cười tươi và nhân hậu của Thầy là những ấn tượng còn sống động trong tôi.

Tôi đến chùa Từ Tôn, một mặt để chào sư ông Thích Viên Mãn vị Trụ trì của chùa và lạy Phật, mặt khác để viếng cảnh đẹp và góp ý về việc qui hoạch cảnh quan tại đây.

Thầy Thích Chúc Minh, vị đệ tử của sư ông Thích Viên Mãn đã hướng dẫn nhóm chúng tôi đi thăm khắp hải đảo, Thầy đã quay phim ghi lại những hình ảnh và ý tưởng đề nghị phân vùng và qui hoạch cảnh quan nơi đây. Thầy Thích Như Hoằng cũng có mặt trong nhóm. Thầy đã lắng nghe tôi quãng diễn ý tưởng. Sau cùng Thầy quay sang thầy Thích Trí Dũng và thốt lên:

Chúng ta đã qui hoạch cảnh quan của chùa mình sai rồi.

Rồi Thầy Thích Như Hoằng mời tôi đến thăm chùa của Thầy tại Hòn Đất để góp ý trong vấn đề qui hoạch sao cho cảnh quan chùa được đúng qui cách hơn. Lúc ấy tôi mới biết Thầy đang trụ trì tại chùa Thiên Tứ nằm ngay dưới chân núi Hòn Đất, một ngọn núi nhỏ và thấp ở Ninh Hòa, cách Nha Trang khoảng 20 cây số. Trên đỉnh Hòn Đất còn có một ngôi cổ tháp của Đại Lão Thiền Sư Đạo Minh (1684-1803) và nền của ngôi chùa Thiên Lộc, nơi mà trước kia Bồ Tát Thích Quãng Đức đã tu tập và giảng đạo. Tôi ngần ngừ suy nghĩ.

Nghe đến tên Bồ Tát Thích Quảng Đức lòng tôi vô vàng xao xuyến. Niềm tôn kính dâng cao. Ngọn lửa tự thiêu của Ngài vì Đạo pháp và dân tộc vẫn ngời sáng trong tim tôi. Một mặt tôi cảm thấy việc qui hoạch cảnh quan nơi Hòn Đất là một vinh dự lớn cho tôi. Một mặt khác tôi thấy điều này vượt quá giới hạn sức khỏe của bản thân. Cuối cùng tôi từ chối việc đóng góp tôn tạo lại cảnh chùa song có lời mở ngỏ:

Thưa Thầy hiện nay, sức khỏe không cho phép con đi lại thường xuyên, con mong sẽ có một cơ hội thuận tiện khác.

Lý do từ chối của tôi rất thuyết phục, tôi bị ung thư lâu năm nơi ruột già, sau khi cắt khối u xong thì bị di căn ở gan. Cuối năm 2005, 45% lá gan bị cắt mất, nhưng rồi ung thư tiếp tục di căn ở nhiều nơi khác trong bụng. Việc đi xa trở nên khó khăn.

Nhìn nét mặt ưu tư của thầy Thích Như Hoằng, long tôi nao nao. Cảm nhận nao nao này kéo dài mãi và thôi thúc tôi phải đi thăm Hòn Đất một chuyến.

Ngày 04 tháng 08 năm 2006 anh chị Quách Tùng Phong, anh Phan Hồng Châu và tôi lên xe đi thăm Hòn Đất. Trên đường đi, tôi không thấy được khỏe lắm nên chẳng hứng thú nhìn ngắm phong cảnh. Tôi hoặc lắng nghe anh Quách Tùng Phong kể chuyện hoặc hồi tưởng lại ngọn lửa bùng cháy trên thân thể ngồi thẳng như tượng đá của Hòa thượng Thích Quảng Đức năm 1963. Ngài đã tự thiêu vì Dân tộc và Đạo Pháp. Hình ảnh ngọn lửa tự thiêu đã trở thành ngọn lửa thiêng được truyền đi khắp năm châu, gây xúc động mảnh liệt trong trái tim của vô số con người trên thế giới và trong tim tôi.

Tôi nhớ đến mấy dòng thơ tuyệt diệu của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

... Chỗ người ngồi một thiên thu kiệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây, rồi mai sau còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
Gội hào quang xuống tận ngục A tỳ.

Hính ảnh tự thiêu và quả tim đại hùng, đại lực, đại từ bi không cháy và trở thành kim cương bất hoại của Bồ tát Thích Quảng Đức đã giúp tôi củng cố niềm tin của mình để mạnh mẻ đi trên con đường diệt khổ mà Đức Phật đã chỉ dạy. Nhờ đó trong suốt thời gian"dầu sôi lửa bỏng" tôi đã không bị cám dổ hay bị nãn chí trước những mời gọi hay vu khống nhục mạ của nhiều người.

Trên đường đi đến thăm Hòn Đất, tôi không tin rằng mình sau chuyến đi này còn có thể có đủ ngày giờ, sức lực và sự sáng suốt để làm trọn vẹn một việc gì nữa. Bỡi vậy tâm nguyện chính của tôi là mong một trong những nơi tu hành đầu tiên của Bồ tát Thích Quảng Đức: Thiên Lộc là một trong những ngôi chùa được ngài khai sinh tại quê hương Ninh Hòa của Ngài được tái lập.

Chúng tôi đến Hòn Đất khoảng 11 giờ. Cảnh xanh mát trong khuôn viên chùa và phong cảnh phía bên ngoài chùa đã đánh tan sự mệt mỏi lúc đi đường. Đồng ruộng trước mặt chùa trải một tấm lụa xanh mơn mởn. Tôi hít thật sâu hương đồng nội theo làn gió nhẹ lướt trên sóng lúa đừa đến. Tinh thần trở nên sảng khoái.

Thầy Thích Như Hoằng đón chúng tôi nơi sân chùa đầy bóng mát với nụ cười tươi và nhân hậu. Tôi thoáng nhìn quanh và nhận thấy chùa nằm sát bên cạnh đình làng. Đây là một đặc điểm hiếm hoi. Một đặc điểm bắt mắt khác là đó đây có những bài thơ được viết trên bảng gỗ và gắn vào thân cây. Một bài được gắn vào thân cây trôm cổ thụ trong sân chùa có nội dung như sau:

Người ơi, chùa đất Phật vàng
Xin ai chớ có phụ phàng cảnh xưa
Cho dù tường rách mái thưa
Vẫn còn đụt nắng che mưa tháng ngày.

Bài thơ không có tên tác giả. Tôi thầm nghĩ người sáng tác có lẽ là Thầy Thích Như Hoằng. Câu" Cho dù tường rách mái thưa" đã khiến tôi bâng khuâng ít nhiều. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng đó là một câu giới thiệu mang tính cách khiêm tốn đối với khách thập phương đến viếng cảnh chùa với ngụ ý rằng đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ nép mình dưới chân núi trong một vùng nông thôn hẻo lánh.

Trước khi vào chùa tôi bắt gặp thêm mấy câu thơ nữa:

Đốt nén hương trầm lạy Tổ, Thầy
Núi Đất con về nơi chốn đây
Ơn Thầy, nghĩa Tổ cao hơn núi
Nghĩa nặng tình thâm sánh đất dày.

Qua ý thơ này, tôi tin rằng tác giả phải là Thầy Thích Như Hoằng. Có lẽ lúc trước Thầy đã về đây tu tập dưới sự hướng dẫn của Bồ tát Thích Quãng Đức.

Sau khi vào chánh điện lạy Phật và uống trà, tôi đi một mình khắp đó đây quan sát cảnh vật quanh chùa. Câu thơ" Cho dù tường rách mái thưa" đã thật sự phản ánh đúng hiện trạng của chùa: tường vách bên trong thì loang lỗ, bên ngoài thì rêu phong. Mái ngói có nơi bị toét hay xiêu lệch. Chân tường ngỗn ngan đá gạch, ngói vụn. Tủ kính lưu trữ hiện vật kỷ niệm của Bồ tát Thích Quảng Đức( ví dụ như tượng Phật, kinh sách, chuông v.v..) vừa nhở vừa không an toàn. Đã có nhiều vật bị đánh cắp. Đôi kẻ hồi tâm đã mang trả lại vài thứ bằng không có lẻ tất cả đã trở thành những món sưu tập quí giá của tư nhân hoặc đã được đưa ra chợ trời đồ cổ rồi. Chùa thật sự đã thiếu bàn tay chăm sóc và tu bổ. Một nữ Phật tử đến chùa làm công quả cho tôi biết rằng chùa rất vắng vẻ. Thầy Thích Như Hoằng hầu như ở một mình và phải làm tất cả mọi việc trong và ngoài chùa. Thầy chẳng có ai bên cạnh để giúp việc. Bà kể cho tôi nghe sinh hoạt của chùa, nhất là hoàn cảnh nghèo khổ đáng thương thường xuyên xãy ra tại đây. Ngay cả vào ngày Tết, ngân quỷ của chùa cũng chỉ có non 900.000 đồng, không đủ để mua nếp nấu xôi đãi khách đến thắp hương. Bà cũng rất hãnh diện về việc tu tập có kết quả của bà. Bà cũng không dấu diếm rằng bà vốn là một người đàn bà rất dữ và hổn hào song nhờ đến chùa và nghe Phật pháp nên không còn lớn miệng chưởi bới nữa.

Nhìn tận mắt cảnh "tường rách, mái thưa" và nghe qua hoàn cảnh khó khăn của chùa lòng tôi rất xúc động và thầm nghĩ "mình nên góp ý qui hoạch và đóng góp phần nào để cho khuông mặt cùa và Hòn Đất sáng sủa hơn". Lòng tôi dâng lên một niềm vui khinh an khó tả và quên cả bệnh đau của mình.

Rồi Thầy Thích Như Hoằng lại hướng dẫn chúng tôi lên núi chiêm ngưỡng bảo tháp của Thiền sư Đạo Minh và xem dấu vết còn lưu lại của chùa Thiên Lộc. Các bạn tôi đều đi trước để nghe Thầy Thích Như Hoằng kể lại bao chuyện xưa tích cũ. Phần tôi, đi sau vì muốn quan sát phong cảnh và nếu có thể thì phác thảo ngay tại mỗi điểm quan sát một số nét đại cương cần thiết cho việc tôn tạo cảnh chùa và Hòn Đất. Anh Quách Tùng Phong nhận lấy phần viết lại những chuyện được nghe lúc ngồi trong chùa hay khi đi tham quan cảnh núi ví dụ như chuyện đào ao sen của Ngài Thích Quảng Đức, chuyện cọp sống cạnh người v.v.. Như vậy tuy không bàn thảo trước mà như đã có sự phân công rồi.

Cảnh quan núi đất nhìn chung thật tiêu điều. Hình dáng của núi lồi lõm không còn nguyên vẹn. Nhiều nơi tại chân núi bị đào xới và khoét vào để lấy đá và làm nền để xây nhà. Vì vậy, nơi thì lồi lõm, nơi thì triền núi trở nên rất dốc, nơi thì sạt lở do tác động của con người và mưa nắng. Rất nguy hiểm khi đến gần.

Cây cối trên núi rất thưa thớt. Cây gỗ quí đã biến mất. Một dải bạch đàn cao lêu nghêu là loài cây đã làm cho đất đã thoái hóa, bạc màu. Dân địa phương đã lên đem xác người thân đến chôn đôi nơi trên núi.

Đỉnh núi khá bằng phẳng, song khô khan và xác xơ. Cổ tháp của Đại Lão thiền sư Đạo Minh (Thế kỷ thứ 17- 19) đã bị gió mưa bào mòn. Chùa Thiên Lộc do Bồ tát Thích Quảng Đức sáng lập nay chỉ còn lại nền nằm phơi sương nắng.

Tôi tin rằng nếu nhìn cảnh xác xơ tàn tạ ngày hôm nay trên Hòn Đất chắc chắn Thiền sư Đạo Minh và Bồ tát Quảng Đức vẫn an nhiên thanh tịnh vì quý Ngài đã thấy rõ tính vô thường của vạn vật. Nhưng Thầy ThíchNhw Hoằng và nhất là tôi, một con người phàm tục, không thể nào không xót xa trước cảnh sắc tiêu điều mà trước đây từng là chốn tu tập của các vị đạo hạnh cao thâm.

Tim tôi rửng rưng lệ. Tôi xin mượn tâm sự của thầy Thích Như Hoằng đã gói ghém trong bài thơ đính trên các trụ cây để nói thay tiếng lòng của tôi:

Lẽ đâu năm tháng buồn hiu
Địa linh núi đất tiêu điều xác xơ
Vẫn còn cảnh vật hoang sơ
Là đây cổ tháp còn trơ dáng hình
Chùa Thiên Lộc chỉ còn nền
Trơ trơ gạch đất im lìm tháng năm.

Thật vậy Hòn Đất (cụm nhỏ) quả là một chốn "Địa Linh". Nơi đây đã từng có những điều kiện thuận lợi hổ trợ cho sự tu tập để chúng ta có được Thiền sư Đạo Minh và Bồ tát Thích Quảng Đức. Thiền sư Đạo Minh thị tịch an nhiên trong thế ngồi kiết già. Và Bồ tát Thích Quảng Đức để lại Trái Tim Kim Cang Bất Hoại.

Một phái đoàn Phật giáo gồm đông đảo chư tôn Đức Trung ương đã đến viếng nơi này.

Thầy Thích Như Hoằng và chúng tôi đều hy vọng rằng một ngày nào đó với sự quan tâm đóng góp của Phật tử mười phương, cổ tháp sẽ được trùng tu, chùa Thiên Lộc sẽ được tái tạo và Hòn Đất sẽ xanh mát trở lại. Đây là một niềm hy vọng có căn cứ.

Tôi nhìn quanh đỉnh núi khô khan và phát hiện đó đây những cây nhãn rừng xanh tươi vươn cao lên những bụi cây hoang dại. Chúng điều hòa khí hậu vi mô, ngăn đất rửa trôi, giữ độ ẩm trả lại đất phân xanh. Chúng là những loài cây tiền phong từng bước thật nhỏ, thật chậm tạo những điều kiện sống thuận lợi cho những loài nhạy cảm trước nắng gió, cho những loài chỉ mọc dưới bóng mát cho cánh rừng tương lai. Con người có thể hổ trợ cho những điều kiện thuận lợi này để các bước phát triễn được nhanh chóng hơn và cánh rừng con được hình thành sớm hơn trước khi điều kiện vật chất hội đủ để tái tạo lại chùa Thiên Lộc.

Tôi vượt qua gai gốc đi sâu vào những bụi rậm. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một số loài cây gỗ quí như sao, dầu... Khi gặp lại thầy Thích Như Hoằng tôi mới biếtnhững cây con thuộc các loài gỗ quí kia đã được chính tay Thầy trồng. Thầy trồng với tất cả tấm lòng. Thầy phải thường xuyên chăm sóc và cực nhọc đem nước từ ao lên tưới. Thầy đã vui mừng khi nhìn thấy cây đã bắt rể trên vùng đất bạc màu và khô khan này. Tôi cũng mừng vui theo niềm vui của Thầy.

Thầy Thích Như Hoằng đã và đang thúc đẩy sự phục sinh lại rừng Hòn Đất. Chúng tôi xuống núi. Tôi đứng ngắm những cánh sen trắng đưa hương thanh khiết trong gió lành. Tôi thấy ánh mặt trời đang tỏa hào quang trong lòng hoa sứ. Tôi bổng cảm thấy đó là hương của hồ sen xưa mà Bồ tát Thích Quảng Đức tự tay đào và ánh lửa của trái tim Đại Từ Bi của ngài đang lãng đãng đó đây.

Tôi hỏi Thầy Thích Như Hoằng

- Thầy có mong chùa Thiên Lộc được tái tạo trên nền đất hoang phế không?

Thầy trả lời:

- Đó là điều tôi vô cùng mong muốn;

Tôi hỏi tiếp:

- Thầy thích tu trong một chùa nguy nga hay là thích đi theo con đường của Bồ tát Thích Quảng Đức?

Thầy Thích Như Hoằng đáp:

- Tôi quyết chí đi theo con đường tu tập của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Nghe câu trả lời, tôi xin thầy một phút để chụp cảnh hồ sen. Tôi cố ý ghi hình ảnh những búp sen non bên cạnh những đóa đang nở và đã tàn.
Tôi mỉm cười nhìn thầy rồi chỉ những chậu hoa mai và hỏi:

- Sao thầy mua nhiều hoa mai vậy? Chắc thầy thích loài hoa này?

Thầy đáp:

- Vâng, song những cây mai ấy đều do tôi tự gieo trồng.

Tôi mạnh dạn đề nghị:

- Vậy thì quá tuyệt! Nếu được, xin Thầy đưa nhiều mai lên trồng trên núi và cho chúng tôi đặt tên Hòn Đất là Hoàng Mai Sơn.

Thầy Thích Như Hoằng:

- Tôi sẽ làm việc ấy...

Từ ngày 04-08-2006 đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua. Tôi vẫn thường bị bó chân trên giường trong bệnh viện hay tại nhà. Khác với những tiên đoán của các giáo sư, bác sĩ Đức, Pháp, Việt, chư vị Phật và chư Bồ tát vẫn hỗ trợ cho tôi tiếp tục sống và tâm hồn tôi hằng lạc quan an tịnh đến hôm nay. Tôi vẫn nhớ và nghĩ đến Hòn Đất.

Hai tin vui vừa đến với tôi. Thứ nhất, mai đã mọc nhiều nơi trên Hòn Đất. Thứ hai, anh Trần Tiễn Tiến đã sẳn sàng cùng thầy Thích Như Hoằng nhận lấy trách nhiệm vận động sự hảo tâm đóng góp của Phật tử bốn phương trong việc chăm sóc bộ mặtcủa chùa Thiên Tứ và cảnh quan của Hòn Đất. Đây cũng là động cơ giúp anh Quách Tùng Phong và tôi không còn ngần ngại trong việc quãng bá thông tin về Hòn Đất, nơi tu tập của Bồ tát Thích Quảng Đức. Chúng tôi chân thành cảm tạ công đức của những vị đã và sẽ hổ trợ cho ước nguyện của thầy Thích Như Hoằng được thành tựu viên mãn.

Thành Lộc. Tp HCM 14.10.2007
GsTs Lê Văn Tâm
(bút danh Lê Triều Phương)

 

Ghi chú: Địa chỉ liên lạc và chương mục ngân hàng của Thầy Như Hoằng: Chùa Thiên Tứ, Ninh Hà, Ninh Hòa, Khánh Hòa (DTDD:0962757306)

Thích Như Hoằng: Gởi tên thật là Trần Đình Khôi, tài khoảng :

- VND :0061000807073 tại Ngân hàng Joint Stock Commercial Bank For Foreign Trade of VietNam NhaTrang Bank, 17 Quang Trung Nha Trang (so dien thoai 058-825120/ 058-829178)

- USD :0061370807083 cũng tại ngân hàng này.

Thực hiện lòng mong muốn của bạn, tôi viết một bài về sự tích đào ao sen của Bồ Tát Thích Quảng Đức:

Ao Sen Nở Trong Đêm Vắng

Sư Thích Quảng Đức về chùa Thiên Tứ một cách lặng lẽ. Sự đi về của sư không có giờ giấc. Nhà chùa không có sư thường trú nên ít khi người trong xóm biết rõ việc sư đi về. Những buổi kinh chiều, kinh sớm, đều lặng lẽ âm thầm. Tiếng chuông, tiếng mõ cũng nhẹ nhàng âm vang trong không khí tỉnh lặng của thôn quê. Chùa ở cạnh đình làng và hơi cách xa xóm làng. Trước chùa là cánh đồng bao la. Nhà dân cũng đều có hàng tre che kín.. Chùa cũng như đình chỉ được nhân dân địa phương đến viếng thăm trong những ngày lể đình và những ngày rằm lớn.

Chùa xây cất đã lâu tuy không to lớn song sân chùa cũng khá rộng và đã được trồng nhiều cây cổ thụ. YÙ muốn của sư thầy là đào một ao sen nơi gần cổng chùa. Chức dịch trong làng phần đông đều không tán đồng vì cho là đào ao sẽ động đến đình làng. Trước sao sau vậy, lề lối cũ cố gắng mà duy trì. Cho nên dù mong muốn vị sư trụ trì không thể nào thức hiện được.

Một đêm trăng sáng vào ngày rằm tháng 10, sau buổi kinh tối, sư Quảng Đức đi một vòng lên thăm cổ tháp của Đại Lão Thiền Sư Đạo Minh. Khi về đến cổng chùa nhà sư lặng lẽ đứng nhìn cổng chùa và thầm nguyện là phải cố công đào cho được một hồ sen nơi cạnh sân trước chùa.

Việc đào ao bắt đầu ngay từ tối hôm sau. Công việc đào đất tiến hành từ từ từng bước, không vội vàng mà cũng không chậm trễ. Đêm nào sư cùng hì hục xắn đất, khuân đất. Đêm ở thôn quê hoàn toàn thầm lặng. Ăn cơm xong, dân trong xóm đã sớm lên giường. Đường trong thôn vắng vẻ dù cho trăng sáng khắp làng. Chỉ có tiếng chó sủa trăng vang xa khắp nẻo. Sau ngày rằm trời lại bắt đầu mưa, thôn xóm lại đắm chìm trong quạnh vắng. Hằng đêm sư Quảng Đức vẫn hì hục đào ao. Nhờ trời mưa, đất dẽo mềm nên việc xắn đất thêm phần trôi chảy. Mưa gây ướt át song lại giúp thêm mát mẻ và nhất là bớt muổi đốt. Làm việc trong bóng đêm dần quen với bóng đêm và công việc đáo ao rất thuận tiện . Công việc vừa hoàn tất thì trời mưa dầm dã và cơn lụt lại xảy đến. Dân gian thường có câu ca:

Ông tha mà bà không tha
Trời giáng cây lụt hai mươi ba tháng mười.

Suốt một tuần mưa tuông ròng rã rồi lụt, nước ngập đồng lênh láng và tràn ngập vào tận thềm chùa. Giao thông gián đoạn nên tuy đã là mồng một mà chùa vắng bóng người đến dâng hương. Trưa hôm ấy, sư Quảng Đức ra cổng nhìn cánh đồng trước chùa còn ngập nước bạc thì phát hiện ra mặt hồ đã đào dường như rộng gấp mười lần lúc trước. Một con suối nhỏ từ mương nước nơi cánh đồng đã bức bờ chảy vào vườn xoáy làm cho hồ từ một cái ao nhỏ thành ra một cái hồ lớn. Vừa đúng lúc ấy vị lý trưởng trong làng có việc đi ngang qua chùa gặp Sư Quảng Đức đang trầm ngâm đứng nhìn hồ nước mênh mông. Tin tức chùa Thiên Tứ lụt chảy thành hồ trước sân chùa chẵng mấy chốc lan ra khắp thôn xóm. Người người lũ lượt kéo nhau đến trầm trồ, bàn tán. Kẻ thì cho đó là ý muốn của Phật tổ nên nhờ long vương dâng lũ tạo thành hồ cho đẹp cảnh chùa. Người thì cho rằng đây là kết quả của sự tranh dành đất Phật của hai con giao long nhân dịp cơn lụt lớn vừa qua trôi theo giòng nước muốn đến nương tựa cảnh chùa nhưng vì không ai chịu nhượng cho ai nên phải giao đấu với nhau song cả hai đều thất vọng và kết quả là tạo nên một cái hồ trước chùa. Sự việc đã xãy ra ngoài dự đoán của nhà chùa và đã khiến cho những kẻ bảo thủ về việc ngăn cấm việc đào ao cho chùa sợ đứt long mạch của đình không còn lý do gì ngoài việc cho là lòng trời Phật đành phải chấp thuận vậy. Từ hôm ấy sư Quảng Đức ngày ngày lo tu bổ bồi đắp bờ ao và chăm lo việc trồng sen. Một điều kỳ thú là khi sư lội xuống ao thì phát hiện ra lòng ao đã đầy ngập bùn cho nên chỉ trong vòng một tháng mặt hồ đã nổi lên những tiền sen xanh thắm khắp mặt hồ. Rồi không mấy chốc một hồ sen dày đặc lá sen đón chào các chư tăng phật tử đến viếng chùa trong ngày Phật Đản năm sau.

Mùa hè năm ấy chẳng những hai thôn Mỹ Trạch, Phước Lộc thơm ngát hương sen mà các thôn lân cận cũng tràn ngập hương từ bi theo gió thoảng về. Chùa Thiên Tứ được thiện nam tín nữ viếng thăm mỗi ngày một nhiều. Trước viếng chùa, thắp nhang lạy Phật sau có dịp ngắm hồ sen thơm ngát bông hoa trắng đỏ cùng chung bóng nước hồ xanh thắm.

Cuộc đời lắm bể dâu. Chiến tranh giữa xâm lược Pháp và dân tộc Việt Nam yêu nước xãy ra năm 1946. Thị trấn Ninh Hòa cùng các thôn xóm chung quanh bị chiến tranh làm cho điêu tàn. Chùa Thiên Tứ lại đìu hiu cùng cảnh vật. Ao sen dần thu nhỏ và hôm nay chỉ còn lại một mảnh nhỏ nằm ở cuối vườn. Sen vẫn còn trải lá xanh tươi và hoa sen vẫn lan tỏa hương sen theo gió đến tận các thôn xóm xa xa trong những đêm thanh tịnh hòa lẫn âm thanh tiếng mõ và tiếng chuông của chùa Thiên Tứ.

Quách Tùng Phong
* *

Ngày 20/9/2008 chúng tôi hội tụ nhau tại chùa Thiên Tứ nơi Hòn Đất để tham dự ngày tưởng nhớ 100 ngày mất của Lê Triều Phương. Hoa sứ nở đầy sân chùa.

Hoa Sứ

Ngoài cây Sa la bạn tôi rất muốn nhìn thấy những đóa hoa sứ nở và rụng trong vườn nhà. Trong thơ của bạn có nhiều câu thơ nói về hoa sứ:

Đầy thềm hoa rụng bóng xuân
Gạch sân chùa trải ửng hồng nắng mai.
( Gió Sớm Sân Chùa )

Xin chào chị Mâm xôi
Xin chào anh Hoa sứ
Tôi không là ong bướm
Chỉ làn sương ảo mờ
Cùng ngắm nắng ban sơ
Cuối mùa đông tuyệt diệu.
( Xin Chào)

Hơn thế nữa, khu vườn nơi quê hương Thuận Hòa của bạn có một cây hoa sứ trắng, tốt tươi. Lá xanh đậm, hoa trắng nở đầy cành và rụng trắng trên nền cỏ. Cây hoa sứ lên xanh tốt. Nơi khu vườn có hai mộ song thân Triều Phương an nghĩ. Tại khu vườn có một ngôi nhà nhỏ được người cháu út chăm lo, gìn giữ. Mỗi khi về thăm nhà khu vườn này thường xuyên có mặt của Triều Phương và cây sứ là nơi chàng ngồi ẩn tránh bóng trưa để ngồi ngắm nhìn quan cảnh trong vườn. Để cho lòng bớt nhớ đến hương vườn cũ bạn tôi đã thầm ước muốn chiết một cành sứ của vườn nhà vào trông nơi vườn nhà mới. Một thời gian sau lòng mong muốn này được gia đình thực hiện. Sống cùng bạn được hai tuần, chúng tôi lại phải về Nha Trang dưỡng bệnh.

* *
(<- trang trước)  /  (-> trang sau)