Trở về

thấy mình. . . như sương 
Phụ bản
 
Phật Giáo Việt Nam Trước Sự Nghiệp Phát Triển Đất Nước
    Chủ đề "Phật Giáo Việt Nam -- Quá Khứ và Tương Lai" đã gợi lên nhiều khía cạnh suy nghĩ lý thú cho người phật tử chúng ta.

    Thứ nhất, nói đến Phật giáo Việt Nam (viết tắt: PGVN) là nói lên một thực thể đặc thù của Phật giáo trong không gian riêng biệt của một nước Việt Nam. Về mặt bản sắc, thực thể này, một mặt đã được hình thành trên nền tảng giáo lý giải thoát phổ quát của đức Phật và mặt khác, với những điều kiện vật chất và phi vật chất của nước Việt Nam. Đó là Tam Tạng kinh điển. Đó là nội dung tu chứng và sáng tạo của những bậc Thiền sư tiền bối việt Nam. Đó là địa hình địa vật và tất cả các nguồn tài nguyên phục vụ cho đời sống và sự phát triển đất nước. Đó là "hồn non sông" được hun đúc qua lịch sử đấu tranh, giử và dựng nước. Về mặt hành động, PGVN bao gồm tập thể tu sĩ và cư sĩ. Đó là những người thừa kế các tinh hoa đặc biệt của PGVN, những người mang trách nhiệm làm sao cho đạo Phật luôn luôn sống động.

    Thứ hai, yêu cầu nhìn lui lại "quá khứ" và hướng về tương lại đã vận động người Phật tử (viết tắt:PT) tìm hiểu rõ về bản sắc, quá trình phát triển và tác động của PGVN - với tất cả những ưu và khuyết điểm -- xuyên qua dòng lịch sử để từ đó ý thức về con đường tu hành của mình, những tiến bộ đã đạt được và hành động sắp tới để tiến đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát tốt đẹp hơn.

    Thứ ba, PGVN đã cùng đi chung với dân tộc xuyên qua dòng lịch sử thăng trầm đã sống hòa hợp với tính cách dân tộc và phát nở ra những tinh hoa lưu truyền. Đó là tinh thần tự chủ tự cường, tinh thần nhập thế hành động, tinh thần dung hợp với những đạo lý và nguồn tư tưởng tích cực khác, tinh thần chuộng ngôn từ trong sáng thấm thẳng vào tim não con người. Nói thế không phải để tự ca ngợi hoặc tự mãn song là để tự tra vấn mình đã tiếp thu được những gì, phải chỉnh đốn, phải cải thiện, chuẩn bị ra sao, làm cách nào mới và đúng để PGVN mãi mãi gắn liền với vận mệnh dân tộc và gắn liền với sự phát triển của đất nước? Làm sao thể hiện hữu hiệu Bi Trí Dũng trong thời đại? Làm sao đóng góp tối ưu cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và hội nhập tốt vào cộng đồng nhân loại?

    Thứ tư, trong thành phàn tham dự hội thảo có cả Phật tử trong và ngoài nước, Sự kiện này thể hiện được phần nào mơ ước vốn có sẵn về một sự đoàn kết giữa PT trong và ngoài nước, một sự đoàn kết trong tinh thần tự nguyện, vô trước và tinh tấn. Đoàn kết để chung sức tìm ra phương cách tiếp thu và thể hiện tốt tinh hoa của đạo Phật trong thời đại hôm nay.

    PGVN, những người mang những trách nhiệm làm sao cho đạo Phật luôn luôn sinh động. Mong rằng chúng ta thể hiện được tinh thần của dân tộc Vajji vốn được đức Phật lúc còn tại thế dạy dỗ: "Thường hội họp. Hội họp trong niệm đoàn kết. Làm việc trong niệm đoàn kết. Chia tay trong niệm đoàn kết."

    Những điều trình bày sau đây không có mục đích tôn vinh PGVN vàng son dưới triều đại Lý Trần; cũng không ngậm ngùi về những suy yếu phát khởi từ những triều đại Nho cực thịnh kéo dài đến giai đoạn thuộc địa và chiến tranh khốc liệt. Ước vọng nổi bật nhất ở đây xin gợi ý về "PGVN trước sự phát triển đất nước" nhằm đạt lại vấn đề tìm hiểu và làm sáng tỏ những khả năng của đạo Phật nói chung và PGVN nói riêng trong sự đóng góp xây dựng đất nước hôm nay và ngày mai.

    Ý Nghĩa của sự phát triển

    Phát triển là vấn đề then chốt quyết định cho sự ấm no và hạnh phúc của dân tộc, cho nền độc lập và tự do của đất nước và cho sự hòa nhập Việt Nam vào cộng đồng nhân loại thuộc thế kỷ 21, một mốc thời gian gần gũi cụ thể. Là người Việt Nam không ai có thể quay lưng với dân tộc và có thể từ chối đóng góp xây dựng non sông, dù rằng sự đóng góp ấy rất nhỏ và gián tiếp.

    Trước tiên chúng ta cũng nên ý thức rằng sự phát triễn trên đất nước Việt Nam không thể diễn ra một cách dễ dàng, thông suốt và với những điều kiện vật chất, kinh tế, xã hội v.v... thuận lợi. Việt Nam đang là một trong hai mươi nước nghèo nhất thế giới. Hậu quả tang thương của chiến tranh còn nhức nhối trên cơ thể, trong tâm ta và giữa gia đình của hàng triệu con người. Một phần sáu giang sơn bị khai quang, vẫn chưa phai chất độc. Bom, mìn còn sót lại trong lòng đất vẫn tiếp tục giết hai sinh mệnh người dân vô tội. Bất mãn, ngờ vực, mâu thuẩn giữa con người và giữa ý hệ chưa hóa giải hết. Những tiêu cực này là những khối nặng khổng lồ trì níu sự "cất cánh" bay lên của Việt Nam.

    Phật tử chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tại ấy, một mặt để loại ra ngoài cách đóng góp kiểu "chung chung", ròng lý thuyết, lơ lững giữa thượng tầng không khí hoặc kiểu "bàn giấy" vô tội vạ; một mặt khác để đánh bật những đòi hỏi đua đòi "phải đạt ngay tức khắc" trình độ, mức sống và chất lượng mà các nước phát triển ổn định đang được hưởng. Cuối cùng cũng nên thấy rằng chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn của thời đại. Chúng đa dạng, phức tạp và khó giải quyết. Dẫu vậy chúng ta cũng không đánh mất niềm tin rằng PGVN, với những đặc điểm của mình, có thể đóng góp tốt cho sự nghiệp phát triển Việt Nam.

    Quan niệm "phát triển" xưa nay vốn không đồng nhất. Nội dung của nó chuyển biến theo từng thời đại. Trên cơ sở giáo lý đọa Phật và với những diễn biến phát triển chung trên thế giới hiện nay, nội dung "phát triển" có thể được hiểu là "sự xây dựng và phát huy tất cả những khả năng của đất nước nhằm thực hiện hòa bình, nâng cao mức sống và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, ngăn ngừa và giảm thiểu sự phân tầng và phân hóa giàu nghèo trong xã hội, quý trọng phẩm giá con người, nâng cao đời sống văn hóa và vai trò của người dân trong những quyết định về đời sống và đất nước". Những khía cạnh này nương tựa vào nhau, tác động tương hổ nhau, thúc đẩy nhau đưa tiến trình phát triển ngày càng đi lên. Sau đây xin đi sâu hơn vào 4 khía cạnh: hòa bình, xã hôi bảo vệ thiên nhiên, môi trường và văn hóa. Đó là 4 khía cạnh mà theo thiển ý tôi PGVN phải quan tâm triển khai hoặc phổ biến rộng rãi.

    1. Xây dựng hòa bình

    Hòa bình là trạng thái an vui, bảo đảm, yên bình, không có sự de dọa từ bên ngoài. Quyền được sống hòa bình là một trong những quyền thiêng liêng của con người đã được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ghi rõ. Xây dựng hòa bình cũng là xu thế chung của thời đại. Với tư cách người Phật tử Việt Nam, chúng ta lại càng phải cố gắng hơn trong sự xây dựng hòa bình. Bởi vì không ai có thể hiểu hơn người Việt Nam chúng ta thế nào là chiến tranh với tất cả sự tàn bạo và hậu quả tang thương lâu dài của nó.

    Đối với đạo Phật, ý nghĩa tịch tịnh của Niết bàn cũng là Hòa bình, Hòa bình thật sự, Hòa bình không phải là ngưng tiếng súng, sự vắng mặt chiến tranh, song còn là sự tận diệt mọi thù hận trong tâm. Hòa bình là một trạng thái đã diệt tận mọi khổ đau, trong đó sự giết hại hận thù, nghi kỵ, sợ hải được thay thế bằng sự quý trọng sự sống, sự thương yêu, lòng tin cậy và niềm an lạc. Song thực hiện hòa bình không dễ dàng. Trên thực tế, thực hiện "Từ Bi Hỉ Xả", "Lục hòa" hoặc "Tứ nhiếp" thật vô cùng khó khăn, dù biết rằng đó là những phương thức sống không thể thiếu được, nếu muốn đạt được hòa bình.! Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên trước hiện tượng hận thù, ngờ vực, nghi kỵ, lo sợ...còn phổ biến đó đây. Biết rằng khó, song không lẽ Phật tử chúng ta cứ dậm chân một chổ và lãng quên bài học "Tinh tấn" trong việc xây dựng hòa bình. Không lẽ chỉ viết lách và nói suông về hòa bình? Không thể chờ đợi người khác làm hòa bình trước, hay làm thay chúng ta! Vậy phải bắt đầu như thế nào đây?

    Có lẽ trước tiên, chúng ta nên thể hiện hòa bình trong ta và giữa những người Phật tử Việt Nam với nhau, nghĩa là cần cố gắng vượt qua tất cả những khó khăn đa dạng và phức tạp sẵn có, những hiện tượng lạnh nhạt, ngăn cách, ngờ vực, những thái độ nhìn nhau qua "đường phân thủy"... giữa nhiều Phật tử Việt Nam ở hải ngoại với nhau và ở trong nước, giữa một tổ chức PGVN ở ngoài và trong nước. Chúng ta không thể phủ nhận những hiện tượng tiêu cực ấy. Đó là chưa kể đến những bất mãn giữa kẻ dưới với người trên, giữa thầy với trò, giữa mới và cũ, giữa thủ cựu và canh tân. Chúng là một số chông gai, chướng ngại trên con đườngtiến đến hòa bình, giác ngộ. Nếu cố gắng thực hành thường xuyên các hạnh "Từ Bi Hỉ Xả", "Lục hòa", "Tứ nhiếp", chúng ta sẽ từng bước tiêu trừ chông gai, chướng ngại ấy. Chỉ thông qua sự thực hành những hạnh trên, chúng ta mới có thể nhận chân đâu là tầm mức trí đức của bạn bè đồng sự, đâu là khế cơ, đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh.

    Tiến xa hơn nữa là đóng góp xây dựng hòa bình trong cộng đồng dân tộc, thông qua sự "chung sống và hiểu biết lẫn nhau, trong sự hợp tác vănhóa, kinh tế, kính trong những ý hệ khác nhau". Nếu không làm được những điều ấy thì mơ ước về một đất nước được ấm no, thịnh vượng, độc lập, tự chủ, hạnh phúc sẽ khó nanh chóng thành tựu.

    Cuối cùng PT chúng ta cũng cần hòa bình với thiên nhiên. Thiên nhiên không những là nguồn tài nguyên dành riêng cho con người xã dụng. Sự sinh sát các chủng loại hoang dã, sự tàn phá các hệ thống sinh thái quả đất dần dà đưa con người vào những hiểm họa không lường. Một ví dụ: Rừng mất đất bị xói mòn tăng lên, đồi trọc bãi hoang mở rộng, địa bàn sinh sống của conngwời thu hẹp dần trong khi dân số vẫn tiếp tục tăng. Rừng mất lụt lội tăng lên tại những vùng trù phú, đông dân ở những hạ lưu thấp làm điêu đứng dân tình. Rừng mất các loài hoang dã bị tiêu diệt theo và con người mất đi nguồn gien, nguồn dược liệu quí giá còn tiềm ẩn. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa không thể kể hết được. Đã đến lúc người PT nên hành tri cụ thể và rốt ráo hơn nữa hạnh Từ bi và thể hiện hòa bình đối với chúng sinh khác đồng hiện hữu với loài người trên quả đất. PGVN cần đưa môn bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giáo dục và đào tạo của mình để Phật tử hiểu rõ những phương thức và những kỹ thuật hành xử tối thiểu trong lãnh vực này và cũng để đóng góp cụ thể vào những chương trình hành động của nhà nước nhằm giử gìn và phát triển những điều kiện vật chất trên quê hương.

    2. Xây dựng xã hội công bằng.

    Đạo Phật cho chúng ta sự nhận thức toàn diện về con người và tập quần xã hội của nó, bao gồm cả phần vật chất và tinh thần. Con người chuyển đổi thường trực theo luật vô thường và hệ thống Duyên khởi trên từng địa bàn sống, với từng điều kiện xây dựng sự sống và theo từng thời đại. Hiện nay chúng ta đứng giữa khung cảnh phát triển ồ ạt của khoa học kỷ thuật và sự công nghiệp hóa với một tốc độ chóng mặt. Người máy thay đổi dần những phương thức ản xuất và cấu trúc công nghiệp có sẳn từ hai thế kỷ qua. Tác động sâu rộng toàn cầu của công nghệ tin học đã phơi bày rõ rệt. Tác động của công nghệ sinh học rồi đây chẳng sẽ kém gì hơn. Chưa ai có thể tiên đoán khuôn mặt của thế giới trong tương lai trung hạn sẽ ra sao.

    Điều mà các bậc trí thức hàng đầu thế giới quan tâm lo lắng là sự bành trướng vô bờ bến của nền kinh tế xuyên quốc gia nằm dưới sự chỉ đạo, quy hoạch và điều hành của các công ty đa quốc gia. Các công ty này chỉ biết có lợi nhuận. Họ không từ khước sử dụng bất cứ một thủ đoạn nào để có thể cạnh tranh và ngự trị thế giới. Họ được sự tiếp tay của một guồng máy nhân sự khổng lồ gồm các chuyên gia quản trị, các nhà phân tích tài chính, các nhà tâm lý và phân tâm học, các nhà nghiên cứu thị hiếu, các nhà vẽ mẫu mã... Họ đánh thức dậy tất cả những ham muốn của con người và tìm cách đáp ứng chúng. Nói nôm na là để "làm tiền"!

    Việt Nam đã đi vào quỹ đạo của nền kinh tế xuyên quốc gia này. Qua chính sách đổi mới và chuyển sang kinh tế thị trường và sự hội nhập vào Asean, Việt Nam thu hút sự đầu tư ngày càng lớn từ ngoài. Nhịp độ tăng trưởng hằng năm của tổng sản phẩm quốc gia đã nâng lên 8% Tình trạng thiếu lương thực khiến phải nhập khẩu hàng năm hơn một triệu tấn gạo đã chấm dứt. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới

    Những thành tựu khả quan này không thể làm quên được một số mặt yếu còn ảnh hưởng tiêu cực đến những mối quan hệ thuộc đời sống. Nền công nghiệp Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Gần 80% nhân dân sống dựa vào nông nghiệp tuy có khấm khá hơn song vẫn còn bị kiềm hãm trong nghèo khổ. Trong khi ấy, nền công nghiệp tuy còn trẻ, đã vượt lên ồ ạt tại những khu thành thị. Dân thành thị sống sung túc và tiện nghi hơn và nhảy vọt trong sự làm giàu. Sự phân tầng và phân hóa giàu nghèo càng ngày càng rõ rệt. E rằng tình trạng này không phải nhất thời trong quá trình chuyển hóa sang kinh tế thị trường mà có thể sâu sắc hơn. Bởi vì những nhà kinh doanh vốn lớn sẽ tiếp tục chọn thành thị làm nơi đầu tư, nơi tập trung dân cư đông đảo, có sức tiêu thụ tại chổ cao, cấu trúc hạ tầng tốt, chế độ hành chính dể thở v.v... Như vậy tỉ lệ đóng góp của công nghiệp vào tổng sản phẩm quốc gia sẽ dần dần vượt xa tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp. Giàu và nghèo, thành thị và nông thôn sẽ phân cách sâu sắc hơn!

    Một hiện tượng tiêu cực khác đang trở thành mối lo ngại lớn là khối lượng người sùng bái hàng hóa và tiền tệ ngày càng lớn lên. Lối sóng "biết cách làm tiền" và " biết xài tiền" ngày càng hấp dẫn. Những ông chủ, những giám đốc quyền bính, xe con bóng lộn, điện thoại cầm tay đã trở thành thần tượng mới. Quan trọng hơn nữa là những giá trị nhân văn truyền thống dần dần trở nên thứ yếu, xa lạ và lãng quên. Các nhà văn hóa xem đó là cuộc khủng hoảng văn hóa.

    Đức Phật rất ý thức về sự cần thiết của sự dồi dào về kinh tế trong hạn phúc con người. Song sưk nô lệ cho vật chất là điều cần phải được giải tỏa. PGVN phải làm gì ngoài lối sống giản dị và khuyến khích sống biết đủ? Phải làm gì để có sự quân bình giữa vật chất và tinh thần? Phải làm gì để trí tuệ thấm vào 80% dân chúng vốn đang thiệt thòi trong sự phát triển vật chất? Bi Trí Dũng là vũ khí diệt Tham Sân Si, "Bố thí, Ái ngữ, Đồng sự và Lợi hành" (tứ nhiếp) là những biện pháp cải thiện những quan niệm xã hội cho ngày càng tốt đẹp hơn và hạn chế bớt sự phân tầng và phân cực giàu nghèo. "Ngũ minh" (còn cần thêm những minh mới của thời đại nữa) là công cụ để đạt đến chánh nghiệp. Đức Phật đã dạy những điều ấy. Câu hỏi còn lại là Phật tử phải triển khai và áp dụng như thế nào trong hoàn cảnh chung của đất nước và theo xu hướng chung của thời đại.

    3. Bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

    Bảo vệ thiên nhiên và môi trường và ngày nay đã trở thành nhân tố an ninh, hòa bình và sự sống còn của nhân loại. Hiện tương quả đất nóng lên do mức tăng của khí CO2 trong khí quyển thông qua hoạt động kinh tế và công ghiệp của con người là một ví dụ điển hình về mối đe dọa bao trùm lên an ninh của thế giới.

    Hệ quả thứ nhất của quả đất nóng lên là đất bốc hơi nhiều và trở nên khô cằn nhất là tại những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Cay trồng trở nên kém năng xuất. Nạn đói và suy dinh dưỡng tại đây sẽ trỡ nên trầm trọng hơn. Nó sẽ là động cơ của những cuộc di dân ồ ạt đến những khu vực giàu từ Nam bán cầu đến Bắc bán cầu, của những rối loạn xã hội, những căn thẳng về tập tục và văn hóa khác biệt và phản ứng về chủng tộc..sẽ làm xấu mối quan hệ sống chung hòa bình giữa con người.

    Hệ quả thứ hai là mực ước biển dâng cao dần do những núi băng ở Nam cực tan theo độ nóng gia tăng. Tuy các ước đoán của các nàh khoa học về quy mô của mức gia tăng còn chênh lệch nhau, song nếu mức nước biển dâng cao 1m vào năm 2050 thì nhiều vùng châu thổ thấp phì nhiêu và đông dân trên thế giới sẽ bị nước mặn phá hủy. Sự khốn khổ của nước nghèo càng trở nên nghiêm trọng. Sự tranh sống giưa con người có thể diễn ra gay gắt và phần tài nguyên thiên nhiên còn sót lại sẽ bị con người tranh nhau ngấu nghiến.

    Sự gây ô nhiểm môi trường do khí thải, rác và những chất hóa học thực chất là sự đánh độc sức khỏe vào đời sống con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những phương thức canh tác gây ra sự xói mòn và sự xử dụng cạn kiệt các nguồn tài nguyên cũng là sự tự giới hạn hoặc tự làm triệt tiêu dần địa bàn sống và tiềm năng phát triển của mình và của những thế hệ mai sau.

    Kết quả nghiên cứu khoa học ngày càng cho chúng ta những dữ liệu chính xác, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn mối quan hệ chặc chẽ giữa hoạt động con người và hệ hệ thống sinh thái của quả đất cũng như những mối quan hệ ràng buộc giữa môi trường, kinh tế, xã hội và an ninh chính trị.

    Từ những năm qua không riêng gì các nhà sinh thái học và học giả cả những nhà chính trị cũng rất lo lắng rằng các biến động về môi trường lại là nguyên nhân của những tranh chấp gay gắt. Việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường đã trở thành trách nhiệm chung của nhân loại. Những cố gắng bảo vệ thiên nhiên và môi trường ngày càng đa dạng gây tâm lý sợ hải về hiểm họa sinh thái nhằm tạo sức ép để con người làm một cái gì tốt hơn cho mối trường, dùng biện pháp trừng phạt dựa trên luật pháp, kêu gọi con người hãy thay đổi cách nhìn đối với thiên nhiên, chấm dứt chiến tranh chế ngự thiên nhiên, hợp tác với thiên nhiên, quan tâm đến thếhệ con cháu và sự sống của loài người v.v.. Trước đây 25 thế kỷ đức Phật đã từng giảng dạy và khuyên nhủ Phật tử phải hành tri một số điều tương tự. Kinh Từ Bi, kinh Kũtadanta là đôi ví dụ nhắn nhủ Phật tử xây dựng một đời sống không tàn hại sinh linh, một đời sống an lành cho con người và cho thú vật, cỏ cây.

    Vấn đề còn lại của Phật tử chúng ta là triển khai cụ thể trong thực tế những lời Phật dạy và thực hành một cách rốt ráo. Biết yêu thiên nhiên quanh ta thì càng thương yêu sông núi cỏ cây, chim thú của quê mẹ, càng mong ước và làm cho chúng thêm tươi thắm, rực rở sắc màu. "Tư duy toàn cầu và hành dộng địa phương" là yêu cầu chung trên thế giới nhằm khuyến khích chúng ta là không chỉ dừng lại ở suy nghĩ và ý thức về toàn bộ vấn đề bảo vệ tiên nhiên và môi trường trên quả đất. Phải đi thêm bước nữa: phải thực hành bảo vệ thiên nhiên và môi trường nơi mình sống, nơi mình quí mến thân thương, nơi quê hương. Phật tử, cư sĩ trong mọi ngành nghề, với mọi trình độ, ai cũng có thể đóng góp dược cho việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

    4. Văn hóa Phật tính.

    Để xây dựng hòa bình, xã hội và bảo vệ thiên nhiên và môi trường PGVN cần triển khai sáng tạo và thể hiện nguồn sinh động của nguồn văn hóa thống nhất giữa đạo và đời, giữa con người và vạn hữu. Nội dung của nền văn hóa ấy vốn có sẳn nơi lời Phật dạy và nơi tinh hoa của Bồ tát và Thiền sư tiền nhân để lại.

    Nguyên lý Duyên khởi cho ta nhận thức rằng con gnười, chúng sinh và những hệ sinh thái trên quả đất đều liên hệ và tác động qua lại một cách mật thiết với nhau trong một chuỗi nguyên nhân và kết quả đan móc vào nhau. Con người, xã hội, thiên nhiên môi trường là những tập họp của nhiều loại hiện tượng vật chất, sinh vật và sinh thái học và tâm thức. Chúng biến chuyển không ngừng. Mỗi một hiện tượng đều là tụ điểm của những nguyên nhân tác hợp trong quá khứ, song cũng là khởi điếm cho cho những thành tựu mới ngày mai. Nghiệp dù ác hay thiện, đều không tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy mới có sự chuyển nghiệp, nghiệp xấu thành tốt cho chính chúng ta và cho đất nước; chuyển nghiệp cho tư duy và hành động chuyển nghiệp với tất cả những điều kiện vật chất và tinh thần hiện thực sẳn có, với con người, với đất nước, với cộng đồng nhân loại. với hoàn cảnh kinh tế, xã hội chính trị vănhóa và thể chế đang phô diễn ra trước mắt và với các nguồn tư tưởng và ý hệ sẳn có lâu đời hoặc mới du nhập.

    Đức Phật đã xác tín rằng trong mỗi con người đều có sẳn Phật tính. Sự tu hành của Phật tử là sự chuyển nghiệp để làm rạng tỏ Phật tính ấy. Vì vậy sự làm sáng tỏ nền văn hóa Phật tính để hướng dẫn cho tư duy và hành động là điều bức thiết.

    Những nét đặc trưng của nền văn hóa Phật tính tuy đa dạng, song vẫn có thể tóm gọn trong vài điểm. Đó là:

    . Lấy con người làm gốc, một con người toàn diện bao gồm các nhân tố vật chất và tinh thần tương quan tương duyên với nhau.

    . Lấy Hòa bình thực sự (hay Giải thoát hoặc Niết bàn) làm cứu cánh.

    . Lấy Trung đạo làm phương hướng để không rơi vào cực đoan và để có thể chấp nhận, thu hóa những gì mới và tích cực

    . Lấy Trí tuệ làm phương tiện tiêu diệt Vô minh.

    . Lấy Từ bi làm tinh thần sống và cải tạo những mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và môi trường.

    . Lấy Dũng lực làm sức mạnh để kiên trì phấn đấu, giữ vững tự chủ và phát huy vô úy.

    . Lấy Vô ngã và Vị tha để hòa hợp và bao dung.

    .Lấy Nghiệp báo làm quan tòa phán xét cho hành động và làm niềm tin về tương lai rằng đời sống và quả đất không chỉ tồn tại riêng cho loài người, trong vòng một vài thế hệ hoặc thiên niên kỷ mà còn lâu dài hơn nữa.