Trở về

thấy mình. . . như sương 
Phụ bản
 
Xây dựng Rừng Việt Nam
Anh Bình thân kính,

Kể từ khi anh đặt vấn đề góp ý xây dựng rừng Việt Nam mang tính cách chiến lược, tôi thường tích cực suy nghĩ về những gì đã trực tiếp thấy và tự tìm hiểu về nền lâm nghiệp Việt Nam. Tôi tự thấy mình đã quá vội vàng và dễ dãi khi nhận lời sẽ đề xuất một số ý kiến. Vì sao ?

Thưa anh, (a) tôi thấy mình đứng trước một vấn đề quan trọng của đất nước mà mình mới chỉ thấy "ngoài da" và (b) với tư cách của ngưòi làm khoa học nghiêm túc, tôi không thể đưa ra vài nhận xét chung chung và vài đề nghị mà trong nước đã biết rồi, hoặc không có tính khả thi. Hơn nữa, (c) tôi bỗng nhớ lại đã có nhiều chuyên gia cao cấp nước ngoài (FAO, UNDP...) đến VN làm việc chung với lãnh đạo cao cấp tại Bộ Nông nghiệp và phát triễn nông thôn nhất là trên lãnh vực chính sách, chiến lược. Với bề dày hiểu biết về quá trình phát triển chung và chuyên ngành và đuợc cung cấp đầy đủ về những dữ liệu lập địa, về dự báo tương lai v..v.., chắc chắn các vị ấy đã đề nghị tốt về phương hướng, mục tiêu, chương trình và những biện pháp gìn giữ, sử dụng và phát triển mà tôi không thể với tới được; (d) Nếu tôi gượng ép đề bạt vài ý kiến thì đó cũng chỉ là ý kiến phát xuất từ nhận thức "ngoài da", mang tính "bàn giấy", không phản ánh hiện thực. Chúng không mang lại lợi ích và có thể gây ra vài hiểu lầm không cần thiết vì cách đặt vấn đề, cách nhìn và cách giải quyết so le với trong nước.

Thưa anh Bình, đó là tâm sự rất thật của tôi. Tôi còn nhớ một lần khi được mời đến làm việc với tổ cố vấn của Thủ tướng trong vấn đề đổi mới, các anh đã dặn ngay: nên nói thẳng, nói thật, không nên nói xã giao, khen xong rồi đi, chẳng ích lợi gì. Tuy vậy, đến nay tôi vẫn còn e ngại rằng bản thân mình biết và nhận thức chưa đủ, chưa chính xác mà lại dám đưa ra những ý kiến nông nổi. Hơn nữa, tôi rất ý thức rằng mình không được như các nhà toán, lý hoá, tin học. Tôi được đào tạo để giải quyết những vấn đề của rừng đa chức năng và của các hệ sinh thái ôn đới sao cho đồng bộ với sự phát triển toàn diện của nước sở tại mà các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá khá khác biệt với một nước thuộc khu vực nhiệt đới. Tôi xin được nhấn mạnh rằng trong ý thức lẫn tiềm thức của tôi có sẵn một sự "méo mó nghề nghiệp". Trong nhiều trường hợp tôi tự hỏi rằng: mình góp ý để giải quyết 1 vấn đề hay chính sự góp ý của mình lại là 1 vấn đề làm cho sự việc rối ren thêm?

Vì quý mến anh qua phong cách tiếp cận với Việt kiều ở đây (mà những anh chị tôi quen đều khen) và qua tấm lòng thiết tha với đầt nước của anh, không ngừng nghỉ tìm kiếm thêm những vật liệu đóng góp vào sự xây dựng đất nước bền vững và chóng bằng người, tôi dẹp sang bên nỗi ngại ngùng để nói rõ hơn một số ý kiến của tôi đối với lâm nghiệp VN - dĩ nhiên từ 1 góc nhìn "méo mó nghề nghiệp". Tôi chưa dám đưa ra những ý kiến mang tính chiến lược lâu dài như anh đã đề nghị.

1.) Về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

Tôi được nghe rằng, kết quả trồng mới rừng trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp, nhiều nơi vượt qua kế hoạch. Tổng diện tích rừng trồng đến năm 1999 (con số mà tôi có được) lên tới 1,4 triệu ha. Độ che phủ rừng, sau nhiều năm giảm sút đã tăng lên hơn 33 %. Với tốc độ ấy, chắc chắn dự án đạt được mục tiêu trước kỳ hạn 2010. Và đây là một sự thật cần được tôn vinh. Rất tiếc, từ 2 năm qua tôi không có được thông tin để theo dõi sự phát triển sau 1999.

Đối với tôi, qui mô trồng mới 5 triệu ha rừng vượt quá tầm suy nghĩ của tôi về mặt chiến lược xây dựng một "nền kinh tế lâm nghiệp bền vững". Tôi đã tự đặt riêng cho mình mấy câu hỏi:

a) Ngoài 2 triệu ha "khoanh nuôi", đất gần địa bàn dân cư còn tốt, có sức lao động của dân, thì 3 triệu ha đất khả canh còn lại (đất trồng để cây sống và phát triển mạnh) nằm ở những nơi nào để qui hoạch triển khai chi tiết và gọi vốn đầu tư ?

b) Những vùng đất dự kiến trồng rừng đã thực sự có những nghiên cứu về hoàn cảnh lập địa, nhất là tình trạng thổ nhưỡng chưa ? Đây là việc làm đầu tiên trước khi trồng cây. Nó đòi hỏi sự

c) nghiên cứu nghiêm túc và cần rất nhiều kinh phí. Đây là điều kiện cần cho sự quy hoạch phát triển tổng thể rừng mang tính chiến lược với những tỷ lệ cây trồng khác nhau: cây ngắn hạn cho công nghiêp giấy, ván ép..., cây lâu năm ( 30, 50,  80 năm...) để phục hồi và nhân rộng các loài gỗ quý cần cho công nghiệp xây dựng, cho ngành chế biến các sản phẩm gỗ cao cấp phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của dân chúng và cho xuất khẩu. Ngoài quy hoạch phục vụ kinh tế, còn quy hoạch cả các rừng có chức năng phòng hộ (điều tiêt nước, chống xói mòn, giảm lũ quét bảo vệ vùng đồng bằng, giảm tốc độ làm cạn lòng hồ các đập thuỷ điện, chắn gió, chắn sóng), có chức năng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ di tích lịch sử, có chức năng làm đẹp phong cảnh đất nước và phục vụ du lịch vv...

d) Trồng những loại cây "đâu cũng mọc được" (các cây họ keo) hoặc các loại bạch đàn lấy gỗ công nghiệp (làm ván dăm, bột giấy) không có đòi hỏi cao về lâm sinh, song có đòi hỏi rất cao về tính toán hiệu quả kinh tế lâu dài cho các hộ trồng rừng, cho chính bản thân nền kinh tế lâm nghiệp và cho nền kinh tế của công nghiệp chế biến gỗ mà lâm nghiệp có nhiệm vụ hỗ trợ để thu hút thêm một số lượng lớn lao động và cũng để đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hoá của đất nước. (Tôi có nghe trường hợp dân bị ép giá khi bán sản phẩm của mình vì giá bột giấy nhập khẩu rẻ hơn. Như vậy sự giảm nghèo của một số hộ dân sẽ chậm lại.)

e) Tỷ lệ trồng cây lấy gỗ quý thấp hoặc chưa quan tâm đúng mức sẽ dẫn đến những mâu thuẫn giữa sự giữ rừng gỗ quý (vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên) và sự chặt phá trái phép vì nhu cầu tất yếu về gỗ quý ngày càng tăng lên của dân chúng và của các ngành chế tạo các mặt hàng gỗ cao cấp. Sức ép lên rừng tự nhiên sẽ khó giảm trong vài thập niên tới, thậm chí còn có thể tăng thêm.

f) Tỷ lệ các loài keo, bạch đàn quá cao không đáp ứng mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, không hỗ trợ sự phục hồi và nhân rộng các loài cây thuốc, các loài đặc trưng có thành phần hoá học diệt sâu rầy cần thiết cho nền nông nghiệp tiến dần theo hướng sinh thái bảo vệ sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường đang trên đà phát triển trên thế giới.

g) Nhiều nhà lâm nghiệp nước ngoài mà tôi quen đã tiếc rẽ là ý tưởng bảo vệ cảnh quan đặc trưng mang chất sống quê hương chưa được thể hiện một cách rộng rãi nơi một số người trồng cây (Ví dụ: nét cảnh quan Châu Úc qua cây bạch đàn)

2) Trong tôi tồn tại một số nhận định :
    Tại VN rừng được phân chia thành: rừng giàu, rừng nghèo, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng kinh tế...

    Tôi không theo thuyết "chính danh" của Trung quốc để bàn luận, song trong khoa lâm nghiệp, thuật ngữ phân loại trên đã quy định ngay từ đầu tính cách, chức năng chủ yếu và đặc trưng của mỗi loại rừng. Theo cách phân loại mà có những quan tâm, cách lập kế hoạch, chương trình và biện pháp sử dụng, kinh doanh, bảo vệ, phát triển v..v... khác nhau. Hệ thống suy nghĩ về lâm nghiệp mà tôi được đào tạo ở đây khiến tôi không quen với nguyên tắc phân chia rừng như trên và gặp phải rất nhiều khó khăn khi nghĩ đến sự góp ý về chính sách hoặc chiến lược phát triển. Đây là mặt yếu của tôi mà tôi phải tự khắc phục, song nếu tôi không tự khắc phục được thì ý kiến đề bạt của mình sẽ không /hoặc khó nhận được sự đồng cảm.

    Tôi quen với nếp suy nghĩ về một nền lâm nghiệp mà mỗi khu rừng đều mang tính đa chức năng và đa giá trị. Đa giá trị với những chức năng sinh thái (cảnh quan, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, điều tiết nước, lọc nước, tích luỹ nước ngầm), kinh tế (từ lợi nhuận chính là gỗ và sản phẩm phụ và nhất là làm nền cho sự phát triển công nghiệp gỗ), xã hội (lao động, nghiên cứu, bảo tồn di tích thiên nhiên và di tích lịch sử, du lịch)... Những chức năng này nằm trong mối quan hệ hỗ tương. Tuỳ theo địa khu và chiến lược phát triển mà chức năng này hoặc chức năng khác được ưu tiên quan tâm, song những chức năng khác không vì vậy mà bị bỏ qua. Có những khu rừng "nghèo" về sản lượng gỗ, song lại có giá trị lớn lao trong sự phòng hộ chống xói lở, đất xạt, giảm cường độ lũ quét hoặc vô cùng quý giá về bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, thậm chí có thể trở thành khu du lịch khoa học, nghiên cứu đặc trưng.

    Từ hệ thống suy nghĩ ấy mà thiết lập một hệ thống nghiên cứu, đánh giá rừng theo điểm, tuyến và mạng của nó, lập ra chiến lược và chương trình để (a) gìn giữ, kinh doanh và phát triển bền vững rừng và từ đó mà (b) hoàn chỉnh hoặc cải tiến hệ thống quản lý và trang thiêt bị vật chất cần thiết (c) hoàn chỉnh hoặc cải tiến hệ thống đào tạo và nghiên cứu lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ (d) chỉ ra lãnh vực ưu tiên trong hợp tác quốc tế mà ta chủ động, định hướng và để quản lý, kinh doanh và phát triển bền vững rừng.

    Ngay với chuyên gia của Đức cũng vậy. Một lần tôi ở tại phòng khách của Đại học lâm nghiệp tại Xuân Mai/ Hà Tây, thì một giáo sư về chính sách lâm nghiệp tại Tharandt, Đại học Dresden (vị này trước khi sang Dresden đã làm việc tại Freiburg), đến gặp tôi và tỏ ý rất giận dỗi vì một lý do đơn giản là Trường Xuân Mai đã không thông báo cho ông ta biết về sự hiện diện của tôi tại Trường! Ngay cả GTZ, trong chương trình viện trợ trồng rừng ở Sông Đà, họ có mời tôi đến nói chuyện, song sau khi triển khai đã vấp phải lầm lỗi cơ bản, rồi cũng không hỗ trợ Viện của chúng tôi đến nghiên cứu sửa chữa vì họ không chấp nhận trả phí tổn cho chuyên gia của Viện, dù đó chỉ là một phần nhỏ trong chi phí toàn bộ cho việc sửa sai. Có lẽ họ nghĩ chúng tôi ngồi chờ cho có việc làm là vui rồi.

    Mỗi lần về thăm đất nước, khi đối diện với mấy chục lần "méo mó nghề nghiệp" này mình không mang tính xã hội chủ nghĩa từ cách nhìn so le của tôi. Sau đây là vài ví dụ đối với lãnh vực lâm nghiệp:

    3) Vốn thuật ngữ lâm nghiệp của tôi chưa đủ để hiểu hoặc để chuyển tải chính xác nội dung cần thiết. Đã có nhiều hiểu lầm diễn ra. Một trường hợp: Nhân cuộc hội thảo đổi mới chương trình cao học tôi có gợi ý về vấn đề quy hoạch. Sau đó, một giáo sư đầu ngành, đã học lâm nghiệp ở Đức, khẳng định là vấn đề quy hoạch chẳng có gì mới lạ với ông và với Trường cả. Biểu đồ tôi đưa ra lại quá lăng nhăng. Tôi chỉ lặng thinh. Sau đó có một giảng viên trẻ , đã tham gia công tác quy hoạch Huyện, gợi ý về tính hợp lý của biểu đồ quá lăng nhăng của tôi, tôi mới nghĩ rằng chỉ vì tôi quen phân biệt thuật ngữ Einrichtung (trong môn học Forsteinrichtung) khác với Planung (Forstplanung) và theo chủ quan của tôi thì Einrichtung có ý nghĩa khác hơn là quy hoạch.
     

      Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm


    * *

    (<- trang trước)  /  (-> trang sau)