Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]


Tranh của Nguyễn Cát Tường
Lời ru của mẹ

Quỳnh Chi

 

1.

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
(Tình ca, Phạm Duy,1953)

Lời bài hát quen thuộc này, cũng như những áng thơ văn của nhiều tác giả có nhắc đến lời ru của mẹ, đă khiến cho Y, một dạo, vẫn tin rằng ai cũng nhớ được câu hát ru con của mẹ từ khi còn bé lắm, từ khi mới ra đời, từ thuở nằm nôi.

Nhưng rồi có một dạo, Y bỗng cảm thấy câu hát này có điều gì hơi vô lý: một đứa bé mới chào đời, khi còn nằm trong nôi, làm sao có thể nhớ được lời ru của mẹ, mà biết yêu hay không ! Các nhà văn nhà thơ chỉ có giỏi thêu dệt nói quá lên mà thôi.

Có một cô bạn kể lại rằng cô còn nhớ rõ giây phút đầu tiên đặt bàn chân bé nhỏ xuống đất để tập đi. Tục ngữ có câu  Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi. Trong thực tế có khi trẻ em phải hơn một tuổi mới biết đi. Như vậy là cô bắt đầu có trí nhớ vào khoảng một tuổi. Vậy mà khi nghe câu chuyện này, có người lại tỏ ý hoài nghi, họ cho rằng một đứa bé chưa thể có trí nhớ sớm đến như thế. Nếu không thì cô ta cũng có trí nhớ phi thường.

Hoặc như khi Y kể lại một vài ký ức mơ hồ khi còn bé, thì Ba Mẹ của Y cũng đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên không ngờ trẻ con còn nhớ được những chuyện xảy ra khi mới chừng hai tuổi.

Như vậy thì nói chi tới ký ức của thuở nằm nôi, khi mới chào đời ?

Y nghĩ rằng vốn liếng ca dao tục ngữ mà Y còn có được ngày nay, dù xa quê đã lâu, là những bài thơ, hay ca dao, mà mẹ đã ngâm đã đọc, nhưng không phải là để ru Y khi Y còn bé, mà là khi mẹ ru các em sinh sau này ở miền Trung, thua Y hàng 10, 15..  tuổi. Một bằng cớ là người nuôi nấng và chăm sóc Y khi mới lọt lòng là u già, u già cũng hát ru Y, nhưng rõ rệt là Y chẳng còn nhớ u già đã hát ru Y bằng những câu hát nào ! Đó là vì u gìa đã ở lại Hà Nội khi gia đình di cư vào Nam năm 1954, nên Y chẳng bao giờ có dịp nghe u già hát ru các em.

Y nhớ mẹ hay lẩy Kiều, cho nên đôi khi Y bắt chước nói theo rồi bị chế là bà cụ non.

Ai bảo, một đứa bé mới chín mười tuổi đầu mà đã lý sự

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau !

Mẹ cũng hay ru em bằng những câu ca dao

Con cò bay lả bay la,
Bay qua cửa ải bay về Đồng Đăng
Đồng đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô thị có chùa Tam Thanh

hay là

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non

Khi đó Y đang ở Tam Kỳ, nhà nào nhà nấy cách xa nhau cả khoảng vườn rộng. Vào những buổi trưa hè vắng lặng, Y cũng hay được nghe, từ nhà bên vọng sang, giọng hát ru em của hai cô con gái lớn hát ru đứa em nhỏ mới sinh. Giọng hát của người chị thì dịu dàng, của cô em thì cao vút lanh lảnh. Họ là người miền Trung, nên Y cũng biết được những câu hát ru em miền Trung của họ

-A ả ớ !
Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bát Nhị mua trầu Hội An

Rồi khi lên đại học, Y vào Sg. Mấy ông cậu của Y vừa lập gia đình với mấy bà mợ người miền Nam, nên từ đó Y lại thuộc thêm câu hát ru con của các mợ, tình tứ tha thiết

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về

Ầu ơ
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ Nhu
Ba thu em đợi mười thu em chờ

Hay dữ dằn, như

Bậu ra cho khỏi  tay ta
Cái xương bậu nát cái da bậu còn !

2.

Rồi đến lượt Y cũng Làm Mẹ và ru con

Không biết hiện nay có bao nhiêu phụ nữ còn ru con bằng ca dao, bằng những điệu hát ru con ngày xưa hay không ? Những bà mẹ trẻ có  hát ru con bằng những bài nhạc tây phương, nhạc cổ điển, nhạc đương đại.. của những nhạc sĩ mà hàng ngày họ ưa thích lắm chứ nhỉ ?

Thoạt đầu Y cũng lập lại những câu hát lẩy Kiều của Mẹ, hay giọng hát ngọt ngào miền Nam của các bà mợ, nhưng có ý tránh bớt các câu hát buồn bã, chọn các câu hát nhẹ nhàng hơn như

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm ..

Điệu hát này đã được Phạm Duy đưa  vào Trường ca Mẹ Việt Nam, thành câu hát

Gió mùa Đông, Mẹ không thấy mỏi
Đứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa

Dần dần không biết từ bao giờ những bài hát ru con của Y phần lớn là từ các bản trường ca của PD, những bài có nhắc đến mẹ và cho đủ các điệu hát của ba miền đất nước

Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương

Nước non ngàn dậm ra đi..
Dù đường thiên lý xa vời

Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê Mẹ  ..mà không có đò !

 Hết nhạc PD lại sang nhạc TCS

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn
Mẹ ngồi ru con cho tóc sợi mềm hạt mầm vươn lên..

Rồi cao hứng hơn nữa, cả những bài tân nhạc không nhắc gì tới mẹ hay con

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với mầu gió ngày lang thang

Một giòng xanh xanh
Một giòng tràn mông mênh...

Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa

Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo baỵ
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm saỵ
Lối em đi về ... trời không có mây

3.

Trong những bài hát ru con của Y, có nhiều bài mà Y thích hát, có những bài mà con thích nghe. Dường như là em bé nghe những bài ru hợp với sở thích của mình thì liền ngủ ngoan.

Khi còn bé, con Y thường thích chơi với những con số, cho nên khi chơi với con Y hay tìm bài hát có chữ số, rồi khi ru con Y cũng hát lại những bài đó. Đối với trẻ con chỉ cần những số đơn giản là 1, 2. Số 3 có lẽ là vừa đủ, thích hợp cho mọi đứa trẻ. Ví dụ như  ở Nhật có một dạo trẻ em rất thích bài hát Dango sankyodai ( Ba anh em bánh trôi), chỉ tới số 3. Bài hát Tết Trung thu của trẻ em Việt Nam có thêm hai số 4, 5, có vẻ hơi nhiều chăng ?  Vừa hát, Y vừa nắm những ngón tay của con để đếm, đếm xuôi 1, 2, 3, rồi đếm ngược 5, 4, 3 .. Về sau mỗi khi vừa nghe Y hát, con giơ sẵn bàn tay ra chờ mẹ đếm

Tết Trung thu bánh quà đầy mâm
Em muốn ăn 4, 5, 3 phần

Những khi Y bận rộn đi làm về trễ, chồng cũng hay ru con ngủ dùm Y, mà bài hát tủ của chồng là Hạ trắng (TCS) và Bên cầu biên giới (PD). Từ đó, hai bài này cũng là những bài mà con thích nghe nhất, có lẽ vì được nghe cả cha lẫn mẹ cùng hát ru mình.

Con Y đă hai tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói, thường hay quấy khóc. Chuyên gia về tâm lý nhi đồng của thành phố cho rằng đó là vì đứa bé rối trí không biết chọn ngôn ngữ nào, giữa tiếng Việt và tiếng Nhật, để diễn tả, và vì không nói được nên đứa bé chỉ biết nói bằng ngôn ngữ duy nhất là ..tiếng khóc.

Một tối Y đi làm về, nhằm hôm chồng cũng đi vắng, phải nhờ bà baby sit đến đón con từ nhà trẻ về và trông dùm đến tối. Y bàn giao với bà baby sit rồi nằm xuống giường với con. Bà đã ru cậu bé nẫy giờ mà cậu cứ khóc mãi không chịu ngủ, có ý chờ mẹ về. Y hỏi con

-Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé.

Như mọi khi thì con sẽ gật đầu hoặc lắc đầu. Nếu con lắc đầu thì Y sẽ hỏi tiếp

- Hạ trắng ? Bóng trăng trắng ngà ?
.....
Toàn những bài tủ của cậu bé. Nhưng hôm ấy cậu cứ khóc như rên rỉ, không chịu gật đầu hay lắc đầu như mọi khi. Y hỏi lại một lần nữa

-Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé ?

Cậu bé có vẻ mệt mỏi, tiếng khóc nhỏ bớt. Y đoán con đã bằng lòng, bắt đầu hát

Về đây soi bóng bên dòng nước lũ ..

Nhưng Y chưa hát hết câu, con đã khóc giẫy lên, như muốn nói

-Không phải, không phải !

Y cuống quýt dỗ

-Mẹ xin lỗi, xin lỗi ! Thôi, Hạ trắng nhé

Cậu bé thôi khóc nhưng chẳng thèm gật đầu hay lắc đầu. Y lại hát

-Gọi nắng... cho tóc em dài đường xa áo bay

Lần này thì cậu bé khóc thét lên dữ dội như bị kiến lửa đốt.

Con cứ khóc và mẹ cứ hát hết câu này đến câu khác cho đến khi con mệt và ngủ thiếp đi.

Y kể chuyện đó với chồng. Hôm sau chồng về sớm, ru con ngủ trước, vẫn hát hai bài Bên cầu biên giớiHạ trắng, và con chẳng khóc lóc gì cả ! Hôm sau Y ru con thì con lại khóc. Đành phải tránh không hát hai bài đó nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ?! Y nghĩ ngợi thử đoán mọi nguyên nhân. Thôi được, hay là con chỉ thích ba hát hai bài này thì để mẹ giả làm ba nghe. Y nghĩ vậy và giả giọng của chồng hát ru con. Kỳ lạ làm sao, và quả nhiên cậu bé con không khóc mà nằm im. Y còn nghe như có tiếng thở ra như trút được những những ấm ức lâu nay trong lồng ngực bé tí của con, như cái điều hả hê lắm như ý muốn nói "Phải thế chứ !"

Nhiều ngày trôi qua. Y nghĩ tới nát óc, và rồi một ý nghĩ loé lên trong óc, khi Y chợt nghĩ đến giọng nói miền Trung của chồng. Hôm đó trước hết Y hỏi con

-Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé?

Ứ ứ .. Cậu bé lắc đầu. Y bèn hỏi lại

-Bên cầu biên .."yới" ?

Gật đầu. Y bắt đầu hát, bằng giọng Bắc của mình

Về đây "xoi" bóng bên "dòng" nước lũ

Ứ ứ ..Lại giẫy giụa, phản đối. Y bèn hát lại, lần này bắt chước cách phát âm tiếng miền Trung của chồng

Về đây "soi" bóng bên  "yòng" nước lũ

Quả nhiên, con gật đầu, hể hả, nằm im  rồi say ngủ

Y cũng lặng yên miên man với những suy ngẫm về khám phá bất ngờ của mình, về những tác động của lời ru lên đời sống tinh thần của trẻ con, không chỉ về tình cảm, mà cả về khả năng suy tư của đứa trẻ.

4.

Năm tháng trôi qua, cũng như Y, con không còn nhớ  gì về lời ru của Y, ngay cả câu chuyện vừa kể về bài hát Bên cầu biên giới  hay Hạ trắng. Mỗi khi Y kể lại, con thành thật thú nhận

- Con chẳng nhớ gì cả mẹ ạ!

Con cũng chẳng có em nhỏ hơn mình, để còn có dịp nghe Y hát ru và  còn có thể nhớ những lời ru của mẹ.

Nhưng Y thì nhớ mãi không quên như những kỷ niệm êm đềm với con.

Bây giờ Y chẳng còn thắc mắc về chuyện mình hay con có còn nhớ hay không về lời ru của mẹ, và cả của cha.

Lời ru của mẹ chắc chắn đã tác động lên trí não của con, cho con những tình cảm, và cả khả năngsuy tư v.v. trong đời sống tinh thần của đứa trẻ. Ở một số người -những nhà văn nhà thơ - lời ru của Mẹ có thể là một kho báu ngữ vựng tiếng mẹ đẻ, hay một kho tàng âm nhạc..  cũng không chừng. Đó là sự khác biệt của mỗi người khi tiếp thu những tác động từ bên ngoài.

Điều quan trọng hơn cả là lời ru đã trở thành một phần trong muôn vàn kỷ niệm êm đềm giữa Y và con, mãi mãi là niềm vui của Y mỗi khi nghĩ đến con.  Y đoán rằng mẹ cũng đã từng có những kỷ niệm như thế với lời ru từ thuở nằm nôi dành cho các con, cho dù lúc đó mình chưa có trí khôn để còn nhớ được Lời ru của mẹ.  Y biết mình đã lớn lên bằng tình thương của mẹ hàng ngày, thể hiện dưới nhiều hình thức, mà lời ru là một trong muôn vàn tình thương yêu ấy.

Quỳnh Chi
( Ngày Lễ Mẹ 14/5/2006)
Phụ lục

5.
Có một cậu bé thần đồng của Mỹ - lúc cậu khoảng 10 tuổi, đang theo học khoá tiến sĩ ở  Havard - đã cho biết cậu còn nhớ cảm giác khi nằm trong bụng mẹ. Phóng viên không hỏi, nhưng chúng ta hy vọng cũng có thể là cậu có thể còn nhớ được lời ru của mẹ sau khi chào đời ?

Ngoài ra hiện nay ở Nhật có phong trào "thai giáo". Người ta khuyên người mẹ đang có thai nên nói chuyện với đứa con trong bụng, vì bào thai nghe được và yên tâm khi được nghe tiếng mẹ, họ tin rằng đó là một cách dưỡng thai. Người ta cũng khuyên sản phụ nên nghe nhạc êm dịu, nghe những bản nhạc hay. Và khuyên cả các ông bố cũng nên xoa bụng và nói chuyện với thai nhi cho trẻ quen nghe tiếng của người cha.



Trở Về   ]