Chim Việt Cành Nam              Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Chuột - của Hiđari Jingôrô -
Nguyên tác :" Nezumi ", Koten Rakugo Taikei
( Những truyện Rakugo cổ điển)

Người dịch : DTTM

 
Lời người dịch

Hiđari Jingôrô [1] : nhân vật truyền thuyết (không rõ năm sinh và năm mất) ở thời đại Eâđô (1603?1867), được cho là người thợ mộc nổi danh về tài chạm khắc gỗ và là tác giả của các công trình điêu khắc nổi tiếng, như đền Tôshôgu của giòng họ tướng quân Tôkugawa tại Nikkô [2].

Hiđari Jingôrô xuất hiện trong một vài truyện Kôđan và Rakugô của Nhật bản như Takê nô Suisen (Cành hoa thủy tiên bằng trúc), Mitsui nô Đaikôku (Thần Phúc của nhà Mitsui) và Nezumi (Chuột).

Jingôrô vốn thích ngao du sơn thủy, truyện Chuột kể lại chuyện khi ông ghé lại Senđai, trong chuyến đi đến miền Ôshu.

Jingôrô tính tình hào sảng mà ung dung tự tại, tá túc nơi nhà người thợ cả Masagôrô cũng đã được mười năm... Thật ra cũng là vì Masagôrô chẳng may qua đời sớm, nên chức thợ cả được truyền cho con, là Masagôrô-con; vì vậy Jingôrô ở lại đấy cũng là để trông nom dạy dỗ cho Masagôrô-con. Bản tính vốn ưa ngao du sơn thủy, trong thời gian mười năm ở Eâđô, Jingôrô cũng hay đi đây đó ngoạn cảnh khắp nơi.

- Ta chưa đi thăm Ôshu lần nào cả. Nay ta muốn đến đó thăm Matsushima, Shiôgama , chùa Zưi-gan-ji với các cảnh chúa trên núi, cháu Masa à.

- Vâng, mời chú cứ đi chơi, đừng bận tâm gì cả. Chuyện nhà ở Êđô đến đâu hay đến đấy, không sao đâu ạ. Đã định đi rồi mà chờ đến lúc đi được, nhỡ lại không còn muốn đi nữa, thì thật là vô duyên phải không ạ. Phải đấy, chú cứ để cháu lo chuẩn bị hành trang..Mà này chú ạ, khi đi quanh các xứ ngao du sơn thủy thì khác với lúc ở Êđô, không đem theo lộ phí là không được đâu đấy. Chú thường chẳng để ý gì đến chuyện tiền bạc, nhưng đã đi xa thì chú phải nhớ đem theo tiền đấy nhé. Chú không phải bận tâm, cứ để đấy cháu sẽ lo liệu cả.

Thế là Jingôrô lên đường rời Êđô, một chuyến đi thật nhiều hứng thú.

- Ông ơi ! Ông là người đi đường xa, phải không ạ ?

- Ờ ờ phải đấy, ai đi dép zô-ri, ống chân quấn xà cạp, vai đeo hai cái bị hành lý, hầu như đều là người đi đường xa cả.

- Thế ông đã định nghỉ lại quán trọ nào chưa ạ ? Đằng nào cũng phải ở trọ đâu đấy, vậy thì ông đến trọ quán nhà cháu nhé ?

- À ra chú bé đang đi mời khách trọ đấy à ? Thế à ? Ở đâu cũng thế, hay là tối nay ta ở trọ lại quán của chú bé xem nào !

- Ông đến trọ quán nhà cháu thật à ? Nhưng cháu cũng xin nói trước là quán trọ nhà cháu không to tát gì đâu ạ. Phòng cho khách trọ cũng không đẹp đâu ạ.

- Được, không sao ! Cứ nhìn ta thì biết, thân hình ta chẳng cao lớn gì cho cam, chẳng phải là nếu phòng không rộng đến mười lăm thước [3] thì chật chội không sao đủ chỗ nằm ngủ, sàn nhà không rộng tới hai mươi chiếc chiếu [4] thì không đủ chỗ duỗi chân, phải không nào ? Quán trọ không đẹp, nhưng nếu chỉ trọ lại một đêm thì ở đâu cũng thế.

- Ông đến trọ quán nhà cháu thật sao ? Cháu xin nói trước là cửa ngăn dán giấy shoji bị thủng, lại thêm chiếu dưới sàn thì rách bươm đấy ông ạ.

- Chú bé này chu đáo..đến nơi đến chốn nhỉ ! Nhưng không sao, không sao ! Cho ta tới trọ quán của cháu đi !

- Thế à ...À, mà ông ơi, khi ngủ ông có nằm nệm, có đắp chăn không ạ ?

- Ơ, chú bé này hỏi lạ chưa kìa ! Khi ngủ thì thường là phải trải nệm để nằm và có chăn để đắp chứ !

- Vậy thì cháu xin ông cho cháu xin trước hai mươi xu ạ.

- Phải trả tiền trước à ?

- Không phải là trả tiền trước đâu ạ, mà là vì cháu phải đến hiệu cho thuê nệm, mà nếu không có tiền thì người ta không cho thuê. Vậy nếu ông không muốn bị lạnh thì cháu nghĩ là ông nên đưa cho cháu hai mươi xu.

- Chú bé này nói kiểu gì mà lạ nhỉ ! Vậy sao ? Được rồi ! Cứ nói thẳng ruột ngựa ra thế mà hay đấy ! Này chú bé, hai mươi xu đã đủ chưa ? Đây, tiền đây !

- Dạ, cháu xin cảm ơn ông. Lẽ ra cháu phải dẫn ông về quán trọ, nhưng nếu cháu đưa ông về quán, rồi sau đó mới đến hiệu nệm, thì trễ mất. Ông chịu khó đi một mình về quán nhé. Ông cứ đi mãi, theo con đường chính của thành phố Sendai này, khắc sẽ đến chỗ hai bên đường có đông quán trọ, rồi nhìn sang dãy phố bên phải sẽ thấy một căn nhà thật lớn treo bảng Quán Hổ. Đấy là quán trọ lớn nhất vùng Sendai đấy ạ.Trước mặt quán Hổ là một căn nhà nhỏ, ông phải vừa đi vừa để ý tìm, không thì không nhận ra đâu ạ, là vì nhỏ đến nỗi có khi để ý tìm rồi thế mà vẫn không nhận ra đấy ạ.

- À, à , ra thế ! Thế quán trọ nhà chú bé ở trước quán Hổ, tên là quán gì nào ?

- Quán Chuột ạ.

- Hả ? Quán Chuột à ? Tên hay nhỉ ! Được ! Ta nhớ rồi. Không sao đâu. Chú bé không cần đi theo ta cũng được. Nghe chú tả thế là ta biết rồi.

Lãng du bụi trúc chim trời

Hết bay lại đỗ, đỗ rồi lại bay

Ở quán trọ cũng có cái thú hay lắm, vui lắm cơ.

- Ồ, đẹp quá, phố xá ngoại thành của một vị lãnh chúa được ban năm mươi tư vạn thạch [5] thóc bổng lộc có khác. Dĩ nhiên là đem so với Êđô ở ngay dưới trướng của Ngài Tướng quân có tám trăm vạn thạch thóc, thì quả có phần kém thua, nhưng phố xá đẹp thế này thì không phải là ở xứ nào cũng có. Nhìn đâu cũng thấy khang trang đẹp đẽ. Aø, đây rồi, đây là Quán Hổ, gỗ cũng tốt mà thợ làm cũng khéo nhỉ, được lắm. Quả là "Tên làm sao thì người bào hao làm vậy " , oai phong lẫm liệt ra phết. Thế mới đặt tên là Quán Hổ chứ. Còn Quán Chuột đối diện. Cái này cũng quả là " Tên làm sao thì người bào hao làm vậy " . Sao mà khéo, làm sao mà lại có một căn nhà bé tí tẹo thế này. So với Quán Hổ thì không đáng gọi là một căn nhà, trông cứ như là chỗ vun rác. Bên kia là Quán Hổ thì Quán Chuột bên này bé quá, chỉ đáng là chuột nhắt. Mà thôi kệ, tối nay ta hẵng vào nghỉ lại Quán Chuột này cái đã.

- Xin cảm ơn quý khách đã chiếu cố. Thằng bé nhà tôi nó đã mời quý khách phải không ạ ? Vâng. Lẽ ra tôi phải đi lấy chậu nước và rửa chân cho quý khách, nhưng khổ nỗi tôi lại bị đau lưng ạ.

- À ra thế. Có người lớn nói chuyện được thì lại đau lưng à ! Thôi được ! Không sao !

- Dạ, ở đây có cái chậu..bên cạnh có đôi dép zô-ri. Xin mời quý khách đi ra sông ở sau nhà để rửa chân.

- Hả? Ra thế ! Dép zô-ri là cái này phải không ? Ủa, sao lạ thế này ! Một chiếc dép bị đứt quai rồi !

- Thế à ? Vậy cảm phiền quý khách đi đỡ một chiếc ... nhẩy lò cò vậy ạ

- Nhẩy như thỏ sao !? Thôi cũng được ! Thế nước sạch chứ ?

- Vâng, sông nhỏ lắm nhưng mà nước rất trong, nước sông này chẩy ra sông Hirôsê đấy ạ.

- Vậy à, nước trong thích nhỉ. Phải đấy, có chỗ nước trong thế thì  chịu khó đi ra đấy rửa chân, thích hơn là chờ múc nước đem về.

- Ông ! Ông đến nhà cháu rồi đấy à. Ông tìm thấy quán nhà cháu ngay chứ ?

- À, chú bé, ta tìm được ngay . Chú đi thuê nệm về rồi đấy à.

- Vâng, cháu vừa đi về. Xin ông yên tâm, chỉ một chốc nữa là người ta sẽ đem nệm đến ngay ạ. Thế thưa ông, ông có xơi cơm không ạ ?

- Sao mày hay hỏi những câu lạ nhỉ ! Khi đến ở quán trọ thì ai mà chả ăn cơm ?

- Dạ, vì bây giờ mới đi thổi cơm, nướng cá, luộc rau thì trễ bữa mất, hay là để cháu đi mua sushi nhé ?

- Ờ..chỉ trọ một đêm thôi, thì ta ăn sushi cũng được.

- Vậy ông dùng nhiều hay ít ạ ? Hay là cháu mua năm phần ăn nhé ?

- Những năm phần ăn cơ à ? Ta có một mình làm sao mà ăn cho hết. Nhưng chả lẽ chỉ mua một phần ăn thì cũng ..., vậy thì cứ mua hai phần ăn là vừa.

- Không được ạ, là vì cháu cũng đang đói bụng, còn bố cháu cũng thích sushi..

- Thằng bé này, cái gì mày cũng lo liệu chu đáo đến nơi đến chốn đấy nhỉ !   Thôi được, ta hiểu rồi ! Này chú bé, ta có hai hào đây, hãy đi mua hai bình rượu...

- Cháu cảm ơn ông, nhưng cháu không biết uống rượu ạ.

- Không, không. Ta có định cho mày uống rượu đâu nào. Mua rượu rồi còn lại thì mua sushi, năm phần ăn hay mười phần ăn ..thế nào cũng được.
 
 

- Xin đa tạ quý khách. Thằng bé nhà tôi vòi vĩnh đủ thứ mà ngài chẳng giận ...

- Không sao đâu ạ, xin ông chủ quán đừng ngại. Cháu là con trai của ông chủ đấy à ? Ông có đứa con giỏi giang lắm. Cháu lên mấy tuổi rồi ạ ?

- Dạ cháu mười hai tuổi.

- Giỏi thật ! Trẻ nhỏ cỡ tuổi ấy  quanh xóm tôi vẫn còn đi thả diều, đánh vụ, mà thằng cháu này đã biết ra đầu phố mời chào khách, được người nào hay người ấy, thế là giỏi lắm rồi còn gì. Ông có  đứa con ngoan thế thật là có phúc. Thế nhưng thưa ông, tôi cũng xin nói thật là tôi thấy cháu nó mới mười hai tuổi đầu, cháu giỏi giang thì cũng hay thật đấy, nhưng sao ông chủ lại bỏ bê quán thế này. Khách đến trọ ở đây, thế nào chẳng có người cằn nhằn hay bực mình, phải không ạ ?

- Vâng,vâng, đúng thế ạ. Có những vị khách tức giận bảo " Quán trọ gì mà thế này ", rồi họ bỏ đi.

- Chắc là thế. Sao ông không thuê một hai người hầu phòng giúp việc, thì quán mới làm ăn được chứ ?

- Xin cảm ơn quý khách đã có lời khuyên bảo. Vâng, thưa quý khách, ngài đã có lòng lo lắng dùm cho tôi, thì tôi cũng xin được giãi bầy hoàn cảnh của tôi cùng ngài. Thưa quý khách, thực ra trước đây tôi là chủ nhân của Quán Hổ trước mặt đấy ạ.

- Hả ? Sao ông chủ của Quán Hổ nay lại thành chủ Quán Chuột ? !

 - Vâng, Số là năm năm trước vợ tôi qua đời. Lúc ấy, chỉ riêng kẻ giúp việc trong quán cũng đến ba mươi người.  Một mình tôi trông coi không xuể, nên nhiều người cũng lo lắng dùm,  khuyên nên tục huyền, giới thiệu cho cũng nhiều mối. Nhưng rút cuộc tôi đã chắp nối với Ô-Kôn là người làm lâu năm, đứng đầu cai quản các cô hầu phòng giúp việc trong quán. Ô-Kôn thông thạo mọi việc trong quán, nên đâu vào đấy cả, tôi cũng mừng vì đã chọn được người vợ kế tử tế. Thế nhưng đúng vào dịp lễ Thất tịch năm ấy... Quý khách biết đấy, lễ Thất tịch ở Senđai  thì nhộn nhịp phải biết, người đi xem hội đông vô kể, lữ quán nào cũng không còn chỗ trống. Quán trọ của tôi tầng trên tấng dưới đều đầy khách trọ. Bấy giờ mới xẩy ra chuyện cãi cọ giữa mấy người khách trọ trên gác hai, họ lấy bát đĩa choảng nhau, ném cả tô chén. Tôi sợ nhỡ có người, dù bên nào,mà bị thương thì cũng phiền, nên mới chạy lên gác định can gián. Nhưng tôi chen vào giữa toan giảng hòa đã chẳng được mà lại còn bị bên này xô, bên kia đẩy, không biết có ai đó đã đẩy một cái làm tôi bị ngã từ trên gác, lăn tuột xuống tầng dưới. Cầu thang gỗ lau sạch bóng, ngày thường hễ chân đi bít tất ta-bi bằng vải mới là cũng suýt bị trượt rồi, cho nên đã bị ngã  xuống cầu thang thì không làm sao ngừng lại nửa chừng, cứ thế lăn tuột một mạch xuống tầng một. Khi đó ngang lưng tôi bị va mạnh xuống nền nhà, nhằm vào chỗ phạm, từ đó tôi không đứng lên được nữa. Ngay sau khi ngã tôi đã được khiêng vào đặt nằm ở nhà sau, nào mời thầy, chạy thuốc, ra đền chùa khấn vái đủ cả, nhưng vẫn không khỏi. Cái lưng của tôi vẫn cứ mềm oặt ra. Khoảng nửa năm sau đó, chủ nhân Quán Ngựa Câu là bạn thân từ ngày bé, có khi còn đánh nhau, ở cách đây một căn, sang thăm, bảo " Này Uhei..Tên tôi là Uhei ...Mày có để mắt nhìn mình mẩy thằng bé bao giờ chưa ? Tao biết cái lưng mày bây giờ bị oằn xuống không còn dựng đứng lên được, nhưng tao không ngờ là mày còn có mắt mà như mù nữa kia.Tao không còn muốn bè bạn gì với một đứa như mày..." Vừa nói xong hắn đã nhấp nhổm bỏ ra về. Tôi gọi giật lại " Này bác Quán Ngựa Câu ", nhưng tôi không thể nào đứng lên để níu hắn lại. Tôi còn chưa kịp hiểu tại sao hắn nói chuyện gì mà nghe lạ quá, lòng còn đang nghi hoặc, thì đúng lúc ấy thằng bé nhà tôi đi học về. Tôi bảo "Con cởi trần ra cho bố xem nào ", nhưng cháu  không chịu cởi áo. Tôi phải quát tháo mãi cháu mới miễn cưỡng cởi trần ra. Chợt nhìn qua tôi đã hết hồn, vì khắp người thằng bé  đầy thương tích. "Sao thế ? ", tôi hỏi thì cháu đáp rằng " Tại con đánh nhau với trẻ con hàng xóm ". "Chỉ nói bậy ! Trẻ con đánh nhau làm sao mà bầm dập thế.. Khai thật ra mau không thì bố không tha ". Tức thì thằng bé còn đang ở trần, bỗng ôm chặt lấy cổ tôi, vừa khóc vừa nói "Bố ơi, sao mẹ lại chết ..". Tôi chợt nhớ ra là lâu nay tôi mải lo chuyện của mình mà chẳng ngó ngàng đến con. Tôi bèn cho gọi viên quản lý tới. Lúc đó Quán Chuột này còn là cái nhà kho để chứa đồ. " Này bác quản lý, hãy cho người quét dọn ngay cái nhà kho trước mặt, ta với thằng Unokichi sẽ dọn sang ở bên đó. " Viên quản lý đáp " Dạ, ông chủ quả là có con mắt hơn người. Phòng nào còn tốt ta cũng nên đem cho khách trọ thuê. Tôi sẽ cho các cô hầu phòng dọn dẹp bên ấy ngay ".  Trên gác có hai phòng, ở dưới có hai phòng, hai bố con tôi ở còn rộng chán. Tôi và con tôi dọn sang đây, ba bữa cơm thì từ trước đến giờ vẫn có người làm bưng đến. Nhưng chỉ được một tháng sau thì chỉ còn hai bữa, cuối cùng còn một bữa. Cho cháu sang lấy cơm thì viên quản lý cốc vào đầu và đánh thằng bé mà bảo " Người ta đang bận bù đầu lo cho khách, ai có thì giờ đâu mà nuôi người ốm, hả ! "..Tôi giận quá đi mất. Cho dù là trẻ con đi nữa nhưng bề nào cũng là con nhà chủ, người ăn người làm mà dám đánh con chủ ư. Bụng thì giận sôi cả lên, nhưng khổ nỗi là lưng thì oặt oẹo không sao đứng lên được. Chủ Quán Ngựa Câu đến bảo " Thôi bác cũng đừng giận, chắc là gặp đúng lúc đang rối trí vì đông khách, nên anh ta mới làm thế, chứ cũng chẳng phải là thực sự dám đánh đâu. Đừng lo, tôi sẽ cho người nhà bưng cơm đến cho bác, không sao ". Từ đó ba bữa cơm mỗi ngày là do Quán Ngựa Câu đem đến cho. Một hôm chủ Quán Ngựa Câu lại đến, mặt mày tối sầm lại mà hỏi tôi rằng " Uhei ! Bác nhượng Quán Hổ cho thằng quản lý Ushizô từ hồi nào vậy ? " " Không phải à, không có chuyện đó à ? Tên Ushizô làm nhiều điều tệ quá, nên hôm nọ tôi đến cằn nhằn thì nó bảo¨ Ông Quán Ngựa Câu à, Quán Hổ chúng tôi không còn dính dáng gì với ông chủ trước đây nữa. Ông xem đây này¨. Cái mà tôi được chìa cho xem là một tờ giấy chuyển nhượng có đóng dấu hẳn hoi. Con dấu của bác đâu rồi ? ". Nghe nói thế tôi mới chợt nhớ ra ...thì đã muộn. " Chết rồi ! Lâu nay tôi vẫn giao cho ÔKôn giữ con dấu ". Chủ Quán Ngựa Câu bảo " Được rồi ! Tôi hiểu rồi ! Bác đừng lo ! Tôi không để bố con bác lang thang đầu đường xó chợ đâu". Thế là ngày ngày ba bận Quán Ngựa Câu đem cơm đến cho cha con tôi. Con tôi nó nói rằng " Bố ạ, mình để bác Quán Ngựa Câu đem cơm đến cho không, thì giống như là ăn mày. Trên gác có hai phòng, dù xấu xí, nhưng hay là ta mời khách đến trọ, bố ạ. Con sẽ ra đầu phố mời khách về, dù là chỉ được một vài người, nhưng miễn là ta tạm sống đỡ qua ngày là được. ". Thưa ông, sự tình là như thế. Và thế là con tôi ra đầu ngõ nài nẵng mời cho được khách tới trọ.

- À, ra thế. Thế nhưng sao ông lại đặt tên quán là Quán Chuột ?

- Vâng, vì Quán Hổ trước đây đã bị tên quản lý chiếm mất, còn đây vốn là cái kho có nhiều chuột. Thế mà cha con tôi dọn vào thì chẳng khác nào như đã chiếm mất chỗ của lũ chuột, nên vị tình chuột mà tôi lấy luôn tên Chuột để đặt cho quán.

- À ra thế. Tên Quán Chuột kể cũng hay đấy. Ông à, ở nhà có mảnh gỗ nào không ?

- Mảnh à....mảnh giấy chùi mũi thì cũng có đấy ạ.

- Không, không, tôi không cần giấy chùi mũi. Tôi nói mảnh đây là những mảnh ván hay mẩu gỗ vụn cưa ra từ các các miếng ván hay đầu cột đầu kèo ấy, ở nhà ta có không ạ ?

- Vâng, đây vốn là nhà kho, nên gỗ vụn thì ở góc nhà có cả đống đấy ạ.

- Vậy à. Tôi sẽ đẽo cho ông một con chuột, để quán sẽ có thêm một vài người khách đến trọ.

- Ồ, quý khách khéo tay biết chạm gỗ cơ à. Ở Senđai này có một nhân vật nổi tiếng về điêu khắc gỗ đấy ạ. Lại có người chuyên chạm trổ các thứ cho ngài lãnh chúa Senđai của chúng tôi. Ồ, tôi quên chưa ghi tên quý khách vào sổ của quán. Vâng tôi không đứng lên được, nhưng vẫn còn cầm được cây bút lên mà viết. Xin quý khách cho biết nguyên quán của ngài ở đâu ạ.

- Ở Takayama, xứ Hi đa.

- Vậy ra là ngài từ Takayama đến Senđai à.

- Không, không phải là từ Takayama đến thẳng đây đâu ạ. Tôi đã lên Êđô, xem nào, đã 10 năm rồi. Bây giờ vẫn còn lông bông ..cái thân ở đậu nhà người ta..

- Thế ạ. Tại Êđô quý khách ở đâu ạ ?

- Xin ông chủ ghi vào sổ trọ cho là " Jingôrô, trú tại nhà của thợ mộc Masagôrô ở phố Nihônbashi Tachibana "

- .........Ô thế ra ngài là ngài Jingôrô ở Hiđa ư ?

- Ấy ấy, ông chủ đừng có biến sắc, trợn mắt lên như thế mà làm tôi khó ở quá. Đệ nhất ...gì đâu, đừng có nói đùa. Thiên hạ người ta gán cho tôi các danh hiệu, nào là " Đệ nhất nghệ nhân Nhật bản " nào là " danh tài "  thế thôi, chứ chính tôi, tôi lại chẳng nghĩ như thế bao giờ. Ông chủ ạ, ông đừng kiểu cách mà mất tự nhiên. Ông cứ yên tâm, để đấy cho tôi.

Dù cho có cả đống tiền chất trước mặt, những nếu đã không thích làm thì Jingôrô chẳng buồn mó tới cái đục, nhưng dù chẳng được một xu nào, một khi đã có ý muốn làm thì ông lại để hết tâm trí vào mà đẽo gọt chạm trổ. Sáng ngày hôm sau Jingôrô đã đẽo xong một con chuột.

- Này chú bé, ở đằng kia có cái chậu phải không. Hả ? Chậu không đẹp lắm hả ? Nhưng có đang dùng làm gì không đấy ? Ta lấy dùng được không ? À, đấy là chậu mượn của người ta à ? Xong.. cho ta mượn được chứ ?

Chậu được đem ra để trước quán. Trong có để con chuột vừa đẽo, trên miệng có đậy lưới đan bằng tre

- Ông chủ quán à, nếu có duyên và khi nào có dịp, ta lại gặp nhau nhé.

- Xin đa tạ quý khách.

***

- Xem kìa, Quán Chuột đấy. Nghe đâu quán này có quen biết với ngài Jingôrô. Ở chỗ kia có đề " Chuột Phúc, tác phẩm của Hiđari Jingôrô ở Takayama xứ Hiđa "... Ồ, hóa ra ..ở Quán Chuột à. Vậy mà lâu nay mình không nghe nói gì cả. Ông chủ Quán Chuột ơi, có ai ở nhà không ?

- Chào ông, ông đến có chuyện gì ạ ? Lâu quá không gập ông, tôi lại tưởng hay là ông đau ốm gì chứ. Nào, nào, mời ông ngồi nghỉ, để tôi pha trà mời ông nhé ?

- Cảm ơn ông chủ. Này ông chủ, tôi hỏi điều này khí không phải, ở đây có đề " Chuột Phúc của Hiđari Jingôrô " , mà có phải là ở quán của ông chủ không ?

- Vâng, ở đây đấy ạ.

- Ở đây thật à..Nếu vậy, thì..vậy ra là ông chủ đây là chỗ thân thiết với ông Jingôrô à ?

- Làm gì mà gọi là thân thiết, ông đừng nói thế chứ... Ngượng lắm ạ.

- Không việc gì mà ông chủ phải ngượng cả. Vậy à, vậy sao ? Ông Jingôrô nổi tiếng ấy mà ..Thế ..đâu rồi ? Cái gọi là " Chuột Phúc " ấy ở đâu ?

- Ở đằng kia kìa. Cái chậu ấy đấy, ở trong chậu ấy.

- Thế à, cho tôi xem nhé. Đây à, ở trong này à ? Ô, ở trong này thật. Con chuột này lông màu lạ thật. À, vì là chuột đẽo bằng gỗ mà. Ô, nó động đậy ! Động đậy ! Con chuột này ...cử động được !

- Làm cái gì mà ồn cả lên thế. Chỉ được cái hấp tấp nhanh nhẩu đoảng ! Con vật đẽo bằng gỗ thì làm sao mà cử động được chứ. Tự mình cứ nhấp nha nhấp nhổm nên mới trông thấy chuột cũng động đậy theo thì có. Dở hơi.. Cứ cái thói hay láu táu. Ô hay...Nó động đậy, cử động thật !

- Thấy chưa ? Nó cử động thật, phải không ? Sao ? Giỏi thật ! Jingôrô nổi tiếng có khác..

À ! Tớ thấy rồi ! Đằng sau lưng Chuột Phúc có viết... " Quý vị nào hễ đã xem con chuột này, bất kể là người trong vùng hay quý khách từ xa đến, xin hãy trọ lại Quán Chuột " Thôi chết rồi ! Như thế là tối nay mình phải trọ lại Quán Chuột sao ? !

- Dở hơi..Từ làng tớ đến đây cách có mười một đinh [6] việc gì phải trọ lại Quán Chuột cơ chứ ? !

- Cách mười một hay mười hai đinh thì cũng phải chịu. Ngài Jingôrô tiếng tăm lừng lẫy đã bảo phải trọ ở đây, thì phải cứ thế mà làm .

- ..Đúng rồi, không thể không làm theo ! Phiền quá ..Cũng tại mình đã xem món đồ quý hóa này.. ! Mụ vợ tớ hay ghen lắm, cứ thử nói đến ở quán trọ Senđai mà xem, thế nào mụ chả thét " Cái gì ? ! Senđai có cách nhà là bao xa mà phải vào quán trọ ? Chỉ muốn đàn đúm chơi bời ở đâu đấy chứ gì ? "

- Thôi đành vậy, cứ để tớ nói hộ cho là có tớ cùng đi. Thôi mình vào trọ đây nhé. Ông chủ Quán Chuột ơi, cho chúng tôi ở lại đêm nay nhé.

- Vâng, hai ông muốn trọ lại đêm nay à ? Xin cảm ơn quý khách.

Hai người này vào trọ Quán Chuột, nghe được chuyện của quán, bảo nhau

- Chủ Quán Hổ là người tệ bạc thế cơ à

Và thế rồi chuyện này được đồn đãi truyền đi khắp nơi.

- Cứ đến mà xem con chuột của ngài Jingôrô cử động được

- Cử động được à ? Thật không ? Vậy ta cũng muốn xem thử.

Đến Quán Chuột để xem chuột. Hễ đi xem chuột thì ở Quán Chuột. ... Tin đồn cứ thế lan ra khắp Senđai, và chẳng bao lâu đến khắp các chốn gần xa.

- Đến Quán Chuột, hỏi chuột đâu cho xem nào..

- Ở Quán Chuột một đêm thì cũng được, để được xem con chuột của người thợ lừng danh

Khách trọ gần xa lũ lượt kéo về, Quán Chuột làm ăn phát đạt hẳn lên..

- Ông Quán Chuột ơi, cho chúng tôi năm người vào trọ nhé.

- Xin cảm ơn quý khách. Quán chúng tôi có hai phòng trên gác, hai phòng ở nhà dưới, thì hiện đã có bốn mươi sáu khách trọ rồi ạ. E rằng quý khách có đến ở lại cũng không có chỗ mà nằm ngủ.

- Được mà, không sao. Chẳng phải là ngựa, nhưng chúng tôi sẽ ngủ đứng một tối cũng được.

- Cũng không có chỗ đứng mà ngủ đâu ạ, chỉ còn có cách là đánh đu vào trần nhà thôi đấy ạ ..

- Thế thì cứ như là những quả hồng phơi treo trên sào ấy còn gì ...

Khách trọ lũ lượt kéo đến đông như thế đấy. Quán phải xây thêm ra trên bãi đất trống phía sau quán, nào thuê người hầu phòng, nào thuê đầu bếp..cứ thế mà ăn nên làm ra mãi ..Trái lại Quán Hổ trước mặt thì cứ thưa khách dần, nay bớt một người, mai bớt thêm hai người, cuối cùng thì chẳng có một người khách nào đến trọ. Quán có đến ba mươi người hầu phòng mà chẳng có một người khách trọ, chẳng khác nào có ngọc quý mà lại bị bỏ xó, Ushizô tức điên lên được..

Kể ra thì Ushizô cũng có cái lý của hắn. Số là Ushizô và Ôkôn đã dan díu với nhau từ lâu, và họ vẫn tưởng rằng chủ nhân đã biết nhưng cứ giả lơ đi cho họ. Thế mà sau khi bà chủ qua đời, nào ngờ ông chủ lại lấy Ôkôn làm vợ kế, Ushizô hận lắm, " Quân súc sinh ! Đi lấy vợ người ! " , và hắn vẫn rình rập sơ hở của chủ, chỉ chờ có dịp..May sao cho Ushizô là vào tối hôm Thất tịch, chủ nhân đã bị xô ngã rơi từ gác hai xuống đất và bị đau lưng, thừa cơ chờ đến giữa tháng ba, Ushizô kéo vạt áo Ôkôn gạ gẫm

- Ôkôn này !

Thế là lửa lại bén vào củi cháy dở đã bị tắt nửa chừng, tình cũ không rủ cũng lại. Đến nước này thì hai cha con Uhei và Unokichi như cái gai trong mắt, họ ra sức mà hành hạ, rồi đuổi hai cha con vào xó nhà kho trước quán, và chiếm luôn cả Quán Hổ. Thế nhưng nay Quán Hổ chẳng có được một người khách, thì còn nước nôi gì nữa.

" Quân súc sinh ! Đồ dở hơi ! Được ! Bên ấy đã nhờ Jingôrô đẽo chuột, thì ta cũng có cách ! "

Số là dưới trướng của ngài lãnh chúa Đatê xứ Senđai có một người thợ chạm nổi tiếng giỏi nhất xứ, hay nói đúng hơn là giỏi nhất nước Nhật, tên là Iiđa Tangê. Tangê là người thợ giỏi đến độ đã từng so tài chạm chim ưng đậu trên cây tùng với Jingôrô, ngay trước mặt IêMitsu, vị Tướng quân đời thứ ba của giòng họ Tôkugawa. Trong cuộc tranh tài này Tangê đã bị thua, từ đó danh hiệu giỏi nhất nước Nhật về tay Jingôrô. Ushizô đã đến xin gặp Tangê.

- Tôi xin hậu tạ ngài, bao nhiêu cũng được. Số là ..sự tình như thế ..như thế..nên Jingôrô đã đẽo cho Quán Chuột một con chuột. Con chuột này cử động được, nên quán của tôi chẳng còn một người khách nào đến trọ. Xin ngài đẽo cho quán tôi một con Hổ. Tôi xin hậu tạ ngài, bao nhiều cũng được..

Thế là Iiđa Tangê bèn đẽo một con Hổ, đẽo xong đem đặt ngồi chễm chệ nơi đầu tay vịn cầu thang đi lên gác hai của Quán Hổ, như thể là con Hổ này đang nhìn sang lườm con chuột bên Quán Chuột đối diện...Tức thì con chuột bên Quán Chuột bỗng cứng đờ người ra, không còn dám cử động thập thò như trước nữa.

- Bố ơi bố, chuột nhà ta không cử động được nữa rồi !

- Cái gì ? ! Chuột không cử động nữa à ? Tại sao thế ? Cái gì thì nói cho ra đầu ra đuôi, đừng có khóc ! Quán Hổ ? Có con Hổ ngồi bên ấy à ? Đâu, ở đâu, đứa nào ? Ối giời, quân súc sinh ! Ghê gớm đáo để thật.. !

Uhei tức đến cành hông.. bỗng nhổm dậy được. Thực ra thì không phải vì tức cành hông mà nhổm dậy được đâu, chẳng qua là vì cái lưng của anh ta đã thẳng được từ hai năm nay rồi, nhưng anh ta cứ tưởng là không khỏi nên không thử đứng lên. Uhei liền tức tốc viết thư gửi Jingôrô ở phố Nihônbashi Tachibana tại Êđô.

Thư viết : " Lưng tôi thì nay lại đứng thẳng được, nhưng chuột thì đã mất hồn"

Đọc thư này xong, Jingôrô liền đến tận Senđai, có dẫn theo cả Masagôrô- con.

- Thưa tiên sinh, xin đa tạ ngài đã giúp tôi từ độ ấy.

- Không có gì. Cảm ơn ông chủ đã báo tin cho tôi biết. Sao thế ? Vừa nãy cháu Unôkichi đã ra đầu phố đón tôi. Ồ bây giờ cháu lớn quá, tôi không nhận ra đấy. Mãi đến khi nghe gọi " Thưa chú ", tôi mới nhận ra đấy là cháu Unôkichi.

- Xin cảm ơn tiên sinh. Nhờ ơn ngài cả. Xin ngài xem đấy, cơ ngơi của quán đã được mở rộng thêm, nhờ vậy mà tôi cũng thuê thêm được nhiều kẻ ăn người làm.

- Tốt, tốt lắm. Tôi đã đọc thư, nghe nói chuột không động đậy nữa. Tại sao thế nhỉ ?

- Thưa ngài, sự thể là như thế này..

Uhei bèn kể lại mọi chuyện.

- À, ra là Iiđa Tangê đẽo hổ à. Thế con hổ ấy ở đâu ? Hả ? Ở ngay chỗ tay vịn cầu thang của Quán Hổ trước mặt à ? Hà hà.. Đấy là hổ do Tange đẽo đấy à ? Cháu Masa này, cháu thấy con hổ ấy thế nào ?

- Dạ dạ...Thưa chú, cháu còn nhỏ tuổi, tay nghề chưa có gì gọi là đáng kể, cho dù chú có bảo cháu đẽo thử, cháu cũng chưa làm được, thế nhưng cháu nghĩ là cháu cũng biết nhìn ra . Theo cháu thì con hổ này chưa thật khéo. Mắt hổ nhìn đằng đằng sát khí hận thù.

- Thế à, ta cũng không nghĩ rằng con hổ ấy khéo chút nào cả. Này chuột, khi ta đẽo mày, ta đã quên hết sự đời chung quanh, chỉ để hết tâm trí vào để đẽo gọt nên mày. Sao thế ? Mày sợ con hổ ấy à ?

- Ơ ! Đấy là hổ à ? Thế mà chuột tôi cứ tưởng là mèo chứ !

Tokyo, 5/2/2008
Nguyên tác : " Nezumi ", Koten Rakugo Taikei
( Những truyện Rakugo cổ điển),
nhiều tác giả, nxb Daiichi Shobo, 1988.

Người dịch : DTTM - Quỳnh Chi

Chú thích

[1] Chân dung Hiđari Jingôrô

[2] Phù điêu "Con mèo ngủ " ở đền Toshogu, tương truyền là tác phẩm của Hiđari Jingôrô

[3] Thước = một thước vào khoảng 33, 3 cm

[4] Chiếu = một chiếc chiếu Nhật thường dài 191cm, rộng 95,5 cm

[5] Thạch = một thạch là đơn vị dùng để đong, bằng một trăm thưng

[6] Đinh = 1 đinh là một quãng đường dài 109 mét



Trở Về  ]