Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Bài xã luận của tờ Trung ương nhật báo ( Hàn quốc) 
"Người Nhật còn mạnh mẽ hơn cả thảm họa"

Quỳnh Chi

Trận động đất lớn lần này tại Nhật bản đã gây chấn động trên khắp thế giới tới 2 lần 
Trước hết thế giới đã bàng hoàng vì thảm họa do chấn động mạnh tột bậc tới 9 độ Rích te gây ra. 
 Một đợt sóng thần rất lớn đã khiến khoảng 2000 người thiệt mạng và hơn 10.000 người vẫn còn mất tích.  Một nửa dân số của một ngôi làng trong tỉnh Miyagi đã bị mất tích. Nhà máy điện hạt nhân cũng là một mối lo.
 Chính phủ Nhật bản đã đưa 210.000 cư dân quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima đi sơ tán, và áp dụng một phương pháp bất bình thường là dùng nước biển để làm nguội lò hạt nhân.Trên thực tế, việc cho nước biển không tinh khiết vào lò hạt nhân là một biện pháp hủy bỏ lò hạt nhân này bằng một "liều thuốc độc cực mạnh ".  Quần đảo Nhật bản đã liên tiếp phải hứng chịu động đất, sóng thần rồi hiểm họa hạt nhân.

Nhưng điều làm thế giới sửng sốt hơn nữa là thái độ bình tĩnh không ngờ của người Nhật. Dù đang sợ chết người Nhật vẫn bình tĩnh. Họ đã tuần tự rời khỏi nơi bị nạn theo hướng dẫn của các nhân viên cứu hộ, các em học sinh tiểu học cũng xếp hàng đi theo giáo viên để di chuyển đến nơi an toàn. Khi xe điện ngầm và xe buýt ngừng chạy, nhân viên các công ty lặng lẽ trở về nhà với gói đồ cấp cứu mà công ty vừa phát cho họ  Tất cả đều đi  không hối hả, mất khoảng 3, 4 giờ đồng hồ để về nhà. Rồi sáng hôm sau họ lại đi đến sở làm  vẫn như mọi ngày. Cả thế giới sững sờ vì thái độ bình tĩnh không ngờ này của người Nhật,  dù họ đang gặp phải họan nạn. 

Chúng ta đã từng chứng kiến tình trạng hỗn loạn vô trật tự nẩy sinh sau mỗi thiên tai lớn.  Một trường hợp điển hình là trận động đất tại Haiti đã khiến 220.00 người thiệt mạng vào năm ngoái. Thậm chí đã có nhận xét cho rằng tình trạng cướp bóc và bạo lực hoành hành còn đáng sợ hơn cả động đất.  Không phải vì Haiti là một nước đang phát triển nên mới như vậy. Vào năm 2005, sau khi bị trận bão Katrina tàn phá, vùng New Orleans của Mỹ cũng đã  xảy ra bạo lực và những điều tồi tệ.  Có lẽ ký ức về những chuyện như thế càng khiến thái độ bình tĩnh của người Nhật nổi bật hơn dưới mắt mọi người.   Hầu như không thấy có một người Nhật nào gặp phải thảm cảnh mà khóc lóc kể lể. Cũng không nghe nói có chuyện thừa cơ trong lúc  lộn xộn vì động đất để giết người  cướp của. Trên màn ảnh truyền hình chỉ thấy toàn những dòng người xếp hàng lĩnh phẩm vật cứu trợ, hay lặng lẽ chờ trước cửa hiệu rồi sau đó vào mua chỉ những vật dụng cần thiết.

Không thể chỉ nêu lên một đặc điểm về mặt địa lý, tức là vì Nhật bản thường hay xảy ra động đất,  mà có thể giải thích được trọn vẹn hiện tượng này. Thực tế là thiết kế phòng chống động đất rất triệt để, cũng như hệ thống báo động nhanh chóng, đã giảm thiểu được tai họa. Việc giáo dục  và tập dợt kỹ càng trước về cách sơ tán khi xảy ra tai họa quả là đã có kết quả hữu hiệu.  Diện mạo thực sự của một quốc gia hiện rõ chính là vào những lúc xảy ra những sự kiện trọng đại.Đây mới chính là dân tộc tính. Sự bình tĩnh là một dân tộc tính của Nhật bản đã lộ ra rất rõ khi họ đang sợ đến muốn chết đứng được. Khi trận động đất Hanshin (vùng Kobe )xảy ra vào năm 1995, đồng yên không ngờ đã tăng giá 20% . Vì không hiểu dân tộc tính của Nhật bản, nên giới đầu cơ nước ngoài đã tính sai, bị một cú đau điếng.  Đồng yên tăng giá mới đây, là do thị trường tài chính quốc tế đã khám phá được dân tộc tính của Nhật Bản, đó là mỗi khi gặp họan nạn thì thường đoàn kết lại.Chắc hẳn là vết thương sâu đậm vì trận động đất lớn lần này rồi cũng sẽ đơm da lành thịt.

Trông người lại nghĩ đến ta, trong trí tôi đã hiện ra một hình ảnh biếm họa về xã hội Hàn quốc. Liệu rằng
-chúng ta đã không thay đổi sắc mặt rồi khóc lóc kêu gào thảm thiết, khi ống kính truyền hình đang hướng về chúng ta ở nơi xẩy ra tai họa chăng ? 
-chúng ta đã không hề lớn tiếng đồng loạt chửi mắng ầm ĩ mỗi khi máy bay đến hơi muộn vì gặp thiên tai hay tai họa chăng ?
-chúng ta có đổ hết mọi trách nhiệm cho chính phủ để huyên náo cả lên không ?
-chúng ta có tính toán thiệt hơn chỉ cốt thủ lợi về cho nước mình, mà không cần biết đến nỗi đau của nước láng giềng không ?
 Đó là những câu hỏi chúng ta cần nghiêm khắc đặt ra với bản thân mình. Và phải coi đây là một dịp để xét lại lối suy nghĩ và cách hành xử không ra thể thống gì của xã hội Hàn quốc,  mỗi khi có tai họa  hay khủng hoảng xảy ra.  Chúng ta còn phải học hỏi nhiều từ Nhật Bản, và còn lâu mới có thể trở thành một nước tiên tiến.

Phiên bản Nhật ngữ của Trung Ương nhật báo ( Hàn quốc), ngày 14 tháng 3/2011
Quỳnh Chi dịch (16/3/2011)