Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Món quà ngày Hiền phụ

Quỳnh Chi

Hôm nay chủ nhật ngày lễ Hiền phụ, nhưng chồng đi nước ngoài vắng nhà, con trai cũng không về để chúc mừng như mọi năm, ở nhà có một mình Y bèn đi công chuyện.

Lên xe điện lúc gần trưa, vậy mà vẫn không còn chỗ trống. Y đứng ở đầu một toa tầu, dẫy ghế trước mặt có một bà mẹ với một cô bé con. Những hành khách đã có chỗ ngồi thường ít khi để hành lý trên giá lưới phía trên đầu họ. Vậy mà giá hành lý ở phía trên đầu hai mẹ con bà ngồi trước mặt Y lại có để một túi xách. Y đoán đó là của người khách nào vừa xuống xe đã bỏ quên, vội đưa mắt nhìn ra sân ga tìm, miệng lẩm bẩm:

- Không biết ai quên hành lý vậy nhỉ ?

Bà khách ngồi trước mặt Y vội đáp:

- Không không, của tôi đấy ạ !

Y thấy mình hơi nhanh nhẩu đoảng, bẽn lẽn xin lỗi.

Người mẹ khoảng ngoài bốn mươi, ngoài túi trên giá hành lý, trong tay còn cầm một chiếc túi xách nữa, và cô bé con cũng có một chiếc túi xách nhỏ có in hình những dấu khóa sol. Chiếc túi quá nhỏ không đủ để đựng một quyển sách nhạc, nhưng dù sao cũng cho thấy là cô bé thích kiểu trang trí này, hay đó là sở thích của bà mẹ nên bà đã chọn cho con gái.

Y nhìn ra phong cảnh bên ngoài cửa sổ, nhưng vẫn nhận ra là cô bé vừa nói chuyện với mẹ mà thỉnh thoảng cứ lén đưa mắt nhìn mình. Cái nhìn trong đôi mắt đen lay láy của cô bé không phải là cái nhìn e ngại, mà trái lại ra chiều như muốn gợi sự chú ý của người khác. Bất giác mỗi khi Y nhìn xuống - có lẽ Y vẫn có ý tò mò về cái túi quá nhỏ có hình khóa sol- , hai ánh mắt gặp nhau, cô bé nhoẻn miệng cười rồi lại vội úp mặt giấu vào cánh tay áo của mẹ, rồi lại lén quay ra ngửng lên nhìn Y...Cô bé làm như thế vài lần, khiến Y suýt bật cười, bèn đánh bạo cất tiếng làm quen:

- Em bé đi học nhạc phải không? Túi có hình khóa sol...

Bà mẹ trả lời thay con:

- Dạ không phải, cái túi này như thế thôi chứ không phải đâu ạ.

Rồi bà bảo cô bé con:

- Con chào cô đi. Chào cô, cháu tên là Sato Mau

Cô bé liến thoắng chào hỏi, xưng tên theo lời mẹ, rồi khoe tiếp:

- Momo kumi desu.

À, ra là cô bé học mẫu giáo, ở lớp Quả Đào. Y hỏi tiếp:

- Hôm nay cháu đi chơi công viên à ?

- Không, cháu đi thăm ông bà ạ.

Cô bé loay hoay toan rút từ trong túi xách nhỏ ra một cuộn giấy. Y chợt nhớ ra, nói với bà mẹ :

- À, hôm nay là ngày hiền phụ nên bà đưa cháu về thăm ông bà cụ, phải không ạ .

Bà mẹ gật đầu, trong khi cô bé chìa cuộn giấy, khoe:

- Cháu vẽ đấy !

- Ồ, cháu vẽ ông à ?

- Cháu vẽ cả bà nữa.

Cô bé loay hoay toan cởi sợi giây nơ buộc bức tranh đã được cuộn tròn, Y phải vội can:

- Cháu giữ để đưa ông bà xem trước. Từ giờ đến lúc ông bà xem, mình phải giữ cẩn thận...à à .. naishou ni shiyou ne ! ( Mình giữ bí mật nghe!) ..

Dường như trẻ em rất thích dùng chữ "naishou" ( bí mật), cô bé giơ một ngón tay đặt lên môi thì thầm:

- Naishou ...

Bà mẹ giải thích thêm:

- Cháu cũng đã vẽ ảnh ba và tặng ba sáng nay rồi ạ. Đây là ảnh đem về biếu ông bà.

- Ồ, vậy là cháu có khiếu hội họa ?

Bà mẹ lắc đầu:

- Ồ không, cháu vẽ cũng thường thôi ạ. Cháu chỉ hay nói, nói suốt ngày, rồi ca hát suốt ngày thôi ạ.
 

So với các bà Nhật khác thì bà mẹ này cũng là một người vui tính, chịu khó nói chuyện. Lâu nay từ ngày con đã lớn, Y không còn biết trẻ em bây giờ thích loại truyện tranh nào , phim hoạt họa nào, nên may gặp được bà Nhật này tính tình cởi mở, Y liền nêu thắc mắc của mình. Thật không ngờ, bà ấy rút ngay trong chiếc túi ra mấy quyển truyện tranh của cô bé mà bà đem theo, mở ra cho Y xem, giải thích tỉ mỉ.

Rồi bà toan gấp sách lại, thì cô bé con cầm ngay lấy một quyển truyện tựa đề " Naita Aka Oni " ( Con quỷ đỏ khóc ), tay chỉ vào những hình vẽ trên bìa trước và bìa sau giải thích cho Y biết: đây là con quỷ đỏ, kia là chiếc kiệu sơn đỏ của nó, đây là...

Đoạn cô bé mở từng trang sách, và bắt đầu cất tiếng đọc, nhưng với giọng ngân nga rất đặc biệt..

Y trầm trồ:

- Ồ, bé biết đọc rồi ư !

Cô bé này còn bé lắm, dễ thường chỉ mới 4 hay 5 tuổi là nhiều. Quả nhiên, bà mẹ cho biết cô bé mới 3 tuổi rưỡi.

Trước sự ngạc nhiên của Y, càng lúc cô bé càng đọc to , có vẻ như đã thuộc lòng vì có lúc không cần nhìn vào trang sách nữa. Nhưng lạ lùng thay đó là cách đọc của đàn ông, hay nói đúng hơn là cách kể truyện của một cụ già. Y đã đọc sách cho con từ bé hàng trăm, hàng ngàn lần cũng nên, nhưng không thể nào diễn tả tài tình như cô bé này được, và đặc biệt là thỉnh thoảng cô bé còn ngừng đọc mà giả tiếng đàn tiếng nhạc đệm làm bối cảnh cho câu chuyện kể gây hào hứng hay gợi sự tò mò của người nghe:

- Gian gian gian ...giàn ..!

- Chăn ! Ta ra ran.. ! Ta ra ran ..

Y vừa ngạc nhiên vừa phải cố nhịn cười. May đâu mà bà mẹ đã kịp giải thích cho Y:

- Truyện này đã được diễn thành kịch nhi đồng, cháu đã đi xem, và tôi có mua đĩa CD về cho cháu nghe, vì vậy mà cháu thuộc nằm lòng, và bắt chước giọng của ông kịch sĩ đọc truyện, cũng như các diễn viên thủ các vai trong truyện đấy ạ .

Rồi bà cũng cười theo. Chẳng những thế, bà còn phụ họa theo con, tay chỉ vào hình một tấm bảng gỗ đề chữ "Bố cáo ", giả giọng như của một bô lão đọc câu văn ghi trên tấm bảng đó.

Góc toa tầu là hàng ghế ít người, Y và hai mẹ con bà hành khách như ở trong một thế giới của riêng ba người với nhau, say sưa trò chuyện nên chẳng mấy chốc đã đến ga Shimo Kitazawa. Tại đây, hai mẹ con bà ấy sẽ đổi sang đường tầu Inokashira để đến nhà cha mẹ bà. Bà mẹ còn cho biết trưa nay sẽ có cả mấy anh chị em cũng đưa con cái về mừng ngày Hiền phụ .

Bà mẹ với tay lên giá lấy chiếc túi xuống, cô bé thì vẫy tay chào Y " Bye, bye" theo cách chào của trẻ em. Bà mẹ cũng cúi đầu chào rồi dắt con xuống xe.
 

Y nhìn theo cho đến khi tàu điện chuyển bánh rời khỏi sân ga, và hai mẹ con bà ấy cũng sắp bước lên cầu thang chuyển sang đường tầu bên kia. Nét mặt cũng như dáng đi không còn trẻ trung của người mẹ khiến Y không khỏi tò mò vì bình thường nếu có con nhỏ như vậy thì người mẹ thường rất trẻ. Qua câu chuyện trao đổi Y đã biết bà chỉ có mỗi một cô bé này .
 

Chỉ có điều, giờ đây Y đã đoán hiểu được vì sao cô bé con đã say sưa đọc truyện cho Y nghe như thế.

Chỉ vài chục phút nữa thôi , hai mẹ con bà ấy sẽ bấm chuông ngoài cổng một căn nhà có cửa đẩy sang một bên mỗi khi muốn mở. Rồi họ sẽ cởi giầy, xếp lại ngay ngắn trước thềm, để bước lên nền nhà cao hơn hẳn thềm cửa độ mươi mươi lăm phân, đã có xếp sẵn những đôi dép để đi trong nhà. Họ sẽ đi qua một hành lang gỗ dài đen bóng, vào căn phòng khách lót thảm chiếu khá rộng, có cửa sổ lớn nhìn ra một khuôn viên có những cây tùng, những tảng đá lớn bên hồ thả cá chép, và những chiếc đèn đá thấp quanh hồ. Trong căn phòng khách rộng dễ đến 15, 20 chiếu là mấy gia đình con cái đã kéo nhau về chúc mừng cha của họ. Bữa cơm trưa quây quần quanh chiếc bàn rộng và thấp đặt giữa phòng, với những thức ăn của các con đem về, trong đó có một món trong cái túi xách mà bà ấy đã để trên giá hành lý trên xe điện.
 

Nhưng điều làm ông cụ vui nhất thật ra không phải là các món ăn mà các con biết ông thường thích, nên đã bỏ công nấu nướng đem về.

Niềm vui mà ông chờ đợi là sau bữa cơm, các cháu nội cháu ngoại của ông sẽ thay phiên nhau lên đàn piano, đàn vi ô lông, thổi kèn, thổi sáo cho ông nghe những bài mà các cháu đã bỏ công tập luyện hàng ngày.

Thế còn cô bé Mau mới ba tuổi rưỡi, dù đã đi học nhạc, nếu không phải là thần đồng cũng chỉ đàn được một bài Bươm Bướm là nhiều.

Đó có phải là bức tranh cuộn tròn vẽ ông bà của cô bé chăng. Vâng. đó cũng là một món quà, nhưng thật ra đó chưa phải là tài nghệ của cô.

Vâng, tài nghệ của bé Mau chính là tài đọc truyện, mà cô bé đã thuộc lòng cả vở kịch, thuộc từng vai tuồng, thuộc cả tiếng nhạc đệm ..làm cả nhà cười nghiêng ngả.

Đó cũng là món quà khiến ông vui lòng nhất trong ngày Hiền phụ năm nay, bởi người con gái của ông đã lớn tuổi nay đã có được một gia đình hạnh phúc, với một bé gái xinh xắn nhanh nhẹn hoạt bát ra chiều cũng rất thông minh.

Quỳnh Chi (19/6/2011)