Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

Yêu hoa

Quỳnh Chi

Cứ tới giữa tháng 8 khi đi nghỉ hè bắt gặp hoa huệ trắng trên núi, Y lại nhớ đến cây hoa huệ sau vườn. Cũng khoảng này cây hoa huệ nhà Y mọc bên hông nhà cạnh hàng rào phía nhà hàng xóm lại nở hoa rất đẹp. Hoa huệ cánh màu hồng có những nhụy hoa to như đầu tăm bông đầy phấn nâu. Hoa trong vườn sau còn nhiều loại khác như mimosa, mộc liên, yukiyanagi, kodamari, christmas rose, tường vi, hoa tím, kim ngân, hoa nhài, đỗ quyên etc..  nhiều thứ nữa. Nhưng có lẽ bông hoa huệ rất to nổi bật hơn cả, lại mọc sát hàng rào nhà hàng xóm, nên bà ta hay để ý. Một hôm Y ra tưới cây, gặp bà, liền bị nhắc:
-Năm nào tôi cũng thấy cây hoa huệ này nở mà sao không thấy bà hái vào cắm trong bình mà chưng cho đẹp, cứ để nở ngoài vườn rồi tàn mất, uổng vậy !
-Vâng, tại tôi bận quá nên đôi khi quên khuấy.
Y nói thác như thế và hôm đó đành phải lấy kéo ra vườn cắt hoa huệ.

Đã từ lâu, Y không muốn mất công giải thích với bà hàng xóm, nên hễ bà nói gì, Y cũng vâng dạ và chiều theo ý bà. Y đã đặt cho bà biệt danh là là "bà chị hai hàng xóm" để coi việc mình vâng lời bà là một điều đương nhiên, khỏi phải thắc mắc làm gì cho mệt.
Y cầm cái kéo ướm vào cành hoa huệ tìm chỗ cắt, trong đầu chợt nhớ lại cảnh ngày xưa mỗi lúc mẹ sắp ướm dao vào cổ gà để "hóa kiếp" cho nó - mẹ bảo thế- để làm thịt gà. Khi nào mẹ cũng khấn vái nho nhỏ, lâu ngày Y đã quên gần hết phần đầu của câu khấn đọc lúc ấy, chỉ nhớ phần cuối câu hình như là:
..mày có sống khôn chết thiêng thì đi đầu thai kiếp khác...Nay ta hóa kiếp cho mày...

Thật ra Y cũng không biết được là những bông hoa nở sau vườn nhà Y nghĩ gì, chúng muốn được hái về cắm trong bình hoa và được nhìn ngắm, hay muốn cứ mọc nhởn nhơ rồi sẽ âm thầm tàn úa cũng vẫn ở vườn sau chẳng có ai nhìn tới ngoại trừ Y, cũng chẳng mấy khi rảnh rỗi để thong thả ngắm nghía chúng.

Mỗi khi đi khám mắt ở phòng mạch bác sĩ nhãn khoa gần ga, Y lại được ngắm bức tranh  của một bà bệnh nhân tặng cho bác sĩ. Bà bệnh nhân này có thú làm tranh dán bằng cánh hoa khô, và bà đã dùng có lẽ hàng chục ngàn cánh hoa li ti đủ loại để ghép thành hình một đồi hoa xuân tuyệt đẹp. Muốn làm tranh dán bằng cánh hoa như vậy thì phải hái hoa tươi rồi dùng cát hút ẩm để ép hoa. Nói đúng ra là chon cánh hoa trong cát, cho thật khô mà vẫn giữ nguyên được màu hoa tươi. Mỗi khi ngắm bức tranh ấy Y chợt có ý nghĩa muốn bắt chước và nghĩ mình cũng có thể dùng cánh hoa tường vi ép khô được. Thế nhưng rồi mùa xuân nào cũng trôi qua, hoa tường vi nở tưng bừng dễ đến hàng triệu bông trên các giàn hoa nhưng Y cứ ngần ngừ do dự mãi, cho đến đầu tháng 6 trời sẽ đổ mưa liên tiếp, các búp hoa màu vàng hay trắng bị sũng nước đều biến sang màu nâu sẫm, bám chặt trên cành mà chết úa. Y không biết như vậy là mình có tội với hoa hay không, nhưng không biết làm sao hơn.

Một hôm, bắt gặp một cái chậu hoa thủy tinh thật đẹp được đặt trên một cái giá cao, Y ngắm nghía hồi lâu rồi chợt reo lên trong đầu " Eureka! " Thế là từ đó ngày ngày ra tưới hoa Y thường nhặt những cánh hoa rụng rơi trong vườn, đem vào thả vào chậu hoa thủy tinh, để ở đầu hành lang. Cánh hoa đỏ thắm như geranium nổi trên mặt nước giữa chùm rong rêu xanh mướt cũng gợi nên hình ảnh một hồ nước trong trí tưởng.  Mùa xuân có hoa trà mi ( hay hải đường) thường rụng ngay đầu cuống hoa -còn nguyên vẹn, đầu mùa hạ có hoa giấy, hoa phù dungv.v.. Các cánh hoa thả nổi trên mặt nước ít lâu rồi cũng úa tàn, có vẻ còn tàn rữa mau hơn là khi rơi nằm trên mặt đất. Phải đợi sang thu và rồi đông,  Y không cho hoa nổi trên mặt nước nữa mà xếp cánh hoa rụng trên các viên thủy tinh hay sỏi cát. Những cánh hoa mùa thu đông này rất bền nhờ khí trời khô ráo, còn giữ mãi được màu sắc còn tươi thắm khá lâu cho tới tận lúc sang xuân.

Y cứ nghĩ bụng khi nào sẽ mở cửa cho bà hàng xóm vào xem chậu hoa thủy tinh này, để bà hiểu được rằng Y không cần hái hoa mà quanh năm vẫn có hoa để chưng trong nhà, tuy rằng màu hoa có phần đã nhạt đi nhiều so với những cánh hoa còn đang tươi nở trên cành. May ra bà sẽ hết giục giã Y.. 

Quỳnh Chi (28/7/2011)