Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

KHO VÀNG SẦM SƠN

TchyA Đái Đức Tuấn

PHẦN 1

Bãi Sầm Sơn làm một hòn ngọc châu đặt trong địa giới một tỉnh đã làm trường thí nghiệm cho muôn ngàn cuộc hưng vong ghi chép trong lịch sử.

Một con đường đá trắng, một bãi cát mênh mông, hai dẫy phi lao đêm ngày vi vút dưới ngọn gió biển ào ào, một tấm thảm kim cương lóng lánh chiếu ánh nắng buổi tà dương... với ai đã biết Sầm Sơn, cảnh rực rỡ tươi vui của bờ bể kia tất đã để lại cho một kỷ niệm sâu xa, mà ngọn sóng quên của thời gian khó lòng chìm lấp đi được.

Nhưng...

Nếu ngày nay chốn mỹ nhân ra nghỉ mát nó êm dịu đẹp đẽ, trước đây một vài thế kỷ, nó đã là một chốn điêu linh thảm khốc, nó đã thấy trong mờ sương bóng tối xiết bao tấn bi kịch hãi hùng. Bãi Sầm Sơn, chốn nghỉ chân của phường giặc Tàu Ô độc ác, tụ họp của lũ mẹ mìn ranh mãnh, bãi Sầm Sơn, cũng như Đồ Sơn đã làm mồ cho Bà Đề, chứa trong làn nước thẳm không thiếu gì liệt nữ vô danh, không thiếu gì thuyền buôn bị bão hay bị cướp.

Trong muôn nghìn dẫy thuyền buôn bị đắm đó, một thuyền có chứa một kho vàng.

Kho vàng ấy hiện đã được tải ra ngoài mặt nước.

Câu chuyện kho vàng, giờ đây tôi muốn ngả nó lên mặt giấy, hiến cho các anh em chị em một món quà dĩ vãng thiêng liêng. Mà cũng mới biết rõ chuyện kho vàng, tôi đã bị lao tâm, tổn lực, đã có len lỏi trong một lớp sóng người cũng như tôi, chạy theo vết bạc, cố tiến đi, đi mãi, đi tìm dấu vết của Đồng tiền Vạn Lịch chữ vàng.

Vì đồng tiền đó tức là chìa khoá mở cửa cho tôi thấy đường lối vào đời triệu phú.

Vì đồng tiền đó là đạo bùa giúp cho khách hữu duyên làm chủ một gia sản vô giá bị lấp chìm trong đáy nước Sầm Sơn.

Cái ngày tôi đi tìm đồng tiền Vạn Lịch, riêng đối với tôi nó nhuộm nhiều vẻ lạ kỳ, huyền bí. Nó chứa chan, không đếm xiết được những kỷ niệm êm đềm mà rùng rợn, không tài nào quên được vẻ đẹp lộng lẫy của hoàn cảnh, tựa như đóa hoa tươi đua sắc trên cụm lá um tùm xanh biếc, và nhất là vẻ bí mật của những khuôn mặt tôi thấy này hôm đó, những khuôn mặt kín đáo, hoài nghi, trái ngược hẳn với cái vui vẻ nồng nàn của một nơi phồn hoa tấp nập.

Độ ấy vào khoảng mùa hè năm 1933.

Tôi nhân được nghỉ ba tháng hè, vội thu xếp ra Sầm Sơn hứng gió bể và dưỡng sức. Vừa chân ướt chân ráo bước lên mặt cát vùng hải ngoại, tôi đã bị ngay một phen kham khổ, bực mình. Các khách sạn đều chật ních những công tử, vương tôn, tôi phải dằn lòng trú ngụ trong lều tranh của một gia đình chài lưới. Nhưng cũng nhờ sự rủi ro vô lý ấy mà, giữa quãng đêm trường tịch mịch, trong một bầu trời sôi nổi những mưa cùng gió, dưới mái lều của ông già đánh cá, tôi được quen một người bạn trẻ phi thường; một người bạn mà hình ảnh sau này tôi khắc mãi tận đáy gầm ký ức.

Anh chàng đó có một khổ mặt rắn rỏi lạ thường, hai con mắt sáng như đèn, một cái trán bướng bỉnh gồ ra, với một cái cằm vuông quả quyết. Một sống mũi thẳng dọc dừa trên hai làn môi mỏng, đỏ thắm, làm khuôn cho một cái mồm rộng, mỗi khi cười gần sát tới mang tai. Một làn tóc dài và đen nháy càng làm tăng màu da trắng mịn; hắn thoạt trông thì ra vẻ thư sinh yếu ớt, mà trông lâu mới biết có hàm súc rất nhiều khí khái quật cường.

Cũng vì sự tình cờ đó, tôi được biết khuôn khổ đồng tiền Vạn Lịch. Nó là một đồng tiền vàng dầy cũng có khía như đồng bạc hoa xòe ngày nay, nhưng giữa có lỗ vuông và bề to bằng miệng một cái chén tống. Trên dưới đều có dùi lỗ con để buộc tua và làm dây đỏ quàng cổ. Ai đã trông thấy một chiếc ngân tiền hay kim tiền của vua thủa xưa ban cho các quan, người ấy sẽ rõ đồng tiền Vạn Lịch nó như thế nào. Nó chỉ khác những đồng kim tiền của ta ở chỗ vành rìa nó to hơn và trên mặt nó một bên thì chạm rồng, một bên thì có bốn chữ rõ rệt: "Vạn Lịch thông bảo".

Anh chàng lạ mặt đến bờ bể sau tôi độ hai ba tiếng đồng hồ. Cũng bị cảnh thiếu chỗ ở như tôi, chàng phải đi một quãng xa tìm vào làng chài, xin trọ cùng tôi trong một túp lều xiêu vẹo.

Tối hôm ấy, gió bỗng nổi lên, quay cuồng trong vũ trụ, làm cho nước kêu sóng réo ầm ầm. Rồi mưa trút xuống ào ào, đập chan chát vào cụm lá cành cây, nghe buồn rầu thảm đạm.

Quen lối "sách đèn, đao kiếm", tôi mở va ly lấy ra một bộ khay đèn. Xin mô mảnh chiếu rách, tôi tìm một chỗ ấm cúng nhất trong lều, điềm tỉnh ngả bàn thờ Phù Dung nằm hút. Chàng thiếu niên lạ mặt, thấy hay hay, cũng cởi áo lại nằm trước mặt tôi, bắt chuyện. Tôi nghiêng dọc tẩu mời chàng đến năm sáu lượt, chàng đều khiêm tốn chối từ. Mãi sau cùng, khi đêm đã quá khuya, khi hoàn cảnh bao bọc chúng tôi đã đã nhuộm một màu quá thê lương, buồn tẻ, bấy giờ chàng mới chịu bắt môi vào đầu dọc, lim dim nằm hút. Mừng được người bạn mới, tôi cố ép chàng hút mãi, chàng quen mùi, cứ điếu anh điếu chú, kéo hoài. Kéo đến nỗi say không trở được mình, phải nằm yên trầm tỉnh để mặc ả Phù Dung xoa vuốt một cách huyền ảo, tê mê, hết cả các tia gân, thớ thịt. Rồi cả một đêm hôm đó chàng không sao ngủ được. Thì ra chàng nếm mùi thuốc phiện lần đầu!

Khi mới nằm xuống khai đèn, thiếu niên có móc túi lấy ra một cái hộp gỗ vuông con, đặt ngay trước mặt. Chàng mở hộp đem ra ánh sáng đèn dầu lạc một đồng tiền vàng xinh xắn, ngắm đi ngắm lại lâu lắm, rồi đặt trên mặt hộp, nằm nhìn. Tôi thấy lạ, cứ chú ý ngắm những bộ điệu của chàng và đồng tiền vàng nằm tròn xoe trong khay khảm.

Thấy tôi ra vẻ tò mò, nhìn đồng tiền không chớp, người trẻ tuổi ấy bỗng nhích mép cười mà tôi cho là mỉa mai hay kiêu hãnh, rồi bỗng nghiêm nghị, hờ hững, nhặt lấy đồng tiền bỏ vào hộp, lại cầm cái hộp cho vào túi áo. Tôi tuy lấy làm lạ vì những cử chỉ ấy, nhưng không được phép hỏi mà cũng không dám hỏi, đành ngậm miệng làm thinh, tìm những đầu đề bâng quơ nói chuyện với ông bạn kỳ dị kia cho đêm suông ở một chỗ xa lạ vắng buồn không đến nỗi tẻ trơ vì im lặng.

Cái đêm suông đó, may sao, lại là một đêm mưa rầm gió bấc, thành ra trong căn nhà tranh thấp hẹp của ông già chài lưới, cả đêm chúng tôi được nghe tiếng rít của ngọn gió lùa vào khe đá, được nghe hơi thở mạnh mẽ của làn nước tung lên hạ xuống và giọng rền rĩ âm thầm của mấy dẫy phi lao xào xạc suốt canh trường. Nếu không có ả Phù Dung làm bạn với hai chúng tôi, có nhẽ tôi buồn đến chết. Mà cũng bởi mãnh lực thiêng liêng của chất nhựa nâu nâu và dẻo quạnh, cũng bởi hoàn cảnh bao bọc chúng tôi như rủ rê kẻ yếu linh hồn mở phanh tâm sự mình ra cho nên, may thực là may, tôi không mất chút công nào, bỗng được lim dim đôi mắt, thưởng thức một câu chuyện vô song, tuyệt diệu, một chuyện ái tình não ruột, lâm ly.

Rồi cũng bởi kết cục dị kỳ của chuyện lạ lùng tôi được biết, nên tôi mới lao tâm, tổn lực, cố len lỏi trong một lớp sóng người hoài nghi, nghiêm nghị, cố tiến đi, đi mãi, đi tìm dấu vết của kho vàng chìm lấp trong làn nước bãi Sầm Sơn. Kho vàng ấy, số tôi không được hưởng: nhà nước, một năm sau khi tôi bó tay chịu thua thiên mệnh, đã khai lên tải vào công khố mất rồi!

Không được hạnh phúc trở nên một nhà triệu phú, tôi đã được hân hạnh biết nguồn gốc của sản nghiệp to lớn đó, một sản nghiệp cách đây độ 150 năm, đã vì ái tình mà bị chìm đắm vào lòng bể thẳm.

Sản nghiệp đó, ngày nay, lại vì ái tình mà hoá ra vô chủ.

Ái tình có cần đâu đến những kho vàng?...


Lời Nói Đầu PHẦN 1 PHẦN 2 PHẦN 3 PHẦN 4 PHẦN 5 PHẦN 6 PHẦN 7
PHẦN 8 PHẦN 9 PHẦN 10 PHẦN 11 PHẦN 12 PHẦN 13 PHẦN 14 PHẦN 15