Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Bốn 
*
Lược khảo các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử
 
I - Nho gia : 
( 1. Luận Ngữ  -  2. Sách Mạnh Tử và Tuân Tử  -  3. Sách Tử Tư - Phụ Lục Sách Trung Dung  -  4. Sách Tăng Tử - Phụ thêm Hiếu Kinh và Đại Học  - 5. Sách Án Tử - Phụ lục thêm vài quyển khác và quyển Lễ Vận  -  6. Các pho sách của Nho Gia đã bị thất lạc )
Phần lược khảo về các tác phẩm của Chư Tử, đa số tài liệu chúng tôi đều căn cứ theo phần Chư Tử lược trong sách Hán thơ Nghệ Văn chí làm chủ, kế đó là phần Chư Tử trong sách Hán chí.

Các tác phẩm của Chư Tử, có quyển còn quyển mất, quyển còn trọn vẹn hay quyển mất mát một phần, hay có quyển là ngụy thơ v.v...

Trong phần đầu của quyển sách nầy, chúng tôi đã viết : Khổng Tử là khai tổ của Chư Tử, và phong trào tư nhơn sáng tác cũng bắt đầu từ nhóm đệ tử và hậu học ghi chép những lời nói, việc làm của Khổng Tử thành pho Luận Ngữ, vì thế pho Luận Ngữ được kể là quyển sách đầu tiên trong các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử.

Vì lý do trên, trong phần khảo lược nầy, chúng tôi cũng bắt đầu bằng pho Luận Ngữ, khác hẵn với trật tự trong pho Hán chí, phần Chư Tử lược.

Pho Luận Ngữ là pho sách được kể là đầu tiên trong Chư Tử, nhưng trong Hán Chí, pho Luận Ngữ lại bị sắp sau nhiều pho sách khác, tại sao lại có chuyện không hợp lý như thế ?

Là vì Chư Tử thời Châu tần, đa số đều có mục đích thay đổi chế độ cứu đời, và thói thường người đời hay quí trọng thời xưa mà xem thường thời nay, thế nên có người dùng tên Thần Nông, Hoàng Đế, đề lên quyển sách mình để cho người đời dễ tin tưởng hơn, y như lời Hoài Nam Tử đã nói : " Mượn danh người đời xưa để thay đổi chế độ ".

Vì lẽ đó mà Khổng Tử, Mặc Tử đều nói mình theo Nghiêu, Thuấn, mà chủ trương của mỗi người lại khác nhau.

Khổng Tử nói mình theo Nghiêu - Thuấn, Lão Tử, Trang Tử ngợi khen thời thượng cổ là đời chí đức, Mặc Tử thuật lời của Hạ, Võ, Hứa Hành giả thác sách của mình là lời của Thần Nông, đều cùng một ý ấy. Vì thế, các tác phẩm của Chư Tử cũng thường thường giả thác của người xưa mà ẩn danh mình.

Sách Thần Nông, Hoàng Đế, Ban Cố đã tìm hiểu và chú thích là do người đời sau viết rồi mượn danh 2 ông, cho đến quyển Lão Tử, mà người đời ai ai cũng thích, là cũng do người đời sau gom góp, lượm lặt những câu cách ngôn hay biên chép lại : Đây là mượn danh của một người trong truyền thuyết, không có thật, để đề tên quyển sách mình...

Kế đến là những người như Quản Trọng, Án Anh, Thương Quân, đều là những người cầm giềng mối chánh trị trong nước, với những chủ trương mọi ngành, mọi mặt để lo cho quốc tế, dân sinh, người đời sau thu nhặt những chủ trương ấy để viết thành sách, đó là loại sách biên soạn lại chủ trương của một người.

Pho Luận Ngữ cũng là một loại tác phẩm nằm trong những loại đã kể trên.

Sách Luận Ngữ là do đệ tử và hậu học, gom góp lại những lời nói và việc làm của thầy để viết ra và mở đầu cho một phong trào trước tác càng ngày càng thạnh thêm.

Kế đó là các pho Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, tiếp tục ra đời. Pho Mạnh Tử là phỏng theo tích chất của pho Luận Ngữ, còn các pho Mặc Tử và Trang Tử thì do người đời sau thêm vô rất nhiều, mà không phải do chính tác giả đã viết.

Về pho Tuân Tử thì đại bộ phận là do Tuân Tử viết, quyển Hàn Phi Tử cũng chính tay tác giả viết ra, cũng có loại sách do Môn khách viết mà đề tên người chủ, như các quyển Lã thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử.

Cũng có loại sách, ban đầu là từng bài rời, rồi người đời sau gom lại thành sách, giống như những sách sau đời Đông Hán, như các quyển sách Triệu Thố, Đổng Trọng Thư.

Từ sách Luận Ngữ trở đi cho đến các sách Chư Tử đều không ngoài những trường hợp đã kể trên.

Rồi cũng có loại sách, trước kia không bao giờ có, nhưng sau nầy có người ngụy tạo như loại sách Quan Doãn Tử, rồi cũng có loại sách bổn chánh đã mất, rồi người đời sau gom góp lại viết thêm vào để thành nguyên một sách, như quyển Liệt Tử mà chúng ta thấy ngày nay.

*

Pho Luận Ngữ, tuy có ghi những việc làm, thái độ và sanh hoạt của Khổng Tử, nhưng phần ghi về những lời nói của ông là phần quan trọng hơn hết.

Thể thức ghi lời nói ở đây rất khác hẳn với thể thức trong pho Kinh Thơ. Cách ghi lời nói trong pho Luận Ngữ chỉ là ghi những lời rất ngắn ngủi, không phiền toái, ghi thẳng những lời nghe thấy, không trau tria, nhuận sắc, cho nên có những điểm đặc sắc là giản dị, chất phác, đó là quyển sách ghi lời nói cổ nhứt trong phần Chư Tử.

Mạnh Tử phỏng theo Luận Ngữ, ghi toàn lời nói của Mạnh Tử, mà không xen vào lời nói của người khác, nhưng lại có những thiên dài, có cách ví dụ, ngụ ngôn, giả thiết, bàn ngược, bàn xuôi, cho nên lời văn rộng rãi, khoáng đạt, khí văn hùng hồn, phong cách khác hẳn với pho Luận Ngữ, nhưng thật ra trong pho Mạnh Tử cũng có những đoạn văn thật ngắn, thật gọn y như trong Luận Ngữ.

Trong sách Mặc Tử và Trang Tử thì khác hẳn, không thấy có những đoạn văn, hay những chương ngắn ngủi, mà văn lại dài, nhiều lời ví dụ, ngụ ngôn.

Đến Tuân Tử, Hàn Phi Tử, thì căn cứ theo đề mà luận thành trường thiên. Trong sách Tuân Tử cũng có thể văn ghi lời nói, nhưng trong sách Hàn Phi Tử thì lại là những bài nghị luận trường thiên, ít thấy chỗ nào có lối văn ghi lời nói.

Trở lên là những đặc điểm trong văn thể của sách Chư Tử.

*

Những tiêu đề các thiên trong sách Luận Ngữ và Mạnh Tử đều dùng mấy chữ trong câu đầu hoặc câu kế đó để đặt tên, đó là những tiêu đề không có ý nghĩa gì, mục đích chỉ để phân riêng thành từng đoạn văn, chớ không thành hẳn một thiên.

Sau khi thành một thiên dài, thì lấy ý tổng quát của toàn thiên, để đặt tên cho có ý nghĩa.

Trong sách Mặc Tử và Trang Tử, những tên thiên, có khi vô nghĩa, có khi lại có ý nghĩa, trong sách Tuân Tử, cũng có những thiên có tên không có ý nghĩa, còn những thiên trong sách Hàn Phi Tử đều có những tên có ý nghĩa.

Đó là những đặc điểm về các tên trong thiên sách của Chư Tử.

*
- I -
Các tác phẩm của Nho gia
1. Luận Ngữ.
Các sách của Chư Tử thời Tiên Tần, đa số đều do đệ tử và hậu học biên chép lại những lời nói và hành vi của thầy để thành quyển sách cho Môn phái và phong trào nầy bắt đầu từ pho Luận Ngữ của phái Nho gia, cho nên sách Luận Ngữ được kể là pho sách thứ nhứt của Chư tử.

Mạnh Tử có nói :" Sở nguyện của tôi là được học Khổng Tử ". Sách của ông cũng do môn đệ biên chép và phỏng theo lề lối của Luận Ngữ.

Sách Hán Chí ghép sách Luận Ngữ trong phần Lục Nghệ lược, và ghép Mạnh Tử trong phần Chư Tử lược, như thế là xếp loại không đúng.

Các nhà học giả thời trước khi khảo cứu về tác phẩm của Chư Tử, không đề cập đến pho Luận Ngữ, cũng vì Hán Chí đã xếp pho ấy vào phần Lục nghệ, rồi sau đó, có người lại xếp pho nầy vào loại " Kinh " như thế cũng không đúng.

Sách Luận Ngữ phải được xếp vào phần Chư Tử, nhưng ở đầu, như thế mới đúng với tính chất của quyển sách.

*

Sách Hán Chí chép : pho Luận Ngữ hồi xưa có 21 thiên [pho tìm được trong vách nhà Khổng Tử, có 2 thiên Tử Trương].

Pho nước Tề có 22 thiên [có thêm 2 thiên : Vấn Vương, Tri Đạo]. Pho của nước Lỗ có 20 thiên.

Gọi là Luận Ngữ thời xưa, đó là pho Cổ văn Luận Ngữ, còn của nước Tề gọi là Tề Luận, của nước Lỗ gọi là Lỗ Luận đều là Kim văn Luận Ngữ.

Cổ văn, Kim văn đó là vấn đề chuyên môn của ngành Kinh học, chúng ta không đề cập ở đây, mà chỉ nghiên cứu về pho Luận Ngữ thôi.

Sách Hán Chí viết : "Luận Ngữ là những lời của Khổng Tử ứng đáp với đệ tử và người đương thời, và cả những lời của đệ tử bàn bạc với nhau và được Khổng Tử tiếp thêm vào.

Lúc đó mỗi đệ tử đều có ghi riêng, khi Phu Tử mất, môn nhơn liền gom góp, bàn luận, biên soạn lại, cho nên mới gọi là Luận Ngữ. Luận Ngữ là bàn luận thứ lớp để biên soạn.

Bộ Luận Ngữ là pho sách của Nho gia ghi chép những lời của Khổng Tử nhiều hơn hết, và đó là chủ đích chánh.

Những lời của Khổng Tử, hoặc luận về đạo đức, về việc học hành, về chánh trị, có khi là những lời cảm khái, hoặc trả lời những câu hỏi của đệ tử hoặc người đương thời.

Có khi cũng là những lời dạy bảo đệ tử, hoặc lời phê bình đệ tử, phê bình thời sự, người đương thời hay người xưa, và cũng có khi ghi những lời của đệ tử, kế đó cũng ghi những việc làm của Khổng Tử, thái độ, cách ăn mặc, sanh hoạt, làm cho chúng ta đọc qua có thể tưởng tượng được cách sống của ông như thế nào, và ông đã sống như thế, ta học với ông cũng phải sống như thế [tự nhiên là trong tinh thần, chớ không phải ngoài hình thức].

Sách Luận Ngữ cũng có ghi chép những điều nghe, thấy, đó là phương pháp trực tiếp ghi chép, thế nên lời văn ngắn mà chất phác, và nếu như trau tria, nhuận sắc lại thì bị mất chân thực, ghi chép trung thực đó là lý đương nhiên phải như thế, và đó cũng là thể văn xưa nhứt về môn ghi chép lời nói.

Về người soạn pho Luận Ngữ, trong các sách Biệt Lục của Lưu Hướng và Hán Chí của Ban Cố không thấy đề cập đến. Trong một bản Luận Ngữ xưa thì lại chép rằng do Tử Hạ và cùng một nhóm đệ tử 64 người cùng soạn, đó chỉ là lời nói đoán không có bằng chứng gì chắc chắn cả, rồi tiếp theo sau lại có rất nhiều thuyết khác nhau.

Như trong sách Kinh Điển Thích Văn Tự Lục dẫn lời Trịnh Huyền nói rằng : do Trọng Cung, Tử hạ soạn.

Sách Luận Ngữ âm nghĩa dẫn lời Trịnh Huyền viết : do Trọng Cung, Tử Du và Tử Hạ soạn.

Một học giả người Nhựt, ông Thái tể Xuân Đài, nhận xét trong Luận Ngữ, khi chép tên các đệ tử đều ghi tên tự, hoặc gọi ông tên nầy, ông tên nọ, duy trong Thượng Luận, thiên Tử Hản, thấy một điểm lạ là khi nhắc đến Tử Lao chỉ ghi có một tên " Lao " mà thôi, kế đó trong Hạ Luận, thiên Hiến Vấn, lại ghi Tử Hiến có một chữ " Hiến " mà thôi, vì thế ông nhận rằng : Thượng Luận do Cầm Lao soạn, và Hạ Luận do Nguyên Hiến soạn.

Liểu Tôn Nguyên, trong sách Luận Ngữ biện nhận rằng đệ tử của Tăng Tử là nhóm Nhạc Chánh, Tử Xuân và Tử Tự soạn, còn Châu Tử thì lại cho là Trình Tử, môn nhơn của Hữu Tử và Tăng Tử soạn.

Có một điều đáng chú ý là trong Luận Ngữ, thường có những câu lặp đi, lặp lại trùng nhau, như câu " Xảo ngôn lịnh sắc, tiễn hỉ nhơn ". Câu nầy thấy trong thiên Học Nhi và thiên Dương Hoá.

Câu " Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỉ " thấy trong các thiên Học Nhi và Lý Nhơn, nhưng có khác nhau đôi chút, như thế chúng ta dám quyết đoán quyển Luận Ngữ không phải chỉ do một người soạn ra.

Hơn nữa trong Thượng Luận và Hạ Luận, văn thể, cách xưng hô đều không giống nhau, có chỗ thấy rõ ràng là ghi chép thêm vào hoặc kéo dài thêm, như vậy là pho Luận Ngữ được thêm bớt nhiều lần, trong một thời gian khá dài, chớ không phải được hoàn thành trong một khoảng thời gian nào đó.

Tăng Tử nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi, Khổng Tử mất vào năm 73 tuổi, như thế thì lúc đó Tăng Tử mới có 27 tuổi, trong Luận Ngữ lại có chép lúc Tăng Tử lâm chung lại có lời dặn với Mạnh Kỉnh Tử và gọi Kỉnh Tử bằng tên Thụy...như vậy thì Mạnh Kỉnh Tử chết sau Tăng Tử.

Qua những bằng chứng trên, sách Luận Ngữ được biên soạn, ít nhứt là sau khi Khổng Tử mất 5, 6 mươi năm.

Việc biên chép không phải do một người, và biên soạn không phải xong một lần, và ai biên soạn cho đến bây giờ không tìm đâu ra chứng cớ xác đáng để quyết định, mỗi người đều cónhững ý kiến khác nhau, nhưng chỉ ức đoán.

Sách Hán Chí không ghi rõ tên ai biên soạn, mà chỉ viết " Các đệ tử đều có góp công ghi chép và môn nhơn gom góp lại để soạn ra ".

Nếu căn cứ theo Hán Chí, thì có những nhận xét sau đây : Đệ tử và môn đệ là khác nhau. Aâu Dương Tử có nói : Đến học là đệ tử, còn học với đệ tử của Phu Tử gọi là môn nhơn.

Xét trong Luận Ngữ thì thấy là đúng, như câu : " Nhan Uyên chết, môn nhơn hậu táng ". Môn nhơn đó là đệ tử của Nhan Uyên. Thật ra thì thuyết nầy cũng chưa chắc là đúng vì lúc Nhan Uyên chết, chưa chắc là ông đã có đệ tử, và môn nhơn đây có thể là đệ tử của Khổng Tử.

Như thế thì đệ tử và môn nhơn có khác nhau không ? Theo sách Khổng Tử thế gia thì : Đệ tử là người học trò trực tiếp còn môn nhơn là học trò chung, có thể là người đến học với đệ tử, vì vậy sách Hán Chí mới ghi phân biệt.

Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều dùng 2, 3 chữ đầu của câu thứ nhứt hay thứ hai để làm tiêu đề. Vì như thiên Học Nhi thì câu đầu của thiên ấy là " Học Nhi thời tập Chi ".

Hai mươi thiên của sách Luận Ngữ là : Học Nhi, Vi Chánh, Bát Dật, Lý Nhơn, Công Dã Trường, Ung Dã, Thuật Nhi, Thái Bá, Tử Hản, Hương Đảng, Tiên Tiến, Nhan Uyên, Tử Lộ, Hiến Vấn, Vệ Linh Công, Quí Thị, Dương Hoá, Vi Tử, Tử Trương và Nghiêu Viết.

Trong số 20 thiên ấy, 10 thiên đầu là Thượng thiên, trong số có 9 thiên ghi những lời nói của Khổng Tử, còn thiên thứ 10, thiên Hương Đảng thì ghi những việc làm, nếp sống và thái độ của Khổng Tử.

Kế đó, 10 thiên sau gọi là Hạ Luận, trong số có 8 thiên, ghi những lời của Khổng Tử là chánh, còn thiên thứ 9, thiên Tử Trương thì ghi những lời của đệ tử Khổng Tử, thiên thứ 10 : Nghiêu Viết chỉ có 3 chương, có nhiều điểm đáng nghi, chương đầu trong thiên nầy không phải là lời nói của Khổng Tử, mà cũng không có gì liên hệ đến Khổng Tử hay đệ tử, còn chương cuối là chương Tri mạng thì không thấy trong sách Lỗ Luận. Còn chương thứ 2 thì văn thể rất khác với Luận Ngữ, nên rất đáng nghi.

Phần Thượng Luận 10 thiên, là được biên soạn trước, cho nên mới kết luận ở thiên Hương Đảng để chấm dứt, còn phần Hạ Luận được biên soạn sau cho nên chấm dứt bằng thiên Tử Trương. Thiên Nghiêu Viết là do người đời sau, khi học Luận Ngữ viết thêm vào rồi thành ra một thiên.

Thượng Luận và Hạ Luận được biên soạn làm 2 lượt, lúc biên soạn Hạ Luận thì cách thời gian Khổng Tử mất rất xa, thế nên Thượng Luận thì thuần nhứt, còn Hạ Luận lại lộn xộn.

Dưới thời Tống, Triệu Phổ có nói : " Chỉ cần nửa pho Luận Ngữ cũng đủ trị thiên hạ ". Và nửa pho ấy tức là chỉ phần Thượng Luận.

Về phần lộn xộn trong Hạ Luận thì thấy có mấy điểm chánh như sau : cùng một việc mà lại ghi chép khác nhau, danh xưng một người mà trước sau không giống nhau, và có nhiều chỗ thêm bớt không thuần nhứt với nội dung và hình thức của pho sách.

Đại để về 10 thiên trong phần Hạ Luận, chỉ có 2 thiên Hiến Vấn và Tử Trương là có thể tin được, rồi kế đó là 2 thiên Tiên Tiến và Tử Lộ, tiếp theo là tuần tự các thiên Nhan Uyên, Vệ Linh Công, và sau cùng là thiên Vi Tử còn các thiên Quí Thị và Dương Hoá rất lộn xộn, và thiên Nghiêu Viết rất đáng nghi ngờ.

Sách Luận Ngữ, so với các cổ thơ khác, rất đáng tin, mà còn lộn xộn như thế, như vậy đọc cổ thơ quả là một chuyện rất khó khăn.

Vì thế khi đọc sách nầy, cần phải chú ý ghi chú sắp xếp lại, thứ nhứt là thấy chỗ nào đáng nghi nên ghi ra một bên để xếp vào phần phụ lục hoặc tạp thiên. Thứ hai là trong các thiên, chỗ nào ghi việc làm, thái độ hay cuộc sanh hoạt của Khổng Tử thì phải ghi riêng để chép vào thiên Hương Đảng cho hợp. Thứ ba là trong các chương, thiên ghi lời đệ tử, thì phải trích ra đem xếp vào Tử Trương cho hợp lý. Thứ tư là trong những thiên ghi lời Khổng Tử, phải xem xét nội dung của từng câu để phân loại sắp xếp, như các loại về dạy học, chánh ttị, đạo đức, bình luận nhơn vật, thời sự v.v... hay là lời phê phán các đệ tử. Thứ năm là trong các thiên, soát lại các chương, nếu có chương nào đồng loại thì sắp xếp chung để so sánh.

Sau khi chỉnh lý, thì đọc một cách được dễ dàng hơn, và chừng đó chúng ta sẽ nhận được một cách rõ ràng con người của Khổng Tử với học thuyết, với ngôn luận và cá tánh của đệ tử đều rất dễ nhận thấy.

*

Từ trước đến nay, trải qua các đời Tây Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Thanh, v.v...có rất nhiều học giả chú thích cho pho Luận Ngữ, nhưng tóm lại chỉ có bổn Luận Ngữ tập giải của Hà Án là bản xưa hơn hết, và kế đó là bản Luận Ngữ tập chú của Châu Hi là rành hơn hết, rồi tập Luận Ngữ chánh nghĩa của Lưu bảo Nam là rộng hơn hết.

Hai phái học giả của thời Hán và thời Tống, giải thích sách Luận Ngữ, mỗi phái đều có sở trường riêng, chúng ta xếp sách Luận Ngữ lên hàng đầu của tác phẩm Chư Tử, thì không nên câu nệ vào tên người chú thích của phái nào cả, mà nên tham khảo tất cả các phái với những lời chú khác nhau để châm chước, chọn cái hay, để thông suốt thêm nội dung quyển sách.

Từ lúc cuối nhà Thanh cho đến nay, các nhà học giả cũng chú tâm đến việc chú thích quyển Luận Ngữ rất nhiều, ngoài ra lại còn các bài khảo cứu bình luận đăng trên các tạp chí, nếu chịu khó tham khảo thêm thì có lẽ chúng ta sẽ thông hiểu được tất cả những đoạn khó trong sách.

Bộ phận quan trọng nhứt trong pho Luận Ngữ, cho đến ngày nay vẫn còn giá trị, đó là phần nói về đạo làm người. Chẳng những chúng ta tìm đạo lý ấy trong lời văn quyển sách, mà trong khi tìm hiểu thêm, đọc những lời giải thích, và học thuộc lòng những đoạn hay ấy, chúng ta còn phát hiện thêm những điều rất thâm thuý, nhứt là khi liên hệ với hoàn cảnh xã hội ngày nay.

Sau khi đã đọc kỹ, và nếu có thể, học thuộc lòng, rồi suy nghĩ thêm cho chín chắn, gặp trường hợp nào, hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể suy nghiệm để tìm cách giải quyết cho thích đáng với hoàn cảnh.

Nếu không được như thế thì cũng y như lời Châu Hi đã viết trong bài tựa khi chú thích quyển Luận Ngữ.

" Khi chưa đọc quyển Luận Ngữ thì con người như thế, rồi sau khi đọc, cũng vẫn y như vậy ", như thế thì chỉ đọc cho có đọc chớ chẳng ích lợi gì cả.

2. Sách Mạnh Tử và Tuân Tử.
Về nhân vật trong phái Nho gia, sau Khổng Tử, phải kể Mạnh Tử và Tuân Tử, về các tác phẩm của Nho gia, sau pho Luận Ngữ, phải kể 2 pho Mạnh Tử và Tuân Tử.

Ba nhân vật ấy với ba tác phẩm ấy cũng đủ tiêu biểu cho phái Nho gia từ đời Xuân Thu đến cuối đời Chiến Quốc, vì thế cho nên trong thiên khảo cứu nầy chúng ta không thể không nhắc đến 2 pho Mạnh Tử và Tuân Tử sau pho Luận Ngữ.

Pho Luận Ngữ, từ khi sách Hán Chí ra đời cho đến ngày nay được liệt vào " Kinh bộ " còn Tuân Tử thì được liệt vào " Tử bộ " [của Chư Tử] Mạnh Tử cũng được liệt vào " Tử bộ ".

Từ đời Ngũ đại trở về sau, thì 2 pho ấy lại được liệt vào Kinh bộ, cọng với Luận Ngữ, được xếp vào Thập Tam kinh.

Trước kia, học giả có những quan niệm truyền thống, họ phân biệt " Kinh " và Tử " không phải ở tính chất của sách mà ở địa vị cao hay thấp của nhân vật thời xưa.

Sách Hán Chí ghép Luận Ngữ vào phần Lục Nghệ, là ý muốn đề cao địa vị Khổng Tử, còn người đời sau đổi Mạnh Tử từ " Tử bộ " sang " Kinh bộ " là cũng muốn đề cao địa vị Mạnh Tử, như thế là một sai lầm lớn trong tiêu chuẩn phân loại sách vở.

Trong quyển sách nầy, Luận Ngữ được xếp vào loại " Tử " thì tự nhiên Mạnh Tử và Tuân Tử cũng thuộc vào loại Tử vậy.

Khảo cứu về hai pho sách trên, đa số tài liệu, chúng tôi đều căn cứ theo sách Hán Chí.

Pho Mạnh Tử

Trong sách Hán Chí, phần Chư Tử, có ghi pho Mạnh Tử, 11 thiên, dưới thời Hán Văn Đế, pho Mạnh Tử được chọn chung với các pho Luận Ngữ, Hiếu Kinh và Nhĩ Nhã để làm tài liệu cho chức vụ Bác sĩ, nhưng sau đó lại bãi bỏ.

Dưới thời Ngũ đại, khi khắc bản pho Thập Nhứt Kinh, trong số có pho Mạnh Tử, đó là lần đầu tiên sách Mạnh Tử được liệt vào Kinh bộ.

Dưới thời Nam Tống, Châu Tử đem sách Mạnh Tử, Luận Ngữ và trích 2 thiên Lễ Ký, Đại học trong pho Lễ Ký, làm thành bộ Tứ Thơ.

Dưới thời Minh Thanh, dùng văn " bát cổ " để khảo thí, và lấy trong văn Tứ Thơ làm đề thi, vì thế mà pho Mạnh Tử trở thành một pho sách ai ai cũng phải học.

*

Sách Sử ký trong phần Mạnh Tuân liệt truyện có chép : " Mạnh Tử viết sách gồm 7 thiên ". Sách Hán Chí lại viết là 11 thiên, nhiều hơn 4 thiên.

Triệu Kỳ trong pho Mạnh Tử đề từ có viết : " Lúc lui về cùng với nhóm cao đệ, đệ tử là Công Tôn Sửu, Vạn Chương vấn đáp về những điều nghi nan, rồi lại soạn ra những lời " Pháp độ ", viết sách 7 thiên, rồi lại có phần Ngoại thơ 4 thiên : Tánh Thiện, Biện Văn Thuyết, Hiếu Kinh, Vi Chánh, văn chương không sâu sắc, không giống với phần Nội thiên, dường như không phải thật là của Mạnh Tử. Người đời sau cứ nương theo mà gán cho Mạnh Tử "

Như thế là Mạnh Tử có Nội thiên gồm 7 thiên, và Ngoại thiên, 4 thiên. Triệu Kỳ cho là 4 thiên của Ngoại thơ là giả, nên chỉ chú thích có phần Nội thiên.

Sách Sử ký chép 7 thiên là nói Nội thiên, còn Hán Chí nói 11 thiên là gom chung Nội, Ngoại thiên.

Bây giờ quyển Mạnh Tử chỉ gồm có 7 thiên, y như Sử ký đã nói, còn phần Ngoại thiên thì đã bị mất từ lâu.

Bảy thiên sách của Mạnh Tử các tiêu đề đều cũng không có ý nghĩa, y như sách Luận Ngữ.

Các thiên ấy là : Lương Huệ Vương, Công Tôn Sửu, Đằng văn Công, Ly Lâu, Vạn Chương, Cáo Tử, Tận Tâm.

Quyển Mạnh Tử do ai viết ?

Sách Sử ký viết : " Mạnh Tử thuật cái đức của Đường, Ngu và thời Tam đại, vì các chỗ ông đi đến đều không hợp, cho nên trở về cùng với nhóm Vạn Chương, làm tựa Thi, Thơ, thuật ý Trọng Ni làm pho Mạnh Tử 7 thiên ", như thế là theo Sử ký, quyển ấy do tự tay Mạnh Kha viết.

Triệu Kỳ, trong quyển Mạnh Tử đề từ cũng viết : " Quyển sách nầy do Mạnh Tử viết ".

Diêm Nhược Cừ trong quyển Mạnh Tử sanh tốt niên nguyệt khảo có viết : " Sách Luận Ngữ do nơi môn nhơn của Khổng Tử viết, cho nên ghi dung mạo thánh nhơn rất rõ, còn 7 thiên của Mạnh Tử do tự tay ông viết ra, cho nên chỉ ghi những lời nói hay ý của mình thôi... ". Như thế là họ Diêm cũng cho là tự tay Mạnh Tử đã viết ra quyển sách.

Nhưng điều nầy cũng còn có chỗ đáng nghi ngờ :

- Một là : từ thời Khổng Tử trở về sau, đệ tử gọi thầy là Tử, điều đó đã thành thói quen, sách của Chư Tử, đa số đều do học trò viết, khi ghi lời thầy thì viết : " Thầy nói... " và người đời sau khi nhắc đến một nhân vật cũng gọi là " Phu Tử v.v... " từ đời Châu Tần đã có thói quen như thế.

Nếu như tự tay Mạnh Tử viết quyển sách ấy, thì trong toàn quyển sách ấy đâu có thể viết : " Mạnh Tử nói v.v... "

- Hai là : Trong quyển sách có viết : " Khi Mạnh Tử gặp một ông vua đương thời, như Lương Huệ Vương, Tương Vương, Tề Tuyên Vương, Đằng Văn Công, Trịnh Mục Công v.v...đều nhắc tên thụy của những vì vua ấy.

Nếu quả như Mạnh Tử viết, thì nhứt định ông đâu có thể gặp những ông vua đã mất trước ông [vì tên thụy là tên truy tặng những người đã qua đời].

- Thứ ba là : trong quyển sách ghi những đệ tử của Mạnh Tử như Nhạc Chánh Tử, Công Đô Tử, Ốc Lư Tử, Mạnh Trọng Tử, trong toàn quyển sách đều ghi là Tử, như Trần Tăng, Từ Tiết, cũng gọi là Trần Tử, Từ Tử, cũng y như trong Luận Ngữ đã gọi Hữu Tử, Tăng Tử, Mẫn Tử, Nhiễm Tử v.v...

Như quả Mạnh Tử tự tay viết quyển sách, thì không bao giờ gọi đệ tử mình bằng chữ " Tử ", cho nên qua những lý do kể trên chúng ta dám quả quyết 7 thiên sách ấy không phải do chính tay Mạnh Tử viết.

Luận Ngữ thì không phải do một người, mà cũng không phải do một lúc nào đó viết xong, cho nên Thượng Luận và Hạ Luận không giống nhau, còn sách Mạnh Tử thì do nhóm Công Tôn Sửu, Vạn Chương biên soạn một lượt mà hoàn thành vì thế toàn quyển sách được nhứt trí từ đầu đến cuối.

*

Pho Mạnh Tử từ trước đến nay có rất nhiều người chú thích, nhưng bản cổ nhứt hiện nay còn là bản Mạnh Tử chú của Triệu Kỳ.

Pho Mạnh Tử tập chú của Châu Tử rất gọn, rõ ràng, nghĩa ý sâu xa, cũng y như pho Luận Ngữ tập chú của ông...Châu Tử cũng còn chú thích thêm trong mấy quyển Mạnh Tử tinh nghĩa và Mạnh Tử hoặc vấn...nhưng trong quyển Mạnh Tử tập chú cũng còn những chỗ chưa được hoàn toàn.

Dưới thời nhà Thanh, Đái Chấn có quyển " Mạnh Tử tự nghĩa sớ chứng ", ông không câu nệ ở nghĩa từng câu chữ, mà lại chú ý mở rộng nghĩa chánh của Mạnh Tử.

Đái Chấn đề xuất những từ ngữ trọng yếu trong pho Mạnh Tử như : Lý, Tánh, Tài, Đạo, Nhơn, Thành, Quyền...rồi từ nghĩa hẹp phát huy thêm, mỗi một từ ngữ thành một thiên để làm điểm chứng cứ giải thích.

Ông gọi " Lý " là dục vọng không được toại nguyện, cho nên nói đến " Lý " là có ẩn ý " dục " bên trong

Tống Nho có thuyết Thiên Lý và Nhơn Dục không thể song song tồn tại được, cái Lý có thuận và nghịch, tai hại có thể đi đến chỗ chết người v.v... vì thế Lương Khải Siêu mới cho Đái Chấn là người đã sáng lập môn Tình Cảm triết học để thay thế cho môn Lý học của Tống Nho. Lời phê phán của Lương Khải Siêu cũng khá đúng.

Đái Chấn đã tập trung mũi nhọn tấn công vào Tống Nho ngay chỗ Lý học, và ông thành một học giả nổi tiếng cũng nhờ biết thoát khỏi khuôn sáo cũ, không bị nô lệ từng câu chữ trong sách.

Quyển Mạnh Tử tự nghĩa đã thành một học thuyết riêng biệt của Đái Chấn, chúng ta phải xem đó là pho Mạnh Tử của riêng ông, chớ không phải đó là pho sách lột hết được ý nghĩa đứng đắn của Mạnh Tử

Khương Hữu Vi, trong quyển Mạnh Tử Vi của ông, đã mổ xẻ tỉ mỉ tấ cả 7 thiên, rồi qui nạp lại thành loại, mỗi loại làm một thiên, trước trích lục nguyên văn rồi sau đó giải thích mở rộng, để phát huy chỗ tinh vi trong học thuyết Mạnh Tử.

Nghiên cứu Mạnh Tử bằng cách phân loại chương, thiên như trên, cũng là một phương pháp hay, nhưng Khương Hữu Vi rất chủ quan, có lúc ông bắt ép Mạnh Tử theo ý mình, y như ông đã làm trong hai pho sách Trung Dung Chú và Lễ Vận Chú, như thế thì pho Mạnh Tử ấy đã trở thành một pho Mạnh Tử khác, mà không còn thuần tuý là học thuyết của Mạnh Tử nữa.

Đó là pho Mạnh Tử theo ý của Khương Hữu Vi.

Gần đây, ông Hạ Chấn Võ, có viết quyển Mạnh Tử giảng nghĩa, ông cũng phân loại và chú thích, rồi phát huy học thuyết, nhưng lại giữ đúng được học thuyết của Mạnh Tử, hình thức thì giống như quyển Mạnh Tử của Khương Hữu Vi, nhưng nội dung lại khác.

Ông Hạ Chấn Võ đã đúng theo đường lối của Trình Chu, tổng hợp và phát huy được tất cả tinh úy của pho Mạnh Tử nên giữ được đúng ý nghĩa của pho sách nầy.

Sách Hán Chí, phần Nho gia có Tôn Khanh Tử 33 thiên, bản in ngày nay có 32 thiên, trong lời tựa Lưu Hướng có viết : " Trong khi hiệu đính, quyển Tôn Khanh thơ có đến 322 thiên, đem ra so sánh, phân tích, bỏ những chỗ trùng hết 290 thiên, còn lại 32 thiên.

Đây là quyển sách do Lưu Hướng hiệu đính, căn bản là chỉ có 32 thiên, sách Hán Chí ghi là 33 thiên là lầm lẫn với bài tựa.

Trong các sách Tùy chí, Cựu Đường chí đều viết là Tôn Khanh Tử, trong Tân Đường chí và Tống chí thì viết Tuân Khanh Tử, còn Dương Kinh thì viết là Tuân Tử và được dùng luôn cho đến ngày nay.

Các thiên trong sách Tuân Tử, trước kia như thế nào, bây giờ không còn tài liệu nào để tham khảo, thứ tự sắp xếp thiên của Lưu Hướng, so với Dương Kinh thì đại đồng tiểu dị...

Như thiên đầu trong sách Tuân Tử là Khuyến Học, thiên chót là Nghiêu Vấn, thì phỏng theo Luận Ngữ với thiên đầu Học Nhi, và kết với thiên Nghiêu Viết.

Dương Kinh đã sửa đổi trật tự, sắp thiên Nghiêu Vấn để kết thúc quyển sách, còn của Lưu Hướng thì sau thiên Nghiêu Vấn lại còn hai thiên Quân Tử và Phú Thiên.

Tiêu đề các thiên trong Tuân Tử đa số đều có ý nghĩa, và đại đa số các thiên đều là những bài nghị luận dài, khác hẳn với tính chất của Luận Ngữ, vì Luận Ngữ là tác phẩm của thời kỳ đầu Chiến Quốc còn Tuân Tử thì viết vào cuối thời Chiến Quốc.

Sau đây là 32 thiên của sách Tuân Tử, trật tự sắp theo Lưu Hướng : Khuyến Học, Tu Thân, Bất Câu, Vinh Nhục, Phi Tướng, Phi Thập Nhị Tử, Trọng Ni, Thành Tương, Nho Hiệu, Vương Chế, Phú Quốc, Vương Bá, Quân Đạo, Thần Đạo, Tứ Sĩ, Nghị Binh, Cường Quốc, Thiên Luận, Chánh Luận, Nhạc Luận, Giải tế, Chánh Danh, Lễ Luận, Hựu Tọa, Tử Đạo, Tánh Ác, Pháp Hành, Ai Công, Đại Lược, Nghiêu Vấn, Quân Tử, Phú Thiên.

Thành Tương và Phú Thiên là mấy bài phú của Tuân Tử, cho nên văn thể khác hẳn với mấy thiên trên. Phần " Thi phú lược " trong Hán Chí, có ghi Tôn Khanh phú 10 thiên, trong Phú Thiên ngày nay có 5 bài phú : Lễ, Trí, Vân, Tâm, Châm...lại có Quí thị, cọng 6 thiên.

Trong Thi phú lược phần tạp phú có Thành Tương tạp từ 11 thiên, như thế Thành Tương trước kia là phú vậy.

Sách Hán Chí chép Tôn Khanh Tử 32 thiên, tuy có Phú Thiên lại có Thành Tương, và Thi phú lược cũng có phần Tôn Khanh phú 11 thiên, đó là cách sắp xếp theo thể tài riêng của mỗi người.

Hai thiên Thành Tương và Phú Thiên khác hẳn với thể tài các thiên trên, nếu sắp vào phần chót của quyển sách cũng là điều hợp lý.

Quyển Tuân Tử chú của Dương Kinh đời Đường, đến ngày nay vẫn còn, đó là quyển Tuân Tử xưa nhứt, lời chú cũng khá rành rẽ, nhưng cũng còn khuyết điểm, là có những chỗ còn mập mờ.

Dưới thời nhà Thanh, Vương Tiên Khiêm có viết quyển Tuân Tử tập giải, gom góp được tất cả những lời chú thích của người đời trước, và sau cùng phụ thêm ý của mình, đó là pho Tuân Tử đầy đủ và dễ hiểu nhứt hiện nay.

*

3. Sách Tử Tư - Phụ Lục Sách Trung Dung.
Khai tổ của Nho gia là Khổng Tử, sau Khổng Tử, Mạnh Tử là Nho gia đại sư.

Tử Tư tên Cấp, cháu của Khổng Tử, mà Mạnh Tử thì thọ nghiệp với môn nhơn của Tử Tư, cho nên giữa Khổng Tử và Mạnh Tử, Tử Tư cũng chiếm một địa vị thật quan trọng, và tác phẩm của ông cũng cần phải khảo sát

Sách Hán Chí có ghi quyển Tử Tư Tử gồm 23 thiên với lời chú : Ông tên Cấp, cháu Khổng Tử, làm thầy Lỗ Mục Công.

Trong các sách Tuỳ Chí, Đường Chí cũng có ghi sách Tử Tư gồm 7 cuốn.

Từ đời Lục triều đến đời Tống, quyển Tử Tư Tử được lưu truyền gồm có 7 cuốn.

Vương Ứng Lân, trong quyển Hán Chí khảo chứng có viết : " Bổn sách một quyển ngày nay là do Khổng Tòng Tử lượm lặt ngôn hạnh của Tử Tư mà viết ra, mà không phải là nguyên bản của sách Tử Tư ". Như thế thì quyển Tử Tư gồm 7 cuốn dưới thời Nam Tống đã bị mất.

Sách Tuỳ Thơ, phần Âm nhạc chí có ghi : " Trung Dung, Biểu Ký, Phường Ký, Tư Y đếu rút ra trong sách Tử Tư Tử, vì thế mặc dù quyển sách của Tử Tư đã mất nhưng vẫn còn giữ được 4 thiên kể trên trong sách Lễ Ký.

Quyển Tử Tư Tử ngày nay có hai bổn khác nhau : một là của Uông Trác người Nam Tống và một bổn khác của Hoàng Dĩ Châu người đời Thanh. Bản của họ Hoàng hay hơn của họ Uông, nhưng tất cả hai bổn kể trên đều không phải là bổn chánh đã ghi trong Hán Chí, mà cũng không phải là bổn 7 quyển dưới thời Lục triều và thời Tống.

Sau đây là 7 thiên trong quyển Tử Tư Tử hiện nay : Thiên Mạng [tức là từ chương 1 đến chương 11 trong quyển Trung Dung], Diên Ngư [tức là từ chương 12 đến chương 20 trong Trung Dung], Tự Thành Minh [tức từ chương 21 đến chương chót trong Trung Dung].

Trở lên là phần nội thiên gồm 3 thiên, còn ngoại thiên có 6 thiên : Vô Cưu, Hồ Vô Báo, Tang Phục, Mục Công, Nhiệm Hiền, Quá Tề...

Sách Trung Dung

Trung Dung là một thiên trong sách Lễ Ký. Tống Nho cho rằng : " Thiên nầy là tâm pháp truyền thọ của Khổng môn, Tử Tư sợ lâu rồi biến ra sai, cho nên mới ghi vào sách để truyền lại cho Mạnh Tử ".

Châu Tử liền đem Trung Dung, Đại Học hợp với Luận Ngữ và Mạnh Tử làm pho sách Tứ thơ, và từ đó Trung Dung với Đại Học lên ngang hàng với Luận Ngữ và Mạnh Tử và đó cũng là một tác phẩm trọng yếu của Nho gia.

*

Học giả đời sau phân tích nhận rằng toàn pho Trung Dung không phải do Tử Tư viết ra, sau đây xin phân tích kỹ từng đoạn trong quyển sách :

Quyển Trung Dung được phân ra làm 5 đoạn chánh :

Đoạn 1.- Chủ yếu là ghi lời nói của Khổng Tử, lời văn giản dị chất phác, giống như Luận Ngữ, như thế đoạn nầy kể như được viết ra trước hơn hết. Đoạn nầy gồm những chương cú thứ : 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10 và 11.

Đoạn 2.- Đoạn nầy luận về Đạo không xa người, và tạo giềng mối ở vợ chồng, ở vị trí ngay thẳng thân mình, chú trọng trung thứ, kế chí, thuật theo việc người trước để thành đạo hiếu.

Đây là theo thể văn ghi lại lời nói, nhưng lại có thêm cho đầy đủ...cho nên giống với các thiên : Tri Y, Phường Ký, Biểu Ký. Đoạn nầy trong Trung Dung thuộc các chương cú thứ : 12 - 13 - 14 - 15 -17 - 18 - 19.

Đoạn 3.- Đoạn nầy luận về việc làm chánh trị phải sửa mình [tu thân] làm gốc, mở đầu bằng câu : " Ai Công hỏi về việc chánh... " đoạn nầy thể văn cũng ghi lời nói, nhưng được gọt giũa, sắp xếp thành một trường thiên nghị luận. Đoạn nầy bắt đầu từ câu " Ai Công vấn chánh " đến " Bất thành Hồ thân ".

Đoạn 4.-Đoạn nầy luận về chữ " Thành ", đây là đoạn văn thuần tuý nghị luận, cũng không phải thể văn ký sự. Đoạn nầy bắt đầu từ chương 1 rồi kế là các chương 20 đến câu " Thành giả, thiên chi đạo dã" trở đi và các chương 21-22-23-24-25-26 và 16.

Đoạn 5.- Đoạn nầy toàn là những lời tán dương, lời văn hoa mỹ, ý huyền diệu, như thế là đoạn nầy được soạn sau cùng, vào thời gian chót của Chiến Quốc.

Đoạn nầy thuộc các chương : 27-28-29-30-31-32-33.

Trong tất cả 5 đoạn nầy, 2 đoạn trước là phần Trung Dung của Tử Tư, đoạn sau là của nhóm hậu học của Tử Tư thêm vào. Đoạn sau không phải do một người viết, hay được soạn trong một thời gian nhứt định nào, có lẽ đoạn nầy được viết vào lúc sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhứt Trung Hoa.

*

Vị trí Trung Dung trong pho Lễ Ký được sắp xếp làm loại " Thông Luận " tức là ngày nay chúng ta gọi " Đó là nhơn sanh triết học của Nho gia và một bài văn luận về đạo nghĩa ".

Về chú giải thì pho Trung Dung chương cú của Châu Tử là khá hơn hết, pho Trung Dung chú của Khương Hữu Vi thì rất chủ quan, ông biến sách cổ nhơn thành sách của ông như pho Mạnh Tử Vi đã nói trong phần trước.

Ngày nay có nhiều bản Tứ thơ chú giải, có luôn cả văn Bạch thoại, trong có đủ Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học của ngành Đại Học Trung Hoa rất tiện cho các bạn nào muốn tham khảo thêm chính văn của các pho sách ấy.

4. Sách Tăng Tử - Phụ thêm Hiếu Kinh và Đại Học.
Trong Luận Ngữ, thiên Lý Nhơn có ghi lời Khổng Tử : " Sâm à ! Đạo của ta chỉ có một mà thông suốt tất cả... ". Tống Nho bảo rằng Tăng Tử là người độc nhứt được nghe đạo " Nhứt quán " của Khổng Tử, và được chân truyền của thầy.

Trong số đệ tử của Khổng Tử, Tăng Tử là người nhỏ nhứt, mà tuổi thọ lại cao, thế nên đối với sự học của thầy rất có quan hệ. Nhưng ông có được chân truyền của thầy hay không, đó chỉ là do Tống Nho nói, còn Khổng Tử thì không thấy đề cập tới.

Sau đây là phần tìm hiểu về pho sách Tăng Tử.

Sách Tăng Tử

Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, có pho Tăng Tử 18 thiên, với lời chú : " Ông tên Sâm, đệ tử của Khổng Tử ".

Có người nói : Tử Tư là đệ tử của Tăng Tử, nhưng trong Hán Chí lại sắp Tăng Tử sau Tử Tư, tại sao vậy ?

Hay là vì Tử Tư là cháu Khổng Tử, cho nên không bị sắp xếp theo trật tự thời gian chăng ?

Sách Tăng Tử, trong Hán Chí chép là 18 thiên. Sách Thất Lục và Tuỳ Chí chép là hai quyển, và nhiều sách khác cũng ghi là hai quyển cọng 10 thiên, y như 10 thiên trong Đại Đái Ký.

Dường như sách Tăng Tử có hai loại, một loại là 18 thiên và một loại là hai quyển gồm 10 thiên, mà tất cả đều bị mất, bây giờ không còn tài liệu gì để tìm hiểu được cả.

Trong sách Đại Đái Ký còn 10 thiên, để rõ ràng là của Tăng Tử, như thế, tuy nguyên bản sách đã mất, nhưng vẫn còn được 10 thiên. Nguyễn Ngươn đem 10 thiên nầy ra chú thích thành pho Tăng Tử và đề tựa : " Học giả trăm đời sau đều noi theo " Pháp " của Khổng Tử, thời gian nầy xa Khổng Tử bao nhiêu thì lời nói của ông càng khác lạ. Lời nói của Tử Tư, Mạnh Tử, tuy gần với Khổng Tử, nhưng không phải tự thân những người ấy thọ nghiệp với ngài. Trong số 70 học trò thân thọ nghiệp với ngài, và lời nói gần ngài nhứt, duy chỉ có Tăng Tử 10 thiên ".

Nguyễn Ngươn đã suy tôn đúng mức Tăng Tử, và 10 thiên sách ấy là : Tăng Tử lập sự, Tăng Tử bổn hiếu, Tăng Tử lập hiếu, Tăng Tử đại hiếu, Tăng Tử sự phụ mẫu, Tăng Tử chế ngôn [thượng], Tăng Tử chế ngôn [trung], Tăng Tử chế ngôn [hạ], Tăng Tử tật bịnh, Tăng Tử thiên viên.

Trong thiên Tăng Tử đại hiếu có lời vấn đáp của đệ tử Tăng Tử là Nhạc Chánh Tử Xuân với môn đệ tử, như thế đã rõ ràng là đệ tử của Tăng Tử và số đệ tử lớp sau đã ghi chép đoạn nầy.

*

Tăng Tử 10 thiên trong Đại Đái Ký, so sánh với sách Tăng Tử do Lư Biên chú, thì lời chú của Đại Đái là xưa hơn cả, nhưng khá hơn hết là bản chú thích của Nguyễn Ngươn.

Sách Hiếu Kinh

Uông Trác và Vương Định An, khi biên chú sách Tăng Tử đều kèm theo Hiếu Kinh và Đại Học.

Sách Hiếu Kinh, trong Hán Chí ghép chung với Luận Ngữ vào phần Lục Nghệ lược, và bây giờ là một trong pho Thập Tam Kinh, còn Đại Học là một thiên trong Lễ Ký, Hán Chí sắp vào phần Lục Nghệ lược, loại Lễ, bây giờ cũng là một trong Thập Tam Kinh.

Như thế là Hiếu Kinh và Đại Học dường như thuộc loại Kinh chớ không phải Tử, nhưng tương truyền hai pho ấy đều do Tăng Tử viết cho nên phải ghép vào phần Chư Tử.

Lời chú trong Hán Chí có viết : " Sách Hiếu Kinh là Khổng Tử trần thuật Hiếu Đạo cho Tăng Tử, nhưng trong sách Hiếu Kinh thuật nghĩa, Lưu Huyền có viết : Khổng Tử viết Hiếu Kinh, không phải do Tăng Tử xin học mà mới trả lời, đó chỉ là lối giả thiết để trình bày học thuyết... ".

Sách Cổ thơ nghi nghĩa cử lệ của Du Việt cũng có viết : " Xét theo câu đầu của Hiếu Kinh : " Trọng Ni cư, Tăng Tử thị... " thì thấy có mấy điều đáng chú ý : Trọng Ni là tự của Khổng Tử, Tăng Tử là tiếng tôn xưng Tăng Tử, vô luận quyển sách nầy do Khổng Tử viết, hay là nói ra để cho Tăng Tử chép, cũng không có lý do gì để viết gọi Khổng Tử là Trọng Ni và Tăng Sâm là Tăng Tử ", đó là điều đáng nghi ngờ quyển sách ấy không phải do Khổng Tử viết hay Tăng Tử chép, mà chỉ do người đời sau biên soạn rồi gán cho Khổng Tử và Tăng Tử.

Hơn nữa, chữ Kinh là để chỉ những sách vở của thời xưa, nếu quả như Khổng Tử hay Tăng Tử viết thì không bao giờ đặt tên cho quyển sách mình là " Kinh " cả.

*

Về chú thích pho Hiếu Kinh, tương truyền có hai loại : một là bổn của Trịnh Huyền, thuộc kim văn, một bổn khác của Khổng An Quốc, thuộc cổ văn, nhưng từ khi bổn Ngự Chú của Đường Huyền Tôn ra đời, thì hai bản của Trịnh Huyền và Khổng An Quốc không được ai chú ý đến nữa.

Ngoài ra, lại còn các bản của Châu Tử, của Ngô Trừng đời Nguyên và của Nguyễn Phúc đời Thanh. So với các bản khác, bản chú Hiếu Kinh của Nguyễn Phúc là đầy đủ, rõ ràng hơn cả.

Sách Đại Học

Đại Học là một thiên trong sách Lễ Ký, nhưng người viết là ai, thì không có tài liệu nào đề cập đến cả. Trình Tử đời Tống cho đó là di thơ của họ Khổng, nhưng cũng không nói rõ là ai đã viết quyển sách ấy. Châu Tử cũng nói :

" Đó là lời của Khổng Tử và Tăng Tử ghi chép ". Phần kinh gồm 1 chương, còn về phần truyện 10 chương, thì nói đó là lời của Tăng Tử và do môn nhơn ghi chép, và có lẽ vì thế mà Tăng Tử có liên quan đến quyển Đại Học.

Nhà học giả Đái Chấn, khi còn nhỏ, lúc học đến pho Đại Học chương cú có hỏi thầy :

- " Thưa thầy, Khổng Tử và Tăng Tử đều là người dưới thời nhà Châu, còn Châu Tử là người Nam Tống, nhà Châu nhà Tống cách nhau rất xa, tại sao Châu Tử biết là do 2 ông ấy viết ? ".

Ông thầy không có bằng chứng gì để trả lời cho xác đáng được.

Châu Tử thấy Đại Học thường dẫn lời Tăng Tử, và đề cập đến " Tâm " cũng như trong Trung Dung nói về " Tánh ", làm căn cứ cho thuyết " Tâm Tánh " thế cho nên mới ức đoán Đại Học là của Tăng Tử.

Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, làm tiêu biểu cho học thuyết của Khổng Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, và cũng thuộc về thầy trò cùng truyền đạo cho nhau, 1 phái nối tiếp nhau, kế tục truyền thống của Đạo, như thế ghép Đại Học cho Tăng Tử viết ra thấy cũng là hợp lý, mặc dù không tìm thấy bằng chứng gì để xác định được.

Sách Đại Học và Trung Dung, ban đầu đều là một thiên trong Lễ Ký, sau đó thành một phần trong bộ Tứ thơ, cho nênphần chú thích cũng có nhiều người như : Trịnh Huyền, Khổng Dĩnh Đạt, rồi sau đó cũng có tập chú của Châu Tử, của Triệu Thuận Tôn, của Châu Đức Tú.

Từ trước đến nay nhiều người thích bản chú của Châu Tử, lần lần thành thói quen, nhưng xét cho kỹ, bản của Châu Tử còn nhiều khuyết điểm và tư tưởng nhiều chỗ không còn thích hợp với hoàn cảnh ngày nay.

5. Sách Án Tử - Phụ lục thêm vài quyển khác và quyển Lễ Vận.
Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, phần Nho gia cũng có sách Án Tử Xuân Thu, Lục Giả Tân Ngữ, Giã Nghị Tân Thơ, Diêm Thiết Luận v.v...

Sau đây xin lần lược khảo về các quyển sách ấy.

Sách Án Tử

Theo sách Hán Chí, sách Án Tử gồm 8 thiên, với lời chú : Tên ông là Anh, thụy là Bình Trọng, làm tướng quốc cho Tề Cảnh Công, Khổng Tử khen là khéo giao thiệp với người.

Sách Tứ Khố toàn thơ sắp vào Sử bộ, về loại Truyện Ký, nhưng xét theo thể tài quyển sách thì thấy thuộc vào loại Chư Tử, chớ không phải Sử, hay là người ta liệt sách ấy vào loại Sử cũng vì tiêu đề quyển sách là Án Tử Xuân Thư chăng ?

Bài Tự Lục của Lưu Hướng khi hiệu đính sách Án Tử có viết : " Thần gom góp các sách trung, ngoại thơ được 30 thiên, cọng 838 chương, trừ 22 thiên trùng nhau, gồm 623 chương, còn lại 8 thiên, gồm 215 chương.

Quyển sách nầy có 6 thiên, hợp với ý nghĩa Lục Kinh, những chỗ trùng nhau, văn từ khác lạ, nhưng không dám bỏ sót, nên gom riêng vào 1 thiên, rồi có những chỗ không hợp với kinh điển, dường như không phải là lời của Án Tử, nghi của người đời sau là bọn biện sĩ thêm vào, nhưng cũng không dám bỏ sót, nên gom thành một thiên nữa, cọng chung là 8 thiên ".

Như thế sách Hán Chí ghi theo bổn của Lưu Hướng đã hiệu đính, bổn sách còn lại hiện nay cũng 8 thiên.

Tám thiên sách ấy là :

Nội thiên gồm 6 thiên [tức Lưu Hướng nói hợp với nghĩa Lục Kinh] gồm các thiên : Gián Thượng, Gián Hạ, Vấn Thượng, Vấn Hạ, Tạp Thượng và Tạp Hạ.

Ngoại Thiên gồm 2 thiên [tức Lưu Hướng nói lộn xộn và văn từ khác lạ] gồm thiên thứ 7 văn từ đáng nghi và thiên thứ 8, dường như không phải lời của Án Tử.

Khổng Tòng Tử, trong các sách Thuận thuyết thiên và Phong tục thông, nghi sách nầy ra đời ở nước Tề vào thời Xuân Thu, như trong sách Mặc Tử, thiên Minh quỉ đã viết : " Án Anh chết, tân khách tiếc thương, liền gom góp việc làm của ông viết thành sách, tuy không ghi rõ năm tháng, nhưng cũng còn danh cũ. Ngu Khanh và Lục Giả tiếp theo, sách xong ở thời Chiến Quốc, gọi là sách của Chư Tử, đa số không do người ấy viết, điều đó không có gì lạ ".

Như thế thì quyển sách không phải do Án Tử viết, mà do người đời sau thể theo việc làm của ông, ghi lời nói của ông, chép lại thành sách, quyển sách viết vào thời Chiến Quốc, rồi Hán Chí ghi tên Án Tử lên trên.

Án Tử và Khổng Tử đồng thời, cho nên liệt ông vào hàng Nho gia.

Về chú bổn Án Tử, có sách Án Tử âm nghĩa của Tôn Tinh Viễn, sách Án Tử Xuân Thu hiệu chánh của Lư Văn Chiêu và Án Tử Xuân Thu của Hoàng Dĩ Châu.

Sách Lục Giã Tân Thơ

Sách Hán Chí, phần Nho gia, có Lục Giã gồm 23 thiên.

Sách Giã Nghị Tân Thơ

Sách Hán Chí, phần Nho gia, có Giã Nghị gồm 58 thiên. Chương Học Thành cho rằng Giã Nghị cũng tinh thông về Pháp gia và Đạo gia. Chương Bình Lân cũng nhận xét ông giỏi về Từ phú, vì học giả đời Tây Hán không chuyên về một môn phái nào mà thường học được nhiều phái khác nhau.

Sách Diêm Thiết Luận

Sách Hán Chí, phần Nho gia có Diêm Thiết Luận của Hoàn Khoan, 60 thiên, Vương Ứng Lân có thấy 1 bổn gồm 10 quyển, nhưng cũng 60 thiên.

Hoàn Khoan tự Thứ Công, dưới thời Chiêu Đế, năm Thủy ngươn thứ 6, ra chiếu cho quận quốc cử kẻ hiền lương, văn học, để hỏi thăm về việc khổ sở của dân, ai ai cũng xin bỏ chế độ khắc nghiệt về muối và sắt, rồi biện luận với Ngự sử đại phu Tang Hoằng Dương. Hoàn Khoan gom góp tất cả những lời luận gồm tất cả 60 thiên, đó là Diêm thiết luận.

Đây là một loại sách khác hẳn với chư tử khác, đó là loại gom góp tất cả lời biện luận của kẻ khác, còn nội dung thì biện luận về biện pháp tài chánh của quốc gia.

Sách Hán Chí viết : " Phái Tạp gia, là ra từ Nghị Quan ". Diêm Thiết Luận không phải do một mình Hoàn Khoan viết ra, mà là gom tất cả những lời biện luận của các kẻ sĩ hiền lương, văn học, tranh luận với Thừa tướng, Ngự sử đại phu về chế độ muối và sắt, rõ ràng là biện luận ấy xuất phát từ Nghị Quan cũng nên liệt vào phái Tạp gia.

Về pho Diêm Thiết Luận có những tập chú của Trương Chi Tượng đời Minh và của các ông : Lư Văn Chiêu, Tôn Tinh Viễn, Vương Tiên Khiêm.

Sách Lưu Hướng sở tự

Sách Hán Chí phần Nho gia, có Lưu Hướng sở tự gồm 67 thiên, với lời chú : Tân tự, Thuyết Uyển, Thế thuyết, Liệt nữ truyện, Tụng đố...tức là tổng quát những trước tác của Lưu Hướng.

Theo sách Tuỳ Chí thì Tân tự và Thuyết Uyển được liệt vào phần Nho gia, còn Liệt nữ truyện thì nhập vào Sử bộ tạp truyện.

Theo Tứ khố toàn thơ thì Liệt nữ truyện cũng xếp vào loại Sử bộ truyện ký.

Sách Hán thơ có viết : " Lưu Hướng đã trích sự tích các Hiền phi, Trinh phụ trong Thi, Thơ, luôn cả những người đàn bà dâm ác sắp xếp có thứ tự để làm gương cho đời sau, thành pho Liệt nữ truyện 8 thiên, rồi lại chọn những Truyện ký viết pho Tân sự, Thuyết Uyển gồm 50 thiên.

Ông lại có viết các thiên : Tật sàm, Trích yếu, Cứu nguy và Thế tụng gồm 8 thiên, y theo chuyện xưa mà buồn phận mình và đồng loại.

Sách Tùy Chí viết : Tân tự có 30 quyển, Thuyết Uyển 20 quyển là hợp với số 50 thiên, là vì lấy mỗi thiên làm một quyển, thêm vô Thế thuyết 8 thiên, Liệt nữ truyện 8 thiên, Liệt nữ truyện đồ 1 thiên là đúng 67 thiên.

Tật sàm, Trích yếu, Cứu nguy, Thế tụng, đó là tên của Thế Thuyết, mỗi thiên đều có thượng hạ, cọng chung là 8 thiên.

Sách Tân tự, bây giờ còn là Tạp sự 5 quyển, Thích xí 1 quyển, Tiết sĩ 2 quyển, Thiện mưu 2 quyển, cọng chung 10 quyển, như thế so với Tuỳ Chí đã chép là 30 quyển thì đã bị mất đến 20 quyển.

Quyển nầy chép những chuyện về thời Xuân Thu Chiến Quốc, có những chuyện giống với Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến Quốc sách, Sử ký.

Sách Thuyết Uyển, bây giờ còn 20 quyển, y như trong Tùy Chí, Đường Chí đã ghi. Sách nầy và sách Tân tự đều gom góp những chuyện xưa từ đời Xuân Thu đến đời Hán, nhưng tại sao lại chia làm 2 pho sách, không ai hiểu được, những chuyện ghi trong sách cũng có chỗ sai lầm.

Về Liệt nữ truyện, sách Hán Chí và Bổn truyện đều ghi là có 8 thiên, sách Sơ học ký, dẫn sách Biệt lục viết : Thần là Hướng cùng quan Hoàng môn Thị lang Hâm hiệu đính Liệt nữ truyện, sắp xếp theo từng loại, cọng 7 thiên.

Như thế là Liệt nữ truyện do cha con Lưu Hướng, Lưu Hâm làm hiệu đính, không phải do một mình Lưu Hướng viết, và truyện chỉ có 7 thiên, hợp với Tụng nghĩa là 8 thiên.

Sách Tuỳ Chí có ghi : Liệt nữ truyện 15 quyển, Tào Đại Cô chú : Bảy thiên, mỗi thiên đều có thượng hạ, cọng với Tụng Nghĩa là 15 thiên.

Nhan thị gia huấn có viết : Lưu Hướng viết Liệt nữ truyện, còn con là Lưu Hâm viết phần Tụng nghĩa. Những Liệt nữ được ghi, gồm có mẹ Trần Anh, cuối đời nhà Hán, và 16 nggười đời Đông Hán, Tăng Cũng nghi Tào Đại Cô có viết tiếp theo, bản sách ngày nay phân ra làm Tục Liệt nữ truyện, Triệu Công Võ cho rằng, phần nối tiếp là do Hạng Nguyên viết.

Nhưng Hạng Nguyên viết là Liệt nữ hậu truyện 10 quyển, trong Tuỳ Chí có ghi rõ, đó là một quyển sách riêng, Triệu Công Võ đã sai lầm.

Bản sách ngày nay có Tụng Nghĩa thì phần Đại Tự để phía trước mục lục, còn Tiểu Tự 7 thiên thì sắp chung trong mục lục, còn Tụng thì phụ ở phía sau các truyện. Truyện nào cũng có hình vẽ, do Cố Khải Chi đời Tấn vẽ, nhưng những bản vẽ đầu tiên ấy đã bị mất.

Tóm lại, quyển Lưu Hướng sở tự, thì phần Thế thuyết đã bị mất, còn Tân tự, Thuyết Uyển thì theo Truyện Ký, Liệt nữ truyện thì thể theo Thi, Thơ, Thế thuyết thì nương theo chuyện xưa, tất cả đều là sách Ký sự, khác hẳn với lối trình bày học thuyết của Chư Tử.

*

Lư Văn Chiêu có viết các sách Tân Tự hiệu bổ, Thuyết Uyển hiệu bổ, còn Liệt nữ truyện, ngoài bản chú của Tào Đại Cô còn có các bản chú khác của Vương Viên Chiếu, Uông Viễn Tôn.

Sách Dương Hùng sở tự

Sách Hán Chí, phần Nho gia, có Dương Hùng sở tự 38 thiên, quyển sách nầy được liệt sau cùng phần Nho gia, sau đó có lời tổng kết viết : " Trở lên là tất cả 53 Nho gia " rồi lại có lời chú " Thêm sách Dương Hùng 38 thiên " là vì sách Thất lược của Lưu Hâm không có Dương Hùng, rồi sau đó Ban Cố thêm vô 38 thiên gồm có : " Thái Huyền 18 thiên, Pháp Ngôn 13 thiên, Nhạc 4 thiên, Châm 2 thiên ".

Thái Huyền và Pháp Ngôn bây giờ còn. Vương Ứng Lân viết : Nhạc 4 thiên, không rõ, Dương Hùng còn có thiên Cầm Thanh Anh.  Như thế thì Nhạc 4 thiên đã mất.

Sách Hậu Hán thơ, phần Hồ Quảng truyện có viết : " Trước tiên, Dương Hùng y theo Ngu Châm viết 12 thiên Châu Châm và 25 thiên Quan Châm, nhưng 9 thiên đã mất ". Như thế thì còn 28 thiên.

*

Đời Tấn Phạm Huyền có làm chú sách Thái Huyền, theo lời chú cũ của Tống Trung và Lục Tích. Tư Mã Quang có tập chú sách Pháp Ngôn, theo lời chú của Lý Quỷ, Liễu Tôn Ngươn, Tống Hàm và Ngô Bí.

*

Hán Chí trích lục những sách của Nho gia cho đến bây giờ vẫn còn, được kể ra trong phần trên.

Sách Tăng Tử 10 thiên, là trích trong Lễ Ký của Đại Đái, sách Đại Học, Trung Dung trích trong Lễ Ký của Tiểu Đái, Đại Đái Ký là do Đái Bức biên soạn, còn Tiểu Đái Ký thì do Đái Thánh biên soạn, đại bộ phận sách đều trích trong sách Hán Chí, Lục Nghệ lược, phần Lễ, gồm 131 thiên, với lời chú : " Đây là theo lời ghi chép của 70 tử hậu học ".

70 tử hậu học thì gồm đến chư Nho đời Tây Hán, như thế thì Đại Đái và Tiểu Đái là một pho sách gồm tất cả những trước tác của Nho gia, vì thế những tư tưởng của Nho gia từ thời Chiến Quốc đến thời Tây Hán có thể tìm thấy được một phần lớn trong hai pho sách ấy.

6. Các pho sách của Nho Gia đã bị thất lạc.
Sách Hán Chí trích lục các sách của Nho gia được 53 nhà, nhưng cho đến ngày nay đã bị mất đến 42 nhà, như thế số bị mất mát kể ra cũng quá nhiều.

Sau đây xin kể những loại sách đã bị mất :

- Tất Điêu Tử

12 thiên, sách Hán Chí chú : đây là hậu duệ của Tất Điêu Khải đệ tử của Khổng Tử.

Sách Hàn Phi, thiên Hiển học có viết : " Phái của Tất Điêu Khải, trong số đệ tử của Khổng Tử, đã lập riêng một phái cho mình ".

- Mật Tử

16 thiên, sách Hán Chí chú : tên Bất Tề, tự Tử Tiện đệ tử Khổng Tử. Trong Chiến Quốc sách ghi là Phục Tử.

- Cảnh Tử

3 thiên, theo thuyết của Mật Tử, dường như là đệ tử của ông nầy

- Thế Tử

21 thiên, sách Hán Chí chú : tên Thạc, người nước Trần, đệ tử của 70 tử [đệ tử lớp sau của Khổng Tử] nhưng không biết là đệ tử của ai.

Sách Luân Hoành, thiên Bổn tánh có viết : " Người nhà Châu, Thế Thạc cho rằng, nhơn tánh có thiện, có ác, nên cái tánh thiện của người mà được nuôi dưỡng thì thiện nhiều, khuyến khích tánh ác và nuôi dưỡng thêm thì ác nhiều. Như thế thì tánh có tốt xấu, thiện ác, chỉ tại cách nuôi dưỡng mà thôi, vì thế Thế Tử viết Dưỡng thơ 1 thiên. Dưỡng thơ tức là 1 thiên trong sách Thế Tử.

- Ngụy Văn Hầu

6 thiên, Sử ký chép Ngụy Văn Hầu thọ nghiệp với Tử Hạ, như thế là đệ tử lớp hai của Khổng Tử.

- Lý Khắc

7 thiên, sách Hán Chí có lời chú : Làm tướng cho Ngụy Văn Hầu, đệ tử của Tử Hạ. Nhưng " Kinh điển thích văn tự lục " lại viết : Tử Hạ truyền kinh Thi cho Tăng Thân, Tăng Thân lại truyền cho Lý Khắc, người nước Ngụy. Như thế thì Lý Khắc là đệ tử lớp 3 của Khổng Tử.

- Công Tôn Ni Tử

28 thiên, Hán Chí chú : Đệ tử của Thất thập Tử, tức là đệ tử lớp thứ hai của Khổng Tử.

- Vu Tử

18 thiên, sách Hán Chí chú : Không biết ai đã viết quyển sách ấy. Vương Ứng Lân nói : Quản Tử có thiên Nội nghiệp có lẽ quyển sách nầy cũng đồng loại...Sách Quản Tử do người đời sau gom góp chép ra. Có lẽ thiên Nội nghiệp ở quyển nầy.

- Châu Sử, Lục Thao

6 thiên, Hán Chí chú : Giữa thời Tương Vương, Huệ Vương, hay cũng có thể vào thời Hiển Vương...dường như Khổng Tử có đến gặp.

Lời chú của họ Nhan : Tức là quyển Lục Thao, bàn về việc chinh phục thiên hạ và việc quân sự.

Trang Tử, trong thiên Tắc dương có viết : " Trọng Ni đến gặp Thái sử Lục Thao ". Lục Thao tức là người viết quyển sách nầy.

- Châu Chánh

6 thiên, chép pháp đệ và chánh giáo dưới thời nhà Châu.

- Châu Pháp

9 thiên, noi theo phép tắc của trời mà lập chức quan.

Hai quyển sách trên, dường như nội dung ghi chép chánh pháp và quan chế dưới thời nhà Châu.

- Hà Gian Châu Chế

18 thiên, dường như của Hà Gian Hiến Vương chép.

- Lan Ngôn

11 thiên, Hán Chí chú : Không biết do ai viết, trình bày pháp độ của nhơn quân.

- Công Nghi

4 thiên, không biết do ai viết, luận về việc công đức.

- Ninh Việt

1 thiên, người đất Trung Mâu, làm thầy Châu Uy Vương.

- Vương Tôn Tử

1 thiên, cũng gọi là Xảo Tâm. Vương Tôn là họ, không biết tên gì. Xảo Tâm là tên quyển sách.

- Công Tôn Cố

1 thiên, gồm 18 chương, Tề Mẫn Vương mất nước, hỏi ông, ông liền thuật những chuyện cổ kim thành bại. Có thuyết cho ông là nhóm của Hàn Phi.

- Lý Thị Xuân Thu

2 thiên, đồng loại với Lã Thị Xuân Thu. Có lẽ là người thời Chiến Quốc, cuối thời Chiến Quốc, Chư Tử viết sách thường đặt tên Xuân Thu.

- Dương Tử

4 thiên, 100 chương, một Bác sĩ cũ của nhà Tần.

- Đổng Tử

1 thiên, tên Vô Tâm có lần vấn nạn Mặc Tử, có thuyết cho rằng là người thời Lục Quốc. Sách Tùy Chí có chép : Đổng Vô Tâm người phái Nho gia, gặp Truyền Tử người phái Mặc gia. Như thế là Đổng Tử vấn nạn Truyền Tử chớ không phải Mặc Tử.

- Hầu Tử

1 thiên, có thuyết nói là " Người hiền thời Lục Quốc ".

- Từ Tử

42 thiên, người nước Tống, đất Ngoại Hàng. Sử ký Ngụy Thế gia có chép : Huệ Vương sai thái tử Thân với Bàng Quyên kéo quân đi, đến Ngoại Hoàng.

Từ Tử ở Ngoại Hoàng nói :
- Thần có thuật " bách chiến, bách thắng " v.v...

- Lỗ Trọng Liên Tử

14 thiên Chiến Quốc sách, Xuân Thu chánh nghĩa, Sử ký chánh nghĩa v.v...đều có dẫn lời trong sách nầy.

- Bình Nguyên Quân

7 thiên, tên là Châu Kiến.

- Ngu Thị Xuân Thu

15 thiên, tên Ngu Khanh

- Cao Tổ Truyện

13 thiên, Cao Tổ và đại thần thuật lại những lời xưa và chép lại những tờ chiếu, sách. Sách Tuỳ Chí chép : có quyển Hán Cao Tổ thủ chiếu...

- Lưu Kỉnh

3 thiên, Lưu Kỉnh họ Lục nhưng được tứ tánh Lưu [họ vua ban]. Sách Bổn truyện chép : Lưu Kỉnh thuyết với Cao Đế 3 việc : 1 đóng đô ở Quan Trung, 2 hoà thân với Hung Nô, 3 dời dân vào Quan Trung. Có lẽ đây là 3 điểm trong 3 thiên sách ấy chăng ?

- Hiếu Văn Truyện

11 thiên, chuyện của Văn Đế và các chiếu, sắc.

- Giả Sơn

8 thiên.

- Thái Thường, Liêu Hầu Khổng Tàng

10 thiên, Khổng Tàng từ chức Ngự sử đại phu, xin làm Thái thường, được Võ Đế dùng. Liêu Hầu là được noi theo chức tước của cha.

- Hà Gian Hiến Vương, đối thượng hạ tam cung

Tam cung là minh đường, tị cung, linh đài [tức 3 loại trường thời xưa]

- Đổng Trọng Thư

123 thiên.
Sách Tuỳ Chí và Đường Chí có ghi sách Xuân thu phồn lộ của Đổng Trọng Thư 17 quyển, nhưng không phải là trọn quyển sách kể trên, vì Bổn truyện có viết : " Đổng Trọng Thư trước tác loại làm sáng tỏ ý kinh, thuật, và những bài sớ, những điều dạy v.v... "

- Nghê Khoan

9 thiên, chuyên về lịch, ngày tháng.

- Công Tôn Hoằng

10 thiên, trong sách Bổn truyện chép thiên Đối sách và bức thơ dâng lên Võ Đế, sách Nghệ văn loại tự dẫn bài : " Đáp Đông phương Sóc thơ ", sách Ngự Lãm cũng thường dẫn lại lời của ông. Tất cả đều thuộc trong 10 thiên sách của ông.

- Chung Quân

8 thiên, sách Bổn truyện và sách của Nghiêm Khả Quân có dẫn trong mấy thiên sách nầy.

- Ngô Khâu Thọ Vương

6 thiên, sách Bổn truyện và Nghệ văn loại tự có dẫn trong mấy thiên nầy.

- Ngu Khâu Thuyết

1 thiên, sách Hán Chí chú : " Vấn nạn Tuân Khanh ". Chữ " Ngu " đồng với chữ " Ngộ ". Đây là quyển Tạp thuyết của Thọ Vương.

- Trang Trợ

4 thiên, cũng gọi là Nghiêm Trợ.

- Thần Chương

4 thiên.

- Câu Thuẩn

8 thiên, Câu Thuẩn là chức quan dưới thời nhà Hán. Viết về việc làm và lời nói dưới thời Tuyên Đế.

- Nho Gia Ngôn

18 thiên. Không biết tác giả là ai. Nghi là sách góp lượm lặt các thiên tản mác của Nho gia.

*

Trở lên là 42 quyển sách, mà Hán Chí có ghi là của phái Nho gia đã bị mất, còn lại 9 Môn phái khác, ở phần sau, thì số sách bị mất lại càng nhiều hơn, số còn lại chẳng có bao nhiêu.

Dưới thời Tây Hán, sách của Nho gia được viết ra thành từng tập 1 thiên, như các sách của Khổng Tàng, Ngô Khâu, Thọ Vương ...đó là triệu chứng suy vi của Chư Tử dưới thời Tây Hán.