Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Bốn 
*
Lược khảo các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử
 
2 - Đạo gia : 
( 1. Lão Tử  -  2. Sách Trang Tử  -  3. Sách Quản Tử và Thái Công   -  4. Các sách Văn Tử, Quan Doãn Tử, Liệt Tử và Hạc Quan Tử  -  5. Những sách của phái Đạo Gia đã bị mất )
- 2 -
Các sách của phái Đạo gia
1. Lão Tử
Sách của phái Đạo gia, pho Lão Tử là nổi tiếng hơn hết. Tương truyền pho Lão Tử, là lúc Lão Tử vào nước Tần, khi qua cửa ải viết cho Quan Doãn 5 ngàn lời.

Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Đam, làm quan Thủ tàng thất sử cho nhà Châu, Khổng Tử qua nhà Châu xem sách, thường hỏi Lễ với ông.

Lão Tử thường nêu mẫu mực cho Khổng Tử và Khổng Tử cũng thường khen Lão Tử. Sách Sử ký, phần Lão Tử truyện và Khổng Tử Thế Gia đều có ghi việc ấy.

Theo các chứng cớ ấy thì dường như Lão Tử và Khổng Tử đồng thời, mà tuổi đời và đức của Lão Tử cao hơn Khổng Tử, như thế thì quyển Lão Tử phải ra đời trước quyển Luận Ngữ rất lâu...và mở đầu cho phong trào sáng tác tư nhân, và là người khai tổ cho Chư Tử.

Nhưng Lão Tử chỉ là một tên gọi chung, và quyển Lão Tử được mọi người thích đọc chỉ là tác phẩm của một nhân vật truyền thuyết mà không phải là của Lão Lai Tử, của Thái sử Chiêm nhà Châu, hay là của Lý Nhĩ như phần trên đã nói.

Về quyển Lão Tử thì không phải do Lão Tử viết mà do người thời Chiến Quốc gom góp những lời truyền tụng của phái Đạo gia, rồi cũng có trích ở các sách khác, góp lại mà thành.

Quyển sách ấy ra đời sau pho Luận Ngữ rất xa, sau đây là phần lược khảo về pho Lão Tử.

*

Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, về phái Đạo gia, thì có quyển Lão Tử, có 4 quyển khác nhau :

1. Quyển Lão Tử Lân thị kinh truyện, 4 thiên, với lời chú : " Ông họ Lý, tên Nhĩ, Lân thị truyền học thuyết của ông ".

2. Quyển Lão Tử Phó thị kinh thuyết, 37 thiên, với lời chú : " Thuật học thuyết của Lão Tử, v.v... ".

3. Quyển Lão Tử Từ thị kinh thuyết, 6 thiên, với lời chú : Tự Thiếu Quí, người đất Lâm Hoài, truyền học thuyết Lão Tử.

4. Quyển " Thuyết Lão Tử " của Lưu Hướng, 4 thiên.

Bốn quyển kể trên đều là bổn chú của Lão Tử, với những câu : " Kinh truyền... " hay " Kinh thuyết rằng ... " là vì trong thời kỳ đầu Tây Hán, Hoàng Lão rất được sùng thượng, suy tôn quyển Lão Tử là " Kinh "...cho nên gọi quyển Lão Tử là " Kinh "... để truyền thuật học thuyết.

Sách của Lưu Hướng, sở dĩ không viết " Lão Tử nói... " là vì Lưu Hướng gốc là người phái Nho, mà lại nói về thuyết Lão Tử, thì có khác với các họ Lân, Phó và Từ đã kể trên.

Ngày nay, còn được quyển Lão Tử 81 chương, phân làm 2 thiên thượng, hạ. Thượng thiên 37 chương, gọi là Đạo Kinh. Hạ thiên 44 chương gọi là Đức Kinh. Hợp chung gọi là Đạo Đức kinh.

Đạo Tòng bản có quyển Đạo Đức chú tập giải của Đổng Tư Tịnh đời Tống, trong lời tựa có viết : Lưu Hướng định ra 2 thiên 81 chương, như thế thì khi Lưu Hướng hiệu đính đã phân ra thượng, hạ kinh, nhưng số chương trong các thiên lại không giống với bổn ngày nay.

Lại có quyển Hỗn Ngươn thánh kỷ của Tạ Thủ Hạo đời Tống dẫn lời quyển Thất lược viết : " Lưu Hướng hiệu đính sách Lão Tử 2 thiên, sách Thái sử 1 thiên, và riêng sách của ông 2 thiên, tất cả 5 thiên, 143 chương, trừ những chỗ trùng 3 thiên gồm 62 chương, định ra làm 2 thiên và 81 chương : Thượng kinh đệ nhứt 37 chương, Hạ kinh đệ nhị 44 chương ".

Như vậy Thượng, Hạ kinh và chương số giống với bổn còn hiện nay.

*

Sách Lão Tử, Thượng thiên, câu đầu viết : " Đạo khả đạo, phi thường đạo " và câu đầu Hạ thiên là : " Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức ". Trong Đạo Đức kinh, dường như lấy chữ đầu trong 2 câu đầu 2 thiên để làm tên, như thế là tiêu đề không có nghĩa, vì chỉ dùng những chữ đầu trong các thiên ghép lại chớ không nêu nội dung quyển sách.

Trong sách Sử ký, phần Bổn truyện chép : Lão Tử viết sách gồm Thượng, Hạ thiên, nói cái ý của Đạo, Đức " vì thế quyển sách mới gọi là Đạo Đức kinh, đó là cái ý của toàn thể quyển sách chớ không phải vì tên của 2 thiên đầu mà đặt ra.

Sách Tùy Chí có viết : " Vương Bật chú Đạo Đức kinh 2 quyển. Triệu dĩ Đạo, trong lời bạt của quyển sách Vương Bật có viết : "  Bật đề tên quyển sách là Đạo Đức kinh... " như thế thì Vương Bật đã đề tên cho quyển sách.

Nhưng Vương Bật không đề tên 2 thiên là Đạo kinh và Đức kinh. Trong phần Lão Tử thích văn của quyển kinh điển thích văn Lục thị đã ghi là căn cứ theo bổn của Vương Bật, và trong quyển sách đã phân ra Đạo kinh và Đức kinh. Nhưng trong quyển sách, quyển thượng lại có tên là Âm nghĩa, với chữ đầu Đạo đức...rồi giải thích...

Nếu đã phân thiên, thì phần Âm nghĩa ấy chỉ phải giải thích có chữ Đạo thôi.

Do đó, tuy Vương Bật đã đề toàn bộ quyển sách là Đạo Đức kinh, nhưng thật ra chưa phân ra 2 thiên Đạo kinh và Đức kinh, tóm lại, sở dĩ quyển sách có tên là Đạo Đức kinh là vì quyển sách nói cái ý Đạo Đức.

Đạo Đức là ý chính yếu của học phái Lão Tử, cho nên phái ấy cũng gọi là Đạo Đức gia, mà quyển sách của Lão Tử lại may mắn có 2 thiên, nên có kẻ mới phân đề ra làm Đạo kinh và Đức kinh, chớ không phải lúc ban đầu đã có phân đề rồi sau mới hợp lại thành Đạo Đức kinh.

*

Các sách của Chư Tử, lúc ban đầu, đa số đều không phải do chính tay người ấy viết ra. Sách Lão Tử là do người thời Chiến Quốc gom góp lại mà thành. Bằng chứng về lời nhận xét nầy có tất cả 6 điểm.

1. Luận Ngữ là do hậu học của Khổng Tử biên soạn, mỗi người đều có ghi riêng lời nói của thầy, và đến cuối đời Xuân Thu gom lại mà soạn.

Lúc đầu thời Chiến Quốc, văn chương còn đơn giản chất phác, những chương không liền nhau. Văn trong quyển Lão Tử cũng đơn sơ chất phác, mỗi đoạn lại không liền nhau, giống như sách Luận Ngữ, nhưng Luận Ngữ thì viết theo thể văn ký ngôn, cho nên mỗi chương đều ghi tên người phát ngôn, còn sách Lão Tử thì chỉ là những đoạn cách ngôn, không phải thể văn ký ngôn, khác hẳn với Luận Ngữ. Đó là bằng chứng thứ nhứt.

2. Trong sách Luận Ngữ, chưa bao giờ có đề cập đến Lão Tử, Khổng Tử đã từng đến thọ giáo, hỏi về việc Lễ, với tinh thần khâm phục, tại sao lúc bình thường lại không nhắc đến Lão Tử một câu nào cả ?

Trong các sách Mặc Tử và Mạnh Tử, cũng có những lời phê phán Lão Tử, trong sách Lão Tử cũng có những luận điệu phản đối Nho, Mặc, như thế là quyển Lão Tử đã viết sau các quyển Luận Ngữ, Mặc Tử và Mạnh Tử.

Đó là bằng chứng thứ 2.

3. Sách Luận Ngữ không phải do một người biên soạn, cho nên thỉnh thoảng có những đoạn trùng nhau, trong quyển Lão Tử, những đoạn trùng lại càng nhiều hơn, như thế là không phải do một mình Lão Tử viết, không phải viết ra trong lúc ông đi ngang qua cửa ải.

Đó là bằng chứng thứ 3.

4. Toàn bộ sách Luận Ngữ không có vần, trong Mạnh Tử tuy thỉnh thoảng có những đoạn vần, nhưng rất ít, nhưng trong sách Lão Tử thì lại rất nhiều, khác hẳn với sách Luận Ngữ, Mạnh Tử.

Thiên Hồng Phạm trong kinh Thơ, các thiên Văn Ngôn, Hệ Từ trong kinh Dịch, những câu vần cũng rất nhiều, loại văn xuôi nghị luận mà xen có vần như trong sách Lão Tử không phải là loại văn của thời xưa, đây là bằng chứng thứ 4 rất dễ nhận.

5. Chương thứ 38 sách Lão Tử có viết : " Cho nên mất đạo mà sau đức, mất đức mà sau nhơn, mất nhơn mà sau nghĩa, mất nghĩa mà sau lễ...và lễ là cái bạc của trung tín, và cũng là mối đầu của loạn " và " người biết trước là cái văn vẽ bên ngoài của đạo và cũng là cái bắt đầu của điều ngu... ".

Lập luận nầy rất đúng với sự diễn biến của đạo đức dưới thời Chiến Quốc qua các học phái của Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, nếu Lão Tử là người của thời Xuân Thu thì làm sao có được lập luận như thế ?

Đó là bằng chứng thứ 5.

6. Những câu trong Lão Tử, thấy rất nhiều trong sách Trang Tử, và cũng có những câu của Pháp gia, Binh gia, Tung Hoàng gia, rõ ràng đây là một pho sách gom góp.

Đó là bằng chứng thứ 6.

*

Căn cứ theo 6 bằng chứng kể trên, chúng ta có thể quả quyết rằng pho Lão Tử không phải do một người viết trong một thời gian nào đó, mà do một số người trong thời Chiến Quốc gom góp những câu hay truyền tụng trong phái Đạo gia [vì những câu có vần trong pho sách là những câu như cách ngôn dễ nhớ, dễ đọc, dễ truyền tụng trong dân chúng], rồi cũng có những câu hay trích lục từ trong các sách khác, rồi gán cho Lão Tử.

Dưới thời Hán sơn, vua chúa, hoàng hậu và đại thần rất say mê quyển Lão Tử vì thế mới tôn là " Kinh " rồi học giả lại a dua theo biến quyển sách thành tác phẩm của Chư Tử và được tôn lên hàng đầu.

*

Bổn chú của Lão Tử, bổn xưa nhứt, bây giờ còn là quyển Lão Tử chú của Hà thượng Công. Sách Tùy chí có viết : " Lão Tử Đạo Đức Kinh 2 quyển, dưới thời Hán văn Đế, Hà thượng Công chú ... ".

Sách Sử ký, phần Nhạc nghị truyện có viết : " Nhạc thần chuyên tâm học Hoàng Đế, Lão Tử, Bổn sư là Hà thượng trượng nhơn nhưng không biết ông là người từ đâu đến...Hà thượng trượng nhơn dạy An kỳ Sanh, An kỳ Sanh dạy Mao hấp Ông, Mao hấp Ông dạy Nhạc hà Công, Nhạc hà Công dạy Nhạc thần Công, Nhạc thần, Công dạy Cái Sanh, Cái Sanh dạy Cao mật Tây, Cao mật Tây làm quốc sư cho Tào tướng ".

Tào tướng quốc là Tào Tham, dường như từ Hà thượng trượng nhơn đến Tào Tham, việc truyền thọ rất phân minh, bảy lần truyền mà đến đời Hán sơ, như thế thì Hà thượng trượng nhơn là người thời Chiến Quốc.

Kinh điển Thích văn tự lục có viết : " Hà thượng Công viết sách Chương cú 4 quyển, vua Văn Đế triệu, không đến, Văn Đế liền đến trách ông. Hà thượng Công liền nhảy lên không trung, Văn Đế nghiêm chỉnh tạ lỗi, ông liền trao cho Văn Đế quyển Lão Tử chương cú gồm 4 quyển.

Sách Thuyết văn đã dẫn lời trong quyển Lão Tử tự quyết, và Lão Tử tự quyết chép ở Đạo Tòng Bản, Đạo Đức chơn kinh tứ gia tập chú, tương truyền quyển nầy do Cát Hồng hay Cát Huyền soạn, cho nên chuyện thần thoại Hà thượng Công hợp với truyện thần tiên của Cát Hồng...

Hà thượng trượng nhơn dưới thời Chiến Quốc, tức là Hà thượng Công thời Hán Văn Đế. Trong sách Tùy chí có nói đến quyển Lão Tử chú, tức là bản Lão Tử còn đến ngày nay, và nếu như Hà thượng Công đã trao cho Văn Đế bản Lão Tử chú ấy, thì tự nhiên ông phải cất giữ kỹ trong cung cấm, tại sao lúc Lưu Hướng hiệu đính các sách cho vua lại không có quyển sách ấy ? Và luôn cả sách Thất lược, Hán Chí cũng không thấy ghi vào ? Hơn nữa sự tích và hành động của Hà thượng Công lại quá lờ mờ, không có gì rõ rệt, rõ ràng, đó chỉ là lời thêu dệt của bọn phương sĩ mà thôi.

Vì thế mà Lưu Tri Cơ sau nầy chỉ đề cập đến quyển Lão Tử với lời chú của Vương Bật, chớ hề nhắc đến quyển chú của Hà thượng Công.

Trong Thích Văn tự lục mặc dù đã ghi chuyện Hà thượng Công, nhưng đến phần Lão Tử thích văn cũng chỉ căn cứ đến quyển chú của Vương Bật mà thôi.

*

Về chú bổn quyển Lão Tử, chỉ có quyển của Vương Bật là đáng chú ý hơn hết. Vương Bật là người nước Ngụy, rất giỏi về truyền ngôn, lại tinh thông Dịch lý, cho nên có thể bài bác những lời hoang đường của bọn phương sĩ tìm hiểu được chỗ tinh vi, huyền diệu của pho Lão Tử.

Sách Lưu Đường chí có ghi quyển Huyền ngôn tân kỷ đạo đức 2 quyển, đó chỉ là tập chú Đạo Đức kinh của Vương Bật.

Sách Tân Đường chí lại cho rằng đó là quyển sách do Vương Túc soạn chớ không phải quyển chú của Vương Bật.

Dưới thời nhà Minh có Tiêu Hoằng viết quyển Lão Tử dực, tập trung tất cả tài liệu của Hàn Phi trong các thiên Giải Lão, Dụ Lão cho đến các tập chú Lão Tử khác, cọng tất cả tài liệu của 64 người.

Quyển nầy tài liệu tham khảo rộng rãi, đầy đủ, việc lựa chọn cũng chính xác, tinh vi, phương pháp biên soạn phỏng theo Lý Đảnh Tộ trong Châu Dịch tường giải, nên đây là một quyển đáng chú ý.

Ngoài ra cũng còn quyển Lão Tử thuyết lược của Trương Nhĩ Kỳ đời Thanh, Nhĩ Kỳ là người chuyên môn về cổ học rất đáng tin cậy, kế đó là quyển Lão Tử của Mã Di Sơ...tiếp theo lại còn rất nhiều bản chú khác không sao kể cho hết được.

2. Sách Trang Tử.
Dưới thời nhà Hán, nói đến Đạo gia là đề cập đến Hoàng Lão mà không nói đến Lão Trang. Đối với quyển Lão Tử, sách Hán Chí cho là " Kinh ", còn sách Trang Tử thì không được trích lục những chú bổn, là vì lúc đó Trang Tử chưa được các học giả tôn trọng.

Học thuyết của Trang Tử được trọng là bắt đầu từ thời Ngụy, Tấn và được sắp chung với kinh Dịch và Lão Tử, gọi là " Tam huyền " và cũng từ đó mới được gọi chung là Lão Trang.

Trang Tử được tôn lên làm " Kinh " là bắt đầu từ thời Đường Huyền Tôn, sách Tân Đường Chí có viết : " Đầu năm Thiên Bảo, hạ chiếu gọi quyển Trang Tử là Nam Hoa chơn kinh ".

Trong quyển " Viên Thuần Đường bút ký " của Diêu Phạm có viết : Tên Nam Hoa không hiểu xuất phát từ đâu...

Sách Tùy Chí có nhắc đến các quyển Nam Hoa Luận, Nam Hoa Luận Âm của Lương Khoáng...và gọi Trang Tử là Nam Hoa chơn nhơn, quyển Trang Tử là Nam Hoa chơn kinh, từ đời Đường Khai Nguyên năm thứ 25, như thế thì tên Nam Hoa, trước đời nhà Đường đã có rồi.

Đường Huyền Tôn tôn sùng Trang Tử với một lý do không đâu, và sách Trang Tử liền thành một quyển sách quan trọng trong phái Đạo gia, giá trị còn hơn quyển Lão Tử.

Sau đây, xin lược khảo về quyển Trang Tử :

Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, phái Đạo gia, có quyển Trang Tử 52 thiên, nhưng quyển Trang Tử ngày nay có 33 thiên, so với Hán Chí thì ít hơn 19 thiên, như thế thì quyển sách còn ngày nay là bổn đã bị mất mát.

33 thiên trong sách Trang Tử kể ra như sau :

Nội thiên gồm 7 thiên : Tiêu diêu Du, Tề vật Luận, Dưỡng sanh Chủ, Nhơn gian Thế, Đức sung Phù, Đại tôn Sư, Ứng đế Vương.

Ngoại thiên gồm 15 thiên : Biền Mẫu, Mã Đề, Khư Kịp, Tại Hựu, Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Khắc ý, Thiện tánh, Thu thủy, Chí lạc, Đạt sanh, Sơn Mộc, Điền tử Phương, Tư Bắc Du.

Tạp thiên gồm 11 thiên : Canh tang Sở, Từ vô Quỉ, Đạo Chích, Thuyết kiếm, Ngư phù, Liệt ngự khấu, Thiên hạ.

Trong Nội thiên, các thiên đều có tiêu đề có nghĩa, còn trong Ngoại thiên và Tạp thiên, thì dường như hầu hết các tiêu đề đều không có ý nghĩa.

Về 19 thiên bị mất, thì không rõ mất vào lúc nào, theo sách Kinh điển thích văn tự lục có ghi, thì dưới thời Tấn, có 5 nhà chú thích quyển Trang Tử, nhưng số thiên của mỗi quyển lại nhiều ít khác nhau.

Sau đây là mấy quyển ấy :

1. Bản chú của Tư Mã Bưu 21 quyển, 52 thiên, Nội thiên gồm 7 thiên, Ngoại thiên 28 thiên, Tạp thiên 14 thiên, Giải Thuyết 3 thiên, nhưng sách đã bị mất.

2. Bản chú của Mạnh Thị 18 quyển, 52 thiên, không biết có chia làm Nội, Ngoại, Tạp thiên hay không, sách Thích văn không có ghi. Bản nầy cũng bị mất.

3. Bản chú của Thôi Soạn, 10 quyển, 27 thiên, Nội thiên 7 thiên và Ngoại thiên 20 thiên.

Quyển nầy đã mất.

4. Bản chú của Quách Tượng : 33 quyển, 33 thiên, Nội thiên 7 thiên, Ngoại thiên 15 thiên, Tạp thiên 11 thiên, Âm : 1.

Bản nầy hiện nay còn nhưng sửa lại làm 10 quyển.

Trên đây là bản chú của 5 người, 2 bản của Tư Mã và Mạnh Thị thì số thiên đồng với Hán Chí. Ba bản của Thôi, Hướng, Quách thì số thiên lại ít hơn.

Xét ra, cũng đồng một thời nhà Tấn tại sao lại có bản bị mất đi đến một phần ba số thiên ? Hai bản chú của Thôi và Hướng đã bị mất, nhưng tìm hiểu kỹ bản của họ Quách hiện nay còn, so sánh với bản khác, thì dưới thời nhà Tấn, các nhà chú thích có cắt xén và gom lại nên mới còn ít thiên.

Sách Thích văn tự lục có viết : Trang Tử tài rộng, dạy đời lời nói thâm thúy, thú vị, nói ngay mà như ngược, cho nên khó có ai thông được...người đời sau thêm bớt làm cho mất lần lần cái chân chính của ông, cho nên Quách Tử Huyền có nói : " Có những người đa sự thêm bớt, làm cho có những thiên bị mất bản sắc cũ đến 3 phần 10 ".

Sách Hán thơ Nghệ văn chí, ghi quyển Trang Tử 52 thiên, tức là bản chú của Tư Mã Bưu và Mạnh Thị. Lời chú của ông hoang đường, hoặc giống như Sơn Hải Kinh, hoặc giống như sách bói, mộng...

Chỉ có bản chú của Tử Huyền và Quách Tượng chiếm đến 3 phần 10 quyển sách, chỗ nào nghi ngờ là do kẻ đời sau thêm vào, không đúng với ý của Trang Tử, là Quách Tượng cắt bỏ để giữ cho đúng ý, y như sách Triệu Kỳ đã chú sách Mạnh Tử, cắt bỏ 4 thiên ngoại thơ, thành ra bị mất luôn.

Sách Bắc Tề thơ, phần Đỗ Bật truyện, có viết : Bật đã từng chú thích thiên Huệ Thi sách Trang Tử. Có lẽ bổn Trang Tử ngày nay nửa phần sau từ chỗ " Huệ Thi đa phương " trở về sau, trước kia là 1 thiên riêng, mà những nhà chú thích gom lại thành 1 thiên vì thế mới có thuyết là quyển Trang Tử ngày nay ít thiên hơn là do lý do ấy.

Những đoạn bị mất trong sách Trang Tử, có chỗ còn thấy trong sách Liệt Tử và Hoài Nam Tử, tuy chưa tìm hiểu được những đoạn ấy thuộc về thiên nào, nhưng biết chắc đó là những đoạn bị các nhà chú thích bỏ bớt.

Nội thiên sách Trang Tử, các bản chú thích đều giống nhau là 7 thiên, như thế là các đoạn cắt bỏ thuộc về Ngoại thiên và Tạp thiên.

Nhưng trong phần Nội thiên cũng có những chỗ bị cắt xén hay thay đổi vị trí, quyển Trang Tử ngày nay còn chẳng những số thiên đã ít mà các câu có nhiều đoạn cũng khác với bản cũ.

Vì thế, chúng ta có thể suy đoán, trong số 52 thiên của sách Trang Tử trước kia, nội dung rất bao la, tạp nhạp, và sách ấy không phải do chính Trang Tử viết, mà chỉ do những người hậu học Trang Tử biên soạn, gom góp và việc biên soạn cũng không phải trong một thời gian nhứt định, một lần mà xong, có nhiều người, nhiều lần đã viết thêm vô.

Bản Trang Tử 33 thiên còn lại ngày nay tự nhiên là đã mất mát rất nhiều, và đại bộ phận đã được các nhà chú thích Thôi Soạn, Hưóng Tú, Quách Tượng thêm bớt sửa chữa nhiều lần.

Năm bản chú thích của đời Tấn đã kể trên, bây giờ chỉ còn có một bổn của Quách Tượng, như thế thì " chân diện mục " trước kia của pho Trang Tử như thế nào, chúng ta không có cách gì để biết được cả.

*

Bản chú thích sách Trang Tử còn cho đến ngày nay, bản của Quách Tượng là xưa hơn hết. Bản Quách Tượng tương truyền là đã cóp theo bản Trang Tử của Hướng Tú.

Vụ án đạo văn nầy bắt dầu từ thiên Văn học trong pho Thế thuyết tân ngữ.

Trong thiên Văn học của pho sách trên có chép Hướng Tú chú thích pho Trang Tử chỉ đến 2 thiên Thu Thủy và Chí Lạc, nhưng chưa xong là qua đời.

Phía dưới lại viết tiếp : " Con của Hướng Tú còn nhỏ nhưng lại giữ được 1 bổn chú của cha. Quách Tượng là người kém hạnh thấy bản chú của Hướng Tú chưa lưu hành, liền lấy làm của mình, còn những thiên khác Hướng Tú chưa chú thích thì Quách Tượng chỉ định văn và chấm câu mà thôi.

Sau đó quyển chú của Hướng Tú được lưu hành, cho nên ngày nay có 2 bản của Hướng Tú và Quách Tượng, tuy là 2 bản, nhưng lại giống nhau.

Sách Tấn thơ trích Quách Tượng truyện, và Tiền Tăng trong quyển " Đọc thơ mẫn cầu ký " có viết : " Tôi đọc sách Thích văn của họ Lục, có dẫn lời chú của Hướng Tú nhiều chỗ, như thế là Hướng Tú có một quyển chú Trang Tử lưu hành, thời đại cách nhau quá xa, lời nói truyền nhau có khi bị sai lạc, những lời trong sách Tấn thơ đã nói, cũng chưa chắc là đúng... ".

Đó là những lời biện bạch, minh oan cho Quách Tượng.

Trong phần Thơ mục đề yếu của sách Tứ Khố Toàn Thơ có viết : " Về bản chú của Hướng Tú, Trần Chấn Tôn cho biết đến đời nhà Tống đã bị mất, nhưng còn thấy rải rác những đoạn trong sách Thích Văn của họ Lục. Đem những đoạn ấy so sánh, như câu " Hữu bồng chi tâm " trong thiên Tiêu diêu Du...thì thấy 2 bản đều khác nhau, như câu : " Thánh nhơn bất tử, đại đạo bất chỉ " trong thiên Khư Kịp, hai bên cũng không giống...ngoài ra cũng còn nhiều đoạn không giống nhau.

Trương Trạm trong bản Liệt Tử chú, có những đoạn giống Trang Tử, và cũng có dẫn lời của Hướng Tú và Quách tượng v.v...

Theo sách Thế Thuyết Tân Ngữ thì Hướng Tú chú 2 thiên Thu Thủy và Chí Lạc mà chưa xong rồi chết, nếu Quách Tượng có " cóp " theo thì cũng chỉ một đoạn ngắn ấy thôi, chớ không phải toàn bộ quyển sách.

Tiêu Hoằng cũng có pho Trang Tử dực, cũng gom góp những lời chú của người trước, từ Quách Tượng trở đi, tổng cộng có lối 22 người, có thể nói đây là pho tập chú rộng rãi và đầy đủ. Rồi phần sau lại thêm phần Trang Tử khuyết ngộ gom góp những chỗ sai biệt từ pho Nam Hoa kinh giải của Lục Cảnh Ngươn đời Tống đến các tài liệu trong Sử ký, sách Trang Tử luận của Nguyễn Tịch, Vương An Thạch, sách Trang Tử từ đường ký của Tô Thức v.v... tóm lại, hầu hết sách của các học giả về Trang Tử, ông đều có đọc và trích lục đầy đủ.

Về những pho Trang Tử chú bổn, dưới đời Thanh có pho Trang Tử tập giải của Quách Khánh Phiên, chú thích rõ ràng, bản Trang Tử tập giải của Vương Tiên Khiêm rất giản dị dễ đọc, bản Trang Tử nghĩa chứng của Mã Di Sơ vừa rộng mà lại vừa dễ tóm lược, bản của Mã Di Sơ gồm được những sở trường của Quách Khánh Phiên và Vương Tiên Khiêm, rất đáng cho đọc giả chú ý.

3. Sách Quản Tử và Thái Công.
Sách Đạo gia bây giờ còn lại rất nhiều, nhưng sách nên đọc ngoài Lão Tử, Trang Tử, thì chỉ có Quản Tử. Còn như sách Thái Công không phải là loại sách dưới thời Châu Tần, đọc cũng không có ích lợi gì bao nhiêu.

Các nhà học giả, đề cập đến phái Đạo gia, thường thường chỉ nhắc đến Lão Tử, Trang Tử và Quản Tử, Lão Trang, đoạn trước đã lược qua, bây giờ xin tìm hiểu đến sách Quản Tử.

*

Sách Hán Chí, phần Đạo gia có Quản Tử 86 thiên, với lời chú : Tên Di Ngô, làm tướng cho Hoàn Công, 9 lần hợp chư hầu, không dùng đến binh xa, có Liệt truyện trong Sử ký.

Bản Quản Tử hiện nay, phía trước có phần Tự Lục của Lưu Hướng viết : Khi hiệu đính sách Quản Tử, có 389 thiên, sách Đại trung, đại phu Bốc Khuê 27 thiên, sách của Phú Tham 41 thiên, sách của Tạ Trung Hiệu Úy Lập 11 thiên, sách của Thái sử 96 thiên, tất cả sách trong ngoài là 564 thiên.

Sau khi hiệu đính, bớt những phần trùng 484 thiên, định còn lại 86 thiên, như thế là bản hiệu đính của Lưu Hướng có 86 thiên.

Trong sách Sử ký, chép Quản Án liệt truyện có viết : " Quản Tử đã bị mất 10 thiên, 10 thiên đó là Mưu thất, Chánh ngôn, Phong thiện, Ngôn chiếu, Tu thân, Vấn bá, Mục dân giải, Vấn thừa mã, Khinh trọng (bính), Khinh trọng (canh).

Nghiêm Khả Quân trong quyển Thiết kiều mạn cảo cũng có viết : Dưới thời Lương, Tùy đã mất 10 thiên. Dưới thời nhà Tống lại mất thêm Vương Ngôn, cho nên bản Quản Tử ngày nay, 11 thiên ấy có tên mà không có bài.

Trong sách Tứ khố toàn thơ có ghi : Quản Tử 24 quyển, 86 thiên, trong phần Pháp gia tức là bổn Quản Tử còn hiện nay.

24 quyển với các thiên chép ra sau :

Quyển 1 : các thiên : Mục dân, Hình thế, Quyền tu, Lập chánh, Thừa mã.

Quyển 2 : Thất pháp, Bản pháp.

Quyển 3 : Ấu quan,Ấu quan đồ, Ngũ phụ.

Quyển 4 : Trụ hợp, Xu ngôn.

Quyển 5 : Bát quang, Pháp cấm, Trọng lịnh.

Quyển 6 : Pháp pháp, Binh pháp.

Quyển 7 : Đại khuôn.

Quyển 8 : Trung khuôn, Tiểu khuôn, Vương ngôn.

Quyển 9 : Bá linh, Bá ngôn, Vấn, Mưu thất.

Quyển 10 : Giới, Địa đồ, Tham hoạn, Chế phân, Quân thần [thượng].

Quyển 11 : Quân thần [hạ], Tiểu xưng, Tứ xưng, Chánh ngôn.

Quyển 12 : Xí mị.

Quyển 13 : Tâm thuật [thượng], Tâm thuật [hạ], Bạch tâm.

Quyển 14 : Thủy địa, Tứ thời, Ngũ hành.

Quyển 15 : Thế, Chánh, Cửu biến, Nhiệm tánh, Minh pháp, Chánh thế, Trị quốc.

Quyển  16 : Nội nghiệp, Phong thiện, Tiểu vấn.

Quyển 17 : Thất thần, Thất chủ, Cấm tàng.

Quyển 18 : Nhơn quốc, Cửu thủ, Hoàn công Vấn, Đạt địa.

Quyển 19 : Địa viên, Đệ tử chức, Ngôn chiếu, Tu thân, Vấn bá, Mục dân giải.

Quyển 20 : Hình thế giải.

Quyển 21 : Lập chánh cửu bại giải, Bản pháp giải, Minh pháp giải, Mục thừa mã, Thừa mã số, Vấn thừa mã.

Quyển 22 : Sự ngữ, Hải vương, Quốc súc, Sơn quốc quỷ, Sơn quyền số, Sơn chí số.

Quyển 23 : Địa số, Quì độ, Quốc chuẩn, Khinh trọng [giáp]

Quyển 24 : Khinh trọng [ất], Khinh trọng [binh], Khinh trọng [đinh], Khinh trọng [mậu], Khinh trọng [kỷ], Khinh trọng [canh].

Trở lên tất cả 86 thiên, trừ 11 thiên bị mất, chỉ còn 75 thiên.

*

Quản Trọng làm tướng cho Hoàn Công, làm Bá chư hầu, công nghiệp thật to lớn, còn hơn cả Án Anh, người nước Tề khen ông ngợi ông mãi mãi...cho nên quyển sách của ông như quyển Án Tử là chỉ do người đời sau gom góp lại mà thành, và quyển sách ra đời rất xa thời Chiến Quốc trở về sau.

Quản Trọng mất trước vua Hoàn Công, mà trong sách nhắc đến Hoàn Công, chỉ dùng tên thụy, trong thiên Tiểu Vấn, nhắc chuyện Tần Mục Công phong tướng Bá Lý Hề cũng cách sau Hoàn Công rất xa.

Thiên Tiểu xưng khen Mao Tường, Tây Thi, là mỹ nhân trong thiên hạ cũng là người cuối đời Xuân Thu. Thiên Khinh trọng [giáp] nhắc nước Lương, nước Triệu ; thiên " tuất " thì nhắc đến Triệu Đại, như thế pho sách chẳng những ra đời sau khi Tam gia phân chia nước Tấn, mà cũng sau thời gian nước Ngụy dời qua Đại Lương, và sau khi nước Triệu đến đời Đại Vương.

Lời chú nầy nông cạn, nhiều chỗ sai lầm, xem không có lợi ích gì.

Dưới thời nhà Minh có Quản Tử bổ chú của Lưu Tích khá hơn. Dưới thời nhà Thanh có bản Quản Tử nghĩa chứng của Hồng Di Tuyên, bản Quản Tử hiệu đính của Đái Vọng, tất cả đều là những bản có giá trị.

*

Trong sách Tử Lược, Cao Tợ Tôn có viết : " Sách của Chư Tử bắt đầu từ Bật Hùng, trong sách " Chư Tử biện ", Tống Liêm cũng viết : " Bật Tử là pho sách đầu của Chư Tử ".

Xét theo Hán chí, có ghi chép những sách của Đạo gia, trước Quản Tử có Y Doãn, Tân Giáp, Thái Công, Bật Nhiên, Cao Tống, như thế thì thuyết của 2 người kề trên đã sai.

Hiện nay sách của Y Doãn, Tân Giáp đã mất, còn sách của Thái Công, Bật Nhiên cho đến bây giờ vẫn còn.

Thái Công và Bật Nhiên là người đồng thời nhưng tuổi tác lại cách biệt nhau nhiều.

Sau đây là phần lược khảo về tác phẩm của 2 người.

Sách Thái Công

Sách Hán chí, phần Đạo gia, có sách Thái Công 237 thiên, phần Mưu có 81 thiên, Ngôn 71 thiên, Binh 85 thiên, lời chú như sau : Lã Vọng làm chức Thượng phu, cầm binh nhà Châu, người gốc có Đạo, hoặc gần đây, có kẻ làm Thái Công Thuật để thêm vào quyển sách...

Tiền Đại Chiêu có viết : " Mưu, Ngôn, Binh là tóm ý trong 237 thiên sách và cũng như là tổng danh của quyển sách ".

Trầm Khâm Hàn cũng có viết : " Mưu, tức là " Mưu lược " của Thái Công, Ngôn, tức là Kim quỉ của Thái Công, lời hay ghi lên bảng vàng, Binh tức Thái Công binh pháp ".

Trong Chiến Quốc sách, thiên Tần sách có viết : " Tô Tần, ban đêm dở sách, tìm được mưu Âm phù của Thái Công ".

Sách Quần thơ tự yếu, sau phần Lục thao, có chép mấy việc về mưu lược của Thái Công, đó tức là " Mưu " trong 237 thiên của sách Thái Công.

Sách Sử ký, phần Tề thế gia viết : " Văn Vương với Lữ Thượng bàn mưu, tu đức để lật đổ nền chánh trị nhà Thương, dùng binh quyền và những kế kỳ lạ...đời sau nói về việc binh và mưu chước của nhà Châu, đều tôn Thái Công ".

Nhà Châu, từ đời Thái Vương đã bắt đầu đánh nhà Thương, Thái Công giúp Văn Vương, Võ Vương hoàn thành việc phạt Trụ thay thế công nghiệp nhà Thương, những lời trần thuyết của ông gọi là " Ngôn ", những sách lược kế hoạch đặt ra gọi là " Mưu ", lúc đi phạt Trụ, hành quân gọi là " Binh ".

Công nghiệp của Thái Công với nhà Châu thật là to lớn, và hậu thế còn nhắc mãi. Kẻ sĩ thời Chiến Quốc, thích mượn danh người xưa trong những học thuyết mới định cải tạo chế độ, vì thế kẻ háo sự mới gom góp những tài liệu truyền thuyết, những lời nói của Thái Công, rồi lại thêm vào những quyển mưu của Tô Tần, Trương Nghi, những loại lập luận như Tôn Ngô binh pháp để thêm vô cho thành 237 thiên sách như ngày nay.

Thế nên sách Thái Công là sách của hậu thế viết ra mượn danh ông, chớ đó không phải là tác phẩm của thời Châu sơ, và nhứt là không phải chính do Thái Công đã viết ra.

Sách Tùy Chí có Thái Công Âm mưu 1 quyển, Thái Công Âm phù kiềm lục 1 quyển, Thái Công Phục phù Âm dương 1 quyển.

Sách Cựu Đường chí có Thái Công Âm mưu 3 quyển, Thái Công Âm mưu tam thập lục dụng 1 quyển, đó là những sách thuộc về loại " Mưu ".

Sách Tùy chí có Thái Công kim quỷ 2 quyển, còn Cựu Đường chí thì lại ghi 3 quyển, đó là thuộc loại " Ngôn ".

Sách Tùy chí Thái Công binh pháp 2 quyển, đó thuộc về loại " Binh ".

Như thế là từ đời nhà Đường đến lúc Tống sơ, sách của Thái Công còn lưu truyền.

Sách Thông khảo chỉ chép có quyển Lục thao, trong Tứ khố toàn thơ cũng có quyển sách nầy. Trong phần Binh gia, hiện nay còn quyển Lục thao, tức là Văn thao, Võ thao, Hổ thao, Báo thao, Long thao và Khuyển thao.

Theo bản sách ngày nay thì Long thao được sắp trước Hổ Thao, dường như trong sách Thái Công 237 thiên, phần Binh là 1 bộ phận gồm 85 thiên.

Sách Thông khảo có ghi sách " Cải chánh Lục thao " gồm 4 quyển đó là bổn sách san định dưới đời Tống Ngươn Phong. Bổn Lục thao hiện nay còn, trong có phần Tị Chánh điện v.v...

Sách Lục thao, đọc qua đã thấy rõ là giọng văn của thời Tần Hán, vì dưới thời Thái Công, thuộc nhà Châu, chưa có giọng văn tiến bộ như thế.

Sách Lục thao, thiên Âm phù có viết : " Chủ và tướng có Âm phù, phàm có 8 đẳng : Phù khắc địch dài 1 thước, phù phá quân dài 9 tấc, phù thất lợi dài 3 tấc mà thôi v.v... " như thế là lầm lẫn Âm phù với cờ phù tiết, bùa chú, thật đáng buồn cười.

Sách Châu thị thiệp bút có viết : " Quyển sách bắt nguồn từ Ngô Khởi, góp nhặt những lời của người xưa rồi thêm vào những lý luận quân sự, chánh trị của thời nay, thật là nông cạn không có chỗ nào dùng được cả... "

Tóm lại, sách Lục thao nội dung nông cạn, lời lẽ quê mùa, rõ ràng là pho ngụy thơ, chẳng những không phải của Thái Công viết, mà cũng không phải của người có học thời Tần Hán viết ra mượn tên người xưa để luận về việc binh, mà đó chỉ là một pho sách tạp nhạp, đọc không có ích gì cả.

Sách Bật Tử

Sách Hán chí phần Đạo gia, có Bật Tử 22 thiên, với lời chú : Ông tên Hùng, làm sư phó cho nhà Châu, từ Văn Vương trở xuống, ai ai cũng học.

Nhà Châu phong làm tổ nước Sở. Huân nghiệp của Bật Hùng không bằng Thái Công, và đó là một danh thần thời Châu sơ, thì tất nhiên sách của ông cũng do kẻ háo sự thời Chiến Quốc gom góp thêm bớt mà ra, y như quyển sách Thái Công còn cho đến ngày nay, và cũng không phải là quyển sách trong Hán chí đã ghi, nhứt là nhận xét về lời văn và cách lập luận, thấy rõ ràng không phải thuộc thời Châu Tần mà là thời Chiến Quốc trở về sau, vì thế nên nhiều nhà học giả đã đồng ý đó là pho sách ngụy tạo do người thời Lục triều viết ra, còn pho sách trong Hán chí có ghi thì đã bị mất từ lâu.

4. Các sách Văn Tử, Quan Doãn Tử, Liệt Tử và Hạc Quan Tử .
Trong sách Hán chí, phần Đạo gia, sau Lão Tử, lại có Văn Tử 9 thiên, với lời chú : " là đệ tử của Lão Tử, đồng thời với Khổng Tử, và tự xưng là Châu Bình Vương đã học với ông ".

Sách Tùy chí có ghi Văn Tử gồm 12 quyển, với lời chú : " Trong sách Thất lược ghi có 9 thiên, sách Thất lục đời Lương ghi 10 quyển nhưng đã mất ".

Theo tài liệu trên như thế thì sách Văn Tử đã mất rồi lại xuất hiện, nhưng số thiên, hay số quyển lại nhiều hơn trước. Tại sao vậy ? Bản sách còn cho đến ngày nay gồm 12 quyển, trong số có mấy thiên : Đạo nguyên, Thập thủ, Đạo đức, Thượng nhơn, Thượng lễ bị mất mát nhiều, còn lại 7 thiên thì đầy đủ.

Về tiểu sử của Văn Tử, phần trên đã có khảo cứu qua, và quyển sách của ông cũng do kẻ háo sự thời Chiến Quốc biên soạn rồi gán cho ông.

Bản sách ngày nay còn cũng không phải là bản của thời Chiến Quốc đã bị mất mà chỉ là quyển ngụy tạo dưới thời Lục triều, cho nên tạp nhạp không thể đọc được.

Liễu Tôn Ngươn trong thiên Biện Văn Tử có viết : " Ý của ông là gốc ở Lão Tử, nhưng tìm hiểu kỹ quyển sách thì đó là quyển sách lộn xộn, rất ít chỗ có tinh ý, mà lấy ý sách khác ghép vô thì nhiều, như sách của Mạnh Tử và nhiều nhà khác đều thấy được trích đem vô, nhìn qua là thấy ngay, rồi cách dùng ý, dùng văn cũng thấy không thuần nhứt, như thế rõ ràng là có người đã thêm vào hay cũng có thể đó là quyển sách góp của nhiều người... ".

Như thế bổn sách mà Liễu Tôn Ngươn có đọc cũng đã tạp nhạp rồi.

Trong sách Chư Tử biện, Tống Liêm đã viết : " Tôi thường đọc tìm hiểu sách Văn Tử, thì thấy noi theo Lão Đam, đại khái như là giảng nghĩa Đạo Đức kinh, nhưng lời nói của Lão Tử bao la, rộng rãi, còn quyển Văn Tử thì lộn xộn, có Hoàng Lão, có Danh gia, Pháp gia, Nho gia, Mặc gia...nên cho là lộn xộn rất đúng. "

Trong pho Tử bộ chánh ngụy, Hồ Ngươn thoại đã viết : " Liễu Tôn Ngươn cho rằng pho sách tạp nhạp, như thế là đúng. "

Trong pho " Đáo Hán vi ngôn " Chương Binh Lân đã viết : " Pho Văn Tử ngày nay, phân nửa là viết theo Hoài Nam Tử, còn những chỗ dẫn lời Lão Tử, đều là những thuyết quái dị, rõ ràng là một pho sách góp nhưng lại mượn danh Văn Tử. ".

Giang Tuyền cho rằng pho sách ấy của Văn Chủng viết và tôn sùng như pho Lão Tử, đó là một sai lầm rất lớn.

Bản Văn Tử ngày nay còn lại là bản chú của Từ Linh Phủ người đời Đường, một đạo sĩ đời Nam Tống, Đỗ Đạo Kiên có chú bản Văn Tử, tài liệu khá rộng, lời chú hay, tuy sách ngụy tạo, nhưng lời chú lại có giá trị.

*

Sách Quan Doãn Tử

Sách Hán chí có ghi Quan Doãn Tử 9 thiên với lời chú : " Tên là Hỉ làm quan giữ cửa ải, Lão Tử đi ngang, Hỉ bỏ chức đi theo " đó là căn cứ theo thuyết của Sử ký, trong phần Lão Tử truyện, nhưng trong Sử ký không có nói Hỉ bỏ chức quan đi theo.

Xét theo nguyên văn của Sử ký thì Hỉ không phải tên người, và việc Lão Tử qua cửa ải không có bằng chứng gì xác thực đáng tin cả, như thế thì Quan Doãn Hỉ cũng e rằng chỉ là một điều bịa đặt. Như vậy thì quyển sách là ngụy tạo, khỏi cần biện chứng, chúng ta cũng đã thấy rõ, nhưng trong thiên Đạt Sanh của Trang Tử, và thiên Thẩm Kỷ của Lã Thị Xuân Thu đều nói Liệt Tử có đến học hỏi với Quan Doãn Tử.

Trong thiên Thiên Hạ, Trang Tử lại đề cập Quan Doãn chung với Lão Đam, như thế thì đến đời Chiến Quốc, Quan Doãn Tử đã thành nhơn vật truyền thuyết.

Sách của Quan Doãn không thấy ghi trong Tùy chí, Đường chí và Quốc sử văn nghệ chí đời Tống, như vậy là quyển sách đã bị mất từ lâu.

Dưới thời Nam Tống, có Từ Xiển, tự Tử Lễ tìm được quyển sách ấy ở nhà của Vĩnh Gia Tôn Định, phía trước có phần Tự lục của Lưu Hướng, phía sau có lời tựa của Cát Hồng, quyển sách cũng có 9 thiên, đó là bổn còn cho đến ngày nay.

Trong sách Biện Văn Tử, Liễu Tôn Ngươn viết : " Quyển sách ấy, trước có lời tự của Lưu Hướng, viết rằng : Cái công trao quyển sách cho Tào Tham, Tào Tham chết, quyển sách mất, dưới thời Hiếu Võ, có người phương sĩ đem đến dưng cho Hoài Nam An vương, ông giữ kín, không đưa ra cho ai xem cả. Thân phụ của Lưu Hướng là Đức, phụng sự cho Hoài Nam vương, được quyển sách, nhưng văn lại không đúng, nên nghi đó là sách giả, thỉnh thoảng đọc thử thì thấy góp nhặt theo thuyết nhà Phật và chuyện thần tiên của bọn phương sĩ, mà mượn lập luận của Nho gia, bên trong có những câu như : " Một hơi thở mà đắc đạo... ", " Thanh giao, Bạch hổ... ", " Tụng chú mộc ngẩu v.v... " đó là những câu không bao giờ có dưới thời Lão Tử, như thế rõ ràng là sách giả rồi.

Tóm lại, phần Lão Tử truyện trong sách Sử ký, chép chuyện Lão Tử qua cửa ải, rồi viết sách cho Quan Doãn, đó là chuyện chép sau nầy, vào thời Chiến Quốc, khi đã có quyển Lão Tử rồi, và chuyện Quan Doãn Hỉ bỏ chức đi theo Lão Tử cũng là câu chuyện phụ họa thêm, rồi câu chuyện Quan Doãn viết sách cũng là chuyện phụ họa thêm cốt ý làm cho sách Lão Tử được thêm nhiều người chú ý.

Sách Hán chí ghi pho Quan Doãn Tử, chỉ là một pho sách giả của bọn phương sĩ thời Tần Hán soạn, bọn ấy còn giả luôn cả lời tự lục của Lưu Hướng.

Quyển Quan Doãn Tử không thấy có ghi trong sách Tùy chí, vì pho sách nầy không có giá trị gì, hay cũng có thể vì pho sách đã mất.

Pho sách hiện nay còn chắc chắn là pho sách giả của bọn phương sĩ đời Ngũ Đại soạn ra, như thế là pho sách đã bị giả đến 2 lần.

Sách Liệt Tử

Sách Hán chí phần Đạo gia có ghi sách Liệt Tử 8 thiên với lời chú : " Ông tên Ngự Khấu, trước thời Trang Tử. Trang Tử rất khen phục ông ".

Các sách Tùy chí và Tân, Cựu Đường chí đều ghi số thiên của sách ấy y như Hán chí.

Bản sách hiện nay còn cũng 8 thiên, phía trước có tự lục của Lưu Hướng viết : Trung và ngoại thơ gồm tất cả 22 thiên, trừ trùng 12 thiên và định lại còn 8 thiên, tức là bản Liệt Tử còn đến ngày nay, dường như là Lưu Hướng đã san định và Hán chí ghi theo.

Tám thiên sách Liệt Tử kể như sau :

" Thiên thoại, Hoàng đế, Châu Mục vương, Trọng Ni, Thang vấn, Lục mạng, Dương châu, Thuyết phù. "

Người thời nay, hễ đề cập đến sách Đạo gia, nếu không nói Lão, Trang thì cũng nói Lão Liệt. Liệt Tử và Lão Trang đều là những sách nổi tiếng trong phái Đạo gia, nhưng đó là sách giả hay thiệt thì không một ai dám quả quyết.

Liễu Tôn Ngươn, trong sách Biện Liệt Tử có viết : " Sách của ông bị thêm bớt rất nhiều, và sách viết rằng : Ngụy Mâu, Khổng Xuyên đều ra đời sau Liệt Tử, lời nói nầy không đáng tin v.v... " như vậy là Liễu Tôn Ngươn đã nghi ngờ quyển sách rồi.

Sách Tử lược của Cao Tợ Tôn lại nghi rằng Liệt Tử chỉ là tên một nhân vật truyền thuyết chớ không có thật trong phần khảo cứu về nhân vật Liệt Tử đã có nói qua.

Họ Cao cũng có viết tiếp : Sách Sử ký không có truyện Liệt Tử, mà nội dung quyển sách lại thiển cận, hoang đường, cho nên nghi rằng người đời sau làm giả.

Quyển Liệt Tử mà sách Hán chí đã ghi tức là quyển họ Cao đã nói của người đời sau làm giả, còn bổn Liệt Tử ngày nay còn lại không phải bổn mà sách Hán chí đã ghi.

Diêu Tế Hằng, trong quyển Cổ kim ngụy thơ khảo đã viết : Dưới thời Chiến Quốc, cũng có thể là có quyển sách ấy, do nhóm hậu học của Trang Tử viết và mượn danh người xưa đề tên, nhưng quyển sách ngắn, rồi người đời sau lại viết thêm vô.

Trong sách viết : Thánh nhơn phương Tây, đó là muốn nói Đức Phật, đó là người thời Đông Hán, Minh đế thêm vào, không có gì nghi ngờ được cả.

Tóm lại quyển Liệt Tử được người đời sau làm giả dưới thời Chiến Quốc, tính chất quyển ấy giống với pho Lão Tử mà sách Hán chí đã ghi thì pho ấy đã mất.

Dưới thời Ngụy, Tấn, những người thích huyền ngôn mới góp nhặt những lời Trang Tử và trong các sách khác, thêm vô những tư tưởng và ngôn luận của người đương thời để thành pho Liệt Tử mà chúng ta còn cho đến ngày nay.

Lời văn quyển nầy sinh động, trau chuốt, nên số đông văn nhân rất thích, vì thế mà được đứng ngang hàng với quyển Trang Tử. Nếu đứng trên phương diện học thuật mà xét đoán, thì quyển nầy có giá trị ngang hàng với các quyển Bật Tử, Văn Tử và Quan Doãn Tử hiện nay, nhưng lại thua các quyển Trang Tử, Quản Tử và Lão Tử.

Sách Hạc Quan Tử

Sách Hán chí, phần Đạo gia, có Hạc Quan Tử 1 thiên, với lời chú : người nước Sở, ở thâm sơn, dùng lông chim Hạc làm mũ, như vậy cũng là kẻ sĩ lánh đời, không ai biết ông danh tánh là gì chỉ thấy ông đội mũ bằng lông chim, liền đặt luôn danh hiệu ấy.

Các sách Tùy chí, Đường chí đều ghi là sách ông có 3 quyển, sách Quận trai đọc thơ chí của Triệu Công Võ có chép : Hàn Dũ đọc Hạc Quan Tử 16 thiên, nhưng trong Xương Lê [Hàn Dũ] tiên sanh tập lại ghi là 19 thiên, sách Hiệu Hạc Quan Tử của Lục Điền cũng chép là 19 thiên.

Sách Tứ khố thơ mục thì lại chép đến 26 thiên, như thế là rất nhiều hơn trước, và đó cũng là một bằng chứng rõ ràng có người viết thêm vào.

Bản Hạc Quan Tử hiện nay còn là do Lục Điền hiệu đính, gồm 3 quyển, 19 thiên.

Sách Biện Hạc Quan Tử của Liễu Tôn Ngươn có viết : Kẻ học giả cho rằng bài Phục điểu phú của Giã Nghị là từ Hạc Quan Tử mà ra. Tôi đọc quyển sách ấy thấy lời quê mùa, thô siển, tôi nhận thấy có kẻ háo sự đã viết quyển sách giả rồi mượn bài Phục điểu để đề cao quyển sách ấy.

Sách Sử ký, phần Bá Di liệt truyện có dẫn lời Giã Nghị viết : " Kẻ tham chết vì tiền bạc, kẻ liệt sĩ chết vì danh, còn kẻ hám danh chết vì quyền... ". Quyển sách Hạc Quan Tử không được nhắc đến, có lẽ lúc đó Sử công không thấy quyển sách ấy sao ?

Thật ra, quyển Hạc Quan Tử, văn chương tối tăm, ý văn lẩn quẩn, dở hơn sách Liệt Tử nhiều, như thế nhứt định không phải là sách dưới thời Châu Tần.

*

Trong phần trên, theo sách Hán chí ghi những sách của phái Đạo gia hiện nay còn là tất cả 9 quyển gồm có : Trang tử, do hậu học biên soạn, Lão Tử và Quản Tử, do người thời Chiến Quốc gom góp biên soạn, sách Thái Công, Bật Tử, do người thời Chiến Quốc gom góp biên soạn và mượn danh 2 ông để đề tên lên quyển sách. Sách Văn Tử, Quan Doãn Tử, Liệt Tử, Hạc Quan Tử thì nguyên thơ đã có nhiều chỗ nghi ngờ là giả, rồi quyển sách còn cho đến ngày nay thấy rõ ràng là đã bị ngụy tạo, thế nên sách của phái Đạo gia, những quyển nên đọc chỉ có : Trang Tử, Lão Tử, và Quản Tử mà thôi.

5. Những sách của phái Đạo gia đã bị mất.
Sách Hán chí ghi sách của Đạo gia có tất cả 37 bổn, cho đến ngày nay, chỉ còn có 9 bổn ở phần trên, trong số ấy đặc biệt quyển Lão Tử có đến 4 loại, còn lại 25 bổn sách khác thì đã bị mất.

Các sách bị mất kể như sau :

- Y Doãn

51 thiên, với lời chú : " Làm tướng cho vua Thang ". Vương Ứng Lân viết : Sách Thuyết Uyển, Lã Lãm đều có dẫn lời Y Doãn trả lời cho vua Thang, và sách Châu thơ cũng có viết : Y Doãn chầu nhà Thương dâng sách.

Mạnh Tử cũng có dẫn lời Y Doãn, nhưng chữ Đạo của Y Doãn cũng chưa chắc là đã giống nghĩa chữ Đạo của Lão Tử.

Sách Hán chí, đã đem sách của Y Doãn, Thái Công từ phái Binh quyền mưu gia qua phái Đạo gia, là vì dưới thời Chiến Quốc kẻ sĩ quyền mưu đã viết sách và mượn danh Y Doãn, là vì Y Doãn làm tướng cho vua Thang, công nghiệp được truyền tụng, nhưng niên đại xưa, truyền thuyết có nhiều, kẻ háo sự viết sách mượn danh ông, luôn luôn gom góp những lời truyền thuyết và nương theo sách vở xưa để làm tài liệu, làm cho người đời sau dễ bị lầm.

- Sách Tân Giáp

29 thiên, với lời chú : " Làm tôi vua Trụ, 75 lần can rồi đi. Nhà Châu phong chức cho ông... ".

Vương Ứng Lân viết : " Sách Biệt lục của Lưu Hướng có viết : Tân Giáp có đến nhà Châu, Thiệu Công bàn chuyện và khen...rồi tâu lại với Văn Vương, Văn Vương thân tự đi rước ông, cho làm công khanh và phong làm Trưởng tử. "

Sách Tả truyện viết : " Tân Giáp làm Thái sử... ". Trầm Khâm Hàn có viết : " Hàn Phi thì gọi là Tân Giáp Công... ". Như thế Tân Giáp là danh thần thời Châu sơ cho nên sách Hán chí sắp quyển sách của ông trong lớp Thái Công và Bật Tử...nhưng thật ra đó chỉ là cuốn sách được viết dưới thời Chiến Quốc.

- Sách Quyên Tử

13 thiên, lời chú viết : " Ông tên là Uyên, người nước Sở, đệ tử Lão Tử... ". Nhan Sư Cổ viết : Quyên là họ. Sách Sử ký viết : " Hoàn Uyên, người nước Sở, học thuật Đạo đức của Hoàng Lão, viết sách 2 thiên... ".

Có thuyết cho rằng Quyên Uyên tức là phần Điền Kỉnh Trọng thế gia và Mạnh Tuân liệt truyện trong sách Sử ký nói là Hoàn Uyên trong nhóm Tắc Hạ.

- Khảo Thành Tử

18 thiên, Trầm Khâm Hàn viết : Thiên Châu Mục vương sách Liệt Tử có viết : Lão Thành Tử học thuật kỳ ảo với Doãn văn tiên sinh. Sách Thích văn của Âu Kỉnh Thuận thì viết là Khảo Thành Tử...chữ Lão và Khảo hình và âm giống nhau nên dùng chung.

- Trường Lư Tử

9 thiên, Tiền Đại Chiêu viết : Người nước Sở...Sách Ngự lãm dẫn lời Lã Thị Xuân Thu viết : " Trường Lư Tử có nói : Núi non, sông biển, kim thạch, hỏa mộc, chất chứa mà hình thành ra đất... ".

- Cung Tôn Tử

2 thiên, Nhan Sư Cổ viết : Cung Tôn là họ, không biết tên là gì.

Thời xưa có họ Công Tôn, nhưng chưa hề nghe có học Cung Tôn.

- Châu Huấn

14 thiên, cũng là loại sách của Nho gia như Châu chánh, Châu pháp, Châu chế, nhưng các sách trên luận về chế độ chánh trị, còn sách nầy ghi chép những lời cổ huấn.

- Hoàng Đế Tứ Kinh

4 thiên, sách Lã Lãm thiên Khứ tư có viết : Thinh cấm trọng, sắc cấm trọng, áo quần cấm trọng, hương cấm trọng, vị cấm trọng.

Giả Tử, thiên Tu chánh thượng có chép : Hoàng đế nói : Đạo như nước chảy qua khe đá, cứ chảy ra không ngừng, và vận hành không thôi...

Các sách Chư Tử dẫn lời của Hoàng đế rất nhiều, nhưng có phải trích từ pho Hoàng đế tứ kinh nầy hay không, thì không có tài liệu nào để tìm hiểu được cả.

Người nhà Hán, hễ nói đến Đạo gia là nói đến Hoàng Lão, Chư Tử cũng thường dẫn lời Hoàng đế, có lẽ đó chỉ là ức thuyết vì không một ai nhìn thấy pho sách của Hoàng đế cả.

Hoàng đế hiệu Hiên Viên thị, hay đó chỉ là người phát minh ra xe rồi được người tôn sùng chăng ? Giả sử như hồi xưa mà có Hoàng đế thật, thì việc văn hoá phát minh, đâu phải do một người mà nên.

Tương truyền thời xưa các sự vật phát minh hết 9 phần 10 đều do Hoàng đế, điều đó không có bằng chứng gì để cho chúng ta tin chăc được. Các nhà Đạo gia như Trang Tử, Lão Tử thường mường tượng đến các cảnh xã hội chí thiện, chí đức của thời Thượng cổ, đó chỉ là lối mượn thời xưa để mong cải tạo thời nay mà thôi. Mặc Tử mượn danh Hạ, Võ, Hứa Hành mượn danh Thần Nông cũng cùng một trường hợp như thế, cho nên sách Hán chí ghi những sách của Hoàng đế, đó chỉ là những pho sách của phái Đạo gia thời Chiến Quốc mượn danh người xưa để viết ra mà thôi.

- Hoàng Đế Minh

6 thiên, vua Hoàng đế muốn răn người cho nên làm người vàng, 3 lần bịt miệng gọi rằng người xưa cẩn thận lời nói là như thế...Trong Hoàng đế minh 6 thiên, có Kim nhơn minh...

Đến thời Khổng Tử, Kim nhơn nầy vẫn còn ở miếu nhà Châu, đó cũng là loại " lời hay ghi lên bảng vàng... " chớ không phải nhứt định là người vàng ở dưới thời Hoàng đế, mà chỉ ghi những lời của Hoàng đế thôi.

Ngoài ra những thuyết khác về Hoàng đế minh đều là những lời truyền văn, không có gì làm bằng chứng cả.

- Hoàng Đế Quân Thần

10 thiên, bắt đầu có từ thời Lục Quốc tương tợ như pho Lão Tử.

- Tạp Hoàng Đế

58 thiên, lời chú viết : " Người hiền thời Lục Quốc soạn ". Quyển sách nầy dường như là gom góp những lời truyền thuyết của Hoàng đế dưới thời Lục Quốc mà viết ra, chưa chắc là do một người soạn ra trong một thời gian nào ...

- Lực Mục

22 thiên, lời chú viết : Viết dưới thời Lục Quốc nhưng mượn tên người xưa, Lực Mục là tướng của Hoàng đế.

Trở lên mấy quyển : Hoàng đế tứ kinh, Hoàng đế minh, Hoàng đế quân thần, Tạp Hoàng đế, Lực Mục là do người đời sau viết mà mượn danh Hoàng đế hay danh thần của ông, và sách Hán chí đã sắp những sách kể trên phía sau Lão Tử là vì biết rõ đó chỉ là những tác phẩm của những người thời Lục Quốc

- Tôn Tử

16 thiên, sách của thời Lục Quốc. Đây không phải là quyển Tôn Tử binh pháp của Tôn Võ Tử Tôn Tẩn.

- Tiệp Tử

2 thiên, người nước Tề, dưới thời Lục Quốc. Trong sách Sử ký phần Mạnh Tuân liệt truyện có nhắc Tiệp Vũ tức ông nầy.

- Tào Vũ

2 thiên, người nước Sở, dưới thời Võ đế, đi du thuyết với Tề vương.

- Lang Trung Anh Tề

12 thiên, người dưới thời Võ đế.

- Thần Quân Tử

2 thiên, người đất Thục.

- Trịnh Trưởng Giả

1 thiên, người thời Lục Quốc, trước Hàn Phi, Hàn Phi xưng tụng ông. Nhan Sư Cổ viết : Người nước Trịnh, không biết tánh danh là gì.

Sách Phong tục thông viết : Cuối đời Xuân Thu, nước Trịnh có người hiền, viết sách một thiên, tên là Trịnh trưởng giả, vì tuổi lớn, đức cao nên mới tôn là trưởng giả.

- Sở Tử

3 thiên.

- Đạo Gia Ngôn

2 thiên, ra đời gần đây hơn hết nhưng không biết tác giả là ai. Sách nầy sắp sau chót, y như phần Nho gia sau chót có pho Nho gia ngôn.

*

Trở lên tất cả 25 quyển, là số sách của phái Đạo gia đã bị mất, còn số sách còn lại cho đến ngày nay là 9 quyển, cọng 34 quyển, riêng quyển Lão Tử có đến 4 quyển khác nhau, nên tổng cọng là 37 quyển.