Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Bốn 
*
Lược khảo các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử

- 3 -
Các sách của phái mặc gia

1. Sách Mặc tử và các môn đệ
Sách Hàn chí ghi sách của Mặc gia trước hết là của Doãn Dật, và sau cùng là Mặc Tử.

Doãn Dật là người thời Châu sơ, sách của ông do người đời sau viết và mượn danh ông...

Sách Mặc gia, trước tiên kể Doãn Dật, cũng như trong Đạo gia trước tiên kể Y Doãn, là vì thời gian trước hơn hết, mà không hề chú ý đến sách đó thật hay giả.

Mặc Tử là người khai tổ cho Mặc gia, mà sách của ông lại bị sắp sau cùng thì thật là một điều không hợp lý, vì thế cho nên phải sắp sách ông lên phần đầu chương nầy.

Sách Mặc Tử.

Phần Chư tử lược sách Hán chí có Mặc Tử 71 thiên, với lời chú : Ông tên Địch, làm Đại phu nước Tống, thời sau Khổng Tử... ". Vương Ứng Lân và Trần Chấn Tôn chép là có 1 bổn chỉ có 13 thiên, đây là một bổn Mặc Tử khác.

Sách Tứ khố toàn thư liệt sách này vào Tử bộ, loại Tạp gia, cọng 15 quyển, 53 thiên, số quyển giống như sách Tùy chí đã ghi, còn số thiên thì ít hơn Hán chí 18 thiên, bổn Mặc Tử ghi trên đây còn cho đến ngày nay, và đã bị mất mát một số khá nhiều.

Mặc Tử gồm 53 thiên kể ra như sau :

Quyển 1 : 7 thiên :Thân sĩ, Tu thân, Sở nhiễm, Pháp nghi, Thất hoạn, Từ quá, Tam biện.

Quyển 2 : 3 thiên :Thượng hiền [thượng], Thượng hiền [trung], Thượng hiền [hạ].

Quyển 3 : 3 thiên :Thượng đồng [thượng], Thượng đồng [trung], Thượng đồng [hạ].

Quyển 4 : 3 thiên :Kiêm ái [thượng], Kiêm ái [trung], Kiêm ái [hạ].

Quyển 5 : 3 thiên :Phi công [thượng], Phi công [trung], Phi công [hạ].

Quyển 6 : 3 thiên :Tiết dung [trung], Tiết dung [hạ], Tiết táng [hạ].

Quyển 7 : 3 thiên :Thiên chí [thượng], Thiên chí [trung], Thiên chí [hạ].

Quyển 8: 2 thiên :Minh quỉ [hạ], Phi nhạc [thượng].

Quyển 9: 4 thiên :Phi mạng [thượng], Phi mạng [trung], Phi mạng [hạ], Phi nho [hạ].

Quyển 10: 4 thiên :Kinh [thượng], Kinh [hạ], Kinh thuyết [thượng], Kinh thuyết [hạ].

Quyển 11: 3 thiên :Đại thủ, Tiểu thủ, Canh trụ.

Quyển 12: 2 thiên :Quí nghĩa, Công mạnh.

Quyển 13: 2 thiên :Lỗ vấn, Công thâu.

Quyển 14: 7 thiên :Bị thành môn, Bị cao lâm, Bị thê, Bị thủy, Bị đột, Bị huyệt, Bị nga phụ.

Quyển 15 : 4 thiên :Nghinh địch từ, Kỳ xí, Hiệu lịnh, Tạp thủ.

Trong số 53 thiên kể trên, từ thiên Bị thành môn trở xuống cọng chung 11 thiên, [tức 7 thiên trong quyển 14 và 4 thiên trong quyển 15] là chuyên nói về phương pháp phòng ngự.

Các thiên Kinh thượng, hạ và Kinh thuyết thượng, hạ, cọng chung 4 thiên [trong quyển 10], y như là những định lý trong hình học. Hai thiên Đại thủ, Tiểu thủ [quyển 11] chuyên nói về thuật biện luận, đó là điểm đặc biệt nhứt trong toàn pho sách, cần phải chú ý riêng biệt.

Còn lại tất cả 36 thiên đều là học thuyết của Mặc Tử, nhưng việc biên soạn không phải một lần mà xong, mà việc biên soạn cũng không được thuần nhứt.

Thiên Lỗ Vấn viết : " Phàm nhập quốc, phải chọn việc mà làm, quốc gia hôn loạn thì nói việc " Thượng hiền ", " Thượng đồng ", quốc gia nghèo nàn thì nói việc " Tiết dụng ", " Tiết táng ", quốc gia thích vui chơi, chìm đắm, thì nói việc " Phi nhạc ", " Phi mạng ", quốc gia dâm loạn, vô lễ, thì nói việc " Tôn thiên ", " Thờ người khuất mặt ", quốc gia thích việc cướp đoạt , xâm lăng, thì nói việc " Kiêm ái ", " Phi công "...cho nên mới chọn việc mà làm... "

Như thế thì các thiên Thượng hiền, Thượng đồng, Tiết dụng, Tiết táng, Phi nhạc, Phi mạng, Thiên chí, Minh quỉ, Kiêm ái, Phi công ...đều là những thiên nói lên tôn chỉ của Mặc gia, và đó là chỗ quan trọng của toàn bộ quyển sách.

*

Trong số 53 thiên của pho Mặc Tử, các thiên Kinh thượng, hạ, Kinh thuyết thượng, hạ, Đại thủ, Tiểu thủ, tất cả 6 thiên ấy đều viết ra trong thời gian hậu kỳ thời Chiến Quốc, nên khác hẳn với các thiên khác, cần phải chú ý tìm hiểu riêng.

Phùng Hữu Lan, trong pho Trung quốc Triết học sử đã viết : Trong pho Mặc Tử, các thiên Kinh và Kinh thuyết là do phái Mặc của Hậu kỳ thời Chiến Quốc viết, trong thời gian ấy, phong trào du thuyết rất thịnh hành, việc học tập biên chép, có xu hướng đi đến chỗ giản dị, dễ ghi chép, vì thế có rất nhiều nhà viết sách. Mặc gia có Mặc Kinh, Tuân Tử có Đạo Kinh, Hàn Phi Tử có " Nội ngoại sử thuyết ". Tất cả những tác phẩm kể trên đều có hình thức " Kinh ", nếu dưới thời Chiến Quốc tiền kỳ, thì không bao giờ có thể tài như thế.

Cổ thơ, do tư nhơn sáng tác, được biết cho đến ngày nay, pho cổ nhứt là Luận Ngữ, Luận Ngữ viết theo thể ký ngôn, và cách ký ngôn cũng rất giản dị, đến pho Mạnh Tử và Trang Tử, từ chỗ giản dị đi lần đến thêå ký ngôn và trình bày thêm lý luận, đôi khi có ngụ ngôn, đó là bước đầu của sự diễn biến về văn thể của Chư Tử thời Chiến Quốc, rồi lần lần về sau thì bỏ luôn thể ký ngôn, mà lý luận theo đềø tài, như một bộ phận quan trọng trong sách Tuân Tử đã bỏ hẳn thể ký ngôn mà viết theo lối lập luận có đề tài hẳn hòi. Đó là bước diễn tiến thứ 2 về văn thể của Chư Tử dưới thời Chiến Quốc.

Trong pho Mặc gia, như các thiên Đại thủ, Tiểu thủ, đều căn cứ theo đề tài mà luận, dưới thời đại của Mặc Tử, khi ông còn sống, chưa bao giờ có thể văn như thế.

Hơn nữa, trong các thiên Kinh và Kinh thuyết, Đại thủ, Tiểu thủ, các thuyết : " Kiên bạch đồng dị ", " Ngưu mã phi ngưu "...sau nầy mới có, cho nên Mạnh Tử là người thích biện luận, cũng chưa bao giờ đề cập đến vấn đề ấy.

Qua mấy phương diện trên mà quan sát, chúng ta thấy rõ mấy thiên ấy đều được sáng tác ở hậu kỳ thời Chiến Quốc.

Phùng Hữu Lan đã nhận xét rất đúng, trước kia, dưới thời cổ chưa bao giờ có ai gọi một loại sách nào đó là " Kinh ". Đến như các sách Dịch, Thơ, Thi, Lễ Nhạc, Xuân Thu, ban đầu cũng chưa có tên gọi là Kinh.

Thiên Thiên vận trong sách Trang Tử có ghi việc Khổng Tử nói với Lão Đam : " Khâu sắp xếp Thi, Thơ, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, 6 kinh... " gọi 6 quyển sách trên là Kinh có lẽ đây là lần đầu tiên.

Thiên Thiên vận cũng không phải do tự Trang Tử viết, mà do người sau thời Trang Tử. Mạnh Tử và Trang Tử đồng thời, Mạnh Tử là một Nho gia đại sư mà cũng chưa bao giờ gọi quyển sách trên là Kinh.

Thiên Kinh giải trong sách Lễ ký có nói : " Điều giáo hoá của Thi, Thơ, Nhạc, Dịch, Lễ, Xuân Thu... ". Mặc dù chưa gọi sách ấy là Kinh, nhưng lại dùng chữ " Kinh giải " để đặt tên cho thiên sách, thì cũng như đã đặt tên cho các quyển sách ấy là Kinh rồi.

Nhưng thiên Kinh giải, nếu có ra đời sớm lắm thì cũng chỉ đồng thời với Trang Tử mà thôi. Cuốn sách được đặt tên là Kinh duy chỉ có cuốn Hiếu Kinh, nhưng Hiếu Kinh là một tác phẩm đời nhà Hán, phần trước đã có nói qua.

Niên đại của Mặc Tử, ở cách Khổng Tử không bao xa, và cũng ở trước Trang Tử, nhưng trong sách lại có thiên tên Kinh, như thế rõ ràng không phải là tác phẩm dưới thời Mặc Tử.

Dưới thời Nho gia, các sách được tôn kính đều gọi là Kinh, và bắt đầu bằng pho Lục Kinh, rồi Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia v.v...sau đó mới có sách gọi là Kinh.

*

Về bản chú giải Mặc Tử, không có nhiều, dưới thời Nam Tống và thời Minh sơ, có một bản khác chỉ gồm có 13 thiên, do Nhạc Đài chú, nhưng bản sách nầy đã bị mất.

Tất Ngươn có bản Mặc Tử hiệu chú, gom được tất cả những lời hiệu đính của Lư Văn Chiêu, Tôn Tinh Viễn, lại tham khảo thêm được nhiều sách khác dưới thời Đường, Tống. Tôn Di Nhượng cũng có quyển Mặc Tử, tập trung được ý kiến của nhiều người để so sánh, sửa chữa lại những chỗ sai lầm, nghĩa lý minh bạch, mà đoạn hoàn thiện nhứt là " 6 thiên Mặc biện ".

Dưới thời nhà Tấn, Lễ Thắng có quyển Mặc biện chú nhưng đã bị mất, Trương Huệ Ngôn có quyển Mặc Tử kinh thuyết giải, Hồ Thích thì có Tiểu thủ thiên tân hổ, Lương Khải Siêu có Mặc kinh hiệu thích, các sách nầy đều có giá trị.

Sách Hán chí ghi những sách của Mặc gia, ngoài pho Mặc Tử còn có 5 quyển khác, nhưng đã bị mất.

Năm quyển ấy kể như sau :

1. Doãn Dật

2 thiên, với lời chú : Công thần nhà Châu, dưới thời Thành vương, Khương vương. Sách Tả truyện có chép : " Chi của Sử Dật... "

Sách Thuyết Uyển, thiên Chánh lý có dẫn lời Thành vương hỏi việc chánh với Doãn Dật, Doãn Dật là quan sử nhà Châu, là người đầu trong phái Mặc gia, nhưng quyển sách của ông đã mất, không còn tài liệu gì để tìm hiểu được cả.

Doãn Dật được kể là người mở đầu cho phái Mặc gia, cũng như Y Doãn, Tân Giáp, Thái Công mở đầu cho phái Đạo gia, tất cả đều là danh thần dưới thời Châu sơ. Tất nhiên những lời nói của những người ấy lưu truyền cho đến đời sau rất nhiều, cho nên được dẫn trong nhiều sách, dưới thời Chiến Quốc, có kẻ háo sự viết sách rồi mượn danh những người ấy, mặc dù bên trong có gom góp những lời của người xưa, nhưngphần thêm vào những ý của mình cũng không ít....

Quyển Doãn Dật cũng trong trường hợp kể trên.

2. Điền Cầu Tử

3 thiên, người thời trước Hàn Phi Tử. Sách Tùy chí có chép : Nước Lương có Điền Cầu Tử viết sách 1 quyển.

Sách Lã Lãm và Hàn Phi thì lại chép là Điền Cưu Tử. Ông thuộc thời trước Hàn Phi, thì có lẽ sau Mặc Tử.

3. Ngã Tử

1 thiên, Nhan Sư Cổ viết : Sách Biệt lục của Lưu Hướng viết : Ngã Tử thi hành cái học của Mặc Tử, như thế ông là hậu học của Mặc Tử.

4. Tùy Sào Tử

6 thiên,đệ tử của Mặc Tử. Theo sách Tùy Đường chi thì pho sách gồm 1 quyển, đã mất.

5. Hồ Phi Tử

3 thiên, đệ tử của Mặc Tử. Sách Ngươn hòa tánh soán viết : Hồ phi là họ, hậu duệ của Hồ Công nước Trần có Công tử Phi, rồi tử tôn lấy Hồ phi làm họ.

Sách Tùy chí và Đường chí đều ghi sách nầy gồm 1 quyển nhưng đã bị mất.

*

Sách Hán chí chép về sách của Mặc gia chỉ có 6 pho, trong 6 pho ấy bây giờ chỉ còn có 1 quyển Mặc Tử mà thôi. Nhưng quyển Mặc Tử 71 thiên, bây giờ chỉ còn lại có 53 thiên, như thế là còn mà không trọn vẹn. Dưới thời Chiến Quốc, Mặc gia và Nho gia có thế đứng ngang hàng nhau, mà sách vở lại ít oi như thế, thật là một điều đáng tiếc.

Có thuyết cho rằng vì Mặc Tử chủ trương gian khổ, đạo của ông quá khắc khe cho nên ít ai chịu đựng được, mà Mặc Tử lại chủ trương thực tế, không thích văn từ hoa mỹ cho nên học thuyết chỉ bồng bột nhứt thời nên không có sách vở lưu truyền nhiều cho hậu thế.