Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Bốn 
*
Lược khảo các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử

- 5 -
Các sách của Danh gia và Âm dương gia

 
Hán chí ghi sách Danh gia, gồm có 7 quyển, nhưng hiện chỉ còn có pho Công Tôn Long, nhưng bị mất mát nhiều, chỉ còn lại có 6 thiên mà thôi, kỳ dư các pho sách khác, đều bị mất hoàn toàn.

Ngày nay các pho Đặng Tích Tử, Doãn Văn Tử còn lại đều là những pho sách giả.

Sách Công Tôn Long
Trong Hán chí, phần Chư Tử lược, phái Danh gia có pho Công Tôn Long 14 thiên, với lời chú : " Người nước Triệu ".

Sách Tùy chí không có nhắc đến quyển sách nầy, sách Cựu Đường chí ghi là 3 quyển, sách Thông chí lại ghi là 1 quyển. Sách Tứ khố toàn thơ thì đem vào phần Tạp gia, và quyển sách chỉ có 6 thiên, tức là bản sách còn cho đến ngày nay.

Như thế thì, so với Hán chí pho sách đã bị mất hết 8 thiên.

Sách Sử ký, phần Mạnh, Tuân liệt truyện có chép : nước Triệu có Công Tôn Long, biện thuyết về " Kiên bạch đồng dị ". Sách Hoài Nam thuyên ngôn huấn có viết : " Công Tôn Long nuốt chữ mà nổi danh ".

Sách Dương tử pháp ngôn cũng nói Công Tôn Long dùng lời quỉ quyệt đến mấy vạn. Sách Sơ học ký dẫn lời sách Lưu Hướng biệt lục : Công Tôn Long nắm lý luận " Ngựa trắng " mà qua cửa ải.

Ngày nay, quyển sách của ông tuy bị mất nhiều, nhưng cũng còn có thể thấy được thuyết của ông. Quyển sách tuy lạ lùng nhưng có sở trường về biện luận.

Trần Chấn Tôn, trong quyển Trực trai thơ lục giải đề chê Công Tôn Long là nông cạn, quê mùa và vòng vo, chưa biết cách ăn nói, chỉ dùng một chữ mà quanh quẩn, biến đổi vô cùng, càng lúc càng hóc hiểm, không phải là để giải danh học mà chỉ đi đến chỗ làm cho không ai hiểu được.

Minh Chung Tinh có in quyển nầy, đổi tên lại là Biện Ngôn, như thế là không thích đáng.

*

Sách Hán chí, ghi sách của phái Danh gia, trước tiên có Đặng Tích : 2 thiên, với lời chú : Người nước Trịnh, đồng thời với Tử Sản. Trong sách Tuân Tử cũng có nhắc chung Đặng Tích với Huệ Thi và chê ông là " Thích nói về những thuyết kỳ lạ, và đùa với chữ ". Lưu Hướng thì phê phán ông là người thích " Hình, Danh ". Chủ trương học thuyết " Lưỡng khả " [mặt nào cũng đúng] và biện luận thì vô cùng.

Hoài Nam Tử lại nói : Đặng Tích xảo biện mà làm loạn pháp. Sách Tả truyện ghi : Tứ Chuyên giết Đặng Tích, mà lại dùng hình pháp của ông, như thế thì có lẽ Đặng Tích là người thông hình pháp mà cũng giỏi về lối quỉ biện. Sách Tứ khố toàn thơ liệt ông vào phái Pháp gia, có lẽ cũng vì lý do trên.

Sách Đặng Tích 2 thiên, thiên Vô hậu và Chuyển từ là thuộc phái Danh gia, cùng loại với Huệ Thi và Công Tôn Long, đây là loại tác phẩm từ giữa đời Chiến Quốc trở về sau, nhưng Đặng Tích lại là người thời Xuân Thu, như thế thì quyển sách trên do người đời sau viết rồi mượn danh Đặng Tích.

Bản sách còn cho đến ngày nay là ngụy thơ, hiện nay có quyển Đặng Tích Tử do Nghiêm Vạn Lý chú thích.

Sách Hán chí, phần Danh gia, cũng có Doãn Văn Tử, 1 thiên, với lời chú : Đến du thuyết với Tề Tuyên vương, trước Công Tôn Long. Nhan Sư Cổ viết, Lưu Hướng có viết : cùng với Tống Hình có ở Tắc Hạ.

Hồng Mại dẫn lời Lưu Hâm nói rằng, Doãn Văn và Tống Hình đồng học với Công Tôn Long, như thế là không đúng.

Sách Tùy chí chép quyển sách của ông có 2 quyển. Trong Tứ Khố toàn thơ, phần Tạp gia có Doãn Văn Tử 1 quyển phân làm 2 thiên : Đại đạo thượng và Đại đạo hạ, tức là bổn sách còn lại đến ngày nay.

Phía trước quyển sách có bài tựa của Sơn Dương và Trọng Trrường đời Ngụy.

Mã Di Sơ cho rằng bài tựa và 2 thiên sách này đều là giả, vì ngôn từ trong sách rất tầm thường, ý nghĩa nông cạn, không giống văn của thời Chiến Quốc.

Bản Doãn Văn Tử ngày nay được 3 bản do 3 nhà chú thích khác nhau là Tiền Chiếu Tộ, Uông Kế Bồi và Vương Thời Nhuận.

Các sách Đặng Tích Tử và Doãn Văn Tử còn cho đến ngày nay đều là ngụy thơ, còn 4 quyển kể phía sau, đều bị mất.

1. Thành Công Sanh

5 thiên, với lời chú : Đồng thời với Hoàng Công. Nhan Sư Cổ viết : Ông họ Thàng Công. Lưu Hướng viết : Đồng thời với Lý Tư và Do. Lúc đó Do làm quan thú đất Tam Xuyên, Thành Công Sanh đến du thuyết bảo đừng làm quan. Như thế ông là người nước Tần.

Sách Hán chí ghi chép sách của Chư Tử, sắp theo trật tự thời đại trước sau, nhưng không hiểu tại sao Thành Công Sanh lại được sắp trước Huệ Tử.

2. Huệ Tử

1 thiên, với lời chú : Ông tên Thi, đồng thời với Trang Tử. Trong sách Trang Tử, thiên Thiên Hạ, thiên Chí Lạc đều có nhắc đến Huệ Thi và nói " Huệ Thi nhiều phương thuật, sách ông nhiều đến 5 xe ". Trong khi đó thì Hán chí lại ghi chỉ có 1 thiên, không hiểu tại sao.

Quyển sách của Huệ Thi đã mất, mà Trang Tử lại chép sách ông rất nhiều, trong thiên Thiên Hạ lại tường thuật thuyết của Huệ Chi, các sách : Hàn Phi Tử, Lã Thị Xuân Thu, Chiến Quốc sách, Thuyết Uyển đều có dẫn lời của Huệ Thi, như thế thì ông là một danh gia cự tử dưới thời Chiến Quốc có thể so sánh với Công Tôn Long.

3. Hoàng Công

4 thiên, với lời chú : Tên Tỳ, làm Bác sĩ dưới thời nhà Tần, làm thi, ca, thấy có chép trong quyển Tần ca thi.

4. Mao Công

9 thiên, với lời chú : Người nước Triệu, cùng với nhóm Công Tôn Long thường lui tới với Bình Nguyên Quân và Triệu Thắng. Nhan Sư Cổ viết : Sách Biệt lục của Lưu Hướng có viết : Luận " Kiên bạch đồng dị " và cho rằng có thể dùng thuyết nầy để trị thiên hạ...Sách Sử ký chép : Ông là người xử sĩ, tìm chỗ ẩn, không muốn chường mặt với đời.

*

Sách của phái Danh gia, bây giờ chỉ còn pho của Công Tôn Long, mà lại bị mất mát rất nhiều, thuyết của Huệ Thi còn có thể đọc được chút ít trong thiên Thiên hạ của Trang Tử.

Trong các thiên Kinh thượng, hạ, Kinh thuyết thượng, hạ, Đại thủ, Tiểu thủ của pho Mặc Tử và thiên Chánh danh của Tuân Tử, chúng ta có thể tìm thấy dưới thời Chiến Quốc hậu kỳ, 2 phái Nho, Mặc đã phát triễn Danh học như thế nào.

+

Trong Hán chí, phần Chư Tử lược, về sách của phái Âm Dương gia, thấy có chép được 21 pho, nhưng cho đến ngày nay thì đã mất tất cả, có lẽ vì giá trị các sách nầy không bằng Nho, Đạo, Mặc, Pháp, Danh nên dễ bị mất chăng?

Các sách bị mất kể như sau :

1. Tống Tư Tinh Tử Vi

3 thiên, lời chú viết : Làm quan Sử cho Cảnh Công. Trầm Khâm Hàn viết : Sách Lã Lãm, Chế nhạc thiên viết : Dưới thời Tống Cảnh Công, ông bứt rứt hồi hộp, nên lo sợ liền triệu Tử Vi đến hỏi. Tử Vi thưa : Bứt rứt, hồi hộp là trời phạt, tại vạ là do ở vua...Nếu vua làm điều lành, tự nhiên sẽ hết.

2. Công Thọ SanhChung Thủy

14 thiên. Công thọ là họ ghép, chữ chung thủy là theo lời của phái Âm Dương " Ngũ hành chi đức chung nhi phục thủy " [Đức của Ngũ hành hết mà trở lại đầu].

3. Công Tôn Phát

23 thiên. Người dưới thời Lục Quốc. Dưới thời Hán Văn đế, có người nước Lỗ là Công Tôn Thần dâng vua quyển Ngũ Đức chung thủy truyện. Công Tôn Thần có lẽ là hậu duệ của Công Tôn Phát.

4. Trâu Tử

49 thiên. Ông tên Viễn, người nước Tề, làm thầy Yên Chiêu vương, ở Tắc Hạ, cũng có hiệu là Đàm Thiên Viễn.

Trâu Viễn cho rằng; Biến đổi là nguyên tắc của thiên đạo và nhơn sự.

5. Trâu Tử Chung Thủy

56 thiên. Nhan Sư Cổ viết : Cũng nói về thuyết của Trâu Viễn. Sách nầy và sách trên cũng cùng một người viết, nhưng tại sao lại chia làm 2 quyển, không ai hiểu được, vì không có tài liệu gì để khảo sát được cả.

6. Thừa Khâu Tử

5 thiên. Người dưới thời Lục Quốc, sách Hán chí chép là Tang Khâu Tử.

7. Đỗ Văn Công

5 thiên. Người dưới thời Lục Quốc. Sách Biệt Lục chép là người nước Hàn

8. Hoàng Đế Thái Tố

20 thiên. Dưới thời Lục Quốc, Người trong Chư công tử nước Hàn viết. Sách Biệt Lục chép : Cũng có thể là trong hàng cháu của nước Hàn viết. Sách nói về chuyện Âm Dương ngũ hành, và cho đó là Đạo của Hoàng đế, cho nên mới nói là Thái Tố. Theo Liệt Tử, Thái Tố là bắt đầu của chất.

Quyển sách nầy là của người thời Chiến Quốc viết, cũng như phái Đạo gia viết sách rồi mượn danh Hoàng đế để cho người đời sau tin tưởng.

9. Nam Công

31 thiên. Người dưới thời Lục Quốc, sách Ngươn Hòa tánh soán có viết : Dưới thời Chiến Quốc có Nam Công, viết sách 30 quyển, nói về việc âm dương, ngũ hành, ông là hậu duệ của Nam công tử nước Vệ.

10. Dung Thành Tử

14 thiên. Tuơng truyền Dung Thành là Đế vương thời thượng cổ, có kẻ lại nói đó là thầy của Hoàng Đế, sách Kinh điển thích văn lại nói là thầy của Lão Tử, có lẽ đây là một nhân vật truyền thuyết, người đời sau viết sách rồi bày ra tên người để đặt lên quyển sách mình. Quyển nầy chuyên về âm dương, lịch số.

11. Trương Thương

16 thiên. Làm chức Thừa tướng, tước Bắc Bình hầu. Trong Trương Thương truyện có viết : Viết sách 16 thiên, nói về âm dương, luật lịch.

12. Trâu Thích Tử

12 thiên. Người nước Tề, hiệu Điêu Long Thích, quển sách nầy, nếu theo thứ tự thời đại thì phải sắp sau Trâu Viễn.

13. Lư Khâu Tử

13 thiên. Ông tên Khoái, người nước Ngụy, thời trước ông Nam Công.

14. Phùng Xúc

13 thiên. Người nước Trịnh, khôngrõ thuộc thời đại nào.

15. Trương Cự Tử

5 thiên. Người thời Lục Quốc, trước Nam Công, được Nam Công khen tặng. Sách Hán chí viết : Dưới thời Lục Quốc, Trương Cự Chương viết sách 5 thiên, như thế Trương Cự Tử tên là Chương.

16. Ngũ Tào Quan Chế

5 thiên. Nói về chế độ nhà Hán, dường như do Giã Nghị sắp xếp, điều trần.

Trong Giã Nghị truyện có viết : Nghị nghĩ rằng phải nên sửa đổi chánh, sóc, thay màu sắc y phục, dịch lại quan danh, hưng lễ nhạc, nên thảo ra phép tắc, màu thì dùng màu vàng, số thì dùng 5, đặt tên quan và xin tâu lên tất cả.

Chữ Ngũ Tào ở đây chưa hiểu là gì, không biết có liên quan gì đến Ngũ hành không?

17. Châu Bá

11 thiên. Người nước Tề, dưới thời Lục Quốc.

18. Vệ Hầu Quan

12 thiên. Sách gần đây, không biết tác giả là ai.

19. Vu Trường Thiên Hạ Trung Thần

9 thiên. Người gần đây, ở đất Bình Âm. Nhan Sư Cổ viết : Ông viết những chuyện trung thần trong thiên hạ.

Đào Hiến Tăng viết : Sách ông không truyền lại cho đến ngày nay, nhưng lại được liệt vào phái Âm Dương, tất nhiên phải có lý do, vì không thấy được quyển sách, nên không sao đoán được.

Đổng Trọng Thư trong sách Trung Thu phồn lộ có viết : " Ngũ hành là hạnh của trung thần, hiếu tử ". Có lẽ vì thế mà quyển sách được liệt vào phái Âm Dương gia.

20. Công Tôn Hỗn Tà

15 thiên. Tước hầu ở Bình Khúc, có chỗ viết là Côn Tà.

21. Tạp Âm Dương

38 thiên, không biết tác giả là ai. Quyển sách nầy gom góp những lời nói rải rác của phái Âm Dương mà viết thành, cũng như các quyển : Nho gia ngôn. Đạo gia ngôn, Pháp gia ngôn...

*

Sách Hán chí ghi những sách của phái Âm Dương đều bị mất tất cả, nhưng phái Âm Dương gia rất gần với khoa số thuật, như thế nên xếp vào ngành học thuyết hay là ngành kỹ thuật chuyên môn?

Dưới thời Tần Hàn, bọn phương sĩ chuyên nghề bói toán rất rành về thuyết của phái Âm Dương gia, vì thế, mặc dù sách của phái nầy đã bị mất nhưng học thuyết lại rất thạnh ở dưới thời Lưỡng Hán, rồi Nho gia, Đạo gia lại hỗn hợp vào để thành những học thuyết kỳ lạ.

Đến cuối đời Đông Hán, thuyết Âm Dương ngũ hành của Đạo giáo lưu truyền cho đến ngày nay trong xã hội Trung Quốc và luôn cả ở nước Việt Nam chúng ta.

Vì thế, chúng ta có thể nói, tuy sách của phái Âm Dương gia đã mất, nhưng học thuyết của phái ấy vẫn còn tồn tại.