Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]

Bách Gia Chư Tử
Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh
biên soạn
-
Phần Bốn 
*
Lược khảo các tác phẩm của Bách Gia Chư Tử

- 6 -
Các sách của phái tạp gia 
lã thị xuân thu, hoài nam tử và mấy quyển khác

Sách của phái Tạp gia, trong pho Hán chí có ghi, tất cả là 20 pho, nhưng bây giờ còn chỉ có Lã thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử. 
Sau đây xin lược khảo về 2 pho sách ấy. 
Lã Thị Xuân Thu
Sách Hán chí, phần Chư Tử lược, có Lã thị Xuân Thu 26 thiên, với lời chú : " Tướng nước Tần, Lã Bất Vi gom góp các kẻ sĩ trí lược viết ".

Trong Sử ký, phần Ngụy công tử truyện có viết : " Khách chư hầu tiến dưng binh pháp, công tử đều đứng tên, cho nên thế tục mới truyền Ngụy công tử binh pháp... ".

Gom góp binh pháp của các tân khách chư hầu rồi đề tên Tín Lăng Quân cũng như gom góp kẻ trí lược trong số môn hạ để viết pho Lã thị Xuân Thu, rồi đề tên Lã Bất Vi lên trên.

Trong thiên Tự Ý của sách có viết : " Duy Tần bát niên... ". Năm thứ 8 đời Tần Vương Chánh, là lúc Lã Bất Vi làm thừa tướng nước Tần, xưng là Trọng phụ, phong làm Văn tín hầu, thanh thế hiển hách một thời.

Trong sách Sử ký, phần Tự Tự, và Bá Nhâm an thơ có viết : " Bất Vi dời qua đất Thục, đời đời truyền sách Lã Lãm... ", dường như quyển sách được viết sau khi Bất Vi dời qua đất Thục, nhưng đây có lẽ Sử công Tư Mã Thiên sơ xuất trong việc viết văn mà thôi.

Quyển sách gồm các phần : Thập nhị kỷ, Bát lãm, Lục luận, cọng 26 thiên, mỗi thiên đều có mục nhỏ.

Phần Thập nhị kỷ, mỗi thiên lớn lại chia thành 5 thiên nhỏ, cọng chung 60 thiên.

Phần Bát lãm, mỗi thiên lớn lại chia làm 8 thiên nhỏ, vì thiếu mất thiên " Đệ nhứt lãm " nên chỉ còn tất cả 63 thiên.

Phần Lục luận mỗi thiên lớn lại chia làm 6 thiên nhỏ, cọng chung 36 thiên.

Phần Thập nhị kỷ, sau cùng có Tự ý thiên, tức là phần Tự tự, nếu cọng chung tất cả những thiên nhỏ, thì có tất cả 160 thiên.

Sách Lã thị Xụân Thu có 26 thiên lớn, với 160 thiên nhỏ kể như sau :

A. Phần Thập Nhị Kỷ : cọng 60 thiên

1. Mạnh Xuân kỷ có các thiên : Mạnh xuân, Bổn sanh, Trọng kỷ, Quí công, Khứ tư.

2. Trọng Xuân kỷ : Trọng xuân, Quí sánh, Tình dục, Đương nhiễm, Công danh [có chỗ chép là Do đạo].

3. Quí Xuân kỷ : Quí xuân, Tận số, Tiên kỷ, Luận nhơn, Viên đạo.

4. Mạnh Hạ kỷ : Mạnh hạ, Khuyến học [có bản chép Khuyến sư], Tôn sư, Vu đồ, Dụng chúng [có bản chép Thiện học].

5. Trọng Hạ kỷ : Trọng hạ, Đại lạc, Xí lạc, Thích âm, Cổ lạc.

6. Quí Hạ kỷ : Quí hạ, Âm luật, Âm cơ, Chế nhạc, Minh lý.

7. Mạnh Thu kỷ : Mạnh thu, Đảng binh, Chấn loạn, Cấm tái, Hoài sùng.

8. Trọng Thu kỷ : Trọng thu, Luận uy, Giản tuyển, Quyết thắng, Ái sĩ.

9. Quí Thu kỷ : Quí thu, Thuận dân, Trí sĩ, Thẩm kỷ, Tinh thông.

10. Mạng Đông kỷ : Mạnh đông, Tiết táng, An tử, Dị hảo, Dị dụng.

11. Trọng Đông kỷ : Trọng đông, Chí trung, Trung liêm, Đương vụ, Trường kiến.

12. Quí Đông kỷ : Quí đông, Sĩ tiết, Giới lập, Thành liêm, Bất xâm.

Phụ : Tự Ý.

B. Phần Bát Lãm : cọng 63 thiên

1. Hữu Thủy lãm : Hữu thủy, Ứng đồng, Khứ vưu, Thính ngôn, Cẩn thính, Vụ bổn, Dụ đại.

2. Hiếu Hạnh lãm : Hiếu hạnh, Bổn vị, Thủ thời, Nghĩa thường, Trường chánh, Thận nhơn, Ngộ hợp, Tất kỷ.

3. Thận Đại lãm : Thận đại, Quyền huân, Hạ hiền, Báo canh, Thuận thuyết, Bất quảng, Quí nhơn, Sát kim.

4. Tiên Thức lãm : Tiên thức, Quang thế, Tri tiếp, Hối quá, Lạc thành, Sát vi, Khứ hựu, Chánh danh.

5. Thẩm Phân lãm : Thẩm phân, Quân thủ, Nhiệm số, Vật cung, Tri độ, Thận thế, Bất nhị, Chấp nhứt.

6. Thẩm Ứng lãm : Thẩm ứng, Trùng ngôn, Tinh dụ, Ly vị, Dâm từ, Bất khuất, Ứng ngôn, Cu bị.

7. Ly Tục lãm : Ly tục, Cao nghĩa, Thượng đức, Dụng dân, Thích uy, Vi dục, Quí tính, Cử nan.

8. Thị Quân lãm : Thị quân, Trường lợi, Tri phận, Triệu loại, Đạt uất, Hành luận, Kiêu tứ, Quang biểu.

C. Phần Lục Luận : cọng 36 thiên

1. Khai Xuân luận : Khai xuân, Sát hiền, Kỳ hiền, Thẩm vi, Aùi loại, Quí tốt.

2. Thận Hành luận : Thận hành, Vô nghĩa, Nghi tợ, Nhứt hạnh, Cần nhơn, Sát truyền.

3. Quí Trực luận : Quí trực, Trực gián, Tri hoá, Quá lý, Ưùng tắc, Nguyên loạn.

4. Bất Cẩu luận : Bất cẩu, Tán năng, Tự trì, Đường qui, Bác chi, Quí đường.

5. Tự Thuận luận : Tự thuận, Biệt loại, Hữu độ, Phân chức, Xử phương, Thận tiểu.

6. Sĩ Dung luận : Sĩ dung, Vụ đại, Thượng uông, Nhiệm địa, Biện sĩ, Thẩm thời.

*

Sách Sử ký, phần Thập nhị chư hầu niên biểu tự, và trong truyện Lã Bất Vi đều viết : " Ông viết Bát lãm, Lục luận, Thập nhị kỷ ". Quyển sách cũng gọi là Lã lãm, vì phần Bát lãm nằm trước và và trong sách cổ thơ, phần Tự tự đều nằm ở phía sau quyển sách, thiên Tự Ý là phần Tự tự của sách Lã thị Xuân Thu và nằm ở phía sau phần Thập nhị kỷ, sau thiên Quí Đông kỷ, như thế thì rõ ràng là trước kia phần Thập nhị kỷ đã được sắp sau các phần Bát lãm, Lục luận, và thứ tự quyển sách trước kia không giống với quyển sách còn cho đến ngày nay.

Quyển sách nầy đều có gom góp trong các sách : Khổng Tử, Tăng Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Y Doãn, Liệt Tử v.v... mà không hề chuyên chú theo một quyển sách nào, cho nên nội dung rất phức tạp, và cũng nhờ thế mà chúng ta còn tìm thấy được một ít về các sách cổ thời Tiên Tần đã bị mất, như các sách của Âm Dương gia, Nông gia v.v...và đây cũng có thể nói là quyển sách xưa nhứt được sáng tác theo lối tập thể.

Quyển Lã thị Xuân Thu chú của Cao Dụ đời Đông Hán, là bản sách tối cổ còn lại cho đến ngày nay. Kế đến có bản hiệu đính của Tất Ngươn rồi bản Lã thị Xuân Thu hiệu bổ, tục bổ của Lương ngọc Thắng, bản Lã thị Xuân Thu chánh ngộ của Trần Xương Tề, các quyển sách sau đều khá nên đọc.

*

Sách Hoài Nam Tử
Sách Hán chí, phần Chư Tử lược, phái Tạp gia, có sách của Hoài Nam [nội] 21 thiên, với lời chú : cuả Vương An, lại có quyển Hoài Nam [ngoại] 31 thiên.

Nhan sư Cổ viết : Nội thiên luận về Đạo, Ngoại thiên là Tạp thuyết.

Trong bài tựa sách Hoài Nam Tử, Cao Dụ đã viết : Hoài Nam Vương Lưu An rất thích văn chương, kẻ sĩ phương thuật trong thiên hạ dến với ông rất nhiều.

Ông cùng với nhóm 8 người, Tô Phi, Lý Thượng, Tả Ngô, Điền Do, Lôi Bị, Mao Bị, Ngũ Bị, Tấn Xương và Chư Nho : Đại Sơn, Tiểu Sơn cùng viết quyển sách, phần lớn đi về hướng Đạo, gọi là " Hồng Liệt ", Hồng là lớn, Liệt là sáng, ý muốn nói đó là những lời làm sáng tỏ cái Đạo lớn. Lưu Hướng hiệu đính lại chu đáo, gọi tên là Hoài Nam ngoại thơ...

Về Ngoại thơ, thì số thiên không giống với sách Hán chí đã ghi.

Bổn Nam Hoài Tử hiện còn cho đến ngày nay gồm 21 thiên, ghi ra như sau :

Nguyên đạo huấn, Thúc chơn huấn, Thiên văn huấn, Địa bình huấn, Liêu xưng huấn, Tề tục huấn, Đạo ứng huấn, Kỷ luận huấn, Thuyên ngôn huấn, Khâu lược huấn, Thuyết sơn huấn, Thuyết lâm huấn, Nhơn gian huấn, Tu vụ huấn, Thái tộc huấn, Yếu lược huấn, Minh giám huấn, Tinh thần huấn.

*

Sách Hoài Nam Tử do Môn khách viết, y như sách Lã thị Xuân Thu, nhưng Lã Bất Vi là một tay phú thương ở Dương địch đã âm mưu trữ một món hàng lạ chốn cung đình nhà Tần, mà tìm được giàu sang phú quí, chưa chắc ông đã có học thức, hay về văn chương, ông chỉ nhờ có tiền bạc mà được đứng tên trên quyển sách, còn Lưu An là người hay văn chương và nổi tiếng, cũng có thể tự mình làm được việc đó.

Phần bổn truyện sách Hán thơ có viết : Lưu An là người thích sách vở, vì thế cho nên gom góp nhiều loại, thành ra phức tạp...

Quyển nầy cũng gom góp nhiều loại học thuyết giống y như sách Lã thị Xuân Thu.

*

Về các bản chú của sách Hoài Nam Tử, thì có bản của Cao Dụ là xưa hơn hết, Trang lục Kiết, Vương niệm Tôn cũng có bản hiệu đính, nhưng bản của họ Trang không hay bằng bản của họ Vương.

Gần đây, có bản Hoài Nam Hồng liệt tập giải của Lưu văn Điển sưu tầm tài liệu rất rộng, chú thích cũng kỹ càng, đây là bản có giá trị hơn hết.

*

Sách Hán chí ghi chép các sách của phái Tạp gia bị mất hay bị ngụy tạo, gồm có 18 pho xin ghi ra sau :

1. Khổng Giáp Bàn Vu

26 thiên, với lời chú : Chép sử của Hoàng đế, quyển sách nầy cũng y như quyển Y Doãn được đặt lên hàng đầu của phái Đạo gia, và quyển Doãn Dật được đặt lên hàng đầu của phái Mặc gia, tất cả đều do người đời sau viết mà mượn tên người xưa.

Tính chất của quyển sách nầy cũng giống như quyển Hoàng đế minh của phái Đạo gia.

2. Đại Võ

37 thiên, với lời chú : Tương truyền do vua Võ viết, nhưng lời văn là của người đời sau.

Sách nầy như là một quyển tạp lục những lời thệ, minh, cấm, châm của vua Hạ - Võ, có thể gom góp ở các sách cổ, hoặc do lời truyền văn mà người đời sau gom góp lại, không phải thật là sách của đời nhà Hạ.

3. Ngũ Tử Tư

8 thiên, với lời chú : Ông tên Viên, làm tướng nhà Ngô dưới thời Xuân Thu, người trung trực, bị gièm pha mà chết.

Sách Binh thơ lược phần Binh kỷ xảo gia có ghi sách Ngũ Tử Tư 10 thiên, nghi rằng đó là một pho sách khác.

Pho sách 8 thiên gồm có : Thái bá, Kinh bình, Ngô, Kế nghê, Thỉnh diện, Cửu thuật, Binh pháp, Trần hằng.

Ngũ Tử Tư là một trung thần, một danh tướng của nhà Ngô, ngôn hạnh và binh pháp của ông được người Ngô truyền tụng, người đời sau gom góp lại viết thành sách rồi ghi tên là Ngũ Tử Tư...Sau đó quyển sách bị mất.

Dưới thời Đông Hán, nhóm Viên Khương, Ngô Bình ngụy tạo pho Việt tuyệt thơ, lúc đó có thể gom góp lại những ý trong pho sách của Ngũ Tử Tư, nhưng nếu nói là nội thiên của Việt tuyệt thơ là pho Ngũ Tử Tư trong Hán chí đã ghi, và thiên Binh pháp trong pho Việt tuyệt là phần Binh pháp trong pho Ngũ Tử Tư, đó chỉ là điều ức đoán chớ không có gì làm bằng chứng cả.

4. Tử Vãn Tử

35 thiên, với lời chú : Người nước Tề, hay bàn luận về việc binh, giống như Tư mã Pháp. Nếu như thế thì đáng lẽ sách nầy phải được liệt vào sách Binh thơ mới phải.

Gần đây Tôn Đức Khiêm có viết : Theo Tử Mặc Tử thì đây là một Binh gia đại sư, vì ông sở trường về môn Binh học.

5. Do Dư

3 thiên, với lời chú : Người Nhung, Tần Mục công cho làm chức Đại phu, nếu Do Dư làm Đại phu cho Tần Mục công thì thời đại của ông ở trước thời Xuân Thu rất xa, nhưng Hán chí lại ghi sách ông sau Ngũ Tử Tư , chắc có lẽ đây là sách do người đời sau viết.

Các sách Hàn Phi Tử, Lã thị Xuân Thu, đều có ghi chuyện Do Dư vấn đáp với Tần Mục công.

6. Úy Liên Tử

29 thiên, với lời chú : Người thời Lục quốc, Nhan sư Cổ viết : Sách Biệt lục của Lưu Hướng có viết : Úy Liên theo cái học của Thương quân. Sách Tùy chí chép ông là người thời Lương Huệ Vương. Nhưng ông là người nước nào, thuộc thời đại nào, có rất nhiều thuyết khác nhau và không có bằng chứng gì rõ ràng để xác định được cả.

Đây là quyển sách có nhiều chỗ lộn xộn, đáng nghi là ngụy thơ, không có giá trị gì đáng xem cả.

7. Thi Tử

20 thiên. Người nước Lỗ, làm tướng nước Tần, Thương quân thờ làm thầy, Thương Ưởng chết, ông trốn vào đất Thục.

Sách Hậu Hán thơ chép : Thi Tử viết sách 20 thiên, nội thiên gồm 19 thiên trình bày giềng mối của đạo, đức, nhơn, nghĩa, còn một thiên nói về việc Cửu Chân hiểm trở và sông suối.

8. Đông Phương Sóc

20 thiên. Đây là quyển văn tập của Đông phương Sóc, ngày nay còn thấy được những thiên rải rác của ông trong các sách khác.

9. Bá Tượng Tiên Sanh

1 thiên. Đây là một kẻ sĩ ở ẩn. Có người trách ông, " Thâu được cái thuật trong thiên hạ, quan sát sự vật lâu ngày, mà không giúp ích gì cho việc trị nước, không làm sáng tỏ được nghĩa quân thần ".

10. Kinh Kha Luận

5 thiên, với lời chú : " Kinh Kha vì nước Yên thích khách vua Tần không thành ". Tư mã Tương Như và mấy người khác đều có luận về việc nầy.

11. Ngô Tử

1 thiên. Trong Binh thơ lược, phần Binh quyền mưu gia có sách Ngô Khởi 48 thiên, đây là một quyển sách khác không phải quyển nầy.

12. Công Tôn Ni

1 thiên. Trong phần Nho gia có Công tôn Ni tử 28 thiên, không phải là quyển sách kể trên.

13. Bác Sĩ Thần Hiền Đối

1 thiên. Dưới thời nhà Hán, các bác sĩ, hiền sĩ, quần thần vấn nạn Hàn Phi và Thương quân. Dường như đây là loại văn chương nói về chánh sách.

14. Thần Thuyết

3 thiên, những bài Phú dưới thời Võ đế. Đã gọi là Phú, nhưng tại sao lại nhập vào phần Tạp gia ? Đây có lẽ là một sự lầm lẫn của Hán chí trong khi ghi chép...vì 3 thiên trong sách nầy không có hình thức là những bài Phú.

15. Giải Tử Bộ Thơ

35 thiên.

16. Sung Tạp Thơ

87 thiên.

17. Tạp Gia Ngôn

1 thiên, không biết tác giả là ai. Quyển sách này cũng giống như các quyển : Đạo gia ngôn, Nho gia ngôn v.v...

Trở lên là tất cả các pho sách của phái Tạp gia đã bị mất, cọng chung là 17 pho, các loại sách từ Đông phương Sóc trở xuống đều là các loại biệt tập, đối sách, bộ thơ, tạp văn, không phải loại sách đặc biệt có tánh chất thuần Tạp gia.