Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]


 
Đọc lại TUYỆT CÚ của ĐỖ PHỦ

Nguyễn Khôi 

"Tuyệt cú" là tên một thể loại Thơ cổ Trung Hoa có từ thời Lục Triều (439-581), nhưng phải đến đời Đường, đặc biệt là dưới triều Khai Nguyên -Thiên Bảo (712-756) Đường Huyền Tông thì Tuyệt cú Đường thi mới đạt đỉnh cao..."tuyệt" ở đây có nghĩa là "dứt" dùng để đối lập với chữ "liên" (=liền).Tuyệt cú gồm các loại thơ ngũ ngôn, lục ngôn,thất ngôn 4 câu tạo thành 1 bài, dùng vần bằng hoặc vần trắc.

Đỗ Phủ có 4 bài Tuyệt cú, chọn 1 bài :

Lưỡng cá Hoàng Ly minh thúy liễu,
Nhất hàng Bạch lộ thướng thanh thiên;
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.
dịch nghĩa :
 Hai con chim Oanh vàng kêu ( hót ) trong cụm liễu xanh,
 một hàng cò trắng bay trên lưng chừng trời;
 Trước song  ngậm tuyết nghìn thu ở núi Tây Lĩnh,(1)
 Ngoài cửa thuyền Đông Ngô từ muôn dặm đến đậu.(2)
 Đây là bài "Tuyệt Cú" Đỗ Phủ làm năm 764, lúc trở lại Thảo Đường ở Thành Đô ( Thục). 4 câu đều đối. Mỗi câu 1 cảnh: -(1) chỉ núi Dàn Sơn phía tây Thành Đô,tuyết phủ quanh năm không tan, câu này có nghĩa là: cửa sổ ngó ra núi,như ngậm lấy núi cho nên nói " song hàm".
-(2) Sông Thục chảy về phía đông, từ Thành Đô lên thuyền có thể đến đất Đông Ngô ( Giang Tô ): Đỗ Phủ có ý muốn rời Thục đi Ngô.

*-1-Bản dịch của Tản Đà :

Hai cái Oanh vàng kêu liễu biếc,
Một hàng cò trắng vút trời xanh;
Nghìn năm tuyết núi song in sắc,
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.
Đây là bản dịch ĐẸP...nhưng Tản Đà "tác" mạnh hơn "dịch" ? Dịch chữ "cá" là"cái", "minh" là "kêu" không sai,nhưng ít vẻ thơ; câu 3 đưa thêm "sắc" không có trong nguyên bản.Đặc biệt câu 4 đưa thêm vào "rập rình" là hoàn toàn gượng gạo, nhầm vần với chữ "xanh" ở câu 2 ?

*-2- Bản dịch của Tương Như :

Liễu xanh hót cặp Oanh vàng,
Trới lam trắng điểm một hàng cò bay;
Song lồng mái tuyết non Tây,
Thuyền Ngô muôn dặm đỗ ngay cửa ngoài.
 Đây là một dạng "diễn Nôm" theo gót Tố Như tiên sinh khi sáng tác Truyện Kiều...phải nói là "đẹp mượt" tuyệt tác...nhưng hơi xa nguyên tác ( Việt hóa đến cao độ ) làm giảm mất cái thần khí cao sang -đặc trưng về thể loại Tuyệt Cú Đường thi .

*-3- Bản dịch của Lê Kim Giao ( Nhà thơ Hà Nội ) :

Liễu biếc Oanh vàng đôi chiếc hót,
Trời xanh cò trắng một hàng lên;
Song in Tây Lĩnh nghìn thu tuyết;
Cửa đậu Đông Ngô vạn dặm thuyền.
Ai đã từng vào dầm mình trên bãi biển Lăng Cô (làng cò Thừa Thiên-Huế) 1 trong 3 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, rồi chợt trông lên : chiều tà hắt nắng hè, xa xa một đàn cò trắng bay lên ngang trời in trên  nền dãy núi Hải Vân đệ nhất hùng quan xanh thẳm...tai nghe đôi hồi tiến Oanh hót trong các bụi Liễu nơi Resort bên bờ, ngoài khơi một chút là các con thuyền về đậu dập dờn trên sóng biẻn xanh...bỗng nhiên trong đầu ta ( Thi nhân) vang lên bài Tuỵêt Cú của Đỗ Phủ với bản dịch của Lê Kim Giao thì quả là tuyệt diệu như thưởng thức một bữa tiệc tâm hồn ( thơ) đầy ý vị...một bản dịch mới lạ ? !

 Cái dụng ý "thi trung hữu họa" dùng MÀU TRÊN MÀU mà tác giả và dịch giả đồng cảm đó là "màu xanh của trời (xa), làm nền cho màu xanh của Liễu (gần), màu trắng cuă tuyết (xa) với màu trắng của cò (gần) mà chính do độ co giãn của tầm mắt(nhìn) xa/gần nên ta hoàn toàn tưởng tượng ra độ đậm nhạt ấy, rồi thú vị biết bao khi ta lại thấy màu vàng của đôi chim Hoàng Ly đan xen vào làm bức tranh thành tuyệt mỹ."

  "Tuyệt cú " của Đỗ Phủ là viên ngọc trong Đường thi, bản dịch của Lê Kim Giao sau 1000 năm vấn rất tri âm tri kỷ, tài hoa xảo diệu...âu cũng là cái độc đáo xuất thần của chàng Công tử Hà Thành- thi sĩ Lê Kim Giao vậy chăng ?
 

                     Góc Thành Nam Hà Nội - 3/10/2010
                            Nguyễn Khôi - cẩn bút...