Chim Việt Cành Nam              [ Trở Về  ]         [ Trang Chủ ]

 
Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam
-
Huỳnh Ái Tông
Tiết 1: Ðại Cương
Tiết 2: Báo Chí
Tiết 3: Thơ
Tiết 4 : Truyện Tàu
Tiết 5: Tiểu Thuyết 
Tiết 6: Thơ Mới
Tiết 6 : Thơ Mới

Những người theo tân học hay những du học sinh thuở trước như Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương... đều có học hay đọc thơ của những nhà thơ Pháp, thi pháp của họ cũng có vần nhưng số chữ trong câu không gò bó, nó đã ảnh hưởng, trở thành nhân tố làm cho Thơ mới được khai sinh sau nầy, kể cả yếu tố Nguyễn Văn Vĩnh dịch ngụ ngôn của La Fontaine, chẳng hạn như bài La Cigale et la Fourmi :

Con ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Ðến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối ...
Nếu chúng ta quay trở lại ngày trước một thời gian ngắn, chúng ta thấy rằng sĩ tử, hay những nhà trí thức, khoa bảng Việt Nam đều phải học từ chương để thi cử, đạt được thành quả trở thành ông Cử, ông Nghè, ông Cống, ‘’ thắng vi quan thối vi sư ‘’, người ta đều phải trãi qua học làm thi, làm phú, những vần những điệu bị gò ép trong khuôn khổ sẵn có. Trong tiến trình thôn tính Việt Nam của Pháp, Miền Nam đã không còn thi cử theo lối cũ từ năm 1863, Bắc Kỳ bãi bỏ thi cũ theo lối cũ năm 1915 và Trung kỳ khóa thi cuối cùng năm 1919. Kể từ đó con đường quan lộ phải học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp để biết đọc biết viết, những người nào muốn học cao hơn, chỉ còn có cách theo nền giáo dục của Pháp, cho nên người ta dễ dàng chịu ảnh hưởng thi pháp của Pháp.

Trong địa hạt Văn học nghệ thuật, người ta thường có kinh nghiệm thấy rằng hình thức quyết định nội dung, chính hình thức chữ Quốc ngữ đã đưa đến khai sinh ra Thơ mới là điều tất nhiên vậy.

Nhưng điều quan trọng là Miền Nam đã chính thức khai sinh ra Thơ mới do ông Phan Khôi (1) khởi xướng, ông đã viết bài đăng trên Phụ Nữ Tân Văn ở Sàigòn, số 122 ngày 10 tháng 3 năm 1932 có tựa là :

Một Lối Thơ Mới Trình Chánh Giữa Làng Thơ

Trong ấy ông đã viết : ‘‘... đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc niêm luật gì hết ‘’ tạm mệnh danh là thơ mới , ông đem bài Tình Già đăng lên làm thí dụ điển hình :

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở :
- ‘‘ Ôi ! Ðôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng’’;
‘‘ Ðể đến nổi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau !’’
- ‘‘ Hay ! Nói mới bạc làm sao chớ ! Buông nhau làm sao cho nỡ ?’’
‘‘ Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy !’’
‘‘ Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung ? ‘’
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau :
Ðôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được !
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi ! Con mắt còn có đuôi.

Bài báo của Phan Khôi được nữ độc giả Liên Hương ở Hội An gửi thư tới hoan nghênh, được Lưu Trọng Lư gửi đăng Thơ mới bài Trên Ðường Thiên Lý và bài Vắng Khách Thơ cũng của Lưu Trọng Lư nhưng ký tên là Thanh Tâm, sau bài thơ nầy được Lưu Trọng Lư đổi tên là Xuân về :

Xuân về
Năm vừa rồi
Chàng cùng tôi nơi vùng giáp Mộ
Trong căn nhà cỏ
Tôi quay tơ
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã,
Nhìn ra hoa đua nở,
Dừng tay tôi kêu chàng:
‘‘ Này, này bạn ! xuân sang ‘’.
Chàng nhìn xuống mặt hớn hở
Tôi nhìn chàng lòng vồn vã ...
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: phai
Lá vàng: rụng
Ba gian: trống
Xuân đi
Chàng cũng đi
Năm nay xuân còn trở lại
Người xưa không thấy tới.
Sau đợt ba bài thơ mới đó, Phụ nữ Tân Văn còn đăng những bài Thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm), Hồ Văn Hảo và những người khác nữa.

Ngày 26-7-1933 thi sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, diễn thuyết tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ (SAMIPIC) Sàigòn, để cổ vũ, tán dương Thơ mới, sau đó cũng có những nhà văn đăng dàn diễn thuyết nhằm mục đích phổ biến Thơ mới như Ðỗ Ðình Vượng, Lưu Trọng Lư, Vũ Ðình Liên. Dĩ nhiên có những nhà văn , nhà thơ như Tân Việt, Tản Ðà, Hoàng Duy Từ, Nguyễn Văn Hanh, Tường Vân và Phi Vân, Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Thái Phỉ và Huỳnh Thúc Kháng viết bài đăng trên báo, đăng đàn diễn thuyết, từ Sàigòn ra đến Hà Nội để bênh vực thơ cũ, công kích Thơ mới.

Nhưng thực chất Thơ mới phóng khoáng, bình dị, mới mẻ, nên được nhiều người ủng hộ từ phía sáng tác cũng như giới thưởng ngoạn, từ đó Thơ mới có đủ sức bật vượt qua làng thơ cũ, chiếm chỗ đứng xứng đáng trong văn học Việt Nam, ngày nay chúng ta có những bài thơ mới của Tứ Ly, Thế Lữ, Vũ Ðình Liên, Ðoàn Phú Thứ ... đã sáng tác trong giai đoạn nầy.

Thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, đời sống dân chúng trù phú lại được nhiều tự do, những yếu tố ấy giúp cho Miền Nam dễ dàng phát triển kinh tế, là đòn bẩy giúp cho văn học nghệ thuật có điều kiện tiến triển. Chủ trương phổ biến chữ Quốc ngữ của nhà cầm quyền Pháp để dễ dàng cai trị thuộc địa, là một cơ hội tốt cho các nhà văn, nhờ đó Miền Nam đã sáng tạo được những đường lối mới, phù hợp với hình thái đơn giản của chữ Quốc ngữ. Trong bối cảnh đó Thơ mới đã ra đời, đem lại cho nền thi ca Việt Nam một thời kỳ vàng son rực rỡ. Tiếc thay Miền Nam thời đó chỉ có Thi sĩ Ðông Hồ và Mộng Tuyết còn để lại tên tuổi trong thi ca và Văn học Việt Nam.

---

Sách tham khảo :

 Hoài Thanh Hoài Chân Thi nhân Việt Nam VH, Sàigòn, 1988
Minh Huy Luật Thơ Mới Khai Trí, Sàigòn, 1961
 

( * ) Trở về Mục Lục



 [ Trở Về  ]