Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ] 

ĐỂ THIẾU ĐÀNH SAO

Thu Tứ

Có nhầm và nhầm
Cách đọc, cách đọc
Lửng lơ, với cá tính
Giống và không giống
Thiệt thòi rồi lại thiệt thòi
Cái tâm nó bó cái tài
Nhưng vẫn đủ dấu để thờ
Có nhầm và nhầm
 Nhớ lần ngẫm nghĩ về thơ Huy Cận (1), có khẽ cười Vũ Ngọc Phan đã nhận định nhầm về giá trị của Lửa thiêng. Ông Vũ phê bình cũng dài, xong kết gọn lỏn: "Huy Cận chỉ mới là một nhà thơ có những vần thơ đẹp."(2) Thơ có nội dung triết lý hẳn hoi như thế mà bảo chỉ là những vần đẹp!

Ngẫu nhiên, nhà thơ có thơ bị đánh nhầm giá, hơn sáu thập kỷ sau, lại có dịp lên tiếng phát biểu thiếu chính xác về nghệ phẩm của người khác. Trong Hồi ký song đôi, Huy Cận bảo: "Về sự nghiệp văn chương Hoàng Đạo không để lại một tác phẩm nào gọi là có giá trị."(3)

Cái nhầm của Vũ Ngọc Phan chẳng qua là do, nói như Lại Nguyên Ân, "ngòi bút phê bình (của ông) không thật nhiều đặc sắc"(4).

Trong khi cái ý kiến bất công của Huy Cận, nó e gốc gác khá phức tạp.

Bị Huy Cận chê, không phải chuyện chơi. Nhà thơ lớn trong thơ và lớn trong đời. Tuyển tập Văn chương lãng mạn Việt Nam (1930-1945) rất đồ sộ in lần đầu năm 1989 và đã tái bản không biết mấy lần, không có tác phẩm nào của Hoàng Đạo.(5) "Tình cờ", người viết lời bạt cho bộ sách chính là bộ trưởng Huy Cận.

Cách đọc, cách đọc
Hoàng Đạo để lại năm tác phẩm chính: Bùn lầy nước đọng (1936), Trước vành móng ngựa (1938), Mười điều tâm niệm (1939), Con đường sáng (1940), Tiếng đàn (1941).(6) Trong số này, chỉ hai tác phẩm sau cùng thuộc loại sáng tác. Con đường sáng là một truyện dài, Tiếng đàn là một tập truyện ngắn.

Nói tại sao mình thấy sách kia sách nọ hay vẫn là chuyện khó. Loay hoay tìm một cách bắt đầu. Lại nhớ Vũ Ngọc Phan. Khi viết Nhà văn hiện đại, nhà phê bình đã có trong tay cả hai sáng tác phẩm nói trên của Hoàng Đạo. Ông Vũ bàn về Con đường sáng, còn Tiếng đàn ông chỉ nhắc tên.(7)

Đọc Con đường sáng, rồi Vũ Ngọc Phan phát biểu: "Người ta lấy làm tiếc rằng Hoàng Đạo đã không đào sâu một chút nữa. Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông không có những ngôn ngữ hành động sâu sắc, nên cá tính của họ không được rõ cho lắm (...) ở loại tiểu thuyết ông không được giàu tưởng tượng cho lắm."

Nói về cách viết của người, bao giờ chả là nói luôn về cách đọc của mình. Dễ dàng thấy là Vũ Ngọc Phan lấy phân tích tâm lý và mức độ hư cấu làm tiêu chuẩn để đánh giá văn chương.

Đó, không phải tình cờ, là cái cách đánh giá văn chương của người Tây phương.

Phân tích tâm lý là xoáy vào cá nhân. Hư cấu là cái óc của cá nhân nó "thêu dệt". Trong chừng mực nào đó, cũng tốt. Nhưng người Tây phương họ thờ cá nhân. Họ xoáy khỏe quá, dệt khỏe quá. Và họ lấy luôn xoáy, dệt làm cái thước đo giá trị văn chương! Không hề ngẫu nhiên, sáng tác giá trị của họ chủ yếu là những tác phẩm gọi là "truyện". Truyện tuyệt đích là một công trình tưởng tượng hết sức công phu của người viết trong đó tất cả các nhân vật đều nói năng, hành động hoàn toàn "hợp lý". Để diễn cái công trình đó bằng lời, chỉ cần thứ lời có nghĩa qui ước rõ ràng, nhất định. Để thưởng thức nó, chỉ cần vận dụng trí óc.

Người Việt Nam vốn có thứ văn chương riêng. Để thưởng thức nó, cần vận dụng tâm hồn.

Ta vốn quen nhìn mọi thứ quanh mình cách toàn thể, thấy tất cả đều có liên hệ với nhau và có liên hệ với mình. Thấy có liên hệ, nên không lạnh lùng, dửng dưng. Ta nhìn cách đầy cảm xúc, rồi ta nói thứ tiếng cũng đầy cảm xúc.(8)

Tự nhiên, đến khi biết làm văn, ta cũng làm thứ văn chứa đầy cảm xúc! Khi sáng tác ta không cố phân tích tâm lý của ai khác cả, ta chỉ cố nghe cho rõ cho nhiều những cảm xúc của chính mình, mình như một phần không thể tách rời ra khỏi xung quanh. Và rồi ta gắng diễn những gì ta cảm được bằng những lời truyền cảm nhất.

Tác phẩm văn chương tuyệt đích đối với người Việt là tác phẩm đầy những lời gợi lên những cảm xúc "hợp tình". Còn cái cảnh cái chuyện nó thế nào ta không lấy làm quan trọng, thậm chí có thể đi mượn!

Không khỏi có người ngạc nhiên: dân tộc Việt Nam trước kia làm thứ văn "cảm nặng" như thế thật à? Đâu, đâu?

Đấy, gần như toàn bộ văn học truyền khẩu và văn học chữ nôm của ta là thứ văn ấy đấy. Ngẫu nhiên, nó có vần và ta quen gọi nó là "thơ".

Truyện Kiều, đệ nhất văn phẩm của dân tộc, giá trị văn chương của nó đối với chúng ta là ở những lời hết sức gợi cảm, gợi lên được vô số cảm xúc hay ho mà Nguyễn Du đã "gán" cho Thúy Kiều, Kim Trọng v.v., chứ đâu phải ở cái câu chuyện éo le mà Thanh Tâm Tài Nhân đã khéo léo "dệt" ra (dệt chuyện không phải chuyện khó làm đâu, cứ trông những trái núi tiểu thuyết bình dân sừng sững đó đây thì biết).

Thế rồi giặc Pháp kéo qua. Rồi chẳng bao lâu người Việt Nam bắt đầu làm thứ văn không vần. Nhưng cái "hồn xưa của đất nước"(9) nó không chịu tan. Do đó mới sinh Nguyễn Tuân tuy viết văn xuôi mà văn vẫn cứ cảm ơi là cảm y như trong cái thời đã vang bóng! Dĩ nhiên đa số các nhà văn khác, theo đà xã hội đổi mới, viết thứ văn mới, bớt cảm, thêm xoáy, thêm dệt. Không phải văn mới, có yếu tố Tây, là dở. Ta cần luôn nhập cái hay của người vào để làm giàu cho văn học ta chứ, nhưng ta phải hóa nó chứ không để cho nó hóa mình, ta phải thu vào cái đáng thu của người mà không vất đi cái đáng giữ của ta. Những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng v.v. là những ví dụ Việt hóa cái hay của Tây thành công tốt đẹp. Đọc kỹ lại xem, sách nhiều sách ít, người nhiều người ít, nhưng trong tất cả sáng tác giá trị thời tiền chiến cái thiên hướng "cảm" truyền thống của dân tộc Việt Nam không bao giờ vắng mặt.

Lửng lơ, với cá tính
Nửa truyện, nửa tùy bút

Vũ Ngọc Phan là người đọc "chân phương"(10), công thức. Ông nẩy ý xem Vang bóng một thời là một "tập tranh" vẽ cảnh một thời đã qua, rồi ông trầm trồ cái tài vẽ của Nguyễn Tuân. Ông nghiệm ra Khái Hưng có tài "xét nhận rất đúng về tâm hồn nam nữ thanh niên Việt Nam", rồi ông tấm tắc những phân tích tâm lý trong truyện dài nọ truyện ngắn kia.

Đọc đến Con đường sáng, ông Vũ lúng túng. Sách gì thế này? Tả cảnh luôn luôn mà không thành cái cảnh gì cả. Không xoáy sâu vào tâm lý nhân vật nào hết, từ đầu tới cuối gần như chỉ có Duy cảm xúc và cảm xúc trước cảnh trước người trước đời. Vũ Ngọc Phan đặc biệt phàn nàn tác giả về chuyện hay tả cảnh xen vào hành động của nhân vật:

"Duy cúi mình múc nước trong bể đổ ra thau. Ánh sáng phản chiếu chạy loang loáng trên bức tường trắng, trên lá cây rồi thong thả dần và dừng lại trên tường thành một vùng sáng rung rinh."

"Duy khoan khoái thở mạnh. Theo hương cau, chàng thấy thấm dần vào trong người hết cả cái mát trong của ban mai. Một vài con chim sâu gọi nhau trên cành tử vi. Duy chống khuỷu tay lên khung cửa..."

"Qua khe lá, một tia nắng bỡ ngỡ xiên ánh vàng lên tà áo của Thơ, Duy tưởng chừng như đến chiếu sáng cả tâm hồn chàng."

v.v.

Ông Vũ bảo trong Con đường sáng, nhân vật Duy không phải là "nhà thơ của tạo vật", nên việc Duy có những cảm xúc như trên là "một điều rất lạ". Có lạ gì đâu, cái việc tác giả gán cho nhân vật của mình đủ thứ cảm xúc! Tất cả cảm xúc của tất cả nhân vật trong Truyện Kiều đều là do Nguyễn Du gán cho họ cả đấy chứ. Aên thua là gán cho đúng, cho hợp. Mà Duy đặc biệt nhạy cảm với tự nhiên thì có gì là không hợp? Chả lẽ người đi tìm "con đường sáng" nhất thiết phải là người dửng dưng với cảnh vật quanh mình hay sao? Trong tác phẩm này, quả thực Hoàng Đạo đã cho nhân vật chính cảm xúc thiên nhiên luôn luôn, làm cho nhịp văn chậm hẳn lại, nhưng đối với một số người đọc đó lại là điều thú vị.

Vũ Ngọc Phan cũng không thông cảm cái lối Hoàng Đạo tả Duy vừa tin ở tương lai vừa hay ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng. Ông cho rằng hễ người mà hay "sực nhớ đến những ngày đã lâu lắm, từ khi còn trẻ dại ở nơi quê nhà" thì "khó lòng" tìm thấy được "con đường sáng". Tại sao lại thế hở ông Vũ? Nói chi Duy, nói chính người đẻ ra Duy là Hoàng Đạo. Ta không thể tưởng tượng Hoàng Đạo vừa tích cực hoạt động giúp dân giúp nước vừa nhớ những ngày thơ ấu êm đềm được sao?

Có lẽ nhận xét ngộ nghĩnh nhất của Vũ Ngọc Phan là về kết thúc của Con đường sáng. Nhân vật chính Duy rốt cục lấy "mưu cho họ (những người bình dân) một đời êm đẹp" làm mục đích đời mình, tác phẩm chấm hết. Ông Vũ tiếc hùi hụi: Giá Hoàng Đạo viết tiếp, viết thật rõ ra những cách giúp người bình dân thì sách có thể sẽ trở nên "đậm đà", sẽ giống sách Anna Karénine của Tolstoi! Trời! Giúp dân nghèo như thế nào thì Hoàng Đạo đã hô hào mỏi cả... tay (bút) nhiều năm trước đó rồi cơ mà! Chả lẽ bây giờ nhà văn lại đem "ráp" những ý kiến xây dựng xã hội mới ấy vào đây cho Con đường sáng tha hồ nở hậu, tha hồ "bề thế và cốt cách" như pho tiểu thuyết Tây kia! Nghệ thuật không đòi to và cốt cách phải là cái của riêng mình!(11)

Đọc Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan không thấy một "tập tranh" đầy ấn tượng, cũng không thấy một câu chuyện có kết cấu hấp dẫn với những phân tích tâm lý tỉ mỉ. Ông lấy làm thất vọng.

Con đường sáng chứa nhiều cảm xúc hơn tác phẩm của Khái Hưng, nhưng không nhiều bằng trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Nó lửng lơ đâu đó giữa hai văn thể mà bây giờ ta quen gọi là truyện và tùy bút. Có phải vì thế mà nó không lọt được vào mắt xanh của những người đọc chân phương?

Hướng về cái lớn

Cũng như những "cõi văn" giá trị khác, sáng tác của Hoàng Đạo có "mùi màu" riêng.

Tình yêu giữa Duy và Thơ trong Con đường sáng lãng mạn không giống những mối tình trong các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam. Và cùng rất nhạy cảm trước mọi thứ quanh mình, nhưng Hoàng Đạo cảm xúc không lặp lại anh em, bạn bè:

"Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm (...) Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo (...) Mộ đã đắp xong. Đột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn sắp bị tiêu diệt. Người tôi lúc đó dễ xúc cảm như một cốc pha-lê mong manh, sẽ động là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ là những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió." (Một Gia Đình)

Vừa cảm tinh tế như thế, Hoàng Đạo lại vừa có một thiên hướng làm cho văn ông có một nội dung khác lạ: trong số rất ít tác phẩm để lại, ta thấy mấy lần ông hướng lòng mình về những cái lớn lao.

Vỡ đê là cảnh lớn. Phạm Duy Tốn viết Sống Chết Mặc Bay tả tên quan chó chết thản nhiên ngồi đánh tổ tôm giữa đình mặc đê sắp vỡ. Còn Hoàng Đạo viết Dưới Làn Sóng tả chính cái cảnh long trời lở đất. Ðoạn văn cuối vừa hùng vĩ vừa thơ mộng:

"Vài giờ sau, vừng thái dương sán lạn mọc lên trong một bầu trời quang đãng, âu yếm nhuộm hồng mấy sợi mây tơ chăng trên da trời màu bạch nguyệt, dịu dàng mơn trớn cánh đồng nước lặng sóng như mặt hồ. Ánh sáng buổi bình minh tinh khiết như hồi thiên địa mới sơ khai. Nếu không có vài chiếc thuyền thỉnh thoảng lách vào mấy ngọn tre xơ xác, những sự khủng bố hồi hôm có lẽ khách du chỉ cho là một giấc mơ dữ dội."

Nghe hát trên sông Hương, trước nay đã biết bao nhiêu văn thi nhân từ miền Bắc. Hỏi đã có ai nghe như Hoàng Đạo nghe trong Tiếng Đàn hay chưa:

"Chiếc thuyền lặng lẽ trôi, chốc chốc mái chèo nhẹ nhấc lên, đem theo những giọt trăng long lanh. Xuân có cái cảm tưởng rằng những giọt trăng ấy là sự đọng lại của tiếng hát trong vắt lẫn trong cung đàn. Tiếng hát vang ra khắp không trung (...) ngừng lại trong những đám cây tối ở hai bên bờ; có khi bay cao lên trên ngọn đồi xa, rồi như theo gió đưa mãi lên, quyến luyến lấy đám mây tơ dệt đen trên nền trời xanh sáng, chập chờn trước mảnh trăng trong (...)

Hết điệu Nam Bằng đến Nam Ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt. Nỗi buồn Xuân cảm thấy mỗi lúc mỗi lớn, tràn ngập hết cả tâm hồn. Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn biết không có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn (...) có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm (...) Nhưng Xuân không ngờ tiếng đàn đêm nay lại gợi trong trí chàng những thời đã tiêu diệt.

Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dẫy cây đen im lặng soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một tòa thành cổ, kiến trúc của người Chàm. Tiếng đàn độc huyền vẫn vang lên theo điệu hát, một điệu hát đều đều như tiếng than của một thiếu phụ nhớ người yêu, thỉnh thoảng một tiếng vuốt cao lên nghe như một tiếng nấc trong. Huyền nét mặt vẫn lạnh lùng, nhưng Xuân ngạc nhiên nhìn y phục nàng, một thứ y phục sặc sỡ. Hai cánh tay nàng để trần, Xuân trông thấy tròn và trắng, đặt khoan thai lên trên cái xiêm thêu. Chàng thấy hiện ra trước mắt cảnh nước Chiêm Thành mới bị diệt vong và chàng tự nhiên yên trí rằng Huyền là một cô công chúa Chàm bị người Nam đắc thắng ép ra ngồi hầu rượu và ca những bài hát họ chưa hề nghe. Công chúa lạnh lùng như Huyền bây giờ, nhưng trong lòng tê tái những nỗi tủi nhục chua cay, oán hờn, nhớ thương, cất lên những tiếng ai oán não nùng như tiếng khóc. Quân sĩ người Nam ngông nghênh tự đắc, nghe giọng than buồn thảm đều ngơ ngác, vừa đê mê vừa kính cẩn trước điệu ca cuối cùng (...) Xuân thầm nghĩ trong đám (...) ấy có một người tâm hồn thi sĩ và người ấy có lẽ là cha ông mấy mươi đời Xuân, nên Xuân đêm nay, trong cảnh này, rung động tâm linh đến cực điểm, đến sự đau đớn.

(...) chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn ngập vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng."

Nghe nhạc nỉ non mà cảm xúc lịch sử, sử xưa của người khác rồi sử nay của ta! Rõ ràng tâm hồn Hoàng Đạo có một mặt hiếm thấy nơi những tâm hồn nghệ sĩ khác cùng thời.

Sử là chuyện lớn, triết lại càng lớn. Thử đọc lại Tiếng Sáo Thiên Thai:

"Yên thân! Ngày hai buổi đi làm kể cũng yên thân được, nhưng nếu lấy thế làm mục đích của đời người, thì đời người đáng chán lắm (...) Tôi chỉ thích sống một đời tự do, hoạt động, rộng rãi. Ở đây, muốn cuốc đất thì tôi cuốc, muốn đọc sách thì tôi đọc, lúc nào muốn hành động thì tôi liệu trù tính để hành động, mà không muốn làm gì cả, thì tôi bắc ghế ra ngồi ngoài vườn nhìn mây trời. Một mình tôi thênh thang trong khoảng trời đất bao la (...) tôi chỉ ham muốn có sự tự do, sự đẹp, hai điều mà tôi có cả.

Mão nói xong, đứng dậy mở cửa sổ, chỉ ra ngoài mà bảo bạn rằng:

- Đây, ông trông. Tôi làm nhà trên mỏm đồi cao này vốn có ý riêng. Ở đây chỉ một liếc mắt, là đã được thưởng thức hết cả thanh sắc man mác trong vũ trụ vào trong khuôn cửa.

Dưới chỗ hai người đứng, những cây hồi liên tiếp đưa nhau xuống thung lũng. Trong đám mạ xanh dờn, xa xa, lấp loáng dòng suối bạc quanh co. Bên cạnh suối, gần mấy cụm mai lá sắc, vài ba nhà sàn lẩn khuất. Xa hơn nữa, bóng chiều ngừng lại sau một trái núi tím lam. Ánh vàng man mác trong khinh không, nhuộm tươi sắc xanh non của cây cỏ, tô đỏ màu tía của lá úa, pha nhạt màu nâu sẫm của đất núi. Hai người có cảm giác như lạc vào một cảnh mộng, gợi nên bằng nét bút thần của một họa sĩ lai láng hồn thơ.

Thảo choáng váng hồi hộp nói:

- Đẹp thật."

Tác phẩm của Hoàng Đạo không đưa ra triết lý gì mới đâu. Nhưng có chút băn khoăn triết lý, thế mà dường như đã đủ để ta nẩy ý thử "kết" tác phẩm của ông vào với cái viết của một nhà văn khác.

Giống và không giống
Người đầu tiên thấy chỗ giống nhau này giữa văn Nhất Linh và văn Hoàng Đạo là Võ Phiến: "... thời ấy thái độ triết lý ít thấy phản ảnh vào tiểu thuyết, có chăng hình như chỉ ở hai anh em ông Nhất Linh: ở ông và ở Hoàng Đạo. Thật vậy, Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo cũng có một thời kỳ hoang mang, nhân một hôm nhìn ngắm giàn đậu nảy ra những suy tưởng về cuộc sống rồi đi đến quyết định về con đường mình đi."(12)

Giữa "anh Tam" và "anh Tư" dường như còn chỗ giống nữa: Cả hai cùng hô hào cải cách xã hội, đổi mới phong tục, nhưng cùng lấy vợ kiểu cổ, tức lấy người con gái mà mẹ mình (hay bà nội mình) khuyên mình lấy!(13)

Cái việc chịu lấy vợ kiểu cổ, có phải nó chính đã xuất phát từ một nét cũ kỹ khác của văn hóa Việt Nam? Có phải cả hai anh em Nhất Linh đều lấy việc nước việc dân làm quan trọng hơn hẳn hạnh phúc riêng của mình, nên không muốn bỏ nhiều thì giờ đi tìm "người yêu lý tưởng"?(14)

Anh em giống nhau, rồi anh em khác nhau.

Cùng cảm xúc nhậy bén và phong phú, nhưng Nhất Linh tình cảm, mơ mộng, còn Hoàng Đạo cương nghị, thực tế. Nội dung của Bùn lầy nước đọng, Trước vành móng ngựa, Mười điều tâm niệm, việc Hoàng Đạo làm quản lý kinh doanh những cơ sở do Nhất Linh đứng đầu, nói lên chỗ khác nhau đó.

Thiệt thòi rồi lại thiệt thòi
Hoàng Đạo mãi mới in hai sáng tác phẩm, thì rủi ro gặp nhà phê bình không thưởng thức được thứ văn chương lơ lửng của mình. Cái khuynh hướng nghệ thuật nó gây thiệt thòi cho ông. Nhưng không chỉ mình nó.

Cái nết cương nghị, thực tế của Hoàng Đạo dường như cũng đã "đóng góp" không ít...

Có phải phần nào do được phân công làm quản lý mà Hoàng Đạo nghèo thì giờ viết, do đó đã sáng tác ít hơn hẳn anh Nhất Linh và em Thạch Lam và bạn văn Khái Hưng, Thế Lữ?

Rồi có phải mấy đứa con tinh thần thuộc loại nghị luận, châm biếm của Hoàng Đạo, vốn lọt lòng trước và đã có tiếng tăm, chúng đã xúm "che" hai đứa em thuần túy văn chương ra đời sau? Người đọc đã quen nghe Hoàng Đạo hô hào cải cách xã hội mất rồi, chẳng mấy ai chú ý khi Hoàng Đạo bắt đầu làm nghệ thuật. Mười điều tâm niệm nổi bật làm Con đường sáng không "sáng" được, mà người đọc Con đường sáng chắc đa số cũng loay hoay tìm hiểu nội dung xã hội của nó hơn là thưởng thức văn chương. Đến khi Hoàng Đạo "đẻ" thêm Tiếng đàn, thì đến phiên Con đường sáng (nhiều ý nghĩa xã hội hơn) lại át mất Tiếng đàn!

Rồi, trở lại chuyện Hoàng Đạo làm quản lý, có phải cái khoảng cách cần giữ giữa người phụ trách tài chính với những cộng sự viên khác của tổ chức đã làm cho ông bị mất cảm tình oan ức?

Lại nhớ phát biểu của Huy Cận. Thực ra ngay sau câu nhận định bất công đã dẫn, còn câu nữa: "Hoàng Đạo viết văn, chẳng qua là theo cái đà của anh em trong nhóm, sóng cao thì thuyền lớn, thuyền bé cũng theo lên". Lời lẽ thế, nếu còn chút cảm tình với nhau, có lẽ không ai nỡ viết...

Huy Cận dĩ nhiên nhạy cảm. Ông còn nhớ rất dai nữa. Trong Hồi ký..., nhà thơ nhắc chuyện năm xưa Nhất Linh đã hào phóng cởi ngay chiếc áo khoác lịch sự biếu mình, ông đã cảm động muốn chết, và hiển nhiên, đến gần chết ông vẫn còn cảm động! "Ơn đền..." Đã có xảy ra chuyện hiểu lầm gì đó giữa Huy Cận và Hoàng Đạo chăng? Huy Cận là nhà thơ lớn bậc nhất của văn học Việt Nam, lại chuyên xúc cảm vũ trụ...(15) Ô hay, thi hào thì vẫn là người!

Cái tâm nó bó cái tài
Nghĩ về Nhất Linh, Võ Phiến có lần viết: "chẳng qua cái tâm nó gây lụy cho cái tài"(16). YÙ nói hoạt động cứu nước, giúp nước của Nhất Linh làm ông không dành được toàn bộ thì giờ vào công tác văn nghệ, là việc mà ông ưa thích nhất.

Nhận định ấy mà đem nói về Hoàng Đạo, chắc chắn cũng có phần đúng.

Ít đúng hơn ở trường hợp Nhất Linh, là vì Hoàng Đạo dường như bẩm sinh thiên về hoạt động. Ông cũng thích văn chương, nhưng có lẽ không thích bằng người anh. Nhất Linh hoạt động thuần túy vì cái tâm, còn Hoàng Đạo hoạt động một phần vì thích hoạt động? Nếu nước không cần cứu, có lẽ ông cũng tìm một cách giúp nước cụ thể nào đó, chứ không hiến trọn thì giờ cho văn chương?

Văn nghiệp của Hoàng Đạo coi như bế mạc vào cuối năm 1940, khi ông bị Pháp bắt giam rồi đày lên Hòa Bình.(17) Tập Tiếng đàn nhà Đời Nay in năm 1941 hẳn gồm những truyện ông đã sáng tác trước khi gặp nạn.

Năm 1943 Hoàng Đạo bị Pháp giải về quản thúc ở Hà Nội. Năm 1946 ông bỏ sang Trung Quốc, hai năm sau mất đột ngột. Từ khi bị bắt giam đến khi mất, dường như ông không sáng tác thêm, tuy có lúc đã dành thì giờ ngẫm nghĩ một cách viết mới.(18)

Kể ra, ngay ở trong tù, người ta vẫn có thể viết chứ. Nhất Linh trong những năm bôn ba bên Tàu vẫn viết. Cái tâm của Nhất Linh bắt ông lo cứu nước, nhưng thỉnh thoảng nó lại nhường cho cái thiên hướng về văn nghệ nơi ông chút đỉnh thì giờ. Trong khi cái tâm của Hoàng Đạo luôn kết hợp với thiên hướng về hoạt động, khiến Hoàng Đạo không thể tập trung viết lách gì được?

Về cái tâm của người em kém may mắn của mình, Nhất Linh hẳn biết rõ hơn ai hết.

"Thuở ấy ở Sài Gòn cha tôi thường viết văn trong đêm khuya khoắt (...) Có đêm (...) có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Một người anh họ lớn tuổi hơn, ra dáng hiểu biết, giải thích: Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy!"(19)

Đàn ông hiếm khi khóc. Nhớ mà đến khóc, trong cái nhớ nhất định phải có không biết bao nhiêu cái thương.

Nhưng vẫn đủ dấu để thờ
Sự nghiệp sáng tác của Hoàng Đạo dĩ nhiên là dở dang.

Nhưng nó vẫn để lại được một số tác phẩm giá trị, một số "dấu vết" của tài năng xứng đáng để chúng ta bây giờ đem đặt lên bàn thờ văn học mà thờ, cùng với thành tích của những người đi trước khác.

Bàn thờ kích thước giới hạn? Thì đóng bàn khác to hơn. Hoặc cân nhắc thật kỹ xem có thể bưng bớt cái gì xuống được không!

Chứ để thiếu thế này, mà đành sao?

7 - 2008
(Để đọc thêm Thu Tứ, xin mời viếng trang GOCNHIN.NET.)
____________________

(1) Trong bài Một miền, Ba Dấu viết năm 2003, in vào sách Tìm tòi và suy nghĩ năm 2005.

(2) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, bộ năm quyển, nxb. Tân Dân in lần đầu ở Hà Nội năm 1942, nxb. Thăng Long tái bản lần thứ ba tại Sài Gòn năm 1960.

(3) Huy Cận, Hồi ký song đôi, quyển 2, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2003, tr. 266.

(4) Lại Nguyên Ân, Đọc lại người trước đọc lại người xưa, nxb. Hội Nhà Văn, Việt Nam, 1998, tr. 321.

(5) Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945), tám quyển, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, năm 1989.

(6) Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, nxb. Văn Hóa, VN, 1999.

(7) Trong phần "Tiểu thuyết", Vũ Ngọc Phan phê bình cả truyện dài lẫn truyện ngắn của một tác giả. Vậy không phê bình Tiếng đàn là vì thấy không "cần", chứ không phải vì đây không phải chỗ.

(8) Xem Nhìn Sao Nói Vậy và Ngôn Ngữ trong Tìm tòi và suy nghĩ (2005).

(9) Chữ Hoài Thanh dùng khi viết về thơ Nguyễn Bính trong Thi nhân Việt Nam.

(10) LNÂ, sđd., tr. 137.

(11) Khi tiếc HĐ không viết tiếp, VNP còn đưa ra một lý do nữa: là nếu thế thì tác phẩm mới cân đối. Tại sao truyện phải cân đối?!

(12) Tuyển tập Võ Phiến, nxb. Người Việt, Mỹ, 2006, trang 1025.

(13) Xem Nguyễn Thị Thế, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, nxb. Văn Hóa Ngày Nay, Mỹ, 1996.

(14) Nói thế không hề có ý bảo là họ đã không có hạnh phúc trong hôn nhân. Hãy nghe Vũ Trọng Phụng lý luận qua ông phán Hòa trong Lấy nhau vì tình: "Lấy nhau vì cha mẹ hỏi cho cũng có thể có hạnh phúc đưọc lắm (...) Ai dám bảo các cụ khổ cả? Ai dám bảo các cụ không yêu quý nhau hơn cả những bạn trẻ lấy nhau vì tình đời bây giờ? Các cụ thì giữ được gia đình êm ấm, mà các bạn nam nữ bây giờ thì chỉ thấy bỏ nhau choành choạch".

(15) TT, xem chú thích 1.

(16) TTVP, tr. 1035.

(17) Đặng Thơ Thơ, "Hoàng Đạo - tiểu sử và sự nghiệp văn hóa", trang damau.org, chuyên đề về Hoàng Đạo, ngày 22-7-2008.

(18) ĐTT, xem chú thích 15.

(19) Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh cha tôi, nxb. Văn Mới, Mỹ, 2006, tr. 260.