Chim Việt Cành Nam           [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ]

Hoa đào năm trước

Thu Tứ

Mùa xuân, hoa đào...
Cửa kia năm trước ngày này
Người vay hoa thắm hoa lây má hồng
Người hoa giờ biết đâu trông
Hoa không người vẫn gió đông cợt đùa.(1)
(Thơ Thôi Hộ, Thu Tứ dịch)
Bài thơ cũ mười mấy thế kỷ, nhưng cảnh và tình trong thơ vẫn chưa cũ. Mới hồi tiền chiến, ở ta còn có người gặp cái cảnh ấy và "cảm xúc mãnh liệt" cái tình ấy.

Nguyễn Hiến Lê kể:

"Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (...)

Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Đề Tích Sở Kiến Xứ.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.

Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước."(2)

Kỷ niệm thú vị thay!

Về thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ, Nguyễn Hiến Lê cước chú:

"Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác:

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Ai có tài dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm."(3)

Đầu năm Nhâm Thìn 2012, cái bài thơ dịch "đầu ai, cuối Nguyễn Du" mà Nguyễn Hiến Lê ao ước hình như vẫn chưa ra đời.

_______________

(1) Nguyên tác:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch nghĩa:
Ngày này năm ngoái ở giữa cửa kia
Mặt người (đẹp) và hoa đào chiếu ánh hồng lên nhau
Người đẹp bây giờ không biết ở đâu
Hoa đào vẫn cười với gió đông y như năm ngoái.
(Gió đông đây là gió phương đông, tức gió xuân.)
(2) In trong Để tôi đọc lại, nxb. Văn Học, VN, 2001, đăng trên trang gocnhin.net.

(3) Không biết Nguyễn Hiến Lê đã đọc những bản dịch nào. Đây một số bản tương đối phổ biến:

Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông. (Trần Trọng Kim)

Hôm nay năm ngoái cổng này,
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người.
Mặt người đã ở đâu rồi ?
Hoa đào nay vẩn còn cười gió đông. (Trần Trọng San)

Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu? đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây. (Tương Như)

Có điều này lạ. Tản Đà dịch nhiều thơ Đường, thế mà hình như chưa dịch bài rất nổi tiếng này...