Chim Việt Cành Nam           [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ]

HUY CẬN NGHĨ VỀ THƠ

Thu Tứ

Nghe Bụt chùa nhà
Lao động nghệ thuật
Thơ ca di dưỡng tinh thần
Rung động thơ
Sự đầu thai của một tứ thơ
Vai trò của trạng từ trong câu thơ
Trí nhớ trong sáng tạo văn học
Các cụ ta xưa kia sống cái triết Đông chứ không suy luận miên man về triết Đông. Các cụ ta xưa kia làm thơ chứ không lý luận miên man về thơ.

Không luận liếc gì cả, nhưng các cụ sống, nói như Phạm Quỳnh, khiến "ta thật đáng thờ (...) làm ông cha".(1) Không luận liếc gì cả, nhưng các cụ thơ "động đất trời"...(2)

Chưa gặp Tây, người Việt Nam coi như chỉ sống và thơ. Gặp Tây, thấy Tây luận say sưa, thỉnh thoảng ta cũng luận tí cho vui, sau khi đã sống và thơ thật đã đời. Sau hơn nửa thế kỷ sáng tạo, Huy Cận có gửi lại cho hậu thế chút suy nghĩ về nghệ thuật.(3) Cái nghĩ nói chung thấu đáo mà cách diễn cái nghĩ nhiều chỗ cũng thú vị ghê. Ai ưa luận vì luận thì đi nghe Bụt ở... Tây phương, còn ai thích luận vì thơ thì đây tiếng "Bụt chùa nhà"!

Nghe Bụt chùa nhà

"Cha ông" mà Huy Cận nói đây cụ thể là một người xưa nào đó đã phát biểu rằng "Văn chương là tiếng chim gọi đàn".

Đối với chúng ta bây giờ, Huy Cận chính là bậc "cha ông". Vậy ta hãy chú ý lắng nghe "Bụt" Lửa Thiêng "thuyết thơ".

--------

Chúng ta ngày nay có dịp tiếp xúc với nhiều lí luận văn nghệ của các nước (...) điều ấy rất bổ ích cho sự nghiên cứu, tìm tòi của chúng ta. Nhưng thiết tưởng cũng cần tìm hiểu (...) những suy nghĩ, những tổng kết của cha ông về văn học, nghệ thuật. Chả lẽ bụt chùa nhà thì cứ phải kém thiêng!
Lao động nghệ thuật

Nghệ phẩm có xác và hồn.

Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, xác và hồn cùng lớn lên với nhau, ảnh hưởng qua lại. Chứ không phải là hồn đã lớn sẵn từ đầu và trơ trơ trong khi nghệ sĩ làm xác.

Một cảm nghĩ hết sức mơ hồ chợt hiện ra thành vài câu thơ rất đỗi vu vơ. Những câu thơ đầu tiên ấy giúp cảm nghĩ trở nên rõ ràng hơn một chút, hiện ra thành những câu thơ bớt vu vơ hơn một chút, rồi những câu thơ mới này lại giúp cảm nghĩ trở nên rõ ràng hơn chút nữa v.v.

Nghệ sĩ sáng tạo, không phải chỉ làm xác mà làm cả hồn!

---------

Nếu như lao động sáng tạo ra con người, thì lao động nghệ thuật sáng tạo ra con người nghệ sĩ... Người nghệ sĩ phải tự tạo luôn luôn thì mới sáng tạo được tác phẩm. Tự tạo bằng cách tự nhào nặn mình trong cuộc sống, qua hành động, và cũng tự nhào nặn thường xuyên qua lao động nghệ thuật nữa. Chính lao động nghệ thuật ấy tiếp tục sáng tạo ra nội dung, sáng tạo ra tâm hồn. Không phải rằng lúc ta đến bàn viết, lúc ta vào xưởng vẽ là ta đã có sẵn, hoàn chỉnh, tác phẩm trong đầu và chỉ còn cái việc thể hiện ra bằng tay vẽ, tay viết. Làm như là đã mang sẵn tác phẩm trong tâm trí và chỉ việc phiên dịch ra bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng chữ hay bằng nét vẽ hoặc màu sắc! Trăm lần không phải như vậy! Lúc anh ngồi vào bàn hay vào xưởng, anh chỉ mới có cái "khung", chỉ mới có một niềm xúc động. Nhưng anh còn phải lao động đổ mồ hôi để cụ thể hóa niềm xúc động ấy, để cho niềm xúc động ấy đầu thai vào những hình tượng, thành những hình tượng. Anh còn phải vật lộn trầy xương với cái vật chất của chữ, của vật liệu, của đường nét, của màu sắc, của âm thanh, làm cho cái vật chất ấy chịu nói cái tâm hồn mà anh cảm thấy đang hình thành, mà không có vật chất ấy thì cái tâm hồn kia cũng không hình thành được (...)

Một nhà phê bình (...) thường đơn giản hóa vấn đề đi, không thâm nhập vào quá trình biện chứng của việc sáng tạo nghệ thuật, cho nên không bắt được phép biện chứng của sự sáng tạo.

Yêu thay Nguyễn Du (theo người ta kể) trăm lần viết lên cánh cửa những câu thảo của Truyện Kiều, xóa đi, chữa lại (...)

Thơ ca di dưỡng tinh thần

Làm hay đọc một bài thơ hay, đều được sướng.

Nhưng người làm thơ sướng nhiều hơn người đọc thơ.

Vì ngoài cái sướng trong tư cách một người đọc bài thơ đã làm xong (thi sĩ cũng là một độc giả của thơ mình), người làm thơ trước tiên có cái sướng trong khi sáng tạo. Ồ, trông thấy tận mắt một cảm nghĩ hết sức mơ hồ nhờ sự cố gắng và năng khiếu của mình mà hiện ra thành lời, lớn dần, chín dần thành một bài thơ giá trị, sướng để đâu cho hết!

Kẻ trồng cây sướng hơn người chỉ ăn quả, như thế cũng là lẽ công bằng.

----------

Các cụ ta ngày xưa thường nói "thơ ca di dưỡng tinh thần". Đúng lắm! (...) (Thơ giá trị chứa) một trạng thái tâm hồn, hơn thế nữa, một trạng thái tâm thần (...) cởi mở, thư thái mà sôi nổi, hào hứng mà lắng trong, một trạng thái toàn diện trong đó ý và tình đều như đang sinh ra, đang nhú lên, tình đang đọng thành ý, ý còn mang tất cả cái rung động của tình, một trạng thái tinh khôi, sáng tạo. Tâm thần được nuôi nhiều bằng (thứ) trạng thái ấy. Đúng là một chất di dưỡng cho tâm hồn. Có cái gì giống như là trái đang chín cây, chứ không phải chín dú. Trạng thái đang chín đó đã truyền từ tâm hồn người làm thơ, qua cơ thể bài thơ, câu thơ. Bởi một bài thơ hay là một cơ thể sống trong đó ý và tình, cảm giác và cảm tưởng, chữ và nhịp, hình tượng và nhạc điệu, tất cả đều tồn tại trong một thể thống nhất, gây thành một xúc động thống nhất, toàn diện. Tóm lại là một hiện tượng của sự sống, không phải là một sơ đồ. Hiện tượng ấy là một hiện tượng cởi mở, đón chờ, đang chín, thuận cho mọi sự thai nghén, tụ thành.

Cho nên có những điều kỳ lạ, tưởng như mâu thuẫn, lúc nhà thơ đang làm thơ và lúc độc giả đang đọc thơ, đang hưởng thơ. Ví dụ: làm hoặc đọc một bài thơ về đau khổ, về nỗi dằn vặt của tâm hồn, hay nung cháy tâm can. Theo lý luận thông thường thì lúc đó nhà thơ hay người đọc thơ phải ở trạng thái đau khổ, dằn vặt. Nhưng không! Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái trái đang chín cây. Người đọc thơ được di dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau khổ trong đáy tâm hồn mình.

Rung động thơ

"Nỗi-niềm-tinh-vân", so sánh hay và đẹp quá!

Nhưng khi Huy Cận bảo "Thưởng thức thơ là phải biết sống lại (...) quá trình từ nỗi-niềm-tinh-vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ", thì e rằng ông đã đòi hỏi quá nhiều nơi người thưởng thức.

Chẳng những độc giả không tài nào "sống lại" quá trình sáng tạo của thi sĩ, mà chính thi sĩ có lẽ nói chung cũng khó thực sự sống lại được cái quá trình sáng tạo một bài thơ nào đó của mình!

Lần trước nói thi sĩ sướng nhiều hơn độc giả vì đã sướng ngay từ lúc còn đang sáng tạo. Lần này xin nói thêm rằng cái sướng "đầu tiên" ấy có lẽ nói chung chỉ hưởng được có đúng một lần.

Trong khi cái sướng thưởng thức bài thơ làm xong thì cứ mỗi lần đọc lại là mỗi lần hưởng lại!

----------

Rung động làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng loại với rung động của tình yêu. Bắt đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu của một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi-niềm-tinh-vân. Bắt đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời sẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn. Bắt đầu là tinh vân, tinh vân đọng lại mới hình thành mặt trời, mặt trăng và các hành tinh... Từng câu, từng lời cũng như những hành tinh, mặt trời, mặt trăng đọng lại từ tinh vân nguyên thủy.

Thưởng thức thơ là phải biết sống lại quá trình ấy, quá trình từ nỗi-niềm-tinh-vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Biết sống lại quá trình tác tạo ra một bài thơ là "hiểu", là xúc động thơ từ bên trong một cách biện chứng. Cho nên người thưởng thức thơ ít nhiều cũng có hồn thơ như vậy.

Nói nỗi-niềm-tinh-vân, có phải là huyền bí hóa rung cảm thơ, của người làm nghệ thuật không? Thực ra không có gì là huyền bí, vì nỗi-niềm-tinh-vân ấy cũng là do một quá trình tích lũy lâu dài của người làm thơ, của người làm nghệ thuật mà có được; tích lũy vốn sống và cuộc sống, tích lũy hình tượng nó là tín hiệu sống, giữa vạn vật và cuộc đời với tâm hồn thi sĩ và nghệ sĩ. Tích lũy càng giàu, càng nặng thì nỗi-niềm-tinh-vân càng phong phú, càng thiên biến vạn hóa, và xúc động thơ, xúc động nghệ thuật càng muôn vẻ, muôn màu, bồi hồi sự sống. Hiểu được như vậy sẽ giúp ta giảng dạy văn học đi vào bề sâu của tâm hồn, và bề sâu của tác phẩm.

Sự đầu thai của một tứ thơ

Đọc Huy Cận sau đây, chợt nghĩ tới chuyện dịch thơ.

"Hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào nhau làm một"...

Hai cái quyện nhuyễn làm một, nên hễ đụng tới cái này là đụng luôn tới cái kia, mà dịch là đụng hết sức mạnh tới xác, là thay hẳn xác, tức không đừng được cũng là thay hẳn hồn. Vậy bài thơ dịch không có chút liên hệ gì với bài thơ nguyên tác hay sao?

Không hẳn như thế. Hồn của một bài thơ là một "tổng thể xúc động" trong đó có tứ. Bài thơ dịch có liên hệ với bài thơ nguyên tác vì hồn của nó chứa tứ của nguyên tác.

--------

Sự đầu thai của một tứ thơ vào một thể lọai thơ, vào những hình tượng thích ứng, đó là một quá trình hào hứng và rộn rực, có khi dằn vặt. Một quá trình có qui luật của nó. Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức, thể lọai nào. Trong đời làm thơ của tôi, có mấy lần tôi phải thay áo cho thơ, phải đổi thể lọai thì tứ thơ mới bật ra được.

Ví dụ: bài Đẹp Xưa trong tập Lửa thiêng lúc đầu làm theo thể Đường luật:

"Ngập ngừng mép núi đường quanh co
Quán đứng chơ vơ ngọn lá đưa
Gió hút về ngàn vi vút mãi
Dạt sườn thung lũng hàng lau thưa..."

Đọc nhám mãi, thấy còn nhẹ quá, có cái gì hẫng, không đạt được cái đẹp xưa trong cảnh sắc tâm hồn và tạo vật. YÙ thì không có gì thay đổi nhưng điệu thơ, âm hưởng của câu thơ thì thử phổ lục bát xem sao:

"Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon...
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
Chơ vơ buồn lạc quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người".

Rõ ràng là trong trường hợp này, lần đầu thai sau đúng chỗ hơn: bài lục bát thơ đọng hơn bài Đường luật.

Bài Tràng Giang trái lại, lúc sơ khai lại muốn là một bài lục bát và tên nguyên thủy của nó là Chiều Trên Sông. Nhưng cái nhịp điệu Đường luật đến ám ảnh ngay sự xúc động của tác giả và đặc biệt cái nhịp láy của sóng nước, của thuyền nan đã đầu thai ngay thành nhịp láy của ngôn ngữ:

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song"

và cái xao động của cảnh chiều, của sông nước nhập thành cái xao động của cuộc đời. Bài thơ tưởng là tả cảnh, thật sự là tả tâm hồn, mang ý nghĩa tượng trưng rất tự nhiên, bằng cái lô-gíc bên trong của nó.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sầu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Xác và hồn, hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào nhau làm một. Khi ta đụng vào xác, sửa đổi một tí trong xác làm ảnh hưởng đến hồn của bài thơ, ấy là một dấu hiệu của thành công. Còn như thay đổi vần điệu, câu chữ, thậm chí thay đổi cả thể loại mà cảm thấy hồn thơ, tứ thơ không bị ảnh hưởng gì, thì đó một điều đáng lo.

Nội dung quyết định hình thức, có nghĩa là phải tìm cho ra hình thức thích hợp để cho nội dung đầu thai thành máu thịt của tác phẩm, chứ không có nghĩa xem nhẹ sự sáng tạo hình thức. Không có hình thức đẹp thì lấy đâu cho nội dung đẹp tồn tại! Xin nhớ rằng nội dung của tác phẩm nghệ thuật không chỉ là ý, mà là cả một tổng thể xúc động của tác phẩm.

Vai trò của trạng từ trong câu thơ

Những chữ mà Huy Cận gọi chung là "trạng từ" thực ra thuộc hai nhóm từ khác nhau.(4)

"Nao nao" là từ cụ tượng hữu cảm, vì nó vừa mô tả vật cụ thể vừa chứa cảm xúc của người nhìn. "Bâng khuâng" là từ trừu tượng cảm xúc, vì nó không tả vật cụ thể nào hết mà chỉ chứa cảm xúc.

Hai nhóm từ vừa nói trên nếu người làm thơ khéo dùng thì sẽ có "hiệu quả (...) vô cùng lớn lao" đối với giá trị nghệ thuật của câu thơ.

Từ lâu tiếng Việt đã hết sức giàu hai nhóm từ ấy!

Vật liệu thơ đã sẵn sàng, chỉ cần chờ... Nguyễn Du múa bút khiến chúng kết lại với nhau thành tuyệt phẩm văn chương!

---------

Trong câu thơ, mỗi chữ, mỗi tiếng không chỉ mang cái nghĩa nguyên sơ của nó, cái nghĩa định trong từ điển của nó, mà thấm nhuần cái sức xúc cảm của chữ bên cạnh, của chữ láng giềng; chữ trước nó và chữ sau nó tỏa điện vào nó, biến nó thành một nghĩa mới, mang cảm xúc mới. Đây không phải là một vấn đề hình thức mà thôi. Sở dĩ có hiện tượng truyền điện như vậy là do có một luồng điện, tức là ý thơ, hồn thơ nó chạy suốt qua câu thơ. Vì vậy trong một câu thơ có một độ tối ưu để sắp xếp các chữ, các ý. Nếu tham nhét nhiều thứ quá, nhiều tính từ quá vào một câu thơ thì tăng điện trở, tăng chướng ngại vật, luồng điện thơ không qua được. Cũng vì vậy mà trạng từ có vai trò đặc biệt, trạng từ có sức dẫn điện cao. Vì sao? Phải chăng trạng từ nói lên dáng dấp của sự vật, dáng dấp của tâm hồn. Mà cái dáng dấp ấy linh hoạt lắm. Khéo dùng trạng từ thì câu thơ dễ truyền đạt cho ta trạng thái tâm hồn thông qua trạng thái sự vật.

"Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh".

"Nao nao", "sè sè", "rầu rầu", vẽ lên dáng dấp rất khó tả của buổi chiều thanh minh và nàng Kiều lần đầu tiên gặp bóng dáng của số mệnh:

"Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa".

Hai tiếng "bâng khuâng", "ngậm ngùi" có thể là tính từ, nhưng thực chất là trạng từ. Nếu tính từ thì cũng đã trạng từ hóa. Dáng dấp của tâm hồn chàng Kim nhớ mối tình đầu với nàng Kiều trong buổi sum vầy trở lại "tình nhân lại gặp tình nhân", chỉ cần hai trạng từ là nói được đầy đủ.

Dáng dấp của một hồn ma cũng vẽ được dễ dàng:

"Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa".

Trạng từ thật là chiếm ưu thế để mô tả dáng dấp sự vật và tâm hồn, đến nỗi trong câu thơ Việt có xu hướng trạng từ hóa tính từ:

"Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".

Nhân đây có một nhận xét: Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du rất tiết kiệm dùng tính từ; không phải là không dùng, nhưng dùng rất dè dặt, rất cẩn thận, rất tiết kiệm. Trái lại trạng từ lại được dùng nhiều. Cũng có khi đáng lẽ dùng một tính từ thì Nguyễn Du mô tả dưới dạng động của sự vật. Ví dụ:

"Sương in mặt, tuyết pha thân"

để nói cái màu trắng thực thực hư hư của hồn ma Đạm Tiên.

"Làn thu thủy nét xuân sơn"

cũng theo một bút pháp ấy.

Nhớ câu ca dao:

"Mưa lâm thâm ướt đầm lá hẹ
Em thương một người có mẹ không cha".

Trạng từ "lâm thâm" thấm vào tâm hồn chúng ta còn hơn là mưa.

Dáng dấp của sự vật, tâm hồn... Cho nên dùng trạng từ rất khó. Nhưng dùng đúng thì hiệu quả xúc cảm vô cùng lớn lao.

Trí nhớ trong sáng tạo văn học

Có lẽ có thể nghĩ như thế này: Đối diện thực tại, giác quan thu hình ảnh rồi tâm hồn nẩy sinh ấn tượng về hình ảnh. Nhớ có thể là nhớ hình ảnh, có thể là nhớ ấn tượng, có thể cả hai.

Làm nghệ thuật cần ấn tượng. Nếu mất ấn tượng mà còn hình ảnh (trong trí nhớ hoặc sổ tay), có thể ngắm hình ảnh để cố nhớ ấn tượng.

Kể ra, có thể ngắm hình ảnh cũ mà nẩy ấn tượng mới, nhưng thường thì nếu việc xẩy ra lâu rồi khi ngắm lại hình ảnh cũ ta chỉ... trơ mắt ếch chứ không cảm thấy thế nào cả.

Nếu không nhớ nổi ấn tượng cũ, cũng không sinh nổi ấn tượng mới, thì đành không làm được nghệ thuật.

---------

Trí nhớ cũng cần cho sáng tạo văn học, vì trí nhớ (...) tích lũy vốn sống, chất liệu của nghệ thuật (...) Phải trau dồi trí nhớ. Sổ ghi chép là cần thiết, nhưng không đủ, nếu không có trí nhớ làm gốc (...) Có hai loại trí nhớ (...) hay đúng hơn là hai cách nhớ: Một là nhớ các sự việc, chi tiết của sự việc, có khi cả chi tiết tỉ mỉ (...) bên cạnh (...) còn cách nhớ trạng thái tâm hồn của chính bản thân tác giả lúc sự việc (...) đang xảy ra (...) Có lẽ cách thứ nhất cần nhiều cho người viết tiểu thuyết, và cách nhớ sau cần cho người làm thơ nhiều hơn (...) lúc làm bài thơ là lúc phải sống lại đầy đủ xúc động của tâm hồn (...)

chỉ có thể làm thơ tình yêu vào lúc đang yêu, kể cả lúc làm thơ hoài niệm về tình yêu, vì hoài niệm là còn yêu, là yêu nuối, là ngọn lửa tình yêu bừng dậy một lần nữa, có thể để rồi tắt ngóm. Khó tưởng tượng một nhà thơ làm thơ tình yêu bằng cách mở các "ký họa" về tình cảm mà nhà thơ đã ghi chép được trước đây (...)

rèn luyện trí nhớ nói cho cùng là tích lũy vốn sống một cách cần mẫn, làm cho quá khứ luôn luôn sống trong cơ thể, trong tâm hồn.

______________

(1) Phạm Quỳnh, "Luận về quốc học", Nam Phong số 163, 6-1931.

(2) Tố Hữu về Nguyễn Du: "Tiếng thơ ai động đất trời / Nghe như non nước vọng lời nghìn thu".

(3) Tất cả những đoạn trích dẫn đều từ Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi.

(4) Xem bài Tương Lai Từ Vựng Tiếng Việt của TT, đăng trên trang gocnhin.net.