Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Xuân Diệu 
(Tuyển  2)

Thu Tứ

Thơ thơ (1938)
- Chiều
- Xa cách
- Đây mùa thu tới
Gửi hương cho gió (1945)
- Lời thơ vào tập
- Xuân đầu
- Hoa đêm
Thơ sau 1945
- Mãi mãi
- Đi núi
- Đời anh em đã đi qua
- Cây đời mãi mãi xanh tươi
- Hoa anh ơi
- Đứng chờ em
Chiều

Bài thơ sau đây đề tặng Nguyễn Khắc Hiếu.

Có thể chỉ tình cờ, có thể Xuân Diệu đã cố ý chọn một bài tương đối ít "Mới" của mình khi nghĩ đến nhà thơ cũ...

Tuy làm theo thể lục bát và giọng không sôi nổi như điển hình "Thơ thơ", Chiều vẫn không tiện sắp chung vào với, chẳng hạn, Thề Non Nước.

"Bình cũ" nhưng "rượu mới", không biết Tản Đà cạn chén rồi có khà được một tiếng thưởng thức văn chương của hậu sinh chăng?

----

Hôm nay, trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạc còn vương máu hồng.
Nghe chừng gió nhớ qua sông,(1)
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
- Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn...

Xa cách

Em với anh đâu "cách" bằng cây số
Nên "xích" bao nhiêu, "xa" cứ bao nhiêu
Sao cho hồn một, đó mới là điều
Tuy dẫu một, vẫn "chứa đầy bí mật"!

----
 

Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút; anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh vẫn giận. Em mỉm cười vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "Em đây!"
Anh vui liền; nhưng bỗng lại buồn ngay
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.

Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.
- Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.
Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ,
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu anh những điều quá thực.

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng.
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
"Gần thêm nữa! thế vẫn còn xa lắm!".

Đây mùa thu tới

Này liễu chịu tang, này áo mơ phai, này lá run rẩy, này nhánh khô gầy... Rồi này trăng tự ngẩn ngơ, non nhạt sương mờ, rét luồn trong gió, đò vắng người sang, mây vẩn từng không, chim bay mất hút, khí trời u uất... "Mùa thu tới - mùa thu tới" như thế, trách sao "ít nhiều thiếu nữ...".

Nhưng như thế... việc gì đến Xuân Diệu? Ông là thi sĩ của mùa xuân, là con chim chuyên ca "bài ca sự sống"...

Có lẽ, khi người ta say đắm màu xanh, mà "sắc đỏ (và cả sắc vàng) rũa màu xanh" thì người ta khó khỏi động lòng...

Đọc thơ thu Mới, nhớ thơ thu cũ:

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...".

Mới hay, mà cũ cũng vẫn hay.

----

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...

Mây vẩn từng không, chim bay đi.
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.

Lời thơ vào tập Gửi hương

Năm 1938 Xuân Diệu xuất bản Thơ thơ, năm 1945 Gửi hương cho gió.

Tính cả hai thi tập, "con chim xanh" khi ấy đã "ngứa cổ hát chơi" lắm lắm bài độc đáo rồi, cái giọng "réo rắt" của nó đã vang khắp cả trời thơ rồi. May quá, vậy mà nó chưa "vỡ cổ", chưa "héo tim xanh", chưa "sa rụng giữa bình minh", sau đó vẫn còn tiếp tục "ca" thêm được mấy chục năm nữa.

Sau 1945 chim "hát" tuy có khác giọng đi, bớt "giục giã", bớt "vội vàng", nhưng nhiều lúc nghe vẫn rất dễ lọt tai, vào đến tận lòng!
 

----
 

Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi,
Khi gió sớm vào reo um khóm lá,
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời.

Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn,
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca.
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín;
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa.

Hát vô ích, thế mà chim vỡ cổ,
Héo tim xanh cho quá độ tài tình.
Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ,
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh.

Tôi réo rắt, chẳng qua trời bắt vậy.
Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo.
Gió đã thổi, cho nên buồn phải dậy;
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo!

Nghiệp tài tử nghìn xưa đông lắm chắc;
Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên
Cảm nếp trán của người lo sáu khắc,
Thương năm canh nước mắt những ai phiền.

Nghề lựa chữ, thôi một trò trẻ nhỏ!
Dăm câu vui đắp đổi với câu sầu;
Sương với bóng, không nghĩa gì tỏ rõ;
Xin đừng cười! đời có nghĩa chi đâu?

Tiếng tôi hát chẳng làm ai tươi nở,
Nhưng sách này, tôi để cả trái tim;
Giở cho khéo, kẻo lòng tôi động vỡ;
Hồn người tình mỏng lắm, xếp cho êm!

Nắng cũ phai rồi, lòng tôi vẫn cất
Một chiều ong vàng đẹp sắc năm mây.
Xuân vội bước, nhưng mà hương chẳng mất:
Tôi với tay giam giữ ở trong này.

Nếu trang giấy có động mình tuyết bạch,
Ấy là tôi dào dạt với âm thanh.
Hồn thắc mắc vẫn đi về với sách,
Dưới tay ai xem lại nỗi lòng mình.

Vâng, đáng lẽ làm xong tôi giữ lấy;
Vui gì đâu mà đưa đẩy dương tranh,
Nhưng, cũng lạ! nỗi tình đau khổ ấy,
Ðể riêng tây, như có chỗ không đành.

Thôi thì đó, nói cùng nhau cho thỏa.
Ai có thương thì tôi cũng cảm ơn,
Ai có ghét, tôi cũng cười khuây khỏa;
Lỗi vì tôi, tôi đâu dám giận hờn.

Nhưng nghĩ lại: sống vẫn là hơn chết;
Gần hơn xa; yêu mến ngọt ngào thay!
Nên, thú thật, tôi mong nhiều kẻ biết
Xem nhiều thơ và nhớ lại nhiều ngày.

Và nghĩ ngợi: "Ai mà ai oán thế!
Ở nơi đâu mà giọng nói tiêu tao!"
Thưa, một kiếp ai không từng nhỏ lệ!
Ta cùng buồn: mơn trớn vuốt ve nao!

Và hãy yêu tôi, một giờ cũng đủ,
Một giây cũng cam, một chút cũng đành;
Khổ tôi hát, loài người xin chớ phụ!
Cô hãy dịu dàng; chầm chậm, thưa anh!

Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp!
Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau.
Trông thấy nghìn môi rượu mùa ăm ắp,
Tôi sẽ vui được có tấm lòng sầu.

Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi;
Hãy nghe lấy. Còn như sao rỉ rả,
Hỏi làm chi! Tôi không biết trả lời.

Xuân đầu

Nhầm sao được cái giọng thơ sôi nổi ấy! Thường sôi rồi nguội nhưng thơ tình Xuân Diệu không nguội mà cứ tiếp tục sùng sục chực... trào, hết bài này sang bài khác, cho đến mãi Cách mạng tháng Tám mới bắt đầu giảm nhiệt độ.

Xuân biết bao xuân nhưng với Xuân chỉ một xuân đầu là đáng kể. Xuân không cần dài, vì chỉ "một phút nhìn nhau" là đã "vô cùng"...

Ờ, mà sao tên khai sinh của nhà thơ lại hợp với thơ thế nhỉ. "Xuân Diệu" là cái vẻ tươi đẹp diệu kỳ của mùa xuân. "Thiêng liêng quá"!

----

Trời xanh thế! hàng cây thơ biết mấy!
Vườn non sao! đường cỏ mộng bao nhiêu!
Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy,
Khi Chàng Kim vừa được thấy Nàng Kiều.

Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ,
Trở về đây! và đem trở về đây
Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử,
Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây.

Và nhạc phất dưới chân mừng sánh bước;
Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi;
Tà áo mới cũng say mùi gió nước,
Rặng mi dài xao động ánh dương vui.

Thiêng liêng quá, những chiều không dám nói,
Những tay e, những đầu ngượng cúi mau;
Chim giữa nắng sao mà kêu đến chói!
Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau.

Hoa đêm

Vì "trăng mối lái phủ màng tơ ảo mộng", mọi thứ trong đêm bỗng hóa người. Hoa là "họ" là "nàng", giây phút là "đoàn", gió là "chàng" là "công tử"...

Vẫn dưới "màng tơ ảo mộng" của trăng, các ghi nhận của giác quan bỗng trở nên lẫn lộn, khó phân biệt: "tiếng" bỗng "thơm", "âm điệu" bỗng như "màu sắc"...

Nhớ Hàn Mặc Tử. Cái ánh trăng - "ánh nguyệt tuôn trời" -, nó khiến một số tâm hồn Bình Định bỗng như... mọc cánh, tung cánh tìm lên "cõi xa bay"!

----

Chen lá lục, những búp nhài mở nửa,
Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh.
Vì gió im, và đêm cứ làm thinh.
Đoàn giây phút cũng lần khân nghỉ đã.
Trăng ở đó; đất vườn thêu bông lá;
Trời trên kia vàng mạ, sáng như băng;
Lá lim dim trên mấy ngọn bằng-bằng;
Cành lả lả tưởng chờ ai đón đẩy.
Ôi vắng lặng!
Trong giờ mơ ngủ ấy,
Bỗng hoa nhài thức dậy, sánh từng đôi;
Hoa nhài xanh, dưới ánh nguyệt tuôn trời,
Ánh nguyệt trắng trên hoa nhài đúc sữa.

Sao họ khéo nõn nà mà bỡ ngỡ,
Những nàng hoa chờ đợi gió phong lưu;
Chiều khả liên áo mới, khẽ nghiêng đầu,
Mỗi cánh bướm yêu yêu thân tuyết bạch.
Nguyệt lác đác tiếng nở dòn lách tách
Lòng phơi phới chừng đợi cái ong châm;
Miệng thở ra hương, hương tỏa tình ngầm,
Hoa kỹ nữ đã mở lời trêu ghẹo.

Chàng gió lại đi khuya ngoài khuất nẻo,
Nghe tiếng thơm, liều liệu đến tìm hương.
Cánh-du-lang tha thướt phất qua tường,
Áo công tử giải là vương não nuột.
Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt,
Thoảng tay tình gió vuốt bỗng lao đao:
- Hương hiu hiu, nên gió cũng ngọt ngào,
Hôn nhỏ nhỏ mà đầu hoa nặng trĩu.

Là màu sắc hay chỉ là âm điệu?
Là hương say hay chính ấy rượu thơm?
Gió canh khuya hay nghìn ngón tay ôm?
Trăng mối lái phủ màng tơ ảo mộng...
Gió chắp cánh cho hương càng tỏa rộng,
Xốc nhau đi vào khắp cõi xa bay
Và hương bay, thì hoa tưởng hoa bay...

Mãi mãi

"Mãi mãi là trong những phút giây"?

Thì cũng như:

"Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau".(2)

Và như "thà một phút huy hoàng rồi chợt tối".(3) Tối là chỉ bên ngoài chứ bên trong lòng người thì mãi mãi "huy hoàng"...

"Diệu Xuân mãi mãi hôm nay,
Thơ thơ nở rộ cuồng say một đời"!

Bài này tuy xuất bản năm 1949 nhưng rõ ràng thuộc vào mạch tiền chiến. Thể song thất lục bát rất hiếm trong thơ Mới, càng hiếm trong thơ Mới của Xuân Diệu. "Mãi Mãi" đem ra ngâm nga, thấy quả nhiên rất hợp.

----

Vâng, anh sẽ yêu em mãi mãi;
Mãi mãi là trong những phút giây...
Sắc hồng mãi mãi hôm nay,
Hoa sim nở rộ cuồng say một đồi;

Em nói nhỏ: "Hỡi người yêu dấu,
Hãy yêu em mãi mãi nghe anh!"
Say sưa anh cũng dặn tình:
"Yêu anh mãi mãi nghe! mình yêu anh."

Hoa nửa buổi muốn thành vạn thuở,
Lòng một đời tính độ ngàn năm;
Sông trôi núi lở âm thầm,
Ðường đi vũ trụ có cầm được đâu!

Nhưng ta sẽ yêu nhau mãi mãi...
Mãi mãi là trong những phút giây;
Lâu dài là bóng, là mây,
Là môi kỳ ngộ, là tay hảo cầu.

Mãi mãi ở trong câu hò hẹn;
Mãi mãi trong ý nguyện bình sinh;
Thời gian không phải của mình,
Tính chi mãi mãi bằng tình tháng năm?

- Vâng, anh sẽ yêu em mãi mãi,
Trong phút giây ân ái muôn đời.
Mai kia dù có rẽ rời,
Đôi ta đã mãi mãi ngồi bên nhau.

Đi núi

Tưởng tượng một người "da vang nắng ngàn", "giọng pha tiếng suối", "mắt say trời xanh", hai tay bưng đầy... gió, hai chân "từng bước khẽ, dìu dặt tới người thương"! Xuân Diệu đó.

Định tìm xem năm "đi núi" Xuân bao nhiêu tuổi mà còn tình tứ thế, nhưng sực nhớ: "Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng".(4)

----

Em! Anh đi núi về
Ðầu còn ngân gió núi,
Da còn vang nắng ngàn,
Giọng còn pha tiếng suối.

Em! anh từng bước khẽ
Tay bưng đầy gió hương;
Có cả hoa ngô núi
Lay cờ trong lũng sương;

Có cả hoa chuối rừng
Đỏ lóe trên lùm biếc.
Em! anh đi núi về
Gặp mây đèo quấn quít.

Trời xanh trên những đỉnh
Đã bọc cả người anh;
Trên cao nhìn biển núi
Mắt hãy còn say xanh.

Băng cao lại vượt mau
Núi non một tháng trường;
Hôm nay từng bước khẽ
Dìu dặt tới người thương.

Đời anh em đã đi qua

"Em đi, anh ngóng trông chừng
Anh về, miệng đã gọi lừng: em ơi!".

Em đi qua đời anh "sáng thơm như một luồng hoa", vậy mà anh không giữ em lại được, tiếc quá.

Không biết chuyện gì đã xảy ra khiến ân tình chỉ vỏn vẹn "bốn năm kỳ diệu". Chỉ biết sau khi bị đẩy ra khỏi "thiên đường cõi trần", sau khi "lại khép trời xanh", thì Xuân Diệu tiếp tục "sống bằng nhớ lại nguồn vui (...) khi ôm cả đất trời cùng em". Em đi mất rồi, nhưng em đã "chất cho anh biết bao nhiêu" "ánh hương" đủ "thơm thanh suốt đời". "Muôn vàn cảm tạ em yêu"!

----
 

Đời anh em đã đi qua
Sáng thơm như một luồng hoa giữa đời
Hiểu làm sao hết, em ơi
Bốn năm kỳ diệu, đất trời, nhờ em.
Ngôi nhà cánh cổng trái tim
Khóm cây, con mắt ngày đêm đón mừng.

Em đi, anh ngóng trông chừng
Anh về, miệng đã gọi lừng: em ơi!
Bữa ăn thành một hội vui,
Có em gắp với, rau thôi cũng tình;
Cảnh thường cũng hóa ra xinh;
Có em, anh hết ngẫm mình bơ vơ.

Bốn năm đầm ấm say sưa,
Tình yêu có biết hạn bờ nào đâu.
Bốn năm nhưng cũng qua mau,
Cõi trần ai được ở lâu thiên đường!
Giã từ, từ biệt đôi phương
Ðôi nơi, đôi ngả, đôi đường, khổ anh!

Bốn năm lại khép trời xanh
Nhớ em như một mộng lành mà thôi.
Từ đây anh lại trong đời
Bữa cơm ngồi với một đôi đũa cầm,
Giường kia một bóng anh nằm;
Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều.

Muôn vàn cảm tạ em yêu
Chất cho anh biết bao nhiêu ân tình!
Ai hay anh đã để dành
Ánh hương một thuở thơm thanh suốt đời?
Sống bằng nhớ lại nguồn vui,
Nhớ khi ôm cả đất trời cùng em... (Thanh Hóa 23-6-1965)

Cây đời mãi mãi xanh tươi

Mọi lý thuyết đều đầy khái niệm. Khái niệm là thực tại sau khi đã đi qua trí óc ta. Thực tại vốn sống động, nhưng trí óc ta lọc hết chất sống, cho nên mọi khái niệm đều cứng đờ.

Nếu trông "cây đời" mà ta không nghĩ gì hết, chỉ tập trung cảm, thì trong ta sẽ có một cái gì đó cũng "mãi mãi xanh tươi"...

----
 
 

Mọi lý thuyết đều màu xám, và cây đời vĩnh viễn xanh tươi
Vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười
Vĩnh viễn anh yêu em, như yêu sự thật
Và cây đời mãi mãi xanh tươi.

Mãi mãi em ơi
Cây đời chĩu trái
Gió trong lá mùa thu rồi trở lại
Rì rào đôi ta tình ái muôn đời.

Trong mắt đen em mãi mãi ánh trời
Ngời qua một sợi tóc buông rũ trán
Mãi mãi môi em nhụy đời vô hạn
Và cây đời ôi! sáng lạn xanh tươi. (1 - 1971)

Hoa anh ơi

"Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa"...

Không biết cây gì, mà lại nở thành... nỗi lòng Xuân Diệu.

Mà cần gì là cây gì, cứ bên "em" "nắm tay trò chuyện thầm thì", một lúc em "ơi", thế là "anh" nở!

----
 

Hoa này là hoa "anh ơi",
Là hoa một buổi đẹp trời, ta đi
Nắm tay trò chuyện thầm thì,
Bỗng nhiên em thốt: "Hoa gì? anh ơi!"

Cây thanh một tán lá cười,
Một vừng hoa nở hồng tươi một vùng.
Sắc đào như thể rung rung,
Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa.
Anh tìm tên mãi không ra,
Phải anh đào? hoặc như là ô môi?

Biết bao yêu mến trong lời
Thốt kêu hai tiếng từ nơi ruột rà.
Từ rày xin đặt tên hoa:
"Hoa-anh-ơi" - một chiều ta - nở đầy.

Đứng chờ em

Chao ơi, thơ của "Thơ thơ" đây sao. Nào đâu những lời "Giục Giã", ý "Vội Vàng" một thời từng... bắn liên thanh. "Anh" nay đã "vun được đức kiên trì"!

Nào chỉ một "đức". Xưa "kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió", thậm chí "muốn vào dò xét giấc em mơ", nay dù em không đến, dù "thức ăn kia gắp một mình, tủi lòng, anh vẫn vững đức tin"!

Đức hai, tài cũng ít nhất hai: tiếp em, anh không chỉ chuẩn bị vòng tay, nụ hôn, mà còn trổ tài nấu nướng,"chăm (...) cái bếp nhà", tài "dọn bưng ra" tận bàn tận phản. Anh "tâm thành" mong "vào bát cho em vị đậm đà", có biết hỡi em!

Nhưng chớ ai tưởng "tài đức" thế, là "dạ anh" đã thôi "cháy" nhé. Lục tuần vẫn "khổ mong chờ", Xuân nay đằm thắm hơn chứ không phải tươi kém Xuân xưa.

----

Trong buổi chiều hôm bóng nhá nhem
Anh ra trước cổng đứng chờ em
Nhận từng vóc dáng từ xa tới
Lọc lấy một hình anh thuộc quen.

Anh thấy ai ai cũng vội vàng
Như chim hôm thoi thót về rừng
Người đi xe đạp đãm chiêu lắm
Nghĩ bếp nhà đang lửa bập bùng.

Anh cũng chăm xong cái bếp nhà
Tâm thành cơm nước dọn bưng ra
Một tuần mong đến hôm nay tiếp
Vào bát cho em vị đậm đà.

Nhưng bóng hoàng hôn đặc lại rồi
Hình em anh thuộc thế mà - ôi!
Mấy phen suýt nữa reo "Em đến!"
Lại an ủi lòng: "Hãy đợi thôi!".

Anh đứng như trồng, chẳng chịu đi
Nhớ nhung vun được đức kiên trì
Anh nhìn nét mặt người qua vội
Thông cảm muôn đời những biệt ly.

Nếu thức ãn kia gắp một mình
Tủi lòng, anh vẫn vững lòng tin
Thương em vất vả, anh quên hết
Nỗi khổ mong chờ cháy dạ anh. (18-8-1976)
 

____________

(1) Câu này có bản in là: "Nghe chừng gió ý qua sông".

(2) Câu này trong bài Xuân Đầu.

(3) Câu này trong bài Giục Giã.

(4) Câu này trong bài Xuân Không Mùa.