Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

NGUYỄN TUÂN 
Tây Bắc ơi 

Thu Tứ

Lên Tây Bắc 1958 
Giăng liềm 
Tây Trang 
Đi mở đường 
Dọn nhà lên Điện Biên 
Phố núi 
Người lái đò sông Đà (1) 
Người lái đò sông Đà (2) 
Người lái đò sông Đà (3)
*
Đã rằng trước 1945 Nguyễn Tuân là giang hồ lãng tử phố và sau 1954 Nguyễn là chuyên gia lên rừng xuống biển thăm nhân dân đang lao động ở những chốn xa xôi.(1) Nói cho tỉ mỉ, thì Nguyễn lên rừng nhiều hơn là xuống biển, và trong các vùng núi rừng thuộc Bắc bộ và nửa bắc của Trung bộ nước Việt Nam, Nguyễn lên đường lại thường hướng về Tây Bắc hơn là bất cứ vùng nào khác. Có thể nói Nguyễn là một chuyên gia "đi Tây Bắc"!

Phần đất đai ấy của quê hương, đại khái nó là một cái biển núi đá với một con sông quanh co giữa biển là sông Đà!

Gọi quen "núi rừng", chứ thực ra núi có chỗ rất ít rừng. Mà nói miền cao, mạn ngược, chắc ít ai nghĩ đến sông, chứ thực ra trong núi vẫn có sông, núi chính là nguồn của hầu hết sông! Nhưng cũng dòng nước chảy đấy, sông trên núi khác hẳn sông dưới hạ lưu, chủ yếu ở chỗ do độ dốc, có lắm nơi "sông núi" hung dữ vô cùng. Dữ bao nhiêu, vẫn có cái giống người ta đứng ngồi trên những mảnh gỗ chắp lại mà xuôi và ngược dòng! À, cái mớ gỗ chắp gọi là thuyền hay đò, nó cũng theo tính nết con sông ở từng vùng chảy qua mà mang những hình dạng có thể rất khác nhau. Người Kinh dưới châu thổ sông Hồng lên thăm Lai Châu, Sơn La, ngẩn ngơ trước núi và sông, rồi lại ngẩn ngơ về cái phương tiện đường sông truyền thống của các đồng bào người Thái. Ai ưa viết về những cái lạ, lên đây cứ chịu khó mở mắt ra là trông thấy ngay cái gì đó để viết...

Sông Đà là mộttập ký chứa toàn những bài Nguyễn Tuân đã viết về Tây Bắc. Sau đây là lời bàn của chúng tôi về một số bài. (Cách "bàn" gồm chọn vài đoạn văn, thơ tiêu biểu, sắp xếp lại theo một thứ tự riêng và kèm theo lời dẫn hay lời bình.)

Lên Tây Bắc 1958

Dân tộc đã bao lần đánh ngoại xâm, nhưng phải đến lượt đánh giặc Pháp thì Tây Bắc mới trở thành một chiến trường chính.

Trên đường lên thăm Điện Biên, Nguyễn Tuân miên man nhớ: "... cái hình ảnh anh cán bộ địch hậu Tây Bắc thèm muối thèm đường cái chính xứ đã đeo đẳng tôi suốt ngày đường (...) cái thứ muối xót lòng rơi nước mắt ấy (...) nhiều như mùa xuân Tây Bắc nở hoa ban rồi, các đồng chí ạ (...) Và con đường cái quan mộng ước của các anh từ cái hồi còn bí mật nằm trong hang đá bem ngó xuống, con đường ấy bây giờ lại còn đắp thêm mặt đường cho rộng ra nữa...".

Lên đến nơi, bốn năm sau ngày Đờ Cát đầu hàng, Nguyễn thấy: "Đuôi bom, mũ sắt, xích xe tăng, cánh quạt tàu bay, bao đạn, nòng súng, thùng xăng, khung díp, vành bánh, thiết giáp 18 tấn, tất cả những đồ lề nhớn nhỏ nặng nhẹ của chiến tranh đế quốc ấy đã hóa kiếp thành ra những cái đống dị dạng bẩn thỉu trên đó thời gian cho sùi mãi lên cái màu han gỉ...". Và thấy: "Nắng buổi chiều mùa thu tà xuống bãi chiến trường và lấp lánh soi sáng vào đài liệt sĩ...".

Khói bom khói đạn tan rồi, bây giờ: "Khói núi bốc lên như khói nồi cơm vừa sôi. Cánh đồng lịch sử Mường Thanh hiền lành như một cái nồi đồng điếu khổng lồ đang sủi tăm nước chờ đón lấy gạo tẻ từ nông trường của những anh bộ đội trước đây đã chính tay mình giải phóng cho nó...".

Tây Bắc mới đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng dĩ nhiên từ lâu đã góp một nét hùng vĩ vào cái đẹp cực kỳ đa dạng của phong cảnh đất nước:

"Ở chỗ cao nhất của thân đèo (Pha Đin), trông xuống, các chóp núi đều lượn rập rờn như các nếp sóng bạc đầu của một vùng biển cả mà phép màu nào đó, vừa biến hóa thành ra đá, cứng lại, xanh sẫm và tím ngắt một niềm im lặng."

Giăng liềm

Nguyễn Tuân lên thăm Điện Biên, viết ký, rồi làm cả thơ, chuyện Nguyễn rất hiếm khi làm.

Ờ, ai đứng trước "bao la một giời chiến hào", nghe "nấc lên những hơi mìn gỡ sót", lắng đêm "nông trang khắc thâu, mõ trâu, đui đạn đồng, lanh canh nhạc lạnh sương lồng giọt mơ", mà lại không ít nhất "phác thảo" một bài thơ...

"Đất cũ rưng rưng chiều sa trường

Mênh mông tiếng lúa nông trang"...

Mới có bốn năm, mà đã "xưa" thật rồi đấy nhỉ.

Tây Trang

Văn bài ký này có mấy chỗ gợi cảm tuyệt vời. Nguyễn Tuân từ Điện Biên đi thăm Tây Trang. Ở chỗ khởi hành, Nguyễn thấy:

"Lúa nương bản Mèo rẻo cao cũng chín rồi, lúa vàng lênh khênh giữa trời như mọc giữa chân mây xốp đang ùn lên từ phía núi bên kia...".

Tới nơi, buổi chiều:

"Giời đang xuống màu dần ở nước hàng xóm. Mà bên nước tôi thì đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi (...) Nắng tắm mãi lên rừng thu biên giới. Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận. Sơn hệ nối vây nhau như đá khối đang gò đống kéo lên. Tôi nhìn ra một cái biển đá sóng đá tít mù non khơi (...) Chiều về biên giới núi càng tím lơ...".

Và, chao ơi, giữa đêm khuya:

"Sao bủa đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời cao trong vắt như một bầu pha-lê. Những chòm sao run run như muốn né tránh cái gió Lào bốc ngược lên từ mặt đất biên giới. Vòm pha-lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi. Sóng núi rập rờn trong sương buốt và nhấp nhô trên cánh đồng đá. Gió về sáng càng nổi lên như sóng vấp đất liền. Và gió buốt đã làm đông cứng lại những ngọn sóng biển, sóng thành ra đá cùng một lúc. Nhìn lên sao cao tôi thấy như đôi chân đang động trên sóng vỗ nhẹ và tôi như bị hút lên. Đêm Tây Trang, trời sao nhấp nhánh, thấy nó ngờm ngợp, thấy như mình đứng tì tay lên mép cái thành vách biên cương mà nhìn xuống lòng giếng khơi, lòng giếng khổng lồ dội lên cái va đụng của các vì sao đang sải bơi trong gió Lào một đêm giá buốt...".

Giời đất ấy, mà không có người ấy đi để thấy để cảm để viết thành lời thế này, chẳng phí quá lắm sao.

Nhưng Nguyễn lên Tây Trang không chỉ để ngắm núi sóng với sao bơi. Về đời sống của các chiến sĩ biên phòng, Nguyễn cũng ghi lại được một chi tiết thú vị, là cái việc biếu chim bồ câu thông tin cho "đội ca múa tươi đời"...

Đi mở đường

Người đi xem mở đường trầm trồ, rồi trăn trở.

Cái trầm trồ đúng và khéo: "Tôi chưa được nom tận mắt những công trường vĩ đại (...) những đông đảo hằng hà sa số ở các nước bạn, nhưng đối với một cái quê hương Việt Nam xinh xinh bé bé và lại bé hạt tiêu nước tôi, thì cái đông đúc của công trường Gia Phù - Vạn Yên mở đường đắp đường một cách giông bão này, tôi thấy cái khối dăm ngàn con người ấy cũng đã nhộn nhịp có quy mô lớn...". Nếu so lớn về vật chất, thì "hạt tiêu" làm sao có cái gì bì được với "các nước bạn"! Nhưng nếu so lớn về tinh thần, thì quê hương ta lại chẳng chịu nhường bất cứ nước nào đâu, cả bạn lẫn thù!

Cái trăn trở sâu sắc: "các chị công nhân làm đường Phù Yên, các anh chiến sĩ làm đường Điện Biên và tôi đây, tất cả chúng ta đều là những con người đầy nhiệt tình đầy thiện chí, mỗi người đều muốn đem một chút đến với cuộc sống. Đóng góp vào đời sống, thật là nhiều cách đấy...". Có cách bằng bàn tay cầm súng, cầm cuốc v.v., có cách bằng bàn tay cầm bút. Tuy mọi người đều bình đẳng, nhưng vẫn mỗi người một vị trí trong đời sống. Điều quan trọng là làm sao cho người nào cũng được đứng ở hoặc có thể vươn tới cái vị trí phù hợp nhất với khả năng mình.

Nguyễn Tuân đứng ở chỗ Nguyễn Tuân mà góp vào đời sống thì ta có, chẳng hạn:

"Có những tảng đá mọc thay lảy ra lòng đường, vểnh ra như một cái mộc nhĩ khô cứng; cái tai đá ấy như đang cố nghe ngóng xem việc mở đường cái đã chuyển đến đâu rồi...",

"Nhiều khi gió rừng có phần giúp cho những con người trẻ ấy càng quen hơi với nhau thêm nữa. Mắt tôi theo dõi mấy chú bướm rừng đậu lên cái áo bốn túi hai túi bên này rào nứa rồi xập xòe vượt cọc rào mà tìm đậu lên một cái nịt vú trắng ở cái dây phơi xa hơn...".

Dọn nhà lên Điện Biên

Miễn là vẫn trên đất nước Việt Nam, thì "dọn nhà" đi đâu mà chẳng được. Vì cứ còn ở trong nước thì còn thuộc vào cái nền văn hóa riêng mà cha ông ta đã bao đời vun đắp nên.

Bài ký này Nguyễn Tuân ngẫm nghĩ nhiều về quê trong Quê, nhưng vì "tính tôi hay tỉ mẩn nhìn mây nhìn suối nhìn cây cỏ tạo vật" nên ta vẫn được ngửi ngắm tí chút:

"Qua ngõ này ngõ khác, thấy ngát lên mùi hoa bưởi, cái thứ hoa bưởi bay cánh bay nhị xuống cầu ao xuân sớm tháng hai (...) Năm nay, lập xuân từ trong năm, xuân về sớm, hèn chi hoa gạo đã rừng rực cả bầu trời".

Phố núi

"Tôi đi Lai Châu...": "Hình như ở thung lũng trước mắt kia đã hội tụ lại tất cả màu vàng rộm của mùa thu Tây Bắc vừa qua. Nó như hai súc lụa mộc ngàn ngàn sải đem rải phơi song song hai bờ sông Nậm Lay đổ ra từ trong Mường Tùng. Mây xốp từng cụm nhỏ đang bốc dần lên. Trên thân đèo nhìn xuống lũng chóe vàng, mây trắng giống như những cánh hoa thêu nổi trên tấm lụa mộc của lúa chín (...) Bên các gốc rạ vàng đậm, sương đêm chưa khô trên những tấm nệm gấm nệm hoa màu tươi đủ các sắc của những chủ ruộng ngày đêm ăn ngủ trường kỳ ngay trên mặt ruộng...".

Lũng dọc đường đẹp, mà phố chợ thị xã cũng hấp dẫn: "Sương núi sương sông vẫn phủ lên cái bến cái chợ. Trong cái man mát lạnh buổi mai huyền ảo, đi lại những cái bóng cô Thái dong dỏng áo chẹt hông, xiêm chấm gót và mép xiêm sóng lên một đường viền đủ màu sắc cầu vồng...".

Đáng công đi quá, "tôi" ơi!

Ấy là năm 1959. Năm 1981, đến lượt Trần Mạnh Hảo ghé thăm, thì vẫn thấy:

"Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu (...)

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo...".

Nhưng tới năm 2010 thì

"Tháng 4, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (...) Tháng 5, các đơn vị thi công tiến hành đóng kênh dẫn dòng tích nước hồ chứa (...) Tháng 10, hồ chứa đã tích nước đến cao trình 189,3m".

Phần lớn cái thị xã Lai Châu thơ mộng đã hóa thủy cung!

(Phố xuống đáy hồ, để từ đáy hồ lại trồi lên sừng sững cái đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, góp gần 1/10 trong tổng sản lượng điện Việt Nam năm 2012.)

Người lái đò sông Đà (1)

Đi thuyền trên sông Đà gặp lắm cái không sao quên được.

Nhiều nhất là thác: "... nước sông Đà reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ (...) cái thuyền mà lao xuống thác thì chả có cái phanh nào cả (...) không lao trúng tim luồng nước thì là thuyền quay ngang mà ụp".

Rồi đến những cái xoáy nước: "Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc (...) nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào (...) Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới (...) (Nếu có cách gì mà quay phim) từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút (thì sẽ thấy) một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve (...) khối thủy tinh xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim".

Lại có chỗ không nguy hiểm nhưng cũng thật ấn tượng: "Hùng vĩ của sông Đà (...) còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt giời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu (...) Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện".

Nhưng đó là hơn nửa thế kỷ trước, thời Nguyễn Tuân "lên rừng xuống biển", chứ bây giờ do việc xây dựng những công trình thủy điện rất qui mô, sông Đà hình như đã hiền đi nhiều. Bảy mươi ba cái thác, nay không biết còn bao nhiêu cái và có dữ tợn lắm không. Xoáy nước chắc giảm cả "quân số" lẫn mức hung ác, tuy mới tháng 8-2011 ở huyện Mường Tè (Lai Châu) còn xẩy ra chuyện thuyền bị lật, 5 mẹ con mất tích...

Năm xưa, "những chị Mường Phù Yên gần bờ sông Đà thường phàn nàn về người lái đò Lai Châu hay cởi truồng". Hết hẳn chuyện ấy rồi. Từ lâu đã qua thời thuyền máy người lái luôn luôn bận quần...

Cái "trường thiên anh hùng ca" mà "bạn tôi" đã "thuộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những chỗ xuống dòng", từ lâu đã không còn ai hát.

Người lái đò sông Đà (2)

"Tiếng thác (...) rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng (...)

Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền (...)

Sóng thác đã đánh đến miếng đòn độc hiểm nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò, hột sinh dục vụt muốn thọt lên cổ. Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng."

Ới vong linh những cái thác dữ tợn nhất trên sông Đà, đọc văn này đã thấy sướng chưa?

Người lái đò sông Đà (3)

Ghềnh thác vượt lâu rồi.

"Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc". Và chắc nhớ cả những "cái thuyền như một con cá quẫy mạnh đuôi trên mặt sông", loài cá kỳ lạ ở chóp đuôi lủng lẳng một cái bu gà! Cá chở gà để giúp "người lái đò sông Đà (...) đi đường xa, qua bờ này bến khác, có tiếng gà gáy đem theo (cho) đỡ nhớ nương ruộng bản mường mình" đấy!

Đến đây là xa "thượng", nhưng chưa phải đã gần "hạ" đâu: "Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích". Người đi qua nỗi niềm chắc mắt đã lóe những tia tò mò chói lắm hay sao mà "con hươu thơ ngộ" trong cổ tích có lúc đã "ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương" để "chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò"!

Một con sông, khi này "tôi lừ lừ trôi trên" nó, khi khác "tôi" lại "bay tạt ngang qua" nó:

"Từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây (...) Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông (...) tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng sông".

Cảnh đẹp lắm, ngộ lắm, nhưng "tôi" không phải du khách từ đâu xa đến mà nhìn chỉ thấy cảnh.

Năm 1960, "công việc trị thủy sông Đà mới còn là ở bước nghiên cứu" nhưng "lòng tôi đã thấy rưng rưng một niềm tin yêu đối với tương lai Tây Bắc".

Về mà xem Tây Bắc bây giờ, hồn "tôi" ơi!

____________
(1) Xem bài "Nguyễn Tuân - Lên rừng xuống biển".