Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

TRẦN TRỌNG KIM 
nghĩ về Đông, Tây 

Thu Tứ

Đông, Tây khác thế nào?
- Học có hai nghĩa
- Nhà mới, nhà cũ
Tây thế, thì ra thế nào?
- Thứ văn hóa vất vả
- Chưa chắc là hay
Đông theo Tây ra làm sao
- Hình thức loạn tinh thần
- Nhà mới của ta
*
Ai cũng biết Trần Trọng Kim có công đầu trong việc khuyến khích cái học mới bằng chữ quốc ngữ. Nhưng chắc ít người biết thực ra Trần Trọng Kim nghĩ gì về cái học ấy. Đại khái, chênh lệch hiểu ông nó tương ứng với chênh lệch trong mức phổ biến của hai tác phẩm Quốc văn giáo khoa thưNho giáo của ông. Một đằng viết cho tất cả người Việt Nam học, một đằng chỉ cho một thiểu số rất nhỏ đọc.

Trong Nho giáo, Trần Trọng Kim không phải chỉ trình bày tỉ mỉ nhận thức sâu sắc của mình về "cái học hàm dưỡng của người đời xưa", mà còn thỉnh thoảng tương phản nó với cái học "ngày nay". Rồi từ hai quan niệm khác nhau về sự học, ông bàn rộng ra đến cả những ưu, khuyết của hai nền văn hóa Đông, Tây.

Đáng trầm trồ: Mặc dầu tận mắt thấy Tây nhờ thành công vật chất đã áp đảo Đông dễ dàng như thế nào, Trần Trọng Kim đã không hề bị choáng ngợp mà hối hả suy tôn văn hóa Tây như đông đảo người Việt Nam cùng thời; mặc dầu chưa qua Tây bao giờ để có thể khảo sát vấn đề tận gốc, Trần Trọng Kim vẫn thấy được có cái gì đó rất không ổn trong khuynh hướng phát triển của văn hóa Tây và vì thế đã tỏ ra hết sức dè dặt về tiền đồ của nó.

Nho giáo ra đời cách nay gần một thế kỷ, dĩ nhiên khi viết Trần Trọng Kim không thể hình dung cụ thể được những tai họa đang xẩy ra vào đầu thế kỷ 21 do kết quả của "tiến bộ" không ngừng. Chẳng hạn, chắc chắn ông đã không sao tưởng tượng nổi những cuộc hôn nhân đồng tính. "Người mà đến thế thì thôi"(*), thì có còn là người nữa đâu!!!

Tiên cảm nhậy bén của tiền nhân đang chứng nghiệm. Nhưng "ai ai (vẫn) háo hức theo người".
 

Học có hai nghĩa

Cái học hàm dưỡng của người đời xưa (...) ngày nay có người cho là vô ích. Chẳng qua là người ta hiểu lầm cái chữ học.

Học có hai nghĩa: một là học để gây nuôi cái nhân cách đặc biệt, đem cái tinh thần và cái tình cảm con người thoát ra ngoài những điều hèn hạ, mà đi vào con đường cao khiết, thanh nhã. Hai là học để chuyên tập một nghề nào cho sành mà ứng dụng ở đời.

Có lẽ ngày nay người ta bỏ quên cái nghĩa thứ nhất, mà chỉ chú trọng ở cái nghĩa thứ hai, cho nên thấy cái gì không có lợi ngay, thì cho là vô ích.(1)

--

"Đời xưa" với "ngày nay" đây gần nhau lắm. Một đằng là mới trước thời Pháp thuộc, đằng kia là chỉ vài chục năm sau khi thời Pháp thuộc bắt đầu. Chỉ có vài chục năm thôi mà "người ta (đã) quên cái nghĩa thứ nhất" của chữ "học".

Sở dĩ mau quên thế, ấy là do loài người lúc nào cũng bị vật chất "ám" rất nặng.

Trước kia đa số quý cái học làm người, thiết tưởng không phải là thực biết yêu "cao khiết" với "thanh nhã" đâu, mà chẳng qua thấy học làm người xong có thể thi đỗ, ra làm quan! Dù thi không đỗ, thì những người thi đỗ, làm cha mẹ dân, cũng dạy dân phải kính nể bất cứ ai cố học làm người. Nhưng sau năm 1919, học lối đời xưa không thể "nên quan" nữa.(**) Bèn lập tức bị "cho là vô ích".

Qua thời kỳ mới, học tức là "chuyên tập" một cái nghề. Bây giờ không có ai dạy dân phải quý sự học nữa. Dân cứ theo mức thu nhập của từng nghề mà quý nhiều hay quý ít nghề ấy. Dân được giải phóng khỏi khuôn tinh thần cũ kỹ, từ đây tha hồ sống theo cái bản năng tôn thờ vật chất.

Nhân tiện, nói qua về một lối học mới khác vẫn chưa phổ thông ở ta. Là học để nghiên cứu khoa học. Lối học này chắc dân không quý mấy đâu, vì nói chung chỉ dẫn tới thu nhập bình thường. Kể ra, tuy nghiên cứu là hoạt động trí tuệ cao nhưng nhà nghiên cứu làm việc bất quá để thỏa mãn óc tò mò của mình, có giỏi đến đâu bản thân cũng chẳng hề trở nên "cao khiết, thanh nhã" hơn tí nào, việc gì ta phải đặc biệt quý!

Nhà mới, nhà cũ

Nhà (...) đường lối rất phân minh (...) trong nhà (...) ngăn nắp, buồng nào ra buồng ấy (...) phải một tội (...) đã vào buồng nào, thì các cửa đóng bịt lại, chỉ để mở có một cửa sổ. Lúc đầu mới vào còn lạ, thì cũng thích. Sau ngồi lâu (...) chỉ thấy ánh sáng có một mặt còn thì không trông thấy mặt khác có những gì nữa, thành ra chán và mỏi (...)

Cái nhà học cũ của ta (...) mát mẻ (...) chung quanh cây cối mọc tự nhiên, không có sửa sang gì mấy. Ở trong nhà thì bốn mặt mở toang ra, trông về mặt nào cũng được.(2)

--

Trần Trọng Kim đang so sánh tư tưởng phương Tây với tư tưởng phương Ðông...

Phía, có phía trước mặt là tương lai, phía sau lưng là quá khứ, phía tay mặt phía tay trái là nơi đồng loại mình đang đứng cùng mình.

Giống người cực đoan kia không ngoái nhìn lại, cũng không nhìn sang hai bên (vì quá kiêu căng), mà cứ một mực xăm xăm xúi xúi lao bổ về phía trước. Cứ cưỡi phi thuyền mà bay nữa đi, có ngày sẽ đến được chỗ có năm cái "cột chống trời" đấy, con khỉ đá ạ.

Bệnh khỉ lây nhanh hơn cháy rừng, bây giờ còn ai không khỉ nữa đâu. Coi như toàn thể nhân loại đã vào cả trong một cái "buồng một cửa sổ" rồi!

Thứ văn hóa vất vả

Văn hóa phương Tây thì làm (...) sự cần dùng càng ngày càng thêm ra, sự cạnh tranh rất kịch liệt, sự sinh hoạt có lắm điều phiền phức, nhân sinh hình như lúc nào cũng chật vật vất vả, không mấy khi trong bụng được nhàn hạ thư thái.(3)

--

Những vấn đề của văn hóa Tây phương mà Trần Trọng Kim nêu ra đều gốc ở cái ám ảnh "tiến bộ": Tây luôn "đãi túc" chứ không chịu "tri túc"...

Ngoài thứ niềm tin gây bức xúc trầm trọng vừa nói, Tây còn vài ám ảnh khác cũng rất đỗi "căng". Cái Tôi quá lớn, chẳng hạn, chắc chắn nó là chánh phạm đằng sau không biết bao nhiêu con bệnh tâm thần (có thể bạo động đến mức giết người hàng loạt) và không biết bao nhiêu vụ ly dị ly thân...

Người giết người và người không sống chung được với người. Bây giờ người bắt đầu thôi làm người (như ta biết, như Chúa đã nặn): nam lấy nam, nữ lấy nữ! Có lẽ chỉ 50 năm nữa, ở phương Tây sẽ nổi lên phong trào lấy... người máy!

Cái văn hóa ấy nó "phiền phức" không tưởng tượng nổi, đấy cụ Trần ơi.

Chưa chắc là hay

Xét ra cho kỹ, sự tiến hóa thái quá về đường vật chất vị tất đã hay cho sự sinh hoạt của loài người (...)

Ta nay thấy người cường thịnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thịnh ấy lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi.(4)

--

Công nhận hôn nhân đồng tính!!!

Chỉ không tới một thế kỷ sau khi Trần Trọng Kim giấy trắng mực đen nỗi lo của mình, loài người đang bắt đầu biến chủng.

Cứ đà này, không lâu lắm nữa, loài người như ta biết sẽ coi như tuyệt chủng.

Hình thức loạn tinh thần

Chỉ bắt chước được cái hình thức (...) mà thôi, còn cái tinh thần (...) lâu ngày (sẽ) nhiễm (...) mà hóa (...) (chứ) khó lòng mà bắt chước được. Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình, chỉ là làm loạn cả tính tình, tư tưởng và phong tục của mình.(5)

--

Thấy Tây giàu mạnh, trông cái gì của Tây cũng... lác mắt, bắt chước lấy bắt chước để.

Gái Tây mặc quần hở đít, "người con gái Việt Nam da vàng" vội vàng khoe đít. Tây trời sinh tóc màu rơm màu râu ngô, "con Rồng cháu Tiên" vội vàng nhuộm cho tóc cũng râu ngô cũng rơm. A, cái quần cái tóc nó "làm loạn cả tính tình, tư tưởng và phong tục của mình" đấy, chứ không phải thường đâu.

"Tinh thần (...) lâu ngày (sẽ) nhiễm (...) mà hóa". Hóa ly dị như điên, bạo động như điên, hóa "bóng" hóa "ghê"(***), chứ không phải hóa tiên hóa phật gì đâu!!!

Nhà mới của ta

Làm thế nào cho (...) ta vẫn là ta, chứ không lẫn với người (...)

Ra sức xây lấy một cái nhà thật đẹp theo kiểu mẫu rất mới, mà vẫn là nhà của ta, chứ không giống nhà của người.(6)

--

Đầu thế kỷ 20, mọi người Việt Nam đều thấy văn hóa truyền thống không còn hợp thời, thấy nhu cầu xây dựng một nền văn hóa mới.

Năm 1930, Trần Trọng Kim đặt ra yêu cầu cho "nhà" mới: tha hồ mới, nhưng không được giống "nhà" người khác!

Đầu thế kỷ 21, những ai đấy đang chỉ đạo công trình ơi, hãy ngắm lại xem cái nhà ta đang xây có "ngẫu nhiên" giống nhà Tây như đúc chăng?!

_________

(*) Truyện Kiều, câu 179.

(**) Kỳ thi Hội cuối cùng năm 1919. Thi Hương ở Bắc kỳ chót nãm 1915, ở Trung nãm 1918.

(***) Tức gay tiếng Anh, nghĩa là đồng tính.

(1) Trong lời "Tự tự" của Đường thi, không biết in lần đầu năm nào, chỉ biết chắc chắn không sớm hơn 1944.

(2) Trần Trọng Kim, Nho giáo, in lần đầu nãm 1930, nxb. Vãn Học, VN, tái bản nãm 2003, tr. 690.

(3) TTK, sđd., tr. xiv.

(4) TTK, sđd., tr. 36 và tr. 682.

(5) TTK, sđd., tr. xii.

(6) TTK, sđd., tr. 686-687.