Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

ÐẦU VÀO, ÐẦU RA...

Thu Tứ

Ðầu vào ở quê truyền thống
Ðầu vào ở phố hiện đại
Tiền đồ, tiền đồ...
*
Mọi nghệ phẩm đều do tâm hồn rung động mà có.

Có thể xem nghệ phẩm như "đầu ra" của tâm hồn.

"Ðầu vào" là cái gì?

Nhìn quanh chỉ thấy có "môi trường" (tự nhiên và văn hóa).

Vậy môi trường là đầu vào.

Ðầu vào ở quê truyền thống

Con cò rất quen thuộc nơi đồng ruộng, tức nó là một đầu vào quan trọng đối với tâm hồn người dân quê. Trông cò bay lên bay xuống, chấp chới, lả la mãi, lúc nào đó một nhạc sĩ đồng quê bỗng hát hay gẩy hay thổi lên điệu Cò lả!

Kể cho tỉ mỉ quá trình sáng tạo thì chuỗi âm thanh đầu tiên vang lên chưa thành điệu gì rõ ràng mà chỉ đại khái tương ứng với cái "rạo rực nhạc" vừa mới nẩy ra trong tâm hồn nhạc sĩ.(1) Dòng nhạc sơ thảo tự hồn bay ra xong quay trở vào hồn ngay, kết hợp với hình ảnh cò thành một đầu vào mới, để tâm hồn lại làm việc mà sản xuất một đầu ra mới, "cải tiến" so với lần đầu. Nhạc cứ ra ra vào vào như thế cho đến khi nhạc sĩ thấy hài lòng, thôi không sửa nữa, vòng phản hồi sáng tạo ngừng hoạt động, một tác phẩm hoàn chỉnh ra đời...

Con cò là hình ảnh, Cò lả là âm thanh. Thế mà:

"Con cò bay lả trong câu hát"!(2)

Cái đầu vào rõ ràng có ảnh hưởng đến cái đầu ra.

Nói chung nghệ phẩm chứa ảnh hưởng tổng hợp của vô số thứ quanh nghệ sĩ, chứ hiếm khi có thứ gì in lên được một dấu ấn riêng nổi bật. Trong một bài dân ca Việt điển hình, có tất cả cái quê rất "xanh" và tất cả cái nền văn hóa lâu đời rất hòa hợp với quê xanh ấy...(3)

Ðầu vào ở phố hiện đại

"Con" xe rất quen thuộc nơi phố xá, do đó là một đầu vào quan trọng đối với tâm hồn thị dân. Ngày ngày trông bao nhiêu xe chạy lúc vù vù nhanh như gió, lúc cà nhúc cà nhắc chậm như rùa, hẳn tâm hồn nhạc sĩ nào đó đã "trình phố" một nhạc phẩm có dấu ấn khá đậm của xe?

Có thể chưa hay không bao giờ có một điệu Xe chạy. Có thể những cái đầu vào ở phố ưa chen nhau, tâm hồn nhạc sĩ phải thu lấy cả để rồi phát ra toàn những điệu nhạc mang ảnh hưởng tổng hợp, không thể phân biệt đâu là hình ảnh xe, hình ảnh người bộ hành, hình ảnh người mua kẻ bán, đâu là tiếng điện thoại, tiếng máy móc văn phòng, tiếng máy móc cơ xưởng v.v.

Thị dân bây giờ sống trong một môi trường rất nhân tạo và trong một thứ văn hóa cơ bản chống đối tự nhiên, lúc nào cũng đang cố hết sức làm cho môi trường trở nên nhân tạo hơn nữa!

Hiện nay, thị dân vẫn thấy được bầu trời và một số cây cối và một số loài động vật... Nhưng nói chung đó là những đầu vào yếu ớt, không phải nguồn cảm hứng đáng kể đối với tâm hồn. Đối với người ở phố, cái đầu vào tự nhiên lớn nhất là chính đồng loại: bất cứ lúc nào bất cứ ai cũng có cả biển người chung quanh!

Tiền đồ, tiền đồ...

Sống trong thành phố hiện đại, loài người coi như chỉ thấy nghe những vật do mình làm ra và thấy nghe chính mình. Thì sao?

Vật thì trơ trơ, có "hoạt" mấy cũng không "linh", có động rối rít cũng không có chút sinh khí nào! Nhập những của "chết" ấy vào, tưởng khó mà xuất ra được nghệ phẩm đích thực vốn phải là sự sống.(4)

Còn đầu vào là chính mình? Tưởng ăn thua là chất lượng của cái quan hệ người với người. Ở quê nó đậm đà; ở phố nó nhạt nhẽo. Nhạt như nước ốc, có vào cả biển, đầu ra cũng không "mặn" nổi.

Không sáng tạo nghệ thuật được nữa, tâm hồn còn ở đời làm gì, nên rút cuộc nó sẽ biến mất.

Vừa "duy vật"(5) vừa mất tâm hồn, loài người trở nên bất quá một cái máy vi tính hữu cơ biết đi!
________

(1) Xem Rung Động Thơ của Huy Cận trên trang gocnhin.net.

(2) Trong bài Chiều Thu của Nguyễn Bính.

(3) Xem Thôi Một Nước Quê của TT (trang đã dẫn).

(4) Xem Nghệ Phẩm Là Sự Sống của Xuân Diệu (tđd).

(5) Xem Duy Tâm Và Duy Vật của Cao Xuân Huy (tđd).