Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN I : TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN NAM BẮC TRIỀU

Chương I : Nguồn cội của văn hóa Nhật Bản 
Tiết 1: Quần đảo Nhật Bản: Nguồn gốc người Nhật Bản và thời văn hóa đồ đá cũ.
1.1 Nguồn gốc của quần đảo Nhật Bản và của người Nhật Bản:

Trước khi muốn tìm hiểu quần đảo Nhật Bản và người Nhật Bản xuất hiện như thế nào thiết tưởng cũng nên biết qua nhân loại đã có mặt trên quả đất tự bao giờ. Dĩ nhiên đó chỉ là những ước đoán đến từ kiến thức mà chúng ta đã thâu lượm được cho tới ngày nay.

Từ xưa đã có biết bao nhiêu nhà nghiên cứu, hết đưa ra hết giả thuyết này đến giả thuyết nọ nhưng những con số mà họ chủ trương khác nhau xa lắm. Cho đến ngày nay, thuyết cho rằng con người đã có mặt trên quả địa cầu từ 4 triệu năm về trước hình như được đông đảo học giả chấp nhận hơn cả. Vậy chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện sau khi tạm đồng ý với lý giải này.

Trước tiên, hai chữ "con người" hay "loài người" thường được định nghĩa như một sinh vật hội đủ 3 tiêu chuẩn như sau:

1) Đứng thẳng bằng hai chân và biết đi;

2) Biết dùng lửa và chế tạo đồ dùng;

3) Biết sử dụng ngôn ngữ.

Mẫu người hội đủ tiêu chuẩn ấy lần đầu tiên đã được phát hiện ra từ lòng đất vào năm 1924 do những nhà khảo cổ tại Nam Phi. Họ bèn đặt tên khoa học cho loại người này là Australopithecus hay "Người vượn phương Nam", một giống người đã có mặt trên mặt đất từ trên một triệu năm về trước.

Tượng tạc theo mẫu người vượn Bắc Kinh

Người vượn phương Nam tương ứng với loại người trong lịch sử nhân loại vốn được mệnh danh là "viên nhân" (ape-man, pithecanthropus). Ngày nay người ta xem sự có mặt của viên nhân (người vượn) này như điểm khởi hành của những công trình nghiên cứu về lịch sử loài người. Thật ra, tuy chỉ phát hiện được chứng cứ về viên nhân hóa thạch ở Nam Phi mà thôi, thế nhưng người ta suy ra rằng sau thời điểm đó, trải qua bao nhiêu tháng năm, nhân loại đã tiến hóa khắp nơi trên trái đất. Chẳng hạn, ở phần đất Á châu, đó là con người nguyên thủy Bắc Kinh (Bắc Kinh nguyên nhân, Sinanthropus Pekinensis) [1]. Họ có mặt từ 500.000 năm trước. Bộ xương đầu hóa thạch của họ là chứng cứ tối cổ của sự tiến hóa ấy thấy được ở Á châu.

Thời đại của người vượn, theo quan điểm địa chất học, là kỷ thứ 3 của thời kỳ tân địa chất (Cenozoic Era) [2]. Từ đó, bước qua kỷ thứ 4, nhân loại đã tiến hóa theo quá trình người nguyên thủy Bắc Kinh sang đến người cũ (cựu nhân, cùng thời với người Neanderthal ở Âu Châu ) rồi đến người mới (tân nhân, cùng loại với người Cromagnon). Người cũ và người mới đều thuộc thời kỳ đồ đá (cũ và mới). Họ được xem là những homo sapiens, mang tên khoa học gán cho giống người bắt đầu có tri thức. Nếu xem địa cầu đã có từ 4.600 triệu năm về trước và có sự sống từ 3300 triệu năm về trước thì lịch sử của nhân loại quả vô cùng ngắn ngủi.

Thời kỳ tân địa chất nhắc đến bên trên có hai kỷ thứ 3 và kỷ thứ 4 cần phải phân biệt. Kỷ thứ 4 bắt đầu cách đây 164 vạn năm với thời kỳ gọi là cánh tân thế (lạnh đi ấm lại cách nhau nhiều lần, Pleistocene) [3] kéo dài cho đến 1 vạn năm về trước.Một vạn năm cuối cùng là thời đại mới nhất (hoàn tân thế, hoàn toàn mới, Holocene). Đó chính là thời đại của nhân loại chúng ta, khi trái đất ấm trở lại đủ cho con người tồn tại và phát triển được.Thời gọi là cánh tân, như đã nói, kéo dài 163 vạn năm, trải qua 4 thời kỳ băng giá và 3 thời kỳ gián cách ấm áp. Gọi thời cánh tân là thời kỳ băng hà có lẽ gợi hình hơn nên dễ nhớ hơn.

Trong thời kỳ cuối cùng này, mặt nước biển thấp hơn bây giờ khoảng trên 100 m. Bảo rằng thấp hơn 100 m có nghĩa là những nơi bây giờ đang chìm dưới nước ngày xưa từng ở trên cạn vậy.

Vì lý do đó, vào thời băng hà, cả hai miền nam bắc Nhật Bản hãy còn gắn liền với lục địa châu Á, các động vật có thể đi qua đi lại một cách dễ dàng. Như thế, địa hình Nhật Bản lúc ấy chưa thể gọi là quần đảo được. Bằng chứng là các loài khổng tượng (mammoth) và nai hàn đới (herajika) [4] phương bắc đã đi từ Sibêria xuống Hokkaidô, các loại voi lùn Naumann[5] và nai có sừng gạc lớn Ôtsunojika[6] phương nam đã di chuyển từ bán đảo Triều Tiên qua đảo Honshuu Di tích hóa thạch của chúng đã được phát hiện ở nhiều vùng trên đất Nhật. Năm 1973, ở hồ Nojiri thuộc tỉnh Nagano gần Tôkyô thôi, người ta tìm ra được dụng cụ bằng đá đẽo và xương hóa thạch của voi Naumann. Theo đó, có thể suy ra rằng cách đây 2 vạn năm, người và voi Naumann đã từng sống ở địa phương đó. Có thể tưởng tượng ra cảnh người thời đó đã đi theo những con thú khổng lồ này để đến Nhật. Cái tên voi Naumann là mệnh danh theo học giả Edmund Naumann (1854-1927), người đã từ Đức đến nghiên cứu ở Nhật Bản vào thời Meiji.
 

Voi lùn Naumann hóa thạch (tái tạo) 
Nai hàn đới (Herajika)

Sau khi đã qua thời kỳ băng hà, trái đất bước vào thời kỳ hoàn toàn mới (hoàn tân thế, Holocene) bắt đầu từ hơn một vạn năm trước. Lúc ấy, khí hậu ấm ra và mực nước biển dâng cao dần. Khi nước biển đã dâng cao thì những nơi dính liền với đại lục bị nước lấn vào, làm cho Nhật Bản ngày nay bị tách rời ra. Theo cách đó mà quần đảo Nhật Bản bắt đầu thành hình.

Nhờ những công trình nghiên cứu xương hóa thạch mà người ta biết thêm về sự tiến hóa của nhân loại từ người vượn (viên nhân) sang người nguyên thủy (nguyên nhân), rồi đến người cũ và sau cùng là người mới. Người vượn gần với loài vượn, người nguyên thủy đã giống người rồi nhưng vẫn ở trạng thái mới bắt đầu làm người. Người theo loại hình cũ gọi là người cũ (cựu nhân) và người loại hình mới gọi là người mới (tân nhân).

Xương người hóa thạch thời cánh tân (Pleistocene) đã được phân biệt với xương các thời khác bằng cách nào? Thường thường, các nhà khảo cổ gọi tên xương theo tên đất nơi khai quật được chúng. Chẳng hạn xương tìm thấy ở một số địa điểm như Hamakita (vào năm 1960-62) thuộc tỉnh Shizuoka và Minatogawa (1967-69 và từ 19070) thuộc tỉnh Okinawa được gọi là xương của Người Hamakita hay Người Minatogawa. Cả hai loại đều được sắp vào lớp xương của "người mới". Năm 1931, Naora Nobuo tìm ra trong vùng Akashi thuộc tỉnh Hyogo những mảnh xương mà ông ngỡ là của Người nguyên thủy nên mới gọi nó gọi là xương Người nguyên thủy Akashi. Sau có người phỏng đoán nó có niên đại mới hơn người ta tưởng nên đã xảy ra một cuộc tranh luận. Rất tiếc xương hóa thạch của Người Akashi bị cháy tiêu khi Đông Kinh bị ném bom hồi cuối thế chiến thứ hai, từ đó không ai tìm ra chìa khóa nào khác để trả lời câu hỏi đó nữa. Tuy vậy, khả năng xương Người Akashi thuộc về thời cánh tân (Kôshin, Pleistocene) hoặc thời hoàn tân hay toàn tân (Kanshin, Holocene) rất lớn.


Đường người Cổ Mông cổ (Jômon, vạch đỏ) và 
Tân Mông cổ (Yayoi, vạch đen) đến Nhật

Hãy thử tìm hiểu đặc trưng các bộ xương hóa thạch này. Nói cho gọn thì người cũ (cựu nhân) mặt rộng theo chiều ngang, khổ người thấp bé. Người cũ ở Nhật có chung đặc điểm với người miền nam Trung Quốc (huyện Liễu Giang tỉnh Quảng Đông). Những nét đặc biệt đó cũng được người Yayoi về sau thừa kế.

Như vậy, hình dáng nguyên thủy của người Nhật Bản là hình dáng của người Cổ Mông cổ (Mongoloid)[7] như trên. Về sau, những người đến Nhật từ thời Yayoi trở đi là những người chịu lạnh vô cùng giỏi. Họ được gọi là Tân Mông cổ (Mongoloid). Có lẽ người Nhật hiện đại, sau bao nhiêu cuộc pha trộn, đã lai giống từ hai loại người này chăng? Người ta cho rằng dân tộc Ainu ở Hokkaidô và người nhũng hòn đảo miền Tây Nam lúc ấy đã có những đặc trưng rõ nét hơn của người Cổ Mông cổ vùng phía nam đại lục.

Mặt khác, khi phân tích ngôn ngữ được sử dụng, chúng ta cũng có thể biết một giống dân thuộc vào chủng tộc nào.Theo những yếu tố về ngữ cú, cách xếp đặt các trợ từ cũng như khi quan sát âm vận của tiếng nói, người ta thấy tiếng Nhật có những nét tương đồng với các thứ tiếng Triều Tiên, Mông Cổ thuộc ngữ hệ Altai phía bắc đại lục Á châu. Du khách Nhật khi đến Hàn Quốc đều có cảm tưởng quen thuộc ấy khi nghe cách phát âm của người Hàn ngoài đường phố. Tuy nhiên về phương diện ngữ vựng thì tiếng Nhật cũng tiếp nhận nhiều yếu tố của phương nam như từ tiếng nói của khu vực Đông Nam Á hay quần đảo Polynesia nên không thể loại bỏ yếu tố vùng nam đảo trong việc hình thành dân tộc Nhật. Dù nguồn gốc ấy vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời nhưng không thể nào coi thường những hướng nghiên cứu nêu ra bên trên được.
 
Người Nhật từ đâu đến?

Theo GB Sansom[8], các tư liệu khảo cổ dường như đã giúp chúng ta đi đến điểm đồng thuận là quần đảo Nhật Bản đã có người cư ngụ vào cuối giai đoạn tân thạch khí (đồ đá mới). Họ là những người mà các nhà dân tộc học và ngôn ngữ học xem như thuộc nhóm bắc phương Ural-Altaic gồm các sắc dân Finns, Samoyedes, Huns, Tsungus và Mông cổ. Thế rồi giao thương giữa bán đảo Triều Tiên và quần đảo Nhật Bản đã đem nhiều đợt di dân từ vùng Bắc-Đông Á đến cùng với văn hóa dồng và sắt của họ. Có tác giả nhấn mạnh đến giai đoạn từ năm -500 đến 500 và vai trò của nước Yên vùng vịnh Bột Hải khoảng thế kỷ thứ 2 TCN trên kinh tế khu vực. D. Elisseeff[9] chẳng hạn đã nhắc nhở đến việc đồng tiền của nước Yên - một trong thất hùng thời Chiến Quốc - đã được khai quật ngay cả tại Okinawa. Các đợt di dân từ đại lục đạt đến đỉnh cao dưới thời nhà Hán, nhất là qua trung gian các quận huyện như Lạc Lãng và Đới Phương mà người Trung Quốc đã lập trên bán đảo Triều Tiên. Kỹ thuật trồng lúa nước Hemudu (Hà Mẫu Độ) ở Trung Quốc - cổ nhất đại lục - ước định khoảng năm 5000 TCN về sau cũng đã được thấy ở Kyuushuu. Như vậy Nhật Bản cổ đại của thời Yayoi đã nằm trong quỹ đạo Trung Triều. Tuy nhiên, cái người ta chưa đánh giá được là sự góp phần của cư dân đến từ vùng Ural-Altaic mãi sâu trong đại lục trong sự hình thành cá tính của người Nhật. Lý do là dù người Nhật lúc ấy có một văn hóa vật chất gần gũi với người Trung Quốc nhưng tinh thần cũng như hành động của họ, vẫn có cái gì rất là khác. Về sau, người Nhật tuần tự đón nhận di sản văn hoá của Hán, Đường, Tống, Minh nhưng người ta nhận ra vẫn có một cốt lõi không xâm phạm được (non absorbent core, như cách nói của G.B. Sansom) của người Jômon trong tâm hồn Nhật Bản. Không những thế, nó lại còn có tính đề kháng lại mọi yếu tố đến từ bên ngoài.

1.2 Phát hiện di tích Iwajuku. Sinh hoạt vào thời đại đồ đá:

Người thời đại đồ đá sinh hoạt như thế nào? Dĩ nhiên họ lấy da thú che thân, mang theo dụng cụ làm bằng đá, đi khắp nơi ngoài đồng trên núi. Tuy thế, hình ảnh đó chưa thật sự đầy đủ, cần được giải thích thêm

Ngày ấy, nhân loại chưa biết dùng dụng cụ bằng kim loại là dụng cụ tiện lợi nhất. Đó mới là thời người ta còn sử dụng đồ đá - nghĩa là thời đồ đá hay thạch khí - thiên hạ chỉ biết lấy đá thô rồi đập đi đập lại sơ sịa cho có hình thù để làm dụng cụ. Nó mang tên thời đá đẽo, cựu thạch khí hay đồ đá cũ. Sang đến thời hoàn tân (toàn tân) hay hiện thế (từ một vạn năm về trước)[10], người ta mới biết mài giũa để chế ra dụng cụ đá mài. Thời điểm ấy mới được gọi là thời tân thạch khí hay đồ đá mới. Theo quan điểm địa chất học, thời đồ đá cũ tương ứng với thời cánh tân (từ 164 vạn năm về trước) ,còn thời đồ đá mới tương ứng với thời hoàn tân. Cũng kể từ khi bước qua thời đại đồ đá mới, đứng trên quan điểm vật dụng làm bằng đất nung thì ở Nhật Bản, ta có thể chia ra làm hai thời kỳ mang tên là Jômon và Yayoi.

Từ xưa cũng có người nghĩ rằng vào thời đồ đá cũ, trên quần đảo Nhật Bản, chưa có một dạng thức văn hóa. Chủ trương này đã được chấp nhận cho đến trước chiến tranh. Do đó, đến lúc ấy, khi hỏi rằng thời đại nào là thời tối cổ của văn hóa Nhật Bản thì người ta sẽ bảo là Jômon.

Thế nhưng, vào năm 1946, từ di chỉ Iwajuku thuộc tỉnh Gunma bắc tây Tokyo, người địa phương tên là Aizawa Tadahiro đã tìm thấy từ lớp đất trên sườn dốc một quả đồi bị vạt ngang một số đồ vật làm bằng đá núi lửa màu đen (obsidian)[11]. Đó quả là một phát hiện hết sức quan trọng đã làm đảo lộn tất cả chiều hướng nghiên cứu lịch sử Nhật Bản. Rồi nhân khám phá đó, vào năm 1949, nhóm nghiên cứu của Đại học Meiji đã điều tra khoa học hơn và thành công trong việc xác định sự thực là có rất nhiều dụng cụ đá đẽo như thế nằm trong địa tằng tro đất đỏ hỏa sơn[12] ở vùng Kantô vốn tích tụ từ thời kỳ cánh tân. Từ ấy, khuynh hướng của việc nghiên cứu lịch sử Nhật Bản là lội ngược lên xa hơn nữa về thời thái cổ.

Người phát hiện các hiện vật bằng đá đẽo nói trên, Aizawa Tadahiro (1926-1989), không phải là một giáo sư đại học hay nhà khảo cổ gì cả.Ông ta chỉ là một thanh niên đam mê khảo cổ và mưu sinh bằng nghề buôn bán dạo nên có cơ hội đi từ vùng này qua vùng khác. Thế nhưng ông đã phát hiện được một điều vô cùng vĩ đại mà các nhà học giả khảo cổ chính tông dù có nằm mơ cũng chưa dám nghĩ tới.


Nhà khảo cổ nghiệp dư Aizawa Tadahiro

Sau phát hiện của Aizawa, người ta lần lượt tìm ra những chứng cứ đồng loạt từ các địa tằng  (hay địa tầng)  của thời cánh tân ở khắp nơi. Nó xác định lập luận là văn hóa Nhật Bản đã tồn tại từ thời cánh tân, nghĩa là người Nhật cũng có một nền văn hóa đồ đá cũ (cựu thạch khí). Thế nhưng từ các lớp địa tằng của thời này, người ta không tìm ra được những dụng cụ bằng đất nung. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là việc thời đồ đá cũ là giai đoạn phải có trước thời đồ đất nung. Ở Nhật, giai đoạn trước khi biết chế tạo và sử dụng đồ đất nung được gọi là thời kỳ văn hóa trước (hay là không có) đồ đất (= tiên thổ khí) - nói cách khác - đó là giai đoạn trước văn hóa Jômon, bởi vì Jômon đồng nghĩa với đồ đất nung.

Sinh hoạt của người vào thời này (trước Jômon) là tập trung vào việc săn bắn và hái nhặt. Những dụng cụ giúp họ sinh hoạt đều được làm bằng đá (thạch khí). Trước tiên là miếng đá hình lưỡi dao với chiều dài độ 5cm. Họ dùng nó để cắt, chẻ hoặc gắn vào đầu một khúc cây làm mũi lao (yari). Cũng có loại không bén nhưng lại có đầu nhọn. Những dụng cụ này có đầu nhọn hình thù giống như chiếc lá cây, có thể giắt vào đầu khúc cây thành ngọn thương hay lao để đâm gần (tsukiyari) hoặc phóng xa (nageyari), dùng vào việc săn bắn. Vỏn vẹn với một dụng cụ như thế mà người thượng cổ dám đương đầu với các giống thú lớn đến từ đại lục như voi lùn Naumann, nai có chà gạc ôtsunojika, nai hàn đới herajika cũng như bò rừng thì họ thật đã làm chúng ta phải kinh ngạc.

Đến giai đoạn cuối của thời đồ đá cũ, người ta bắt đầu biết dùng những dụng cụ bằng đá vừa nhỏ (khoảng 3-4 cm) vừa nhọn, bằng cách gắn chúng nhiều cái một lượt vào trong những cái lỗ ở đầu các thanh xương hay cây.Như thế, người thời ấy đã biết cách chế tạo đồ đá dưới dạng phối hợp. Người Nhật gọi loại đồ đá nhỏ và nhọn này là saiseki (tế thạch khí). Dụng cụ này dĩ nhiên dùng vào việc săn bắt muông thú, rất phổ biến từ vùng đông bắc Trung Quốc cho đến mạn Siberia. Chúng hẳn đã đến Nhật bằng đường phương bắc. Khi người Nhật cổ biết dùng loại đồ đã nhỏ và nhọn này thì họ đã bắt đầu chấm dứt thời đồ đá cũ (cựu thạch khí) để tiến vào thời trung gian giữa cũ và mới (trung thạch khí).

Hãy tìm hiểu xem người Nhật thời ấy đã cư trú như thế nào? Có thể tưởng tượng ra rằng họ sống qua ngày trong những túp lều nhỏ che tạm hoặc trong hang động. Họ chưa định trú được mà còn phải rày đây mai đó tùy theo tình hình kiếm lương thực (quả hạt hay con mồi). Có thể họ chỉ cần kiếm những chỗ cạnh dòng nước và sinh hoạt trong những nơi cư trú giản dị, không phải mất công dựng lên hoặc dẹp bỏ. Nhưng dần dần ta cũng đã tìm thấy dấu tích của khuynh hướng định trú, dù rằng để bàn thêm về điểm này, chúng ta còn cần thêm nhiều bằng chứng trước khi có thể kết luận.

Vào thời điểm đó, cứ có khoảng mươi người thì người ta tụ tập sống với nhau thành tập đoàn cơ sở. Khi một số tiểu tập đoàn như vậy tụ họp lại, sẽ có những bộ tộc (buzoku, tribe) nghĩa là một nhóm người có chung một đặc tính và có ý thức đồng tộc. Bộ tộc nào có trong tay những nguồn nguyên liệu để làm dụng cụ bằng đá kiếm được từ một chỗ nào đó xa nơi cư trú, sẽ ảnh hưởng và chi phối được người bên trong tập đoàn.

Trên đây là vài nét về nguồn gốc của quần đảo Nhật Bản và cư dân của nó. Hiện nay, ở Nhật Bản vẫn tiếp tục có những cuộc khai quật, điều tra khảo cổ và địa chất. Tùy thuộc vào thành quả của những nghiên cứu này mà sự hiểu biết về Nhật Bản thời thái cổ của chúng ta sẽ tăng thêm và lịch sử sẽ phải được viết lại nhiều lần nữa hay không.

Tiết 2: Văn hóa Jômon và bối cảnh xã hội:
2.1 Văn hóa Jômon thành hình như thế nào?

Cách đây hơn một vạn năm về trước, khí hậu trên trái đất có lẽ cũng không khác bây giờ bao nhiêu.Về mặt địa chất học, đó là một thời kỳ ấm áp mà người ta gọi là Thời hoàn tân hay toàn tân (Holocene). Tuy gọi là ấm áp giống như ngày nay, song trong mấy năm gần đây của thời đại chúng ta, mỗi năm (ở Nhật) vào tháng 7 và 8 nhiệt độ lên đến 37, 38 độ C liên tục nhiều ngày nên có thể xem như chúng ta đang trải qua một thời kỳ khí hậu dị thường. So sánh với giai đoạn một vạn năm về trước với bây giờ, ngày nay nhiệt độ có phần cao hơn. Có nhiều nguyên nhân thật đấy nhưng cũng phải nói rằng việc sử dụng máy điều hòa không khí đã góp phần vào khả năng làm cho trái đất nóng lên và gây ra sự thay đổi môi trường sinh thái. Tóm lại, cách đây một vạn năm, địa cầu đã ấm ra làm cho mực nước biển dâng cao Nước len vào các mực thấp của lục địa, tách chúng ra và tạo nên quần đảo Nhật Bản. Tình trạng này làm cho khung cảnh thiên nhiên lúc đó trở nên không khác gì với thời chúng ta bây giờ cho lắm.

Khi trái đất ấm rồi, trên quần đảo Nhật Bản đã thấy có nhiều sự biến đổi. Thay vào những khu rừng cây có tính (bắc) á hàn đới (subartic) với lá hình mũi kim (conifer) từ xưa nay, người ta nhận ra ở vùng đông Nhật Bản đã có những khu rừng cây lá lớn hay rụng (dedidous broadleaf) như cây buna (breech tree) hay nara (Japanese oak, sồi Nhật). Còn ở phía tây Nhật Bản thì có cây shii (pasana, chinquapin) là thuộc loại cây lá lớn và thường xanh (broad-leaved evergreen tree). Về động vật thì các giống thú hình thù to lớn xưa di chuyển từ đại lục qua nay đã mất dạng. Thay vào đó là những giống thân xác trung bình và di động nhanh nhẹn như nai Nhật Bản (nihonshika) và lợn rừng (inoshishi) nhiều thêm ra.

Trong một môi trường sinh thái biến đổi như thế này, dĩ nhiên cư dân trên quần đảo Nhật Bản cũng phải tự thay đổi để thích ứng với tình thế. Ví dụ như khi săn bắn, để có thể bắt giết những con vật cỡ trung bình và cỡ nhỏ mà lại nhanh nhẹn thì phải có những dụng cụ, khí giới thích hợp. Người ta nhân đó đã nghĩ ra dụng cụ "biết bay", đó là cung tên vậy.

Vào thời kỳ mà quần đảo Nhật Bản hình thành và tách ra khỏi bìa phía đông lục địa Eurasia (Âu Á) thì trên phần đất Nhật Bản, đã có một nền văn hóa mới ra đời. Giai đoạn đó nằm vào thời kỳ chuyển tiếp giữa văn hóa đồ đá cũ (cựu thạch khí) và văn hóa đồ đá mới (tân thạch khí). Thời đại này được mệnh danh là thời đại của văn hóa Jômon. Nền văn hóa này bắt đầu ước chừng 12.000 năm về trước. Nó kéo dài gần 10.000 năm, cho đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên, lúc người Nhật bước vào thời văn hóa Yayoi, một nền văn hóa khác với đặc điểm là nông canh ruộng nước (thủy điền, paddy field).

Văn hóa Jômon có đặc điểm nào? Xin thưa, có ba đặc điểm không thể tách rời nhau như sau:

1) Biết sử dụng cung tên để săn các giống thú rừng cỡ nhỏ và cỡ nhỡ càng ngày càng  tăng gia sinh sản.

2) Biết dùng đồ chứa bằng gốm (vò vại, nồi niêu) để nấu chín và dự trữ thức ăn.

3) Biết sử dụng dụng cụ đá mài. Đồ đá mài khác với đá đẽo là có thêm một đợt gia công để trở nên tinh vi hơn. Do đó thời này còn được mệnh danh là thời đồ đá mới (tân thạch khí).

Tuy nhiên, cần ghi nhớ một điều quan trọng là không vì thời kỳ văn hóa Jômon bắt đầu mà người ta bỏ dụng cụ đá đẽo đi không dùng nữa. Nói cách khác, vào thời Jômon, người ta vẫn dùng cả hai.

Trong ba đặc tính kể trên của văn hóa Jômon, nhờ việc sử dụng các đồ chứa làm bằng đất mà tỷ lệ sinh tồn (survival) của con người cao lên một cách rõ rệt.Lý do là thay vì ăn thịt sống, người ta biết nấu chín, nên giết hết vi trùng và giữ đồ ăn được lâu. Nhờ đó, họ cũng có thể loại bớt chất đắng chát trong các loại quả hạt như các thứ hạt dẻ tochi (horse chestnust) hay donguri (acorn), làm chúng dễ ăn hơn

Thế nhưng khi thu thập thống kê về tuổi tác và tỷ suất tử vong của người thời Jômon thì  ta được biết rằng đối với dân số trên 15 tuổi, tuổi thọ của họ nằm giữa khoảng 35 đến 40. Còn như kể cả trẻ em từ 15 tuổi trở xuống thì tuổi thọ của họ nói chung không tới 20. Đem so tuổi thọ đó với tuổi thọ của thời đại chúng ta thì hãy còn cách nhau quá xa.

Trên mặt các thức đồ gốm thời này, vì muốn làm bằng phẳng đi những chỗ thô ráp, người ta thường gắn vào đấy hoa văn giống như thừng quấn. Từ đó, đồ đất ấy mới mang tên đồ đất Jômon (thằng văn = hoa văn hình dây thừng)[13]. Tuy nhiên cần chú ý là lúc đó cũng thấy loại đồ đất trơn không có hoa văn nào cả.

Hoa văn dây thừng đã được gắn như thế nào thì mới chỉ được biết gần đây thôi. Nhà khảo cổ Yamanouchi Sugao nhân dùng que bông gòn làm trục và thử lăn trên đất sét thì thấy có thể khắc hình thù lên đó được, rồi khi ông dùng một giải dây và cùng làm một động tác thì thấy tạo ra được hoa văn. Sau thí nghiệm của Yamanouchi, nhiều nhà khảo cổ khác cũng làm thử với nhiều loại dây se theo kiểu khác nhau. Kết quả là họ đã giải đáp được thắc mắc về cách thức gắn hoa văn của người xưa. Đồ gốm thời ấy còn có đặc điểm nữa là nung dưới nhiệt độ thấp, vỏ khá dày và có màu nâu. Thời kỳ Jômon được chia ra làm 6 giai đoạn: giai đoạn bắt đầu, giai đoạn sớm sủa, giai đoạn trước, giai đoạn giữa, giai đoạn sau và giai đoạn cuối. Vào giai đoạn bắt đầu, vừa có nhiều đồ gốm không hoa văn (mumon) lẫn đồ gốm với hoa văn nổi theo dạng đường thẳng (ryuukisen) và hoa văn hình móng tay (tsumegata). Đáy của chúng hình tròn hay bốn cạnh đơn sơ. Người ta nghĩ có thể con người thái cổ đã chế ra chúng theo mô hình các túi đựng bằng da (kawabukuro) hoặc lồng đan (amikago) mà họ hay dùng. Chúng là vết tích dụng cụ để chứa bằng đất nung xưa nhất vốn có trên thế giới. Sau đó, theo thời gian, vì nhu cầu cuộc sống đòi hỏi nên loại đồ gốm này có thêm nhiều hình thức khác, đồng thời cũng trở nên phong phú hơn về mặt mẫu mã. Vào giai đoạn cuối, đã thấy có những thứ đồ gốm bắt mắt (sặc sỡ) hơn như những vật khai quật được ở di chỉ Kamagaoka tỉnh Aomori.


Đồ gốm Jômon trung kỳ với hoa văn như thừng bện (niên đại -5.000 đến-4.000)

Tùy theo khu vực và cách thức sinh hoạt phải thích ứng, các loại đồ gốm này trên thực tế có hình thù khác nhau.Nếu là cùng một môi trường và điều kiện sinh hoạt thì chúng sẽ "tập hợp lại" (grouping) thành một cụm có nét chung.Chúng ta có thể thấy được nét chung của chúng khi xem các hiện vật được đem ra trưng bày ở các viện bảo tàng địa phương.

2.2 Sinh hoạt của người Jômon:

Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu về cuộc sống tinh thần (tín ngưỡng) và vật chất (sinh hoạt) của người Jômon. Thời kỳ Jômon này khá dài, như đã nói, kéo dài khoảng 1 vạn năm, có nghĩa là gấp 5 lần thời gian bắt đầu từ công nguyên (tây lịch). Đi ngược lên trên nữa thì thời đồ đá cũ còn dài hơn gấp bội. Điều đó chứng tỏ rằng đại bộ phận của lịch sử con người hầu như nằm gọn trong thời đại đồ đá cũ và thời đại Jômon.

Người Jômon bị điều kiện thiên nhiên chi phối chặt chẽ, có thể xem như họ sinh hoạt theo thiên nhiên. Trọng tâm của sinh hoạt ấy là vấn đề làm sao đảm bảo được nguồn lương thực. Mùa xuân, họ đi hái nụ hoặc mầm cây cỏ, mùa hè họ ra bãi cạn mò cua bắt ốc. Thu đến, người Jômon đi tìm hạt dẻ (donguri) và các quả hạt khác (shii, kuri) làm nguồn lương thực chính, còn mùa đông, họ săn thú rừng như nai và lợn lòi.

Qua đó, mới nhìn ta thấy cuộc sống của họ khá thoải mái, nhàn tản. Thế nhưng tuổi thọ bình quân của người Jômon vẫn không cao, vậy thì cuộc sống ấy chưa chắc đã dễ dãi. Qua đến thời kỳ Yayoi, con người đã bước vào giai đoạn sản xuất lương thực nhưng họ chỉ làm ra những loại thức ăn nào mà họ muốn ăn. Khi còn ở trong thời kỳ Jômon, họ không có thể nào có được điều đó.   .

Nhiều người cho rằng phát minh quan trọng nhất của người Jômon là vật dụng để chứa đựng bằng đất nung nhưng cũng có ý kiến trái ngược cho rằng chính là cung tên. Khi khí hậu quả đất ấm ra và các thú lớn, nặng nề biến mất, duy các giống bé và nhỡ mà lại nhanh nhẹn còn lại thì muốn bắt giết chúng, chỉ có cách là sử dụng cung tên. Với cung tên, đứng nhắm cho kỹ rồi bắn vù đi một mũi là đã có con thịt. Có con thịt rồi thì phải đi làm thức ăn với món thịt đó. Lúc ấy, người ta mới thấy giá trị của nồi niêu. Vì lý do đó, nếu tôn vai trò của cung tên lên hàng phát minh số một của người Jômon thì có lẽ cũng không ngoa.

Ngoài ra phải nói đến việc người Jômon đã biết đào hầm hố để làm bẩy bắt con thịt hay làm nơi ẩn nấp rình rập chúng.Ngày nay ta thấy nó như trò trẻ đáng buồn cười nhưng vào thời Jômon, đó là một phát minh đáng kể để sống còn, không thể bảo đó là một trò chơi đối với họ được.

Nước biển dâng lên và mặt đất bằng chìm xuống đã làm cho biển tiến cả vào bên trong lục địa (hiện tượng kaishin = hải tiến), tạo nên những biển nội địa. Vì lúc đó là vào thời Jômon nên người ta gọi nó giai đoạn biển lấn đất Jômon (Jômon kaishin). Do hiện tượng này mà từ thời Jômon, Nhật đã trở thành một đảo quốc có nhiều nhánh biển nhỏ ( irie, inlet), chỗ có giải nước biển hẹp và sâu đâm xa vào đất liền. Nếu là người chài lưới thì ai nấy đều biết rằng nơi đây tụ tập rất nhiều cá. Người trên quần đảo Nhật Bản do đó đã sớm phát triển nghề đánh cá ở những vùng như thế.

Năm 1877 (Meiji thứ 10), Edward S. Morse[14] , người được xem như là cha đẻ của khoa khảo cổ Nhật Bản, đã phát hiện ra gò xác sò ốc ở vùng Ômori (Ômori kaizuka) ngay Tôkyô. Ông đã từ San Francisco đáp tàu chạy bằng hơi nước là chiếc Tôkyô-maru đến cửa khẩu Yokohama. Trong khi lấy xe điện đi từ Sakuragichô (gần khu Chinatown bây giờ) theo tuyến Tôkaidô để lên Tôkyô, giữa đường nhìn qua cửa sổ toa tàu, ông đã khám phá ra những gò xác sò ở Ômori gọi là Ômori kaizuka, vô cùng quí giá đối với ngành khảo cổ Nhật Bản.


Giáo sư Edward Sylvester Morse

Câu chuyện kỳ lạ và thú vị này đã được giáo sư Morse ghi chép cẩn thận kèm theo hình vẽ trong nhật ký, khi về nước đã đem ra nói chuyện trong các buổi diễn giảng về Nhật Bản và in trong tác phẩm "Nhật Bản, nhật ký từng ngày" (Nihon sono hi sono hi), sau đó nó còn được nhắc nhở đến trong nhiều tập sử liệu. Tấm bia kỹ niệm cái gò xác sò ốc kia nay nằm ở cả hai nơi, khu Ôta và khu Shinagawa. Lý do là sau khi khai quật di chỉ đó một thời gian, ngay những người liên hệ cũng không còn nhớ địa điểm đích xác của nó. Để đến nỗi này, người Nhật cảm thấy họ có lỗi với giáo sư Morse

Thế nhưng từ khi gò xác sò ốc ở Ômori (Ômori kaizuka) được phát hiện, trên toàn nước Nhật, người ta đã tìm thấy 1800 kaizuka tương tự mà 90% là những kaizuka thuộc thời đại Jômon. Hiện nay, khi đi xem xét những nơi có kaizuka mang đặc tính Jômon, các nhà nghiên cứu đã thu thập được những dữ liệu quan trọng giúp hiểu biết về cuộc sống thường nhật của người thời ấy. Bởi lẽ kaizuka là nơi cư dân thải những thực phẩm dư thừa sau khi ăn xong, lâu ngày chúng tích tụ thành gò. Đem những mảnh hóa thạch tìm thấy ở đó đặt lên kính hiển vi, ta sẽ biết hết tất cả những gì người Jômon đã ăn. Lấy một ví dụ cụ thể. Đó là trường hợp Torihama kaizuka, một kaizuka vô cùng quan trọng nằm trong địa phận Mikata-chô tỉnh Fukui (miền trung tây Nhật Bản, phía biển Nhật Bản). Người ta đã phát hiện nơi đó vết tích của các hạt giống các thực vật như quả bầu (hyôtan) cây vừng mè (egoma)[15], cây tía tô (shiso, beefsteak plant), các giống đậu (mame) và gobô (rễ ngưu bàng, burdock). Điều này xác định rằng từ rất sớm, người Jômon đã biết đến canh tác tuy rằng chỉ ở trong một phạm vi nhỏ hẹp.

Qua những di vật của kaizuka, có thể hiểu biết một cách toàn thể về sinh hoạt của người đương thời. Cũng vì trong đống kaizuka người ta còn thấy dấu vết những dụng cụ làm bằng đất, bằng đá hoặc bằng xương hoặc sừng. Đôi khi còn đào được những mảnh xương người, xương thú hay xương cá có lớp calcium của vỏ sò bao bọc và bảo tồn. Mục đích của các nhà nghiên cứu về thời đại này có lẽ là làm sao thông qua những di vật đó, tái tạo lại được hình ảnh nếp sinh hoạt và hoàn cảnh thiên nhiên trong đó, người Jômon đã sinh sống.


Marukibune (thuyền độc mộc)

Vật khai quật được ngoài lưỡi câu (tsuribari) , lao (mori), chỉa (yasu) bằng sừng hay xương thú, người ta còn thấy có những tảng đá hay tảng đất (sekisui, dosui) - dùng như mỏ neo (omori) để giữ lưới đánh cá dưới nước khỏi bị di chuyển - nên có thể suy ra là phép đánh cá thời ấy trên cơ bản dựa vào lưới. Ngoài ra, khắp các nơi đều tìm thấy dấu vết của loại thuyền độc mộc (marukibune), thuyền nạo bằng cách hun cháy phần ruột nguyên một thân cây sau khi đã xẻ nó làm đôi. Việc di tích của người Jômon đã được phát quật từ vùng Izu Ôshima (bán đảo và chùm đảo bên dưới Tôkyô) cho đến khu vực Hachijôjima (một đảo núi lửa xa bờ Tôkyô khoảng 300 cây số và cũng nằm trong 7 đảo Izu) cho thấy người Jômon đã có kỹ thuật hàng hải rất cao để có thể đi xa đến như vậy.

Để sinh sống, con người bắt buộc phải làm việc. Những công việc quan trọng để sinh nhai của người Jômon là săn bắn, đánh cá, và thêm vào đó, không kém phần quan trọng có lẽ là việc hái nhặt. Ngoài các giống hạt như hạt lật (kuri, chestnut), hạt dẻ (donguri, acorn), hạt óc chó (kurumi, walnut), hạt tochi (horse chestnut, một loại hạt dẻ), họ cũng đào các loại củ như khoai rừng (yamaimo, yam). Nhờ làm ra được những dụng cụ bằng gốm để ninh nấu họ mà loại được chất độc, chất đắng chát của các loại củ. Để đào hố, họ đã có cuốc đá (ishikuwa), để nghiền hạt, họ đã có bàn nghiền bằng đá (ishizara). Người Jômon cũng có thể gọi là sành ăn. Chẳng hạn họ biết làm cả bánh từ bột hạt dẻ.

F.Macé[16] cho ta biết thời ấy chó đã góp sức vào việc săn bắn, được coi trọng như bạn đồng hành vì được chôn cất chẳng khác gì người.Các con thịt của họ là lợn lòi, nai, gấu, sơn dương cho đến các thú nhỏ như thỏ rừng, chồn, sóc, ngỗng, vịt trời, rái cá...

Sau khi đã tìm ra được nhiều cách thức để có đủ lương thực , cuộc sống của họ trở nên ổn định và sung túc. Họ bắt đầu sống lâu dài một chỗ (định trú hóa = permanent settlement). Vào thời kỳ này, họ biết đào lỗ (ana) xuống lòng đất (có khi sâu tới cả 1m) làm nơi cư trú, dựng cột, trên có lợp mái (yane).Kiểu cư trú "nhà hố" như vậy được người Nhật gọi là tateana juukyo (tiếng Anh dịch a pit dwelling, mà pit có nghĩa là hố sâu và rộng).

Giữa trung tâm nhà hố người ta khoanh khu vực để lò bếp, chung quanh đó một gia đình tụ tập sinh hoạt ăn ngủ dưới cùng một mái nhà. Sau đó họ kết thành đoàn lũ và cùng nhau đi tìm những chỗ càng ngày càng có điều kiện tốt hơn như nơi đủ ánh mặt trời hay nằm trên nền cao để tránh lũ nhưng cạnh nguồn nước để lấy đồ uống dễ dàng. Phần đông, họ tụ tập thành xóm gồm nhiều nhà quây tròn quanh một vạt đất trống giống như quãng trường, nơi đây cộng đồng có những hoạt động mang tính tập đoàn. Bên cạnh khu hố cư trú còn có khu hố tích trữ lương thực và hố chôn cất người chết. Như vậy, nói như Elisseeff thì những thôn ổ đầu tiên này (như thấy ở Iwate) đã được qui hoạch theo một hình tròn mà vạt đất ở chính giữa vừa là nhà làng vừa là nghĩa địa.

Vì có nhu cầu đào hố và nông canh mà người thái cổ cần đến các dụng cụ đào xới đất bằng đá đẽo.Bên cạnh các nơi cư trú kiểu nhà hố nhỏ, lại có nhà hố lớn, chắc dùng làm nơi hội họp và lao động tập đoàn. Các cuộc điều tra giúp ta suy đoán được một cách chung chung là đơn vị sinh hoạt của một tập đoàn thời Jômon chỉ gồm có 4 đến 6 "nhà hố" qui tụ khoảng từ 20 đến 30 thành viên


Mặt lộ thiên của một kaizuka

Trong khi xem xét kaizuka mang tên Kai no hana thuộc tỉnh Chiba (sát bên cạnh Tôkyô) người ta đã thấy phía dưới một nền đất hình móng ngựa (batei-gata) tạo nên cái gò đó, có di tích của đến 33 đơn vị cư trú. Trên vạt đất theo vành móng ngựa nằm ở giữa, không thấy có cơ sở nào được xây cất cả, chắc đấy là nơi hội họp hoặc tế tự chung. Như thế, kể từ thời Jômon, ta đã thấy có hình thức xã hội biết tuân theo một số qui luật, phép tắc nào đó rồi.

Gần đây, vùng Sannai Maruyama ở tỉnh Aomori miền bắc Nhật Bản mới là nơi lôi cuốn sự chú ý nhiều nhất. Nó là một di tích tồn tại từ khoảng đầu đến khoảng giữa thời Jômon và là chứng cứ cho thấy người thời ấy đã tụ tập lại với nhau trên một qui mô lớn. Di tích phát quật được - gồm cả các khu vực cư trú của thời đầu lẫn thời giữa Jômon - cộng lại lên đến 500 đơn vị nhà hố cỡ nhỏ và trên 10 đơn vị cỡ lớn. Trong số đó đã thấy những nhà hố với cột thật to mà đường kính thân cột hơn cả 1m. Suy ra có thể hiểu được rằng, trong khuôn viên di tích này, số người sinh hoạt lúc đông có thể lên đến 500. Tuy chưa vội gì đi đến kết luận, kết quả cuộc điều tra này có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về hình ảnh của thời Jômon cũng như sẽ thay đổi nội dung các sách giáo khoa viết trước đây.

Những tập đoàn Jômon như thế sau đó sẽ tiếp xúc với những tập đoàn lân cận qua hôn nhân cũng như sự trao đổi thông tin và nhiều dạng giao dịch khác. Việc khám phá ra những viên đá núi lửa (kokuyôseki, obsidian) nửa trong nửa đục vốn dùng như nguyên liệu để tạo ra vật dụng đồ đá, cũng như ngọc thạch (phỉ thúy = hisui, jade) ở những nơi thật xa địa điểm chúng sinh sản, chứng minh được là có sự giao dịch giữa các tập đoàn sống ở những vị trí địa dư cách xa nhau.

Nếu nói về vùng Tôkyô thì có thể dẫn chứng bằng trường hợp của đảo Kôzushima, một hòn đảo nằm trong bảy đảo vùng Izu shichitô, không xa Tôkyô cho lắm về phía Nam. Các nhà nghiên cứu thấy loại đá núi lửa kokuyôseki do vùng đảo này (phía Thái Bình Dương) sản xuất đã được di chuyển và phân tán khắp vùng Kantô (Tôkyô và phụ cận) đến mãi tận vùng Hokuriku (4 tỉnh Fukui, Ishikawa, Toyama, Niigata phía biển Nhật Bản đối diện). Làm thế nào khi không có đường bộ mà đá đã được mang đi thật xa như thế. Phải chăng những con người can đảm của thời thái cổ đã không quản ngại sóng gió chở chúng vượt biển trên những con thuyền độc mộc thô sơ ?


Sekijin (thạch nhận, dụng cụ đầu nhọn) bằng đá núi lửa 
tìm thấy trong địa tằng Nhật Bản

Thời Jômon, có sự phân chia công việc giữa nam và nữ. Đàn ông trong tập đoàn lãnh phần việc chế biến dụng cụ đá bằng đá và săn bắn trong khi phụ nữ lo việc hái nhặt và làm ra các thứ đồ đất nung. Cho dù đã có kẻ lãnh đạo tập đoàn nhưng vai vế trên dưới và sự phân chia giàu nghèo thì chưa có mấy.

Cũng nhân đây qua các hiện vật tìm thấy, thử phác họa đời sống tinh thần của các tập đoàn người Jômon. Người thời đó tin rằng thần thánh và oai linh của thiên nhiên tồn tại khắp nơi: từ trong rừng cây, lùm bụi, dưới nước đến tảng đá. Đây là hình thức gọi là vạn tượng hữu linh (animism)[17] chủ trương mọi vật trong thiên nhiên ngoài hình ảnh cụ thể của nó còn ẩn tàng một sức mạnh siêu nhiên. Thế rồi, nhờ ở các pháp thuật, bùa chú (jujutsu, magic), (majinai, incantation) mà họ cầu thần giải trừ tai ách hay xin mang đến hoa lợi thu hoạch. Di vật của pháp thuật bùa chú thời này còn được thấy qua các tượng đất sét (doguu, clay figure) tượng trưng cho người nữ và các gậy đá (sekibô) chiều dài từ 40, 50 cm đến 1m, hình tròn và dài, tượng trưng cho (phallus, sinh thực khí của) người nam.


Doguu (tượng đất sét) di vật của pháp thuật, bùa chú cổ đại

Từ thời Jômon trung kỳ trở đi, phong tục nhổ răng (basshi)[18], đã trở nên rất phổ biến. Phong tục này là một nghi thức đánh dấu sự biến chuyển của người ta từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác trong cuộc sống, ví dụ vào dịp thành nhân. Phong tục này như muốn nhắc nhỡ mọi người rằng đã là người lớn, bắt buộc giỏi chịu đau và muốn được nhìn nhận là người lớn, phải chấp nhận thử thách khó khăn đó.


Phong tục chôn gập xác (khuất táng)

Một phong tục cũng đánh dấu cuộc sống tinh thần của người Jômon là một phương pháp mai táng khá đặc biệt. Phương pháp ấy gọi là kussô (khuất táng) nghĩa là bẻ gãy gập tay chân người chết, sắp xếp chồng chất cẩn thận cho thật gọn rồi mới đem chôn. Hình như có hai thuyết chính giải thích lý do của hành động đó. Thuyết thứ nhất cho rằng bẻ tay chân và sắp xếp gọn gàng như thế, người chết sẽ trở về với hình thái ban đầu trong bào thai và trở về với "mẹ đất". Thuyết thứ hai cho rằng vì sợ những hoạt động của người chết gây tai ách cho người sống nên phải trừ khử khả năng đó. Ngoài ra còn có ý kiến làm cho gọn như vậy thì đỡ tốn công tốn sức đào một cái huyệt rộng. Thế nhưng tóm lại, thuyết thứ hai có vẻ được nhiều chấp nhận hơn hết.

Thời Jômon dài đến vậy cho nên kiến thức về thời ấy nếu chỉ có được như trên thì thật quá sơ thiển. Nhất là ở vị thế người học sử, nếu biết rõ một thời kỳ trước thì mới hiểu được thời kỳ sau. Trước khi chấm dứt chương này thiết tưởng cũng nên nhắc qua phương pháp định tuổi trong sử học bằng phương pháp Carbon 14 có tính phóng xạ. Nguyên tắc chính là trong mỗi sinh vật đều có hàm chứa chất than C14 có tính phóng xạ và sau khi sinh vật đó chết đi, mức phóng xạ đó sẽ suy giảm với thời gian theo một nhịp độ nhất định Sau 5.730 năm thì vừa vặn mức phóng xạ ấy hạ xuống phân nữa. Theo nguyên tắc ấy, người ta dựa vào lượng phóng xạ còn tồn tại trong vật chất ấy để tính (ngược) được số tuổi của nó. Nhân vì thời gian lượng Carbon 14 giảm xuống phân nửa tương đối ngắn cho nên người ta có thể dùng nó tính toán niên đại của những di vật hoặc đồ gốm của thời Jômon và của giai đoạn sau (hậu kỳ) thời kỳ đồ đá cũ nghĩa là vài nghìn cho đến 1 hay 2 vạn năm về trước. Nhờ nó, chúng ta xác định được niên đại của đồ gốm Jômon lúc mới được làm ra (nghĩa là vào thời kỳ khởi thủy) nên biết rõ ràng rằng văn hóa Jômon đã bắt đầu cách đây 12.000 năm. Ngoài ra, còn có các phương tiện khác như phương pháp "nhiệt phát quang" (heat-luminesense) có thể dùng để kiểm tra niên đại bằng phóng xạ có hiệu lực từ vài nghìn năm lên đến vài chục vạn năm. Hay hơn nữa, phương pháp Uran keiretsu (Uranium series) sử dụng các nấc của độ thoái hóa trong Uranium 238 có phạm vi kiểm tra rất rộng, bao trùm đến từ vài vạn đến 50 vạn năm về trước.

Đến đây, xin tạm ngưng câu chuyện thời Jômon.

Tiết 3: Văn hóa Yayoi và bối cảnh xã hội
3.1 Thời nông canh bắt đầu

Tiếp sau văn hóa Jômon là văn hóa Yayoi. Nền văn hóa Yayoi đã có mặt trên đất Nhật từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 3.Đặc điểm của nền văn hóa mới này là sự bắt đầu của hoạt động nông canh tuy rằng, nếu nói cho nghiêm chỉnh thì vào khoảng thế kỷ thứ 5 - thứ 4 trước công nguyên tức là giai đoạn cuối của văn hóa Jômon, đã thấy dấu tích việc canh tác lúa nước.

Hôm qua mới còn là Jômon, hôm nay ngủ dậy đã thành Yayoi rồi sao? Thật ra sự biến đổi không phải chỉ đơn thuần ngày một ngày hai. Phải nói là trước tiên đã có một nền văn hóa mới du nhập từ vùng Giang Nam Trung Quốc và từ bán đảo Triều Tiên vào phía bắc đảo Kyuushuu.Nó bắt rễ nơi đây trước khi lan ra một cách mạnh mẽ và vững chắc trên khắp các phần đất khác của quần đảo.

Để văn hóa Yayoi phát triển trong một phạm vi rộng lớn như thế, người Jômon cũng cần có một thời gian chuẩn bị tiếp nhận nền văn hóa mới. Quá trình thẩm thấu văn hóa trong dòng lịch sử giống như dạng vân đá cẩm thạch. Trong hội họa, khi người ta pha màu trắng với màu đỏ thì trước tiên màu sắc phải qua một trạng thái chuyển đổi giống như vân đá trắng đỏ rồi mới tạo ra màu hồng. Thời kỳ có sự biến thiên ấy gọi là thời kỳ chuyển tiếp hay quá độ. Đối với người nghiên cứu lịch sử, đây là một thời kỳ vô cùng quan trọng.

Như đã nói, cuối thời Jômon đã có dấu tích của việc canh tác lúa nước. Chứng cớ về lúa nước nằm ở di chỉ Nabatake nằm ở tỉnh Saga và di chỉ Itazuke tỉnh Fukuoka, hai nơi khá nổi tiếng. Ở đó, người ta đã tìm thấy những suiden-ato (dấu tích ruộng nước). Nếu việc nhận diện thời đại Jômon đến từ việc họ dùng đồ gốm như dụng cụ thì đối với thời Yayoi, đặc sắc của nó là việc bắt đầu canh tác ruộng nước. Nhưng chẳng lẽ dựa vào đó để bảo chỗ này đang ở vào thời đại Jômon, chỗ kia thuộc thời đại Yayoi hay sao. Giới nghiên cứu cũng chưa đi đến chỗ đồng ý hoàn toàn nên phải chấp nhận có một thời kỳ quá độ thay vì chia cắt Jômon và Yayoi thành hai thời kỳ riêng biệt.

Điểm chuyển tiếp giữa hai thời kỳ ấy có thể nhận ra ở di chỉ Nabatake và Itazuke. Chúng ta biết văn hóa Yayoi với hoạt động nông canh đã bắt đầu xuất hiện ở miền Tây Nhật Bản trước khi lan rộng ra khắp quần đảo ngoại trừ đảo Hokkaidô và các đảo Nam Tây.[19] Lúc này, người trên quần đảo bước từ kinh tế sản xuất lương thực bằng hái nhặt qua kinh tế sản xuất bằng lúa nước. Chúng ta chưa có thể hình dung quần đảo lúc đó như nước Nhật hiện tại bao gồm Hokkaidô với Okinawa, bởi vì trên hai phần đất này, từ thời Jômon trở đi, đã thấy có sự phát triển của những nền văn hóa độc lập. Nếu như văn hóa Jômon là văn hóa chung cho cả phần đất có tên là Nhật Bản ngày nay, văn hóa Yayoi chưa đặt chân lên Hokkaido và các đảo Nam Tây. Tại sao lại có chuyện như thế và thử hỏi từ thời Jômon trở đi, Hokkkaidô và các đảo Nam Tây đã có chuyện gì xảy ra?

Câu trả lời là đảo Hokkaidô chỉ bước qua thời Tục-Jômon nghĩa là nối tiếp văn hóa Jômon trong khi các đảo Nam Tây vẫn sống theo lối hái nhặt lương thực của văn hóa kaizuka tức thời gò vỏ sò.Có thể hiểu là khí hậu Hokkaidô quá lạnh để trồng lúa nước còn ở các đảo Nam Tây thì những dụng cụ khai quật và cách phân bố các di chỉ cho ta biết họ không dựa văn hóa lúa nước nhưng lại xây dựng cho mình một văn hóa đặc biệt. Dù cả hai không thu nhận văn hóa lúa nước, cuộc sống của cư dân hai vùng đó không vì thế mà ngưng trệ mà lại có cơ hội phát triển văn hóa của mình theo cách thức riêng. Kể từ thế kỷ thứ 9, ở Hokkaido đã có loại đồ gốm (doki) với hoa văn gọi là satsumon có hình răng lược. Do đó, người ta đặt tên cho văn hóa ấy là văn hóa satsumon (hoa văn răng lược), theo tên kiểu đồ gốm. Trong giai đoạn văn hóa ấy, đã thấy dấu hiệu của hoạt động nông canh nhưng săn bắn và chài lưới vẫn đóng vai trò chủ yếu. Nói cách khác, cho dù không đưa nông canh lúa nước vào nhưng cư dân trên những hòn đảo ấy cũng biết chuẩn bị đầy đủ cho hoàn cảnh cuộc sống của mình được thuận lợi.

Tại sao có cái tên là văn hóa Yayoi? Sở dĩ người ta mệnh danh nó như thế là vì vào khoảng giữa thời Meiji (1884), họ đã phát hiện trong một gò xác vỏ sò (kaizuka) ở phường Hongô Yayoi thuộc nội thành Tôkyô một hủ gốm (tsubo) có những đặc trưng khác hẳn với đồ gốm Jômon tìm thấy cho đến nay. Đồ gốm này được gọi là đồ gốm Yayoi (Yayoi doki), rồi từ đó, thời đại nó xuất hiện mang tên thời đại Yayoi. Thời đại này lại được chia làm 3 giai đoạn gọi là tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Có nghĩa là cho đến lúc phát hiện hủ gốm ở Yayoi, sự phân biệt thời giữa đại Jômon và Yayoi chưa hề có trong sách vở.


Hủ gốm Yayoi
Kỹ thuật Yayoi khác kỹ thuật Jômon như thế nào?

Gốm Yayoi thật ra về kỹ thuật, không khác xa gốm Jômon bao nhiêu. Tuy vậy, về mặt mỹ thuật, có thể nói là nó đẹp hơn. Cái đẹp của nó không nằm ở chỗ rườm rà về mặt trang trí như gốm Jômon nhưng ở chỗ hài hòa và cân đối trong sự đơn giản. F.Macé và G.B.Sansom đều chia sẻ cùng một ý kiến về điểm này. Sansom[20] chỉ lưu ý việc người Jômon của miền Đông và Bắc tỏ ra tự do, phóng túng hơn trong cách chọn hình thể và mẫu trang trí hơn người Yayoi đến sau. Cái khác nhau rõ ràng giữa hai thời kỳ Jômon và Yayoi có lẽ là kỹ thuật luyện kim. Người Yayoi của miền tây và nam Nhật Bản khi tiến lên phía đông và phía bắc để gặp gỡ văn hoá Jômon[21] đã bỏ lại sau lưng họ thời đại thạch khí và họ đã biết sử dụng kim loại. Các dụng cụ bằng đồng có nguồn gốc đại lục đã thấy xuất hiện bên cạnh gốm Yayoi ở các di chỉ. Trong khi mũi tên thời Jômon chỉ đủ bén nhọn để làm con thú săn bị thương thì mũi tên của người Yayoi nặng hơn và xuyên thấu hơn, có thể làm chết nó ngay.

Trở lại chuyện kaizuka đang nói dở dang. Bên lề thôi nhưng phải nói là giống như trường hợp gò kaizuka ở Omori, địa điểm nơi tìm ra đồ gốm Yayoi cũng không được nhớ cho thật đúng. Tuy bảo rằng hủ gốm ấy đã được phát hiện vào năm 1884 ở kaizuka mang tên Mukôgaoka thuộc khóm số 2 phường Yayoi khu Bunkyô thủ đô Tôkyô vv... nhưng lời kể lại của người phát hiện ra nó vẫn còn có điểm thiếu chính xác, chẳng khác nào những gì đã xảy ra cho kaizuka ở Ômori. Do đó, ta chỉ có thể ước định địa điểm phát hiện ngày nay nằm trong khuôn viên của Phân khoa canh nông Đại học Tôkyô mà thôi.

Thời điểm xuất phát của văn hóa nông canh ở đại lục Trung Quốc là khoảng từ năm 6.000 đến 5.000 năm trước công nguyên. Lúc đó, trên quần đảo Nhật Bản, thời Jômon vẫn còn đang kéo dài gần 10.000 năm. Vào khi ấy, ở vùng phía bắc Trung Quốc, ở lưu vực khoảng giữa sông Hoàng Hà, cư dân đã biết trồng ngũ cốc như awa (foxtail millet) và kibi (millet). Phía hạ lưu lưu vực sông Trường giang (Dương Tử) ở miền Nam, người Trung Quốc đã bắt đầu trồng lúa.Như vậy, Trung Quốc đã bước trước Nhật Bản một bước trên quá trình thành hình xã hội nông canh.

Vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, người Trung Quốc đã bắt đầu dùng vật dụng bằng sắt, mức sản xuất nông nghiệp cũng phát triển nhiều. Điều này xảy ra có lẽ vì đó lại là lúc Trung Quốc bước vào thời Chiến Quốc. Khi ấy, các cuộc xung đột, tranh phong bùng nổ ra thường xuyên ở các địa phương.

Trong khi thời Chiến Quốc đang tiếp diễn trên đất Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 3 TCN, có hai quốc gia mạnh đủ sức thống nhất khu vực là Tần và Hán (Tiền Hán) xuất hiện.Các cuộc phân tranh trên đại lục Trung Quốc đang tiến dần về hướng thống nhất và điều đó gây ảnh hưởng đến các dân tộc sống chung quanh. Chẳng những bán đảo Triều Tiên mà cả quần đảo Nhật Bản cũng tiếp nhận ảnh hưởng.

Văn hóa Yayoi với hình thức mới từ đại lục đã truyền đến Nhật và theo những đường sau đây:

1) Đường qua ngỏ bán đảo Triều Tiên:
a - Đường nội địa đằng sau bán đảo Liêu Đông rồi xuyên bán đảo Triều Tiên..
b - Đường từ bán đảo Sơn Đông qua bán đảo Liêu Đông rồi vào bán đảo Triều Tiên.
c- Đường bán đảo Sơn Đông rồi qua biển mà vào bán đảo Triều Tiên.

2) Đường từ hạ lưu vực Trường Giang trực tiếp đến Kyuushuu

3) Đường từ Giang Nam qua các đảo Nam Tây..

Nói chung, nó có hai đặc điểm như sau:

1-Canh nông lúa nước.

2- Sử dụng đồ kim thuộc (đồ sắt, đồ thanh đồng tức hợp kim của đồng và thiếc).

Ngoài ra, vào thời kỳ văn hóa này, người ta đã thấy có dấu vết kỹ thuật dệt cữi và sự xuất hiện các dụng cụ thuộc hệ đại lục làm bằng đá mài như loại dao đá to bản (ishibôchô) làm ra để dùng vào việc cắt nhành lúa, cũng như các thứ rìu đá dùng để phạt cây.

Văn hóa nông canh là nền văn hóa đầu tiên được truyền từ xa tới và dĩ nhiên nó đã thay đổi rất nhiều cách ăn uống thường ngày của cư dân trên quần đảo. Một trong những sự đổi mới đó là sự ra đời của những đồ dùng bằng gốm làm theo kiểu mới. Trong các loại đồ gốm màu đỏ đun của thời Yayoi, có các loại nồi niêu (kame, jar) dùng để ninh nấu, các loại hủ vò (tsubo, pot) để chứa, các loại bình bát (hachi, bowl) và cốc chân cao (takatsuki) để đựng thức ăn thức uống, nghĩa là rất nhiều hình thức tùy theo công dụng.

Tuy rằng kỹ thuật của văn hóa Yayoi phần lớn đến từ Trung Quốc hay bán đảo Triều Tiên, kỹ thuật cơ bản chế tạo đồ gốm, đồ đá đẽo đá mài, xây cất nhà hố có cột và mái rõ ràng đã có sẵn từ xưa cho nên cũng không nên đánh giá thấp những cống hiến của truyền thống văn hóa Jômon trước đó đới với văn hóa Yayoi. Mặt khác, trong khi xem xét các mẩu xương cốt của người Yayoi khai quật được ở các vùng bắc Kyuushuu, vùng trung bộ (Nagoya) hay vùng Kinki (Kyôto-Kobe-Osaka) thì ta thấy vóc dáng họ cao lớn hơn người Jômon, mặt dài hơn và đường nét ít lồi lõm hơn. Những yếu tố này sẽ giúp ta hiểu được phần nào sự thành hình của văn hóa Yayoi. Bởi vì nhóm người đã có kinh nghiệm sử dụng dụng cụ kim loại trong việc đồng áng khi từ bán đảo Triều Tiên đến Nhật đã gặp gỡ những người Jômon đang sống tại chỗ sẽ tạo ra một sự lai giống, đồng thời là một sự pha trộn giữa kỹ thuật và văn hóa mới mà họ vừa mang tới với kỹ thuật và văn hóa cũ sẵn có ở bản địa. Khi ta biết rằng một trong những cơ sở của văn hóa Nhật Bản là văn hóa nông nghiệp thì việc đi tìm nguồn gốc văn hóa Nhật Bản ở đại lục và bán đảo Triều Tiên là một việc làm hoàn toàn có căn cứ.

3.2  Sinh hoạt của người Yayoi

Nói rằng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa văn hóa Jômon và Yayoi đã có một cuộc cách mạng về lương thực thì chưa chắc đã phi lý. Với phương pháp sản xuất lương thực mới, cuộc sống của người Yayoi cũng có một sự thay đổi lớn. Bảo đảm được nhu cầu lương thực là một mệnh đề then chốt của nhân loại và vào thời điểm đó, người Yayoi qua sản xuất đã thực hiện được từ chính bàn tay mình.

Để sản xuất lúa gạo, ruộng thời Yayoi nói chung qui mô tương đối nhỏ, phần lớn có chu vi mỗi cạnh chừng khoảng 1m. Thế nhưng, ta thấy ở nhiều nơi, họ đã biết cách thức sử dụng ruộng nước, khơi đường nước dẫn thủy thoát thủy đàng hoàng và lập được kế hoạch sản xuất. Không bảo là cách mệnh thì cũng khó dùng một kiểu nói khác.
 

Người Yayoi có biết chăn nuôi không?

Vẫn theo F.Macé, khác với Âu Châu hay vùng Cận Đông và ngay cả với Trung Quốc, cách mạng tân thạch khí ở Nhật Bản không cho ta thấy chăn nuôi đi kèm với canh nông. Người ta không tìm ra dấu tích việc nuôi ngựa, heo, bò ở Nhật vào thời đại Yayoi. Những xương cốt bò, ngựa khai quật được ở các kaizuka thuộc thời đại Yayoi đều thuộc niên đại đến sau.Tuy rồi Nhật Bản cũng biết chăn nuôi đấy nhưng chưa bao giờ có thể mệnh danh nước Nhật là một quốc gia có truyền thống chăn nuôi. Việc thiến bò hoạn lợn để bảo đảm con giống tốt, chỉ bắt đầu ở Nhật vào thế kỷ 18. Riêng Okinawa có truyền thống nuôi lợn nhưng chuyện này chỉ xảy ra từ thế kỷ 14. Cả gà vịt và trứng cũng vậy, họ chỉ biết tới chúng vào thời hiện đại.. Cho đến mãi sau này, người Nhật chỉ ăn toàn thịt săn được.

Trong khi xem xét một di chỉ như Tareyanagi, một di chỉ nổi tiếng ở tỉnh Aomori (bắc Nhật Bản) liên quan đến những nghiên cứu về cách làm ruộng nước thời Yayoi trung kỳ.

Người ta tìm ra được ở đây 650 khoảnh ruộng vuông cỡ nhỏ, mỗi khoảnh có chiều ngang từ 3 đến 4 m. Cho đến nay, phần đông tin rằng vào thời Yayoi , người ta thường trồng lúa bằng cách gieo trực tiếp (jikimaki, gieo liền) hạt giống vào ruộng. Thế nhưng theo những gì phát hiện được ở di chỉ Hyakkengawa thuộc tỉnh Okayama, hay ở di chỉ Nagahara thuộc Ôsaka và Uchizato Hyakuchô thuộc Kyôto thì khả năng cấy mạ trồng lúa (rice planting) không phải là không có.

Nói về dụng cụ nông nghiệp thời ấy, để vỡ đất, đã có cày (suki, plow) và cuốc (kuwa, hoe), làm bằng gỗ tận mũi nhọn.Đến mùa thu hoạch, dao đá to bản (ishibôchô) được sử dụng để cắt gié lúa (từng cây một nên chưa có thể nói là gặt). Để tuốt vỏ, họ dùng cối gỗ (kiusu) và chày giã (tategine). Gạo thu thập được thì giữ trong kho đụn dựng trên sàn cao (takayuka-sôko) hay cất giấu trong kho đặt dưới hố (chôzôketsu) và che phủ bên trên.


Kho đụn trên sàn cao (takayuka sôko)

Một câu hỏi có thể được đặt ra: Với các dụng cụ nào, người thời Yayoi chế được đồ đạc làm bằng cây như thế? Thực ra, trước tiên họ đã dùng những dụng cụ đá mài rồi sau nới đi đến giai đoạn dùng các dụng cụ bằng sắt như rìu (ono), bào (yariganna), dao găm (tôsu)... Đến cuối thời đại Yayoi thì những dụng cụ bằng đá lần lượt biến đi đâu mất cả.

Khi đồ sắt đã phổ cập thì các nông cụ có đầu nhọn bằng sắt cũng được lan truyền rộng rãi làm cho ruộng nước cũng biến dạng. Khi nông cụ mới bắt đầu được sử dụng, ruộng được canh tác chỉ là loại ruộng ruộng úng nước hay ruộng thấp (shitsuden) nằm ở các vùng đất thấp cạnh bãi sông. Ở vùng ruộng úng nước bởi vì mực nước dưới đáy quá cao đòi hỏi phương tiện tháo nước. Nếu không có sẽ không cung cấp đủ dưỡng khí nuôi cây lúa và khó thể đạt đến mức sinh sản cao được.

Thế nhưng ở các vùng đặc biệt miền Tây Nhật Bản, vào thời Yayoi, hệ thống tưới tiêu đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhờ việc dẫn nước và tháo nước được diễn ra thường xuyên, đất sẽ trở thành ruộng cao hay ruộng khô (kanden) màu mỡ hơn, sản xuất tốt hơn. Nói thì nói vậy chứ vào thời Yayoi sơ kỳ, sức sản xuất cũng chưa có thể gọi là vượt trội hẳn. Cư dân phần lớn vẫn còn dựa vào việc hái nhặt quả hạt như họ vẫn làm cho đến bây giờ. Song song với nông nghiệp, họ tiếp tục săn bắn và đánh cá, nhờ đó cuộc sống dần dần cải thiện.

Thứ đến, chốn cư trú của họ hầu như vẫn là kiểu nhà hố (tateana) của thời Jômon. Riêng thời Yayoi, người ta đã thấy nơi họ sống tụ tập (quần cư) lại có thêm loại nhà kho sàn cao (takayuka sôko) có trụ chống cắm xuống đất (hottatebashira) cũng như các đơn vị cư trú cất trên mặt đất bằng. Con số đơn vị cư trú của mỗi nhóm ngày càng nhiều ra, không thiếu gì những nhóm có từ 20 đến 30 đơn vị.

Di chỉ Yoshinogari ở tỉnh Saga đã trở thành một nơi khá nổi tiếng từ khi người ta khám phá ra nó. Đây là một nhóm quần cư hoàn toàn có hào nước bao quanh. Đó là một tập hợp cư trú với diện tích 40 km2 được bao bọc bởi hai vòng hào trong và ngoài. Lại nữa, di tích Karako-Kagi ở thành phố Nara cũng là một vùng có đường kính khoảng 400-500m với hào bao quanh. Di tích Shiudeyama ở Kagawa vùng biển nội địa Nhật Bản (Seto naikai) ở một độ cao 352 m là đại diện cho những nhóm quần cư được thành lập trên vùng đất cao, khá phổ biến trong giai đoạn này. Hào nước bao trọn chung quanh (kangô) là một thiết bị để đáp ứng đòi hỏi phòng thủ. Các nhóm quần cư ở vùng cao có thể dùng nó như một cái "thành để ẩn náu" (nigejiro) chứng tỏ xã hội thời Yayoi cũng bắt đầu có những cuộc tranh chấp.


Khung nhà hố kiểu tateana

Tiếp theo đây, thử nhìn qua cách mai táng người chết của xã hội Yayoi. Nếu đem so với người Jômon thì phải nói họ có nhiều chế biến. Ở vùng bắc đảo Kyuushuu, có loại phần mộ với bia đá đặt trên mặt đất (gọi là shisekibo)[22]. Người chết được chôn trong những cái quách hình chum vò (kamekan) Ở những vùng khác thì người ta đem chôn kẻ chết trong những mộ huyệt đất (dokôbo), mộ quách gỗ (mokkanbo), mộ quách đá hình hộp ( hakoshiki sekikanbo). Họ để thân thể người chết được duỗi thẳng ra (shinkensô) chứ không giống kiểu chôn bẻ xương xếp xác chết co quắp (kussô) của người Jômon.

Trong khi đó ở miền Đông Nhật Bản, vào thời Yayoi sơ kỳ, người ta thường thấy có những ngôi mộ gọi là saisôbo (tái táng mộ), trong đó có những chum vò đựng cốt người chết.Hình thức "chôn lại" (cải táng) này và sự xuất hiện của loại mộ hình gò (phần khâu mộ) ở một phạm vi khá rộng rãi là hai đặc trưng của cách mai táng thời Yayoi. Thêm vào đó, chúng ta còn thấy loại mộ gò đất khá thấp, hình tứ giác, chung quanh có mương rãnh bao bọc. Nó được gọi là mộ hình vuông có rảnh nước bọc (hôkei shuukôbo).


Mộ hình vuông có rãnh nước bọc

Khi bước vào giai đoạn giữa và cuối của thời Yayoi, đã thấy xuất hiện những gò đất cao (phần khâu) rõ ràng là vùng được khoanh ra đặc biệt dùng cho chôn cất. Đó là loại mộ hình gò (funkyuubo), thoạt đầu là mộ tập đoàn, chôn chung được nhiều người. Dần dần nó trở thành nơi chôn cất một cá nhân đặc biệt trong tập đoàn ấy.Vào hậu bán thế kỷ thứu 3 sang tới đầu thế kỷ thứ 4, suốt các vùng thuộc miền Tây Nhật Bản, loại mộ hình gò đã có qui mô lớn giống như những ngôi mộ tìm thấy được ở di chỉ Yoshinogasato. Di chỉ mộ gò Tatezuki thuộc thành phố Kurashiki tỉnh Okayama nổi tiếng là nơi có mộ gò thuộc hạng cao cấp của thời Yayoi. Đó là một ngôi mộ hình tròn (viên hình) với đường kính 40m, hai đầu có một bộ phận vượt cao hẳn.

Sự có mặt của những ngôi mộ với kích thước to lớn này cùng với các vật dụng chôn theo (phó táng phẩm) như kính, vũ khí chế bằng thanh đồng (bronze) mà người ta tìm thấy nơi đó, hẳn phải có ý nghĩa nào đó. Dĩ nhiên là như vậy bởi vì chúng chứng tỏ rằng trong tập đoàn ở các vùng đã có sự cách biệt về giai cấp (mibunsa) giữa kẻ mạnh nắm được quyền cai trị và những thành viên khác của tập đoàn.


Dôtaku (chuông đồng) thời Yayoi

Tiện đây, xin giải thích thêm về phong tục tập quán của người Yayoi. Để cầu xin mùa màng được tốt đẹp và cảm tạ thần linh khi thu hoạch dồi dào, họ đã chế ra những dụng cụ bằng thanh đồng dùng vào lễ nghi tế thần như kiếm đồng, mâu đồng, chuông đồng, kích đồng. Trong số đó có loại chuông đồng với hình dáng đặc biệt Nhật Bản. Loại hiện vật này được phân bố rộng rãi khắp vùng Kinki (Kyôto-Ốsaka-Kobe). Kiếm đồng hình bèn bẹt thường thấy ở vùng biển nội địa Seto, còn như mâu và kích đồng thì có nhiều ở miền bắc đảo Kyuushuu. Như thế một số địa phương đã có chung một loại đồ dùng để cúng tế. Nhân vì những tế khí này không tìm ra từ những ngôi mộ cá nhân nên người ta xem chúng như đồ tế tự chung cho cả tập đoàn, thường ngày khi không dùng tới được cất dấu ở một nơi nào trong lòng đất. Chỉ khi nào có lễ lạc chúng mới được đào lên sử dụng[23]. Ở di chỉ Kôshindani thuộc tỉnh Shimane phía biển Nhật Bản, người ta đã đào được chúng từ một hố đất bên triền núi. Tổng cộng tất cả 358 kiếm đồng. Ở một hố khác, lại phát hiện 6 chuông đồng và 16 mâu đồng. Trên toàn quốc Nhật Bản chưa thấy nơi nào có nhiều hiện vật như vậy. Cho nên chúng là những di vật có thể giúp ta tìm hiểu được vai trò của thời đại Yayoi tại địa phương Shimane[24].
 
Đời sống tín ngưỡng sơ khai của người Nhật thời cổ

Người Nhật thời cổ tin rằng thần thánh có mặt trong thiên nhiên. Núi Fuji, núi Miwa tự chúng đã là những vị thần. Thác nước cao, ghềnh đá lớn, những hòn đá âm dương (inyôseki, có hình thù giống sinh thực khí nam nữ) đều được lễ bái vì tượng trưng cho sự phồn thực, sinh sôi. Quốc ca Nhật Bản Kimi ga yo còn có lời cầu chúc nước nhà lớn mạnh và trường cửu như những hòn đá nhỏ (sazareishi) mỗi ngày mỗi to ra cho đến khi thành những hòn đá tảng (iwao) xanh rêu. Người thái cổ cũng có tín ngưỡng ngôn linh (kotodama). Theo đó, nói lên một lời tốt đẹp sẽ mang đến cho mình sự may mắn, nói một lời xấu xa ắt sẽ rước lấy tai vạ. Do đó, họ rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Cũng như ngày nay, khi đi thi thì kiêng cử không nói "rớt", ngày đám cưới thì tránh dùng chữ "cắt" vậy.

Người Jômon khi dựng bàn thờ, đợi lễ lạc xong lại phá vì nghĩ rằng hàng năm, các thần chỉ đến viếng rồi  ra đi. Chỉ đến khi hoàn toàn có cuộc sống định trú, họ mới cất những yashiro (thần xã) để làm chỗ ở thường xuyên cho các thần. Chẳng thế mà chữ xã (mori) còn được viết bằng chữ sâm (sum) có nghĩa lùm bụi, nơi thần linh có mặt. Người Nhật cổ đại vì muốn không xúc phạm đến các thần nên lúc nào cũng giữ mình sạch sẽ. Họ hay tắm rửa, dùng nước sông, suối, thác để tẩy uế (nghi thức misogi) hay phất nhánh cây thiêng sakaki và rải muối để đuổi tà (nghi thức harae). Giáo sư E.O.Reischauer đặt câu hỏi có phải vì vậy mà người Nhật trở nên thích tắm rửa hơn ai hết.

Man.yôshuu chép lại một số mê tín của họ. Hắt hơi là ai đang nhắc đấy (giống ở Việt Nam), thắt lưng quần tự nhiên lơi ra hay thấy ngứa lông mày là có người yêu đang nghĩ về mình. Họ cũng thích bói toán bằng đủ mọi cách. Khi có người chết thì quét nhà và vứt lược họ dùng đi. Kojiki còn ghi về tính chất trừ tà đuổi ma của quả đào. Không những quả đào mà vật dụng làm bằng gỗ cây đào cũng có tác dụng ấy. Trong cổ tích, cậu bé quả đào (Momotarô) sinh ra từ quả đào, là người có phép trị quỷ. Thế nhưng Man.yôshuu và Kojiki, những tác phẩm của thế kỷ thứ 8, là chuyện về sau.

Tiết 4: Sự thành lập các tiểu quốc và sự xuất hiện của nữ vương Himiko nước Yamatai.
4.1- Sự thành lập các tiểu quốc

Như đã nói đến trong phần trước, để có thể về sinh hoạt cụ thể cho đến thời của người Yayoi, chúng ta không có tư liệu vì thời ấy người ta chưa có tập quán dùng chữ viết để ghi chép lại. Chứng cứ nếu có chỉ là những di tích hay di vật và dựa trên đó mà phỏng định. Đó là lối tiếp cận theo phương pháp khảo cổ học. Thế nhưng kể từ khoảng thời gian trước sau công nguyên thì việc sử dụng tài liệu bằng chữ viết để nghiên cứu là một phương pháp không thể nào thiếu được.

Dù vậy, chúng không phải là những tài liệu do chính người Nhật ghi chép. Nó đến từ Trung Quốc, một quốc gia đã có truyền thống văn hóa văn tự lâu dài hơn Nhật Bản nhiều. Chúng ta hãy thử qua những tư liệu đó ghé mắt thử tìm hiểu về nước Nhật thời ấy.

Bước vào thời đại Yayoi, xã hội Nhật Bản bắt đầu lộ ra khoảng cách giữa người giàu người nghèo, một điều trước đây chưa hề có. Ở những di tích thời Yayoi phát quật được, người ta thấy có những ngôi mộ trong đó, ngoài kẻ được mai táng còn có chôn theo một số lượng lớn đồ phó táng, hay là những ngôi mộ một mình chiếm trọn một gò đất lớn. Thời đó, về mặt chính trị thì trên đất Nhật đã thấy hình thành những tập đoàn lớn gọi là "kuni" hay tiểu quốc và người nghĩ hai loại mộ nói trên là của các người cầm đầu hoặc tù trưởng. Việc các "kuni" đã được thành lập như thế nào, sử sách Trung Quốc có hé lộ ra được một vài chi tiết giúp chúng ta hình dung ra hoàn cảnh lúc bấy giờ

Vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, người thời Hậu Hán là Ban Cố đã soạn ra cuốn sử nói về thời Tiền Hán, nhan đề Hán Thư. Trong sách có một bộ phận gọi là Địa Lý Chí. Có thể xem phần nói về Nhật Bản trong bộ phận đó là văn kiện lịch sử tối cổ nhắc đến Nhật Bản. Nội dung chỉ vỏn vẹn ít câu như sau:

"Phía đối diện bên kia biển của quận Lạc Lãng đất Triều Tiên có người tộc Nụy (Oải, Oa) sinh sống. Họ phân tán thành hơn trăm nước. Theo định kỳ vài năm một lần, bọn họ gửi sứ giả đến Lạc Lãng, mang theo cống vật gọi là để thăm hỏi"

Tuy sử liệu chỉ có chừng đó nhưng ta cũng có thể dựa vào đấy mà suy luận thêm ra. Trước hết, lúc ấy Nhật Bản đang ở vào thời Yayoi trung kỳ, tính theo Tây lịch là thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Vì Vũ Đế nhà Tiền Hán đã thiết lập quận Lạc Lãng (suy định là chung quanh vùng Bình Nhưỡng bây giờ) trên bán đảo Triều Tiên vào năm 108 trước công nguyên nên ta có thể xem như Ban Cố đã viết về chuyện xảy ra sau đó. Người Nhật thời ấy được gọi là người Nụy (Nụy nhân, Wajin)[25] vã xã hội của họ phân tán ra làm một trăm nước vô cùng nhỏ. Sử liệu lại nói "vài năm lại đến" (tuế thì dĩ lai) về việc sứ giả Nụy (hạng người thấp kém) đến Lạc Lãng định kỳ, mang theo sản vật để chào hỏi (bề trên), nói một cách giản dị là đi triều cống.     .

Về chữ Nụy, ta hiểu rằng đây là một trong những cách xưng hô với sự miệt thị của người Trung Quốc đối với các dân tộc lân cận phương đông.Ngày nay không còn ai ưa nổi lối gọi như thế này nhưng vào cuối thế kỷ thứ 7 sang đầu thế kỷ thứ 8, Nhật còn lấy cả tên Nụy làm quốc hiệu. Mãi đến đời Đường, trong sách sử Trung Quốc (Tân Đường Thư) mới thấy hai chữ Nhật Bản hiện ra lần đầu tiên.Hình ảnh "hơn một trăm nước" (bách dư quốc) có lẽ để ám chỉ những vùng đất cỡ như di chỉ Yoshinogasato (ở tỉnh Saga với diện tích 40km2 và hai vòng hào) đã nói đến bên trên.
 
Nguồn gốc cách xưng hô Nụy, (hay Oải, Oa)

Cách gọi người Nhật bằng cái tên Nụy (hay Oải, Oa) dĩ nhiên phản ánh tinh thần hoa di, cười cợt người khác, không thể nào chấp nhận, nhất là khi ở cửa miệng vua chúa là những người lãnh đạo một nước. Thế nhưng bình tâm nghĩ lại, có dân tộc nào - dù là vì tự tôn hay tự ti - mà không một lần mắc phải lỗi lầm này.Trên thực tế lịch sử, nguyên lai cách gọi người Nhật như thế có thể giải thích bằng một số dữ kiện. Trước tiên người Nhật vùng Kyuushuu vào thời đại đó về mặt tầm vóc khó thể cao bằng những người Hoa Bắc đến gặp họ đầu[26]. (GB Sansom cho biết người Trung Quốc nhắc tới Nhật Bản trước tiên trong một đoạn của Sơn Hải Kinh[27] và cho rằng Wa là một bộ phận của nước Yên thuộc Hoa Bắc. Nước Yên đã mất vào năm 265 TCN. Đời Tần còn có thêm chuyện Tần Thỉ Hoàng sai Từ Phúc đem đồng nam đồng nữ ra biển đông tìm thuốc trường sinh ở một nơi có các đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu).Thứ hai là dù chưa lập được mối tương quan giữa từ Wa (tên nước) và từ wa (tự xưng), người ta không thể hoàn toàn bỏ qua việc người Nhật xưa nay vẫn tự xưng hoặc là a hoặc là wa, ware, waga, washi, watashi (tôi hay chúng tôi). Về sau, ngay cả khi họ không còn xưng là người Wa, cách gọi đó vẫn còn được Trung Quốc và Triều Tiên dùng, đặc biệt ở Triều Tiên trong giai đoạn kháng chiến chống lại quân viễn chinh của của Hideyoshi vào thế kỷ 16. Ở Việt Nam, trong một quá khứ gần đây, người Việt Nam cũng có thiên kiến "Nhật lùn" như thế nhưng sự thực đã trả lời rằng chúng ta hiểu lầm hay chỉ gọi theo người khác mà không có cơ hội kiểm chứng

Trên đây là tất cả những gì gọi được là sử liệu về nước Nhật cổ. Duy có một điều cần chú ý là giữa xã hội Nhật Bản thời đó và vương triều Trung Quốc, đã có một sự giao thiệp, đi lại. Ta hãy thử tìm hiểu lý do của mối quan hệ ấy

Lý do có thể chỉ rất đơn giản. Ví dụ lúc ấy Trung Quốc đã là một xã hội văn minh và văn tự đã được phổ cập. Người Nụy muốn đem văn hóa và văn minh ấy vào xứ mình cũng như đang cần có một hậu thuẫn bên ngoài để củng cố và thống nhất quyền lực ở quốc nội.

Để muốn hiểu rõ thêm về xã hội Nụy, phải đợi thêm một chút nữa đến khi có một quyển sử nói về thời Hậu Hán. Sách có tên Hậu Hán Thư, ra đời có hơi chậm (vào thế kỷ thứ 5) và do một người thời Nam Tống (Lưu Tống) là Phạm Hoa viết. Phần Đông di truyện, Nụy nhân điều (nói gọn là Hậu Hán Thư, Đông di truyện) có chép những dòng như sau:

"Năm Kiến Vũ Trung Nguyên thứ 2 (Tây lịch 57), nước Nô (Nakoku) của tộc Nụy có gửi sứ đến kinh đô, mang theo cống vật để chào hỏi.Sứ giả khi nói về mình tự xưng là đại phu. Nước Nô là phần đất nằm ở cực nam nước Nụy. Quang Vũ Đế đã ban ấn thụ cho nước Nô.

Năm Vĩnh Sơ nguyên niên (Tây lịch 107) đời An Đế, bọn vua nước Nô là Súy Thăng (Suishô) đem 160 nô lệ đến tiến cống và xin được bệ kiến hoàng đế".

Dưới thời Hoàn Đế và Linh Đế, nước Nụy có nội loạn liên tiếp, không bình định được trong một thời gian dài".

Điểm thứ nhất cần bàn đến là việc trong cuốn sử này, có ghi rõ cụ thể niên hiệu Kiến Vũ Trung Nguyên năm thứ 2, tương ứng với năm 57 của Tây lịch. Theo sử ấy chép, năm đó có sứ giả của vua nước Nô -người tự xưng là đại phu - được gửi đến kinh đô Hậu Hán là Lạc Dương và được vua Quang Vũ ban cho ấn thụ mang về.


Ấn thụ

Ấn thụ nhắc đến ở đây là một cái ấn vàng (kim ấn) trên có khắc 5 chữ "Hán ủy Nô Quốc Vương" và cái giải bằng tơ sợi để đeo nó lên cổ. Trên thực tế, người ta đã phát hiện ra một quả ấn như thế trên đảo Shikanoshima tỉnh Fukuoka (thuộc Kyuushuu) vào năm 1784 đời Edo. Năm ấy, có một anh dân quê tên Shinpê trong khi đào mương trên ruộng đã tình cờ tìm ra được nó dưới lớp đá. Quả ấn đó sau khi qua tay bao nhiêu người, cuối cùng lọt vào tay gia đình lãnh chúa Kuroda.
 
Ấn thụ

Các vua Trung Quốc thường ban ấn cho hoàng hậu, vua chư hầu và thần hạ bằng quí kim và hình thù tay nắm (tsumami) như long, hổ, qui, xà, lạc đà tùy theo chức vị của họ. Những quả ấn được khai quật đến nay có "xà nữu kim ấn" của quốc vương nước Na (Nhật), "đà nữu đồng ấn" của Hung Nô, "qui nữu kim ấn" cho Quảng Lăng Vương (Giang Tô, Trung Quốc), "xà nữu kim ấn" (Trấn Giang, Vân Nam, Trung Quốc), "qui nữu kim ấn" (Nam Việt Vương mộ, Quảng Đông, Trung Quốc) và "long nữu kim ấn" (Văn Đế hành tỉ) (Nam Việt vương mộ, Quảng Đông, Trung Quốc).

Từ khi mới phát hiện được cho đến nay, vẫn không ai biết chắc có phải là chiếc ấn thực sự ban cho bởi vua Hán Quang Vũ hay không. Nhiều cuộc tranh luận đã bùng nổ ra chung quanh đề tài này. Tuy nhiên, kích thước của quả ấn phù hợp với kích thước một quả ấn đương thời và theo thông lệ, hoàng đế nhà Hán hay ban kim ấn cho vua các nước đến triều cống. Lại nữa, chỗ tay nắm của chiếc ấn có tạc hình con rắn (gọi là xà nữu) thì đúng là nó có đặc điểm của loại ấn mà hoàng đế Trung Quốc vẫn ban cho các vua "man tộc" phương Nam. Ngày nay, người ta hầu như đều tin rằng quả ấn ngẫu nhiên nhặt được ấy là hiện vật có thật.

Điểm thứ hai cần nêu ra là vào niên hiệu Vĩnh Sơ nguyên niên - tương ứng với năm 107 Tây lịch - lại có một ông vua Nụy khác là Suishô (chữ Hán viết là Súy Thăng) đem tiến cống cho An Đế 160 nô lệ (gọi là seikô hay sinh khẩu). Điều này quan trọng vì nó cho thấy trong xã hội Nụy lúc đó đã có sự phân chia giai cấp: vua, đại phu (hay đại thần) và nô lệ (sinh khẩu). Xã hội Nụy như vậy là một xã hội như người thời nay vẫn nói, theo mibunsei (chế độ mibun hay "thân phận").

Trước đây đã nói, lúc này quần đảo Nhật Bản hãy còn ở trong thời kỳ Yayoi và đặc tính của giai đoạn cuối thời Yayoi là có sự phân chia giàu nghèo, có quyền lực hay không. Thư tịch Trung Quốc giúp chúng ta xác nhận được điều đó. Điều thú vị là chúng ta đã nối kết được hai nguồn thông tin (từ khoa khảo cổ ở Nhật và khoa lịch sử ở Trung Quốc) để dần dần tạo dựng nên hình ảnh của xã hội và con người Yayoi.

Một thông tin khác đến từ Hậu Hán Thư là vào đời Hoàn Linh, đất Nụy có loạn lớn, mãi vẫn không bình định được. Thời Hoàn Linh tướng ứng với giai đoạn trị vì của Hoàn Đế (tại vị 147-167) và Linh Đế (tại vị 168-189), hai hoàng đế thứ 11 và 12 của nhà Hán. Như vậy là cuộc nội loạn trên đất Nụy đã xảy ra vào hậu bán thế kỷ thứ 2. Ký sự này có thể muốn nói đến việc trong khoảng thời gian nói trên, các tiểu quốc (kuni) có thế lực đang ở trong quá trình lấn áp các tiểu quốc lân cận với ý đồ bành trướng nên xảy ra nhiều cuộc đấu tranh giữa họ với nhau. Khoa khảo cổ học lại cho ta biết về sự tồn tại của các khu vực cư trú có hào sâu hoàn toàn ngăn cách với bên ngoài (zengô shuuraku) thêm chứng cớ cho những gì xảy ra trong giai đoạn lịch sử này. Dần dần , nhà viết sử không cho biết vào năm nào, nhà nước Yamatai đã được thành lập, kết thúc thời kỳ loạn lạc đó.

Hình ảnh Nhật Bản thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ thứ 2 trong sử thư Trung Quốc

Niên đại Triều đại Sử thư và nội dung nói về Nhật Bản
Năm 202 TCN Cho đến 8 sau công nguyên Tiền Hán Hán Thư, Địa Lý Chí (do Ban Cố, ? - 92):
Đất Nụy (Wa) có trên 100 nước, trong đó có nước triều cống nhà Hán (nói về Nhật Bản thế kỷ thứ 1 TCN)
Từ 8 đến 25 Tân
(Vương Mãng)
 
Từ 25 đến 220 Hậu Hán Hậu Hán Thư, Đông Di Truyện (do Phạm Hoa, ? - 445):
Nước Nô (Na) đất Nụy (Wa) vào triều cống, Quang Vũ ban kim ấn Hán Ủy Nô Quốc Vương (năm 57)
Vua nước Nô (Na) là Suy Thăng đem dâng An Đế 160 nô lệ ( năm 107)
Thời Hoàn Đế Linh Đế, nước Nụy (Wa) nội loạn liên miên, người nước không lập được vua (năm 147-189).
Từ 220 đến 280 Tam Quốc
Ngụy (220)
Ngô (221)
Thục (222)
Ngụy Chí, Nụy Nhân Truyện (Tam Quốc Chi) (do Trần Thọ, " ?- 297):
Nước Yamatai xưa có đàn ông làm vua, trị vì khoảng 70-80 năm. Sau trong nước loạn lạc, rốt cuộc đàn bà lên ngôi. Đó là Himiko.

4.2 Nước Yamatai ra đời:

Xin nói về hoàn cảnh xã hội của nước Yamatai, quốc gia đã thành hình sau khi thời kỳ hỗn loạn nói trên kết thúc. Sự tồn tại của nước Yamatai quả là một huyền thoại, pha nhiều tình tiết ly kỳ, đến nay vẫn chưa được lịch sử soi sáng.

Có thể nói cuộc tranh luận về nước Yamatai là một cuộc tranh luận lớn nhất của giới sử học Nhật Bản về lịch sử cổ đại. Điểm chính của cuộc tranh luận là định vị trí địa lý nước ấy ngày xưa ở vùng nào, và từ đó, xem nó có mối liên hệ ra sao đối với chính quyền Yamato đến sau (cái tên Yamato có phát âm tương tự Yamatai và là nguồn gốc của nhà nước Nhật Bản ngày nay).

Sở dĩ có cuộc tranh luận về vị trí của đất Yamato là vì trong Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện, hành trình đi đến nước Yamatai được trình bày rất chi tiết. Nếu tin theo lời giải thích của tác giả thì Yamatai phải nằm đâu một nơi ở giữa biển khơi, khó lòng lần mò  đến nơi. Đoạn văn mở đầu bằng câu: "Người Nụy dựng nước trên hòn đảo nhiều núi giữa biển lớn phía đông nam quận Đới Phương". Quận Đới Phương này là nửa phần đất bên dưới của Lạc Lãng, thời Hậu Hán được cắt ra thành một quận riêng. Thế nhưng theo quan điểm địa lý hiện tại thì sự giải thích ấy có gì không ổn. Dù có đi đến tranh luận vẫn không phải là chuyện lạ.

Trước khi trình bày nội dung cuộc tranh luận, chúng ta hãy dựa vào Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện để tìm hiểu đặc sắc của xã hội Yamatai, kiến thức cần thiết cho việc đặt vấn đề.

Trên đại lục Trung Quốc, từ khi có cuộc loạn Hoàng Cân (Khăn Vàng), tổ chức hành chính càng ngày càng suy yếu. Nhà Hậu Hán tiêu vong vào năm 220, thay vào bằng thời đại Tam Quốc với cuộc tranh hùng của 3 nước Ngụy, Ngô, Thục. Trong quyển sử nhan đề Tam Quốc Chí của thời này, phần Ngụy Thư , quyển thứ 30 (Đông Di Truyện) có ghi chép một ít chi tiết về Nhật Bản và thường được người đời gọi là Ngụy Chí, Nụy Nhân Truyện.

Tam Quốc Chí là sách của Trần Thọ, một người sống vào cuối thế kỷ thứ 3 dưới thời Tây Tấn viết ra[28]. Xin mạn phép trình bày những điểm quan trọng trích từ thiên Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện trong đó. Trước tiên văn bản cho biết có một cuộc tranh chấp rất lớn đã xảy ra trên đất Nụy vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 như chúng ta đã có dịp nói đến.Vì cuộc loạn này không có cơ giải quyết cho ngã ngũ nên các nước mới họp nhau lại và bầu một người đàn bà làm nữ vương. Đó là nữ vương Himiko (Ti Di Hô). Rốt cuộc, nội loạn dần dần ổn định lại và có khoảng 30 tiểu quốc họp nhau lại thành một nhóm mà Yamatai đóng vai trò trung tâm.

Tai sao các tiểu quốc lại chọn một người đàn bà. Có phải chăng vì các vua nam giới không ổn định được tình hình? Chính ra lý do nằm nơi cá nhân con người Himiko. Trong xã hội đương thời, bà đã tỏ ra là người có năng lực đặc biệt để trấn an tình hình ở quốc nội.Ngụy Chí Nụy nhân truyện chép về bà; "Himiko theo đạo của quỷ, có tài mê hoặc dân chúng (Sự quỷ đạo, năng hoặc chúng). Quỷ đạo nói đến ở đây có nghĩa là thuật bùa chú, phù phép. Himiko là người thiện nghệ trong lãnh vực nầy thì phải là cô đồng (miko) trong tín ngưỡng đồng cốt (shamanism)[29] . Bà đã biết lợi dụng quyền uy của tôn giáo để thu lượm được thành công trong chính trị. Thời đại này hãy còn là giai đoạn "tế chính nhất trí", nói khác đi, quyền tế lễ, kỳ đão và quyền chính trị chỉ là một[30]. Với cương vị cô đồng, bà có thể hỏi và truyền đạt ý kiến của các thần, nhờ đó đã được bầu để lãnh đạo nhà nước và được mọi người tin theo.


Kính đồng

Năm 239, Himiko gửi sứ giả sang triều đình nước Ngụy. Việc xây dựng mối liên hệ mật thiết với Ngụy, lúc đó đã lên thay Hậu Hán và đang ở trong giai đoạn hưng thịnh, là một hành động chính trị cần thiết đối với Himiko. Bằng chứng của sự thân thiện mới tạo lập giữa hai bên là những tấm kính bằng đồng (đồng kính) cũng như xưng hiệu "Thân Ngụy Nụy Vương" mà bà đã nhận lãnh từ hoàng đế Trung Quốc.

Ngoài ra, nhân nói về tình hình xã hội Yamatai thời bấy giờ, Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện cũng cho biết có sự phân biệt giai cấp giữa các taijin (đại nhân) và geko (hạ hộ)[31], sự tồn tại của tổ chức thống trị, chế độ tô thuế và hình phạt. Theo sách ấy, thời ấy người ta đã biết cả họp chợ nữa.

Về sau, lúc cuối đời, Himiko tranh chiến cùng nước Cẩu Nô (Kuna no kuni) và bà chết vào năm 248, ngôi vua truyền lại được một lần cho người thuộc phái nam. Thế nhưng vì làm như thế mà Yamatai lại bị loạn lạc thêm nữa. Tương truyền rằng đến khi một người đàn bà thuộc tông tộc của Himiko là Iyo (Nhất Dữ) lên ngôi thì trong nước mới yên ổn trở lại.

Chuyện nước Yamatai còn được nhắc đến thêm một lần nữa khi họ gửi sứ sang nhà Tấn vào năm 266. Lúc đó Tấn vừa lên thay Ngụy và thống nhất thiên hạ. Chỉ một lần đó thôi vì sau không còn biết tin tức gì về quốc gia Yamatai nữa. Từ ấy đến ước độ 150 năm về sau, cái tên Nụy lẫn Yamatai không thấy chép trong một quyển sử nào ở Trung Quốc cả.

4-3 Cuộc tranh luận về nước Yamatai

Có thể nói về việc thẩm định xem nước Yamatai khi xưa nằm ở đâu thì có thể nói, có bao nhiêu người thì có chừng ấy ý kiến khác nhau. Kể cả những thuyết làm ta phải bật ngửa như cho rằng Yamatai là Java hay Sumatra, ngay cả Hawaii.

Trong phần trên có nói sơ rằng Nụy Chí Nụy Nhân Truyện viết rất cụ thể về hành trình đi đến nước Yamatai. Họ cho biết cách đi từ quận (Đới Phương) cho đến Nụy (Yamatai), nào đường đất ra sao (mấy dặm mấy dặm), theo thứ tự nào, chỗ nào hiểm trở khó đi, phải dùng những phương tiện di chuyển gì (đường bộ hay đường thủy) vv... Sau đây là thứ tự của cuộc hành trình:
 
Quận Đới Phương (phía Nam Bình Nhưỡng, nay được suy định là vùng Hoàng Hải Bắc Đạo và Hoàng Hải Nam Đạo của Hàn Quốc) -> Nước Kuna Hàn (Cẩu Na Hàn Quốc) -> Nước Tsushima (Đối Mã Quốc) -> Nước Iki (Nhất Chi Quốc) -> ước Matsuro (Mạt Lô Quốc) -> Nước Ito (Y Đô Quốc) -> Nước Na (Nô Quốc) -> Nước Fumi (Bất Di Quốc) -> Nước Tsuma (Đầu Mã Quốc) -> Nước Yamatai (Da Mã Đài Quốc).

Xem trong đó thì chỉ có nước Đối Mã ăn khớp với vị trí đảo Tsushima (Đối Mã) bây giờ chứ từ chỗ đó trở đi thì không biết hiện nay là những vùng đất nào. Có lắm thuyết được đề ra nhưng nếu theo đúng hành trình giảng giải trong sách thì đúng là Yamatai phải nằm ở giữa Thái Bình Dương.

Như vậy, muốn biết Yamatai xưa kia nằm ở đi thì không những phải cộng cái hải lý trên tuyến đường, điều chỉnh góc độ và phương hướng, sử dụng những hiện vật khảo cổ khai quật được và tổng hợp chúng lại thì mới họa hoằn. Tuy nhiên trong các thuyết được đưa ra thì những thuyết cho rằng Yamatai phải nằm trong nội địa Nhật Bản mới có tiếng nói hơn, dù là có 2 nhóm thuyết khác nhau: một nhóm chủ trương Yamatai là vùng đất Yamato thuộc địa phương Kinki (tam giác Kyôto-Ôsaka-Kobe)[32], thuyết thứ hai cho rằng nó phải nằm ở phía bắc đảo Kyuushuu.

Căn cứ của thuyết Kinki trước tiên dựa trên lập luận là có sự sai lầm về cách định hướng Nam-Bắc của người Trung Quốc. Đối với người Trung Quốc lúc bấy giờ, phía bắc đảo Kyuushuu là mỏm phía bắc của quần đảo nên khi họ nói đi về nam, ta phải hiểu là đi về hướng đông.Thứ đến, trong vùng Kinki, các nhà khảo cổ đã phát quật được nhiều kính bằng đồng của thời Tam Quốc. Như vậy, địa vực này phải là nơi tập trung những hoạt động kinh tế và chính trị của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 3.

Căn cứ của thuyết Kyuushuu trước hết là không có chuyện sai lầm về phương hướng gì cả. Còn nói cách ghi chép về cự ly hơi thiếu thực tế thì cũng không đúng nốt. Theo Enoki Kazuo, có thể người Trung Quốc đã tính theo đường thẳng lộ trình từ quận Đới Phương đến nước Ito (Y Đô Quốc) và theo hình tia phóng xạ (road radiating in all diẻctions) từ chỗ này trở đi nên có hai cách để ấn định cự ly.

Tùy theo cách hiểu và tin theo một trong hai thuyết, lịch sử của nước Nhật có đại có cách diễn tiến khác nhau. Nếu ta theo thuyết thứ nhất (thuyết Kinki) thì vào thế kỷ thứ 3 từ vùng Kinki cho đến miền Bắc Kyuushuu đã có một khu vực đồng minh chính trị khá rộng lớn. Sự hiện diện ấy sẽ đưa đến việc xây dựng chính quyền Yamato (Đại Hòa). Ngược lại, nếu ta tin theo thuyết thứ hai (thuyết Kyuushuu) thì sự liên kết các tiểu quốc để trở thành nhà nước Yamatai chỉ được thực hiện trong khuôn khổ Bắc Kyuushuu nghĩa là trên một địa bàn hẹp hơn. Chính quyền Yamato nằm ở phía đông trên thực tế không dính dáng gì tới nó. Có khả năng là Yamatai đã di chuyển về miền đông, hoặc giả Yamatai đã thống nhất với Yamato.

Kể từ nay, mọi nghị luận sẽ tùy thuộc vào kết quả những cuộc điều tra, phát quật của các nhà khảo cổ. Tuy nhiên, tùy theo lối giải thích, thời kỳ nhà nước Nhật Bản được thành lập rốt cục có thể lệch nhau đến trên dưới 1 thế kỷ. Vì lý do đó, ta mới hiểu cuộc tranh luận về vị trí của quốc gia Yamatai có tầm quan trọng đến mức nào.

Tiết 5: Thời đại Kofun và chính quyền Yamato.
5-1 Kofun là tượng trưng của quyền lực

Kể từ thời Yayoi trung kỳ trở đi, nông canh phát triển, trong xã hội có sự ngăn cách giàu nghèo, phát sinh ra giai cấp. Nếu ta đọc Ngụy Chí, Nụy Nhân Truyện thì biết rằng sau khi nữ vương Himiko của quốc gia Yamatai chết đi, người ta đã xây một cái gò (tsuka) lớn, đây có thể hiểu là lăng mộ của bà. Dĩ nhiên phải thế thôi vì Himiko là một nữ vương, một người có quyền thế bậc nhất, đã cai trị trên đất nước Yamatai.

Trong bối cảnh thời hiện đại cũng vậy: một môi mộ lớn là tượng trưng cho của cải và thế lực hồi sinh thời của chủ nhân ngôi mộ đó. Kofun (Cổ phần) hay "mộ cổ hình gò" nêu lên trong suốt chương này ám chỉ những ngôi mộ hình gò (phần khâu mộ, funkyuubo) đã được kiến tạo trên khắp các vùng đất Nhật Bản từ cuối thời kỳ Yayoi trở về sau. Quyền lực càng phát triển thì lăng mộ, biểu tượng của quyền lực đó cũng phát triển theo cùng một nhịp. Lăng mộ là dấu tích của sự nghiệp mà người ta muốn để lại vĩnh viễn.

Kofun đã bắt đầu xuất hiện từ hậu bán thế kỷ thứ 3 hay cùng lắm là đầu thế kỷ thứ 4, thực ra cùng theo một lối suy nghĩ như những người kiến tạo ra kim tự tháp ở Ai Cập. Những người sẽ vào nằm trong đó lúc hãy còn sống phải tích cực động viên nhân lực để hoàn thành nó. Kofun có nhiều hình thức khác nhau, hoặc trước vuông sau tròn (tiền phương hậu viên), hoặc trước vuông sau vuông (tiền phương hậu phương). "Trước vuông" có nghĩa là mặt trước của kofun có hình tứ giác, "sau tròn" có nghĩa là mặt sau tròn. Ngoài ra, cách đào kofun là đào từ trên đỉnh xuống để khơi một lỗ lớn gọi là "phòng đá kiểu nhà hố đứng" (tateanashiki sekishitsu). Nơi đây người ta đặt một cỗ áo quan bằng gỗ gọi là mokkan (mộc quan). Cùng với di thể, người ta chôn theo kính đồng và những vật chôn theo (phó táng phẩm) có tính bùa chú (jujutsu). Trên căn phòng đá đó, người ta đậy đá tảng làm trần. Đó là đặc trưng chung của những ngôi kofun được kiến tạo vào thời bấy giờ.

Nói như vậy, không phải chúng không có màu sắc địa phương. Tuy nhiên cách thiết kế những ngôi mộ thời Yayoi thường có nhiều điểm chung như theo đúng một kế hoạch. Việc các kofun thời Yayoi có nhiều điểm chung tự thể nó cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Điều đó là những tù trưởng ở các địa phương được mai táng trong những kofun vốn có những chỗ gần gũi với nhau. Chúng ta có thể tưởng được có một sự kết hợp giữa họ với nhau trên một địa bàn rất rộng lớn khi phải đứng ra thống suất mọi người trong việc xây cất kofun.

Sau đây là một ví dụ cụ thể:

Một trong những kofun xuất hiện sớm nhất là kofun mang tên Hashihaka ở thành phố Sakurai tỉnh Nara. Nó nổi tiếng vì là một kofun thuộc hạng đồ sộ, 276 m chiều dài với dạng trước vuông sau tròn. Trong số những kofun xuất hiện vào thời kỳ này, quả thật là một kofun có qui mô đáng tự hào. Tương truyền người được mai táng ở đây là một vị công chúa có cái tên rất dài, Yamato Totohimomoso Hime no Mikoto. Cùng một thời kỳ và cùng một hình thức, nghĩa là cũng trước vuông sau tròn như thế, có những ngôi mộ khác được xây lên nhưng ở vùng biển nội địa Seto, một nơi xa hơn. Ví dụ như ngôi mộ hạng to nhất ở thành phố Okayama trong tỉnh Okayama có tên Uramachausuyama kofun là một ngôi mộ được kiến tạo theo phương thức này.

Việc xây cất đồng loạt như trên là chứng cứ của sự liên kết giữa các thế lực chính trị vùng Kinki và vùng biển nội địa Seto. Do đó mộ Uramachausuyama mới theo một cung cách xây dựng như mộ Hashihaka. Những người được chôn trong đó cũng phải có mối quan hệ nào đó với nhau. Từ đó, theo qui mô các phần mộ mà xét thì vào thời điểm ấy, những ngôi mộ ở vùng Yamato (Đại Hòa, tức địa phương Nara) và khu vực Kinki có qui mô vượt trội hẳn phần mộ ở những vùng khác. Nó cho ta thấy lúc đó đã có sự hình thành của một thế lực chính trị mạnh mẽ trên vùng đất này. Liên hợp chính trị lấy vùng Yamato làm trung tâm kể từ sau đây sẽ được gọi là chính quyền Yamato.

Hiện tượng xây đắp mộ cổ hình gò (kofun) đến khoảng giữa thế kỷ thứ 4 đã lan ra đến vùng trung bộ địa phương Tôhoku (Đông Bắc), điều giúp ta suy luận rằng tới giai đoạn này thì phần lớn của khu vực Đông Nhật Bản cũng đã được đặt dưới sự chi phối của chính quyền Yamato.

Thời đại đánh dấu bằng sự thiết kế những kofun như thế - từ giữa thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 7- được gọi là Thời đại Kofun. Nếu dựa trên hình dạng các kofun để phân biệt, ta có thể chia nó ra làm 3 giai đoạn:

Tiền kỳ (hậu bán thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 4);

Trung kỳ (cuối thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5);

Hậu kỳ (hai thế kỷ thứ 6 và thứ 7).

Các kofun như thế có thể gom lại thành từng nhóm theo tiêu chuẩn các đặc trưng có tính chính trị, văn hóa và xã hội của chúng. Tuy kofun nằm rải rác ở khắp nơi nhưng qua hình dạng bên ngoài và các đồ phó táng bên trong, người ta có thể suy diễn được nhiều điều. Chẳng hạn, ở một kofun nào đó, khi người ta bắt gặp nhiều đồ phó táng như giáp trụ, binh khí (vũ cụ) hay dụng cụ đi ngựa (mã cụ) thì có thể suy luận ra kẻ được chôn trong đó lúc sinh tiền phải là một người nắm quyền lực quân đội.

5-2 Đặc trưng của Kofun

Thời đại Kofun như đã nói được chia thành 3 giai đoạn nhỏ: tiền kỳ , trung kỳ và hậu kỳ.Xin giới thiệu về những nét đặc biệt của phần mộ mỗi thời:


Mộ gò hình tròn (di tích ở Kumamoto, Kyuushuu)

Trước tiên, cần nhắc lại rằng các kofun được xây theo nhiều kiểu, hoặc mộ trước vuông sau tròn, mộ trước vuông mà sau cũng vuông, mộ hoàn toàn tròn (enpun = viên phần) và mộ hoàn toàn vuông (hôfun = phương phần). Có số lượng nhiều nhất phải kể đến là mộ hoàn toàn tròn hoặc hoàn toàn vuông nhưng qui mô to tát nhất thì lúc nào cũng là loại mộ có hình dạng trước vuông sau tròn (zenbôkôenkei, tiền phương hậu viên hình). Lô mộ cổ xếp hạng từ 1 đến 44 theo kích thước đều là mộ trước vuông sau tròn. Do đó, hình dạng mộ được xem là quan trọng nhất cũng là loại trước vuông sau tròn này.

Lại nữa, trên gò các mộ cổ (kofun) người ta hay đặt một số đồ vật. Đó là những haniwa[33], một loại đồ đất nung dùng để trang trí phần mộ (và có thể còn nhiều công dụng khác). Vào giai đoạn gọi là tiền kỳ, các haniwa chỉ là những vòng (wa) có hình ống (entô) nên gọi là entô-haniwa. Về sau thì chúng xuất hiện dưới dạng hình tượng (keishô) như cái nhà hay cái thuẫn (tate), nhân vật hay động vật, cho nên mới mang tên là keishô-haniwa. Tại sao lại đặt haniwa làm gì thì đến nay vẫn chưa ai biết rõ. Để giữ đất khỏi sụt chăng? Để thế mạng cho những người sống, vật sống bị bắt giết làm vật phó táng chăng? Giả thuyết có rất nhiều. Hoặc giả, nhân vì chung quanh kofun có rất nhiều hào rãnh để ngăn với thế giới bên ngoài, phải chăng người ta dùng haniwa để đánh dấu , xem khu mộ cổ như một thánh vực, khác với một nơi chốn (ba) thông thường.

Bảng phân chia thời đại Kofun

  Tiền kỳ (thế kỷ 3 hậu bán - 4) Trung kỳ (thế kỷ 4-5) Hậu kỳ (thế kỷ 6-7)
Hình dạng Gồm tất cả các loại mộ nhưng đặc biệt là loại trước vuông sau tròn Trước vuông sau tròn có qui mô rộng lớn hơn (thêm rãnh và gò phụ) Trước vuông sau tròn có qui mô nhỏ đi. Con số mộ tròn tăng thêm.
Cấu tạo nội thất Phòng bằng đá trong nhà hố đứng, vách đất sét. Phòng bằng đá trong nhà hố đứng với quách đá dùng lâu bền. Từ thế kỷ thứ 5 có hố ngang. Phòng bằng đá trong nhà hố ngang. Mộ có tính cách gia tộc (mộ hình cái nhà, quách gốm)
Đồ phó táng Kính đồng, ngọc bích, ngọc trượng. Có tính cách bùa chú và tế lễ. Ngoài ra còn có đồ sắt và nông cụ. Mã cụ, giáp trụ, mão miện, đồ trang sức vàng bạc, nhiều đồ sắt (đồ thực dụng do di dân mang từ Triều Tiên và đại lục sang). Vũ khí, mã cụ, đồ góm. Nhiều dụng cụ sinh hoạt thường ngày.
Haniwa Hình ống (viên đổng) là chính Hình tượng người và động vật, nhà, thuyền. Hình tượng
Địa điểm cụ thể Hashihaka (Nara).
Uramachausuyama (Okayama)
Ishizukayama (Fukuoka)
Daisenryô (lăng Thiên hoàng Nintoku, Ôsaka), Gondagobyôyama (lăng Thiên hoàng Ôjin) Misemaruyama (Nara), Takamatsuzuka (Nẩ Asuka), Takahara (Fukuoka), Iwase Senzuka (Wakayama)

Kofun tiền kỳ có nhiều loại từ hình tròn, hình vuông, trước vuông sau tròn. Phạm vi phân bố chính là vùng Kinki, sau đó đến khu vực biển nội địa Seto. Nó cho thấy tính tiên tiến của những địa phương này.

Đồ phó táng của những kẻ được chôn ở đây trước tiên là "kính 3 góc có viền hình thú linh thiêng" (sankakubuchi shinjuukyô) và sau đó là các kính bằng đồng, các báu vật như vòng cổ tay bằng ngọc bích[34], vũ khí và nông cụ chế bằng sắt. Phải nói là phần lớn những vật ấy có sắc thái bùa chú và tôn giáo rất rõ ràng cho nên có thể suy luận chúng đã được sử dụnng trong tế lễ. Ngoài ra, bên trong các phần mộ, người ta thấy người thời ấy đã thiết kế những gian phòng đá kiểu nhà hố đứng, dùng quan quách bằng gỗ (mokkan) hoặc bằng đá (sekikan). Có khi họ dùng đất sét (nendo) để tô lên quan quách, lúc đó gọi là nendokaku hay áo quan bằng đất sét (niêm thổ quách).

Phần mộ tiêu biểu của giai đoạn tiền kỳ này là kofun mang tên Hashihaka (tỉnh Nara), và Uramachausuyama (tỉnh Okayama), ngôi mộ lớn nhất của miền trung đảo Honshuu, cũng như Ishizukayama trên đảo Kyuushuu vv...


 Lăng Thiên hoàng Nintoku (trước tròn sau vuông) ở thành phố Sakai

Mộ phần của thời trung kỳ hầu như có đặc điểm chung là xây theo kiểu trước tròn sau vuông và rất đồ sộ.Về mặt phân bố thì vào cuối thế kỷ thứ 4 trở về sau, loại kiến trúc đã đã lan ra khắp toàn quốc. Tuy nhiên, nói về kofun có qui mô lớn nhất trên quần đảo phải kể đến Daisenryô kofun nay được gọi là Lăng Thiên hoàng Nintoku, nằm ở Sakai, vùng phụ cận thành phố Ôsaka. Đây là một kofun hình trước vuông sau tròn, chiều dài 486 m, bao bọc bởi 3 vòng rào. Phía bên ngoài còn có xây những baichô (bồi trủng) tức là những ngôi mộ con (trủng) kèm theo (bồi) các kofun cỡ lớn. Nếu kể cả khu vực các baichô này nữa thì khuôn viên tất cả phải lên đến 100 mẫu tây.

Các nhà chuyên môn ngành xây dựng cho rằng, tính theo trình độ của người đương thời thì muốn xây cất ngôi kofun như trên, họ phải cần đến 2.000 nhân công mỗi ngày, kinh phí có thể lên đến hàng chục tỷ tiền đô-la Mỹ thời nay và không những thế, thời gian xây dựng kéo dài đến trên dưới 16 năm trời.

Ngôi kofun quan trọng thứ hai là Konda Gobyôyama kofun nay được biết dưới tên Lăng Thiên hoàng Ôjin. Thiên hoàng Ôjin cũng là một vị đại vương tượng trưng cho chính quyền Yamato vào thế kỷ thứ 5 cũng như Thiên hoàng Nintoku, cho nên ngôi mộ của ông cũng rất vĩ đại. Trong những vật phó táng tìm thấy ở các ngôi mộ thời trung kỳ này phần lớn là vũ khí , mã cụ và các loại dụng cụ trang bị khi chiến đấu Điều này như đã nói, ám chỉ những người được chôn nơi đây phải là những võ tướng, quân nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những ngôi mộ to lớn trước vuông sau tròn của thời kofun trung kỳ không chỉ nằm ở vùng chung quanh kinh đô (Kinki) mà thôi Người ta còn tìm thấy chúng ở các địa phương như Kamitsukenu thuộc tỉnh Gunma, Tanba phía bắc Kyôto, Kibi trong tỉnh Okayama và Hyuuga tỉnh Miyazaki. Đặc biệt Tsukuriyama kofun của Okayama, có chiều dài đến 360 m, đứng vào hàng thứ 4 tất cả các kofun trên toàn quốc.

Những sự kiện nói trên cho ta thấy được điều gì? Thực ra, chính quyền Yamato - đặt theo tên khu vực mà nó hoạt động - lấy vùng Nara làm địa bàn hoạt động. Thế nhưng, những ngôi mộ to nhất thời đó, không nằm ở đây. Hai ngôi mộ số 1 và 2 đều được xây dựng ở vùng Kawachi chứ không phải ở Yamato. Chúng ta nhân đó có thể tưởng tượng ra sự hiện hữu của một chính quyền được thành lập ở Kawachi (Hà Nội, phiá đông Ôsaka bây giờ). Thế nhưng, ở những nơi xa xôi khác như các địa phương Kenu và Kibi cũng có cổ phần thì chuyện đó làm sao giải thích đây? Rốt cuộc chỉ có thể nói một cách tổng quát là trước tiên tập đoàn lãnh đạo chính trị ra đời vào thời kỳ kofun xuất hiện vì có trung tâm điểm là khu vực Yamato, nên được gọi là chính quyền Yamato. Đến giai đoạn trung kỳ, trung tâm của chính quyền di chuyển về vùng Kawachi, do đó kofun vùng đó so sánh với các nơi khác vẫn giữ nguyên qui mô to lớn. Nếu các ngôi mộ vùng Kenu và Kibi cũng có qui mô hoành tráng là vì các hào tộc địa phương ở đó đã được xem như đồng đẳng với Yamato và được thừa nhận như một bộ phận của chính quyền.

Vào giai đoạn cuối của Thời Đại Kofun tức là kể từ thứ 7 trở đi, trong cách thức tạo dựng chúng lại có một sự đổi thay lớn. Ở trung tâm khu vực Kinki, người ta vẫn còn xây những ngôi mộ trước vuông sau tròn vĩ đại nhưng ở vùng Kibi (tỉnh Okayama và Hiroshima) - nơi mà vào thế kỷ thứ 5 đã có những ngôi mộ cỡ lớn - không còn thấy bao nhiêu ngôi mộ như thế nữa.

Điều đó có lẽ chứng tỏ rằng đã có sự tập hợp của các hào tộc trên một địa vực rộng rãi. Thế lực trung ương do một đại vương nắm vẫn nằm chung quanh khu vực Kinki và các hào tộc chung quanh đều thần phục. Đã thấy có sự biến dạng lớn trong tính chất của chính quyền Yamato.

Vào thời điểm có sự biến dạng lớn của chính quyền Yamato, người ta thấy xuất hiện loại mộ xây thành quần thể (gunshuufun = quần tập phần) trong các vùng núi non thung lũng. Di tích mộ quần thể này được thấy ở di tích Iwase senzuka. Ở giữa rặng núi có lẽ là mộ của một tù trưởng. Mộ ấy trước tròn sau vuông. Trên các đỉnh xung quanh nó, tính ra có khoảng 600 ngôi mộ tròn. Con số 600 này cho ta thấy người ta đã xây kofun cho cả những người thuộc giai cấp cho đến nay không có kofun.Trong các vật dụng dùng để phó táng, thay vì những vật tượng trưng cho quyền hành của tù trưởng, người ta chỉ thấy những vật dụng được sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Lại nữa, trong các kofun ra đời vào giai đoạn cuối, ví dụ ở Kyuushuu hay các tỉnh Ibaragi, Fukushima...người ta thấy có những bức tranh màu có đường nét vẽ trên tường. Đó là những kofun thuộc loại được trang trí (sôshoku kofun) . Trong phòng đá đào theo lối hố ngang của người đại lục, còn có đủ chỗ để mai táng một người thứ hai hay thứ 3 (mộ gia đình, kazokubo) nữa. Các tranh trang trí trên tường phòng đá đã được vẽ khá tỉ mỉ.


Bích họa trong mộ cổ Takamatsuzuka (Nara)

Vi dụ rõ ràng hơn hết về loại tranh này là kofun mang tên Takamatsuzuka[35] (thuộc tỉnh Nara) và Takahara (Fukushima). Nó cho ta thấy tuy xây dựng theo kế hoạch nhưng kofun cũng có màu sắc cá nhân mạnh mẽ. Việc tạo dựng các kofun từ sau đó sẽ lùi vào quên lãng kể từ khi Phật giáo truyền đến (thế kỷ thứ 6) và khoảng thế kỷ thứ 7 trở đi thì không còn thấy đâu nữa.

5-3 Sinh hoạt của con người Thời đại Kofun

Hãy thử dựa vào những tư liệu và sử liệu có trong tay để tìm hiểu về cách sống của người Thời Kofun.

Có thể nói đây là thời đại có sự khác biệt rõ ràng trong nếp sinh hoạt của các hào tộc (tù trưởng địa phương) và những kẻ bị trị. Trong khi một mặt có những ngôi mộ vĩ đại như thế để chôn cất những nhân vật thuộc giới cai trị thì mặt khác, lại có những người phải chịu cảnh nô lệ.

Hào tộc là trung tâm của tập đoàn, họ sống trong khu gia cư xa hẳn xóm nhà dân, chung quanh co hào và rào bọc kín. Nhà của hào tộc không chỉ là nơi để sinh sống mà còn là nơi tế tự và cai trị, cũng là kho dự trữ các sản vật.Trong khi đó, trong xóm nhà dân, không hề thấy hào rãnh, chỉ là một nhóm đơn vị cư trú kiểu nhà hố hay nhà trên mặt bằng. Họ tụ tập thành đơn vị chung quanh những ngôi nhà sàn dùng như kho lẫm. Trong những ngôi nhà hố vào thế kỷ thứ 5, đã có thấy họ biết đặt bếp (kamado) [36]  để nấu nướng.

Riêng về đồ gốm từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn giữa thời kofun thì nó là loại gốm đỏ đun trong truyền thống của thời Yayoi. Nó co tên gọi là "hajiki". Gốm hajiki được nung một cách thô sơ, có màu đỏ nâu, không hoa văn, dùng để ninh nấu thức ăn và làm dụng cụ chứa đựng khi ăn uống. Lại nữa, từ thế kỷ thứ 5 trở đi, người từ bán đảo Triều Tiên đã truyền đến Nhật kỹ thuật làm sueki, gốm màu xám và nung cứng, được dùng song song với hajiki. (theo F.Macé, gốm hajiki được nung trong những lò với nhiệt độ từ 4.500 đến 7.500 độ C nên còn để lộ những lổ hổng nhỏ trong khi gốm sueki cần đến sức nóng từ 10.000 độ đến 13.000 độ C nên mặt rất láng).
 

Gốm hajiki (thổ sư khí) gốc bản địa
Gốm sueki (tu huệ khí) đến từ Triều Tiên

Thời Yayoi, trong những công trình xây dựng, ngoài kofun, còn có những ao chuôm (ike) mà trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng do ảnh hưởng đến từ bán đảo Triều Tiên vì có tên gọi là "ao Kudara" (Kudara no ike). Lạ lùng là những cái ao nhân tạo này được thấy ở Nhật nhiều hơn ở Triều Tiên. Ao chuôm chỉ phát triển ở Triều Tiên vào thế kỷ thứ 6, lúc mà ở Nhật, nó đã phổ biến rồi. Nó đóng góp không nhỏ vào việc canh tác ruộng nước, một lãnh vực mà Nhật Bản có vẻ tiến xa hơn Triều Tiên. Không nên quên rằng, việc đào ao nhân tạo cũng như đào hào rãnh hay đắp đê điều... đều có tác dụng lên việc tổ chức xã hội vì đó là dịp để huy động lao động.

Ngoài ra, các tượng hình nhân haniwa tìm được ở các khu mộ cổ cho ta thấy một cách linh động cuộc sống của người Thời Kofun. Về trang phục đàn ông mặc áo (koromo) và hakama, một kiểu quần giống như quần đi ngựa. Đàn bà thì mặc áo và váy (mo), hai phần trên dưới phân biệt với nhau.

Mặt khác, đời sống tinh thần của người Thời Kofun không khác gì hồi Thời Yayoi nghĩa là họ đặt trọng tâm vào những tế lễ liên quan đến việc đồng áng hơn nhiều. Trong đó phải kể đến toshigoi no matsuri, một buổi lễ vào mùa xuân để cầu cho mùa màng được tốt và ni iname no matsuri vào mùa thu để cảm tạ sự thu hoạch hoa màu. Người thời Kofun lại nghĩ rằng những ngọn núi mỏm hình viên chùy, cây cao, ghềnh đá lớn, đảo hoang ngoài biển tít mù, vực sông sâu... đều là nơi có thần ngự nên xem chúng là đối tượng của việc cúng tế. Ngày nay hãy còn những ngôi đền thần mang dấu vết của mối liên hệ ấy.

Trong số những ngôi đền có từ xưa, đáng được nhắc đến có lẽ là đền Ômiwa ở Nara. Đền ấy chỉ có bái điện chứ không có chính điện vì ngọn núi Miwa tự nó đã đóng vai trò cái đền (thần thể) rồi. Biển Genkai ngoài khơi tỉnh Fukuoka nhiều sóng gió có hòn đảo Okinoshima đơn độc. Hòn đảo này cũng được xem như một vị thần và được cúng tế ở cung Okitsumiya đền thần Munakata Taisha của tỉnh ấy. Trong đó còn có nhiều di vật cho thấy từ đời Kofun đã có tập tục cúng tế nó và từ đó người ta vẫn giữ. Thêm vào đó, còn phải kể đến Thần cung Ise (Ise Jinguu) thờ tổ thần của các thiên hoàng là nữ thần Amaterasu no Ômikami (Thiên Chiếu Đại Thần), người còn được gọi là Thái dương thần nữ, thần xã Izumo (Izumo Taisha) thuộc tỉnh Shimane nơi thờ Ôkuni Nushinokami, đền Sumiyoshi ở Ôsaka thờ thần biển vv.... Đó là những đền thần có liên hệ với tín ngưỡng đời xưa mà chúng ta cần nhớ đến tên.

Không những thế, việc thờ các vị tổ thần các dòng họ (ujigami) cũng là một nét đặc sắc của thời kỳ này. Người Thời Kofun cũng tổ chức các buổi lễ tẩy uế (misogi và harae) để được thanh sạch và giải trừ tai ách. Họ hãy còn giữ những tập tục mê tín như đốt cháy xương hươu nai để bói hung kiết (futomata no hô), dội nước nóng lên tay can phạm trong những buổi xử kiện để xem người ấy ngay hay oan trước thần minh (myôjin tantô, kukatachi).

Tiết 6: Chính trị vương triều Yamato. Ngoại giao và văn hóa.
6.1 Tình hình ở đại lục chuyển biến

Khi bàn về lịch sử chính trị của Nhật Bản thời cổ, ai nấy đều hiểu rằng mối quan hệ ngoại giao của quốc gia này đối với vùng Đông Á là một đề tài then chốt.Điều đó có nghĩa là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của Trung Quốc và Triều Tiên đối với sự phát triển của xã hội Nhật Bản.

Ở chương này, chúng ta hãy thử tìm hiểu tình hình quốc tế ở vùng Đông Á vào thời điểm thế kỷ thứ 4 bước qua thế kỷ thứ 5, điều mà chúng ta chưa đề cập trong chương trước. Trước khi bắt đầu câu chuyện, xin đề cập đến tiền đề quan trọng như sau.

Theo Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện, vào hậu bán thế kỷ thứ 3 hay nói rõ hơn là năm 266, người kế nghiệp Himiko là nữ vương Iyo có gửi sứ giả sang Tây Tấn.Từ đó cho đến năm 413, khi Nhật Bản gửi sứ giả sang Triều Tây Tấn ngót 147 năm trời, không lấy một  sử liệu nào nhắc đến sự đi lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hai bên hầu như đoạn tuyệt ngoại giao. Cho đến lúc đó, hai bên vẫn gửi sứ giả một cách định kỳ và có nhiều cuộc tiếp xúc. Cớ sao lại có sự im lặng suốt một quãng thời gian dài như thế. Thế rồi nhân dịp nào mà họ lại liên lạc với nhau kể từ thế kỷ thứ 5 ?

Có thể lý do không nằm trong nội tình Nhật Bản mà chỉ vì những biến chuyển ở đại lục mà thôi. Chúng ta hãy thử làm sang tỏ vấn đề.

Trên đại lục Trung Quốc, sau thời Tam Quốc, nhà Tấn thống nhất lãnh thổ. Thế nhưng vào đầu thế kỷ thứ 4, trên suốt một vùng cao nguyên Mông Cổ, các dân tộc kỵ mã như Hung Nô, Khuyết, Tiên Ty, Khương, Đê…nói cách khác là năm giống người Hồ (Ngũ Hồ) dần dần trở nên hùng mạnh. Các dân tộc phương bắc hùng cường này bắt đầu xâm nhập đất đai Trung quốc và liên tục đe dọa sự tồn vong của nhà Tấn. Dần dà, bọn họ, hết giống dân này đến giống dân khác, đều thành lập vương triều và mưu đồ thống nhất nhưng không có vương triều nào được bền lâu. Vùng Hoa Bắc rơi vào thời loạn lạc gọi là Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Mặt khác nhà Tấn bị Hung Nô công hãm phải tháo chạy khỏi kinh đô Lạc Dương, trốn xuống miền Giang Nam. Kết quả là đại lục Trung Quốc bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc và bước vào thời đại mà người viết sử gọi là thời Nam Bắc Triều.

Cho đến lúc ấy, như một khối đá khổng lồ không một vết rạn, Trung Quốc đã chi phối các dân tộc lân bang.Thế nhưng giờ đây, trước sự tình như thế thì sức chi phối của họ đối với các dân tộc chung quanh cũng bị yếu đi, đó là điều không tránh khỏi.Các dân tộc vùng Đông Á cũng nhân đó mà cắt đứt những liên hệ cũ với Trung Quốc và bắt đầu có ý thức tiến tới việc hình thành một quốc gia cho riêng dân tộc mình. Việc Nhật Bản không gửi sứ giả sang Trung Quốc nữa có lẽ nằm trong bối cảnh ấy.Gửi sứ thần đến một nước Trung Quốc đang bị chia cắt như thế, theo họ, có lẽ không mang ý nghĩa gì.

Trong điều kiện chính trị như vậy, ở miền Đông Bắc Trung Quốc, dân tộc Kôkuri (Cao Cú Li) [37]  dần dần bành trướng thế lực về hướng bán đảo Triều Tiên. Đối với Nhật Bản thì việc đối phó với tình thế này còn quan trọng đối với họ hơn là việc gửi sứ giả sang Trung Quốc.

Kôkuri sau khi mở rộng lãnh thổ ra phía bắc bán đảo Triều Tiên, đã chiếm đóng quận Rakurô (Lạc Lãng) tức cơ quan hành chánh mà chính quyền Tiền Hán của Vũ Đế đã đặt ra như mũi nhọn để kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Thế rồi Kôkuri lại tiến chiếm xuống miền nam.

Mặt khác, trên phần đất phía nam bán đảo Triều Tiên lúc bấy giờ có 3 tiểu quốc gọi là Bakan (Mã Hàn), Benkan (Biện Hàn) và Shinkan (Thìn Hàn). Đến thế kỷ thứ 4 thì từ Bakan xuất hiện Kudara (Bách Tế), từ Shinkan có Shiragi (Tân La) dấy lên, lập thành quốc gia riêng và làm việc xác định vị trí của các tiểu quốc trên bán đảo Triều Tiên càng phức tạp thêm ra.

Thế rồi đến hậu bán thế kỷ thứ 4, Kôkuri lại tiến thêm xuống phía nam làm cho Kudara lẫn Shiragi phải hoảng sợ. Nhật Bản nhân đó cũng quan tâm đến những biến chuyển trên bán đảo Triều Tiên và đó là một điểm trọng yếu trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản vào thời gian từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5. Hẳn là cũng vì lý do ấy mà trong sử liệu về lúc đó, ít thấy nói đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước họ.

6.2 Chiến tranh với Kôkuri. Gửi sứ giả sang Nam Triều Trung Quốc

Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi có sự thay đổi lớn lao như thế ở đại lục thì trên quần đảo đang xảy ra những gì? Thực ra, lúc đó nước Nụy (chính quyền Yamato) vì muốn chiếm lĩnh tài nguyên (quặng sắt) của miền Nam bán đảo Triều Tiên, đã thiết lập một mối liên hệ với hai tiểu quốc ở cực nam bán đảo là Kaya (Gia Da) và Kara (Gia La) rồi. Do đó, cuộc một xung đột giữa Yamato với Kôkuri đang bành trướng từ bắc xuống nam là điều không tránh khỏi.

Ngày nay Nhật Bản là một nước sống nhờ kỹ thuật nhưng đương thời, Nhật Bản không có chút kiến thức nào về công nghệ chế sắt. Sắt làm ra từ cát sắt (satetsu, iron sand) được biết là vào khoảng thế kỷ thứ 6. Do đó, những vật dụng bằng sắt được đào ra từ các kofun của thời kỳ này cùng lúc cũng được bắt gặp một cách tương tự ở phía nam bán đảo Triều Tiên.

Tóm lại, lúc đó đối với người Nhật thì kỹ thuật Triều Tiên là một đỉnh cao họ rất thèm muốn, vì thế họ đã tìm cách tiếp cận với Kaya để có cơ hội học hỏi.

Đương thời, kinh đô nước Kôkuri gọi là Hoàn đô (thuộc thành phố Tập An tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc bây giờ) nơi có tấm bia gọi là bia của Hảo Thái Vương (Kôtaiô) nước Kôkuri. Tấm bia ấy cùng với thời gian mưa gió nay đã mờ nét chữ nhưng vẫn ghi lại được một số điều quan trọng về nước Nhật thời đó. Bia chép như vầy:

"Hai nước Kudara (Bách Tàn thay vì Bách Tế) và Shiragi (Tân La) xưa nay vẫn là thuộc quốc của Kôkuri (Cao Cú Li) ta, vì vậy, cho đến bây giờ vẫn chịu triều cống.Thế nhưng người Nụy năm Tân Mão đã vượt biển sang đây, (mất hai chữ) Kudara và đánh thắng Shiragi và bắt hai nước phải phục tùng".

Năm Tân Mão tức là năm 391, thế nhưng người Nụy vượt biển sang làm gì nước "Bách Tàn" thì do nguyên văn thiếu mất hai chữ nên các học giả, mỗi người tự hiểu một cách khác nhau nhưng chắc là giao chiến và đánh bại. Bia đá còn khắc thêm rằng sau đó Nụy cũng giao chiến với Kôkuri và bị thua, chấp nhận phận thần tử.

Thời kỳ này, người Kôkuri đã là những chiến sĩ kỵ mã lành nghề trong khi đó nước Nụy vì không có tập quán nên chưa biết gì về cưỡi ngựa bắn cung và họ bắt buộc học mã thuật từ người Kôkuri. Có lẽ vì lý do đó mà trong các kofun của Nhật Bản từ thế kỷ thứ 5 trở đi, người ta đã tìm thấy các dụng cụ để đi ngựa (mã cụ) như vật được tùy táng (chôn theo).Và cũng thấy rằng vì để tránh cơn binh lửa, nhiều người torai (nhập cư) đã vượt biển tìm sang đất Nhật, đem theo kỹ thuật và văn hóa đóng góp cho xã hội nơi họ chọn làm quê hương thứ hai. Chúng ta sẽ có dịp trở lại đề tài này trong những trang sau.

Điều cần nói ngay là để có thể thuận lợi cho lập trường của mình đối với bán đảo Triều Tiên về cả hai mặt quân sự lẫn ngoại giao, nước Nụy bắt đầu gởi sứ giả sang Trung Quốc trở lại sau khi đã tuyệt vô âm tín từ năm 266.Trong vòng 1 thế kỷ kể từ đầu thế kỷ thứ 5, các vua chúa Nhật Bản liên tục gửi sứ thần sang tiến cống các hoàng đế Nam triều của Trung Quốc. Lý do rất dễ hiểu: tiến cống như thế, họ mong rằng các vương triều Trung Quốc sẽ đứng về phía họ khi có sự tranh chấp.

Chuyện đó đã được ghi lại khá rõ ràng trong Tống Thư, Nụy Nhân Truyện. Người Trung Quốc xác nhận rằng năm vua nước Nụy (Nụy ngũ vương) tên là (đọc theo cách Trung Quốc) là San (Tán), Chin (Trân), Sei (Tế), Kô (Hưng) và Bu (Vũ) đã gửi sứ giả đi cống các hoàng đế Nam triều. Năm ông vua này tương ứng với các vua Nhật nào trong hai tập cổ sử Nhật Bản Kojiki và Nhon Shoki là một điều quan trọng. Đặc biệt Sei và hai con của ông là Kô và Bu thì người ta đoán ra và sự ức đoán này đã được học giới công nhận.

Người có tên là Sei thì trong Ký Kỷ (tức Kojiki và Nihon shoki) tương ứng với Thiên Hoàng Ingyô (Duẫn Cung), Kô chắc phải là con của ông tức Thiên Hoàng Ankô (An Khang), còn người tên Bu có lẽ là Thiên hoàng Yuuraku (Hùng Lược).Tóm tắt là Nụy Vương Bu = Thiên hoàng Yuuryaku = Đại vương Wakatakeru. Dĩ nhiên Đại vương Takeru là chủ nhân thanh kiếm có khắc lời minh (tekkenmei) đã đào được từ ngôi mộ nằm cổ ở di chỉ Inariyama thuộc tỉnh Saitama.

Ngoài ra danh hiệu của đại vương (Daiô) kể từ thế kỷ thứ 7 trở đi đã được thay thế bằng danh hiệu thiên hoàng (Tennô) và ta có thể hiểu Daiô đây là Ôkimi, người đứng trên tước vương (Kimi), thủ lãnh của một địa phương.

Vị vua tên San được xem như là hình ảnh của một trong 3 thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần), Nintoku (Nhân Đức) hay Richuu (Lý Trung). Chin có thể là Nintoku hay Hanzei (Phản Chính). Hiện nay chưa có thuyết nào đáng được tin cậy hoàn toàn.

Ta có thể đi đến kết luận là vào thế kỷ thứ 5, nhằm Thời đại Ngũ vương nước Nụy cũng như từ đó về sau, chính quyền Yamato đã gửi sứ đi tiến cống nhà Tống của Nam triều để có được tiếng nói trong việc kinh dinh bán đảo Triều Tiên.
 
Các thiên hoàng phỏng định đã cai trị Nhật Bản vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5
Tên Thời kỳ trị vì Tên Thời kỳ trị vỉ
Ôjin (Ứng Thần, 15) (270-310?) Yuuryaku (Hùng Lược,21) 456-479
Nintoku (Nhân Đức, 16) 313-399 Seinei (Thanh Ninh, 22) 480-484
Richuu (Lý Trung, 17) 400-405 Kensô (Hiển Tông, 23) 485-487
Hanzei (Phản Chính, 18) 406-410 Ninken (Nhân Hiền, 24) 488-498
Ingyô (Duẫn Cung, 19) 410-453 Buretsu (Vũ Liệt, 25) 498-506
Ankô (An Khang, 20) 453-456 Keitai (Kế Thể, 26) 507-531)

Thiên hoàng Nintoku (Nhân Đức) đứng vào hàng thứ 16 trong hệ phổ 125 đời Thiên hoàng (tính đến đương kim Thiên hoàng Heisei). Tuy nhiên 14 vị đầu tiên tính từ đời Jinmu (Thần Vũ, 1) cho đến Chuuai (Trọng Ai, 14) chỉ là những nhân vật có tính thần thoại, trung bình sống đến cả trăm tuổi cũng như các vua Hùng của ta. Thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần, 15) được phỏng định ở ngôi vào cuối thế kỷ thứ 4 đầu thế kỷ thứ 5 cũng chưa chắc đã có thực. Phải đợi đến Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh, 29) thì mới định được niên đại là ông sinh và mất giữa khoảng 509-571 và trị vì từ 531 hay 539 đến lúc mất.

Triều Tiên và Nhật Bản: ai đã chinh phục ai?

Chúng ta sắp bàn đến một vấn đề tế nhị vì đụng chạm đến tự ái dân tộc mà cho đến nay vẫn chưa có một kết thúc thỏa đáng. Dù sao, so với thời trước (khoảng năm 1910-45), nó cũng đã bớt gây căng thẳng cho hai bên tranh luận.

Trong tác phẩm của ông viết năm 1998, W.W.Farris[38] đã tóm tắt lịch sử cuộc tranh cãi như sau:

1)  Phía Nhật Bản dựa trên văn bản Nihon Shoki để chủ trương việc Hoàng hậu kiêm nhiếp chính Jinguu (Thần Công) - vợ góa của Thiên hoàng thứ 14 là Chuuai (Trọng Ai) - đã kéo quân chinh phục được ba nước Kudara, Shiragi và Kaya trên bán đảo Hàn vào khoảng năm 246-252 TCN. Kudara (Bách Tế) được xem như một quốc gia bạn, chịu triều cống, trong khi Shiragi (Tân La) hay trở mặt, rất khó lường. Ngoài ra, Kaya là căn cứ của Nhật ở phía nam bán đảo được họ cai quản trực tiếp.Thế rồi trong suốt 300 năm trải qua 15 đời thiên hoàng, Nhật Bản đã cai quản Kaya (còn gọi là Mimana) và nhận tuế cống từ Kudara và Shiragi. Cho đến năm 1920, những chi tiết trên trong Nihon shoki được xem như là sự thực, không thể phản bác. Chỉ có một vài tiếng nói đơn lẻ ở Nhật như Naka Michio (1888) tỏ ra nghi ngờ nhưng không thể đi ngược nổi khuynh hướng chung lúc ấy. Lập luận chính thống duy trì suốt Thế chiến thứ hai đã bị chính các học giả như Tsuda Sôkichi và Egami Namio xét lại vào cuối thập niên 1940, sau khi Nhật bại trận. Egami đưa ra thuyết một dân tộc thứ ba, dân tộc kỵ mã vùng Bắc Á, đã tràn xuống miền nam và thành lập cả hai nước Triều Tiên và Nhật Bản. Nước Nhật đó trước tiên ở Kyuushuu, sau đó đã dựng triều đình Yamato ở thung lũng Nara[39]. Tuy rằng hầu hết các học giả Nhật Bản khước từ giả thuyết táo bạo này, Egami đã được học giới Triều Tiên, Âu Mỹ ca tụng vì thuyết của ông là một liều thuốc giải độc đối với những lập luận có tính cách duy dân tộc và cô lập đã được duy trì lâu năm ở Nhật.Vào khoảng năm 1960, các học giả Nhật Bản đã tiến đến một giả thuyết trung hòa hơn, cho rằng Nhật Bản đã tiến quân qua bán đảo vào giữa thế kỷ thứ 3 và có chiếm Mimana-Kaya nhưng gặp phải thế lực đối kháng của Koguryô (Kokuri, Cao Cú Li) nên mới thu phục Kudara và Shilla, dùng hai nước này như một vùng ảnh hưởng bên ngoài nhằm phòng thủ thế lực Koguryô đến từ miền bắc.Thuyết thuyền thống về việc người Nhật thời đó đã xâm lấn Triều Tiên được củng cố bằng sự kiện lịch sử về sau cho thấy Nhật Bản đã nhiều lần tiến đánh bán đảo Triều Tiên như dưới đời Hideyoshi hay thời Meiji.Việc muốn mở mang bờ cõi sang đại lục là một giấc mộng lâu đời của một dân tộc bất an vì sống trên một vùng động đất và thiếu nguyên liệu.Lý thuyết gọi là Chinh Hàn Luận đã gây tranh cãi trong nhiều năm trong chính giới Nhật Bản.

2) Phía Triều Tiên, sau khi im lặng trong nhiều năm (vì bị đô hộ từ 1910-45 và bận bịu với nội chiến Nam Bắc 1950-53) đã phản biện lại vào năm 1963, với học giả Bắc Triều Tiên Kim Sok-hyong. Ông này cho rằng vào kẻ từ khoảng năm 300 TCN, đầu thời Yayoi, cho đến thế kỷ thứ 5, người nhập cư đã ào ạt đến Nhật Bản. Với kiến thức về nghề nghiệp đáng kể, họ đã thành lập những tiểu quốc của mình: người Kudara và Kaya ở vùng Kyuushuu, người Shiragi vùng Izumo và Kibi, mặc dầu trong khi ấy, ở vùng Kinai, người Nhật bản địa vẫn còn mạnh. Đến thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6, người Kudara và Kaya lại tăng thêm dân số ở vùng Izumo và Kibi và tạo nên những phân quốc (bunkoku),  "tiểu quốc vệ tinh sắc tộc Triều Tiên". Đến khoảng năm 500, năm vị vua của nước Wa (Nụy ngũ vương) mới thống nhất các phân quốc ấy làm thành nhà nước Nhật Bản đầu tiên. Những đoạn văn trong Nihon Shoki nói về việc Hoàng hậu Jinguu chinh phục 3 nước trên bán đảo chỉ là những giả dụ về cuộc thống nhất tại chỗ này.

Thuyết của Kim Sok-hyong dù không được các học giả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hoàn toàn chấp nhận nhưng đã gây được một phong trào phê phán lập luận truyền thống của Nhật Bản chủ trương Hoàng hậu Jinguu đã đem quân vượt biển và chiếm đóng 3 nước trên bán đảo. Có học giả người Hàn còn cho rằng nếu câu chuyện trên là có thực thì cũng đáng là cái cớ để Koguryô (Kokuri) phục thù bằng cách đem quân tiến chiếm quần đảo Nhật Bản về sau.
3) Trong hai thập niên 1970 cho đến 1980, giả thuyết truyền thống Nhật Bản đã bị tấn công tứ phía. Các học giả thấy cần phải nghiền ngẫm lại Nihon shoki và đối chiếu với các tư liệu khác của Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên.Song song, họ nghĩ rằng cũng phải dựa vào các thành quả của khảo cổ học như những phát quật mới và còn phải nới rộng sự nghiên cứu ra cả lãnh vực văn hóa phi vật chất  chứ không chỉ dựa vào văn bản và dụng cụ. Thêm vào đó, họ thấy cần tăng cường mối quan hệ như khuyến khích việc giao lưu, hội thảo giữa các học giả hai bờ biển. Tất cả những điều đó sẽ tạo nên một cơ sở giúp hai bên tiếp cận sự thực lịch sử, hơn là trì trệ với 3 giả thuyết đã có và vẫn còn tồn tại cho tới nay (thuyết truyền thống dựa trên Nihon shoki, thuyết dân tộc kỵ mã của Egami và thuyết tiểu quốc vệ tinh của Kim).
Năm 2001, nhân một cuộc họp báo, khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Nhật Hàn cùng đăng cai tổ chức Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới năm 2002, Thiên hoàng Heisei đã xác nhận rằng ông cảm thấy rất gần gủi với dân tộc Đại Hàn vì "trong Shoku Nihongi, có chép rằng người mẹ của Thiên Hoàng Kanmu là dòng dõi Muryongwang nước Paekche"[40]. Thật vậy, Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ) là một sử thư Nhật Bản thuật lại giai đoạn từ năm 697 đến 791. Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) sống từ 737 đến 806 và vua Muryong (Vũ Ninh Vương, vua đời thứ 25, 462-523) đã cai trị Paekche (Bách Tế, Kudara) tù năm 501 đến khi ông mất. Việc Thiên hoàng Heisei phát biểu như thế là một hành động dũng cảm ở một người đứng ở cương vị ông, rất tích cực trong ngoại giao vì có tác dụng phá băng.

6.3 Văn hóa đại lục truyền đến

Chúng ta thử tóm tắt sau đây để xem thử từ mối quan hệ như thế, văn hóa đại lục đã ảnh hưởng như thế nào đối với Nhật Bản.

Lịch sử cổ đại cho thấy nhờ có sự giao lưu rộng rãi của chính quyền Yamato với đại lục Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Thông qua những người từ đại lục đã vượt biển đến Nhật và những người Nhật Bản đến đại lục, đã có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được mang tới Nhật.Họ đã đem về Nhật như kiểu ngày nay, khi du lịch, chúng ta nghĩ đến việc mua quà mang về nhà.

Người ta còn kể những giai thoại như thế này về những người torai (di trú, nhập cư).  Trong hai sử thư viết vào thế kỷ thứ 8 là Kojiki và Nihon Shoki thì hai quyển Luận Ngữ và Thiên Tự Văn của Trung Quốc đã được truyền qua ngõ Kudara (Bách Tế). Nghề văn chương là do Wani (Vương Nhân), tổ tiên của họ Kawachi no Fumi, và một người nữa là Achinoomi, tổ tiên của họ Yamato no Aya. Nghê nuôi tằm dệt cửi có nhờ tổ của họ Hata vốn tên là Yuzumi no kimi.

Được truyền vào đất Nhật trong thời kỳ này và đáng nói nhất là các kỹ thuật chế biến vật dụng bằng sắt, đồ gốm gốc Hàn tức gốm sueki, khung cửi và đồ thủ công bằng kim thuộc cũng như kỹ thuật xây cất.

Ảnh hưởng văn hóa đại lục đã đến Nhật qua trung gian các nhóm ngành nghề của các người nhập cư (toraijin) có phần nào Hán hóa mà chính quyền Yamato đã phân chia thành nhóm (be = bộ) kỹ thuật như karakanuchibe (nhóm thợ rèn), suetsukuribe (nhóm thợ gốm), nishikoribe (nhóm thợ dệt), kuratsukuribe (nhóm thợ đóng yên ngựa) Từ be sau đổi thành bemin (hay be no tami) nhưng nói chung để trỏ một đoàn thể có cùng một nghiệp vụ. Họ định cư ở khắp nơi trong đất Yamato.

Tổ chức ngành nghề (trích từ Momoyaso no Tomo hay Một trăm tám mươi ngành nghề).

Họ Ngành nghề Họ Ngành nghề
Imibe (Imbe) Cúng tế Fubitobe Ghi chép
Momonobe Giáp trụ Osabe Thông dịch
Kumebe Chiến binh Urabe Bói toán
Tanabe (Tabe) Làm ruộng Kataribe Tụng đọc
Amabe Chài lưới Umakaibe Chăn ngựa
Oribe Dệt cửi Sakabe Nấu rượu
Ayabe Thêu thùa Yugebe Làm cung tên
Hasabe Đồ gốm Kajibe Nghề rèn
Kibe Đốn củi .... ....

Trong những sản vật ngoại quốc được du nhập vào nước Nhật thời đó có một vật vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Đó là chữ Hán. Kể từ thời này trở đi chữ Hán được dùng để ghi tên tuổi, đất đai, núi sông và được bằng lối đọc trực tiếp tức onyomi hay cách đọc thẳng theo âm.

Để hiểu lúc đó chữ Hán đã được người Nhật dùng như thế nào, ta có thể xét theo minh văn ghi chép trên một lưỡi kiếm đào được ở kofun núi Inari thuộc tỉnh Saitama (gần Tôkyô). Trên lưỡi kiếm hay đúng hơn là lưỡi đao (tachi) này có khắc tất cả 115 chữ Hán. Nội dung của nó gồm mấy chữ "Đại vương Wakatakeru", tên một nhân vật là Shiki no Miya (Tư Kỳ Cung) và niên hiệu là "Tân Hợi niên". Nếu hoán đổi năm này ra Tây Lịch thì có lẽ nhằm vào năm 471. Điều ấy cho ta thấy vào cuối thế kỷ thứ 5, sự cai trị của chính quyền Yamato đã lan ra tới miền Đông. Đó là một thông tin vô cùng quan trọng.


Mũ đội cho ngựa (mã trụ, bachuu) thấy cả ở Hàn lẫn Nhật

Một sự kiện quan trọng không kém là chữ khắc tìm thấy trên một cây đao sắt phát quật được từ kofun núi Etafuna thuộc tỉnh Kumamoto (cực Nam đảo Kyuushuu). Lại nữa, tấm kính có vẽ hình nhân vật tìm thấy ở đền Suda Hachiman tỉnh Wakayama (vùng Nara). Cả hai đều sử dụng Hán tự. Chữ Hán khắc trên các di vật này không những cho ta thấy một cách cụ thể thời ấy người Nhật đã biết đến chữ Hán mà còn cho biết về khuynh hướng chính trị lúc đó. Mà thật thế, chính quyền Yamato khi ấy đã biết dùng nhóm người nhập cư (toraijin) gọi là fuhitobe (nhóm người ghi chép) soạn thảo các văn kiện hành chánh, ngoại giao và quản lý kho tàng v.v...

Ngoài ra, vào thế kỷ thứ 6, những người tinh thông kinh điển, "ngũ kinh bác sĩ", nhập cư từ Kudara (Bách Tế) đã đem Nho giáo vào Nhật. Những kỹ thuật như y, lịch, số cũng được một bộ phận người cai trị chấp nhận. Phật giáo cũng theo vào bằng ngỏ Triều Tiên. Phật giáo được đưa đến Nhật thuộc hệ Phật giáo phương Bắc, sau khi đã truyền qua Tây Vực, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Vua Kudara là Seimeiô (Thánh Minh Vương) đã tặng tượng Phật và kinh luận cho Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh). Về vấn đề niên đại, có hai thuyết. Một là thuyết dựa vào Nihon Shoki cho là Phật giáo đến Nhật khoảng năm 552, Một thuyết khác dựa theo sách gọi là Jôguu Shôtoku Hôôtei (Thượng cung Thánh Đức Pháp vương đế thuyết) và căn cứ trên việc xây dựng chùa Gangôji (Nguyên Hưng Tự) chủ trương phải là năm 538. Trong hai thuyết, thuyết thứ nhì có vẻ vững vàng hơn. Thế nhưng dù nói thế nào, đây chỉ là niên đại Phật giáo được truyền vào đất Nhật một cách chính thức (kôden = công truyền) chứ có thể rằng trước đó, trong đám người nhập cư, đã có những kẻ tin theo tín ngưỡng này rồi. Trong bộ sử mang tên Fusô Ryakki (Phù Tang Lược Ký), vào năm 522, có truyện người tên Shiba Tatsuto, tổ tiên của Kuratsukuri no Tori (thuộc nhóm người làm yên ngựa) đã đặt tượng Phật an vị tại một nơi tên Sakatahara thuộc quận Takashi nước Yamato và bắt đầu lấy chỗ đó làm nơi lễ bái. Còn như nguồn tin về niên đại mà Kojiki và Nihon shoki đã nêu ra trước đây chắc đã dựa vào thông tin các Teiki (Đế kỷ hay phổ hệ các đại vương / Ôkimi) và Kyuuji (Cựu từ, truyền thuyết được kể lại trong triều đình) thu lượm được trong khoảng thời gian ấy.

Tiến trình tiếp thu văn hóa đại lục từ người nhập cư (từ thế kỷ 5 đến 6)

Thế kỷ Người nhập cư Thời đại Nước gốc gác Sự kiện Chú thích
5 Yuzuki no kimi Thiên hoàng Ôjin Bách Tế (Kudara) Truyền nghề nuôi tằm và dệt Tổ của họ Hata
5 Wani Thiên hoàng Ôjin Bách Tế (Kudara) Đem sách Luận Ngữ và Thiên Tự Văn Tổ của họ Kawachi no Fumiuji
5 Awa no Omi Thiên hoàng Ôjin không rõ Quản lý nhóm người ký lục văn thư (fuhitobe) Tổ của họ Yamato no Ayauji
6 Các quan Ngũ kinh bác sĩ (khởi đầu là Danyôni) từ 513 về sau Bách Tế (Kudara) Truyền bá Nho Giáo (Ngũ kinh: Thư, Dịch, Xuân Thu, Lễ )  
6 Shiba Tatsuto 522 Lương? Lập thảo đường ở vùng Yamato thờ Phật. Con cháu có phật sư (nhà tác tượng) Tori. Tổ của họ Tori (Kuratsukuri no tori)
6 Các bác sĩ dịch số, lịch số và y học 554 Bách Tế (Kudara) Truyền bá Âm Dương đạo = Onmyôdô), Y và Lịch học.  
6 Thánh Minh Vương
(Seimeiô, ? - 554)
Thiên hoàng Kinmei ( ?- 571) 
538? (Mậu Ngọ) hay 552? (Nhâm Thân)
Bách Tế
(Kudara)
Truyền bá Phật giáo theo đường chính thức giữa hai triều đình (kôden = công truyền) 552 là thuyết của Nihon shoki.

6.4 Chính trị của đại vương và hào tộc dựa trên chế độ thị tộc

Từ khi thời Yayoi bắt đầu, xã hội Nhật Bản trở thành xã hội có phân chia giai cấp. Thế rồi từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6, tổ chức chính quyền lấy vùng Kinki làm trung tâm đã dần dần được hoàn thiện, đưa đến việc thống nhất toàn cõi Nhật Bản.

Tổ chức chính trị thời này được gọi là chính quyền Yamato và cơ cấu của nó dựa trên chế độ thị tộc (shisei seido). Chế độ này là trụ cột của chính quyền và được sắp đặt trên toàn lãnh thổ.

Hào tộc thời ấy là những người như thế nào? Trước tiên tên tuổi thị tộc (Shi =Uji ) của họ có khi đặt theo tên đất như trường hợp họ Katsuragi, họ Heguri, họ Soga hay đặt theo nội dung công việc hay chức vụ họ nắm họ làm trong chính quyền Yamato như họ Ôtomo, họ Mononobe, họ Haji. Những hào tộc này được ban thêm danh tánh (Sei) như Omi, Muraji, Kimi, Atae, Miyakko, Obito...Họ Katsuragi hay họ Kibi là những tay hào tộc có thế lực cát cứ ở một vùng thì được gọi là Omi. Hai họ Ôtomo và Mononobe nắm quyền quân sự trong triều đình Yamato thì được gọi là Muraji. Hào tộc có thế lực nhưng  ở xa như Chikushi (tỉnh Fukuoka bây giờ) và Kamitsukenu (tỉnh Gunma) thì được gọi là Kimi, còn các hào tộc bình thường khác thì chỉ có tên là Atae.

F.Macé[41] cho biết người được danh hiệu Omi là kẻ có liên hệ huyết thống gần xa với một trong tám vị thiên hoàng đầu tiên. Muraji thuộc những gia đình thần hạ đã theo phò các vị tổ tiên nhà nước từ thời còn ở trên động đá nhà trời (!?). Tuy nhiên chỉ có những gia đình Omi mới có khả năng gả con gái cho gia đình thiên hoàng.

Đại vương / Ôkimi lại chọn trong số những Omi, Muraji những kẻ có thế lực nhất làm Ôomi hay Ômuraji để phụ tá cho mình trong việc trị nước. Ô có nghĩa là "lớn". Ví dụ họ Soga được cử làm Ôomi, còn hai họ Ôtomo và Mononobe được cử làm Ômuraji.

Thế rồi, những chức vụ liên quan đến cai trị và tế tự thì được trao cho các hào tộc có danh hiệu là Tomo no miyakko phối hợp với các phụ tá cho họ, những Tomo. Các Tomo no Miyakko và những Tomo cũng như những thuộc hạ gọi là Shinabe (hay Tomobe) giúp đỡ họ trong công việc được đời đời nối tiếp giữ chức vụ. Do đó những người gọi là Shinabe (nhân viên các bộ phận công việc ) chỉ thuộc giai cấp bị trị và tùy theo công việc các Tomo no miyakko lãnh đạo họ phụ trách mà họ được gọi là người của Inbe (bộ phận lo tế lễ), Tamatsukuribe (bộ phận lo làm đồ châu báu để dâng lên), Nishigoribe (bộ phận lo dệt gấm). Những người nhập cư có tài văn học hay kỹ thuật cao đến từ đại lục thường được sung vào đẳng cấp Tomo no miyakko hay Tomo.

Sau đây chúng ta hãy thử tìm hiểu về hệ thống gọi là Beminsei (chế độ chia dân theo các bộ), một trong những trụ cột của xã hội chính quyền Yamato.

Thời ấy, các nhà hào tộc có thế lực thường có ruộng đất và người làm riêng. Đất tư hữu được gọi là Tadokoro (điền trang), dân tư hữu gọi là Kakibe (bộ khúc). Các hào tộc chiếm lĩnh họ và dùng họ làm cơ sở kinh tế cho mình.Trong những gia đình (Ke) kết hợp từ những thị tộc (Uji) có nuôi những nô lệ (nô bộc = yakko hay nô tì = nui).

Chính quyền Yamato trong thời kỳ này trên nguyên tắc dựa trên ruộng tư hữu và lao động tư hữu. Thế nhưng chế độ này không được cho là tốt đẹp nên từ đó về sau, nó sẽ là đối tượng của những cuộc cải cách.

Từ cuối thế kỷ thứ 5 trở đi, chính quyền Yamato bắt đầu mở rộng phạm vi cai trị về các địa phương. Đại vương cũng bắt đầu tư hữu hóa đám nông dân sống dưới sự chi phối của các hào tộc địa phương. Những nông dân này gọi là Nashiro no Be hay Koshiro no Be[42]. Chính quyền trung ương lại thiết lập chế độ cai quản trực tiếp ở các địa phương và chế độ này trở thành cơ sở kinh tế cho họ. Những địa điểm chính quyền trung ương trực tiếp quản lý gọi là Miyake (đồn thương) và những người nông dân cày cấy trên những mảnh đất ấy được gọi là Tabe (điền bộ).

Chính quyền Yamato còn chọn từ một số hào tộc phục tùng mình và phong cho họ các chức tước như Kuni no miyakko và Agatanushi. Cùng lúc, trung ương nhìn nhận quyền cai trị của những người này và giao phó cho họ việc quản lý các Miyake, Nashiro no be và Koshiro no be.

Như vậy chế độ Bemin (bộ dân) chẳng qua là chế độ nhằm giúp cho giai cấp thống trị (gồm đại vương và hào tộc) đặt những kẻ bị trị (dân chúng hay bemin) dưới sự thống trị của mình và bắt họ phải lao động cho cả hai mặt: công và tư. Có thể nói chính quyền Yamato sở dĩ duy trì được cũng là nhờ ở chế độ thị tộc và cách thức quản lý lớp bình dân bemin.

Sau khi điểm qua các khía cạnh chính trị, ngoại giao và văn hóa của triều đình Yamato, ta hãy thử nhìn xem có gì đã xảy ra vào thời đại Suiko, nữ thiên hoàng đầu tiên của người Nhật.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Người nguyên thủy (genjin) là loại người tiến hoá từ người vượn và ra đời trướcngười cổ và người mới. Ước định có mặt trên trái đất cách đây 160 vạn năm, não bộ có thể tích cỡ 2/3 não của người hiện đại, biết đứng thẳng (homo erectus) và biết đi, sử dụng được những dụng cụ bằng đá đơn giản.

Xương hoá thạch của người nguyên thủy Bắc Kinh khai quật được vào năm 1929 trong một cánh rừng ở Chu Khẩu Điếm gần Bắc Kinh (ước định có mặt cách đây 70-20 vạn năm trước) chỉ là một ví dụ về người nguyên thủy.

[2] Thời đại địa chất mới (Cenozoic Era) là 2 thời kỳ bắt đầu từ 65 triệu năm về trước cho đến ngày nay, khi các loài động vật có vú và thực vật hiển hoa xuất hiện. Các quần sơn như Alpes, Himalaya, Andes cũng thành hình vào thời này.

[3] Một thời kỳ dài so với thời đại hoàn tân hay hiện thế (Holocene) đến sau của chúng ta. Đặc biệt thời này là thời mà băng hà phát triển mạnh trên mặt đất, có nhiều giai đoạn ấm lạnh xen kẻ.

[4] Nai xứ lạnh, thường thấy ở Âu châu và Mỹ, Canada.Sống bên bờ nước các cánh đồng cỏ. Còn có tên là Elk như Âu châu gọi hay Mousse như Mỹ gọi..

[5] Naumann’s elephant, một lọai voi lùn đã tuyệt chủng, từng có mặt từ 30 vạn đến 1 vạn rưỡi năm về trước ở Nhật Bản và Đông Á. Khác với giống Mammoth, voi Naumann sống ở nơi khí hậu ấm áp hơn.

[6] Một giống nai đã bị tuyệt diệt. Đặc điểm là bộ sừng lớn, dài khoảng 3m và nặng có khi tới 45kg.

[7] Chủng tộc Mông cổ là một trong 3 nhân chủng quan trọng: da vàng, tóc đen, mắt đen, mi mắt bụp, có bớt xanh phần lớn trên mông. Gồm các giống người nhuu Trung Quốc, Nhật, Hàn, Việt Nam,... (Asia Mongoloid). Ngoài ra còn kể đến người Mã Lai, Indonesia, Polynesia và thổ dân Mỹ châu.

[8] GB Sansom, Japan, a short cultural study, tr.15.

[9] D. Elisseeff, Histoire du Japon, tr. 23.

[10] Còn gọi là thời Trùng tích (Alluvial Epoch) là thời đại có nhiều cánh đồng rộng phù sa tạo thành từ đất đá sụt lở do nước chảy.

[11] Obsidian là đá núi lửa có màu đen, hơi trong, giống thủy tinh, hình vỏ sò.

[12] Địa tằng có tên là "loam" cấu tạo bằng tro hỏa sơn do gió thổi đến, giàu chất ốc xýt sắt nên có màu đỏ, được gọi là xích thổ. Ở vùng Kantô (đông Nhật Bản), gọi là Kantô-rômu, dày cỡ 10 m.

[13] Đồ gốm Jômon cũng tìm thấy trên cả lục địa Phi Châu. Ở Nhật, di tích phân bố từ quần đảo Chishima (gần bán đảo Kamchatka thuộc Nga) đến Okinawa.

[14] Edward Sylvester Morse (1838-19259), nhà động vật học người Mỹ, nguyên giáo sư giảng dạy môn Tiến hóa luận ở Đại học Tôkyô.

[15] Dầu egoma (ugoma) dùng để ăn hay thắp đèn.

[16] L’Histoire du Japon, p.22

[17] Khái niệm đề xướng bởi Edward Burnett Tylor (1832-1917), nhà văn hóa nhân loại học (social anthropologist) người Anh, xem animism như một dạng tôn giáo nguyên thủy của nhân loại.

[18] Không phải nhổ tất cả răng nhưng nhổ một cái răng nào đã được chỉ định như răng chó ( cuspid, canine tooth). Tục nhổ răng đánh dấu sự trưởng thành của một con người có ở nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Nhật Bản. Phép cắt bì trong xã hội Do Thái Ả Rập nơi nam giới, ngoài mục đích vệ sinh, trong một chừng mực nào cũng bao hàm ý nghĩa ấy.

[19] Cách nói Nam Tây có nghĩa là chúng nằm gần phía Nam hơn là phía Tây.

[20] GB Sansom,Japan, a short cultural history, tr. 2.

[21] Điều nay không có nghĩa là văn hóa Jômon chỉ có ở miền bắc nước Nhật. Thực ra văn hóa Jômon cũng để lại dấu vết trên quần đảo Lưu Cầu và đảo Đài Loan. Nó vốn đến từ nhóm văn hóa tân thạch khí gốc vùng Hoa Nam và bán đảo Đông Dương.

[22] Chi thạch mộ. Đã có từ 1000 năm trước công nguyên ở vùng đông bắc Trung Quốc (bán đảo Liêu Đông) và bán đảo Triều Tiên.Cách mai táng dưới huyệt mộ có một tảng đá thật lớn chắn lên trên. Ở Liêu Đông, người ta gọi nó là "đại thạch cái mộ" (mộ nắp đá lớn). Ở Nhật có di chỉ về loại mộ này ở hai tỉnh Nagasaki và Saga.

[23] D. Elisseeff (sđd, tr. 25) còn cho rằng người Nhật cổ chon dôtaku dưới đất là để chống động đất. Họ vốn mê tín, cho rằng Nhật Bản sở dĩ bị động đất vì nước Nhật nằm trên lưng một con cá tràu, cá chốt (namazu, cat fish) lớn nên phải chôn chuông đồng để dọa nó mỗi khi bị nó quậy phá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nhật như Nakazawa Nobuhiro (sđd, tr.19) dựa lên nhận xét những hình chạm trên dôtka thường là chuồn chuồn, liềm, nhện, rùa, cảnh săn thú…để nói rằng tuy có tính bùa chú, nó dính líu đến nông nghiệp nhiều hơn.

[24] Ở Shimane có đến 250 di chỉ liên quan đến thời Yayoi. Shimane còn là một cửa ngỏ của Nhật Bản về hướng bán đảo Triều Tiên và đóng một vai trò rất quan trọng trong thần thoại dựng nước của người Nhật.

[25] Có thể đọc Nụy, Oải hay Oa ý nói khổ người bé nhỏ.

[26] Thực ra xưa ở Hokkaidô, có một giống người nguyên thủy vóc dáng thấp bé có thể đến Nhật từ vùng duyên hải biển Okhotsk thuộc Siberia nhưng họ đã tuyệt chủng và khả năng họ gặp một người Trung Quốc để được miêu tả lại thì rất ít.

[27] GB Sansom, Japan, a cultural history, tr.15.

[28] Nhiều học giả Nhật Bản còn nghi ngờ sự đứng đắn của Trần Thọ và xem việc ông mô tả sự hiện hữu của một nước Yamato ở Kyuushuu chẳng qua để đề cao tài ngoại giao của gia đình họ Tư Mã mà ông chịu ơn (xin xem Okada, sđd).

[29] Shamanism: tôn giáo nguyên thủy của người vùng Bắc Sibêria hay dân tiên trú ở Bắc Mỹ.

[30] Trong tiếng Nhật, từ matsurigoto vừa có ý nghĩa là việc tế lễ, vừa có ý nghĩa là sự cai trị (NNT).

[31] Đây là chuyện ở nước Yamatai chứ vào thời luật lệnh thì geko là một trong 4 giai cấp và là giai cấp thấp nhất trong "tứ đẳng hộ" gồm taiko (đại hộ), jôko (thượng hộ), chuuko (trung hộ) và geko (hạ hộ).Cần phân biệt với geko (người không biết uống rượu) và jôgo (người hào rượu)

[32] Chính ra Kinki là gần chỗ vua ở theo cách nhìn cũ trước thời Duy Tân nên phải là vùng chung quanh Kyôto.

[33] Hani là một loại đất màu đỉ gạch đỏ gạch (đất sét), rất dính chặt, ngày xưa dùng để chế các loại đồ gốm.

[34] Trong các vật phó táng, còn có thể có những magatama (ngọc cong, curved jewels). Khác với magatama thời thạch khí vốn làm bằng đá hay xương, thời này, đó mà những viên ngọc đẽo rất công phu theo hình răng thú, có lẽ được đem dùng như bùa chú.

[35] Ngôi mộ này được phát quật năm 1972 ở Nara. Vòm mộ có hình tinh tòa (vòm sao), tường có hình linh thú như thanh long, bạch hổ…Trong phòng đá (thạch thất) có những bức bích họa nhiều màu sắc. Bức ở tường phía tây mặt bắc vẽ hình các nữ quan áo thụng, nét bút giống như tranh trong mộ công chúa Vĩnh Thái đời Đường. Có lẽ đến từ ảnh hưởng nghệ thuật Trung Quốc.

[36] Kamado: kiến trúc bằng đất, đá, gạch ngói trên đó đặt nồi niêu và châm lửa củi ở dưới.

[37] Mặt chữ Hán có thể vừa đọc là Lệ vừa đọc là Li.

[38] W.W.Farris, Sacred Texts and Burried Treasures, Ch.2, Ancient Japan’s Korean Connection, tr. 55-122.

[39] Để hiểu rõ hơn, xin xem thêm Kiba Minzoku Kokka (Quốc gia của dân tộc kỵ mã, 1967, Choko Shinsho xuất bản) của Egami Namio, cũng như Kiba Minzoku wa konakăta (Dân tộc kỵ mã chưa hề đặt chân đến) của Sahara Makoto (NHK Books, 1993), người phản biện ông.

[40] The Asahi Shinbum, English Edition, August 26th, 2010, p. 19: Emperor mentioned blood ties with Korea in 1990. (Thiên hoàng đã nói về việc này với Tổng thống Roh Tae-woo ngày 24/5/1990 trong một buổi tiếp tân ở Hoàng cung Tôkyô).

[41] F. Macé, sđd, tr.52.

[42] Tư hữu dân của hoàng gia trước thời Taika (645-50), vốn được các hào tộc địa phương cắt bớt ra từ phần của mình và nhường cho họ. Những người này phải đóng các thứ tô thuế cho hoàng gia.