Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN I : TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN NAM BẮC TRIỀU

Chương IV: Sự thành hình và phát triển của xã hội quân nhân. 
Tiết 1: Mạc phủ Kamakura ra đời.
1.1 Loạn năm Jishô, Juei:

Kể từ đây chúng ta sẽ bước vào thời đại Kamakura. Tiết này đề cập tới cuộc tranh phong Genpei (giữa hai nhà Genji và Heike), xem nó đã diễn biến thế nào để đưa đến sự thành hình của Mạc phủ Kamakura.

Chương trước đã nói đến cảnh vinh hoa phú quí và quyền uy cực điểm của dòng họ Taira (Heike). Chúng ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh đó khi nghe các nhà sư mù đánh đàn tỳ bà (biwahôshi) hát dạo kể Heike Monogatari (Bình gia vật ngữ, Truyện nhà Heike) qua điệu nhạc gọi là Heikyoku (Bình khúc). Truyện này đã xuất hiện vào khoảng giữa thời Kamakura. Tác giả của nó có thể là một ông cựu quan lại vùng Shinano (Nagano bây giờ) tên là Yukinaga (Shinano no zenji Yukinaga) nhưng về ông ta, không có gì rõ ràng. Tuy nhiên nhờ những người hát rong đó mà đương thời tác phẩm này gần gủi đối với cả người không biết chữ. Để tượng trung cho sự kiêu căng của Heike, chỉ cần nghe câu nói sau đây thốt ra từ miệng một nhân vật trong truyện, cậu em vợ của Kiyomori tên gọi Taira no Tokitada (Bình Thì Trung) mà nhiều người biết :

"Ngoài gia đình Heike thật chẳng có ai đáng mặt làm người...Trong toàn cõi Nhật Bản 66 nước (chigyôkoku, vùng đất phong) thì cánh nhà Heike đã chiếm trên 30 rồi. Như thế thì trên nửa nước là của Heike. Đó là chưa kể trang viên điền sản, con số nhiều đến không biết đâu mà nói".

Lúc đó, không ai có thể ngờ rằng một thế lực hùng mạnh như vậy có thể tiêu vong cho được!

Sau khi đã bắt buộc được Thái thượng hoàng Go Shirakawa phải rút lui khỏi viện chính, năm 1180 (Jishô 4), Taira no Kiyomori đã thành công trong việc đưa cháu ngoại - con trai giữa Thiên hoàng Takakura và bà Tokushi - lên ngôi. Đó là Thiên hoàng Antoku (An Đức). Điều này đã làm cho các busidan địa phương và giới quí tộc ở kinh đô cũng như tăng lữ các đại tự viện bất mãn và không thể nào tiếp tục làm kẻ bàng quan trước  sự chuyên quyền của tập đoàn Heike nữa.

Nhìn thấy sự thể như vậy, hoàng tử thứ hai của Pháp hoàng Go Shirakawa là Mochihito-Ô (Dĩ Nhân Vương) cùng với một nhân vật dòng dõi Genji nhưng có cơ sở ở vùng Kinai, Minamoto no Yorimasa (Nguyên Lại Chính) mới dựng cờ chống lại Heike. Mệnh lệnh kêu gọi nổi dậy của hoàng tử (ryôshi = lệnh chỉ) được phát đi đến các busidan địa phương. Hai nhóm nhận lời tham gia. Đó là nhóm của Minamoto no Yoritomo (Nguyên Lại Triều), con trai Yoshitomo, đang đi đày ở Izu và người anh em bà con Minamoto no Yoshinaka (Nguyên Nghĩa Trọng) trong vùng núi non Kisodani (thuộc Shinano). Thêm vào đó, tăng binh các đại tự viện như hai chùa Miidera và Kôfukuji vùng Kinai vốn bất mãn với Heike cũng nổi dậy. Lại có những người muốn hùa theo phong trào với mục đích dành lại những quyền lợi bị Kiyomori tước đoạt. Do đó cuộc nội loạn lan rộng trên toàn quốc và cuộc tranh phong mà hai nhà Heike và Genji là chủ chốt đã kéo dài suốt 5 năm trời. Sử chép là Jishô- Juei no ran vì cuộc nội loạn này đã xảy ra trong niên hiệu Trị Thừa (1177-1181) và Thọ Vĩnh (1182-1184).
 

Gia phả dòng họ Genji (Minamoto) (lược đồ 2):

1 Tameyoshi (Vi Nghĩa) -> 1 Yoshitomo (Nghĩa Triều), 2 Yoshitaka (Nghĩa Hiền), 3 Tametomo (Vi Triều), 4 Yukiie (Hành Gia).

1 Yoshitomo -> 1 Yoshihira (Nghĩa Bình), 2 Tomonaga (Triều Trường),  3 Yoritomo (Lại Triều), 4 Noriyori (Phạm Lại), 5 Yoshitsune (Nghĩa Kinh).

2  Yoshitaka -> Yoshinaka (Nghĩa Trọng tức Kiso) -> Yoshitaka (Nghĩa Cao).

1 Yoritomo -> 1 Yoriie (Lại Gia), 2 Sanetomo (Thực Triều), 3 Ôhime (Đại Cơ, nữ)

1 Yorìe -> Ichiban (Nhất Ban), 2 Kugyô (Công Hiểu), 3 Con gái (vợ Yoritsune)

Năm 1180 (Jishô 4) Yoritomo lúc ấy đang bị đày ở vùng Hirugashima (bán đảo Izu), được sự trợ giúp của thổ hào địa phương, đã cử binh. Tương truyền, ông đã gặp từng người một và đã khôn khéo ân cần nhờ vả "Ta chỉ trông cậy vào ngươi thôi" (Nanji dake ga tanomi da!). Giai thoại đó cho ta thấy Yoritomo là một nhân vật có tài bắt mạch và biết cách lôi kéo nhân tâm về với mình.
 

Diễn biến cuộc tranh phong giữa Heike Và Genji :

1) Tháng 5/ 1180: Minamoto no Yorimasa cử binh: Yorimasa phụng mệnh Hoàng tử Mochihito cử binh mưu lật đổ Heike nhưng bị thua và chết trong trận giữ cây cầu Uji.

2) Tháng 8/ 1180: Trận Ishibashiyama: Ra quân lần đầu tiên, Yoritomo đánh bại tướng Heike là Yamaki Kanetaka nhưng trong trận (vùng núi) Ishibashiyama, lại thua Ôba Kagechika.

3) 10/1180: Trận Fujigawa: Quân Heike do Taira no Koremori đối đầu quân Yoritomo ở (sông) Fujigawa nhưng chưa đánh đã thua.Lý do là quân lính nghe tiếng chim nước hoảng sợ ngỡ là địch.

4) Tháng 5/1183: Trận Kurikaratôge : Sau khi Yoshinaka phá quân Heike ở ngọn đèo này đã vào được kinh đô. Heike bỏ kinh thành. Đây là trận dùng hỏa công bằng cách cột đuốc vào đuôi bò.

5) Tháng 1/1184: Yoshinaka bại tử: Yoshitsune đánh tan quân Yoshinaka, người anh em họ và cũng là đồng minh cũ. Yoshinaka chết trong cánh rừng tùng Aritsu ở vùng Ômi.

6) 2/1184: Trận Ichinotani: Hai tướng Genji là anh em Noriyori và Yoritsune đánh bại quân Heike vừa rút ra khỏi kinh đô. Cuộc tấn công theo đường núi hiểm trở được mệnh danh là cuộc tập kích Hiyodorigoe.

7) Tháng 2/ 1185: Trận Yashima: Yoshitsune phá quân Heike dang đào vong trên đảo Yashima. Tưóng Genji là Nasu no Yoichi nổi tiếng nhờ tài bắn cung trúng lá quạt trên thuyền Heike ở đây.

8) Tháng 3/ 1185: Trận quyết chiến ở Dan no Ura: Trận cuối cùng khi Genji truy kích Heike và tiêu diệt họ ở eo biển này. Thiên hoàng Antoku, cháu ngoại họ Heike, mới 8 tuổi, chết theo đồng tộc.


Quang cảnh trận hải chiến Dan no Ura trong tranh cuốn

Như đã trình bày, trong trận đầu tiên ở Ishibashiyama, Yoritomo đã bị tướng Heike là Ôba Kagechika đánh cho tan tác. Ông chỉ còn vỏn vẹn 7 người vừa chủ vừa tớ chạy thoát theo đường biển từ mỏm Manazuru về đến vùng Awa (Chiba ngày nay). Thế nhưng từ đó, ông đã chỉnh đốn được hàng ngũ, vào đến Kamakura, mảnh đất của miền Đông vốn có cơ duyên với dòng họ mình. Tại đây, ông tụ họp được đông đảo bushi, giao ước thành lập với họ một quan hệ chủ tớ (shujuu kankei) làm cơ sở bền chặt cho chính quyền non trẻ của mình.

Hai tháng sau (10/1180), ông đã thắng lợi trong trận Fujigawa. Lúc đó, quân Heike chính ra đang có nhiệm vụ truy kích các bushi trong quân đoàn miền Đông của ông nhưng vì tâm lý hoảng loạn, khiếp sợ trước viễn ảnh phải đối địch với một quân lực Genji hùng hậu nên chỉ nghe tiếng lao xao của đàn chim nước bay lên từ mặt đầm - ngỡ là địch đã đến bên mình - nên đổ xô nhau tẩu thoát.


Shôgun Minamoto no Yoritomo, 
người mở đầu Mạc phủ Kamakura

Từ đó, tuy vẫn cho quân tiếp tục thảo phạt Heike nhưng đồng thời ở Kamakura, Yoritomo đã biết đặt nên nền móng chính trị cho chế độ mạc phủ của ông.Chỉ một tháng sau chiến thắng Fujigawa, ông đã đặt ra một cơ quan lãnh đạo cấp trung ương mang tên Samuraidokoro (Thị sở). Đây là cơ cấu hành chính đầu tiên mà Mạc phủ Kamakura lập nên. Yoritomo bổ nhiệm Wada Yoshimori (Hòa Điền Nghĩa Thịnh) vào chức trưởng quan, củng cố cơ sở chính quyền quân nhân do ông chủ trì.Nhân vật Wada này xuất thân hào tộc sở tại vùng bán đảo Miura phía nam Kamakura, thuộc một trong ba họ Miura ở đấy. Ông đã đi theo Yoritomo tự buổi đầu và được biết như là một go-kenin (ngự gia nhân) có nghĩa là cận thần được trọng dụng và đáng tin cậy như người nhà. Ngoài ra, năm 1184 (Genryaku nguyên niên), Yoritomo cho lập thêm Kumonjo (Công văn sở), đến năm 1191 (Kenkyuu 2) đổi tên nó thành Mandokoro (Chính sở). Người bettô (biệt đương =trưởng quan) đầu tiên được bổ nhiệm ở đó là Ôe no Hiromoto (Đại Giang Quảng Nguyên). Đây là công sở vừa trông coi về hành chính lẫn tài chính. Cùng năm đó, ông lại lập Monchuujô (Vấn chú sở) phụ trách tố tụng. Chức trưởng quan ở đây có danh hiệu là shitsuji (chấp sự). Yoritomo ủy thác nó cho Miyoshi no Yasunobu (Tam Thiện Khang Tín).
 

Cơ cấu hành chính của Mạc phủ Kamakura:
 

Shôgun (Tướng Quân)


|
|
|
Samuraidokoro
( võ sĩ gia thần)
Monchuujo
(tố tụng)
Mandokoro
(hành chánh)
|
 
|
Kyôto shugo (Kyôto)
 
Shugo (các vùng khác)
   
|
   
Jitô (Shôen, Kôryô) 
địa phương

Tháng 5 năm 1183 (Juei 3), Minamoto no Yoshinaka ở Kisodani vốn nổi dậy sau Yoritomo đã phá tan quân Heike bằng hỏa công "buộc đuốc vào đuôi bò" trong trận tập kích ở ngọn đèo Kurikara làm cho cả nhà Heike phải tháo chạy khỏi kinh thành.

Riêng về Yoritomo, sau khi dã xây dựng xong mạng lưới chi phối cả địa bàn miền Đông (Tôgoku) thì chuyên tâm củng cố căn cứ Kamakura. Hai người em trai là Noriyori và Yoshitsune thay mặt ông tiếp tục đưa quân tiến đánh Heike. Tháng 2 năm 1184 (Juei 3), quân Genji đi theo hẻm núi Hiyodorigoe (gần núi Rokkôzan tỉnh Kobe bây giờ) xuống tập kích quân Heike, đánh bại họ trong trận Ichinotani. Tháng 2 năm sau,Genji lại thắng trận Yashima, nơi mà tướng của họ là Nasu no Yoichi đã trổ tài thần tiễn (sự tích bắt trúng đích lá quạt = Ôgi no mato). Kết cuộc là vào tháng 3 năm ấy, sau trận hải chiến quyết định ở cửa biển Dan no ura (gần Shimonoseki bây giờ, giáp ranh Kyuushuu), thì tập đoàn Heike hầu như bị tiêu diệt.

Nhân đây cũng phải nhắc là địa bàn miền Tây (Saikoku, từ vùng Kyôto-Ôsaka trở về tây) mà Heike đã xây đắp như cứ điểm của mình, đã phải chịu cảnh đói kém ngặt nghèo từ năm 1181 (Yôwa nguyên niên) suốt hai năm liên tiếp. Đó là "Trận đói năm Yôwa" (Yôwa no daikikin) mà sử sách còn ghi lại, nguyên nhân phân định thắng bại giữa hai nhà Heike và Genji. Ẩn sĩ Hamo no Chômei (Áp, Trường Minh) đã dựa trên triết lý vô thường viết nên tập tùy bút Hôjôki (Phương trượng ký), trong đó, ông nhắc đến tai ách này:
 

Hình như hồi năm Yôwa thì phải, chuyện xưa rồi nên không nhớ rõ. Suốt hai năm liền, không lương ăn, bao nhiêu cảnh bi thảm. Xuân, hạ thì hạn hán, thu, bão tố lũ lụt, tiếp nối toàn là tai ách, làm cho ngũ cốc hầu như không ra hạt....Vì thế, nông dân khắp châu huyện rời bỏ nhà cửa ruộng vườn lại đằng sau, chạy qua xứ khác hay vào trong núi ở. Triều đình cho lập đàn cầu đảo, làm bùa làm phép mà hoàn toàn chẳng có kết quả.....Ngoài đường đầy ăn xin, tiếng kêu khóc than thở không đâu là không nghe....

Bên những bức tường và hàng dậu ở vệ đường, đầy xác người chết đói. Vì không có cách nào đem vứt đi nên mùi xú uế xông lên khắp thành. Những thây ma lần hồi thối rữa ra, hình dung vóc dáng biến dạng quá đỗi, đến nổi không ai nhẫn tâm nhìn.

Cảnh tượng như thế còn thấy ngay giữa phố thì còn nói gì ngoài bãi sông Kamo, ngoài đó hài cốt bỏ bê chồng chất không còn chỗ cho ngựa hay xe bò di chuyển....Cha mẹ đều chịu chết đói trước con. Lại có đứa trẻ sơ sinh, không hiểu rằng mẹ mình đã nằm chết kề bên, cứ tiếp tục ngậm chặt bầu vú mẹ để bú.

(Trích Hôjôki của Kamo no Chômei)

Ngược hẳn với cảnh tượng thê thảm ở miền Tây mà Kamo no Chômei đã miêu tả, miền Đông của họ Genji lại được mùa. Lợi thế kinh tế đó cũng là một yếu tố quyết định cho sự chiến thắng của họ.

1.2  Mạc phủ Kamakura thành hình

Cố đô Kamakura, nơi mạc phủ mang tên nó ra đời ngày nay vẫn còn để lại những di tích lịch sử như đền thần đạo Tsurugaoka Hachimanguu, Kenchôji (Kiến Trường Tự) nơi thiền sư Rankei Dôryuu (Lan Khê Đạo Long) được mời từ nhà Tống sang tu, cũng như Engakuji (Viên Giác Tự) của thiền sư Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên). Đặc biệt Shariden (Xá lợi điện) của chùa Engaku là một công trình mỹ thuật với những đường nét tinh vi và hài hòa của mái điện tiêu biểu cho kiến trúc Thiền tông.

Trước kia, hồi trận giặc 9 năm, khi dòng họ Genji đặt được bàn đạp ở miền Đông, viễn tổ của họ là Minamoto no no Yoriyoshi (Nguyên Lại Nghĩa, 988-1075) đã rước được thần phật từ đền Iwashimizu Hachimanguu về và cho xây trên đất Kamakura đền Yuiwakamiya. Từ đó mảnh đất thành ra này có nhân duyên sâu xa với họ Genji. Sở dĩ họ Genji đón thần Hachiman từ Iwashimizu về vì thần ấy là tổ thần của họ Seiwa Genji (Genji con cháu Thiên hoàng Seiwa [1]). Nguyên lai đền Hachiman thờ Thiên hoàng Ôjin (Ứng Thần, một vị thiên hoàng trong thần thoại) như một vị thần cung tiễn, tượng trưng cho con nhà võ.

Sở dĩ Yoritomo đã chọn Kamakura làm bản doanh cho chính quyền vũ gia của ông vì đất ấy có địa thế rất tốt. Bãi Yuigahama ở phía nam Kamakura giáp mặt với biển còn ba phía kia đều được núi non làm thành lũy che chở. Ngoại trừ bảy con đường độc đạo được khai thông nhưng ép sát theo các hẻm núi gọi là kiridôshi (đường cắt ngang), Kamakura hầu như một pháo đài thiên nhiên rất tiện lợi cho việc phòng thủ. Thành phố Kamakura về sau đã được xây cất chung quanh một trung tâm điểm, đó là đền Tsurugaoka Hachimanguu.


Đền Tsurugaoka Hachimanguu

Trong những kiridôshi của thủ phủ Kamakura, con đường tên Asahina là nổi tiếng hơn cả.Nó giúp Kamakura nối được với một cảng nước sâu là Mutsura no tsu vì bở biển Kamakura vốn nông không dùng cho thuyền bè được. Thế nhưng vì cảng nước sâu này lại ở quá xa cho nên về sau quan chấp quyền (phụ tá cho Shôgun) Hôjô Yasutoki (Bắc Điều Thái Thì) đã xây bến cảng mới tên gọi Wagae no tsu cạnh bờ biển Zaimokugi cũng ở phía nam và không xa trung tâm thành phố lắm.

Tháng 10 năm 1183 (Juei 2) thì trên thực tế Yoritomo đã được Pháp hoàng Go Shirakawa công nhận quyền quản hạt của ông trên toàn cõi miền Đông (Tôgoku) và bảo chứng quyền chi phối trên các lãnh địa cũng như cho phép đặt một quan hệ chủ tớ với các bushi thuộc hạ (go-kenin). Đến khi nhà Heike (họ Taira) bị diệt vong (Bunji hay Monchi nguyên niên, 1185), Yoritomo lại thành công trong việc được Pháp hoàng Go Shirakawa ban cho quyền bổ nhiệm thuộc hạ mình vào những chức shugo (thủ hộ) ở các tiểu quốc (vùng) và những chức jitô (địa đầu) cầm đầu công lãnh, trang viên. Điều này có ý nghĩa là trên thực chất, chính quyền quân nhân của Mạc phủ Kamakura đã được  thành hình.Dưới thời nhà nước luật lệnh trước đây, ở mỗi tiểu quốc chỉ đặt kokushi (quốc ty) làm nơi lo việc cai trị nhưng các trang viên thì chịu sự chi phối của lãnh chúa chủ nhân trang viên.Bây giờ, một khi Yoritomo đã đặt tay chân bộ hạ của mình về địa phương rồi thì quyền lực của mạc phủ sẽ song hành với quyền lực của triều đình.

Chức shugo (thủ hộ) xưa kia vốn không được gọi như thế. Dưới chế độ nhà nước luật lệnh của thời Heian, khi chính sự suy thoái phải đặt ra chức quan để tuần tra bắt gian để duy trì trị an, thì người làm phận sự ấy được mệnh danh là Sôtsuibushi (Tổng truy bổ sứ). Chỉ từ khi các gia thần của mạc phủ ra lãnh trách nhiệm ấy thì các tên shugo (nghĩa đen là người gìn giữ bảo vệ) mới trở thành thông dụng.

Tuy nhiên, cho dù việc sắp đặt chức shugo mang danh nghĩa thế nào đi nữa, người ta thấy Yoritomo đã tìm cách tổ chức một hệ thống an ninh chặt chẽ với những bộ hạ trung thành của mình và công việc trước mắt là truy lùng đứa em "nguy hiểm", Yoshitsune. Lý do là cậu em (cùng cha khác mẹ) đã được Pháp hoàng Go Shirakawa bổ vào chức Kebiishi (Kiểm phi vi sứ) giống như là tổng quản công việc trị an cho triều đình, được cả đặc quyền thăng điện [2]. Yoritomo không bằng lòng chút nào nếu không nói là căm tức khi thấy Yoshitsune đã lẳng lặng nhận chức này mà không xin phép mình trước.

Chức shugo do đám "người nhà" (go-kenin) nhận lãnh có 3 nhiệm vụ canh phòng quan trọng, gọi là daibon sankajô (đại phạm tam cá điều) hay 3 loại tội phạm lớn:

1) Canh phòng mọi sự xâm phạm cung vua ở Kyôto và phủ chúa ở Kamakura (Ôban saisoku);

2) Lùng bắt những kẻ phản nghịch;

3) Lùng bắt tội phạm sát nhân.

Đám người nhà này cũng giữ các chức jitô ở địa phương, phụ trách quản lý và an ninh cho các trang viên và công lãnh. Vai trò ấy có tên là shitaji kanri (hạ địa quản lý).Ngoài ra, họ còn phải trưng thu các thứ thuế má liên quan đến điền thổ và phu dịch.

Yoritomo đã ban bố lệnh Go seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục). Thành bại có nghĩa là "hoàn thành việc thiện và đánh bại điều ác" cho nên đây có nghĩa là những qui định (thức mục ) để cai trị (thành bại). Tuy không ghi chép rõ ràng về cách luận công khen thưởng khi jitô làm được việc nhưng trong đó có chỗ đưa ra thí dụ về việc " cấp 1 dan (đoạn) đất kèm theo 5 shô (thăng) gạo nuôi quân" cho một jitô. Đồng thời, vì Yoritomo cũng đã thâu tóm quyền của các quan hành chánh địa phương (zaichô kannin) của các nha (kokuga) vào tay mình cho nên danh xưng shugo đó càng ngày càng được phổ cập.

Sau khi tổ chức mạc phủ xong xuôi, Yoritomo mượn cớ truy lùng Yoshitsune (ông này lâm vào đường cùng, phải tự sát), đã bình định địa phương Đông Bắc và tiêu diệt luôn chính quyền Ôshuu Fujiwara (Áo châu Đằng Nguyên) tức một chi nhánh họ Fujiwara hùng cứ miền Ôshuu, Đông Bắc Nhật Bản, với tội danh "chứa chấp kẻ phản nghịch".Năm 1190 (Kenkyuu nguyên niên), Yoritomo được phong Ukonoe Taishô (Hữu cận vệ đại tướng), đến năm 1193 (Kenkyuu 3), sau cái chết của Pháp hoàng Go Shirakawa (vốn không ưa gì ông), ông lại được phong Seii Taishôgun (Chinh di đại tướng quân), một chức vụ tối quan trọng như lòng hằng mơ ước. Như vậy Mạc phủ Kamakura bây giờ đã trở thành cùng lúc hữu danh hữu thực.
 

Về danh hiệu Shôgun:

Chức Seii Taishôgun mà sau này người ta gọi gọn thành Shôgun trước tiên đã được phong cho danh tướng Sakanoue no Tamuramaro (Phản Thượng Điền Thôn Ma Lữ) vào năm 797 khi triều đình Heian phái ông đi viễn chinh đánh dẹp dân tộc thiểu số Ezo (Hà di) miền Đông Bắc đảo Honshuu.Thế rồi, với Minamoto no Yoritomo, nó trở thành một thứ chức Thống lĩnh quân đội (Generalissimo) mà triều đình Kyôto ban cho người cầm đầu phủ chúa trãi qua các đời từ Kamakura, Muromachi cho đến Edo.

1.3  Liên hệ giữa triều đình và mạc phủ thời Kamakura

Trước tiên xin trình bày về chế độ gọi là go-kenin (= ngự gia nhân), một khái niệm cần thiết để hiểu về tổ chức của Mạc phủ Kamakura. Nói một cách tóm tắt thì nó tượng trưng cho mối liên hệ chủ tớ giữa "ngài Kamakura" (Kamakuradono) tức Shôgun và các "thuộc hạ của ngài". Shôgun ban bố ân huệ (gọi là go-on = ngự ân) cho thuộc hạ, gia thần (go kenin) và họ đáp lại bằng cách nhận lãnh công việc ông giao phó để thi hành (hôkô = phụng công).

Ân huệ ấy là những gì ? Nói gọn ra thì, trong một xã hội nông nghiệp như thế, đó là những đặc quyền dưới hình thức đất đai. Muốn ban ơn cho họ một cách cụ thể nhất, Shôgun chỉ cần bổ nhiệm họ làm jitô (địa đầu) để cai quản một địa phương nào đó.

Cần nhớ một điều: xưa kia, chữ jitô (địa đầu) đã có rồi và dùng để chỉ một người được bổ nhiệm để đi ra một địa phương (địa, quốc) nào đó để đứng đầu (đầu) việc cai quản. Khốn nỗi, công việc của viên chức ấy thường không được qui định rõ trong tương quan với viên shugo (thủ hộ) củng là quan cai trị đang tại chức. Dưới thời Yoritomo, mới đầu nó chỉ hạn chế trong vòng các shôgô jitô (trang hương địa đầu), tên gọi những công thần được phong trên đất tịch thu từ tập đoàn Heike vừa bị tiêu diệt hay từ những kẻ đã phản nghịch chống chính quyền ông. Danh từ đó được hiểu rộng ra theo cái nghĩa nguyên thủy từ thời điểm sau cuộc loạn năm Jôkyuu 3 (Thừa Cửu, 1221) khi Thái thượng hoàng Go Toba thất bại trong cuộc đảo chánh chống Mạc Phủ kéo theo sự suy vi của xã hội công khanh.

Những go-kenin được bổ nhiệm làm jitô có nhiệm thu và nạp cho nhà nước cống vật hằng năm (tuế cống), quản lý đất phong và duy trì trị an. Họ sẽ được bảo đảm quyền cai trị từ đời này qua đời khác trên lãnh địa mà mình quản hạt. Việc được bảo đảm quyền thế tập trên một vùng đất như thế, sử gia gọi là honryô ando (bản lãnh an đổ) tức là "quyền an tâm sống trên đất mình cai quản".

Ân huệ thứ hai mà Shôgun có thể ban cho go kenin là đất phong mới mỗi khi người ấy có công. Tiếng chuyên môn gọi là shin.on kyuuyo (tân ân cấp dử) hay "ơn mới ban cho".

Ngày nay người Nhật bình thường trong đời sống hằng ngày hay dùng chữ isshô kenmei (nhất sinh huyền mệnh) để nói lên cái ý sẽ "cố gắng hết mình". Đó là cách bày tỏ ý tưởng xuất phát từ bối cảnh lịch sử của thời Kamakura. Đương thời, giới bushi chỉ lo lắng làm sao đem (treo) hết tính mệnh (huyền mệnh) để giữ được một sở đất (nhất sở) mà tổ tiên đã có công tạo ra. Nhất sở (issho) cũng đọc na ná (khác nhau âm ngắn âm dài) với nhất sinh (isshô).

Còn người chịu ân trên thực tế phải đền đáp lãnh đạo bằng cách gì? Dĩ nhiên trong thời chiến phải đem sinh mạng báo đền trong trận mạc, ngày thường thì làm vệ sĩ bảo vệ cung cấm ở Kyôto và phủ chúa (ban.yaku = ban dịch hay nhiệm vụ canh gác). Canh gác hoàng cung ở Kyôto thì gọi là Kyôto daiban.yaku, canh gác phủ chúa ở Kamakura thì chỉ gọi là Kamakura ban.yaku (không có chữ "đại").

Như thế, các lãnh chúa khai khẩn nhất là các lãnh chúa ở miền Đông (Tôgoku) đã thành lập ra các nhóm vũ sĩ (busidan), các nhóm vũ sĩ bây giờ lại trở thành thuộc hạ Shôgun (go-kenin), được phong đất đai để quản lãnh theo cách cha truyền con nối. Đó là quá trình thành hình của chính quyền quân nhân ở Kamakura. Lòng trung thành làm phên giậu đánh đổi lấy sự bảo hộ quyền lợi.

Vì miền Đông trên thực chất là nơi mạc phủ chi phối nên tổ chức hành chánh và tố tụng đều nằm trong tay mạc phủ. Những vùng đất khác thì hãy còn đặt kokushi để cai trị, shugo để phòng thủ nhưng cũng rơi vào vòng ảnh hưởng của mạc phủ. Như thế, một thể chế phong kiến dựa trên quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất đai được ban phát là đặc tính của Mạc phủ Kamakura. Phải nói thêm là một chế độ phong kiến có tính quân sự vì nó được dựng nên bởi một tập đoàn quân nhân.

Cơ sở kinh tế của Mạc Phủ Kamakura là thuế thu từ đất đai canh tác, nguồn lợi thu nhập của nhà nước. Đất đai mạc phủ kiểm soát gọi là Kantô go seibai chi (Quan Đông ngự thành bại địa), và như đã nói, "thành bại" chỉ có nghĩa là quản lý, khu xử. Đất này được chia ra làm 3 hạng:

1) Đất riêng dành cho Shôgun Yoritomo. Đó là một số tiểu quốc mang tên chung là Kantô chigyôkoku (Quan Đông tri hành quốc) hay Kantô gobunkoku (Quan Đông ngự phân quốc) . Lúc nhiều nhất có 9 tiểu quốc.

2) Cựu lãnh địa, trang viên của Heike bị tịch biên (mokkanryô, một quan lãnh), có tên Kantô goryô (Quan Đông ngự lãnh).

3) Đất có thể đem ra cấp phát cho go-kenin dưới mọi hình thức, gọi là Kantô shinshi shoryô (Quan Đông tiến chỉ sở lãnh). Shinshi (tiến chỉ) trong Nhật ngữ có nghĩa là "tiến hay ngừng" nhưng chắc nên hiểu theo nghĩa bóng là điều hành, cấp phát hay lấy lại.

Một điểm cần lưu ý là tuy chế độ ban phát có thay đổi nhưng nó cũng chỉ là sự tiếp nối với đôi chút thêm bớt chính sách ruộng đất của nhà nước luật lệnh vì những khái niệm cơ sở như chigyôkoku (tri hành quốc), shôen (trang viên) vẫn còn đó. Nói cách khác, tuy xã hội thời Kamakura là một xã hội phong kiến nhưng vẫn nương tựa vào tổ chức kinh tế đã có sẵn. Thứ đến, Mạc Phủ Kamakura không thực sự cấp đất trực tiếp cho go kenin mà chỉ cấp nó gián tiếp qua sự phong chức (jitôshiki = địa đầu chức). Điều đó làm cho xã hội phong kiến thời Kamakura (thế kỷ 12 đến 14), nếu đem so sánh với xã hội phong kiến thời Edo (thế kỷ 17 đến 19) vẫn còn có chỗ chưa được hoàn chỉnh.

Nói là chưa hoàn chỉnh cũng là vì vào thời Kamakura, các lãnh chúa trang viên dính líu đến triều đình và quí tộc ở Kyôto cũng như càng đại tự xã (chùa chiền và đền thần đạo lớn) vẫn còn mạnh. Không những tính lưỡng nguyên (dualism) này chỉ nằm ở phạm vi kinh tế mà còn ở trong địa hạt chính trị nữa. Trong khi triều đình bổ nhiệm các quan thuộc kokushi và nắm bao quát hành chánh toàn quốc thì giới quí tộc và đại tự xã thu lợi nhuận từ đất đai trong vai trò quan kokushi hay lãnh chúa các trang viên.Do đó, không phải võ sĩ nào cũng là người của mạc phủ. Những võ sĩ không liên kết với chính quyền Kamakura có tên là hi go kenin (phi- ngự gia nhân).

Liên hệ như thế giữa triều đình và mạc phủ đã được triều đình qui định trong các pháp lệnh và tuyên chỉ (senshi). Nó có tên là shinsei (tân chế, chế độ mới).

Rốt cuộc, việc Mạc Phủ Kamakura thành hình không có nghĩa là triều đình biến mất đâu. Nó chỉ đưa đến sự hiện hữu của một chính quyền song song, một thể chế có tính lưỡng nguyên.Những jitô và shugo mà mạc phủ bổ nhiệm sẽ làm nhiệm vụ hành chánh, trị an và thu nạp huê lợi trên toàn quốc. Ai không hoàn thành trách nhiệm sẽ bị mạc phủ trừng trị. Một mặt, mạc phủ cũng ủng hộ quyền lực của triều đình và nâng đỡ các trang viên, công lãnh. Tuy nhiên, không kể miền Đông là căn cứ địa của họ, dù nơi nào trên toàn quốc, mạc phủ đều tỏ ra có ưu thế và thực quyền hơn triều đình. Dần dà, ở các trang viên địa phương, các "trang quan" mà lãnh chúa trang viên đặt ra ở đó đã bị các jitô cướp mất chỗ. Nhân vì mạc phủ muốn bành trướng và củng cố thế lực đến như vậy cho nên quan hệ giữa hai bên chẳng mấy chốc mà xấu đi.

Tiết 2 Chính quyền các Chấp quyền họ Hôjô phát triển.
2.1  Hôjô lên nắm quyền. Cuộc loạn năm Jôkyuu

Khác với điều người ta có thể nghĩ, chức Shôgun của Mạc Phủ Kamakura đã kéo dài được đến 9 đời. Thông thường, được biết đến chỉ có 3 ông Genji: Yoritomo (Lại Triều), Yoriie (Nghĩa Gia) và Sanetomo (Thực Triều). Thế nhưng không vì vậy mà Mạc Phủ Kamakura không thể tiếp nối dù chỉ với hình thức vay mượn.

Ba đời đầu tiên đều cùng một tộc Genji (Minamoto) nên được gọi là Genke shôgun (Nguyên gia tướng quân), sau đó là những nhân vật xuất thân từ gia đình sekkan như gia đình Fujiwara hay hoàng tộc. Ta cũng biết cánh bắc (Hokke) quyền thế của họ Fujiwara đã phân nhánh thành 5 nhà: Konoe (Cận Vệ), Kujô (Cửu Điều), Takatsukasa (Ưng Ty), Nijô (Nhị Điều) và Ichijô (Nhất Điều), gọi chung là Gosekke (Ngũ nhiếp gia). Do đó mới có các Sekke shôgun (Nhiếp gia tướng quân) và Shinnô shôgun (Thân vương tướng quân) hay Miya shôgun (Cung tướng quân), là những người được mời từ Kyôto đến Kamakura giữ chức lãnh đạo mạc phủ nhưng chỉ là trên danh nghĩa.

Gọi là trên danh nghĩa vì các vị được đón về kể từ sau đời Sanetomo (thứ 3) đều là những anh trẻ con, không thể nào có khả năng thi hành chính vụ.Ví dụ Fujiwara no  Yoritsune (Đằng Nguyên Lại Kinh) khi nhậm chức Tướng quân đời thứ 4 hãy còn là một cậu bé mới lên hai. Hiển nhiên, trước tình cảnh đó sự lãnh đạo mạc phủ phải được đặt trong tay những kẻ có thực quyền. Những người này không ai khác hơn là các quan shikken (chấp quyền) họ Hôjô (Bắc Điều). Shikken vốn là danh xưng của trưởng quan tổ chức chấp hành chính trị của thời chính trị viện sảnh có tên là inshi (viện ty). Về sau chức shikken dùng để trỏ người nắm được quyền điều khiển (chức gọi là bettô = biệt đương) cả hai nha sở quan trọng của mạc phủ là mandokoro (trông coi hành chính) và samuraidokoro (quân sự). Hình thái chính trị của các shikken họ Hôjô được mệnh danh là shikken seiji hay chính trị của các quan chấp quyền. Câu hỏi đặt ra ở đây là trong trường hợp nào mà họ Hôjô, với tư cách là đại biểu của tầng lớp go-kenin đã thành công trong việc đoạt được chính quyền.

Cho đến lúc đó, Yoritomo là người có đủ uy tín kết hợp được các busidan miền Đông, triển khai một chính trị độc tài. Ông mất vào tháng 1 năm 1199 (Seiji nguyên niên) ở tuổi 53. Tương truyền năm trước đó nhân đi khánh thành một cây cầu mới trên sông Sagami, ông bị ngã ngựa và sự kiện đã đưa đến cái chết của ông.Tuy nhiên bộ Azuma kagami (Ngô thê kính), tức cuốn chính sử của miền Đông (Azuma) thì lại không ghi chép một chi tiết nào cho nên chân tướng của cái chết đó vẫn chưa hề sáng tỏ.

Sau khi Yoritomo qua đời, hai người con trẻ tuổi của ông là Yoriie và Sanetomo thay nhau nắm quyền bính. Trong giai đoạn ấy những quí tộc cận thần của cha họ là Ôe no Hiromoto (Đại Giang Quảng Nguyên), Miyoshi no Yasunobu (Tam Thiện Khang Tín) đã cùng với các go kenin có thực lực như Hôjô Tokimasa (Bắc Điều Thì Chính), Kajiwara Kagetoki ( Vĩ Nguyên Cảnh Thì) bàn bạc với nhau để đi đến một thể chế lãnh đạo chính trị kiểu tập đoàn. Ngoài Yoritomo, người sáng nghiệp và thật sự đã leo lên tới đỉnh cao bằng sức mình, hai người con của ông không được như vậy. Yoriie (đời thứ 2) nhậm chức shôgun khi còn quá trẻ trong khi Sanetomo (đời thứ 3) không tha thiết đến chức vụ ấy cho lắm (có lẽ ông không cảm thấy thoải mái khi sống giữa một hang cọp). Sanetomo được biết tới như một nhà thơ waka kiệt xuất với những lời châu ngọc trong tác phẩm Kinkai wakashuu (Kim hòe hòa ca tập) chứ không phải vì tài chính trị của ông. Thơ ông mang nhiều tâm sự khổ đau.

Trong tình trạng các Shôgun yếu đuối như thế, cuộc tranh đoạt quyền hành để được lãnh đạo mạc phủ trở thành kịch liệt giữa các gia thần. Trong nhóm này, lực lượng hùng mạnh nhất là họ Hôjô, xuất thân là zaichô kanjin (tại sảnh quan nhân) xứ Izu. Họ là những viên chức hành chánh không được triều đình gửi đến từ trung ương mà là con cháu hào tộc sở tại nhưng cũng nhờ đó họ bám rễ rất chắc mà bành trướng cũng rất nhanh. Cũng phải nói là gia đình họ đã ủng hộ Yoritomo tự thuở hàn vi và một người đàn bà trong gia tộc, con gái Hôjô Tokimasa là Masako (Chính tử) là vợ chính thất của người sáng nghiệp. Năm 1203 (Kennin 3), Tokimasa thành công trong việc tru diệt Hiki Yoshikazu[3], người được chỉ định làm kôkennin (hậu kiến nhân) tức phụ chính cho ấu chúa Yoriie (Nguyên Lại Gia, 1182-1204, tại chức 1202-03) mới có 10 tuổi. Tokimasa cho giam lỏng Yoriie ở chùa Shuuzenji, sang năm sau lại phế đi để lập người em là Sanetomo (Nguyên Thực Triều, 1192-1219, tại chức 1203-1219) và nắm thực quyền của mạc phủ. Đến năm 1205 (Genkyuu 2) ông ta dẹp công thần sáng nghiệp là Hatakeyama Shigetada, năm 1213, cho con trai là Yoshitoki (Nghĩa Thì) tiêu diệt Wada Yoshimori, người đã từng giữ chức bettô đứng đầu samuraidokoro (nha sở lo việc binh) thời mới mở. Kể từ ấy, họ Hôjô cha truyền con nối nắm lấy hai chức vụ quan trọng nhất nghĩa là trưởng quan của cả mandokoro lẫn samuraidokoro. Thế rồi họ cho thân tộc vào đầy trong guồng máy mạc phủ để tăng thêm vây cánh.
 
 


Hôjô Yoshitoki, nhà chính trị ưu tú của họ Hôjô

Đời shikken thứ hai là Hôjô Yoshitoki. Trong giai đoạn này, sự đối lập giữa triều đình (chính quyền công khanh) và mạc phủ (chính quyền quân nhân) trở nên sâu sắc. Đóng vai trò trung tâm của triều đình Kyôto lúc ấy là Thái thượng hoàng Go Toba (Hậu Điểu Vũ). Ông là người được biết đến đã hạ sắc chiếu cho Fujiwara no Teika và Ietaka biên soạn Shin Kokin wakashuu (Tân cổ kim hòa ca tập) nhưng cũng là một nhà thơ tài hoa.Trên thực tế, ông ở ngôi thái thượng hoàng và nắm thực quyền chính trị chứ không phải làm vì nên có danh hiệu là chiten no kimi (trị thiên chi quân), Về chính trị thời Go Toba, ta có thể tham khảo tập nhật ký và cũng là sử liệu quan trọng, Meigetsuki (Minh Nguyệt Ký) của thi hào Fujiwara no Teika (Đằng Nguyên Định Gia).

Thái thượng hoàng Go Toba là người đã thu góp các lãnh địa, trang viên rộng lớn nhưng rải rác thuộc về hoàng tộc và đặt chúng dưới sự kiểm soát của mình. Làm như thế là để được ổn định về mặt kinh tế. Còn về quân sự, ông cũng cho tăng cường bằng cách thành lập Saimen no bushi (Tây diện vũ sĩ) tức lực lượng cấm quân của viện sảnh với ý đồ chống cự mạc phủ , đồng thời vãn hồi quyền lực của triều đình.

Giữa khi ấy, ở Kamakura, có một chuyển biến quan trọng. Năm 1219 (Jôkyuu nguyên niên), người con mồ côi của Yoriie là Kugyô (Công Hiểu) đã ám sát thành công Shôgun đời thứ 3 là Sanetomo. Cho là nhà chúa đã sa sút và đây là thời cơ để đoạt lại quyền lực, Thái thượng hoàng Go Toba mới cự tuyệt lời yêu cầu của Kamakura xin ông gửi một hoàng tử của mình về làm Shôgun.Ngược lại, ông còn đòi mạc phủ phải bãi bỏ các chức jitô của hai trang viên Nagae và Kurahashi trong vùng Settsu (gần Kyôto). Điều này mạc phủ không thể nào chấp nhận. Vì thế mới bùng lên Jôkyuu no ran (Loạn năm Thừa Cửu 3, 1221), cuộc đối địch đầu tiên giữa công khanh và quân nhân.


Thái thượng hoàng Go Toba

Lúc mới bắt đầu, Go Toba qui tụ tất cà các thế lực đồng minh, từ các bushi miền Tây, tăng binh các đại tự viện cho đến một bộ phận bushi miền Đông bất mãn với sự chuyên chế của họ Hôjô, và cử binh thảo phạt. Thái thượng hoàng có phần chủ quan khi nghĩ rằng với một lực lượng như vậy, ông có thể đánh bại họ Hôjô một cách dễ dàng. Nào đâu, trái với dự tưởng của ông, đại bộ phận của bushi miền Đông đã đoàn kết chung quanh họ Hôjô để nghênh địch. Mạc phủ còn gửi các tướng Hôjô như Yasutoki (Thì Thái) con trai Shikken Yoshitoki (Nghĩa Thì) và Tokifusa (Thì Phòng) (em Yoshitoki) tấn công Kyôto. Kết cuộc là toán quân đồng minh ô hợp của Thái thượng hoàng không đầy một tháng đã thảm bại trước những đạo quân tinh nhuệ của mạc phủ.

Về việc giao thông giữa Kyôto và Kamakura thời ấy, chúng ta có thể được biết qua hai tập văn chương bút ký du hành (kikôbun) viết ra sau cuộc loạn năm Jôkyuu. Đó là Tôkan Kikô (Đông quan kỷ hành) và Kaidôki (Hải đạo ký).

Mạc phủ đã chỉnh lý cuộc loạn đó như sau. Trước hết, ba vị thái thượng hoàng và thiên hoàng bị xử phối lưu nghĩa là đi đày. Go Toba ra đảo Oki (ngoài khơi tỉnh Shimane bây giờ), Tsuchimikado ra cùng Tosa (tỉnh Kôchi trên đảo Shikoku bây giờ), Juntoku ra vùng Sado (tỉnh Niigata bây giờ).Về Thái thượng hoàng Juntoku, người ta biết ông là tác giả Kinbishô (Cấm bí sao), một tác phẩm nói về nghi thức, lễ nghi, tổ chức hội hè trong cung cũng như phẩm trật chức tước quan lại. Loại sách này có cái tên chung là yuushoku kojitsu (hữu chức cố thực), nó cũng là tên một môn học rất được phát triển dưới thời Heian trung kỳ. Khi chính quyền công khanh càng suy thoái và chính quyền quân nhân càng vững vàng thì môn học này, như một phản ứng ngược chiều, đã dấy lên mạnh mẽ. Đối với người đời sau như chúng ta, đó là những tư liệu hết sức quí giá để hiểu về xã hội Nhật Bản.

Nhân Thái thượng hoàng Juntoku vì muốn tham gia việc thảo mạc (đánh mạc phủ) đã nhường ngôi cho người con là Thiên hoàng Chyuukyô (Trọng Cung) lúc ấy vừa lên 4. Thiên hoàng mới lên ngôi tháng 4 thì tháng 5, cuộc loạn Jôkyuu bùng nổ. Cho nên khi loạn vừa chấm dứt, người ta cũng phế ông [4] để lập một vị vua khác (con trai một người anh của Go Toba) là Thiên hoàng Go Horikawa (Hậu Quật Hà). Cha của thiên hoàng đương nhiệm là Hoàng thân Moriosada (Thủ Trinh) tuy trong quá khứ chưa từng làm vua ngày nào nhưng cũng đứng ra thi hành viện chính. Đó là một sự kiện khá đặc biệt.

Biến cố vừa xảy ra chỉ là cơ hội cho phép mạc phủ kể từ đây được can dự vào nội chính của triều đình. Từ chính trị lưỡng nguyên kôbu nigen (công vũ nhị nguyên), cuộc biến loạn năm Jôkyuu đã tạo ưu thế cho gia trước công gia. Thêm vào đó, việc bảo vệ trị an của Kyôto từ đây sẽ không do chức shugo kinh đô đảm nhận nữa. Mạc phủ Kamakura lập ra một tổ chức quan phòng từ binh bị, tố tụng đến cai trị như phủ thủ hiến tên gọi tandai (thám đề) đóng ở khu Rokuhara (Lục Ba La) trong thành phố cho nên gọi là Rokuhara tandai. Cơ cấu này không những giám thị động cử của triều đình, canh phòng bên trong bên ngoài kinh đô mà còn quản hạt cả các tiểu quốc miền Tây. Chức vụ đó trao cho hai người là Hôjô Yasutoki và Tokifusa. Rokubara tandai được chia làm 2 dinh ở phía bắc và phía nam. Yasutoki coi dinh bắc, Tokifusa coi dinh nam.

Hơn 3.000 lãnh địa thuộc về các quí tộc và bushi đi theo phe thiên hoàng đã bị mạc phủ tịch thu. Các go-kenin có công đối với mạc phủ trong thắng lợi vừa rồi được bổ nhiệm đi làm jitô các vùng đất đó. Đối với những miếng đất cho đến nay không cho bổng lộc bao nhiêu thì mạc phủ sửa soạn một đạo luật mới có tên là Shinborippô (Tân bổ suất pháp) để bảo đảm việc cấp lương tiền cho những jitô ấy.Những jitô thuộc diện ấy có tên là shinpo jitô (địa đầu theo qui chế ăn lương bổ túc) để phân biệt với những jitô đã được bổ nhiệm từ trước (honpô jitô = bản bổ địa đầu). Theo tiêu chuẩn mới này, cứ 11 chô (đinh) đất vườn thì họ khỏi phải nộp cống huê lợi trên 1 chô gọi là menden (miễn (thuế) điền) . Lại ban cho họ quyền hạn trưng thu gạo thóc gọi là kachômai (gia trưng mễ): cứ 1 dan (đoạn) ruộng thì gắn với 5 thăng thóc.

Như thế, uy lực của mạc phủ trên các trang viên và công lãnh đã lan rộng ra suốt vùng Kinki và Saikoku (Tây quốc). Để nắm được tình hình, mạc phủ cho soạn thảo sổ sách ghi chép về điền thổ tên gọi là Ôtabumi (Đại điền văn). Mặt khác, từ đó triều đình tuy vẫn tiếp tục thi hành chính trị viện sảnh nhưng sau cuộc loạn năm Jôkyuu thì cái thế "công vũ nhị nguyên" đã mất thăng bằng, lợi thế nghiêng hẳn về cho mạc phủ (vũ).

2.2  Sự phát triển của chính quyền shikken:

Chúng ta bước vào thời chính trị chuyên chế của các shikken, hậu quả tất yếu cuộc chỉnh lý sau cuộc loạn năm Jôkyuu vốn đã đem lợi thế về cho phủ chúa trong tương quan triều đình-mạc phủ.

Sau thời loạn lạc, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ dưới thời chức shikken đời thứ 3, Hôjô Yasutoki.Bằng những cải cách sẽ nhắc đến sau đây, ông đã xây đắp nên một chính quyền vững chãi.

Việc đầu tiên của Yasutoki là vào năm 1225 (Karoku nguyên niên) đã đặt ra một chức vụ tên là Renshô (Liên thự) để phụ tá Shikken. Nguyên lai, "liên thự" có nghĩa là tục lệ "ký tên chung" trên những công văn soạn ra bởi shikken để tỏ ý tán thành đồng thời chia sẻ trách nhiệm.Người giữ chức Renshô là người thường được lựa chọn từ trong thân tộc Hôjô và phải là kẻ có uy tín. Renshô đầu tiên không ai khác hơn là Tokifusa, người vừa là chú vừa là chiến hữu từng sát cánh trong trận mạc với Yasutoki.

Sang năm sau, chính thất của Yoritomo, một người đàn bà mạnh tính và có tinh thần gia tộc là Hôjô Masako (Bắc Điều Chính Tử, 1157-1225) mất. Yasutoki bèn cho tổ chức một hội đồng cố vấn chính trị 11 người tên gọi là Hyôjôshuu (Bình định chúng, "những người bàn luận và quyết định") gồm các go kenin có thế lực nhất như thành viên của gia đình ông và các nhà Ôe, Kiyohara, Miyoshi...Hyôjôshuu sẽ cùng Shikken và Renshô làm thành cơ quan cao cấp nhất của mạc phủ để lãnh đạo tập thể về chính trị lẫn tài phán. Nhờ ở chính sách liên kết này mà họ Hôjô đã củng cố được địa vị của mình.
 

Cơ cấu Mạc Phủ Kamakura (lược đồ 2):

Kamakura:
 

 
Shôgun
(Lãnh đạo tinh thần)
 
 
Shikken
(Lãnh đạo thực chất)
 
 
 |
 
Samuraidokoro
(Võ bị)
<----   Hyôjôshuu   ---->
(Hội đồng tư vấn)
Mandokoro
(Hành chánh)
|
 |
 
Hikitsuki kaigi
(Tố tụng nhà binh)
 Monchuujo
(Tố tụng tổng quát)
 

Kyôto:
 

 
Rokuhara tandai (Kyôto)
(Phủ thủ hiến dưới quyền Kamakura)
 
|
 |
 
Shugo (Kinai / Saigoku)
 (Các nhà chức trách bảo vệ những tiểu quốc miền Tây và khu vực kinh đô)
Shugo (Tôgoku)
(Các nhà chức trách bảo vệ những tiểu quốc miền Đông)
 
|
 |
 
Jitô (Shôen/ Kôryô)
(Các chủ nhân lãnh địa)
 Jitô (Shôen/ Kôryô)
(Các chủ nhân lãnh địa)
 

Đến năm 1232 (Jôei nguyên niên), Yasutoki lại cho soạn ra bộ luật thành văn đầu tiên của mạc phủ mang tên Go seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục) còn gọi lả Jôei shikimoku gồm 51 điều khoản cho các go kenin xem. Việc soạn bộ luật này có tầm quan trọng rất lớn.

Hai điểm cần theo dõi. Trước tiên là trả lời cho được câu hỏi: Bộ luật này đã được viết ra theo tiêu chuẩn nào? Thực ra, tiêu chuẩn ấy tức là tiền lệ (tập quán) và đạo lý của xã hội quân nhân đã có từ thời Yoritomo. Theo những qui tắc đó, mạc phủ đã ấn định quyền hạn và nghĩa vụ của các jitô, và cũng dựa theo nó, họ đã có thể phân xử một cách công bình những xung đột quyền lợi giữa các go-kenin với nhau, giữa go-kenin với các lãnh chúa trang viên. Trong bộ luật đó những điều khoản đề cập đến lãnh địa trang viên được thấy nhiều nhất.

Điểm thứ hai là phạm vi ứng dụng của bộ luật đầu tiên trong xã hội quân nhân. Lý do tìm hiểu việc này bởi vì thời ấy, mỗi bộ luật như luật của triều đình (kugehô = công gia pháp) trong dòng luật pháp của chế độ luật lệnh hay bộ luật nhà do các lãnh chúa trang viên đặt ra (honjohô = bản sở pháp) đều có phạm vi áp dụng riêng. Do đó Go-seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục) của mạc phủ cũng chỉ được áp dụng ở những vùng đang chịu sự kiểm soát của mạc phủ. Tuy nhiên, một khi vùng ảnh hưởng của mạc phủ đã nới rộng ra rồi thì bộ luật quân đội (bukehô = vũ gia pháp) vốn đặt trọng tâm vào việc phân xử công bình này đã lan ra đến các vùng hãy còn do triều đình hay các lãnh chúa trang viên cai trị.

Chế độ hiệp nghị (chính ra là gôgisei = hợp nghị chế) thấy trong bộ luật của họ đã giúp cho chính quyền các shikken hưng thịnh. Cháu của Yasutoki là Hôjô Tokiyori (Bắc Điều Thì Lại), chức shikken đời thứ 5, vẫn tiếp tục sụ nghiệp của ông nội. Vào lúc ấy, mạc phủ đã trả Shôgun Fujiwara noYoritsugu về Kyôto và đón Hoàng tử Munetaka mới 11 về nhậm chức. Đây là shôgun đầu tiên có gốc gác hoàng tộc.

Vào thời Tokiyori (shìken đời thứ 5) đã xảy ra biến cố gọi là trận đụng độ năm Hôji (Hôji gassen) xảy ra vào năm Hôji nguyên niên, 1247). Sau khi giữa họ có sự đối lập khó hòa giải, Tokiyori đã tiêu diệt gia đình trọng thần Miura Yasumura (Tam Phố Thái Thôn,  ? - 1247) vốn thuộc một gia đình go-kenin có thế lực và được Yoritomo hết sức tín nhiệm.Từ đó địa vị của họ Hôjô vững vàng, không còn ai có thể chống đối. Với mục đích nâng đở các go-kenin để đổi lấy sự hợp tác của họ, năm 1249 (Kenchô nguyên niên), Tokiyori đã cho lập ra một cơ quan mới gọi là Hikitsuke (Dẫn phụ) dưới sự kiểm soát của Hyôjôshuu.Hikitsuke trong tiếng Nhật có nghĩa là "phối kiểm, tham chiếu để thấy được rõ ràng" trong khi hyôjô có nghĩa là "bàn bạc và quyết định". Hikitsuke được điều hành bởi các thành viên gọi là Hikitsukeshuu. Họ có nhiệm vụ chuyên môn là xử lý việc tố tụng về lãnh địa giữa các go-kenin, làm sao cho các cuộc tranh chấp được giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng. Như thế, chính quyền shikken càng thêm vững mạnh dưới thời Tokiyori tại chức và kể từ đó họ Hôjô càng ngày càng có tính cách độc đoán.

Trong dòng họ Hôjô, có Hôjô Sanetoki (Bắc Điều Thực Thì) và con cháu ông là một gia đình có nhiều cống hiến cho học vấn. Họ đã cho mở một thư viện mang tên Kanazawa Bunko (Kim Trạch văn khố) nằm trong dinh thự ông ở vùng Mutsura no tsu Kanazawa, một bến cảng ngoại thành rất phồn thịnh. Nơi đây họ chứa những sách vở chữ Hán và chữ Nhật và khuyến khích việc học. Cũng nên nhắc nhở bạn đọc là vùng Kanazawa (có thể dọc là Kanezawa) này thuộc thành phố Yokohama bên cạnh Thái Bình Dương chứ không phải thành phố Kanazawa thuộc tỉnh Ishikawa nằm phía biển Nhật Bản.

Ta thấy như thế giới bushi bắt đầu để ý đến văn hóa và học thuật.Mạc phủ cũng khuyến khích công việc soạn một bộ chính sử. Bộ chính sử Azuma Kagami (Ngô thê kính) viết theo lối nhật ký đã ra đời. "Ngô thê" chỉ có nghĩa là Azuma (miền Đông) theo lối viết ẩn dấu của người Nhật chứ không phải là "vợ tôi" như ta có thể hiểu lầm. Đó là một tập tư liệu quí, không thể thiếu được, cho những ai muốn tìm hiểu về thời đại Kamakura.

Tiết 3: Sinh hoạt các võ sĩ thời Kamakura.
3.1 Sinh hoạt của giới bushi

Rời khung cảnh chính trường một chút, thử liếc mắt xem qua thực tế cuộc sống của giới bushi dưới thời Kamakura như thế nào.

Ngày nay, người ta còn có thể biết được sinh hoạt của giới bushi như thế nào khi xem bức tranh miêu tả ngôi nhà của một bushi (bushi no yakata) của vùng Chikuzen (nay nằm ở bắc tây tỉnh Fukuoka) thấy trong tập truyện minh họa (eden) nhan đề Ippen shônin eden (Nhất Biến thượng nhân hội truyện). Ippen là vị tăng khai tổ của một giáo phái Phật giáo tên là Jishuu (Thì tông). Những bức tranh như thế cho ta thấy những nét đặc trưng về nhà cửa, phòng ốc của họ.

Nhân đây cũng xin nhắc sơ về một khuynh hướng của Phật giáo, đặc biệt vì nó đã thành hình trong thời Kamakura nên còn có tên là "Phật giáo Kamakura". Trước tiên, thử tìm hiểu về Ippen, vị tăng khai tổ của nó.

Ippen vốn người vùng Iyo (nay thuộc tỉnh Ehime trên đảo Shikoku), sinh trong một gia đình bushi có thế lực họ Kono. Năm 7 tuổi, ông đã vào chùa. Ông du hành khắp nơi rao giảng cho quần chúng tư tưởng Tịnh Độ Tông nhưng đặc biệt chú ý đến giáo lý cho rằng con người dù thiện hay ác, chỉ cần thực hiện odorinenbutsu (dũng niệm Phật) ) nghĩa là vừa nhảy nhót (dũng) để tỏ niềm vui thỏa vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì sẽ thác sinh về cõi tịnh độ cực lạc. Lý thuyết tôn giáo đó gọi là Thì tông [5], ngôi chùa chính của nó là Shôjôkôji (Thanh Tĩnh Quang Tự) nằm ở thành phố Fujisawa tỉnh Kanagawa bây giờ. Nhà sư Ippen đi hết nơi này đến nơi khác truyền đạo nên còn có tên là Yugyô shônin (Du hành thượng nhân). Người theo ông gọi là jishuu (thì chúng =tín đồ Thì tông). Quyển truyện minh họa bằng tranh Ippen shônin eden vừa nói đến cũng là một phương tiện để môn phái này truyền đạo.


Ippen shônin lâm bệnh 
(tranh cuốn thời Nam bắc triều, khoảng 1381)

Kể từ thời Heian hậu kỳ cho đến thời Kamakura, những bushi dưới trướng các lãnh chúa khẩn hoang (kaihatsu ryôshu) đời đời gắn bó với đất đai họ khai khẩn được và tiếp tục khai phá các vùng chung quanh để lãnh địa được mở rộng ra. Nơi họ ở được gọi là yakata (quán). Yakata kiến trúc giản dị theo lối lấy phòng ngủ quay mặt về hướng nam làm trung tâm sinh hoạt nên có tên là shindenzukuri (tẩm điện tạo). Những ngôi yakata được xây dựng trên những vạt đất cao bên bờ sông, đất dốc thoai thoải hoặc đất bằng ven núi. Lý do là thời đại đó chưa có những công trình trị thủy hay tưới tiêu hoàn hảo. Lựa địa điểm như thế trước hết là khỏi lo lụt lội, sau nửa có thể lợi dụng các nguồn nước trong nông nghiệp. Người có thế lực bao giờ cũng nhắm đến việc chiếm hữu những cuộc đất như vậy.

Yakata cũng là địa điểm để các bushi thiết tập nơi luyện tập võ nghệ và phòng ngự. Nó giống như cái thành nhỏ, trong đó bushi luyện tập 3 kỹ thuật kỵ xạ căn bản (kisha mitsumono) là inuômono (đuổi theo chó mà bắn), kasagake (bắn vào đích nhắm làm bằng chiếc nón treo) và yabusame (bắn cung từ trên lưng ngựa đang sải nhanh) để tranh tài cũng như luyện tập môn gọi là makigari (dồn thú từ bốn bên để săn).

Ngoài ra, họ cũng học tập đạo đức của người bushi. Đó là những nguyên tắc có tên là buke no narai (lý tưởng mà con nhà võ phải theo), tsuwamono no dô (đạo đức quân nhân) hay kyuuba no dô (đạo đức của người theo nghiệp cung mã). Nói chung, đó là sự dũng cảm, quên mình, chỉ biết phụng sự cho chủ tướng, tinh thần trọng danh dự của gia đình mình hay tập thể của mình, biết hỗ thẹn thì làm điều quấy. Những nguyên tắc đó sẽ là nguồn gốc của bushidô (võ sĩ đạo) về sau. Bushidô còn được gọi là budô (vũ đạo)  trong cái nghĩa rộng hơn..   .

Chung quanh yakata, bushi thường đào hào rãnh hoặc xây tường. Trên nóc cổng ra vào họ chứa vũ khí như cung tên giáo mác - chỗ ấy gọi là yakura (thỉ thương) hay kho tên - để phòng kẻ địch bên ngoài tấn công vào. Hào cũng có chức năng phòng ngự nhưng còn trữ nước sông nước suối cung cấp cho vườn ruộng. Điều này tương ứng với những gì đã trình bày ở trên, có nghĩa là cuộc sống của giới bushi Kamakura vốn gắn bó với nông nghiệp. Thời đó binh và nông hãy còn đi đôi với nhau chứ chưa phân biệt ra như trường hợp bushi thời cận đại.

Trong bức tranh kể chuyện Ippen tới thăm ngôi nhà của vũ sĩ Chikuzen, ta thấy có một chi tiết ngộ nghĩnh là bên cạnh chuồng ngựa, có buộc một con khỉ.Hình như khỉ có tác dụng trừ tà. Do đó, ở đền Tôshôguu, lăng của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, chỗ gọi là Shinkyuusha (chuồng ngựa), có chạm trỗ đến 3 con khỉ (Con không nghe, con không nói và con không thấy).


Gia trang (yakata) của bushi, 
đơn vị sản xuất và chiến đấu

Bao chung quanh yakata của vũ sĩ là ruộng đất mà kokuga (quốc nha) hay lãnh chúa trang viên cấp cho để canh tác trực tiếp. Đất này không phải là đối tượng của tô thuế hay tạp dịch. Đất này được gọi bằng những cái tên khác nhau như tsukuda, kadota (môn điền), shôsaku (chính tác), yôsaku (dụng tác). Nông dân canh tác trên những mảnh đất đó là những genin (hạ nhân) hay shojuu (sở tùng) là người đi theo bushi. Như vậy, bushi khuyến khích nông dân khai khẩn đất hoang, còn mình sẽ đóng vai jitô hay người quản lý tại hiện trường có nhiệm vụ thu thập niên cống để nạp lên cho nha sở hoặc cho lãnh chúa trang viên. Phần họ, họ sẽ được chia một phần thóc gạo gọi là kachômai (gia trưng mễ) như thù lao.

Võ sĩ Kamakura có mối liên hệ huyết tộc rất mạnh. Họ tổ chức theo hình thức gia đình: gốc là sôke (tông gia hay honke, bản gia), nhánh là những bunke (phân gia). Đó là tổ chức mà người đương thời gọi là ichimon-ikke (nhất môn-nhất gia). Gia trưởng của tông gia gọi là sôryô (tổng lãnh), các con thứ (shoshi = thứ tử) phải nghe theo mệnh lệnh của sôryô một cách trung thực.

Khi có chiến tranh, sôryô trở thành người chỉ huy, đoàn kết con cháu ichimon chiến đấu. Thời bình thì cả ichimon họp nhau ở nhà tổ thờ thần của dòng họ (thị thần = ujigami) để tế lễ và lúc ấy, sôryô lại đóng vai trò lãnh đạo.

Về việc thừa kế trong gia đình bushi thì họ theo nguyên tắc bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục) hay thừa kế riêng biệt. Điều đó có nghĩa là sôryô (anh cả trong họ) sẽ được hưởng của cải đất đai tổ tiên để lại, còn những cuộc đất xung quanh mới khai khẩn sau này sẽ đem chia cho các shôshi (con thứ). Nhu vậy nguyên tắc kết hợp của võ sĩ đoàn là chế độ tổng lãnh (sôryôsei) vậy.

Trong xã hội quân nhân ở Kamakura, địa vị của phụ nữ tương đối cao. Khi thừa hưởng gia tài, con cái được đồng phần với con trai. Tùy trường hợp, phụ nữ trong gia đình go- kenin cũng có thể trở thành jitô (địa đầu). Ví dụ trường hợp bà Abutsuni (A Phật Ni), tác giả cuốn hồi ký lữ hành Izayoi nikki (Nhật ký trăng 16) chẳng hạn. Bà đóng vai jitô, và để giải quyết cuộc tranh chấp thừa kế ruộng đất giữa con ruột là Tamesuke và con chồng là Tameuji, đã lên Kamakura khiếu kiện. Cuốn hồi ký được viết ra trong dịp đó. Ngoài ra, về hình thức kết hôn thì lối yomeirikon là "con gái về nhà chồng" trở thành lối phổ biến nhất thời đó [6].

3.2  Dân chúng và giới bushi đã tiếp nhận Phật giáo như thế nào?

Như thế, giai cấp bushi đã thành hình và xây dựng nên được một chính quyền dựa trên giai cấp quân nhân của mình, đó là chính quyền mạc phủ. Cùng lúc, tín ngưỡng Phật giáo cũng đổi qua một hình thức mới, được sự ủng hộ của giới quân nhân và bình dân, mang tên Phật giáo Kamakura. Cho đến lúc đó, Phật giáo gắn liền với nhà nước và chính quyền của quí tộc. Tân Phật giáo nới rộng ra đến tầng lớp bình dân là một đặc sắc của giai đoạn lịch sử này.

Ta có thể phân biệt những chi lưu nằm trong tổng thể gọi là Phật giáo Kamakura bằng tên tuổi các bị khai tổ, các trứ tác quan trọng cũng như tên các ngôi chùa chính. Trước tiên phải nhắc đến 3 tông phái chủ trương rằng việc tụng niệm "Nam mô A Di Đà Phật" là chìa khóa giúp người ta vãng sinh về cực lạc: Tịnh độ tông, Tịnh độ chân tông và Thì tông.


Tượng Shinran

Trong ba tông phái ấy, về mặt sử liệu, tông phái đáng kể nhất có lẽ là Tịnh độ chân tông của tăng Shinran (Thân Loan). Lời giảng của ông đã được đệ tử là Yuien (Duy Viên) thâu thập lại trong trứ tác nhan đề Tannishô (Thán Dị Sao)[7]. Trong đó có những câu viết dưới hình thức bút chiến và nghịch lý như: " Bây giờ là thời đại mà ngay cả người hiền lương cũng được vãng sinh cực lạc, cho nên việc kẻ ác thác sanh về cõi tịnh độ là điều đương nhiên". Câu này muốn thuyết phục người ta rằng không phải những người tự mình ra sức tu công tích đức và chuyên chú vào việc niệm Phật (người thiện) mà là, những thường dân làm nghề săn bắn hay chài lưới (phạm tội sát sanh) hay những kẻ không thoát ra được ngoài vòng phiền não (kẻ ác) nếu có bản nguyện A Di Đà Phật thì  sẽ có cơ duyên được cứu. Lời thuyết giáo này có tên là Akunin shôkisetsu (Ác nhân chính cơ thuyết).

Ngoài ra phải kể đến một tông phái tu hành khắc khổ và gắn bó với giai cấp vũ sĩ. Đó là Zenshuu tức Thiền tông. Thiền Nhật Bản có 2 dòng: Rinzaishuu (Lâm Tế tông) và Sôtôshuu (Tào Động tông). Hai tông phái đều chủ trương dùng phương pháp zazen (tọa thiền) tự rèn luyện để có thể đạt gần đến cảnh địa giác ngộ của Thích Ca. Tuy nhiên Rinzaishuu chủ trương phải có thầy chứng minh cho và sử dụng các kôan (công án) như bài tập trên bước đường tìm về satori (giác ngộ). Ngược lại, Sôtôshuu thì cho rằng cứ ngồi xuống tọa thiền một cách bình thường thôi (gọi là shikan taza hay chỉ quản đả tọa) chẳng cần suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề tâm linh cũng đã đủ để tiến đến giác ngộ.

Dưới thời Kamakura, sự phát triển của Phật giáo cũng ảnh hưởng đến Thần đạo.Thần quan ở đền Ise (Ise Gekuu = Y Thế ngoại cung) tên là Watarai Ieyuki đã lập ra Ise shintô (Y Thế thần đạo). Lý luận của ông có tên là Shinpon Butsujaku setsu (Thần bản Phật tích thuyết). Còn gọi là thuyết Hanhonjisuijaku. Ý nói "Thần là chính, Phật chỉ là hình ảnh giả mà thần mượn tạm để hiện xuống trần gian". Nó diễn dịch một cách trái ngược lại lý luận Honji suijaku setsu (Bản địa thùy tích thuyết) của thời Heian xem "thần Phật Bản là Phật hay bồ tát ở bản địa. Phật mượn hình ảnh thần để cứu độ chúng sinh". Tuy nhiên cả hai đều có ý xem thần Phật đều là một (Thần Phật đồng thể). (Đến đời Meiji thì mới có thuyết "thần Phật phân ly" nhằm hạ bệ Phật giáo và nâng cao Thần đạo để phục vụ vương quyền). Tác phẩm chủ yếu của Watarai Ieyuki là Ruijuu Jingi Hongen ( Loại tụ thần kỳ bản nguyên, 1320, 15 quyển), sách về thần đạo, tập đại thành lý thuyết này.


Tăng Nichiren với tư tưởng Phật giáo nhập thế

Nói về lý luận mới thì phía Phật giáo cũng triển khai một số khác. Ví dụ tăng Jôkei (Trinh Khánh) tức Gedatsu shônin (Giải Thoát thượng nhân) của tông Hossô (Pháp Tướng) đứng trước cảnh hỗn loạn trong cuốc sống của giới tăng lữ đã cố gắng chấn chỉnh việc áp dụng giới luật. Tăng Kôben (Cao Biện) tức Myôe shônin (Minh Huệ thượng nhân) thì viết Saijarin (Tồi tà luân) [8] để phê phán Sentaku hongan nenbutsushuu (Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập) của tăng Hônen (Pháp Nhiên) hòng chấn hưng phái Kegon (Hoa Nghiêm) của mình. Còn phải nhắc đến tăng Ninshô (Nhẫn Tính) của Risshuu (Luật tông), người đã cho xây nhiều viện cứu tế bệnh nhân ở Nara, đặc biệt trại cùi Kitayama Juuhachi kendô. Học trò giỏi của cao tăng từ bên nhà Nguyên sang và đã khai sáng "Văn học năm chùa thiền" (Gozan bungaku) - Issan Ichinei (Nhất Sơn Nhất Ninh) - là Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện). Ông đã viết Genkô shakusho (Nguyên Hưởng Thích thư) để tóm tắt lịch sử Phật giáo. Đây là cuốn lịch sử Phật giáo (Thích thư) viết bằng chữ Hán đầu tiên ở Nhật Bản.
 

Tân Phật giáo Kamakura
Tông phái và chùa chính Khai tổ Trước tác quan trọng Giáo lý và đặc điểm của nó
Tịnh độ tông / Tri ân viện Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) Tuyển bạt bản nguyện niệm Phật tập, 1198) Chỉ cần chuyên chú niệm Phật là được cứu.
Bị cựu Phật giáo hãm hại.
Tịnh độ chân tông / Bản nguyện tự Shinran ( Thân Loan, 1173-1262) Giáo hành tín chứng, khoảng 1224) Thán Dị Sao (Duy Viên tức Yuien ghi chép) Dạy 2 điều căn bản: Nhất niệm phát khởi (chỉ cần niệm Phật một lần là đủ), Ác nhân chính cơ thuyết (kẻ làm việc ác lại có cơ duyên được cứu hơn cả)
Thì tông / Thanh tĩnh quang tự Ippen (Nhất Biến , 1239-1289) Lúc sắp chết, Ippen đốt hết trước tác. Qua việc tụng niệm Phật,gần gủi lớp bình dân. Liên kết với đền thần, du hành thuyết pháp nên đông người theo.
Nhật Liên Tông / Cửu viễn tự Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) Lập chính an quốc luận, 1260) Tuyển chọn kinh Pháp hoa để giảng đạo. Chủ trương tụng "Nam mô diệu pháp liên hoa kinh". Bài báng kịch liệt các tông phái khác.
Lâm Tế tông / Kiến Nhân tự Eisai (Vinh Tây, 1141-1215) Hưng thiền hộ quốc luận, 1198) Vừa tọa thiền, vừa ngẫm nghĩ về các công án thầy đưa ra và tìm cách giải quyết. Xem việc ngộ đạo là chính yếu.
Tào Động tông / Vĩnh Bình tự Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) Chính pháp nhãn tạng, 1231-1253) Chủ trương chỉ cần ngồi xuống tọa thiền cũng có thể ngộ đạo.Xa lánh quyền lực, đi về địa phương đặc biệt phát triển ở vùng Hokuriku.
Thời đại của các khai tổ (tương ứng với các cuộc loạn lạc, binh biến)
 
Loạn lạc, chiến dịch
Hogen
Heiji
Jishô, 
Juei
Jôkyuu
Hôji
Bunei
Kôan
Năm chiến loạn xảy ra
1156
1159
1180-85
1221
1247
1274
1281
Hônen (Tịnh độ tông)
1133
->
->
1212
     
Eisai  (Lâm Tế tông)
1141
->
->
1215
     
Shinran (Tịnh độ chân tông)  
1173
->
->
->
1262
 
Dôgen (Tào Động tông)    
1200-
->
1253
   
Nichiren (Nhật Liên tông)      
1222-
->
->
1282
Ippen (Thì tông)        
1239
->
1289

Như thế, ta thấy thời chiến loạn làm con người ta phải bám víu vào lòng tin tôn giáo để tìm một nguồn an ủi và giải thoát tâm linh. Đó cũng là một cơ hội tốt để các tông phái ra đời.

Văn học nghệ thuật thời Kamakura dĩ nhiên cũng mang dấu ấn của Phật giáo. Kể từ cuối đời Heian, Nhật Bản đã có một nền văn học gọi là setsuwa (thuyết thoại) hay truyện kể có tính cách răn đời và thuyết pháp. Vào cuối đời Kamakura, có tập tùy bút Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo) mà tác giả là một cư sĩ Phật giáo tên Urabe (Yoshida) Kenkô (Bốc Bộ Khiêm Hảo hay Kiêm Hiếu) cho biết đã viết trong lúc buồn buồn, không biết làm chi, để mặc ý tưởng trào ra đầu ngọn bút. Đây là một kiệt tác văn học mô tả một xã hội đầy biến động với giọng văn hết sức giản dị và tự do tự tại. Kenkô thuộc một gia đình làm chức quan giữ đền thần Yoshida Jinja ở Kyôto.

Người có công thu thập những truyện kể có tính răn đời khác là thiền tăng phái Rinzai (Lâm Tế) tên Mujuu (Vô Trú hay Vô Trụ). Ông đã viết Shasekishuu (Sa thạch tập), nôm na là "Góp nhặt đá cát". Với lối văn bình dị, ông đã có thể giúp đại chúng bình dân ai ai cũng có thể hiểu về công đức của nhà Phật. Bên cạnh đó là Uji Shuui Monogatari (Vũ Trĩ thập di vật ngữ) hay Truyện nhặt nhanh ở vùng Uji, một pho sách gồm những truyện kỳ quái có liên quan đến Phật sự lẫn đời thường.Tuy tên tuổi tác giả không được biết rõ nhưng vì nhan đề có hai chữ "thập di" nghĩa là "nhặt sót", người ta phỏng đoán nó bổ túc cho Konjaku Monogatari (Kim tích vật ngữ) hay "Truyện nay đã xưa" ra đời trước đó. Lại phải nói đến Kokon chômonjuu (Cổ kim trứ văn tập), tập "truyện hay nghe thấy xưa nay" của Tachibana no Narisue (Quất Thành Quý), tập đại thành 697 truyện về thần thánh, chánh đạo, trung thần nghĩa sĩ vv...Ngoài ra hãy còn có Jikkinshô (Thập huấn sao), tập truyện nặng màu sắc Nho giáo và có mục đích giáo dục lớp người trẻ.

Liên quan đến kiến trúc và mỹ thuật thì đã có tăng Chôgen (Trọng Nguyên) còn có tên là Shunjôbô (Tuấn Thừa Phường) [9]. Ông đã sang nhà Tống vào năm 1167 (Nin.an hay Ninnan 2), năm sau về nước một lượt với tăng Eisai (Vinh Tây). Về tới quê hương, ông  dồn tâm sức vào việc xây dựng lại chùa Tôdaiji (Đông đại tự). Để có tiền xây chùa, ông chuyên chú quyên tiền khách thập phương cho nên đời mới tặng cho biệt danh "Hoà thượng quyên góp" (Kanjin shônin hay Khuyến tiến thượng nhân). Trong khi tái kiến Tôdaiji, ông đã mô phỏng kỹ thuật gọi là Daibutsuyô (Đại Phật dạng) tức kiểu (dạng) xây chùa của miền nam Trung Quốc. Kết quả là ông đã để lại được một tác phẩm đặc sắc: cửa Nandaimon (Nam đại môn) của chùa Tôdaiji.Dạng thức kiến trúc đương thời còn có dáng thiền tông, gọi là Zenshuuyô (Thiền tông dạng). Chùa Kannonji (Quan Âm tự) trong xứ Kawachi(nay là phía đông Ôsaka) có một dáng nửa nọ nửa kia (setchuuyô = chiết trung dạng) pha trộn kiến trúc thiền tông với kiến trúc Phật giáo. Cũng nên nhắc đến kiểu kiến trúc thuần Nhật gọi là Wayô (Hòa dạng) của Rengeôin hondô (Liên hoa vương viện bản đường), được biết nhiều hơn dưới cái tên Sanjuusangendô (Tam thập tam gian đường).
 

Tính cách mạng của Phật giáo Kamakura

Ngoài tính kết hợp Thần Phật, Phật giáo thời Kamakura còn được biết đến với tinh thần cách tân, đại chúng, nếu không nói là cách mạng. Không phải dễ mà phát biểu được như Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212) là tất cả mọi người, từ kẻ phàm phu, nữ giới, ngay cả kẻ gian ác, chỉ cần mở miệng niệm Phật là sẽ được cứu. Ông không đòi hỏi tín đồ tu hành khổ hạnh. Theo ông, chỉ cần họ mở miệng khấn Nam mô A Di Đà Phật là có thể tự mở cánh cửa cõi Tây phương tịnh độ. Do đó, người tin theo ông chẳng mấy chốc mà lan rộng. Tiếng tăm đó đã khiến cho ông bị giới tu sĩ bảo thủ hãm hại, phải đi đày ở Shikoku mất 4 năm. Tuy ông là người kính cẩn, giữ giới luật nghiêm ngặt nhưng một người học trò của ông, Shinran (Thân Loan, 1173-1262) thì không thế. Shinran không phủ nhận dục tình, công nhiên lấy (nhiều) vợ, có con, ăn thịt và một thời đã hoàn tục. Tuy vậy, ông tự giác cái ác của mình và biết sám hối. Chính vì thế đại chúng trần tục mãi đuổi theo danh lợi và dục vọng cảm thấy Shinran gần gũi với họ hơn ai hết. Ông có tài hùng biện và là một tâm hồn thi sĩ. "Ác nhân chính cơ thuyết" của ông là một lý luận độc đáo. Nó chủ trương kẻ ác lại có cơ duyên thành đạo hơn người thiện.

Một nhân vật đặc sắc khác của Phật giáo Kamakura là Ippen (Nhất Biến). Ông khuyên người ta nên đi du hành, vừa niệm Phật vừa nhảy múa. Ông bảo chớ sợ địa ngục và đừng mong chi đi về cực lạc, hãy coi người chẳng khác chi ta và bỏ qua lợi hại, được mất. Người Phật tử trong quan niệm của Ippen như thế  là một chủ thể hoàn toàn tự do, không vướng mắc gì cả.

Phật giáo thời Kamakura còn đẻ ra nhiều nhân vật xuất sắc nữa: một Myôe (Minh Huệ) say mê tu hành đến nổi thành ra lớ ngớ vì quên hết thực tế cuộc sống, một Mongaku (Văn Giác) tuy là ân nhân và được Yoritomo kính trọng nhưng vì muốn cứu mạng Rokudai, hòn máu rơi của nhà Taira mà bị mạc phủ bắt đi đày, một Eizon (Duệ Tôn) dồn hết nhiệt tình hô hào chống giặc Nguyên, một Ninshô (Nhẫn Tính) cũng có công hoằng pháp và chống xâm lăng (cho dù hai Ninshô và Eizon thuộc phái Phật giáo bảo thủ của Nam đô lục tông).

Thời đại Kamakura cũng chứng kiến sự hưng thịnh của Thiền tông với Eisai (Vinh Tây, 1141-1215), người đã hai lần sang nhà Tống, ngoài đạo học còn đem trà Chiết Giang về trồng ở Uji, ngoại thành Kyôto, viết sách Khiết trà dưỡng sinh ký và sáng lập trà đạo. Ông có thể xem như khai tổ của cả hai tông Lâm Tế và Tào Động cho dù Thiền tông đã đến Nhật tự thời Saichô (767-822) [10] hay còn trước đó nữa. Eisai cũng muốn gắn bó Phật giáo với nhà nước khi chủ trương "hưng Thiền hộ quốc". Trái với điều người ta nghĩ về các thiền sư là những kẻ phóng túng, Eisai cũng giống như Myôe, Eizon và Ninshô, là người gìn giữ giới luật chặt chẽ.

Nổi tiếng không kém Eisai là Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253), hiệu Hy Huyền, khai tổ tông Tào Động (Sôtô). Ông sinh trong gia đình quí tộc Minamoto (Koga), cha là Nội đại thần Michichika, mẹ là bà Fujiwara Ishi, một trong nhưng phụ nữ đẹp nhất thời ấy nhưng hồng nhan mệnh bạc, hai lần phải kết hôn vì sách lược. Có lẽ ông đặc biệt chán ngán lợi danh vì chịu ảnh hưởng của người mẹ, ít khi chịu vào kinh đô. Ông trước học Eisai, sau khi thầy chết học Myôzen (Minh Toàn) là một sư huynh. Shôbô genshô (Chính pháp nhãn tạng) của ông là một tác phẩm cao siêu, khó hiểu nhưng hết sức quyến rũ người đọc. Ông chủ trương không cần thầy, không cần công án, người đi tu cũng có thể -như các vị cổ Phật - đạt được trạng thái "thân tâm thoát lạc" - chỉ bằng cách ngồi xuống tọa thiền.

Một nhân vật độc đáo của Phật giáo Kamakura là Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282). Ông sinh trong một gia đình đánh cá trung lưu nhưng tự xem mình là tiện dân. Đạo hiệu Nhật Liên kết hợp mặt trời, ánh sáng và nhiệt tình, với hoa sen, một loài hoa sống trong bùn mà vẫn giữ được sự thanh cao. Ông là con người cực đoan và tự cao nên bị thiên hạ ghét dù ảnh hưởng của ông còn truyền mãi lâu dài cho đến thời hiện đại. Ngoài Pháp Hoa Kinh là văn bản cơ sở của Phật giáo Nhật Bản từ đời Thái tử Shôtoku mà ông cho là độc nhất vô nhị, Nichiren phủ nhận, bài báng tất cả các kinh điển, tông phái khác một cách không khoan nhượng. Điều đó khiến cho Mạc phủ Kamakura phải đày ông ra đảo Sadô để tránh việc rối loạn trị an. Ông đặc biệt chống đường lối niệm Phật A Di Đà để được vãng sinh Tây phương cực lạc của Hônen và cho rằng chính cõi ta bà chúng ta đang sống, nơi Phật Thích Ca thành đạo, chứ không phải một nơi xa xôi nào khác, mới là cõi tịnh độ đúng nghĩa.Không cần Văn Thù hay Phổ Hiền bởi vì các địa dũng bồ tát, các bồ tát dân tộc dấy lên từ lòng đất, mới là kẻ có thể truyền bá lời giáo huấn của Thích Ca. Ông dạy chỉ cần niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là đủ. Những tác phẩm quan trọng của ông là Lập chính an quốc luận, Khai mục sao, Quan tâm bảo tôn sao, đều chứng tỏ ý hướng và nhiệt tình dấn thân chính trị. Nhichiren có 6 đệ tử giỏi nhưng về sau tiếp nối đạo pháp của ông xứng đáng nhất có lẽ là Nisshin (Nhật Thân, 1407-1488), một học trò đàn cháu. Ông đã mô phỏng Nichiren viết Lập chính trị quốc luận, vì tinh thần phi thỏa hiệp, từng bị Shôgun Ashikaga Yoshinori (Nghĩa Giáo) nổi cáu, bắt đội chão nóng (nabekamuri) lên đầu nhưng không hề nản chí.

Riêng về tông phái của Shinran, nhà sư độc đáo chẳng thua gì Nichiren, nó sẽ được duy trì và mở mang với một nhà truyền đạo tài ba, tăng Rennyô (Liên Như, 1415-1499). Rennyô nói chuyện hấp dẫn, có rất nhiều tín đồ đi theo. Ông còn là người chủ trương những ai một khi thành đạo (tự lợi) xong rồi đều có bổn phận lợi tha, hồi hướng những kẻ khác chưa giác ngộ. Ông dạy người ta nên niệm Phật để cảm tạ những gì mà mình nhận lãnh. Phải chăng vì chịu ảnh hưởng lời giáo huấn của Rennyô mà người Nhật ngày nay hay có tập quán mỗi lúc mỗi cám ơn trong cuộc sống hằng ngày.

Về nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, thời Kamakura là giai đoạn của các Nara busshi (Nại Lương phật sư) hay các nhà chạm khắc tượng Phật cho các chùa ở Nara như môn phái của Jôchô ((Định Triều). Nhân trùng tu của Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) mà họ đến định cư ở thành phố Nara và từ đó, mới mang danh hiệu (Nara busshi). Trường phái còn gọi là Keiha (Khánh phái) này đã có những tên tuổi lớn như cha con Unkei (Vận Khánh) Tankei (Đam Khánh), cũng như Kaikei (Khoái Khánh) . Pho tượng Kongo rikishi (Kim cương lực sĩ) ở Nam đại môn chùa Tôdaiji là công trình chung của Unkei và Kaikei. Ngoài ra, Unkei còn có tạc các pho tượng như Muchakuzô (Vô Trước tượng) và Seshinzô (Thế Thân tượng) cho chùa Kôfukuji nữa. Vô Trước và Thế Thân là tên hai vị tăng Ấn Độ sinh vào thế kỷ thứ 4 và là khai tổ của tông Pháp Tướng.
 

Phổ hệ các nhà điêu khắc tượng Phật (thuộc Keiha)

Jôchô (Định Triều) (Tác phẩm: tượng A Di Đà Như Lai ở Byôdôin Hôôdô)
(lược bỏ ba đời, truyền xuống) -> 
Kôkei (Khang Khánh) (Tác phẩm: tượng chư Phật ở Nam viên đường chùa Kôfukuji)
(truyền xuống 3 đại đệ tử) -> 
          1.   Unkei (Vận Khánh) Tác phẩm: tượng Kim cương lực sĩ chùa Tôdaiji và tượng Vô Trước chùa Kôfukuji).
          2.   Kaikei (Khoái Khánh) (Tác phẩm: tượng thần chiến tranh Hachiman dưới dạng nhà sư ở chùa Tôdaiji, tượng Kim cương chùa Tôdaiji thực hiện chung với Unkei).
          3.   Jôkei (Định Khánh) (Tác phẩm: tượng Duy Ma chùa Kôfukuji).
Riêng Unkei đã truyền xuống 4 đệ tử tên tuổi -> 
          1.   Đam Khánh (Tankei) (Tác phẩm: Tượng Quan Âm nghìn tay ở Regeôin tức Liên hoa vương viện)
          2.   Kôkei (Khang Khánh)
          3.   Kôben (Khang Biện) (Tác phẩm: tượng Thiên đăng quỷ, Long đăng quỷ ở chùa Kôfukuji).
          4.   Kôshô (Khang Thắng) (Tác phẩm: tượng tăng Kuuya tức Không Dã thượng nhân).

Nhìn chung, lúc Phật giáo mới thành lập, kỹ thuật khắc tượng dừng lại ở việc khắc lên gỗ (bokuchô), khắc lên gỗ mộc (shiragi) và "khắc trên một thân cây" (ichibokuzukuri). Mật giáo có nhiều tượng đẹp thuộc loại này. Tiến thêm một chút là kỹ thuật "tượngchắp cây" gộp nhiều mảnh khác nhau (yosegizukuri). Lúc đầu, người ta hay rập khuôn nhau nhưng lần hồi có những nhà tạc tượng độc đáo với phong cách  hiện thực như Unkei khi ông tạc tượng Shunjô (Tuấn Thừa) tức tăng Chôgen (Trọng Nguyên, 1121-1206). Sau đó, lại có loại tượng kim đồng (đồng dát vàng), tượng đất lõi gỗ, tượng sơn khô vv...Có tượng ngồi với ấn quyết Phật thiền định, có tượng đứng với ấn quyết Phật lai nghênh.Một nhận xét nho nhỏ là ở Nhật, ngoài tượng Phật còn thấy có nhiều tượng quỹ thần với bộ mặt hết sức hung hăng, giận dữ. Ngoài lý do ảnh hưởng của các tôn giáo khác và tư tưởng Thần Phật hỗn hợp lên trên Phật giáo, người ta ngờ rằng các nhà điêu khắc muốn đưa cả hình tượng của giới samurai vào tôn giáo, và đó là một đặc điểm có tính lịch sử. Riêng việc khắc gỗ còn có một ý nghĩa khác nữa. Người như Enkuu (Viên Không, 1632-1695) dù sống mãi về sau, rất chuộng tượng gỗ. Ông chủ trương tạc cho được nhiều tượng ( gỗ thì dễ tạc một cách tập thể như thế) và vì ông muốn mỗi tín đồ đều có một Đức Phật của riêng mình (ý nói mỗi người đều có khả năng thành Phật).

Về hội họa, tranh cuốn (hội quyển vật = emakimono) và tranh truyền thần (tiêu tượng = shôzô) rất được người ta yêu chuộng. Tranh truyền thần lúc ấy có tên là nie (tự hội). Có những họa sư chuyên vẽ loại tranh này như hai cha con Fujiwara Takanobu (Đằng Nguyên Long Tín) và Nobuzane (Tín Thực). Về tác phẩm của Takanobu thì có các bức chân dung của hai nhà chính trị Minamoto no Yoritomo và Taira no Shigemori mà gần đây có thuyết cho là không phải do ông sáng tác.Còn tác phẩm của Nobuzane thì có bức truyền thần Thái thượng hoàng Go Toba. Ông đã được gọi đến vẽ trước khi nhà vua bị đi đày sau khi thất bại trong cuộc binh biến năm Jôkyuu.
 
 


Tác phẩm điêu khắc của Unkei rất có thần

Cuối cùng, trong lãnh vực thư đạo thì đặc điểm của thời này là phong cách hỗn hợp giữa thư pháp Tống Nguyên và thư pháp thuần Nhật (Hòa dạng) gọi là Shôren.in-ryuu (Thanh liên viện lưu). Trường phái đó đã được Hoàng thân đã quy y Son.en (Tôn Viên nhập đạo thân vương) đề xướng đầu tiên. Về mặt công nghệ thì có các nghệ nhân như Myôjin (Minh Trân) có tài làm giáp trụ, những Awataguchi Yoshimitsu (Túc điền khẩu Cát quang) ở Kyôto, Okazaki Masamune (Cương kỳ Chính tông) ở Kamakura và Osafune Nagamitsu (Trường thuyền Trường quang) ở Bizen là các thợ giỏi nghề rèn đao kiếm. Tên tuổi trong ngành gốm sứ thì phải kể đến Katô Kagemasa (Gia đằng Cảnh chính) tức Katô Tôshirô (Đằng tứ lang) vùng Owari, người đi đầu trong việc sản xuất loại gốm gọi là Setoyaki ở thành phố Seto gần Nagoya bây giờ. Katô Kagemasa đã qua bên nhà Tống học hỏi rồi đem kỹ thuật mới về.

3.3  Giới bushi và việc ban phát đất đai

Ta đã biết dưới thời Kamakura, chính trị lưỡng nguyên đã được thi hành song song bởi triều đình và mạc phủ. Và ta cũng biết là sau cuộc biến loạn năm Jôkyuu, mạc phủ là kẻ thắng cuộc nên nắm được mọi vị trí ưu tiên. Dần dần, giới bushi theo họ đã tìm cách mở rộng địa hạt cai trị và trưng thu tuế cống. Không những họ đã gây ra thường xuyên những cuộc tranh chấp với các chủ trang trang viên và công lãnh mà còn có vấn đề đối với các bushi ở vùng ranh giới với lãnh địa của họ nữa.

Sau cuộc loạn năm Jôkyuu, các bushi về phe với mạc phủ được ân thưởng bằng cách bổ làm jitô (địa đầu) ở vùng Kinai (gần kinh đô) và miền Tây (Saigoku). Xưa xuất thân ở miền Đông (Tôgoku), nay ảnh hưởng của họ đã lan ra khắp toàn quốc.Trong quá trình bành trướng, họ đã đụng độ với những người chủ trang là triều đình và quí tộc. Tranh chấp ngày càng leo thang.Thực lòng mà nói, hồi thời chính trị của các shikken, sở dĩ mạc phủ có nhiều nỗ lực để cho sự tài phán được công bình và hợp lý cũng bởi vì họ không muốn để bùng nổ ra những tranh chấp như vậy.

Quyền chi phối đất đai trên toàn lãnh thổ dần dần lọt vào tay các jitô. Các chủ trang viên và công lãnh bèn đi khiếu nại với mạc phủ hòng ngăn chận việc các jitô lược đoạt tuế cống mà không chịu nộp cho họ. Tuy nhiên, mạc phủ còn có sức đâu mà chế ngự những jitô đã bám rễ vững chắc ở địa phương nên trên thực tế hầu như không can thiệp được gì cho có hiệu quả. Rốt cuộc, các chủ trang viên và công lãnh đành để kệ cho các jitô muốn điều hành, quản lý ra sao thì ra miễn là chịu ký giao kèo sẽ trả cho họ mỗi năm một món tuế cống nhất định nào đó. Chế độ này được gọi là Jitôukesho (Địa đầu thỉnh sở). Việc ký kết khế ước như vậy có khi còn kèm thêm điều khoản là jitô cũng phải được hưởng mộ phần huê lợi tương đương gọi là Shitaji chuubun (Hạ địa trung phần) đến từ phần đất và số nông dân mỗi bên cai quản một cách độc lập.

Thí dụ cụ thể về sự chia chác này có thể xem trong bản phác thảo (ezu) nhan đề Hôkikoku Tôgôshô nói về những gì đã xảy ra sau cuộc tranh chấp trong trang viên Tôgô (Đông hương trang) ở vùng Hôki (nay là tỉnh Tottori). Đó là một văn kiện thành lập vào giữa thế kỷ 13 ghi lại cách thức chia phần Shitaji chuubun nói trên với sự đồng thuận giữa jitô sở tại và chủ trang Tôgô. Nó phân định rạch ròi bằng những đường nét chỗ nào là đất ruộng, chỗ nào là khu rừng, chỗ nào là đất dành cho việc chăn nuôi, hoặc thuộc về jitô, hoặc là của chủ trang.

Trong trường hợp đó, mạc phủ không biết làm cách gì hơn là dựa theo những điều hai bên đương sự đã đồng thuận mà phân xử. Đó là cách thức mệnh danh wayo (hoà dữ) hay jidan (thị đàm) có nghĩa là...chỉ thị cho hai bên phải hòa giải. Thế nhưng điều đó còn có nghĩa là mạc phủ phải chiều ý và cho phép các jitô nay là kẻ nắm thực quyền, dần dà xâm lấn vào quyền lợi của chủ trang viên.

Tiết 4: Giặc Nguyên Mông. Sự suy vong của Mạc phủ Kamakura.
4.1 Giặc Nguyên:

Tựa như hồi chính quyền Heike, dưới thời Kamakura cũng vậy, giữa Nhật Bản và nhà Tống không hề có một quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên chuyện giữa hai bên thông thương với nhau hay không lại là một vấn đề khác.

Mậu dịch tư nhân và việc đi lại của các nhà buôn và giới tăng lữ vẫn được thực hiện trong giai đoạn ấy. Hai nước không ngừng giao thương và qua nhà Tống, Nhật Bản đã hội nhập được vào đời sống kinh tế khu vực. Thế nhưng lúc đó giữa lục địa và đảo quốc đã xảy ra một biến cố lịch sử quan trọng và sách vở Nhật Bản gọi là Genkô (Nguyên khấu).

Từ đầu thế kỷ 13, tộc Mông Cổ đã trở nên hùng mạnh ở cao nguyên Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Gengis Khan (Thành Cát Tư hãn). Ông đã thống nhất được hai hệ phái dân tộc là Mông Cổ (Mongol) và Thổ (Turk), xây dựng nên đế quốc Mông Cổ, chinh phục suốt một vùng từ Trung Á cho đến phía nam nước Nga.

Ngày nay, người Nhật vẫn còn nhắc đến một truyền thuyết, theo đó thì Đại đế Gengis Khan của Mông Cổ không ai khác hơn là danh tướng Minamoto no Yoshitsune, người đã dẹp được nhà Heike, vì bất hòa với anh mà phải trốn lên miền Đông Bắc ẩn náu rồi trôi dạt sang đại lục. Sở dĩ nhiều người tin theo thuyết đó bởi vì ngày sinh tháng đẻ của hai người chỉ cách nhau khoảng 2,3 năm.Từ cuối đời Muromachi (thế kỷ 16), dân gian đã truyền tụng chuyện Yoshitsune trốn thoát vào đất của người dân tộc thiểu số Ezo. Thế rồi từ thời Meiji trở về sau, với ý đồ biện minh cho tham vọng tiến chiếm đại lục, thuyết này lại được cổ súy hơn nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là một truyền thuyết trong dân chúng chứ không có chứng cứ khoa học.


Đại hãn Kubilai tức Nguyên Thế Tổ

Cháu gọi Gengis Khan bằng ông nội là Đại hãn Kubilai (Hốt Tất Liệt) sau khi viễn chinh ở Âu châu, đã diệt nước Kim ở phía bắc Trung Quốc và xây dựng được một đế quốc rộng lớn giăng ngang suốt đại lục Âu Á (Eurasia).Thế rồi để cai trị Trung Quốc, Kubilai mới thiên đô về Đại Đô (Bắc Kinh bây giờ) đặt quốc hiệu theo kiểu Trung Quốc là Nguyên. Chẳng những thế, năm 1279, ông đã thành công tiêu diệt lực lượng chống đối cuối cùng là triều đình của di thần nhà Tống trên đường đào vong về miền nam. Hơn 40 năm trước khi xua quân qua Nhật, ông đã nhiều lần xâm lược bán đảo Triều Tiên. Phía triều đình Cao Ly, một bộ phận của quân đội gọi là Sanbesshô (Tam Biệt Sao), trong lần tấn công năm 1259, đã không ngừng kháng chiến chống quân Nguyên nhưng đến năm 1273, lực lượng của Kubilai hoàn toàn dẹp yên họ.

Kết quả là sau đó, nhà Nguyên nhiều lần gửi yêu sách đòi Nhật Bản phải triều cống nhưng Nhật Bản không chịu khuất phục. Quân Nguyên mới phối hợp quân với quân Cao Ly thành một đội quân liên hợp để vượt biển sang tấn công họ. Đó là biến cố Genkô hay Giặc Nguyên trong sử Nhật.Có thể nói là vào thời kỳ này, ở vùng Đông Bắc châu Á, chỉ còn có mỗi Nhật Bản là chưa bị đặt dưới móng vuốt của triều đình nhà Nguyên. Thế lực quân viễn chinh nhà Nguyên lúc đó được gọi là Mukuri-Kokuri nghĩa là liên quân Mông Cổ Cao Ly nhưng ai cũng biết rằng người Cao Ly chỉ đi theo vì bị bắt buộc chứ vận mệnh của họ nào có hơn gì người Nhật.

Quân Nguyên đã tiến đánh Nhật Bản dưới thời shikken đời thứ 8 là Hôjô Tokimune (Bắc Điều Thì Tông). Danh từ Genkô (Nguyên khấu) hay "quân xâm lược Nguyên" thực sự do chỉ xuất hiện vào thời Edo (đầu thế kỷ 17 trở đi) phản ánh tinh thần bài ngoại của các nhà tư tưởng quốc học lúc đó.Liên minh Nguyên-Cao ly với khoảng 3 vạn binh đã tấn công đảo Tsushima (Đối Mã) và Iki (Nhất Kỳ) ngoài khơi biển Nhật Bản vào năm 1274 (Bun.ei 11) và sau đó một bộ phận lớn đã đổ bộ lên vùng vịnh Hakata phía bắc đảo Kyuushuu. Thế nhưng mạc phủ có nguồn tin chính xác nên đã cảnh giác đề phòng. Họ đã động viên các go-kenin có lãnh địa ở vùng này sẵn sàng nghênh địch. Trước chiến thuật tập hợp đông đảo binh sĩ và sử dụng võ khí tối tân của quân Nguyên, quân Nhật phải khổ chiến vì cho đến bấy giờ họ chỉ quen lối đánh xưng tên và một chọi một (ikkiuchi).

Thế nhưng phía quân Nguyên cũng bị tổn thất nặng nề trước sự đề kháng của bushi Nhật Bản.Thêm vào đó gặp lúc những cơn mưa to gió lớn mà ngày nay người Nhật thường nhắc đến với cái tên kamikaze hay thần phong. Vì không chịu nổi mưa gió, quân Nguyên đã phái tháo lui. Cuộc tiến công lần thứ nhất của quân Nguyên được mệnh danh là Bun.ei no eki (chiến dịch năm Bun.ei).

Sau đó, để chuẩn bị cho cuộc tấn công lần thứ hai của quân Nguyên, mạc phủ đã hạ lệnh lực lượng go kenin Kyuushuu lập chiến tuyến phòng thủ ở các nơi hiểm yếu dọc bờ biển Hakata. Chế độ đó gọi là Ikoku keigo banyaku (Công cuộc tăng cường canh phòng giặc nước ngoài) thiết lập vào năm 1275 (Kenji nguyên niên). Công cuộc canh phòng này thực ra đã có trước chiến dịch năm Bun.ei nhưng đã chế độ hoá sau đó nghĩa là được tăng cường và xem như bắt buộc.

Mạc phủ lại cho xây đắp dọc bờ biển Hakata những thành lũy để canh phòng (hourui) làm bằng đá (sekirui = thạch lũy). Để hoàn thành hệ thống công sự này, mạc phủ động viên không những go kenin mà cả toàn bộ các chủ trang viên vùng Kyuushuu.

Quân Nguyên từ khi tiêu diệt nhà Nam Tống, vào năm 1281 (Kôan 4) lại phái 4 vạn binh thuộc Đông lộ quân đến từ bán đảo Triều Tiên và 10 vạn Giang nam quân đến từ Trung Quốc, chia làm hai mặt giáp công đảo Kyuushuu. Đó là Kôan no eki (chiến dịch năm Kôan). Lúc đó một trận bão lớn đã nổi lên cản trở cuộc đổ bộ của quân Nguyên. Bị thiệt hại nặng, một lần nữa họ đành rút lui.

Hai lần thất bại cùng một kiểu, quân Nguyên đã lộ ra chỗ yếu kém về mặt thủy chiến.Ngoài ra sự thất bại của họ còn do sức đề kháng từ trong nước của dân chúng Nam Tống và Cao Ly cũng như sự chiến đấu dũng mãnh của bushi Kyuushuu được tổ chức tốt bởi mạc phủ.

Ngày nay người ta còn giữ lại được tập tranh cuốn nhan đề Môko shuurai emaki (Mông Cổ tập lai hội quyển) cho thấy cảnh kỵ binh Nhật Bản đã chiến đấu như thế nào trước quân Nguyên. Tương truyền nhân vật xuất hiện trong tranh là một go-kenin đất Higo (nay thuộc tỉnh Kumamoto), trẻ mới 29 tuổi, Takezaki Suenaga (Trúc Kỳ Quý Trường). Hình như chính nhân vật này đã kể lại chiến công cho họa sư của mình theo đó mà vẽ. Đó là một trong số những bằng chứng ít ỏi về cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông của dân tộc Nhật. Trong số vũ khí quân Nguyên dùng, có một loại được gọi là "tetsuhau", có lẽ một loại hỏa khí hay súng (teppô =thiết pháo?) thô sơ !


Bức tranh cuốn Môko Shuurai emaki 
tả cảnh kỵ binh Nhật giao chiến với quân Nguyên

Nhân vì còn lo ngại quân Nguyên còn sang đánh lần thứ ba, mạc phủ vẫn luôn luôn giữ thái độ cảnh giác.Go kenin ở Kyuushuu vẫn tiếp tục tăng cường việc biên phòng.Biến cố lịch sử này còn giúp cho mạc phủ giữ lấy quyền động viên quân đội (go kenin, bushi đi theo các chủ trang viên và công lãnh) trên toàn quốc, xưa nay hãy còn tùy thuộc ở triều đình.

Mạc phủ cũng lợi dụng danh nghĩa canh phòng giặc Nguyên để có cơ hội bành trướng thế lực của mình ra miền Tây, một nơi trước đây không phải là căn cứ địa của họ. Đặc biệt các nhân vật thuộc họ Hôjô được phái xuống Hakata trên đảo Kyuushuu để tham gia vào việc cai trị và tài phán, chỉ huy go-kenin, nhằm tăng cường thế lực Chinsei bugyô (Trấn tây phụng hành) và Chinzei tandai (Trấn tây thám đài) vốn được xem như là phủ thủ hiến và nha cảnh sát trên đảo.
 

Giặc Nguyên Mông và bài học lịch sử

Trước khi tiến đánh Nhật Bản, từ năm 1231, quân Nguyên đã dày xéo đất nước Triều Tiên (được gọi là Cao Ly hay Korea sau khi Wang Geon tức Vương Kiến lập quốc từ năm 918) trong suốt 30 năm. Tuy người Triều Tiên kháng cự rất mãnh liệt nhưng quân Nguyên đã làm chủ bán đảo. Vua Nguyên Tông nước Cao Ly dù ngoại giao khéo léo, rốt cuộc chỉ còn giữ được chút hư vị. Lần lượt chính quyền quân sự họ Choe (Thôi), các võ tướng yêu nước như Bak Seo (Phác Tề), Kim Nhân Tuấn, cha con Lâm Diễn, tăng nhân hoàn tục Gim Yun-hu (Kim Duẫn Hầu), bộ đội chủ lực Sambyeolcho (Tam Biệt Sao), quân nghĩa dũng xuất thân từ tầng lớp nông dân nô tỳ ... đều bị quân Nguyên đánh bại. Người Triều Tiên đã lập mưu chuyển triều đình ra ngoài đảo Giang Hoa (Gangwado, phía tây Seoul bây giờ) lợi dụng địa hình hiểm trở mà lánh nạn, và sau đó, cố thủ ở Jindo (Trân Đảo) thuộc Toàn La Đạo ở vùng cực nam bán đảo chống giặc nhưng cuộc kháng chiến không kéo dài được bao lâu. Trung Liệt Vương lên kế vị Nguyên Tông cũng bị mất chức hoàng đế, chỉ còn giữ được tước vương. Tờ chiếu vua ban chỉ còn giá trị một tờ trình. Thuở nhỏ bị bắt làm con tin ở triều đình nhà Nguyên nên hoàng hậu của ông là một công chúa Mông Cổ. Tuy mang tiếng là vua dân Triều Tiên nhưng áo xống, đầu tóc của ông đã rập khuôn theo kiểu Mông Cổ. Người kế vị ông trong tương lai ắt sẽ có dòng máu Mông Cổ của mẹ mình.

Lúc đó, nhà Nguyên năm lần gửi sứ giả sang Nhật dụ lãnh đạo nước ấy (Mạc phủ Kamakura) vào chầu, một mặt bắt người Triều Tiên đóng thuyền, nạp lương và trưng binh đề chuẩn bị tấn công. Khi sứ giả cuối cùng thất bại trong việc dụ hàng trở về, đầu năm 1274, Nguyên Thế Tổ đã bắt người Triều Tiên đóng 900 chiến thuyền lớn nhỏ dùng vào việc quân. Nhà Nguyên huy động 2 vạn binh gồm lính Mông Cổ, Nữ Chân và hàng binh nhà Tống (gọi là Man tử quân). Ngoài ra còn có thêm 1 vạn binh và phu trạo Triều Tiên. Tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Mông Cổ Hân Đô với sự phụ tá của 2 hàng tướng Hồng Trà Khâu và Lưu Phục Hưởng. Tướng Kim Phương Khánh chỉ huy quân Triều Tiên tham chiến. Lần ra quân đầu tiên, tuy có phá được quân Nhật ở các đảo nhỏ nhưng thuyền của họ bị sóng to gió lớn, đành bỏ lại tàn binh và tháo thân về Hợp Phố. Thua keo đó, nhà Nguyên lại bày keo khác. Số là khi ấy, bên Trung Quốc, quân Nguyên đã vào được thành Lâm An (1275), Tống Cung Tông chịu hàng phục. Họ tiếp tục quét sạch tàn quân Tống của Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt đang chạy về phía Nam, làm cho Đế Bính - ông vua cuối cùng của Nam Tống - phải gieo mình xuống biển ở Nhai Sơn (Quảng Đông). Xong việc đó, Thế Tổ rảnh tay mặt trận phương nam, bèn dồn sức đánh Nhật Bản lần thứ hai (1281). Khi thấy hai lần liên tục sứ giả thuyết hàng mình gửi qua đều bị người Nhật chém đầu, Thế Tổ quyết tâm gửi đi một lực lượng trận thật lớn. Đội quân lần này chia làm 2 đạo: đạo thứ nhất gọi là quân Đông Lộ do Hân Đô và Hồng Trà Khâu chỉ huy gồm 4 vạn binh Mông-Ly-Hán (Mông Cổ, Cao Ly và Trung Quốc miền bắc) xuất phát từ cảng Gappo (Hợp Phố) của Triều Tiên, đạo thứ hai (Man tử quân) do A Thích Can và hàng tướng Nam Tống là Phạm Văn Hổ điều binh phát xuất từ Giang Nam. Ngày hẹn gặp nhau ở đảo Iki để hành động chung, nhân vì tướng chỉ huy ốm, quân Giang Nam không đến kịp. Quân Đông Lộ coi thường kế hoạch đã định, xuất quân chiến đấu một mình và gặp phải sức đề kháng dữ dội của quân dân Nhật Bản trên chiến lũy Hakata. Người Nhật lại thừa lúc tối trời dùng thuyền nhẹ và hỏa công để tập kích thuyền lớn của địch. Cuộc chiến đấu đã diễn ra liên tiếp một tuần lễ, hai bên chết hại rất nhiều. Đợi mãi quân Giang Nam vẫn không tới (thật ra quân tiền phương đã đi lạc sang đảo Tsushima). Gặp lúc trời viêm nhiệt sinh bệnh dịch, tàu bè lại bị hư hại, quân Đông Lộ biết không thắng nổi bèn rút về đảo Iki nhưng quân Nhật bám theo không tha. Đến khi quân Giang Nam tới nơi thì vừa vặn hứng trận bão lịch sử gọi là Thần Phong (Kamikaze) ngày 30 tháng 6 Âm lịch năm đó. Nó đã quét sạch đoàn thuyền của quân Nguyên, làm chìm gần hết 4.000 chiếc. Thuyền bè vỡ nát (thuyền Giang Nam cũ kỹ, chất lượng kém hơn thuyền Đông Lộ mới đóng), binh sĩ chết nhiều vô kể. Con số bị bắt làm tù binh lên đến 2, 3 vạn. Chưa đổ bộ lên đất Nhật mà 14 vạn binh đã bị tiêu diệt, về tới quê nhà chỉ vỏn vẹn 3 vạn mấy nghìn.

Hai trận viễn chinh đưa đến một kết quả tương tự vì sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên mặt biển và ô hợp trong tổ chức. Thế nhưng nhà Nguyên còn dự trù một cuộc phiêu lưu thứ ba. Lúc ấy trong nội bộ của họ, người Trung Quốc ở các địa phương Giang Nam đang nổi dậy. Điển hình là cuộc loạn nông dân ở Quảng Đông tháng 9 năm 1283 hay cuộc loạn của quân Phổ Đà ở Phúc Kiến vào tháng 10 cùng năm, với chiêu bài lập lại nhà Tống. Cũng phải nói nhà Nguyên đã mất tự tin nhiều sau những cuộc thất bại ở Việt Nam và Chiêm Thành. Do đó, đến năm 1284, Thế Tổ bèn hạ lệnh bãi bỏ Chinh Đông hành tĩnh và chấm dứt ý định tiến quân qua Nhật Bản lần thứ ba. Một điều đặc biệt là ở ba nước Đông Á nạn nhân của quân Mông Cổ, người ta đều dựa vào sức Phật giáo để kháng chiến. Họ Thôi (Choessi), tập đoàn quân nhân lãnh đạo triều đình Cao Ly lúc đó đã cho khắc mộc bản Palman Daejanggyong (Bát Vạn Đại Tạng Kinh) trên đảo Giang Hoa, mất 16 năm, bù đắp việc quân Mông Cổ phá chùa, đốt kinh, hủy hoại văn hóa. Vua Trần Nhân Tông, người anh hùng nước ta, là người sùng Phật, sau đã đi tu, trở thành tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Còn chư tăng Nichiren (Nhật Liên), Eizon (Duệ Tôn) và Ninshô (Nhẫn Tính) thì vừa truyền đạo, vừa cổ xúy dân Nhật đứng lên chống xâm lăng.

Bài học lịch sử của những cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông chứng tỏ rằng đối với những kẻ xâm lược, chỉ có bạo lực mới trả lời được bạo lực. Vua quan nhà Nguyên tỏ ra mền nắn rắn buông. Hơn nữa, ta còn thấy rằng chính thế thế liên hoàn không hẹn mà gặp giữa các nước bị tấn công trong khu vực đã làm tham vọng đế quốc Nguyên Mông bị xẹp lại.

4.2  Chuyên chính của tộc trưởng

Một khi sức mạnh của Mạc phủ Kamakura đã lan rộng khắp nước thì, như một hệ luận, quyền bính của gia đình shikken Hôjô cũng theo đó mà bành trướng. Đích tử của dòng chính nhà Hôjô (chakuryuu = đích lưu) được giữ chức tộc trưởng (katoku =gia đốc) và có tên là tokusô (đắc tông). Người gọi là tokusô có quyền hạn vô cùng to lớn. Không những thế, gia thần trực tiếp của gia đình tokusô ấy - gọi là miuchibito (ngự nội nhân) - cũng dựa thế chủ mà lừng lẫy, thường đối địch cả với gia thần của Shôgun. Đến đời con trai của Tokimune là Hôjô Sadatoki (Bắc Điều Trinh Thì, shikken thứ 9, 1271-1311) thì xảy ra cuộc biến loạn năm Kôan thứ 8 (1285). Go kenin có thế lực là Adachi Yasumori (An Đạt Thái Thịnh) đã bị một miuchibito chức uchikanrei (nội quản lĩnh, đứng đầu các miuchibito, kiêm cả việc phò tá shikken lúc đó mới có 14 tuổi) tên Taira no Yoritsuna (Bình Lại Cương) sát hại. Sử gọi là "cuộc biến động tháng sương giáng" (shimotsuki no sôdô mà shimotsuki =sương nguyệt hay sương giáng nguyệt, ý nói tháng 11 âm lịch).

Sau đó, shikken (và cũng là tokusô) Sadatoki (nguyên là cháu gọi Adachi Yasumori bằng cậu) đã tru diệt tập đoàn Taira no Yoritsuna, đem uy tín về lại cho chức shikken. Kể từ ấy, hình thức chính quyền trong đó chức trưởng tộc (tokusô) nắm quyền tuyệt đối, bên dưới lại có các go-kenin đứng đầu là uchikanrei (nội quản lãnh) phò tá, đã được nối tiếp trong một thời gian dài. Hình thái này có tên tokusô sensei seiji hay "chính trị chuyên chế của tộc trưởng". Lúc đó hơn phân nửa địa vị shugo (thủ hộ, nghĩa là người nắm binh quyền) trên toàn quốc đều do con cháu nhà Hôjô độc chiếm. Không những thế, các chức jitô (địa đầu) cai quản ruộng đất cũng toàn là kẻ xuất thân từ gia đình họ.

4.3  Xã hội thay đổi. Mạc phủ Kamakura suy thoái:

Thế nhưng Mạc phủ Kamakura rồi cũng bước vào thời kỳ suy thoái. Lý do là hoàn cảnh xã hội thay đổi làm cho mạc phủ yếu đi nhiều. Thời điểm đó bắt đầu vào lúc giặc Nguyên sang đánh Nhật Bản.

Chế độ trang viên công lãnh được hoàn thành vào thời Heian hậu kỳ trước đây đã tạo ra một số thể chế xã hội và thể chế này lại ảnh hưởng đến chính trị của mạc phủ cũng như nông nghiệp và thương nghiệp.

Về nông nghiệp thì vào thời Kamakura, kỹ thuật canh nông đã có nhiều phát triển. Nhân vùng Kinai (gần kinh đô) và miền Tây là nơi khí hậu tương đối ấm áp cho nên nông dân bắt đầu canh tác hai vụ (nimôsaku = nhị mao tác, còn gọi là nhị kỳ tác). Nimôsaku có nghĩa là luân phiên trồng lúa gạo (paddy) và trồng một thứ gì khác ví dụ như đại mạch (barley) hay tiểu mạch (rye) cùng trong năm. Sau khi đã gặt lúa xong rồi thì họ để dành đất để trồng lúa mạch (vụ mùa này gọi là "vụ lót" hay urasaku mà ura có nghĩa là đằng sau hay bên trong). Có khi còn canh tác ba vụ (gọi là sanmôsaku) và lần này, người ta trồng soba (kiều mạch, buckwheat).Vào thời Muromachi, những vạt đất canh tác theo phương thức tiên tiến có thể đạt tới ba vụ mùa. Sự kiện này đã được ghi lại trong báo cáo của sứ thần Triều Tiên đến Nhật năm 1420 (Ôei 27).

Thời Kamakura cũng là giai đoạn mà việc sử dụng nông cụ bằng thép và sức kéo của bò ngựa trong nông nghiệp được phổ biến. Phong cảnh dắt bò đi cày thường thấy trong các bộ tranh cuốn (emaki) đương thời mà Matsuzaki Tenjin Engi Emaki ( tranh cuốn nói về việc xây cất đền thần Matsuzaki Tenjin) là một ví dụ tiêu biểu. Cũng vào thời kỳ này, người ta đã biết cải thiện việc dùng phân bón, nhất là việc dùng phân xanh bằng cách cắt cỏ trên rừng núi rồi đem trải đều trên ruộng (gọi là phương thức karishiki (kari =cắt, shiki = trải ra). Họ cũng biết đốt cây cỏ lấy tro làm phân bón ruộng. Loại phân bón này có cái tên chung là sômokukai ( thảo mộc hôi = tro cây cỏ).

Ngoài việc đồng áng, nông dân thời ấy còn làm thêm những nghề phụ như trông cây vừng dầu (egoma) để lấy nhiên liệu thắp đèn, họ còn biết dệt các thứ tơ và gai. Sinh hoạt nông dân Kamakura dần dần sung túc lên. Thời đó cũng xuất hiện nhiều thợ thủ công nghề rèn (kaji), đúc (imoji), nhuộm lam (kôya, konya).

Những người thợ này, hoặc sinh sống trong chòm xóm ở nông thôn, hoặc đi đến các vùng chung quanh để hành nghề.Thế rồi họ lần lần tiến ra các vùng đất có trang viên công lãnh hay những trục giao thông quan trọng, trước cửa (monzen =môn tiền) các chùa chiền, bán những đồ vật mình làm ra vào những phiên họp mặt có tính cách định kỳ.Những cuộc họp mặt thời ấy thường xảy ra 3 lần trong một tháng nên có tên gọi là sansaìchi (tam trai thị). Trong những phiên chợ ở các địa phương thì vừa có sản vật đặc biệt của địa phương ấy và lúa gạo, có đồ dệt và thủ công nghệ từ trung ương do những người đi buôn dạo (gyôshô =hành thương) [11] mang đến. Những người đi buôn dạo như thế xuất hiện đông đảo ở những nơi thị tứ như Kyôto, Nara, Kamakura và buôn bán những đồ thủ công cao cấp. Ngoài những chợ định kỳ lại có những chợ họp thường xuyên với những ngôi tiệm nho nhỏ. Nơi đây người ta trưng bày sản phẩm trên quầy cho khách xem (mise). Các quầy (tana) ấy gọi là misedana, nguồn gốc của chữ mise là "cửa hiệu" ngày nay.

Những nhà buôn và thợ thủ công này vào khoảng giai đoạn sau của thời Heian trở đi đã họp lại dưới sự che chở của hoàng thất, quí tộc hay đại tự viện thành những tổ chức có tính hội đoàn gọi là za (tọa hay tòa). Nhờ có thế lực đứng sau lưng như thế bảo vệ, họ có thể giữ đặc quyền sản xuất hay buôn bán trong phạm vi một vùng nào đó.

Khi thương nghiệp đã được bành trướng đến mức đó rồi thì những người sống cách xa nhau đẻ thêm nhu cầu tìm cách trao đổi hàng hóa giữa họ.Vùng phụ cận như ven sông, ven biển và các trục giao thông đóng vai trò kết nối chuyển giao (nakatsugi) lớn trở nên khu vực sầm uất. Nghiệp vụ bán hộ cho hay chuyên chở hàng hóa (toimaru, toi) cũng phát đạt. Hóa tệ, phương tiện đối chác mới đã thay thế cho các hiện vật như lúa gạo chẳng hạn. Người ta chuộng tiền đồng đời Tống và đã nhập khẩu rất nhiều để chi dụng trong mục đích đó. Lý do người ta phải nhập tiền nước ngoài vào vì nhà nước luật lệnh đã chấm dứt việc đúc tiền mới ở quốc nội từ sau khi phát hành Càn Nguyên đại bảo, loại tiền cuối cùng trong Hoàng triều thập nhị tiền.

Để đẩy mạnh việc thông thương với cự ly xa, người ta dùng thêm một kỹ thuật mới để thay thế việc phải thanh toán bằng tiền mặt. Đó là kawase (còn đọc là kawashi) tức một hình thức hối đoái. Một nghề mới đã được sinh ra, đó là nghề cho vay lấy lãi. Nhiều người kinh tài theo lối đó, người ta gọi họ là những kashiage. Kinh tế hóa tệ lúc đó cũng không khác gì ngày nay, hóa tệ không những trở thành một phương tiện thanh toán cho người đi buôn mà ngay cả việc nộp tuế cống hay thu thuế cũng phải thông qua nó.

Khi sinh hoạt dân chúng đã tiến hóa đến thế rồi thì sự thay đổi tư duy của họ là việc không tránh khỏi.Người ta bắt đầu thấy nông dân biết kết hợp hành động nhằm chống đối sự áp chế và bách hại của chủ nhân các trang viên hay jitô của các lãnh địa.

Không thiếu gì những ví dụ như thế. Dân chúng hoặc kết hợp để đi đấu tranh, để khiếu kiện hoặc cùng kéo nhau bỏ trốn. Ngoài ra, những jitô trong vùng Kinai và chung quanh vốn đối đầu với các chủ trang viên lãnh địa, giới bushi đứng ngoài tầng lớn go-kenin nay trở nên hưng thịnh. Hai loại người này đã dùng võ lực để chống lại việc chủ trang viên đòi nạp thu tuế cống. Hai loại người đó được mệnh danh là akutô (ác đảng). Các nhóm akutô có khuynh hướng bành trướng ra khắp nơi, rốt cuộc cùng với những cuộc vận động trong đám nông dân , họ đã bắt các chủ trang viên và mạc phủ phải đối diện với một vấn đề nhức nhối.

Nền kinh tế dựa trên sản xuất nông phẩm và giao thương các phẩm vật nói chung càng phát triển thì càng thúc đẩy đời sống xã hội thay hình đổi dạng. Mạc phủ từ đó phải tìm ra lời giải đáp cho những bài toán khó khăn mà thời đại đặt ra cho họ.

Trước tiên, vấn đề của mạc phủ là làm sao có đủ đất đai để mà phong thưởng thêm cho các go-kenin đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông.Không ban thưởng đầy đủ, mạc phủ đã bị mất uy tín trước đám bầy tôi của mình.Họ đang gặp nguy cơ đánh mất lòng tin tưởng mà họ đã mất nhiều thời gian để xây đắp.

Mặt khác, trong lúc ấy, các go-kenin vẫn tiếp tục cha truyền con nối và phân chia tài sản cho các thế hệ đến sau theo kiểu bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục = cắt đất chia cho người thừa kế) nên đất phong của họ càng ngày càng bị xẻ ra từng mảnh nhỏ. Trước nền kinh tế chịu sự chi phối của hóa tệ, cuộc sống của những kẻ thừa kế chỉ có thể nói là nghèo khổ, khốn cùng. Có thể nói đây là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà cuộc xâm lăng của quân Nguyên đã để lại.

Với mục đích giải quyết vấn đề đó, mạc phủ đã dùng một phương tiện pháp lý hòng cứu vớt các go-kenin đang gặp cảnh khó khăn. Đó là công bố sắc lệnh mang tên Einin no tokuseirei (Vĩnh Nhân đức chính lệnh) vào năm 1297 (Einin 5). Nội dung của nó trước nhất là cấm cản việc đem đất phong cho các go-kenin làm vật buôn qua bán lại hay cầm cố. Còn như đất cát đã lỡ đem đi cầm bán trước đây thì người chủ mới bắt buộc phải trả lui lại cho họ mà không được đòi hỏi tiền bạc chi cả. Thứ đến, sắc lệnh cho biết sẽ cơ quan trông coi việc tố tụng sẽ không thụ lý bất cứ khiếu tố nào về tiền bạc có liên quan đến các go-kenin.

Mạc phủ mạnh tay che chở cho go-kenin như thế nhưng tiếc thay, trên thực tế, sắc lệnh này lại không có kết quả bao nhiêu. Nó chỉ làm cho go-kenin gặp thêm khó khăn vì "đức chính lệnh" này đã không cho phép họ đem đất đai thuộc về mình tự do bán đi hay cầm cố để có chút tiền sinh sống. Nó lại còn cấm những chuyện gọi là osso (việt tố, tái thẩm) mà mục đích là để bảo vệ go-kenin. Tuy vậy, nó đã làm cho những người cho vay cạch mặt không muốn dính líu đến chuyện tiền bạc với họ nữa. Go-kenin đã bất mãn nay càng bất mãn thêm.
 

Nội dung pháp lệnh Tokuseirei năm Einin 5 (1297)

Bối cảnh: 1 Kinh tế hoá tệ, 2 Phân chia đất thừa kế, 3 Giặc Nguyên Mông à Cuộc sống khốn cùng của tầng lớp bushi.

Nội dung: 1 Cấm việc xử lại (tái thẩm), 2 Cấm đem đất phong cầm cố hoạc mua qua bán lại, 3 Không thụ lý những cáo tụng tiền bạc liên quan đến go-kenin, 4 Giữa go-kenin với nhau, trả đất đã mua bán chưa đầy 20 năm lại mà không lấy bồi thường, 5 Giữa go-kenin và hi-gokenin hay bongei (phàm hạ = thường dân), phải trả lui vô điều kiện cho go kenin tất cả đất cát cầm bán.

Kết quả: 1 Kinh tế hỗn loạn (đình chỉ việc áp dụng chỉ sau một năm ban bố trừ việc go kenin được lấy lại đất mà không phải trả tiền lui), 2 Mọi người (go-kenin , hi-gokenin lẫn bonge) đều bất mãn, muốn phản lại mạc phủ.

Trong khi các go-kenin cấp nhỡ và cấp thấp đi đến chỗ suy vi, có những thế lực bushi biết khôn khéo lợi dụng tình hình kinh tế thuận lợi đã trở nên vững mạnh. Đặc biệt là những viên shugo (thủ hộ, như tổng binh ở địa phương) mà biết thu nạp các go-kenin sa sút vào dưới trướng đã vươn lên dễ dàng hơn cả.

Đứng trước sự lung lay của chính quyền mình, các tokusô họ Hôjô thấy cần phải thi hành một chính sách độc đoán. Tuy nhìên, càng đẩy mạnh chuyên chính, hậu quả càng ngược lại. Họ chỉ mua lấy sự bất mãn của tầng lớp go-kenin, nguy cơ diệt vong chỉ còn là chuyện sẽ xảy ra một sớm một chiều.

Tiết 5: Mạc phủ Muromachi thành hình.
5.1 Mạc phủ Kamakura diệt vong

Vào khoảng giữa thời Kamakura, trong hoàng thất đã xảy ra việc Thiên hoàng Go Saga (Hậu Tha Nga) nhường ngôi cho con cả của ông là Thiên hoàng Go Fusakusa (Hậu Thâm Thảo) và trở thành thái thượng hoàng, thực hành viện chính. Thế nhưng sau đó, Go Fukakusa lại nhượng vị cho người em yêu là Thiên hoàng Kameyama (Quy Sơn) - nhường ngôi theo chiều ngang - thì lúc đó hoàng tộc phân rẽ thành hai nhánh. Một đằng nhánh của Go Fusakusa có tên là nhánh Jimyôintô (Trì Minh Viện thống) và nhánh của Kameyama có tên là Daikakujitô (Đại Giác Tự thống), theo như tên nơi những người trong bọn họ sinh sống sau khi rời ngôi.

Việc nối ngôi cũng như thi hành viện chính giữa hai nhà trở thành đầu mối của tranh chấp và bất hòa. Mạc phủ mới đưa ra đề án hòa giải bằng cách yêu cầu hai nhà "thay phiên" nhau làm vua. Việc đó sử Nhật gọi là ryôtô tetsuritsu (lưỡng thống điệt lập, mà điệt có nghĩa là thay phiên).

Sự luân lưu giữa hai dòng thúc bá như thế kéo đến năm 1318 (Bunpo 2), lúc Thiên hoàng Go Daigo (Hậu Đề Hồ) tức vị. Ông là một người thuộc hoàng thống Daikakuji (dòng nhà chú). Thiên hoàng Go Daigo là một người tính rất quả quyết, từng học lý luận về đại nghĩa danh phận của Tống Nho nên chủ trương đã là thiên hoàng thì phải nắm thực quyền. Với mục đích như vậy, ông mưu đồ việc thảo mạc tức đánh đuổi mạc phủ.

Một nguyên nhân gần của việc ấy là vào thời kỳ đó, chức uchikanrei (nội quản lãnh) là Nagasaki Takasuke (Trường Kỳ Cao Tư) mới là kẻ nắm thực quyền chứ không phải là shikken Hôjô Takatoki (Bắc Điều Cao Thì) nữa. Thế nhưng chính trị mạc phủ đương thời chỉ làm cho go-kenin (ngự gia nhân) bất mãn và akutô (ác đảng) lộng hành. Đối với nhà vua, có thể xem như thời cơ đã đến lúc chín mùi cho việc thảo mạc.

Thiên hoàng Go Daigo bắt đầu chuẩn bị kế hoạch đảo chánh vào năm 1324 (Shôgen nguyên niên) nhưng đã để tiết lộ bí mật nên thành ra thất bại trước khi cử sự. Đó là việc mà sử gọi là Shôchuu no hen (biến cố trong năm Shôgen, Chính Nguyên).Kết quả là Hino Tsuketomo (Nhật Dã Tư Triều), một bầy tôi thân tín bên cạnh thiên hoàng đã bị bắt và đày ra vùng Sado (thuộc tỉnh Niigata ngày nay). Sau đó lại xảy thêm biến cố gọi là Genkô no hen, những cận thần dính líu lần này bị xử chém.

Genkô no hen đã xảy ra vào năm Genkô (Nguyên Hoằng) nguyên niên (1331), lần thất bại này đã khiến cho Thiên hoàng Go Daigo bị đưa ra an trí ngoài đảo Oki (Ẩn Kỳ, nay thuộc tỉnh Shimane nhìn ra biển Nhật Bản). Mạc phủ lập Thiên hoàng Kôgon (Quang Nghiêm), người của phía nhà bác tức dòng Jimyôin.


Ashikaga Takauji, người khai nghiệp Mạc phủ Muromachi

Thế nhưng mạc phủ Kamakura không sao ngăn cấm được những thế lực phản mạc phủ đang nổi dập mạnh mẽ khắp nơi.Tướng Ashikaga Takauji (Túc Lợi, Cao Thị), người mà mạc phủ gửi xuống vùng Kinai (gần kinh đô) để bình định phiến loạn, đã đánh giá tình thế bất lợi nên trở giáo đánh lại mạc phủ. Ông tấn công hành dinh Rokuhara tandai (như phủ thủ hiến đặt ở Kyôto). Vùng Kantô lại có Nitta Yoshisada (Tân Điền, Nghĩa Trinh, cùng dòng dõi Genji như Ashikaga Takauji) xua quân tấn công ngay bản doanh Kamakura. Đến năm 1333 (Genkô 3) thì một nhà Hôjô từ Takatoki trở xuống đều bị tiêu diệt. Giai đoạn Mạc phủ Kamakura như thế đã hoàn toàn chấm dứt.

5.2 Vương thất trung hưng đời Kenmu

Sau khi Mạc phủ Kamakura bị diệt vong, Thiên hoàng Go Daigo liền hồi loan. Ở kinh đô, ông bắt đầu chính quyền mới thời Kenmu (Kiến Vũ). Lý do là năm sau khi trở lại, ông đã đổi niên hiệu thành Kenmu.

Niên hiệu Kenmu vốn phỏng theo niên hiệu của Hán Quang Vũ khi ông phục hưng được nhà Hán. Ngoài việc thay đổi niên hiệu, Go Daigo còn có tham vọng xác định quyền hạn của hoàng gia với những kế hoạch xây dựng cung điện mới (daidairi = nội đại lý), phát hành tiền đồng, tiền giấy vv...

Mục đích của cuộc trung hưng đời Kenmu là việc thiên hoàng thân chính, tự mình trị nước. Do đó, ông phế bỏ các chức sesshô và kanpaku, tàn dư của chính trị sekkan. Ông cho rằng chính trị lý tưởng của hoàng gia là thời đại hoàng kim của 2 thiên hoàng Daigo, Murakami cho nên mới lấy hiệu là Go Daigo để kế tục sự nghiệp của tổ tiên mà ông sùng kính.


Thiên hoàng Go Daigo với giấc mộng trung hưng

Về cơ cấu chính quyền mới, Go Daigo cho thiết lập một cơ quan trung ương tối cao tên là Kirokusho (Ký lục sở) để đảm đương chính vụ. Tuy nhiên trên thực tế, vào thời kỳ này, do ảnh hưởng có từ lâu dài của Mạc phủ Kamakura, chính quyền mới vẫn phải duy trì thêm một ít lâu cung cách của nó. Zasso Ketsudansho (Kết tố quyết đoán sở) như thể tiếp nối cơ quan Hikitsuke, cơ quan tài phán của đời trước. Triều đình vẫn còn phải bổ nhiệm các chức shugo (thủ hộ) để lo việc trị an ở các tiểu quốc. Mặt khác, ở vùng Ôu (Áo Vũ) và Kantô (Quan Đông), nhà vua lại thiết lập Mutsu Shôgunfu (Lục Áo tướng quân phủ) và Kamakura Shôgunfu, giao cho các hoàng tử của mình ra đó chỉ huy.Trên thực tế thì đây là một thứ "tiểu mạc phủ" và người cầm đầu nó vẫn phải trọng dụng các bushi xuất thân từ cựu mạc phủ.

Lúc đầu khi thiên hoàng trở lại cầm quyền, ông ra pháp lệnh rằng tất cả quyền sở hữu đất đai đều phải ghi trong các rinshi (luân chỉ) tức giấy cho phép của thiên hoàng thông báo trực tiếp bởi cận thần của thiên hoàng đến các đương sự. Kể từ đó, việc sở hữu điền địa ở đâu đều phải được thiên hoàng nhìn nhận. Thế nhưng, khi làm như thế, thiên hoàng đã phủ nhận những tập quán của xã hội quân nhân, làm cho nội tình chính trị bất an và khiến các vũ sĩ đâm ra chống đối.

Trong bộ luật cơ sở của mạc phủ, Go seibai shikimoku ra đời năm 1232, điều 8 có ghi rằng "nếu như người chủ đất hiện nay trên thực tế đã giữ liên tục một mảnh đất trên 20 năm thì quyền sở hữu ưu tiên của người đó trên miếng đất đó sẽ không thể bị mất đi được" là một điều khoản pháp lý bất biến của xã hội quân nhân. Thiên hoàng nay bảo tất cả phải xuất phát từ chiếu chỉ (rinshi) của ông tức là tỏ ra coi thường điều khoản đó, một việc giới quân nhân khó lòng chấp nhận.

Cơ cấu chính trị thành lập hấp tấp nên không lường hết sự phức tạp của quan hệ giữa người và người bên trong nội bộ. Điều đó khiến cho chính vụ trở thành lộn xộn hoặc bị đình đốn. Trong năm 1334 (Kenmu nguyên niên), có kẻ dán giấy viết nhảm như thế này ở trên bãi Kawara Nijô ở thành phố Kyôto: "Độ rày ở kinh đô thường thấy xuất hiện mấy thứ sau đây nhất: đánh trộm ban đêm, cướp giật, thảo chiếu chỉ giả mạo...". Đó là một văn bản dài trên 800 chữ, được gọi là "Báo tường ở Nijô Kawara" (Nijô kawara no rakugaki) ghi lại những hiện tượng tiêu cực về chính trị và xã hội thời ấy. Nó thật là một sử liệu đáng tham khảo.

Thấy tình hình ở kinh đô như vậy, bấy giờ có một nhân vật muốn đứng ra xây dựng lại chế độ mạc phủ. Người đó chính là Ashikaga Takauji (Túc Lợi Tôn Thị). Trước kia tên ông tuy cũng đọc là Takauji nhưng viết với chữ Cao, Tôn Thị là cái tên lót mà Thiên hoàng Go Daigo đã ban cho ông từ chính tên mình (Takaharu =Tôn Trị).

Năm 1335 (Kenmu 2), Takauji (Tôn Thị) kéo binh đi Kamakura thảo phạt Hôjô Tokiyuki (Bắc Điều Thì Hành), con trai của cố shikken Takatoki, đang cử binh nổi loạn chống chính quyền mới. Đó là cuộc loạn tên là Nakasendai no ran (Nakasendai =Trung tiên đại (đời giữa), chỉ Tokiyuki vì Sendai hay tiên đại (đời trước) là Takatoki và hậu đại (đời sau) Godai là Takauji). Sau khi thu hồi được Kamakura và đuổi Tokiyuki đi rồi, Takauji lại trở mặt chống triều đình mới. Diễn tiến của cuộc tranh đoạt này sẽ được nói đến trong phần sau.

5.3 Nam Bắc Triều: Từ chia rẽ đến kết hợp

Chính quyền mới đời Kenmu như thế đã tiếp nối trong sự hỗn loạn và cuộc chia rẽ giữa hai dòng vua sẽ còn kéo dài thêm nữa trong một thời đại mà sử Nhật mệnh danh là Nambokuchô (Nam Bắc triều).

Chúng ta đã thấy Takauji trở mặt chống triều đình khi xuất quân dẹp loạn ở Kamakura. Tại đây, ông đã được sự đồng tình và ủng hộ của tầng lớp bushi vốn không bằng lòng với cách đối đãi của tân chính quyền Kenmu dưới sự lãnh đạo của Thiên hoàng Go Daigo. Thế nhưng khi Takauji đem quân tiến về kinh đô thì bị lực lượng trung thành với vương thất đánh bại, phải bôn tẩu xuống tận Kyuushuu. Ở đây, Takauji có thời gian chỉnh đốn binh mã và cử sự một lần nữa. Lần này, ông áp chế được Kyôto (1333, Engen nguyên niên), lập nhà vua mới thuộc dòng Jimyôin là Thiên hoàng Kômyô (Quang Minh) đồng thời đánh thêm ngón đòn chính trị bằng cách công bố bộ luật Kenmu shikimoku (Kiến Vũ thức mục) gồm 17 điều để tỏ rõ chủ trương của mình cũng như trình bày lý do tại sao muốn thiết lập mạc phủ. Rốt cuộc, ông đã thành công trong việc khai phủ ở Muromachi (Thất Đinh) thuộc địa phận Kyôto. Chính quyền quân sự của Takauji nhân đó mới có tên là Mạc phủ Muromachi. Như thế, cuộc trung hưng năm Kenmu của Thiên hoàng Daigo chỉ kéo được có 3 năm ngắn ngủi.

Tuy Takauji chấm dứt được chính quyền Kenmu và mở ra Mạc phủ Muromachi nhưng không vì thế mà Nhật Bản hết rối loạn.Thiên hoàng Go Daigo trốn khỏi Kyôto, vào trong vùng rừng núi Yoshino (phiá nam Nara bây giờ) tiếp tục chủ trương tính chính thống ngôi vua của mình.

Kể từ lúc này, có hai vương triều biệt lập: Nam triều ở Yoshino và Bắc triều ở Kyôto. Hai bên tiếp tục đối lập với nhau và gây nên một tình tạng bất ổn trên toàn quốc.

Về Nam triều thì những võ tướng có thế lực buổi đầu như Kusunoki Masashige (Nam Mộc Chính Thành), Nitta Yoshisada (Tân Điền Nghĩa Trinh) đều bị bại tử trong cuộc tranh hùng. Năm 1339 (Rekiô 2, Engen 4) đến lượt Thiên hoàng Go Daigo băng hà. Người nối ngôi ông là Thiên hoàng Go Murakami (Hậu Thôn Thượng) mới có 12 tuổi nên bị ở trong thế bất lợi đối với Bắc triều. Dù vậy những cận thần của ông như Kitabatake Chikafusa (Bắc +Thân Phòng) [12] đã lập nhiều cứ điểm từ Tôhoku, Kantô cho đến Kyuushuu để tiếp tục kháng chiến. Kitabatake cũng là một học giả, đã bỏ công sức viết bộ sử Jinnô shôtôki (Thần hoàng chính thống ký) để biện hộ cho tính chính thống của Nam triều.


Tướng Kusunoki Masashige, trung thần của Nam triều

Mặt khác, Bắc triều - chính quyền đang nắm ưu thế - đã phong chức Seii Taishôgun (Chinh di đại tướng quân) gọi tắt là Shôgun cho Takauji vào năm 1338 (Rekiô 1, Engen 3) để cùng với em trai là Tadayoshi (Trực Nghĩa) trông coi quốc chính.

Tưởng như vậy là yên ổn nào ngờ nội bộ mạc phủ lại nẩy sinh vấn đề mới. Thế lực đằng sau Tadayoshi, người em, chủ trương đi theo cung cách ôn hòa của Mạc phủ Kamakura đã vấp phải sự chống đối những kẻ muốn tiến nhanh tiến mạnh để giành ngay quyền trị nước mà điển hình là Kô no Moronao (Cao Sư Trực), đang giữ sức chấp sự cho anh mình.Chức shitsuji (chấp sự) của thời Muromachi rất quan trọng, được xem như người thay mặt cho Shôgun. Sự đối lập trở nên kịch liệt đến nổi hai bên đã phải dùng đến vũ lực để triệt hạ lẫn nhau vào năm 1350 (Kannô 1, Shôhei 5). Ở các địa phương cũng xảy ra những vụ xung đột. Sử gọi là Kannô no jôran (cuộc nhiễu loạn năm Kannô).

Tadayoshi thua và chết nhưng cuộc đối địch giữa hai bên không vì thế mà chấm dứt.Rốt cuộc là 3 phái (phái của Tadayoshi, phái của Takauji và phái của Nam triều) đã đánh nhau qua lại hơn 10 năm trời, lúc giảng hòa, lúc tái chiến, không biết bao nhiêu lần mà nói.

Sự kéo dài của những cuộc tranh chấp này trên phạm vi cả nước đã làm cho chính quyền trung ương cũng bị phân liệt. Xã hội của giới bushi đã có một cuộc thay đổi lớn bắt đầu từ cuối đời Kamakura và đây cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình đưa đến sự thay đổi của xã hội nói chung. Nói tóm tắt thì ta thấy sợi dây liên lạc từng thắt chặt xã hội bushi như một toàn thể đã bị đứt bung và từ đây, cuộc tranh chấp giữa các bushidan địa phương thành ra kịch liệt.

Cho đến nay, trong gia đình bushi, các honke (con trưởng) và bunke (con thứ) vẫn có một sự hợp tác nào đó nhưng bây giờ, họ trở nên độc lập với nhau.Trong mỗi nhà một, các cậu đích tử (chakushi) sẽ hưởng hết của thừa tự trong khi các em (shôshi = thứ tử) không có phần như trước mà phải nương tựa vào anh.Sự thay đổi này làm cho các bushidan ở địa phương có sự phân liệt và đối lập trong nội bộ của họ. Ngoài ra nếu một bên theo Bắc triều thì phe đối lập lại ngã về Nam triều và các cuộc xung đột cứ như thế mà lan rộng.

Cuộc tranh chấp giữa hai triều Nam Bắc đã kéo dài ước chừng 60 năm. Đến đời cháu nội của Takauji là Shôgun thứ 3 Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn) thì mới có dấu hiệu dần dần lắng dịu. Mạc phủ Muromachi từ đó trở đi mới biết đến hòa bình.


Shôgun Ashikaga Yoshimitsu

Trong thời gian đó, giữa hai bên Nam Bắc triều đã có bao cuộc hòa nghị nhưng lúc nào cũng vấp phải khó khăn không vượt qua nổi.Cuối cùng, với Yoshimitsu, vào năm 1392 (Meitoku 3, Genchuu 4), hai bên mới đi đến thỏa hiệp, thực hiện được sự kết hợp gọi là Nanbokuchô no gattai (hợp thể), thành công trong việc chấm dứt một cuộc huynh đệ tương tàn. Thiên hoàng Go Kameyama (Hậu Quy Sơn) về lại Kyôto, với hình thức nhượng vị, trao các món thần khí (tượng trưng của vương quyền) cho Thiên hoàng Go Komatsu (Hậu Tiểu Tùng). .

Một trong những điều kiện để hai nhà ngồi lại nói chuyện với nhau là họ sẽ phục hồi chế độ ryôtô tetsuritsu (lưỡng thống điệt lập) mà thay nhau làm vua như đã có từ trước. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là một lời ước hẹn suông và tất cả sau đó đã rơi vào quên lãng.

Chúng ta vừa điểm qua những biến cố xảy ra trong thời kỳ đầu tiên khi Mạc phủ Muromachi mới thiết lập cũng như quá trình "hợp nhất" hai triều đình Nam Bắc để đem lại hòa bình. Mạc phủ qua những năm tháng đó đã củng cố được cơ sở. Shôgun đời thứ 3 Yoshimitsu xây dựng một thời đại vàng son, một phủ đệ Shôgun trong vùng đầy hoa nên được mệnh danh là hana no gosho (ngự sở hoa) ở khu vực Muromachi. Ông là vị Shôgun đương thời đã xác định được quyền lực của Shôgun và hoàn chỉnh một thể chế Mạc phủ.

Đó cũng là thời kỳ văn hóa Kitayama (Bắc sơn văn hóa) xán lạn mà người Nhật ngày nay thảy đều tự hào.
 

Phụ Lục:

Đối Chiếu Lịch Sử Nhật Bản Cổ Đại và Âu Á

Niên đại Âu Châu Trung quốc Triều Tiên 
Việt Nam
Nhật Bản
-30.000 -->
-10.000
Người (mới) Cromagnon (-40.000), Thời đại trung thạch khí. Người hang động ở Chu khẩu điếm (-40.000)

Gốm màu Ngưỡng Thiều (khoảng -5.000)

Thời hậu băng hà.

Đồ đá.

Thời cựu thạch khí (đá thô, tiền gốm)
-5000 -->
-500
Bắt đầu văn minh biển Egean (-3.000) và văn minh Mykenai (-1.500 đến -1.200) Chữ giáp cốt trên mai rùa xương thú (-1.300)

Khổng tử và môn đệ (-520)

Thời dụng cụ bằng thanh đồng

Họ Hồng Bàng làm vua 2622 năm (-2879 đến -258)

Bắt đầu thời Jômon (Gốm Jômon và đá mài, -10.000). Nhà hố (-5.000)
--> -400 Alexandre Đại Đế đông chinh (-334).

Cộng hòa La Mã

Xuân thu (bách gia chư tử) Triều tiên họ Vệ
(Vệ Mãn)
Thời đại Jômon
(khuyết sử)
--> 300 Người Galia xâm nhập La Mã Chiến quốc thất hùng An Dương Vương Thục Phán (-257) Thời Yayoi bắt đầuở Kyuushuu với văn minh lúa nước (khuyết sử)
--> 200 Chiến tranh Macedoine Tần thống nhất

Hán thống nhất

Tướng Tần Đồ Thư đánh Tượng Quận (-214)

Triệu Đà độc lập (-208)

Thời Yayoi (khuyết sử)
--> 100 Hannibal chết Loạn Ngô Sở thất hùng

Lập 4 quận ở Triều Tiên

Kỷ VN thuộc Tây Hán (-110) Thời đại Yayoi. Văn minh Yayoi đến được vùng Kantô

(khuyết sử)

--> 1 Nô lệ Spartacus nổi loạn

Tam đầu chế La Mã

Độc tài của Ceasar

Hán viễn chinh Đại Uyển

Sử Ký Tư Mã Thiên

Phật giáo đến Trung Quốc (Hán Ai Đế)

Phù Dư
Cao Cú Li
Thời Yayoi (khuyết sử)
--> 100 Hòa bình kiểu Roma

Bạo chúa Nero

Vương Mãng xưng đế

Hậu Hán Quang Vũ

Trưng Nữ Vương (40)

Kỷ VN thuộc Đông Hán (từ 43)

Hán Thư cho biết có một vùng đất tên Wa. Tiểu quốc Na người Wa gửi sứ sang nhà Hán (57)
--> 200 Năm vua hiền La Mã Giặc Hoàng Cân Sĩ Nhiếp (187) Một tiểu quốc người Wa khác gửi sứ sang nhà Hán (107)
--> 300 Thời các hoàng đế quân nhân La Mã.

Chiến tranh với Ba Tư (Perse)

Tam Quốc (Ngụy Thục Ngô)

Nhà Tấn dấn lên

Họ Công Tôn ở Liêu Đông lập quận Đới Phương.

Kỷ VN thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương (227).

Văn hóa mộ cũ (kofun) lan rộng.

Himiko làm vua nước Yamatai (239).

Nữ vương Iyo nước Yamatai gửi sứ nhà Hán ( 266)

--> 400 Đạo Ki-tô trở thành quốc giáo

Đế quốc La Mã phân liệt Đông Tây.

Ngũ Hồ thập lục quốc. Các triều Đông Tấn, Bắc Ngụy, Tiền Tần Cao Cú Li diệt Lạc Lãng. Bách Tế và Tân La dấy lên. Nhật Bản tìm cách sang Nhiệm Na (Mimana). Triều Yamato tiếp sứ giả Bách Tế (367). Cử binh sang Triều Tiên (391).
--> 500 Thời của hai đế quốc Đông và Tây La Mã.

Tộc Goth chiếm lĩnh châu Âu. Hoàng đế La Mã Romulus Augustulus bị phế.

Clovis (Pháp) lên ngôi.

Ngũ Hồ thập lục quốc tiếp tục ở miền bắc.Lục Triều (chủ yếu là Tống và Tề) ở miền nam.

Văn biền ngẫu tứ lục và phép quân điền thành hình.

Thủy Kinh Chú ra đời.

Cao Cú Lệ thiên đô về Bình Nhưỡng.

Cao Cú Lệ đánh Tân La.

Tiền Lý (Lý Nam Đế)
( 541-547)

Triệu Việt Vương  ( 548-570)

Triều Yamato (Thiên hoàng Nintoku?) gửi sứ sang Đông Tấn (413).

Triều Yamato (Thiên hoàng Yuuryaku?) gửi quốc thư (478).

--> 600 Thời 7 nước 7 vua Anglo-Saxon (Tây La Mã) và Justinian ở Byzance (Đông La Mã)  Ngũ hồ thập lục quốc tiếp tục. Lục Triều (chủ yếu Lương, Trần, Tùy).

Văn Tuyển của Chiêu Minh Thái Tử (501-531) nhà Lương.

Tùy Văn Đế (581-604) 

Tân La tiêu diệt chính quyền Kaya (lãnh thổ cực nam bán đảo)

Chân Lạp thôn tính Phù Nam.Chân lạp phân chia thủy lục.

Hậu Lý (Lý Phật Tử) ( 571-602)

Kỷ VN thuộc Tùy Đường (từ 603)

Bách Tế gữi Ngũ Kinh Bác Sĩ sang Nhật (khoảng 513)

Phật giáo truyền vào đất Nhật (khoảng 538).

Thái tử Shôtoku nhiếp chính (593-621)

--> 700 Quyền lực giáo hoàng La Mạ vững chắc.

Nhà nước Hồi giáo thành lập ở phương Đông (Tiên tri Muhammad đến Medina).

Tùy Dượng Đế (604-618)

Đường Cao Tổ (618-626)

Nhà Đường từ Thái Tôn đến Vũ Hậu.

Bách Tế bị diệt vong (660), Cao Cú Lệ bị diệt vong (668), Tân La thống nhất bán đảo (676) nhờ sức nhà Đường. Nhà Đường rút lui (676). Ono no Imoko đi sứ sang Tùy (607)

Cuộc cải cách năm Taika (645).

Thời trị vì của Thiên hoàng Tenji (661-671) và Tenmu (673-686)

--> 800 Vua Pippin (751-768) và con là Đại đế Charlemagne (768-814) trị vì Thời của 2 thi nhân Đổ Phủ và Lý Bạch.

Loạn An Sử (755-763)

Đường Đức Tông (779-805)

Xây Khai Thành (Kaesong) và trường thành ở biên giới phía Bắc.

Quí tộc nổi loạn và tranh giành ngôi vua. 

Mai Hắc Đế ( 722)

Bộ luật Taihô (701) ra đời. Sử thư Nihon shoki soạn xong ( 720). Thiên hoàng Shômu trị vì (729-749).

Dựng Tôdaiji (52), Tăng Giám Chân đến Nhật (754)

Xong Man.yôshuu (759)

--> 900 Kể từ đây, trong vòng 200 năm, hải tặc Viking làm cỏ Âu châu.

Triều Essex ở Anh,

Carolingue ở Pháp, Ý, Đức.

Thời của Nhan Chân Khanh, Bạch Lạc Thiên và Hàn Dũ.

Đường Vũ Tông (840-846) và vụ phá phật ở Hội Xương ( 845)

Loạn Hoàng Sào (875)

Vương Kiện (Wang Kon) dựng nước Cao Ly (935).

Nam Chiếu đánh vào Giao Chỉ (863)

Ngô Quyền phá quân Nam Hán (898)

Nhà Ngô

Thập Nhị Sứ Quân

Đinh Tiên Hoàng ( 968-979)

Lê Đại Hành (941-1006)

Hai danh tăng Saichô và Kuukai sang nhà Đường (804).

Chuyến đi sứ cuối cùng sang nhà Đường (839) 

Đình chỉ Khiển Đường Sứ (894)

--> 1000 Vương quốc Castille thành lập (930-1479)

Hugo Capet lên ngôi ở Pháp (987-996).

Đường bị diệt vong 907), bắt đầu thời Ngũ đại thập quốc.

Thái tổ Da Luật A Bảo Cơ sáng lập triều Liêu (916), lấy 16 châu Yên Vân (936).

Tân La và Bột Hải bị diệt. Thái tổ Vương Kiến dựng nước Cao Lệ (918).

Phụ thuộc Tống rồi Liêu.

Thành lập chế độ văn võ lưỡng ban (yangban)

Chính tri sekkan (quan bạch nhiếp chính) hưng thịnh với Fujiwara Michinaga (966-1027)
--> 1100 Vương quốc Aragon thành hình.

Người Norman chinh phục vùng England.

Thập Tự Quân viễn chinh lần đầu (1096-99)

William, quận công xứ Normandy, lên ngôi ở Anh. (1066)

Tây Hạ kiến quốc (1038).

Tống học với Chu Đơn Di, Trình Di và Trình Hạo.

Văn nhân Âu Dương Tu, Tô Thức, Tư Mã Quang hoạt động.

Hòa ước với Tây Hạ (1044)

Cải cách của Vương An Thạch (1069-76).
Tống Huy Tông (1100-25)

Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010)

Triều Lý (1009-1225)

Chiến dịch bình định miền Đông Bắc (trận 9 năm và 3 năm). (1051-62) và (1083-87)

Thiết lập khế ước trang viên (1069)

Bắt đầu thời chính trị viện sảnh (1086)

Giới bushi can dự vào việc nước.

-->  1200 Đại học Oxford được thành lập (1167)

Bồ Đào Nha độc lập khỏi triều đình Castille (1143)

Thập Tự Quân viễn chinh lần thứ hai (1147

-49) và thứ ba (1189-92).

Nữ Chân kiến quốc (1115)

Bắc Tống diệt vong (1127)

Nghề in phổ biến (1.200)

Thiên đô về Lâm An (Nam Tống) ( ( 1138)

Thời của Chu Hi (1130-1200)

Cao Lệ phục tùng nước Kim (Nữ Chân)

Kim Phú Thức viết Tam Quốc Sử Ký của Triều Tiên.

Triều Lý

Loạn Hogen (1156)

Loạn Heiji (1159)

Họ Heike hưng thịnh và diệt vong (1167-85).

Mạc phủ Kamakura thành hình (1192) với Minamoto no Yoritomo (họ Genji)

--> 1300 Đai hiến chương (Magna Carta) ( 1215) ở Anh dưới triều vua John.

Thập tự quân viễn chinh lần thứ tư (1202-04)

Triều Capet ở Pháp.

Mông cổ xâm lăng Ba Lan và Hung (1240)

Marco Polo du hành qua nhà Nguyên (1.271)

Gengis Khan thống nhất Mông Cổ (1206)

Thế tổ Kubilai sáng lập triều Nguyên.

Kim và Tống diệt vong. (1234 và 1279) bởi Kubilai

Liên minh với nhà Nguyên tấn công Nhật Bản (1274 và 1281)

Triều Trần (1225 -1400)

Giặc Nguyên kỳ 1 (1257) do Ngột Lương Hợp Đài.

Giặc Nguyên kỳ 2 (1284) do Thoát Hoan, A Lý Hải Nha.

Giặc Nguyên kỳ 3 ( 1287) do Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi

Thời các shikken (chấp quyền) họ Hôjô.

Cuộc loạn năm Jôkyuu (1221) tranh chấp giữa triều đình và mạc phủ.

Tăng Dôgen về nước truyền Thiền Tào Động (1227), Tăng Nhật Liên khai sáng Nhật Liên Tông (1253).

Giặc Nguyên đánh vào Hakata (kỳ 1 năm 1274 và kỳ hai năm 1281). 

--> 1400 Cuộc chiến tranh tôn giáo 100 năm (từ 1337).

Chaucer viết Canterbury Tales (khoảng 1340-1400)

Bắt đầu thời của ông hoàng viễn dương Enrique của Bồ đào nha ( 1394-1460)

Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh (1368)

Cái biến Tĩnh nạn (1399-1402) loại Huệ Đế, đưa Vĩnh Lạc Đế lên ngôi.

Tướng Lý Thành Quế
(Yi Song-gye) dẹp giặc biển người Nhật ( 1380)

Lý Thành Quế cướp chính quyền, khai sáng 500 năm triều đại Choson (Triều Tiên) ( 1392-1910)

Gả Huyền Trân công chúa (1306)

Triều Trần suy vong

Hồ Quí Ly lên ngôi (1400)

Thời shikken cuối cùng Takatoki. Mạc phủ Kamakura diệt vong.

Trung hưng thời Kenmu (1334)

Mạc phủ Muromachi ( 1336-1573) thành hình với Ashikaga Takauji.

Nam bắc triều chia rẽ rồi kết hợp (1338-1392). Ashikaga Yoshimitsu lãnh chức Thái chính đại thần (1394).

( Hết Phần Một )
Bắt đầu 21/06/2011
Tạm xong ngày 14/02/2012 (St Valentin)
Cập nhật ngày 7 tháng 4 năm 2012.
Tư Liệu Tham Khảo Chính (cho tất cả 4 phần):
1)      Aida Yasunori, 2001, Nabigetaa Nihonshi B (Hướng dẫn học lịch sử Nhật Bản B, 4 quyển), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô.

2)      Ban biên soạn giáo trình Hàn quốc học, 2005, Lịch sử Hàn Quốc, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Seoul, Đại Hàn.

3)      Ban biên tập Yamakawa, 2008, Shôsetsu Nihonshi Zuroku (Giảng nghĩa lịch sử Nhật qua đồ biểu và hình ảnh), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô (tái bản lần thứ 5, ấn bản tháng 12/2011).

4)      Ban biên tập Yamakawa, 1994, Sekaishi Sôgô Zuroku (Lịch sử thế giới qua đồ biểu và hình ảnh), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô (ấn bản tháng 12/2010).

5)     Dunoyer, Pierre, 2011, Histoire du Catholicisme au Japon, 1543-1945, Les Editions du CERF, Paris.

6)      Elisseeff, Danielle, 2001, Histoire du Japon, Editions du Rocher, Paris.

7)      Farris, William Wayne, 1998, Sacred Texts and Buried Treasures, University of Hawai Press, Honolulu, USA.

8)      Gordon, Andrew, 2003, Japan from Tokugawa times to the present, Oxford University Press, New York-Oxford.

9)      Hérail Francine et co., 2010, Histoire du Japon des origines à nos jours, Paris.

10)  Frédéric, Louis, 1996, Le Japon, Dictionnaire et Civilisation, Robert Laffont, Paris.

11)  Gomi Fumihiko et al., 1998, Shôsetsu Nihonshi kenkyuu (Nghiên cứu và giải thích lịch sử Nhật Bản ), Yamakawa, Tôkyô.

12)  Hiraizumi Kiyoshi, 1979, Monogatari: Nihonshi I, II, III, (Kể lại lịch sử Nhật Bản), Kôdansha Gakujitsu Bunko, Tôkyô (ấn bản 1996, lần thứ 26).

13)  Kunimitsu Jirô, 1993, Monogatari: Umi no Nihonshi (Kể lại lịch sử biển của Nhật Bản) quyển I và I I, Tokuma Bunko, Tôkyô.

14)  Lê văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, 1697, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nội các quan bản năm Chính Hòa 18, Viện Khoa Học Xã Hội VN phiên âm và chú thích (1985-92), ấn bản điện tử Viện Việt Học, Hoa Kỳ, 2001.

15)  Mason, RHP & Caiger, JC, 1997, A History of Japan, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô (bản dịch Nguyễn văn Sỹ, nhà xuất bản Lao Động), Hà Nội, 2004.

16)  Nakazawa Nobuhiro, Nihon no bunka, Zukai Zakugaku (Kiến thức tổng quát về văn hoá Nhật Bản qua hình vẽ), Natsume-sha xuất bản, 2002.

17)  Nihonshi Kyôiku Kenkyuukai, 2000, Story Nihon no rekishi - Kingaidaihen (Kể chuyện lịch sử Nhật Bản-Cận đại và hiện đại), Yamakawa, Tôkyô (ấn bản 2004).

18)  Okada Hidehiro, 2008, Nihonshi no tanshô, Khi lịch sử Nhật Bản khai sinh), Chikuma Bunko, Tôkyô (ấn bàn lần thứ 4 năm 2009).

19)  Okubo Haruo, Shigeno Takaharu, 1989, Nihon hôseishi (Nhật Bản pháp chế sử), Kôbundô, Tôkyô xuất bản.

20)  Reischauer, Edwin O., 1973, Histoire du Japon et des Japonais, (Tome 2- De 1945 à nos jours), édition mise à jour et complétée par Richard Dubreuil, Editions Points, Paris (1988).

21)  Reischauer, Edwin O., 1970, Japan, The Story of a Nation, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô (tái bản lần thứ 3, ấn bản lần thứ 11, 1993).

22)  Sabouret, Jean-Francois, 2008, La Dynamique du Japon, De 1854 à nos jours (nouvelle éditions), Saint Simon - CNRS Editions, Paris.

23)  Sansom, Sir George B., 1931, A History of Japan ( 3 quyển), Charles E. Tuttle Co, Tôkyô, (tái bản lần thứ 7, 1990).

24)  Sansom, Sir George B., 1931, Japan, a short cultural history, Tuttle Publishing, Tokyo, revised editions 1952.

25)   Sansom, Sir George B., 1997, The Western World and Japan, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô, (ấn bản 1984).

26)  Sieffert, René, 2007, Le Dit de Hogen - Le Dit de Heiji, Verdier Poche, France.

27)  Suzuki Setsuko et al. 1999, Bilingual Chronology of Japanese History, Kodansha International, Tokyo.

28)  Umehara Takeshi, 2004, Nihon Bukkyô wo yuku (Theo chân Phật giáo Nhật Bản), Asahi bunko xuất bản, Tôkyô (ấn bản 2/2009).

Ngoài ra hình ảnh minh họa đều mượn từ các trang mạng Internet Việt, Anh, Nhật.

--------------------------------------------------------------------------------
[1]  Trên nguyên tắc, Genji chỉ là cái tên chung để chỉ những người con của các thiên hoàng mà mẹ họ không phải là phi tần chính thức, ví dụ Genji Hikaru chỉ là con một cung nữ giữ chức kôi (cánh y) lo quần áo cho vua.

[2] Shôden (thăng điện), một đặc quyền dành cho các quan từ ngủ phẩm trở lên (hay lục phẩm nếu là bầy tôi bên cạnh Thiên hoàng trong cung cấm), được lên điện Seiryô (Thanh Lương) nơi vua ngự.Sau quyền lợi này được xét theo môn hộ người ấy xuất thân. Kẻ được lên điện nói chung là tenjôbito (điện thượng nhân), người không có quyền ấy thì gọi là jige (địa hạ).

[3]  Hiki Yoshikazu là cha vợ của Yoriie. Ông mưu việc dẹp cánh nhà Hôjô khỏi chính quyền nhưng thất bại và bị sát hại.

[4]  Sử gọi là hantei (bán đế) hay Kujô haitei (Phế đế Kujô), làm vua vỏn vẹn 77 hôm.

[5] Đời Đường bên Trung Quốc có nhàsư Thiện Đạo rao giảng điều này cho "thì chúng". Giáo lý của Ippen chịu ảnh hưởng của môn phái này chủ trương trong cuộc đời hãy thường nghĩ đến lúc lâm chung mà niệm Phật để được vãng sanh hạnh phúc. Thì có nghĩa là một khoảng thời gian ngắn, ý muốn nói không cần phải tụng niệm nhiều cũng không sao.

[6] Khác với chế độ kayoikon mà người đàn ông chỉ năm thì mười họa đến thăm vợ ở nhà vợ, yomeirikon cho phép phụ nữ về nhà chồng và nắm được quyền hành trong nhà chồng.

[7]  Sách này là một ngữ lục 1 quyển, viết ra năm 1262 sau khi Shinran mất đã lâu (20 hay 30 năm sau).Tác giả Yuien nhắc lại những gì ông đã nghe chính Shinran dạy và than thở cho những điều người ta hiểu khác đi về giáo lý của thầy mình cho nên mới gọi là "thán dị". Sau cùng, ông thuyết mọi người phải tỉnh ngộ để hiểu cho đúng giáo lý ấy.

[8] Tồi có nghĩa là đập tan. Tồi tà luân là đập tan lý thuyết tôn giáo lệch đường.Luân là bánh xe, ý nói lẽ đạo (pháp luân).

[9] Bô (phường) trước chỉ nơi tăng sĩ cư trú, sau trở thành tên gọi tăng lữ. Cho nên, ở Nhật, người ta gọi nhà sư là obôsan như một cái tên thân mật.

[10] Điều này Saichô đã xác nhận trong Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch luận của ông, cho biết Hành Biểu, thầy mình ở Trung Quốc, đã nhận pháp môn từ Đạo Tuyên, thuộc hệ phổ của Đạt Ma.

[11] Hành thương (gyôshô hay kôshô) để phân biệt với Zashô (tọa thương) là người có một cửa tiệm.

[12]  Chữ Hatake là một quốc tự của người Nhật tự chế ra, hiểu là ruộng (nước cạn), không có âm Hán tương xứng nên để dấu cộng (+).



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

- Hết Phần I -