Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN II : MẠC PHỦ MUROMACHI VÀ EDO

Chương II : Thể chế Mạc phiên thành hình
Tiết 1 : Thời kỳ hàng hải viễn dương bắt đầu:
1. Khi Âu châu tiến về vùng Đông Á:

Kể từ trang này, chúng ta sẽ bước vào thời cận đại mà người Nhật thường gọi là cận thế, tuy cả hai đều được dịch ra Anh ngữ là modern time hay modern era. Mở màn cho thời cận đại là khoảng thời gian từ hậu bán thế kỷ 15 bước qua buổi sơ đầu thế kỷ 16, một thời kỳ mà Nhật Bản hoàn toàn bị cuốn vào trong cơn lốc chiến tranh. Ngày nay trên màn ảnh truyền hình, những phim dã sử liên quan đén thời đại này vẫn chiếm thời giờ phát sóng nhiều nhất.

Thế thì những gì đã xảy ra ở Âu châu trong khi Nhật Bản đang ở vào giữa thời Chiến Quốc? Thực ra, lúc đó Âu Châu vừa chấm dứt thời Phục Hưng (Renaissance) và kết thúc cuộc Cải cách tôn giáo (Reformation) và bắt đầu bước vào giai đoạn xã hội cận đại. Đi tiên phong trên con đường này là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai quốc gia Ki-tô giáo.

Cả hai nước này cũng như Âu châu nói chung lúc đó đang hướng cái nhìn ra thế giới bên ngoài. Họ bắt đầu khai thác những con đường mới trên mặt biển cũng như khuếch trương mậu dịch ra hải ngoại. Cùng lúc, họ chủ trương đẩy mạnh việc truyền giáo và đi tìm thuộc địa. Năm 1492, nhà hàng hải người Ý Christopher Columbus được sự hổ trợ của Nữ hoàng Isabel nước Tây Ban Nha đã vượt Đại Tây Dương đến tận các đảo Tây Ấn (West Indies) [1]. Năm 1498 thì người Bồ Đào Nha Vasco de Gama đã đi vòng xuống phía dưới lục địa Phi châu và đặt chân lên bờ biển Calicut (châu Kerala) của Ấn Độ. Đó là chưa nói về việc Magellan đã đi vòng mũi cực nam Châu Mỹ ra được đến Thái Bình Dương, tận Phi Luật tân, rồi lại tiến về hướng Tây và đi hết một vòng trái đất.

Những thành tích của các nhà hàng hải ấy vốn không xa lạ gì với chúng ta. Đó là thời đại mà người ta gọi là thời kỳ hàng hải viễn dương hay đại hàng hải (Daikôkai jidai như người Nhật hay gọi). Nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội Nhật Bản thời Chiến Quốc.Thế nhưng chẳng bao lâu, thời Chiến Quốc cũng hạ màn. Hai võ tướng Oda Nobunaga (Chức Điền Tín Trường) và Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát) đã xuất hiện để kẻ trước người sau cáng đáng việc thống nhất thiên hạ. Tiếp theo đó, một nhân vật lịch sử thứ ba nhẫn nại và giỏi tính toán hơn cả là Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang) đã hoàn thành ước vọng đó khi lập nên chính quyền quân nhân ở Edo (Tôkyô ngày nay) vào năm 1603.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà ta biết là hai quốc gia ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng Đông Á, lúc ấy đã tiến về phía đó và lập ra nhiều cứ điểm quan trọng. Tây Ban Nha chiếm lấy thành phố Manilla ở Phi Luật Tân. Còn Bồ Đào Nha thì khống chế được Goa bên bờ biển miền Tây Ấn Độ và lập thêm căn cứ Macao ở Trung Quốc để xúc tiến việc mậu dịch.

Mặt khác, ở Trung Quốc, nhà Minh sau khi kiến quốc vào hậu bán thế kỷ 14 đã áp dụng chính sách cấm cản việc thông thương với các nước (Hải cấm lệnh). Hải cấm nghĩa là đặt tất cả mọi việc giao thiệp với bên ngoài dưới sự quản lý của nhà nước, không cho phép ai buôn bán riêng tây, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ Nụy khấu.

Tuy nhiên việc cấm đoán của Minh triều dần dà cũng yếu đi. Họ khổ vì cái nạn gọi là Bắc Lỗ Nam Nụy (Oải). Bắc lỗ là tộc Nữ Chân, nam Nụy (Oải) là cướp biển Nhật - Đài Loan) đã làm cho chính sách Hải cấm chỉ còn là cái bóng mờ. Nguyên cả một vùng biển Đông gồm cà hải vực của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, Việt Nam, Phi Luật Tân, mọi nơi đều bắt đầu phát triển mậu dịch tiếp vận (transit trade) nghĩa là làm bến đỗ để nối đường dây chuyển vận hàng hóa về những thị trường xa hơn. Những nhà buôn Âu châu nhờ thế đã thành công trong vai trò chủ đạo mậu dịch thế giới của họ.

2.Mậu dịch "Nam Man" và đạo Ki-tô:

Trên đây, chúng ta đã xét qua tình hình vùng Đông Á trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 15 bước qua thế kỷ 16. Điều đáng chú ý hơn cả là giai đoạn đó đã được mệnh danh " thời đại đại hàng hải hải viễn dương". Âu châu biết lợi dụng kỹ thuật hàng hải của mình để tiến ra các nước ngoài. Cùng lúc ấy, nhà Minh ở Trung Quốc cũng suy yếu khiến cho lệnh Hải cấm không còn hiệu lực nữa. Hai yếu tố này giúp cho phương Tây và phương Đông có cơ hội tiếp xúc với nhau. Sau đây, chúng ta hãy đi vào chi tiết cụ thể xem những sự kiện nào đã xảy ra lúc đó.

Năm 1543 (Tenbun 12) có một chiếc thuyền buồm chở một người Bồ Đào Nha trôi dạt đến đảo Tanegashima phía nam đảo Kyuushuu. Có lẽ đây là lần đầu tiên một người Âu châu đặt chân lên đất Nhật. Chính ra chiếc thuyền buồm đó thuộc về tay Nụy khấu gốc Trung Quốc tên là Vương Trực, thế nhưng câu chuyện đáng lưu ý ở đây là lãnh chúa trên đảo, Tanegashima Tokitaka, đã mua lại được từ người Bồ trôi dạt đó hai khẩu súng và ra lệnh cho gia thần học cách chế tạo cũng như sử dụng chúng. Về sự kiện này, có thiền tăng tên là Nanpo Bunshi (Nam Phố Văn Chi, 1555-1620) đã chép lại rất rõ trong cuốn Teppôki (Thiết pháo ký, ).

Các lãnh chúa Chiến Quốc thấy súng như bắt được vàng vì họ chưa từng biết một vũ khí có thể sát thương ở tầm xa nào mà lợi hại như thế. Và kể từ lúc đó, hình thức chiến trận trong nước Nhật đã hoàn toàn thay đổi. Súng kiểu Âu châu chẳng bao lâu đã phổ cập khắp toàn quốc và được chế tạo tại chỗ. Những thành phố như Kunitomo ở vùng Ômi, Sakai ở Izumi, Negoro ở Kii đều là những địa điểm có nghề đúc súng nổi tiếng.

Thế nhưng tại sao những địa điểm trên lại quen thuộc được với nghề đúc súng ? Chính vì những nơi đó đã từng quen với việc chế thép và nghề rèn trước đó rồi. Từ khi súng ống được biết tới ở Nhật, chỉ cần 7 năm sau, trong vùng Kinai, các võ tướng đã biết sử dụng nó trong chiến tranh và hơn 10 năm sau thì súng ống đã đầy dẫy khắp nước. Sự có mặt của nó đã làm cho phương thức chiến đấu và cách kiến trúc thành trì thay đổi theo.

Trước khi súng ống đến Nhật, khi đánh nhau, người ta chủ yếu là dùng kỵ binh và lấy một chọi một. Tiếng Nhật gọi là ikki-uchi (nhất kỵ đả). Thế nhưng bây giờ tình hình thay đổi hẳn. Lính khinh binh (ashigari) trang bị súng sẽ chiến đấu tập đoàn chứ không đơn lẻ như trước. Thành quách cũng vậy. Xưa là thành đắp hay sơn thành (yamajiro, thành núi) nhưng nay phải là thành mặt bằng (hirajiro) hay thành trên vùng đất cao (hirayamajiro). Thế rồi nhân có vụ người Bồ tình cờ trôi dạt tới Nhật như đã nói trên, từ đó mỗi năm, đồng bào của ông ta lại ghé qua các bến cảng ở Kyuushuu và buôn bán với dân bản xứ.
 

Nói thêm về chuyện súng ống [2]

Súng thép (teppô) mà lãnh chúa Tanegashima Tokitaka mua lại của 2 người Bồ trôi giạt năm 1543 chỉ là "loại súng tay cần giây dẫn hỏa" (hinawajuu). Tuy nhiên cũng cớ giả thuyết cho rằng những kẻ đem súng đầu tiên vào đất Nhật là các hải khấu Wakô ở vùng Đông Nam Á. Súng có giây dẫn hỏa được phục chế tại chỗ trong nước nhờ kỹ thuật luyện thép cao của người Nhật. Tuy nhiên loại súng này không khỏi có sự bất tiện là thời gian chuẩn bị lâu, gặp mưa thì tịt ngòi, nguyên liệu như hỏa dược phải nhập khẩu mới có. Muốn sử dụng thứ võ khí này một cách phổ biến phải có thật nhiều vốn liếng.

Người sử dụng súng thép thành công nhất không ai khác hơn là Oda Nobunaga. Năm 1575, trong trận Nagashino, ông đã vô hiệu hóa lực lượng kỵ binh ưu tú của Takeda Katsuyori (Vũ Điền, Thắng Lại, 1546-1582), con trai Shingen, lãnh chúa đất Kai (Kôfu bây giờ), đưa đến cái chết (tự sát) của ông này.

Cho đến cuối đời mạc phủ khi súng kiểu mới hình thức Tây phương được nhập vào thì súng cần giây dẫn hỏa vẫn là vũ khi cơ bản trong quân đội Nhật Bản.

Vào năm 1584 (Tenshô 12), người Tây Ban Nha lại đến cửa biển Hirado vùng Bizen và bắt đầu giao thương. Người Nhật gọi lối trao đổi buôn bán đó là Nanban bôeki hay Nam Man mậu dịch. Đương thời, người Bồ và người Tây vốn đến từ con đường biển phía Nam (Phi Luật Tân, Trung Quốc) và hình dáng không giống người Nhật nên mới bị họ kỳ thị như thế.Dầu muốn dầu không, nhờ có Nam Man mậu dịch mà những món hàng sau đây đã được buôn qua bán lại:

Hàng xuất khẩu: Bạc, đao kiếm, hải sản, đồ sơn.

Hàng nhập khẩu: tơ sống (do Trung Quốc chế tạo), lụa là, súng ống, thuốc súng.

Như ta thấy, người "Nam Man" đã đem súng ống, thuốc súng và tơ sống Trung Quốc đến. Ngược lại, về phía Nhật Bản thì họ đem bạc ra đổi. Bạc là một kim loại vốn được sản xuất rất nhiều ở Nhật vào giữa thế kỷ 16.

Nguyên nhân là chính vào thời điểm đó, có thương nhân người Nhật ở Hakata tên là Kamiya Juutei (Thần Cốc Thọ Trinh) đã học được từ người Triều Tiên phương pháp chế tạo ra bạc có tên là haifukihô (hôi xuy pháp, hay phép thổi tro) cho nên Nhật Bản trở thành một nước ít có trên thế giới có khả năng xuất khẩu thứ quý kim này. Cách chế bạc, nếu tóm tắt một cách đơn giản là gia nhiệt lên quặng bạc hãy còn chất không tinh khiết cùng một lượt với chì và sau đó loại bỏ những thứ không tinh khiết ấy để có một hợp kim chỉ có bạc và chì. Tiếp đến, đặt chúng lên mặt tro và nung nóng lên thì chì sẽ hóa lỏng trước tiên, bị than hút đi để chỉ còn lại bạc nguyên chất. Có thể nói nhờ chế được bạc mà người Nhật ngày đó đã tạo cho mình cơ hội tiếp xúc với thế giới vậy.

Đối với những nhà buôn Tây phương trong cuộc mậu dịch Nam Man này thì họ đều ý thức rằng hoạt động thương mại của họ gắn liền với công cuộc truyền giáo của các thừa sai. Đặc biệt tình hình xã hội Âu châu lúc bấy giờ cho thấy giáo hội Ki-tô giáo truyền thống (Cựu giáo) đang chịu áp lực của giáo hội cải cách (Tân giáo). Trong khi Tân giáo mở rộng tại Âu châu, Cựu giáo phải dốc toàn lực đi tìm một lối thoát ở vùng Đông Á.

Năm 1549 (Tenbun 18), có nhà truyền giáo giáo hội Gia Tô (Yasokai) là Francesco Xavier (1506-1552) đặt chân đến vùng Kagoshima (trên đảo Kyuushuu). Các lãnh chúa Chiến Quốc vùng đó như Ôuchi Yoshitaka (Đại Nội Nghĩa Long) và Ôtomo Yoshishige (Đại Hữu Nghĩa Trấn) (còn gọi là Sôrin = Tông Lân) đã che chở ông và cho phép giảng đạo.

Tiếp theo đó, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật. Nhiều nơi đã dựng Nanbanji (Nam Man Tự) - tên để gọi các nhà thờ Ki-tô giáo - và những trường học đào tạo các nhà truyền đạo (nơi đây gọi là collegio) cũng như viện thần học (seminario). Sau thời của Xavier thì có Gaspar Vilela (1525-1572) và Luis Frois (1532-1597) là hai tu sĩ nổi tiếng khác đã đến vùng Kinki và Kyuushuu truyền giáo. Tiếp theo đó là Alexandro Valignano (1539-1606), người đem kỹ thuật ấn loát bằng con chữ đến cho dân Nhật. Chính ông đã rửa tội cho các lãnh chúa như Ôtomo Yoshishige, Arima Harunobu, Ômura Sumitada và khuyến khích họ gửi bốn thiếu niên là Itô Manjô, Chijiwa Miguel, Nakaura Julian và Hara Martino sang Âu châu. Đó là đoàn sứ thần đã đi viếng Giáo hoàng Gregorius XIII vào năm Thiên Chính thứ 10 (1582) (Tenshô Ken.Ô shisetsu) và chỉ trở về nước 8 năm sau.


Sứ tiết gửi đi Âu châu năm Tenshô
Những nhà truyền giáo đầu tiên[3]
Năm Nhân vật (Quốc tịch) Hoạt động
1549 Francisco Xavier (Tây) Nhân gặp người Nhật Yajirô ở Malacca, tìm đến Kagoshima. Truyền đạo ở Kagoshima, Yamaguchi, Bungo Funai từ 1551. 
1556 Gaspar Vilela (Bồ) Thuyết phục Mạc phủ Muromachi cho phép giảng đạo. Có trứ tác "Gia Tô Hội Sĩ Nhật Bản Thông Tín". 
1563 Luis Frois (Bồ) Giao du thân thiết với Nobunaga và Hideyoshi. Từng thắng tăng Asayama Nichijô (Triêu Sơn Nhật Thừa) trong một cuộc tranh luận về giáo lý. Tác giả của "Nhật Bản Sử", một quyển sách quí để biết về thời đó.
1570 Organtino (Ý) Giúp Frois truyền đạo ở vùng Kinai. Được Nobunaga cho phép lập Nam Man Tự tức nhà thờ Ki-tô giáo ở Kyôto và Seminario (thần học viện) ở Azuchi.
1579 Alessandro Valignano (Ý) Biết truyền đạo một cách nhu nhuyễn theo nội tình Nhật Bản. Đã giúp vào việc gửi phái đoàn thiếu niên sang thăm Âu Châu vào năm Tenshô (Thiên Chính).
1593 Pedro Bautista (Tây) Thương lượng ngoại giao với Hideyoshi. Tử đạo ở Nagasaki (nhân vật chính trong 26 thánh tử đạo).
1594 Jeronimo de Jesus (Tây) Tiếp cận với Ieyasu.Thiết lập giáo hội ở vùng Kantô.
1603 Luis Sotelo (Tây) Được Ieyasu và Hidetada tin cậy. Quen cả Date Masamune. Năm 1613, đã cùng Hasekura Tsunenaga (Chi Thương Thường Trường) đi sứ sang Âu châu (1613-20).

Tem Bồ Đào Nha kỷ niệm giáo sĩ Luis Frois
Tiết 2 : Hai tướng Oda -Toyotomi và công cuộc thống nhất đất nước:
2.1 Sự nghiệp thống nhất đất nước của Oda Nobunaga:

Trong số những lãnh chúa thời Chiến Quốc người trước tiên đạt được nguyện vọng thống nhất toàn quốc có lẽ là Oda Nobunaga (Chức Điền Tín Trường, 1534-1582) của vùng Owari. Nobunaga chỉ là người sinh ra trong một gia đình vốn là dòng nhánh của một gia đình đại diện cho shugo ở địa phương Owari miền trung đảo Honshuu. Thế mà từ một địa vị nhỏ nhoi như thế, ông đã tranh đấu để hầu như đạt được giấc mộng gồm thu Nhật Bản về một mối. Trước tiên, ta hãy theo dõi những giai đoạn chính trên bước đường thực hiện sự nghiệp vĩ đại ấy.


Oda Nobunaga 
dưới nét vẽ của giáo sĩ Jesuit Giovanni Niccolo

1) Trận Okehazama (1560):

Trận đánh đã đưa danh tiếng của Nobunaga lên cao là trận Okehazama vào năm 1560 (Eiroku 3). Năm đó ông đánh tan đạo quân của Imagawa Yoshimoto (Kim Xuyên, Nghĩa Nguyên, 1519-1560), lãnh chúa vùng Suruga (miền trung Shizuoka bây giờ). Yoshimoto bại tử. Kể từ ấy ông không còn e sợ dòng họ Imagawa, một lãnh chúa vốn có lãnh địa Suruga nằm ở phía đông lãnh địa Owari của mình. Điều này có nghĩa là Nobunaga từ lúc đó có thể tiến về kinh đô Kyôto (thực hiện được chính sách jôraku hay thượng Lạc) mà không phải sợ ai tập kích từ sau lưng. Danh từ "thượng Lạc" (jôraku) có nghĩa là tiến về thành Lạc Dương, cách nói bóng bẩy của việc "vào kinh đô tham dự quốc chính". Lên Kyôto là có cơ hội tiếp xúc với Thiên Hoàng, mà một khi đã là con nhà samurai thì điều đó được coi như là một vinh dự cùng cực vì biểu dương được thực lực của mình.

2) Tấn công Mino và thượng kinh:

Tiếp theo, vào năm 1567 (Eiroku 10), Nobunaga trên thực tế mới bắt đầu tiến về miền Tây. Trước tiên, ông diệt họ Saitô (Trai Đằng) ở vùng Mino, đặt vùng đồng bằng Nôbi trù phú dưới quyền kiểm soát của mình. Chiếm được một vùnh đất đai phì nhiêu sản xuất nhiều lúa gạo như thế, Nobunaga đã có thể bảo đảm về mặt kinh tế và đồng thời phát triển thế lực quân sự. Ông bèn đổi tên ngôi thành Inabayama mà họ Saitô đã chiếm giữ cho đến lúc ấy thành Gifu, đồng thời cũng sử dụng quả ấn có mấy chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) đóng trên các công văn để nói rõ ý chí của mình là muốn dựa vào vũ lực để thống nhất lãnh thổ.
 

Oda Nobunaga trên đường thống nhất lãnh thổ:
Năm Sự kiện Chi tiết
1560 Trận Okuhazama Tiêu diệt Imagawa Yoshimoto
1567 Chiếm vùng Mino Đuổi Saitô Tatsuoki đi, đổi tên thành Inabayama ra thành Gifu

và dựng căn cứ địa, xem vùng Kanô thuộc Mino như khu vực buôn bán tự do (rakuichi).

1568 Nhập kinh Phụng mệnh Shôgun Ashikaga Yoshiaki lên kinh đô Kyôto.Cho thực hiện việc đo đạc kiểm soát cựu lãnh địa của họ Rokkaku ở quận Gamô.
1569 Bố cáo lệnh chọn tiền tức Erizeni-rei (Soạn tiền lệnh) Bố cáo lệnh này trước xóm buôn bán Tennôji ở Kyôto để lọc tiền tốt khỏi tiền xấu (sứt mẻ hay kém chất lượng).
1570 Trận Anegawa Phá tan liên quân của hai họ Azai và Asakura. Trụ trì đời thứ 11 chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như) cử binh chống Nobunaga (chiến tranh Ishiyama kéo dài 11 năm).
1571 Đốt chùa Enryaku Nobunaga đốt phá Enryakuji (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan
1573 Phế Shôgun Đuổi Shôgun Ashikaga Yoshiaki (Túc Lợi Nghĩa Chiêu). Mạc phủ Ashikaga diệt vong.
1574 Bình định giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng) Bình định cuộc nổi dậy của giáo đồ theo tông Nhất Hướng (Ikkô Ikki) vùng Ise Nagashima.
1575 Trận Nagashino Liên minh với họ Tokugawa đánh tan quân Takeda Katsuyori (Vũ Điền Thắng Lại) và bình định loạn Ikkô Ikki vùng Echizen.
1576 Xây thành Azuchi Kiến thiết thành Azuchi bên bờ hồ Biwa (tỉnh Shiga) gần Kyôto rất kiên cố làm cư thành cho mình.
1577 Mở chợ búa ở Azuchi Dưới chân thành Azuchi lập khu sinh hoạt kinh tế tự do (rakuichi)
1580 Kết thúc cuộc chiến tranh Ishiyama Chùa Ishiyama Honganji chịu thần phục Nobunaga
1582 Trận Tenmokuzan và biến cố ở chùa Honnôji Tiêu diệt thế lực dòng họ Takeda ở trận Tenmokuzan. Bị cận thần Akechi Mitsuhide mưu phản, vây ở chùa Honnôji. Nobunaga chết.
Năm sau, Oda Nobunaga được mời đến kinh đô Kyôto. Lý do là Shôgun mới, Yoshiaki (Nghĩa Chiêu) em của cựu Shôgun Yoshiteru (Nghĩa Huy) đã dựa vào sức Nobunaga để được đặt vào chức đó. Khi phụng mệnh Yoshiaki nhập kinh thì trên mặt danh nghĩa, Oda đã được xem như công thần chính thống. Nói cách khác, Yoshiaki cũng đã bị Nobunaga lợi dụng như ông ta từng lợi dụng Nobunaga. Yoshiaki đã trở thành vị Shôgun đời thứ 15. Thế nhưng một quan hệ chỉ dựa trên sự lợi dụng nhau như thế sẽ khó lòng bền vững. Thật vậy, chẳng bao lâu, hai bên không còn thuận thảo như trước nữa.

3) Trận Anegawa (1570) - Đốt phá chùa Enryaku (1571):

Năm 1570 (Genki nguyên niên), Oda Nobunaga phá tan liên quân hai họ Azai (Thiển Tỉnh) và Asakura (Triêu Thương) trong trận Anegawa, tên một con sông thuộc địa phận Ômi. Năm sau đó (1571), nhân gặp sự phản kháng của các tăng nhân chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn, ngoại ô Kyôto), ông đốt rụi nó và thành công trong việc khuất phục một tập đoàn truyền thống có sức mạnh tôn giáo, chính trị và kinh tế rất lớn ở Nhật.

4) Phế bỏ và đuổi Shôgun Yoshiaki - Mạc phủ Ashikaga diệt vong (1573):

Năm 1573 (Tenshô nguyên niên), nhân vì Yoshiaki muốn hồi phục thế lực của chức Shôgun nên đã xung đột với Nobunaga. Ông bèn trục xuất Shôgun này ra khỏi thành Kyôto. Điều đó có nghĩa là trên thực tế Mạc phủ Ashikaga không tồn tại nữa.

5) Trận Nagashino (1575):

Liên quân của ông với họ Tokugawa đã phá tan cường địch Takeda Katsuyori ở Nagashino (tỉnh Aichi, gần Nayoya bây giờ). Đặc biệt trong trận này, Nobunaga sử dụng đội khinh binh pháo thủ (ashigari teppôtai) của mình để giành lấy phần thắng đội trước bộ đội kỵ binh chủ lực của địch. Thế rồi, năm sau, ông đã cho khởi công xây dựng thành Azuchi (An Thổ thành) với năm tầng nhà bảy vòng rào (ngũ tằng thất trùng) rất kiên cố để làm bản doanh và cũng dễ bề kiểm soát sự động tĩnh của chính quyền Kyôto.

6) Chiến tranh Ishiyama kết thúc (1580):

Kẻ địch sừng sỏ nhất của Oda Nobunaga không gì khác hơn các chùa chiền phái Tịnh Độ Chân Tông (Jôdô Shinshuu) mà cứ điểm quan trọng nhất của họ là Ishiyama Honganji (Thạch Sơn Bản Nguyện Tự). Nó kiên cố, giống như một pháo đài nằm ở vùng Ishiyama, trong thành phố Ôsaka ngày nay. Ngoài họ ra, còn có các giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng), một tên gọi khác của Tịnh Độ Chân Tông, đã trụ lại trong các "xóm chùa" (jinaichô) để khởi loạn ikki chống lại Nobunaga. Nói chung, Tịnh Độ Chân Tông vốn có liên hệ với các lãnh chúa như Takeda và Mori từ trước. Trụ trì đời thứ 11 của chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như, 1543-1592) kêu gọi giáo đồ đứng lên chống lại Nobunaga. Cuộc chiến giữa hai bên đã kéo dài dai dẳng đến 11 năm trời. Trả lời sự chống đối của tông Tịnh Độ, năm 1574 (Tenshô 2), Nobunaga đã dẹp loạn Ikkô Ikki ở Ise Nagashima (tỉnh Mie) và năm sau bình định được những người đi theo phái ấy ở vùng Echizen (phiá đông tỉnh Fukui bây giờ). Qua đến năm 1580 chùa Honganji ở Ishiyama mới chịu qui hàng. Như thế, ta đã thấy thế lực tôn giáo của Honganji với mạng lưới trên toàn quốc là một địch thủ gan lì cứng cõi đã cản trở bước tiến của Nobunaga trên con đường thống nhất Nhật Bản.

7) Biến cố chùa Honnôji (1582):

Nobunaga chế ngự được kinh đô Kyôto, lại đặt các xứ Kinki, Tôkai, Hokuriku dưới quyền kiểm soát của mình. Sự nghiệp thống nhất hầu như đã ở trong tầm tay. Đến giai đoạn này, ông bèn phái các bộ hạ thân tín về các địa phương để triển khai những cuộc chiến tranh cục bộ nhằm thanh toán nốt vài ổ kháng cự. Trong số những cận thần nói trên có danh tướng Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát). Ông này được gửi xuống vùng Chuugoku để giao tranh với họ Môri (Mao Lợi).

Tuy nhiên, toán quân của Hideyoshi trên đường viễn chinh đã gặp trở ngại ở khu vực thành Takamatsu xứ Bicchuu khi tướng Shimizu Muneharu (Thanh Thủy Tông Trị, 1537-1582), chủ nhân của thành, thuộc phe Môri, dũng cảm truy cản bước tiến. Trận Hideyoshi dùng thủy công (mizuzeme) [4] để phá thành Takamatsu mà thời sau hay nhắc đến đã xảy ra vào lúc này. Không sao hạ nổi thành Takamatsu, Hideyoshi đành xin Nobunaga phái quân tiếp viện. Do đó Nobunaga mới tự mình xuất quân từ thành Azuchi. Năm 1582, trong khi đang tạm trú tại ngôi chùa Honnôji (Bản Năng Tự) ở Kyôto, Nobunaga đã bị cận thần là Akechi Mitsuhide (Minh Trí Quang Tú, ? - 1582) , người vốn nuôi hiềm khích từ trước với ông - phản bội và tập kích. Nobunaga bại tử. Có thuyết cho rằng ông tự sát.

Lý do khiến Akechi Mitsuhide mưu phản có thể có rất nhiều nhưng không lý do nào đủ sức thuyết phục các sử gia. Điều duy nhất được nhận thức rõ ràng là Nobunaga đã "giữa đường đứt gánh, không đạt được chí nguyện bình sinh" (kokorozashi nakaba) là thống nhất nước Nhật.

Dù không thực hiện được điều mình mong muốn nhưng trên quá trình ấy, ông đã thành công khi đưa ra nhiều chính sách đặc sắc. Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cũng cần đồng ý với nhau về một điểm: Nobunaga là một nhá chính trị có quan điểm cách tân, dám thách thức trật tự và quyền uy chính trị và kinh tế truyền thống. Điểm này có lẽ là sự khác nhau cơ bản giữa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, người kế nghiệp ông. :

Cụ thể mà nói thì về mặt kinh tế, Nobunaga đã đề ra chính sách buôn bán tự do rakuichi rakuza (lạc thị lạc tọa) trứ danh. Nó phủ nhận độc quyền của các Za tức các tổ hợp ngành nghề thời trung cổ, vốn đã gây chướng ngại cho các hoạt động công thương nghiệp. Nobunaga đã ban bố lệnh rakuichi rakuza ở hai vùng Kanô (thuộc Mino) và Azuchi là những cứ điểm của ông. Lý do là ông muốn khuyến khích thương mại ở các jôkamachi (xóm dưới chân thành) và dĩ nhiên nó có mục đích mang thu nhập dồi dào về cho mình.

Chính sách thứ hai cũng rất táo bạo. Ông đã phế bỏ những trạm gác để tránh việc ngăn sông cấm chợ. Sở dĩ các trạm gác (sekisho = quan sở) được dựng nên là để cho chính quyền thu thuế thông hành nhưng nó đã gây ra tắt nghẽn giao thương. Dẹp bỏ các trạm gác như thế, Nobunaga đã bài trừ được chướng ngại cho sự giao dịch hàng hóa.

Ngoài ra, ông đã dùng vũ lực để khuất phục thành phố Sakai, vào thời đó là một trung tâm thương mại tự trị và phồn vinh. Đặt nó dưới quyền quản hạt của mình, ông đã tập trung được sức mạnh kinh tế của cả vùng Kinai quanh kinh đô vào trong tay. Chính là nhờ sức mạnh kinh tế đó mà ông đã có đủ ngân quĩ để mua được rất nhiều súng ống, giữ thế thượng phong rồi đi đến thắng lợi trong các cuộc giao tranh với các lãnh chúa Chiến Quốc khác.
 

Oda Nobunaga, mẫu người thời thế tạo anh hùng[5]

Gia đình Oda trước kia giữ chức đại diện cho quan Shugo xứ Owari là họ Shiba. Riêng cha của Nobunaga, Nobuhide, chỉ là một trong 3 quan chấp chính (bugyô), thuộc hạ của chủ thành Shimizu, một ngôi thành nhỏ trong tiểu quốc. Năm 18 tuổi, Nobunaga trở thành gia trưởng (nắm quyền katoku), đã nổi tiếng vì kỳ hình dị tướng và tính tình thô bạo. Đám gia thần vẫn gọi chủ mình là "kẻ điên rồ" (ôbakamono). Thế nhưng con người đó chỉ trong vòng 8 năm sau đã thành công trong việc loại hai ông anh khác mẹ và một cậu em ruột của mình cũng như trừ khử được nhiều địch thủ bên ngoài khác để thống nhất địa phương Owari.Năm 1560, ông dùng kỳ binh phá vỡ quân đội của Imagawa Yoshimoto, một lãnh chúa có thế lực trong miền, trong trận Okehazama.Sau đó ông phá tan lực lượng họ Saitô ở Mino, dời căn cứ về thành Gifu rồi đúc ấn có 4 chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) nghĩa là ra tuyên ngôn sẽ dùng võ lực để bình định đất nước. Ông lập Shôgun Yoshiaki để trung hưng dòng họ Ashikaga nhưng lúc nhà chúa mưu tính với thế lực Asakura Yoshikage và Azai Nagamasa để loại trừ ông thì liền bị đuổi đi sau khi ông toàn thắng liên quân Azai và Asakura trong trận Anegawa. Ông lại đánh bại Takeda Katsuyori bằng ưu thế của pháo binh rồi từ đó, áp chế tất cả các lãnh chúa từ miền Đông đến vùng Kinai quanh kinh đô.

Nói về bản tính tàn ngược thì ai cũng nhớ giai thoại ông đã dùng đầu lâu của Asakura và Azai làm chén uống rượu khao quân. Azai Nagamasa trước đó là em rễ, đã cưới em gái ông là nàng O-ichi, người được truyền tụng như một trong 3 mỹ nhân đẹp nhất Nhật Bản. Nhà truyền giáo Luis Frois - kẻ có dịp gặp gỡ ông nhiều lần - đã ghi lại trong tác phẩm "Nhật Bản Sử" (Historia de Japam) của mình về ông như sau: "Ông vua xứ Owari này người gầy mà cao, râu thưa, giọng lanh lảnh. Ông yêu chuộng vũ nghệ, tính tình thô bạo, ngạo mạn và kiêu hãnh. Quyết đoán nhanh, giỏi chiến thuật. Ông không chú trọng đến luật pháp, hầu như chẳng nghe lời khuyên can của bộ hạ bao giờ. Mọi người xa gần đều tỏ ra kinh sợ ông".

Không những nhà truyền đạo Luis Frois đã miêu tả rất rõ ràng về tính cách độc tài chuyên chế của Nobunaga mà ông còn cho chúng ta biết đó là một con người chẳng kính sợ Thần Phật chi cả mà cũng không hề tin có một đời sau. Vô thần đến mức ấy nên hễ là người có tội thì dù tăng nhân hay giáo sĩ đi nữa, ông cũng không dung tha. Do đó, đối với chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên ngọn Hieizan (Tỉ Duệ Sơn) là thế lực đã ủng hộ Asakura và Azai để chống ông thì ông tỏ ra không nương tay. Không những ông cho đốt sạch điện đài, giết sạch sư sãi tăng binh từ chùa trên đến chùa dưới mà còn tàn sát thường dân bất kể trai gái già trẻ của thị trấn Sakamoto bên cạnh vì họ đã tiếp tay với nhà chùa. Cùng trong khoảng đó , vào năm 1574, khi đàn áp Ikki ở Ise Nagashima, ông đã cho lùa hai vạn giáo đồ tông Ikkô đã qui hàng vào trong vòng rào rồi đốt chết hết.Năm sau, ông cũng cũng đàn áp một cách tương tự những người tham gia vụ Ikki ở Echizen. Vì quá ngạo mạn, ông còn tự xem như thần thánh và bắt mọi người phải sùng bái, cho xây cả chùa Sôkenji (Tổng Kiên Tự) trong khuôn viên thành Adzuchi để hàng năm tổ chức cúng kiến mình. Có thể những điều quá lố đó đã làm cho - khi cuộc đời Nobunaga cáo chung vì mưu phản ở chùa Honnôji (Honnoji no hen, 1582) dưới bàn tay của bộ hạ tâm phúc là Akechi Mitsuhide [6] - người ta nghĩ rằng ông đã chịu quả báo nhãn tiền.

Về những điểm son thì ông được biết như một người thông minh, có tính hiếu kỳ và tinh thần thực dụng. Thường xuyên hỏi thăm tin tức trên thế giới qua các giáo sĩ, nhiều khi ông còn ăn uống và mặc quần áo kiểu Tây phương. Ông được biết đến là người đầu tiên ở Á châu đã biết dùng bộ binh trang bị súng ống để khống chế kỵ binh và gươm giáo, thay đổi hẳn hình thức chiến đấu cổ truyền. Với các nhà truyền giáo, ông tỏ vẻ rộng lượng, không phải vì ghét Phật giáo và có cảm tình với Thiên Chúa giáo nhưng có lẽ vì những người Tây phương đã cung cấp súng đạn, giúp ông tiến nhanh tiến mạnh đến thành công.

Tăng Ren.nyo và tông Ikkô [7]

Thế kỷ 15 bước qua thế kỷ 16 là cuối đời Muromachi, có tên là thời Sengoku nhưng cũng được mệnh danh là thời của những cuộc Ikki. Ikki thực ra là đồng tâm hiệp lực để làm một việc gì, kể cả việc làm thơ, uống trà chứ không riêng chi việc nổi loạn đòi thi hành chính trị tốt. Tôn giáo cũng đi làm Ikki. Mục đích của họ là chống lại sự bành trướng của các lãnh chúa và bảo vệ quyền lợi của tự viện. Điển hình là Ikkô Ikki (Nhất Hướng nhất quỹ, 1488) của giáo phái Phật giáo Jôdo Shinshuu (Tịnh Độ Chân Tông), cường địch của Oda Nobunaga, người mưu việc thống nhất thiên hạ.

Phái Jôdo Shinshuu phát tích từ thời Kamakura, khai tổ là Shinran (Thân Loan, 1173-1262), một giáo phái có tinh thần phóng khoáng, chủ trương " thê đới nhục thực" (lấy vợ, ăn thịt). Sau khi Shinran mất, họ chia năm xẻ bảy. Tăng Ren.nyo (Liên Như, 1415-1499) lãnh đạo một chi phái đóng ở một ngôi chùa Honganji (Bản Nguyện Tự). Thế nhưng chùa ấy chỉ bé nhỏ, nghèo nàn, không có bao nhiêu thiện nam tín nữ.Ren.nyo lấy vợ, đẻ con nhưng hầu như không nuôi nổi, đành cho nhà người khác nuôi hộ. Năm 1457, cha là Zon.nyo (Tồn Như) mất, ông trở thành pháp chủ đời thứ 8 của phái Honganji nhưng nghèo đến độ trong nhà phải pha loãng canh mà húp.

Tuy nhiên, vì Ren.nyo mang trong người dòng máu của khai tổ Shinran (Thân Loan) nên có uy tín của kẻ thừa kế chính thống. Đồng thời thực tế dạy ông hiểu được cái nghèo và cảnh đời chiến loạn nên Ren.nyo chủ trương hễ là tín đồ với nhau thì không còn phân biệt giai cấp quí tiện. Chẳng bao lâu ông đã có nhiều người theo, tạo nên được một giáo đoàn to lớn trong tinh thần "đồng bằng đồng hành" (dôbô dôkô, bè bạn chung một chí hướng). Ghen tức ảnh hưởng của ông, tăng nhân chùa Hieizan (Kyôto) đã đến đập phá Honganji làm Ren.nyo phải sống đời phiêu bạt về vùng Echizen, Hokuriku và lại tổ chức thành công giáo đoàn ở đây. Tuy thế, ông lại bị chức shugo ở Kaga là Togashi Masachika đánh đuổi, phải dời về vùng Yamashina (Kyôto) bố giáo. Năm 82 tuổi mới lập ra chùa Ôsaka Ishiyama Honganji (1496), một ngôi chùa pháo đài kiên cố. Nơi đây là cơ sở của Ikkô ikki và sau đó (1532), nó trở thành bản sơn của giáo phái dưới đời cháu Ren.nyo là Shô.nyo (Chính Như).

Tuy chùa Honganji đã bị đại tướng Shibata Katsuie, theo lệnh của Nobunaga, khuất phục năm 1580 sau 10 năm chiến đấu giằng co nhưng trước đó, phong trào Ikkô Ikki đã lan tràn suốt thời Sengoku trong toàn cõi Nhật Bản (Kaga, Mikawa, Ise Nagashima). Chẳng những Nobunaga mà cả Ieyasu (Mikawa,1563) cũng như các lãnh chúa địa phương đều phải chạm trán với họ mà không phải lúc nào phía các lãnh chúa cũng thu phần thắng lợi. Có lúc Nobunaga phải nhờ Thiên hoàng ban sắc lệnh giảng hòa. Ba năm sau lần đàn áp đẫm máu cuối cùng, trên nền cũ của Ôsaka Ishiyama Honganji, người kế nghiệp Nobunaga là Hideyoshi đã cho xây một ngôi thành vĩ đại là thành Ôsaka (1583) với hy vọng chôn chặt vĩnh viễn giáo phái ấy. Thế lực của tông Ikkô sở dĩ lan rộng và có sức mạnh khủng khiếp chỉ vì biết dựa trên tín ngưỡng niệm Phật (nenbutsu). Tín ngưỡng đó giúp cho người ta tìm được sự yên ổn trong tâm hồn trước giờ lâm chung vì đinh ninh rằng mình sẽ được cứu độ (lai thế vãng sinh = raisei ôjô). Ngoài ra, lý do thành công khác của họ là tín đồ được tổ chức thành đoàn thể gọi là kô (giảng) theo một hệ thống rất chặt chẽ.

2.2 Toyotomi Hideyoshi gồm thâu thiên hạ:

Sau khi Nobunaga chết trẻ vì bị cận thần bội phản, sự nghiệp thống nhất đất nước được chuyển qua tay bộ hạ của ông là Toyotomi Hideyoshi. Sau đây, chúng ta hãy thử tóm tắt hoạt động của Hideyoshi trong quá trình thực hiện ước nguyện đó:


Toyotomi Hideyoshi

1) Trận Yamazaki (năm 1582, Tenshô 10):

Sở dĩ có biến cố ở Honnôji đưa đến cái chết của Nobunaga là vì quân của lãnh chúa Môri đã thành công trong việc cầm chân Hideyoshi khiến cho viên tướng này phải xin Nobunaga cứu viện. Trong khi đang vây thành chợt nghe hung tin của chủ tướng, Hideyoshi bèn giảng hòa với Môri rồi kéo quân về. Sử gọi là "cuộc hồi quân lớn từ vùng Chuugoku" (Chuugoku ôgaeshi). Hideyoshi chuyển quân một cách hết sức thần tốc về phía Kyôto. Kịp khi vừa tới vùng Yamazaki, cửa ngõ của kinh đô, ông đã đụng độ và tiêu diệt đạo binh của Akechi Mitsuhide, kẻ phản chủ. Đó là trận Yamazaki vậy.

2) Trận Shizuka-ga-take (năm 1583, Tenshô 11):

Sau trận Yamazaki một năm, ở trận Shizuka-ga-take, Hideyoshi phá quân của Shibata Katsuie (Sài Điền Thắng Gia, 1522-1583), một viên tướng trên danh nghĩa và thực lực có nhiều khả năng kế vị Nobunaga nhất. Nhờ đó, Hideyoshi đã trở thành người có tiềm năng nối nghiệp cố chủ. Vào năm đó, ông hạ lệnh xây thành Ôsaka. Thành này nằm ở một địa điểm xung yếu kể cả hai mặt thủy lục mà cho đến lúc ấy là một dịa điểm buôn bán quan trọng nằm trong vòng ảnh hưởng (jinaichô) của chùa Ishiyama Honganji. Kiến trúc thành quách của thời điểm này tượng trưng cho văn hóa Momoyama (Đào sơn văn hóa) [8] mà những ngôi thành nổi tiếng nhất chính là thành Ôsaka và thành Fushimi. Qua cung cách hùng tráng và hoa lệ của chúng, Hideyoshi muốn biểu dương uy thế của một quốc gia thống nhất. Về nội thất thì các bức tường, cửa kéo, bình phong... đều được các họa sư phái Kanô (Thú Dã) như Kanô Eitoku (Thú Dã Vĩnh Đức, 1543-1590) tô vẽ bằng tranh damie (nồng hội) với màu sắc diêm dúa và nét bút mạnh mẽ, tương xứng với tinh thần của thời đại.

3) Trận Komaki, Nagakute (năm 1584, Tenshô 12):

Đến năm 1584, Hideyoshi (lúc đó còn mang tên là Hashiba Hideyoshi) đánh nhau với liên quân Oda Nobukatsu (Chức Điền Tín Hùng, 1558-1630, con thứ của Nobunaga) và Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang, 1542-1616) ở vùng Komaki và Nagakute trong xứ Owari. Đây cũng là một trong những trận đánh tranh dành ngôi kế vị của Nobunaga. Tokugawa mới là người có thực lực trong khi cậu ấm Nobukatsu chỉ là một cái bung xung. Tuy phe Tokugawa được lợi thế lúc đầu nhưng chiến cuộc không ngã ngũ, cuối cùng ông ta buộc lòng giảng hòa và chấp nhận phận thần tử trước Hideyoshi. Dù sao, từ đó về sau, liên hệ giữa hai nhà không ngớt căng thẳng. Sự hòa thuận ngoài mặt chỉ để che dấu những âm mưu hãm hại nhau ngầm bên trong. Tuy nhiên, gỡ được một cái gai lớn như thế bằng phương tiện ngoại giao, công việc thống nhất của Hideyoshi đã có nhiều thuận lợi hơn.

4) Bình định đảo Shikoku (năm 1585, Tenshô 13):

Năm 1585, Hideyoshi lại thành công trong việc đánh bại lãnh chúa Chôsokabe Motochika (Trường Tông Ngã, Nguyên Thân, 1538-1599) mà gia đình đã nhiều đời hùng cứ đảo Shikoku. Cũng vào năm ấy, Hideyoshi được triều đình bổ vào chức Kanpaku (Quan bạch), năm sau lại thăng Daijôdaijin (Thái chính đại thần) và ban cho họ mới là Toyotomi (Phong Thần) thay cho họ cũ Hashiba (Vũ Sài). Như thế, Thiên hoàng đã ủy quyền cho ông cai trị nước Nhật. Ông bèn ban bố lệnh Sôbuji (Tổng vô sự) ý nói "cả nước đã có hòa bình". Theo đó, ông bắt buộc ai còn đang đánh nhau phải lập tức đình chiến, kẻ nào ương ngạnh không tuân theo sẽ chịu sự trừng phạt của chính quyền do ông chỉ đạo. Như thế, những cuộc tranh giành đất đai giữa các lãnh chúa Chiến Quốc cho đến lúc đó đã được đặt hoàn toàn dưới quyền tài phán, cắt đặt của Hideyoshi.

5) Bình định đảo Kyuushuu (năm 1587, Tenshô 15):

Shimazu Yoshihisa (Đảo Tân, Nghĩa Cửu, 1533-1611), lãnh chúa ở miền nam vì đang lăm le thống nhất đảo Kyuushuu nên không tuân theo lệnh Sôbuji. Do đó, Hideyoshhi bèn phái quân chinh phạt. Yoshihisa thua trận phải cắt tóc đi tu.Cũng vào năm này, ở vùng Kitano (Bắc Dã) thuộc Kyôto, ông đã khai hội thưởng thức trà có tên là Kitano ôcha no yu (Đại trà thang ở Kitano) do các trà sư nổi tiếng đương thời như Sen no Rikyuu (hay Sen Rikyuu, Thiên Lợi Hưu, 1522-1591) , Imai Sôkyuu (Kim tỉnh Tông Cửu, 1520-1593) và Tsuda Sôgyuu (Tân Điền Tông Cập, ? - 1591) đề xướng. Việc hội trà không phân biệt giai cấp giàu nghèo, quí tiện được xem như nét đặc sắc của thời buổi. Hideyoshi cũng là người rất hâm mộ trà đạo.

6) Bình định hai vùng Kantô và Ôshuu (năm 1590, Tenshô 18):

Năm 1590, Hideyoshi tiến công và tiêu diệt được Hôjô Ujimasa (Bắc Điều Thị Chính, 1538-1590), lãnh chúa vùng Odawara thuộc Kantô (Quan Đông) và thần phục được Data Masamune (Y Đạt Chính Tông, 1567-1636) vùng Tôhoku (Đông bắc Honshuu). Như thế, xem như ông đã hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản.

Tiết 3 : Chính sách của chính quyền Toyotomi:
3.1 Cơ cấu của chính quyền Toyotomi:

Thể chế Toyotomi Hideyoshi là một thể chế độc tài mà trung tâm mọi quyết định là chính Hideyoshi cho nên tổ chức chính quyền thời ông khó thể nói là được mười phần chỉnh đốn. Vì lý do ấy mà nó đã yểu mệnh, không kéo dài trên 10 năm. Nói về chính sách do ông đề ra, trước hết phải đề cập đến lệnh kiểm soát đất đai và lệnh thu hồi võ khí.

Cơ sở công việc cai trị của Toyotomi Hideyoshi là lợi dụng triệt để quyền uy của triều đình, một điều ông khác với Nobunaga (ông này chỉ đứng bên lề mà khống chế triều đình). Như đã trình bày bên trên, năm 1585, Hideyoshi đã tìm cách để được thiên hoàng bổ nhiệm vào vai trò Kanpaku rồi sau đó là Daijôdaijin, hai chức vụ quan trọng hàng đầu. Tên họ mới của ông ông cũng do triều đình ban cho. Lại nữa, vào năm 1588, khi khánh thành ngôi biệt điện Juurakutei (Tụ Lạc Đệ), ông đã cho mời Thiên hoàng Gô Yôzei (Hậu Dương Thành) đến khoản đãi và nhân lúc ấy, đòi hỏi các lãnh chúa địa phương tuyên thệ trung thành với cả mình lẫn Thiên hoàng.

Bằng cớ rõ nhất của sự độc tài là Hideyoshi đã ban bố lệnh Sôbuji, ngăn cấm những cuộc chiến tranh riêng lẻ, ra lệnh cho các lãnh chúa phải đình chiến và cưỡng chế họ điều đình với nhau dưới áp lực của mình.

Trung tâm tổ chức chính quyền của Hideyoshi là Gotairô (Ngũ đại lão) và Gobugyô (Ngũ phụng công). Và chỉ có thế thôi. Ông chia năm chức vụ thi hành (phụng công) cho năm bầy tôi thân tín nhất của mình, ngoài ra, ông dùng năm đồng minh chiến lược làm cố vấn (đại lão) để bàn luận về những chính sách trọng yếu. Tóm lại, với 10 nhân vật đó ông nghĩ rằng đã có thể xây dựng một chính quyền vững như bàn thạch! Ít nhất đó là điều ông đã cho thi hành vào lúc cuối đời.

Khi còn khỏe mạnh minh mẫn, ông có thể thực hiện chính sách độc tài ấy được nhưng đến lúc xế chiều, có vẻ ông bị ám ảnh nhiều hơn về việc làm sao duy trì chính quyền nhắm để lại cho Toyotomi Hideyori (Phong Thần Tú Lại, 1593-1615), cậu đích tử hãy còn ít tuổi. Sau đây là thành phần của "hội đồng chính phủ" 10 người do ông chỉ định:

Năm bugyô (phụng công, như tổng trưởng chính phủ): Asano Nagamasa, Mashita Nagamori, Ishida Mitsunari, Maeda Gen.i, Natsuka Masaie.

Năm tairô (đại lão, như thượng nghị sĩ hay thủ tướng): Tokugawa Ieyasu, Maeda Toshiie, Môri Terumoto, Kobayakawa Takakage (sau khi ông chết, Uesugi Kagekatsu thế chân), Ukita Hideie.


Ishida Mitsunari

Tuy vậy, nỗ lực của Hideyoshi không đem lại kết quả như ý sau khi ông mất. Chẳng bao lâu tổ chức 10 người này bị giải thể. Ngày 8 tháng 3 năm 1598 (Keichô 3), Hideyoshi trút hơi thở cuối cùng và chỉ 2 năm sau mà thôi, đã xảy ra cuộc sống mái một mất một còn trên cánh đồng Sekigahara (mà Mitsunari và Ieyasu, hai người có tên được in đậm, cầm đầu 2 đạo quân đông tây, đã đóng vai trò chủ chốt). Kết quả trận đánh đó như thế nào, chúng ta sẽ có dịp bàn rõ hơn.

3.2 Chính sách đối nội của chính quyền Toyotomi:

Sau khi thống nhất thiên hạ rồi, Hideyoshi đã đề ra những chính sách đối nội như thế nào? Trước tiên, để đặt cơ sở tài chính cho chính quyền mới, ông đã lập ra ở các địa phương những lãnh địa mà trung ương cai quản trực tiếp gọi là kura.iri.chi (tàng nhập địa) hay "lãnh địa nhà nước" để gây công quĩ mà khả năng thu nhập mỗi nơi lên đến 2 triệu thạch thóc. Ngoài ra còn có các mỏ vàng trên đảo Sado, mỏ bạc Iwami Ômori, mỏ bạc Tajima Ikuno, những cơ sở kinh tài mà chính phủ trông coi và thu huê lợi lấy. Ông cũng cho đúc hóa tệ mang tên là Tenshô ôban (Thiên Chính đại phán) tức " thỏi tiền vàng cỡ lớn năm Thiên chính" để lưu hành. Ngoài ra ông còn đặt các nhà buôn giàu có của những khu vực đô thị phồn thịnh như Ôsaka, Sakai, Fushimi, Nagasaki dưới sự kiểm soát trực tiếp, dùng sức mạnh kinh tế của họ để phục vụ cho mục tiêu chính trị và quân sự của mình.

Tiếp đến, về những chính sách cụ thể, chắc cần đề cập đến Taikô kenchi (Thái cáp kiểm địa) trước đã. Taikô (Thái cáp) [9] là một lối xưng hô đặc biệt để chỉ Kanpaku hay Daijôdaijin, có thể hiểu là Tể Tướng đầu triều.

Sau khi đã dẹp được Akechi Mitsuhide trong trận Yamazaki (1582), ông bèn cho kiểm kê đất đai (kiểm địa = kenchi) vùng Yamazaki ấy. Thế rồi từ ấy ông tiếp tục cho kiểm kê những lãnh địa mới vừa thu lấy được. Việc kiểm kê đất đai của ông được gọi là Taikô kenchi (Việc kiểm kê đất đai của Tể tướng Hideyoshi). Về mặt cơ bản, nó khác với cách thức kiểm kê đất đai có trước đây của các lãnh chúa Chiến Quốc đối với gia thần và địa chủ. Kiểm kê là cách thức để ấn định mức độ tuế cống cho nên có khi một miếng đất cách vài năm lại bị kiểm kê một lần.

Các lãnh chúa Chiến Quốc dưới thời Nobunaga theo chế độ sashidashi kenchi nghĩa là họ "tự kiểm kê và trình báo lên trên" (jiko shinkokusei = tự kỷ thân cáo chế). Hideyoshi áp dụng lối khác. Ông gửi các viên chức kiểm kê (kenchi bugyô) về tận nơi và đo đạc tính toán rất nghiêm nhặt. Đại khái Hideyoshi đòi hỏi các viên chức phải làm những chuyện như sau:

1) Đo đạc đất đai, xác định sở hữu chủ (nguyên tắc icchi issakunin tức nhất địa nhất tác nhân, một khoảnh đất dành cho một người canh tác).

2) Định mức ruộng tốt ruộng xấu (thượng, trung, hạ, hạ hạ điền vv..theo chất đất và khả năng tưới tiêu) để xem sức sản xuất của một đơn vị (tan = đoạn, phản, tương đương 391,7 m2) được bao nhiêu thạch (hộc, 180 lít) thóc. Sức sản xuất của mỗi "tan" gọi là kokumori (thạch (hộc) thịnh).

3) Tính sức sản xuất trên diện tích chung của miếng đất ấy bằng cách nhân đơn vị diện tích với sức sản xuất của một đơn vị. Sức sản xuất ấy gọi là kokudaka (thạch (hộc) cao).

4) Phân chia kokudaka làm 3 phần: hai phần là của công, một phần dành cho dân. Hai phần ba tức là tuế cống.

5) Định chế độ tuế cống (Nhật gọi là nengu = niên cống nhưng cả hai từ đều có thể hiểu chung là thuế má) theo đơn vị làng xã (mura.ukesei =thôn thỉnh chế) chứ không theo sức nộp thuế của cá nhân.

Điều quan trọng nhất của lệnh kiểm kê đất đai gọi là Taikô kenchi này trước tiên là việc thống nhất các đơn vị đo lường: diện tích, dung tích và trọng lượng. Ba thứ gộp chung được gọi là dôryôkô (độ lượng hành). Những tiêu chuẩn được đặt ở cấp quốc gia ấy ngày trước chỉ giới hạn trong từng lãnh địa và không đồng nhất. Nếu Hideyoshi muốn kiểm kê đồng loạt đất đai khắp nước thì việc thống nhất tiêu chuẩn đo lường nói trên là điều tất yếu.

Ông đã thống nhất trước tiên đơn vị đo diện tích đất đai theo cấp bậc từ lớn xuống nhỏ: chô (đinh), tan (đoạn), se (mẫu), bu (bộ). Một bu (bộ) là diện tích của một khoảnh đất vuông vức mà mỗi bề là 6 shaku (xích) 3 sun (thốn) tương đương với 191cm và được gọi là ken (gian). Cứ 30 bộ thì thành một se (mẫu), 10 se thành 1 tan (đoạn), 10 tan thành 1 chô (đinh). (Chính ra mẫu còn được đọc là mo hay bô. Như ở đây, mẫu với cách gọi là se hay une thì chỉ có khoảng 0,992 sào tây (are)).

Đơn vị đo lường (dung lượng, thể tích) dành cho gạo thì trước đó, các lãnh địa tính theo masu (thăng, thưng) và không đồng đều. Chúng chỉ được áp dụng ở đâu theo đó. Hideyoshi dùng đơn vị masu của vùng Kyôto gọi là Kyômasu (Kinh thăng) làm đơn vị chung cho cả nước. Về dung tích thì ông lấy qui chuẩn là gô (hợp) tương đương với 180ml. Cứ 10 gô thì được một shô (tức masu tức thăng hay thưng), 10 shô thành 1 to (đấu), và 10 to thành một koku (thạch, hộc). Chữ thạch và hộc trên tự dạng chữ Hán vốn khác nhau. Tuy nhiên, người Nhật viết là thạch nhưng lại đọc là koku như hộc và cả hai đều có nghĩa là 10 đấu.

Sau khi đã thống nhất các đơn vị đo lường gọi là doryôkô (độ lượng hành) [10] trên toàn quốc, bấy giờ chính quyền Hideyoshi mới có thể tính toán được lượng sinh sản tiêu chuẩn cho mỗi "tan" đất, Trước thời Hideyoshi, nó là 360 bu (bộ) nhưng theo lệnh Taikô kenchi, một "tan" chỉ tương đương với 300 bu, cho nên xin hiểu rằng diện tích một "tan" là 991,7 m2.Từ cơ sở đó, ngay cả nương rẫy (hatake) lẫn đất xây dựng (yashikichi) đều qui được ra thóc gạo để tính kokumori hay sức sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên sức sản xuất đó sẽ được chia theo đẳng cấp tùy phẩm chất của miếng đất ấy (thượng điền, trung điền, hạ điền, hạ hạ điền). Ví dụ miếng ruộng tốt (thượng điền) thì mỗi "tan" có thể thu một thạch năm đấu thóc, ruộng tốt vừa (trung điền) 1 thạch 3 đấu, nương rẫy và đất xây dựng 1 thạch 2 đấu chẳng hạn. Như thế, tất cả sức sinh sản của đất đai đều lấy thóc gạo làm tiêu chuẩn. Cách tính sức sản xuất nông nghiệp theo kokumori để qui định kokudaka, cơ sở tuế cống của diện tích đất đai đã được báo cáo rõ ràng trong một văn thư gọi là Kenchi jômoku (Kiểm địa điều mục) của Toyotomi Hidetsugu (Phong Thần Tú Thứ, 1568-1595) [11] trong lần ông phụ trách việc kiểm kê năm 1591 (Tenshô 19). Theo đó thì ông đã cho nhân lên sức sản xuất của mỗi "tan" (kokumori) với số và loại "tan" làm nên tổng diện tích (tanbetsu) để tính được thu nhập của hoa màu (kokudaka).

Công cuộc kiểm kê đất đai của Tể tướng Hideyoshi (Taikô kenchi) còn có cái tên khác là Tenshô no kokunaoshi (Việc tính lại số thạch thóc vào năm Thiên Chính) để đánh dấu thời điểm khi chế độ này được tiến hành lần đầu tiên. Công cuộc kiểm kê này thực ra có ý nghĩa rất lớn:

Một là nó gạt bỏ được sự hủ bại của các trang viên. Ngày xưa, một trang viên có khi thuộc quyền sở hữu "chồng chất" (trùng phức) của nhiều người và sinh ra biết bao nhiêu phức tạp từ việc tranh chấp quyền lợi. Nay thì chỉ có một sở hữu chủ.

Hai là nó ghi nhận trên pháp lý quyền sở hữu đất canh tác và đất cư trú của người nông dân, những kẻ thực sự đứng ra canh tác ruộng đất, vì tên tuổi và các cách tính toán kokumori và kokudaka phần họ đều được đăng ký trong sổ sách của nhà nước gọi là kenchichô (kiểm địa trương).

Ba là nó buộc người nông dân phải thi hành nghĩa vụ nộp tuế cống phù hợp với số lượng đã định rõ bằng con toán của nhà chức trách trên phần đất thuộc về họ. Điều này vừa khuyến khích những tiểu nông tự lập vừa nắm được trực tiếp việc thu thập tuế cống cho nhà nước.
 

Việc kiểm kê đất đai của tể tướng cũng dẫn đến chế độ chia cắt và ban phát các chigyôkoku (tri hành quốc) tức "phần đất đặc biệt phong tặng cho những người ra làm việc nước", được trao từ tay Hideyoshi đến các lãnh chúa. Chế độ này mang tên daimyô chigyôsei (đại danh tri hành chế). Các lãnh chúa (daimyô = đại danh) tùy theo diện tích và sức sản xuất của địa phương mình, đã phải phụng sự việc binh (gunyaku = quân dịch) cho chính quyền trung ương. Để trả lễ cái công gọi là chigyô (tri hành = chấp hành chức vụ), trung ương mới ban thưởng cho họ như thế.

Tiếp đến, xin được trình bày về chính sách thu hồi vũ khí của Hideyoshi. Cụ thể nó đã được thực hiện bằng cái lệnh katana.gari (đao thú = săn lùng đao kiếm) ban hành vào năm 1588 (Tenshô 16). Nó không đến nổi phức tạp như lệnh kiểm kê đất đai. Mục đích chính không gì khác hơn là phòng ngừa những cuộc nổi loạn tsuchi-ikki dưới thời Chiến Quốc mà ta đã bao lần nhắc tới. Hồi đó, nông dân đều vũ trang nên mỗi khi uất ức hay bất mãn về việc phải thu nạp tuế cống là họ có thể hội họp làm ikki, nhất tề nổi dậy, dùng vũ lực chống lại chủ nhân lãnh địa một cách dễ dàng. Nói cách khác, gặp lúc hữu sự thì nông dân sẽ có thể tức khắc trở thành một lực lượng vũ trang. Thành thử giữa anh nông dân tầm thường và người vũ sĩ thuộc giai cấp cao hơn không còn có khoảng cách gì nữa. Nó chẳng khác tình trạng của thời trung cổ lúc mà "binh nông là một". Như vậy, ta hiểu chính sách thu hồi lại vũ khí của nông dân có mục đích ngăn chia hai giai cấp này ra (binh nông phân ly), sau nữa là không cho nông dân (và cả ngư dân) có phương tiện đối kháng lại quyền uy các lãnh chúa.

Dù vậy, không cứ hể là mệnh lệnh của Hideyoshi thì phải được thi hành. Nông dân cả nước đang nắm khi giới dễ gì nộp lại ngay cho nhà nước! Do đó, Hideyoshi mới đề ra chuyện "đại nghĩa danh phận" nghĩa là đưa chiêu bài hoa mỹ để thuyết phục (hay dụ dỗ) nông dân.

Văn từ của katana.gari hay lệnh săn lùng đao kiếm đã được ghi lại trong một sử liệu gọi là Kobayakawake bunsho tập hợp giấy tờ, tư liệu của gia đình Kobayakawa, một lãnh chúa thời Chiến Quốc, nay hãy còn được truyền lại. Điều khi 2 có chép đại ý "Những võ khí cần tịch thu đó quyết không phải là vật vô dụng. Sắp đến đây, khi đúc tượng Đại Phật chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự), nhà nước sẽ dùng nó làm nguyên liệu cho nên tất cả phải nghĩ đến lợi ích tương lai chung mà hiệp lực thì mới được".Thêm vào đó, trong điều thứ 3, còn thấy viết: "Nếu nhà nông chỉ sử dụng nông cụ để chuyên tâm lo cày cấy nông tang thì không có điều gì đáng vui hơn (cho nhà nước)". Như vậy, nhà nước đã khéo léo đưa những chiêu bài để kéo dân chúng làm theo ý mình. Vì không có thống kê chính thức nên không hiểu nhà nước đã thu hồi được bao nhiêu đao kiếm nhưng theo tư liệu ở một số địa phương thì số đao kiếm thu vào rất đáng kể. Những địa phương còn giữ lại vài sử liệu liên quan đến việc thu hồi đao kiếm là Yamashiro, Yamato, Kaga, Noto, Wakasa, Izumo, Shinano, Bizen, Chikugo, Satsuma, Dewa.

Qua đó, người ta được biết chẳng hạn viên thủ thành họ Mizoguchi ở khu vực Daishôji thuộc tiểu quốc Kaga chỉ trong vòng một tháng đã thu được từ hai quận Enuma và Mino (lãnh địa 4 vạn 4 nghìn thạch thóc do ông cai quản) tổng cộng 3.973 dụng cụ chiến đấu, và gửi tất cả về trung ương. Trong số vật thu hồi thì 96% thuộc loại gươm giáo, còn 4% còn lại thuộc về cung tên hay súng ống. Như thế mà chức quan trông coi việc săn lùng đao kiếm, Natsuka Masaie, vẫn không bằng lòng vì cho là số nộp sao mà quá ít. Vùng Izumo, lãnh địa của họ Môri thì trong 12 xóm làng (gô) đã thu được vụ khí trang bị được cho 99 người, tổng cộng 195 món. Có thể tính ra là mỗi một người trang bị một kiếm dài và một kiếm ngắn vậy.

Vào năm 1590 (Tenshô 18) tức thời điểm mà vùng Mutsu ở Đông Bắc đã được bình định và cuộc thống nhất đi đến giai đoạn cuối cùng, ở quận Senboku, quan chức sở tại đã thu hồi được tổng cộng 4.472 dụng cụ chiến đấu như kiếm kích đao thương, áo giáp, trong đó có cả 26 khẩu súng.Vì đây là cuộc giải giới ở một vùng đất địch, phân nữa số binh khí đã bị phá hỏng rồi. Dầu vậy con số còn lại đó đã phản ảnh trung thực tình trạng tàng trữ binh khí ở địa phương. Chỉ cần nhân ví dụ vừa kể lên với số địa phương bị kiểm soát thì ta sẽ hình dung ra được con số và các loại đao kiếm đối tượng của cuộc săn lùng trên toàn quốc.

Riêng về pháp lệnh liên quan đến việc ấn định giai cấp xã hội thì được biết năm 1591 (Tenshô 199, Hideyoshi đã ban hành thêm một lệnh mới gọi là Hitobarai.rei (Nhân tảo lệnh = Lệnh dọn dẹp người). Nội dung của nó nhằm cấm những người theo việc binh (buke hôkônin) dưới trướng các võ sĩ trở thành dân kẻ chợ (thương) hoặc làm ruộng (nông). Lệnh cũng không cho phép người làm nông (hakushô) trở thành nhà buôn (thương). Như thế, Hideyoshi muốn ai ở địa vị nào vẫn phải ở đấy nghĩa là kiểm soát chặt chẽ hơn trong sự ngăn cách các giai cấp xã hội.

Vào năm sau, chức kanpaku Hidetsugu (và là cháu, dưỡng tử của Hideyoshi) nhân vì muốn có đủ con số phu phen và lính để cử binh sang đánh Triều Tiên, đã dựa theo sắc lệnh Hitobarai này để mở cuộc điều ta dân số (hộ khẩu = koguchi) trên toàn quốc, sắp hạng dân chúng theo tiêu chuẩn hôkônin (binh), chônin (thương) và hakushô (nông). Lệnh mới này có tên Mibun tôseirei (Thân phận thống chế lệnh = Lệnh quản lý các giai cấp). Tóm lại, trước sau chính quyền Hideyoshi đã sử dụng 3 pháp lệnh là lệnh kiểm địa, lệnh lùng đao kiếm và lệnh ngăn cấm việc chuyển đổi giai cấp để củng cố việc phân chia thứ bậc xã hội giữa binh - thương - nông và hoàn thành một chính sách "binh nông phân ly".

3.3 Chính sách đối ngoại của chính quyền Toyotomi:

Sau đây xin trình bày chính sách đối ngoại của Hideyoshi cũng như cuộc cử binh xâm lăng Triều Tiên của ông. Trước tiên hãy đề cập đến cách xử lý của ông đối với đạo Ki-tô.

Lúc đầu, cũng giống như Nobunaga, Hideyoshi cho phép đạo Ki-tô được truyền giáo. Dần dà, ông thay đổi ý kiến khi nhận thấy ảnh hưởng của đạo Ki-tô có thể phương hại đến việc củng cố một thể chế quốc gia như ông mong muốn. Chuyện đó đã bộc lộ cụ thể vào năm 1587 (Tenshô 15). Số là sau khi Hideyoshi bình định xong đảo Kyuushuu thì một lãnh chúa đi đạo là Ômura Sumitada (Đại Thôn Thuần Trung, 1553-1587) ở Nagasaki đã đem đất đai tiến cúng cho Hội Jesuit. Ngoài ra còn có tin đến tai Hideyoshi là tín đồ đạo Ki-tô đã phá hoại chùa chiền và đền thần. Lúc đó ông mới đặt ra nguyên tắc là các lãnh chúa nếu ai muốn vào đạo phải được phép của ông cái đã (nhập tín hứa khả chế). Do đó, một lãnh chúa là Takayama Ukon (Cao Sơn Hữu Cận, 1552-1615), chủ nhân thành Akashi ở Harima (tây nam Hyôgo bây giờ) vì không chịu bỏ đạo nên lãnh địa bị tịch biên. Ngược lại, đối với thường dân thì Hideyoshi cho phép tùy tâm tùy hỷ nghĩa là không đặc biệt ngăn cấm.


Tượng lãnh chúa đi đạo Dom Bartholomieu Ômura Sumitada

Thế nhưng chẳng bao lâu Hideyoshi lại đổi phương châm. Trong điều lệ đầu tiên của lệnh phóng trục (đuổi) các bateren (từ tiếng Bồ padre có nghĩa là "các cha cố"), ông cho rằng "Nhật Bản là đất nước của chư thần, nay nếu đi theo tà giáo của các nước Ki-tô thì kỳ cục quá thể". Như thế, các giáo sĩ ngoại quốc bị ông bắt buộc đi ra khỏi nước và việc truyền giáo triệt để cấm chỉ.Nhưng ngược lại, ông vẫn bảo vệ và khuyến khích mậu dịch Nam Man thành thử thái độ của ông hãy còn có điểm mơ hồ. Ông vẫn bảo vệ các phú thương vùng Kyôto, Sakai, Nagasaki, Hakata ...khi họ chở hàng đi buôn bán trong vùng Đông Á và giao thương với người ngoại quốc trong phạm vi Nam Man mậu dịch. Vì vậy mà dù có lệnh cấm, đạo Ki-tô sau đó vẫn được truyền bá rộng rãi. Cho đến thời Mạc Phủ Tôkyô, chính sách đối ngoại nhập nhằng này vẫn tiếp diễn và tạo nên vấn đề.


Tượng Nụy khấu

Thứ đến, từ năm 1588 (Tenshô 16), Hideyoshi đã phát lệnh Kaizoku torishimari-rei (Lệnh xử lý hải tặc) cấm đoán các hành vi cướp bóc của Wakô (Nụy khấu) nhằm kiểm soát hải phận triệt để. Đó một phần cũng bởi vì từ hậu bán thế kỷ 16, tình hình giao thông đã xấu đi, các thế lực truyền thống vùng Đông Á bắt đầu là nhà Minh bên Trung Quốc không còn đủ mạnh để giữ gìn trật tự trên mặt biển nữa.

Khi đã thống nhất toàn quốc, Hideyoshi thừa cơ nhà Minh suy yếu, mưu đồ lập một trật tự mới ở vùng biển Đông mà Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ chốt. Nếu dùng chữ văn vẻ bóng bẩy một chút thì nó là "trật tự hoa di kiểu Nhật". Lúc đó, Nhật Bản đóng vai "hoa" thay cho Trung Quốc và các nước chung quanh ("di") sẽ phải phục tùng nó. Nói cách khác, Nhật Bản sẽ trở thành "trung" tâm thay cho Trung Quốc của nhà Minh. Cụ thể là Nhật Bản đòi chính quyền các vùng như Goa của Bồ Đào Nha, Manilla của Tây Ban Nha, Cao Sơn Quốc của Đài Loan phục tùng và triều cống mình. Bởi vì tư thế mà Nhật Bản của Hideyoshi mong đợi là mình sẽ thay mặt hoàng đế Trung Quốc bắt mọi người phải vào chầu.

Tinh thần dân tộc quá khích đó rốt cục dẫn đến những hậu quả bi đát. Để thực hiện giấc mộng bá quyền, Nhật Bản đã hai lần xuất quân xâm lấn đất nước Triều Tiên. Sử Nhật gọi đó là Chiến dịch năm Bunroku (Bunroku no eki, 1592, năm Văn Lộc nguyên niên) và Chiến dịch năm Keichô (Keichô no eki, 1597, Khánh Trường thứ 2).

Năm Bunroku, trong đợt tiến quân lần thứ nhất, Hideyoshi đặt mục tiêu tấn công nhà Minh. Vào năm 1587 (Tenshô 15), sau khi Triều Tiên từ chối đóng vai trò "tiên phong" đi đánh nhà Minh, sự cố đã bộc phát. Trước tiên, Hideyoshi qua trung gian của họ Sô (Tông) cai trị đảo Tsushima (Đối Mã, nằm trên đường đi) bắn tin nhờ Triều Tiên nhưng bị Triều Tiên từ khước. Lúc ấy, Hideyoshi bắt đầu chuẩn bị chiến tranh bằng cách mở hành doanh tại thị trấn Nagoya (Danh Hộ Ốc) trong vùng Hizen (Phì Tiền, tên cũ của Saga-Nagasaki) trên đảo Kyuushuu.Xin đừng nhầm với thị trấn Nagoya (Danh Cổ Ốc) ở vùng Aichi trên đảo Honshuu. Thế rồi bước qua năm 1592 (Văn Lộc, Bunroku nguyên niên), đạo quân trên 15 vạn của Hideyoshi đã vượt biển sang đánh Triều Tiên. Sau khi đổ bộ lên Pusan (hay Busan, Phủ Sơn) ở cực nam, đại quân của Hideyoshi đã sử dụng súng hỏa mai là vũ khí tối tân thời ấy để chiếm thượng phong và chẳng bao lâu đã hạ được Seoul (lúc đó mang tên Hanseong, Hán Thành) rồi đến lượt Pyongyang (Bình Nhưỡng).


Mô hình Qui giáp thuyền (Geobukseon)

Thế nhưng thủy quân Triều Tiên dưới sự chỉ đạo của danh tướng I Sun-Sin (Lý Thuấn Thần) đã chiến đấu dũng cảm [12]. Người ta vẫn còn nhắc đến chiến thuật của ông sử dụng các geobukseon hay "qui giáp thuyền" là các thuyền hình mu rùa có vỏ bọc kim loại rất chắc chắn để chống các đợt xung kích cận chiến và hỏa pháo của quân Nhật. Nghĩa binh của Triều Tiên cũng tham chiến với sự chi viện của quân Minh do tướng Lý Như Tùng thống suất. Quân Nhật vì đường vận lương bị gián đoạn nên dần dần bị du vào thế bất lợi. Rốt cuôc, Nhật phải tính chuyện giảng hòa với nhà Minh. Lúc thương lượng thì người trách nhiệm phía Nhật là tướng Konishi Yukinaga (Tiểu Tây Hành Trường, ? -1600) và phía Triều Tiên là Thẩm Duy Kính. Thế nhưng điều kiện giảng hòa giữa Hideyoshi và phía nhà Minh quá khác xa cho nên hiệp ước không đươc ký kết. Lý do là Hideyoshi đòi 1) quân Minh phải hàng phục, 2) phải nhượng phần đất phía nam Triều Tiên cho Nhật. Thế nhưng hai bên ăn nói qua lại mù mờ làm sao mà sinh ra sự hiểu lầm, khiến cho vào năm 1596 (Khánh Trường, Keichô nguyên niên), khi nhà Minh gửi sứ sang Nhật thì chỉ đề cập với Hideyoshi "Nay phong ngươi làm Nhật Bản quốc vương" với ngụ ý cho phép Nhật được... triều cống.

Kết quả là cuộc thương thuyết Minh - Nhật hoàn toàn đổ vỡ. Năm 1597 (Keichô 2), Hideyoshi một lần nữa lại gửi hơn 14 vạn quân sang đánh Triều Tiên. Đó là Chiến dịch năm Keichô (Keichô no eki). Tuy nhiên lần này vừa mới tiến binh, quân Nhật đã bị Triều Tiên đón đánh và cầm chân. Sang năm sau, khi có tin Hideyoshi chết thì toàn thể binh đoàn bắt buộc phải triệt thoái.

Hai cuộc xuất quân xảy ra trong vòng 7 năm. Nhật Bản đã kéo nước Triều Tiên vào vòng khói lửa và gây nhiều tang tóc.Trong khi đó, tại quốc nội, hai cuộc xâm lấn nước người đã gây nên cảnh khổ cho cả thường dân Nhật Bản vì họ phải chịu một gánh nặng khủng khiếp về tài lực và nhân lực. Dĩ nhiên đó cũng là nguyên nhân xa sự suy vong của chính quyền Hideyoshi.
 

Giấc mộng cuồng chinh của Hideyoshi, người khổng lồ có bàn chân đất sét. [13]

Hideyoshi cũng như Nobunaga, là một người anh hùng do thời thế tạo nên. Cha của ông tên Kinoshita Yaemon, một nông dân tầm thường ở Owari (Aichi, nay là vùng Nagoya). Tên cúng cơm của ông là Hiyoshimaru và còn mang thêm hỗn danh là Saru (Con khỉ) có lẽ vì tướng nguời loắt choắt. Năm 16 tuổi, bỏ nhà ra đi, buôn bán dạo lăng nhăng trước khi vác súng tùng quân trong pháo đội của Oda Nobunaga. Nhờ thông minh, can đảm và có nhiều sáng kiến về chiến lược chiến thuật, ông được chủ vốn không tỵ hiềm giai cấp, yêu mến đến độ cất nhắc lên hàng đại tướng. Sau khi Nobunaga chết, ông nắm lấy thời cơ, loại hết địch thủ, lãnh đạo tập đoàn chiến đấu của chủ rồi vào triều đình lãnh chức công khanh, danh dự mà trước đó chỉ có các quí tộc Nguyên Bình Đằng Quất (Minamoto, Taira, Fujiwara, Tachibana) mới đạt được. Có thể ông sẽ hoàn thành được giấc mộng thống nhất đất nước của chủ quân (Nobunaga) nếu không phạm lỗi lầm tai hại là 2 lần xuất quân tiến đánh Triều Tiên. Thất bại ở hải ngoại đã làm tiêu hao lực lượng quân sự và làm băng hoại tổ chức chính trị ông dày công gầy dựng, mở đường đi đến vinh quang cho con người khôn ngoan, biết dưỡng sức đợi thời là Tokugawa Ieyasu.

Lúc đó, trong tâm trí Hideyoshi, bán đảo Triều Tiên chỉ là cái bàn đạp để ông tiến đánh và chinh phục Kara (Đường tức Trung Quốc) và Tenjiku (Thiên Trúc tức Ấn Độ). Ông đã mơ đến việc dựng quốc đô Bắc Kinh và đặt Thiên hoàng ở đấy, còn ông sẽ mở phủ ở đô thị hải cảng Ninh Ba và từ nơi đó, hiệu lệnh cả đại lục. Trong hai lần xâm lược, quân Nhật đã có những hành động tàn ác như cắt mũi xẽo tai địch quân bỏ vào thạp để muối (shiodzuke) đổi lấy tấm giấy báo công (con số giấy lên đến 10 vạn tấm) khiến cho người Triều Tiên đến nay vẫn còn mang mối hận lòng sâu sắc. Để chuộc lỗi, về sau người Nhật đã cho thu thập tất cả những gì còn lại và đắp một cái gò gọi là Mimidzuka (Nhĩ trũng) gần chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở khu Higashiyama ( Kyôto) để cúng tế vong linh các nạn nhân. Trong Bunmeiron no gairyaku (Văn minh luận chi khái lược, 1875), nhà tư tưởng thời Duy Tân, Fukuzawa Yuukichi (1834-1901) đã phê bình rằng, Hideyoshi (trong sách gọi là Fujikichi, một cái tên khác của ông ta) tuy làm quan đến chức Tể Tướng đầu triều nhưng rốt cuộc vẫn mang bản chất của một anh nông dân hãnh tiến xứ Owari, mà địa vị cao sang không sao thay đổi được tính tình.

Từ khi có hai cuộc tấn công của Hideyoshi, "Chinh Hàn luận" trở thành một chủ đề bàn cãi sôi nổi trong giới chính trị Nhật Bản suốt thời Meiji. Kết quả là phái chủ chiến đã thắng và họ thành công trong việc thôn tính đất nước Triều Tiên vào năm 1910.

Cuối cùng, để quên bớt đi chuyện chiến tranh và khổ não, chương này xin khép lại bằng một nét đặc sắc của văn hóa Momoyama (Đào sơn), ám chỉ thời kỳ Hideyoshi cai trị nước Nhật. Một cận thần của Hideyoshi (sau này sẽ chết dưới bàn tay hiếu sát của ông) là trà sư và nhà văn hóa Sen no Rikyuu (Thiên Lợi Hưu). Rikyuu đã tập đại thành văn hóa thưởng thức trà (Cha no yu = Trà thang), quảng bá nó trong dân chúng để ngày nay được cả thế giới biết đến. Về việc chế tạo những đồ dùng trong nghi lễ trà đạo (chadô, sadô) này, phải kể đến những vật dụng gọi là chaki (trà khí), đôi khi là những thứ gốm sứ đã được các nghệ nhân thủ công (tôkô = đào công) Triều Tiên bị Hideyoshi bắt làm tù binh mang về thực hiện được. Ngày nay đồ sứ vùng Satsuma (Satsumayaki) nổi tiếng ở Kyuushuu đã phát xuất từ đó. Cũng phải kể đến kỹ thuật in ấn phát triển rất sớm trên bán đảo đã theo con đường triệt thoái để đến Nhật. Không ai muốn làm chuyện quấy là đi biện hộ cho chiến tranh nhưng trong cái xấu có khi nảy ra đôi điều tốt đẹp. Phải chăng đó là sự oái oăm của lịch sử?
 
Những nét đặc trưng của văn hóa Momoyama (Đào Sơn) [14]

(hậu bán thế kỷ 16, dưới thời Nobunaga và Hideyoshi)

Tổng quát -Màu sắc Phật giáo nhòa nhạt dần, thay vào đó là sự tươi tắn, tráng lệ, nguy nga.

-Được bồi đắp bởi sự góp mặt của các lãnh chúa mới nổi lên và những phú thương giàu có.

-Tiếp thu ảnh hưởng của Văn hóa Nam Man (Tây-Bồ)

Kiến trúc -Trà thất ở Myôkian (Diệu Hỷ Am) do Sen no Rikyuu cất theo lệnh Hideyoshi.

-Cánh cửa Karamon (Đường môn) ở chùa Daitokuji (Đại Đức Tự).

-Hiunkaku (Phi vân các) ở Nishi Honganji (Tây Bản Nguyện Tự).

-Bản điện đền thần Tsukubusama (trong quần thể di tích thành Fushimi).

-Kô no ma, căn phòng thuộc di tích thư viện của chùa Nishi Honganji.

-Viên đình và thư viện Sabbôin (Tam Bảo Viện) chùa Daigoji (Đề Hồ Tự).

-Thành Himeji, thành Inuyama,sơn thành Bicchuu Matsuyama, vọng lâu thành Matsumoto, điện Marugoden thành Nijô.Các sơn thành (yamashiro) mang đậm màu sắc quân sự sẽ nhường chỗ cho các thành mặt bằng (hirayamajirô, hirajirô) có tính cách chính trị và kinh tế. 

Hội họa -Bức tranh bình phong Rakuchuu rakugaizu (Kanô Eitoku vẽ) miêu tả phong cảnh Kyôto.

-Shôyôzu hay Tùng ưng đồ (Tranh tùng và chim ưng) (Kanô Sanraku vẽ)

-Bình phong Hinokizu (Cây bách Nhật Bản9 (Kanô Eitoku vẽ).

-Tranh hoa anh đào và tranh rừng tùng (Hasegawa Kyuuzô vẽ).

-Tranh rừng phong ở Takao (Kanô Hideyori vẽ)

-Tranh sư tử Trung Quốc (Karajishi) (Kanô Eitoku vẽ)

-Tranh hoa mẫu đơn (Kanô Sanraku vẽ)

-Tranh bình phong sơn thủy (Kaihô Yuushô vẽ)

-Tranh chơi đùa dưới bóng tùng (Kanô Naganobu vẽ)

-Bình phong Nam Man vẽ cảnh tiếp đón các nhà truyền giáo và nhà buôn ngoại quốc (các họa sư phái Kanô vẽ theo thủ pháp sơn dầu và đồng bản họa được du nhập vào Nhật).

Thủ công -Tranh sơn (makie) ở Kôdaiji (Cao Đài Tự). Kita Mandokoro (Chính thất của Hideyoshi rất yêu chuộng). 
Trà đạo -Trà sư Sen no Rikyuu hoàn thành trà đạo theo lối Wabicha.
Sân khấu -Kabuki bắt đầu với các trò nhảy nhót Okuni Kabuki đến từ vùng Izumo..

-Sân khấu múa rối búp bê Jôruri và đàn ba giây Samisen..

-Lối hát Ryuutats-bushi (Long Đạt tiết) do Takasabu Ryuutatsu chủ xướng. 

Phong tục -Kiểu áo mát ống tay nhỏ kosode (tiểu tụ) trở thành thông dụng.

-Tập quán ăn 1, 2 bữa của thường dân trở thành 3 bữa một ngày.

Cái chết của một trà sư [15]

Sen no Rikyuu (Thiên, Lợi Hưu) sinh năm 1522 trong một gia đình buôn cá bán sỉ có của ở thị trấn Sakai, tên hồi nhỏ là Yôshirô sau đổi thành Sôeki (Tông Dịch). Giữa thời Sengoku chiến loạn, riêng thành phố Sakai vẫn hưởng hòa bình, phồn thịnh nhờ thương nghiệp và có một nền văn hoá cao. Dạo đó, trong giới phú thương, người ta rất yêu chuộng nghệ thuật uống trà. Ở vào một hoàn cảnh như thế, trước tiên, Rikyuu đã nhập môn trà sư danh tiếng đương thời là Kutamuki Dôchin (Bắc Hướng Đạo Trần). Nơi vị thày này, ông học lối uống trà kiểu Shôin daisu (Thư viện đài tử) tức uống trà trong một không gian tiếp khách (shôin) có cái giá (daisu) để đặt các loại trà cụ thường là đồ ngoại nghĩa là đến từ Trung Quốc. Uống trà kiểu thư viện là đã thanh cao hơn một bực so với loại trò chơi như đấu trà trước đó. Thế nhưng, Rikyuu tìm cách tiến xa hơn khi học Wabicha với Murata Shuukô (Điền Thôn, Chu Quang) và Takeno Jôô (Vũ Dã Thiệu Âu). Wabicha sử dụng một không gian gọn ghẽ, nhỏ bé với không khí giản dị, đạm bạc của Thiền tông, sử dụng các trà cụ đơn sơ sản xuất trong nước.

Học giả Nitobe Inazo (1862-1933) [16] đã viết như sau: "Một ẩn sĩ thiền tông (Sen no Rikyuu) đã nghiên cứu và tạo ra cách thức cho nghệ thuật uống trà trong thời mà chiến tranh và những lời đồn đại về chiến tranh xảy ra không ngớt.Sự thật ấy đủ để chứng tỏ rằng nghệ thuật trà không phải chỉ để tiêu khiển.Trước khi bước vào không gian yên tĩnh quanh phòng uống trà, những người sẽ ngồi sắp hàng trong tiệc trà phải tháo bỏ qua bên những thanh kiếm họ mang theo, cùng với việc đó, họ cũng sẽ dứt bỏ tính hung bạo trên chiến trường, trò hèn mọn trong chính trị, để tìm tình bằng hữu và sự hòa bình ở nơi uống trà này".


Trà sư Sen no Rikyuu

Rikyuu cùng hai người đàn anh ở Sakai là Tsuda Sôkyuu (Tân Điền Tông Cập) và Imai Sôkyuu (Kim Tỉnh Tông Cửu) cùng phục vụ dưới trướng Nobunaga. Sau khi Nobunaga mất, ông được sự tri ngộ của Hideyoshi và được xem như người tâm phúc nên chẳng bao lâu địa vị ông vượt trội hai bậc đàn anh. Ông đã có vinh dự tham dự những chakai (trà hội) do Hideyoshi tổ chức trong cung để hiến trà cho Thiên hoàng Ôgimachi, nhân đó lại được ban tặng danh hiệu Rikyuu koji (Lợi Hưu cư sĩ). Với lòng ưu ái của chủ quân và tài năng của ông, phong trào Cha no yu (Trà thang) phát triển mạnh đến mức độ chưa từng có. Ông trở thành bậc thầy trên đời về trà (Tenka no chashô). Độ tin cậy của Hideyoshi với ông rất lớn, ông luôn luôn được ở hầu bên cạnh chủ chẳng khác chi người em của Tể tướng là Hidenaga (Tú Trường).

Thế nhưng đùng một cái, năm 1571, chẳng hiểu vì duyên cớ gì rõ rệt, Hideyoshi ra lệnh cho Sen no Rikyuu phải mổ bụng tự tử tại nhà ở Kyôto. Ông hưởng thọ 70 tuổi. Bên ngoài thì người ta cho rằng sở dĩ ông bị quở trách là vì đã có những hành vi thiếu khiêm tốn khi cho tạc tượng của mình và chưng nó ở chùa Daitokuji cũng như đem các món trà cụ bán với giá cao. Thế nhưng bên trong có thuyết cho rằng lý do là vì Sen no Rikyuu đã tỏ ra khinh bĩ cái thú uống trà quá rởm, thiếu trí thức của chủ quân Hideyoshi với cách kiến tạo một trà đình thếp vàng và dùng trà khí bằng vàng (ôgon no chashitsu = hoàng kim trà thất). Hoặc giả vì ông đã dại dột từ khước vinh dự khi con gái mình được nạp vào hậu cung của Tể tướng. Lại có người nói là trong khi Hideyoshi dành ưu tiên Hakata (cứ điểm xuất quân đánh Triều Tiên) thì ông vẫn đứng về phía Sakai trong cuộc xung đột giữa hai thành phố buôn bán này. Ông cũng có thể đã bị Ishida Mitsunari, một bầy tôi có thế lực của Hideyoshi, sàm báng vì tranh giành quyền hành, trong lúc người hiểu ông nhiều hơn cả, Hidenaga,em trai Hideyoshi, đột nhiên mất sớm.

Dù sao, hiện nay, trong dự luận Nhật Bản, người ta vẫn có khuynh hướng đánh giá Sen no Rikyuu như một nhà trí thức bất khuất, dám hy sinh tính mệnh để bảo vệ nhân cách của mình trong cuộc đối đầu với quyền lực mà tượng trưng là Hideyoshi. Cái chết của trà sư cũng đánh dấu sự chung cuộc của phong trào "hạ khắc thượng" khi một người xuất thân từ tầng lớp thương nhân đã phải ngã gục trước quyền lực chính trị.

Tiết 4 : Sự hình thành và tổ chức Mạc phủ Edo.
4.1 Trận đụng độ ở Sekigahara và trận đánh thành Ôsaka:

Năm 1590 (Tenshô 18), sau khi họ Hôjô bị diệt vong, vùng Kantô (Quan Đông, chung quanh Tôkyô) được đặt dưới quyền kiểm soát của Tokugawa Ieyasu, một lãnh chúa cỡ lớn với đất phong 250 vạn thạch thóc. Ông còn đứng hàng đầu trong năm đại lão cố vấn việc vận hành chính quyền buổi vãn niên của Hideyoshi. Thế nhưng sau khi Hideyoshi qua đời thì sự đối lập tiềm ẩn giữa Tokugawa Ieyasu và một trong năm bugyô đầy thế lực là Ishida Mitsunari (Thạch Điền Tam Thành, 1560-1600) đã bộc lộ ra trước mắt mọi người. Năm 1600, hai bên đã chọn cánh đồng Sekigahara làm chỗ thư hùng một mất một còn. Kẻ chiến thắng là Tokugawa, người đã khai sáng một triều đại mới.

Thế thì tại sao họ lại phải đi đến một cuộc chiến như vậy? Lý do là Ieyasu với tham vọng và thực lực sẳn có, đã không tuân theo qui định (okite) hay nói cách khác đi là không giữ lời giao ước với gia đình Toyotomi nên gặp phải sự chống đối của Mitsunari. Chính quyền Toyotomi trước kia vốn nằm trong bàn tay độc đoán của Hideyoshi, do đó bộ máy hành chánh cũng như hệ thống pháp luật bị xem như là chưa hề được tổ chức hoàn chỉnh. Họ chỉ có một qui định (okite) thành văn là cơ sở để làm việc chung. Văn bản này đã được soạn ra vào năm 1595 (Bunroku 4) như một bộ luật cơ bản trong nội bộ và 5 vị đại lão đã cùng ký tên chấp nhận là sẽ không ai có quyền đi ngược lại nó. Văn bản ấy thành lập vào thời điểm Hideyoshi có nhiều hiềm nghi, khi chức kanpaku (cũng là cháu ruột và con nuôi của Hideyoshi) là Toyotomi Hidetsugu (Phong Thần, Tú Thứ) bị cáo buộc mưu phản và đuổi lên núi Kôyasan để rồi nhận lệnh phải tự mổ bụng. Đấy cũng là lúc tình hình chiến cuộc bên Triều Tiên đang gây khốn đốn cho ông. Nói chung, nó đã ra đời vào thời điểm rất bất lợi và u ám của chính quyền Hideyoshi. Trong qui định ấy có một điều khoản then chốt là Hideyoshi "không cho phép các lãnh chúa gã con cho nhau" (để tránh việc đồng minh bằng hôn nhân vốn gây khó khăn cho người thừa kế còn trẻ dại là Hideyori). Thế nhưng, đến lúc Hideyoshi không còn nữa, Ieyasu là nggười đầu tiên phá ngay qui định đó, nhằm kết bè kết đảng cho mình.Những viên tướng chủ lực trên chiến trường Sekigahara và đứng trong đạo quân chiến thắng của miền Đông (Tôgun) như Date Masamune và Fukushima Masanori đều đã được Ieyasu thu phục và trở thành đồng minh của ông nhờ thủ đoạn này. Khi bị trách móc vì một loạt hành vi như vậy, Ieyasu chỉ điềm nhiên trả lời kiểu nói đỡ: "Ối, ta quên khuấy đi mất!". Điều đó đã làm cho sự bất bình của Mitsunari càng sâu sắc và cuộc sống mái chỉ còn là vấn đề thời gian.

Năm 1600 (Keichô 5), Mitsunari khởi binh cùng với một trong năm tairô (đại lão) là Môri Terumoto (Mao Lợi Huy Nguyên) trong vai minh chủ. Như thế, cuộc đụng độ trên cánh đồng Sekigahara (phía tây nam Gifu) đã mở màn. Ieyasu, người chiến thắng trong cuộc giành lấy thiên hạ, đã trừng phạt các lãnh chúa thuộc đạo quân miền tây. Riêng Ishida Mitsunari và Konishi Yukinaga (viên tướng chỉ huy đánh Triều Tiên trở về) thì cho giải về xử tử ở Kyôto. Các lãnh chúa thuộc Seigun (Tây quân) gồm 99 người và lãnh địa 440 vạn thạch thóc bị "cải dịch" (kaieki), đổi công việc, nghĩa là bị tịch thu dất đai. Minh chủ của quân miền Tây là Môri Terumoto (già yếu và chỉ là lãnh đạo bù nhìn) bị giảm lộc từ 120 vạn thạch xuống 37, Uesugi Kagekatsu cũng vậy, từ 120 vạn thạch chỉ còn 30. Tiếng chuyên môn gọi là genpô (giảm phong).
 

Sống mái trên cánh đồng Sekigahara[17]

Chiến thắng ở Sekigahara mở màn cho gần 270 năm thống trị Nhật Bản của dòng họ Tokugawa quan trọng chẳng khác nào trận Cai Hạ giữa Hạng Vũ - Lưu Bang và trận Waterloo chấm dứt triều đại Napoleon I. Nơi đây, hai bên địch thủ đã động viên toàn bộ lực lượng để tranh hùng một mất một còn.

Sau khi Hideyoshi thất bại trong 2 chiến dịch xâm lăng Triều Tiên (1592, 1597) và chết vì kiết lỵ (1598), chính quyền của ông rạn nứt rồi tan như ngói vỡ. Giữa những kẻ được cử để phò tá Hideyori, con trai ông mới lên 6, đã có sự đối lập khó lòng hòa giải.Phái quan liêu có Ishida Mitsunari, Mashita Nagamori, phái võ tướng có Katô Kiyomasa, Fukushima Masanori...Trong bối cảnh ấy, người đang có địa vị cao nhất (naifu = nội phủ, như thủ tướng) là Tokugawa Ieyasu với binh lực hùng mạnh của miền Đông đã khôn khéo lợi dụng tình thế để thực hiện dã tâm. Rốt cuộc hai thế lực đối kháng đã phải giải quyết với nhau bằng vũ lực. Tây quân và Đông quân chọn cánh đồng Mino Sekigahara (cạnh cửa quan Fuwa ngày xưa, một điểm xung yếu ở tỉnh Gifu) làm nơi tranh hùng (1600). Tây quân do Môri Terumoto tiếng là minh chủ nhưng vì già yếu nên trên thực chất điều khiển bởi Ishida Mitsunari, người đứng đầu phái quan liêu. Trong lực lượng họ có những lãnh chúa thế lực như Ukita Hideie, Shimadzu Yoshihiro, cả danh tướng Konishi Yukinaga, nguyên là một chỉ huy trưởng trong lực lượng viễn chinh Triều Tiên năm 1592 và là tín đồ Ki-tô giáo. Quân số miền Tây hơn 8 vạn người. Đông quân phần lớn là con cháu nhà Tokugawa trong đó có Ii Naomasa cũng như phái võ tướng với Fukushima Masanori, Katô Kiyomasa (nguyên tướng tiên phong trong 2 chiến dịch Triều Tiên) bên cạnh các lãnh chúa miền Đông. Quân số của họ hơn 9 vạn người. Ngày 15 tháng 9 lúc 8 giờ, kịch chiến bắt đầu trong sương mù dày đặc đang bao trùm lên khu vực. Hai bên giằng co không ai chịu nhường ai cho đến khi lãnh chúa Kobayakawa Hideaki của Tây quân làm nội ứng, trở cờ, thì kể từ 2 giờ chiều, Đông quân mới làm chủ được chiến trường và hoàn toàn tiêu diệt lực lượng miền Tây.

Sau thắng lợi, không những các tướng chủ chốt phía Tây quân như Ishida và Konishi bị xử trãm ngay ở Kyôto mà những lãnh chúa về hùa với địch như Môri, Shimadzu, Uesugi... ngay cả các tướng đồng minh trong trận này như Fukushima cũng bị Ieyasu tìm cách loại bỏ bằng biện pháp hòa bình hơn (tịch thu lãnh địa, giảm phong, chuyển phong) với mục đích củng cố thể chế của mình.

Thế rồi đến năm 1603 (Keichô 8), để được danh chính ngôn thuận trong việc thống lĩnh các lãnh chúa, Ieyasu đã nhận chức Sei.i Daishôgun (Chinh di Đại tướng quân) từ Thiên hoàng Go-Yôzei (Hậu Dương Thành). Như thế, ông trở thành Shôgun và mở mạc phủ mới ở Edo.
 

Tokugawa Ieyasu, nhân cách một thủ lãnh [18]

Cha của Ieyasu chỉ là chủ nhân một ngôi thành nhỏ vùng Mikawa, lèn giữa hai thế lực hùng hậu là họ Imagawa và Oda. Thật vậy, Matsudaira Hirotada - tên ông ta - tuy thuộc một nhánh của họ Minamoto nhưng không phải là một lãnh chúa có tầm cỡ giữa quần hùng thời Sengoku. Từ bé, Ieyasu (tên lúc còn thơ ấu là Takechiyo) đã phải bị ép đi làm con tin ở những tiểu quốc bên cạnh để giữ sự hòa mục. Thời Sengoku, làm con tin là một thông lệ giữa các đồng minh tạm bợ và số phận lúc nào cũng như chỉ mành treo chuông. Đến năm 19 tuổi, ông mới thoát được cảnh khổ sở đó khi kẻ giữ mạng sống ông, lãnh chúa Imagawa Yoshimoto, bị chết trong trận Okehazama dưới bàn tay của Oda Nobunaga. Từ ấy ông lui về thành Hamamatsu, chiêu binh mãi mã, khuếch trương thế lực để đợi thời. Nhờ đội pháo thủ của Nobunaga giúp đỡ, ông đã thắng được địch thủ mạnh trong vùng là Takeda Shingen sau nhiều lần chiến bại. Kể từ đó, trước sau ông ẩn nhẫn theo hầu Nobunaga [19] và Hideyoshi [20], đạt đến ngôi vị trọng thần được Hideyoshi gửi gắm đứa con thơ. Ông biết lợi dụng địa thế miền Đông để làm bàn đạp, khi Hideyoshi chết đi, đã từng bước một loại dần các địch thủ. Sau chiến thắng kinh động có tính quyết định ở Sekigahara (1600), dù được trao danh hiệu Seii Daishôgun năm 1603 và khai phủ ở Edo, ông vẫn bền bĩ đợi thêm nhiều năm nữa đến lúc thời cơ chín muồi mới dứt điểm tập đoàn Hideyoshi sau chiến dịch mùa hạ 1615 công phá hang ổ cuối cùng của họ là thành Ôsaka.

Ông cực kỳ kiên nhẫn. Matsudaira Senzan, lãnh chúa phiên Hirado trong tác phẩm Kasshi Yawa (Giáp Tý Dạ Thoại) có chép lại những lời giáo huấn của ông như sau: "Người sống trên đời chẳng khác gì mang một gánh nặng đi đường xa cho nên ta không cần phải vội vã...Nếu lúc nào cũng coi sự thiếu thốn là thường tình thì sẽ không bao giờ bị thiếu thốn... Khi trong lòng dậy lên một điều ham muốn, hãy nhớ lại những lúc khốn cùng...Nhẫn nại là cơ sở cho kế sách lâu dài...Tự trách mình trước rồi hãy trách người sau". Có lẽ tuổi trẻ sống trong cảnh bị bắt làm con tin đã giúp ông tìm thấy được nền tảng của thuật xử thế. Tuy nhiên ông cũng là người rất quyết liệt khi dạy con (Shôgun đời thứ 2 Hidetada) : "Những kẻ nào không tuân lệnh Shôgun thì dầu họ là chỗ bà con thân thuộc của nhà mình, cũng phải phái quân thảo phạt và tru diệt tức khắc!". Ông còn tỏ ra vô cùng khôn khéo trong việc dùng binh. Khi Hideyoshi hội các lãnh chúa để tiến đánh Triều Tiên, ông cũng đem quân bản bộ tới tham gia nhưng chỉ dừng chân trên đất Nhật chứ không chịu vượt biển sang Hàn. Nhờ đó, khi quân Nhật bị đánh lui và tổn thất nặng nề, cánh quân của ông vẫn bảo toàn được lực lượng. Trong trận Sekigahara (1.600), ông đã thắng nhờ biết sử dụng tài ngoại giao đòn phản gián. Tương truyền Kita Mandokoro -vợ chính của Hideyoshi - đứng về phía ông vì bà không hoà thuận với Yodogimi, người vợ thứ và là mẹ thế tử Hideyori. Các võ tướng trụ cột trung thành với Hideyoshi như Fukushima Masanori và Katô Kiyomasa vẫn tưởng Ieyasu ra binh ở Sekigahara chỉ với mục đích bảo vệ cơ nghiệp cho con trai cố chủ chứ không vì lợi riêng nên đều đi theo. Một tướng địch - Kobayakawa Hideaki [21] - bị thuyết phục, cũng đã trở giáo vào phút chót để đứng về phía ông.

Ông thuộc mẫu người kiên trì như Lưu Bang, Nguyễn Ánh. Người Nhật thường ví von như sau: "Nếu đứng trước một con chim oanh không chịu hót thì Nobunaga sẽ dọa giết nó chết nếu nó không hót, Hideyoshi sẽ dụ dỗ mơn trớn để nó phải hót trong khi Ieyasu chỉ lẳng lặng ngồi chờ cho đến khi nó hót".

Từ khi Ieyasu được chuyển đất phong làm lãnh chúa vùng Edo, ông đã cho xây thành Edo (Edojô) và tiếp tục từng bước một thiết kế các xóm cư dân thương mại chạy vòng quanh nó theo hình trôn ốc mà người Nhật gọi là theo hình chữ  (no trong hệ thống chữ hiragana) theo nguyên tắc lãnh địa của thân thích thì gần, lãnh địa của bộ hạ thời xa. Nay thì sau khi thành Shôgun rồi, ông bắt tất cả các lãnh chúa (daimyô) trên toàn quốc phải đóng góp công của vào công trình đó. Việc này ông xem như là việc kêu gọi xây chùa lấy công đức nên gọi nó là tetsudaibushin. Tetsudai nghĩa là tiếp tay, còn fushin (phổ thỉnh) là một danh từ Phật giáo chỉ việc quyên góp tài vật và sức lực để làm công đức. Ngoài ra ông bắt các lãnh chúa phải soạn kuniezu (quốc hội đồ) tức là địa đồ của tiểu quốc họ cai quản và gôchô (hương trương) hay sổ sách làng xã. Tuy dã có tiền lệ dưới thời chính quyền Toyotomi nhưng những địa đồ và sổ sách này giúp Ieyasu có đủ thông tin các địa phương. Nó chứng tỏ được rằng ông là chủ nhân ông của đất nước. Trong gôchô (hương trương) chức trách sở tại phải ghi rõ số thóc gạo vốn là cơ sở đánh thuế (kokudaka) của từng thôn một, rồi thu thập những con số đó lại mà lập thành sổ sách ở cấp bậc tiểu quốc. Cùng với kuniezu, gôchô là tư liệu tham khảo để nắm được sức sản xuất của từng tiểu quốc, giúp cho Ieyasu đánh giá được các chigyôkoku (tri hành quốc = nước để phong) cho bộ hạ. Trong suốt thời Edo, việc lập sổ sách như thế đã được tiến hành không những vào giữa niên hiệu Keichô (Khánh Trường, 1596-1615) mà sau đó còn xảy ra vào các thời điểm khác như các niên hiệu Shôhô (Chính Bảo 1645-1648), Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704), Tenpô (Thiên Bảo, 1831-1845 ) nữa.
 

Gia phổ 15 đời Shôgun họ Tokugawa:

1 Ieyasu (Gia Khang) --> 2 Hidetada (Tú Trung), Yoshinao (Nghĩa Trực, chi Owari), Yoshinobu (Nghĩa Tuyên, chi Kii), Yoshifusa (Lại Phòng, chi Mito).

Hidetada --> 3 Iemitsu (Gia Quang), Kazuko (Hòa Tử), Masayuki (Chính Chi, làm con nuôi họ Hoshina).

Idemitsu --> 4 Ietsuna (Gia Cương), Tsunashige (Cương Trọng), 5 Tsunayoshi (Cương Cát, dưỡng tử của 4 Ietsuna).

Tsunashige -->Tsunatoyo--> 6 Ienobu (Gia Tuyên) --> 7 Ietsugu (Gia Kế)

Yoshinobu (chi Kii) --> ........... --> 8 Yoshimune (Cát Tông, con nuôi của 7 Ietsugu)--> 9 Ieshige (Gia Trọng) --> Shigeyoshi (Trọng Hảo, làm con nuôi nhà Shimizu), 10 Ieharu (Gia Trị) --> 11Ienari (Gia Tề) --> 12 Ieyoshi (Gia Khánh) --> 13 Iesada (Gia Định) --> 14 Iemochi (Gia Mậu).

Yoshimune --> Munetake (Tông Vũ, làm con nuôi nhà Tayasu) --> Sadanobu (Định Tín, làm con nuôi nhà Matsudaira).

Yoshimune -->(lược bỏ 7 đời) --> Yoshitomi (Khánh Phúc, tức 14 Iemochi sau khi thành con nuôi 13 Iesada)

Yoshimune --> Munetada (Tông Doãn, làm con nuôi nhà Hitotsubashi) --> Harusada (Trị Tế) --> Ienari (Gia Tề, con nuôi của 10 Ieharu)

Iesada --> Nariatsu (Tề Đôn) --> (lược bỏ năm đời) -->Yoshinobu (Khánh Hỷ, con đẻ của Nariaki nhà Mito, con nuôi của nhà Hitotsubashi và được đưa về Edo kế nghiệp 14 Iemochi)

Yoshifusa (chi Mito) --> Mitsukuni (Quang Quốc) --> (lược bỏ 8 đời) --> Nariaki (Tề Chiêu) --> 15 Yoshinobu (Khánh Hỷ).

Chúng ta để ý rằng tuy có Ô-oku (Đại Áo) tức là hậu cung đầy dẫy phi tần mỹ nữ nhưng việc có con nối dõi (yotsugi) của họ Tokugawa không được suôn sẻ vì tình hình sức khỏe của các Shôgun không đồng đều. Mạc phủ đã phải sử dụng đến chế độ dưỡng tử. Chính Shoogun đời thứ nhất Tokugawa Ieyasu cũng đã phòng xa hiểm họa hiếm muộn đó khi đặt ra 3 chi Kii, Mito và Owari, phong cho 3 cậu con yêu làm ba "cái kho dự trữ" để cung cấp những người kế vị.

Nhân đây xin nhắc lại là trước khi Tokugawa Ieyasu được chuyển phong về Edo, từ cuối thời Heian trải qua thời Kamakura, đất này là nơi cư ngụ của dòng họ hào tộc tên là Edo (Giang Hộ). Năm 1457 (Chôroku nguyên niên), người tên Ôta Dôkan (Thái Điền Đạo Quán), gia thần của dòng họ Ôgigayatsu Uesugi (một trong 2 nhánh của đại tộc Uesugi vùng Kantô) lần đầu tiên đã xây dựng thành Edo vốn được biết đến như một khu vực buôn bán sầm uất suốt thời trung cổ. Sau đó, dưới thời họ Hôjô cai trị thì thị trấn đó được biết với tên là Edo minato (minato có nghĩa là bến cảng) cũng có thời kỳ đóng vai trò quan trọng trên trục giao thông. Tuy nhiên phải nói ngay rằng chỉ từ khi Ieyasu đến lập thành quách cho mình ở đấy thì Edo mới bắt đầu phát triển thực sự. .

Trở lại chuyện tranh phong giành thiên hạ thì tuy Tokugawa đã thu được thắng lợi quyết định trong trận Sekigahara nhưng Toyotomi Hideyori (Phong Thần Tú Lại), con trai Hideyoshi, tuy còn ít tuổi nhưng trên danh nghĩa là kẻ thừa kế chính thức, vẫn không chịu phục tùng và cố thủ trong thành Ôsaka.

Chính vì vậy mà vào năm 1605 (Keichô 10) để chứng minh cho các lãnh chúa trên toàn quốc rằng họ Tokugawa mới là người đáng mặt cha truyền con nối chức Shôgun, Ieyasu đã nhượng vị cho con trai mình là Hidetada (Tú Trung) làm Shôgun đời thứ hai rồi ra ở Sunpu (Tuấn phủ) và điều khiển chính trị sau lưng. Sunpu là thủ phủ của vùng Suruga (Tuấn Hà) nay thuộc tỉnh Shizuoka. Việc dù đã nhương vị và hưu trí rồi mà vẫn nắm quyền chính trị thực sự bên trong được gọi là Ôgosho seji (Đại ngự sở chính trị).


Konchi.in Suuden, 
cố vấn chính trị của Ieyasu

Thế rồi trong hai năm 1614 (Keichô 19) và 1615 (Genna nguyên niên), sau hai chiến dịch tấn công thành Ôsaka vào mùa đông (Ôsaka fuyu no jin) và mủa hè (Ôsaka natsu no jin) kế tiếp, họ Toyotomi hoàn toàn bị diệt vong. Kể từ lúc đó, cả danh lẫn thực, dòng họ Tokugawa chính thức trở thành người chủ mới của nước Nhật. Cái cớ để gây ra hai trận đánh vừa kể đến từ một vài chữ Hán khắc trên quả chuông mà họ Toyotomi đã cúng cho chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở Kyôto.Một cận thần và cũng là cố vấn về tôn giáo, học vấn và chính trị của Ieyasu là nhà sư Suuden (Tông Truyền) ở Konchi.in (Kim Địa Viện) (còn gọi là Dĩ Tâm Tông Truyền đã gieo vào đầu Ieyasu ý tưởng đó. Ông bảo 8 chữ Hán "Quốc gia an khang, quân thần giai lạc" khắc trên chuông có dụng ý chẻ đôi tên Ieyasu (Gia Khang) làm hai để trù ẻo ông.Một quân sư khác, Hayashi Razan (Lâm La Sơn) lại ban thêm: Câu "Quân thầnphong lạc tử tôn ân xương" trong bài minh muốn nói "Phong" (Phong Thần Tú Cát) với tư cách một vị quân chủ (quân) vui sướng (lạc) được thấy con cháu hưng thịnh (ân xương). Danh xưng Hữu bộc xạ Nguyên Triều Thần cũng ghi trên đó được họ giải thích là dùng để ám chỉ Tokugawa Ieyasu (vì ông tự xưng là dòng dõi đại tộc Minamoto (Nguyên). Tất cả những điều hai học giả "ngự dụng" này trình bày chỉ là lời biện luận với ác ý chung quanh câu chữ để hãm hại họ Toyotomi nhưng đã đánh trúng phóc tim đen Ieyasu.

Sau thời chiến loạn, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên thái bình. Niên hiệu Genna được thêm hai chữ "yểm vũ" đằng sau để sinh ra một cách nói mới Genna enbu (Nguyên Hòa yểm vũ) vì yểm vũ nghĩa là phế bỏ, cất giấu võ khí, tái lập hòa bình. Hai chữ "yểm vũ" được biết lấy từ chữ trong Kinh Thư: yểm vũ tu văn.

4.2 Cơ cấu cai trị của Mạc phủ:

Năm 1615 (Genna nguyên niên), chiến dịch Ôsaka kết thúc, Mạc phủ Tokugawa ra lệnh mỗi lãnh chúa ở tiểu quốc chỉ có quyền xây một cái thành cho mình mà thôi. Đó là lkkoku ichijô.rei (Nhất quốc nhất thành lệnh).Sau đó, nhà chúa còn ban hành bộ luật dành cho giới samurai có tên là Buke shohatto (Vũ gia chư pháp độ). Cả hai đều có mục đích kiểm soát nghiêm ngặt các lãnh chúa địa phương. Ban đầu pháp lệnh dành cho giới samurai được đặt theo niên hiệu của Thiên hoàng nên có tên là Genna.rei (Nguyên Hòa lệnh) nhưng về sau, Ieyasu đã ủy thác cho tăng Suuden biên soạn và nó được ban bố trong thiên hạ dưới danh nghĩa của Shôgun đời thứ hai, Hidetada. Văn bản này khi biên tập đã dựa trên Kenmu shikimoku (Kiến Vũ thức mục) và các bunkokuhô (phân quốc pháp) tức luật lệ riêng của từng tiểu quốc. Từ đời Shôgun thứ 3 là Idemitsu (Gia Quang) trở về sau, mỗi lần Shôgun mới lên ngôi, nó vẫn thường được tu chính đôi chút và cho ban bố lại. Đó cũng vì các Shôgun khi vừa mới nhậm chức thường muốn bày tỏ quyền uy của mình đối với các lãnh chúa nên lúc nào cũng ban hành một Buke shohatto mới.

Lại nữa, sau khi Ieyasu mất rồi, vào năm 1617 (Genna 3), Shôgun đời thứ 2 là Hidetada đã nhất tề cấp phát những văn thư chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho các lãnh chúa, công khanh và tự xã. Như thế, địa vị của các nhân vật sở hữu lãnh địa trên toàn quốc được xác định rõ ràng. Văn thư này được mệnh danh là Ryôchi ategai.jô (Lãnh địa oản hành [22] trạng). Qua hành động cấp phát chứng minh thư nói trên, Shôgun đã thiết lập được một quan hệ chủ tớ, thầy trò với các lãnh chúa có đất phong ở địa phương.


Shôgun đời thứ 3 Iemitsu 
đã củng cố được chế độ

Mặt khác, vào đầu thời Edo, người ta cũng chứng kiến việc mạc phủ trừng phạt một số lãnh chúa. Ví dụ vào năm 1619 (Genna 5), nhà chúa đã cho đổi đất phong (kaieki =cải dịch, nói chung là hạ tầng công tác) của một công thần khai quốc là Fukushima Masanori (Phúc Đảo, Chính Tắc, 1561-1624), một người có công lớn trong trận thư hùng ở Sekigahara. Lý do là Fukushima đã làm trái Buke shohatto khi sửa sang thành quách của mình mà không xin phép trước. Shôgun đã cho mọi người thấy rằng, nếu không tuân theo pháp độ (hatto) thì cho dù có công lớn đến mức nào chăng nữa, cũng sẽ chẳng được dung tha.

Hidetada cũng đi theo con đường của cha mình. Ông nhượng vị cho con trai là Iemitsu và rút lui về Ôgosho (Đại ngự sở) để củng cố cơ sở cho mạc phủ từ vị thế bên trong. Shôgun đời thứ 3 là Idemitsu khi nhậm chức cũng ban bố Buke shohatto mới vào năm 1635 (Kan.ei 12). Trong đó, ông có một điều khoản mới là chế độ hoá tập tục Sankin kôtai (Tham cần giao đại) nôm na là "thay phiên lên chầu". Mỗi lãnh chúa địa phương phải rời đất phong (kunimoto) để lên hầu việc ở Edo một năm và về lại đất phong sống một năm. Không những họ phải thay phiên đi đi về về như vậy và họ còn bị cưỡng chế để vợ con sinh sống ở Edo. Mục đích chế độ này là cụ thể hóa quan hệ chủ tớ giữa Shôgun và các lãnh chúa địa phương, bắt vợ con họ làm một thứ con tin, đồng thời buộc họ phải bỏ tiền ra để chi tiêu cho cuộc sống một chỗ đôi nơi tốn kém, tiêu hao. Như vậy chế độ này còn mục đích khác là ém sức mạnh kinh tế của các lãnh chúa nữa.

Người gọi là lãnh chúa (daimyô) như thế thường phải có đất phong kể từ 1 vạn thạch thóc trở lên. Trong mối quan hệ chủ tớ của họ đối với Shôgun, có người thân thì cũng có người sơ (shinso = thân sơ). Thân bắt đầu từ các shinpan (thân phiên) thân thích, fudai (phổ đại) vòng trong, tozama (ngoại dạng) vòng ngoài. Trong số các shinpan thì có sanke (tam gia) tức ba thế tử [23]- con yêu của Ieyasu - mở đầu cho ba chi Owari, Kii và Mito đóng ở 3 địa phương phên giậu gần Edo che chở cho Shôgun, ngoài họ ra là các con cháu khác thuộc dòng họ Tokugawa. Fudai gồm những gia thần tùy tủng Ieyasu từ thuở hàn vi, còn tozama là gia thần của họ Toyotomi nhưng đã ý thức thời cuộc mà hùa theo họ Tokugawa kể từ trận Sekigahara. Cách bố trí các lãnh chúa nói trên được thực hiện như sau: shinpan, fudai sẽ trấn giữ những nơi hiểm yếu, tozama nếu có thực lực thì phải e dè mà phong cho những vùng càng xa Edo càng tốt.
 

Phương pháp quản lý của chính quyền Tokugawa [24]

Thời Sengoku có 3 người trấn áp nổi quần hùng (3 tenkabito = 3 thiên hạ nhân) là Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu, thế nhưng hai ông trước chỉ tồn tại được một đời. Sau khi họ chết chính quyền về tay người khác. Chỉ có Ieyasu xây dựng được cơ nghiệp non 3 thế kỷ 16 đời Shôgun khi ông và con cháu thiết lập được một hệ thống quản lý chặt chẽ các thuộc hạ nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung.

Mới ở ngôi vỏn vẹn có 3 năm, Ieyasu đã truyền chức Shôgun cho con trai là Hidetada vào năm 1605. Làm như thế, ông muốn tuyên cáo cho mọi người là chính quyền từ nay sẽ được thế tập trong vòng gia đình Tokugawa cho dù lúc đó thế tử Hideyori, con trai cố chủ Hideyoshi, vẫn sống sờ sờ trong thành Ôsaka. Đến khi tiêu diệt vợ góa con côi nhà Hideyoshi (1605), ông và con cháu đã lần lượt thực thi các lệnh như "Nhất quốc nhất thành", "Vũ gia chư pháp độ" rồi chế độ hoá tập tục "Tham cần giao đại", cấm các việc sửa sang thành quách hay đóng tàu thuyền lớn không có phép. Các ông còn đặt thêm qui luật ức chế Thiên hoàng và công khanh (Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ) cũng như tôn giáo (Tự viện pháp độ) và gia thần (Chư sĩ pháp độ). Đến đời Shôgun thứ 3 Idemitsu thì chế độ đã tinh vi xảo diệu. Không những các lãnh chúa được xếp theo chế độ thân sơ thành shinpan (thân phiên), fudai (phổ đại), tozama (ngoại dạng) ... mà các cấp còn được phân chia thành kunimochi (quốc trì), shiromochi (thành trì), mujô (vô thành) tùy theo có lãnh địa, có thành trì hay không. Tuy nhiên, đặc sắc nhất của chế độ phong kiến thời Tokugawa có lẽ là những biện pháp trừng trị như kaieki (tịch biên lãnh địa), tenpô (chuyển đất phong) và genpô (cắt bớt đất phong) tùy theo tội nặng nhẹ. Xin xem đồ biểu sau để có một hình ảnh cụ thể về chế độ đó:

Số lãnh chúa bị tịch biên lãnh địa (kaieki) và số thạch gạo bị mất. Số lãnh chúa bị giảm phong (genpô) và số thạch gạo bị cắt.
Thời điểm Thời từ Ieyasu đến Iemitsu (1 đến 3) 198 nhà (ước chừng 1.612 vạn thạch) 20 nhà (ước chừng 252 vạn thạch)
Đời Ietsuna (4) 22 nhà (ước chừng 67 vạn thạch) 4 nhà (ước chừng 18 vạn thạch)
Đời Tsunayoshi (5) 33 nhà (ước chừng 135 vạn thạch) 13 nhà (ước chừng 30 vạn thạch)
Nguyên nhân Luận tội sau trận Sekigahara và 2 trận Osaka 93 nhà (ước chừng 507 vạn thạch) 4 nhà (ước chừng 221 vạn thạch)
Vi phạm lệnh nhận con nuôi lúc cuối đời 46 nhà (ước lượng 457 vạn thạch) 12 nhà (ước lượng 16 vạn thạch)
Vi phạm các pháp độ của vũ gia 59 nhà (ước chừng 648 vạn thạch) 4 nhà (ước chừng 15 vạn thạch)

4.3 Hệ thống Mạc phủ và chư phiên:

Mạc phủ Tokugawa kéo dài được gần 270 năm. Để được bền vững như vậy, nó phải có một tổ chức hữu hiệu và điều đó không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thời Ieyasu mới nắm chức Shôgun thì tổ chức ấy hãy còn đơn sơ, giản dị như việc nhà làng nhưng đến đời Shôgun thứ 3 là Iemitsu thì từ từ có kỷ cương. Sử sách về sau vẫn nhắc lại tổ chức chính quyền thời Kan.ei (niên hiệu Khoan Vĩnh, 1624-1645) mà thời Kan.ei đó chính là thời Edo tiền kỳ, tương ứng với lúc Idemitsu đang cầm quyền (1623-1651).

Trước hết thử bàn về hệ thống tài chính. Thời điểm cuối thế kỷ 17, Mạc phủ có huê lợi khoảng 400 vạn thạch thóc thu từ tuế cống (nengu) của các lãnh địa mà nhà chúa trực tiếp quản hạt cũng như huê lợi đến từ các mỏ quặng (kôsan) như mỏ Sado Aikawa, Izu, Tajima Ikuno, Iwami Ômori vv...Thêm vào đó, nhờ quản lý trực tiếp các đô thị thương mại như Edo, Kyôto, Ôsaka, Nagasaki, Sakai, nhà chúa lại có thêm một nguồn tài chánh khác là thuế đánh trên hoạt động mậu dịch.

Nói về mặt quân sự thì nhà chúa có một lực lượng quân sự đứng bên trên các lãnh chúa. Shôgun trực tiếp điều khiển những nhóm gia thần gọi là hatamoto (kỳ bản) và go kenin (ngự gia nhân). Bởi vì họ trực thuộc shôgun nên đều có danh hiệu là jikikin (trực cần) hay nhóm tay chân trực tiếp. Thế nhưng họ cũng được đối xử theo 2 cách khác nhau. Nhóm hatamoto hay "dưới cờ" thì được diện kiến Shôgun nhưng go kenin " người làm trong nhà" thì không được đặc quyền đó. Hai nhóm thân cận này đảm đương về võ bị hơặc hành chánh. Về võ bị, đó là những người thuộc bankata (ban phương). Bankata lại chia làm ôban (đại ban) cao cấp, hộ vệ cho Shôgun, hay shôinban (thư viện ban) chỉ lo việc an ninh trật tự các dinh thự. Về hành chánh, họ làm những chức vụ khác nhau như văn thư, tài chánh và tố tụng trong yakukata (dịch ban). Vào những lúc có tình huống đặc biệt, ngoài các ban, những lãnh chúa cũng có thể bị đòi hỏi phải gánh vác quân dịch (gun.yaku) như việc điều binh đi trấn áp cuộc nổi dậy ở Shimabara ở Kyuushuu vào năm 1792 chẳng hạn.
 

Tổ chức Mạc phủ Edo dưới trướng Shôgun

(chữ in nghiêng là người phải thuộc nhóm gia thần thân tín hatamoto)

Chức lãnh đạo Chức thừa hành Nội dung các chức vụ 
Tairô (Đại lão) Chức quan tối cao của mạc phủ. Một viên mà thôi. Đặt ra lúc cần thiết như khi phải đối phó với một tình huống đặc biệt. Suốt thời Edo 260 năm chỉ có 13 người, trong đó nổi tiếng là Sakai Tadakiyo, Ii naosuke.
Rôjuu (Lão trung)

Coi chung mọi việc. Có 4 hoặc 5 người. Thay nhau hàng tháng. 

1 Ôbangashira (Đại ban đầu) Lo việc cảnh bị khu vực thành Edo và các phu phố. Chia làm 12 nhóm (tổ). Là một bankata (nha sở coi việc võ bị).
2 Ômetsuke (Đại mục phụ) Giám sát (dòm chừng) các lãnh chúa. Từ 4 đến 5 người. Người đầu tiên được bổ vào chức này là Yagyuu Munenori.
3 Machibugyô (Đinh phụng hành) * Trông coi công việc hành chính, tư pháp cảnh sát của thành phố Edo (gọi là Machi). Chia làm 2 sở khu nam và bắc và theo chế độ thay phiên trực hàng tháng.
4 Kanjô bugyô (Khám định phụng công) * Lo trưng thu thuế má các lãnh địa trực thuộc mạc phủ và vận hành tài chánh cho mạc phủ , đồng thời là việc tố tụng liên quan đến lãnh địa của mạc phủ. Từ 4 đến 5 người. Dưới tay có các chức gundai, daikan. Trong năm Kyôhô, chia ra làm 2 tổ chức: Kujikata (cai trị) và Kattegata (tài chánh). 
5 Jôdai (Thành đại) Coi việc xây cất các thành Sunpu (nơi Shôgun ở lúc ra ngoài Edo). Lúc đầu là các thành Nijô và Fushimi. Lo cảnh bị cho thành, và cả việc tố tụng của địa phương chung quanh.
6 Ongoku bugyô (Viễn quốc phụng hành) Tên chung để gọi các bugyô được mạc phủ đặt ở những nơi quan trọng trong hệ thống lãnh địa hay thành phố trực quản của nhà chúa. Họ lo từ hành chánh, tư pháp đến cảnh sát. Các machi bugyô trông coi Kyôto, Ôsaka, Sunpu. Ngoài ra còn có các bugyô thông thường, có nhiệm vụ trông coi Nagasaki, Sado, Yamada, Nikkô, Nara, Sakai, Shimoda
Sôbayônin (Trắc dụng nhân) Hầu cận bên cạnh Shôgun để truyền lệnh của ông xuống các Rôjuu (Lão trung). Chỉ có một viên. Yanagisawa Yoshiyasu, Manabe Akifusa, Tanuma Akitsugu là những người nổi tiếng trong chức vụ đó.
Wakadoshiyori (Nhược nam ký) phụ tá các Rôjuu (từ 3 đến 5 người), luân phiên hàng tháng. 1.Shôin bangashira (Thư viện ban đầu)

2. Koshôgumi bangashira (Tiểu tính tổ ban đầu)

3. Metsuke (Mục phụ)

1 và 2 Một bộ phận của bankata, lo việc bảo vệ thành Edo, tuần phòng trong thành phố hay tháp tùng Shôgun mỗi khi đi đâu (Ban đầu có nghĩa là đứng đầu một ban)

3 Trông coi động tĩnh của các lãnh chúa, hashimoto. Khoảng 10 viên. Thay phiên trực hàng tháng.

Jisha bugyô (Tự xã phụng hành) * Quản lý các đền chùa và lãnh địa của họ trên toàn quốc. Trông coi tất cả hệ thống tôn giáo. Có 4 viên. Thay phiên trực hàng tháng.
Kyôto Shoshidai 

(Kinh đô sở ty đại)

Thay mặt nhà chúa bảo vệ nhưng cũng để giám sát triều đình ở Kyôto. Lo việc tố tụng cho 8 lãnh địa thuộc về Thiên hoàng ở chung quanh Kyôto. Giám sát các lãnh chúa miền Tây. Một viên.
Ôsaka jôdai (Đại Bản (Phản) thành đại) Lo việc bảo vệ thành Ôsaka và thống suất nhân sự trong thành và các khu phố dân cư. Cũng dự phần giám sát các lãnh chúa miền Tây. Một viên.

* Dấu hoa thị (*) để chỉ Sanbugyô (Tam phụng hành), ba viên quan có chức vụ đặc biệt là kết hợp với Rôchuu thành ra Hyôjôsho (Bình định sở) làm thành cơ quan tài phán tối cao của mạc phủ.

Trên thực tế, hệ thống quan lại còn phức tạp hơn bảng tóm lược bên trên nhiều, không thể trình bày tất cả. Chỉ xin nói lên đôi nét chính.

Chức Rôjuu (Lão trung) ở vị thế thống suất toàn bộ chính quyền mạc phủ, dưới tay ông có các Wakadoshiyori (Nhược nam ký) phụ tá. "Lão" là người già và "nhược nam" là người trẻ có thể giúp việc được. Thế nhưng già trẻ chỉ có ý nói đến vai vế, kinh nghiệm và quyền hành hơn là tuổi tác. (Huống chi chữ Lang cũng có thể đọc là rô nhuu Lão). Chức Tairô (Đại lão) chẳng mấy khi được bố trí, trừ phi thật cần thiết. Cả thời Edo chỉ có 13 vị mà nổi tiếng hơn cả là ông Ii Naosuke (Tỉnh Y Trực Bật, 1815-60), chức Tairô cuối thời mạc phủ. Lúc ấy, người Tây phương đến đòi mở cửa và chính quyền Nhật Bản đang trong cơn bối rối, phải mời ông ra chấp chánh. Do đó, chức vụ hành chánh cao cấp nhất như thủ tướng chính thường do ông Rôjuu (Lão trung) nắm. Thế nhưng, chức Rôjuu không chỉ có một viên mà là nhiều người. Họ thường được tuyển chọn từ hàng các lãnh chúa fudai (phổ đại) vốn được xem như bà con gần với nhà chúa.

Ngoài ra, đáng để ý là chức Ômetsuke (Đại mục phụ), đặt ra để giám sát hành vi của các lãnh chúa. Là gia thần thân tín như loại hatamoto chăng nữa cũng bị chức Metsuke (Mục phụ) kiểm soát. Mạc phủ lại đặt các chức Bugyô (phụng hành) như Jisha bugyô, Machi bugyô, Kanjô bugyô tục gọi là Sanbugyô (Tam phụng hành) để quản lý các lãnh vực then chốt như hành chánh, tư pháp và tài chánh, trông coi chùa chiền, thành phố và lãnh địa. Machi bugyô giữ việc cai trị Edo, Kangyô bugyô chủ yếu quản hạt các lãnh địa trực thuộc mạc phủ. Có hai đặc trưng là chỉ có các gia thần thân tín hatamoto mới được bổ dụng vào các chức ấy và họ làm việc theo chế độ tsukiban kôtai (nguyệt ban giao đại) tức luân phiên trực hàng tháng. Nếu có tranh chấp dễ phân xử, các bugyô có thể tự quyết định, thế nhưng gặp việc khó khăn hơn thì phải họp Hyôjôsho (Bình định sở) gồm có Rôjuu và 3 ông Sanbugyô để trao đổi trước khi đi đến phán quyết. Trong ba chức bugyô làm thành Sanbugyô thì người được coi là cao nhất lại là kẻ lo về tôn giáo: Jisha bugyô. Trong khi hai ông bugyô kia (Machi và Kanjô bugyô) ở dưới quyền Rôjuu thì ông Jisha lại được đặt trực tiếp dưới quyền Shôgun.

Về tổ chức địa phương, ta biết chức Kyôto shoshidai (Kinh đô sở ty đại) rất quan trọng vì đại diện nhà chúa đến đó để khống chế triều đình, kiểm soát kinh đô và các vùng phụ cận cũng như trông chừng các lãnh chúa miền Tây (Saigoku).Ngoài ra, những thành phố lớn như Kyôto, Ôsaka, Sunpu (ở Shizuoka) đều có các Jôdai (thành đại) và Machi bugyô, còn vùng nhỏ hay xa xôi hơn như Fushimi (cảng nam Kyôto), Nagasaki, Sado, Nikkô...thì có các vị bugyô khác (tức ongoku bugyô = viễn quốc phụng hành). Đất do mạc phủ trực tiếp quản hạt như Kantô, Hida (phiá bắc Gifu), Mino (nam Gifu) đều được đặt gundai (quận đại), còn như các vùng trực quản khác thì mạc phủ lại gửi daikan (đại quan) - một chức quan dưới quyền Kanjô bugyô - đến tận nơi để trông coi việc cai trị.

Mặt khác, các tiểu quốc của lãnh chúa địa phương và hệ thống quản lý nó được gọi là han (phiên). Lúc đầu thời Mạc phủ Tokugawa, khi quyền lực của "han" chưa được mạnh thì lãnh chúa (daimyô) phải cấp đất đai cho lực lượng võ sĩ có thế lực để họ trông coi mọi việc giúp mình. Có thể hiểu như hành động này là sự nhìn nhận quyền tự trị của người địa phương. Chế độ trực tiếp quản lý dân trong lãnh địa được gọi là jikata chigyôsei (địa phương tri hành chế). "Tri hành" hay chigyô, trong tiếng Nhật có nghĩa là chấp hành chức vụ, nói khác đi, cai trị (nhưng trong một văn mạch khác, cũng có nghĩa là ân thưởng).

Thế nhưng sau khi được phong, các lãnh chúa đã củng cố được quyền lực trên toàn lãnh thổ thuộc về mình. Khi quyền lực của lãnh chúa bủa rộng ra khắp nơi rồi, họ mới "bứng" các võ sĩ có thế lực trong "han" khỏi đất đai, tụ tập họ sống trong các xóm dưới chân thành (jôkamachi), đặt họ vào các chức karô (gia lão) và bugyô để phân chia trách nhiệm chỉ đạo việc hành chính cho "han".

Cứ như thế cho đến giữa thế kỷ 17, ở hầu hết các "han", hành chính kiểu người địa phương tự quản lý (jikata chigyôsei) dần dần biến mất. Thay vào đó là chế độ bổng lộc (hôroku seido) nghĩa là lấy gạo (kuramai = tàng mễ), tuế cống nhận được từ các kura.iri.chi (tàng nhập địa) hay khu vực mà các chức quan như kôri bugyô (quận phụng hành) và daikan (đại quan) cai trị, làm lương tiền nuôi người cai trị mới. Nói một cách giản dị hơn, đó là chế độ dùng thóc gạo để trả lương nhân viên và công chức hóa các võ sĩ có thế lực. Như thế, các lãnh chúa đã củng cố được quyền cai trị của mình trên lãnh quốc, thiết lập xong chế độ quan chức cho "han" và xác định thế lực của "han" .

Trên đây là thể chế hành chánh có hình thức phong kiến tên là thể chế mạc phiên (bakuhan taisei) mà nhà nước thời Tokugawa đặt ra để cai trị dân chúng.

Tiết 5 : Chế độ cai trị của Mạc phủ và sinh hoạt dân chúng.
5.1 Thiên hoàng và công khanh:

Với thế mạnh hầu như tuyệt đối của mình, mạc phủ muốn thống trị mọi tầng lớp trong xã hội. Cho dầu thiên hoàng hay công khanh cũng không thể đi ra ngoài khuôn phép họ muốn đặt ra. Thời Edo là lúc mà chế độ giai cấp (thân phận chế đô = mibun seido) được ấn định một cách nghiêm ngặt. Chính ra ngôi thiên hoàng phải đưọc đặt cao hơn tất cả mọi thành phần khác nhưng một khi giới samurai mới là tầng lớp nắm sức mạnh chính trị lẫn quân sự thì trên thực chất, họ mới là giai cấp có đặc quyền. Sau đây, chúng ta hãy thử xem Mạc phủ đã khuynh loát thiên hoàng lẫn công khanh như thế nào.

Năm 1611 (Keichô 16), kể từ khi Ieyasu lập Thiên hoàng Go Mizuo (Hậu Thủy Vỹ, 1596-1680) lên làm vua thì chính quyền vũ gia tha hồ thao túng, khi thì bắt thiên hoàng nhượng vị, khi thì cho tức vị mặc tình. Tư thế trên trước của họ đã được trình bày trong văn bản Kinchuu narabi Kuge shohatto ( Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ = Phép tắc áp dụng cho hoàng gia lẫn công khanh) soạn ra vào năm 1615 (Genna nguyên niên). Nói cách khác, đạo luật này đã cụ thể hóa và minh bạch hóa tương quan của phủ chúa đối với nhà vua.

Điều thứ nhất minh định: "Đối với Thiên hoàng, điều thiết yếu của ngài là trau dồi học vấn." Nó chứng tỏ rằng mạc phủ muốn cả thiên hoàng lẫn hoàng tộc phải rời xa sân khấu chính trị. Người thảo ra bộ luật đối với hoàng gia và công khanh cũng là người đã soạn thảo bộ luật áp dụng cho vũ gia (Genna.rei, Lệnh năm Nguyên Hòa) tức là Konchi.in Suuden (nhà sư Kim Địa Viện Tông Truyền). Nội dung đạo luật cho thấy tuy ngoài mặt, mạc phủ tỏ ra cung kính đối với thiên hoàng và triều đình nhưng bên trong họ khá nghiêm khắc. Lãnh địa của thiên hoàng (có tên là Kinri goryô = Cấm lý ngự liệu) chỉ có được 3 vạn thạch thóc, cho dù đem nó so sánh với một lãnh chúa nho nhỏ thì cũng chả thấm vào đâu.

Liên lạc giữa mạc phủ và triều đình được thực hiện qua hai người gọi là Buke densô (Vũ gia truyền tấu) tuyển ra từ hàng công khanh. Họ có nhiệm vụ làm gạch nối giữa hai bên thông qua cánh cửa ngỏ của mạc phủ là Kyôto shoshidai (Kinh đô sở ty đại),.Viên chức này là người có nhiệm vụ thông báo những quyết định của mạc phủ cho triều đình.

Về những thí dụ chứng tỏ việc mạc phủ đoạt quyền triều đình thì ta có dẫn ra chuyện xảy ra vào năm 1620 (Genna 6), lúc công nương Kazuko (có nơi đọc là Masako, Hòa tử, sau có hiệu là Tôfukumon.in, Đông Phúc Môn Viện, 1607-78), con gái út của Shôgun đời thứ 2 Hidetaka nhập cung làm hoàng hậu cho Thiên hoàng Go Mizuo. Khi ấy, mạc phủ đã bắt triều đình phải có sự đồng ý của họ mỗi khi muốn cải nguyên, cải lịch ( thay đổi niên hiệu). Những nghi thức này là một số quyền tượng trưng còn sót lại của thiên hoàng. Ngoài ra, lại còn có sự cố "áo tía" (Shie, Murasaki no sôi) liên quan đến điều 16 của bộ luật Hatto. Số là tử y hay tấm cà sa màu tím là vật mà các thiên hoàng có quyền ân tứ cho các cao tăng để nhìn nhận phẩm chất đạo đức của người ấy. Truyền thống này đã có từ năm 1249 (Kenchô 1). Viện cớ gần đây thiên hoàng đã ban tử y một cách bừa bãi gây hỗn loạn trong nội bộ các chùa, kể từ năm 1627 (Kan.ei 4), mạc phủ cho biết không nhìn nhận việc triều đình cấp tử y nếu không thưa gửi họ trước. Đó là ý nghĩa của "sự cố áo tía" (shie no jiken). Tăng Takuan (Trạch Am) chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) vì tham gia vào việc chống đối lệnh này mà bị mạc phủ xử phạt. Kết luận là trong mối tương quan giữa hai bên, hatto (pháp độ) của mạc phủ chiếm thượng phong và có thể phủ nhận cả sắc chỉ (sắc hứa = chokkyo) của thiên hoàng.
 

Bàn thêm về quan hệ giữa Thiên hoàng và Mạc phủ [25]

Thiên hoàng chế là một chế độ độc đáo của Nhật Bản. Bằng trăm ngàn cách, nó được kế tục kiểu "vạn thế nhất hệ" từ ngày xưa cho đến thời hiện đại, tính đến nay đã gần 2.000 năm. Nhiều vị Thiên hoàng muốn nắm thực quyền, mưu đồ trung hưng vương thất hay điều khiển gián tiếp (kiểu viện chính) nhưng đều thất bại, cùng lắm chỉ thành công một nữa hoặc ngắn hạn. Nói chung, có thể nói một cách thỏa đáng là từ xưa, thiên hoàng tượng trưng cho quốc gia chứ không nắm trách nhiệm cai trị.

Từ thời mạc phủ Kamakura, hoàng thất đã mất quyền chỉ định người kế vị ngôi thiên hoàng và quyền ngoại giao. Đến thời Muromachi, hoàng thất mất luôn quyền bổ nhiệm và bãi miễn quan lại, ngay cả quyền tế tự. Chỉ sau khi mạc phủ suy thoái, chức danh của triều đình mới được các lãnh chúa Sengoku trọng vọng.

Nói chung, tuy không để cho triều đình một chút quyền gì nhưng mạc phủ và các lãnh chúa đều dựa hơi triều đình để có danh nghĩa khi đứng trước quốc dân. Nobunaga, Hideyoshi đều như thế cả. Nobunaga thường xưng mình là "quan suke vùng Kazusa", một chức danh không đáng kể do Thiên hoàng ban cho, dù bản thân ông lúc đó đang nắm vận mệnh cả nước Nhật. Hideyoshi thường mời Thiên hoàng đến ăn yến ở Shurakudai (Tụ Lạc Đệ), bắt bách quan thề sẽ trung thành với Thiên hoàng, và nhân đó, với cả chính mình.

Đến thời Mạc phủ Tokugawa, hai cha con Ieyasu và Hidetada tỏ ra nghiêm khắc với triều đình hơn. Lý do có thể là vì họ đã lập được chính quyền ổn định nên tự tin hơn Nobunaga và Hideyoshi. Bộ luật 17 điều họ ban ra để kiềm chế triều đình và công khanh (1615) là một hành động cụ thể. Họ khuyên "Thiên hoàng chỉ nên chăm lo học hành và làm thơ waka". Ngay cả việc cấp phát chức tước và danh dự như ban shie (tử y = áo tiá) cho các cao tăng cũng phải hỏi ý mạc phủ trước chứ không được tự chuyên. Quyền tôn giáo của hoàng thất như thế hoàn toàn bị tước đoạt. Tuy nhiên, mạc phủ cũng chịu bỏ tiền vào những chi phí trong cung và tổ chức các nghi thức như việc xây dựng lại cung điện ở Kyôto vào năm 1854 trong lúc công quỹ nhà nước bị thâm thủng. Họ xem vương quyền như một sự thực thể mà sự tồn tại cần thiết cho chế độ của mình. Việc đánh đổ mạc phủ để khôi phục vương quyền thời Duy Tân cũng vậy. Khôi phục vương quyền chỉ là một chiêu bài mà các lực lượng cấp tiến đương thời đề ra nhằm thay đổi chính trị chứ Thiên hoàng Meiji là một tượng trưng không hơn không kém.

Việc xem Thiên hoàng hay chính phủ quân phiệt mới là người phải chịu trách nhiệm trong thế chiến thứ hai nằm trong cùng một lô-gích khi câu hỏi ai là người nắm thực quyền ở Nhật Bản được đặt ra.

5.2 Qui chế đền chùa:

Chính sách kiểm soát các chùa chiền và đền thần là hệ quả không tránh được của chính sách cấm đạo Ki-tô.Năm 1637 (Kan.ei 14), hai lãnh chúa họ Matsukura (Tùng Thương) ở Shimabara thuộc Nagasaki và họ Terasawa (Tự Trạch) ở Amakusa thuộc Kumamoto cực nam đảo Kyuushuu đã nổi loạn (gọi là Shimabara no ran) để chống chính sách đàn áp tôn giáo của phủ chúa. Nhân vì cuộc biến loạn này xảy ra trên đất xưa kia hai lãnh chúa đi đạo là Arima Harunobu (Hữu Mã Tình Tín) và Konishi Yukinaga (Tiểu Tây Hành Trường) cai quản, cho nên trong đám người nổi dậy làm ikki, những samurai của hai ông nay sống đời rônin (lãng nhân = võ sĩ vô chủ) [26] và giáo dân không phải là ít. Phải dẹp hơn 3 vạn người do Amakusa Shirô Tokisada (Thiên Thảo Tứ Lang Thì Trinh) lãnh đạo đang cố thủ trong ngôi thành hoang Hara no jô, mạc phủ không biết xử trí thế nào cho ổn. Rốt cuộc, họ đã lệnh cho các lãnh chúa vùng Kyuushuu điều động đến 12 vạn quân và lúc đó mới trấn áp nổi. Sau cuộc loạn Shimabara thì mạc phủ không còn ngần ngại khi phải dùng mọi phương tiện để đàn áp đạo Ki-tô.

Đặc biệt vùng Kyuushuu có nhiều giáo dân nên là nơi chịu nhiều cảnh khổ hơn cả.Trong đó có đòi hỏi họ phải "dẫm lên ảnh Chúa", tiếng Nhật gọi là efumi (hội đạp). Mạc phủ còn bắt thường dân đăng ký như đàn việt ở các chùa để chứng tỏ mình không đi đạo. Đó là chế độ terauke (tự thỉnh) tức là việc mỗi người dân phải gắn bó với một ngôi chùa nào đó. Mạc phủ cũng thực thi chính sách shumon.aratame (tông môn cải) tức cưỡng chế giáo dân phải chuyển từ đạo Ki-tô sang đạo Phật. Như thế ta đủ thấy việc giám sát của mạc phủ đối với đạo Ki-tô rất chặt chẽ và không khoan nhượng.


Dẫm lên thánh giá (efumi)

Không những cấm đạo Ki-tô, mạc phủ còn cấm cả phái Fujufuse (Bất thụ bất thí , Không nhận không cho) của tông Nichiren (Nhật Liên). Sở dĩ có chuyện đó vì mạc phủ xem sự tồn tại của giáo phái Phật giáo này cũng có thể gây nguy hiểm cho họ như đạo Ki-tô vậy. "Bất thụ bất thí" nếu dịch theo nghĩa bóng thì nó muốn nói là "đối với kẻ không tin vào kinh Pháp Hoa thì ta đừng có nhận ơn và cũng không cần phải thi ơn cho họ". Trong khi các phái chấp nhận nhận ơn huệ (thụ phái) chủ trương rằng người đi tu có thể nhận ơn của nhà nước như một ngoại lệ vì Phật pháp tức là vương pháp, tin Phật thì phải vâng phục chính quyền. Nhưng nay người "bất thụ bất thí" lại xem quốc thổ không phải là vương thổ mà là đất của Phật thì đã đặt Phật pháp lên trên vương pháp. Nhìn theo quan điểm của mạc phủ thì tín đồ phái ấy đã quay lưng lại với chính quyền và việc bất phục tùng nhà nước đó không thể nào chấp nhận được.

Tuy vậy, mạc phủ không cấm hết tất cả các đạo.Thần đạo, tu nghiệm đạo (tăng sĩ vân du, trừ tà bắt quỉ) và âm dương đạo (bùa chú bói toán) được xem như hình thức tôn giáo phụ thuộc Phật giáo nên mạc phủ dung nhận. Có lẽ vì đối với các hình thức tôn giáo này, mạc phủ không cảm thấy nguy hiểm.

Thế rồi, mạc phủ đã lập ra chế độ honmatsu (bản mạt) tức chế độ chùa gốc chùa ngọn (bản tự mạt tự) nhìn nhận các bản sơn, bản tự (chùa gốc), cho phép chúng tổ chức thành hệ thống với các chi nhánh gọi là mạt tự (chùa ngọn). Năm 1655 (Kanbun 5), nhà chúa lại công bố Shoshuu Jiin Hatto (Chư tông tự viện pháp độ), một văn bản vượt lên các tông phái, nhằm kiểm soát chung toàn thể tăng lữ và đền chùa. Đối với các đền thần và thần chức cũng vậy, mạc phủ đặt họ dưới đạo luật Shosha Negi Kannushi Hattô (Chư xã nể nghi quan chủ pháp độ) Negi (Ne = nể, có nghĩa là miếu thờ) và kannushi chẳng qua là tên những chức vụ trong đền Thần đạo. Như thế ta thấy mạc phủ đã tìm cách quản lý mọi tôn giáo vì biết rõ vai trò xã hội quan trọng của chúng.

5.3 Sự cai trị của Mạc phủ và cuộc sống dân chúng:

Chúng ta hãy thử bàn về quan hệ giữa mạc phủ và người dân thành thị cũng như nông thôn thời ấy. Đó là một mối quan hệ rất quan trọng mà người đọc sử không thể bỏ qua.

Thành thị cũng như thôn quê thời Edo đều là những tụ điểm sinh hoạt đáng lưu ý. Ở nông thôn thì nhà nông (hakushô) họp thành nhóm, sống chủ yếu trong thôn làng gồm có nhà và ruộng đất canh tác (ieyashiki) bao quanh. Ngoài vườn tược và đất cày cấy, môi trường sinh hoạt của họ trải rộng ra các cánh đồng không, núi non và bến bãi. Họ biết tổ chức tự trị để giúp nhau sinh sống. Trên phương diện sản xuất nông nghiệp, họ là đơn vị cơ sở trọng yếu đối với chính quyền của phiên (han) và mạc phủ.

Thời trước, vì chính quyền Hideyoshi thực hiện chính sách "kiểm địa" và "binh nông phân ly" cho nên hệ thống sôson (tổng thôn) và gôson (hương thôn) vốn có từ đời trung cổ đả bị phân chia. Thêm vào đó, một số ruộng đất mới khai khẩn cũng đã tạo thêm một số thôn làng mới. Tính đến cuối thế kỷ 17, con số thôn (mura) đã lên tới hơn 6 vạn.

Trong nội bộ các thôn thì người có quyền chỉ đạo được gọi là nanushi (danh chủ). Họ còn có tên là shôya (trang ốc) hay kimoiri (can tiễn) nữa. Kimoiri có nghĩa là "nướng gan", một chữ dùng mà gốc gác không biết từ đâu ra những được hiểu là kẻ giúp đỡ, tác thành một việc gì. Bên cạnh nhân vật đó, có một người phụ tá gọi là kumigashira (tổ đầu) hay trưởng nhóm và người đại diện cho nông dân (hyakushô) có tên là hyakushodai (bách tính đại, đại là đại diện ). Ba người này gọi là murakata san.yaku hay "ba nhà chức trách lo việc làng". Nanushi và 3 người đó cùng nhau họp sức với tầng lớp nông dân cơ sở (honhyakushô = bản bách tính) quản trị mọi thủ tục hành chánh trong thôn, trông coi việc sử dụng chung những miếng đất đã "vào hợp tác" (gọi là iriai.chi = đất của cộng đồng) cũng như việc chia nhau nguồn nước tưới và các vùng đồng hoang, núi rừng. Họ còn tổ chức tự trị việc canh phòng và cứu hỏa. Những khoản chi phí cho việc đó gọi là muranyuuyô (thôn nhập dụng) và họ sẽ chia nhau phụ đảm. Việc vận hành trong thôn theo pháp luật nội bộ gọi lá sonpô (thôn pháp) (hay mura-okite = qui định của thôn). Mọi vi phạm sẽ bị trừng trị theo murahachibu (thôn bát phân). Từ này cũng không biết đích xác đã phát xuất từ đâu, chỉ biết nó là một hình thức tẩy chay hay cô lập (octracism) người có tội đối với cộng đồng thể. Có thuyết cho rằng "bát phân" (tám phần mười) nghĩa là trừ việc tang ma hay hỏa hoạn thì làng nước sẽ tuyệt giao với người có tội. Thế nhưng thuyết ấy cũng không có căn cứ chắc chắn. Từ những ví dụ này, ta nhìn thấy tính cách tự trị của đời sống nông thôn Nhật Bản thời Edo, nhưng ngược lại, mạc phủ, các phiên và những hatamoto cũng biết lợi dụng tinh thần tự trị đó để xúc tiến việc thu nạp các khoản tuế cống và tạp dịch bằng cách khoán cho người dân trong thôn phải tự lo liệu để hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước. Chế độ quản lý này gọi là murauke.sei (thôn thỉnh chế).

Mặt khác, cá lãnh chúa cũng tổ chức dân chúng theo số hộ thành goningumi (ngũ nhân tổ, tổ năm người). Như vậy, mỗi khi có kẻ nào không nạp tuế cống hay nạp chậm trễ thì cả bọn phải liên đới chịu trách nhiệm. Thế mới thấy sự kềm kẹp của lãnh chúa đối với dân thôn rất là chặt chẽ và nghiêm khắc.

Trong đám thôn dân, thật ra cũng có sự phân chia giai cấp.Trước tiên, những ai có nhà cửa ruộng đất, tên tuổi được đăng ký trong sổ bộ kiểm địa của nhà nước thì được gọi là honhakushô (bản bách tính) hay takamochi (cao trì) ý nói người nắm trong tay (trì) huê lợi. Họ là những thành viên chính thức trong thôn. Ngoài họ ra, hãy còn có hạng nông dân không sở hữu ruộng đất, phải đi làm công cho địa chủ. Đó là hạng người làm việc được trả theo công nhật. Họ được gọi là mizunomi (thủy thôn húp nước) hay mudaka (vô cao = ý nói là những kẻ không làm ra của cải để theo đó mà tính thuế). Dưới họ còn có những hạng người như nago (danh tử), hikan (bị quan) hay fudai (phổ đại) bị coi như tôi tớ lệ thuộc các địa chủ. Tất cả bọn họ đều không được quyền dự phần vào việc tham gia công việc của thôn. Ngoài ra, dân thôn còn bị chia ra làm honke (bản gia) và bunke (phân gia) theo thứ bậc huyết thống. Ở các làng chài thì chia làm hai hạng người: amimoto (võng nguyên) và amiko (võng tử) tức tay lưới chính và tay lưới phụ.. Trong thôn có cất chùa và đền thần. Nơi đây dân thôn có thể tụ họp để bàn chuyện làng nước và cũng để hành lễ tôn giáo, một điều vốn rất cần thiết cho đời sống tinh thần cua họ.

Nông dân cấp cơ sở (hyakushô) phải đóng tuế cống nghĩa là thuế hàng năm tính từ giá trị ruộng vườn nhà cửa họ có. Thuế chính ấy gọi là honto mononari (bản đồ vật thành) tương đương với từ 40% đến 50% thu nhập lý thuyết sẽ được nộp bằng luá gạo hay tiền mặt. Lối đóng thuế như thế được gọi là "ngũ công ngũ dân" (nếu đóng 50%) hay "tứ công lục dân" (nếu đóng 40%) cho nhà nước (công).

Ngoài tuế cống, những ai sống nhờ núi đồng sông biển hay những kẻ làm những nghề phụ ngoài nông nghiệp lạì phải đóng một thứ thuế nhỏ gọi là komononari (tiểu vật thành). Thuế này trả bằng lao động phu dịch (bu.yaku) cho các công sự thổ mộc đường sông trong phạm vi một tiểu quốc nên được gọi là koku.yaku (quốc dịch). Nếu người trả thuế sống trong thôn làng ven đường cái thì phải giúp sức người và sức ngựa cho các trạm giao thông công cộng. Đấy là tenmayaku (truyền mã dịch) hay sukegôyaku (trợ hương dịch). Tuy được gọi là thuế nhỏ hay thuế phụ nhưng đối với đám bần dân không nhà cửa ruộng đất thì quả một món phụ đảm nặng nề.

Câu hỏi có thể đặt ra ở đây là tại sao mạc phủ lại đánh thuế nặng nề như thế đối với nông dân? Lý do chỉ vì mạc phủ coi nông dân như căn bản hệ thống kinh tế của họ. Làm như thế họ muốn sao cho công ăn việc làm của nông dân được ổn định, trong cái nghĩa là không để nông dân bị lôi cuốn vào trong vòng kinh tế hóa tệ. Để việc thu nạp tuế cống hay lao dịch được qui định rõ ràng, họ đã đề ra nhiều chính sách rất triệt để.

Trước tiên, Mạc phủ Edo đã công bố pháp lệnh Denbata eitai baibai no kinrei (Lệnh vĩnh viễn cấm buôn qua bán lại ruộng rẫy) vào năm 1643 (Kan.ei 20). Qua năm 1673 (Enpô nguyên niên), họ lại ban hành Bunchi seigen.rei (Phân địa chế hạn lệnh = Lệnh giới hạn việc cắt đất thành mảnh nhỏ) nhằm ngăn ngừa việc phân chia ruộng càng ngày càng nhỏ mỗi lần con cái lãnh đất thừa kế của cha mẹ theo cách thức bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục --> chia cho nhiều người thay vì cho mỗi gia trưởng). Lại thêm đạo luật Denbata katte tsukuri no kin (Lệnh cấm tự tiện trồng trọt) không cho phép người nông dân trồng những loại cây như thuốc lá, bông vải, rau quả theo ý thích. Tại sao lại cấm trồng các loại này? Lý do là mạc phủ nghĩ rằng nhà nông có thể biến chúng thành thương phẩm đem bán lấy tiền làm của cải và kết cuộc bị lôi cuốn vào trong vòng kinh tế hóa tệ.

Cách nhìn của mạc phủ đối với nông dân đã được ghi chép lại rất rõ ràng trong Keian no furegaki (Khánh An ngự xúc thư), một tác phẩm ra đời vào năm Keian thứ 2 (1649) gòm có 32 điều. Furegaki (xúc thư) có nghĩa là "bố cáo cho mọi người biết".

Qua bản bố cáo, ta được biết cuộc sống của dân lao động bị hạn thế từng ly từng tý, kể từ cái ăn, cái mặc, công việc trong nhà của một anh nông dân bình thường. Tuy nhiên, dù nó mang tên là Keian no furegaki nhưng không ai tìm ra nguyên văn viết vào thời (Keian) ấy.

Tại sao một sử liệu có tiếng tăm như thế mà chảng ai tìm lại được. Thực ra thì vào tiền bán thế kỷ thứ 19, sau cuộc cải cách có tên là cuộc cải cách năm Bunsei (Văn Chính, 1818-1831), vì chịu ảnh hưởng của nó mà vào năm 1830 (Tenpô nguyên niên) ở phiên (han) Mino Iwamura, người ta đã in ra một văn bản như thế và phát cho dân chúng. Sự thực thì chưa chắc nó đã tồn tại từ thời Keian (1649). Trong bản bố cáo ấy có thấy ghi những lời khuyến khích việc lao động cật lực như sau: "Đàn ông phải ra công cày cấy, đàn bà lo canh cửi. Tối về cơm nước hai vợ chồng còn phải cùng nhau tiếp tục làm việc". Trong giai đoạn này, không riêng gì một phiên trấn như Iwamura mà tất cả các nơi đều được bố cáo như vậy. Nó cho ta thấy cái nhìn của mạc phủ đối với nông dân. Chính quyền không muốn dân chúng tham gia hyakushô ikki bạo động chống chính quyền nên khuyến dụ họ phải ra sức làm việc để khỏi rơi vào cảnh đói kém. Văn bản ấy có tác dụng khuyến cáo người nông dân và đôn đốc họ lao động.


Tranh hí họa cảnh hàng quán trên tuyến đường Tôkaidô

Riêng về cuộc sống nơi đô thị thì quả là so với thời trung cổ, con số các đô thị mới thành lập có thêm nhiều. Nơi đô thị thì cuộc sống tập trung ở khu vực trung tâm tên là shukubamachi (túc trường đinh) "xóm nhà trọ", thành lập nhờ có sự phát triển của trục giao thông gọi là gokaidô (ngũ nhai đạo = năm trục đường lớn). Những đô thị tôn giáo thì có jinai-chô (tự nội đinh) xóm chùa tức "xóm trong khuôn viên nhà chùa" hay monzen-machi (môn tiền đinh) "xóm trước cửa đền thần". Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa, khu vực quan trọng nhất bao giờ cũng là jôka-machi "xóm dưới chân thành". Xóm này là nơi các võ sĩ với tư cách là chủ đất tại chỗ (tại địa lãnh chủ) cho đến lúc đó sống chung với nông dân, đã phải chuyển nơi cư trú về đây theo chính sách "binh nông phân ly" được mạc phủ áp dụng triệt để. Đồng thời, các jôka-machi còn là nơi thương nhân và thợ thủ công (shukôgyôsha = thủ công nghiệp giả) cư trú. Ở đấy, họ tự do buôn bán sản xuất, ngoài ra còn được hưởng đặc quyền không phải đóng thuế thuê đất (jishi = địa tử) hằng năm, một hình thức tuế cống.

Trong xóm dưới chân thành thì thành quách của Shôgun và các lãnh chúa là trung tâm điểm, chung quanh bao bọc bởi các khu vực nhà cửa chia ra thành khu của các võ sĩ, khu đất thuộc các chùa chiền và đền thần, rồi đến các xóm dân hàng phố (chônin). Diện tích lớn nhất là thành quách và xóm của võ sĩ, gồm có các dinh thự có tính cách chính trị, quân sự và tư thất của các gia thần. Đất dành cho tự viện và thần xã qui tụ các đền chùa có thế lực, đóng vai trò trung tâm điều hành các hoạt động tín ngưỡng.

Mặt khác, những khu phố dành cho dân chúng được gọi là machikata (đinh phương). Nơi đây, thương nhân, thợ thủ công...sinh sống và làm ăn. Tuy diện tích của các khu vực này bị coi là chật hẹp nhưng chúng lại là những trung tâm thương mại có sức mạnh kinh tế kết hợp được các lãnh địa với toàn quốc. Khu dân phố như thế tạo thành một tiểu xã hội (cộng đồng thể) có tên là chô (đinh) và đã mọc ra nhan nhản khắp nơi. Chô cũng biết xây dựng tổ chức tự quản trị giống như cung cách của thôn xã và tổ chức này có nhiệm vụ giúp đỡ người dân hàng phố trong sinh hoạt, trong sản xuất cũng như trong việc buôn bán của họ.

Những người có nhà cửa và sinh sống trong chô có tên là chônin (đinh nhân). Đại diện cho các chônin là những nanushi (danh chủ), chô-doshiyori (đinh niên ký), gatsugyôji (nguyệt hành sự) Họ là những nhân viên dân chính được tuyển chọn để vận hành công việc của chô đúng theo luật lệ của chô (gọi là chô-okite) vv...Như vậy, chức năng của họ cũng chẳng khác gì chức năng hành chính ở cấp thôn xã. Về thuế má, nhân vì người chônin không có vườn tược đất đai, họ được miễn các thứ tuế cống nặng nề mà nhà nông phải gánh vác. Bù lại, họ bị phụ đảm công việc phu dịch liên quan đến hệ thống nước uống và nước thoát, phòng hỏa cũng như dọn dẹp sạch hào rãnh thành quách để duy trì các chức năng của thành phố.Lao dịch ấy có tên là chônin sokuyaku (đinh nhân túc dịch) nhưng họ có thể nộp bằng tiền để khỏi phải làm.

Trong các chô còn có những người mướn đất để cất nhà gọi là jigari (địa tá), mướn nhà gọi là shakuya (tá gia), mướn cửa tiệm gọi là tanagari (điếm tá) hoặc người đi làm công có các nhà buôn gọi là hôkônin (phụng-công nhân)...Như vậy trong chô, người ta làm đủ mọi ngành nghề sinh sống. Những người mướn đất, mướn nhà hoặc tiệm quán thì ngoài tiền mướn đất, thuê tiệm trả cho chủ đất chủ tiệm, hầu như chẳng phải chi cho một kinh phí nào khác. Vì cớ đó, họ không được phép tham gia vào việc quản lý của chô.

Các đô thị không chỉ thành hình từ những xóm dân phố dưới chân thành (jôka-machi) mà còn từ các xỏm cảng (minato-machi), xóm trước cửa đền (monzen-machi), xóm nhà trọ (shukuba-machi), xóm hầm mỏ (kôzan-machi). Trong số ấy, những đô thị trực tiếp cai quản bởi mạc phủ là những trung tâm kinh tế quan trọng nhất. Ta có thể kể đến santo (tam đô) tức là ba đô thị chính yếu: Edo, Ôsaka và Kyôto. Vào giữa thế kỷ 17, chúng đã được xem như những thành phố phồn vinh tầm cỡ thế giới.
 

Bữa cơm của người thời Edo[27]

Về ẩm thực, thời Edo, người Nhật bắt đầu ăn một ngày ba bữa, gạo được sử dụng là gạo trắng. Nói đúng ra thì giới samurai ăn 7 phần gạo 3 phần luá mạch, nông dân chỉ ăn lúa mạch với tạp cốc.Bữa cơm của người dân thành thị (chônin) thường có cơm trắng, sáng kèm theo canh bột đậu nành (misoshiru), trưa ăn món ninh (nimono), chiều ăn dưa chua (tsukemono). Tuy là đạm bạc nhưng đủ mùi vị. Họ lại có phong tục đến mùa nào thì lại ăn những thức ăn đầu mùa (hatsumono). Nhờ tương đậu nành (shôyuu) và giấm (su), người Edo nghĩ ra nhiều món mới chẳng hạn cơm nắm cá giấm (sushi). Món này trước là cơm ém trong hộp (hakozushi) đã bắt đầu ở miền Tây sau mới lên tới Edo, được trình bày bằng cách trộn chung (mazezushi), hoặc gói trong lá trúc con (sasamakizushi). Đến năm Tenmei (1781-1788) thì có loại hayazushi tức "sushi nắm ngay" nghĩa là sushi làm bằng cách ép hạt kê và gạo nếp còn đang nóng với cá giấm, mở đường cho cơm nắm sushi kiểu bây giờ. Họ cũng biết sử dụng đường đen để làm các loại bánh trái. Từ thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18) trở đi, đường phố Edo đầy những tiệm sushi, soba, chè cũng như quán nhậu. Sinh hoạt ẩm thực của người dân trở nên phong phú.

Các nhà công khanh và vũ gia thì lúc có việc gì vui (cát sự), thường nấu cỗ bàn (zen = thiện) đặt trên các khay sơn lớn, nhưng sau rồi cũng giản dị hoá, chỉ còn kaiseki ryôri (hội tịch hay hoài thạch) tức cơm khách mỗi người có một mâm riêng. Từ lúc tăng Ingen (Ẩn Nguyên) của tông Hoàng Bá từ nhà Minh Trung Quốc đến Nhật, ông có đem kiểu nấu ăn chay (shôjin ryôri) theo lối fucha (phổ trà) cho nhiều dầu và bột sắn. Lối này bên Trung Quốc nguyên có tên là shippoku (trác phục) chính ra là món mặn, lắm thịt cá và rau, làm thật nhiều để mọi người có thể chia nhau cùng ăn.

Dân số các thành phố lớn Nhật Bản khoảng năm 1720 [28]

Thành phố Dân số phỏng định
Edo (Tôkyô) 1.000.000
Ôsaka 382.000
Kyôto 341.000
Kanazawa 65.000
Nagoya 42.000
Nagasaki 42.000
Cuối cùng, thử nhìn qua chế độ giai cấp dưới thời Edo. Ngoài tứ dân là sĩ nông công thương, hãy còn có kawata (bì đa, hà điền) và hi.nin (phi nhân) tức những người dân thuộc giai cấp bần cùng. Những người đó tuy làm nông nhưng còn phải phải kiêm nhiệm công việc thuộc da (như kawata), đan bện, chôn xác chết của bò ngựa hoặc xử hình tội phạm.Từ thời trung kỳ của Mạc phủ Edo, họ còn bị gọi là eta (uế đa, uế trong cái nghĩa ô uế), một cái tên khinh miệt đặt cho lớp người nằm dưới đáy xã hội.

Cũng vào thời Edo này, trong chế độ gia tộc, quyền của người gia trưởng (kachô) hay chủ hộ (koshu = hộ chủ) rất lớn. Ngược lại, phụ nữ bị khinh rẽ vô cùng.
 

Tình cảnh người phụ nữ thời Edo [29]

Trong xã hội Edo, như ta đã biết, có phân chia rành rẽ bốn giai cấp sĩ nông công thương và phân biệt quí tiện, thượng hạ.Chỉ có con trai trưởng nắm quyền katoku (gia đốc) đời đời nối nghiệp tổ tiên. Sinh ra làm con trai thứ là đã chịu thiệt thòi. Riêng thân phận người phụ nữ thật không ra gì. Họ phải giữ luật "tam tòng", chỉ là người "cho mượn bụng để đẻ" (hara wa karimono), nô lệ của gia trưởng.

Nếu người chồng bất bình, anh ta chỉ cần hạ bút viết "ba hàng rưỡi" (mikudarihan) trên tờ giấy ly hôn là xong việc. Như thế còn may cho người đàn bà, bởi vì nếu không, họ còn phải thường xuyên chịu cảnh chồng rượu chè, đánh đập, lăng nhục. Thời Edo, có hai ngôi chùa là Tôkeiji (Đông Khánh Tự) ở Kamakura và Mantokuji (Mãn Đức Tự) ở địa phương Kôdzuke được quyền chứa chấp những người vợ bị hành hạ, giúp họ làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, thực hiện được việc này rất khó khăn và tốn kém. Khó khăn vì người chồng có khả năng thưa kiện nhà chùa đã quyến rũ hay toa rập với vợ mình, phần người đàn bà còn phải bỏ tiền tạ lễ công đức nhà chùa cũng như chạy tiền cơm nước cho chính mình, có khi số tiền đó lên đến 30 lạng. Thời gian kiện cáo cũng dài, một vài năm chưa chắc đã xong việc. Vô số phụ nữ đã rơi vào cảnh ngộ bi đát như thế.

Ngoài ra, phụ nữ thời Edo lại phải lao động nông nghiệp nặng nhọc không kém gì nam giới. Chính nhà nước trong sắc lệnh gọi là Keian no ofuregaki (Khánh An ngự xúc thư) từng ghi rõ nghĩa vụ liên đới giữa vợ chồng (nhằm bảo đảm nguồn thuế cho nhà nước) ấy trên giấy trắng mục đen. Đến khi kinh tế thương phẩm phát triển, các bà còn phải làm thêm việc thủ công, gánh vác, giao hàng, chưa kể trách nhiệm trông coi nhà cửa, cơm nước, đẻ con, nuôi con. Không những thế, trong các nhà trọ, có loại người làm gọi là hạng gái "đơm cơm rót nước" cho khách (meshimori-onna) nhưng trên thực tế là gái mại dâm trá hình. Tuy luật pháp cấm "buôn bán người" (jinshin baibai) nhưng với hình thức đi ở đợ, làm công, nhiều cô gái đã áp lực của chữ hiếu nhà Nho mà chịu nhục đến mất danh tiết. Cảnh nghèo cũng ảnh hưởng đến con cái. Để bớt miệng ăn trong nhà (kuchiberashi), cha mẹ có lúc phải việc gọi là mabiki (làm cho thưa thoáng), khi thì siết cổ con, khi thì nhét cám với trấu vào miệng, bít lỗ mũi bằng giấy thấm, lấy nệm gối đè chết ngạt hay chôn sống chúng. Không sao kể xiết những thủ đoạn tàn nhẫn, phi nhân trong xã hội lúc bấy giờ vì người nông dân quá kiệt quệ, không biết tìm đâu lối thoát.

Như trên, ta có thể kết luận rằng "nam tôn nữ ti" là một đặc trưng của xã hội Edo, thế nhưng nó sẽ là đối tượng ưu tiên của những cuộc cải cách vào thời cận đại.

Tiết 6 : Từ mậu dịch bằng thuyền Shuin đến việc bế quan tỏa cảng.
6.1 Ngoại giao hòa bình vào buổi đầu Mạc phủ Edo:

Trong phần này, chúng ta đề cập đến chính sách ngoại giao của Mạc phủ Edo.Nếu muốn tóm tắt nó trong một câu thì có thể nói rằng kể từ khi quyền lực của Mạc phủ đã bám rễ và chế độ thống trị được thiết lập vững chãi, nhà nước đã cho thi hành chính sách bế quan tỏa cảng với lệnh "hải cấm" (kaikin) nghĩa là lập một quan hệ đối ngoại rất là hạn hẹp với các nước.

Năm 1600 (Keichô 5), con tàu Hà Lan tên De Liefde đã trôi dạt đến vùng biển Bungo (nay thuộc tỉnh Oita ở Kyuushuu). Thuyền trưởng là Jan Joosten van Lodensteyn (1557?-1623) (tên Nhật là Da Dương Tử =Yayôsu) và viên hoa tiêu của ông, người Anh William Adams (sau có tên Nhật là Miura Anjin = Tam Phố Án Châm, 1564-1620) được cứu thoát. Sau đó, Ieyasu mời họ lên Tôkyô và hai người trở thành cố vấn cho mạc phủ về các vấn đề ngoại giao và mậu dịch.


William Adams (Miura Anjin)

Đương thời, ở Âu châu thì Anh, nơi rất phát triển về ngành công nghiệp dệt len (woolen fabric), và Hà Lan từ thế kỷ thứ 16 giành được độc lập từ tay người Tây Ban Nha là hai nước đang tiến lên hàng đầu. Hai quốc gia Anh-Hà Lan này đã lập dưới quyền bảo hộ của mình Công Ty thương mại Đông Ấn Độ (The East India Company, 1600-1874), dùng nó như mũi nhọn để tiến về Châu Á. Nhân vì Ieyasu cũng muốn buôn bán với họ nên đã mở cửa biển Hirado (Bình Hộ, phiá bắc Nagasaki) cho phép hai nước mở thương quán để giao dịch. Hà Lan đã thực hiện việc đó vào năm 1609 (Keichô 14) và Anh vào năm 1613 (Keichô 18).

Từ đó người Anh và Hà Lan thường xuyên đi lại Nhật Bản. Để phân biệt với người Nam Man (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) mà họ từng biết, người Nhật gọi những ông khách mới này là dân Hồng Mao. Khác với người Bồ và Tây theo đạo Ki-tô, người Anh và Hà Lan theo Tân giáo, có tên khác là Thệ Phản giáo (Protestant).

Một sự kiện khác đã xảy ra vào năm 1609 (Keichô 14) khi một người Tây Ban Nha là Don Rodrigo (tức Rodrigo de Vivero y Velasco, 1564-1636) trôi dạt tới vùng biển Kazusa (trung bộ Chiba). Nhân việc này, Ieyasu cũng cho phép người Tây Ban Nha được phép buôn bán. Để xúc tiến việc giao thương với Mexico ( thuở còn gọi là Nueva Espana), thuộc địa của Tây Ban Nha, Ieyasu đã gửi Tanaka Shôsuke (Điền Trung, Thắng Trợ) người Kyôto đi tìm hiểu và thương lượng.

Về quan hệ đối với Tây Ban Nha thì cũng nên nhắc đến việc lãnh chúa Date Masamune

(Y Đạt Chính Tông) vào năm 1613 (Keichô 18) đã gửi gia thần của mình là Hasekura Tsunenaga (Chi Thương Thường Trường) sang Tây Ban Nha để xin phép buôn bán trực tiếp với Mexico.Chuyến đi này có tên là Keichô ken.Ô shisetsu (Sứ bộ gửi sang Âu châu vào năm Khánh Trường). Tuy nhiên họ không đạt được mục đích trong việc xin thông thương.

Riêng đối với người Bồ đào nha mà Nhật Bản từng có mối liên hệ trong quá khứ thì câu chuyện có hơi khác. Số là thương nhân người Bồ thời ấy đóng căn cứ ở Macao, vẫn thường chở tơ sống (sinh ti = ki-ito hay shiraito) của Trung Quốc đến Nagasaki bán lại, nhờ đó thu nhập ức vạn. Để phá vỡ hệ thống độc chiếm của họ, vào năm 1604 (Keichô 9), mạc phủ đã bắt đầu đề ra chế độ Ito-wappu (Ti Cát Phù) mà wappu có nghĩa là thẻ (phù) chứng minh giấp phép của nhà đương cục làm bằng hai mảnh cắt ra (cát) (thường là gỗ, tre hay giấy) ghép lại (warifu). Chính phủ để cho một số các thương nhân giờ đặc biệt và những đồng nghiệp chuyên ngành tơ của 3 vùng Kyôto, Sakai, Nagasaki kết thành tổ hợp, mỗi mùa xuân họp nhau lại để ấn định giá tơ. Những đồng nghiệp trong tổ hợp (nakama) [30] chuyên ngành tơ sẽ thu mua một lượt tất cả tơ với giá đã ấn định chung rồi phân phối số hàng cho nhau. Làm như thế, Nhật mới loại được độc quyền của các con buôn người Bồ. Những thành viên tổ hợp của 3 thành phố nói trên sẽ có sự tham gia của các người thuộc hai thành phố khác là Edo và Ôsaka để trở thành Gokasho shônin (Ngũ cá sở thương nhân).

Thế nhưng tình trạng êm thắm này không kéo được lâu dài vì từ năm 1612 (Keichô 17) trở đi, cùng với lệnh cấm đạo Ki-tô, mạc phủ đã thay đổi thái độ và siết chặt kiểm soát sự thông thương.

Lại nữa, ta biết rằng việc người Nhật tiến ra hải ngoại vốn đã tiếp tục duy trì suốt thời Tể tướng Hideyoshi: thuyền Nhật đi Luxon (đảo Lữ Tống, Phi luật tân), Tonkin (Đàng Ngoài của Việt Nam), Cam-phu-chia, Xiêm La (Thái Lan bây giờ) rất nhiều. Mạc phủ Edo hồi đầu cũng cho phép họ tiếp tục làm như vậy bằng cách cấp các giấy phép có triện son, gọi là shuinjô (châu ấn trạng). Những lãnh chúa điều động thuyền triện son (shuinsen = châu ấn thuyền) để thông thương là Shimazu Iehisa (1576-1638, phiên Satsuma và Ryuukyuu, vùng Kagoshima bây giờ), Matsuura Shigenobu (còn đọc là Matsura, 1549-1614, phiên Hirado ở vùng Nagasaki bây giờ), Arima Harunobu (1567?-1612, vùng Bizen, thuộc Saga bây giờ). Còn về những nhà buôn danh tiếng thì phải nhắc đến Suetsugu Heizô ( ? -1630?) ở Nagasaki, Sueyoshi Magozaemon (1570-1617) ở Settsu cũng như Suminokura Ryôi 1554-1614 và Chaya Shirôjirô (tên thật là Nakajima, không rõ năm sinh năm mất) ở Kyôto. Đó là những nhân vật được gọi là gôshô (hào thương), không những giàu có của cải mà thôi nhưng còn có thế lực bởi lẽ đã gián tiếp làm kinh tài cho các nhân vật trong chính quyền.
 

Việc cấm đạo và chính sách đối ngoại của Mạc phủ Edo

(niên đại với gạch dưới là những năm có ban bố các lệnh tỏa quốc)

Niên đại Sự kiện Mốc quan hệ đối ngoại
1600 Tàu Hà Lan De Liefde ngộ nạn, dạt vào biển Bungo Nhận thức về Hà Lan
1604 Lập chế độ Itowappu kiểm soát việc bán tơ sống của người Bồ Canh chừng độc quyền thương mãi của Bò Đào Nha. Các đoàn thuyền triện son (Shuinsen) hoạt động trở lại.
1607 Đoàn sứ thần Triều Tiên đến Nhật Nối lại liên hệ với Triều Tiên
1609 Người Hà Lan được phép mở thương quán ở Hirado Bắt đầu mậu dịch chính thức với Hà Lan
1610 Ieyasu gửi Tanaka Shôsuke sang Mexicô (Nueva Espana) Nới rộng mậu dịch với Tây Ban Nha qua thuộc địa của họ.
1611 Cho phép thuyền Trung Quốc đến buôn bán ở Nagasaki Nối lại liên hệ với Trung Quốc của nhà Minh
1612 Ieyasu cấm đạo (Kinkyôrei = Cấm giáo lệnh) ở các lãnh địa mạc phủ cai quản (sẽ nới rộng ra toàn quốc vào năm 1613) Bắt đầu việc cấm đạo
1613 Gửi sứ tiết sang Âu châu vào năm Keichô. Người Anh cũng mở thương quán ở Hirado  Bắt đầu mậu dịch chính thức với Anh
1614 Trục xuất lãnh chúa đi đạo là Takayama Ukon và 148 người khác ra nước ngoài. Việc cấm đạo gay gắt hơn 
1616 Giới hạn thuyền buôn Âu châu chỉ được ghé 2 cảng Hirado và Nagasaki Bắt đầu gây khó khăn cho thương nhân Âu châu.

Nhà Thanh lên nắm chính quyền ở Trung Quốc. 

1622 Cuộc xử hình giáo đồ Ki-tô đại qui mô năm Gen.na
1623 Anh đóng cửa thương quán Hirado và triệt thoái khỏi Nhật Chấm dứt giao thiệp với Anh
1624 Mặc phủ cấm thuyền Tây Ban Nha ghé Nhật Chắm dứt giao thiệp với Tây Ban Nha
1629 Bắt đầu bắt giẫm chân lên ảnh Chuá và thập giá (ebumi - fumie) ở Nagasaki
1630 Cấm thư lệnh không cho nhập sách vở liên quan đến đạo Ki-tô
1631 Bắt đầu chế độ Hôshobune (Phụng thư thuyền) đòi các thuyền buôn phải có cả giấy phép của chức Rôjuu. Chế độ Hôshobune bắt đầu. Shuinsen chấm dứt
1633 Cấm tất cả các thuyền ra hải ngoại trừ các Hôshobune
1634 Hạn chế việc người Nhật thông thương và vãng lai với nước ngoài
1635 Hoàn toàn cấm người Nhật ra nước ngoài và từ đó trở về nếu đang sống ở đó
1636 Chuyển thương quán người Bồ về Dejima. Đuổi con cháu, kể cả con lai người Bồ khỏi nước.
1637 Loạn ở Shimabara (kéo đến 1638)
1639 Cấm thuyền Bồ Đào Nha cập bến Chấm dứt việc giao thiệp với Bồ Đào Nha
1640 Thiết lập chế độ đổi đạo (Shuumon kai.yaku). Bắt buộc ghi danh vào các chùa (chế độ Terauke)
1641 Chuyển thương quán người Hà Lan về Dejima Hà Lan là nước duy nhất thuộc Âu châu còn giữ quan hệ mậu dịch với Nhật Bản

Mậu dịch do thuyền châu ấn (shuinsen) đã mang về cho Nhật Bản những món hàng nhập khẩu như tơ sống, lụa là, đường, da hươu nai và da cá mập vv...vốn là sản phẩm của Á châu.Còn như sản phẩm đến từ Âu châu thì ít hơn nhưng có thể kể đến vài mặt hàng ví dụ la sa (raxa), một loại thảm nhung dệt từ lông dê hay cừu (thick close-woven wool cloth). Nhờ thuyền buôn đó, Nhật Bản cũng đã có thể xuất khẩu các kim loại như bạc, đồng, và sắt. Nên nhớ là lúc đó, số bạc mà Nhật Bản xuất khẩu chiếm đến 1/3 tổng số của quí kim ấy trên thế giới. Đó là một sự thực đáng làm cho chúng ta kinh ngạc.

Khi thuyền châu ấn đi nhiều ra nước ngoài rồi thì đến một lúc, khi con số thương nhân xuất ngoại tăng lên nhiều, đã đưa đến việc thành lập các Nihon-machi (phố người Nhật) ở các quốc gia họ trú ngụ. Ở Ayutaya (thủ đô vương triều Ayutaya, Xiêm La) chẳng hạn, cũng có Nihon-machi. Một người xuất thân từ thành Sunpu (Tuấn phủ), lưu lạc qua Xiêm La và đứng đầu cư dân ở Nihon-machi - Yamada Nagamasa (Sơn Điền Trường Chính, 1590-1630) - đã được triều đình Ayutaya trọng dụng. Ông làm đến chức Thái thú ở địa phương Rigol (Lục Côn).
 

Mậu dịch thuyền châu ấn trong vùng Đông Nam Á [31]

Thuyền châu ấn (triện son) kể từ thời Hideyoshi cho đến buổi đầu thời Tokugawa đã được triễn khai khắp vùng Đông Nam Á. Người ta cho rằng lúc ấy trong khu phố Nhật Dirao San Miguel ngoại ô Manila thuộc Phi Luật Tân, dân số lên đến 3.000 người và Ayutaya thuộc đất Xiêm La (Thái) cũng đã có khoảng 1.500 người Nhật trú ngụ. Mạng lưới hàng hải của thuyền châu ấn còn kéo ra đến tận Malacca (Mã Lai), Brunei (Borneo) và Batavia (Java) thuộc Indonesia bây giờ

Người Nhật lúc ấy xuất khẩu quí kim như bạc, đồng, đồ thủ công, nhập vào tơ sống (kiito), đồ lụa đồ dệt, các loại da và dược liệu.Da hươu dùng để bọc cán kiếm và may áo xống, có năm được mua về đến 30 vạn tấm. Đương thời, Nhật có tiếng sản xuất nhiều bạc.

Nói thêm về Nagamasa thì ông là người xuất thân ở Suruga, Shizuoka, là nơi có thành Sunpu của Ôgosho, nơi Ieyasu gián tiếp coi việc nước sau khi đã nhượng vị.Có lẽ cậu bé Nagamasa đã chứng kiến các người nước ngoài vào ra yết kiến Ieyasu nên động lòng viễn phương, muốn tìm đến những chân trời xa lạ. Như thế, vào năm 1610, qua ngõ Taiwan, Nagamasa đã đi xuống vùng Đông Nam Á và chọn đất Xiêm La làm nơi lập nghiệp. Hành trạng và bước thăng trầm của ông thế nào thì ta đã nói đến bên trên. Tương truyền năm 1626, ông có gửi về tiến cúng ở đền thần Sengen ở thành Sunpu cố hương một tấm phù hiệu chiến thuyền của mình (gunkan no ema). Cùng với sự suy vi của phố người Nhật 9 năm trước khi phát lệnh "toả quốc", Nagamasa cũng sa cơ. Ông bị quốc gia lân cận đánh thuốc độc chết năm 1630.


Di ảnh Yamada Nagamasa

Thời chiến tranh Thái Bình Dương, nhà nước quân phiệt Nhật Bản muốn làm sống lại hình ảnh của ông như một anh hùng và như biểu tượng thành công trong giao lưu quốc tế nhưng họ đã gặp phải phản ứng tiêu cực với tâm tình phức tạp của người dân địa phương.

Về phiá Việt Nam thì chúng ta đều biết mối liên lạc giữa Nhật Bản và Việt Nam qua các cuộc trao đổi quốc thư và quà tặng giữa Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) và Tokugawa Ieyasu khoảng giữa năm 1601. Các nhà sử học như Sở Cuồng Lê Dư và Kawamoto Kunie đã lần lượt báo cáo về các tư liệu này vốn tìm thấy trong Gaiban Tsuusho (Ngoại phiên thông thư, gồm các quốc thư qua lại từ 1599 đến 1764), do mạc thần Kondô Juuzô (Cận Đằng Trọng Tàng, 1771-1829) thu thập từ văn khố trong giai đoạn ông làm việc, nghĩa là 1808-1819) Người kế vị Chúa Tiên là chuá Sãi (Nguyển Phúc Nguyên) cũng tỏ ra có những quan hệ ngoại giao mềm dẻo với phía Nhật Bản. Việc thành lập khu phố người Nhật ở cảng Hội An là kết tinh của mối giao thương tốt đẹp đó. Hiện nay nơi đây vẫn còn dấu tích của cộng đồng người Nhật như Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều, tên cho chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719) và khu mộ địa của họ. Năm 1619, tương truyền Chúa Sãi đã gã con gái nuôi cho thương nhân người Nagasaki là Araki Sôtarô (Hoang Mộc Tông Thái Lang, ? - 1636) cũng như ban cho ông quốc tính, chứng tỏ sự tin cậy của nhà chúa đối với các thương nhân Nhật Bản. Theo lời yêu cầu của các chúa Đàng Trong, Mạc phủ Tokugawa tỏ ra nghiêm khắc trong việc giao thương với Đàng Ngoài (Phố Hiến, Kẻ Chợ), cho nên có thể nói, mậu dịch Nhật Bản thời đó với Việt Nam, chủ yếu là ở Đàng Trong (Nhật gọi là Quảng Nam Quốc).

Theo tài liệu của Li Tana trong "Lịch sử xứ Đàng Trong thế kỷ 17 và 18" (1992) thì trong giai đoạn 1601-1635, số châu ấn thuyền đến Đàng Trong là 86 chuyến, trong khi chỉ có 36 ra Đàng Ngoài và 5 vào Chiêm Thành. Mỗi thuyền đều chở theo một số bạc rất lớn. Thuyền châu ấn có vốn từ 400 quan (1 kan = 1000 tiền đồng) đến 1.620 quan. Họ thu mua tơ, lụa, vải thô, lụa đa mát, lô hội, gỗ trầm hương, da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, vàng, song mây...Hàng đem xuất của họ là đồng, lưu huỳnh, gươm giáo, áo giáp sơn.

Dần dần khi lúc mậu dịch với nước ngoài và thể chế mạc phiên đặt xong cơ sở vững vàng thì lại xảy ra việc cấm đoán người trong nước xuất ngoại và hạn chế cả hoạt động mậu dịch vốn đang phồn thịnh. Nguyên nhân thứ nhất của sự bế quan tỏa cảng này đến từ chính sách cấm đạo Ki-tô, nguyên nhân thứ hai là vì mạc phủ muốn độc chiếm mọi lợi ích đến từ mậu dịch. Mạc phủ chắc nghĩ rằng nếu như cứ cho phép thuyền châu ấn làm ăn mãi thì các lãnh chúa miền Tây (có cả những lãnh chúa đi đạo như Arima Harunobu) là những người thường điều động thuyền buôn, sẽ giàu to, và với thế lực kinh tế như thế, họ có thể uy hiếp cả mạc phủ.

Cho nên bấy giờ, mạc phủ mới thi hành chính sách cấm đạo theo từng giai đoạn một.

Trước tiên, vào năm 1616 (Genna 2), mạc phủ đưa ra sách lược mới là hạn chế số tàu bè các nước Âu châu được ghé hải cảng Hirado và Nagasaki Đến năm 1624 (Kan.ei nguyên niên) thì họ cấm hẳn tàu buôn Tây Ban Nha. Thế rồi lúc đó, người Anh vì không cạnh tranh nổi với Hà Lan, đã đóng cửa thương quán vào năm 1623 (Gen.na 9) và triệt thoái khỏi Nhật Bản. .

Mạc phủ cùng lúc cũng kiểm soát gắt gao hơn các thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài.Không những bắt buộc có shuinjô (châu ấn trạng) để trở thành shuinsen (châu ấn thuyền), các thuyền buôn phải được chức rôjuu (lão trung) cấp cho rôjuu hôsho (Lão trung phụng thư), một loại giấy phép thứ hai. Đó là chế độ hôshobune (phụng thư thuyền). Thế rồi năm 1635 (Kan.ei 12), có lệnh của mạc phủ không cho phép người Nhật Bản ra nước ngoài cư trú được phép trở về nước, lại giới hạn thuyền nhà Minh chỉ được cập bến một cảng là Nagasaki mà thôi.

Sau đó, khi cuộc nổi loạn ở Shimabara (1637-38) có giáo dân dính líu xảy ra thì - như đã có dịp trình bày bên trên - chính quyền đã mạnh tay đàn áp người đi đạo. Năm 1639 (Kan.ei 16), mạc phủ không cho thuyền Bồ Đào Nha vào Nhật nữa, sang năm 1641 (Kan.ei 18), họ lại bắt thương nhân Hà Lan bỏ Hirado và dọn thương quán qua Dejima (Xuất Đảo) ở Nagasaki. Đây là một hòn đảo nhỏ với một khu vực nhà kho có tường che, hình nan quạt, muốn vào phải đi qua hào, trên là cầu với trạm gác. Chức bugyô (phụng hành) như đại diện chính phủ ở Nagasaki được lệnh canh chừng nghiêm ngặt không cho người Nhật tự do giao thiệp với người ngoại quốc trên đảo. Đó là mô hình gốc (prototype) tượng trưng cho thể chế đối ngoại của chính quyền mạc phủ mà viên y sĩ người Đức Engelbert Kaempfer (1651-1716) đến Nhật năm 1690 đã viết trong tập hồi ký "Nhật Bản Chí" của ông. Sách ấy đã được viên thông ngôn ở Nagasaki là Shizuki Tadao (Chí Trúc Trung Hùng) dịch ra tiếng Nhật với nhan đề Sakoku (Tỏa Quốc) vào năm 1801 (Kyôwa nguyên niên). Như ta có thể hình dung, tên sách nói đến chính sách "hải cấm" (kaikin seisaku) hay khóa cửa biển của mạc phủ vậy.


Engelbert Kaempfer, tác giả Nhật Bản Chí

Chế độ Terauke (Tự thỉnh)[32]

Khi người ngoại quốc hỏi về tôn giáo của mình,, có lẽ một người Nhật Bản sẽ phải lúng túng, không biết trả lời sao cho ổn. Bởi vì họ vẫn xuất hành đầu năm (hatsumode) lên chùa hái lộc, vẫn kỹ niệm lễ Vu Lan (o-Bon), làm tang lễ theo lối Phật giáo nhưng lại có thể tổ chức đám cưới ở một nhà thờ Ki-tô giáo hay một đền thần đạo. Nói chung, ý thức tôn giáo của họ khá mù mờ.

Thế nhưng tại sao phần lớn dân Nhật tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo, một việc đã bắt đầu ít nhất cách đây từ hơn 3 thế kỷ ? Điều này có thể giải thích bằng Lệnh Terauke (Tự thỉnh, Nhờ chùa quản lý) của chính quyền Tokugawa . Thực ra, vào năm 1613, có lệnh cấm đạo Ki-tô, thì năm sau, nhà nước ra lệnh các giáo đồ bỏ đạo ở vùng Keihan (Kyôto và Ôsaka) phải đăng ký ở một ngôi chùa để nhận một văn thư gọi là Terauke shômon (Tự thỉnh chứng văn) nghĩa là giao người đó cho một ngôi chùa quản lý mọi hành vi. Đến năm 1635 thì lệnh này được thi hành triệt để, nhất là kể từ vụ nổi loạn ở Shimabara (1637-38), trong đó có sự tham gia của nhiều giáo dân. Mạc phủ thấy cần phải kiểm soát chặt chẽ tầng lớp nông dân nên trong khoảng năm 1624-44, tất cả người Nhật trước sau đều phải trở thành đàn việt của ngôi chùa bên cạnh nơi mình sinh sống (để khi chết sẽ làm tang ma và giữ hài cốt ở đấy). Liên hệ đó đã khiến nhà chùa đóng vai trò của một cơ quan cấp giấy tờ hộ tịch, bởi vì sau đó, những việc khác như hôn lễ, đổi địa chỉ cư trú, lữ hành... đều phải có chứng minh thư do nhà chùa cấp cho. Điều này làm cho nhà chùa tăng quyền lực và thường xuyên đòi hỏi sự đóng góp kim tiền từ các đàn việt. Nó cũng kích thích họ hăng hái khuyến giáo để mở rộng phạm vi ảnh hưởng tôn phái mình.

Qua chế độ terauke, trong mỗi xã thôn và hằng năm, mạc phủ sẽ có danh sách tên tuổi của những người theo những tôn phái nào. Sổ sách sẽ ghi tên tuổi, nam hay nữ, sinh quán và trú quán, ngôi chùa tống táng, nghi thức, pháp yếu phải tổ chức theo. Những thứ sổ sách như thế đến năm 1870 nghĩa là vào thời Meiji rồi mà vẫn còn bị bắt buộc phải có. Tuy ngày nay chế độ ấy không còn nữa nhưng "táng thức Phật giáo" nghĩa là việc chôn cất và trở thành "Phật tử lúc chết" dù không cần biết khi sống đã sống theo kiểu nào là một nét đặc trưng của xã hội Nhật Bản.

Như thế, từng bước một, mạc phủ đã siết vòng vây trong lãnh vực đối ngoại. Lệnh gọi là Sakokurei (Tỏa quốc lệnh) được ban hành vào năm 1639 (Kan.ei 16). Khi người Bồ không còn được buôn bán nữa thì trong số các nước Âu châu từng giao thương với Nhật Bản, chỉ còn mỗi Hà Lan. Đó là năm đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Sử liệu ghi rằng : "Kể từ đây về sau, sẽ không cho phép một galeuta nào cập bến". Galeuta là tên một loại thuyền cở nhỏ (khoảng 300 tấn) của người Bồ. Ngày trước, người Bồ có những chiếc thuyền lớn chạy đường biển gọi là galleon, trọng tải đến 1.000 tấn, được sử dụng trong việc mậu dịch với Nhật Bản. Thế nhưng họ thường bị tàu Hà Lan tập kích nên kể từ năm 1618 (Genna 4) đã sử dụng những chiếc thuyền nhỏ, nhẹ và nhanh gọi là galeuta. Do đó, khi nói đến galeuta thì ta có thể hiểu đây là thuyền buôn của người Bồ.

Kết quả là từ đó đến trên 200 năm sau, Nhật Bản chỉ giao thương với Hà Lan, Trung Quốc, Triều Tiên và Lưu Cầu mà thôi. Con đường du nhập văn hóa từ hải ngoại thành ra bị thu hẹp lại. Thế nhưng thu hẹp không có nghĩa là đoạn tuyệt với tất cả người ngoại quốc như danh từ "tỏa quốc" có thể gợi ra cho ta trong đầu. Chỉ xin hiểu là từ đó cho đến 150 năm sau, nhà nước Nhật Bản đã tỏ ra không tích cực trong quan hệ ngoại giao mà thôi. Một lý do khác có thể giải thích việc làm của mạc phủ là vì lúc ấy, kinh tế Nhật Bản hãy còn ở trong tình trạng "tự cấp tự túc", làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, giống như một chu trình kín, nên cho dù không giao thương với nước ngoài thì họ vẫn có thể sống còn.

6.2 Bốn cánh cửa nhìn ra bên ngoài:

Vì chính sách đối ngoại của Mạc phủ Edo là như thể nên địa điểm gặp gỡ của Nhật Bản và ngoại quốc trong nước Nhật chỉ còn thành phố Nagasaki, nơi tàu buôn Hà Lan và Trung Quốc của nhà Thanh (từ 1616) qua lại. Ngoài ra, có thể là quần đảo Lưu Cầu mà lãnh chúa phiên Satsuma là họ Shimazu lập được quan hệ, đảo Tsushima cửa ngõ tiếp người Triều Tiên đến thông sứ, cũng như Ezochi (đất của người Ezo, Hà Di địa) là nơi phiên Matsumae vẫn giao dịch. Bốn nơi ấy, xin tạm gọi là bốn "lỗ thông hơi" của Nhật đối với bên ngoài (yotsu no kuchi = tứ khẩu). Chữ này đã được dùng trong kiến nghị của nhà thám hiểm Kondô Juuzô (Cận Đằng Trọng Tàng, 1771-1829) [33] dâng lên mạc phủ vào năm 1797 (Kansei 9):
 

Bốn lỗ thông hơi
Triều Tiên của họ Lý (I):

- Hòa ước Kỷ Dậu (1609)

- Hòa quán (Nụy quán) ở Úy Sơn (Ulsan).

- Họ Sô (Tông) độc quyền mậu dịch với Triều Tiên

- Sứ tiết Triều Tiên đến Edo (sau này sẽ thành những Thông tín sứ).

Đất Hà Di (Ezochi):

- Họ Matsumae độc quyền giao dịch với người Ainu.

- Qua trung gian của các thương nhân Nhật Bản để đưa hàng về các địa phương.

Tsushima Matsumae

Mạc phủ Edo

Nagasaki Satsuma

Hà Lan ;

- Hà Lan thương quán trưởng đến Edo trình báo cáo cho Mạc phủ.

- Hà Lan buôn bán ở Nagasaki.

Trung Quốc:

- Mậu dịch tư nhân với Trung Quốc vì không thiết lập ngoại giao chính thức với Minh và Thanh. (xóm người Hoa: Tôjin yashiki)

Vương quốc Lưu Cầu (họ Thướng):

- Buôn bán với Lưu Cầu qua trung gian lãnh chúa Satsuma là họ Shimazu (độc quyền sản vật như đường mía).

- Buôn bán với Trung Quốc.

- Gửi các Tạ ân sứ, Khánh hạ sứ đến mạc phủ.

Cửa ngõ thứ nhất: Tsushima:

Trước tiên, Shôgun Tokugawa Ieyasu muốn hồi phục sự giao thương với bán đảo Triều Tiên vốn đã bị thương tổn và trở nên phức tạp từ hai lần xuất binh xâm lấn của Hideyoshi. Năm 1609 (Keichô 14), hai bên đã ký Hòa ước Kỉ Dậu (Kiyuu yakujô = Kỉ Dậu ước điều). Về sau, phía Triều Tiên cho phép Nhật Bản mở Nụy quán (Wakan) ở Pusan (Busan, Phủ Sơn), còn Nhật Bản cũng để họ Sô (Tông) kẻ có thực lực trên đảo Tsushima (Đối Mã, nằm giữa hai nước) được một mình một chợ buôn bán với người Triều Tiên và chủ trì mọi quan hệ Nhật Triều.Họ Sô nhờ sinh lợi với những hoạt động mậu dịch này đã có thể ban ơn huệ cho gia thần của mình và tạo được mối quan hệ chủ tớ với họ. Triều Tiên với danh nghĩa mừng các Shôgun mới nhậm chức cũng đã gửi phái đoàn sang chào mừng (gọi là Keigashi hay Khánh hạ sứ) cả thảy 12 lần. Kể từ lần thứ 4 trở đi thì sứ thần được gọi là Tsuushinshi (Thông tín sứ). Thông tín ở đây không có nghĩa là thông báo tin tức mà là thông cảm, tin cậy.

Cửa ngõ thứ hai: Satsuma:

Nói về sự tình ở vùng biển nam thì năm 1609 (Keichô 14), vương quốc Lưu Cầu đã bị lãnh chúa Satsuma là Shimadzu Iehisa (Tân Đảo, Gia Cửu, 1576-1638) chinh phục và đặt nó dưới sự cai trị của phiên mình. Satsuma tiến hành chính sách đo đạc đất đai (kenchi), thu hồi binh khí (katanagari) và tách rời binh nông (heinô bunri) trên quần đảo. Như thế họ cũng chi phối các vùng nông thôn. Satsuma đã tổ chức giao thương giữa phiên và Lưu Cầu (bây giờ gọi theo âm Nhật là Ryuukyuu).

Satsuma dành cho vua nước Lưu Cầu cũ (họ Thướng) một đất phong có giá trị 8 vạn 9.000 thạch thóc và ngoài mặt vẫn giữ cho họ cái vỏ một ông vua, khiến họ tiếp tục triều cống Trung Quốc. Những hàng mua được từ Trung Quốc trong những chuỳến đi ấy dĩ nhiên sẽ đưa về Satsuma. Vua nước Lưu Cầu mỗi lần lên ngôi, để cảm ơn Nhật Bản đã giữ mình tại vị, thường gửi những đoàn sứ thần gọi là Shaonshi (Tạ ân sứ) sang mạc phủ. Lại nữa, mỗi lần Shôgun mới nhậm chức, quốc vương cũng cho sứ thần sang chào mừng, gọi là Keigashi (Khánh hạ sứ).

Cửa ngõ thứ 3: Matsumae:

Xưa kia, ở Ezogashima (đảo của người Ezo) - tên cũ của Hokkaidô (Bắc hải đạo) - có vùng người Wa (Nhật Bản cổ) đến lập nghiệp gọi là Dônanbu (Đạo nam bộ) vì nằm ở phiá nam đảo. Trong bọn, họ Kakizaki (Lệ Kỳ, mũi đất con hàu) là dòng họ có thế lực hơn cả.Sau họ Kakizaki đổi tên thành Matsumae (Tùng Tiền, trước cây tùng). Ieyasu từng bảo đảm cho dòng họ này được độc quyền buôn bán với người Ainu và cho họ được xem như là một phiên trấn. Nơi mà các thương nhân người Nhật buôn bán với người Ainu - vốn sống rải rác khắp vùng Ezochi bao la - được gọi là akinaiba (thương trường) hoặc basho (trường sở) nếu không phải là trong vùng chính người Wa cư trú. Ezochi khác với vùng từ Honshuu trở xuống phía nam ở chỗ là nó có rất ít đất canh tác. Do đó họ Matsumae không thể tạo được mối quan hệ chủ tớ với các gia thần bằng cách cấp đất đai làm vật ân thưởng. Họ phải dùng các trung tâm giao dịch (akinaiba, basho nói trên) làm món thế chân. Thay vì đất phong, gia thần được lãnh quyền kiểm soát quyền giao dịch. Chế độ ấy gọi là aikinaiba.chigyô.sei (thương trường tri hành chế).

Vào năm 1669 (Kanbun 9), sau cái chết của tù trưởng người Ainu là Shakushain [34] và việc người Wa của phiên Matsumae muốn chiếm đóng căn cứ của họ, giữa người Wa và Ainu đã xảy ra một cuộc giao tranh. Matsumae với sự trợ giúp của phiên Tsugaru (bắc Honshuu) đã trấn áp được người Ainu. Cuộc chiến đấu của Shakushain này được xem như cơ hội vùng lên cuối cùng của người Ainu. Từ đó, xem như họ không còn có sức đề kháng nữa, đành phải hoàn toàn phục tùng phiên Matsumae. Về sau, vào giữa thế kỷ 18, mỗi khi có sự thay đổi chủ quyền kiểm soát các khu vực giao dịch (akinaiba, basho) thì việc buôn bán ở nhiều nơi lại lọt vào tay các thương nhân người Wa. Những người này lên Ezochi mỗi ngày mỗi đông. Vì bảo chứng cho các thương nhân người Wa quyền buôn bán, gia thần các phiên có thêm huê lợi. Thế rồi cung cách làm ăn như vậy đã dần dần bắt rễ. Nó được gọi là basho.ukeoi.seido (chế độ bảo đảm quyền buôn bán ở các khu vực giao dịch).

Cửa ngõ thứ tư: Nagasaki:

Được xem như là hải cảng dành riêng cho việc mậu dịch, có lẽ chỉ có thành phố Nagasaki.Trên đảo Dejima thuộc Nagasaki đã có thương quán của người Hà Lan. Đối với mạc phủ, Nagasaki là cửa ngỏ duy nhất để tiếp thu văn vật (văn hoá và phẩm vật) đến từ Âu châu. Mỗi lần thuyền nước họ tới nơi thì thương quán trưởng người Hà Lan phải đệ trình cho chính quyền Nhật Bản tư liệu gọi là Oranda fuusetsugaki (Hà Lan phong thuyết thư). Fuusetsu nguyên lai có nghĩa là lời đồn đại (rumor) nhưng xin hãy hiểu là "tin tức cập nhật nhất" đến từ hải ngoại.

Mặt khác, bên Trung Quốc, khi nhà Thanh (1616-1912) lên thay nhà Minh thì Minh thuyền đến Nagasaki được gọi là Thanh thuyền vì Thanh là quốc hiệu mới của chính quyền tộc Mãn châu. Kim ngạch mậu dịch của thuyền nhà Thanh mỗi năm mỗi tăng. Từ Hà Lan đến Nhật, có các mặt hàng như tơ sống của Trung Quốc, đồ lụa, đồ len, đồ gấm nghĩa là các loại đồ dệt, thuốc men, đường, sách vở... được nhập khẩu. Từ Âu châu đến thì có đồ vải, đồ len, đường sản xuất từ vùng biển nam, gỗ thơm, hương liệu, da và sừng thú. Nhật lại xuất khẩu các mặt hàng như bạc, đồng, hải sản (phơi khô hay nấu chín, gọi chung là tawaramono vì gói trong rơm bện tức tawara) khô cá (iriko), vây cá (fukahire), thịt sò hình quạt khô (hoshi no kaibashira, dried scallops) mà giới đầu bếp Trung Quốc rất yêu chuộng.

Đến đây, Nhật Bản thấy cần phải hạn chế sự tăng gia quá mức của hàng nhập khẩu nên kể từ năm 1685 (Jôkyô 2), mạc phủ đã ra lệnh giới hạn kim ngạch nhập khẩu của các thuyền Hà Lan và thuyền nhà Thanh, khôi phục chế độ itowappu (việc cho phép tổ hợp tơ sợi Nhật Bản có quyền mua sỉ tơ sống theo một giá ấn định rồi chia cho các thành viên) vốn đã để cho tự do từ nhiều năm. Đồng thời, mạc phủ cũng qui định kim ngạch mậu dịch của thuyền Hà Lan trong vòng một năm không được vượt quá 3.000 kan (quán hay quan, đơn vị tiền tệ xâu bằng giây, 1 quan là 1.000 mon = văn hay tiền), thuyền nhà Thanh thì được đến 6.000 kan. Tư liệu về năm 1688 (Genroku nguyên niên) cho biết năm đó có 70 chiếc thuyền nhà Thanh đến Nhật. Người Trung Quốc ở Nagasaki trước kia sống tạp cư với người Nhật nay phải dọn về một khu riêng có tên là Tôjin yashiki (Đường nhân ốc phu) có nghĩa là khu nhà ở của người Trung Quốc (Tôjin có khi còn được đọc là karabito, bao hàm cả người nước ngoài mọi quốc tịch).
 

Thương nhân Trung Quốc ở Nagasaki [35]

Khi bị bắt buộc chuyển từ Hirado về Nagasaki, người Hà-Lan được lập thương quán ở đảo Dejima (1864) trong một khu vực biệt lập nhưng, người Trung Quốc (Đường nhân) đã có đặc quyền ghé Nagasaki từ năm 1635 lại được phép tự do ở lẫn lộn với người bản xứ. Năm 1685, khi mạc phủ ra lệnh hạn chế số hàng mậu dịch với đạo luật Jôdakashihô (Định cao sĩ pháp) thì người Trung Quốc chuyển sang "mậu dịch chui" (nukeni = hàng vượt qui định) làm cho chính quyền mạc phủ bắt đầu để ý và kiểm soát họ. Đó là lý do mà Tôjin yashiki (Khu vực cư trú dành cho người Trung Quốc) ra đời vào năm 1689 để qui tụ họ vào một chỗ.

Tổng diện tích khu vực là 30.000 m2 với 10 dãy nhà, phân chia thành nhiều phòng ở, có cả nơi thờ phượng như miếu Quan Âm, đền Thiên Hậu và đặc biệt là nằm cạnh bến cảng. Khu này có tường rào, bên phía Nhật chỉ có gái làng chơi, người cung cấp chén bát, củi lửa, lương thực... mới được vào. Tính ra nhân số trong khu vực này vào năm 1.869 (Meiji 2) có khoảng 4.888 người.

Có lẽ vì bị canh phòng qua nghiêm ngặt, cư dân trong đó nhiều khi nổi cáu, phóng hoả hoặc hành hung người bản xứ. Mạc phủ nhân đó mới tạm nới lỏng kiểm soát, có khi lại cho một số ra ngoài phố lập nghiệp. Năm 1869, khu này bị hỏa tai nên sau đó, kể từ thời Meiji, mọi người trong đó đã được dời ra Chuukagai hay Chinatown mới thành lập.

Chính ra người Trung Quốc đã đến buôn bán và sinh sống ở Nagasaki trước thời "tỏa quốc". Ngày nay, họ còn để lại nhiều ảnh hưởng văn hoá như văn hoá ẩm thực, ca vũ, du hí ở địa phương. Do đó, ở Nhật, Nagasaki cùng với Kobe và Yokohama được xem như là những thành phố có màu sắc quốc tế hơn cả.

***
[1]- Chùm đảo nằm trên Đại Tây Dương gần quần đào Caribbean, bao gồm cả các đảo Antilles và Bahamas.

[2]- Nguồn: Utagawa Takehisa trong Teppô denrai (Chuô kôron) và Okumura Shôji trong Hinawaju u kara kurobune made (Iwanami shinsho).

[3]- Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 136)

[4]- Thủy công đánh thành thường có 2 cách: chận đường nước cho địch chết khát hoặc chắn đập ngăn sông điều nước vào thành cho địch khổ vì lụt.

[5]- Nguồn: Oda Nobunaga của Fujimoto Hisashi (Shôgakkan) và Wakita Shuu (Chuô Shinsho)

[6]- Lý do Mitsuhide nổi loạn và giết Nobunaga đến nay vẫn không ai rõ. Có người cho rằng Mitsuhide muốn có một đường lối chính trị khác, có người (như Danielle Elisseff ) chủ trương là do tư thù .Theo bà, Mitsuhide hay bị chủ sĩ nhục và mẹ ông, một con tin, đã chết dưới bàn tay của Nobunaga)

[7]- Nguồn: Mori Tatsukichi trong Ren.nyo (Kôdansha Gendai shin sho)

[8]- Đào sơn nghĩa là núi nhiều đào (peach). Nguyên do khu vực đồi núi quanh thành Fushimi có nhiều đào nên mới có dị danh như vậy. Văn hoá Momoyama ám chỉ văn hóa của thời kỳ Hideyoshi làm chủ nước Nhật. Đặc tính của nó là hoành tráng, lộng lẫy (của một anh nhà nghèo mới nổi, đó là Hideyoshi, người vốn xuất thân nông dân võ biền).

[9]- Trong tiếng Hán, cáp còn có thể đọc là hạp với nghĩa là cánh cửa nhưng cũng đồng nghĩa với chữ các là gác. Nói chung nó ám chỉ nơi cư ngụ của một nhân vật đóng vai trò quan trọng.

[10]- "Độ lượng" đọc theo âm Hán Việt là "đo lường", còn "hành" cũng là đo nhưng đo sức nặng.

[11]- Toyotomi Hidetsugu là cháu gọi Hideyoshi bằng cậu ruột. Trước được cậu sủng ái, giao cho nhiều trách vụ quan trọng như Kanpaku (Quan bạch) và dự định chọn làm kẻ nối nghiệp. Khi Hideyori là con ruột ra đời, Hideyoshi lại đổi ý . Từ đó, có ý nghi ngờ và ghét bỏ.Chẳng bao lâu, Hidetsugu bị cậu mình kết tội mưu phản, bắt tự sát trên núi Kôyasan. Toàn gia hơn 30 người đều bị tru diệt.

[12]- Tướng I Sun Sin đã tử trận trong trận hải chiến quyết định cuối cùng mà quân Triều Tiên dành được thắng lợi.

[13]- Nguồn: Suzuki Ryôichi trong Toyotomi Hideyoshi (Iwanami Shinsho) Wakita Ôsamu trong Ôsakajô jidai to Hideyoshi (Shôgakukan).

[14]- Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 141 đến 144)

[15]- Nguồn: Kuwata Tadachika trong Sen no Rikyu u (Chuô Kôron) và Kumakura Hisao trong Cha no Yu (Kyôikusha Rekishi Shinsho)

[16]- Nitobe Inazo, Bushidô (Võ Sĩ Đạo, linh hồn củaq Nhật Bản), Lê Ngọc Thảo dịch, Quảng Văn, 2011.

[17]- Nguồn: Kitashima Masamoto trong Tokugawa Ieyasu (Chuô shinsho) và Futagi Ken.ichi trong Sekigahara gassen (Chuô shinsho) trang 173-174)

[18]- Nguồn: Kitahara Masamoto trong Tokugawa Ieyasu và Tsuji Tatsuya trong Edo kaifu (cả hai đều do Chuô Kôron xuất bản)

[19]- Ieyasu đã từng cắn răng chấp nhận lệnh của Nobunaga bắt một người vợ của mình ( gốc gác thân tộc nhà Imagawa, kẻ thù của Nobunaga) và con trai riêng của bà phải chết. Tất cả chỉ vì ông nghĩ thời cơ chưa đến.

[20]- Dù không hề thua kém Hideyoshi về mặt quân sự, ông chịu giảng hòa, nhún nhường đến độ đi từ lãnh địa đến Ôsaka chầu Hideyoshi và thường là đối tượng của những cuộc mưu sát tổ chức bởi những bề tôi thân tín của ông này.

[21]- Kobayakawa Hideaki (Tiểu Tảo Xuyên, Tú Thu, 1582-1602), cháu gọi vợ cả của Hideyoshi tức bà Kita Mandokoro là cô ruột, và từng là con nuôi của ông. Tổng chỉ huy cuộc chinh phạt Triều Tiên năm Keichô.

[22]- Oản hành = ategai có nghĩa là cấp phát, trao tay.

[23]- Yoshinao (Nghĩa Trực), con trai thứ 9 của Ieyasu là tổ của chi Owari (vùng Nayoga bây giờ), 61 vạn 9500 thạch thóc. Yorinobu (Lại Tuyên), con trai thứ 10, tổ chi Kii (Wakayama), 55 vạn 5000 thạch. Yorifusa (Lại Phòng), con trai thứ 11, tổ chi Mito (Hitachi), 35 vạn thạch.

[24]- Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 146) và Yamamoto Hirobumi trong Sankinkôtai (Kôdansha Gendaishô), Okano Yoshihiko trong Nihon shakai no rekishi (Iwanami Shinsho), Fukaya Katsumi trong Edo Jidai (Iwanami Junior Shinsho), Takao Kazuhiko trong Kindai no Nihon (Kôdansha Gendai shinsho).

[25]- Nguồn: Imaya Akira trong Buke to Tennô (Iwanami Shinsho) và Tokugawa Shô gun to Tennô (Chuô Kô ron Shinsha) (trang 179-180)

[26] Ngày xưa, những người nông dân lưu lạc, không hộ tịch được gọi là "phù lãng nhân" hay "phù nhân" (ukarebito) để phân biệt với điền đố (tato) là kẻ có cơ sở ruộng đất nên ở một chỗ. Sau đó, nó trở thành "lãng nhân" (rônin) và với sự xuất hiện của xã hội quân nhân thì nó mới mang một ý nghĩa khác. Rônin còn có thể viết là lao nhân (người đi tù, bị giam).

[27]- Nguồn: Nakazawa Nobuhiro trong Nihon no bunka (Natsume-sha, trang 214-215)

[28]- Nguồn: Andrew Gordon, A Modern History of Japan, dẫn Sekiyama Naotarô (1969)

[29]- Nguồn: Takagi Tadashi trong Mikudarihan to Engiridera (Kôdansha gendai bunko) (trang 252-254).

[30]- Nakama (trọng gian) vào thời cận đại có nghĩa là những người làm cùng nghề, họp nhau thành hiệp hội dể chống độc quyền, bây giờ trở thành tiếng gọi những người cùng làm một việc gì chung hoặc có cùng chí hướng.

[31]- Nguồn: Phạm Hoàng Quân trong Chúa Nguyễn và công cuộc hải thương với Nhật Bản (Quốc Sử Hàn Lâm Viện trên Internet) , Luc Thuan trong Japan early trade coin and the commercial trade between Vietnam and Japan in the 17th century (Internet) và Okura Sadao trong Shuinsen jidai no Nihonjin (Chuô shinsho) (trang 185-186).

[32]- Nguồn Nihon no rekishi II (trang 181-182)

[33]- Kondô Juuzô (Cận Đằng, Trọng Tàng, 1771-1829) là nhà thám hiểm Nhật Bản cuối đời Edo. Trước từng giúp việc cho chức bugyô nghĩa là quan cai trị ở Nagasaki (1795), nơi có nhiều người nước ngoài. Từ 1798, bắt đầu thám hiểm vùng Ezochi, đảo Chishima và để lại nhiều sách về địa chí và dân tộc chí về các vùng đất, các sắc dân thiểu số trên miền bắc.

[34]- Shakushain ( ? - 1669) là tù trưởng ngườiAinu vùng Shibichaly thuộc Hidaka (phía nam Hokkaidô) vào đầu thời Edo. Năm 1669 (Kanbun 9) vì chống đối các hành động lấn lướt để giữ độc quyền mậu dịch của phiên Matsumae nên ông đã kêu gọi người Ainu tấn công vào các đoàn thuyền buôn trên khắp khu vực Ezochi. Giữa lúc sửa soạn tấn công Matsumae thì bị đánh thuốc độc chết.

[35]- Nguồn: Toyama Mikio trong Nagasaki bugyô - Edo baku no mimi to me (Chuô kôron) trang 189-190).