Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN III : MỞ CỬA VÀ DUY TÂN - THỜI ĐẠI MEIJI 

Chương III : Quốc gia lập hiến thành lập. Chiến tranh Nhật Thanh
Tiết 1: Cuộc vận động tự do dân quyền bắt đầu và triển khai.
1.1 Yêu cầu thành lập quốc hội dân cử:

Mấy chữ "cuộc vận động cho tự do dân quyền" không dễ gì giải thích được bằng một danh từ bởi vì nó là một tổng thể có nội dung phức tạp. Ngoài ra, đó là một hiện tượng đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài.

Cuộc vận động này bắt đầu vào năm 1874 (Meji 7) nhân khi có một bản thỉnh nguyện của dân chúng yêu cầu thiết lập một nghị viện dân cử.Đến năm 1889 (Meiji 22) thì bản Hiến pháp của đế quốc Đại Nhật Bản được công bố, qua năm sau, khi quốc hội được thành lập thì cuộc vận động mới coi như chấm dứt.Điều đó có nghĩa là nó kéo dài một cách gián đoạn trong khoảng 16 năm (1874-1890). Thời gian đó, giai tầng đứng ra đảm nhiệm cuộc vận động đó cũng không phải chỉ có một. Mục đích mà cuộc vận động đề ra để thực hiện cũng biến thiên theo thời gian. Việc trình bày nó được coi là phức tạp chính là vì vậy.

Dù sao ta vẫn thấy rõ ràng là có một chuỗi hành động có tính nhất trí dù rời rạc và không thu vén. Đòi hỏi của những người tham gia cuộc vận động tự do dân quyền chủ yếu có hai: thành lập nghị hội và định ra một bản hiến pháp. Như thế, ta có thể xem cuộc vận động này là cuộc vận động quốc dân để tranh đấu, đòi hỏi chính phủ thi hành chính trị lập hiến". Nói như vậy nhưng không phải là muốn làm ngơ những mục tiêu khác của phong trào như việc đòi giảm mức địa tô và thương thảo về những điều ước bất bình đẳng ký với nước ngoài.

Ở những trang sau đây, chúng ta hãy thử bàn về phong trào đòi hỏi tự do dân quyền ngắt rồi lại nối trong khoảng thời gian mười mấy năm ấy.

Như đã nói thoáng qua bên trên, phong trào đã phát xuất từ một bản kiến nghị (kenpasho = kiến bạch thư, petition). Theo Từ điển Kôjien (Quảng Từ Uyển) của nhà xuất bản Iwanami thì "kiến bạch thư" là văn bản mà người dân trình bày với chính phủ hay thượng cấp về ý kiến của mình. Những người đã ký tên vào kiến nghị (kenpakusho) đó là Itagaki Taisuke, Gotô Shôjirô, Soejima Taneomi, Etô Shinpei, tất cả là 8 có chân trong Aikoku Kôtô (Ái quốc công đảng). Họ đã gửi kiến nghị ấy cho chính phủ (đúng ra là Tả viện, bộ phận lập pháp của Thái chính quan, cơ sở lãnh đạo nhà nước) để xét với lời khuyên: "Xin lắng nghe tiếng nói của người dân trong bối cảnh một nghị hội (quốc hội), nơi đại biểu của toàn dân hội họp".

Chính phủ lâm vào thế kẹt vì họ chưa chuẩn bị đầy đủ để đem chế độ dân chủ này vào trong guồng máy nhà nước. Thế nhưng đó là tinh thần của nội dung thỉnh nguyện thư.

Duy có một điều là việc phổ thông đầu phiếu có toàn dân tham gia để bầu ra các nghị sĩ như lối hiểu của chúng ta bây giờ lúc đó hãy chưa có. Ngay nhóm các ông Itagaki - những người tranh đấu cho tự do dân quyền và nghị hội, vẫn chỉ có cấu tưởng về một quốc hội với những người đại diện của dân từ giới sĩ tộc. Nếu nới rộng phạm vi ra một chút thì có thể cho thêm vào đó giới phú nông (gônô =hào nông). Những người này được xem như là những nhà nông vừa có của vừa có tri thức. Các nhà vận động buổi đầu không hề nghĩ đến việc giới bình dân có thể có quyền tham chính.

Chúng ta còn nhớ thời tân chính phủ vừa thành lập, chính trị đã được vận hành với hình thức công nghị (kôgi seiji =công nghị chính trị) có sự góp mặt của đại diện đến từ các phiên. Lúc đó Nghị chính quan (Giseikan, xin hiểu là cơ quan lập pháp chứ không phải một chức vụ), có thượng cục (jôkyoku) thuộc nội bộ Nghị chính quan và hạ cục (kakyoku) thấp hơn và đứng vòng ngoài. Trong hạ cục có những cống sĩ (kôshi) tức là đại biểu được tuyển chọn từ các phiên đến. Quan liêu trong hai cục thượng hạ họp bàn với nhau để cùng lo việc nước.

Thực ra, kể từ khoảng năm 1872 (Meiji 5), chính phủ đã có ý định cùng với hình thức tổ chức chính quyền như thế, họ sẽ tuyển lựa đại biểu từ các tỉnh để thành lập một quốc hội.Thế nhưng kế hoạch đó đã không tiến thêm một bước nào vì qua năm sau, nội bộ của chính phủ đã bị phân liệt vì ảnh hưởng của cuộc tranh cãi Chinh Hàn.

Trong số những người đem bức thư thỉnh nguyện gửi cho Sain (cơ quan lập pháp thời đó) [1] có một nhân vật đã từng thua cuộc vì đứng về phía hô hào Chinh Hàn luận và đã một lần về vườn. Đó là Itagaki Taisuke. Etô Shinpei, người nổi loạn ở phiên Saga cũng có ký trong đó nhưng không thấy tên tuổi của Saigô Takamori.

Lý do là tuy nhóm Itagaki có mời Saigô nhưng ông này đã trả lời: "Việc thành lập quốc hội là dĩ nhiên. Ta hoàn toàn đồng ý với các ông. Thế nhưng chỉ họp nhau bàn cãi suông thì không thể thay đổi tình thế. Ta thấy cần phải thay đổi chính phủ cái đã rồi sau mới tính việc lập quốc hội.". Saigô như thế đã từ chối ký tên vào bản thỉnh nguyện. Không hiểu chủ tâm của Saigô là thế nào nhưng phải chăng ông nghĩ rằng chỉ hô hào dân quyền để phê bình chính phủ bằng lời nói thì khó lòng thành lập được nhà nước lập hiến. Sở dĩ ông có thái độ coi thường cuộc vận động của nhóm Itagaki có thể vì nghĩ rằng mình có thể dùng võ lực để gây sức ép với chính phủ.

Thế nhưng đâu là lý do đã khiến các ông tham nghị về vườn kia đứng ra cầm dầu phong trào tự do dân quyền và đòi thành lập nghị hội?

Để hiểu điều đó, cần đọc nội dung của bản thỉnh nguyện thư. Vì văn bản quá dài, chỉ có thể tóm tắt trong một số ý như sau:" Chúng tôi muốn tìm hiểu những ai là người trong chính phủ đang nắm chính quyền. ĐÁm người có quyền hiện nay không phải là gia đình thiên hoàng, cũng không phải là quốc dân. Bọn họ chỉ là giới quan lại (yuushi = hữu tư, hữu ty) nhưng đã độc chiếm quyền cai trị. Chính trị của họ lại quá tệ. Chính sách lại thay đổi như chong chóng. Thưởng phạt chẳng công bình chút nào. Những quyết định của họ chẳng qua chỉ theo tư tình và bè phái giữa người trong các phiên với nhau. Tự do ngôn luận đã bị bóp chẹt, muốn phát biểu ý kiến cũng không biết làm sao! Chúng tôi là những kẻ yêu nước. Nay muốn cứu nước nhà khỏi cái tai ách này thì phải tổ chức một hệ thống chính trị biết tôn trọng công luận. Cách duy nhất để thực hiện điều đó là thành lập một quốc hội. Có như thế mới ngăn được sự lộng quyền của giới quan lại, đưa quốc dân đến một cuộc sống hạnh phúc, yên ổn. Vậy yêu cầu thành lập ngay quốc hội".

Thỉnh nguyện thư này hãy còn được bảo tồn và là một sử liệu quí, đáng tham khảo.

Hai chữ yuushi thấy trong văn bản ám chí các viên quan cao cấp trong chính phủ cỡ bậc sangi (tham nghị = councilor). Lúc đầu những người được bổ vào chức này hầu hết là những nhân vật xuất thân từ 4 phiên Sát-Trường-Thổ-Phì (Satsuma - Chôshuu - Tosa - Hizen, gọi tóm tắt là Satchôdohi).Thế nhưng vì có cuộc tranh cãi xem có nên xâm chiếm Triều Tiên mà nhiều người thuộc phiên Tosa và Hizen đã rút ra khỏi chính phủ. Khi thỉnh nguyện thư được đệ lên thì phía chính phủ toàn do người của Satsuma và Chôshuu độc chiếm những địa vị cao. Nhân vật quan trọng nhất là Ôkubo Toshimichi cũng là người phiên Satsuma. Như vậy, Itagaki khi viết thỉnh nguyện thư này, có chủ ý phê phán chính quyền Ôkubo chứ không ai khác. Những viên tham nghị trước thất bại trong cuộc Chinh Hàn luận nay muốn phục thù trên mặt trận dân quyền. Nếu mói việc suôn sẻ theo ý họ thì quốc hội sẽ được thành lập và họ có cơ may trở lại tham chính, nếu không nói là đoạt lại chính quyền.

Có điều thỉnh nguyện thư của Itagaki không được chính phủ nghe theo. Có đời nào họ nhường quyền chính trị cho những kẻ thua rồi mà vẫn còn cay cú như nhóm tham nghị về vườn.

Thế nhưng thỉnh nguyện thư kia trở thành đầu mối cho cuộc vận động dân quyền không phải vào cái ngày nó được đệ đạt lên chính phủ. Mọi người chỉ biết về nó vài hôm sau khi toàn văn được công bố trên nhật báo. Tờ báo đăng tải văn bản ấy là tờ Nisshin shinjishi (Nhật tân chân sự chí), một tờ báo Nhật mà chủ nhân là người Anh tên Black. Sau khi được công bố, nó đã gây ra được một tiếng vang rất lớn. Nhân vì nó tán thành việc nhóm Itagaki trở thành nghị viên quốc hội và tham gia chính trị nên đặc biệt đã làm cho giới sĩ tộc rất hài lòng.


Etô Shinpei (1834-1874)

Chẳng bao lâu sau, Etô Shinpei đi theo quân nổi dậy ở Saga và bị bêu đầu. Itagaki Taisuke thì lui về cố hương ở Kochi (Tosa) và cùng năm đó, thành lập tổ chức mang tên Risshisha (Lập chí xã). Nhóm Risshisha, ngoài việc vận động thành lập một quốc hội, còn có mục đích khác là phổ biến rộng rãi tư tưởng tự do dân quyền trong dân chúng. Dần dần nhóm đã đào tạo được một số người trẻ cho thế hệ tương lai. Thế nhưng trong số 205 thành viên của nó, cũng thấy toàn là tầng lớp sĩ tộc cho nên người ta tự hỏi phải châng nó được lập ra chỉ để phục vụ cho quyền lợi của sĩ tộc? Trên thực tế, Risshishi đã tập trung hoạt động của mình vào việc cứu giúp giới sĩ tộc đang gặp cảnh mất việc và có khó khăn về kinh tế. Có thể nói lúc đầu nó là nơi dung thân của nhóm sĩ tộc bất mãn vùng Tosa mà thôi. Tuy nhiên, chủ tịch của Risshisha không phải Itagaki Taisuke mà là một ngưòi có tên là Kataoka Kenkichi (Phiến Cương, Kiện Cát).

Những tổ chức thành lập để hoạt động trong lãnh vực chính trị như Risshisha có tên là những seisha (chính xã hay tổ chức chính trị). Sau khi Rishisha ra đời, các chính xã lần lượt xuất hiện trên toàn quốc và trở thành điểm tựa cho cuộc vận động dân quyền..

1.2 Hội đàm Ôsaka:

Sau vụ tranh cãi có nên xâm lấn Triều Tiên hay không, chính quyền do Ôkubo Toshimichi lãnh đạo đã rơi vào tình trạng bấp bênh. Ta đã thấy Itagaki trong thỉnh nguyện thư kịch liệt phê phán chính phủ như thế nào. Qua đó, ông đã kích thích nhóm sĩ tộc bất mãn và đưa đến những cuộc nổi loạn của sĩ tộc, điển hình là cuộc loạn ở Saga với Etô Shinpei cũng như cuộc nổi loạn ở Kagoshima với Saigô và nhóm đệ tử ở Tư học hiệu những mong dựng nên một quốc gia độc lập.

Nông dân cũng chống đối chế độ trưng binh, gây nên những vụ nổi loạn gọi là "thuế máu" (ketsuzei ikki) khắp nơi. Riêng viên tham nghị Kido Takayoshi vì ngăn cuộc xuất quân đánh Đài Loan cũng bị cho về vườn ở quê nhà, tỉnh Yamaguchi (cựu phiên Chôshuu).

Có thể nói lúc này Ôkubo Toshimichi bị dí vào đường cùng với bao nhiêu vấn đề đến cùng một lúc. Để có thể xoay chuyển lại thời thế và tái kiến chính phủ, ông bèn ra lệnh cho hai bộ hạ đáng tin cậy là Itô Hirobumi (Y Đằng, Bác Văn, 1841-1909) và Inoue Kaoru (Tỉnh Thượng, Hinh, 1835-1915) cố gắng kêu gọi Kido Takayoshi và Itagaki Taisuke trở lại chính phủ.

Hai ông Itô và Inoue bèn tìm mọi phương cách để dàn xếp và cuối cùng, vào năm 1875 (Meiji 8), họ đã tổ chức được vài cuộc họp tay ba ở Ôsaka giữa Ôkubo, Itagaki và Kido. Đó là hội đàm Ôsaka.

Kết quả của các cuộc hội đàm này là cả 3 đồng ý rằng phải từ bỏ chế độ quan liêu chuyên chế của yuushi (hữu tư, hữu ty) hiện tại để tiến dần đến một chế độ chính trị mới gọi là chính trị nghị hội lấy hiến pháp làm cơ sở. Kido và Itagaki nhân đó nhận chức tham nghị và trở lại chính quyền. Thế rồi, trước mặt quốc dân, sự đồng thuận đó được cụ thể hóa bằng một tuyên cáo của Thiên hoàng Meiji dưới hình thức sắc chiếu có tên là Kenpô seitai juuritsu no mikotonori (Hiến pháp chính thể thụ lập chiếu).

Cũng trong sắc chiếu này, nhà nước đã qui định sẽ thiết lập hai viện: Nguyên lão viện (Genrôin) và Đại thẩm viện (Daishin.in). Nguyên lão viện là cơ quan lập pháp thay vào chỗ Tả viện sẽ bị giải tán. Nguyên lão viện là tổ chức làm ra pháp luật. Ngoài công việc này, nó còn được giao cho một nhiệm vụ quan trọng là dự thảo hiến pháp để tiến tới việc thành lập thể chế lập hiến. Đến năm 1880 (Meiji 13) thì bản dự thảo đã hoàn tất, hế nhưng dự thảo này lại viết theo kiểu chế độ quân chủ lập hiến của Anh làm cho người trong nhóm bảo thủ như Iwakura Tomomi cực lực phản đối. Ông cho rằng hiến pháp kiểu Anh không thể nào thích hợp cho Nhật được khiến cho dự thảo ấy bị hủy bỏ.

Mặt khác, tổ chức gọi là Đại thẩm viện không gì khác hơn là Tòa án tối cao, cơ quan tư pháp cao nhất trong nước.

Như thế, cuộc hội đàm ở Ôsaka đã mở đường cho một nền chính trị với nguyên tắc tam quyền phân lập.

Lại nữa, vào lúc này, một Hội đồng với sự tham dự của các tỉnh trưởng (huyện lệnh và tri phủ sự) của các địa phương đã được hình thành trên nguyên tắc. Cùng trong năm ấy, hội nghị các quan chức địa phương nói trên đã được tổ chức lần đầu tiên và Kidô Takayoshi làm chủ tịch. Đề tài thảo luận của hội nghị là về một Hội đồng dân chúng (Minkai = Dân hội), thế nhưng xin hiểu đây là hội nghị qui tụ đại biểu của các địa phương, vùng miền trong nước. Nó có cơ chế giống như các hội đồng tỉnh của các tỉnh, hội đồng đô thành của thành phố Tôkyô hiện nay. Vừa vặn lúc đó thì có một dân hội trong tỉnh nọ đã được thành hình theo mệnh lệnh độc đoán của viên huyện lệnh (tỉnh trưởng) cho nên một đề tài thảo luận mới đã được đặt ra: Hội đồng dân chúng sẽ là một cơ quan do quan lại chỉ định (quan tuyển) hay do dân bầu (công tuyển). Cuộc thảo luận đã xảy ra rất sôi nổi. Công tuyển có nghĩa là các đại biểu của dân hội được bầu ra dưới hình thức tuyển cử, quan tuyển là do nhà chức trách địa phương chỉ định. Kết quả là các quan chức địa phương trong hội đồng sau khi họp với nhau là hình thức "quan tuyển dân hội" sẽ được áp dụng.

Cuộc hội nghị của Hội đồng các nhà chức trách địa phương được tổ chức lần thứ hai vào năm 1878 (Meiji 11), dưới sự chủ tọa của Itô Hirobumi. Đề tài thảo luận của nó xoay quanh Sanshinpô (Tam tân pháp) nghĩa là ba bộ luật (hay pháp qui) mới: luật biên chế quận, khu, đinh, thôn (tổ chức hành chánh địa phương), qui tắc của hội đồng phủ huyện và qui tắc về thuế vụ địa phương.

Nếu ba bộ luật mới này được chấp nhận thì theo chế độ địa phương mới, quyền tham gia của người dân địa phương vào chính trị của vùng họ ở sẽ được nhìn nhận trong một phần nào. Cho đến lúc ấy, chính phủ đã tiến hành một thứ chính trị trung ương tập quyền hóa nghiêm ngặt và do đó đã nắm trọn chính trị địa phương.Nay thì qua những cuộc ikki bạo động của nông dân cũng như phong trào tranh đấu cho tự do dân quyền, chính phủ trung ương mới thấy mình đã quá mạnh tay. Do đó, nay phải tùy theo hoàn cảnh và tập quán ở từng địa phương mà điều chỉnh chế độ sao cho hợp lý. Nhờ thế mà ba bộ luật đó đã được thông qua nhưng có lẽ đây chỉ là "củ cà rốt" đưa ra để làm dịu bớt phong trào đòi hỏi dân quyền.

Chúng ta hãy thử bàn qua nội dung những điều lệ chính trong "tam tân pháp":

Trước hết, "Quận khu đinh thôn biên chế pháp" bãi bỏ việc phân chia các đơn vị hành chánh trong nước nhất loạt thành đại khu (daiku) và tiểu khu (shôku) mà thay thế vào đó bằng việc lập lại chế độ cũ, phân chia thành quận, đinh, thôn như xưa. Nó cũng là đạo luật nhìn nhận quyền tự trị của các đinh và thôn (đinh được xem như đơn vị trung gian giữa thị và thôn). Riêng Qui tắc của hội đồng phủ huyện thì nó qui định việc thiết lập các hội đồng phủ huyện và việc tuyển cử nghị viên của hội đồng với một số giới hạn nào đó. Qui tắc này cũng cho phép hội đồng được bàn bạc về ngân sách của phủ huyện địa phương nhưng cũng ở một chừng mực mà thôi. Còn như Qui tắc thuế vụ địa phương thì nó qui định nguyên tắc thống nhất cho việc đánh thuế ở các địa phương và cũng là một đạo luật có mục đích bảo đảm về mặt tài chánh cho chính trị địa phương nữa.

Trở lại câu chuyện trước đây thì vào khoảng thời gian cuộc hội đàm Ôsaka bắt đầu, Itagaki Taisuke đã kêu gọi các nhà vận động dân quyền toàn quốc hội họp với nhau tại Ôsaka và thành lập một chính đảng có tên là Aikokusha (Ái quốc xã). Nhân vì nòng cốt của đảng là người của Risshisha (Lập chí xã) đã theo ông từ ngày trước nhưng khi Aikokusha chưa bắt đầu hoạt động hẳn hòi thì chợt Itagaki bỏ đi theo chính phủ và trở thành tham nghị làm cho đảng không biết quay theo chiều hướng nào. Nó đã phải chịu qui luật đào thải và biến mất trên trường chính trị, không để lại kết quả đáng ghi nhớ. Aikokusha lại xuất hiện dưới một đường lối khác nhưng đó là chuyện về sau.

Về phần chính phủ thì an tâm hơn kể từ cuộc hội đàm ở Ôsaka và nhờ đó, Kido cũng như Itagaki trở lại chính quyền. Tuy nhiên việc này không cấm chính phủ ban bố hai pháp lệnh mới vào tháng 6 năm đó (1875) để tiếp tục trấn áp phong trào đòi hỏi tự do dân quyền vì nó vẫn không ngớt công kích họ Hai pháp lệnh đó là Zanbôritsu (Luật cấm sàm báng) và Shinbunshi jôrei (Luật qui định về báo chí).

Về Luật cấm sàm báng là một đạo luật thấy lần đầu tiên trên đất Nhật có tính cách "bảo vệ danh dự". Sàm báng nguyên thủy là một từ nối kết hai khái niệm sàm khí (zanki) và phỉ báng (hibô). Sàm khí có nghĩa là " bêu xấu người khác một cách sai lầm (sàm), làm tổn thương danh dự của họ (khí)" . Còn phỉ báng có nghĩa "công nhiên gieo tiếng dữ, thóa mạ người khác". Tóm lại, đạo luật này buộc tội những ai dùng lời phê bình hay chửi mắng của mình làm tổn thương đến danh dự người khác.

Chính phủ đã lợi dụng đạo luật này để không cho những người trong phong trào vận động tự do dân quyền nói xấu các quan chức hay chính trị gia. Đạo luật chống sàm báng này đã được ban hành trong một ngày cùng với Luật qui định về báo chí và trở thành một cặp song đôi nên có sức mạnh hiệp đồng đáng kể. Luật qui định về báo chí có mục đích cấm phát hành những nhật báo hay tạp chí công kích chính phủ, xử phạt các chủ nhiệm, chủ bút và biên tập viên. Tại sao chính phủ lại đàn áp báo chí như thế? Lý do là để cho phong trào đòi hỏi dân quyền lan ra rộng rãi, báo chí đã có những ký sự liên quan đến thời cuộc. Với hai đạo luật nói trên, tự do ngôn luận của người dân Nhật đã bị tước đoạt, phong trào đòi hỏi dân quyền bị áp chế. Về sau, đường lối của chính phủ càng ngày càng trở nên siết chặt hơn trong chiều hướng đó.

Tuy nhiên phải thành thực mà nói là vào thời này, không thiếu chi những ký sự với lời hô hào kiểu "Phải lật đổ cái chính phủ này!" "Phải giết hết bọn quan lớn trong chính phủ!" cho nên thường dân không thể nào hoàn toàn nghe theo điều báo chí nói cho được. Dù sao, hai đạo luật này thì ai cũng ghét. Fukuzawa Yuukichi chẳng hạn, đã lấy quyết định đóng cửa tạp chí Meiroku của mình (vào tháng 11 năm 1875) để khỏi bị dính dáng tới sự kềm kẹp của chúng.

Nhân vì phong trào vận động tự do dân quyền lại được sự ủng hộ của giới sĩ tộc vốn bất mãn sẳn với chính phủ cho nên trong giai đoạn đầu, cuộc vận động dân quyền còn mang một cái tên châm biếm là "dân quyền lối sĩ tộc" (shizoku minken).

Thế nhưng phong trào dân quyền buổi đầu vì vừa chịu áp luật của hai đạo luận kiềm chế tự do ngôn luận nói trên cũng như vì sự phát sinh của cuộc Chiến tranh Tây Nam cho nên có một thời kỳ đã suy thoái. Cũng vì một số người hô hào tự do dân quyền đã chiến đấu và chết trong khi đầu quân theo Saigô Takamori. Những kẻ đồng điệu với cuộc nổi loạn này chịu cảnh tù ngục cũng không phải ít. Ví dụ cụ thể là trường hợp những thành phần các bộ của Risshisha, trung tâm của phong trào vận động dân quyền, định lợi dụng cuộc nội loạn để mưu lất đổ chính quyền và bị thất bại.

Vì cuộc chiến tranh Tây Nam, ngọn lửa của phong trào đòi hỏi dân quyền có một thời kỳ tắt nguội thực đấy nhưng chỉ sang năm sau là nó lại bùng lên. Giai đoạn 1880-1881 (Meiji 13 và 14) phong trào ấy đã đến thời toàn thịnh. Có điều là lúc ấy, quyền chỉ đạo phong trào không còn nằm trong tay giới sĩ tộc nữa.

Tiết 2: Chiếu chỉ thành lập quốc hội trước cao trào dân quyền.
2.1 Kết xã để yêu cầu thành lập quốc hội :

Nhân vì Saigô Takamori thất bại trong cuộc Chiến tranh Tây Nam cho nên Itagaki và các đồng chí trong Risshisha của ông đã phản tỉnh và khám phá ra một điều quan trọng: "Cái thời dùng võ lực để lật đổ chính quyền đã qua rồi!". Nhưng việc phải nói là khác người (nếu không gọi là cứng cõi) của Itagaki và các bạn ông là đã dám rút ra khỏi phong trào đòi tự do dân quyền một cách êm thắm và không chút xấu hổ.Có lẽ họ nghĩ rằng không nên chống đối bằng võ lực mà phải tổ chức nhóm sĩ tộc bất mãn thành một đoàn thể, dùng ngôn luận làm võ khí để tranh đấu với chính phủ theo một chiều hướng tích cực. Điều này có nghĩa là họ đã thay đổi tư duy. Hướng về nhhững người bạn đồng chí trong cả nưóc, họ kêu gọi: "Phải cùng nhau đoàn kết để phục hưng Aikokusha!". Lời kêu gọi này đã được đại biểu của 13 xã trong 12 tỉnh đáp lại. Tháng 9 năm 1878 (Meiji 11) họp với nhau ở Ôsaka, họ ra quyết nghị phục hưng Aikokusha.

Sau đó, Aikokusha đã nhiều lần mở đại hội toàn quốc kêu gọi thành lập quốc hội và tụ do dân quyền nhưng thành phần cốt cán trong nhóm không còn thuộc lớp sĩ tộc bất mãn nữa nhưng là những phú nông và phú thương (ngưòi Nhật gọi là gônô = hào nông và gôshô = hào thương) tức là những người có một địa vị kinh tế vững mạnh trong xã hội. Họ sẽ trở thành những người lãnh đạo phong trào. Trong một thời đại "tứ dân bình đẳng" như thời Meiji thì những kẻ có sức mạnh kinh tế dĩ nhiên là có nhu cầu nắm lấy quyền lực chính trị.

Chẳng bao lâu nhóm phú hào bắt đầu tỏ ra bất bình với lối suy nghĩ hạn hẹp của các thành viên Risshisha vốn thuộc lớp sĩ tộc bất mãn và bảo thủ. Trong đại hội lần thứ 4 của Aikokusha họp tại Ôsaka vào tháng 3 năm 1880 (Meiji 13), họ đã thành lập một đoàn thể mới tên Kokukai kisei dômei (Quốc hội kỳ thành đồng minh) tức Nhóm quyết tâm đòi hỏi việc thành lập quốc hội, một tập hợp các dân hội địa phương vận động cho tự do dân quyền, không trực tiếp liên hệ với Aikokusha.

Tập hợp này xem chuyện đòi hỏi thành lập quốc hội như mục đích chính, đã xin chữ ký của mọi người và gửi đến cơ quan Dajôkan (Thái chính quan), viện Nguyên lão (Genrôin) cùng với các kiến nghị (kenpakusho) và thỉnh nguyện thư (seigansho).Tính ra có đến 42 kiến nghị và 12 thư thỉnh nguyện được gửi cho Nguyên lão viện. Những người có liên hệ với các văn bản này lên đến 25 vạn. Điều đó đủ cho ta thấy là cuộc vận động dân quyền thực sự dã được phát động rộng rãi trong dân chúng.

Tuy chính phủ không thừa nhận những bức thư thỉnh nguyện này nhưng chúng là bằng chứng cho thấy tư tưởng dân quyền đã thẩm thấu trong quốc dân, một sự kiện chưa từng có. Cảm thấy đang trực diện nguy cơ, họ bèn ra lệnh đàn áp. Trong năm ấy, chính phủ đã ban bố Shuugô jôrei (Tập hợp điều lệ) nghĩa là Qui chế về việc tụ họp đám đông.

Nói một cách giản dị thì lệnh này qui định rằng: "Tất cả những cuộc tụ họp như diễn thuyết chính trị , hội họp chính trị... đều phải xin phép cơ quan cảnh sát trước và được sự đồng ý của họ. Nếu viên chức cảnh sát nhận thấy rằng một cuộc tụ họp như vậy sẽ có hại thì người ấy có quyền từ chối cấp giấy phép.Khi tổ chức một buổi diễn thuyết phải có người thuộc cơ quan cảnh sát chứng kiến. Họ có quyền ngừng buổi diễn thuyết hoặc giải tán đám đông.Ngoài ra các thành phần như quân nhân, cảnh sát, học sinh đều bị cấm tham dự các buổi tập họp.

Chính phủ lo lắng việc có thể có nhiều quân nhân trái lệnh trên bèn ban hành thêm Gunjin chokuyu (Quân nhân sắc dụ) vào năm 1882 (Meiji 15) nội dung thuyết phục họ: "Quân nhân không được can dự vào chính trị.Phải coi trọng lòng trung với vua, lễ nghi và tín nghĩa. Là thành viên của quân đội thiên hoàng, các bạn phải biết biết làm tròn vai trò đặc biệt của mình". Nếu phong trào đòi dân quyền lan ra trong quân đội, dĩ nhiên việc xảy ra đảo chánh là chuyện rất có khả năng.

Chúng ta đã từng nói đến ở bên trên về chuyện sự đổi thay học chế (gakusei) vào năm 1879 (Meiji 12) tức trước đó không lâu.Năm đó, chính phủ đã ban hành học chế mới bằng Kyôikurei (Giáo dục lệnh), một học chế tự do hơn. Theo đó, học chế có tính cách cưỡng chế trên phạm vi toàn quốc đã nhường chỗ cho một học chế thích ứng với tình hình cá biệt của từng vùng và có màu sắc địa phương phân quyền. Ví dụ về chương trình giáo dục chẳng hạn thì các ủy viên giáo dục ở địa phương được chọn bằng phương pháp công tuyển (bầu cử) sẽ bàn luậnvới các giáo viên để soạn ra một cách tự chủ, sao cho thích hợp với nhu cầu mà địa phương đòi hỏi.Lại nữa, chế độ học khu áp dụng một cách thống nhất trên toàn quốc cho đến lúc đó cũng bị bãi bỏ. Sẽ lấy các đinh và thôn làm đơn vị để thiết lập các trường tiểu học và định thời gian đi học thấp nhất chỉ có 16 tháng mà thôi. Sự giảm bớt số thời gian đi học như vậy có mục đích tránh cho quốc dân khỏi phải phụ đảm kinh phí giáo dục quá lâu.

Lệnh về giáo dục thực ra trước kia vốn có màu sắc dân chủ nhiều hơn nữa. Bởi lẽ nó là công trình biên soạn chung của chức taifu (đại phụ) thuộc bộ giáo dục là Tanaka Fujimarô (Điền Trung, Bất Nhị Lữ) và viên cố vấn Mỹ David Murray, một người Yatoi trứ danh. Trong giai đoạn dự thảo, lệnh trên đã phàn ánh dấu ấn sâu đậm của chế độ giáo dục phóng khoáng Hoa Kỳ. Thế nhưng Itô Hirobumi e rằng nó sẽ gây khó khăn cho chính phủ trong việc chận đứng phong trào đòi hỏi tự do dân quyền nên đã bắt sửa lại hầu hết.

Năm sau, Lệnh về giáo dục của Tanaka và Murray đã bị thay thế bằng một lệnh cải chính. Nhân vì Kaisei kyôikurei (Cải chính giáo dục lệnh) lần này đã được nhóm bảo thủ bên cạnh Motoda Nagazane (người sau này có can dự tới văn bản Kyôiku chokugo (Giáo dục sắc ngữ)) phản ánh đường lối giáo dục trung quân ái quốc soạn ra cho nên, khỏi phải nói, nó chỉ nhằm mục đích tăng cường sự kềm kẹp của chính phủ đối với người dân trong nước. Trong chiều hướng đó, môn Tu thân (Shuushin) mới được coi là môn học quan trọng hàng đầu ở cấp tiểu học.

2.2 Chính biến năm Meiji 14 và các đảng chính trị buổi đầu:

Như đã trình bày, những nhà lãnh đạo thời Meiji đã e ngại sự thẩm thấu của tư tưởng tự do dân quyền trong các tầng lớp dân chúng biết là chừng nào. Họ đã tìm đủ cách để ngăn ngừa. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính phủ ấy không phải ai nấy đều có cùng chung một quan điểm bất di bất dịch đâu. Trong bọn họ, cũng có kẻ tuy leo lên tới địa vị cao nhưng tỏ ra thông cảm với những người đòi hỏi tự do dân quyền và cũng từng cất tiếng kêu gọi phải mau chóng thành lập quốc hội.

Các nhà vận động dân quyền và tuổi của họ lúc có sắc dụ hứa việc lập hiến (1875)

Tên họ Xuất thân Tuổi (thời điểm 1875)
Itagaki Taisuke Tosa 45
Kôno Hironaka Fukushima 33
Ôi Kentarô Oita 39
Kataoka Kenkichi Tosa 39
Hoshi Tôru Edo 32
Nakae Chômin Tosa 35
Ueki Emori Tosa 25
Ôkuma Shigenobu Hizen 44
Yano Fumio Oita 31
Inukai Tsuyoshi Okayama 27
Ozaki Yukio Kanagawa 23

Nguồn: Shôsetsu Nihonshi Kenkyuu (Yamakawa xb) tr.338.

Nhân vật được xem như lãnh đạo của khuynh hướng này là một phiên sĩ xuất thân ở Saga (Hizen), Ôkuma Shigenobu (Đại Ôi, Trọng Tín,1838-1922).Vào tháng 3 năm 1881 (Meiji 14), Ôkuma đã gửi một bức thư trình bày ý kiến của mình về việc thành lập quốc hội cho Hoàng thân Aritsugawa no miya Taruhito lúc đó đang giữ chức Tả đại thần (như Tể tướng). Trong bức thư đó, ông bênh vực chủ trương của mình : " Nội năm nay nên ấn định xong hiến pháp, sang năm công bố nó rồi thành lập quốc hội để khai triển một nền dân chủ đại nghị kiểu Anh".

Nhân vật đứng đầu phái bảo thủ đương thời là Iwakura Tomomi biết được ý kiến cách tân của Ôkuma thì giật mình kinh hãi và nhất định cản trở. Người đã hiệp lực với Iwakura để ngăn chặn Ôkuma không ai khác hơn là Itô Hirobumi.

Như đã tường thuật bên trên, sau khi Saigô Takamori về vườn, thực quyền trong chính phủ do một tay Ôkubo Toshimichi, người của Satsuma, nắm trọn, nhất là kể từ khi giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh Tây Nam.

Thế nhưng năm 1878 (Meiji 11) chuyện không ngờ là Ôkubo Toshimichi đã bị quân khủng bố (một cựu sĩ tộc) chém loạn xạ, chết bên cạnh ly cung Asakasa ngay khu Kioichô, giữa Tôkyô.

Chính vì thế, trong chính phủ bây giờ không còn có nhà lãnh đạo nào nắm đủ thực quyền. Chỉ có hai ứng cử viên cho thời hậu - Ôkubo. Đó là Ôkuma và Itô. Ôkuma (người Saga, Hizen), khác với Itô (người Chôshuu), không có hậu thuẫn của phiên Chôshuu nhưng chơi thân với các nhân vật phiên Satsuma, lại có liên lạc mật thiết với Fukuzawa Yukichi (người Nakatsu, Oita) cùng cánh bắc Kyuushuu. Fukuzawa là viện trưởng của trường Keiô Gijuku cho nên những đồ đệ của ông thuộc phái quan liêu khai sáng khi vào chính phủ đều đã liên kết với Ôkuma.

Tuy vậy, phải nói về mặt sách lược thì Itô là kẻ đứng trên tay. Ông đã lợi dụng một biến cố xảy ra vào thời ấy là vụ quan Kaitakushi (Khai thác sứ, cơ quan mở mang vùng vùng đất mới Hokkaidô và đảo Karafuto) đã lạm quyền trong việc bán vật tư của nhà nước để truy bức Ôkuma.

Trưởng quan của Kaitakushi là Kuroda Kiyotaka (Hắc Điền, Thanh Long) vốn xuất thân từ Satsuma đã bị kết tội là đã đem vật tư của nhà nước để bán cho một chính thương (con buôn thân cận chính quyền) tên Godai Tomoatsu (Ngũ Đại, Hữu Hậu) với giá rẻ dưới mức bình thường. Các cơ quan ngôn luận trong dân chúng đã làm rùm beng vụ này lên.

Đặc biệt lúc ấy phong trào vận động dân quyền phản chính phủ đang lên cao, dư luận xúm vào lên án chính phủ. Điều lạ lùng là Ôkuma, một người cũng ở trong phong trào dân quyền mà không hề lên tiếng công kích. Thế nhưng báo chí lại tạo dựng nên hình ảnh về ông như một anh hùng, người duy nhất trong chính phủ phản đối sự lạm dụng của công này. Không thể phủ định việc Itô đã đứng sau lưng để giật giây các nhà báo. Có điều Ôkuma không cho chiến dịch thông tin đó là xấu và cũng không hề phủ nhận nội dung của nó.

Nhưng chính vì thế mà Ôkuma đã rước lấy kết quả thảm hại. Phái Satsuma, đang là đối tượng công kích của dư luận trong vụ buôn bán vật tư trái phép cho nên vài người trong bọn đã đâm ra nghi ngờ Ôkuma và rời xa ông. Ngược lại, họ nối kết với cánh Chôshuu của Itô vốn là kẻ địch của mình.

Thế rồi, nhóm phiên sĩ Satsuma-Chôshuu mới bí mật tính kế hất cẳng Ôkuma. Ngày 11 tháng 10 năm 1881 (Meiji 14), đột nhiên liên minh Satsuma - Chôshuu trong chính phủ cho mở một cuộc hội nghị quan trọng có thiên hoàng tham dự (ngự tiền hội nghị), đưa ra quyết định ngưng chức tham nghị của Ôkuma với lý do là Ôkuma có dính líu rất nhiều trong vụ dư luận công kích chính phủ.

Họ cũng biết rằng loại Ôkuma ra khỏi chính trường thì thế nào phái vận động dân quyền cũng sẽ phẫn nộ. Do đó, chính phủ mới tìm cách xoa dịu dư luận bằng cách công bố đình chỉ việc buôn bán vật tư nhà nước của Kaitakushi và đưa ra sắc dụ thành lập quốc hội, trong đó, họ hứa hẹn với quốc dân là Nhật Bản sẽ có thể chế quốc hội nội trong 10 năm.

Việc phe phái Satsuma - Chôshuu loại được Ôkuma Shigenobu ra khỏi chính phủ mang tên là Cuộc chính biến năm Meiji 14.

Hậu quả của việc này là những người thân cận của Ôkuma trong chính phủ cũng lần lượt ra đi. Hai phiên Satsuma và Chôshuu trước đây như chó với mèo lại trở thành một liên minh gắn bó và độc đoán. Người ta gọi nó là "thể chế chuyên chính Sát Trường". Itô Hirobumi nắm được toàn quyền lãnh đạo chính phủ.

Nhân đây cũng phải nói là hiến pháp mà chính phủ hứa ban hành là một thứ khâm định hiến pháp mà thôi. Khâm định có nghĩa là do thiên hoàng qui định rồi ban bố cho thần dân chứ không phải là quốc dân tự ý soạn ra cho mình. Thế là trong dân chúng lại nổi lên phong trào chống đối. Đặc biệt những người trong phái dân quyền đã tự họ soạn ra những bản dự thảo hiến pháp riêng. Bây giờ người ta gọi chúng với cái tên jigi kenpô (tư nghỉ hiến pháp) nghĩa là hiến pháp do dân chúng soạn theo ý riêng.

Có tiếng nhất trong loại hiến pháp này thời có bản Jigikenpôan (Tư nghỉ hiến pháp án) do Kôjunsha (Giao tuân xã) thuộc hệ phái Fukuzawa Yuukichi soạn ra. Dự thảo này bao hàm nguyên tắc nghị viện nội các chế (nội các được tuyển chọn từ thành viên quốc hội) và chế độ liên đới chịu trách nhiệm giữa các đại thần trong nội các. Dự thảo tư này, nói cho cùng, trên hình thức còn gần gũi với bản hiến pháp của Nhật Bản ngày nay hơn cả bản Hiến pháp của Đế Quốc Đại Nhật Bản ban hành năm 1889 (Meiji 22).

Tuy vậy, có tinh thần cấp tiến nhất trong số các bản dự thảo tư lại là Tôyô Dainihonkoku kokken.an (Đông Dương Đại Nhật Bản Quốc Quốc Hiến Án) của Ueki Emori (Thực Mộc, Chi Thịnh, 1857-1892), người phiên Tosa và là bạn đồng chí của Itagaki Taisuke. Nếu như dự thảo của Kôjunsha đã dựa lên chế độ của người Anh để được viết ra thì bản dự thảo thứ hai này đã chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của chế độ Pháp.Chỉ cần nhìn cách nó đem vào văn bản cả chế độ nhất viện lẫn chế độ liên bang là đủ hiểu.Hơn nữa, trong đó còn thấy những câu nói hô hào kiểu bênh vực quyền đề kháng và quyền cách mạng: " Nếu chính phủ không tốt thì chúng ta phải chống lại và nếu có làm cách mạng để lật đổ thì cũng chẳng sao!". Đối với thời buổi đó, dự thảo nói trên có thể gọi là mang những ý tưởng quá khích. Risshisha (Nhóm Lập chí xã) cũng làm ra một dự thảo hiến pháp riêng và kết cuộc, nó đã tu chính dự thảo hiến pháp của Ueki để xuất hiện dưới cái tên chung Nihon kenpô mikomian (Dự án hiến pháp Nhật Bản).

Sáu tháng sau khi công bố sắc dụ về việc thiết lập quốc hội, Đảng Tự Do (Jiyuutô) do Itagaki Taisuke làm chủ tịch đã ra đời. Đây là chính đảng có phạm vi hoạt động toàn quốc đầu tiên của Nhật Bản.Sự xuất hiện của nó thực ra không phải là đáp lại việc chính phủ công bố sắc dụ về quốc hội. Bởi vì năm trước đó, vào tháng 11, trong lần họp đại hội của nhóm Kokkai Kisei Dômei (Quốc Hội Kỳ Thành Đồng Minh), những người tham dự đã định phương hướng cho việc tổ chức đảng phái chính trị trước rồi và mọi chuẩn bị cũng đang trên đà tiến triển.

Điều thứ nhất trong minh ước của Đảng Tự Do là: "Đảng chúng ta (tức Đảng Tự Do) phải thúc đẩy tự do, bảo toàn quyền lợi, tăng tiến hạnh phúc cho người dân và cải tổ xã hội". Để thực hiện những tiêu chí như vậy, Đảng Tự Do đặt mục đích cho mình là phải thôi thúc chính phủ mau chóng qui định hiến pháp và thành lập quốc hội, mở đường cho sự thực hiện một chính thể lập hiến.

Năm sau thì ngoài Đảng Tự Do (Jiyuutô), còn có thêm 2 đảng khác là Đảng Lập HiếnCải Tiến(Rikken kaishintô) và Đảng Lập Hiến Đế Chính(Rikken teiseitô).

Ba chính đảng lớn đầu thời Meiji

Đảng Tự Do Đảng Lập Hiến Cải Tiến Đảng Lập Hiến Đế Chính
Ngày thành lập Tháng 10/1881 Tháng 4/1882 Tháng 3/1882
Người cầm đầu Itagaki Taisuke
(Thủ tướng)
Ôkuma Shigenobu
(Thủ tướng)
Fukuchi Gen.ichirô
(Đảng trưởng)
Tính chất Ảnh hưởng Pháp
Tự do dân chủ cấp tiến
Ảnh hưởng Anh
Tự do dân chủ tiệm tiến
Bảo thủ
Gần chính phủ đang cầm quyền
Chính sách Nhất viện chế
Chủ quyền tại dân

Phổ thông đầu phiếu

Nhị viện chế
Vua và dân cùng cai trị

Tuyển cử giới hạn

Nhị viện chế
Chủ quyền nơi nhà vua
Tuyển cử giới hạn
Đảng viên quan trọng Kataoka Kenkichi
Ôi Kentarô
Kôno Hironaka
Hoshi Tôru
Yano Ryuukei
Inukai Tsuyoshi
Ozaki Yukio
Maruyama Sakura
Giai tầng cơ sở Sĩ tộc và địa chủ Trí thức và các nhà kinh doanh sản xuất ở đô thị Tăng lữ Thần đạo và Phật giáo
Quan lại
Báo chí và cơ quan ngôn luận Nhật báo Tự Do
(Jiyuu shinbun)
Nhật báo Bưu Điện
(Yuubin Hôchi shinbun)
Nhật báo Đông Kinh
(Tôkyô Nichinichi Shinbun)
Ngày chấm dứt hoạt động Giải tán đảng năm 1884 Bọn các ông Ôkuma ra khỏi đảng năm 1884 Giải tán đảng năm 1883

Người đảng trưởng Đảng Lập Hiến Cải Tiến bị loại ra khỏi chính phủ sau chính biến năm Meiji 14 không ai khác hơn là Ôkuma Shigenobu.Ông và các đồng chí chủ trương "hạnh phúc nhân dân" và "tôn vinh hoàng tộc". Để thực hiện điều đó, họ đã đề nghị mô hình quân chủ lập hiến và chế độ đại nghị của nước Anh.

Về đường lối phản đối chính trị chuyên chế của tập đoàn Satsuma - Chôshuu thì đảng Lập Hiến Cải Tiến của Ôkuma có chủ trương không khác gì Đảng Tự Do của Itagaki. Trên nguyên tắc họ có thể hiệp lực để chiến đấu bên nhau nhưng Đảng Lập Hiến Cải Tiến lại ghét lập trường quá cấp tiến của Đảng Tự Do đang muốn theo mô hình của Pháp mà tiến ngay đến chế dộ Cộng Hòa (nghĩa là không có vua). Khác với họ, đảng của Ôkuma đề xướng một sự cải cách tiệm tiến và hiện thực, cho nên rốt cục, đã đối lập kịch liệt với Đảng tự do. Điều này xảy ra thật đúng như chính phủ mong muốn. Chính ra những người ủng hộ hai đảng cũng thuộc vào hai giai tầng xã hội khác nhau. Trong khi Đảng Tự Do tạo được cơ sở trong lớp nông dân ở các địa phương thì Đảng Lập Hiến Cải Tiến có sự ủng hộ của giới trí thức và những nhà thực nghiệp (kinh doanh sản xuất) sống trong các đô thị.

Ngoài ra, Đảng Lập Hiến Đế Chính thì sao? Thực ra, đảng này được tổ chức chung quanh một nhân vật trung tâm là Fukuchi Gen.ichirô (Phúc Địa Nguyên Nhất Lang). Khác với hai đảng nói trên, đảng của Fukuchi rất gần gủi với các người cầm đầu trong chính phủ. Đó là một đảng ủng hộ giới cầm quyền đương thời. Mục đích của họ là: thực hiện việc thiên hoàng nắm chính quyền, qui định hiến pháp khâm định, thực thi tuyển cử nhưng giới hạn trong việc tổ chức. Lập trường của họ rất bảo thủ, chỉ được giới quan lại, sĩ tộc và tăng lữ ủng hộ.

Fukuchi Gen.ichirô tuy ngày nay không được mọi người biết dến như Itagaki hay Ôkuma nhưng vào thời ấy, ông rất nổi tiếng. Đã tùng tham dự cuộc chiến tranh Tây Nam như một ký giả, ông đã viết nhiều thiên ký sự hào hứng nên tiếng tăm dậy như cồn. Chỉ tiếc là Đảng Lập Hiến Đế Chính của ông không được quần chúng đi theo cho nên mới sống được có một năm đã phải giải tán.Về sau Fukuchi đổi nghề sang làm soạn giả tuồng Kabuki (được biết với biệt hiệu Fukuchi Ôchi = Phúc Địa Anh Si), hợp tác với kép hát lừng danh Ichikawa Danjuurô đời thứ 9, cả hai đạt được nhiều thành công trong việc cải tiến sân khấu này. Sau khi Danjuurô mất, ông chuyển qua ngành nghiên cứu và để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có tập bình luận lịch sử Bakufu suibôron (Mạc phủ suy vong luận).

Tiết 3: Chính sách tài chánh Matsukata và sự bất mãn của dân chúng.
3.1 Sự đối lập giữa Đảng Tự Do và đảng Lập Hiến:

Đảng lập hiến đế chính ra đời được có một năm thì đã bị giải tán nhưng hai đảngTự Do và Lập Hiến Cải Tiến cũng không thọ được bao lăm. Ba năm sau khi nó được thành lập, Đảng Tự Do đã phải giải tán vào tháng 10 năm 1884 (Meiji 17). Không bao lâu sau khi Ôkuma Shigenobu là nhân vật chủ chốt tuyên bố ra khỏi đảng, thì trên thực chất, Đảng Lập Hiến Cải Tiến cũng đã ở trong tình trạng tan hàng rã đám. Tại sao hai đảng nói trên đã phải đi đến cảnh đó? Thực ra có vài nguyên nhân:

Điều thứ nhất là chính phủ đã khôn khéo hòa hoãn trong việc đàn áp.Năm 1882 (Meiji 15) chính phủ đã sửa lại điều lệ về việc tụ họp để kiểm soát khắt khe hơn, cũng như cấm cả việc các đảng phái thiết lập các chi bộ, nghĩa là đàn áp các đảng phái một cách mạnh mẽ. Thế nhưng một mặt, Itô Hirobumi và Inoue Kaoru tức hai lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, giữa khi phong trào dân quyền đang nổi lên rầm rộ, đã tìm cách tiến gần các nhà lãnh đạo Đảng Tự do. Họ cho các con buôn thân cận mình là nhóm Mitsui chi tiền để giúp Itagaki Taisuke và Gotô Shôjirô có dịp sang thăm viếng Âu Mỹ, như thế để dễ dàng tống khứ hai nhân vật đối kháng qua Âu châu một thời gian. Trong lúc quốc gia đại sự mà lại nghe lời đường mật bỏ ra nước ngoài như vậy, Itagaki đã làm một việc thất sách. Tuy nhiên, cũng phải nói Itô là một con cáo già trên trường chính trị. Việc xử sự nông cạn của những nhà lãnh đạo Đảng Tự do cũng đã bị ngay trong nội bộ đảng phê phán và điều đó đã làm cho đảng trở nên suy yếu vì chia rẽ.

Điều thứ hai là hai đảng tự thể lại chống đối lẫn nhau và điều này đã làm cho hai đảng tiến nhanh tới chỗ băng hoại. Đảng Lập hiến cải tiến đã kịch liệt công kích việc Itagaki nhận tiền lộ phí từ hãng Mitsui để sang Âu châu. Đảng tự do bèn trả đũa, phanh phui là Ôkuma có liên hệ với con buôn Mitsubishi vốn thân cận chính quyền và khởi động phong trào "đập tan đảng giả" (gitô bokumetsu). Gitô (ngụy đảng) ám chỉ phe Lập hiến cải tiến..

Hô hào cho những mục tiêu khác nhau nhưng trên lập trường chống đối chính phủ thì họ nhất trí. Điều đó không cấm hai đảng này để lộ ra những chỗ sơ hở của họ như vừa kể, thật là một sự thất bại mà người bên ngoài nhìn vào sẽ không sao hiểu được.

May cho họ là trong đám có những người nhận ra được điều đó và phản tỉnh về quá khứ như Hoshi Tôru (Tinh, Hanh). Hoshi là một cựu đảng viên Đảng Tự Do. Ông đề nghị: "Phải bỏ qua những việc cỏn con, quên đi những điều ăn ở không tốt với nhau cho đến lúc này và hãy đoàn kết tranh đấu để quốc hội được thành lập". Nhờ ở cuộc vận động "đại đồng đoàn kết" này mà phong trào tranh đấu cho dân quyền mới bùng lên trở lại.

Chúng ta đã tiến hơi xa trong trình tự thời gian. Xin đi giật lùi một chút.

Thực ra, nếu hai đảng Tự Do và Lập Hiến Cải Tiến đánh mất sức mạnh của chúng và làm cho cuộc vận động tự do dân quyền bị suy thoái, nguyên nhân của nó chính là đường lối "tài chính Matsukata" vậy. Tài chính Matsukata là gì và tại sao ta có thể tỏ ra xác quyết như vậy?

Trước khi nói về những gì đã xảy đến cho phong trào vận động tự do dân quyền, thiết tưởng cũng nên trình bày về "tài chánh Matsukata", một sự kiện có tầm quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế cận đại Nhật Bản.

Đương thời, trong chính phủ, người đứng đầu về tài chính có chức danh là Ôkura-kyô (Đại tàng-khanh). Đến năm 1881 (Meiji 14), người tựu chức Ôkura-kyô (tương đương với tiếng Anh Lord of Finances) ngang hàng thượng thư là Matsukata Masayoshi (Tùng Phương, Chính Nghĩa, 1835-1924), một công tước, xuất thân từ phiên Satsuma và được sự tín nhiệm của người đồng hương Ôkubo Toshimichi. Ông là người đã có những biện pháp cải cách tài chánh cấp thời mà ta gọi là "biện pháp tài chánh Matsukata". Năm 1885 (Meiji 18), khi tổ chức nội các có sự thay đổi, chức danh Ôkura-kyô trở thành Ôkura-daijin (Đại tàng đại thần) hay Tổng trưởng tài chính thì Matsukata cứ thế tiếp tục mà lãnh chức danh mới.

3.2 Các biện pháp tài chính của Matsukata:


Matsukata Masayoshi (1835-1924)

Trước khi trình bày chi tiết những biện pháp do Tổng trưởng tài chính Matsukata đề ra, chúng ta phải biết lý do tại sao Nhật Bản lúc đó lại cần đến những cải cách như thế đã.

Như đã tường thuật bên trên, cuộc chiến tranh năm Mậu Thìn (Boshin sensô, 1868-69) để loại Mạc phủ Edo ra khỏi trường chính trị rất hao tớn tiền của. Để trang trải chiến phí, chính phủ đã phải kêu gọi các con buôn giàu có (gôshô = hào thương) cho nhà nước vay tiền (goyôkin = ngự dụng kim) và phát hành một thứ tiền giấy không có khả năng giao hoán (fukan shihei = bất hoán chỉ tệ).

Có loại tiền giấy không khả năng giao hoán ư ? Vâng, có chứ. Ở Nhật từ trước đã có loại hóa tệ chính thức (seika =chính hóa, specie) bằng quí kim như vàng hay bạc. Loại tiền chính thức này có khả năng trao đổi với tiền giấy theo đúng gíá trị mà nó được nhìn nhận (mệnh giá, giá trên mặt hay mengaku = diện ngạch, face value). Số tiền giấy dùng để trao đổi này có tên là dakan shihei (đoái hoán chỉ tệ, convertible notes), khác với loại tiền không thể dùng vào việc trao đổi (bất hoán chỉ tệ, fukan shihei, nonconvertible notes) nhắc đến trong đoạn trước.

Ví dụ ta có 1 vạn Yen bằng đoái hoán chỉ tệ thì ta sẽ được bảo chứng để đổi lấy một cách đường hoàng số vàng và bạc (chính hoá) đúng với giá trị 1 vạn Yen.Trên nguyên tắc thì dù đem nó đi đến nước nào, đều chắc chắn sẽ đổi được với số lượng như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của tiền "bất hoán". Dù trên mặt giấy, nhà nước cho in con số "một vạn Yen" nhưng thực tế thì giá trị của nó lại thấp hơn mệnh giá.

Sở dĩ có sự phân biệt như thế vì khi phát hành tiền "đoái hoán", nhà nước có để dành ra một số chính hóa bằng vàng hay bạc tương đương làm vật bảo đảm cho nó. Trong trường hợp tiền "bất hoán" chính phủ không dự trữ số quí kim (specie, gold reserve) tương đương hoặc chuẩn bị không đầy đủ. Cho nên lúc hữu sự, vì không có quí kim bảo chứng, tiền "bất hoán" không được tín dụng và giá trị thấp đi.

Sự tín dụng của thị trường đối với cơ quan phát hành là sinh mạng của hoá tệ. Trên nguyên tắc, nếu Nhật Bản là một quốc gia có triển vọng thì trên nguyên tắc, hai thư hóa tệ "đoái hoán" và "bất hoán" phải có giá trị như nhau. Thế nhưng lúc ấy nhà nước cận đại mới thành lập trên đất Nhật, tương lai hãy còn mờ mịt, cho nên trên trường quốc tế, đồng tiền của Nhật có khuynh hướng bị đánh giá thấp. Hơn nữa, vào thời chiến tranh Mậu Thìn, chính phủ Meiji đã phát hành tiền "bất hoán" một cách bừa bãi làm cho nó tràn ngập thị trường. Nhân đó mà giá trị của nó lại càng xuống thấp.

Chính phủ biết đó là một tình trạng không nên để xảy ra bởi vì nó sẽ không cho phép kinh tế Nhật đương đầu nổi với thế giới. Thế nhưng tài chính nhà nước lúc đó như mắc nạn đắm tàu, công nợ ngập đầu. Trữ được lượng quí kim làm "chính hoá" là chuyện viễn vông. Do đó, chính phủ phải buộc lòng thay đổi hoàn toàn lối nghĩ và sử dụng đến sức mạnh của những kẻ giàu có trong nước.

Cụ thể là chính phủ sẽ dùng sức mạnh kim tiền của những người này thu hồi lượng tiền "bất hoán" mà mình đã tung ra thị trường và thay vào đó, phát hành tiền "đoái hoán". Không tự lực được, nhà nước phải dùng đến tha lực. Đó là tinh thần của văn bản mang tên Kokuritsu ginkô jôrei (Quốc lập ngân hàng điều lệ) ra đời năm 1872 (Meiji 5) do nhóm ông Shibusawa Eiichi (Sáp Trạch, Vinh Nhất, 1840-1931), người đảm đương lãnh đạo tài chính trong chính phủ và cũng là một nhà thực nghiệp (businessman) ngành ngân hàng.


Shibusawa Eiichi (1840-31), 
"cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật".

Chế độ này bắt chước mô hình của National Bank bên Mỹ và tên của nó thì cứ y theo nguyên văn mà dịch ra thành "quốc lập ngân hàng". Chế độ cho phép những ngưòi giàu có trong dân chúng được quyền thành lập ngân hàng và phát hành loại hóa tệ "đoái hoán". Nên chú ý ở điểm là điều lệ nói trên "không phải là một đạo luật để thành lập ngân hàng quốc lập". Nó chỉ là một sự nhập nhằng trên danh nghĩa mà chính phủ dùng để phục vụ cho mục đích của mình.

Do pháp lệnh đó, ngân hàng đầu tiên dưới hình thức "quốc lập ngân hàng" (national bank) này là Daiichi Kokuritsu Ginkô (Đệ nhất quốc lập ngân hàng).Tuy nhiên sau đó họ chỉ mở thêm được có 3 ngân hàng cùng thể thức. Và thế là ngừng! Lý do là việc mở ngân hàng như thế đã không đem lại lợi ích nào cho chủ ngân hàng. Điều lệ văn bản đã qui định nghĩa vụ phải phát hành tiền "đoái hoán". Thế nhưng khi ngân hàng vừa mới phát hành xong thì tiền ấy đã chạy ngược về ngân hàng để đòi được đổi lại bằng "chính hóa" tức quí kim. Chẳng mấy chốc, lượng quí kim dự trữ của ngân hàng cạn kiệt làm cho ngân hàng nào cũng lâm vào cảnh khó khăn trong doanh nghiệp.

Lúc đó, chính phủ không biết làm sao hơn. Họ đành ngưng việc đeo đuổi việc cứu vãn chế độ "đoái hoán" và tìm cạnh xây dựng một thị trường tài chính (financial market). Năm 1876 (Meiji 9), nhà nước đã cải chính điều lệ về ngân hàng quốc lập và bãi bỏ nghĩa vụ phát hành tiền "đoái hoán".

Thị trường tài chính nói ở đây dĩ nhiên là nơi trao đổi, buôn quá bán lại tiền bạc, nói chung là tư bản. Tư bản là phương tiện để xí nghiệp có thể kinh doanh. Có nhiều thì tốt nhưng không có thì phải vay mượn nơi ngân hàng và các cơ quan trong ngành tài chánh (financial institutions), và sau đó phải trả lại cả vốn lẫn lời. Ngân hàng như vậy không thể thiếu trong việc thúc đẩy kinh tế. Nay khi nghĩa vụ phát hành "đoái hoán" đã được nhà nước bãi bỏ, các ngân hàng mới lần lượt xuất hiện thêm nhiều. Thế nhưng vì có quá nhiều ngân hàng cho nên vào năm 1879 (Meiji 12), sau khi cho phép ngân hàng thứ 153 trong hệ thống ngân hàng quốc lập được thành lập, chính phủ ngưng không cho phép thêm một ngân hàng nào nữa.

Một điều cần được nhắc ngay để khỏi quên là một năm trước khi qui định điều lệ các ngân hàng quốc lập, vào năm 1871 (Meiji 4), chính phủ đã ban hành Shinka jôrei (Tân hóa điều lệ), đổi mới chế độ thông hoá gọi là tam hóa (kim-ngân-tiền) của mạc phủ.Theo điều lệ mới này thì đồng tiền mới sẽ qui định thành Yen (Viên), Sen (Tiền) và Rin (Li) theo "phép thập tiến" (jishinhô) nghĩa là cứ mười "Li" thì ăn một "Sen", mười "Sen" ăn một "Yen". Năm sau, ngoài tiền cắc, tiền đồng bằng kim loại, tiền giấy mới cũng được chính phủ phát hành.

Theo điều lệ mới thì hóa tệ mới sẽ theo kim bản vị (đổi được với chính hóa là vàng). Tuy nhiên đó chỉ là bề ngoài bởi vì chế độ "đoái hoán" trên thực tế đã hoàn toàn không thực hiện được). Hơn nữa, ở các hải cảng mở cho người ngoại quốc, trong khi giao dịch thương mãi, người ta dùng thẳng tiền làm bằng bạc (ngân hóa) cho nên nếu muốn nói cho đúng thì rõ ràng là trên thực tế Nhật Bản gần như là theo ngân bản vị. Tiền mà chính phủ phát hành, nói cho cùng, chỉ có thể gọi là tiền "bất hoán" mà thôi.

Kết cuộc, dù có muốn, chính phủ đã không xây dựng nổi chế độ tiền "đoái hoán". Chẳng những thế, càng ngày họ càng nhìn thấy hệ thống tiền tệ rơi vào cảnh hỗn loạn.

Năm 1877 (Meiji 10) vì phát hành vô tổ chức nên thì lượng tiền "bất hoán" đã nhiều đến mức báo động.

Lý do của nó thì nhiều, ví dụ phải bù đắp vào chiến phí khổng lồ phát sinh từ cuộc chiến tranh Tây Nam. Chính phủ tuy có giành giật được thắng lợi nhưng bước qua thời hậu chiến, họ hầu như chết đuối vì ngập ngụa trong đống tiền "bất hoán".

Tiền "bất hoán" tăng làm cho hóa tệ mất giá trị, đưa vật giá lên cao theo tỷ lệ nghịch. Để ngăn chận nạn lạm phát đó, chính phủ bắt buộc phải làm cách nào để thu hồi lại càng nhiều càng tốt lượng tiền "bất hoán" trên thị trường và tiêu hũy nó đi. Đó là mục đích của chính sách tài chính Matsukata.

Vì Matsukata đã triệt để điều chỉnh lượng hóa tệ cho nên giá trị của hóa tệ tăng lên thấy rõ và nhân đó, vật giá cũng tụt xuống.Nếu nói theo ngôn ngữ kinh tế thì đó là chính sách giải phát (deflation) mà ông đã thực hiện. Người Nhật gọi nó là Matsukata defure (Matsukata's deflation) cho gọn.

Năm 1880 (Meiji 13), chính phủ quyết định nhượng xuống cho tư nhân (haraisage = disposal) - nói trắng ra là bán lại - những cơ xưởng quốc doanh nào làm ăn không có hiệu quả. Họ đã công bố một văn bản gọi là Kôjô haraisage gaisoku (Nguyên tắc khái quát về việc chuyển nhượng các cơ xưởng). Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này sẽ dùng vào việc điều chỉnh tiền tệ trong nước. Tuy nhiên điều kiện chuyển nhượng chính phủ đặt ra quá khắt khe nên chẳng có ai chịu mua, làm cho chương trình không thực hiện như ý.Do đó, qua năm 1881 (Meiji 14), Matsukata - người mới nhậm chức Ôkurakyô hay thượng thư trông coi tài chính ngân khố - mới tăng thu bằng cách tăng thuế lò rượu (shuuzôrei) và thuế thuốc lá (tabakozei), đặt ra một số thuế mới cũng như thi hành triệt để chính sách tiết giảm mọi kinh phí. Tiền dư thừa được sẽ đem dùng vào việc điều chỉnh hóa tệ. Sau một vài năm, ông đã rút đi một số tiền "bất hoán" đang lưu hành trên thị trường tương đương với 40 triệu Yen (nên nhớ là đồng lương trung bình của công chức thời đó chỉ có 5 Yen). Nhờ dự trữ được nhiều "chính hoá", tài chính của chính phủ đã chuyển qua một chiều hướng lành mạnh.

Năm 1882 (Meiji 15), Ngân hàng Nhật Bản (ngân hàng của tất cả ngân hàng trong nước tức ngân hàng trung ương, Central Bank) được thành lập. Năm sau, nó lấy lại quyền phát hành giấy bạc của các ngân hàng quốc lập trước đây. "Chính hóa" hay đồng tiền cơ bản (lúc đó là ngân hoá) và tiền "bất hoán" hầu như đã có giá trị tương đương. Đến năm 1885 (Meiji 18) thì Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu phát hành loại giấy bạc gọi là Nihon ginkô dakanken (Nhật Bản Ngân Hàng đoái hoán khoán) có thể đổi chác với quí kim (bạc). Kể từ năm tiếp theo, giấy bạc của chính phủ cũng có thể đánh đổi với bạc cho nên, có thể nói rằng chế độ ngân bản vị cuối cùng đã được thực hiện.

3.3 Những biến cố xã hội bộc phát:

Chính sách tài chính của Matsukata đã thành công trong việc cứu vãn nạn lạm phát cho chính phủ nhưng khốn thay, nó đã làm khổ cho nông dân không ít.

Như một hậu quả của việc giải phát do Matsukata tạo nên, mọi thứ vật giá trong nước đều hạ xuống đến một mức rất thấp. Từ giá gạo, giá tằm cũng như mọi thứ sản phẩm nông nghiệp khác đều sụt xuống một cánh nhanh chóng làm cho tầng lớp nông dân vốn kiếm sống bằng cách bán ra những nông phẩm này phải lâm vào cảnh điêu đứng vì không có thu nhập nữa. Trong khi đó, hằng năm họ vẫn phải trả địa tô. Bất luận năm nào họ cũng phải trả một món địa tô như nhau nhưng nay hàng bán ra giá quá thấp thì lấy chi mà trả. Thêm vào đó, chính sách tăng thuế và tạo ra thuế mới của Matsukata nông dân hầu như táng gia bại sản vì phụ đảm thuế nhà nước.

Kết quả là nông dân phải đem ruộng đất đi cầm cố và chịu lãi cao để vay cho được tiền hòng tạm thời thoát khỏi mối nguy cơ. Khổ nỗi, với thời gian, vốn và tiền lời chồng chất như núi, họ đành phải buông xuôi, mặc cho chủ quyền ruộng vườn thừa hưởng từ tổ tiên sang tay người khác. Những kẻ sa sút như vậy nếu còn yêu nghề nông chỉ còn có cách trở thành tá điền và tiếp tục sống trong cảnh nghèo khổ. Nếu không, họ phải khăn gói lên tỉnh làm lao động thành thị. Nhưng dù ở lại quê hương hay ra đi, hoàn cảnh kinh tế của họ nói chung là hết sức bi đát.

Điều đó không có nghĩa là nông dân nào cũng khổ vì chính sách của Matsukata. Có những nông dân biết lợi dụng thời cơ, ví như những phú nông. Những kẻ này mua với giá rẻ số ruộng đất mà các nông dân tự canh tác (jisakunô = tự tác nông) thất cơ lỡ vận phải bán đi, đưa cho những nông dân lưu lạc canh tác. Phú nông sẽ đòi một giá cho mướn đất thật cao và bóc lột những bần nông này. Họ không phải lao động gì cả mà vẫn có thể có cuộc sống sung túc.

Những phú nông cho người khác mướn đất để canh tác rồi ngồi không mà thu lấy hoa màu như thế được gọi là bọn địa chủ ăn bám (kisei jinushi = ký sinh địa chủ). Bọn địa chủ này thu tiền hoa màu của nông dân thuê đất để cho người khác vay, phần nhiều với lãi suất cắt cổ. Họ còn đầu tư vào cổ phiếu hay mở hãng xưởng.

Những biến chuyển ấy khiến cho tình hình càng ngày càng xấu đi và đẻ ra những sự cố.Vì chính sách của Matsukata mà nông thôn Nhật Bản phải trực diện với nguy cơ băng hoại. Chính nhằm lúc đó đã có những cuộc nổi dậy của nông dân do đảng viên Đảng Tự Do cầm đầu.

Cuộc nổi loạn đầu tiên đáng lưu ý là vụ ở Fukushima vào năm 1882 (Meiji 15). Viên tỉnh trưởng (huyện lệnh) của Fukushima tên là Mishima Michitsune (Tam Đảo, Thông Dung) khi vừa mới nhậm chức không lâu đã đặt kế hoạch làm đường sá có qui mô lớn và bắt nông dân phải tham gia công sự. Nông dân bèn nổi giận, kháng nghị. Riêng ở vùng Aidzu, một địa phương trong tỉnh, họ đã tụ họp được đến 3.000 người để đòi kế hoạch phải đình.Mishima bèn cho cảnh sát đến tận nơi triệt để đàn áp. Lại phán quyết rằng sau lưng có đảng viên Đảng Tự Do giật dây nên bắt một số rất lớn đảng viên Đảng Tự do trong tỉnh, cà nhân vật tên là Kôno Hironaka (Hà Dã, Quảng Trung, 1849-1923). Mishima là một người có khuynh hướng bảo thủ, ghét Đảng Tự Do, có lần đã nói: "Trong nơi ta quản hạt sẽ không để còn một bóng quân đốt nhà cướp của cũng như đảng viên Đảng Tự Do nào hết!". Nhân vật Kôno bị bắt này sau sẽ vượt ngục, trở thành một Thượng nghị sĩ rồi Tổng trưởng Bộ Công Thương, chính trị gia tên tuổi.

Sau vụ Fukushima, còn có thêm một chuỗi sự kiện khác, biểu lộ sự bất mãn của nông dân và tình trạng bất ổn trong xã hội.

- Vụ Takada (tháng 3 năm 1883, Meiji 16) đảng viên Đảng Tự Do vùng Takada tình Niigata nghi mưu sát viên chức cao cấp trong chính phủ nhưng bị bắt.

- Vụ Gunma (tháng 5 năm 1884, Meiji 17) đảng viên Đảng Tự Do dẫn dầu nông dân hô hào đả đảo chính phủ ở vùng chân núi Myôgi, bị tóm trọn.

- Vụ Kabasan (tháng 9 năm 1884, Meiji 17) đảng viên đảng dân chủ mưu sát tỉnh trưởng tỉnh Tochigi là Mishima Michitsune (đã nói ở trên) và nổi dậy ở Kabasan tỉnh Ibaragi nhưng bị trấn áp.

- Vụ Chichibu (tháng 10 năm 1884) một cựu đảng viên Đảng Tự Do lãnh đạo nông dân vùng Chichibu thuộc tỉnh Saitama nổi lên nhưng cũng bị đè bẹp. Vừa vặn trước khi nó xảy ra, Đảng Tự Do tự giải tán.

- Vụ Ôsaka (tháng 11 năm 1885) cựu đảng viên cánh tả Đảng Tự Do là Ôi Kentarô với các đồng chí như Isoyama Seibê, Kageyama Hideko mưu việc lật đổ chính phủ bảo thủ (thân nhà Thanh) của Triều Tiên và định sẽ thừa thế đó mà thi hành cải cách ở Nhật nhưng kế hoạch của họ sớm bị phát giác nên thất bại.

Thực ra, ban chấp hành trung ương của Đảng Tự Do phản đối hành động của một số đảng viên quá khích nhúng tay vào những vụ bạo động nói trên. Thế nhưng đảng viên của họ không nghe lời và những hành động quá khích cứ tiếp diễn.Trung ương đảng bộ không còn đủ tự tin để lãnh đạo nữa cho nên tháng 10 năm 1884 (Meiji 17) Đảng Tự Do mới phải giải tán. Vụ Kabasan là nguyên nhân chính đưa đến việc này cho nên có thể nói rằng khi các vụ Chichibu và Ôsaka xảy ra thì trên thực tế, Đảng Tự Do đã không còn tồn tại nữa.

Qui mô lớn nhất có lẽ là vụ Chichibu.Hàng vạn nông dân đã nổi lên. Phần lớn trong đám họ là những người đã mất sạch gia cư điền sản vì chính sách tài chính của đại thần Matsukata. Họ đứng dậy là để yêu cầu giảm bớt hay xóa sổ nợ cho họ. Trước khi sự kiện bùng nổ, họ đã kết hợp thành những tổ chức có tên rất gợi hình như Konmintô (Khốn Dân Đảng) (khốn dân = dân chúng đang gặp khốn khó), Shakkintô (Tá Kim Đảng) (tá kim = vay nợ), để gây sức ép với nhóm nhà giàu cho vay lấy lãi cao và các nha sở. Thỉnh nguyện thống thiết để xin giảm nợ hạ lãi của họ không được ai nghe nên cuối cùng sự uất ức mới thể hiện qua hành động.

Trong vụ Chichibu, cả địa phương bị đặt trong vòng ảnh hưởng của phong trào nông dân. Người theo Konmintô tấn công những nhà buôn cho vay lấy lãi cao và tập kích cả các nha thự cảnh sát.Có thể xem những hành động bạo động này là phản ứng đối nghịch lại chính sách của đại thần Matsukata.

Cảnh sát và hiến binh không trấn áp nổi, chính phủ phải dùng đến quân đội chính qui (chindaihei = trấn đài binh). Đảng Konmintô chống cự được gần một tháng mới chịu thua. Số bị bắt và kết tội lên đến 3.400 người. Như thế đủ biết qui mô của cuộc phản loạn ấy lớn như thế nào.

Cuộc nổi loạn ở Ôsaka cũng có màu sắc đặc biệt. Đối tượng của những vụ tấn công không phải là Nhật Bản nhưng mà là Triều Tiên.Chúng ta còn nhớ là hai nước Nhật Triều đã ký một hiệp ước thông hiếu (Nhật Triều tu hiếu điều qui) nhưng trên thực tế là hình thức để Nhật ép buộc Triều Tiên mở cửa biển buôn bán.Nhân đó, Nhật sẽ dần dần đặt Triều Tiên vào trong vòng ảnh hưởng của mình. Vì thế, chính phủ Triều Tiên mới trở nên chống Nhật và muốn loại trừ những thế lực thân Nhật trong nước.

Người trước đây thuộc cánh tả trong Đảng Tự Do là Ôi Kentarô mới cùng các đồng chí đặt kế hoạch ám sát quan chức cao cấp Triều Tiên và thay vào đó, mưu lập một chính phủ Triều Tiên mới do Đảng Độc Lập (thân Nhật) lãnh đạo. Họ nghĩ rằng nếu tạo nên chính biến ở Triều Tiên thì sẽ kích động được tinh thần dân chúng quốc nội Nhật Bản và giúp cho phong trào đòi hỏi tự do dân quyền đang suy thoái có dịp hồi phục.

Dù sao, mưu đảo chánh ở nước ngoài để tạo nên thanh thế trong nước là việc khó thể tán đồng. Nó còn đi ngược với tinh thần dân chủ của phong trào tự do dân quyền nữa.

Tóm lại, chính sách tài chính Matsukata, bắt đầu từ năm 1881 (Meiji 14) là nguyên nhân xa của những cuộc bạo động quá khích. Trong thời gian chúng liên tiếp bùng nổ, Đảng Tự Do đã giải tán vào năm 1884 (Meiji 17). Thế rồi Đảng Lập Hiến Cải Tiến cũng yếu đi từ khi nhân vật chủ chốt là Ôkuma Shigenobu tuyên bố thoát ly. Những cuộc bạo động đều bị chính phủ đè bẹp. Trong vòng mười năm liên tiếp, Đảng Tự Do đã dẫn đầu phong trào đòi hỏi tự do dân quyền nhưng nay phải nói nó hầu như hoàn toàn thất bại.

Tiết 4: Hiến pháp của Đế Quốc Đại Nhật Bản.
4.1 Chế độ nội các xuất hiện:

Cuộc chính biến năm Meiji 14 là cơ hội liên minh Satsuma- Chôshuu tạo ra dể loại Ôkuma Shigenobu ra khỏi chính quyền nhhung cũng vào thời điểm này, cũng nhân danh chính phủ để hứa với quốc dân là sẽ thiết lập quốc hôi, qui định hiến pháp trong vòng 10 năm tới.

Vì không thể phá lời giao ước trên cho nên chính phủ đã từ từ chuẩn bị đặt nền móng để thực hiện điều đó. Dần dần họ sắp đặt được tổ chức chính trị, chế độ địa phương, chế độ pháp lý vv...tức là những định chế cần thiết của một quốc gia cận đại.

Trước tiên, họ qui định chế độ nội các vào năm 1885 (Meiji 18), làm cho tổ chức hành chánh trung ương (quan chế cấp trung ương) có một sự thay đổi lớn. Chế độ này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. Như thế nó đã có trên 100 năm lịch sử và hoàn toàn bám rễ được ở Nhật.

Thử nhìn toàn cảnh một nội các để có một ý niệm về nó.Chúng ta sẽ thấy rằng nội các đầu tiên giữ được quân bình thế lực giữa hai phái phiệt liên minh là Satsuma và Chôshuu. Khỏi phải nói, hai phiên ấy hầu như độc chiếm chính quyền đương thời.

Vai trò Thủ tướng (Sôri daijin = Tổng lý đại thần) cũng vậy. Cho đến trận chiến tranh Nhật Thanh, như một qui luật, chỉ có người 2 phiên ấy lần lượt nắm mà thôi: Chôshuu (Itô Hirobumi, lần thứ 1), Satsuma (Kuroda Kiyotaka), Chôshuu (Yamagata Aritomo), Satsuma (Matsukata Masayoshi), Chôshuu (Itô Hirobumi, lần thứ 2), Satsuma (Matsukata Masayoshi, lần thứ 2), Chôshuu (Itô Hirobumi, lần thứ 3).

Nội các Itô Hirobumi lần thứ nhất

Vai trò trong chính phủ  Tên họ Phái phiệt Chức tước khác
Thủ tướng Itô Hirobumi Chôshuu Bá tước
Tổng trưởng ngoại giao Inoue Kaoru

Itô Hirobumi (lâm thời kiêm nhiệm)

Ôkuma Shigenobu

Chôshuu

Hizen

Bá tước

Bá tước

Tổng trưởng nội vụ Yamagata Aritomo Chôshuu Trung tướng lục quân. Bá tước
Tổng trưởng tài chính Matsukata Masayoshi Satsuma Bá tước
Tổng trưởng lục quân Ôyama Takashi Satsuma Trung tướng lục quân. Bá tước
Tổng trưởng hải quân Saigô Tsugumichi
Ôyama Takashi (kiêm nhiệm)
Saigô Tsugumichi
Satsuma Trung tướng lục quân. Bá tước.
Tổng trưởng tư pháp Yamada Akiyoshi Chôshuu Trung tướng lục quân. Bá tước.
Tổng trưởng giáo dục Mori Arinori Satsuma
Tổng trưởng nông thương Tani Takeki

Saigô Tsugumichi (kiêm nhiệm)

Yamagata Aritomo (kiêm nhiệm)

Hijikata Hisamoto

Kuroda Kiyotaka

Tosa

Tosa
 

Satsuma

Trung tướng lục quân. Bá tước.

Tử tước

Trung tướng lục quân. Bá tước.

Tổng trưởng thông tin Enomoto Takeaki Mạc thần Trung tướng hải quân
Thứ trưởng phụ trách văn phòng nội các Tanaka Mitsuaki Tosa Trung tướng lục quân
Thứ trưởng phụ trách pháp chế  Yamao Yôzô

Inoue Tsuyoshi

Chôshuu

Kumamoto

Cố vấn hoàng cung

Nhìn lại sự biến thiên của thể chế, chúng ta thấy nó đã bắt đầu với văn bản Seitaisho (Chính thể thư) qui định tổ chức hành chính cấp cao của nhà nước ra đời vào tháng 4 năm 1868 (Meiji nguyên niên). Nó là nguồn gốc của sự thành lập cơ cấu Dajôkan (Thái chính quan). Chế độ này sau đó đã được tu chính nhiều lần.

Trước khi có Dajôkan thì Nhật Bản có Sanshokusei (Tam chức chế,) tức Tổng tài, Nghị định và Tham dự [2] theo tinh thần Daigôrei (Đại hiệu lệnh) tức tuyên ngôn của thời vương chính phục cổ (trả quyền về nhà vua như xưa). Đó là thời điểm năm 1867 (Keiô 3). Sau đó thì tiến đến chế độ Dajôkan (gồm có 7 cơ quan, quan trọng nhất là thái chính quan, sau đến nghị chính quan, hành chính quan, hình pháp quan tượng trưng cho 3 quyền cơ bản) theo tinh thần Seitaishô tháng 4 năm 1868 (Meiji 1) như mới vừa trình bày. Tháng 7 năm 1869 (Meiji 2), sau khi Shôgun Yoshinobu trao trả chính quyền (đại chính phụng hoàn) thì chế độ Dajôkan được đổi thành 2 cơ quan (nhị quan: thần kỳ quan và thái chính quan) và 6 bộ (lục tỉnh: dân bộ, đại tàng, binh bộ, hình bộ, cung nội, ngoại vụ).Tháng 12 năm 1872 (Meiji 5) sau khi tổ chức lại hành chánh địa phương (phế phiên trí huyện) thì Dajôkan lại theo hình thức San.insei (Tam viện chế) gồm Chính viện, Tả viện và Hữu viện. Cuối cùng, chế độ nội các được ban hành tháng 12 năm 1885 (Meiji 18). Thủ tướng đầu tiên là Itô Hirobumi.

Tuy chế độ nội các thời ấy giống như chế độ nội các ngày nay nhưng trong nội dung vẫn có đôi điểm khác nhau.Quan trọng nhất có lẽ là định nghĩa xem " Các quốc vụ đại thần chỉ chuyên tâm lo việc trong địa hạt của mình và chịu trách nhiệm trực tiếp trước thiên hoàng". Ngay nay, thành viên nội các không chịu trách nhiệm trước thiên hoàng nhưng mà là trước quốc hội. Quốc vụ đại thần có nghĩa là các tổng trưởng (daijin = đại thần) và thứ trưởng (chôkan= trưởng quan), tham gia hội nghị nội các và làm việc dưới quyền thủ tướng (sôri daijin = tổng lý đại thần).

Ngoài ra, một đặc điểm khác giúp ta phân biệt được chế độ Thái chính quan và chề độ Nội các là sự chia tổ chức hành chính và tổ chức trong cung ra làm hai cơ quan. Trước đây, nó lẫn lộn vào nhau nhưng kể từ đây, đại thần phụ trách công việc cung đình (Kuunaishô =Cung nội tỉnh) được đặt ở bên ngoài nội các. Nên nhớ là trong chế độ tam viện (1872) thời Thái chính quan, cả Kưuunaishô (Cung nội tỉnh) lẫn Shinkishô (Thần kỳ tỉnh) lo việc cúng tế và tôn giáo đều năm ở bên trong tổ chức Thái chính quan.

Cũng từ đó, trong chế độ nội các, chức Nội đại thần (Naidaijin) đã được thiết lập trở lại. Công việc của người này là ở bên cạnh thiên hoàng để phù tá ông, giữ ấn tín, ngọc tỷ của nước, soạn thảo chiếu chỉ, sắc dụ của ông và điều hành mọi việc trong cung. Chức này tuy rất quan trọng nhưng chỉ được đặt thêm vào và không phải là Nội vụ đại thần (Naimudaijin, lo về cảnh sát, trị an, hành chính địa phương và tuyển cử vv...) .

Tuy gọi là có sự phân ly giữa việc trong cung và việc ngoài đời nhưng trên thực tế Thủ tướng Itô Hirobumi kiêm nhiệm luôn cả chức Cung nội đại thần, cho nên không thể nói là sự phân ly ấy đã xảy ra trên thực tế.

Người được bổ vào chức Nội đại thần đầu tiên lại là một ông Thái chính đại thần cũ, Sanjô Sanetomi.

Sau khi đã chỉnh đốn chế độ hành chính trung ương rồi, chính phủ bèn nhúng tay vào việc tổ chức hành chính địa phương.

Nhân vật đảm nhận trọng trách cải tổ chế độ hành chính địa phương là Yamagata Aritomo (Sơn Huyện, Hữu Bằng, 1838-1922). Ông đã một lần xuất hiện trong phần nói về lệnh trưng binh (chủ trương thành lập quân đội chính qui của nhà nước mà không cần dựa vào giai cấp sĩ tộc). Xuất thân từ phiên Chôshuu, ông là đồng hương, đồng chí nhưng cũng là người tranh đua chức vị với Itô Hirobumi. Yamagata có ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ lục quân, sau lại mở rộng sang cả đám quan liêu. Có thể xem ông như lãnh đạo phái bảo thủ (quân phiệt và quan liêu phiệt) trong chính phủ.

Ông dùng một số quan lại có tài năng để tổ chức một hệ thống hành chính địa phương như chế độ thành phố (shisei = thị chế), chế độ thôn làng (chôsonsei = đinh thôn chế, 1888, Meiji 23) chế độ quận, phủ huyện ( fuken.gunsei = phủ huyện, quận chế, 1890, Meiji 24). Trong việc đặt ra những định chế này, ông đã được sự hỗ trợ của luật gia người Đức Albert Mosse (1846-1925).Mosse đã làm cố vấn cho chính phủ Nhật từ 1886 đến 1890 (Meiji 19-23), diễn giảng luật hiến pháp và luật hành chánh cho Itô Hirobumi và quan chức Nhật. Vì lý do đó mà ta nhận thấy màu sắc của luật Đức (hay đúng hơn là Phổ) rất rõ nét trong những định chế này.

Nhờ có những định chế này mà Nhật đã thiết lập được một cơ chế hành chánh tự trị ở địa phương. Tuy nhiên vì trung ương vẫn tiếp tục khống chế nên sức mạnh tự trị của địa phương rất yếu. Đó là một đặc điểm cần nhắc tới. Chính ra là sau khi bị phản đối, trung ương có ủy quyền đôi chút cho địa phương. Dù vậy, đến hiện nay ta vẫn thấy quyền hành quá tập trung vào trung ương và các địa phương vẫn tiếp tục đòi hỏi phân quyền.

4.2 Cuộc vận động "đại đồng" đoàn kết và điều lệ về trị an:

Sau đây chúng ta sẽ xem đến quá trình thành lập hiến pháp.

Khi chính phủ bố cáo sắc dụ về việc tổ chức một quốc hội tương lai, họ chỉ muốn cho biết mọi chuyện sẽ bắt đầu một hiến pháp khâm định mà thiên hoàng tự nghĩ ra các điều khoản rồi công bố cho thần dân. Họ không hề đả động đến việc hỏi ý kiến dân rồi cùng soạn thảo với nhau hay gì gì cả. Chúng ta hiểu tư thế của chính phủ. Trước tiên, vì vương quyền lúc đó hãy còn mạnh mà chính phủ chỉ là một nhóm người đại diện cho phiên phiệt, không thể nào đẻ ra một hiến pháp nào khác hơn là một hiến pháp bảo thủ, duy trì quyền lực của các phiên.

Điều này không cấm việc các nhân vật trong phong trào vận động dân quyền thi nhau đưa ra những đề án về hiến pháp, gọi là shigi kenpô (tư nghỉ hiến pháp) nmà chúng ta đã nhắc đến bên trên. "Tư nghỉ" có nghĩa là "giả sử" hay"mong mỏi riêng tư". Trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 1870 đến đầu thập niên 1880 (1879-82, Meiji 12-15), có đến trên 40 đề án như vậy. Đáng chú ý hơn cả là đề án (Tư nghỉ hiến pháp án, 1881) của nhóm Kôjunsha (Giao tuân xã, Nhóm trao đổi tin tức), qui tụ các môn đệ của Fukuzawa Yukichi, lấy cảm hứng từ chế độ lưỡng viện của Anh. Theo họ, nhà quân chủ với chính phủ được xem như một nhưng chính phủ phải làm việc với hậu thuẫn của quốc hội. Nhà vận động dân quyền Ueki Emori thì đưa ra đề án mang tên Đông dương Đại Nhật Bản quốc quốc hiến án (1881). Đề án này cũng như đề án (1881) của nhóm Risshisha (Lập chí xã) đều chủ trương theo thể chế quốc hội nhất viện, trong đó, quốc dân nắm quyền lập pháp, lại đòi hỏi bảo đảm quyền tự do rộng rãi cho người dân. Ueki Emori dùng cả chữ "Nhật Bản liên bang" tuy vẫn nhìn nhận quyền "thống lĩnh binh mã" là đại quyền của hoàng đế. Các nhân vật có tiếng như Inoue Kowashi, Nishi Amane, Ono Azusa, Fukuchi Gen.ichirô đều có đề án. Dĩ nhiên, các đề án đứng trên quan điểm quân quyền chủ nghĩa cũng không thiếu. [3]

Về phía chính phủ thì năm 1882 (Meiji 15), họ đã phái Itô Hirobumi sang thăm các nước Âu châu. Gọi là để cho ông đi điều tra, học hỏi hiến pháp các nước Âu Tây nhưng trên thực tế là trước khi đi, ông đã định bụng sẽ quan sát cách áp dụng trong thực tế hiến pháp của Đức, một bản hiến pháp mà trong đó, vai trò và quyền hạn của hoàng đế rất quan trọng. Vì thế, sau khi thăm một vòng châu Âu, Itô đã đến gặp hai học giả trường phái luật Đức-Phổ là H. Rudolf von Gneist (1816-1895, Đại học Berlin) và Lorenz von Stein (1815-1890, Đại học Wien), triệt để học hỏi lý luận về hiến pháp và năm sau (1883) trở về nước.

Thế mà mãi đến cuối năm 1886 (Meiji 19), việc soạn một dự thảo hiến pháp mới bắt đầu khởi công thực sự.

Trong tay Itô Hirobumi lúc đó có một số bản dự thảo. Ông cùng với các bạn đồng liêu chủ chốt như Inoue Kaoru, Itô Miyoji, Kaneko Kentarô họp kín với nhau trong lữ quán Higashiya ở Kanazawa (thuộc thành phố Yokohama) để nghị luận. Người bên ngoài duy nhất được tham dự lại là một người Đức, Karl Friedrich Hermann Roessler (1834-1894), một cố vấn thân tín. Cuộc nghị luận được biết là rất sôi nổi vì họ bất đồng ý kiến trên nhiều điểm và nhiều lần đi đến chỗ chữi bới nhau. Chính ra việc này hơi khó hiểu vì vai vế của họ khác nhau và bề gì Itô Hirobumi cũng là một vị thủ tướng. Có bàn cãi cũng vẫn phải nể mặt người trên. Sự chữi bới lẫn nhau này cho ta thấy họ rất muốn có một bản hiến pháp tốt (có lợi cho chính quyền phiên phiệt) nên không ngần ngại lời qua tiếng lại. Chắc sự việc như vậy chỉ có thể xảy ra dưới thời Meiji này mà thôi (Đến nay người ta vẫn nói về "các ông già thời Meiji" như những con người nhiều cá tính, không biết khoan nhượng).

Trong khi nghị luận, bỗng có một chuyện lạ: cái cặp có bản dự thảo hiến pháp bị đánh cắp ở lữ quán. Nếu văn bản đó rơi vào tay kẻ chống đối chính quyền hay nhà báo thì rất là gay. Cả bọn các ông trong chính phủ đều xanh mặt. Tuy nhiên may mắn là người ta đã tìm lại được nó trong một đám ruộng bên cạnh, chỉ có một ít tiền bạc bị trộm lấy mất đi chứ văn bản hãy còn nguyên vẹn. Cho rằng nơi hội họp thiếu an ninh, các nhân vật đang thương nghị bèn chuyển sang tư dinh của Itô Hirobumi ở Natsushima (Kanagawa) để họp tiếp.

Bản dự thảo sau đó còn phải được đem ra bàn cãi nhiều lần ở cơ quan Suumitsuin (Xu mật viện). Cơ quan này có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi của thiên hoàng liên quan đến các vấn đề pháp luật, kế toán, điều ước.Nó cũng chỉ vừa mới được thiết lập ra vào lúc này ở Nhật. Viện trưởng của viện này là Itô Hirobumi, người vừa nhường chức thủ tướng cho đồng hương Satsuma là Kuroda Kiyotaka (Hắc Điền, Thanh Long, 1840-1900). Khi Suumitsuin họp để bàn thảo về hiến pháp, có cả Thiên hoàng Meiji thân hành đến chứng kiến.


Thủ tướng Kuroda Kiyotaka (1840-1900).

Sau đó, ngày 11 tháng 2 năm 1889 (Meiji 22), bản hiến pháp có tên là Dainihon teikoku kenpô (Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp) đã được Thiên hoàng Meiji ban bố.

Đây là hiến pháp đầu tiên của nhà nước Nhật Bản cận đại. Trước khi bàn về tính chất và nội dung của nó, thiết tưởng cũng nên có vài dòng để theo dõi những động tĩnh của phong trào đòi hỏi tự do dân quyền lúc ấy.

Chúng ta tưởng rằng sau khi bị suy thoái, phong trào này có thể đã biến mất từ khi các chính đảng bị giải thể (1883-84) và các phong trào bạo động của nông dân bị dập tắt (1884-1885). Nhưng không! Trong khi Itô và các yếu nhân chính phủ đang tụ họp ở Kanazawa (thuộc Yokohama, đừng nhầm với thành phố Kanazawa ở tỉnh Ishikawa) thì nó lại bùng lên.

Vì lý do đó, từ việc bố cáo hiến pháp cho đến khi quốc hội được thành lập, diễn tiến khá nhanh chóng. Trong khi chính quyền phiên phiệt đi từng bước một chỉnh đốn các định chế có tính cận đại để củng cố quyền lực càng ngày càng lớn mạnh của mình thì một bộ phận của phong trào đòi hỏi tự do dân quyền ngày trước muốn đi gấp rút hơn và bực bội về sự chậm trễ của chính phủ. Họ muốn tìm lại cái cảm giác thắng lợi lúc gây áp lực buộc được chính phủ phải ban hành sắc dụ thành lập quốc hội (1881). Đó là nguồn động lực thúc đẩy phong trào sớm xuất hiện trở lại.

Người phục hưng phong trào là cựu đảng viên Đảng Tự do Hoshi Tôru (Tinh, Hanh, 1850-1901), một luật sư từng du học ở Anh và có chân trong Luật sư đoàn bên ấy. Ông đã đề ra một cuộc vận động có tên là Daidô danketsu undô (Đại đồng đoàn kết vận động). Cái tên hơi khó hiểu nhưng đại khái nó có ý nói "bỏ qua những chỗ khác nhau nho nhỏ để tiến tới một thỏa thuận chung" (bỏ tiểu dị đến tiến tới đại đồng). Nói khác đi, Hoshi muốn hô hào rằng ý kiến dù có khác nhau những hãy hợp quần để cùng tiến tới một mục tiêu chung.

Bởi vì ông đã thấy cái hại của sự chia rẽ giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Lập Hiến Cải tiến. Trước kia, hai bên đều muốn chống lại chính quyền phiên phiệt nhưng vì ôm chặt lấy những điểm khác nhau về chủ nghĩa và chủ trương mà đã thất bại. Hai đảng ghét nhau một cách cay đắng, thường xuyên công kích lẫn nhau, rốt cục đưa đến việc giải tán đảng. Hoshi chủ trương không nên ngu dại như thế nữa mà phải đoàn kết nhất trí và tái hợp lại lực lượng.

Cuộc vận động tự do dân quyền lần này đưa ra ba mục tiêu để tranh đấu và đòi hỏi chính phủ thực hiện. Đó là khinh giảm địa tô, tự do tụ họp và tự do ngôn luận, sửa chữa những lỗi lầm về ngoại giao. Ba đòi hỏi đó được mang tên là san daijiken (tam đại sự kiện). Tuy nhiên "sự kiện" ở đây phải hiểu là 3 mục tiêu (target) chứ không phải là 3 sự kiện (event).

Những nhà vận động dân quyền đã tổ chức những cuộc nói chuyện để trình bày về 3 mục tiêu đó, mỗi lần như vậy họ đều công kích chính phủ. Trong cuộc vận động này, Hoshi Tôru sau đó đã được sự tiếp sức của một người đồng hương Tosa với cựu đảng trưởng Đảng Tự do Itagaki Taisuke là Gotô Shôjirô (Hậu Đằng, Tượng Nhị Lang, 1838-1897 ). Ông Gotô là một nhân vật hơn 20 năm về trước đã hoạt động trong phong trào "đại chính phụng hoàn" đòi mạc phủ trao trả quyền hành cho triều đình.

Trong 3 mục tiêu lớn mà phong trào "Đại đồng đoàn kết" đặt ra, có mục tiêu sửa chữa những lỗi lầm trong lãnh vực ngoại giao (gọi là "ngoại giao thất sách"). Đó là lời chê bai Tổng trưởng ngoại giao Inoue Kaoru đã xử trí một cách vụng về trong việc thương thuyết để liệt cường xóa bỏ những điều khoản bất bình đẳng của các hiệp ước ký trước đây. Vụng về thế nào thì ta nên xem lại ở phần nói về những hoạt động ngoại giao để tu chính điều ước.

Đối với cuộc tập hợp mới của phong trào đòi tự do dân quyền, chính phủ đã trả lời bằng sự đàn áp. Năm 1887 (Meiji 20), họ ban hành Hoan jôrei (Bảo an điều lệ) cho mục đích này. Trong bản điều lệ này, có những điều khoản lạ lùng, buồn cười, chưa từng có trong các đạo luật nói về việc giữ trị an từ trước đến nay. Ví dụ là những ai âm mưu hay đề xướng nổi loạn sẽ bị coi là nhân vật nguy hiểm, không được phép tiến gần đến hoàng cung trong chu vi 3 lý (12 cây số) và trong vòng 3 năm. Nó giống như án biệt xứ thời xưa.

Những nhà vận động tự do dân quyền không coi điều khoản ấy là một trò cười.Bởi vì những nhà lãnh đạo của phong trào như Hoshi Tôru, Ozaki Yukio, Nakae Chômin, Kataoka Kenkichi, Nakajima Nobuyuki... đã vì văn bản gìn giữ trị an đó mà không được sinh sống trong nội thành Tôkyô nữa.

Điều lệ này còn làm cho con số những nhà hoạt động bị trục xuất khỏi Tôkyô lên đến 570 người. Đáng kinh ngạc là trong số đó có cả những thiếu niên mới 14 tuổi.Lý do là hồi đó chưa có luật lệ dành cho người vị thành niên nên chính phủ đã gồm hết tất cả, bất kể tuổi tác, vào trong vòng ảnh hưởng của đạo luật.Tuy nhiên, sau khi chịu cái nạn này, phong trào tự do dân quyền còn phải gặp thêm một cái nạn lớn khác.

Đó là việc một nhân vật chủ chốt của phong trào, Ôkuma Shigenobu, đã bị "chiêu hồi" để trở thành Tổng trưởng ngoại giao trong nội các Itô (ông Itô làm thủ tướng tất cả 4 lần). Năm sau nữa đến lượt Gotô Shôjirô đột ngột bỏ hàng ngũ để nhậm chức Bộ trưởng phụ trách viễn thông bưu chính trong chính phủ Kuroda. Cuộc vận động như thế đã bị rút ruột, đập gãy cột sống. Dần dần những thành viên còn lại tiếp tục chia rẽ rồi tan rã. Bằng phương cách kết hợp với đối lập như thế, chính phủ đã thành công trong việc vô hiệu hóa phong trào tự do dân quyền.

4.3 Nội dung Hiến Pháp Đế Quốc Đại Nhật Bản:

Hiến pháp này là một hiến pháp khâm định, chịu ảnh hưởng nặng nề của hiến pháp Đức. Theo đó, quyền hạn của thiên hoàng và chính phủ (nội các) cực kỳ lớn. Dù vậy, khi hiến pháp được ban hành, dân chúng vẫn hết sức hoan nghênh.

Người yatoi gốc Đức là y sĩ Erwin von Baelz (1849-1913) đã có phần mĩa mai khi kể lại trong nhật ký của ông: "Thiên hạ lúc đó ai cũng sung sướng. Họ náo loạn như điên cuồng nhưng tức cười là chẳng ai hiểu nội dung hiến pháp có gì trong ấy". Lại có người tin rằng "ban bố hiến pháp" (kenpô happu ) là ban cho một tấm áo khoác (happi = pháp bị) bằng lụa tốt hạng nhất (kenpu = quyến bố) nên hết sức mừng rỡ. Dĩ nhiên đây là người dân bình thường không hiểu chuyện chính trị xa xôi đã phản ứng một cách ngây thơ. Thế nhưng cho dù nội dung hiến pháp có được đem ra trình bày trước mắt quốc dân, vẫn sẽ không có một ai chống đối. Lý do là vì ngay đối với cả những nhà vận động tự do dân quyền, việc được ban bố một hiến pháp là giấc mộng mà họ ấp ủ từ quá lâu rồi. Hơn nữa, hiến pháp này xem ra có màu sắc dân chủ hơn những gì họ dự đoán.

Hiến pháp này công nhận những quyền tự do cho thần dân (không gọi là quốc dân) trong phạm vi pháp luật cho phép.Thần dân (con dân của thiên hoàng) trên nguyên tắc sẽ được hưởng các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, xuất bản, tụ tập và lập hội. Trong hiến pháp cũng coi quyền sở hữu là một quyền bất khả xâm phạm.

Cùng lúc với việc ban bố hiến pháp, nhà nước đã cho ra đời đạo luật về tuyển cử đại biểu quốc hội (viện dưới hay Shuugiin = Chúng nghị viện). Đây là một đạo luật với qui định khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, chủ yếu nó nhìn nhận những người đại biểu quốc hội này sẽ được dân chúng bầu ra. Theo tinh thần hiến pháp thì trong Chúng nghị viện của Quốc hội đế quốc (imperial, nhưng lúc đó chỉ mới có thể hiểu là royal hay hoàng gia hơn là imperial đế quốc theo cái nghĩa kinh tế chính trị của từ này), các đại biểu của thần dân sẽ bàn thảo về ngân sách và các dự luật. Như vậy người trong nước được tham dự vào chính trị một cách gián tiếp, đúng như điều các nhà chủ trương tự do dân quyền hằng mơ tưởng. Đó là lý do tại sao lúc Hiến pháp Meiji ra đời (1889), không thấy ai đứng ra chất vấn về những chỗ bất cập của nó.

Thế nhưng, rõ ràng là Hiến pháp của Đại đế quốc Nhật Bản khi đó không có tính dân chủ thực sự như hiến pháp người Nhật đang có ngày nay. Trước tiên bởi vì nó qui định "chù quyền thuộc về thiên hoàng" (shuken zaikun = chủ quyền tại quân) chứ không thuộc về quốc dân. Hiến pháp qui định rõ ràng thiên hoàng đóng vai trò nguyên thủ quốc gia. Ngày nay, người được xem là nguyên thủ quốc gia là Thủ tướng, chủ tịch hội đồng nội các. Thiên hoàng tuy có địa vị cao nhất nước nhưng chỉ là một chức vụ danh dự chứ không đại diện cho cơ quan gọi là quốc gia.

Cái đập vào mắt là quyền hạn rất lớn dành cho thiên hoàng. Điều thứ nhất đã ghi "Đế quốc Đại Nhật Bản là do một vị thiên hoàng vạn thế nhất hệ cai trị". Cứ như theo văn bản qui định thì đủ hiểu quyền ấy lớn như thế nào. "Vạn thế nhất hệ" là tiếp nối từ xưa đến nay và không bao giờ dứt. Điều thứ ba tiếp tục trong chiều hướng đó: "Tính thiêng liêng (thần thánh) của thiên hoàng là điều bất khả xâm phạm".

Tóm tắt nội dung Hiến pháp Meiji

Điều Nội dung
1 Đế quốc Đại Nhật Bản do một vị thiên hoàng vạn thế nhất hệ cai trị
3 Tính thiêng liêng của thiên hoàng là điểu bất khả xâm phạm
4 Thiên hoàng là nguyên thủ quốc gia, có quyền nắm bao quát tất cả, dựa trên điều lệ của hiến pháp mà hành sử quyền ấy.
8 Thiên hoàng trong trường hợp khẩn cấp, để bảo vệ an ninh công cộng và tránh mọi nguy cơ xảy ra - khi quốc hội ở ngoài thời kỳ họp - có quyền ban sắc lệnh thay cho pháp luật (lược).
11 Thiên hoàng là nguyên soái thống lĩnh lục quân và hải quân.
29 Trong phạm vi pháp luật cho phép, thần dân Nhật Bản có quyền tự do ngôn luật, trứ tác, ấn hành, tụ tập, lập hội.
33 Quốc hội đế quốc được tổ chức làm 2 viện (lưỡng viện): Quý tộc viện và Chúng nghị viện. 
55 Các đại thần trông coi quốc vụ có nghĩa vụ phò tá thiên hoàng (lược)

Điều 4 cũng cho thấy một tay thiên hoàng nắm hết quyền cai trị, qui định mọi cơ cấu và tổ chức hành chánh, bổ nhiệm cũng như bãi chức các văn quan (quan liêu) và võ quan (quân nhân), hoạch định chính sách quốc phòng (giữ nước chống ngoại xâm), tuyên chiến (đặt nước mình vào một tình trạng chiến tranh với một quốc gia địch) và giảng hòa, cũng như kết ước với những nước khác. Quyền hạn như vậy có thể xem là tuyệt đại.

Chế độ nói trên gọi là chế độ "thiên hoàng đại quyền" vậy.

Cái quyền "nắm lấy bao quát tất cả" (sôran = tổng lãm) [4] nói đến trong điều 3 là một khái niệm khá khó hiểu, chúng ta không nên nhầm với tổng lãm là trông coi bao quát tất cả".

Ngoài ra, chế độ nội các thời đó cũng khác với bây giờ. Hiến pháp Meiji đã minh định rằng các quốc vụ đại thần ((tổng trưởng) chỉ chịu trách nhiệm trước thiên hoàng chứ không phải trước quốc hội. Duy có điều là trách nhiệm đó không phải toàn thể nội các phải gánh lấy mà chỉ là trách nhiệm cá biệt cho mỗi đại thần. Như ngày nay thì Thủ tướng chính phủ (Nội các tổng lý đại thần) có quyền bãi miễn một tổng trưởng (quốc vụ đại thần) nhưng dưới thời Meiji thì không như thế. Thủ tướng và tổng trưởng lúc đó hầu như ở một vị thế bình đẳng.

Quyền lực của thiên hoàng còn vượt xa hơn thế nữa.

Quyền chỉ huy quân sự hầu như tập trung trong tay thiên hoàng.Quyền đó là quyền thống lãnh quân đội. Điều 11 của hiến pháp đã qui định như thế. Thống lãnh có nghĩa là điều động, chỉ huy và mệnh lệnh.

Trên đây là những điều chính yếu của Hiến pháp Meiji. Như thế, có thể xem như Nhật Bản là quốc gia Á châu đầu tiên có được một bản hiến pháp. Sau đó, ngoài hiến pháp, Nhật bản đã tiếp tục công bố rất nhiều thể loại văn bản pháp luật khác để tạo cho mình một chế độ luật pháp xứng đáng với danh xưng nhà nước cận đại.

Xin tham khảo bảng dưới đây về một số văn bản pháp luật đã được công bố trong giai đoạn đó. Thế nhưng có một bộ luật gây nhiều tranh cãi làm cho nó bị tu chính, trì hoãn trong sự áp dụng nhiều lần. Đó là bộ Dân luật.

Những bộ luật được công bố dưới thời Meiji

Tên bộ luật Năm công bố
Hình luật. Luật trừng trị tội phạm (áp dụng 1882-90) 1880
Hiến pháp 1889
Qui phạm của hoàng gia 1889
Luật tố tụng dân sự 1890
Luật tố tụng hình sự (thay Luật trừng trị tội phạm 1880) 1890
Dân luật (thiên 1 đến 3) 1896
Dân luật (thiên 4 đến 5) 1898
Luật thương mại 1899

Nhân vật chính trong công việc soạn thảo các bộ luật này là người Yatoi gốc Pháp Gustave Emile Boissonade (1825-1890), nguyên giáo sư luật khoa Đại học Paris và đến Nhật làm cố vấn cho chính phủ từ năm 1873. Từ năm Meiji nguyên niên, ông là chủ nhiệm việc soạn thảo dự luật, bắt đầu bằng hình luật và luật tố tụng hình sự (có tên là Chizaihô = Trị tội pháp), sau đến các bộ luật khác. Ông về nước năm 1895.


Luật gia Gustave Emile Boissonade (1825-1910)

Riêng bộ Dân luật xem như hoàn tất vào năm 1890 (Meiji 23), 3 năm sau mới được đem ra áp dụng nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, đã là đề tài cho những cuộc tranh cãi lớn. Lý do là Boissonade đã tham khảo Dân luật của Pháp để làm luật cho người Nhật. Ông đã đem tinh thần của chế độ gia tộc theo văn minh Ki-tô giáo vào bộ luật và bị xem như không thích hợp với lối suy nghĩ Á Đông.

Trong giới học giả ngành pháp lý Nhật Bản, có nhiều điều dị nghị về nó nhưng cuộc tranh cãi chỉ trở nên một cuộc tranh luận thực sự là khi có sự can thiệp của nhà luật học và giáo sư Đại học đế quốc Tôkyô là Hodzumi Yatsuka (Huệ Tích, Bát Thúc, 1860-1912), một nhà hiến pháp học có tư tưởng tôn quân.Ông đã đang một bài văn nghị luận nhan đề "Dân pháp xuất, trung hiếu vong" (Dân luật ra đời, hết còn trung hiếu), cực lực phản đối bộ Dân luật ấy. Trong bài nghị luận, Hodzumi viết: "Nước Nhật là một quốc gia gia tộc theo chế độ thiên hoàng, nay đưa ra bộ luật kiểu Ân châu như vậy thì sẽ làm mất đi những điều tốt đẹp mà người Nhật đã nuôi dưỡng gìn giữ được cho tới nay". Trong khi Hodzumi kịch liệt công kích bộ Dân luật ấy thì ngược lại, bạn đồng nghiệp cùng trường của ông là Ume Kenjirô (Mai, Khiêm Thứ Lang, 1860-1910) đã hăng hái ủng hộ và đấu tranh để duy trì nó.

Cuộc tranh luận chung quanh bộ Dân luật xảy ra trước sau thời điểm 1890 (Meiji 24) có tên là Minpôten ronsô (Dân pháp điển luận tranh). Về sau, vào kỳ quốc hội họp lần thứ 3, cùng với bộ Luật Thương Mại cũng do Boissonade soạn, nó hãy còn bị hoãn áp dụng vì phải chịu một số tu chính. Bộ Dân luật đầu tiên ấy, sau đó đã được công bố 2 lần vào năm 1896 (Meiji 29) và 1898 (Meiji 31) nhưng vì có quá nhiều sửa đổi nên không còn thấy đâu hình ảnh của bộ luật nguyên thủy nữa.

Dù vậy, chính phủ đã công bố vá áp dụng rất nhiều bộ luật trong niên đại Meiji 20 (những năm 1880-1899), chỉnh đốn được thể chế của nước Nhật như một quốc gia cận đại.

Tiết 5: Cảnh hỗn loạn trong kỳ bầu cử quốc hội đầu tiên.
5.1 Tiến triển của bộ luật tuyển cử. Luật duy trì trị an.

Bộ luật ấn định cách thức tuyển cử hạ viện (chúng nghị viện) ra đời đồng thời với Hiến pháp Đế quốc Đại Nhật Bản đã mở đường cho việc người dân có thể tham gia việc nước. Đó là một đạo luật cột mốc trong lịch sử nền dân chủ Á châu.

Tuy nhiên, quốc dân không phải ai cũng có quyền đi bầu. Thoả mãn các điều kiện để có quyền bầu cử là một chuyện khá phức tạp. Cụ thể phải là đàn ông, trên 25 tuổi, có nộp các loại thuế trực tiếp (địa tô, thuế lợi tức) hơn 15 yen mỗi năm. Khi biết 1 tháng lương công chức chỉ có 5 yen thì ta có thể suy diễn ra rằng chỉ có dân giàu (phú hào) có mới có quyền đi bầu. Như thế, bộ luật tuyển cử chỉ phục vụ giới giàu có.

Tính ra, người có quyền bầu cử chỉ có 1,1% dân số nghĩa là 100 người dân mới được mỗi 1 người. Tổng số người được đi bầu trong ký bầu cử quốc hội (hạ viện) lần đầu tiên năm 1890 (Meiji 23) chỉ vỏn vẹn có 45 vạn. Còn về những kẻ có quyền ứng cử thì điều kiện giới tính và tiền đóng thuế cũng giống như người đi bầu, riêng tuổi tác thì phải trên 30.

Về sau, số tiền thuế phải đóng dàn dần được giảm xuống. Đến đời Taishô (1912-26) thì hạn chế về tiền thuế hoàn toàn không còn đem ra áp dụng nữa. Lúc đó, hễ là đàn ông đúng tuổi thì được đi bầu chứ không dựa vào số tiền thuế mà họ đã đóng.

Năm 1900 (Meiji 33), dưới thời Thủ tướng Yamagata Aritomo, khi giới hạn phải nộp thuế được kéo xuống còn 10 Yen thì con số cử tri tăng lên đến 98 vạn người tức 2,2 % dân số. Sau đó, vào thời thủ tướng Hara Takashi (Nguyên, Kính, 1856-1921) tức năm 1918 (Taishô 8), ngạch thuế ấn định chỉ còn có 3 Yen. Lúc ấy, con số cử tri lên đến 307 vạn, tức 5,5% tổng số quốc dân.

Có điều là vào thời điểm này, nguyện vọng của quốc dân là phải có một cuộc tuyển cử với phổ thông đầu phiếu chứ không phải là đầu phiếu giới hạn nữa. Cuộc vận động qua tụ họp và biểu tình của họ gọi là Fusen undô (phổ tuyển vận động = phổ thông tuyển cử) từ đó đã lan rộng.

Chính vì lý trên mà vào năm 1925 (Taishô 14), chính phủ Katô Takaaki (Gia Đằng, Cao Minh, 1860-1926) đã triệt bỏ điều kiện giới hạn người đi bầu vì số tiền nộp thuế. Do đó, những người đàn ông trên 25 tuổi đều dược cái quyền ấy. Sự tháo gỡ rào cản đã làm cho con số cử tri lên đến 1240 vạn người tức 20,8% dân số toàn quốc.

So sánh thời điểm áp dụng phổ thông đầu phiếu trên thế giới

Tên nước Áp dụng cho nam Áp dụng cho cả nữ Tên nước Áp dụng cho nam Áp dụng cho cả nữ
Pháp 1848 1945 Nhật Bản 1925 1945
Mỹ 1870 1920 Liên Xô 1936 1936
Đức 1871 1919 Ấn Độ 1949 1949
Anh 1918 1928 Trung Quốc 1953 1953

Nhân đó mà ngay cả người nghèo khổ, không chút tài sản, từ đấy cũng có quyền đi bầu. Duy những người nghèo khổ vừa được hưởng quyền lợi này, phần đông là những kẻ có cái nhìn phê phán với chính phủ đương nhiệm. Khả năng mà những khuynh hướng chính trị khuynh hướng xã hội và cộng sản thu lượm nhiều phiếu rất lớn. Nếu sự thể như vậy xảy ra thì chính phủ có nguy cơ bị băng hoại và chế độ thiên hoàng sẽ bị phủ nhận.

Vì lý do trên mà khi đưa ra Luật phổ thông đầu phiếu, chính phủ cũng ban hành song song Luật duy trì trị an (Trị an duy trì pháp, Chianijihô, 1900) với dụng ý đàn áp cử tri về mặt tư tưởng. Điều 1 của Luật này qui định: "Những ai thành lập các tổ chức hay đảng phái với mục đích phủ nhận quyền tư hữu tài sản hay muốn thay đổi quốc thể (kokutai) hoặc những ai cố tình tham gia hoạt động với các nhóm nói trên sẽ bị phạt khổ sai hoặc cấm cố trong một thời hạn nhiều nhất là 10 năm". Quốc thể (kokutai) nói đến ở đây không gì khác hơn là thể chế của nhà nước, nói cách khác, chế độ thiên hoàng. Hình phạt cấm cố chỉ bắt tội nhân gị giam giữ nhưng khỏi lao động, khổ sai thì bị cưỡng chế lao động. Khi nói đến những đảng phái "phủ nhận quyền tư hữu tài sản", nhà nước muốn nhắm vào các tổ chức thuộc ý thức hệ cộng sản.

Khốn nỗi dù nhà nước có tung ra bộ Luật duy trì trị an, trong kỳ tổng tuyển cử lần thứ nhất tổ chức vào năm 1928 (Shôwa 3), các đảng phái chính trị vô sản đã có đến 8 nghị sĩ đắc cử. Đảng phái vô sản (musan seitô = vô sản chính đảng) là những đảng chính trị tuyên bố bảo vệ quyền lợi của gia cấp vô sản tức những người không có của, phải lao động để có tiền sinh sống. Họ còn được gọi là giai cấp lao động. Ít nhất đó là lối hiểu về "vô sản chính đảng" thông thường được thấy ở Nhật.

Mặt khác, trong khoảng thời gian này, Đảng Cộng Sản Nhật Bản, một đảng phái thành lập vào năm 1922 và được xem như là bất hợp pháp, đang hoạt động mạnh mẽ.Chính phủ đương thời của Thủ tướng Tanaka Giichi (Điền Trung, Nghĩa Nhất, 1864-1929), trước ngày tổng tuyển cử và năm sau khi tổng tuyển cử vừa xong, đã hai lần ra lệnh càn quét và bắt giam các đảng viên Đảng Cộng Sản Nhật và giải tán những tổ chức công đoàn dính líu tới họ như Nihon rôdô kumiai hyôgikai (Nhật Bản lao động tổ hợp bình nghị hội). Đó là những vụ San.ichigo (Ngày 15 tháng 3), Yon.ichiroku (Ngày 16 tháng 4) như cách mệnh danh sự kiện theo ngày tháng mà nó xảy ra. Chính phủ đã tìm cách dồn các thế lực Cộng Sản vào chân tường.

Lúc đó, Thủ tướng Tanaka Giichi - một chính trị gia xuất thân từ phiên Chôshuu và là đại tướng lục quân - đã cho sửa đổi Luật duy trì trị an, tăng cường bằng cách thêm vào đó hình phạt nặng nhất: tử hình. Với luật cải chính này đến thập niên 1930 thì đối tượng của nó không chỉ dừng lại trong phạm vi những người cộng sản mà còn nới ra đến những người xã hội và cuối cùng lan rộng tới những người chủ trương theo khuynh hướng dân chủ. Bộ luật này sẽ là một vũ khí đáng sợ và rất đắc lực trong việc đàn áp tư tưởng trong suốt thời kỳ trước thế chiến thứ hai.

Luật qui định việc tuyển cử hạ viện (Chúng nghị viện, the House of Representatives) đầu tiên được đưa ra thì, như đã trình bày, được thấy có nhiều giới hạn. Ta có thể tự hỏi đối với thượng viện (Tham nghị viện) thì nó sẽ ra sao? Thực ra lúc ấy, thượng viện chưa hề tồn tại.Tuy chính phủ theo chế độ lưỡng viện nhưng thay vào chỗ của thượng viện, chỉ có một cơ quan gọi là Quí tộc viện (the House of Peers, the House of Lords như cách nói của người Anh). Thấy cái tên của nó thì chúng ta đủ biết nó không qua một kỳ tuyển cử nào cả và cũng không do quốc dân bầu ra. Thành viên của nó là người trong hoàng tộc, những nhà quí tộc ( tất cả các công tước và hầu tước trên 25 tuổi và một số bá tước, tử tước và nam tước bầu cho nhau giữa họ). Những nghị viên khác do thiên hoàng bổ nhiệm bằng sắc dụ hoặc là những kẻ đóng thuế nhiều (mỗi tỉnh lấy một người).

Khỏi cần phải nói, các ông nghị này đều thân chính quyền. Thế nhưng, theo Hiến pháp Meiji, nếu Quí tộc viện hoặc Chúng nghị viện, một trong hai mà phủ quyết thì trong kỳ họp ấy, sẽ không có đạo luật nào được ban hành. Do đó, trong trường hợp ở Chúng nghị viện, phái chống đối chính phủ có chiếm đa số, và dù họ bỏ phiếu cho một đạo luật không có lợi đối với mình đi nữa thì chính phủ cũng chưa phải lo lắng. Lý do là nó còn có nhiều sác xuất bị Quí tộc viện (vốn thân chính phủ) phủ quyết. Cứ như thế, dự luật đó sẽ không thể nào thành lập được. Trong thực tế, một số dự luật giảm thuế hay cho phép đầu phiếu phổ thông được chúng nghị viện thông qua rồi mà vẫn bị Quí tộc viện bác bỏ. Quí tộc viện đã đóng vai trò con đê chắn sóng cho chính phủ Meiji là như thế.

5.2 Đối đầu giữa chính phủ và quốc hội:

Nhân đây cũng cần thông tin thêm là trước khi Quí tộc viện được thành lập, chính phủ Meiji cũng đã dọn đường cho họ xuất hiện, nghĩa là gây dựng một cơ sở pháp lý đồng minh với mình.

Năm 1884 (Meiji 17), họ đã ban hành Kazokurei (Hoa tộc lệnh). Người đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa ra đạo luật này là Itô Hirobumi.

Khi đưa ra luật này, Itô đã tìm cách sửa đổi định nghĩa hai chữ "hoa tộc" (nobles). Cho đến lúc đó, hoa tộc được xem như tên gọi các cựu lãnh chúa (mạc phủ) và công khanh (triều đình). Nay thì nó trở thành tên gọi cả những nhân vật có công hoạt động cho công cuộc duy tân và những quan chức cao cấp trong chính phủ thời ấy. Giới hoa tộc kiểu mới này được xếp theo năm tước vị là công, hầu, bá, tử, nam và ngoài ra, họ còn có quyền thế tập.

Đây là điểm đáng chú ý. Itô nghĩ rằng mình không thể chỉ dựa vào mỗi "cựu hoa tộc". Hơn nữa những người có công trong cuộc duy tân Meiji cũng như quan lại cao cấp trong chính phủ mới là thành phần cơ bản của lớp người ủng hộ chính phủ. "Tân hoa tộc" này một khi đã có chân trong Quí tộc viện, sẽ sát cánh với chính phủ và tận tụy thi hành đúng theo sự mong đợi của họ. Thực tế cho thấy là Itô đã nhắm đúng mục tiêu và thành công.

Thế nhưng mĩa mai thay là trong một khoảng thời gian trên 20 năm kể từ ngày đó, Itô lại là cái đích của mọi sự phê phán khắt khe đến từ Quí tộc viện. Nó đã khiến ông khổ tâm không ít.

Những điều trình bày bên trên không có nghĩa là sự tồn tại của viện dưới (Chúng nghị viện) không có ý nghĩa chính trị. Có một lãnh vực mà viện này có vai trò quan trọng lấn lướt được viện trên. Đó là việc dự thảo ngân sách của chính phủ.

Quyền ấy gọi là yosan sengiken (dự toán tiên nghị quyền). Nó cho Chúng nghị viện cái quyền thẩm định dự thảo ngân sách (yosan) mà chính phủ đề ra. Nếu như quá phân nửa nghị viên của viện này không chấp nhận một bản dự thảo ngân sách nào đó thì dự thảo đó sẽ không được thông qua.

Chính vì lý do đó nên Chúng nghị viện - nơi có nhiều thành phần chống đối chính phủ - đã khôn khéo sử dụng quyền đó để đối chọi mạnh mẽ và nhờ đó đi đến giải pháp thỏa hiệp và nhận được vài sự đổi chác trên một vấn đề nào đó từ phía chính phủ.

Tuy thế, trong trường hợp hai bên xung khắc đến nổi không thể đi đến chỗ đồng thuận thì trên nguyên tắc, sự thể sẽ xảy ra là sang năm sau, chính phủ không có quyền chi ra một xu. Đó là điều không có thể để cho xảy ra. Chính phủ có thể - giống như hiện nay - là giữ nguyên ngân sách của năm trước. Tuy vậy trong một thời buổi mà mọi sự chi dùng càng ngày càng tăng, nhất là chi tiêu tăng cường quân bị, nếu bị Chúng nghị viện kiếm chuyện thì chính phủ tất nhiên sẽ rất bối rối.Và sau đây là một ví dụ cụ thể của sự tranh chấp đó.

Một năm sau khi hiến pháp được ban bố (1890), Thủ tướng Kuroda Kiyotaka đã diễn thuyết : "Chính phủ thường thường đi theo một phương hướng đã qui định. Nó đứng trên và đứng ngoài các chính đảng". Nếu giải thích ý đó, người ta có thể hiểu là: "Cho dù các thành phần trong chống đối nắm được quyền hành trong quốc hội để gây áp lực thế nào đi nữa, chính phủ vẫn không thèm để ý tới và cứ tiến về phía trước. Sẽ chẳng cho các anh tham dự và cũng không có ý định trao chính quyền cho các anh". Như thế chính phủ đã giữ lập trường siêu nhiên chủ nghĩa (chôzen shugi = đứng trên và đứng ngoài, có tính thần thánh, siêu việt).

Thế nhưng khi quốc hội vừa ra đời thì chính phủ đã bắt buộc thay đổi nguyên tắc trịch thượng ấy và không phải tự nhiên mà họ tỏ ra khiêm tốn hơn. Ngay ở cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên, mặc dầu giới hạn nghiêm ngặt quyền đi bầu (chỉ cho người có tiền trở thành cử tri), chính phủ đã bị thất bại. Con số nghị viên chống đối chính phủ lên quá phân nửa. Tổng số ghế trong quốc hội là 300, Đảng Lập Hiến Tự Do được 130 ghế, Đảng Lập Hiến Cải Tiến 41 ghế, tổng cộng họ đã chiếm hết 171 ghế rồi (quá bán là 151). Hai đảng này đều chủ trương vận động tự do dân quyền và có khuynh hướng chống chính phủ, được gọi bằng cái tên chung là Mintô (Dân đảng = Đảng của dân chúng).

Dĩ nhiên cũng có đảng ủng hộ chính phủ.Ngưòi ta gọi nó là Ritô (Lại đảng = Đảng của quan lại). Họp nhau lại, họ có 79 ghế. Ngoài ra, trong quốc hội còn có Đảng Kokumin jiyuutô (Quốc Dân Tự Do) với 5 ghế và nhóm nghị viên không đảng phái với 45 ghế. .

Trong khung cảnh một Chúng nghị viện như thế thì Dân đảng có sức mạnh hơn cả. Ngay kỳ họp của Nghị hội đế quốc lần đầu tiên , đã có những tiếng phản đối ở Chúng nghị viện liên quan đến dự thảo ngân sách. Dân đảng chê trách chính phủ và đòi hỏi phải cắt giảm con số đưa ra.

Thủ tướng thời đó là Yamagata Aritomo. Đầu tiên, ông ta đã tuyên bố trước Quốc hội là "Việc tăng cường ngân sách quân sự là để bảo vệ chủ quyền ở biên giới của Nhật Bản mà biên giới đó phải hiểu như "biên giới quyền lợi" nghĩa là bao gồm cả bán đảo Triều Tiên".Thế nhưng Dân đảng hoàn toàn không nghe theo và đòi hỏi chính phủ phải cắt giảm đi 800 vạn Yen.

Yamagata gặp cảnh khó khăn. Ngoài mặt, ông ta ra vẻ quyết liệt, tuyên bố kiểu siêu nhiên chủ nghĩa như Kuroda Kiyotaka, người tiền nhiệm. Sau lưng, ông ta làm công tác ám muội, mua chuộc một số thành viên của Đảng Tự Do (phái của địa phương Tosa) để họ vận động sao cho chỉ cắt giảm 600 vạn Yen thôi. Rốt cuộc bằng đường lối chính trị, ông đã thành công trong việc được quốc hội thông qua ngân sách. Và dĩ nhiên như thế cũng là nhờ đã bỏ tiền ra hối lộ các nghị viên.

Năm 1891 (Meiji 24), quốc hội đã họp lại lần thứ hai và đưa ra mục tiêu "chính phí tiết giảm, dân lực hưu dưỡng" vốn có nghĩa là yêu cầu chính phủ phải kiệm ước chi phí để nới sức cho dân, không bắt họ phải đóng thêm tô thuế. Lần này, quốc hội lại đối lập với chính sách của Matsukata Masayoshi, lúc ấy đã lên làm Thủ tướng. Cuộc đấu tranh cũng rất quyết liệt vì từ một ngân sách ước chừng 8.000 vạn Yen, quốc hội đòi cắt chừng 900 vạn Yen. Đặc biệt trong các khoản chi tiêu phải cắt có phần ngân sách để đóng 2 chiến hạm và xây dựng một nhà máy luyện thép.

Đại thần phụ trách hải quân Kabayama Sukenori (Hoa Sơn, Tư Kỷ) bốc hỏa lên đầu, giữa hội nghị đã cương quyết: "Việc tăng cường sức mạnh của hải quân là điều tất yếu để bảo vệ lãnh thổ" và buột miệng: "Các ông lúc nào cũng chê trách chính phủ là phiên phiệt Satsuma-Chôshuu, chứ lấy ai là người bảo vệ các ông, nếu không phải là chúng tôi!"

Thái độ và lời lẽ ngạo mạn của Kabayama đã làm cho các nghị viên Dân đảng nổi giận, lên tiếng thóa mạ lại, làm cho hội trường hỗn loạn. Không những thế, nó đã đưa đến hậu quả là đạo luật chính phủ đưa ra bị bác tại Chúng nghị viện. Thủ tướng đương thời - Matsukata Masayoshi - buộc lòng phải lấy quyết định giải tán nghị hội. Đó lần đầu tiên chuyện giải tán quốc hội xảy ra ở Nhật.

Tháng 2 năm sau, trong kỳ tổng tuyển cử, nội các Matsukata không muốn ê mặt thêm một lần nữa nếu để cho Dân đảng đạt được số ghế quá bán. Do đó, nội các Matsukata mà người năng động nhất là Đại thần phụ trách nội vụ là Shinagawa Yajirô (Phẩm Xuyên, Di Nhị Lang) đã tổ chức một cuộc vận động tuyển cử rất tích cực. Đáng ngạc nhiên là cuộc vận động ấy không đặt trọng tâm vào việc giải thích đường lối của chính phủ để dành thắng lợi cho các thành viên đảng phái thân chính quyền như người hiện đại chúng ta vẫn làm. Cách tranh cử của Shinagawa là cản trở đối thủ, huy động cả đến lực lượng cảnh sát để làm phương hại hoạt động của các ứng cử viên đối lập.

Các ứng cử viên Dân đảng trên toàn quốc đã bị những nhóm côn đồ do chính phủ mướn đến hành hung. Còn như cử tri thì bị người lạ mang đao kiếm đến nhà hăm dọa, đòi giết nếu bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân đảng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là phía Dân đảng cũng đã dùng phương pháp tương tự để trả lời.Một bộ phận những nhà vận động tự do dân quyền trẻ tuổi cũng mang kiếm đến nhà cử tri và yêu cầu bỏ phiếu cho người của mình. Kết quả là trong lần vận động tuyển cử đó, đã có 25 người thiệt mạng, 388 người mang thương tật.

Dù có cản trở một cách mạnh mẽ như vậy, kết quả của kỳ bầu cử đó đã nghiêng về phía Dân đảng. Họ chiếm được 163 ghế và đạt được quá bán số ghế, tuy so với kỳ trước (171 ghế) thì có kém đi đôi chút.

Shinagawa Yajirô bị trách cứ, nhận trách nhiệm của sự thất bại này và từ chức. Thế nhưng sau đó, ông ta lại cùng với Saigô Tsugumichi (Tây Hương, Tùng Đạo, phiên sĩ Satsuma và là em trai Takamori) tụ tập một số nghị viên thân chính quyền để thành lập Kokumin Kyôkai (Quốc dân hiệp hội), hình thức một Lại đảng đối lập với Dân đảng.Mặt khác, nội các Matsukata vì mất tự tin trong chính sách đối với nghị hội, chẳng bao lâu đã tổng từ chức. Người kế nhiệm Matsukata là Itô Hirobumi, kẻ có thế lực nhất trong chính phủ thời đó và khá khôn khéo trong chính trị. Đây là lần thứ hai ông thành lập chính phủ.

Itô hiểu rằng không còn có thể dựa trên luận điệu "siêu nhiên chủ nghĩa" nữa rồi. Ông đổi hướng, tìm cách tiến gần Đảng Tự Do. Đặc biệt, một thành viên trong nội các thứ nhì của Itô này - Ngoại vụ đại thần Mutsu Sonemitsu (Mục Áo, Tông Quang) - là người đủ quen biết để làm gạch nối giữa hai bên. Qua ông, chính phủ bắt đầu thi hành tác chiến lung lạc nội bộ Đảng Tự Do. Itô đã thành công tốt đẹp vì qua kỳ họp lần thứ 4, dự luật có mục đích tăng cường chi tiêu để khuếch trương Hải quân mà trước đây Dân đảng chống đối kịch liệt, đã được nghị hội thông qua.

Có điều là lần này chính phủ đã phải mượn sức của một viện binh nặng cân, Thiên hoàng Meiji.Bản thân thiên hoàng đã gửi chiếu thư cho nghị hội: "Để có tiền đóng chiến hạm, hoàng gia sẽ tiết kiệm chi phí trong cung mỗi năm 30 vạn Yen và yêu cầu các quan văn võ cắt bớt 10% lương bổng để dùng vào việc đó. Yêu cầu nghị hội hãy hiệp lực với chính phủ". Trước sự khẩn thiết của thiên hoàng, nghị hội buộc lòng phải hợp tác.

Riêng về Itô, tuy có khéo léo liên kết với Đảng Tự Do để giành lấy sự thành công trong nghị hội, nhưng kể từ đó, ông đã gặp nhiều khó khăn trong mối liên lạc của mình đối với họ. Trước tiên, Đảng Lập Hiến Cải Tiến tỏ ra không bằng lòng khi thấy chính phủ và Đảng Tự Do dù khác chính kiến lại keo sơn gắn bó với nhau. Họ bèn liên kết các Dân đảng khác và đồng minh ngay với cả Quốc dân hiệp hội, trước đây là Lại đảng, để có được số ghế quá bán. Rồi kể từ lúc ấy, họ chỉa mũi dùi vào Nội các Itô, tấn công thái độ thiếu triệt để của ông trong sự thương thuyết với liệt cường nhằm cải chính các điều khoản bất bình đẳng ký trong hiệp ước. Trong thời gian nghị hội thứ 4 và thứ 5, Itô đã phải "khổ chiến" với phái đối lập. Tình hình mỗi lúc mỗi xấu đi cho chính phủ của ông, và nguy cơ đó kéo dài tận năm 1884 (Meiji 27), khi bùng nổ cuộc chiến tranh Nhật Thanh.

Tiết 6: Vận động tu chính những hiệp ước bất bình đẳng.
6.1 Chính trị Rokumeikan và ngoại trưởng Inoue Kaoru:

Như chúng ta hãy còn nhớ, trong các hiệp ước mà Mạc phủ Edo đã ký với liệt cường, có hai điều khoản bất bình đẳng.

Trước hết là chế độ quan thuế theo hiệp định. Nó làm cho Nhật Bản không có chủ quyền ấn định mức quan thuế theo ý mình. Tiếp đến là quyền lãnh sự tài phán (trị ngoại pháp quyền) qui định rằng chính quyền Nhật không có quyền xử phạt người ngoại quốc sống trên đất mình khi họ phạm tội.

Hồi phục quyền đánh thuế và quyền xử phạt là hai mục đích tối thượng của người cầm quyền thời Meiji. Trước đây chúng ta đã biết rằng khi sứ bộ do Hữu đại thần Iwakura Tomomi đi thăm Âu Mỹ vào năm 1871 (Meiji 4) thì vấn đề đòi cải chính hiệp ước cũng đã được nhắc đến. Tuy nhiên cuộc thương thảo chỉ bắt đầu một cách sơ bộ vào năm 1872 (Meiji 5). Phiá bên kia là chính quyền Mỹ. Họ được xem như những đối tác đầu tiên. Thế nhưng lần thương thuyết dự bị đó đã bị thất bại.

Dù vậy, chính phủ Meiji vẫn không hề nản chí và tiếp tục việc thương thảo. Rốt cuộc, đến năm 1911 (Meiji 44) thì họ đã thành công trong việc hoàn toàn xóa được các điều khoản bất bình đẳng. Chúng ta hãy thử xem cuộc thương thảo ấy đã diễn ra theo quá trình như thế nào:

Trước khi trình bày nội dung, xin nhắc lại tên các nhân vật Nhật Bản trong vai trò ngoại trưởng đã lần lượt tham gia vào cuộc thương thảo kéo dài nhiều năm này:

Hữu đại thần Iwakura Tomomi à Ngoại vụ khanh Terashima Munenori à Ngoại vụ khanh (sau đó mang chức danh Ngoại vụ đại thần) Inoue Kaoru à Ngoại vụ đại thần Ôkuma Shigenobu à Ngoại vụ đại thần Aoki Shuuzô à Ngoại vụ đại thần Mutsu Munemitsu à Ngoại vụ đại thần Komura Jutarô.


Ngoại trưởng Komura Jutarô (1855-1911)

Có thể nói người thực sự bắt đầu cuộc thương thảo để thay đổi hai điều khoản bất bình đẳng nói trên là Ngoại vụ khanh (như thượng thư) Terashima Munenori, một viên quan lại xuất thân từ phiên Satsuma. Năm 1878 (Meiji 11), ông đặt ra kế hoạch chỉ tập trung vào điều khoản liên quan đến quan thuế. Phía đối tác cũng lại là Mỹ, đối thủ mà Nhật Bản đã có kinh nghiệm giao thiệp trong quá khứ.

Ngón đòn đã đánh trúng đích. Người Mỹ bỗng dưng đồng ý cái một và cứ thế mà văn bản có tên Nichibei yakusho (Nhật Mỹ ước thư, hay Hiệp ước Yoshida - Evert) đã được ký kết. Yoshida tức là Yoshida Kiyonari, viên công sứ nhật ở Mỹ và W.M. Evert, thứ trưởng ngoại giao Mỹ. Nhật Bản nhờ đó đã dành lại được quyền đánh thuế từ tay người Mỹ.

Khốn nỗi là hiệp ước đó lại kèm thêm một tiền đề là "việc thực thi hiệp ước này sẽ bắt đầu sau khi có sự đồng thuận của các nước khác" và trong khi đó, cả ba quốc gia quan trọng là Anh, Pháp, Đức đều phản đối việc Nhật Bản phục hồi quyền định đoạt mức độ quan thuế. Kết cục, ước vọng đoạt lại chủ quyền quan thuế của Nhật vì thế mà không thực hiện được.

Người tiếp tục việc thương lượng với liệt cường là Ngoại vụ khanh Inoue Kaoru. Từ năm 1882 (Meiji 15) cho đến 1887 (Meiji 20), việc thương thuyết kéo dài. Trong khoảng thời gian đó, ở Nhật Bản, chế độ nội các được thiết lập (1885, Meiji 18) thế chỗ chế độ các quan khanh (thượng thư). Ngoại vụ khanh nay đổi thành chức danh mới là Ngoại vụ đại thần và đây cũng là một điểm đáng chú ý..

Vào năm 1882 (Meiji 15), Inoue Kaoru đã tổ chức một đại hội trù bị ở Tôkyô. Ông đã cho mời hết đại biểu liệt cường. Thế rồi đến năm 1886 (Meiji 19) thì họ bắt đầu bàn cãi một cách chính thức.


Ngoại trưởng Inoue Kaoru (1836-1915), 
người chủ trương triệt để Âu hoá

Trên bàn hội nghị trù bị vào năm 1882 (Meiji 15), Inoue đã đưa ra đề án sửa đổi từ phía Nhật.Năm sau thì các cường quốc đều chấp nhận đề án đó. Sở dĩ Inoue muốn có một cuộc họp khoáng đại với tất cả các nước liên hệ vì ông nghĩ rằng dù có thành công trong các cuộc họp với từng nước thì hiệp ước đó cũng khó lòng được đem ra áp dụng khi có một nước nào đó lên tiếng phản đối. Bởi vì ông đã nhìn thấy những công lao đã tan theo bọt nước của Ngoại vụ khanh và cũng là người tiền nhiệm, Terashima Munenori.

Đặc điểm của đường lối chính trị Inoue Kaoru là bằng chính sách triệt để Âu hóa, Nhật Bản sẽ đem lại những thành quả ngoại giao. Nổi tiếng nhất là việc xây dựng ngôi nhà Rokumeikan (Lộc minh quán) ở khu Hibiya trung tâm Tôkyô làm cơ sở tiếp đãi quan chức nước ngoài, có tiệc tùng khiêu vũ.Điều này như muốn ngầm bảo với họ rằng: " Nhật Bản cũng là một đất nước văn minh nên các ông hãy đổi cách nhìn đối với chúng tôi". Đã xảy ra những chuyện khôi hài như việc các quan lại cao cấp Nhật Bản nỗ lực đi tập nhảy đầm, một nghĩa vụ để phục vụ cho mục đích đối ngoại. Ngày nay, ngôi nhà gọi là Rokumeikan ấy [5] - Lộc minh có nghĩa là tiếng nai kêu, lấy ý từ chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi - không còn nữa nhưng hãy còn hình ảnh lưu lại về nó, một biệt điện hai tầng trang trí xa hoa lộng lẫy có một sàn khiêu vũ thật lớn trên lầu, tất cả do kiến trúc sư người Anh Josiah Conder [6] vẽ kiểu và thi công.


Quang cảnh ngoại giao với tiệc khiêu vũ trong Rokumeikan

Inoue cũng khuyến khích người Nhật sinh hoạt theo lối Âu Mỹ. Chính vì bản thân có lần du học Âu châu nên người ta thấy nơi ông đôi chút phong cách Tây phương (Seiyô-kabure). Do đó, không thể nói ông muốn quốc dân Âu hoá để thực hiện cho mỗi việc điều chỉnh các điều khoản bất bình đẳng chứ không vì thực lòng. Chính sách đó hẳn phải thoát thai từ điều ông tin tưởng: "Âu hóa là phương tiện duy nhất để Nhật Bản có thể sống còn". Tuy nhiên những nhà quan sát phương Tây cho là một cảnh tượng lố lăng, lạ lùng, hoàn toàn không phù hợp với người Nhật, khi thấy những nhà quí tộc, quan chức và mệnh phụ Nhật Bản mang mặt nạ và hóa trang thành chú chăn cừu hay cô bé quàng khăn đỏ.

Bên ngoài Rokumeikan thì khá hơn. Do ảnh hưởng của đường lối Âu hoá mà chính phủ đề xuất: ở trung tâm các thành phố lớn, người ta thấy nhan nhản những người ăn mặc Âu phục và đi giày. Số người ăn bánh mì và uống sữa cũng gia tăng. Thậm chí xuất hiện cả những hội đoàn như Romaji-kai (La Mã tự hội) chủ trương việc dùng chữ La Mã thay cho chữ Kanji (Hán tự).

Tuy vậy, không thiếu chi những người lên tiếng phản kháng việc Âu hóa. Ký giả và cũng là nhà văn Tokutomi Sohô (Đức Phú Tô Phong, 1863-1957) chẳng hạn. Ông phê phán chính phủ đã đề xướng một kiểu Âu hoá có tính chất quí tộc chủ nghĩa. Ông nói: " Các nhà quí tộc ăn không ngồi rồi thì cứ xơi cơm kiểu kaiseki ryôri (cơm sang trọng nhưng thanh cảnh lối Nhật) là xong chuyện. Những người cần đến bánh mì và sữa - những thứ cho nhiều năng lượng (để làm việc) - phải là tầng lớp lao động". Như thế, ông hô hào cho một sự Âu hoá gọi là heiminteki Ôka (bình dân đích Âu hóa).

Tokutomi Sohô lập ra nhà xuất bản Minyuusha (Dân hữu xã) và phát hành Kokumin no tomo (Quốc dân chi hữu) hay Bạn dân để truyền bá lý thuyết của mình. Một mặt đặt nặng hạnh phúc của quốc dân, mặt khác, ngược lại, ông coi trọng sự độc lập của quốc gia và dân tộc tính của người Nhật. Từ lúc ấy, hệ tư tưởng gọi là chủ nghĩa dân tộc của thời cận đại đã manh nha và có nhiều nhà lý luận ngã về hùa.

Trong những người đồng quan điểm với ông có nhà báo và bình luận gia Miyake Setsurei (Tam Trạch, Tuyết Lĩnh, 1860-1945). Setsurei lập Seikyôsha (Chính giáo xã), ra tạp chí Nihonjin (Nhật Bản nhân), hô hào chủ nghĩa quốc túy (kokusui shugi, ultranationalism), chủ trương tính ưu việt của quốc dân Nhật Bản thông qua lịch sử, chính trị, văn hóa, tán dương và tìm cách duy trì cũng như xiển dương những điểm mạnh cố hữu của dân tộc mình. Bên cạnh ông, Kuga Katsunan ra tờ nhật báo Nihon (Nhật Bản), thuyết về kokumin shugi (quốc dân chủ nghĩa, nationalism) với một kiến giải tương tự, cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của nước mình trước đã.

Lại nói về việc Inoue thương lượng để sửa đổi những điều khoản bất bình đẳng. Trước tiên, ông nhằm phục hồi quyền tư pháp (bãi bỏ quyền lãnh sự tài phán của liệt cường). Kể từ năm 1886 (Meiji 19) trở đi, Nhật Bản chính thức khởi động việc thương nghị với các nước liên hệ. Sang năm sau thì hầu như liệt cường đều đi đến chỗ thừa nhận lập luận của Nhật Bản.

Sở dĩ các nước có vẻ chấp nhận một cách dễ dãi như vậy là bởi vì người Nhật cho họ biết là sẽ đánh đổi quyền lãnh sự tài phán này bằng việc cho phép người ngoại quốc được cư trú trong nội địa Nhật (naichi zakkyo = nội địa tạp cư) và khả năng sẽ có các thẩm phán người nước ngoài được bổ nhiệm vào hệ thống tư pháp Nhật Bản.

Theo ý Inoue thì hai năm sau khi điều ước phục hồi quyền lợi của Nhật Bản được phê chuẩn, người ngoại quốc sẽ được sinh sống trên toàn thể lãnh thổ Nhật Bản. Cùng lúc, Nhật Bản hứa sẽ chuẩn bị soạn thảo các loại luật lệ. Có điều là trước khi các bộ luật này đem ra thi hành, Nhật Bản sẽ phải thông báo nội dung của nó cho các nước. Lại nữa, trong một phiên xử mà bên nguyên hay bên bị là người nước ngoài thì sẽ có trên phân nữa thẩm phán ngoại quốc tham gia vào việc xét xử.

Vào thời điểm đó thì trên nguyên tắc, người ngoại quốc không được sinh sống ở ngoài các khu vực dành riêng cho họ gọi là kyoryuuchi (cư lưu địa). Inoue hứa sẽ bãi bỏ sự ngăn cấm đó. Hơn nữa, để đánh đổi việc triệt thoái quyền lãnh sự tài phán, ông lại tuyên bố sẽ mướn thật nhiều thẩm phán ngoại quốc trong pháp đình để xử những vụ kiện có người ngoại quốc dính líu tới.

Chẳng may cho Inoue, dần dà nội dung của cuộc thương nghị đã bị lộ ra bên ngoài. Ban đầu nã pháo vào ông là các chính trị gia theo chủ nghĩa quốc túy.Thế rồi các nhà vận động tự do dân quyền vừa mới kết hợp lại cũng tham chiến. Nhóm người ấy đã triển khai cuộc tranh đấu của mình thành Phong trào đưa kiến nghị về 3 sự kiện tối quan trọng (San daijiken kenpaku undô, Tam đại sự kiện kiến bạch vận động, 1887). Một trong 3 khẩu hiệu của họ là Hồi phục những thất sách trong ngoại giao (hai khẩu hiệu khác là Tự do ngôn luận và Khinh giảm tô thuế). Họ yêu cầu chính phủ phải nghiêm chỉnh trong việc thương thảo và cho rằng những nhượng bộ của Inoue là vô đấu pháp, khó lòng tha thứ.

Không những thế và đau cho Inoue là bên trong nội các, người ta cũng phản đối cách làm việc của ông. Oái oăm nhất có lẽ là nó được phát động bằng một người ngoại quốc: cố vấn pháp luật cho nhà nước, Gustave Emile Boissonade (1825-1910). Là một nhà pháp luật lão luyện trong nhóm Yatoi, xuất thân giáo sư ngành luật Đại học Paris, trung thành với thiên chức, ông đã phê phán triệt để Inoue. Ông cho rằng Inoue với tiền đề là phục hồi quyền tư pháp, lại có những nhượng bộ làm mất cả chủ quyền quốc gia và nếu điều ước mới hình thành thì nó còn tệ hại hơn là điều ước cũ. Nông thương vụ đại thần (Tổng trưởng canh nông và thương mại) gốc phiên Tosa là Tử tước Tani Tateki (Cốc, Can Thành, 1837-1911) đã phản đối Inoue bằng cách đệ đơn từ chức. Ông cho rằng việc chấp nhận người ngoại quốc tạp cư với dân Nhật hãy còn quá sớm để có thể thực hiện. Ngoài ra, cho phép người nước ngoài can dự vào hoạt động tư pháp của Nhật Bản cũng là điều không thể nào chấp nhận.

Lưỡng đầu thụ địch, Inoue tức tối đến choáng váng, đã phải tâm sự với bạn thân và đồng liêu là Itô Hirobumi như sau: "Tôi bị mọi người tập trung tấn công, chẳng còn để cho một chút danh dự!". Cuộc thương thuyết với liệt cường thành ra bị đình chỉ vô kỳ hạn. Sau khi thông báo quyết định ấy cho liệt cường, Inoue từ chức Ngoại vụ đại thần vào năm 1887 (Meiji 20).

6.2 Biến cố Ôtsu và hệ quả:

Người kế nhiệm Inoue trong chức Ngoại vụ đại thần là Ôkuma Shigenobu. Không muốn lăn vào vết bánh xe cũ của người đi trước, ông chủ trương tổ chức việc thương nghị trong vòng tối bí mật và chỉ thương lượng riêng với quốc gia nào có hảo ý với Nhật Bản. Ngạc nhiên nhất là nó đã thành công. Nhờ đó, Nhật Bản đã ký hiệp ước mới với ba nước Mỹ, Đức và Nga.

Bí mật thì bí mật nhưng nội dung đáng lẽ không được tiết lộ cho đệ tam nhân đã bị phơi bày ra trên tờ London Times của Anh. Ai là người tiết lộ thì đến nay vẫn không được biết nhưng theo sự tiết lộ ấy thì "Ôkuma có kèm theo lời hứa với các bên thương nghị rằng khi nào hiệp ước được đem ra thi hành, ông sẽ chấp nhận việc bổ nhiệm các thẩm phán người ngoại quốc trong Tòa án tối cao (tiếng Nhật gọi là Daishin.in = Đại thẩm viện)".

Tin đó làm cho một tổ chức cực hữu, có thái độ rất cứng rắn đối với người ngoại quốc là nhóm Genyôsha (Huyền dương xã) nổi giận. Nhóm này do một người tên Tôyama Mitsuru (Đầu Sơn, Mãn, 1855-1944, xuất thân sĩ tộc bất bình của cựu phiên Fukuoka, lãnh đạo. Thành viên của nhóm là Kurushima Tsuneki (Lai Đảo, Hằng Hỉ) đã gây ra hành động khủng bố bằng cách ném tạc đạn làm cho Ôkuma bị thương mất một chân và phải đình chỉ các cuộc hiệp nghị. Dĩ nhiên là Ôkuma cũng không thể giữ nổi ghế ngoại trưởng nữa.

Sau đó, Tử tước Aoki Shuuzô (Thanh Mộc, Chu Tàng, 1844-1914) trở thành Ngoại vụ đại thần. Ông xuất thân gia đình ngành y thuộc phiên Chôshuu nhưng khi sang du học ở Đức thì chuyển qua ngành chính trị. Ông chủ trương không hứa hẹn gì với ai nữa bởi vì biết rằng quốc dân không thể nào tha thứ những hành động qua mặt họ như vậy. Ông bắt đầu chỉ thương thuyết về pháp quyền mà thôi, lại không đặt điều kiện tiên quyết. Kẻ đối thoại đầu tiên của ông là người Anh.

Đương thời, Anh đang lo lắng vì sự bành trướng của Nga xuống phía nam khi con đường sắt xuyên Siberia được Nga đưa vào kế hoạch. Anh e rằng quyền lợi của họ đang có ở Trung Quốc sẽ bị đe dọa.Do đó, để khiên chế (ghìm) Nga thì phải bắt tay thân thiện với nước láng giềng của Nga cũng đang chia sẻ nỗi lo chung. Đó là Nhật Bản.

Như thế, nước Anh mà ngày xưa dưới thời Ngoại trưởng Terashima đã ương ngạnh phản đối việc sửa đổi điều ước bất bình đẳng, nay lại có thái độ thật mền dẽo với Aoki, theo đúng sự biến chuyển của tình hình chính trị. Aoki đã khôn khéo đặt lá bài chính trị lên trên và được sự đồng thuận của người Anh, thành công trước một vấn đề nan giải.

Đến đó, tưởng như mọi việc sẽ êm chèo mát mái nhưng đùng một cái, lại xảy ra Biến cố Ôtsu (Ôtsu jiken) ở tỉnh Shiga (gần Kyôto). Số là vào năm 1891, Hoàng thái tử Nicolai (sau này sẽ là Sa hoàng Nicolai đệ nhị) của Nga trong khi đang viếng thăm Nhật Bản, đang du ngoạn bên hồ Biwa, đã bị chính một viên cảnh sát phụ trách việc cảnh vệ là Tsuda Sanzô [7](Tân Điền Tam Tàng) chém vào đầu. Tuy không đến nổi gây thương tích nặng cho ông nhưng đã gây nên một biến cố ngoại giao trầm trọng.

Nước Nga là một nước cực kỳ lớn nếu đem so với Nhật Bản. Hơn nữa, Nga đang bành trướng thế lực xuống miền nam. Cả nước Nhật thời ấy, ai nấy đều kinh sợ, những lo rằng nếu người Nga nhân đó mà nổi giận tiến đánh thì không biết Nhật Bản phải làm cách nào mà đỡ.


Hoàng thái tử Nga Nicolai 
sau là Sa hoàng Nicolai II

Tuy vết thương không chí mạng nhưng Nicolai cũng bị xúc động mạnh. Ông được đem về một khách sạn ở Kyôto để tĩnh dưỡng. Ở đây, ông được từ chính Thiên hoàng Meiji đến các yếu nhân trong chính phủ lần lượt đến thăm viếng. Tất cả điều đó đã xảy ra chỉ vì người Nhật không muốn cho sự kiện bị xé to hơn. Quốc dân Nhật Bản cũng nườm nượp gửi thư và quà tặng. Mỗi ngày, họ còn đi cầu xin các đền chủa để Thần Phật gia hộ cho ông chóng bình phục.

Một thiếu nữ tên Hatakeyama Yuuko năm đó mới 27 tuổi đã còn có một cử chỉ táo bạo hơn là tự sát trước cửa sảnh của phủ Kyôto. Cô để lại bức thư thay mặt quốc dân tạ tội với Hoàng thái tử Nicolai và cho biết hành động của mình là để chia sẻ bớt sự buồn khổ của Thiên hoàng Meiji trước sự kiện bất tường này.

Trước hành động sám hối tập đoàn như thế, người Nga cũng đã tỏ ra thông cảm. Không có một sự xung đột dự kiến nào về mặt ngoại giao đã xảy ra. Tuy nhiên, riêng Ngoại trưởng Aoki đáng thương kia thì bị mọi người qui cho trách nhiệm và phải từ chức. Cuộc thương thảo đang đi về hướng tốt đẹp của ông đã phải khựng lại.

Thế nhưng tân ngoại trưởng Mutsu Munemitsu (Lục Áo, Tông Quang, 1844-1897) đã tiếp tục đường lối do Aoki đề ra và ký kết được một thỏa ước mới mang tên Nichiei tsuushô kôkai jôyaku (Nhật Anh thông thương hàng hải điều ước) có nội dung hồi phục lại quyền tư pháp và một phần quyền quan thuế cho Nhật. Việc đó xảy ra vào năm 1894 (Meiji 27).

Thế rồi, các nước khác cũng đều chịu ký kết. Đến năm 1899 (Meiji 32) thì xem như hiệp ước mới đã được đem ra thực thi cùng lúc giữa liệt cường.

Qua năm 1911 (Meiji 44), Ngoại trưởng đương thời là Hầu tước Komura Jutarô (Tiểu Thôn, Thọ Thái Lang, 1855-1911) đã thành công trong việc hồi phục quyền quan thuế - một vấn đề bao năm Nhật Bản mong giải quyết cho được - trong cuộc thương thuyết với đối tác Mỹ.Sau khi thỏa ước mang tên Nichibei shin-tsuushô kôkai jôyaku (Nhật Mỹ tân thông thương hàng hải điều ước) được ký kết rồi, có thể nói là nửa thế kỷ sống trong những điều kiện bất bình đẳng về mặt chủ quyền của họ đã cáo chung. Kể từ đó, Nhật Bản xem như mới hội đủ điều kiện để sánh vai với các cường quốc Âu Mỹ.

Tiết 7: Chiến tranh Nhật Thanh. Sự can thiệp của ba cường quốc.
7.1 Binh biến năm Nhâm Ngọ và sự cố năm Giáp Thân:

Năm 1876 (Meiji 9), Nhật Bản đã ký Nicchô shuukô jôki (Nhật Triều tu hiếu điều qui), một hiệp định có tính cách một chiều. Như thế, họ đã bắt buộc Triều Tiên phải mở cửa và đặt bán đảo nằm trong vòng ảnh hưởng của mình.

Ngoài ra, như có lần nói đến, dưới thời Quốc hội lần thứ nhất, vào năm 1890 (Meiji 23), Thủ tướng Yamagata Aritomo đã dõng dạc tuyên bố: "Bán đảo Triều Tiên là biên giới vùng lợi ích của Nhật Bản, phải phòng vệ bằng mọi cách. Do đó việc tăng cường sức mạnh quân sự là điều tất yếu".

Như thế, qua câu nói ấy, người ta thấy được thâm ý của Nhật Bản là sớm muộn gì cũng biến Triều Tiên thành thuộc địa cũng như liệt cường Âu Mỹ đã mở đường trước đó đối với những quốc gia hay vùng đất không kịp cận đại hóa.

Sử gia Kawai Atsushi [8] không nghĩ như vậy. Ông cho rằng nếu lấy điều ước Kankoku heigô jôyaku (Hàn quốc bình hợp, bình hợp = annexation) ký vào năm 1910 (Meiji 43) làm chuẩn thì chắc đến mười mươi là chính quyền Nhật Bản có sẳn dã tâm như vậy. Tuy nhiên ông lại chủ trương là trước đó, việc thôn tính bán đảo hãy còn nằm ngoài vòng suy tính của người Nhật nói chung. Xin trình bày quan điểm cá biệt đó nơi đây để rộng đường ngôn luận.

Theo Kawai, nhất định là có một bộ phận người Nhật chủ tâm chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa, thế nhưng đa số nghĩ rằng hãy cố làm sao cho Triều Tiên thoát ra ngoài vòng cương tỏa của nhà Thanh, trở thành một quốc gia độc lập cái đã, rồi quốc gia này sẽ ký kết hiệp ước đồng minh với Nhật Bản. Cũng theo ông, hình như đó chính là lý do mà nước ông đã thôi thúc Triều Tiên mở cửa. Có thể phần nào, khi lập luận, Kawai đã dựa vào những chi tiết sau đây:

Trước tiên, có những nhà chính trị hàng đầu như Katsu Kaishuu (Thắng, Hải Chu) chủ trương không những Nhật Bản, Triều Tiên mà cả Trung Quốc của nhà Thanh, 3 nước Á châu phải hiệp lực để cùng nhau thoát ra khỏi bàn tay ma quái của liệt cường Âu Mỹ.Các nhà vận động tự do dân quyền Nhật Bản cũng suy nghĩ trong chiều hướng ấy. [9]

Hơn nữa, thế lực mà chính phủ Meiji sợ hãi nhất có lẽ là nước Nga của Sa hoàng, lân bang miền bắc của họ. Sau khi tiến qua Siberia, Nga đang tìm cách nới rộng vùng ảnh hưởng xuống phía nam, tỉa rút đất đai của nhà Thanh và dòm dỏ động tĩnh trên bán đảo Triều Tiên.

Lúc đó, phải nói là Nga đã lập kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberia.Nếu tuyến đường này hoàn thành thì việc di chuyển quân đội và chuyên chở vũ khí từ đại lục Âu châu sang đến vùng Cực Đông sẽ rất dễ dàng và chóng vánh. Hệ quả của việc ấy là chẳng mấy chốc Nga sẽ lấn sang Mãn Châu và đe dọa bán đảo Triều Tiên. Rồi biết đâu họ chẳng nhân đấy mà băng ngang qua Nhật.

Thực ra, việc Nga có ý đồ xâm lăng Nhật Bản hay không thì chẳng ai tìm ra bằng cớ rõ rệt.Thế nhưng, chính phủ và người dân Nhật thời ấy cứ canh cánh bên lòng mối lo như thế.[10]

Năm 1869 (Meiji 2), Nhật Bản đã thiết lập một nha sảnh gọi là Kaitakushi (Khai thác sứ) và tổ chức này đã bắt đầu thực hiện chế độ tondenhei (đồn điền binh) kể từ năm 1874 (Meiji 7). Mục dích của nó là để có lao động để khai khẩn đảo Hokkaidô cũng như giúp cho giới sĩ tộc đang bần cùng khốn đốn có công ăn việc làm (shizoku jusan = sĩ tộc thụ sản). Cùng lúc, chế độ này còn có mục đích phòng thủ đảo nhỡ khi quân Nga tiến đến xâm lấn. Điều này, chứng tỏ là từ đầu thời Meiji, người Nhật đã e dè sức mạnh của nước Nga.

Thêm một chi tiết nhưng rất đáng nêu lên: năm 1891, Hoàng thái tử Nicolai của Nga đã bị viên tuần cảnh Nhật Bản tập kích ở Ôtsu. Thực ra, Hoàng thái tử chỉ ghé qua thăm viếng Nhật Bản nhân lần đi tham dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberia.Không phải để bênh vực một hành vi khủng bố nhưng phải nói đến tâm lý hoảng hốt của người Nhật, nhất là nơi một thành viên nhóm cực hữu, khi nghe nhắc tới tuyến đường sắt quan trọng này.

Ngay trước khi Hoàng thái tử Nicolai tới Nhật, đã có những lời đồn đại trong dân chúng, như kiểu: "Nicolai sang Nhật chuyến này cốt để do thám tình hình nước ta. Trước là hắn dọ xét, sau sẽ gửi quân sang đánh!". Viên tuần cảnh Tsuda Sanzô chắc hẳn suy nghĩ rằng: "Thế thì làm sao ta để cho hắn yên được!" và đã bước qua cái ngưỡng cửa đưa đến hành động quá khích.

Thế nhưng từ khi biến cố Ôtsu xảy ra, có những nguồn trong dư luận lại cho rằng đây sẽ là cái cớ giúp cho nhước Nga có cơ hội xâm lăng và biến Nhật Bản thành một xứ thuộc địa. Tình cảm vừa sám hối vừa lo sợ này đã khiến họ rơi vào trong một tâm trạng hoảng loạn.

Tiếp sau đây, xin trình bày về đoạn đường Nhật Bản đã kinh qua từ khi ký kết Nhật Triều tu hiếu điều qui nghĩa là năm 1894 (Meiji 27) cho đến khi cuộc Chiến tranh Nhật Thanh bùng nổ. Thế nhưng xin lưu ý độc giả ở điểm là chính sách ngoại giao của Nhật Bản và nhà Thanh lúc đó đã phát triển theo một đường hướng mà trong đó, sự tồn tại có tín uy hiếp của nước Nga vẫn ám ảnh đầu óc chính phủ Meiji và giới quan lại Nhật Bản, ảnh hưởng đến ngôn động của họ.

Còn về phần Triều Tiên thì sau khi chấp nhận mở cửa, phái cải cách có chủ trương thân Nhật thân Nhật chủ trương học tập đường lối của nước này để cận đại hóa quốc gia đã trở nên lớn mạnh.Ngay trong nội bộ chính phủ Triều Tiên thì ngay quốc vương Cao Tông (Kojong) và vợ của ông là bà Mẫn phi (Minpi) cũng như toàn bộ gia đình họ Mẫn của bà cũng muốn tiếp cận Nhật Bản.


Bà Mẫn phi (Minpi, 1851-1895)

Thế nhưng sang đến năm 1882 (Meiji 15), ông Đại viện quân (Tewongun) tức là cha ruột của hoàng đế và là người từng bị bà Mẫn phi hạ bệ, đã thực hiện một cuộc đảo chánh với sự tiếp sức của quân đội (Jingo gunran = Nhâm Ngọ quân loạn). Oái oăm thay, lúc đó, một phần dân chúng hô ứng với quân phản loạn đã đến bao vây và tập kích dinh thự của Công sứ quán Nhật Bản. Thế nhưng quân phản loạn đã bị quân đội nhà Thanh trấn áp một cách dễ dàng và Đại viện quân bị quân Thanh bắt giải đi.

Sau đó, họ Mẫn trở thành những người nắm quyền ở Triều Tiên nhưng họ lại xoay chiều, đổi lập trường thân Nhật thành thân Thanh. Ảnh hưởng của Nhật Bản trên đất Triều vì thế mà giảm đi nhanh chóng.

Đã làm cho Triều Tiên nghe theo lời mình mà mở cửa, giờ thì bao nhiêu nỗ lực lại trở thành công cốc, Nhật Bản không thể tọa thị. Chính phủ Meiji mới bàn định kế sách để vãn hồi ảnh hưởng đó.

Năm 1884 (Meiji 17), Thanh bị thua trận trước Pháp (cuộc chiến tranh Thanh-Pháp) và đây là một cơ hội bằng vàng cho người Nhật.

Những biến chuyển trong quan hệ Nhật Triều

Năm Biến cố
1873 Cuộc tranh luận xem có nên "chinh Hàn" hay không?
1875 Sự kiện đảo Giang Hoa
1876 Ký kết Nhật Triều tu hiếu điều qui
1882 Cuộc binh biến gọi là "Nhâm Ngọ quân loạn"
1884 Biến cố năm Giáp Thân
1885 Thỏa ước Thiên Tân
1889 Phòng cốc lệnh
1894 Cuộc chiến tranh nông dân năm Giáp Ngọ

Chiến tranh Nhật Thanh

1895 Hòa ước Shimonoseki (Hạ Quan, Mã Quan)

Vì nghĩ đó là một dịp may cho nên chính phủ Meiji đã chỉ đạo cho Công sứ quán Nhật Bản ở Triều Tiên phải ủng hộ Đảng Độc Lập (tức phái cải cách) gây ra cuộc chính biến ở thủ đô Hán Thành (Seoul), đuổi sạch người nhà Mẫn phi thuộc Đảng Sự Đại (Jidaitô). Sử Nhật gọi cuộc chính biến này là Kôshin jihen (Giáp Thân sự biến). Đảng Độc Lập tức nhóm chính trị gia thân Nhật mà thủ lĩnh là Kim Ok-guyn (Kim Ngọc Quân, Kin Gyoku Kun).

Tuy vậy, sau đó không lâu, quân Thanh đã quay trở lại và trấn áp được nhóm người này. Âm mưu của Đảng Độc Lập hòng đoạt chính quyền đã bị thất bại. Bọn các ông Kim Ok-gyun khó khăn lắm mới trốn được qua Nhật sống lưu vong.


Chính trị gia thân Nhật Kin Ok-guyn 
(Kim Ngọc Quân, 1851-1898)

Như thế ảnh hưởng của Nhật Bản đối với Triều Tiên đã bị nhà Thanh tước hết sau cuộc nội loạn trên đất Hàn. Khỏi phải nói, phía Nhật hết sức căm tức và nhất định phải đánh nhau với Thanh triều. Có điều là về mặt sức mạnh quân sự, xem ra Nhật Bản lúc đó hãy còn chưa đủ sức để giành lấy chiến thắng.

Do đó Nhật Bản nghĩ rằng không được để tình thế xấu đi thêm, phải hàn gắn những đổ vỡ xảy ra bằng nỗ lực ngoại giao và đó là thượng sách. Itô Hirobumi, chính trị gia có thực lực số một đương thời, đã được cử sang Trung Quốc để đàm phán.

Itô cùng với đối tác của ông - cũng là một nhà chính trị có thực lực của Thanh triều - là Lý Hồng Chương, họp lại bàn bạc.Họ đã thành công trong việc ký kết một thỏa ước gọi là Tenshin jôyaku (Thiên Tân điều ước) vào năm 1885 (Meiji 18). Nội dung của điều ước có hai điểm chính:

1- Quân đội Nhật Bản và quân đội nhà Thanh đều phải rút ra khỏi Triều Tiên.

2- Từ giờ về sau, mỗi khi bên nào muốn đem binh vào đất Triều, phải thông báo cho nhau trước.

Như vậy, Nhật Bản đã ngăn chận được khả năng có một sự xung đột giữa quân đội của họ với lực lượng nhà Thanh.Nhân đấy, họ cũng đưa được quân Thanh ra ngoài bán đảo để sự thể không thể xấu đi hơn nữa.

Thế nhưng phía Nhật vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng nếu họ chưa đặt được Triều Tiên vào trong vòng ảnh hưởng thì liệt cường và nhất là nước Nga hãy còn dịp uy hiếp họ.Trong một tương lai gần, sự xung đột với Thanh triều chắc chắn không tránh nổi. Chính phủ Meiji vào thời điểm nói trên tỏ ra ý thức rõ ràng về việc ấy. Vì vậy, bất chấp kháng nghị mạnh mẽ của quốc hội, họ đã xúc tiến việc tăng cường quân bị.

7.2 Quyết đoán của Nội các Itô:

Hãy nhớ lại giùm cái gọi là Sự kiện Ôsaka vào năm 1885 (Meiji 18), lúc mà Ôi Kentarô (Đại Tỉnh, Hiến Thái Lang) và phái tả của cựu Đảng Tự Do Nhật Bản thành lập một "tráng sĩ đoàn" gửi qua Triều Tiên trợ giúp Đảng Độc Lập thân Nhật bên đó (139 người trong bọn đã bị bắt trước ngày lên đường). Nó đã làm cho cuộc vận động tự do dân quyền trở thành gay cấn. Lý do khiến Ôi Kentarô và các đồng chí của ông đã làm như vậy là vì họ tỏ ra "phẫn khái" trước sự thành lập một chính quyền thân nhà Thanh ở Triều tiên từ sau biến cố năm Giáp Thân (tức cuộc đảo chính thất bại của phái thân Nhật Kim Ok-gyun). Vì vậy họ mới lập "tráng sĩ đoàn" - một đội quân tình nguyện - để đưa qua bên ấy làm những hành động khủng bố nhằm giết hại các quan chức cao cấp trong chính quyền theo bà Mẫn phi rồi đưa phái thân Nhật (Đảng Độc Lập) lên nắm chính quyền.

Nhìn tình hình quốc nội Nhật Bản, ta khó lòng hiểu nổi tại sao những nhà vận động dân quyền, những người mang tiếng là thuộc phái tả mà lại mưu đồ việc khủng bố. Nhưng thật ra mô hình ấy không chỉ có ở Nhật mà còn phổ biến cả trên toàn thế giới vào lúc ấy.

Còn như "Thoát Á Luận" (Datsuaron) của Fukuzawa Yukichi, một luồng tư tưởng chỉ đạo vào thời đó, thì sao? Nó có nghĩa gì?

Ngày 16 tháng 3 năm 1885 (Meiji 18), "Thoát Á Luận" đã được đăng lên dưới hình thức xã thuyết trên tờ Jiji Shinbun (Thời sự nhật báo) và đã gây một tiếng vang rất lớn trong quần chúng.


Nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi (1835-1901)

Cho đến lúc đó, Fukuzawa vẫn chủ trương phải giúp Triều Tiên trở thành quốc gia độc lập (với nhà Thanh) và cận đại hoá, cũng như ủng hộ hành động của Đảng Độc Lập của Kim Ok-gyun tức nhóm thân Nhật bên đó. Thế nhưng sau biến cố năm Giáp Thân, thất bại của nhóm này làm cho chính quyền thân nhà Thanh càng được củng cố thì ông mới tỏ ra vô vọng với Triều Tiên và đề xướng học thuyết mới là "Thoát Á Luận".

Nội dung văn bản trên mặt báo đượm màu quá khích. Thử dịch đại ý của nó: " Giờ đây nếu phải chờ nhà Thanh lẫn Triều Tiên đều cận đại hóa để cùng có một châu Á phồn vinh thì e không kịp nữa. Nhật Bản phải thoát ra khỏi Á châu ngay và sẽ tiếp cận với nhà Thanh và Triều Tiên với cùng một tư thế như các nước Âu Mỹ mới được".

Điều đó có nghĩa là ông khuyên Nhật Bản cũng phải gia nhập vào nhóm các nước đang cạnh tranh tìm kiếm thuộc địa ở vùng Đông Á như Âu Mỹ. Ý kiến đó tuy không được toàn thể dân Nhật đồng tình nhưng rõ ràng là số người chia sẻ lối nhìn của ông thật là đông đảo. Sau đó thì Nhật Bản đã làm theo ý kiến mà Fukuzawa đề xướng nghĩa là đua nhau với liệt cường Âu Mỹ trong việc chia chác vùng Đông Á.

Sau khi ký xong hòa ước Thiên Tân,Nhật Bản tăng cường quân bị với một vận tốc nhanh khủng khiếp, chẳng mấy chốc đã bỏ nhà Thanh lại sau lưng. Lúc ấy, người Nhật đã tỏ ra rất tự tin và sẳn sàng đối phó với nhà Thanh nếu có cơ sự gì xảy ra. Và chính phủ Meiji có cơ hội chứng tỏ điều đó qua việc gây nên những vụ tranh chấp nhân lúc bên Triều Tiên, chính phủ nước ấy ban bố một đạo luật gọi là Phòng cốc lệnh (Lệnh canh giữ lúa gạo).

Phòng cốc lệnh cụ thể là đạo luật cấm xuất khẩu để ngăn cản việc một số nông phẩm như gạo và đậu nành tăng giá.Kể từ khi Triều Tiên mở cửa khẩu thì thương nhân Nhật Bản sang bên đó làm ăn rất đông và tìm cách mua một số lượng đáng kể nông phẩm của Triều Tiên để xuất về nước mình. Chính vì lý do đó mà giá nông phẩm tăng vọt. Phía Triều Tiên, để đối phó với hiện tượng đó, đã ban bố Phòng cốc lệnh vào khoảng cuối năm 1889 (Meiji 22) bước qua năm sau hầu đưa giá cả xuống.

Thế nhưng thương nhân Nhật Bản bên ấy gặp phải khó khăn vì lệnh ấy không cho phép họ xuất cảng nông phẩm sang Nhật nữa. Họ bèn đi than thở khóc lóc với chính phủ Nhật.Những người này kháng nghị mãnh liệt, đòi Triều Tiên phài rút ngay lại Phòng cốc lệnh và không những thế, phải bồi thường tổn thất cho đám con buôn. Họ làm tới nơi tới chốn, sử dụng ngay cả những biện pháp mạnh mẽ nhất như gửi tối hậu thư cho chính phủ Triều Tiên vào năm 1893 (Meiji 26).

Chúng ta đều biết tối hậu thư là văn bản ngoại giao đặt điều kiện thương thuyết cuối cùng trước khi tiến qua hành động quân sự hay những hành động khác có tính tự chuyên. Có thể xem nó như là bức thư cho biết sẽ tuyệt giao. Nhật Bản muốn hỏi Triều Tiên có muốn đánh nhau hay không đấy thôi.Và họ thừa biết rằng nếu chiến tranh bộc phát thì Triều Tiên bắt buộc yêu cầu nhà Thanh tham chiến để bênh vực mình.

Nói cách khác, Nhật Bản đã sẳn sàng ứng chiến nếu có một cuộc chiến tranh Nhật Thanh. Rốt cuộc những vụ rối rắm này đã được giải quyết bằng một thỏa thuận khi nhà Thanh can thiệp vào và chính phủ Triều Tiên bằng lòng trả cho Nhật Bản một số tiền bồi thường.

Tưởng là còn giử được hòa bình nhưng đột ngột tình thế lại bước qua một khúc ngoặc. Câu chuyện bây giờ trở lại với nội tình của quốc hội Nhật Bản. Chúng ta đã biết nội các lần thứ hai của Itô Hirobumi đang khổ sở trong việc đối đáp với quốc hội (tranh chấp với các đảng đối lập đang nắm ưu thế trong cơ quan này). Vì Itô hiểu được sức mạnh của đối phương nên đã từ bỏ học thuyết siêu nhiên chủ nghĩa mà ông đã dùng như một chiêu bài để che dấu sự độc đoán của mình. Ông tìm cách bắt tay với một đảng đối lập tức Đảng Tự Do.Trên thực tế, trong Quốc hội lần thứ tư, ông đã nhờ Ngoại trưởng Mutsu Munemitsu kéo Đảng Tự Do vào cánh mình để quốc hội thông qua kế hoạch tăng ngân sách đóng thêm tàu chiến. Thế nhưng việc này lại trở thành đầu mối cho bao sự rắc rối.

Đảng Lập Hiến Cải Tiến, một đảng đối lập khác tức khách buộc tội Đảng Tự Do là đồ phản bội. Tuy nhiên, họ lại đi bắt tay với Quốc Dân Hiệp Hội (đảng của giới quan lại), một đảng trước giờ vẫn được xem như đảng phái thân chính phủ. Liên hiệp giữa 2 đảng này được sự ủng hộ của các đảng phái thiểu đã có được đa số ở viện dưới (Chúng nghị viện). Trước sức mạnh đảng kể của nhóm mới thành lập này, chính phủ Itô đã chịu cảnh vô cùng khổ sở suốt hai kỳ quốc hội lần thứ 5 và thứ 6.

Đưong thời, việc làm mà chính phủ Itô dồn hết tâm trí để giải quyết là việc điều đình để thay đổi cho được các điều khoản bất bình đẳng ký trong hiệp ước với liệt cường. Ngoại trưởng Mutsu cũng đã có những chính sách khôn khéo để tiến hành một cách thuận lợi cuộc thương thảo với người Anh. Khi nóc nối với Đảng Tự Do, ngoài việc muốn biến họ thành đồng minh của nội các mình, Itô cũng nhắm đến việc nhờ họ bỏ phiến thuận để đề án thay đổi các điều khoản bất bình đẳng sẽ được thông qua dễ dàng ở quốc hội.

Chính phủ Itô chắc mẫm rằng Đảng Lập Hiến Cải Tiến đã có đảng trưởng Ôkuma Shigenobu, người trước đây trong cương vị ngoại trưởng từng thương thuyết về vấn đề này sẽ tán thành đề án cải cách ấy mà thôi. Thế nhưng ông không ngờ sự thể đã đi ngược lại khi mà Đảng Lập Hiến Cải Tiến lại đi bắt tay với Quốc Dân Nghị Hội để phản đối nó.

Sở dĩ Quốc Dân Nghị Hội tham gia vào việc phản đối chỉ vì họ còn hữu khuynh hơn cả chính phủ. Thành viên của họ toàn thuộc giới quốc túy và bảo thủ.Người theo đường lối bảo thủ dĩ nhiên là ghét chuyện dân ngoại quốc vào cư trú, buôn bán và sinh hoạt một cách tự do giữa đất nước mình.Nói tóm lại, họ là một tập đoàn chủ trương bài ngoại.

Đảng Lập Hiến Cải Tiến, Quốc Dân Nghị Hội và một số đảng đối lập (còn gọi là dân đảng) khác cùng nhau kết hợp thành một tổ chức sáu đảng có thái độ cứng rắn trong việc đối ngoại gọi là Taigai kôroppa ( Đối ngoại ngạnh lục phái), chống cự kịch liệt đề án thay đổi điều ước bất bình đẳng do chính phủ đưa ra. Đến độ ngay giữa hội trường, họ còn đưa ra nghị án Jôyaku reikô kengian (Điều ước lệ hành kiến nghị án, lệ hành = punctually observed, enforced) với chủ trương giữ nguyên và tiếp tục thực thi điều ước đã ký. Lạ lùng hơn nữa là nghị án ấy đã được quốc hội khả quyết làm cho tình hình cũ trở thành xác thực.

Đến nước này thì chính phủ Itô phải giải tán quốc hội.

Thế nhưng trong kỳ tuyển cử kế tiếp, tuy rằng đồng minh của ông là Đảng Tự Do có thêm ghế, họ vẫn không đạt được đa số ở quốc hội. Vì lý do đó, trong kỳ quốc hội lần thứ 6 họp lại vào tháng 4 năm 1894 (Meiji 27), nghị quyết bất tín nhiệm nội các đã được quốc hội khả quyết.

7.3 Diễn tiến và kết quả cuộc Chiến tranh Nhật Thanh:

Thủ tướng Itô bị du vào bước đường cùng nhưng khác với mọi dự tưởng, nội các không chịu tổng từ chức. Ngược lại, ngày 2 tháng 6 năm đó, thủ tướng còn đi đến một quyết định quan trọng là giải tán viện dưới. Bởi vì ông vừa tìm thấy một hy vọng mong manh (tuy chẳng mấy tốt lành gì) để giúp mình thoát cảnh hiểm nghèo.

Hy vọng đó đến từ Triều Tiên. Tình thế nước này đang chuyển biến nhanh chóng, đưa đến sự bùng nổ cuộc chiến tranh nông dân năm Giáp Ngọ (Kôgo nômin sensô, 1894). Tuy cuộc nổi loạn chống chính phủ xuất phát từ thành phần nông dân, nhà chép sử gán cho nó một biệt danh: Tôgakutô no ran hay Loạn của Đảng Đông Học (Tonghak trong tiếng Hàn).

Đảng Đông Học là một đoàn thể tôn giáo vừa mới hưng thịnh.Để đối kháng với Tây học tức là ý thức hệ Ki-tô giáo, Đông học là một hỗn hợp gồm 3 tôn giáo Phật, Nho và Đạo giáo.

Đảng Đông học khuấy động cuộc khởi nghĩa của nông dân và từ đó, cuộc biến loạn này đã nới rộng qui mô. Mục đích của nó là đòi chấm dứt sự hủ bại của quan lại, bài trừ thế lực Tây Âu và Nhật Bản. Những người nổi dậy trước hết chiếm cứ vùng Toàn La Đạo (Cholla) rồi lan ra khắp nơi. Chính phủ Triều Tiên hầu như không còn sức để trấn áp.

Trong bụng Itô và nội các của ông lúc ấy hẳn đã nghĩ :"Nếu sự tình đi đến mức đó, chính phủ Triều Tiên chắc chắn sẽ cầu viện nhà Thanh. Mà nếu nhà Thanh gửi viện binh thì Nhật Bản sẽ lấy cớ bảo vệ kiều dân của mình mà đưa quân sang. Thế rồi Nhật sẽ làm sao cho hai bên đụng độ và cuộc chiến Nhật Thanh phải bùng nổ".

Thói thường, chiến tranh là cơ hội tốt để người trong nước quên đi những khó khăn ở quốc nội khi phải hướng con mắt của họ ra bên ngoài.Nội các của Itô muốn lợi dụng tình hình để gây chiến, tránh được cái hiểm họa băng hoại chính trị bên trong.

Cũng phải nói là họ làm như vậy là cũng vì dè chừng sức mạnh quân sự của Nga vốn đang lăm le Nam tiến. Tiền đề là phải rứt Triều Tiên ra khỏi vòng cương tỏa của Thanh triều và đặt nó dưới sự quản lý của mình. Nhưng trên hết dĩ nhiên là việc cứu vãn nội các.

Lúc đó, Nhật Bản đã có đủ tự tin là sẽ thắng nhà Thanh. Điều đó đã được chứng tỏ trong cách ứng xử của họ trước Phòng cốc lệnh.

Điều mong mỏi của Itô ai ngờ đã thành sự thực ngay trong cái ngày ông giải tán quốc hội.Itô nhận được tin nhà Thanh đã đáp lời kêu gọi của chính phủ Triều Tiên mà gửi quân đội qua bán đảo. Ngay hôm đó, nội các Nhật Bản đã họp lại. Ngoại trưởng Mutsu Munemitsu, người hăng hái chủ chiến, lập tức đưa ra đề án gửi quân sang Triều Tiên với danh nghĩa bảo vệ kiều dân.Ý kiến đó liền được toàn thể nội các đồng ý.Chỉ cần có 6 hôm sau là quân Nhật đã tiến sang bên đó.

Có điều là khi quân Nhật đổ bộ thì cuộc biến loạn đã bị quân đội nhà Thanh dẹp yên.Trị an ở thủ đô đã hồi phục, Nhật Bản bị nhà Thanh phỗng mất tay trên. Quân đội Nhật Bản đi xa mà công cốc, lý ra chỉ còn có cách khăn gói hồi hương. Thế nhưng đưa cả một đoàn quân lớn sang rồi lủi thủi quay về thì quá mắc cỡ, dư luận và báo chí trong nước nhất định sẽ xĩa xói không tha. Chuyện toàn thể nội các Itô phải tổng từ chức chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hãy còn có cách là gây nên đụng chạm để khiêu chiến quân Thanh, tạo ra một cuộc chiến tranh. Nhưng nếu làm như thế thì liệt cường Âu Mỹ sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Nhất định họ sẽ can thiệp. Đó là điều làm cho Itô lo nghĩ và ông bắt đầu chần chừ. Hơn nữa, Thiên hoàng Meiji cũng tỏ ra không mấy sốt sắng nếu phải khai chiến.

Người hăng hái nhất trong phái chủ chiến có lẽ là Ngoại trưởng Mutsu Munemitsu. Khi viên Công sứ Nhật Bản ở Triều Tiên Ôtori Keisuke đánh điện để xin phép triệt binh vì: "Nếu quân đội Nhật còn ở thêm một ngày nào, liệt cường Âu Mỹ thế nào cũng sinh nghi" thì ông không những làm ngơ mà ngược lại còn xúi giục: "Phải gây ra chiến tranh bằng mọi cách!" và ra lệnh chuẩn bị công tác đó.


Ngoại trưởng Mutsu Munemitsu (1844-1897)

Qua Mutsu, chính phủ Nhật Bản đề nghị với nhà Thanh: "Hãy cùng nhau chung sức cải cách chính sách của Triều Tiên!". Trước việc đó, nhà Thanh đã trả lời: "Chớ nên can dự vào nội trị của một quốc gia khác!". Đó chỉ là một mánh lới bởi vì phía Nhật biết trước sẽ bị từ chối nhưng họ cứ húc bừa.

Một mặt, thông qua công sứ Ôtori Keisuke, Nhật Bản ép buộc Triều Tiên đến một thời hạn nào đó phải cải cách theo đề án của mình, thế rồi khi cảm thất các nước Âu Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp thì ngày 23 tháng 7, quân Nhật Bản tràn vào thủ đô Seoul, lật đổ chính quyền (chính phủ đương thời) của phái bà Mẫn phi và mưu lập ông Đại viện quân (Taee won-gun, cha đẻ của vua Cao Tông, Kojong), người đã bị thất bại trong cuộc binh biến năm Nhâm Ngọ (1882). Khi Đại viện quân lên nắm được chính quyền bèn đưa ra đòi hỏi "Quân nhà Thanh phải về nước ngay!", và đây là một điều rất hợp ý người Nhật..

Có được đại nghĩa danh phận rồi, quân Nhật bèn tấn công quân nhà Thanh lúc đó hãy còn đồn trú ở Nha Sơn. Đồng thời trên mặt biển, một trận hải chiến đã xảy ra ngoài khơi Phong Đảo.Như vậy, chiến tranh Nhật Thanh đã bộc phát.

Đúng như ý đồ từ lúc bắt đầu của nội các Itô, kể từ khi chiến tranh Nhật Thanh bùng nổ, thái độ phê phán chính phủ của các đảng đối lập đang phừng lên đã đột ngột xẹp xuống. Bởi vì giữa lúc quốc gia đại sự, họ không thể nào tiếp tục lên tiếng đả kích chính phủ. Trong kỳ họp của quốc hội lần thứ 7, mọi đề án lâm thời tăng ngân sách và các đạo luật đặc biệt dành cho thời chiến đều được nhất loạt thông qua. Như thế, chính phủ Itô đang đứng trước nguy cơ băng hoại bỗng được thoát hiểm.


Bản đồ chiến sự Nhật Thanh (1894-1895)

Chiến cuộc biến chuyển trong điều kiện hoàn toàn thuận lợi cho quân Nhật. Binh khí cũ chọi với binh khí cũ, binh đội tinh nhuệ, luyện tập kỹ càng chọi với binh sĩ thiếu tổ chức và không có tinh thần chiến đấu...là những yếu tố đã đặt Nhật Bản về bên phía kẻ chiến thắng.Quân Nhật đã nhanh chóng phá tan quân Thanh và sau đó tiến lên miền bắc của bán đảo.Đạo quân thứ nhất (đệ nhất quân đoàn) ở phía đông có nhiệm vụ chiếm Hán Thành rồi đánh lên Nguyên Sơn, Bình Nhưỡng, tận Ngưu Trang và ngọn Ma Thiên Lãnh gần Phụng Thiên. Đạo quân thứ hai (đệ nhị quân đoàn) bọc phía tây, đánh Nhân Xuyên, Uy Hải Vệ, Lữ Thuận, Đại Liên và tiến mãi đến Điền Trang Đài thuộc phần đất Trung Quốc trên bán đảo Liêu Đông. Họ đã thành công trong việc chiếm lĩnh các thành phố trên bán đảo Liêu Đông như Đại Liên và Lữ Thuận.

Về hải chiến, họ cũng đã dành phần thắng lợi trên biến Hoàng Hải sau chiến thắng ở Phong Đảo và chế ngự được mặt biển.Hạm đội Bắc Dương của Thanh triều đang đóng ở Uy Hải Vệ (thuộc bán đảo Sơn Đông) đã bị tấn công cùng lúc hai mặt thủy lục. Hạm đội này hoàn toàn bị tiêu diệt. Đề đốc Đinh Nhữ Xương (1836-1895), chỉ huy hạm đội, sau khi trao kiếm ấn cho Trung tướng Itô Yuukô của Nhật, đã tự sát.Việc này làm chấn động cả nước Trung Quốc.

Diễn biến chiến tranh Nhật Thanh

Thời điểm Sự kiện Địa điểm
1894 Đảng Đông Học và nông dân khởi loạn Toàn La Đạo (Tây Nam bán đảo Triều Tiên)
Ngày 25/07/1894 Hải chiến ngoài khơi Phong Đảo Vùng biển Tây Nam
Ngày 29/07/1894 Trận Thành Hoan Tây Nam Hán Thành
Ngày 30/07/1894 Trận Nha Sơn Phía nam Thành Hoan
Ngày 15/09/1894 Trận Bình Nhưỡng Phía bắc của Triều Tiên
Ngày 17/09/1894 Hải chiến ở Hoàng Hải Vùng biển giữa Lữ Thuận và Bình Nhưỡng
Ngày 07/11/1894 Quân Nhật chiếm Đại Liên Bán đảo Liêu Đông
Ngày 21/11/1894 Quân Nhật chiếm Lữ Thuận Cực nam bán đảo Liêu Đông
Ngày 02/02/1895 Nhật chiếm Uy Hải Vệ - Hạm đội Bắc Dương hàng phục Bán đảo Sơn Đông

Nhà Thanh qua kinh nghiệm chiến đấu biết mình không thể đương cự lại sức mạnh của quân Nhật nên đã nhờ Anh làm trung gian để kêu gọi hưu chiến. Thế nhưng Nhật Bản vì thắng lớn nên nghĩ rằng nếu chấp nhận hòa đàm ngay thì phí công uổng sức cho nên đã từ khước. Do đó, Anh quốc cũng bỏ rơi vai trò trung gian.

Mãi đến tháng 4 năm 1895 (Meiji 28), hai bên mới ký hiệp ước giảng hòa trong một tình cảnh rất bất lợi cho phía nhà Thanh.

Cuộc đàm phán đưa đến ký kết đã xảy ra ở Shimonoseki (Hạ Quan, Mã Quan), thành phố cực nam đảo Honshuu của Nhật Bản. Do đó "Nhật Thanh giảng hòa điều ước" còn có tên là Điều ước Hạ Quan. Phía Nhật có 2 đại diện toàn quyền là Itô Hirobumi và Mutsu Munemitsu, phía nhà Thanh chỉ có mỗi Li Hongzhang (Lý Hồng Chương).


Đặc sứ toàn quyền Li Hongzhang 
(Lý Hồng Chương, 1823-1901)

Về nội dung Điều ước Hạ Quan thì có 4 điểm quan trọng như sau:

1- Thanh quốc nhìn nhận sự độc lập của Triều Tiên.

2- Thanh quốc nhượng cho Nhật Bản bán đảo Liêu Đông, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.

3- Thanh quốc bồi thường Nhật Bản 2 ức lạng [11] chiến phí. (1 ức = 100 triệu).

4- Thanh quốc mở thêm 4 thành phố là Sa Thị (hải cảng trên sông Trường Giang, nằm trong tỉnh Hồ Bắc), Trùng Khánh, Tô Châu và Hàng Châu cho người Nhật vào buôn bán.

Hai ức lạng theo thời giá tương đương với 3 ức 1000 [12] vạn tiền Yen của Nhật. Thu nhập hàng năm của cả nước Nhật lúc đó hãy còn dưới 1 ức Yen, cho nên món tiền này rất đáng kể.Tuy là Nhật phải tốn 2 ức chiến phí để khai triển cuộc chiến nhưng bù lại, họ đã có món lãi lớn trên 1 ức Yen. Sau đó nhà Thanh còn phải trả thêm cho Nhật 3000 vạn lạng nữa, tính ra tiền Nhật là 4600 vạn Yen. Món tiền sau này là tiền Nhật đã nhận được khi cho Trung Quốc chuộc lại bán đảo Liêu Đông.

Thế nhưng đã tốn công đoạt được bán đảo Liêu Đông, cớ sao Nhật lại cho Trung Quốc chuộc làm gì?

Chúng ta đã biết trên bản đồ từ ngoài nhìn vào, bán đảo Liêu Đông nằm xéo bên tay trái và ở bên trên bán đảo Triều Tiên. Giành được ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên rồi thì việc giữ Liêu Đông hết sức là quan hệ đối với họ vì nó là một vòng đai chiến lược. Nay bỏ nó đi để đổi lấy một món tiền thì chẳng lẽ chính phủ Nhật Bản đang kẹt tiền chăng?

Không hề có chuyện thiếu tiền đến mức đó. Thực ra chính phủ Nhật Bản nào có ý muốn trả đâu. Chỉ vì sau khi Hòa ước Hạ Quan đã ký xong thì ba nước Nga, Pháp, Anh đã đồng loạt kêu gọi Nhật Bản phải trả bán đảo Liêu Đông cho nhà Thanh.Họ còn uy hiếp Nhật Bản: nếu không chịu trả, ba nước sẽ nhảy vào can thiệp.

Tuy nhiên, cách ăn nói của người Nga trong vụ này rất khéo léo: "Nếu Nhật Bản chiếm bán đảo Liêu Đông thì một ngày nào đó sẽ có cơ tấn công Bắc Kinh, thủ đô của Thanh quốc. Điều này làm cho nền độc lập của Triều Tiên trở thành hữu danh vô thực. Để vùng Cực Đông có hòa bình lâu dài thì không ai có thể cho phép Nhật Bản chiếm giữ bán đảo Liêu Đông. Nước Nga chúng tôi với tình bạn chân thực xin chính phủ Nhật Bản vui lòng trả bán đảo lại cho Thanh quốc".

Dĩ nhiên đó là văn từ ngoại giao mà thôi chứ khó có thể tin vào miệng lưỡi nước Nga của Sa hoàng. Việc khuyên Nhật Bản trả lại bán đảo không những là để thỏa mãn tự ái mà còn phục vụ cho lợi ích của Nga. Bởi vì khi bán đảo Liêu Đông trở thành lãnh địa của Nhật Bản thì con đường Nam tiến của Nga sẽ bị nghẽn lại.

Đặc biệt Nga vì thèm muốn có những hải cảng mùa đông nước không bị đóng băng (bất đông cảng) nên từ xưa vẫn nuôi mộng nới rộng lãnh thổ xuống phía nam. Do đó, cả vùng Mãn Châu mà bán đảo Liêu Đông là một bộ phận cũng như bán đảo Triều Tiên đều nằm trong tầm ngắm của họ.

Việc Nhật Bản chiếm cứ bán đảo Liêu Đông sẽ ngăn chặn con đường tiến ấy.Đó là lý do tại sao họ phải lên tiếng phê phán.

Sở dĩ người ta có thể chứng minh ý đồ phá bĩnh của nước Nga là vì chỉ có 3 năm sau, Nga đã mượn danh nghĩa lập tô giới (vùng đất mướn) để đòi nhà Thanh nhượng cho mình Đại Liên và Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông để mưu đồ việc áp chế khu vực này.

Tuy là kẻ thắng trận trong trận chiến tranh Nhật Thanh, lúc đó Nhật Bản chưa đủ sức mạnh quân sự để đối phó với Nga. Khả năng đó hầu như là con số không. Chính phủ Meiji đành ngậm đắng nuốt cay nghe lời Nga và hai cường quốc kia cho nhà Thanh chuộc lại bán đảo Liêu Đông với món tiền là 3.000 lạng.

Tuy nhiên trong nội bộ Nhật Bản, người ta rất căm hận việc Nga áp bức nước họ bằng thủ đoạn ngoại giao như thế.Họ chỉ chờ dịp lúc có đủ sức trả lời như trong điển tích "nằm gai nếm mật" (ngọa tân thường đảm) của Trung Quốc. Đó là khẩu hiệu của họ trong suốt 10 năm nhịn nhục cho đến 1905.

Khi thấy trong dân chúng có tình cảm uất hận như vậy, chính phủ rất mừng vì việc ấy đi đúng chiều hướng họ muốn. Chính phủ bèn sử dụng 62,8% số tiền bồi thường chiến phí của nhà Thanh để tăng cường quân bị, 21,9% dùng cho chi phí quân đội lúc hữu sự, tổng cộng hơn 8/10 tiền thu được. Thế mà trong dân chúng, chẳng thấy ai kêu ca về việc đó.

Còn đối với liệt cường Âu châu thì họ vô cùng sửng sốt trước thắng lợi của Nhật Bản trước Trung Quốc. Nó đã thay đổi cái nhìn của họ đối với cái thế lực đang lên và muốn nhập bọn với họ.Giáo sư A. Gordon đã dẫn lời của Lord Charles Beresford, một nhân vật cao cấp người Anh, vào tháng 4 năm 1895 trong tờ Times ở London như sau:

"Nhật Bản chỉ cần có 40 năm đã kinh qua những giai đoạn chính trị mà người Anh phải mất 800 năm và người La Mã phải mất 600 năm. Tôi còn dám nghĩ rằng sẽ không có gì mà họ không thể thực hiện được" [13].

-------------

[1] - Sain (Tả viện) cùng với Hữu viện và Chính viện (cao nhất) là ba bộ phận của Thái chính quan, bộ máy điều hành nhà nước sau cuộc "phế phiên trí huyện" tháng 7 năm 1871 (Meiji 4).

[2] - Chế độ này thay cho chế độ mạc phủ, nhiếp chính và quan bạch có từ xưa.Tổng tài đầu tiên là hoàng thân Aritsugawa,nghị định gồm những người thuộc hoàng tộc, công khanh, lãnh chúa, còn tham dự là giới công khanh và võ sĩ. Dĩ nhiên, tất cả đều được tuyển chọn và bổ nhiệm bởi những người cầm quyền và không thông qua bầu cử gì cả.

[3] - Shôsetsu Nihonshi kenkyuu (Yamakawa xb),sđd, tr.341.

[4] - Chữ lãm với bộ thủ chứ không phải chữ lãm thông thường.

[5] - Về quang cảnh sinh hoạt của Rokumeikan, xin xem ý kiến của nhà văn Pháp Pierre Loti trong Butôkai (Tiệc khiêu vũ) của Akutagawa Ryuunosuke do dịch giả Lê Ngọc Thảo trong Trinh Tiết, nhà xuất bản Văn học, 2006.

[6] - Josiah Conder ( 1852-1920), một người Yatoi, đã đến Nhật năm 1877, dạy ở ngôi trường tiền thân của Đại học Công Nghiệp Tôkyô (Tôkôdai). Ông đã vẽ kiểu và trông coi việc thi công các công trình như Rokumeikan, Thánh đường Nicolas cũng như Bảo tàng viện hoàng gia Tôkyô vv.... Mất ở Nhật.

[7] - Vì sợ bang giao với Nga xấu đi, Tsuda Sanzô bị Viện Nguyên Lão ghép vào tử tội nhưng Chánh án Kojima Korekata (1837-1908) không đồng ý, đổi thành chung thân cấm cố, viện cớ phải có sự độc lập giữa hành pháp và tư pháp.

[8] - Kawai Atsushi, Nebigeta Nihonshi B, quyển 3, trang 171.

[9] - Thực ra, khó lòng đồng ý với Kawai Atsushi khi biết rằng Chinh Hàn luận là tên gọi một cuộc tranh luận ở Nhật chung quanh đề tài muốn nói có nên mang quân đánh Triều Tiên hay không. Chinh Hàn hay Chinh di (đối với người Ezo) thì qua ngữ nghĩa, khó thể xem như người Nhật muốn đặt một quan hệ bình đẳng với đối phương cho được.

[10] - Cũng cần nhắc tới "hoàng họa luận" (yellow peril), một lý luận đề xướng ở Âu châu vào thời tiền cận đại và mang tính kỳ thị chủng tộc. Đầu tiên, người da trắng Âu châu nghĩ rằng nếu ngày nào giống dân da vàng vùng lên thì sẽ đem lại sự nguy hiểm cho họ, Cuộc tranh chấp Đông Tây nói đến ở đây như thế cũng có ẩn dấu đằng sau môt sự kỳ thị về màu da, trước tiên đối với người Trung Quốc, sau đối với người Nhật.Nhưng khi Anh và Nhật kết đồng minh thì báo chí ở Luân Đôn lại biện hộ cho Nhật, xem họ là một dân tộc da vàng nhưng ...văn minh! Điều đó không tránh việc người Nhật cho đến ngày nay vẫn bị xem là đối tượng của sự công kích (Japan bashing) khi có những vấn đề ví dụ sự ma sát trong mậu dịch chẳng hạn.

[11] - Sở dĩ không nói rõ lạng vàng hay lạng bạc vì lạng (ryô) được xem như đơn vị hóa tệ kim ngân nghĩa là vừa tương đương với một số lượng vàng vừa tương đương với một số lượng bạc nào đó.

[12] - Một ức (oku) của Nhật tương đương với 100 triệu theo cách đếm Việt Nam.

[13] - A.Gordon, A Modern history of Japan, sđd, tr.118.