Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN III : MỞ CỬA VÀ DUY TÂN - THỜI ĐẠI MEIJI 

Chương V : Diễn tiến của cuộc kỹ nghệ hoá thời cận đại. Các cuộc vận động xã hội, lao động. 
Tiết 1: Sự giảm phát thời Matsukata. Cuộc cách mệnh kỹ nghệ Nhật Bản. 
1.1 Những chặng đường đưa tới cuộc cách mạng kỹ nghệ:

Chương 5 của phần III này sẽ đặt trọng tâm ở vấn đề kinh tế. Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản thì công bình mà nói, việc lý giải những yếu tố kinh tế rất cần thiết khi đề cập đến thời cận đại vì chúng làm cho lịch sử trở nên rối ren nhất.

Như ta đã biết, trước khi người Nhật phát động một cuộc cách mạng kỹ nghệ thì Anh đã bắt đầu làm chuyện đó một trăm mấy mươi năm về trước.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã xuất phát từ Anh vào hậu bán thế kỷ 18 với sự phát minh và phát triển của máy nổ chạy bằng hơn nước, công nghiệp cơ giới cũng như kỹ thuật luyện thép. Cuộc cách mạng kỹ nghệ này, như ta đã hiểu, mở đường cho sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản.

Đó cũng là điều hầu như đã xảy đến cho Nhật Bản.

Dấu hiệu của cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Nhật đã được nhận thấy vào khoảng cuối niên đại 1880 khi các hiệu quả của chính sách tài chánh giảm phát (deflation) của chính quyền Matsukata lộ ra.Thế rồi trong khoảng thời gian trước sau cuộc Chiến tranh Nhật Thanh, đã dấy lên một cuộc cách mạng trong lãnh vực công nghiệp nhẹ mà trung tâm là ngành dệt sợi. Đến khi Chiến tranh Nhật Nga chấm dứt thì cuộc cách mạng đó đã xảy ra trong lãnh vực công nghiệp nặng đặc biệt về hóa học.

Chúng ta không cần lập đi lập lại về nhân vật Matsukata nữa tuy rằng tên ông sẽ xuất hiện ở một vài chỗ trong những đoạn tiếp sau. Chỉ cần biết rằng, chính sách tài chính do ông chủ trương đã làm cho nền tài chánh của Nhật Bản được ổn định trong một hệ thống hóa tệ dựa trên ngân bản vị. Đó cũng là điều đã được nhắc đến bên trên.

Với sự thi hành chính sách giảm phát, vật giá đã hạ xuống kéo theo cả giá nông phẩm. Điều đó làm cho đời sống của nông dân trở nên khó khăn, họ không đủ sức trả địa tô và còn biết sao hơn nếu không đi vay nặng lãi. Thế nhưng dưới sức mặng của tiền lời chồng chất từ món nợ, họ lại không thể hoàn tiền cho chủ nợ. Nhiều nông dân phá sản và phải bán tháo đất đai.

Tuy nhiên việc trên cũng là một cái hích kín đáo để đưa đến cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Chính vì mua được đất đai của nông dân bị phá sản với một giá hời mà một số người đã trở thành giàu có.Có thể gọi họ là đám "địa chủ ăn bám" (ký sinh địa chủ = kisei jinushi). Bởi vì họ không ai khác hơn là những kẻ đã cho nông dân vay tiền với giá cắt cổ trước đây. Đó là những phú nông mà người Nhật gọi là "hào nông (gônô) tức nông dân giàu có. Những ngưòi này và đám con buôn ở những thành phố lớn đã dùng tiền kiếm được để mua qua bán lại cổ phần và trở thành chủ nhân ông các hãng xưởng.

Như thế, việc buôn qua bán lại cổ phần đã trở thành một hoạt động đáng kể và hậu quả là nhiều hãng xưởng đã ra đời.Đặc biệt trong khoảng thời gian 3 năm từ 1886 (Meiji 19) đến 1889 (Meiji 22), hãng xưởng ra đời rất đông đảo nên người ta gọi nó là thời xí nghiệp dấy lên (kigyô bokkô = xí nghiệp bột hưng). Và đây chỉ là thời kỳ "dấy lên" (sudden rise) đầu tiên trong lịch sử dài lâu của xí nghiệp Nhật Bản..

Hiện tượng "dấy lên" thời đó ở Nhật giống như sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin thời đại chúng ta. Ngày nay, ta cũng thấy việc buôn bán cổ phần các hãng trong công nghiệp IT rất náo hoạt và việc đầu tư vào các lãnh vực kỹ thuật cao, nhiều tương lai nhưng cũng nhiều nguy cơ phá sản (ventures business). Có thể hiểu sự thể đã xảy ra dưới thời Meiji cũng có thể nhìn thấy ở một góc độ tương tự.

Ngày nay, chính phủ có chính sách viện trợ tài chánh và nâng đỡ mọi mặt giúp các xí nghiệp non trẻ đó đi lên. Làm như thế thì sau đó cả nền kinh tế sẽ có một sinh hoạt sống động. Chính phủ Meiji từ thập niên 1890 (Meiji 23) cũng ý thức được điều đó nên từ Ngân Hàng Trung Ương và qua hệ thống các ngân hàng phổ thông, đã giúp vốn để chấn hưng các xí nghiệp. Rõ ràng lịch sử thường có những sự lập lại.

Dù có muốn phê phán thế nào đi nữa, điều nghịch lý đã xảy ra. Những địa chủ ăn bám, phú nông và phú thương đã tiếp sức hà hơi và trở thành một nguồn động lực cho công cuộc kỹ nghệ hóa Nhật Bản.

Thế nhưng những xí nghiệp nào đã phát triển đầu tiên?

Được mọi người biết đến và đánh giá cao nhất có lẽ là xí nghiệp đường sắt và xí nghiệp dệt sợi.

Chúng ta đã biết đường sắt Nhật Bản đã bắt đầu được mở ra từ năm 1872 (Meiji 5). Năm ấy, nhà nước đã khai thông tuyến đường Tôkyô (shinbashi) - Yokohama. Đây là tuyến đường quốc doanh (Nhật gọi là kan.ei = quan doanh) (kokutetsu = quốc thiết, đường sắt của nhà nước). Thế nhưng chỉ cần 9 năm sau (1881, Meiji 14) là đã có đường sắt của công ty phi quốc doanh. Công ty đó có tên Nihon tetsudô kaisha (Nhật Bản thiết đạo hội xã). Vốn của nó do những gia đình thuộc lớp con nhà quí tộc (còn gọi là hoa tộc) [1] bỏ ra. Mục đích lập ra chương trình ấy là giúp cho giới quí tộc có thu nhập (kazoku jusan = hoa tộc thụ sản).

Chuyện này có thể làm chúng ta liên tưởng đến việc giúp đỡ giới sĩ tộc (sĩ tộc thụ sản) khi đưa họ lên khai thác đồn điền và phòng thủ đảo Hokkaidô. Giới này mất hết bổng lộc nhưng từng lập công và hãy còn có thế lực nên có thể trở thành mầm mống nội loạn. Khi tổ chức những kế hoạch có tính chất công cộng như thế, chính phủ có ý kiếm đường ra, giải tỏa một mối lo về mặt xã hội và trị an.

Ta có thể tưởng tượng sĩ tộc (giới samurai, phiên sĩ) thì nghèo nhưng quí tộc (hoa tộc) phải giàu có hơn. Thế nhưng không phải vậy. Trong đám họ có người giàu nhưng thành phần gặp khó khăn về kinh tế không phải là ít.

Xí nghiệp đường sắt Nhật Bản được lập ra để giúp đỡ giới quí tộc này.Nhân vì lúc đó, chính phủ đã tiêu pha rất nhiều cho cuộc hành quân ở Tây Nam (dẹp nhóm sĩ tộc Saigô Takamori), không còn đủ tiền để đặt đường sắt mới nữa, họ bèn sẳn sàng chấp nhận việc thành lập công ty ấy. Tổng cục đường sắt (Tetsudôkyoku =Thiết đạo cục) - cơ quan của nhà nước - đứng ra giúp họ xây dựng các tuyến đường và vận hành công việc, lại giúp cho kinh phí ít nhiều.

Do đó, công ty này khó có thể gọi là công ty tư nhân mà chỉ có thể xem như ...phi quốc doanh.Sau khi nhìn thấy sự thành công của công ty đầu tiên này, các công ty tư nhân (shitetsu =tư thiết) mới đua nhau xuất hiện. Năm 1889 (Meiji 23) số ki-lô-mét đường sắt của các công ty tư nhân (dân doanh) đã vượt trội con số của công ty quốc doanh (quan doanh).

Vừa vặn năm đó (1889), tuyến đường Tôkai (Đông hải) nối Tôkyô với Kobe được mở ra

Tuy nhiên Tôkai là đường quốc doanh. Còn tuyến đường xuyên hai đầu của đảo (chính) là Honshuu (nối Aomori với Shimonoseki) thì chỉ được thực hiện sau trận Nhật Thanh.

Chúng ta thấy đường sắt tư nhân đã phát triển cực kỳ nhanh chóng. Thế nhưng sau cuộc chiến tranh Nhật Nga, chính phủ đã đặt ra một qui định pháp lý mới là Tetsudô kokuyuuhô (Thiết đạo quốc hữu pháp, 1906, Meiji 39) biến một phân nửa đường sắt tư nhân thành đường nhà nước. Lý do là họ muốn có đủ phương tiện để vận chuyển quân đội, quân nhu quân dụng một cách nhanh chóng trong thời chiến. Sau Chiến tranh Thái Bình Dương thì hệ thống đường sắt tư nhân mới hồi phục lại được và cấp tốc mở rộng phạm vi hoạt động của mình nhưng phải đợi đến năm 1986 (Shôwa 61), luật quốc hữu hóa đường sắt mới bị bãi bỏ. JR (Japan Railways) tức Kokutestsu (Quốc thiết) dân doanh hóa. Từ đấy mới hết đường sắt quốc doanh.

Loại xí nghiệp thứ hai có thành tích tốt và được yêu chuộng là xí nghiệp ngành kéo sợi. Phải nói rằng ngành kéo sợi là đầu tàu của cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Nhật Bản. Do đó chúng ta sẽ dành nhiều trang giấy để bàn về nó.

Người Nhật gọi ngành kéo sợi là hôseki (phưởng tích). Ý nghĩa của "phưởng tích" là kéo các sợi bông (menshi = cotton fiber) từ bông vải (menka =miên hoa, raw cotton) và se lại thành sợi chỉ (thread, yarn). Như thế, ngành kéo sợi làm nghề lấy sợi từ cây bông vải vậy.

Ngành kéo sợi có từ xưa nhưng một thời đã bị suy sụp khi Nhật Bản bắt đầu có những hoạt động mậu dịch với nước ngoài. Bởi vì lúc đó nhà nước Nhật Bản không có quyền quyết định về quan thuế và bị liệt cường áp đặt một mức quan thuế rất thấp cho hàng nhập. Người Anh nhân đó mua vải đã dệt ở những nơi khác với giá cực rẻ và nhập vào Nhật mà không phải chịu thuế cao làm cho người Nhật không ai đi mua những tấm vải nội nữa vì giá chúng caon hơn hàng ngoại nhập vào. Đùng một cái, hàng dệt của Nhật lâm vào cảnh khó khăn.

Nghề dệt dùng máy dệt để làm ra các tấm vải từ những sợi bông vải. Nay nếu đồ dệt (những tấm vải) không có ai mua nữa thì người dệt vải cũng không còn nhu cầu mua sợi bông vải để làm gì. Ngành sợi vì thế mà thụt lùi, người nông dân trồng bông vải cũng phải chịu chung ảnh hưởng xấu. Nói chung ngành trồng bông, se chỉ và dệt vải cả ba, dưới thời Meiji, đang ở trong tình trạng suy thoái.

Mọi sự chỉ bắt đầu sáng sủa ra kể từ năm 1880.

Phục hồi trước tiên là ngành dệt.Thế nhưng người ta không dùng sợi bông vải sản xuất trong nước mà dùng hàng rẻ nhập từ nước ngoài. Từ đó, họ bắt đầu dệt nên những tấm vải giá rẻ.. Đặc biệt nhờ tobihi, một loại con thoi "biết bay", di động được theo chiều ngang một cách dễ dàng (phát minh của John Key vào năm 1773) được truyền bá tới Nhật sau Hội chợ đấu xảo ở Wien năm 1873 (Meiji 6). Những nhà kinh doanh Nhật đã biết du nhập kỹ thuật cơ giới này để nâng cao phẩm chất công việc của mình, cho đến nay vẫn phải hoàn toàn làm bằng tay.

Sau đó, ngành dệt đã bước hẳn từ thủ công sang cơ giới hoá nhờ có phát minh máy dệt do nhà phát minh Toyoda Sakichi (Phong Điền Tá Cát, 1867-1930) chế ra. Cũng nên mở một dấu ngoặc để cho biết ông Toyoda về sau sẽ dùng tiền bán bản quyền máy này để làm vốn xây dựng hảng chế tạo ô-tô Toyota [2]. Về hình thức sản xuất vải vóc, người Nhật cũng đã bước từ hình thức công nghiệp trong gia đình do các con buôn sỉ giúp vốn và điều khiển sang hình thức công nghiệp chế tạo hàng ở các nhà máy. Nhờ đó mà số lượng hàng sản xuất tăng vọt.

Dù sao, so với khâu công nghiệp dệt truyền thống vừa mới hồi phục thì số lượng các mặt hàng do đại xí nghiệp chế ra gọi là mới đáng kể. Về sau, hoạt động của chúng chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Các công ty sản xuất sợi bông vải cũng tham gia vào hoạt động của ngành dệt. Đặc biệt sau Chiến tranh Nhật Nga, những công ty sợi bông sau khi trải qua nhiều lượt tập trung kết hợp (gappei = bình hợp, merger) đã biến thành đại xí nghiệp. Với sức góp vốn đáng kể, chúng đã có thể mua thật nhiều máy móc từ Mỹ (máy chạy bằng sức nước hay hơi nước) và bắt đầu sản xuất hàng vải với một số lượng lớn. Đó là chưa nói đến việc chúng đã thành lập những tổ hợp bán hàng rồi bắt đầu mang hàng sang bán ở các thị trường ở các nước thuộc địa hay bảo hộ như Triều Tiên, Đài Loan vv...

Ngành chế tạo tơ sợi đã phát triển theo cách sau đây:

Vì không muốn chịu thua thiệt khi nhập sợi bông vải từ nước ngoài, ngành sợi quốc nội kể từ năm 1880 đã tỏ ra có nhiều cố gắng. Cho đến đầu thời Meiji, để lấy sợi từ bông vải, người ta phải dùng tay. Công việc nói chung là thủ công.Sau đó họ mới chuyển qua dùng máy chạy bằng sức guồng nước và sức người kéo. Phương pháp này do người Nhật Gaun Tatushi (Ngọa Vân Thìn Chí) phát minh và máy ấy được đem trình bày ở Hội chợ đấu xảo quốc nội lần thứ nhất tổ chức tại Công viên Ueno ở Tokyo vào năm 1877 (Meiji 10).

Nguồn lực cho máy lấy sợi bông hoạt động sau đưọc bảo đảm bằng động cơ chạy bằng hơi nước. Chẳng bao lâu cách lấy bông này cũng bị phế bỏ và lần này người ta phải mua máy do nước ngoài chế tạo đem vào.

Chính phủ vì muốn xúc tiến chính sách "thực sản hưng nghiệp", đã tìm cách chấn hưng công nghiệp ở quốc nội bằng cách chi viện rất nhiều cho các hãng xưởng ngành kéo sợi. Tuy nhiên kết quả về mặt kinh doanh thì chẳng tới đâu.


Máy kéo sợi Mule do S. Crompton chế tạo

Tuy vậy sang đến năm 1883 (Meiji 16), Ôsaka Bôseki Kaisha (Ôsaka Spinning Co), một công ty kéo sợi có vốn dân sự, đã được thiết lập, trang bị rất nhiều máy hiệu Mule của người Anh [3]. Máy Mule dùng nguồn lực của động cơ chạy bằng hơi nước, có thể sản xuất sợi bông vải một cách đại qui mô. Hãng Ôsaka Bôseki này có công suất tiêu chuẩn gấp năm một hãng thường. Nó có thể lên đến 1 vạn sui, mà sui (chùy) là một đơn vị đo lường, tính số lượng sợi bông được kéo ra và quấn quanh một trụ thép nằm giữa một ống lớn. Chạy một lần đến những 1 vạn sui và có thể hoạt động 24 giờ trong một ngày với chế độ nhân viên chia làm hai toán thay nhau trực ngày trực đêm thì ta có thể tưởng tượng khối lượng sợi được kéo ra nhiều như thế nào.

Không những thế, người lao động làm trong những hãng này hầu hết là con cái gia đình nông dân đã bị phá sản vì kinh tế giảm phát của chính quyền Matsukata. Họ chấp nhận đồng lương cực rẻ và làm việc trong một thời gian cực dài. Giá cả thành phẩm của họ làm ra (sợi bông vải) nếu so sánh với thế giới, có thể nói là rẻ không tưởng tượng. Với cái giá đó, hàng sẽ không thể nào bị ế được. Dĩ nhiên là hãng Ôsaka Bôseki đã thành công lớn.

Thấy thế, những nông dân có của và thương nhân sống quanh vùng Ôsaka bèn nghĩ rằng họ có thể thắng đậm nếu đi theo ngành này cho nên kẻ trước người sau thi nhau mở hãng kéo sợi bông. Đó là nguyên do của hiện tượng "xí nghiệp dấy lên" (kigyô bokkô) mà chúng ta vừa nói đến bên trên.

Năm 1890 (Meiji 23), lượng sợi bông vải sản xuất trong nước đã vượt lên lượng sợi nhập khẩu và đến năm 1897 (Meiji 30) thì lượng sợi xuất khẩu lại vượt lên trên lượng sợi nhập khẩu.

Nếu việc sản xuất kéo bông đóng vai trò chính trong cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Nhật thì việc chế tơ cũng giử một vai trò quan trọng không kém.

Ngành chế tơ là ngành công nghiệp sản xuất tơ thô. Con tằm (kaiko = silkworm) lúc đầu là một ấu trùng (imomushi = ngài, moth) màu trắng. Khi nó hóa thành nhộng (sanagi = pupa) sẽ nhả tơ, quấn lại thành một cái kén (mayu = cocoon) màu trắng rất đẹp. Người làm việc chế tơ là phải luộc cái kén đó, dùng một dụng cụ để gỡ lấy và chăng ra những sợi tơ óng ả.

Tơ Nhật Bản vừa tốt vừa rẻ cho nên kể từ cuối thời Mạc phủ đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu rất được yêu chuộng. Khuynh hướng đó còn kéo dài cho đến đầu thời Meiji.

Việc lấy tơ từ kén khá dễ dàng nên ai cũng có thể làm được. Gọi là công nghiệp chế tơ nhưng chuyện đó ngay người nông dân nuôi tằm tự mình cũng có thể cáng đáng chứ chẳng cần đến nhà chuyên môn. Họ có thể dùng cả nhà riêng làm công xưởng chế tơ. Cho dù là một xưởng lớn đi chăng nữa thì nhân viên cũng chỉ độ từ 20 đến 30 người. Lúc có cuộc cách mạng kỹ nghệ, qui mô của nó cũng không vì có sự thay đổi đó mà lớn thêm.

Thế nhưng khi những máy quay tơ dùng hơi nước làm nguồn lực do ngoại quốc chế tạo được đem vào Nhật thì nó đã trở thành phương tiện làm việc chính thay cho lối quay tơ thủ công với guồng quay bằng gỗ (gọi là zakuriki, guồng quay ngồi) cổ truyền. Nhờ tiến bộ kỹ thuật này mà sức sản xuất tơ sống đã tăng lên một cách nhanh chóng. Và theo đà đó, số luợng tơ đem xuất khẩu cũng tăng theo. Kịp đến năm 1909 (Meiji 42) thì Nhật đã vượt qua Trung Quốc nhà Thanh để trở thành nước sản xuất tơ quan trọng nhất thế giới. Họ đặt biến xuất qua Hoa Kỳ. Nhân vì ngành chế tơ hoàn toàn không phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài cho nên số lượng xuất khẩu tăng lên chừng nào thì cán cân mậu dịch lại có lợi cho Nhật Bản chừng ấy. Ngành công nghiệp này đã mang đến sự dư thừa về hóa tệ cho người Nhật.

Dù thế nào đi nữa, khoảng trước sau Chiến tranh Nhật Thanh, Nhật Bản đã làm được một cuộc cách mạng kỹ nghệ nhẹ, với trọng điểm là ngành kéo sợi bông vải, sau mới tiến ra những lãnh vực khác. Chính phủ đã đứng bên cạnh để ủng hộ sự phát triển theo chiều hướng ấy. Năm 1897, Nhật bản đã ban hành bộ luật về hóa tệ (Kaheihô = Hóa tệ pháp), xác định thể chế kim bản vị.

Ta biết đến thời điểm đó Nhật Bản vẫn theo ngân bản vị. Thế nhưng các nước Âu Mỹ đã theo kim bản vị cả rồi. Do đó mà khi có được món tiền nhà Thanh bồi thường theo Hòa ước Hạ Quan (Shimonoseki, 1895, Meiji 28) để làm vốn, họ mới thừa dịp mà đổi qua thể chế kim bản vị như mọi người. Làm như thế, họ có thể phát triển mậu dịch và giúp cho giá trị hóa tệ ổn định hơn.

Thế rồi từ đó chính phủ lại thiết lập một loạt hệ thống ngân hàng gọi là ngân hàng đặc biệt (tokushu ginkô = đặc thù ngân hàng) có chức năng chi viện vốn cho một số phạm vi hoạt động. Chẳng hạn Nihon kangyô ginkô (Nhật Bản khuyến nghiệp ngân hàng), Nihon kôgyô ginkô (Nhật Bản hưng nghiệp ngân hàng),Taiwan Ginkô (Ngân hàng Đài Loan) cũng như các ngân hàng công nghiệpnông nghiệp ở các phủ huyện.

Nhờ những điều nói trên mà sau Chiến tranh Nhật Thanh, thêm một lần nữa các hãng xuởng lại mọc lên như nấm (hiện tượng "xí nghiệp bột hưng" lần thứ hai). Trọng tâm của sự phát triển này vẫn là hai ngành đường sắt và kéo sợi.

Có thể nói cũng nhân đó mà vào thời này, chủ nghĩa tư bản đã hình thành ở Nhật và từ hoạt động trung tâm là công nghiệp tơ sợi (bao gồm các ngành kéo sợi, dệt vải, chế tơ, dệt lụa). Trong lịch sử Nhật Bản, khi nói về nền kinh tế chủ nghĩa tư bản thì có thể tạm hiểu như sau:

Trong nền kinh tế ấy, người có tiền và vật dụng (nhà tư bản) vì muốn thu lợi nhuận nên mướn người lao động (là những người không có tiền hay vật dụng nhưng có sức lao động) làm việc cho mình. Người lao dộng được trả bằng đồng lương còn nhà tư bản thì dùng sức của họ để chế tạo ra vật dụng của cải, bán cho người tiêu dùng và thu lấy lợi nhuận.

Sau khi Nhật Bản đã thành công cuộc cách mạng kỹ nghệ với ngành tơ sợi thì hàng hóa của họ (tơ sợi và vải lụa) đã được đem xuất khẩu rất nhiều.Đây là một điều rất tốt cho kinh tế Nhật Bản. Tuy vậy, không phải là nó không có mặt tiêu cực.

Đặc biệt điều tiêu cực đó đã xảy ra trong ngành kéo sợi bông vải và dệt vải. Khác với ngành tơ lụa mà nguyên liệu (tằm ăn dâu) có sẳn ở Nhật, bông vải (menka = miên hoa) là nguyên liệu mà họ không có. Dù Nhật có thể sản xuất bông vải đi nữa, giá lại rất cao, không thể so sánh được với bông vải nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc hay Hoa Kỳ.Do đó, ngành kéo sợi phát triển mạnh mẽ bao nhiêu thì nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài càng tăng lên bấy nhiêu.Năm 1899 (Meiji 32), bông vải được xếp hàng đầu các mặt hàng nhập khẩu và chiếm đến 30% tổng lượng hàng nhập khẩu. Nó đưa đến sự nhập siêu (excess of imports) làm mất quân bình cán cân chi phó mậu dịch. Nhật bị thâm thủng (trade deficit). Gọi là thâm thủng vì trữ lượng vàng bạc của Nhật sẽ lần lượt hao đi và vào tay ngoại quốc.

Kèm theo hiện tượng này là hiện tượng có quá nhiều công ty được thành lập từ giai đoạn "xí nghiệp bột hưng" lần thứ hai sau Chiến tranh Nhật Thanh, chồng chất thêm vào đó những hậu quả tiêu cực sinh ra từ việc giá cổ phần tăng vọt. Năm 1900 (Meiji 33), tình hình kinh tế của Nhật xấu đi: các xí nghiệp phá sản liên tục, bắt đầu là ngành ngân hàng sau đến những ngành công nghiệp khác đều gặp khó khăn trùng điệp. Có thể xem đây là cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của chủ nghĩa tư bản Nhật.

Quá trình cuộc cách mạng kỹ nghệ của Nhật Bản

Quá trình
Đợt thứ nhất 
Đợt thứ hai
Lãnh vực Kỹ nghệ nhẹ Kỹ nghệ nặng
Công nghiệp Kéo sợi - Chế tơ - Đường sắt Luyện thép - Chế vật dụng bằng thép
Thời điểm  Trước sau Chiến tranh Nhật Thanh (1894-95) Sau Chiến tranh Nhật Nga (1904-05)

1.2 Sự hình thành kỹ nghệ nặng:

Cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Nhật đã bắt đầu với kỹ nghệ nhẹ như trọng điểm trước sau chiến tranh Nhật Thanh. Đến khi Chiến tranh Nhật Nga kết thúc, cuộc cách mạng này lại bùng lên một lần nữa. Để phân biệt hai thời kỳ phát triển, người ta gọi chúng là cuộc cách mạng kỹ nghệ đợt nhất và đợt nhì. Như chúng ta có thể thấy trên đồ biểu, trong đợt hai này, kỹ nghệ nặng của Nhật Bản đã hình thành. Đáng chú ý hơn cả là ba bộ phận luyện thép, cơ khí và đóng tàu.

Năm 1901 (Meiji 34) nhà máy luyện thép Yawata (Yawata seitetsusho) xây dựng lên với kỹ thuật của Đức, đã đi vào hoạt động. Đó là một công ty quốc doanh.Chính phủ bèn cho một công ty của Trung Quốc tên là Hán Dã Bình Công Ty [4] (một công ty chế thép dân sự) mượn một món tiền lớn và để đổi lại, công ty Trung Quốc sẽ cung cấp cho Yawata (mộ cách đọc khác của Hachiman) thiết khoáng thạch ở mỏ Đại Dã (Daye, gần Hán Khẩu) với giá rẻ. Nhờ vậy, sau Chiến tranh Nhật Nga, nhà máy thép Yawata đã được lên quỹ đạo. Sau đó, nó đã phát triển mạnh để trở thành một nhà máy luyện thép có tầm cỡ lớn đến mức độ chiếm đến 8/10 tổng số thép được chế ra ở quốc nội.

Sau chiến tranh Nhật Nga, Nhật vẫn tiếp tục tăng thuế và phát hành một số lớn quốc trái. Họ dùng tiền thu được đổ vào việc khuếch trương quân bị. Để thực hiện việc này, họ sửa chữa lại các công binh xưởng hoặc nới rộng thêm, dốc toàn lực vào việc chế tạo vũ khí ngay trong nước. Cùng lúc đã có nhiều cơ xưởng chế tạo võ khí với vốn tư nhân đã được thành lập. Tiêu biểu hơn cả là Nihon seikôsho (Nhật Bản chế cương sở). "Chế cương (steel manufacturing, iron making) nghĩa là hãng chế tạo các dụng cụ sắt thép nhưng cái tên đó không tương xứng với nội dung công việc. Chính ra, đó là một cơ xưởng chế tạo súng ống lớn nhất với vốn dân sự thành lập ở Muroran trên Hokkaidô. Nihon seikôsho ra đời được là nhờ có sự góp vốn giữa một công ty Nhật khai thác mỏ than và tàu chạy bằng hơi nước tên là Hokkaidô tankô kisen (Bắc Hải Đạo thán khoáng khí thuyền) và hai công ty chế tạo võ khí của người Anh (Amstrong và Wickers).

Về đóng tàu thì nhà nước đã nhượng lại (haraisage) công ty quốc doanh Nagasaki zôsensho (Hảng đóng tàu Nagasaki) cho Mitsubishi nên chi sau thời Chiến tranh Nhật Thanh, hãng Mitsubishi Nagasaki Zôsensho làm ăn rất phát đạt. Năm 1908 (Meiji 41), Mitsubishi đã cho đóng được một chiếc thuyền chở khách rất tráng lệ tên là Tenyômaru (Thiên Dương hoàn [5], 1 vạn 3454 tấn). Kỹ thuật đóng chiếc tàu đó được cho biết là đã đạt đến tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, trong lãnh vực công nghiệp chế tạo đồ dùng thì vào năm 1899 (Meiji 32), một xí nghiệp dân sự có tên là Ikegai tekkôsho (Xưởng công nghiệp thép Ikegai) đã được thành lập. Đến năm 1905 (Meiji 38) , hãng này đã tự sức mình hoàn toàn thành công trong việc chế tạo bàn tiện (senban = lathe) kiểu Mỹ. Bàn tiện này chuyển động bằng điện lực. Có thể nói thêm rằng việc sử dụng điện để chạy máy cũng là một đặc điểm của thời này.

Trong đợt 2 của Cuộc cách mạng kỹ nghệ Nhật Bản, các công trình điện lực lần lượt xuất hiện. Vùng đô thị bắt đầu thắp đèn điện. Thế nhưng thời đó chưa có nhiệt điện và điện nguyên tử lực, tất cả đều dựa vào thủy điện.Đến khi các cơ xưởng quen với việc dùng điện rồi thì mới mọc ra hãng chế dụng cụ điện Shibaura (nay là Tôshiba). Shibaura là tên một khu vực ven biển ở thành phố Tôkyô. Từ đó ngày cơ khí điện bắt đầu phát triển mạnh.

Cuộc chiến tranh Nhật Nga dù đem chiến thắng cho người Nhật nhưng cũng đã tác hại không ít cho kinh tế của họ.Chúng ta còn nhớ là để chuẩn bị chiến tranh, họ đã phải vay tiền dưới hình thức phát hành quốc trái và mắc nợ ngoại quốc rất nhiều. Tiền lời phải trả cho tiền vay cũng như việc nhập siêu quân nhu quân dụng và bông vải tự thời Chiến tranh Nhật Thanh, thêm vào đó, việc nhập khẩu dụng cụ nguyên liệu cho công nghiệp nặng tăng lên cấp tốc khiến cho các cân mậu dịch ngả về phía bất lợi, tất cả những điều đó khiến cho Nhật Bản lâm vào một tình huống nguy kịch trong thu chi quốc tế.

"May" cho Nhật Bản là vào năm 1914 (Taishô 3), cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. "Nhờ" cuộc thế chiến, kẻ từ năm sau , kinh tế Nhật Bản bắt đầu hưng vượng trở lại. Đó là thời "hưng thịnh nhờ thế chiến", dân chúng mừng rỡ, xem như được trời giúp nên gọi đó là tenyuu (thiên hựu). Nếu không có sự hưng thịnh mà chiến tranh thế giới đem đến, kinh tế Nhật Bản đã có thể tiêu ma đi rồi. Chúng ta sẽ bàn chi tiết về sự hưng thịnh đó trong Phần IV của Giáo trình.

Riêng về khâu xuất nhập khẩu, chúng ta có thể nêu ra đặc điểm của thời kỳ này là mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Nhật với các vùng đất họ chiếm làm thuộc địa kể từ sau trận Chiến tranh Nhật Nga. Tuy nhiên mậu dịch với các vùng thuộc địa không thể gọi bằng danh từ "xuất nhập khẩu" được.Người Nhật dùng danh từ "di xuất nhập" (ishutsunyuu) để thay vào đó mà "di" chỉ có nghĩa là "chuyển từ một nơi này đến một nơi khác". Từ Triều Tiên, họ "di nhập" gạo và "di xuất" vải, còn từ Đài Loan thì Nhật thu được rất nhiều gạo và đường thô. Lại nữa, Nhật "di nhập" từ Mãn Châu bã đậu nành (soy bean cake) và cũng như đối với Triều Tiên, họ "di xuất" vải qua đó.

Tiết 2: Sự phát sinh và những triển khai của các cuộc vận động xã hội, lao động. 
2.1 Cuộc sống của những người làm công ăn lương . Các cuộc vận động xã hội và lao động:

Những người đã đóng góp công sức để xây dựng ngành tơ sợi trong cuộc Cách mạng kỹ nghệ Nhật Bản là phụ nữ.

Chúng ta đã thấy là buổi đầu, Cuộc cách mạng kỹ nghệ này sở dĩ có được là nhờ có sự góp vốn của các tay cho vay lấy lãi cao và địa chủ ăn bám, giàu có nhờ chính sách giảm phát của chính quyền Matsukata. Cuộc giảm phát này đã làm nông dân khánh gia bại sao, nhiều nhà nông lâm vào cảnh túng quẫn.

Buổi đầu có nhiều nhà nông có ruộng riêng và tự canh tác trên mảnh đất của mình nhưng sau vì gánh quá nhiều nợ nần, họ bắt buộc bán hết đất đai và rơi xuống hàng tá điền. Tá điền lại phải trả tiền mướn đất cắt cổ, sống hôm nay không biết ngày mai. Vì lý do đó mà con gái các nhà tá điền - để kiếm kế sinh nhai cho gia đình - đã phải bắt đầu đi lao động thuê ở các hãng xưởng.

Hình thức này cũng giống như cha mẹ ép con đem bán cho các hảng xưởng. Nhiều cô gái phải lìa bỏ quê hương để đi làm rất xa.

Theo cuộc điều tra vào năm 1930 (Meiji 33) thì 88% những công nhân ngành dệt là phụ nữ. Hơn phân nữa lại dưới tuổi thành niên. Những nữ công nhân này được gọi là jokô (nữ công) hay kôjo (công nữ).

Điều kiện làm việc của các nữ công nhân rất hà khắc. Nếu muốn biết chi tiết về sự cực khổ của người lao động Nhật Bản, xin hãy đọc những cuốn sách như Nihon no kasô shakai (Nhật Bản hạ tầng xã hội, 1899) của Yokoyama Gennosuke (Hoành Sơn, Nguyên Chi Trợ, 1871-1915, một nhà đấu tranh xã hội đương thời) hay báo cáo nhan đề (Shokkô jijô = Chức công sự tình, 1903) do Bộ Nông Thương của chính phủ Nhật Bản soạn ra.
 

Vai trò của nữ công nhân trong lực lượng lao động Nhật Bản đầu thế kỷ 20
Năm 1902 1911
Ngành nghề Nam Nữ Tổng cộng Nam Nữ Tổng số 
Kéo sợi và dệt  32.699 236.457 269.156 67.128 408.257 475.385
Chế biến dụng cụ 33.379 983 34.362 67.271 3.817 71.088
Hóa học 38.615 43.683 82.298 47.159 22.414 69.573
Ẩm thực 16.837 13.316 30.153 34.202 12.922 47.124
Tạp dịch 20.729 11.579 32.308 37.831 20.123 57.954
Điện và khí đốt 475 21 496 4476 40 4.516
Khoáng sản 42.888 7230 50.118 59.321 8.924 68.255
Mọi ngành 185.622 313.269 498.891 317.388 476.497 793.885

Phụ chú: In đậm là con số đáng chú ý của lao động phái nữ.
Nguồn: Thống kê của báo Chuô Kôron, 1959, dẫn bởiAndrew Gordon, sđd, trang 100.

Điều không làm ta phải ngạc nhiên là lương thợ rất thấp. Làm nguyên tháng cũng chưa đủ tiền cơm gạo. Đó là chưa kể thời gian lao động rất dài. Trong ngành kéo sợi chẳng hạn, họ phải chia nhau làm 2 toán thay phiên canh máy nên coi như một ngày làm việc là 12 tiếng đồng hồ. Khi nào việc dồn đến thì có thể làm liên tục 24 tiếng và chuyện này không phải là hiếm.

Như thế trung bình thợ kéo sợi làm đến 15 tiếng đồng hồ một ngày, còn lúc gấp rút thường cũng phải đến 18 tiếng. Họ được lệnh ăn vội ăn vàng trong vòng 15 phút. Ngoài giờ ăn, giờ làm vệ sinh cá nhân và ngủ, họ phải dành tất cả thời gian cho công việc. Nếu không đau ốm đã là một chuyện lạ.

Họ không có phòng ở riêng. Mười người chia nhau một buồng. Không gian dành cho mỗi cá nhân trong đó vỏn vẹn một chiếu tatami (khoảng 1,5m vuông đến 2m vuông). Phòng là chỗ lui về để ngủ. Dĩ nhiên cả ngày làm việc phờ người, về đến nơi chỉ lăn ra ngủ chứ làm gì còn sức quét dọn. Do đó, căn hộ của họ ở thường thiếu vệ sinh và trở thành ổ của vi trùng lao. Những nữ công nhân nào thiếu may mắn mắc phải bệnh truyền nhiễm như thế thì bị đuổi việc và cho về quê ngay chứ không hòng được chạy chữa hay hưởng bảo hiểm.

Với điều kiện làm việc như vậy, một số nữ công nhân muốn bỏ trốn nhưng chung quanh ký túc xá nhân viên, quản đốc nhà máy đã rào nhiều vòng giây thép gai và canh chừng rất cẩn mật, nhất quyết không cho họ bỏ việc. Cho dù có trốn thoát được, sau đó họ cũng bị bắt lại một cách dễ dàng và sẽ nếm mùi tra khảo. Tóm lại, họ sống chẳng khác nào những kẻ nô lệ.

Sở dĩ các nữ công nhân phải cắn răng chịu đựng chỉ vì họ còn bám víu vào đồng lương. Với sự hưng thịnh do Cách mạng kỹ nghệ đem tới, con số người lao động mỗi ngày mội đông. Ở nhiều địa phương, ý thức được vai trò của mình, họ đã đoàn kết và lập thành những công đoàn, đòi hỏi giới chủ nhân (những nhà tư bản) phải tăng lương và cải thiện lối đối xử. Họ cũng không từ nan nếu phải tổ chức những cuộc đình công.

Năm 1930 (Meiji 30) đã có đến 40 cuộc đình công phát sinh trên toàn quốc. Cùng năm đó, một tổ chức mang tên Rôdô kumiai kiseikai (Lao động tổ hợp kỳ thành hội) đã ra đời."Kỳ thành hội" có nghĩa là "tập hợp của những người mong muốn thành lập", hình thức tổ chức trù bị cho hệ thống công đoàn Nhật Bản trong tương lai.

Trong số những người đề xướng thành lập công đoàn, có hai nhà trí thức là Takano Fusatarô (Cao Dã Phòng Thái Lang, 1869-1904) và Katayama Sen (Phiến Sơn, Tiềm, 1859-1933), chịu ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của những người lao động Mỹ. Tỏ ra hưởng ứng với hoạt động của hai nhân vật ấy hơn cả lại là những người thợ lành nghề trong các ngành kỹ nghệ nặng. Chính ra họ được đối xử khá tốt so với các giới lao động khác. Họ đã thành lập được Tekkô kumiai (Công đoàn thợ ngành thép) và Nihon tetsudô kyôseikai (Nhật Bản thiết đạo kiểu chính hội, Công đoàn nghiệp vụ sửa chữa đường sắt), hai tổ chức công đoàn đã có đủ sức đối kháng giới tư bản. Phong trào này sau đó lan rộng đến thành phần nữ công nhân. Năm 1930 (Meiji 36) ở vùng Irima thuộc tỉnh Ibaraki, các nữ công nhân một xưởng chế trà đã dám làm một cuộc đình công đòi tăng lương và họ đã buộc được giám đốc xưởng chấp thuận yêu sách của mình.

Trước cuộc đình công như thế của các nữ công nhân, chính phủ (nội các Yamagata Aritomo) đã ra tay đàn áp bằng cách ban bố Đạo luật trị an và cảnh sát, hạn chế việc người lao động kết hợp thành công đoàn (quyền kết xã) và đình công (quyền bãi công). Chuyện ấy đã xảy ra vào năm 1900 (Meiji 33).

Tuy nhiên, Đạo luật trị an và cảnh sát nói trên không đặt đối tượng là người lao động. Nó chỉ nhắm đến việc loại trừ những kẻ đấu tranh cho xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Đương thời mọi cuộc vận động lao động đều gắn bó chặt chẽ với vận động xã hội chủ nghĩa. Katayama Sen, người thành lập "Lao động tổ hợp kỳ thành hội" nói trên chẳng hạn, là người muốn bảo vệ quyền lợi người lao động từ lập trường xã hội chủ nghĩa, đối chọi lại giai cấp tư bản. Như thế ta thấy những nhà lãnh đạo quần chúng lao động thời bấy giờ đều là người có lập trường xã hội chủ nghĩa.

Xã hội chủ nghĩa theo họ là gì? Có thể hiểu gọn là quan niệm "mọi thứ của cải làm ra phải được chia đều cho mọi người để xây dựng một xã hội không còn có sự ngăn cách kẻ giàu người nghèo". Thế nhưng lúc đó Nhật Bản là một xã hội theo tư bản chủ nghĩa. Nay bảo rằng xã hội phải bình đẳng, giai cấp thảy đều không còn có nghĩa là gián tiếp phủ nhận cả thiên hoàng lẫn hiến pháp. Bởi vì Hiến pháp Đế Quốc Đại Nhật Bản đã qui định rằng ngôi thiên hoàng có tính thần thánh và là một thực thể bất khả xâm phạm.

Đối với chính phủ Meiji, chế độ thiên hoàng là căn bản của quốc gia. Họ không thể nào tha thứ cho những kẻ theo xã hội chủ nghĩa vì những người này dám phủ nhận sự tồn tại của thiên hoàng.Chính vì lý do đó, chính phủ trở thành quá nhạy cảm, ghét cay ghét đắng các thành phần theo xã hội chủ nghĩa, bao lần ra tay đàn áp. Đến thời Taishô (Đại Chính, 1912-1926), có phong trào "Dân chủ đời Taishô" (Taishô demokurashi) nổi lên và hưng thịnh. Lúc đó, chính phủ nhất thời có nới tay, hòa hoãn một chút. Tuy nhiên, đến đầu thời Shôwa (giai đoạn từ 1926 đến 1945) khi chủ trương nhà nước phải do quân nhân lãnh đạo (gunkoku shugi = quân quốc chủ nghĩa = militarism) bùng lên thì sự đàn áp còn dữ dội hơn xưa. Chính quyền mạnh tay với bất kể ai, dù là người theo xã hội chủ nghĩa, vô chính phủ chủ nghĩa, sau đó là cộng sản chủ nghĩa, ngay cả những thành phần tự do chủ nghĩa mà cho đến lúc đó vẫn được họ dung tha. Như thế, họ đã dồn tất cả các phong trào và chính đảng vào con đường hủy diệt.

Chuyển biến của các chính đảng [6] khuynh hướng xã hội chủ nghĩa

Thời điểm Chính đảng & tổ chức chính trị Chính đảng (phân nhánh)
1898 Xã hội chủ nghĩa nghiên cứu hội
(Nhân vật chủ trì: Kôtoku Shuusui, Abe Isoo, Katayama Sen)
1900 Xã hội chủ nghĩa hiệp hội
(Abe, Katayama)
1901 Xã hội dân chủ đảng
(Katayama, Kôtoku)
1901 Xã hội bình dân đảng
(Katayama Kôtoku)
1903 Bình dân xã (giải tán năm 1905) (Kôtoku, Sakai Toshihiko)
1906 Nhật Bản xã hội đảng
(Sakai, Katayama) 
Nhật Bản bình dân đảng
(Nishikawa Kôjirô)
1906 Nhật Bản xã hội đảng (bị cấm hoạt động vào năm 1907)
(Sakai, Katayama, Nishikawa)
1920 Nhật Bản xã hội chủ nghĩa đồng minh (bị cấm hoạt động vào năm 1921)
(Yamakawa Hitoshi, Sakai)

2.2 Vụ án "đại nghịch" và sự đàn áp những người theo xã hội chủ nghĩa:

Trở lại bối cảnh của cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Những người chủ trương xã hội chủ nghĩa được giới lao động ủng hộ cho nên kể từ khoảng năm 1898 (Meiji 31) trở đi đã có thể hoạt động một cách cụ thể như kết hợp thành đoàn thể, tổ chức.Đầu tiên các ông Abe Isoo (khuynh hướng xã hội công giáo, du học Berlin về), Katayama Sen (khuynh hướng cộng sản, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, đồng sáng lập Đảng Cộng Sản Nhật năm 1922) , Kôtoku Shuusui (nhà văn, dịch giả, khuynh hướng vô chính phủ) đã đứng ra thành lập Xã hội chủ nghĩa nghiên cứu hội.
 

Abe Isoo 
(1865-1949)
và Katayama Sen 
(1859-1933)
 Thế rồi đến năm 1901 (Meiji 34), những người thuộc khuynh hướng xã hội chủ nghĩa với ý định xây dựng một xã hội mà người lao động sẽ đóng vai trò chủ đạo, cũng như những muốn bước chân vào chính trường, nên đã thành lập một chính đảng phái xã hội đầu tiên tên là Xã hội dân chủ đảng. Những khẩu hiệu mà đảng đưa ra là: nhân loại bình đẳng, phế bỏ quân bị, công hữu đất đai và của cải, thực thi phổ thông đầu phiếu, bãi bỏ sự phân chia giai cấp vv... Thế nhưng chính phủ đã phản ứng ngay bằng cách không công nhận đảng này, áp dụng tinh thần Đạo luật trị an và cảnh sát, ra lệnh phải giải tán.

Sau đó, nhóm Kôtoku Shuusui, Sakai Toshihiko lại dựng lên Bình dân xã, ra tờ nhật báo Heimin shinbun (Bình dân tân văn) để hoạt động trong lãnh vực ngôn luận. Đặc biệt là trước sau như một, họ phản đối cuộc Chiến tranh Nhật Nga. Thế nhưng lập luận phản chiến này đã đi ngược với dư luận chung và làm cho phong trào xã hội chủ nghĩa thành ra suy thoái.

Lý do là rất nhiều trong giới lao động đã ủng hộ Chiến tranh Nhật Nga. Trước lập luận phản chiến của những người theo xã hội, chủ nghĩa, họ bèn đứng tách ra.


Nhà văn Kôtoku Shuusui (1871-1911), 
nạn nhân vụ án đại nghịch

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc Chiến tranh Nhật Nga chấm dứt, cuộc vận động cho xã hội chủ nghĩa như được hồi sinh. Năm 1906 (Meji 39), Đảng Xã hội Nhật Bản (Nihon shakaitô) đã đưọc thành lập. Khác với trường hợp của Xã hội dân chủ đảng, sự ra đời của đảng này không bị nhà cầm quyền cấm cản. Phải nói lúc đó chính quyền đang nằm trong tay nội các ôn hòa của Seiyuukai do Saionji Kimochi làm thủ tướng nên thái độ của nhà nước đối với thành phần theo chủ nghĩa xã hội tương đối khoan dung. Hơn nữa Đảng xã hội Nhật Bản cũng tuyên bố một cách ôn tồn "sẽ thực hiện xã hội chủ nghĩa trong phạm vi hiến pháp cho phép". Phải chăng vì thế mà họ không được lệnh bắt giải tán.

Dẫu vậy, năm sau lúc Đảng xã hội Nhật Bản mở đại hội lần thứ hai thì có sự đối lập sâu sắc bên trong nội bộ của họ giữa phái hành động trong khuôn khổ của nghị hội (quốc hội) và thông qua các chính sách (phái Katayama Sen) và phái hành động trực tiếp (phái Kôtoku Shuusui). Cuối cùng phái chủ trương phải có những hành động trực tiếp đã nắm ưu thế. Đến đấy thì chính phủ không nhịn nổi nữa nên ra lệnh bắt họ giải tán đảng. Chuyện này xảy ra vào năm 1907 (Meiji 40).

Truyện tranh chấp giữa hai phái trong đảng diễn ra như sau: Phái "nghị hội" muốn có đại diện của mình trong hạ viện (chúng nghị viện), rồi qua hoạt động trong quốc hội đề ra những chính sách. Tóm lại là họ muốn đấu tranh hợp pháp. Phái "hành động" thì khác. Họ muốn kêu gọi những người lao động kết hợp lại để có những hành động trực tiếp và có tính cách quần chúng như đình công bãi thị. Đối với chính phủ thì phái sau là những phần tử quá khích.

Trong kỳ đại hội đảng nói trên, Kôtoku Shuusui đã tuyên bố: " Suốt 20 năm trời, Tanaka Shôzô [7] đã đứng trước quốc hội để tố cáo việc mỏ đồng Ashio gây nên ô nhiễm mà có làm lay chuyển gì được những người khai thác mỏ ấy đâu!" Ngược lại, các công nhân mỏ Ashio không phải chỉ cần đình công có 3 hôm chẳng đã làm giới chủ mỏ (nhóm tài phiệt Furukawa) thay đổi thái độ là gì!". Nhờ việc tố cáo sự ù lì của quốc hội mà ông đã có sự đồng tình dẫn đến thắng thế trong đảng.

Riêng nhân vật Tanaka Shôzô là một người đáng lưu ý vì coi như suốt một cuộc đời, ông đã đứng ra để bênh vực kẻ yếu và chống lại quyền lực của các đại xí nghiệp. Ông được xem như một anh hùng trong lịch sử Nhật Bản. Cuộc đời ông đã được nhiều tác giả viết lại và ca ngợi. Còn Vụ mỏ đồng Ashio là một vụ án về ô nhiễm môi trường sinh thái đầu tiên và quan trọng nhất trên đất Nhật. Nhóm chính thương (nhà buôn thân cận chính quyền) của Furukawa Ichibê (Cổ Hà, Thị Binh Vệ) đã bắt tay vào việc khai thác mỏ đồng Ashio ở tỉnh Tochigi (vùng Utsunomiya) từ đầu thời Meiji. Họ đã tích cực điều tra mạch khoáng và dùng những máy móc cắt đá và luyện kim tối tân để đến thập niên Meiji 20 thì lấy ra một lượng đồng quan trọng. Thế nhưng trong quá trình khai quặng và tinh chế đồng, mỏ đã thải ra những chất độc hại xuống con sông Watarase trong vùng. Cá chết hết, gặp mùa lụt thì dòng sông lại đưa các chất độc hại ấy vào cả ruộng vườn, gây nên thiệt hại cho hoa màu. Vậy mà dù biết có sự cố ô nhiễm môi sinh, chính phủ vẫn không đưa ra giải pháp ngăn chặn.


Tanaka Shôzô (1841-1913)

Tanaka Shôzô là một nghị viên hạ viện đại diện cho vùng Tochigi cho nên hơn ai hết, ông thấy có bổn phận phải tố cáo vụ nhiễm độc do mỏ đồng Ashio tạo ra và yêu cầu chính phủ giải quyết. Thế nhưng dù ông có gào thét thế nào trong quốc hội, cả chính phủ lẫn tài phiệt Furukawa vẫn bình chân như vại.Sự thất bại của ông đã được Kôtoku Shuusui trưng ra làm bằng chứng cho lập luận của mình trong kỳ đại hội đảng lần thứ hai của họ vậy.

Về sau vì thất vọng với quốc hội, chính Tanaka Shôzô cũng đã từ chức đại biểu quốc hội.Sau đó ông ly hôn để vợ mình khỏi bị liên lụy trước khi đâm đơn tố cáo gửi thẳng cho Thiên hoàng Meiji (1900, Meiji 33). Nhờ có hành động này mà các phương tiện truyền thông đã làm rầm rộ lên vụ án mỏ đồng Ashio, tạo nên một vấn đề xã hội cực kỳ to tát.Lúc đó, chính phủ mới bắt đầu nghĩ đến việc can thiệp để đề phòng ô nhiễm.

Thế nhưng, tiếng là đề phòng ô nhiễm, chính phủ vẫn không ban lệnh cho tài phiệt Furukawa phải ngưng việc khai thác mỏ. Họ chỉ bắt phải san bằng (làng) Yanakamura, lấy đất làm địa điểm xây một hồ chứa nước lớn để điều hòa mực nước khi có lũ, đem nước ô nhiễm ra xa không gian sinh hoạt đôi chút thôi. Tanaka lấy làm tức tối, bèn cùng dân chúng Yanakamura liều chết chống lại lệnh cưỡng chế triệt thoái của chính phủ. Việc bảo vệ và phục hồi Yanakamura chưa thành thì Tanaka đã mắc chứng ung thư bao tử và qua đời. Lòng tin vào chính nghĩa việc mình làm của Tanaka Shôzô quả là một ví dụ hiếm hoi.

Sau đây xin trở lại phong trào vận động cho xã hội chủ nghĩa.

Năm 1908 (Meiji 41), đã xảy ra một biến cố lịch sử gọi là Vụ cờ đỏ (Akahata jiken = Xích kỳ sự kiện). Tháng 6 cùng năm lại xảy ra việc bắt bớ các nhân vật như Sakai Toshihiko (1870-1933), Arahata Kanson (1887-1981), Ôsugi Sakae (1885-1923) thuộc phái trực tiếp hành động vì họ đã ngang nhiên phất cờ đỏ ngoài đường. Dĩ nhiên cờ đỏ tượng trưng cho xã hội chủ nghĩa.

Lúc bấy giờ vẫn là thời Nội các Saionji Kinmochi. Thế lực quan liêu thuộc cánh Yamagata Aritomo bèn tố cáo: "Để cho những kẻ theo xã hội chủ nghĩa hành động như vậy là trách nhiệm của nội các Saionji vì đã tỏ ra quá dễ dãi với chúng!"Thiên hoàng Meiji cũng tỏ ra không ưa thích gì việc phất cờ đỏ. Vì lý do đó mà nội các Saionji phải tổng từ chức.

Người lập nội các tiếp theo là Katsura Tarô. Như cũng ta đã có dịp bàn đến, đây là thời đại Quế viên (Katsura-Saionji) khi hai chính trị gia này nhiều lần thay phiên nhau làm thủ tướng.Katsura là người được phái bảo thủ gồm có quan liêu, quí tộc và quân nhân ủng hộ nên đã tỏ ra rất nghiêm khắc với những thành phần theo xã hội chủ nghĩa. Chỉ vì tội phất cờ đỏ ngoài đường thôi mà những người theo xã hội chủ nghĩa này đã lãnh án cao nhất là khổ sai 2 năm rưỡi.

Thế rồi để nhổ cỏ tận gốc, năm 1910 (Meiji 43), lợi dụng việc phát giác một âm mưu ám sát thiên hoàng, chính quyền đã lùng bắt một số lớn những người theo xã hội chủ nghĩa. Những người xã hội chủ nghĩa (26 người) không can dự gì đến kế hoạch cũng bị bắt và khởi tố. Tất cả đều xem như là có tội, 12 người trong bọn lãnh án tử hình.

Trên thực tế thì hình như âm mưu ám sát Thiên hoàng Meiji là có thực nhưng dính líu đến âm mưu đó chỉ có một số người.Người bị coi như chủ phạm, Kôtoku Shuusui, chỉ là người biết có kế hoạch đó nhưng ông không hề can dự. Việc ngụy tạo nên một vụ án như vậy là một kế hoạch mờ ám và nghiệt ngã, không xứng đáng với hành vi của một quốc gia cận đại văn minh. Đó là một điểm hoen ố trong lịch sử chính phủ Meiji.

Điều ấy không tránh được việc có một luồng dư luận đi ngược lại. Dư luận ấy cho rằng đấy chẳng qua là chứng cứ của việc chính phủ thực tình hoảng sợ trước phong trào vận động xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, ở Nga lúc đó,cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sắp bùng nổ đến nơi và Nga lại ở sát nách Nhật. Đúng như thế, chỉ cần vài năm sau là chế độ của Sa hoàng đã băng hoại, nhà nước Xô viết ra đời (1917, Taishô 6). Lúc đó cả nhà Hoàng đế Nicolai II đã bị giết trọn không xét xử. Nếu đưa cả những dữ kiện đó vào cuộc tranh luận thì tuy không đồng quan điểm với quyền lực chính trị Nhật Bản đương thời, ta cũng có thể hình dung ra được vụ ngụy tạo ra vụ án nói trên đã phát xuất từ sự sợ hãi của họ đối với những thành phần xã hội chủ nghĩa.

Vụ án vừa kể được biết đến dưới cái tên Vụ án đại nghịch (Taigyaku jiken). Xưa nay ở Nhật, tội nào phạm đến hoàng gia thì gọi là tội đại nghịch (giết vua là thí nghịch). Vì vụ án trên xảy ra nên phong trào vận động xã hội chủ nghĩa ở Nhật đã bị một đòn trí mạng khiến cho từ đó cho đến khi Cuộc thế chiến lần thứ nhất bắt đầu (1914, Taishô 3), sự phát triển của phong trào hoàn toàn bị đình đốn. Người ta gọi đó là giai đoạn mùa đông (fuyu no jidai) của phong trào.

Cần nói thêm rằng lợi dụng biến cố này, trong Tổng Cục Cảnh Sát của nhà nước đã đặt ra một bộ phận đặc biệt cao cấp, tục gọi là Tokkô (Đặc cao) để kiểm soát trị an về mặt tư tưởng. Bộ phận Tokkô này, trong giai đoạn chính quyền quân sự thời Shôwa, đã đóng vai trò đầu não trong việc kiểm soát tư tưởng của quốc dân. Những suy nghĩ nào không phù hợp với chủ nghĩa dân tộc (nationalism), chủ nghĩa quân sự (militarism) và chủ nghĩa quốc túy (ultra-nationalism) đều bị xoi mói tách bạch, còn những ai dính dáng tới nó đều bị bắt và tống giam. Do đó dân chúng thời đó rất khiếp sợ vì phải sống trong sự khủng bố tinh thần một cách thường trực.
 

Mở ra và khép lại

Với cuộc Duy Tân, Nhật Bản đã mở ra với thế giới. Kể từ đó, lịch sử Nhật Bản trở thành một phần của thế giới sử. Ngoài những nhà truyền giáo, nhà ngoại giao, cố vấn quân sự, thương nhân, chuyên viên (người Yatoi), cũng còn có những người du khách đến Nhật với những mục đích khác hay chỉ biết Nhật Bản một cách gián tiếp. Qua những chứng từ của họ, ta có thể hiểu thêm về lịch sử của thời Meiji. Sau đây là một bản tóm lược những nhân vật và sử liệu đáng chú ý (cùng thời và đến sau nhưng có liên quan đến giai đoạn này). Đôi chỗ có thể lập lại những gì đã nói bên trên:

Tên họ Quốc tịch Tác phẩm Phát hành Đặc điểm
Ivan.Aleksandrovich . Goncharov

(1812-91)

Nga Ký sự hàng hải trong chuyến đi Nhật 1858 Người từng làm bí thư cho đề đốc Putiatin từ 1852 đến 1854.
Sir Rutherford Alcock

(1809-1897)

Anh Kinh đô của đại quân (The capital of the tycoon) 1863 Nhà ngoại giao từng tham dự các cuộc thương lượng với mạc phủ từ 1864 đến 1871.
Sir Ernest .Mason Satow

(1843-1929)

Anh Cuộc duy tân Meiji dưới mắt một nhà ngoại giao
(A diplomat in Japan)
1921 Thông dịch viên Bộ Ngoại giao Anh, Giỏi tiếng Nhật và nắm được các vấn đề chính sách.
William.Elliot. Griffis

(1843-1928)

Mỹ Hoàng quốc (The Mikado's Empire) 1876 Đã dạy học ở Fukui và Tôkyô như người Yatoi 870-72) và trở lại viếng thăm Nhật năm 1926-27.
Hoàng Tôn Hiến

(1848-1905)

Trung Quốc Nhật Bản tạp sự thi 1879 Đổ Cử nhân, bí thư cho Công sứ đầu tiên của Trung Quốc (Hà Như Chương) tại Nhật.
Isabella Bird Bishop

(1831-1904)

Anh Viếng thăm vùng sâu Nhật Bản (Unbeaten tracks in Japan) 1880 Con gái nhà truyền giáo, đã nhiều lần thăm viếng Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu, Trung Quốc, Ấn Độ...
P.ercival Lowell 

(1855-1916)

Linh hồn của vùng Cực đông (The soul of the Far East) 1888 Cố vấn ngoại giao, thông hiểu Triều Tiên Nhật Bản và quan tâm đến các vấn đề tâm linh.
Pierre Loti

(1850-1923)

Pháp Dăm mẫu chuyện về mùa thu Nhật Bản
(Japoneries d'automne)
1889 Sĩ quan hải quân và nhà văn Pháp. Sống trong quân đội trên 40 năm. Đã ghé Yokohama, Nagasaki, Kobe.
Basil Hall. Chamberlain

(1850-1935)

Anh Ghi chép về Nhật Bản
(Things Japanese)
1890 Nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, văn học. Nguyên giáo sư ngôn ngữ học Đại học đế quốc Tôkyô. Sau sống ở Suisse.
Lafcadio Hearn

(1850-1904)

Ái nhĩ lan và Nhật Những chuyện về một Nhật Bản ít ai biết

(Glimpses of Unfamiliar Japan)

1894 Nhà văn và nhà giáo đại học Tôkyô người Ái Nhĩ Lan gốc Hy Lạp. Tên Nhật là Izumi Yakumo. Nổi tiếng với Kaidan (Quái đàm) kể chuyện ma quái.
Mary Crawford Fraser (1851-1922) Mỹ Hồi ký của vợ một nhà ngoại giao
(A diplomatist's Wife in Japan - Letters from Home to Home.)
1899 Người Mỹ có văn hoá Anh-Pháp.Theo chồng, nhà ngoại giao Hughes Fraser, đến Nhật.
Ludwig Riess

(1861-1928)

Đức Ghi chép vụn vặt về Nhật (Allerlei aus Japan) 1905 Được chính phủ Meiji mời làm giáo sư lịch sử địa lý Đại học Tôkyô (1887-1902). Sau về Đúc dạy ở Berlin.
Mustapha Kâmil Pacha

(1874-1908)

Ai Cập Mặt trời mọc
(Al Sham al-Mushriqa)
1904 Tốt nghiệp Đại học Toulouse Pháp. Nhà vận động độc lập dân tộc.Đề cao chiến thắng của Nhật trước Nga như tấm gương cho khối Ả Rập.
Ernest.Francisco. Fenollosa

(1853-1908)

Mỹ Luận về mỹ thuật Á Đông (Epochs of Chinese and Japanese Art: Outline of East Asiatic Design) 1912 Giáo sư Đại học Tôkyô trong nhiều năm và nhiều lĩnh vực nhưng quan tâm về nghệ thuật. Có công bảo tồn bảo tàng văn hóa Nhật Bản.
Edward Sylvester . Morse

( 1838-1925)

Mỹ Chuyện từng ngày ở Nhật (Japan Day by Day, 1877-79, 1882-83) 1917 Học giả ngành khảo cổ học. Đã phát hiện ra gò vỏ sò (kaizuka). Nghiên cứu và sư tầm về đồ gốm Nhật Bản. 
Erwin von .Baelz

(1849-1913)

Mỹ Nhật ký (Das Leben eines deutschen Arztes im erwachenden Japan) 1876-1905 Giáo sư y khoa Đại học Tôkyô (1876-1902) và ngự y (1902-05). Phát hiện ra cái bớt xanh của người thuộc chủng tộc Mông cổ. Có vợ Nhật.

Kiến thức về Nhật Bản mà những người nói trên không những đã giúp họ hiểu thêm về một vùng đất và những con người xa lạ mà còn giúp họ nhìn lại chính mình, nhất là những người Tây phương, cho đến lúc đó, vẫn xem Đông Tây như hai thế giới cao thấp khác nhau và không bao giờ gặp nhau (R.Kipling)

Ngoài ra, để kết thúc Phần III của quyển sách này cũng như khép lại thời Meiji, hãy nhắc tới cái chết của Thiên hoàng Meiji năm 1912 sau 45 năm ở ngôi, và thiết tưởng nhân đó nên nhắc tới Đại tướng Nogi Maresuke ( Nãi Mộc, Hy Điển, 1849-1912) người đã cùng vợ tuẫn tử để theo chủ về bên kia thế giới.

Tướng Nogi xuất thân con nhà phiên sĩ Chôshuu. Năm 1877, ông là sĩ quan tham gia Chiến dịch Tây Nam, kịch chiến với quân Saigô Takamori ở Kumamoto, có lần bị địch đoạt mất lá cờ của liên đội. Ông xin tự sát để chuộc lỗi ấy nhưng Thiên hoàng Meiji từ chối. Sau đó, ông sang Đức du học. Về nước tham dự Chiến tranh Nhật Thanh với tư cách Sư đoàn trưởng. Năm 1896, là Trung tướng trong đạo quân chiếm đóng Đài Loan rồi đảm nhận chức vụ Tổng Đốc trên đảo.Năm 1904, lại tham gia Chiến tranh Nhật Nga với vai trò Đại tướng Tư lệnh quân đoàn 3, có nhiệm vụ tiến chiếm Lữ Thuận. Ba lần tấn công không thành, làm thiệt mạng hàng vạn binh sĩ và có lúc bị Tổng tư lệnh Kodama Gentarô lấy lại quyền chỉ huy.Tháng 1 năm sau (1905) chiếm được Lữ Thuận, tham gia tấn công Phụng Thiên. Năm 1906, khải hoàn về nước, được bổ vào chức tham nghị về quân sự và các nhiệm vụ giáo dục, kiêm nhiệm cả chức Viện trưởng Gakushuuin (Học Tập Viện, 1907) đào tạo con em quí tộc.Năm 1912, cùng vợ là phu nhân Shizuko tự sát theo Thiên Hoàng để chứng tỏ mình muốn lãnh lấy trách nhiệm đã làm mất cờ chiến và để thiệt mạng binh sĩ . Chú ý là việc tuẫn tử đã bị cấm từ thời Edo.

Tin về cái chết của ông đã gây xúc động cho người Nhật đương thời, gây dao động trong giới trí thức như Mori Ôgai, Natsume Sôseki. Kẻ tán thành, người phản đối nhưng chắc chắn là cùng với tướng Nogi Marusuke, cung cách ứng xử của một thời đại đã ra đi.


Đại tướng Nogi Maresuke (1849-1912)
Nhìn lại lịch sử nửa thế kỷ cuối mạc phủ đầu duy tân (thập niên 1860 đến thập niên 1900), ta có thể rút ra một số bài học như sau:

1) Cuộc Duy Tân Minh Trị không xảy ra ngày một ngày hai mà đã được chuẩn bị lâu dài trong dân chúng sau gần 3 thế kỷ hàm dưỡng quốc lực với Mạc phủ Edo mà 100 năm cuối cùng chứng kiến sự xoi mòn của quyền hành bên trong và sự uy hiếp từ bên ngoài. Đoàn tàu đen của Đề đốc Perry chỉ là mồi điểm hỏa.Và cũng không làm sao quên được những lời nói và hành động cảnh báo của Ôshio Heihachirô, Hayashi Shihei, Watanabe Kazan, Takano Chôei...

2) Trước sự tồn vong của quốc gia, nhiều chí sĩ Nhật Bản đã can đảm đứng ra khuấy động dư luận, đương đầu với những khó khăn và có khi mất mạng vì họ tin tưởng có gì bền lâu hơn chính cuộc đời của cá nhân mình. Đó là trường hợp của Yoshida Shôin, Hashimoto Sanai, Sakuma Shôzan, Sakamoto Ryôma vv...

3) Có những kẻ chiến thắng nhưng không theo kịp nhịp đập của thời đại lại trở thành chiến bại (Saigo Takamori, Etô Shinpei). Những kẻ chiến bại nhưng lại đứng được trong hàng ngũ chiến thắng vì có cái nhìn đúng đắn về thời cuộc (Katsu Kaishuu, Enomoto Takeaki).

4) Những nhà cầm quyền muốn thi hành một chế độ độc tài sáng suốt như Ôkubô Toshimishi, người hâm mộ Bismarck, lúc thế cùng cũng đã phải ngồi chung bàn với thành phần đối lập. Những người này (Itagaki Taisuke, Ôkuma Shigenobu) cũng không khăng khăng cố thủ lập trường, tiết tháo của mình mà chấp nhận lời kêu gọi hợp tác. Đó là ý nghĩa của Hội đàm Ôsaka dẫn đến chế độ lập hiến.

5) Điểm son của Nhật Bản là biết nhịn nhục để tìm thầy học hỏi. Tận dụng khả năng của người Yatoi, gửi nhân tài ra nước ngoài du học, đặt ưu tiên cho việc thành lập cơ sở giáo dục và khoa học kỹ thuật để có thể mau chóng tự lực tự cường.

6) Tuy nhiên, một quốc gia tân hưng cũng có thể đi theo vết bánh xe đổ. Nhật Bản khi được nhập bọn với các quốc gia tiên tiến đã đi hà hiếp lại những nước yếu hơn mình (Đài Loan, Triều Tiên, Lưu Cầu), vội quên đi những khổ nhục mà mình vừa nếm trải. Do đó, cuộc Duy Tân dù thành công vẫn có những chỗ hời hợt, bất cập, đáng trách.

(Hết Phần Ba)

Bắt đầu ngày 12/10/2012
Tạm hoàn tất ngày 19/02/2013
Phụ Lục:

Đối chiếu lịch sử Âu Á và Nhật Bản cuối Mạc Phủ đầu Duy Tân
 
Niên đại Âu Mỹ Trung Quốc Triều Tiên

Việt Nam

Nhật Bản
1840 Đường điện tín nối liền Baltimore với New York (1944).

Nữ hoàng Victoria bắt đầu cai trị ở Anh (1837-1901)

Chiến tranh Nha Phiến kết thúc (1839-42) Vua Minh Mạng băng (1820-40),
 

vua Thiệu Trị lên nối ngôi (1841)

Cuộc cải cách năm Tenpô (1841-43) của Mizuno Tadakuni.
 

Ngư dân Nakahama (John) Manjirô đắm tàu được tàu Mỹ cứu (1841).

Lệnh đuổi tàu nước lạ (1842).

Lệnh đuổi dân di trú Edo về quê (1843)

Tàu Hà Lan đến Nagasaki đem quốc thư yêu cầu Nhật mở cửa (1844).

Nhật thiết lập đồn binh trên đảo Chishima (Kurils, 1844).

1845 Vua Tự Đức kế vị vua Thiệu Trị (1847) Nhật ra lệnh canh chừng bờ biển vì tàu đánh cá voi và chiến hạm ngoại quốc lảng vảng (1846)
1850 Đoàn chiến thuyền 4 chiếc của Đề đốc M. Perry đến Uraga ngoài khơi Edo (1853).

Phó đô đốc Nga Evfimii đến Nagasaki với soái hạm Pallada và 4 chiến thuyền (1853)

Bảy chiến thuyền của Perry neo trong vịnh Tôkyô (1854).

Phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850)

Hoàng đế Đạo Quang băng hà và Hàm Phong nối ngôi

(1850-61)

Hiệp ước hòa binh và giao hiếu Nhật Mỹ ở Kanagawa (1854) tiếp theo bằng cách hòa ước với Anh (1854), Nga (1855) và Hà Lan (1856). 
1855 Anh hoàn toàn kiểm soát được Ấn Độ (1858).

De Lesseps bắt đầu đào kênh Suez (1859)

Charles Darwin ra sách nghiên cứu về nguồn gốc các loài và giống (1859)

Bắt đầu đào Kênh Suez (1859-1869).

Bismarck trở thành Thủ tướng Đức (1862)

James Curtis Hepburn làm từ điển Anh Nhật (1867).

Trung Quốc ký Hòa ước Thiên Tân với Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ (1858)

Điều ước Bắc Kinh với Anh, Pháp và Nga (1860)

Quân Pháp chiếm Đà Nẵng (1858) và Gia Định (1859). Cuộc đại địa chấn năm Ansei (1855).

Khai giảng Trường huấn luyện thủy quân Nagasaki (1855).

Lập Sở điều tra tin tức và dịch sách nước ngoài (Bansho shirabesho, 1856).

Công sứ Townsend Harris đến Shimoda để điều đình hòa ước Hữu nghị và giao thương, 1856).

Yoshida Shôin mở trường Shôka Sonjuku đào tạo nhân tài cho Chôshuu (1856).

Xây lò phản xạ để chế thép ở Izu (1857).

Vụ đại ngục năm Ansei do Ii Naosuke chủ trì (1858-60)

1860 Sứ bộ mạc phủ đến Mỹ để phê chuẩn Hòa ước Harris (1860).

Tranh Ukiyo-e xâm nhập làng họa Âu Mỹ (khoảng 1860 trở đi).

Nội chiến Nam Bắc ở Hoa Kỳ (1861- 65).

Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ (1863)

Nước Ý thống nhất (1861).

Đê Nhất Lao Động Quốc Tế thành lập ở London (1864)

Hoàng đế Đồng Trị (1861-74) Choe Jae-u sáng lập Đảng Tonghak (đông học) (1860).
 

Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ. Hòa ước Nhâm Tuất (1862)
 

Vua Kôjong (Cao Tông) lên ngôi (1863)

Vụ ám sát Ii Naosuke ở cửa Sakuradamon (1860).

Tờ báo tiếng Nhật đầu tiên (1862).

Âm mưu sát hại Ando Nobumasa (vụ Sakashitamongai, (1862).
 
 
 

Vụ Richardson, võ sĩ phiên Satsuma giết người Anh (1863).

Vụ tàu Anh pháo kích Kagoshima (1863)

1865 Karl Marx phát hành tập 1 cuốn Tư Bản Luận (1867) Phương Tây xâm chiếm đảo Ganghwa (Giang Hoa, 1866).

Pháp thám hiểm sông Mekong (1866) và chiếm 3 tỉnh Tây Nam Kỳ (1867).

Liên minh Satsuma - Chôshuu thành lập để đảo mạc (1866).

Shôgun Yoshinobu trao trả chính quyền cho thiên hoàng (1867).

Cuộc nội chiến Boshin (1868-69).

Cuộc Minh Trị duy tân bắt đầu (từ (1868)

Thành lập Daijokan điều hành việc nước (1868).

Các lãnh chúa trao trả đất đai cho triều đình (1869)

1870 Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-71).

Nước Đức thống nhất . Wilheim I lên ngôi hoàng đế (1871).

Công hoà Tây Ban Nha vắn số (1873-74).

Nhật tiến chiếm Đài Loan (1874)

Hoàng đế Quang Tự (1874-1908)

Tây Thái Hậu nhiếp chính (1874-89) 

Mỹ xâm chiếm đảo Giang Hoa (1871).

Pháp đánh Bắc Kỳ lần tứ nhất (1873).

Hòa ước Giáp Tuất (1874)

Sắc chiếu qui định Thần đạo là

cơ sở tư tưởng của nhà nước (1870).

Người bình dân có quyền mang họ (1870).

Thành lập kim bản vị (1871).

Lệnh cắt tóc và cấm đeo gươm ngoài phố (1871).

Phái bộ Iwakura sang Âu Mỹ 18 tháng (1871).

Khai thông tuyến đường sắt Shinbashi - Yokohama (1872).

Pháp lệnh về giáo dục (1872).

Bắt đầu dùng lịch mặt trời (1873).

Nhật mướn người Yatoi (1874)

1875 Graham Bell phát minh máy điện thoại (1876) Ký điều ước đảo Giang Hoa (1876) Những cuộc nổi dậy của giới sĩ tộc (1876).

Loạn Satsuma bị đập tan, Saigô Takamori tự sát (1877).

Ôkubo Toshimichi bị ám sát bởi kẻ khủng bố thuộc nhóm sĩ tộc (1878).

1880 Giáo dục nghĩa vụ không lấy học phí ra đời ở Pháp (1882) Lý Hồng Chương lập ra hải quân (1880).

Chiến tranh Thanh - Pháp (1883-85). Nhà Thanh nhìn nhận Việt Nam là thuộc địa của Pháp.

Thời các vua ngắn ngủi: Hiệp Hòa (1883),

Kiến Phúc (1883)

và Hàm Nghi (1884)

Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai (1882).

Hiệp ước Harmand (1883).

Phong trào nông dân Yên Thế (1883-1913)

Hiệp ước Patenôtre (1884)

Đồng minh tranh đấu thành lập quốc hội ra đời (1880).

Đảng Tự Do (chính đảng đầu tiên) thành lập (1881).

Chính sách tài chính giảm phát của Matsukata (1881)

Đảng Lập hiến Cải Tiến ra đời (1882).

1885 Người Nhật lần đầu tiên di dân sang Hawai (1885)

Anh thôn tính Myanmar (1886).

Đệ nhị quốc tế lao động thành lập ở Paris (1889)

Phong trào Cần vương bùng nổ (1885)

Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (1887).

Futabatei Shimei viết tiểu thuyết kiểu mới Ukigumo (1887)

Xu mật viện được thành lập (1888).

Hiến pháp Đế quốc Đại Nhật Bản được phê chuẩn (1889).

1890 Sa hoàng Alexander III ra chiếu chỉ xây dựng đường sắt xuyên Siberia (1891).

Pháp chiếm Lào (1893)

Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. TBN phải nhường Guam, Puerto Rico và Phi-líp-pin cho Hoa Kỳ (1889) . Hoa Kỳ chiếm Hawai (1898)

Tôn Văn tổ chức Hưng Trung Hội ở Hawai (1894).

Tôn Văn thất bại ở Quảng Châu, trốn sang Nhật (1895)

Trung Quốc cho Nga mướn Lữ Thuận và Đại Liên (1898)

Loạn Đảng Đông Học (Tonghak, 1893) ở Triều Tiên. Nhật can thiệp vào năm 1894.

Pháp thành lập Bộ Thuộc Địa. Đông Dương trực thuộc bộ này (1894)

Mori Ôgai viết Maihime mở đường cho văn xuôi kìểu Tây phương (1890).

Cuộc tuyển cử quốc hội đầu tiên (1890)

Giáo dục sắc ngữ buộc học sinh trung thành với thiên hoàng (1890).

Quốc hội họp khóa đầu tiên (1890)

Vụ Ôtsu, Hoàng thái tử Nga bị thương (1891).

Tanaka Shôzô đặt vấn đề ô nhiễm mỏ đồng trước quốc hội (1891).
Hiệp ước thương mại Nhật Anh cải chính điều khoản bất bình đẳng năm 1866 (1894)

Chiến tranh Nhật Thanh (1894-95)

1895 Đài Loan trrở thành thuộc địa Nhật theo Hỏa ước Shimonoseki (1895) Quân đội Nhật tại Triều Tiên ám sát bà Mẫn phi (1895).

Phong trào Cần Vương suy vong (1896).

Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914).

Hòa ước Shimonoseki giữa nhà Thanh và Nhật (1895).

Tam quốc can thiệp, buộc Nhật nhả Liêu Đông (1895)

Shokkô giyu utai, công đoàn Nhật Bản đầu tiên (1897)

Đảng Kensei (Hiến Chính) được thành lập (1898)

Hội nghiên cứu xã hội chủ nghĩa ra đời (1899).

1900 Loạn Nghĩa Hòa Đoàn ở vùng Bắc Thanh (1900). 

Nga tranh chấp ảnh hưởng của Nhật ở Mãn Châu.

Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu (1904) và Duy Tân Hội. Đạo luật Trị an và cảnh sát bắt đầu có hiệu lực (1900).

Đảng cực hữu Hắc Long thành lập, ủng hộ việc Nhật Bản bành trướng (1901).

Đảng dân chủ xã hội thành lập (1901).

Hãng chế thép Yawata đi vào hoạt động (1901). 

Kôtoku Shuusui và Sakai Toshihiko công bố bản dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản của Marx và Engels sang tiếng Nhật (1904).

Chiến tranh Nhật Nga bắt đầu (1904-05).

1905 Albert Enstein ra tuyên bố về thuyết tương đối (1905) Tôn Văn tổ chức Trung Quốc Đồng Minh Hội ở Tôkyô (1905).

Khoa cử bị bãi bỏ (1905)

Tây Thái Hậu chết (1908) ụụ

Nhật Bản lập Phủ Thống Giám (1906).

Đông Kinh Nghĩa Thục (1907).

Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1908).

An Jung Geun (An Trọng Căn) ám sát Itô Hirobumi (1909).

Hòa ước Portsmouth kết thúc Chiến tranh Nhật Nga (1905)

Hiệp ước Nhật Hàn 2 đưa dần đến việc Nhật bảo hộ Hàn (1905).

Vua Kôjong bị ép ký hiệp ước Nhật Hàn 3 (1907).

1910 Roald Amundsen đặt chân lên Nam Cực (1910).

Niel Bohr giải thích được cơ cấu của nguyên tử (1913).

Kênh đào Panama hoàn thành (1914).

Đại công tước Ferdinand bị ám sát ở Sarajevo. Thế chiến thứ nhất bùng nổ (1914).

Cách mạng Tân Hợi thành công ( 1911).

Tôn Văn làm Lâm thời Đại Tổng Thống (1912).

Viên Thế Khải chính thức làm Tổng thống (1912)

Triều Tiên mất chủ quyền (1910) Nhật Bản thôn tính Triều Tiên (1910), mở màn cho 35 năm chính quyền thuộc địa.

Luật bảo hộ lao động ở hãng xưởng (1911).

Thiên hoàng Meiji băng hà (1912) - Thiên hoàng Taishô chính thức lên ngôi (1913).

Tư Liệu Tham Khảo Chính (cho tất cả 4 phần): 
1) Aida Yasunori, Kawai Atsushi et al., 2001, Nabigetaa Nihonshi B (Hướng dẫn học lịch sử Nhật Bản B, 4 quyển từ 1 đến 4), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô.

2) Ban biên soạn giáo trình Hàn quốc học, 2005, Lịch sử Hàn Quốc, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Seoul, Đại Hàn.

3) Ban biên tập Yamakawa, 2008, Shôsetsu Nihonshi Zuroku (Giảng nghĩa lịch sử Nhật qua đồ biểu và hình ảnh), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô (tái bản lần thứ 5, ấn bản tháng 12/2011).

4) Ban biên tập Yamakawa, 1994, Sekaishi Sôgô Zuroku (Lịch sử thế giới qua đồ biểu và hình ảnh), Nhà xuất bản Yamakawa, Tôkyô (ấn bản tháng 12/2010).

5) Dunoyer, Pierre, 2011, Histoire du Catholicisme au Japon, 1543-1945, Les Editions du CERF, Paris.

6) Đào Duy Anh, 1955, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 2011.

7) Elisseeff, Danielle, 2001, Histoire du Japon, Editions du Rocher, Paris.

8) Farris, William Wayne, 1998, Sacred Texts and Buried Treasures, University of Hawai Press, Honolulu, USA.

9) Gordon, Andrew, 2003, Japan from Tokugawa times to the present, Oxford University Press, New York-Oxford.

10) Gôtô Takeshi, 2009, Yomu dake de sukkiri wakaru Nihon chiri (Địa lý Nhật Bản dễ hiểu), Takarashima xuất bản, ấn bản lần thứ 7, 2010, Tokyo.

11) Hérail Francine et co., 2010, Histoire du Japon des origines à nos jours, Paris.

12) Frédéric, Louis, 1996, Le Japon, Dictionnaire et Civilisation, Robert Laffont, Paris.

13) Gomi Fumihiko et al., 1998, Shôsetsu Nihonshi kenkyuu (Nghiên cứu và giải thích lịch sử Nhật Bản ), Yamakawa, Tôkyô.

14) Hiraizumi Kiyoshi, 1979, Monogatari: Nihonshi I, II, III, (Kể lại lịch sử Nhật Bản), Kôdansha Gakujitsu Bunko, Tôkyô (ấn bản 1996, lần thứ 26).

15) Kunimitsu Jirô, 1993, Monogatari: Umi no Nihonshi (Kể lại lịch sử biển của Nhật Bản) quyển I và II, Tokuma Bunko, Tôkyô.

16) Lequillier, Jean, 1966, Le Japon, Lhistoire du vingtième siècle, Editions Sirey, Paris, France.

17) Lê văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, 1697, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nội các quan bản năm Chính Hòa 18, Viện Khoa Học Xã Hội VN phiên âm và chú thích (1985-92), ấn bản điện tử Viện Việt Học, Hoa Kỳ, 2001.

18) Mason, RHP & Caiger, JC, 1997, A History of Japan, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô (bản dịch Nguyễn văn Sỹ, nhà xuất bản Lao Động), Hà Nội, 2004.

19) Nahm, Andrew C., 1988, A History of the Koirean People (Tân Hàn Quốc sử thông luận), Hollym Inrernational Corp., ấn bản lần thứ hai 1996, Seoul.

20) Nakazawa Nobuhiro, Nihon no bunka, Zukai Zakugaku (Kiến thức tổng quát về văn hoá Nhật Bản qua hình vẽ), Natsume-sha xuất bản, 2002.

21) Nihonshi Kyôiku Kenkyuukai, 2000, Story Nihon no rekishi - Kingaidaihen (Kể chuyện lịch sử Nhật Bản-Cận đại và hiện đại), Yamakawa, Tôkyô (ấn bản 2004).

22) Okada Hidehiro, 2008, Nihonshi no tanshô, Khi lịch sử Nhật Bản khai sinh), Chikuma Bunko, Tôkyô (ấn bàn lần thứ 4 năm 2009).

23) Okubo Haruo, Shigeno Takaharu, 1989, Nihon hôseishi (Nhật Bản pháp chế sử), Kôbundô, Tôkyô xuất bản.

24) Reischauer, Edwin O., 1973, Histoire du Japon et des Japonais, (Tome 2- De 1945 à nos jours), édition mise à jour et complétée par Richard Dubreuil, Editions Points, Paris (1988).

25) Reischauer, Edwin O., 1970, Japan, The Story of a Nation, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô (tái bản lần thứ 3, ấn bản lần thứ 11, 1993).

26) Sabouret, Jean-Francois, 2008, La Dynamique du Japon, De 1854 à nos jours (nouvelle éditions), Saint Simon - CNRS Editions, Paris.

27) Sansom, Sir George B., 1931, A History of Japan ( 3 quyển), Charles E. Tuttle Co, Tôkyô, (tái bản lần thứ 7, 1990).

28) Sansom, Sir George B., 1931, Japan, a short cultural history, Tuttle Publishing, Tokyo, revised editions 1952.

29) Sansom, Sir George B., 1997, The Western World and Japan, Charles E.Tuttle Co, Tôkyô, (ấn bản 1984).

30) Sieffert, René, 2007, Le Dit de Hogen - Le Dit de Heiji, Verdier Poche, France.31) Suzuki Setsuko et al. 1999, Bilingual Chronology of Japanese History, Kodansha International, Tokyo.

32) Umehara Takeshi, 2004, Nihon Bukkyô wo yuku (Theo chân Phật giáo Nhật Bản), Asahi bunko xuất bản, Tôkyô (ấn bản 2/2009).

33) Uno Naoto, Kanshi wo yomu (Nihon no Kanshi = Edo koki) (Nhật Bản Hán thi, Thời Edo hậu kỳ), NHK Radio Text, NHK xuất bản, Tôkyô 2012.

34) Waka Moritarô biên, 1963, Nihonshi no sôten (Những điểm tranh cãi trong lịch sử Nhật Bản), Mainichi Shinbunsha xuất bản, Tokyo.

Ngoài ra hình ảnh minh họa đều mượn từ các trang mạng Internet.

[1] - Quí tộc (hoa tộc) đứng bên dưới gia đình thiên hoàng nhưng giữ vị trí bên trên sĩ tộc. Họ thuộc gia đình công khanh triều đình hay các lãnh chúa cũ. Nhân vì có những người không thuộc các gia đình đó nhưng có công, được ban chức tước (công, hầu, bá, tử, nam) mới đây thôi nên có sự phân biệt cựu hoa tộc và tân hoa tộc.
[2] - Có thuyết cho là Toyoda 豊田viết theo chữ hiragana có 10 nét とよだ nên đã được sửa thành Toyotaとよた vốn có 8 nét. Số 8 là con số may mắn ở Nhật.

[3] - Tên máy kéo sợi do người Anh S.Crompton (1753-1827) chế tạo.

[4] - Hai công ty Đại Bình Hương hợp vốn lại mà thành Hán Dã Bình công ty vào năm 1908. Hán ý nói là của người Trung Quốc. Do Thịnh Hoài Viễn, người làm việc ở Hán Dương thiết sảnh giúp Tổng Đốc Hồ Quảng là Trương Chi Đồng, thành lập.

[5] - Người Nhật gọi tàu thủy là maru (hoàn) và dùng như một tiếp vĩ ngữ để chỉ đơn vị.

[6] - Tên các chính đảng, đoàn thể ở đây được sắp xếp theo thứ tự trong nguyên văn Nhật ngữ.

[7] - Tanaka Shôzô (Điền Trung, Chính Tạo, 1841-1913), một chính trị gia và nhà vận động tự do dân quyền, nghị viên ở hạ viện.Để tranh đấu cho dân quyền và chống ô nhiễm môi sinh, ông đã nhiều lần vào tù ra khám.